Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 252)

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 252)
**************** Khoa đề: “Vấn Đáp Thích Nghĩa”. Kinh văn: “A Nan văn dĩ, bạch Thế Tôn ngôn: “Nhược bỉ quốc độ, vô Tu Di sơn, kỳ Tứ Thiên Vương thiên, cập Đao Lợi thiên, y hà nhi trụ?””. Kinh văn này là nối tiếp từ đoạn phía trước mà có. Phía trước Phật đã nói qua, đã giới thiệu Thế giới Tây Phương Cực Lạc với chúng ta, không có các loại sông biển, đồi núi hầm hố, cho đến những loại như núi Thiết Vi, núi Tu Di, núi Thổ Thạch v.v… A Nan tôn giả sau khi nghe xong liền đưa ra vấn đề thế này: Nếu như Tây Phương Cực Lạc Thế giới quả nhiên không có núi Tu Di, thì Tứ Vương Thiên, Đao Lợi Thiên của Thế giới Tây Phương Cực Lạc sẽ ở nơi nào? Vấn đề này thực tại là A Nan tôn giả đã hỏi thay chúng ta. Chúng ta nghe Kinh Phật đã lâu, Phật nói với chúng ta, sự cấu thành của tất cả chư Phật Sát Độ về cơ bản đều là gần giống nhau, như là một đơn vị thế giới thì lấy tòa núi Tu Di làm trung tâm (phía trước tôi đã giới thiệu qua với các vị), trên sườn của núi Tu Di và trong ngọn núi là nơi cư trú của Tứ Thiên Vương, trên đỉnh núi Tu Di là nơi cư trú của Đao Lợi Thiên. Trong sáu tầng trời Dục giới thì hai tầng này gọi là Địa Cư Thiên, không có rời khỏi mặt đất

****************

Khoa đề: “Vấn Đáp Thích Nghĩa”.

Kinh văn: “A Nan văn dĩ, bạch Thế Tôn ngôn: “Nhược bỉ quốc độ, vô Tu Di sơn, kỳ Tứ Thiên Vương thiên, cập Đao Lợi thiên, y hà nhi trụ?””.

Kinh văn này là nối tiếp từ đoạn phía trước mà có. Phía trước Phật đã nói qua, đã giới thiệu Thế giới Tây Phương Cực Lạc với chúng ta, không có các loại sông biển, đồi núi hầm hố, cho đến những loại như núi Thiết Vi, núi Tu Di, núi Thổ Thạch v.v… A Nan tôn giả sau khi nghe xong liền đưa ra vấn đề thế này: Nếu như Tây Phương Cực Lạc Thế giới quả nhiên không có núi Tu Di, thì Tứ Vương Thiên, Đao Lợi Thiên của Thế giới Tây Phương Cực Lạc sẽ ở nơi nào? Vấn đề này thực tại là A Nan tôn giả đã hỏi thay chúng ta. Chúng ta nghe Kinh Phật đã lâu, Phật nói với chúng ta, sự cấu thành của tất cả chư Phật Sát Độ về cơ bản đều là gần giống nhau, như là một đơn vị thế giới thì lấy tòa núi Tu Di làm trung tâm (phía trước tôi đã giới thiệu qua với các vị), trên sườn của núi Tu Di và trong ngọn núi là nơi cư trú của Tứ Thiên Vương, trên đỉnh núi Tu Di là nơi cư trú của Đao Lợi Thiên. Trong sáu tầng trời Dục giới thì hai tầng này gọi là Địa Cư Thiên, không có rời khỏi mặt đất. Từ Dạ Ma trở lên thì gọi là Không Cư Thiên. Chúng ta thường hay nghe Phật nói như vậy, thế là sinh ra sở tri chướng, phân biệt chấp trước những cảnh giới này, cho nên mới đưa ra vấn đề này.

Phía sau chúng ta thấy Phật đã trả lời:

Kinh văn: “Phật cáo A Nan: “Dạ Ma, Đâu Suất, nãi chí Sắc, Vô Sắc giới, nhất thiết chư thiên, y hà nhi trụ?”. “A Nan bạch ngôn: “Bất khả tư nghị nghiệp lực sở trí””.

