Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 167)

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 167)
Nguyện thứ bốn mươi:"Vô Lượng Sắc Thọ Nguyện" Kinh văn: “Ngã tác Phật thời, quốc trung vô lượng sắc thọ, cao hoặc bách thiên do tuần, đạo tràng thọ cao, tứ bách vạn lý. Chư Bồ Tát trung, tuy hữu thiện căn liệt giả, diệc năng liễu tri.” Từ nguyện thứ 37 đến nguyện thứ 43 đều là nói y báo trang nghiêm của Thế giới Tây Phương. Y báo chính là môi trường cư trú, môi trường sống, môi trường học tập, trong tập quán của người Trung Quốc thường nói là phong thủy. Chúng ta từ trong đoạn nguyện văn này thể hội được phong thủy của Thế giới Tây Phương tuyệt đẹp, đây là điểm mà người của mười phương thế giới đều không thể sánh bằng, chính là điều mà nhà phong thủy gọi là “người phước ở đất phước, đất phước người phước ở”.Hai câu nói này dùng vào Thế giới Tây Phương Cực Lạc, quả thật là danh phù hợp với thực, không một mảy may khoa trương. Y báo trang nghiêm, nói thực ra là vô lượng vô biên. Phật A Di Đà ở trong nguyện văn chẳng qua chỉ là nêu lên mấy điển hình rõ rệt để thuyết minh, chúng ta nhất định cần phải có thể nghe một biết mười, nêu một cái mà suy ra những cái còn lại. Nhìn thấy mấy ví dụ này, liền có thể tưởng tượng được Thế giới Tây Phương là vô lượng vô biên, vô tận trang nghiêm. Đất phước như vậy, chúng ta thử suy nghĩ

Nguyện thứ bốn mươi:"Vô Lượng Sắc Thọ Nguyện"

Kinh văn: “Ngã tác Phật thời, quốc trung vô lượng sắc thọ, cao hoặc bách thiên do tuần, đạo tràng thọ cao, tứ bách vạn lý. Chư Bồ Tát trung, tuy hữu thiện căn liệt giả, diệc năng liễu tri.”

Từ nguyện thứ 37 đến nguyện thứ 43 đều là nói y báo trang nghiêm của Thế giới Tây Phương. Y báo chính là môi trường cư trú, môi trường sống, môi trường học tập, trong tập quán của người Trung Quốc thường nói là phong thủy.

Chúng ta từ trong đoạn nguyện văn này thể hội được phong thủy của Thế giới Tây Phương tuyệt đẹp, đây là điểm mà người của mười phương thế giới đều không thể sánh bằng, chính là điều mà nhà phong thủy gọi là “người phước ở đất phước, đất phước người phước ở”.Hai câu nói này dùng vào Thế giới Tây Phương Cực Lạc, quả thật là danh phù hợp với thực, không một mảy may khoa trương. Y báo trang nghiêm, nói thực ra là vô lượng vô biên. Phật A Di Đà ở trong nguyện văn chẳng qua chỉ là nêu lên mấy điển hình rõ rệt để thuyết minh, chúng ta nhất định cần phải có thể nghe một biết mười, nêu một cái mà suy ra những cái còn lại. Nhìn thấy mấy ví dụ này, liền có thể tưởng tượng được Thế giới Tây Phương là vô lượng vô biên, vô tận trang nghiêm. Đất phước như vậy, chúng ta thử suy nghĩ, đất phước phải người phước ở, chúng ta có bao nhiêu phước báo mà có thể vãng sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc?Vấn đề này không thể lơ là, không thể không nghĩ đến. Nếu như nghĩ đến rồi, chúng ta liền biết hiện nay niệm Phật rất quan trọng, tu phước không được lơ là.

Đại Sư Liên Trì nói rất hay: “Niệm Phật chính là tu phước”, thế nhưngchúng ta hiện tại từ sáng đến tối, tay cầm tràng hạt, niệm “A Di Đà Phật, A Di Đà Phật…”không ngừng, chúng ta có được xem là tu phước hay không? Giống như vừa rồi có một vị đồng tu đến nói với tôi, ông có một người bạn tu thiền định, định công rất tuyệt vời, nhưng đáng tiếc rất hay nóng giận. Các bạn thử nghĩ, định công của người ấy tuyệt vời thật không? Các bạn phải biết,định công khởi tác dụng gì?Tác dụng của định công là phục tham sân si mạn. Người có định công thì tham sân si mạn nhất định không khởi hiện hành. Người định công sâu thì tham sân si mạn đã đoạn sạch rồi. Trong Kinh điển, Phật thường nói với chúng ta, Tứ Thiền Bát Định phục phiền não, phiền não chưa có đoạn nhưng chắc chắn không khởi hiện hành. Nếu như chúng ta có đọc sơ qua một số Kinh luận, hiểu rõ nghiệp nhân quả báo trong tam giới thì bạn sẽ biết,người ở Trời Sắc Giới trở lên không có sân hận, họ thật sự phục được rồi; đến định thứ chín thì tham sân si mạn hoàn toàn diệt rồi. Định thứ chín gọi là Diệt Tận Định. Diệt cái gì vậy?Diệt phiền não. Kiến tư phiền não hoàn toàn đoạn diệt, đây là định công.Cái định này, ở trong định là có phước báo. Có thể phục phiền não, đây mới được xem là có phước báo.

