TUYỂN CHỌN HỌC PHẬT VẤN ĐÁP CỦA PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG - PHẦN 3

TUYỂN CHỌN HỌC PHẬT VẤN ĐÁP CỦA PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG - PHẦN 3
Trích lục từ các buổi khai thị vấn đáp của Hòa Thượng Tịnh Không cho các đồng tu học Phật Hỏi: Đệ tử sơ tâm học Phật nhưng rất có tâm nương theo lời dạy trong Kinh điển mà thực hành, khởi tâm động niệm nhất định phải lấy Thập Thiện làm tiêu chuẩn, không dám có sai lầm. Tuy nhiên chủng tử mười nghiệp ác có từ vô lượng kiếp trong thức thứ tám hễ khởi tâm động niệm không cẩn thận thì thường khởi hiện hành. Cho nên, mỗi ngày con lạy Phật, niệm Phật hoặc đọc Kinh không dám gọi là có công đức để hồi hướng cho tất cả pháp giới chúng sanh và hồi hướng về Tây Phương. Đệ tử cảm thấy mờ mịt, rốt cuộc khi hồi hướng trong tâm con có thể khởi ý niệm là mình có công đức để hồi hướng cho chúng sanh và hồi hướng về Tây Phương cầu sanh Tịnh Độ không ạ?

Trích lục từ các buổi khai thị vấn đáp của Hòa Thượng Tịnh Không

cho các đồng tu học Phật

 

Hỏi: Đệ tử sơ tâm học Phật nhưng rất có tâm nương theo lời dạy trong Kinh điển mà thực hành, khởi tâm động niệm nhất định phải lấy Thập Thiện làm tiêu chuẩn, không dám có sai lầm. Tuy nhiên chủng tử mười nghiệp ác có từ vô lượng kiếp trong thức thứ tám hễ khởi tâm động niệm không cẩn thận thì thường khởi hiện hành. Cho nên, mỗi ngày con lạy Phật, niệm Phật hoặc đọc Kinh không dám gọi là có công đức để hồi hướng cho tất cả pháp giới chúng sanh và hồi hướng về Tây Phương. Đệ tử cảm thấy mờ mịt, rốt cuộc khi hồi hướng trong tâm con có thể khởi ý niệm là mình có công đức để hồi hướng cho chúng sanh và hồi hướng về Tây Phương cầu sanh Tịnh Độ không ạ?

Đáp: Bạn đã phân biệt chấp trước quá nặng rồi! Hãy buông xuống tất cả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Bất kỳ một chúng sanh nào khởi tâm động niệm, lời nói và việc làm trong một ngày nhất định là có thiện, có ác. Nếu bạn đã làm được thuần thiện, vô ác vậy thì bạn là Bồ-tát, là A-la-hán rồi, không phải là phàm phu. Phàm phu thì nhất định có xen tạp thiện ác, đây là đạo lý nhất định. Tất cả thiện nghiệp chúng ta đã làm trong một ngày, dù là thiện niệm cực kỳ nhỏ bé, thiện niệm cực kỳ ngắn ngủi đều có thể hồi hướng cho pháp giới chúng sanh, đều có thể hồi hướng cầu sanh Tịnh Độ. Vì vậy, chỉ cần y theo lời dạy trong Kinh luận mà làm, hoặc là y theo quy tắc mà làm là được. Không nên hoài nghi, vì nghi ngờ là sự chướng ngại tu hành lớn nhất của Bồ-tát. Chính mình có thể nghiêm túc nỗ lực sửa lỗi hướng thiện, chuyển mê thành ngộ thì rất tốt, rất là khó được. Nhất định phải nghiêm túc nỗ lực mà làm.

 

Hỏi: Con là cư sĩ, nghiệp chướng sâu nặng, một lòng muốn vãng sanh, con vừa phải chăm lo việc nhà, vừa phải niệm Phật, liệu có thể đảm bảo vãng sanh được hay không, làm thế nào mới có thể đạt được nhất tâm ạ?

 Đáp: Trước đây, khi tôi giảng Kinh, hình như đã kể một câu chuyện. Ở San Francisco nước Mỹ có một bà cụ, bà cũng lo liệu việc nhà, chăm sóc cháu nội. Bởi vì con trai và con dâu đều đi làm, người già ở Mỹ đích thực là giúp lo liệu, chăm sóc việc nhà. Bà niệm Phật rất tinh tấn. Lúc vãng sanh, người trong nhà đều không hay biết. Bà trước giờ chưa từng nói với người nhà về việc niệm Phật. Mỗi buổi sáng bà dậy rất sớm làm cơm sáng, mỗi ngày đều như vậy. Một buổi sáng nọ bà không thức dậy, không có người nấu bữa sáng, con trai và con dâu thấy vậy đã đến phòng của bà, vừa mở cửa phòng thì nhìn thấy bà ngồi xếp bằng trên giường, gọi bà bà không đáp. Đến trước mặt nhìn thì bà đã vãng sanh rồi, không biết ra đi vào lúc nào. Bà ngồi xếp bằng mà ra đi. Sau đó nhìn kỹ lại bên giường thấy có để di chúc của bà. Bà đã viết từ lâu, không những đã viết xong di chúc dặn dò mà bà đã chuẩn bị xong tang phục của con trai, con dâu và cháu trai, đều đặt ở cạnh giường. Bạn xem, bà cụ này thật là cừ khôi! Đây là biết trước ngày giờ ra đi. Bà đã lo liệu toàn bộ việc hậu sự của mình, con cháu không cần phải lo lắng chút nào. Bạn xem đó, bà vừa lo việc nhà, vừa chăm sóc con cháu, mà không hề bị chướng ngại việc niệm Phật, nhất định là không có chướng ngại. Điều quan trọng nhất là trong tâm không được có một chút vấn vương đối với gia đình, đối với con cháu. Nếu có một chút vương vấn thì sẽ có chướng ngại, bạn không thể tự tại vãng sanh. Vì vậy, vẫn phải làm việc trong nhà, cần phải chăm sóc con cháu, nhưng đừng để ở trong tâm. Tuy chăm lo vô cùng chu đáo các việc, nhưng trong tâm bà chỉ có A Di Đà Phật. Ngoài A Di Đà Phật ra trong tâm bà không có một ý niệm nào, cho nên bà mới vãng sanh tự tại như vậy. Chúng ta phải nên học tập việc này. Bất luận làm công việc, ngành nghề gì thì đối với việc niệm Phật vãng sanh đều không có chướng ngại. Nếu có chướng ngại là do chính bạn không hiểu đạo lý, không hiểu phương pháp. Nếu bạn hiểu đạo lý, hiểu phương pháp thì việc gì cũng không thể làm chướng ngại được. Pháp môn này thù thắng chính là ở chỗ này.