Thế Tôn không có trực tiếp trả lời ông, mà ngược lại hỏi ông. Trời Dạ Ma, trời Đâu Suất, phía trên còn có trời Hóa Lạc, trời Tha Hóa Tự Tại, đây đều là thuộc về Dục giới. Từ Dục Giới lại đi lên trên nữa là Sắc Giới. Sắc Giới có Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền. Từ Sơ Thiền đến Tam Thiền, mỗi một giai đoạn đều có ba tầng trời, Sơ Thiền Tam Thiên, Nhị Thiền Tam Thiên, Tam Thiền Tam Thiên. Tứ Thiền thì có chín tầng trời. Sắc Giới tổng cộng có 18 tầng trời. Lại lên cao nữa là Vô Sắc Giới, có bốn tầng trời. Cho nên, Tam Giới tổng cộng có 28 tầng trời. Từ trời Dạ Ma trở lên không dựa vào mặt đất nữa. Phật hỏi ngược trở lại ông là dựa vào cái gì mà trú? A Nan trả lời cũng rất hay: “Bất khả tư nghị nghiệp lực sở trí”. Nghiệp có nghĩa là gì? Cổ đại đức đã đưa ra một định nghĩa, “tạo tác” gọi là nghiệp. Tạo tác thông thường chia làm ba loại lớn. Tất cả chúng sanh chúng ta, mỗi ngày tạo tác ra thì không cách nào tính đếm. Nếu như nói tạo tác trong một đời của chúng ta, lại thêm vào tạo tác của nhiều đời nhiều kiếp trước, Phật đã nói với chúng ta rằng, nghiệp mà một chúng sanh tạo ra từ vô lượng kiếp đến nay, nếu như là có hình tướng mà nói thì “tận cả hư không cũng chứa không hết nổi”. Cái tỉ dụ này không quá chút nào, đích thực là chân thật.

Tạo tác sao mà lại nhiều đến như vậy? Chúng ta chỉ cần xem câu chuyện của Vệ Trọng Đạt thời nhà Tống thì có thể tưởng tượng ra được. Vệ Trọng Đạt chỉ mới có ba mươi mấy tuổi, có một ngày bị vua Diêm La bắt đi. Vua Diêm La sai bảo phán quan lấy hồ sơ ghi chép thiện ác đã tạo ra trong một đời ông. Phán quan lấy hồ sơ tài liệu ra, hồ sơ ghi chép tạo tác điều ác đã xếp đầy cả đại điện, hồ sơ tạo tác điều thiện thì chỉ có một quyển. Vua Diêm La nhìn thấy rất tức giận, sai phán quan đem hồ sơ thiện ác đi cân thử. Kết quả sau khi cân xong, đống hồ sơ tạo ác chất đầy cả đại điện thì nhẹ, quyển hồ sơ thiện thì lại nặng. Sắc mặt của vua Diêm La liền thay đổi lại.

Vệ Trọng Đạt liền hỏi vua Diêm La: “Tôi chỉ mới có ba mươi mấy, tại sao tạo ác lại nhiều đến như vậy? Các ông ghi chép, phải chăng có sự nhầm lẫn?”.

Vua Diêm La nói với ông: “Tạo nghiệp không cần phải đợi ông có hành vi, mà vừa động cái ý niệm thì đã được ghi chép vào trong hồ sơ rồi”. So với máy vi tính ngày nay còn tiến bộ hơn nhiều. Nghiệp là bao gồm tất cả khởi tâm động niệm của chúng ta. Một cái ý niệm bất thiện, tuy rằng không có thành hành vi, nhưng trong “A Lại Da Thức” thì đã là hạt giống nghiệp tập, vô cùng đáng sợ.

Vệ Trọng Đạt lại hỏi: “Vậy còn quyển hồ sơ thiện kia, rốt cuộc là cái gì?”.

Vua Diêm La nói với ông: “Quyển thiện đó chỉ là một cái tấu sớ mà thôi, khuyên can hoàng đế không nên xây dựng một công trình hao người tốn của”.

Vệ Trọng Đạt hỏi: “Tại vì sao lại có sức mạnh lớn như vậy, Hoàng đế cũng đâu có nghe theo?”.

Vua Diêm La nói: “Nếu Hoàng đế mà nghe thì công đức của ông còn lớn hơn. Ông làm cái sự việc này là từ tâm chân thành, không có tự tư tự lợi, không vì danh văn lợi dưỡng, mà là vì quần chúng trong xã hội rộng lớn, phát ra từ chân tâm, cho nên sức mạnh của việc thiện này rất lớn”.

