Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 121)

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 121)
Nguyện thứ mười tám: "MƯỜI NIỆM ẮT SANH NGUYỆN" Kinh văn: "Ngã tác Phật thời, thập phương chúng sanh, văn ngã danh hiệu, chí tâm tín nhạo, sở hữu thiện căn, tâm tâm hồi hướng, nguyện sanh ngã quốc, nãi chí thập niệm, nhược bất sanh giã, bất thủ chánh giác, duy trừ ngũ nghịch, phỉ báng chánh pháp". Nguyện này là trung tâm của 48 đại nguyện, cũng là một đoạn chân thật khai thị quan trọng nhất của toàn kinh. Lần trước đã báo cáo qua với các vị, vào thời Tùy Đường, các đại đức đã đem tất cả kinh làm một cuộc so sánh, đều cho rằng "Hoa Nghiêm" là chân thật nhất trong tất cả các kinh. "Hoa Nghiêm" so sánh với bổn kinh này, bổn kinh này là chân thật ngay trong chân thật. Những lời này phía trước tôi đã nói qua với các vị, từ trong những ngôn luận của cổ đức, chúng ta mới biết được mười phương ba đời tất cả chư Phật giáo hóa chúng sanh, một câu nói chân thật nhất chính là nguyện này, hay nói cách khác, thiên kinh vạn luận, vô lượng giáo huấn của chư Phật đều không ngoài nguyện này, cho nên nguyện này chúng ta phải đặc biệt xem trọng. Đồng tu tu học Đại thừa đều biết, trên kinh Kim Cang Bát Nhã nói với chúng ta: "Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng", "Tất cả hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh". Tại

Nguyện thứ mười tám: "MƯỜI NIỆM ẮT SANH NGUYỆN"

Kinh văn: "Ngã tác Phật thời, thập phương chúng sanh, văn ngã danh hiệu, chí tâm tín nhạo, sở hữu thiện căn, tâm tâm hồi hướng, nguyện sanh ngã quốc, nãi chí thập niệm, nhược bất sanh giã, bất thủ chánh giác, duy trừ ngũ nghịch, phỉ báng chánh pháp".

Nguyện này là trung tâm của 48 đại nguyện, cũng là một đoạn chân thật khai thị quan trọng nhất của toàn kinh. Lần trước đã báo cáo qua với các vị, vào thời Tùy Đường, các đại đức đã đem tất cả kinh làm một cuộc so sánh, đều cho rằng "Hoa Nghiêm" là chân thật nhất trong tất cả các kinh. "Hoa Nghiêm" so sánh với bổn kinh này, bổn kinh này là chân thật ngay trong chân thật. Những lời này phía trước tôi đã nói qua với các vị, từ trong những ngôn luận của cổ đức, chúng ta mới biết được mười phương ba đời tất cả chư Phật giáo hóa chúng sanh, một câu nói chân thật nhất chính là nguyện này, hay nói cách khác, thiên kinh vạn luận, vô lượng giáo huấn của chư Phật đều không ngoài nguyện này, cho nên nguyện này chúng ta phải đặc biệt xem trọng.

Đồng tu tu học Đại thừa đều biết, trên kinh Kim Cang Bát Nhã nói với chúng ta: "Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng", "Tất cả hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh". Tại vì sao chúng ta tham đắm tất cả hư vọng này chứ? Nguyên nhân chính là đối với chân tướng sự thật không thể nào hiểu rõ, không thể nào tường tận. Cho dù là học Phật đã nhiều năm, thậm chí đến xuất gia, cũng giảng kinh nói pháp, cũng đã làm đại pháp sư, thế nhưng đến sau cùng vẫn là luân lạc ở ba đường, vẫn là phải đọa vào A Tỳ Địa Ngục. Nguyên nhân này do đâu? Tuy ngày ngày đọc kinh, tuy ngày ngày giảng kinh dạy người, nhưng chính mình thâm nhập không đủ sâu, cho nên tâm bệnh tập khí không thể thay đổi. Chúng ta trong lúc giảng dạy thường hay nhắc nhở các đồng tu, tâm bệnh lớn nhất chính là dục vọng. Một cái là "Thị dục", chính là thị hiếu của bạn, yêu thích của bạn không thể đoạn dứt; một cái là "Ái dục". Bốn chữ này đã đem pháp thân huệ mạng của chúng ta đoạn mất rồi. Bốn chữ này, ngay trong cuộc sống thường ngày của chúng ta chính là ham muốn danh vọng lợi dưỡng, người thông thường gọi là tài - sắc - danh - lợi. Đây là họa hại, quyết định không phải là việc tốt, Phật dạy Bồ Tát, đặc biệt là Bồ Tát sơ học phải nên tránh, tuyệt đối không phải là chuyện đùa. Sự việc này nếu dùng lời khó nghe để nói, thật không đáng nên đùa, huống hồ trong kinh đã nói với chúng ta: “Tài, Sắc, Danh, Thực, Thùy là năm cái gốc của địa ngục”, chỉ cần có một điều, bạn sẽ bị lôi vào trong địa ngục; nếu như có ba điều, bốn điều hoặc đầy đủ năm điều, bạn nhất định đọa vào địa ngục A Tỳ.

