Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 195)

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 195)
Thành Tựu Diệu Độ Kinh văn: "Sở tu Phật quốc, khai khuếch quảng đại, siêu thắng độc diệu, kiến lập thường nhiên, vô suy vô biến". Đoạn Kinh văn này lần trước tôi đã giảng phân nửa, vì hết thời gian nên hai câu sau cùng này vẫn chưa giảng tỉ mỉ với các vị. Hai câu sau cùng: "Kiến lập thường nhiên, vô suy vô biến" là vô cùng quan trọng. Trong đoạn Kinh văn này, ba câu phía trước là nói cương lĩnh, bốn câu phía sau là nói Ngài đã trang nghiêm cõi Phật, dùng lời hiện tại của chúng ta mà nói, chính là hoàn cảnh cư ngụ của họ, hoàn cảnh đời sống tốt đẹp, nhất là nói "kiến lập thường nhiên, vô suy vô biến". Ngay trên văn tự mà nói, "kiến" là hưng kiến, chúng ta bắt đầu cấu tưởng để kiến tạo; "lập" là kiến thiết đã được hoàn thành, đã được thành lập. Trong các cõi nước chư Phật, Thế giới Tây Phương Cực Lạc của A Di Đà Phật là một cõi nước mới kiến tạo, giống như ngay trong hoàn cảnh hiện tiền chúng ta cư trụ, có rất nhiều nơi gọi là xã khu xưa, xã khu cũ, cũng có một số xã khu mới. Thế giới Cực Lạc ở trong cõi nước chư Phật là một xã khu mới, có thể nói là một xã khu rất mới. Trong xã khu cũ có rất nhiều khuyết điểm, cho nên Ngài hoàn toàn đem nó cải đổi

Thành Tựu Diệu Độ

Kinh văn: "Sở tu Phật quốc, khai khuếch quảng đại, siêu thắng độc diệu, kiến lập thường nhiên, vô suy vô biến".

Đoạn Kinh văn này lần trước tôi đã giảng phân nửa, vì hết thời gian nên hai câu sau cùng này vẫn chưa giảng tỉ mỉ với các vị. Hai câu sau cùng: "Kiến lập thường nhiên, vô suy vô biến" là vô cùng quan trọng. Trong đoạn Kinh văn này, ba câu phía trước là nói cương lĩnh, bốn câu phía sau là nói Ngài đã trang nghiêm cõi Phật, dùng lời hiện tại của chúng ta mà nói, chính là hoàn cảnh cư ngụ của họ, hoàn cảnh đời sống tốt đẹp, nhất là nói "kiến lập thường nhiên, vô suy vô biến".

Ngay trên văn tự mà nói, "kiến" là hưng kiến, chúng ta bắt đầu cấu tưởng để kiến tạo; "lập" là kiến thiết đã được hoàn thành, đã được thành lập. Trong các cõi nước chư Phật, Thế giới Tây Phương Cực Lạc của A Di Đà Phật là một cõi nước mới kiến tạo, giống như ngay trong hoàn cảnh hiện tiền chúng ta cư trụ, có rất nhiều nơi gọi là xã khu xưa, xã khu cũ, cũng có một số xã khu mới. Thế giới Cực Lạc ở trong cõi nước chư Phật là một xã khu mới, có thể nói là một xã khu rất mới. Trong xã khu cũ có rất nhiều khuyết điểm, cho nên Ngài hoàn toàn đem nó cải đổi, thay cũ đổi mới, xã khu mới này liền hiện ra vô cùng xinh đẹp, mà nó là nơi chân thật đáng được chư Phật Như Lai tán thán, đều ở "thường nhiên, vô suy vô biến". Đây là chỗ rất không thể nghĩ bàn. Trong cõi nước chư Phật, cõi Thật Báo Trang Nghiêm là thường nhiên vô suy vô biến, đây là giống nhau. Cõi Phương Tiện và cõi Đồng Cư đều là vô thường, chắc chắn không phải là thường nhiên. Trong rất nhiều Kinh điển Phật nói với chúng ta: "Thế gian vô thường, cõi nước không an", cho nên có "thành trụ hoại không", làm gì có thường nhiên? Nó có lúc suy kiệt, có lúc biến hóa rất lớn.