Chúng ta niệm A Di Đà Phật, niệm A Di Đà Phật là phương pháp tu định, điểm này các bạn nhất định phải hiểu cho rõ ràng. Sự tu hành của Phật pháp, bất kể Đại Thừa, Tiểu Thừa, Tông môn, Giáo Hạ, Hiển giáo, Mật giáo, tất cả đều là tu thiền định,pháp môn nào cũng không thể lìa khỏi.Giới định tuệ,định là điểm then chốt của tu hành. Nếu như phương pháp tu học của họ mà trái ngược với giới định tuệ, đây chắc chắn không phải Phật pháp. Nếu như là Phật pháp, bất kể pháp môn nào, nhất định là tương ưng với giới định tuệ,chỉ là phương pháp tu giới định tuệ không giống nhau, cách thức không như nhau, nhưngphương hướng và mục tiêu chắc chắn là nhất trí.Đây là Phật pháp. Cho nên, Kinh điển Phật pháp gọi là tam tạng Kinh-Luật-Luận,sao có thể trái ngược tam tạng?Tương ưng với tam tạng, đó là phước tuệ song tu.Một câu A Di Đà Phật này, bạn niệm đến tâm địa thanh tịnh, tham sân si mạn không khởi, đây là tuệ, bên trong có định, có tuệ. Bạn đem tâm đại từ bi ở trong tự tánh của mình niệm ra rồi. Nếu như nói cạn một chút, đây là đem Từ Bi Hỷ Xả, Tứ Vô Lượng Tâm ở trong tâm tánh của mình niệm ra rồi.Đây là phước báo. Thiên nhân Sơ Thiền đã đem Từ Bi Hỷ Xả niệm ra rồi.Càng lên trên nữa thì Tứ Vô Lượng Tâm này sẽ càng là đích thực vô lượng. Không cần người khác mời gọi, vẫn toàn tâm toàn lực vì chúng sanh phục vụ. Khởi tâm động niệm, lời nói việc làm, không có gì không phải vì lợi ích chúng sanh, giúp đỡ chúng sanh lìa khổ được vui, đây là tu phước. Chúng ta niệm Phật, cách niệm này mới gọi là phước tuệ song tu, mới có thể thọ dụng được đất phước của Thế giới Tây Phương Cực Lạc. Bản thân chúng ta có phước, đất phước người phước ở. Người có phước mới có thể vãng sanh Thế giới Cực Lạc, người không có phước không thể vãng sanh.Nghĩ đến chỗ này chúng ta mới hiểu rõ, biết mình cần phải làm như thế nào.