 

Hỏi: Người niệm Phật có Phật Bồ-tát, long thiên thiện thần bảo hộ, vì sao lúc lâm chung còn bi oan gia trái chủ làm chướng ngại việc vãng sanh?

 Đáp: Người niệm Phật thì có người có công phu đắc lực và không đắc lực. Nếu công phu thật sự thành phiến thì người niệm Phật này có công phu đắc lực. Đến khi lâm chung, oan gia trái chủ sẽ không làm chướng ngại họ. Nếu công phu của bạn chưa đạt, nói cách khác là bạn không vãng sanh được thì oan gia trái chủ sẽ đến đòi nợ, thiếu mạng thì đòi nợ mạng, thiếu tiền thì đòi nợ tiền, tóm lại là bạn trốn không thoát được. Những việc này là thật, không phải giả. Nếu thật sự hiểu rõ những chân tướng sự thật này thì nhất định không được hại mạng chúng sanh. Ngàn vạn lần chớ cho rằng động vật nhỏ không đáng gì. Bạn sát hại muỗi, kiến thì đến khi bạn lâm chung, chúng sẽ đến đòi mạng, chúng cũng là một sinh mạng. Tiền tài bất nghĩa, sau khi bạn chiếm được thì bạn vẫn phải hoàn trả. Ngạn ngữ nói rằng: “Giết người đền mạng, thiếu nợ trả tiền”. Đời đời kiếp kiếp, nhân quả ba đời.

Đến thế gian này để làm gì? Thực sự mà nói là vì đòi nợ, trả nợ mà đến. Nếu một người mà nợ nần đã sạch, không còn thiếu nợ người nữa, không thiếu nợ mạng, cũng không thiếu nợ tiền thì oan gia trái chủ gì cũng chẳng có. Cho nên oan gia trái chủ là do chính mình vời họ đến. Mình có công phu đắc lực thì oan gia trái chủ cũng hoan hỷ. Sự việc này, cách đây vài năm, chúng ta đã tận mắt chứng kiến ở Singapore. Lão Lâm trưởng Trần Quang Biệt của Cư Sĩ Lâm Singapore vãng sanh. Một ngày trước khi vãng sanh, tôi đã quy y cho ông, truyền thọ Tam Quy Ngũ Giới cho ông. Ông biết trước ngày giờ ra đi. Lúc ông vãng sanh, các đồng tu ở Cư Sĩ Lâm, các vị xuất gia ở lớp bồi huấn, chúng tôi cứ bốn đồng học thì làm thành một tổ trợ niệm cho ông, 24 giờ không gián đoạn. Mỗi nhóm bốn người lại đổi ca cho nhau, không để gián đoạn. Một ngày nọ, có một đồng học trợ niệm ở nhà của ông trở về, dẫn theo rất nhiều oan gia trái chủ của Trần lão cư sĩ. Người này dẫn theo rất nhiều quỷ đến Cư Sĩ Lâm, nhập vào thân của một người. Cư Sĩ Lâm có Niệm Phật Đường, họ nhập vào người của một cô gái trong Niệm Phật Đường. Cô ấy cũng từng đến gặp tôi, cô tên là Đỗ Mỹ Tuyền, họ nhập vào thân cô. Lúc bị nhập thân thì cô bất tỉnh, miệng sùi bọt mép. Sau đó họ nói họ là oan gia trái chủ của Trần lão cư sĩ, họ có rất nhiều người, họ nói Trần lão cư sĩ rất giỏi, đã niệm Phật vãng sanh rồi. Chúng tôi rất tôn trọng ông ấy, cũng không gây phiền phức cho ông. Oan gia trái chủ đã nói là không gây phiền phức, họ được thần hộ pháp của Cư Sĩ Lâm cho phép vào. Họ đến đây với hai mục đích, thứ nhất là cầu quy y. Lúc đó đúng lúc tôi giảng kinh ở Hồng Kông, họ gọi điện đến nói với tôi việc này. Tôi nói các vị hãy mau quy y cho những quỷ thần oan gia trái chủ của Trần lão cư sĩ đi. Yêu cầu thứ hai là họ yêu cầu được nghe giảng kinh, nói rõ là nghe Kinh Địa Tạng. Tôi nói lầu năm của chúng tôi là giảng đường, mỗi ngày có Pháp sư giảng kinh. Họ nói ánh sáng ở giảng đường quá lớn, quỷ chịu không nổi. Sau đó chúng tôi đã sử dụng trai đường, nhà ăn, ở bên trong đó có Ti-vi phát Kinh Địa Tạng, họ đã hoan hỷ đồng ý. Cho nên chúng tôi ngày đêm đều không ngừng phát đĩa giảng, phát trong vòng một tháng, họ đã nhận được lợi ích và đều đi cả rồi.