Ngày nay chúng ta xem thấy khoa học gia nói với chúng ta, ngay trong thái không mỗi ngày đều có rất nhiều tinh cầu sanh ra, mỗi ngày cũng có rất nhiều tinh cầu già đi và bị hủy diệt, phát nổ, tiêu mất. Đây đều là trên Kinh Phật nói hiện tượng vô thường không an. Sự thật đã chứng minh. Thế giới Tây Phương Cực Lạc là đặc thù. Thế giới này rất kỳ lạ, rất đặc biệt, từ sau khi kiến lập thì vĩnh viễn bất biến. Người chân thật thông minh phải tin tưởng. Lời của Phật mỗi câu đều là chân thật, không có vọng ngữ. Nếu như chúng ta vì phương tiện mà nói một chút vọng ngữ, có chỗ tốt đối với người, không có chỗ xấu, như vậy có được hay không? Không được. Nếu như Phật có một lần nói vì lợi ích chúng sanh mà khởi vọng ngữ, thì tất cả pháp mà Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói trong 49 năm chúng ta đều có thể đặt nghi vấn đối với Ngài, chưa chắc là chân thật. Chính vì nguyên nhân này mà Thích Ca Mâu Ni Phật suốt 49 năm quyết định không nói một câu vọng ngữ, mỗi câu đều là nói lời thành thật, trong "Kim Cang Bát Nhã" đã nói: "Như Lai thị chân ngữ giả, thật ngữ giả, như ngữ giả, bất cuồng ngữ giả". “Chân ngữ giả”, chân thì không giả. "Thật ngữ giả", thật thì không hư. "Như ngữ giả", “như” chính là những gì nói ra hoàn toàn đúng như sự thật, không thêm không bớt, vừa vặn thích hợp, đây gọi là như ngữ. Không vọng ngữ, chắc chắn không có một câu nói lừa dối chúng sanh. Cho nên, cõi Phương Tiện và cõi Hữu Dư của thế giới chư Phật mười phương đều là vô thường, đều có biến hoại, chỉ riêng cõi Phương Tiện và cõi Hữu Dư ở Thế giới Cực Lạc cũng giống như tình hình của cõi Thật Báo vậy, vĩnh viễn không hoại. Việc này rất không thể nghĩ bàn. Đây là pháp môn khó tin. Không phải phàm phu chúng ta khó tin, mà trái lại chúng ta rất dễ dàng tin tưởng, Phật nói thế nào thì chúng ta liền tin tưởng thế ấy. Ai khó tin tưởng? Bồ Tát khó tin. Bồ Tát trí tuệ cao hơn so với chúng ta, họ nghe Phật nói như vậy nhưng không dám tán đồng. Trí tuệ của các Ngài cao hơn so với chúng ta, năng lực của các Ngài cũng lớn hơn so với chúng ta, mười phương cõi nước chư Phật các Ngài đều xem thấy. Nếu như Phật nói "kiến lập thường nhiên, vô suy vô biến", câu nói này các vị phải ghi nhớ, đây là chuyên nói cõi Phương Tiện và cõi Đồng Cư, không phải nói cõi Thật Báo. Tất cả cõi Thật Báo của chư Phật đều là "kiến lập thường nhiên, vô suy vô biến", cho nên thù thắng của Thế giới Cực Lạc không phải thù thắng ở cõi Thật Báo, mà là thù thắng ở cõi Phương Tiện và cõi Đồng Cư. Việc này chúng ta nhất định phải rõ ràng, tường tận. Trong đây luôn có một đạo lý, chân thật là có đạo lý.

Vì sao cõi Phàm Thánh Đồng Cư và cõi Phương Tiện Hữu Dư ở Thế giới Cực Lạc cũng có thể giống như cõi Thật Báo vậy? Giả như hai loại Tịnh Độ này của chư Phật Như Lai không thể sánh được với Tịnh Độ của A Di Đà Phật, chúng ta muốn hỏi, có phải là trí tuệ và thần thông đạo lực của chư Phật Như Lai không sánh bằng A Di Đà Phật không? Quyết định không phải là như vậy. Trên Kinh Đại Thừa Phật thường nói "Phật Phật đạo đồng", trí tuệ đạo lực thần thông năng lực đều như nhau, vì sao hoàn cảnh y báo của hai loại chúng sanh này khác biệt nhau lớn đến như vậy, nguyên nhân này do đâu? Chúng ta có thể nói một câu, trí tuệ thần thông đạo lực của Phật thì giống nhau, thế nhưng phước báo của Phật thì không giống nhau. Phải có thể từ chỗ này mà quán sát thì nghi hoặc của chúng ta liền được giải trừ. Chân thật là phước báo không như nhau. Đây chính là tôi vừa rồi ngay trong thí dụ đã nói, tất cả cõi nước chư Phật, hai loại cõi nước này là xã khu cũ, cư dân tâm bệnh rất nhiều. Thế giới Cực Lạc là một xã khu mới, cư dân từ nơi đâu đến? Cư dân bản địa không có người nào, toàn bộ đều là di dân qua. Di dân thì dễ làm việc, điều kiện di dân nghiêm khắc, nếu ai không phù hợp điều kiện thì cự tuyệt không để họ qua, trình độ của cư dân đó liền chỉnh tề. Chúng ta vãng sanh đến Tây Phương Tịnh Độ chính là đi di dân. Điều kiện là gì? Mọi người đọc Kinh Tịnh Độ đã nhiều, đó chính là phải đoạn ác tu thiện, chuyển mê thành ngộ, phải tâm tịnh thì cõi Phật tịnh, điều kiện chân thật là tâm thanh tịnh. Do đây có thể biết, không có người nào vãng sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc mà không tích lũy công đức. Chúng ta thường nói "buông xả vạn duyên", vạn duyên này chính là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Phiền não tập khí thảy đều buông xả, hồi phục tánh đức của chính mình. Những cư dân này đều có trình độ đức hạnh tốt như vậy nên hoàn cảnh y báo đương nhiên tốt.

