Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 237)

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 237)
**************** Chúng ta phải trải qua một cuộc sống khỏe mạnh, vui vẻ, tự tại. Cái gọi là khỏe mạnh là không có một mảy may khiếm khuyết gọi là khỏe mạnh, còn có mảy may khiếm khuyết thì không khỏe mạnh, có một mảy may chướng ngại thì bạn không tự tại. Ở trên “Kinh Hoa Nghiêm” đã nói là: “Lý sự vô ngại, sự sự vô ngại”, đó mới gọi là được đại tự tại. Làm thế nào có thể đạt được? Phải chăm chỉ nỗ lực mà học tập, chỉ có thông qua học tập thì bạn mới có thể chân thật đạt được, không học làm sao được. Từ đâu bắt đầu học? Ở trong Kinh luận Đại Tiểu Thừa đã dạy rất nhiều, có tầng bậc, có tiệm học, có đốn ngộ, Thiên Đài tông giảng là Hóa Nghi, Hóa Pháp. Những thứ này đáng để chúng ta làm tham khảo, là chỗ tồn tại mấu chốt thật sự. Bạn phải thực hiện những gì mà bạn học tập được, người hiện tại nói là “thực tiễn”. Những thứ mà bạn đã học được nhưng không thể thực tiễn, thì không những bạn không thể chứng đắc, mà bạn cũng không có cách nào đem sự giác ngộ này nâng cao lên thêm một bậc. Chúng ta dùng cấp bậc của Bồ Tát để nói, trong Đại Thừa giáo nói Bồ Tát từ Sơ Tín vị đến Đẳng Giác vị 52 cấp bậc, cấp bậc này xin nói chư vị là phân thành từng phần lớn. Phân nhỏ thì trong

****************

Chúng ta phải trải qua một cuộc sống khỏe mạnh, vui vẻ, tự tại. Cái gọi là khỏe mạnh là không có một mảy may khiếm khuyết gọi là khỏe mạnh, còn có mảy may khiếm khuyết thì không khỏe mạnh, có một mảy may chướng ngại thì bạn không tự tại. Ở trên “Kinh Hoa Nghiêm” đã nói là: “Lý sự vô ngại, sự sự vô ngại”, đó mới gọi là được đại tự tại. Làm thế nào có thể đạt được? Phải chăm chỉ nỗ lực mà học tập, chỉ có thông qua học tập thì bạn mới có thể chân thật đạt được, không học làm sao được. Từ đâu bắt đầu học? Ở trong Kinh luận Đại Tiểu Thừa đã dạy rất nhiều, có tầng bậc, có tiệm học, có đốn ngộ, Thiên Đài tông giảng là Hóa Nghi, Hóa Pháp. Những thứ này đáng để chúng ta làm tham khảo, là chỗ tồn tại mấu chốt thật sự. Bạn phải thực hiện những gì mà bạn học tập được, người hiện tại nói là “thực tiễn”. Những thứ mà bạn đã học được nhưng không thể thực tiễn, thì không những bạn không thể chứng đắc, mà bạn cũng không có cách nào đem sự giác ngộ này nâng cao lên thêm một bậc. Chúng ta dùng cấp bậc của Bồ Tát để nói, trong Đại Thừa giáo nói Bồ Tát từ Sơ Tín vị đến Đẳng Giác vị 52 cấp bậc, cấp bậc này xin nói chư vị là phân thành từng phần lớn. Phân nhỏ thì trong mỗi một cấp bậc còn phải phân thành nhiều cấp bậc nữa. Giống như việc đi học, từ năm lớp một học cho đến năm lớp 52 thì được tốt nghiệp. Trong cùng một năm học ấy của chúng ta, nếu như nói cũng có 52 học sinh, làm bài thi từ người thứ nhất đến người thứ 52, trong một cấp lại có đến 52 cấp bậc nữa. Chư vị từ ngay chỗ này để mà thể hội. Đây chính là cổ Đại đức đã nói, tích tiểu ngộ thì thành đại ngộ. Tiểu ngộ là gì? Là ta ở ngay trong cùng một cấp bậc này không ngừng nâng cao lên trên, trong cùng một năm học của ta, trong cùng một lớp học, chúng ta phải ra sức lấy giải nhất, đây là tiểu ngộ. Đại ngộ là từ cấp bậc này vượt lên thành một cấp bậc khác, từ lớp một mà nâng lên thành lớp hai, lớp hai lại nâng lên thành lớp ba, đây thì giống như là đại ngộ. Bồ Tát đạo nói xa thì rất xa, nói gần thì rất gần, đây là nói với bạn không có xa gần, thời gian tu hành không có dài ngắn, đều ở mê và ngộ. Ngộ rồi thì đường sẽ gần, thời gian sẽ được rút ngắn, mê rồi thì thời gian sẽ kéo dài, đường sẽ rất xa. Sự việc là như vậy.

