Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 244)

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 244)
**************** PHẨM THỨ MƯỜI MỘT QUỐC GIỚI NGHIÊM TỊNH Kinh văn: “Phật ngữ A Nan: “Bỉ Cực Lạc giới, vô lượng công đức, cụ túc trang nghiêm””. Một câu này là nói tổng quát. Kinh văn từ đây trở đi, vì chúng ta mà giới thiệu hoàn cảnh tốt đẹp của Thế giới Tây Phương Cực Lạc, là nói đến hoàn cảnh sinh sống, hoàn cảnh công việc, hoàn cảnh học tập của các cư dân ở bên đó. Phàm là người có chí cầu sanh Tây Phương Cực Lạc Thế giới, đối với phần Kinh văn này, đương nhiên rất muốn biết nhiều thêm một chút. Đây là Thích Ca Mâu Ni Phật vì chúng ta mà giới thiệu. Chúng ta tin tưởng sâu sắc năng lực của Phật, cũng chính là chúng ta thường nói năng lực của sáu căn cùng với phàm phu chúng ta hoàn toàn không giống nhau. Năng lực phàm phu chúng ta rất có hạn, cho nên gặp được những người có đặc dị công năng, chúng ta sẽ cảm thấy vô cùng kinh ngạc, vô cùng hiếu kỳ, cũng vô cùng ngưỡng mộ. Phật nói với chúng ta, năng lực sáu căn của chư Phật Như Lai, mắt có thể thấy tận hư không khắp pháp giới, đây là không gian, còn trên thời gian, các Ngài vừa có thể thấy quá khứ, vừa có thể thấy vị lai. Hay nói cách khác, sự chướng ngại của thời gian và không gian, các Ngài đều có thể đột phá, người thế gian chúng ta thường hay tán thán

****************

PHẨM THỨ MƯỜI MỘT

QUỐC GIỚI NGHIÊM TỊNH

Kinh văn: “Phật ngữ A Nan: “Bỉ Cực Lạc giới, vô lượng công đức, cụ túc trang nghiêm””.

Một câu này là nói tổng quát. Kinh văn từ đây trở đi, vì chúng ta mà giới thiệu hoàn cảnh tốt đẹp của Thế giới Tây Phương Cực Lạc, là nói đến hoàn cảnh sinh sống, hoàn cảnh công việc, hoàn cảnh học tập của các cư dân ở bên đó. Phàm là người có chí cầu sanh Tây Phương Cực Lạc Thế giới, đối với phần Kinh văn này, đương nhiên rất muốn biết nhiều thêm một chút. Đây là Thích Ca Mâu Ni Phật vì chúng ta mà giới thiệu. Chúng ta tin tưởng sâu sắc năng lực của Phật, cũng chính là chúng ta thường nói năng lực của sáu căn cùng với phàm phu chúng ta hoàn toàn không giống nhau. Năng lực phàm phu chúng ta rất có hạn, cho nên gặp được những người có đặc dị công năng, chúng ta sẽ cảm thấy vô cùng kinh ngạc, vô cùng hiếu kỳ, cũng vô cùng ngưỡng mộ. Phật nói với chúng ta, năng lực sáu căn của chư Phật Như Lai, mắt có thể thấy tận hư không khắp pháp giới, đây là không gian, còn trên thời gian, các Ngài vừa có thể thấy quá khứ, vừa có thể thấy vị lai. Hay nói cách khác, sự chướng ngại của thời gian và không gian, các Ngài đều có thể đột phá, người thế gian chúng ta thường hay tán thán là thần thông quảng đại không thể nghĩ bàn. Phật ở trên Kinh đã nói với chúng ta, những năng lực này trong mỗi một người chúng ta vốn đều có đầy đủ, tuyệt đối không phải chỉ riêng các Ngài có, không phải độc quyền, mà tất cả mỗi chúng sanh đều có. Trên “Kinh Hoa Nghiêm”, ở trong “Phẩm Xuất Hiện” đã nói rất hay: “Tất cả chúng sanh đều có trí huệ đức tướng của Như Lai”. Phật giảng Kinh cho chúng ta mỗi ngày 8 tiếng đồng hồ, giảng suốt 49 năm không nhàm không chán, giảng mãi cũng không hết, đây là trí tuệ, là đức tướng. Đức là năng lực, năng lực của mắt thấy, năng lực của tai nghe, năng lực của mũi ngửi. Năng lực của mắt - tai - mũi - lưỡi - thân của các Ngài đều dung thành một thể với hư không pháp giới. Tây Phương Cực Lạc Thế giới ở trong sự cảm quan của phàm phu chúng ta thì quả là rất xa xôi, mà ở trong cảnh giới của chư Phật Bồ Tát thì như ngay trước mắt, thì giống như ở ngay trước mắt vậy. Đức là nói đức năng của các Ngài, năng lực của các Ngài. Tướng là nói tướng hảo.