Trên Kinh Đại Thừa thường nói: "Y báo tùy theo chánh báo chuyển". Thế giới Tây Phương Cực Lạc cũng không ngoại lệ, quyết định không thể trái ngược với định luật này. Định luật này là chân lý. Hay nói cách khác, Thế giới Tây Phương mỗi một người đều tốt, mỗi một người đều không có tự tư tự lợi, đều buông xả danh vọng lợi dưỡng, đều không có tham-sân-si-mạn, cho nên hoàn cảnh y báo được thù thắng như vậy. Đạo lý chính ngay chỗ này.

Lần trước chúng ta ở hiệp hội quy y Hồi Giáo (không phải hiệp hội truyền đạo), chúng ta cử hành một buổi tọa đàm, có một vị đại đức đã nêu lên một vấn đề. Ông nói: “Trong Hồi Giáo gọi là Thiên Viên, Thiên Quốc và Thế giới Tây Phương Cực Lạc có giống nhau hay không?”. Tôi trả lời với ông ấy là "như nhau". Ông ấy hỏi tôi: "Ở chỗ nào?". Tôi nói: "Chính ngay chỗ này". Lời nói này là thật, không phải giả. Thế giới Tây Phương Cực Lạc ở chỗ nào vậy? Chính ngay chỗ này. Chỉ cần tâm địa của chúng ta thanh tịnh, quốc độ mà chúng ta cư trụ chính là Cực Lạc Tịnh Độ. Nếu như chúng ta vẫn cứ y như cũ, còn có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì nơi này của chúng ta chính là Thế giới Ta Bà. “Cảnh tùy tâm chuyển”, nhất định phải hiểu được đạo lý này.

Đặc biệt là chúng ta nhận được tin tức từ trên "Kinh Hoa Nghiêm", Phật nói với chúng ta chân tướng của vũ trụ nhân sanh. Trong “Kinh Hoa Nghiêm” Phật nói với chúng ta thế giới vốn dĩ là Nhất Chân Pháp Giới, vì sao có thể biến thành mười pháp giới, vì sao có thể biến thành sáu cõi luân hồi? Đó là do con người làm ra. Phật còn nói với bạn, đó không phải là chân tướng của sự thật, mà đó chỉ là huyễn tướng của sự thật, như trên "Kinh Bát Nhã" nói: "Như mộng huyễn bào ảnh, như lộ cũng như điện". Sáu cõi mười pháp giới là huyễn tướng, không phải là chân tướng. Chân tướng là Pháp Giới Nhất Chân, có thể nói là chính chúng ta không tỉ mỉ, không cẩn thận nên đọa lạc ở trong vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, đem cái nhất chân vốn có của chúng ta biến thành hư huyễn. Sự việc chính là như vậy. Thế giới Cực Lạc là Pháp Giới Nhất Chân, Thế giới Hoa Tạng là Pháp Giới Nhất Chân. Tôi đem Thiên Quốc trong tôn giáo của họ cũng đưa đến Pháp Giới Nhất Chân, tất cả đều bình đẳng. Vấn đề của hiện tại chính là làm thế nào hồi phục xã hội bình thường của chúng ta.