Vãng sanh là sự việc thù thắng đệ nhất trong pháp thế xuất thế gian. Tiêu chuẩn để được vãng sanh là gốc của địa ngục phải đoạn, không những gốc của địa ngục phải nhổ sạch, mà vô số mê hoặc của tam giới sáu cõi, bạn đều có thể không động tâm thì bạn mới nắm được phần vãng sanh. Sự việc này chúng ta không thể không biết. Trong nguyện này, nguyện văn nói được rất rõ ràng: "Mười phương chúng sanh, văn ngã danh hiệu". Câu này chính là nói rõ, cơ duyên chúng sanh thành Phật là bình đẳng, người người đều có phần, mười phương thế giới cõi nước chư Phật, chúng sanh trong mười pháp giới, người người đều có phần. Bạn có thể vãng sanh hay không chính ở ngay bốn câu: "Chí tâm tín nhạo, sở hữu thiện căn, tâm tâm hồi hướng, nguyện sanh ngã quốc", có thể ở ngay trong một đời này thành tựu hay không chính ở mười sáu chữ này.

Trong mười sáu chữ này, câu quan trọng nhất chính là "Chí tâm tín nhạo". Chúng ta đối với thế giới Tây Phương Cực Lạc "tin ưa", nhưng chưa làm đến được "chí tâm". Vì sao vậy? Vô số tham ái thế gian chưa buông xả; luôn cho rằng thế giới Tây Phương Cực Lạc quá xa xôi, quá mờ mịt, danh vọng lợi dưỡng ngay trước mắt luôn không thể rời khỏi, sanh khởi tham ái sâu nặng, loại tham ái này siêu quá Phật pháp không biết là gấp bao nhiêu lần, bạn làm sao có thể vãng sanh được? Tôi khuyến khích các đồng tu, chân thật phát tâm tu học thì phải biết quay đầu, phải hiểu được buông xả; đem tất cả chướng ngại trên đạo Bồ Đề thảy đều buông xả thì chúng ta liền thành tựu.

Hôm qua Lý cư sĩ nói với tôi (tôi sợ quên đi nên bảo người viết một tờ giấy cho tôi), lão cư sĩ Lý Á Trị 62 tuổi, vào lúc 5 giờ chiều ngày hôm trước vãng sanh, rất nhiều ngày trước đó bà thấy được Tây Phương Tam Thánh sắc thân vàng ròng. Lão cư sĩ thường hay ở niệm Phật đường chúng ta niệm Phật, bà bị ung thư, ở niệm Phật đường niệm Phật đến khi trọng bệnh. Ngày 18 bà thông báo cư sĩ Lý Mộc Nguyên, yêu cầu Lý cư sĩ đưa bà vãng sanh, giúp bà làm hậu sự. Lý cư sĩ nói với bà, ngày 26 tháng này ông phải dẫn một đoàn đến Trung Quốc bái sơn, nếu bà muốn vãng sanh, bà phải đi sớm hơn trước ngày tôi xuất phát, thì tôi mới có thể giúp làm hậu sự cho bà. Bà liền đồng ý, thế là bà chọn 5 giờ chiều ngày 20 (ngày 18 bà nói với Lý cư sĩ là bà chọn lấy thời gian này). Đến 5 giờ ngày 20 bà vãng sanh, không sai một phút nào. Bởi vì bà bệnh nặng, con trai của bà đưa bà vào bệnh viện. Vào bệnh viện, bà liền lớn tiếng niệm Phật, làm cho bác sĩ cũng không biết làm cách nào. Người bệnh lớn tiếng niệm Phật, làm cho mọi người trong bệnh viện đều niệm Phật theo bà, cho nên bà đã biến bệnh viện này thành niệm Phật đường. Không chỉ bà chính mình vãng sanh, mà bà còn độ được bao nhiêu người, làm cho bao nhiêu người trồng được thiện căn. Bà nói 5 giờ, khi đến lúc đi, con trai bà ở ngay nơi đó xem thời gian thì thấy không sai lệch phút giây nào.