Chúng ta tại chỗ này nghe được Thích Ca Mâu Ni Phật giới thiệu Tây Phương Cực Lạc Thế giới cho chúng ta, ở trên “Kinh Hoa Nghiêm” đã giới thiệu cho chúng ta cảnh giới của Tỳ Lô Giá Na Như Lai vô cùng thù thắng. Vậy chúng ta sẽ hỏi, sự việc này rốt cuộc là thật hay là giả? Hay là Thích Ca Mâu Ni Phật tưởng tượng ra? Nói các vị biết, không những là chư Phật Như Lai, mà Bồ Tát tưởng tượng cũng không có. Vì sao vậy? Tưởng tượng là vọng tưởng, đó không phải là thật. Phàm phu chúng ta có vọng tưởng, có phân biệt, có chấp trước, cho nên không nhìn thấy được cảnh giới chân thật. Phật đã nói rằng, chúng ta và chư Phật Như Lai có trí tuệ giống như nhau, năng lực giống như nhau, tướng hảo giống như nhau, vì sao ngày nay chúng ta lại thành ra như vậy? Năng lực của con mắt chúng ta, một tờ giấy còn nhìn không xuyên qua nổi, khoảng cách xa thì nhìn không thấy rõ ràng, phải dùng đến kính viễn vọng, dù cho dùng thêm những loại máy móc khoa học này, thì khả năng nhìn của chúng ta vẫn có hạn. Đây là nguyên nhân gì vậy? Phật đã vì chúng ta mà nói ra, bởi vì vọng tưởng phân biệt chấp trước mà không thể được chứng đắc. Câu nói này chúng ta phải ghi nhớ. Trí tuệ đức tướng của chúng ta vì sao đã mất đi rồi? Chính là bởi vì bạn có vọng tưởng phân biệt chấp trước. Thực sự mà nói thì không có mất đi, nó chỉ bị chướng ngại mất, tuy có nhưng không khởi tác dụng. Chúng tôi biết được một số điều về Thổ dân Châu Úc ở bên đó, họ nhìn thấy chúng ta dùng điện thoại di động thì cảm thấy rất hiếu kỳ, rất kinh ngạc, bạn nói chuyện với bạn bè ở nơi xa tại vì sao phải dùng tới những thứ này? Họ nói chuyện với bạn bè của mình ở phương xa không cần dùng đến những thứ này, họ dùng cái gì vậy? Dùng cảm ứng tâm linh. Trong sự cảm ứng tâm linh, họ ngồi ở đó nhắm mắt lại không nói một câu nào, có thể là họ đang nói chuyện với bạn bè. Không những có thể nói chuyện, mà tình hình hiện trạng của địa phương bên kia, họ cũng nhìn thấy được, giống như là truyền hình của chúng ta vậy, bạn đang làm gì ở bên đó, bên cạnh bạn còn có những gì, họ đều có thể nhìn thấy được một cách rõ ràng minh bạch. Không phải dùng mắt để nhìn, họ là dùng tâm nhãn chứ không phải dùng nhục nhãn, trong Phật pháp chúng ta gọi là thiên nhãn, huệ nhãn, pháp nhãn. Từ chỗ này đã chứng minh những lời mà Phật giảng rất đáng tin. Thổ dân Châu Úc vì sao có năng lực này? Họ ít vọng tưởng phân biệt chấp trước, ít hơn so với chúng ta rất nhiều, cho nên có một số người vẫn còn năng lực này. Đương nhiên năng lực này không phải là rất lớn, có thể đủ dùng trong cả cuộc đời của họ, chí ít là nói chuyện với bạn bè ở xa không cần dùng điện thoại. Chúng ta từ chỗ này đã chứng thực được, những gì Phật Bồ Tát giới thiệu với chúng ta, chúng ta có thể tin tưởng, không hoài nghi.

“Quốc giới”, danh xưng này là Phật tùy thuận phàm phu chúng ta mà nói. Phàm phu chúng ta luôn luôn chấp trước vào một cái giới hạn, có một cái quốc độ. Bạn có sự phân biệt, chấp trước như vậy thì Phật tùy thuận bạn mà nói, trên thực tế quyết định là không có giới hạn. Tại vì sao không có giới hạn? Tất cả toàn bộ giới hạn đều là từ trong vọng tưởng, phân biệt, chấp trước mà sanh ra. Mọi người có thể tỉ mỉ suy nghĩ xem, Singapore và Malaysia, giữa hai quốc gia này có ranh giới hay không? Các vị nói có, ở trên bản đồ đã vẽ màu sắc không giống nhau. Có là do người vẽ mà, trên cái bản đồ đó không có ranh giới, mà cái ranh giới này chính là dựa theo Trung Quốc mà nói. Quốc gia Trung Quốc này rất lớn, mỗi một triều đại, lãnh thổ, ranh giới đều không giống nhau, thường thường hay thay đổi là do con người, nhưng trên thực tế không có ranh giới. Chúng ta phải hiểu rằng không có ranh giới là thật, đã vẽ ra ranh giới là giả, không phải là thật, ranh giới mà vẽ ra thì thật sự liền mất đi. Cho nên, Thế Tôn ở chỗ này tùy thuận tục đế mà nói quốc giới với chúng ta, giới thiệu hoàn cảnh cư trú của A Di Đà Phật thanh tịnh trang nghiêm.