Cây cối hoa cỏ, mười pháp giới, mặc dù quốc độ mà chúng ta cư trú khác nhau, sắc thân khác nhau, chủng loại khác nhau, nhưng tình yêu đối với thiên nhiên thật sự là như nhau. Người ưa thích cỏ cây hoa lá, động vật cũng ưa thích, đây không phân chủng loại. Cho nên, Di Đà Thế Tôn chỉ nêu ra điều này làm ví dụ,khi Ngài làm Phật thì“Quốc trung vô lượng sắc thọ”.Những cỏ cây hoa lá trên địa cầu này của chúng ta, hiện nay có ngành chuyên nghiên cứu thực vật phân loại cho nó, biết bao nhiêu chủng loại. Thế giới Tây Phương lớn hơn địa cầu chúng ta quá nhiều, quá nhiều, không thể nghĩ bàn. Chủng loại ở trong đó, có thể nói là tập đại thành của tất cả cõi nước chư Phật trong hư không pháp giới, loại nào cũng có. Loại mà chúng ta chưa từng thấy quá nhiều, chưa từng nghe cũng quá nhiều, Phật ở chỗ này chỉ dùng một câu nói là “vô lượng sắc thọ”.Chúng ta phải biết sự viên mãn nội dung của một câu nói này. Cây “cao trăm ngàn do tuần”, ở chỗ này chúng ta không nên tính toán một do tuần là cao bao nhiêu,một trăm do tuần là cao bao nhiêu,đọc sách như vậy là trở thành con mọt sách rồi. Ở chỗ này là miêu tả chiều cao của cây. Ở thế gian này của chúng ta, ở trong rừng nguyên sinh có những cây thần trên ngàn năm, đây là đại thụ. Cây hai ba ngàn năm chúng ta cũng thấy rồi, vẫn sinh trưởng vô cùng tốt, chứng minh đất ở nơi đó phong thủy tốt,cho nên cây có thể sinh trưởng ở chỗ đó mấy ngàn năm, mỗi năm vẫn mọc ra cành mới, vẫn nở hoa mới, kết quả mới, đất đai tốt thì nó có thể sinh tồn. Đất đai ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc thì càng không cần phải nói nữa, là lưu xuất ra từ trong pháp tánh, cứu cánh viên mãn. Thực vật ở nơi đó sống tốt, người chúng ta ở nơi đó sẽ thành Phật. Tại sao vậy? Đất phước. Đi đến nơi đó không bao lâu sẽ thành Phật viên mãn.Chúng ta hiểu rõ đạo lý này.

Ở thế gian này, Đại đức xưa muốn chọn một nơi để xây đạo tràng, hoặc giả là cất một cái am tranh, tự mình ở nơi đó tu hành. Họ phải tìm một môi trường tốt, đây chính là chúng ta gọi là phong thủy. Cư trú ở nơi đó thân tâm yên ổn, không bị cảnh giới bên ngoài quấy nhiễu. Cảnh giới bên ngoài chính là môi trường.Môi trường cư trú tốt lành, thanh tịnh, trang nghiêm, người hiện nay gọi là tốt đẹp. Hiệu quả của nó là có thể giúp bạn khôi phục tâm thanh tịnh. Địa điểm này tu thanh tịnh, bình đẳng, giác rất thích hợp. Cư trú ở nơi này tu đạo, y báo giúp cho chánh báo, chánh báo lại trang nghiêm y báo, trang nghiêm lẫn nhau, cho nên trở thành phong thủy tuyệt đẹp. Tổ sư Đại đức xây đạo tràng, nếu như các bạn ở Trung Quốc đi tham học các đạo tràng, bạn cần nên thể hội cho được. 

Thế gian có một số người nói phong thủy trong thiên hạ đều bị nhà Phật chiếm hết rồi. Có người đến hỏi tôi: “Có phải người học Phật các vị đều biết xem phong thủy phải không? Tại sao nơi các vị cư trú đều đẹp như vậy?”. Vấn đề này đưa ra rất hay, cần nên nêu ra. Tôi nói với họ: “Phật Thích Ca Mâu Ni dạy chúng tôi không được phép xem phong thủy. Ở trong “Kinh A Nan Hỏi Phật Việc Tốt Xấu”, Phật đã nói rồi,xem tướng, chấm tử vi, đoán quẻ, xem phong thủy đều là điều mà Phật cấm kỵ. Người xuất gia tuyệt đối không xem phong thủy”. Tại sao người xuất gia chọn địa điểm này lại tốt như vậy? Vừa mới nói rồi,tu hành, tu giới định tuệ tam học thì chánh báo chuyển y báo, y báo tăng thêm chánh báo, thúc đẩy lẫn nhau, cho nên địa điểm này sẽ càng ngày càng đẹp là đạo lý như vậy. Người thế gian muốn tìm một cuộc đất có phong thủy tốt, chắc chắn không thể tìm được. Tại sao không thể tìm được vậy? Tâm bất thiện. Một thế đất phong thủy rất tốt, họ đến ở mới mấy năm thì phong thủy nơi này bị phá hỏng rồi. Ai phá hỏng vậy? Phật nói rồi, “cảnh chuyển theo tâm”. Tâm của bạn bất thiện nên đem cuộc đất này phá hỏng đi, quá bất thiện rồi. Nếu như tâm bạn rất thiện, bạn ở môi trường này vô cùng không tốt, nhưng sau khi qua mấy năm thì nơi này biến thành vô cùng tốt. Tại sao vậy? Tâm thiện của bạn làm phong thủy nơi đó chuyển trở lại. Có điển hình này hay không? Có.