Thế nên, nếu công phu của bạn thật sự đắc lực, thật sự niệm Phật vãng sanh thì những oan gia trái chủ này cũng hoan hỷ. Bạn sanh đến thế giới Cực Lạc thì thành Phật rồi, họ sẽ có quan hệ với Phật, tương lai cũng sẽ có duyên được độ, nói chung là có duyên với Phật nên họ không gây phiền phức. Bạn thấy đó, họ đến cầu quy y, cầu siêu độ, yêu cầu nghe giảng kinh, đây là việc tốt. Phàm những người lúc lâm chung còn có oan gia trái chủ đến gây phiền phức, làm chướng ngại việc vãng sanh thì trong lòng bạn hiểu rõ là đời này họ không thể vãng sanh được. Chân thật vãng sanh thì oan gia trái chủ nhất định không dám đến cửa, xác thật là có Phật Bồ-tát hộ niệm, có long thiên thiện thần bảo hộ.

 

Hỏi: Con làm thế nào để chuyển thân nghiệp báo thành thân nguyện lực ạ?

Đáp: Câu hỏi này rất hay, chúng ta cần phải nên làm như thế. Nếu nguyện lực của chúng ta vượt hơn nghiệp lực của chính mình thì sẽ chuyển được. Phương pháp chuyển đổi cụ thể thì trong lúc giảng chúng tôi thường nói rằng, gốc rễ của thân nghiệp lực chính là tự tư tự lợi, khởi tâm động niệm đều có cái “ta”, tất cả đều vì “ta”, đây là nghiệp lực. Từ nơi nào mà chuyển? Hãy từ nơi này mà chuyển. Từ hôm nay trở đi, khởi tâm động niệm đừng nghĩ đến “ta” nữa, tất cả đều nghĩ cho chúng sanh. Vì xã hội, vì chúng sanh, nhất định không vì chính mình thì sẽ chuyển nghiệp lực thành nguyện lực, không còn chính mình nữa. Thân thể này nếu vẫn còn lưu lại ở thế gian thì phục vụ cho người khác, phục vụ cho Phật giáo, phục vụ cho chúng sanh, tuyệt đối không phải vì chính mình. Đây là nguyện lực siêu vượt nghiệp lực. Vì vậy cái thân hiện tại này, nếu nói theo cách nói của nhà Phật thì là thân “thừa nguyện tái lai” (theo nguyện trở lại), đây là thật, chẳng phải giả. Nếu vẫn còn ý niệm tự tư tự lợi thì không thể chuyển đổi được nghiệp lực. Nhất định không được vì chính mình. Xả mình vì người, vì Phật pháp, vì chúng sanh thì sẽ chuyển được.

 

Hỏi: Thông thường, khi sắp sửa khởi niệm tham sân, con liền quán chiếu tâm ấy thì có thể không khởi nữa. Có thể thấy pháp môn quán tâm khá là thù thắng. Duy chỉ lúc gặp phải phiền não quá mạnh, tuy con dùng tâm quán chiếu nhưng vẫn không cách nào tiêu trừ được. Lúc đó, con dùng cả pháp môn niệm Phật, dồn sức tập trung vào câu Phật hiệu thì có hiệu quả. Vậy khi dùng quán tâm và niệm Phật đều không thể tiêu trừ được phiền não mãnh liệt thì nên đối trị như thế nào ạ?

 Đáp: Tham, sân, si, mạn là tập khí phiền não. Lúc chúng khởi lên, nếu mức độ không lớn thì pháp quán tâm, pháp niệm Phật đều có thể hàng phục được, cũng chính là có thể hóa giải chúng được. Nếu phiền não đó quá ư mãnh liệt, bạn quán chiếu cũng không thể dập tắt được nó, niệm Phật cũng không hiệu quả, lúc này phải làm thế nào? Thành thật mà nói, lúc này cho thấy công phu quán chiếu của bạn không đủ, công phu niệm Phật của bạn cũng không đắc lực. Hai loại này, nếu có một loại có công phu đắc lực thì nhất định có thể hàng phục được phiền não. Vì vậy, phải tăng thêm công phu, việc này quan trọng. Không phải công phu không đắc lực mà là công phu của mình vẫn chưa đủ. Thông thường mà nói thì lúc này sanh tâm hổ thẹn, sám trừ nghiệp chướng. Dùng phương pháp gì để sám trừ? Vẫn là dùng phương pháp quán chiếu và niệm Phật. Hai loại phương pháp này dùng cái nào cũng được, dùng kết hợp cả hai cũng được. Thế Tôn dạy chúng ta niệm Phật trong Thập Lục Quán Kinh chính là kết hợp cả quán tưởng lẫn niệm Phật. Trong mười sáu phép quán thì “trì danh niệm Phật” là phép quán thứ mười sáu. Trong mười sáu phép quán, bạn dùng một loại cũng được, kết hợp hai loại, ba loại cũng được. Nếu bạn nói “con dùng hết thảy 16 phép quán”, vậy thì bạn phải có bản lãnh rất lớn mới được. Người thường không thể làm được, người thường nhất định không làm nổi. Hai ba loại kết hợp lại thì còn có thể, nếu quá nhiều thì e rằng chính mình niệm Phật cũng không được mà quán cũng không xong, vậy thì sai rồi. Bất luận là lý luận hay là phương pháp thì đều chú trọng việc “một môn thâm nhập, huân tu lâu dài” thì công phu mới có thể đắc lực, điều này vô cùng quan trọng.