Đoạn Kinh văn mở đầu: “Phật ngữ A Nan”. Phật gọi và nói với Ngài A Nan.

“Bỉ Cực Lạc giới”. Cực Lạc Thế giới là nơi cư trú và dạy học của A Di Đà Phật.

“Vô lượng công đức cụ túc trang nghiêm”. Ở phía trước chúng ta đã đọc qua phẩm thứ sáu, 48 đại nguyện của A Di Đà Phật, trong nguyện đầu tiên là “quốc vô ác đạo”. Rất nhiều, rất nhiều cõi nước chư Phật, trong nước đều có sáu cõi, đều có mười pháp giới. Mười pháp giới nếu đem so sánh với nhất chân pháp giới thì mười pháp giới là ác đạo. “Quốc vô ác đạo” chính là nói với chúng ta, Tây Phương Cực Lạc Thế giới chỉ có nhất chân pháp giới, không có thập pháp giới. Việc này thật không thể nghĩ bàn. Trong 48 nguyện, nguyện thứ 39 là “trang nghiêm vô tận”. Những lời này của Phật chính là nói với chúng ta, Pháp Tạng Bồ Tát 48 nguyện trang nghiêm quốc độ, tất cả nguyện vọng đều đã thực tiễn, đều đã thực hiện, cho nên nói “vô lượng công đức cụ túc trang nghiêm”. Trong sự việc này chúng ta nên suy nghĩ đạo lý nằm ở chỗ nào? Tại vì sao đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật của chúng ta giáo hóa quốc độ này lại không thể so sánh với Cực Lạc Thế giới? Nguyên nhân nằm ở đâu, chúng ta không thể nào không biết. Thế giới Ta Bà là một cái thế giới đã xưa cũ, không cần nói gì khác, Phật đã giảng cho chúng ta “Kinh Tam Thiên Phật Danh”, ngàn vị Phật quá khứ đã qua trong quá khứ rồi, hiện tại ngàn vị Phật thì Thích Ca Mâu Ni Phật là vị thứ tư, Bồ Tát Di Lặc là vị thứ năm, đều thành Phật tại Thế giới Ta Bà. Một ngàn vị Phật này qua đi rồi, tương lai còn có một ngàn vị Phật nữa, thì chúng ta biết được, cái nơi này là một nơi chốn đã rất cổ xưa rồi, những cư dân ở địa phương này đã nhiều đời nhiều kiếp rồi. Ngày nay các nhà khoa học của chúng ta đã khảo chứng tuổi tác của địa cầu này và khởi nguồn của nhân loại như thế nào, họ còn quá non kém. Vì sao vậy? Nhà khoa học, nhà khảo cổ học chỉ thấy được một đoạn nhỏ này, còn đoạn phía trước thì họ không nhìn thấy được. Thế giới này đã trải qua thành - trụ - hoại - không, năng lực của khoa học chỉ có thể ở trong trụ kiếp, còn trong kiếp thành, kiếp hoại, kiếp không thì họ không có cách nào để biết, mà thế giới này không biết là đã trải qua bao nhiêu lần thành - trụ - hoại - không rồi, vì vậy cư dân ở thế giới này tập khí rất sâu rất sâu, chư Phật Như Lai giáo hóa ở nơi này cũng không biết phải làm sao. Trên “Kinh Địa Tạng” nói là “chúng sanh Diêm Phù Đề can cường khó giáo hóa”. Đây là chúng ta biết về tình trạng của Thế giới Ta Bà.

Thế giới Cực Lạc thì không như vậy, Cực Lạc là mới xây dựng. Cũng giống như là hai ngôi nhà vậy, một ngôi nhà thì là nhà cổ, nhà cổ mấy nghìn năm, bên trong sẽ khó tránh khỏi việc sinh sôi nảy nở rất nhiều những thứ như kiến, gián, chuột, tuy rằng ngày ngày đều dọn dẹp, nhưng dọn không sạch, không có cách nào trừ tận gốc. Tây Phương Cực Lạc Thế giới là ngôi nhà mới vừa xây dựng xong, những thứ như vậy tất cả đều không có. Chúng ta từ trong ví dụ như vậy, về cơ bản có thể hiểu được, hai thế giới vì sao lại không giống nhau.