Hoàn cảnh đời sống bình thường, tôi nghĩ điều này chính là thế gian của chúng ta không phân chia cõi nước, không phân chủng tộc, không phân tôn giáo, mỗi một người đều đang mong cầu, đều đang ngưỡng vọng. Đặc biệt ở vào ngày nay, chúng ta mong cầu thế giới hòa bình, xã hội an định, bởi vì xã hội thực tế là quá không an định, thế giới thực tại không thái bình, mỗi một người sống ở thế gian này ngày ngày đều có cảm giác nguy cơ, cũng chính là nói thân tâm không an ổn, đời sống vật chất qua được có tốt hơn, thế nhưng tâm lý bất an, tâm tình không an định. Bạn liền nghĩ tưởng xem, đời sống tinh thần của họ khổ đến cỡ nào! Sự việc này trong lúc giảng giải chúng ta đã nói qua rất nhiều lần.

Chính trị không thể giải quyết được vấn đề. Thích Ca Mâu Ni Phật có bối cảnh chính trị rất tốt, có điều kiện rất tốt từ chính trị, thế nhưng Ngài biết được việc này không thể giải quyết được vấn đề, dùng quân sự để trấn áp cũng không thể giải quyết nên Ngài buông bỏ. Theo ghi chép trên Kinh điển, khi Thế Tôn còn trẻ võ nghệ siêu quần, Ngài là tướng quân, một vị nguyên soái, Ngài đều buông bỏ hết. Vì sao vậy? Không thể giải quyết được vấn đề xã hội. Kinh tế khoa học kỹ thuật của hiện tại đã mang đến cho chúng ta điều gì? Việc này chúng ta quá rõ ràng rồi, nó không thể giải quyết vấn đề. Chân thật giải quyết vấn đề là giáo dục, cho nên không chỉ Thích Ca Mâu Ni Phật, mà gần như xưa nay trong ngoài, bao gồm tất cả Thánh Hiền, thần Thánh đều chọn lấy giáo dục, đều là từ công tác vĩ đại này, chân thật là công tác cứu độ tất cả chúng sanh. Các Ngài làm sự nghiệp này. Loại công tác này, dùng cách nói của người hiện tại chính là giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa.

Có người đến hỏi tôi: “Những đại Thánh đại Hiền này có đại trí tuệ, có đại năng lực, từ nơi công tác vĩ đại này hà tất phải trải qua đời sống khổ đến như vậy? Thích Ca Mâu Ni Phật cả đời đã thị hiện ba y một bát, nửa ngày ăn một bữa, dưới gốc cây ngủ một đêm, vì sao Ngài trải qua ngày tháng khổ như vậy?”. Đáp án của tôi rất đơn giản. Singapore có cư sĩ Hứa Triết, bà đã nói được rất hay, nói ra đáp án cho câu hỏi này. Bạn xem, khi cư sĩ Hứa Triết đến nơi đây biểu diễn, cư sĩ Lý Mộc Nguyên hỏi bà vì sao bà không may một bộ quần áo mới để mặc. Y phục của bà đều là nhặt từ trong thùng rác, người khác bỏ đi không cần nữa, bà nhặt mang về giặt sạch sẽ để mặc, không vừa thì bà sửa lại một chút, trước giờ chưa từng may một bộ quần áo mới. Lý Mộc Nguyên hỏi bà tại vì sao, đáp án của bà rất hay: “Mỗi ngày tôi qua lại và ở chung cùng với những người nghèo khổ này, nếu đời sống của tôi tốt hơn so với họ thì tâm của tôi sẽ không an”. Đây là thật. Không những chính mình tâm không an, mà những người cùng khổ này xem thấy sẽ e ngại, cho nên cần phải trải qua đời sống giống như họ. Đây là Phật nói, đáng dùng thân gì để độ thì hiện ra thân đó để độ, mới có thể đạt được tâm hoan hỉ của chúng sanh. Cho nên, Thích Ca Mâu Ni Phật, Giê-Su của Cơ Đốc, Muhammad và Khổng Lão Phu Tử của Trung Quốc đều trải qua đời sống ở mức thấp nhất, bởi vì người khổ thế gian này nhiều, người bần cùng nhiều, cần phải kết thành một mảng với người đại đa số mới có thể thúc đẩy giáo dục của Thánh Hiền. Đây là một mảng khổ tâm của những người đó, chúng ta phải có thể thể hội. Sống vào thời đại này, chúng ta phải có thể hy sinh tất cả hưởng thụ văn minh vật chất, chúng ta phải trải qua đời sống thanh khổ, cùng dân nghèo kết thành một mảng, đem giáo huấn của Thánh Hiền giới thiệu cho họ thì họ mới có thể hoan hỉ tiếp nhận.