Trên “Kinh Lăng Nghiêm” nói rất hay: “Tính chân thường trung, cầu ư mê ngộ, sinh tử khứ lai, liễu bất khả đắc”. Trong Phật pháp, người xưa thường nói khai trí tuệ là “Kinh Lăng Nghiêm”, nói không quá lời chút nào. Trong “Kinh Lăng Nghiêm” nói chân tướng, nói lời thật, nói rất nhiều. Trong các Kinh điển khác Thế Tôn giảng về Tục Đế nhiều, giảng Chân Đế thì ít; trong “Kinh Lăng Nghiêm” thì Chân Đế giảng nhiều, còn Tục Đế giảng ít. Nói cách khác, Như Lai giảng rất nhiều về cảnh giới của chư Pháp Thân Đại Sĩ, rất có khả năng dẫn dắt chúng ta, rất có khả năng giúp chúng ta giác ngộ. Đây là lý minh bạch rồi. Xin giới thiệu với chư vị đến chỗ này.

Tiếp đến cần nói rõ với các vị, xem phần Kinh văn phía dưới.

**************

Kinh văn: “Đản dĩ thù nguyện độ sanh, hiện tại Tây phương, khứ Diêm Phù Đề, bách thiên câu-chi na-do-tha Phật sát, hữu thế giới danh viết Cực Lạc”.

Đây là từ trên tướng mà giảng. Phía trước là từ trên lý mà giảng, bây giờ giảng với bạn từ trên tướng. A Di Đà Như Lai, nói các vị biết, Ngài vẫn đang học tập. Ngài học tập thì đã tốt nghiệp rồi, sau khi đã tốt nghiệp thì quay trở lại làm lão sư, lão sư dạy học trò nhất định phải thị hiện cái tấm gương học tập. Từ đây mà biết, việc học tập trong Phật pháp là không có cùng tận. Sau khi thành Phật vẫn phải học tập, việc học tập đó không phải vì chính mình, mà vì chúng sanh, làm tấm gương cho chúng sanh, làm mô phạm cho chúng sanh. Trong các Kinh luận đã nói, trên bộ Kinh này của chúng ta cũng có nói, ở phẩm thứ hai nói đến “bát tướng thành đạo”, trên “Kinh Phạm Võng” Phật nói với chúng ta, Ngài đến Ta Bà Thế giới thị hiện thành Phật lần này là lần thứ 8000 rồi, không phải đến lần đầu tiên, ở tại thế gian này của chúng ta thị hiện là lần thứ 8000, còn ở trong thế giới chư Phật mười phương thì không biết đã là lần thứ bao nhiêu. Do đây mà biết, Ngài không có ngừng nghỉ, bản thân sau khi học xong lại giáo hóa người khác. Cũng giống như là đồng học lớp bồi huấn của chúng ta hiện tại, mấy khóa trước các vị đã được học xong, lần này là khóa thứ năm, sắp tới khóa thứ sáu chiêu sinh, thì là các vị dạy, các vị thì là đang thị hiện, mãi mãi không có gián đoạn. Chúng ta phải thấu hiểu đạo lý này, phải hiểu được ý nghĩa và mục đích ở trong đây. Mục đích là tự giác giác tha. Mạnh Tử đã nói: “Tiên tri giác hậu tri, tiên giác giác hậu giác”, đây là giáo học. Khi trí tuệ chúng ta chưa khai, khi mà chưa có giác ngộ, chúng ta phải dựa vào lão sư giúp đỡ chúng ta, giúp đỡ chúng ta khai trí tuệ, giúp đỡ chúng ta giác ngộ. Sau khi trí tuệ chúng ta khai rồi, giác ngộ rồi, chúng ta phải giúp đỡ những người vẫn còn chưa giác ngộ, những người vẫn còn chưa khai trí tuệ, triển chuyển độ hóa không chán, không mệt mỏi. Đây là chư Phật Như Lai vì chúng ta mà thị hiện. Chúng ta từ chỗ này mà thể hội, hiểu được chúng ta đời này đi đến thế gian này là để học Phật, tự mình chăm chỉ học, tự mình học, đồng thời cũng chính là làm ra tấm gương cho người khác xem. Cho nên, “học vi nhân sư, hành vi thế phạm”, hai câu nói này chúng ta phải nhớ ở trong lòng. Nếu như chúng ta thường hay sơ xuất bỏ qua, thường thường quên mất, tự mình phiền não tập khí lại khởi hiện hành. Đó là gì vậy? Đó là bản thân không có năng lực đề khởi giác ngộ của chính mình.

Cổ đức nói: “Không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”. Bạn đề khởi giác ngộ không nổi. Phải làm thế nào chúng ta mới có thể thật sự đề khởi được, mới không đến nỗi mê mất? Ngày xưa có một người đã làm ra một tấm gương rất tốt, nếu như các vị thật không đề khởi lên nổi thì hãy học người này. Là ai vậy? “Du Tịnh Ý gặp Táo Thần ký”. Ông cao minh hơn rất nhiều so với Viên Liễu Phàm. Ông có thể đề khởi được. Viên Liễu Phàm đề khởi không được, thường thường mê mất, ba ngàn việc thiện đã làm hết mười mấy năm mới viên mãn. Nguyên nhân gì vậy? Thường thường quên mất, mất hết 10 năm thì ba ngàn việc thiện mới viên mãn. Việc này không dễ gì thành tựu. Thành tựu của Du Tịnh Ý còn thù thắng hơn so với Viên Liễu Phàm, nhưng bản thân ông không có đem những câu chuyện về việc sửa sai tu thiện mà ghi lại. Liễu Phàm tiên sinh là bởi vì để giáo huấn con trai của ông mà đã viết ra. Du Tịnh Ý càng thù thắng hơn so với ông. “Du Tịnh Ý gặp Táo Thần ký” là do đồng hương của ông là cư sĩ Duy đã viết cho ông, không phải ông tự mình viết ra. Vô cùng đáng để chúng ta học tập. Phải phát tâm dũng mãnh tinh tấn, không giải đãi, đem tập khí thói xấu của chính mình mà bỏ đi, chúng ta mới có được bước tiến. Đáng sợ nhất là vẫn cứ qua loa, sơ sài, tùy tiện, đại khái, như vậy thì quyết định sẽ luống uổng một đời, bạn làm sao có được thành tựu?