Phật A Di Đà xây dựng Cực Lạc Thế giới đến nay mới được mười kiếp, thọ mạng của Phật, thọ mạng của cư dân ở Cực Lạc Thế giới, người người đều là vô lượng thọ. Tuổi thọ vô lượng mà so với mười kiếp thì thời gian mười kiếp là quá ngắn ngủi. Hiện tại chúng ta phát nguyện, nếu quả nhiên sanh đến Tây Phương Cực Lạc Thế giới rồi, thì tương lai tại Cực Lạc Thế giới đều là thân phận huynh trưởng lão luyện, vì đã đến sớm, thế giới này mới thành lập được mười kiếp thì bạn đã đến rồi. Không giống như Thế giới Ta Bà này của chúng ta, lịch sử đã ức vạn kiếp rồi. Từ chỗ này các vị nên tỉ mỉ mà thể hội, vì sao mà hai thế giới không giống nhau. Tuyệt đối không thể nói, năng lực trí tuệ của Thích Ca Mâu Ni Phật không bằng A Di Đà Phật, không phải như vậy. Giáo hóa chúng sanh ở trong một quốc độ đã quá xưa cổ, một cái là mới xuất hiện, quốc độ mới xây dựng xong này, đặc biệt nhất là sau khi A Di Đà Phật xây dựng xong thế giới, thì thế giới đó không có cư dân bản xứ, không như khu vực xưa cổ này của chúng ta, cư dân bản xứ rất nhiều, còn bên đó không có. Cực Lạc Thế giới những người bên đó là từ đâu mà đến? Đều là từ thế giới mười phương chư Phật di dân đến đó. Điều kiện di dân của Ngài rất hà khắc, kiểm soát rất nghiêm ngặt, hay nói cách khác, phiền não tập khí của bạn quyết định không thể nào được mang đến Thế giới Cực Lạc. Bạn mà mang đến Thế giới Cực Lạc thì Thế giới Cực Lạc sẽ bị ô nhiễm, vậy thế giới bên đó cùng thế giới này của chúng ta có gì khác biệt? Chúng ta di dân qua bên đó thì có ý nghĩa gì đâu? Nên Ngài kiểm soát rất chặt chẽ. Cần có điều kiện như thế nào thì mới có thể đến được bên đó? Trên “Kinh Di Đà” đã nói với chúng ta, không thể dựa vào chút thiện căn phước đức nhân duyên mà được sanh cõi ấy. Cho nên, di dân qua bên đó là phải qua sự tuyển chọn. Những cư dân ở bên đó là “chư thượng thiện nhân câu hội nhất xứ”. Cho nên chúng ta phát tâm muốn được di dân đi đến Cực Lạc Thế giới, trước tiên chúng ta phải biết được những điều kiện nào là cần và đủ. Việc này không thể nào không biết.

Tịnh Độ ba Kinh đều phải đọc, xem một bộ thì không được, xem có một bộ thì sẽ vẫn còn có một số điều kiện mà bộ Kinh này không nói đến, mà lại nói đến ở trên bộ Kinh khác, như là thiện căn phước đức nhân duyên đã nói ở trên “Kinh Di Đà”, mà thiện căn phước đức nhân duyên là gì thì trên “Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật” nói được rất rõ ràng. “Phước đức” ở trong “Quán Kinh” nói ba loại Tịnh Nghiệp, Tịnh nghiệp tam phước. Phước đức mà trên “Kinh Di Đà” đã nói thì chính là “Tịnh nghiệp tam phước”. “Thiện căn” mà trên “Kinh Di Đà” nói thì chính là đại bổn “Kinh Vô Lượng Thọ”, quyển mà hiện tại chúng ta đang đọc. Tất cả những lý luận mà trong Kinh này đã nói, những đạo lý này, chúng ta đều đã hiểu được, đều đem những đạo lý này biến thành tư tưởng kiến giải của chính mình, đây mới là thiện căn. “Tịnh nghiệp tam phước” ở trong “Quán Kinh”, chúng ta thảy đều thực tiễn được rồi thì đó là phước đức.

Thế nào là “nhân duyên”? Hiện tại quyển Kinh này chúng ta vẫn chưa đọc đến. “Tam bối vãng sanh”, “vãng sanh chánh nhân”, hai phẩm này đích thực là nói nhân duyên.

Chúng ta tất cả đều đầy đủ rồi, di dân đến Tây Phương Cực Lạc Thế giới thì chúng ta mới thật sự nắm chắc. Phải nhớ kỹ, thế giới bên đó thượng thiện mới có thể vãng sanh. Vậy chúng ta nói Phàm Thánh Đồng Cư Độ, những người hạ hạ phẩm vãng sanh này có phải thượng thiện không? Phải, không hề sai, đích thực là thượng thiện. Làm sao biết được họ là thượng thiện? Nếu họ không phải thượng thiện thì không thể vãng sanh. Bình sinh dù có tạo nhiều nghiệp tội, đến lúc lâm chung khi hơi thở còn chưa dứt, chí thành sám hối thì nghiệp chướng liền có thể tiêu trừ, huống hồ còn được oai thần bổn nguyện của A Di Đà Phật gia trì. Việc này là thật, không phải là giả.