Câu chuyện này đã cho chúng ta một sự khải thị rất lớn, cũng như trên Kinh điển mà Phật đã nói, từ vô lượng kiếp đến nay, tội nghiệp đã tạo tuy nhiều tuy nặng nhưng không đáng sợ, mà đáng sợ là không thể thật lòng hối cải. Tâm chân thành hối cải, từ nay về sau đoạn ác tu thiện quyết định có thể bù đắp được. Con người chỉ cần chịu quay đầu, chân thật quay đầu, triệt để quay đầu thì sẽ tương ưng với tâm Phật, thì có thể được sự gia trì của chư Phật Bồ Tát, cầu sanh Tây Phương Cực Lạc Thế giới nhất định có phần. Đây là “bất khả tư nghì nghiệp lực sở trí”.

Cho nên, tạo nghiệp của chúng ta, ở trên Kinh điển Phật đem nó phân thành ba loại lớn. Loại thứ nhất là thân nghiệp, động tác của thân thể, thứ hai là ngôn ngữ, thứ ba là ý nghĩ. Ý niệm tạo ra là nhiều nhất, ngay cả buổi tối đi ngủ còn nằm mộng, nằm mộng cũng là đang tạo nghiệp, thì bạn hãy nghĩ xem, sự việc này đáng sợ chừng nào. Mọi người thường hay nói: “Ban ngày nghĩ điều gì, ban đêm mơ thấy đó”. Từ đây mà biết, chúng ta chân chánh nói đến tu hành, tu là gì? Chẳng qua là đem cách nghĩ, cách nhìn, cách nói, cách làm sai lầm tu sửa trở lại, đem bốn cái phương diện này tu sửa trở lại, không tạo thêm ác nghiệp nữa, đây là chân thật tu hành.

Tiêu chuẩn của thiện ác, ở trong tất cả Kinh luận Phật cũng đều có nói. Chuyên môn dạy bảo cho hàng sơ học thì có “Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo”, “Kinh A Nan Vấn Sự Phật Kiết Hung”, trong đây là nói với chúng ta về tiêu chuẩn của thiện ác. Tiêu chuẩn chuyên nói đối với người xuất gia, ngoài giới luật ra, “Kinh Di Lặc Bồ Tát Sở Vấn” (cũng gọi là “Kinh Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo”), ở trong “Kinh Đại Bảo Tích”, thì bộ Kinh này là Phật chuyên vì người xuất gia mà nói. Đặc biệt là người xuất gia trong Thời kỳ Mạt Pháp, đã tạo ra rất nhiều rất nhiều những sự việc không như pháp, những sự việc bất thiện, bản thân lại mê mờ bất giác. Bộ Kinh này lúc trước chúng tôi đã giảng qua ba lần, có lưu lại băng ghi âm, dường như cũng có vị đồng tu tại Trung Quốc Đại Lục đã y chiếu theo băng ghi âm mà viết thành sách. Đây là Thế Tôn đã dạy bảo chúng ta.

Tại Trung Quốc, Ấn Quang Đại Sư là Bồ Tát tái lai, Tổ sư Ngài đại từ đại bi vì người hiện tại đã đặt định ra cơ sở cho giáo dục nhân quả. Tiêu chuẩn của thiện ác tâm hành, Ngài không có dùng Phật pháp, mà Ngài dùng “Liễu Phàm Tứ Huấn”, dùng “Cảm Ứng Thiên”. Việc này hết sức có đạo lý, chân thật là khế cơ khế lý. Những trước tác này đều là do người Trung Quốc viết ra, không phải từ Ấn Độ phiên dịch sang. Đưa ra việc dạy học như vậy là phù hợp sâu sắc với cảm tình dân tộc của người Trung Quốc, rất dễ dàng tiếp nhận. Ấn Tổ cả đời cực lực đề xướng. Hiện tại thì Ấn Tổ Ngài đã vãng sanh rồi, các đồng tu Tịnh Tông chúng ta cần phải tiếp nối di chí của Ấn Tổ Ngài, thật sự đi làm hoằng pháp lợi sanh kế tục huệ mạng của Phật, muốn đem những giáo huấn của Ngài phát dương quang đại, quả thực là có thể cứu vãn xã hội, có thể cứu vãn cái tai nạn của ngày tận thế.