Pháp Tạng Bồ Tát, thật ra cũng đều là thị hiện cả, từ kiếp xa xưa đã thành Phật, làm gì mà đúng lúc thành Phật tại Cực Lạc Thế giới. Lần này tại Cực Lạc Thế giới xây dựng đạo tràng Cực Lạc Thế giới này, thị hiện thành Phật, thì cũng như Thích Ca Mâu Ni Phật năm xưa tại thế gian này của chúng ta, cùng một mục tiêu thị hiện “tám tướng thành đạo”, cùng một cái nghĩa thú. Chúng ta có thể thể hội.

“Thù nguyện độ sanh”, Ngài trên nhân địa đã từng phát qua cái nguyện, cũng giống như chúng ta đã từng phát nguyện “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”. Nhưng mà cái nguyện này, nếu bạn nói là vô tâm thì vẫn là có tâm, nếu nói có tâm thì lại như vô tâm, ngày ngày đang phát nguyện nhưng nguyện rồi không thực hiện, khi phát cái nguyện cũng rất giống với sự việc như vậy, câu nói này vừa đọc xong thì đã quên mất. Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ, câu nói này thì không có, cái ý niệm độ chúng sanh cũng không có thì cũng không có độ chúng sanh. Chúng ta ngày nay phát ra là cái nguyện này. Khi mà trong miệng có thì có nguyện, khi mà trong miệng không có thì nguyện này cũng không. Cái nguyện này tùy theo âm thanh của chúng ta mà sanh diệt, cái nguyện này là pháp sanh diệt, cho nên nó không hiệu nghiệm. Khi nào bạn phát cái nguyện này mà thực hiện được, thì cái nguyện này khởi tác dụng. Cho nên sau khi thành Phật, Ngài còn tùy loại mà độ sanh, ứng với thân gì mà được độ thì thị hiện cái thân ấy, ứng với chúng sanh này là cái căn tánh như thế nào thì bạn nói cái pháp đó với họ. Phật Bồ Tát không có một hình tướng nhất định, Phật Bồ Tát không có định pháp để nói, chúng ta phải hiểu đạo lý này. Chúng ta bây giờ phải học tập, không phải nói đợi đến khi thành Phật rồi thì mới thù nguyện độ sanh, hiện tại thì phải làm. Đây gọi là học Phật. Chúng ta hiện tại toàn tâm toàn lực mà làm thì mới tương ưng với hành và nguyện của A Di Đà Phật, chúng ta cầu nguyện vãng sanh quyết định được sanh, đến khi chúng ta lâm chung, Phật nhất định đến tiếp dẫn. Tại sao vậy? Vì nguyện - hành tương ưng. Nhất định không nên có một quan niệm sai lầm là: “Tôi hiện tại còn chưa có học xong, tôi muốn nói pháp với chúng sanh nếu mà nói sai thì phải chịu nhân quả. Cổ Đại đức thường nói, chuyển ngữ mà sai một con chữ thì đọa làm thân chồn 500 kiếp, làm tôi sợ đến nỗi một câu cũng không dám nói”. Đây là sai lầm. Họ là bởi vì sai một con chữ chuyển ngữ, vậy chỉ cần ta không sai thì được rồi. Ta ngày nay chưa có trí tuệ, sao có thể không sai? Khổng Lão Phu Tử dạy cho chúng ta, biết thì nói là biết, không biết thì nói không biết, ấy là biết. Giáo huấn này rất hay, Phật cũng dạy chúng ta như vậy. Câu nói này tôi biết được rất rõ ràng, thì tôi sẽ giảng với bạn thật rõ ràng. Câu nói này tôi không có biết, tôi biết mà không rõ ràng, không có nắm được, không có chắc chắn thì tôi đem Kinh văn đọc qua một cái là được. Đọc thì đâu có sai. Người ta nói: “Pháp sư à! Ngài đọc qua đoạn Kinh văn này mà không có giảng”. Tôi không giảng thì không có sai, tôi đọc vậy thì được rồi, tôi không nhất định phải giảng hết. Nếu không biết thì tôi đọc, nếu biết thì tôi giảng. Như vậy thì bạn sẽ không phạm phải sai lầm rồi. Cách làm này chúng ta phải biết học, học rồi mới có thể thù nguyện độ sanh. Hiện tại có thể làm, chúng ta xem chú giải của người xưa, ngày trước tôi học “Kinh Lăng Nghiêm”, tôi đã đọc qua rất nhiều rất nhiều chú giải của cổ Đại đức, rõ ràng nhìn thấy trong Kinh văn này có ý nghĩa rất quan trọng, nhưng thấy họ sơ sài đại khái rồi lướt qua. Chúng tôi hoài nghi, cái này quan trọng tại sao họ lại không chú giải? Chúng tôi liền đem quyển chú giải này đi hỏi lão sư Lý. Lão sư Lý xem xong liền chau mày, họ cũng chưa có được rõ ràng, họ không hiểu. À! Vậy thì chúng tôi hiểu rồi. Lời nói này là thật, thế là chúng tôi lại tham khảo những quyển khác nữa, xem xem người khác đối với câu này thì chú giải như thế nào. Lại đi tìm một quyển sách khác. Thực tế tìm không được chú giải nào đáng tin để giảng, vậy thì Kinh văn đọc qua là được rồi, như vậy chúng ta mới chân thật là chịu thù nguyện độ sanh. Độ sanh chính là giúp đỡ người khác, từng giờ từng khắc nhớ đến phải giúp người khác, toàn tâm toàn lực giúp đỡ người khác. Bạn quả nhiên chịu làm như vậy thì xin chúc mừng bạn, bạn được oai thần Tam Bảo gia trì. Dường như rất nhiều pháp sư giảng Kinh đều có kinh nghiệm này.