Chúng ta trong Đại Tạng Kinh nhìn thấy trong “Kinh A Xà Thế Vương”, thực tại mà nói, vua A Xà Thế cũng là làm ra cho chúng ta một tấm gương. Ông giết cha hại mẹ, phá hòa hợp tăng, cấu kết với Đề Bà Đạt Đa, ngũ nghịch thập ác ông đều làm trọn. Đề Bà Đạt Đa sẽ đọa địa ngục A Tỳ. Ông cũng rất hay, lúc lâm chung nghe được pháp môn Tịnh Độ, chí thành sám hối, ông được vãng sanh, không những vãng sanh, mà Thích Ca Mâu Ni Phật còn nói với chúng ta, ông là thượng phẩm trung sanh. Chúng ta lúc mà mới bắt đầu học Phật, xem đến Kinh văn như vậy thì hoài nghi không hiểu nổi, cứ nghĩ rằng tạo nhiều tội nghiệp như vậy, sám hối vãng sanh đại khái luôn là hạ hạ phẩm vãng sanh, đâu thể ngờ được ông là thượng phẩm trung sanh. Thế là chúng ta mới thể hội được, năng lực của sự sám hối không thể nghĩ bàn, còn phải xem bạn có phải thật lòng sám hối không. Do vậy, ở đây chúng ta hiểu được vãng sanh, một là như xưa nay chúng ta vẫn tu hành pháp môn Tịnh Độ, một là hạng tạo tác ác nghiệp lâm chung sám hối được vãng sanh. Chúng ta đối với tất cả những người tạo tác tội nghiệp không dám xem thường. Tại sao vậy? Nếu như họ đến lúc lâm chung sám hối được vãng sanh, có thể phẩm vị còn cao hơn ta. Đây là dạy bảo chúng ta, đối với người ác không thể khinh mạn, không thể xem thường. Ngạn ngữ có câu: “Người có lỗi hồi đầu còn quý hơn cả vàng”. Kẻ ăn chơi trác táng không việc ác gì không làm, những người như vậy một khi hồi đầu thì thật sự là một người tốt, người tốt trong những người tốt. Vua A Xà Thế vãng sanh chính là một ví dụ cho việc này, không phải là người thông thường có thể so sánh được với ông. Chúng ta đối với sự việc này phải có sự nhận thức, phải có sự lý giải, nhưng không thể mang cái tâm lý cầu may. Đề Bà Đạt Đa và vua A Xà Thế không từ việc ác nào, chúng ta ngày nay làm ra một chút việc xấu thì có sao đâu, lâm chung sám hối cũng có thể vãng sanh. Trên lý mà nói thì nói được thông, không sai, nhưng mà bạn có chắc là giữ cho đầu óc của mình lúc lâm chung được tỉnh táo hay không?

Lâm chung sám hối được vãng sanh phải có ba điều kiện, bạn có dám bảo đảm lúc lâm chung sẽ có đầy đủ ba điều kiện này hay không?

Điều kiện thứ nhất là thần trí rõ ràng, không một mảy may mê hoặc. Điều kiện này bạn có chắc được không? Chúng ta nhìn thấy có rất nhiều người còn chưa chết, tuổi tác cao rồi thì bị chứng mất trí nhớ. Bị chứng mất trí nhớ thì quyết định không thể vãng sanh. Bạn dám đảm bảo khi bạn già bạn không bị chứng mất trí nhớ không? Dám đảm bảo sát na lúc bạn ra đi đầu óc tỉnh táo được hay không? Khó lắm, thật quá khó.

Điều kiện thứ hai, đến lúc nguy cấp quan trọng nhất ấy cần gặp được thiện tri thức, một người thật sự hiểu rõ đối với pháp môn Tịnh Độ, người thông đạt, người có tín nguyện kiên định nhắc nhở cho bạn. Bạn nghĩ xem, bạn có thể có được cơ hội này không?

Điều kiện thứ ba, thiện tri thức vừa nhắc nhở thì liền lập tức tin tưởng, quyết định không có hoài nghi, liền tiếp nhận, liền sám hối, thật sự ăn năn, như vậy thì niệm Phật có thể vãng sanh.

Ba điều kiện này thật không dễ dàng, vì thế chúng ta từ bây giờ phải buông bỏ vạn duyên, càng phải buông bỏ ác niệm, buông bỏ triệt để ác niệm ác hạnh, quyết định không thể tùy thuận theo phiền não tập khí của chính mình. Phải tùy thuận theo giáo điều của Phật Bồ Tát, trên Kinh Phật đã dạy chúng ta làm như thế nào thì chúng ta làm như thế ấy.