Tứ chúng đồng tu học Phật chúng ta, đối với Kinh giáo, đối với đề xướng của các tổ sư đều cần phải đọc thuộc, đều nên phải chăm chỉ học tập, thực tiễn trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày của chính mình, nhất định được lợi ích, nhất định được thọ dụng. Đây là nói rõ, tạo thiện thì gọi là thiện nghiệp, tạo ác thì gọi là ác nghiệp. Thiện nghiệp có sanh ra sức mạnh của quả thiện, ác nghiệp sanh ra sự ảnh hưởng của quả ác, cho nên gọi là nghiệp lực. A Nan tại chỗ này nói là “bất tư nghì nghiệp lực”, trong nhà Phật có một bài kệ như thế này:

“Nghiệp lực không nghĩ bàn

Dù xa vẫn đến kéo

Quả báo thành thục rồi

Cầu tránh cũng không khỏi”.

Nhà Phật thường hay nói: “Không phải không quả báo, mà là thời giờ chưa đến”, do vậy chúng ta thường hay nghe cổ đức nói: “Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”. Chúng sanh ngu si, lúc tạo tác thì họ không hề để ý, tạo ra nghiệp ác trùng trùng, đến khi quả báo hiện tiền thì họ lại sợ hãi. Đến lúc này thì sợ hãi cũng chẳng có ích gì, cũng chẳng giúp được gì. Bồ Tát thì thông minh, quả báo hiện tiền thì nhẫn nhục chịu đựng. Bồ Tát sợ nhân, nên mãi mãi không tạo lại nhân ác, cho nên họ mới có thể không bị ác báo. Sự việc này chúng ta học Phật không thể không xem trọng, nhất định phải hiểu được cái đạo lý bên trong, phải nhận rõ chân tướng sự thật của nhân quả báo ứng. Những ví dụ cho việc này thì quá nhiều, quá nhiều. Các vị hãy xem chú giải của “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên”, “Văn Xương Đế Quân Âm Trắc Văn” và trong “An Sĩ Toàn Thư”, dường như mỗi một điều gì cũng đều có rất nhiều những ví dụ dẫn chứng để chứng minh. “Cảm Ứng Thiên Vị Biên” không phải là một người ghi, trong quá khứ đã có rất nhiều lần biên soạn thêm vào. Nếu như trong số đồng học chúng ta có người có tâm, đều có thể sưu tập những câu chuyện ngày nay. Các vị có thể xem trên tập san báo chí, nhìn thấy những bài báo viết về nhân quả báo ứng, có thể bổ sung thêm vào trong quyển “Cảm Ứng Thiên”. Tương lai đến khi đem in lại, thì có những mẫu chuyện phát sinh trong xã hội ngày nay, và rất nhiều rất nhiều chuyện phát sinh ở nước ngoài, như vậy thì càng có thể khởi phát được lòng tin của đại chúng. Sự việc này quyết định không phải chuyện mê tín, nó là sự thật, chúng ta nhất định không thể lơ là. Vì vậy, tại những chỗ đã khởi tâm động niệm thì phải hồi đầu, đặc biệt là phát tâm muốn trong một đời này vãng sanh về Thế giới Cực Lạc, thân cận Phật A Di Đà, bạn nhất định phải biết được điều kiện của vãng sanh là những gì và bạn đã có đầy đủ điều kiện này hay chưa.