Ngày xưa, Pháp sư Đế Nhàn giảng “Kinh Viên Giác”, chính bản thân Ngài viết “Kinh Viên Giác giảng nghĩa”, đủ thấy được Ngài đã chuẩn bị tương đối đầy đủ, viết thành giảng nghĩa để giảng trên giảng đài. Nhưng trong khi giảng, có nhiều lúc đã phát huy vượt qua phạm vi của giảng nghĩa. Trong thính chúng có vài vị Đại đức cư sĩ, như là lão cư sĩ Giang Vị Nông, những vị này nghe giảng đều có ghi chép lại. Sau khi ghi chép lại xong, đem hội tập lại rồi giao toàn bộ cho cư sĩ Giang Vị Nông chỉnh lý, đến hôm sau đem cho Lão Hòa thượng xem qua, mời Lão Hòa thượng cải chính. Lão Hòa thượng xem xong liền hỏi đây là ai giảng vậy? “Là buổi tối hôm qua nghe Ngài giảng đấy”. “Tôi giảng hay như vậy sao?” Đó là oai thần của Phật Bồ Tát gia trì. Sau khi một bộ Kinh giảng xong, bài ghi chép của họ cũng in thành sách, là “Viên Giác Kinh thân văn ký”. Các vị xem “Đế Nhàn Pháp Sư Toàn Tập”, các vị hãy xem xem trong lời tựa có viết, “Kinh Viên Giáo” có giảng nghĩa, có “thân văn ký”. “Thân văn ký” là do những cư sĩ ấy đã ghi chép lại. Bạn chỉ cần thật lòng chịu làm thì Phật Bồ Tát gia trì.