Giáo dục phải bắt đầu từ chỗ nào? Phật pháp dạy từ "Tịnh Nghiệp Tam Phước". Phật nói ở trong "Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật", ba điều này là "ba đời chư Phật chánh nhân tịnh nghiệp". Chúng ta biết phải nên dạy từ chỗ này, dạy hiếu thân, dạy tôn sư, dạy người phải bồi dưỡng tâm từ bi, phải tu thập thiện nghiệp, phải nên làm từ ngay chỗ này. Phật là như vậy mà dạy chúng ta, Khổng Lão Phu Tử cũng là như vậy mà dạy chúng ta. Học thuyết của Khổng Mạnh, tổng cương lĩnh chính là ở chương phía trước của đại học: "Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân dân, tại chỉ ư chí thiện". Cương lĩnh giáo học của Khổng Mạnh chính là mấy câu này. “Đại” là đại nhân. “Học” là học vấn, trong Phật pháp nói học là giác ngộ. Đại nhân nhà Nho gọi là Thánh nhân, đại nhân nhà Phật gọi là Phật Bồ Tát. Hay nói cách khác, đạo của chư Phật Bồ Tát và Thánh Hiền là ở "minh minh đức". Minh minh đức là tự hành. “Thân dân” là hóa tha. “Đức” là đức hạnh. Tự tánh chúng ta đầy đủ trí tuệ đức tướng. Học tập của chính chúng ta không có gì khác biệt, chẳng qua là hồi phục trí tuệ, đức tướng vốn đầy đủ trong tự tánh mà thôi.

Chúng ta học Phật là vì điều gì? Mục tiêu luôn phải rõ ràng. Người xưa đã nói: "Đọc thư chí tại Thánh Hiền", vậy thì không sai. Bạn đọc sách, cầu học là vì điều gì? Không phải vì thăng quan phát tài, cũng không phải vì có một năng lực kỹ thuật, tương lai ở trong xã hội có thể phát tài, có thể mưu sinh, mà mục đích của đọc sách là phải làm Thánh nhân, làm Hiền nhân. Mục đích của học Phật là phải làm Phật, làm Bồ Tát. Mục tiêu phải làm cho rõ ràng. Phàm là những người vãng sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, mục đích của họ đều rõ ràng, đều là đi làm Phật, làm Bồ Tát.

Phật Bồ Tát cõi Phàm Thánh Đồng Cư đương nhiên là “kiến lập thường nhiên, vô suy vô biến”. Họ không phải là phàm phu. Nếu như chúng ta có thể nghĩ đến cái tầng này thì nghi hoặc ở trong đây liền không còn, biết được cõi Phàm Thánh Đồng Cư của họ thù thắng là lý đương nhiên. Quay đầu nhìn lại, ngày nay chúng ta làm thế nào để xây dựng xã hội? Chúng ta không dám so bì với Phật Bồ Tát, mà chỉ hy vọng xã hội của chúng ta tốt đẹp hơn một chút, thế giới chân thật có thể đạt đến hòa bình. Đây là chúng ta thay chúng sanh Thế giới Ta Bà để cầu phước. Vì thế, chúng ta không thể không chú trọng đến giáo học của Nho - Phật.

Để hồi phục "minh đức" của chúng ta thì phải làm từ chỗ nào? Cũng là từ “hiếu thân tôn sư”, nhà Nho nói là hiếu đạo. Các vị đọc "Luận Ngữ" thì liền tường tận, nói về sư đạo câu đầu tiên trong "Luận Ngữ" là: "học nhi thời tập chi, bất diệc thuyết hồ?". Chữ "học" đó là cầu học. Mỗi ngày không ngừng đang học tập thì bạn đạt được pháp hỷ, đạt được pháp lạc. Thế nhưng "nhân vô chí tất bất lập" (“lập” là kiến lập), tuy bạn dụng công cầu học, nhưng đến sau cùng vẫn là trống không, vẫn là chưa kiến thọ. Trước tiên bạn cần phải có mục tiêu, cũng giống như Phật dạy chúng ta trước tiên phải "phát tâm Bồ Đề", nhà Nho nói trước tiên phải lập chí làm Thánh Hiền. Trong nhà Phật nói “phát tâm Bồ Đề” chính là lập chí làm Phật. Nếu chí không lập thì ngay đời này công phu của bạn sẽ không có lực. Người không thể không có chí. Lập chí trên cầu hạ hóa (hạ hóa là thân dân). Thượng cầu phải "chỉ ư chí thiện", hạ hóa cũng phải "chỉ ư chí thiện", đây là chân trí tuệ. Thượng cầu là làm Thánh làm Hiền, làm Phật làm Bồ Tát. Hạ hóa là giúp đỡ tất cả chúng sanh chuyển ác thành thiện, giúp chúng sanh chuyển mê thành ngộ, giúp chúng sanh chuyển phàm thành Thánh. Vậy mới gọi là "chỉ ư chí thiện".