Tôi đã nói qua với các vị, niệm Phật đường chúng ta có rất nhiều Phật Bồ Tát đang niệm Phật. Những ai là Phật Bồ Tát? Những người này chính là Phật Bồ Tát, họ đi đến thế giới Tây Phương Cực Lạc làm Phật. Lý cư sĩ nói với tôi, trước khi ra đi, người nhà hỏi bà những việc trong nhà, bà vốn dĩ không hề quan tâm đến, đây chính là buông xả hết thảy thế duyên, đem thế duyên, tình duyên của thế gian chuyển thành Phật duyên. Bà độ hóa người cả nhà của bà, thị hiện cho họ xem, bạn có tin hay không? Lý cư sĩ vừa mới đến nói với tôi, ngày hôm nay ông lại đưa hai người vãng sanh, họ đều là yêu cầu ông làm những việc hậu sự này, hay nói cách khác, họ đều là phải vãng sanh sớm hơn ngày ông đi Trung Quốc. Sự việc này không phải là một lần, đã rất nhiều lần rồi. Vãng sanh là một việc đại sự duy nhất ngay trong đời này của chúng ta, có mấy người chịu làm? Nếu như chúng ta vẫn cứ không thể buông xả tài sắc danh lợi, thì chúng ta là người ngu si đến cùng tột. Bạn còn ham muốn thế duyên thì nhất định không thể vãng sanh, nếu như là người xuất gia, chắc chắn đọa A Tỳ địa ngục, vì sao vậy? Mượn danh nghĩa của Phật lừa gạt chúng sanh. Ngôn, hạnh của chúng ta không phù hợp thì chính là lừa gạt chúng sanh. Không nên cho rằng chúng ta ở trên giảng đài nói được không tệ, chúng ta chính mình nói mà không làm được là lừa gạt người. Rất nhiều người này vì chúng ta hiện thân nói pháp, vì chúng ta làm kiến chứng. Tại vì sao họ có thể vãng sanh thù thắng đến như vậy? Khi vãng sanh họ thấy được Phật, còn thấy được một mảng kim quang (người trợ niệm đều xem thấy), then chốt chính ở "chí tâm tín nhạo".

Có rất nhiều đồng tu rất nhiệt tâm đối với Phật pháp, đến khắp nơi khuyến hóa chúng sanh, đem Phật pháp giới thiệu cho người khác. Đây là việc tốt, là việc thiện, rất khó được, thế nhưng phải nên biết, nếu như là có tâm đi làm, phan duyên đi làm, có mục đích đi làm, vậy thì không phải là việc thiện, trong cái thiện xen tạp cái ác. Nếu như có một niệm vì danh vọng lợi dưỡng của chính mình, vì lợi ích của chính mình mà làm, thì bạn không phải là chân thiện, không phải là thiện căn mà chỗ này nói. Tôi khuyến khích các đồng tu, chúng ta phải giữ tâm thiện, duy nhất tâm thuần thiện, ý thuần thiện, hạnh thuần thiện, có được như vậy, tâm tâm hồi hướng thì nhất định được sanh. Hơn nữa, vãng sanh đích thực là tự tại, muốn lúc nào đi thì lúc đó ra đi, muốn ở thêm vài năm cũng không chướng ngại. Tại vì sao muốn ở thêm vài năm? Chỉ có một nhân tố là đem Phật pháp giới thiệu cho chúng sanh. Chúng sanh còn có duyên phận với bạn, bạn phải nên giúp đỡ họ, khuyến khích họ, thành tựu họ, chỉ có một điều kiện này mà thôi. Nếu như chúng sanh đã hết duyên với chúng ta rồi, vào lúc này chúng ta phải mau đi gặp A Di Đà Phật, đợi đến khi duyên của chúng sanh phương này chín muồi rồi thì trở lại thừa nguyện tái sanh.