Tôi học giảng Kinh đắc lực là nhờ một câu nói của lão sư Lý: “Chí thành cảm thông”. Lão sư năm xưa dạy chúng tôi, giảng Kinh có dễ gì chứ? Đây không phải chuyện nhỏ mà là chuyện đại sự. Từ phương diện Phật pháp mà nói, bạn phải thông đạt Tam Tạng 12 bộ, bạn không thông thì làm sao mà giảng? Dùng thế gian pháp mà giảng, bạn phải thông đạt tất cả học thuật của thế gian. Đến lúc này thì họ sẽ nói, đừng nói cái khác, chỉ nói đến “Tứ Khố Toàn Thư” của Trung Quốc ngày xưa thôi, bạn mà không thể thông đạt thì bạn giảng Kinh gì chứ? Theo tiêu chuẩn này mà nói thì tất cả chúng ta đều bị đào thải rồi, Phật pháp ở tại thế gian này quyết định là sẽ đoạn diệt, ai có năng lực này chứ? Sau đó lão sư dạy chúng tôi phương pháp. Ngài có hai phương pháp. Phương pháp thứ nhất, chúng ta không phải giảng Kinh, chúng ta là giảng chú giải, có nghĩa là đem chú giải của người xưa, người xưa chú giải là viết theo lối văn ngôn văn, chúng tôi ở trên giảng đài đem nó dịch thành văn nói. Chúng tôi mới đầu học giảng Kinh là dùng phương pháp này, giảng chú giải của người khác. Việc này không có áp lực, giảng mà sai thì người chú giải chịu trách nhiệm, chúng tôi không chịu trách nhiệm. Chỉ cần chúng ta y theo chú giải của họ mà giảng, không nên tự mình thêm ý vào trong đó. Tự mình mà thêm ý vào trong đó, thì sợ chính mình xảy ra vấn đề. Tự mình không thêm ý vào, hoàn toàn giảng theo chú giải, giảng mà sai thì họ chịu trách nhiệm, chúng tôi không có trách nhiệm. Yên tâm mà học giảng. Thêm một bước nữa, lão sư dạy tôi đã tặng cho tôi bốn chữ: “Chí thành cảm thông”. Lão sư Ngài đã dạy tôi, chúng tôi muốn thông suốt thế xuất thế gian pháp, thật không thể, nhưng mà có một phương pháp đó là cầu cảm ứng. Dùng phương pháp cầu cảm ứng để thông suốt. Dùng phương pháp gì để mà cầu cảm ứng? “ Chí thành”, chân thành đến chỗ cùng cực thì sẽ thông, trên giảng đài giảng Kinh vượt ra khỏi phạm vi mà bạn chuẩn bị. Lão sư dạy tôi như vậy thì tôi đã thật sự học để làm, quả nhiên hiệu quả. Cho nên lúc đầu tôi giảng Kinh, tôi giảng Kinh đến năm nay đã 42 năm, 10 năm đầu tôi có chuẩn bị, sau 10 năm thì đều toàn nhờ cảm thông, không chuẩn bị nữa. Cho nên tôi thường thường giảng với các vị đồng học, tôi giảng câu câu đều là lời chân thật. Tôi ở trên giảng đài đem thân của mình cho Phật Bồ Tát mượn dùng, những lời gì nói ra đều không phải là lời của tôi, Phật Bồ Tát đã mượn cái miệng này của tôi để mà nói ra, tôi bằng lòng cho mượn cái thân này. Các vị rất keo kiệt không chịu cho mượn, vậy thì có cách gì chứ? Cho nên tôi khuyên bảo các vị, các vị phải phát tâm cho mượn, đem thân cho Phật Bồ Tát mượn sử dụng, vậy thì sẽ linh, vừa lên giảng đài, Kinh văn vừa mở ra, từng câu từng chữ vô lượng nghĩa, giảng không hết. Quyết không phải năng lực của chính mình. Năng lực của mình, bình thường bạn hỏi tôi một câu, thật lòng mà nói, tôi nói không thông. Cho nên ở chỗ này chúng tôi vô cùng cảm kích chư vị đồng học, tôi cũng được hưởng ánh sáng của các vị, hai bên được nhờ nhau. Tôi dùng tâm chân thành cầu cảm ứng, chư vị nếu chưa có phước báu thì tôi sẽ không có cảm ứng, cho nên cũng là gặp phước báu của chư vị, thiện căn phước đức nhân duyên. Cho nên, tôi trên là cảm tạ Phật Bồ Tát, dưới là cảm kích mỗi một vị thính chúng trong các vị. Các vị không phát tâm đến nơi này để nghe thì Phật Bồ Tát không có cảm ứng. Tôi nói với mọi người là lời chân thật, một câu cũng không giả. Như vậy thì bạn hiểu được, chúng tôi học một câu thì phải dạy một câu, phải truyền một câu; học hai câu thì phải truyền hai câu, nhất định không thể nào đợi mình học xong rồi mình mới truyền lại, vậy thì bạn sẽ đợi đến khi nào? Cho đến lúc chết tự mình vẫn cảm thấy còn chưa học xong, vậy thì hỏng rồi, những thứ bạn học trong đời này đều mang theo vào trong quan tài rồi, không có cống hiến chút gì với Phật pháp, với thế gian này. Quan niệm này đã sai, không thể có cách nghĩ như vậy. Cần phải can đảm lên. Ngày nay, người giới thiệu Phật pháp ở thế gian này không nhiều, chúng ta mà không làm vậy thì ai làm? Người thật sự có phước đức lớn, có trí tuệ lớn thì họ sẽ làm, chúng ta lui xuống làm học trò. Không có ai làm, ta lại không đứng ra làm thì phải sao đây? Chúng ta phải thường thường nghĩ đến việc này, ta không đứng ra thì sẽ thế nào? Nhất định phải khuyến khích chính mình đứng ra hoằng pháp độ sanh.