 

Hỏi: Đệ tử mỗi lần muốn lạy Phật, xem kinh sách hoặc nghe niệm Phật thì đều có những sự dụ hoặc khác xuất hiện, ví dụ như lên mạng, xem ti-vi, ăn uống hoặc ngủ nghỉ, thời gian mỗi ngày cứ thế mà bị lãng phí. Xin hỏi làm thế nào để khắc phục những dụ hoặc của cảnh duyên bên ngoài và sự lười biếng của chính mình ạ?

 Đáp: Đây là căn bệnh chung mà rất nhiều người niệm Phật thời nay không thể thành tựu. Việc khắc phục là ở chính mình. Nền tảng chính là phải trì giới, phải nghe giảng kinh. Nghe giảng kinh giúp bạn rõ lý, trì giới là thiết lập công phu nền tảng cho bạn. Trì giới bắt đầu làm từ đâu? Nhất định phải bắt đầu làm từ Đệ Tử Quy, từ ba nền tảng Đệ Tử Quy, Cảm Ứng Thiên, Thập Thiện Nghiệp Đạo. Cần phải hiểu rõ thấu triệt ba nền tảng này thì sẽ sinh ra sức mạnh. Nếu không thể hiểu rõ triệt để thì bạn vẫn không kháng cự nổi sự dụ hoặc. Nếu bạn thường xuyên cảnh giác rằng bạn rất dễ bị dụ hoặc, không có định lực, không có trí huệ thì bạn phải nghĩ đến việc mình sẽ đọa vào trong ba đường ác. Tương lai bạn có chịu đọa ba đường ác hay không? Việc này có thể nâng cao tâm cảnh giác của bạn.

Sự thành tựu của Pháp sư Oánh Kha đời nhà Tống chính là bởi vì ông sợ đọa địa ngục, ông gắng sức nên ông thành công. Nếu thực sự biết được địa ngục là khổ, bản thân rất kinh sợ thì bạn sẽ không dám giải đãi, bởi vì bạn biết những tập khí xấu của giải đãi chắc chắn sẽ khiến bạn đọa lạc, không người nào có thể cứu bạn được. Nhất định phải sửa tật xấu, thay đổi tập khí, nuôi dưỡng thói quen thích nghe giảng kinh. Nghe giảng kinh nhất định phải chuyên chú thì bạn mới lĩnh hội được pháp vị của kinh giáo. Nếu nghe giảng kinh mà tâm rất loạn, vọng niệm rất nhiều thì bạn sẽ không nghe được gì cả. Lúc nghe giảng kinh thì không được để bất kỳ người nào quấy nhiễu. Lúc nghe giảng kinh ở nhà thì hãy tắt điện thoại thì bạn mới có thể chuyên chú. Nếu nghiệp chướng của bạn nặng, bạn đang nghe giảng kinh, vài cú điện thoại gọi đến thì đã phá hoại toàn bộ việc nghe giảng kinh của bạn rồi. Đây là gì vậy? Là ma đến quấy nhiễu. Phàm những thứ quấy nhiễu đều là ma chướng của bạn, đều là oan gia trái chủ của bạn, không cho bạn dụng công. Họ không cho bạn dụng công, tương lai bạn không có công phu, vận khí của bạn suy rồi thì họ sẽ đến gây phiền phức, họ sẽ đến báo thù, đến đòi mạng, đòi nợ.

 

Hỏi: Sau khi vãng sanh Tây Phương, Phật Bồ-tát làm thế nào đối mặt với nhân duyên quả báo? Những ác nghiệp đời này đã tạo, sau khi đới nghiệp vãng sanh thì còn phải trả nghiệp không, khi nào trả ạ?

 Đáp: Sau khi vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc, về mặt lý luận mà nói thì nghiệp chướng hoàn toàn chuyển biến. Biến thành gì vậy? Biến thành trí huệ. Vì vậy phải hiểu là nghiệp chướng và trí huệ là một thứ. Giác ngộ thì gọi là trí huệ, mê thì gọi là nghiệp chướng, cho nên chỉ là khác biệt ở mê và ngộ. Thực sự mà nói, thứ này không phải là thật. Thế nhưng bạn phải hiểu, do bạn đang mê nên nó là thật, thật sự đã đem trí huệ biến thành vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Kết quả mà vọng tưởng phân biệt chấp trước tạo ra chính là nghiệp chướng. Sau khi thành Phật rồi thì vọng tưởng phân biệt chấp trước của bạn biến thành trí huệ. Pháp Tướng Duy Thức nói rất hay, A-lại-da thức chứa chủng tử tập khí nghiệp chướng, nó giống như một cái kho chứa. Một khi giác ngộ rồi thì nó biến thành Đại Viên Kính Trí. Nói cách khác, người này đi qua mười pháp giới, đều đã tạo ra không ít nghiệp. Sau khi giác ngộ rồi thì hết thảy đều nhìn thấy rất rõ ràng, biến thành vô lượng trí huệ. Mạt-na thức là chấp trước, chấp trước biến thành Bình Đẳng Tánh Trí. Thức thứ sáu là phân biệt, phân biệt biến thành Diệu Quan Sát Trí. Năm thức trước là tạo tác, tạo tác biến thành Thành Sở Tác Trí. Gọi là chuyển tám thức thành bốn trí. Chuyển bằng cách nào? Giác ngộ thì chuyển được. Mê rồi thì bốn trí biến thành tám thức, giác ngộ thì tám thức chuyển thành bốn trí. Chỉ là mê-ngộ mà thôi.