Điều kiện của vãng sanh thực tại mà nói, cụ thể nhất chính là ở trên bộ “Kinh Vô Lượng Thọ” này. Trên “Kinh Vô Lượng Thọ” nói về tiêu chuẩn của thiện ác cùng với “Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo”, “Kinh A Nan Hỏi Phật Sự Tốt Xấu”, “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” mà Ấn Tổ đã nói và “Văn Xương Đế Quân Âm Trắc Văn” là hoàn toàn tương đồng, chúng ta không thể xem thường. Đến lúc nghiệp chướng mà hiện tiền, đọc Kinh không có tác dụng, tụng Kinh không tiêu trừ được nghiệp chướng, phải y theo phương pháp lý luận của Kinh điển để mà tu sửa tư tưởng kiến giải ngôn hành của chính mình, thì mới hữu dụng, mới có thể tiêu nghiệp chướng. Các vị nhất định phải nên hiểu, quyết định không phải nói nghiệp chướng hiện tiền rồi thì tụng vài bộ Kinh cầu Phật Bồ Tát bảo hộ. Đây là mê tín. Kinh là do Phật Bồ Tát thuyết giảng, bạn lại đem đi tụng cho các Ngài nghe, làm gì có đạo lý như vậy chứ? Những băng ghi hình mà tôi giảng, bản thân tôi cũng đâu cần xem. Tôi còn không muốn xem những gì tôi đã nói, vậy thì Phật Bồ Tát sẽ nghe Kinh mà các Ngài nói hay sao? Không thể nào có việc như vậy. Phật Bồ Tát nhìn thấy bạn y giáo phụng hành, thật sự quay đầu là bờ, liền hoan hỷ. Cho nên bạn tụng Kinh ở trước Phật Bồ Tát, Phật Bồ Tát sẽ lắc đầu, bạn làm sai rồi. Nhất định phải hiểu lý, nhất định phải y giáo phụng hành. Cho nên ở trên Kinh Phật thường hay dặn đi dặn lại chúng ta: “Thọ trì đọc tụng, vì người diễn thuyết”. Diễn chính là phải làm được, là biễu diễn. Đạo lý mà “Kinh Vô Lượng Thọ” đã nói, tất cả những giáo huấn, chúng ta đều có thể biễu diễn ra từ trong sinh hoạt thường ngày, hoàn toàn làm được như vậy thì Phật hoan hỷ. Có người thỉnh giáo với bạn, thì bạn có thể nói với họ một cách rõ ràng, một cách thấu triệt, khiến cho người nghe ấy đoạn nghi sanh tín, cũng có thể học tập bạn, thì Phật mới thật sự hoan hỷ. Cho nên, vạn nhất không nên tạo ác nghiệp, hạt giống nghiệp tập này của ác nghiệp sẽ ở trong “A Lại Da Thức” vĩnh viễn không bị tiêu mất, đến khi nào gặp được duyên thì nó liền khởi hiện hành. Khởi hiện hành nghĩa là quả báo hiện tiền.

Ở tại điểm này, tôi xin khuyên thêm đối với các đồng học, nếu như là phước báo hiện tiền quyết định không nên hưởng thụ. Vì sao vậy? Những phước báo đã tu được trong đời quá khứ thì rất dễ dàng hưởng hết, sau khi hưởng hết rồi thì phải làm sao? Chúng ta hãy tĩnh tâm, hãy tỉ mỉ mà quan sát những nhân vật ở xung quanh chúng ta, những người được đại phước báo này, những người được giàu sang, được tài phú trong xã hội, thì chúng ta sẽ rõ. Những phước báo giàu sang mà họ có được ngày nay đều là nhân thiện họ đã tu trong đời trước, nhưng mà lúc hưởng thụ thì họ lại không tu thiện nữa, họ lại không thể tu nhân nữa, dù rằng trong xã hội họ cũng đã làm một số sự nghiệp phúc lợi từ thiện, chúng ta hiểu được đều là những việc thiện nhỏ. Bạn xem, họ đã làm rất nhiều sự nghiệp từ thiện phúc lợi xã hội, mỗi một năm cũng làm hết mấy mươi triệu bạc, tất cả đều là việc thiện nhỏ. Làm sao biết được đó là việc thiện nhỏ? Ở trong quyển “Liễu Phàm Tứ Huấn” có một câu chuyện nhỏ, viết rằng có một cô gái tuổi còn trẻ, gia cảnh vô cùng bần hàn, đi đến miếu để thắp nhang lạy Phật, trên người chỉ có hai đồng tiền, đem hết ra cúng dường Tam Bảo. Lão Hòa thượng trụ trì đã đích thân hồi hướng cho cô. Về sau này khi cô đã phát đạt, được làm Vương Phi, cô lại đi đến ngôi miếu này, đem rất nhiều vàng bạc đến cúng dường Tam Bảo. Lão Hòa thượng chỉ gọi đồ đệ của ông đi đến hồi hướng cho cô. Cô rất là ngạc nhiên, liền thỉnh giáo với Lão Hòa thượng. Lão Hòa thượng nói, lúc trước hai đồng tiền của cô là xuất phát từ lòng chân thành, cho nên công đức đó lớn, ta không đích thân hồi hướng cho cô là có lỗi với cô. Hiện tại cô đem đến vàng bạc tuy rằng nhiều, nhưng lòng của cô không được chân thành như lúc trước nữa, vì vậy tuy rằng cô bố thí nhiều tiền, mà phước báo rất nhỏ, đồ đệ của ta đến hồi hướng cho cô là đủ rồi. Từ sự việc này, chúng ta mới biết thế nào là tu đại phước. Tâm chân thành là tu đại phước. Phàm là người đại phú đại quý làm những sự việc tốt này, tu được cũng đều là phước nhỏ, không có được cái tâm chân thành cung kính, phó thác cho những người cấp dưới, “tốt lắm, đây là việc tốt, các vị hãy thay tôi làm đi”. Phật giảng ở trên Kinh: “Chính tay bố thí, chân thành khẩn thiết vậy thì phước báo sẽ lớn”.