Hôm trước có đồng tu đến hỏi tôi, thừa nguyện tái sanh có phải nhất định là sau khi đến thế giới Tây Phương Cực Lạc rồi mới trở lại thế gian này, đầu thai trở lại làm người hay không? Tôi trả lời cho họ, không hẳn như vậy! Chúng ta ở ngay đời này, thân thể này vẫn chưa hỏng, thân thể này còn có thể dùng thì tận lực lợi dụng nó, tận lực sử dụng nó, bạn đã nắm lấy Tịnh Độ rồi. Vì sao gọi là nắm lấy được Tịnh Độ? Bạn đã có thể tùy thời vãng sanh, "Ta vẫn không vội ra đi, ta phải quay lại giúp đỡ tất cả đại chúng". Đây chính là thừa nguyện tái sanh. Phải nên biết, tất cả chúng sanh đến thế gian này để thọ sanh là do nghiệp lực làm chủ tể. Hiện tại chúng ta niệm Phật, nguyện lực của chúng ta siêu vượt nghiệp lực, siêu vượt quá nhiều, đó chính là thừa nguyện tái sanh, không cần phải phiền phức đến thế giới Cực Lạc một chuyến, lại chuyển đổi một thân khác, không cần phải phiền phức như vậy, nên gọi là chuyển nghiệp lực thành nguyện lực.

Người chân thật chuyển đổi nghiệp lực thành nguyện lực, ở thế gian này giáo hóa chúng sanh, không luận là thuận cảnh, nghịch cảnh, thiện duyên, ác duyên luôn không động tâm. Loại tình hình này người khác không biết được nhưng chính mình thì rất rõ ràng, sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần, đích thực làm đến được như Phật đã nói trên kinh Kim Cang: "Bất thủ ư tướng như như bất động", bạn liền biết được hiện tại bạn không muốn đi, bạn đã đem nghiệp lực chuyển đổi lại rồi. Giả như sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần vẫn còn khởi tâm động niệm, thuận cảnh vẫn còn tham ái, nghịch cảnh vẫn còn chán ghét, còn có một chút không vui, thì bạn vẫn không chuyển đổi lại, bạn vẫn là bị nghiệp lực làm chủ vận mạng của bạn. Đây là sự thật. Chúng ta nhất định phải cảnh giác, hy vọng ở ngay trong một đời này có thành tựu viên mãn.

Kinh văn nói: "Mười phương chúng sanh, văn ngã danh hiệu" chính là nói mọi người đều có cơ hội. Vãng sanh thế giới Cực Lạc phẩm vị cao hay thấp, Đại sư Thiện Đạo nói rất hay: "Luôn ở duyên ngộ không đồng". Duyên là duyên gì vậy? Thực tế mà nói chính là duyên nghe pháp. Duyên nghe pháp là duyên thù thắng đệ nhất của thế xuất thế gian. Chư Phật Bồ Tát thị hiện ở thế gian, ngày ngày giảng kinh nói pháp; thánh nhân của thế gian, Khổng Lão Phu Tử cũng là mỗi ngày giảng học dạy người. Chúng ta phải tỉ mỉ mà thể hội. Trí tuệ từ chỗ nào mà khai mở? Giáo học dài lâu, trí tuệ do vậy mà khai mở. Chúng ta không phải là người thượng căn lợi trí, mà là người căn tánh trung - hạ, nếu không đi còn đường này thì vĩnh viễn không thể khai mở trí tuệ. Thế nhưng bạn phải nghe lời này cho rõ ràng, ngày ngày giảng học, phải giảng cho ra đạo lý, giảng những đạo lý này có thực tiễn được hay không? Nếu như không thể thực tiễn thì những điều nói ra đều là trống không. Do đó, Giải cùng Hành quyết định phải tương ưng.

Trong chú giải của kinh Hoa Nghiêm, Đại sư Thanh Lương nói rất hay: "Có giải, không hành thì không thể thành tựu; có hành, không giải cũng không thể thành tựu", "Có giải, không hành là tà tri tà kiến; có hành, không giải thì nhất định rơi vào trong vô minh". Cho nên, Giải cùng Hành không thể phân khai. Giải phải dùng hành để chứng thực thì giải đó là chánh giải, chân thật lý giải, chân thật hiểu rõ. Hành thì cần phải rõ ràng, tường tận, thông suốt, thấu đáo. Giống như chúng ta đi trên đường vậy, đi đến được một nơi nào đó chúng ta không hề đi sai phương hướng, rõ ràng, tường tận, thông suốt, thấu đáo. Nếu như chỉ biết đi thôi, không nhận biết phương hướng, cũng không biết được mục đích, vậy thì rốt cuộc bạn đi đến nơi nào? Ngài Thanh Lương nói rất hay!