Sau khi giác ngộ thì Phật Bồ-tát tự nhiên cảm ứng đạo giao với chúng sanh trong mười pháp giới. Sức cảm ứng lớn nhất chính là những người có ân có oán với bạn, là những người đã từng qua lại với bạn. Những người không qua lại cũng có cảm ứng nhưng cảm ứng đó rất yếu ớt, không mạnh, nên mới gọi là “Phật không độ người không có duyên”. Người kết thiện duyên với bạn là người có duyên, người kết ác duyên cũng là người có duyên với bạn, đến đúng thời điểm thì bất kể là thiện duyên hay ác duyên đều có cảm ứng đạo giao với bạn. Nói cách khác, bạn thảy đều sẽ độ họ, sẽ giúp đỡ họ. Mọi người đều rất quen thuộc bộ Kinh Kim Cang, bạn xem Vua Ca-lợi cắt xẻo thân thể, Ca-lợi Vương là vua ác, là bạo quân. Ca-lợi là tiếng Phạn, dịch sang tiếng Hoa là bạo quân, là hôn quân. Bạn thấy Nhẫn Nhục tiên nhân là Bồ-tát, là tiền thân của Thích-ca Mâu-ni Phật, là Bồ-tát tu Nhẫn Nhục Ba-la-mật. Lúc Ngài bị cắt xẻo thân thể không hề có mảy may oán hận, ngược lại còn nói rằng “Tương lai ta thành Phật, sẽ độ ông trước tiên”. Cho nên sau khi Thích-ca Mâu-ni Phật thành Phật, người đầu tiên Ngài độ là tôn giả Kiều-trần-như. Tiền thân của Kiều-trần-như là Ca-lợi Vương. Khi Bồ-tát chịu tai nạn lớn như vậy, Bồ-tát không có tâm oán hận ngược lại còn cảm kích. Vì sao vậy? Vì thành tựu Nhẫn Nhục Ba-la-mật cho Ngài. Không có việc này thì làm sao biết công phu nhẫn nại của chính mình lớn đến như vậy.

Vì vậy, điều mà chúng ta cần phải học chính là trong đời sống hằng ngày, bị người khác sỉ nhục cũng không tức giận, tức giận thì chúng ta thất bại rồi, bản thân mình một chút công phu cũng chẳng có. Giống như làm công quả trong đạo tràng, hơi có chút việc không vừa ý thì quay đầu bỏ đi, không quay trở lại nữa, vậy chứng tỏ bạn đã hoàn toàn thất bại rồi. Nếu có thể kiên trì đến cùng thì chính là nhẫn nhục Bồ-tát, đây là cơ hội khó có. Đó là gì? Đó chính là chuyển đổi cảnh giới mà phần trước đã nói. Bạn phải biết chuyển, có trí huệ thì biết chuyển, sẽ không bị cảnh giới làm chướng ngại. Cảnh giới thuận hay nghịch, người thiện hay người ác đối với chính mình đều có chỗ tốt.

 

Hỏi: Mười mấy năm gần đây, con gặp rất nhiều người bị bệnh thần kinh, trong đó có một cậu bé mười bảy tuổi. Trên chuyến tàu nhanh đến Thẩm Dương, cậu đã bị oan gia trái chủ ném ra ngoài rãnh nước cạnh đường ray của chuyến tàu cao tốc. Lúc đó cửa và cửa sổ trên xe lửa đều đóng, ngay cả bản thân cậu ấy cũng không biết tại sao lại rơi xuống đó. Cậu bị ngã xuống bất tỉnh nhân sự, thân thể không bị thương, khi về nhà thì không còn nhận ra cha mẹ, tất cả mọi thứ trong nhà đều rất lạ lẫm. Sau một tháng, con tương thông và giải oán kết với oan gia trái chủ của cậu ấy, vì oan gia trái chủ của cậu mà phóng sanh làm công đức. Nhờ Phật lực gia trì, sau đó cậu ấy đã khỏi bệnh. Xin hỏi, cửa và cửa sổ đều đóng cả, vì sao cậu ấy lọt ra ngoài được, những quỷ thần này đã dùng phương pháp gì ném cậu ấy ra ngoài xe lửa vậy ạ?

 Đáp: Sự việc này là do không gian của quỷ thần và không gian của loài người chúng ta không giống nhau. Cậu bé này cùng với các quỷ thần này đời trước nhất định là có quan hệ. Rất nhiều người đều biết, trong thế gian này, người và quỷ cùng chung sống với nhau. Người và quỷ có thể cùng chung sống trong một căn nhà nhưng mỗi người có cửa ra vào riêng của họ. Loài người chúng ta không biết cửa nẻo của quỷ, quỷ cũng không biết cửa và cửa sổ của chúng ta. Mỗi người đi theo lối riêng của họ, nhưng đều không làm chướng ngại lẫn nhau. Phật nói với chúng ta, tất cả vật chất đều không phải là thật, phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng, cho nên không gian khác nhau sẽ khởi tác dụng không như nhau. Tuy cửa và cửa sổ không mở nhưng cậu ấy có thể ra được, ở đây là một ví dụ.