Từ trên sự mà nói, xã hội ngày nay, bệnh nghiêm trọng nhất là ở chỗ nào? Xã hội hiện tại khắp nơi đã mất đi sự giáo huấn của Thánh Hiền. Trên toàn thế giới đang phát triển giáo dục khoa học kỹ thuật, giáo dục công thương nghiệp, giáo dục kinh tế thương mại, con người đã học những thứ này. Họ có năng lực cạnh tranh trong xã hội. Cạnh tranh lại nâng lên cao thì là đấu tranh, đấu tranh lại nâng lên nữa thì không phải biến thành chiến tranh hay sao? Cho nên chiều hướng phát triển như vậy đến sau cùng thì chính là ngày tận thế mà trong các tôn giáo đã nói. Thế giới này rất nguy hiểm, thiên tai nhân họa có ngày nào mà không có chứ? Tần suất thì mỗi năm một nhiều hơn, mức tổn thương mỗi ngày một nghiêm trọng hơn, vô cùng đáng sợ. Thế nên chúng ta hiểu được, xã hội đại chúng ngày nay, thân - khẩu - ý ba nghiệp đều không thiện, vậy có thể được hay sao? Chúng ta từ những chỗ này mà tỉnh ngộ ra. Trong thời đại này, việc tốt lớn nhất, cái thiện nghiệp thật sự là đề xướng giáo dục luân lý đạo đức, là phải phát dương quang đại nền giáo dục thiêng liêng của tôn giáo. Đây chính là công đức số một. Nếu bạn làm thành công thì công đức vô lượng vô biên, làm không thành công thì cũng được một hồ sơ thiện nhỏ giống như Vệ Trọng Đạt vậy, quyết định là chống đỡ được những ác nghiệp mà bạn đã tạo ra từ vô lượng kiếp đến nay. Chúng ta tin tưởng sâu sắc, một chút nghi hoặc cũng không có.

Tại Singapore, cư sĩ Lý Mộc Nguyên là lâm trưởng của Cư Sĩ Lâm, những năm gần đây đang ra sức đề xướng hoằng pháp lợi sanh, cung cấp giảng đường, mời pháp sư đến giảng Kinh thuyết pháp, mở lớp bồi dưỡng nhân tài tiếp nối hoằng pháp. Quả báo của công đức này không thể nghĩ bàn, bất luận là ông đã tạo ra bao nhiêu nghiệp bất thiện trong đời quá khứ, thì thiện hành của hai sự việc này đều sẽ che lấp hết những bất thiện đó của ông. Chúng ta tin, sự việc của Vệ Trọng Đạt là thật sự chứ không phải giả, chúng ta đều có thể xem thấy ở trong rất nhiều ghi chép của người xưa, có thể thấy được sự việc này của ông đã lưu truyền được rất rộng. Cho nên chúng ta phải trân trọng phải chăm chỉ nỗ lực mà học tập, phải đem sự việc này làm thành một việc lớn ở trong cuộc đời của chúng ta.