Phu Tử giảng học, Ngài cũng có hành trì. Hành trì là cải lỗi. Có lỗi thì nhất định phải sửa. Lỗi từ chỗ nào phát hiện vậy? Ngay trong giảng học phát hiện, nếu bạn không giảng học thì bạn không thể nào biết được lỗi lầm của chính mình. Biết được lỗi lầm của chính mình, lập tức phải đau lòng mà cải lỗi, có như vậy thì ngay đời này chúng ta liền được cứu, ngay đời này liền thành công, vĩnh viễn thoát khỏi tam giới sáu cõi; về sau đến thế gian này giáo hóa chúng sanh, đó là Bồ Tát thừa nguyện tái sanh.

Không gian đời sống của Bồ Tát thì quá lớn, quá rộng, không phải chỉ có địa cầu này của chúng ta, không phải chỉ nhân gian, mà hư không pháp giới tùy loại hóa thân, bạn nói xem, các Ngài tự tại dường nào. Cho nên, người chân thật thông minh, người chân thật có trí tuệ thì phải nắm lấy cơ hội lần này, quyết định phải nhìn thấu thế giới. Thế giới này là giả, danh vọng, lợi dưỡng, năm dục sáu trần là mê hoặc, quyết không thể nào bị nó làm hại, quyết không thể nào bị nó lừa gạt. Rơi vào trong vòng vây của nó thì thật đáng thương, tất cả chư Phật tuy từ bi nhưng cũng không thể cứu được chúng ta. Chúng ta tự làm tự chịu. Cho nên, mỗi giờ mỗi phút chúng ta phải nhắc nhở chính mình, phải dùng chân tâm học Phật (chí tâm chính là chân tâm, tâm chân thành đến tột đỉnh mới gọi là chí tâm), quyết định tin tưởng.

Ngày trước Đại sư Ấn Quang nói rất hay, Tịnh Độ ba kinh, một bộ "Hoa Nghiêm", Bồ Tát du nhạo ở trong đó, cảnh giới đó thật là thù thắng, thật mỹ mãn, chúng ta phải nên học tập. Ngày nay đạo tràng của chúng ta chính là cảnh giới mà Ấn tổ đã nói, cơ duyên này rất khó được, trên kệ khai kinh nói "Trăm ngàn muôn kiếp khó được gặp", không sai một chút nào. Đặc biệt là các đồng tu cư ngụ ở Singapore, chúng ta ở ngay trong một đời này, ngay trong một năm, ngay trong một ngày, đời sống như thế nào là chân thật nhất? Đời sống ở giảng đường của Cư Sĩ Lâm, đời sống của niệm Phật đường là chân thật nhất. Các đồng tu từ bên ngoài đến tham học, các vị đến nơi đây ở một ngày, ở một tuần, ở một tháng, là đời sống chân thật nhất ngay trong đời này. Thời gian tuy là không dài, nhưng thành tựu thù thắng không gì bằng, chỉ cần có "chí tâm tin ưa". Lời tôi nói chính là lời chân thật, không phải giả. Nếu như ở ngay nơi này, ở nơi giảng đường, ở nơi niệm Phật đường, một mặt tu học, một mặt vẫn khởi vọng tưởng, vậy thì công đức của bạn bị trừ đi rồi. Việc này không thể trách người, mà phải trách chính mình. Đã bước vào đạo tràng này thì vạn duyên phải buông bỏ, việc của quá khứ không nghĩ nữa; việc của ngày hôm qua cũng không thèm nghĩ; ngày mai chưa đến cũng không cần nghĩ; chỉ tại nơi đây, ngay lúc này, một lòng xưng niệm, một lòng nhớ niệm. Giảng đường cùng niệm Phật đường hợp lại "ức Phật niệm Phật". Bồ Tát Đại Thế Chí nói với chúng ta hiệu quả đó là "hiện tiền, tương lai nhất định thấy Phật".

Hiện tiền chân thật thấy được Phật rồi. Đến lúc nào bạn mới giác ngộ là bạn hiện tiền thấy Phật? Người đã vãng sanh, chân thật vãng sanh rồi, các vị phải nên biết, vãng sanh chính là đi làm Phật, nhưng không chỉ riêng vãng sanh là Phật, mà khi chưa vãng sanh họ cũng là một vị Phật đang ngồi ở nơi đó. Chúng ta không nhận biết, đợi đến khi họ vãng sanh, chúng ta mới bỗng nhiên hiểu ra, thì ra mấy ngày trước cùng ở chung với ta là một vị Phật, xin nói với bạn, đó là Phật thật, không phải là Phật giả.