A Di Đà Phật “hiện tại Tây Phương”, các vị phải xem cho rõ hai chữ “hiện tại” này. Hai chữ “hiện tại” này cách giảng như thế nào? Có phải là quá khứ hiện tại vị lai? Cách nói này ý nghĩa rất cạn, vậy phải nên nói như thế nào? Thị hiện tại Tây Phương Cực Lạc Thế giới, thị hiện tại Tây Phương. Tây Phương lại trở thành một vấn đề, địa cầu là hình tròn, chúng ta đi về hướng tây cứ đi mãi đi mãi thì trở lại chỗ cũ, cho nên có người sẽ hỏi Cực Lạc Thế giới rốt cuộc là ở đâu? Xuất hiện vấn đề như vậy. Hiện nay chúng ta ngồi máy bay, nhắm hướng tây mà bay, đại khái bay khoảng hai mươi mấy giờ đồng hồ thì sẽ quay trở về chỗ cũ, không có Tây Phương. Rốt cuộc đâu mới là Tây Phương? Ở ngay trên địa cầu, mỗi một Kinh độ nhìn về phía trước là hướng đông, nhìn về phía sau là hướng tây, di chuyển một độ hướng đông lại biến thành hướng tây, hướng tây lại biến thành hướng đông. Phương hướng là khái niệm trừu tượng, tại vì sao Phật lại nói Tây Phương? Bởi vì chúng sanh Diêm Phù Đề chưa buông bỏ vọng tưởng phân biệt chấp trước, do vậy cần phải chỉ phương lập hướng, khiến ý chí của bạn có thể chuyên chú. Dụng ý ở chỗ này, là hy vọng tâm bạn không tán loạn, bạn có thể hướng về một phương hướng, một mục tiêu nhất tâm chuyên chú, là ý nghĩa như vậy, không phải là thật sự nói Tây Phương với bạn.. Chỉ cần bạn đạt đến nhất tâm thì cảm ứng sẽ hiện tiền. Chúng ta niệm một câu Phật hiệu này, một câu Phật hiệu này chính là một tín hiệu, Phật A Di Đà bất luận là ở nơi đâu, chúng ta niệm A Di Đà Phật, sóng của chúng ta giống như sóng điện vậy, cái sóng tâm này của chúng ta đang phát ra, Phật A Di Đà ở bên đó liền nhận được, cảm ứng đạo giao, giống như sóng điện vô tuyến, không khác. Đây là từ trên lý mà nói. Không có phương vị, không có thời không, cho nên cổ đức mới nói: “Sanh thì quyết định sanh, đi thì thật không đi”. Tại sao vậy? Không có khứ lai sanh diệt. Khi bạn nhận ra có một cái Tây Phương, thì bạn có khứ lai sanh diệt, bạn không có buông bỏ vọng tưởng phân biệt chấp trước, bạn chưa có được nhất tâm bất loạn. Đây là trên lý mà nói. Trên sự mà nói, Tây Phương mà Phật đã giảng không phải là nói hướng tây của địa cầu chúng ta. Năm xưa tôi giảng với mọi người, có người đến hỏi tôi nói với họ đó là hướng tây của hệ ngân hà, cách nói này nói từ trên sự thì cũng có thể nói được thông. Hệ ngân hà một vạn hai nghìn năm, pháp vận của Thích Ca Mâu Ni Phật là một vạn hai nghìn năm, một vạn hai nghìn năm trên góc độ xoay chuyển của hệ ngân hà là rất nhỏ, chưa có rời khỏi phương vị của nó. Có thể nói được thông. Nhưng khu vực giáo hóa của Thế Tôn là Ta Bà Thế giới, là Ta Bà Tam Thiên Đại Thiên thế giới, Tây Phương của Ta Bà Tam Thiên Đại Thiên thế giới, có lẽ là như vậy. Phật Độ của một Phật thế giới có lẽ là như thế. Nếu như lấy Ta Bà Thế giới làm trung tâm, thì hướng tây của Ta Bà Thế giới có thể nói một vạn hai nghìn năm góc độ dịch chuyển mới vài phút vài giây, chưa được một độ nữa. Cách nói này khẳng định không hề sai, có thể dùng cách nói này. Đây là từ trên tướng từ trên lý mà nói, chúng ta đều phải hiểu.

“Khứ Diêm Phù Đề”, “Diêm Phù Đề” là nói địa cầu chúng ta, chúng ta hiện tại cư trú trên tinh cầu này.

“Bách thiên câu chi na do tha Phật sát”. “Bách thiên câu chi na do tha” chính là “mười vạn ức” mà trên “Kinh Di Đà” đã giảng. Đơn vị dùng ở đây là đơn vị Phạn văn của Ấn Độ, dịch thành đơn vị của Trung Quốc thì là “mười vạn ức Phật quốc độ”. Phật sát chính là Phật Quốc độ, cũng chính là chúng ta thường hay nói là “tam thiên đại thiên thế giới”. Nhưng chúng ta đọc được ở trên Đại Kinh, quốc độ Phật cũng có lớn nhỏ không giống nhau, có quốc độ Phật thì khu giáo hóa của một vị tôn Phật là một cái “tam thiên đại thiên thế giới”, cũng có vị Phật mà khu giáo hóa là hai cái đại thiên thế giới, ba cái đại thiên thế giới, cho đến 10 cái, 20 cái đại thiên thế giới không chừng. Do vậy, “mười vạn ức Phật quốc độ” cũng có những cách nói không giống nhau, một cái là nói mười vạn ức cái khu giáo hóa của chư Phật Như Lai, một cách nói khác thì nói là mười vạn ức cái “tam thiên đại thiên thế giới”. Cả hai cách nói này đều có thể nói được thông. Nhưng nếu bạn muốn nói cái nào đúng, cái nào không đúng thì sẽ rất khó. Không nên ở tại chỗ này mà phân biệt, không nên ở tại chỗ này mà bàn cãi. Nhất định phải biết rằng, chúng sanh mười phương thế giới mong cầu Cực Lạc Thế giới, bất luận khoảng cách bao xa thì trong sát na đã đến nơi. Phải hiểu rõ đạo lý này. Cho nên, không gian và thời gian không phải là vấn đề, vấn đề là ở nhất hướng chuyên niệm, “Phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm”.

Phát Bồ Đề tâm là phát cái tâm giác ngộ, việc này vô cùng quan trọng. Chúng ta không chịu toàn tâm toàn lực giúp đỡ người là vì nguyên nhân gì? Mê mà không giác. Thực tại mà nói là phải thường thường kiểm điểm chính mình, phải thường thường giác ngộ. Giác và mê khác nhau ở chỗ nào? Thế nào gọi là giác? Thế nào gọi là mê? Phàm phu chúng ta rất khó phân định. May mà Phật đã ở trên các Kinh luận Đại Tiểu Thừa đã dẫn ra cho chúng ta rất nhiều ví dụ, nói tóm lại là niệm niệm vì chúng sanh thì chính là giác, niệm niệm vì chính mình thì chính là mê. Từ chỗ này mà phân biệt thì tương đối dễ dàng, cũng rất thỏa đáng.

Tôi đem những gì mà tôi biết, nhất định không có hẹp hòi, nhất định không hề giữ lại, nói tất cả ra hết để cúng dường đại chúng. Đây là hành vi của giác. Tôi giúp đỡ người khác mà còn giữ lại một chút, Phật nói là “bỏn pháp”, tại sao mà muốn giữ lại một ít? Là sợ tương lai có người khác vượt qua chúng ta. Đây là mê, là bất giác.