Có rất nhiều ví dụ, tôi kể cho các vị nghe về lão Pháp sư Viên Anh. Việc này cách đây không quá lâu, hình như xảy ra vào những năm kháng chiến. Ngài có ghi chép lại sự việc này trong sách Viên Giác Kinh Giảng Nghĩa. Một ngày nọ, Ngài đang ngồi thiền trong liêu phòng, đột nhiên nghĩ đến một việc gì đó lập tức muốn đi làm, Ngài liền bước xuống đi ra ngoài để làm. Ra đến bên ngoài, Ngài bỗng nhiên nghĩ “Ủa, cửa phòng đang đóng, mình hình như chưa mở cửa, sao mình ra được bên ngoài vậy?” Quay đầu lại xem quả thật cửa đang đóng. Điều này chứng minh lời Phật nói với chúng ta “vật chất không phải là thật”. Bức tường và cánh cửa không phải là thật. Khi bạn không sanh một niệm, không có vọng niệm thì có thể xuyên qua chúng. Vì sao chúng làm chướng ngại bạn? Bởi vì bạn khởi ý niệm, bạn có ý niệm này thì chúng thật sự trở thành chướng ngại của bạn. Cho nên, phải hiểu cái đạo lý này. Cậu ấy có thể đi ra ngoài, tôi nghĩ cùng với việc Pháp sư Viên Anh ở trong phòng không hề mở cửa mà ra được bên ngoài là cùng một đạo lý. Là do bản thân Ngài không hề nghĩ đến cái cửa, không hề nghĩ đến vách tường, không nghĩ đến nên Ngài đi ra ngoài được, Ngài không hề có ý niệm này. Việc này là do quỷ thần canh lúc cậu ấy hôn mê, không có ý thức nên quỷ thần có cách mang cậu ấy ra ngoài.

 

Hỏi: Xin hỏi làm thế nào ngăn ngừa vọng niệm sanh ra, người bị chứng trầm cảm sanh ra ảo giác, âm thanh ảo, làm thế nào để tiêu trừ ạ?

Đáp: Đây là bệnh nghiệp chướng rất nghiêm trọng. Thông thường khi bệnh trở nặng thì quả thật Phật Bồ-tát đối với họ cũng bó tay hết cách. Làm thế nào đây? Bệnh của họ chính là làm tiêu nghiệp chướng cho họ. Đợi nghiệp chướng của họ tiêu trừ hết, họ dần dần khôi phục lại bình thường thì Phật Bồ-tát sẽ đến giúp họ. Vì vậy, con người trước khi mắc phải bệnh trầm cảm, nếu có duyên phận, hãy chăm chỉ học Phật, việc này có lợi ích rất lớn, có sự giúp đỡ rất lớn đối với sức khỏe. Đến khi bệnh phát nặng rồi thì không còn kịp nữa. Nếu vừa mới phát bệnh, bệnh còn nhẹ thì còn điều trị được, rất dễ đối trị. Nếu bệnh lâu rồi thì rất khó. Phương pháp ngăn ngừa tốt nhất là đọc sách Thánh Hiền. Vì sao vậy? Sách vở, lời nói, tâm hạnh của Thánh Hiền đều tương ưng với tánh đức, cũng là tùy thuận với đại tự nhiên, đó chính là đạo đức, đạo đức thì sao bị bệnh được! Nếu không đi theo Thánh Hiền thì chính là trái ngược đạo đức. Trái ngược với đạo đức thì dễ dàng thân cận yêu ma quỷ quái, thân cận với họ thì toàn thân đều là tà khí. Bệnh này phát ra chính là quả báo do nghiệp nhân chiêu cảm. Phải hiểu những sự và lý này thì chúng ta mới biết làm thế nào để ngăn ngừa.

 

Hỏi: Thưa Pháp sư, có người bị trúng phong nói được, không thể di chuyển, nằm trên giường đã nhiều năm rồi, con cái của họ nghỉ việc ngày đêm chăm sóc họ. Nên làm thế nào để giúp đỡ người bệnh tiêu trừ nghiệp nặng này ạ?

Đáp: Tình trạng này trong xã hội hiện nay rất nhiều, chúng ta thường thấy, không phải không thể độ, xác thật là có thể độ. Trong Kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện, Bà-la-môn nữ, Quang Mục nữ chính là một ví dụ hay. Phải dùng tâm chân thành, có câu “lòng hiếu cảm động đến trời đất”. Người này có con cái hiếu thuận hay không, điều này khó nói lắm. Nếu không thật sự cảm động được trời đất quỷ thần thì rất khó. Loại bệnh này đa phần là bệnh nghiệp chướng, do túc nghiệp. Hoặc do đời quá khứ tạo tội nghiệp, hoặc do đời này tạo tội nghiệp, là nghiệp báo rất nặng. Cần phải chân thật sám hối. Có rất nhiều người bị bệnh bao nhiêu năm nhưng hơi thở vẫn không dứt. Thường thì những người mắc bệnh này đều là người giàu có. Vì sao vậy? Người nghèo khó mắc không nổi loại bệnh này vì không có người săn sóc. Người có tiền thì mời ba lượt hộ lý, hai mươi bốn giờ chăm sóc không gián đoạn. Mấy năm, mười mấy năm họ nằm trên giường bệnh mà hơi thở vẫn không dứt. Họ làm gì vậy? Họ đang hưởng phước. Tiền tài trong mạng của họ vẫn chưa được hưởng hết, thuốc thang và hộ lý chăm sóc mỗi ngày chính là dùng vào số tiền đó, đợi khi dùng hết tiền rồi thì họ sẽ ra đi. Nếu bạn hiểu được đạo lý này thì bạn hãy đem những tiền của của người bệnh đi làm việc từ thiện xã hội. Hai tình huống sẽ xuất hiện, một là nếu thọ mạng của họ vẫn chưa hết thì họ khỏi bệnh, nếu thọ mạng đến rồi thì họ lập tức ra đi, không chịu nỗi khổ này nữa. Phàm việc gì bạn cần phải hiểu đạo lý của nó, hiểu được chân tướng sự thật thì bạn sẽ biết nên làm thế nào để xử lý.