Cho nên sau cùng nói "tri chỉ nhi hậu hữu định". Tâm của chúng ta hiện tại vì sao không thể định lại được, một ngày từ sớm đến tối cứ nghĩ tưởng xằng bậy? Bởi vì bạn không tri chỉ, bạn không hiểu được chỉ ư chí thiện. Nếu bạn chân thật hiểu được chỉ ư chí thiện, đem chí hướng mục tiêu của bạn đều định ở chỗ này thì tâm của bạn liền định rồi, nhà Phật nói là được Tam Muội. Được Tam Muội là như thế nào? Sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần bên ngoài không động tâm, trong có thể không động tâm, ngoài không bị mê hoặc. Nhà Nho nói "tri chỉ nhi hậu hữu định", bạn không tri chỉ thì bạn làm sao có thể được định?

"Định nhi hậu năng tịnh, tịnh nhi hậu năng an", thân tâm an ổn.

"An nhi hậu năng lự". "Lự" là gì? Lự là trí tuệ, nhà Phật gọi là "thường sanh trí tuệ", không sanh phiền não.

"Lự nhi hậu năng đắc", đắc là gì vậy? Đắc là quả vị của Thánh nhân, thông thường chúng ta gọi là chứng quả. Bạn xem, nhà Nho nói cùng Phật pháp nói có phải là như nhau không?

Từ nhỏ chúng ta không có người dạy, giáo dục gia đình của chúng ta đã mất đi, giáo dục học đường trong trường học chỉ dạy một số khoa học kỹ thuật, còn giáo dục nhân văn thì không có (nhân văn là dạy chúng ta làm thế nào để làm người, làm thế nào ở chung với mọi người), không có giáo dục nhân văn. Còn nói đến giáo dục của xã hội, hiện tại xem qua báo chí tạp chí, truyền hình phát thanh, phim ảnh, hý kịch, dạy chúng ta điều gì? Giáo dục tôn giáo thì chỉ có hình thức, cúng tế trên hình thức, còn đối với giáo học của Kinh điển thì xem thường. Như vậy thì thiên hạ làm sao mà không loạn, xã hội làm sao có thể tường hòa? Đây là đại vấn đề.

Quá khứ ngay đến người nước ngoài, tiến sĩ Thang Ân Tỷ nước Anh đã giác ngộ đến, muốn giải quyết vấn đề xã hội của thế kỷ 21 chỉ có học thuyết Khổng Mạnh cùng Phật pháp Đại Thừa. Đây là học giả nổi tiếng của thế giới, ông đã cho chúng ta một khải thị vĩ đại. Chúng ta làm thế nào cứu chính mình, làm thế nào cứu xã hội và chúng sanh? Cần phải quay đầu lại, hướng về học thuyết Khổng Mạnh và Phật pháp Đại Thừa để tìm cầu, học tập. Trước tiên chúng ta phải bổ túc chính mình, đành phải dùng bổ túc giáo dục, y theo quan niệm lý luận giáo học của Nho Phật.

Quá trình của giáo học bắt tay vào từ chỗ nào? Bắt tay vào từ đoạn phiền não. Nhà Nho nói "cách vật chí tri". “Vật” là gì? Vật là dục vọng, vật dục. Bạn xem xã hội hiện tại, không luận một quốc gia, một khu vực nào, lòng người xã hội có quan niệm sai lầm phổ biến là "tranh danh đoạt lợi, tứ tình túng dục", cho rằng đây là bản lĩnh. Hiện tại cả thảy xã hội là tám chữ này. Tám chữ này tiếp tục phát triển chính là ngày tàn thế giới. Nếu như không thể nào ngăn phòng có hiệu quả thì ngày tàn thế giới là chắc chắn không thể nào tránh khỏi. Phương pháp có hiệu quả chính là giáo huấn của Nho - Phật.

Điều đầu tiên Nho và Phật dạy chúng ta là đoạn phiền não. Nhà Nho dạy chúng ta từ nơi "tứ tình túng dục, tranh danh đoạt lợi", trong nội tâm của chính mình phải luôn phản tỉnh, làm công phu khắc phục chính mình. Chữ "cách" chính là cách đấu. Phải cùng phiền não tập khí của chính mình mà tác chiến, bạn phải đánh thắng thì mới được, khắc chế vật dục của chính mình. Buông xả danh vọng lợi dưỡng, buông xả tham-sân-si-mạn thì mới có thể quay đầu. Có câu: "Quay đầu là bờ". Quay đầu chính là Thánh, là Hiền, quay đầu chính là Phật Bồ Tát.