Quả báo của mê và ngộ có sai biệt rất lớn. Người mà giác ngộ thì chư Phật Bồ Tát hoan hỷ, sẽ thường giúp đỡ họ, gia trì cho họ. Người mà mê không nhận được Phật Bồ Tát gia trì, quả báo ngu si. Họ hẹp hòi, lận pháp. Người lận tài thì bần cùng, người lận pháp thì ngu si. Cho nên, chúng ta giúp đỡ người khác không chút hẹp hòi, nói thẳng ra hết thì trí tuệ của chúng ta ngày ngày tăng trưởng, thì tài phú trong mạng của bạn ngày ngày tăng trưởng, tuyệt đối không thiệt thòi. Những lời này Phật đã nói quá nhiều quá nhiều rồi. Những đồng tu học Phật chúng ta cho đến chúng xuất gia, tôi nghĩ chúng ta đã nghe không chỉ một nghìn lần, hai nghìn lần, ba nghìn lần, tôi tin rằng không chỉ ba nghìn lần, nhưng mà như thế nào? Vẫn cứ hẹp hòi. Rốt cuộc là phải giảng bao nhiêu lần mới thật sự thức tỉnh được bạn? Có thể phải mười vạn lần, trăm vạn lần, nghìn vạn lần, ức vạn lần thì mới giác ngộ sao. Là thật chứ không phải giả, lời này là thật. Cho nên, Phật cũng không ngừng xem trọng những khai thị trọng yếu.

“Thọ trì đọc tụng vì người diễn thuyết”, câu nói này Phật đã ở trong tất cả Kinh luận, theo cách tính của tôi, tuyệt đối không ít hơn một vạn lần. Phật vì cái gì mà giảng nhiều lần như vậy? Chúng ta hiện giờ mới hoát nhiên đại ngộ, người mà chưa được nghe nhiều như vậy sẽ không quay đầu. Phàm phu quả thật hay quên, sau khi nghe xong lập tức liền quên mất. Nếu mà họ không quên thì họ sẽ thực tiễn, thì họ sẽ làm được. Tại vì sao không thể thực tiễn? Vì quên mất. Khi đọc tụng Kinh thì rõ ràng, thì thức tỉnh, vừa quay đầu thì đã quên mất. Đây chính là người thế gian thường nói là liệt căn hạ tánh, rất là nghiêm trọng. Nếu như liễu giải được những thứ mà chúng ta đã học tập, lập tức có thể thực tiễn, thành Phật cần gì đến ba Đại A Tăng Kỳ Kiếp? Trên “Kinh Hoa Nghiêm” nói, Thiện Tài Đồng Tử vì chúng ta mà thị hiện một đời thành Phật, trong “Kinh Pháp Hoa” nói Long Nữ 8 tuổi thành Phật, rốt cuộc là đạo lý gì vậy? Họ chỉ cần nghe một câu liền ghi nhớ, họ sẽ không quên mất, họ minh bạch rồi thì họ liền thực tiễn, một đời liền được thành công. Chúng ta thì quá dễ quên mất, đây là chướng ngại nghiêm trọng của chúng ta.

Hai chữ “hiện tại” này được nói ra một cách quá thân thiết. Xin nói với các vị, Phật A Di Đà hiện tại thị hiện tại Tây Phương Cực Lạc Thế giới. Phía dưới nói “hữu thế giới danh viết Cực Lạc”, chú trọng ở chữ “hữu”. Không phải là giả, chân thật là có. Cho nên, Ngẫu Ích Đại Sư sau khi Ngài tiếp nhận pháp môn Tịnh Độ, Ngài đọc tụng “Kinh A Di Đà”, trên “Kinh A Di Đà” có nói ba câu là “hữu thế giới danh viết Cực Lạc”, “hữu Phật hiệu A Di Đà”, “kim hiện tại thuyết pháp”. Ngài đọc xong ba câu này, Ngài đem hiệu của Ngài sửa lại. Giống như Liễu Phàm tiên sinh, vốn tên là “Học Hải”, sau khi giác ngộ liền sửa thành “Liễu Phàm”. Ngẫu Ích Đại Sư xem xong ba câu Kinh văn đổi tên thành “Tây Hữu Lão Nhân”, Ngài đem đổi biệt hiệu của mình thành “Tây Hữu”, chân thật tin tưởng Tây Phương Cực Lạc Thế giới xác thực là có, xác thực có đức Phật hiệu A Di Đà, Phật A Di Đà hiện tại ở nơi đó thuyết pháp, tâm quy hướng từ đây mà sinh ra. Thế nhưng chúng ta phải hiểu được, phải nên biết chân tướng sự thật, Phật A Di Đà tại Thế giới Tây Phương thị hiện cái Tịnh Độ này là phương tiện thị hiện. Cũng như là Thích Ca Mâu Ni Phật đã thị hiện tại Thế giới Ta Bà của chúng ta vậy. Nhưng Thế giới Ta Bà không có thù thắng như là Thế giới Tây Phương Cực Lạc. Nguyên nhân này trước đây tôi đã từng báo cáo qua với các đồng tu.