 

Hỏi: Có một số đồng tu thường trụ ở đạo tràng, niệm Phật đã được ba năm năm năm rồi mà thường xuyên bị đau bụng, nấc cụt, thân thể xảy ra vấn đề như tay chân sưng tấy, đây là nguyên nhân gì, có biện pháp gì trị không ạ?

Đáp: Nguyên nhân quan trọng nhất đó là phải quan sát tình hình vệ sinh sức khỏe của đạo tràng. Đạo tràng thời xưa rất xem trọng vấn đề vệ sinh. Ở đạo tràng của Nhật Bản hiện nay cũng nhìn thấy tình hình này. Đạo tràng ở Trung Quốc thường thì tạp loạn, không chỉnh tề, không thanh khiết. Nếu quý vị đến Nhật Bản tham quan, bạn thấy đạo tràng ở Nhật Bản, đại điện của họ hay bất kể là chỗ nào, trong phòng ốc đều không có bụi bặm. Những người làm vệ sinh của họ thật khiến người ta bội phục. Phòng của họ là sàn gỗ, bắt buộc phải cởi giày rồi mới bước vào, bạn mang tất trắng, y phục màu trắng bạn đi trên sàn gỗ nhưng không hề bị dính một chút bụi. Bên cạnh đó, họ bài trí rất đơn giản chỉnh tề ngăn nắp, việc này đạo tràng Trung Quốc không sánh bằng. Vì vậy đạo tràng Nhật Bản mạnh khỏe, trường thọ là có đạo lý. Điều này Trung Quốc kém quá xa so với Nhật Bản. Cho nên, điều kiện vệ sinh là nguyên nhân thứ nhất.

Nguyên nhân thứ hai có liên quan đến đạo tâm. Chúng ta là phàm phu, không phải là thánh nhân. Phàm phu thì nhất định bị hoàn cảnh xoay chuyển. Từ xưa đến nay, Tổ Sư Đại Đức vì sao phải xây đạo tràng ở chốn núi rừng, cách xa đô thị thôn trang? Vì các Ngài biết người sơ học là “tâm chuyển theo cảnh”, hoàn cảnh thanh tịnh, chỉnh tề thanh khiết, vệ sinh thì họ ở nơi đó sẽ có được thân tâm được an ổn, có lợi ích rất lớn đối với việc tu học. Đợi đến lúc thật sự đạt được thiền định, trí huệ, không còn bị hoàn cảnh bên ngoài xoay chuyển mà có thể chuyển cảnh giới thì sẽ giống như Tế Công vào nơi phố chợ cùng với mọi người hòa thành một thể, hòa quang đồng trần, đến giúp đỡ tất cả chúng sanh. Bởi vì họ đã có năng lực không bị cảnh giới xoay chuyển rồi. Thế nhưng, những người như vậy là thiểu số, không phải đa số, đa số mọi người nhất định phải nương tựa vào hoàn cảnh làm trợ duyên. Khi lựa chọn đạo tràng chúng ta không thể không lưu ý việc này.

 

Hỏi: Con của con năm nay 12 tuổi, thường có thể nhìn thấy những chúng sanh vô hình tham gia pháp hội Tam Thời Hệ Niệm, tương thông với họ, nói chuyện đùa với họ, xin hỏi đứa trẻ này có bị ảnh hưởng không? Nên làm thế nào mới tốt ạ?

Đáp: Đứa trẻ này có linh tánh, đương nhiên không phải đứa trẻ nào cũng có. Thế nhưng những đứa trẻ có năng lực này không phải là ít. Chúng có thể nhìn thấy những thứ mà người thường chúng ta không thể nhìn thấy. Chúng nhìn thấy được cũng không sao, khi chúng lớn lên, vọng niệm nhiều rồi thì chúng sẽ dần dần không nhìn thấy nữa. Điều này chứng tỏ vọng niệm của chúng ít, tâm của chúng thanh tịnh nên mới có thể nhìn thấy.

 

Hỏi: Đệ tử rất sợ ma, cũng sợ các động vật như là rắn.., làm thế nào loại bỏ nỗi sợ hãi này ạ? Nếu không tiêu trừ nỗi sợ hãi này, tương lai có làm chướng ngại việc vãng sanh không?