Tôi đã nói qua với các đồng tu, thù thắng của đạo tràng không phải là có nhiều người, không phải ở giảng đường có nhiều người nghe kinh. Có mấy ngàn người nghe, mấy vạn người nghe, nghe xong rồi không một người nào khai ngộ thì đạo tràng này không thù thắng, không trang nghiêm. Niệm Phật đường có nhiều người, có mấy trăm người, mấy ngàn người niệm Phật, nhưng không một người nào vãng sanh, vậy thì không gọi là thù thắng, không gọi là trang nghiêm. Cho nên, sự thù thắng trang nghiêm của niệm Phật đường là phải xem có bao nhiêu người vãng sanh, còn sự thù thắng trang nghiêm của giảng đường là xem có mấy người khai ngộ. Người thế gian không hiểu được, cho rằng người nhiều náo nhiệt là rất hưng vượng. Nhân khí thì rất hưng vượng, nhưng Phật khí không hưng vượng thì có ích gì chứ? Có những đạo tràng tuy nhỏ, số người không nhiều, nhân khí không hưng vượng, nhưng Phật khí rất hưng vượng, đó mới là thù thắng trang nghiêm mà trong kinh chư Phật tán thán. Chúng ta phải hiểu sự thù thắng của đạo tràng này. Chúng ta đến đạo tràng này để hoằng pháp, để giới thiệu Tịnh Độ, nhiều năm nay, có rất nhiều đồng tu bên đây vãng sanh, tướng lạ của họ rất hy hữu; hơn nữa, họ rất tỉnh táo nói với chúng ta là họ thấy được Phật, thấy được Quán Âm, Thế Chí đến tiếp dẫn; khi ra đi, tâm của họ không điên đảo, không lo, không sợ. Có rất nhiều người không những biết trước giờ ra đi mà chính mình còn có thể chọn lấy thời gian, kết hợp mật thiết với cư sĩ Lý. Phối hợp được tốt đến như vậy, nếu một người hay hai người thì đó có thể là ngẫu nhiên, thế nhưng tôi thấy phối hợp với cư sĩ Lý cũng gần mười người hoặc có thể trên mười người, cho nên đây không phải là ngẫu nhiên. Một, hai người có thể nói là ngẫu nhiên, ngẫu nhiên làm gì mà có nhiều người đến như vậy? Những người này làm kiến chứng cho chúng ta, khiến cho người căn tánh trung hạ như chúng ta ở nơi đây kiên định tín tâm. Trong giảng đường nghe kinh, trên thực tế các vị đã thấy rồi, Phật pháp gọi đây là "tam chuyển pháp luân", là thị chuyển. Kinh điển triển khai ra gọi là thị chuyển; chúng ta giảng dạy, khuyên bảo mọi người thì gọi là khuyến chuyển; những người vãng sanh đó là làm chứng chuyển. Ở đạo tràng này tam luân đầy đủ, nếu như bạn vẫn không tin tưởng thì không còn cách nào, Phật Bồ Tát cũng hết cách đối với bạn. Chúng ta xem thấy thù thắng như vậy, phải nên bắt chước làm theo. Họ là tấm gương tốt cho chúng ta.

Phải nên sanh khởi tâm yêu thích chân thật, yêu thích niệm Phật, yêu thích vãng sanh Cực Lạc, yêu thích thân cận A Di Đà Phật, thích tham gia câu lạc bộ của những bậc thượng thiện và muốn trở thành một thành viên của họ. Chúng ta có tín tâm như vậy, yêu thích như vậy mới gọi là "chí tâm tin ưa". Quả nhiên có "chí tâm tin ưa", xin nói với các vị, tất cả pháp thế xuất thế gian thật buông xả rồi, nhất định không tiêm nhiễm; chúng ta cùng ở chung với tất cả đại chúng trong thế gian, đích thực có thể làm đến được tùy duyên mà không phan duyên; thuận cảnh, nghịch cảnh, người thiện, người ác, tâm chúng ta nhất định là thanh tịnh, bình đẳng, tự tại, tùy duyên. Cảnh giới này hiện tiền chúng ta chuyển đổi lại, chuyển phàm thành thánh, chuyển mê thành ngộ. Không chuyển đổi được tức là chân tướng sự thật, đạo lý này chưa nhận biết được thấu triệt, chúng ta thường hay nói "nhất tri bán giải", cho nên phải nên buông xả thì bạn không buông xả, phải nên đề khởi thì bạn lại không đề khởi, đạo lý chính ngay chỗ này. Hy vọng chúng ta phải cố gắng nỗ lực.