Vua Đại Thuấn thời cổ đại chính là điển hình rất rõ rệt. Khi ông còn trẻ, môi trường mà ông cư trú cực kỳ tồi tệ. Ở trong nhà cha mẹ đối với ông không tốt, anh em đối với ông không tốt, cuộc sống đó của ông khó sống. Ông duy nhất chân thành, tận hiếu, sau mấy năm đã cảm động hết người trong nhà, cả nhà hòa thuận, hàng xóm láng giềng cảm động, ngay cả quốc vương cũng bị ông cảm động. Quốc vương vào thời đó là vua Nghiêu.Nhân tâm cảm động rồi thì phong thủy cũng sẽ đổi thôi. Đây chẳng phải chứng minh y báo chuyển theo chánh báo sao? Cho nên Phật dạy chúng ta phải chuyển cảnh giới, không được bị cảnh giới chuyển. Người thế gian ưa thích xem tướng, chấm tử vi, xem phong thủy, đây là bị hoàn cảnh chuyển, đây là phàm phu, không phải Thánh nhân. Thánh nhân có năng lực chuyển hoàn cảnh, không bị chuyển bởi hoàn cảnh. Bất kể là hoàn cảnh nhân sự hay hoàn cảnh vật chất, họ thật sự có thể làm chủ được.

Sự thù thắng trang nghiêm của Thế giới Tây Phương Cực Lạc hơn hẳn tất cả cõi nước chư Phật.Chúng ta tin, chúng ta khẳng định. Tại sao có thể tin tưởng khẳng định như vậy? Thế giới Tây Phương không có người ác. Mỗi một người đi vãng sanh đều là học trò tốt của A Di Đà Phật, đều là học trò y giáo phụng hành, vậy mới có thể vãng sanh. Nếu như đối với lời giáo huấn của A Di Đà Phật, bề ngoài tuân theo nhưng bên trong chống lại, loại người này chắc chắn không thể vãng sanh, khi sắp mạng chung Phật sẽ không đến tiếp dẫn. Bạn khởi tâm động niệm tất cả vì người, bạn có thể che giấu người thế gian, nhưng không thể che giấu được Phật Bồ Tát. Nếu như tâm hạnh của chúng ta bất thiện, khi sắp mạng chung Phật làm sao có thể đến tiếp dẫn? Việc này chúng ta phải biết, đạo lý phải hiểu rõ.

Nếu như hy vọng trong một đời này thật sự muốn về Thế giới Tây Phương, thật sự muốn đi, quyết tâm muốn đi, chúng ta nhất định phải y giáo phụng hành. Lời giáo huấn của Phật ở đâu vậy? Chính là ở trong bộ Kinh này. Đó chính là điều mà Đại Sư Thiện Đạo đã nói: “Phật dạy chúng ta làm như thế nào, chúng ta làm như thế ấy. Phật dạy chúng ta không được phép làm, chúng ta nhất định không làm”. Chúng ta chỉ nương vào ba Kinh Tịnh Độ, hoặc giả là Tịnh Độ Ngũ Kinh là đủ rồi. Kinh điển không những phải đọc tụng, điều quan trọng hơn là phải lý giải, phải tin sâu không nghi, phải tu hành như giáo, như vậytín tâm nhất định xây dựng được. Làm sao biết nhất định xây dựng được vậy? Trước mắt hiệu quả đã nhìn thấy rồi. Hiệu quả trước mắt chính là hoàn cảnh nhân sự và hoàn cảnh vật chất của chúng ta đã chuyển, đây là sự thật rõ ràng của y báo chuyển theo chánh báo. Chúng ta từ trong sự thật này xây dựng tín tâm,đây không phải là mê tín.