“Tịnh nghiệp tam phước” là căn bản cho chúng ta tu hành. Nói rõ ràng tường tận “Tịnh nghiệp tam phước” thì là “Kinh A Nan Vấn Sự Phật Kiết Hung”, “Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo”, hai bộ Kinh này là nói rõ Tịnh nghiệp tam phước. Trong Kinh Đại thừa, “Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện” cũng là nói rõ ràng tường tận về Tịnh nghiệp tam phước. Phật dạy bảo chúng ta phải thâm nhập Kinh tạng, phải thâm giải nghĩa thú. “Tịnh nghiệp tam phước” chỉ có 11 câu, mỗi câu nói trong 11 câu đều là một cái đề mục, nội dung tường tận phân tán ở trên các Kinh luận Đại Tiểu thừa. Chúng ta cần tỉ mỉ mà nghiên cứu đối với giáo huấn của Ngài, chúng ta mới thật sự có thể thể hội được. Thế nào là hiếu dưỡng cha mẹ, thế nào mới là phụng sự sư trưởng, làm thế nào bồi dưỡng tâm từ bi, làm thế nào để tu thập thiện nghiệp? Không phải hình thức, mà thực chất mới là quan trọng hơn bất cứ thứ gì. Sau đó bạn mới biết được, chúng ta ở trong cuộc sống thường ngày, ở trong công việc, làm thế nào đem Kinh luận của Phật Đà, những lý luận, cảnh giới, phương pháp mà trong đây đã nói hoàn toàn thực tiễn, hoàn toàn có thể làm được, đây mới là đệ tử Phật, như vậy thì mới có thể chân thật được vãng sanh đến Tây Phương Cực Lạc Thế giới. Cho nên, chúng ta hiện tiền nhất thiết phải làm đến được công phu tự khắc chế. Khổng Lão Phu Tử đã nói, khắc phục tập khí tự tư tự lợi của chính mình, khắc phục tập khí danh văn lợi dưỡng của chính mình vô cùng quan trọng, khắc phục tập khí ham muốn ngũ dục lục trần thế gian của chính mình, khắc phục tham sân si mạn trong nội tâm của chính mình. Nếu chúng ta không chăm chỉ làm đến công phu tự khắc chế này thì làm sao có thể thành tựu?

“Tự khắc chế”, người xưa có hỏi qua, khắc chế từ chỗ nào? Từ nơi tập khí xấu nhất của bạn mà bắt đầu làm, đem nó khắc phục trước. Nếu như bạn tham danh thì bạn hãy bắt đầu từ đây trước tiên. Bạn có thể đem danh phận, có thể đem địa vị nhường cho người khác, bạn quán sát thấy quả thực là có năng lực thay thế cho bạn thì tức khắc phải nhường lại, tuyệt đối không tham luyến danh vị. Bạn làm từ chỗ này. Nếu tham tiền thì bạn nên đem tài vật của mình đi cứu tế một số chúng sanh khổ nạn, họ đang cần đến, bạn giúp đỡ họ, bạn được buông xả. Bạn không chịu thực tiễn thì tập khí tật xấu của bạn không trừ được. Bạn phải thật làm.

Vào thời triều nhà Đường, cư sĩ Bàng Uẩn đã làm ra cho chúng ta một tấm gương. Cái gương này của ông có dụng ý rất sâu. Gia đình của ông rất là giàu có, ông đem tất cả của cải trong nhà mình bỏ hết lên trên một chiếc thuyền lớn, chèo thuyền ra giữa dòng sông lớn, đục cái lỗ giữa thuyền để nhấn chìm mọi thứ. Ông cái gì cũng đều không cần nữa. Người khác nhìn thấy sự việc như vậy liền hỏi ông, tài sản của ông nếu đã không còn cần đến nữa, tại vì sao không đem đi làm một số sự nghiệp từ thiện cứu tế. Ông đã trả lời một câu nói: “Việc tốt không bằng không việc gì”. Bạn hãy suy nghĩ điều thú vị của câu nói này, “việc tốt không bằng không việc gì”. Nếu bạn thật sự không hiểu thì có thể từ cái tỉ dụ lúc trước tôi đã nói. Việc tốt, dùng điện thoại di động là việc tốt, vô sự là dùng tâm linh cảm ứng, bạn nói xem, cái nào tốt? Vô sự là tốt, vô sự là chân thật đang hưởng phước. Nếu làm thế nào có thể đem hảo sự và vô sự gộp lại với nhau thì đây là Bồ Tát. Nói các vị biết, “hảo sự chi bằng vô sự” là bậc A La Hán, là Bích Chi Phật, không phải Bồ Tát. Bồ Tát thì hảo sự và vô sự là hợp lại thành một thể, trên sự là làm việc hảo sự, trong lòng thì vô sự. Việc này thì A La Hán không làm được, Bích Chi Phật cũng không làm được. Trên hình tướng, cả một ngày bận rộn đến đầu tắt mặt tối để giúp đỡ hết thảy chúng sanh khổ nạn, nhưng trên thực tế, ở trong tâm thì cái gì cũng không có. Đây gọi là làm mà không làm, không làm mà làm. Đây là siêu việt, là chân công phu, không phải là giả. Người thế gian hiếu sự, ưa thích công việc, ưa thích quyền lực, ưa thích địa vị, ưa thích vinh dự, đây là người thế gian sánh không bằng A La Hán. A La Hán sánh không bằng Bồ Tát. Trên hiện tướng thì Bồ Tát cùng người thế gian không có khác biệt, nhưng trong tâm tưởng thì thanh tịnh hơn A La Hán. Chúng ta phải hạ công phu từ chỗ này. Thế giới Cực Lạc hoàn cảnh vô cùng trang nghiêm, hoàn cảnh tốt xấu là từ nhân tâm mà biến hiện.