"Thiện căn", căn là thí dụ, giống như cây to vậy, gốc cây ăn sâu vào đất, cái căn này là thiện căn, thiện có gốc. Kỳ thật, thiện căn từ đâu mà có? Thiện căn vẫn là từ giải ngộ mà có. Bạn không chân thật lý giải, không chân thật giác ngộ, tuy có thiện tâm, nhưng thiện tâm đó không có gốc, bồng bềnh không định, gặp được thiện thì bạn có chút thiện tâm, gặp ác thì thiện tâm liền không còn. Đây là do không có gốc. Nhà Phật nói: "Ngũ căn, ngũ lực", năm loại "Tín - Tấn - Niệm - Định - Huệ" này đều là thiện tâm. Tín là tin theo lời Phật dạy, chỗ này nhất định phải nghe cho rõ ràng, chúng ta nói Phật giáo thì sợ mọi người hiểu lầm Phật giáo trong tôn giáo, chúng ta nói tin theo lời Phật dạy, tin theo lời giáo huấn của Phật đối với chúng ta, chúng ta phải thừa nhận chính mình là phàm phu, chúng ta không có trí tuệ. Những gì chúng ta chính mình trong lòng nghĩ, Phật nói đó toàn là tà tri tà kiến, chúng ta có thừa nhận hay không? Hay nói cách khác, những gì chúng ta nghĩ, những gì chúng ta tưởng thảy đều là sai lầm. Nếu bạn cho rằng bạn nghĩ không hề sai, bạn thấy không hề sai, đó là gì vậy? Bạn vẫn luân hồi trong sáu cõi, bạn không thể ra khỏi sáu cõi luân hồi. Tư tưởng của bạn là tư tưởng luân hồi, tâm của bạn là tâm luân hồi, kiến giải của luân hồi, vậy làm sao được? Phật tổ dạy bảo chúng ta, nhất định phải đem những vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của chính mình thảy đều buông bỏ hết, tùy thuận giáo huấn của Phật Đà.

Tùy thuận giáo huấn của Phật Đà, điều kiện thứ nhất là phải tin tưởng, đối với từng câu, từng chữ trên kinh Phật nói đều khẳng định tin tưởng, một chút hoài nghi cũng không có. Những gì Phật dạy chúng ta làm, chúng ta phải chăm chỉ nỗ lực mà làm cho được; những gì Phật dạy chúng ta không được làm, thì chúng ta quyết định không nên làm. Một bộ kinh Vô Lượng Thọ này, từ đầu đến cuối, Phật nói được quá nhiều rồi, đặc biệt là từ phẩm 32 đến phẩm thứ 37. Kinh văn của những phẩm này, đại đức xưa vì chúng ta chỉ ra nội dung, chính là nói rõ, nói tường tận "năm giới, mười thiện", thực tiễn ở ngay trong cuộc sống thường ngày của chúng ta. Trong đây nói được rất rõ ràng, những gì Phật khuyên chúng ta nên làm, những gì Phật không cho làm. Chúng ta chọn những phẩm này để làm khóa tối "Tịnh Tông Triêu Mộ". Mỗi ngày đọc đoạn kinh văn này, mỗi ngày phản tỉnh, mỗi ngày cải đổi, chính là bạn chân thật tu hành. Không biết phản tỉnh thì bạn là người mê hoặc; không biết cải lỗi là đại ác; biết được chính mình có lỗi lầm mà không thể cải đổi, đây là ác cực lớn, vậy thì chúng ta làm sao có thể có thành tựu?