Cách vật rồi sau mới chí tri, lời nói này quan trọng. Phiền não chân thật phục được rồi, đoạn dứt rồi thì trí tuệ của bạn mới hiện tiền. Nếu không đoạn phiền não, con người này ở trong Phật pháp nói là nhiều nhất chỉ có chút thông minh nhỏ gọi là thế trí biện thông, chẳng qua như vậy mà thôi, không có trí tuệ. Thế trí biện thông không thể cải tạo vận mạng của bạn, nhưng trí tuệ thì có thể cải tạo vận mạng của bạn. Sau khi khắc phục phiền não thì bạn mới có trí tuệ. Có trí tuệ rồi bạn mới biết tu thân. Dùng phương pháp gì để tu thân? Tư tưởng, kiến giải, hành vi, ngôn ngữ của bạn phải tương ưng với thập thiện nghiệp đạo, đây là tu thân. Trái ngược với mười nghiệp thiện là sai lầm, lỗi lầm, tội nghiệp.

Ngày nay, chúng ta y theo “Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh", chúng ta cũng đã giảng, cũng ngày ngày đang đọc, vì sao vẫn không thể quay đầu lại vậy? Vì không có trí tuệ. Vì sao không có trí tuệ? Phiền não chưa đoạn. Bạn luôn phải nghĩ tưởng vì sao từ trước người xưa làm có hiệu quả, hiện tại chúng ta làm thì không có hiệu quả? Người xưa có thứ lớp, từng bước mà học tập. Cho nên, tôi thường hay dặn dò các đồng tu, cửa ải thứ nhất của chúng ta không cách gì đột phá, cho nên nói tu hành thì khó khăn. Cửa ải thứ nhất là gì? Tự tư tự lợi. Sự việc này nếu không thể buông xả, không luận là Nho hay Phật, chúng ta đều không tiến vào được. Nếu đem tự tư tự lợi buông bỏ đi, thì bạn mới có thể bước vào cửa Phật và cửa nhà Nho rất dễ dàng, bạn mới có thể đăng đường mà vào nhà. Chỉ cần có chút ý niệm tự tư tự lợi thì bạn không vào được.

Hôm nay có một vị đồng tu (ông là người kinh doanh) đến hỏi tôi: “Chúng con kinh doanh mỗi niệm đều là tự tư tự lợi, nếu không tự tư tự lợi thì còn làm ăn gì nữa? Thế nhưng cứ như vậy mà tiếp tục về sau, tương lai nhất định ở ba đường ác. Phải làm thế nào để con kinh doanh mà vẫn có thể đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc đi làm Phật?”. Câu hỏi này rất hay. Kinh doanh vẫn có thể đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc đi làm Phật, chỉ cần bạn đem ý niệm chuyển đổi lại. Kinh doanh ta cần phải kiếm tiền hay không? Cần, vẫn cứ phải kiếm tiền để mở rộng sự nghiệp của bạn. Thế nhưng bạn phải nên biết, nếu như bạn kiếm được để chính mình thọ dụng, gia đình của bạn thọ dụng, cho con cái của bạn thọ dụng, vậy thì nghiệp báo của bạn sẽ ở ba đường. Bạn kinh doanh một số thương nghiệp này, làm ăn mua bán là vì phục vụ xã hội, vì lợi ích chúng sanh, quyết định không phải vì tự tư tự lợi thì tương lai bạn sẽ thành Phật, tương lai làm Tổ, đem ý niệm chuyển đổi lại.

Chúng ta đã từng nghe nói, ngày trước nơi đây có một vị đại thương nhân tên Trần Gia Canh, sự nghiệp kinh doanh của ông rất lớn, kiếm được không ít tiền, tiền kiếm được đều xây trường học (tiểu học, trung học, đại học đều có), tạo phước cho xã hội. Nghe nói đến lúc tuổi già khi kiểm tra sức khỏe, bác sĩ nói ông không đủ dinh dưỡng. Có được nhiều tiền như vậy mà dinh dưỡng lại không đủ, chẳng phải buồn cười hay sao? Vì sao không đủ dinh dưỡng? Đời sống của chính mình rất thanh khổ, không có hưởng thụ, không nghĩ đến làm chút thức ăn ngon để ăn, không tìm bổ phẩm tốt, tiền kiếm ra được đều dùng vào xã hội, đều giúp cho người khác. Ông là Bồ Tát. Bồ Tát thì sao không phát tài? Phát tài được càng nhiều càng tốt, người khổ nạn liền có phước. Cho nên Bồ Tát học Phật, bất cứ một nghề nghiệp nào đều có thể học Phật, quyết định không có chướng ngại. Sự việc dưỡng sinh có thể làm, nghề nghiệp nào cũng có thể làm, quyết không phải vì chính mình mà là vì phục vụ xã hội, vì lợi ích chúng sanh. Đây chính là Bồ Tát. Phàm và Thánh chính ngay ý niệm; một niệm vì mình là phàm phu, mỗi niệm vì chúng sanh là Thánh nhân.