Cư dân thế giới này của chúng ta lòng người bất thiện, có lòng tham, lòng tham thì chiêu cảm là nạn lụt. Phật ở trên “Kinh Phạm Võng” nói chúng ta nghe về tham, ví dụ như nói ăn ngon, kể cho bạn nghe về một số món ăn ngon, sau khi bạn nghe xong liền chảy nước miếng, vậy chứng tỏ tham là nước, tham là dục thủy, cho nên lòng tham mà nặng thì có thủy tai nạn lụt. Lòng sân hận là nạn hỏa tai. Con người vừa nổi giận mặt liền đỏ cả lên, toàn thân đều phát nhiệt, tâm sân sẽ cảm ứng là nạn lửa cháy. Ngu si chính là đối với hết thảy người sự vật đều hồ đồ ngớ ngẩn, thị phi thiện ác đều không thể phân biệt rạch ròi. Ngu si cảm ứng chính là gió bão. Ba tai nạn nước gió lửa của thế gian này là do tham sâm si cảm ứng ra. Nếu như người dân ở địa phương này đều đã đoạn dứt tham sân si, thì nạn nước gió lửa ở địa phương này đều sẽ không có.

Có người hỏi tôi: “Pháp sư! Vậy động đất là từ đâu đến?”. Động đất là từ bất bình mà đến. Tâm bất bình, tâm có cao thấp thì sẽ có tai nạn động đất. Phật nói với chúng ta là đạo lý khoa học thật sự, “cảnh tùy tâm chuyển”, “tất cả pháp là từ tâm tưởng sanh”, đây là chân lý. Hiện nay các nhà khoa học chỉ bắt đầu từ trên mặt vật lý, không hiểu được tâm lý, đâu ngờ rằng vật lý là từ tâm lý mà biến hiện ra. Do vậy nhà khoa học đã dùng những phương pháp này để thay đổi hoàn cảnh tự nhiên, vĩnh viễn cũng là làm không được. Vì sao vậy? Họ không hiểu được nguồn gốc của hoàn cảnh tự nhiên là từ tâm tưởng sanh. Những đạo lý này thì trên Kinh giáo Đại Thừa đã nói quá nhiều rồi.

Người ở Tây Phương Cực Lạc Thế giới tham sân si mạn đều không có, cho nên ở địa phương bên đó của họ quả thật là mưa thuận gió hòa, bất cứ tai nạn gì cũng đều không có, tâm địa thiện lương, tâm địa chân thành, tâm địa thanh tịnh bình đẳng từ bi. Phật A Di Đà cũng vậy, Ngài lựa chọn chúng sanh trong mười phương thế giới cũng là từ những chỗ này mà lựa chọn. Bạn phù hợp với tiêu chuẩn này thì hoan nghênh bạn đến Cực Lạc Thế giới, Ngài đến tiếp dẫn bạn, hoan nghênh bạn. Nếu như có một số tập khí tật xấu nho nhỏ thì cũng không sao, đây gọi là đới nghiệp vãng sanh. Đến Tây Phương Cực Lạc Thế giới có khởi tác dụng hay không? Không khởi tác dụng. Tại sao mà không khởi tác dụng? Ở nơi đó không có duyên.