Chủ nhật tuần trước, Cư Sĩ Lâm đã mở đại hội Lâm Hữu, cư sĩ Lý Mộc Nguyên mời tôi đến tham gia. Tôi nghĩ, có không ít đồng tu ngồi ở đây cũng đã tham dự qua đại hội này. Ông mời tôi giảng vài câu, tôi đã đưa ra cho các lâm hữu ba sự việc. Việc thứ nhất là mục đích của đời người, việc thứ hai là ý nghĩa của đời người, việc thứ ba là giá trị của đời người. Nếu như chúng ta ngay trong một đời này mà lơ là bỏ qua ba sự việc này, thì chúng ta đã uổng phí một chuyến đi đến trần gian này rồi. Người xưa nói là mê lầm sanh tử, mơ mơ hồ hồ đến đây rồi lại mơ mơ hồ hồ ra đi. Bạn xem, đáng tiếc biết bao. Chúng ta lần này đi đến thế gian, rốt cuộc là đến để làm gì, mục đích là gì? Vấn đề này rất khó trả lời. Bạn hãy xem trong cái xã hội này, đồng tu chúng ta cũng không tránh khỏi, ngày ngày chạy theo tiền của, ngày ngày muốn phát tài, bận rộn đến đầu tắt mặt tối. Lẽ nào bạn đến thế gian này, mục đích là để kiếm tiền hay sao? Cái mục đích này không phải là thật sự, cho dù bạn có thật sự phát tài rồi, bạn có tiền tỉ, bạn trở thành tỉ phú, bạn có nghĩ đến việc sau khi bạn chết, một đồng cũng không mang theo được, toàn bộ tan vỡ hết, sản nghiệp của bạn có nhiều hơn đi nữa, thì toàn bộ cũng đều cho người khác. Nếu như cuộc đời lấy cái này làm mục tiêu, vậy thì thật là ngu si đến cùng cực, không thể so sánh được với thổ dân Úc Châu. Thổ dân Úc Châu mục tiêu cuộc đời của họ là gì? Là vui vẻ, họ theo đuổi sự hạnh phúc, vui vẻ. Việc này còn có thể nói được. Sau khi chúng ta học Phật thì mới thật sự hiểu rõ, Phật Bồ Tát đã làm ra cho chúng ta một tấm gương. Mục tiêu cuộc đời của các Ngài là cái gì? Xin nói với các vị là “học tập”, mục tiêu nỗ lực của cuộc đời là cả đời luôn học tập, đời đời kiếp kiếp đều đang học tập. Học chính là giác. Chúng ta ở đây mới hiểu được, phương hướng mục tiêu chính xác nhất của đời người là cầu giác ngộ, không ngừng đem tánh giác của mình nâng cao lên. Mục tiêu này là thuần chánh ở trong Phật pháp Đại Thừa.

Chúng ta ngày nay cầu là những gì? Cầu giác ngộ. Vừa giác ngộ thì là Bồ Tát, không phải phàm phu nữa, là Sơ Tín Vị Bồ Tát. Sơ Tín Vị lại cầu giác ngộ thì nâng lên đến Nhị Tín Vị. Không ngừng cầu giác ngộ, có Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Đẳng Giác, Diệu Giác, đến sau cùng thì thành Phật. Phật nghĩa là gì? Là đại giác cứu cánh viên mãn. Mục tiêu này là thuần chánh. Người cầu giác ngộ nhất định không đọa tam đồ, quả nhiên chứng được quả vị Viên Giáo Sơ Tín Bồ Tát, thoát ly lục đạo luân hồi có thể nói là việc trong tầm tay. Không những nói siêu vượt lục đạo, mà siêu vượt mười pháp giới cũng là có hy vọng. Cái hy vọng này tuyệt đối không mong manh.

Chúng ta có xác định phương hướng mục tiêu của chính mình hay chưa? Ý nghĩa của cuộc đời là gì? Ý nghĩa chính là phải chung sống hòa thuận với tất cả chúng sanh. Nhà Nho nói: “Người nhân không có kẻ thù”. Bạn ở ngay trong một đời, trong tâm đối với tất cả người, tất cả chúng sanh không có một chút ý niệm oán hận, thì cuộc đời này bạn trải qua có ý nghĩa. Bạn vẫn còn có oan gia đối đầu thì rất gay go. Làm thế nào mới có thể làm được đến cảnh giới này? Nhất định phải có sự giác ngộ tương đối, bạn mới có năng lực biến thù thành bạn.

Sau cùng chúng ta nói đến giá trị của cuộc đời là gì? Ở trong Phật pháp thì nói giá trị thật sự của cuộc đời chính là “hoằng pháp lợi sanh nối dòng huệ mạng của Phật”. Giá trị này là chân thật, quyết định không hư ảo, đây là công đức chân thật, không hề tiêu tan theo cái chết của chúng ta. Thế gian tất cả pháp hữu vi, cái gọi là “sanh không mang đến, chết không mang theo”. Người thông minh phải vì những thứ mang theo được mà nỗ lực. Công đức hoằng pháp lợi sanh nối dòng huệ mạng Phật là có thể mang theo được. Từ đó cho thấy, đời người tại thế gian không thể không làm việc tốt. Nhất định phải biết được, trồng thiện nhân được thiện quả, tạo ác nghiệp nhất định có ác báo. Trong thời đại trước mắt của chúng ta, khoa học kỹ thuật phát triển, văn minh vật chất không ngừng đang nâng cao, đang tiến bộ, nhưng đạo đức lại suy diệt, cho nên đã có những tai nạn không thể tưởng tượng phát sinh ra. Tu hành đặc biệt là đối với chúng ta mà nói, hoàn cảnh có ảnh hưởng rất lớn. Không bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh, đó là những người đã tương đối có công phu, không phải chúng ta. Cho nên từ thời đại nhà Đường, Mã Tổ và Bách Trượng - hai vị đại đức này là Thiền Tông đời thứ tám, chúng ta lời thường hay nói là học trò của học trò của Huệ Năng Đại Sư, đề xướng Tòng Lâm. Chế độ Tòng Lâm của Trung Quốc là hai người họ đã khởi xướng xây dựng nên, đó thật sự là công đức lớn vô lượng vô biên. “Tòng Lâm” nghĩa là mở trường học, đề xướng mọi người cùng cộng tu với nhau. Đặc sắc của Tòng Lâm là cung cấp cho chúng ta một hoàn cảnh tu học hoàn thiện. Phàm phu bình thường giống như trình độ của chúng ta như vầy, những người nghiệp chướng sâu nặng, sống chừng 3 năm, 5 năm trong Tùng Lâm thì sẽ có được thành tựu tương đối khả quan. Nguyên nhân là gì? Nhờ sự hun đúc của Phật pháp, ở trong đây giải hành tương ưng, định huệ giúp đỡ.