Hoàn cảnh nhân sự của chúng ta quả thật chuyển được rồi. Tôi thấy rất rõ ràng.Cư sĩ lý Mộc Nguyên lần đầu tiên mời tôi đến Cư Sĩ Lâm để giảng Kinh,vào thời đó chưa có tòa nhà lớn này, là đại điện phía bên dưới kia, trong đó thờ Tây Phương Tam Thánh, nét mặt đó giống người nước ngoài. Về sau Lý Mộc Nguyên giới thiệu cho tôi, tôi mới biết là do cư sĩ Vương Đỉnh Xương cúng dường, thỉnh từ Italia về. Hiện tại thờ ở lầu ba. Thời đó trong đại điện là ba pho tượng Thánh này. Khi tôi đi diễn thuyết, thính chúng không ít, giống như nhà hát kịch vậy, cứ ở dưới đó rỉ tai nhau nói chuyện riêng, không có ai chuyên tâm nghe, ầm ĩ hỗn loạn. Sau khi tôi xuống bục giảng, tôi nói: “Cư sĩ Lý, nơi này không phải là nơi giảng Kinh”. Ông nhớ rất rõ ràng, ấn tượng của ông rất sâu sắc. Bạn hãy thử nghĩ, phong thủy vào thời đó tệ biết bao, hoàn cảnh nhân sự, hoàn cảnh vật chất đều không tốt, nhưng hiện nay đã chuyển lại được. Hiện nay Cư Sĩ Lâm, tầng trên tầng dưới có nhiều người hơn vào thời đó gấp mấy lần, và là một đoàn thể hòa thuận, mọi người đến với nhau đều mỉm cười, không có ý kiến, không có tranh luận, làm việc thuận lợi như vậy, đây chẳng phải rất rõ ràng sao? Cảnh giới này chuyển được rồi. Hoàn cảnh nhân sự chuyển được rồi, hoàn cảnh vật chất cũng đã chuyển được. Mỗi người nhìn thấy đạo tràng này đều hoan hỷ, không giống như thời đó. Vào thời đó, tôi bước vào, vừa nhìn liền tức khắc muốn đi ra.Đây là chứng minh y báo chuyển theo chánh báo.

Chúng ta có thể chuyển được chính là nhờ những năm gần đây, mỗi vị đồng tu nghe Kinh nhiều, đạo lý dần dần sáng tỏ, tín tâm đầy đủ, nhất tâm hoằng hộ chánh pháp. Công đức của hoằng hộ, mỗi một vị đồng tu đều bình đẳng, lớn bằng nhau, không có công đức nào lớn hơn. Bạn ở nhà bếp, ở lầu một làm công quả, với cư sĩ Lý Mộc Nguyên lãnh đạo đạo tràng này, tôi ở đây giảng Kinh, chúng ta công đức đều lớn như nhau, nhất định không có khác biệt, thanh tịnh, bình đẳng. Ở đây chuyển được thì đương nhiên chúng ta có thể nghĩ đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc cũng như vậy. Hãy thử nghĩ xem, thế gian có nơi nào không thể chuyển được? Chỉ cần thật sự có người phát tâm dụng công tu hành là có thể chuyển cảnh giới.

Cư sĩ Lý đã phát tâm lớn.Hai năm nay chúng tôi liên kết chín tôn giáo lớn ở Singapore, chín tôn giáo lớn trở thành người một nhà rồi, vô cùng hi hữu khó gặp. Ấn Độ giáo, Hồi giáo đều mời tôi đi làm diễn giảng chuyên đề. Từ tháng sáu, ở giảng đường này, chúng ta muốn mời chín tôn giáo lớn của Singapore đến giảng Kinh cho chúng ta nghe. Bắt đầu từ tháng sáu, mỗi một chủ nhật, chín tôn giáo lớn luân phiên giảng Kinh ở đây. Chúng ta có thể nghe được rất nhiều, rất nhiều Kinh điển ở trong tôn giáo. Chúng ta mời họ đến giảng Kinh, họ cũng sẽ mời chúng ta đi giảng Kinh.

Tối hôm qua trở về, các đồng tu nói với tôi là nữ tu Đặc-Lợi-Sa đã chính thức mời chúng ta sang năm đến chỗ của bà giảng Kinh, mỗi tuần một lần.Bà đã định xong ngày giờ rồi, dường như là mười tuần, mỗi lần hai giờ đồng hồ, tổng cộng hai mươi giờ. Tôi nghe thấy rất hoan hỷ. Tôi vẫn chưa gặp mặt bà.Tôi muốn trao đổi với bà một chút để biết là giảng Kinh gì. Tôi thích nhất là vào trong giáo đường Thiên Chúa giảng “Kinh Hoa Hồng”, giảng Kinh của họ,để họ nghe thử chúng ta đối với lời giáo huấn của Thiên Chúa tiếp nhận được bao nhiêu.Chúng ta có thể làm một cuộc đánh giá thử. Tôi nghĩ không cần phải giảng Kinh Phật, khi giảng Kinh Phật họ có thể đến đây để nghe. Tôi cần phải giảng Kinh điển của họ. “Kinh Hoa Hồng” tôi đã đọc rất nhiều lần, tôi cũng vô cùng hoan hỉ. Việc này có ý nghĩa gì vậy? Chín tôn giáo khi đoàn kết lại, đây là một chánh báo vô cùng có sức mạnh. Chánh báo này có thể chuyển y báo, khu vực xã hội Singapore này sẽ tốt lành, hòa mục, quốc gia ổn định, chánh báo chuyển y báo. Ở nơi này, bất luận là hoàn cảnh nhân sự hay hoàn cảnh vật chất, nhất định sẽ tốt đẹp hơn, thù thắng hơn. Cho nên đi khắp nơi khắp chốn để giảng giải, Phật nói đạo lý này là chân thật. Hoàn cảnh y báo nhất định là chuyển theo chánh báo. Nhân tâm chánh thì y báo tự nhiên sẽ chánh. Đâu cần dùng đến xem phong thủy làm gì? Không cần làm những việc mê tín này.