Ví dụ như nói người thế gian này của chúng ta, họ có lòng tham, tham tài vật, Cực Lạc Thế giới có cần tham tài vật hay không? Không cần thiết, vì sao vậy? Trong tâm của bạn nghĩ muốn có thứ gì, thì thứ đó liền biến hiện ra ở trước mặt, tùy theo ý muốn, bạn không muốn nữa, không cần nữa thì nó sẽ biến lại thành năng lượng, không thấy nữa, tự tại đến như vậy. Chúng ta hiện tại nếu muốn có một thứ gì đó, còn phải tìm nơi để mà cất giữ nó, bạn nói xem có phiền phức không? Tây Phương Cực Lạc Thế giới, trong ngôi nhà mà người ta ở rất trống trải sạch sẽ, cái gì cũng đều không có, chỉ có một cái ghế để họ tọa thiền. Họ ưa thích thì họ có, họ có một cái. Nếu có khách đến thì làm sao? Nếu có một người khách đến thì lại hiện thêm một cái, họ là biến hóa làm ra. Đến hai người khách thì biến ra hai cái, không còn ai thì tất cả đều không còn. Bản thân họ không có ở nhà thì cái ghế đó của họ cũng biến mất. Bạn xem việc này tốt biết bao nhiêu, tự tại biết bao! Muốn gì có nấy, cho nên họ cái gì cũng không tham.

Người thế gian này của chúng ta tham muốn vàng ròng bảy báu, người ở Cực Lạc Thế giới nhìn thấy những thứ này, họ không thèm để ý, vàng ròng là dùng để đắp đường đi, thì cũng như là chúng ta hiện nay dùng dầu hắc vậy, dùng để trải đường đi, bạn cần cái thứ đó để mà làm gì. Còn bảy báu là những vật liệu dùng để xây dựng ngôi nhà của bạn, ai lại đem xi măng sắt thép trong nhà, đất sét dưới đất để mà làm những thứ đeo trên tai, đeo trên người chứ, làm gì có đạo lý như vậy chứ? Bởi vì nguồn tài nguyên của họ quá phong phú, lấy không thể hết, dùng không thể cạn, họ cần những thứ này để làm gì? Muốn mặc bộ áo quần như thế nào, ý niệm vừa khởi thì quần áo hiện ra lên trên người rồi, không cần phải đi mua vải, cũng không cần phải đi may nữa, rất là vừa người. Muốn ăn uống một thứ gì, vừa động cái ý niệm thì dụng cụ bàn ăn những món ăn ưa thích đều bày ra ngay trước mặt bạn, không muốn ăn nữa thì hoàn toàn đều biến mất, trống không.

Đây không phải là thần thoại. Các nhà khoa học của chúng ta hiểu được, trên lý luận thì họ đã hiểu rồi, nhưng hiện tại khoa học kỹ thuật làm không được. Đây chính là sự chuyển biến giữa năng lượng và vật chất mà nhà khoa học đã nói. Hiện nay dùng cái phương pháp vô cùng vụng về để làm cho vật chất biến thành năng lượng, chính là phát minh vũ khí hạt nhân. Bom hạt nhân là đem vật chất biến thành năng lượng. Dùng phương pháp gì để đem năng lượng biến thành vật chất thì họ chưa có nghĩ ra được phương pháp. Thế giới Tây Phương người người đều làm được, cho nên người người đều là những nhà khoa học lớn số một, họ không cần phải dùng đến máy móc, không cần phải dùng đến thiết bị, họ dùng tâm linh để biến. Có thể đem năng lượng biến thành vật chất, năng lượng tận hư không khắp pháp giới, dùng không cùng tận. Không cần những vật chất này nữa thì những vật chất này lập tức giải phóng thành ra năng lượng, không còn nữa. Cho nên năng lượng và vật chất chuyển biến lẫn nhau. Trong khoa học ngày nay của chúng ta là một lý luận, biết việc đó là có thể, nhưng mà hiện tại vẫn chưa nghĩ ra cách, không có cách gì để thực hiện. Tây Phương Cực Lạc Thế giới thực hiện được. Cho nên, năm xưa tôi giảng Kinh tại nước Mỹ, nhà khoa học của Mỹ rất nhiều, tôi đều khuyên họ đi đến Tây Phương Cực Lạc Thế giới để du học, bởi vì khoa học kỹ thuật mà họ học chỉ là trình độ của mẫu giáo, không cách gì so sánh với Thế giới Tây Phương. Nhà khoa học cần nên cầu sanh Tịnh Độ, thì mới thật sự đạt được đỉnh cao của khoa học kỹ thuật. Cho nên, sự tốt đẹp ở thế giới bên đó, Phật ở trên Kinh điển chẳng qua cũng chỉ giới thiệu một cách sơ lược, nếu mà nói cho hết thì không thể nói cùng tận được. Một câu này là nói tổng quát, phía sau lại đưa ra cho chúng ta ví dụ.

Chúng ta xem phần cuối đoạn thứ hai.

Kinh văn: “Vĩnh vô chúng khổ, chư nạn, ác thú, ma não chi danh”.

Chư vị nghĩ xem, ngay cả tên gọi còn không có thì làm sao có thật chứ?

A Di Đà Phật…

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 244)

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Thời gian: Khởi giảng năm 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây Cư Sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