Giải môn là nghiên cứu giáo lý, thâm nhập Kinh tạng, thâm giải nghĩa thú. Giải môn thì hạ công phu ở chỗ này. Hành môn, đến Thời kỳ Mạt Pháp rồi, hành môn đại khái chỉ còn lại hai loại, một loại là niệm Phật, một loại là tham thiền. Hiện tại nói đến tu hành thật sự, nếu không quy là Thiền thì cũng quy là Tịnh, cho nên ở trong Tòng Lâm có Thiền đường, có Niệm Phật đường. Nếu thích niệm Phật thì vào Niệm Phật đường, nếu thích tham thiền thì vào Thiền đường, đều có lão sư để chỉ dạy. Chế độ này đến nay cũng đã có gần cả 1.400 năm rồi. Ở trong một thế kỷ cận đại này, tu hành thật là đã thành hữu danh vô thực. Đầu thế kỷ trước, Thiền Tông thật sự là đạo tràng tu Thiền dường như chỉ có Kim Sơn Cao Mân tự, Niệm Phật đường thật sự đại khái chỉ có đạo tràng Linh Nham Sơn của Ấn Quang Đại Sư mà thôi, cho nên có cơ duyên tập trung huân tu đông đúc này, chúng ta không thể tìm thấy ở một nơi nào khác. Thế nên, nếu muốn thành tựu đại chúng thì lại không thể khác ngoài nơi này.

Khi tôi mới bắt đầu học Phật, thân cận tiên sinh Phương Đông Mỹ, Ngài đã từng nhiều lần nói với tôi, nếu muốn Phật pháp hưng, nếu muốn phục hồi thì không thể không có chế độ Tòng Lâm. Ngài vô cùng xem trọng. Từ chế độ Tòng Lâm ngày nay mà nói, chính là làm trường học, làm giáo dục, mà giáo dục của nhà trường nhất định phải dùng tinh thần của Tòng Lâm cổ đức. Nếu mà giống như hầu hết trường học hiện tại thì không có tác dụng gì, quyết định không thể thành tựu. Cho nên phải làm Phật Học Viện, phải làm đại học Phật Giáo, đây mới chính là Tòng Lâm mà người xưa đã nói. Người đứng đầu Tòng Lâm chính là hiệu trưởng, xử lý những công việc bên trong nó cùng với trường học của ngày nay là tương đồng. Hiện nay trường học có giáo vụ, có giám thị, có tổng vụ. Chế độ Tòng Lâm cũng chia làm ba hạng mục như vậy, nhưng mà họ không gọi là giáo vụ, mà gọi là Thủ Tọa, Hòa thượng Thủ Tọa chính là Trưởng Giáo Vụ, Hòa Thượng Duy Na chính là trưởng giám thị, giáo viên chính là trưởng Tổng vụ. Công việc chấp hành bên trong của họ là tương đồng, chỉ là tên gọi không tương đồng mà thôi, chứ chính xác thì là trường đại học. Tinh thần của Tòng Lâm chính là tập trung huân tu đông đúc, mỗi ngày nghiên cứu giáo lý 8 giờ đồng hồ, trong đây bao gồm việc nghe Kinh, nghe lão sư giảng Kinh, nghiên cứu thảo luận, mỗi ngày công phu 8 giờ đồng hồ.

A Di Đà Phật…

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 252)

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Thời gian: Khởi giảng năm 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây Cư Sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