Thế giới Tây Phương y báo trang nghiêm vô cùng rõ ràng. Phật ở chỗ này nói cho chúng ta biết, trong chư Bồ Tát, tuy có vị có thiện căn kém. Người thiện căn kém là những người nào vậy? Phàm Thánh Đồng Cư độ làngười thiện căn kém. Phàm Thánh Đồng Cư độ, nếu sánh với Phương Tiện độ và Thật Báo Trang Nghiêm độ là kém hơn. Ở trong Đồng Cư độ cũng có cửu phẩm; ba phẩm dưới lại kém hơn so với ba phẩm trung và ba phẩm thượng. Người kém nhất là người vãng sanh hạ hạ phẩm của Phàm Thánh Đồng Cư độ.

“Diệc năng liễu tri”, câu “năng liễu tri” này rất quan trọng. Liễu tri là gì vậy? Dùng cách nói của chúng ta để nói, đó là hưởng thụ. Bạn không hiểu, không biết về nó thì bạn không thể bàn đến hưởng thụ. Bạn hiểu rõ về nó, biết về nó là bạn đã hưởng thụ được rồi. Câu nói này là nói rõ Thế giới Tây Phương y báo trang nghiêm. Phàm là người sanh về bên đó, mặc dù là Đồng Cư độ hạ hạ phẩm vãng sanh cũng hưởng thụ như nhau,hưởng thụ hoàn cảnh vật chất ở bên đó.

Trong nguyện văn nói: “Đạo tràng thụ cao tứ bách vạn lý”. Đạo tràng này là địa điểm mà Di Đà Thế Tôn giảng Kinh thuyết pháp. Thế giới Cực Lạc lớn như vậy, đạo tràng giảng Kinh thuyết pháp của Di Đà, chúng ta đâu có cơ hội đi tham dự? Giống như chúng ta hiện nay cư trú trên địa cầu nhỏ bé này,địa cầu này ở trong không gian so sánh với tinh cầu, quả thật là một quả cầu nhỏ, rất nhỏ. Phật Bồ Tát ở nơi đây xây dựng một đạo tràng, chỉ có người có duyên lân cận thì mới có thể đến tham học,người ở khoảng cách quá xa sẽ không thuận tiện.

Vào thời xưa đặc biệt khó khăn, Đại Sư Huyền Trang từ Trung Quốc đến Ấn Độ phải đi bộ hai năm mới đến được. Bạn nói xem, vất vả biết bao, đâu có thuận tiện như vậy. Hiện nay tuy giao thông tiện lợi, người các nơi ở hải ngoại đến nơi đây để tham học cũng không phải thật thuận lợi. Thế giới Tây Phương Cực Lạc quá lớn, đạo tràng của A Di Đà Phật rốt cuộc ở đâu vậy? Chúng ta có phải tùy lúc tùy nơi đều có thể tham dự hay không? Đây là việc chúng ta vô cùng quan tâm. Chúng ta quan sát tổng quát các Kinh, biết trí tuệ của Phật không thể nghĩ bàn, thần thông của Phật không thể nghĩ bàn, nguyện lực của Phật không thể nghĩ bàn. Phàm là những người vãng sanh Thế giới Cực Lạc thì trí tuệ, nguyện lực, đức năng của họ cũng không thể nghĩ bàn. Huống chi ở trong nguyện văn nói cho chúng ta biết, hoàn cảnh ở Thế giới Tây Phương quả thực đặc thù, không như nhau. Tại sao vậy? Đủ thứ thọ dụng, muốn gì được nấy. Tôi muốn đạo tràng giảng Kinh của A Di Đà Phật ở tại nhà tôi có được không? Được. Nếu như nguyện vọng này của bạn không thể đạt được thì Phật ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc sẽ không thành Phật. Tất cả sự thọ dụng vật chất, tinh thần ở Thế giới Tây Phương là tùy niệm mà sinh. Từ đó cho thấy, nơi mà A Di Đà Phật ở, y báo trang nghiêm ở lân cận Ngài là trang nghiêm như vậy, cây cối cao lớn.