Thế giới Tây Phương sao lại thù thắng đến vậy? Đây giống như chúng ta xây nhà vậy, Thế giới Ta Bà là ngôi nhà cũ, ngôi nhà đã mấy mươi năm rồi, trong ngôi nhà này đương nhiên sẽ có rất nhiều chỗ hư nát, phải nên thường thường tu bổ. Tây Phương Cực Lạc Thế giới là ngôi nhà mới được xây, hoàn toàn đều là mới. A Di Đà Phật thành Phật đến nay mới mười kiếp, Cực Lạc Thế giới mới xây dựng cho nên mọi thứ đều thù thắng. Chúng ta mua nhà mới thì hãy đến Cực Lạc Thế giới, mua ngôi nhà cũ là tại Thế giới Ta Bà. Ví dụ như vậy thì mọi người dễ hiểu. Lại lấy thêm một ví dụ khác để cho chư vị thể hội. Cũng như hiện tại rất nhiều quốc gia đều ồ ạt di dân, chúng ta vãng sanh đến Tây Phương Cực Lạc Thế giới cũng là đi di dân. Chư vị đều hiểu là không có sanh tử, là chúng ta đi di dân. Cái túi da hôi thối này không cần nữa, vứt bỏ đi, thần thức của chúng ta di dân đến Tây Phương Cực Lạc Thế giới. Đến Tây Phương Cực Lạc Thế giới, chúng ta đổi một cái thân khác, liên hoa hóa sanh. Cái thân thể này tướng hảo quang minh, hoàn toàn giống như Phật A Di Đà.

Thích Ca Mâu Ni Phật thành Phật tại thế giới này, thế giới này là một cái thế giới xưa cũ, rất nhiều chư Phật Như Lai đã thành Phật tại đây. Sau khi đi khỏi, vị Phật kế tiếp lại đến nơi này để thành Phật. Sau khi pháp vận của Thích Ca Mâu Ni Phật diệt mất, thì vị tôn Phật kế tiếp là Di Lặc, Bồ Tát Di Lặc đến thành Phật, nơi cũ kĩ thế giới cũ kĩ. Cực Lạc Thế giới là mới vừa tạo ra, mới xây dựng, nói cách khác, ở nơi đó không có cư dân bản địa. Thế giới xưa cũ thì có rất nhiều dân bản địa, mà dân bản địa tập khí rất nặng, rất khó độ, bạn muốn dạy dỗ chăm sóc tốt cho họ sẽ rất khó. Tây Phương Cực Lạc Thế giới là mới xây dựng, các nơi đi di dân đến, phạm vi điều kiện di dân rất nghiêm ngặt, trình độ không đủ thì không cần, nên nơi đó rất tốt, ra sức lựa chọn cho tốt, cho nên Tây Phương Cực Lạc Thế giới đều là người tốt, không có người xấu. Bạn xem trên Kinh văn đã nói: “Chư thượng thiện nhân câu hội nhất xứ”, cái điều kiện đó là phải thượng thiện. Nói một cách khác, chí ít từ trong cảm nhận của chúng ta mà nói, thì đã đem mức độ này giảm xuống còn rất là thấp, thượng phẩm thập thiện, đây là chúng tôi đem mức độ này giảm xuống thật thấp. Thượng phẩm thập thiện, phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm. Bạn phải nên hiểu bao gồm ở trong phát Bồ Đề tâm là những gì? Là bao gồm hết “Tịnh nghiệp tam phước”, bạn nhất định đều làm được. “Hiếu dưỡng phụ mẫu phụng sự sư trưởng từ tâm bất sát tu thập thiện nghiệp” bạn làm được rồi, “thọ trì Tam Quy cụ túc chúng giới bất phạm oai nghi” bạn cũng làm được rồi, “phát Bồ Đề tâm thâm tín nhân quả đọc tụng Đại Thừa khuyến tấn hành giả” bạn hoàn toàn làm được hết, sau đó nhất hướng chuyên niệm. Cho nên bạn hãy xem, cách Ngài chọn lựa những người di dân này, có điều kiện này thì mới được đi. Bạn không có điều kiện này thì đi không được, chỉ niệm Phật thôi thì đi không được. Hiện nay Nhật Bản tuyên truyền bổn nguyện niệm Phật, chúng ta phải biết không đáng tin cậy. Tại vì sao? Không phù hợp với điều kiện mà trên Kinh đã giảng. Mức độ thấp nhất phải làm cho được hoàn toàn tam phước. Trong tam phước bao gồm cả Thập Thiện Nghiệp Đạo, cụ túc chúng giới, bất phạm oai nghi, đó mới là thượng thiện. Đây là đối tượng di dân mà Phật A Di Đà ở Tây Phương Cực Lạc Thế giới nhắm đến. Nói một cách khác, người thiện ở trong mười phương chư Phật sát độ, Phật A Di Đà đều hoan nghênh, mời họ đi đến Cực Lạc Thế giới. Tâm hành bất thiện, niệm Phật không thể vãng sanh, chỉ là kết một cái thiện duyên với Phật A Di Đà, chỉ ở trong A Lại Da Thức trồng xuống được một hạt giống A Di Đà Phật mà thôi, ngay trong đời này không thể nào vãng sanh. Đây là việc chúng ta nhất định phải ghi nhớ.

Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ học đến đây thôi.

A Di Đà Phật…

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 237)

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Thời gian: Khởi giảng năm 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây Cư Sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