Chúng ta phải giúp đỡ xã hội này, quan trọng nhất là giáo dục. Làm thế nào giúp trẻ nhỏ của hiện tại có thể tiếp nhận giáo dục Thánh Hiền, làm thế nào giúp quần chúng của xã hội có thể giác ngộ hồi đầu? Việc này quan trọng hơn bất cứ thứ gì.

Tôi trở về từ Malaysia. Khi ở đó tôi xem thấy có một số trường Trung Văn đề xướng trẻ nhỏ đọc Kinh. Đây là việc tốt. Sức ghi nhớ của trẻ nhỏ rất tốt. Hôm qua, con trai lớn của Đan Tư Lý là Lý Kim Hữu, năm nay chín tuổi, theo bên tôi cả ngày. Chúng tôi ở trên xe dạy chú đọc một đoạn Kinh văn phía trước của "Đại Học", chú đọc năm lần thì có thể thuộc. Đây là bình thường. Khi gấp sách của chú lại, bảo chú đọc 100 lần, đại khái đọc hơn một giờ, từng lượt từng lượt đọc. Chú có lòng tin. Sau đó tôi nói với chú ấy: “"Đại Học", "Trung Dung", “Luận Ngữ" đóng chung lại một quyển, ta cho con thời gian một năm, con y theo phương pháp ta dạy con là mỗi ngày đọc một đoạn, sau khi học thuộc đoạn này thì lại đọc 100 lần. Ngày hôm sau, trước khi đọc đoạn kế tiếp phải đem đoạn phía trước ôn tập lại một lần. Mỗi ngày ôn tập như vậy, chỉ cần một năm thì quyển sách này con sẽ học thuộc lòng được làu làu, cả đời không thể nào quên đi”. Đối với trẻ nhỏ mà nói, một ngày chỉ cần dùng một giờ đồng hồ, gia trưởng phải cố gắng đốc thúc, ngay trong một năm thì ba bộ sách này liền được hoàn thành. Năm thứ hai thì học xong "Mạnh Tử". Thời gian hai năm thì đã học xong "Tứ Thư" rồi. Mỗi ngày chỉ cần một giờ đồng hồ. Đây là nền tảng, quan trọng hơn bất cứ thứ gì.

Tôi nói, một trẻ nhỏ trong nhà của bạn dụng công học như vậy, anh em chị em trong nhà có năm người, bốn người khác đều sẽ bắt chước theo. Nếu không theo thì sao? Không theo thì tương lai tụt hậu, không thể theo kịp. Một nhà có thể làm như vậy, khi thân bằng quyến thuộc của họ đến thấy, đứa nhỏ này ngay trong một năm đều có thể học qua "Tứ Thư", tôi nghĩ nhà nhà đều sẽ dạy con cái của họ cùng nhau học tập, vì không học tập thì thế hệ tiếp theo sẽ không thể theo kịp. Do đây có thể biết, việc này là không khó, khó ở người lớn xem thường, không có dạy chúng, không có xúc tiến chúng. Bạn ngày ngày phải xúc tiến, phải xem thấy chúng đọc sách và học thuộc lòng. Đến mười mấy tuổi, chúng ta ngày trước là mười ba tuổi thì trí tuệ dần dần khai, lúc đó bạn lại giảng giải cho chúng. Hiện tại chỉ cần học thuộc, không cần giảng, lợi dụng sức ghi nhớ của chúng, đại khái từ 6 tuổi đến 12 tuổi, ở độ tuổi này sức ghi nhớ của chúng rất tốt.

Giáo học cổ xưa của chúng ta có trí tuệ, cũng phù hợp quan niệm khoa học của ngày nay đã nói, phù hợp tinh thần của khoa học, lợi dụng giai đoạn trưởng thành của con người. Mỗi một giai đoạn có ưu điểm của mỗi một giai đoạn. Lợi dụng ưu điểm này. Ký ức là ưu điểm của trẻ nhỏ. Lý giải là ưu điểm của thanh thiếu niên, bạn giảng giải cho chúng nghe để cho chúng rõ lý, biết được chính mình đối nhân xử thế tiếp vật phải nên làm như thế nào. Đây chính là giáo dục.

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 195)

Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Khởi giảng năm 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