Cho nên, đạo tràng mà A Di Đà Phật giảng Kinh thuyết pháp ở Thế giới Cực Lạc không phải là một nơi chốn nhất định,quả thật đúng là “tùy chúng sanh tâm, ứng sở tri lượng”. Chúng ta ở trong “Kinh Lăng Nghiêm” chỉ nhìn thấy hai câu nói này, nội dung nói là nguyên lý nguyên tắc. Hai câu nói này ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc đã thực hiện rồi, tùy tâm ứng lượng, không thể nghĩ bàn.Đây là điều chúng ta phải biết.Đặc biệt vì các bạn giới thiệu ra đủ thứ trang nghiêm.Các bạn có thể tham khảo chú giải của lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ.

************************

Nguyện thứ bốn mươi mốt:"Thụ Hiện Phật Sát Nguyện"

Kinh văn: “Dục kiến chư Phật, tịnh quốc trang nghiêm, tất ư bảo thụ gian kiến, do như minh cảnh,đổ kỳ diện tượng. Nhược bất nhĩ giả, bất thủ chánh giác.”

Đây là cảnh giới sự sự vô ngại mà trong “Kinh Hoa Nghiêm” đã nói. Đồng tu học Phật tu học pháp môn này không giống với pháp môn Đại Thừa thông thường. Pháp môn Đại Thừa thông thường nhất định là đoạn sạch tình chấp.Bạn không đoạn sạch tình chấp thì bạn không thể vượt qua lục đạo, thập pháp giới. Pháp môn này, người sinh về Thế giới Tây Phương Cực Lạc mà tình chấp chưa có đoạn sạchthì là “đới nghiệp vãng sanh”. Chưa đoạn sạch tại sao có thể vãng sanh vậy? Chúng ta biết Thế giới Tây Phương Cực Lạc cũng là Nhất Chân Pháp Giới, là Tịnh Độ của Phật. Phàm phu sao có thể trụ Tịnh Độ của Phật được? Đây gọi là pháp môn khó tin, không thể nghĩ bàn. Phật ở trong Kinh nói cho chúng ta biết, tuy không cần thiết đoạn phiền não,nhưng mà nhất định phải có năng lực phục phiền não. Phục, đối với chúng ta mà nói, chúng ta phải thật sự dụng công một chút là có thể làm được, đoạn thì không thể làm được. Vì vậy phục phiền não dễ dàng hơn đoạn phiền não quá nhiều, quá nhiều rồi. Phục là phiền não tuy còn gốc ở đó, nhưng không khởi tác dụng, không khởi hiện hành, ta điều phục được nó. Dùng cái gì điều phục vậy? Dùng phương pháp niệm Phật điều phục.

Phương pháp niệm Phật thì rất nhiều, nhưng cho dù có nhiều đi nữa cũng không ngoài bốn loại lớn. Bốn loại này chính là thực tướng niệm Phật, quán tưởng niệm Phật, quán tượng niệm Phật, trì danh niệm Phật. Trong bốn loại này, chúng ta ngày nay áp dụng là trì danh niệm Phật. Trong bốn loại pháp môn niệm Phật, trì danh niệm Phật là dễ dàng nhất, đơn giản nhất, cũng chắc chắn nhất, đáng tin nhất, mấu chốt là ở một câu “thật thà niệm Phật”.Người có thể thật thà niệm Phật thì không có người nào không thành tựu. Thật thà niệm mới có thể phục phiền não, phục phiền não là có thể được sanh Tịnh Độ, chúng ta phải biết đạo lý này.

Nếu như bạn niệm Phật mà phiền não không thể phục được, vậy bạn chỉ kết pháp duyên với Tịnh Độ, với Di Đà Như Lai.Đời này bạn không thể đi được thì phải đợi đến đời sau, đời sau nữa, đến khi nào gặp được lại cái duyên này. Thực ra mỗi một vị đồng tu chúng ta đều ở trong tình huống này,trong đời quá khứ đã từng gặp được pháp môn này, đã từng học tập pháp môn này, do công phu học tập chưa đến nơi, phiền não chưa thể phục được, cho nên lại tạo ra lục đạo luân hồi.Đời này lại gặp được rồi, thiện căn quá khứ được nối tiếp, nối tiếp quỹ đạo.Nối tiếp quỹ đạo, đời này phải làm thật. Nếu như không làm thật thì lại giống như đời quá khứ, lại đợi tiếp đến đời sau kiếp sau nữa. Nhưng mà bạn nên suy nghĩ một chút,thế gian quá khổ rồi,bạn còn muốn trở lại lần nữa sao?Nếu như bạn thật sự biết thế gian là khổ, không muốn trở lại nữa, thì đời này phải hạ quyết tâm, cắn chặt răng lại, cố gắng nhẫn nại một chút, không cho phép phiền não khởi hiện hành, bạn phải nhẫn nại một chút. Cách nhẫn như thế nào? Bên ngoài không bị hoàn cảnh cám dỗ, bên trong chế ngự tập khí phiền não của mình. Tham sân si mạn chính là tập khí phiền não. Ở trong đây còn có nghi, ác kiến, sáu căn bản phiền não, chúng ta phải dùng một câu Phật hiệu này đè cho được.