Hai ngày trước có năm vị cư sĩ đến từ Đông Thiên Mục Sơn - Hàng Châu. Dẫn đầu trong số này là cư sĩ Tề. Bà nói với tôi, trải qua việc hồi phục đạo tràng Thiên Mục Sơn rất không dễ dàng. Đạo tràng này đã bị hoang phế bốn - năm mươi năm, không có người ở, điện đường đều sụp đỗ. Bà phát tâm hồi phục nó lại. Trong bốn năm qua, trên núi có cảm ứng không thể nghĩ bàn. Bà là một cư sĩ, hồi phục đạo tràng luôn hy vọng có người xuất gia thường trụ ở trên núi tu hành dụng công. Đây là tâm nguyện của bà. Cho nên gặp được pháp sư, chỉ cần là người xuất gia, bà chân thành cung kính cúng dường, cho dù trên qui củ có một số không đúng pháp, nhưng tâm của bà là chân thành. Việc này rất khó được. Tâm chân thành cúng dường đã cảm động quỷ thần, đó đích thực là chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần bảo hộ, trong đó còn có quỷ thần. Tôi nghe được câu chuyện của bà, trong đó có một đoạn nói quỷ thần nhập vào thân một người. Quỷ thần này cũng không tệ, những người tu hành trên núi đó họ không nhập. Quỷ thần nhập vào thân người nào thì thể lực của người đó tiêu hao rất lớn, người thể lực yếu thì không chịu nổi, cho nên họ tìm một người thanh niên khỏe mạnh, nhập vào thân của người ấy (người này cư sĩ Tề cũng quen biết). Ngày hôm đó nhìn thấy sắc mặt của anh ta trắng bệch, rất là khó coi. Anh ta vừa bước vào cửa thì đuổi người ở trong nhà đi ra hết, đóng cửa lại và nói: "Ta có lời muốn nói cho một mình cô". Bà hỏi: "Hôm nay anh làm sao vậy?". Anh ta nói với bà về nhân duyên của Thiên Mục Sơn: "Tôi mới vừa từ trong địa ngục ra đây. Vốn dĩ khi cô lên núi, tôi không đồng ý cô đến, nhưng kết quả xem thấy tâm của cô rất chân thành. Cô không vì chính mình mà cô vì Phật pháp, vì chúng sanh, cho nên chúng tôi hộ pháp cho cô, hộ trì cô. Những người xuất gia trên núi, cô không nên quá cung kính đối với họ, vì những người đó đều không có đạo tâm. Tôi chỉ hận không thể đuổi họ đi". Quả nhiên những người xuất gia đó, từng người từng người bị họ đuổi đi hết. Chân thật là ngẩn đầu ba thước có thần minh! Đạo tràng của bạn phải là đạo tràng chân thật tu hành, nếu bạn không chân thật tu hành vậy thì bạn có thể ở được không? Tu Thiền, tu Mật mà lên trên núi đó ở, nhiều nhất là hai, ba tháng thì phải dọn đi; ít thì chỉ ở ba, bốn ngày thì phải xuống núi. Ngồi thiền ở nơi đó, quỷ thần đẩy họ rơi khỏi chỗ ngồi, té cả thân bị trầy xước. Nửa đêm, hai giờ, ba giờ, hoàn cảnh tịch mịch, quỷ thần xuất hiện, mỗi tối đều xuất hiện, họ đành phải cuốn bồ đoàn mau xuống núi. Đây đều là người xuất gia. Bà nói, người lên trên đó niệm Phật, có không ít lão bà, lão ông ở trên núi niệm Phật, mỗi mỗi đều bình an, vô sự, đều ở được rất tốt. Đạo tràng này rất khó được, thần hộ pháp ở nơi đó đốc thúc, bạn có thật làm hay không? Bạn thật làm thì họ ủng hộ bạn, họ chân thật tán thán ủng hộ; bạn không thật làm thì đuổi bạn xuống núi. Cho nên, tôi nói với các đồng tu chúng ta, cư sĩ Tề đến bên đây là do Phật Bồ Tát phái bà đến để làm kiến chứng cho chúng ta, nhắc nhở chúng ta, khích lệ chúng ta. Hy vọng đồng tu xuất gia chúng ta, tương lai đều đến núi đó của bà ở một thời gian xem thử có bị thần hộ pháp đuổi xuống núi hay không, đến nơi đó để khảo thí, khảo nghiệm thử xem. Cho nên, thiện căn nhất định phải bồi dưỡng.

Phật ở trong kinh giáo nói với chúng ta, thiện căn của thế gian pháp không thể thoát khỏi luân hồi, cũng chính là nói sanh vào ba đường thiện. Ba thiện căn không tham, không sân, không si, nếu như trong ba điều kiện này chúng ta cũng không đầy đủ thìtiền đồ tương lai của chúng ta là ba đường ác. Có lẽ đồng tu muốn hỏi tiêu chuẩn của ba thiện căn là gì? Phật định cho chúng ta tiêu chuẩn là “Thập Thiện Nghiệp Đạo", mười thiện năm giới, chúng ta có chân thật làm được hay chưa? Chúng ta phải thường kiểm điểm, ngày ngày phản tỉnh, ngày ngày cải lỗi. Nếu quả nhiên làm đến được năm giới mười thiện, xin nói với các vị, chúng ta nhất định không đọa ba đường ác. Chúng ta phải có lòng tin đối với chính mình.

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 121)

Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Khởi giảng năm 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