Hôm kia tôi ở Hồng Kông, viếng thăm Pháp sư Vĩnh Tinh. Tôi với Pháp sư đã mấy năm không gặp mặt nhau rồi, mỗi lần đến Hồng Kông đều muốn đi thăm ông, nhưng không có thời gian đến được.Lần này ở Hồng Kông, lão cư sĩ Trần cúng dường chúng tôi một ngôi nhà ở Hồng Kông. Ngôi nhà không lớn, chỉ có một ngàn năm trăm thước, nhưng rất gần với đạo tràng của Pháp sư Vĩnh Tinh. Cho nên, lần này tôi đến thăm Pháp sư. Pháp sư cũng rất nhiệt tâm với giáo dục Phật Đà, đã từng lập Phật học viện mấy lần ở Hồng Kông, nhưng chưa làm thành công. Cho nên chúng tôi bàn đến giáo dục, việc mở lớp bồi dưỡng huấn luyện. Ông nói việc này thì khó,trước đây ông đã có kinh nghiệm,học trò từ Trung Quốc đại lục tìm đến, nhưng khi tuyển đến bên này học được vài ba tháng, họ bèn không học nữa mà chạy đi theo Kinh sám,mỗi ngày thu nhập tám trăm đô la Hồng Kông, một tháng chí ít kiếm được hai mươi ngàn đô la Hồng Kông, cám dỗ rất lớn. Họ ở Trung Quốc đại lục kiếm đâu ra số tiền nhiều như vậy? Bị tiền bạc cám dỗ rồi. Tiền nhiều rồi thì đi mua nhà, còn có người mua vé cá cược đua ngựa, rất nhiều trò, tôi không thể kể hết, đều là kiếm tiền, là đi làm những việc này. Đạo nghiệp đã vứt bỏ mất rồi! Pháp sư Vĩnh Tinh rất đau lòng, thật muốn làm mà không cách gì làm được, không tìm ra thầy, học trò cũng không tìm được. Tôi lần này đã tiết lộ một tin tức với ông. Tôi nói, chỗ của chúng tôi có thầy có khả năng dạy học rất nhiều,nếu như Pháp sư có ý làm thì tôi có thể giới thiệu cho Pháp sư.

Hiện nay sức mạnh cám dỗ của xã hội này thật quá lớn. Bạn có thể ngăn nổi được sự cám dỗ không? Bên ngoài không bị cám dỗ, bên trong không động tâm, đạo nghiệp của người này chắc chắn thành tựu. Chúng ta phải chọn lấy cái này.Thế gian thật quá ngắn ngủi. Kiếm được mấy đồng đó có lợi ích gì? Bạn có thể vui vẻ được mấy ngày? Sau khi chết rồi đọa tam đồ. Những việc này đều là sự thật, bạn nhất định phải thấy rõ ràng. Sự việc này bạn làm được không? Trong Kinh Phật thường nói ví dụ“Liếm mật trên lưỡi dao”. Trước mắt cái lợi này thật quá nhỏ bé, một ngày tám trăm đô có đáng gì, một ngày tám mươi ngàn đô cũng không thèm làm. Tại sao vậy? Đó là đường chết,đó không phải là đường sống, phía trước là hầm lửa, địa ngục. Nhất định phải nhận rõ đó là cám dỗ, quá đáng sợ! Chỉ tám trăm đồng đã động tâm rồi thì còn triển vọng gì nữa? Lời tôi nói thì hơi khó nghe, họ nghe thấy thì nhất định sẽ mắng tôi. Tôi nói lời chân, tôi nói lời thật. Một ngày tám vạn đồng, tám mươi vạn cũng không thể động tâm, vì biết là con đường chết mà. Chúng ta ngày nay có thể không động tâm, không bị nó làm dao động thì đường chúng ta đi là đường sống, tiền đồ một mảng sáng lạn.

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 167)

Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Khởi giảng năm 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