Đáp: Nếu thật sự muốn vãng sanh thì phải hóa giải sự việc này. Phải biết rằng quỷ thần và súc sanh đều là chúng sanh, đều có linh tánh. Bạn dùng thiện tâm đối đãi với họ, họ sẽ dùng thiện ý mà đáp lại. Nếu bạn sợ họ thì họ sẽ xem thường bạn. Ngạn ngữ thường nói: “Người sợ ma ba phần, ma sợ người bảy phần”. Ma sợ người còn hơn người sợ ma rất nhiều, vậy mà bạn lại đi sợ ma, ma cảm thấy rất buồn cười, sao bạn lại nhát gan như thế? Vì vậy, bạn hãy thường nghĩ rằng ma sợ người đến bảy phần, nếu bạn bình tĩnh lại thì ma sẽ sợ bạn, đây là sự thật, không phải giả. Cho dù gặp ma hay là gặp súc sanh thì hãy làm như sau, hãy niệm Phật, niệm Quan Âm Bồ-tát thì thái độ của họ đối với bạn lập tức sẽ dịu lại. Chúng ta có kinh nghiệm rất phong phú về những sự việc này. Nhìn thấy rắn, thấy rết, bạn hãy chắp tay nói: “Chào Bồ-tát rắn, Bồ-tát rết”, chúng lập tức sẽ ngóc đầu lên nhìn bạn, gật đầu với bạn, chúng hiểu. Quỷ thần cũng như vậy, nếu bị quỷ thần quấy nhiễu thì hãy thỉnh cầu họ đừng quấy nhiễu, hãy nói: “Tôi cần phải nghỉ ngơi, tôi còn rất nhiều việc phải làm”. Hãy hồi hướng cho họ, truyền Tam Quy Y cho họ, khuyên họ niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, họ sẽ không đến quấy nhiễu nữa, họ cũng thông tình đạt lý. Cho nên, chúng ta hãy luôn dùng lễ đối đãi với người, đối đãi với quỷ thần, đối đãi với động vật.

 

Hỏi: Làm thế nào giúp cha mẹ lớn tuổi sanh khởi chánh tín đối với Phật giáo, khi lâm chung có thể gặp được thiện duyên, niệm Phật vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc ạ?

Đáp: Bạn hỏi vấn đề này rất hay. Bạn nêu lên vấn đề này chúng tôi có thể thấy được tâm hiếu của bạn đối với cha mẹ. Có thể tiễn đưa cha mẹ đến thế giới Tây Phương Cực Lạc thì đây là đại hiếu. Không có việc hiếu thuận cha mẹ nào thù thắng hơn việc này. Cha mẹ sanh đến Tây Phương là đi làm Phật, chẳng những vĩnh viễn thoát ly luân hồi mà họ còn vĩnh viễn thoát ly mười pháp giới. Thực sự mà nói, mỗi đồng học niệm Phật đối với người lớn tuổi đều nên có cái tâm như vậy, đây là tâm đại hiếu. Làm thế nào để ảnh hưởng đến cha mẹ? Chính mình phải thật làm, bắt đầu làm từ chính mình, từ tâm mình mà làm, bắt đầu làm từ thân của mình để khiến cha mẹ cảm động. Đặc biệt khi nắm bắt được cơ hội, cơ duyên, lúc cha mẹ vui vẻ, hoặc là lúc ăn cơm, lúc nhàn rỗi nên nói nhiều một chút về đạo lý niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, kể những câu chuyện vãng sanh có quả báo thù thắng trong Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, Vãng Sanh Truyện, tốt nhất là những câu chuyện gần đây niệm Phật vãng sanh có tướng lành hy hữu. Nghe những câu chuyện này sẽ khiến người cảm động, hãy kể nhiều những câu chuyện này để người lớn tuổi nghe, khuyên người già nhận thức sự thù thắng không gì sánh được của việc niệm Phật vãng sanh thì họ mới có thể buông xuống vạn duyên, nhất tâm chuyên niệm, như vậy thì đúng.

 

Hỏi: Hiện nay nhiều nhân sĩ có thiện tâm đã nhập Đại Tạng Kinh vào máy tính, đưa lên mạng cúng dường mọi người. Nhưng có một số từ cổ hoặc là những từ không có trong náy tính, họ đã dùng một số từ tương tự để thay thế, xin hỏi cách thay đổi Kinh điển như vậy có như pháp hay không? Có phải chịu trách nhiệm nhân quả hay không?

Đáp: Bạn hỏi rất hay. Không sai, thay đổi văn tự trong Kinh điển phải chịu trách nhiệm nhân quả. Cổ Đại Đức nói rằng, chuyển ngữ sai một chữ bị đọa làm hồ ly 500 đời, trách nhiệm này không nhỏ! Vì vậy cổ Đại Đức dạy chúng ta, cho dù có thấy chữ trong Kinh điển bị sai, rõ ràng là chữ sai nhưng đều không thể sửa đổi. E sợ điều gì vậy? Sợ rằng có tiền lệ này rồi thì mọi người có thể tùy tiện sửa đổi, sửa đến sau cùng Kinh này hoàn toàn biến chất. Phải nên như thế nào? Nên chú thích rõ, ghi chú ở kế bên, chữ này phải nên là chữ nào đó, có lẽ là chữ nào đó, để cung cấp cho những người nghiên cứu đọc tụng Kinh điển tham khảo. Không được sửa đổi, nhất định phải giữ gìn hình dạng ban đầu của Kinh.

Vì sao có chữ bị sai? Thời xưa, Kinh điển là được chép tay, khó tránh khỏi bị sao chép sai, tình trạng này rất có thể xảy ra, rất khó tránh khỏi bị sao chép nhầm. Thế nhưng sao chép sai cũng không được đổi. Nếu từ cuốn Kinh khác, bản Kinh khác đối chiếu ra được thì bạn chú thích ở kế bên là chữ nào trong bản kinh nào phải nên là chữ nào đó, ghi chú rõ ràng để mọi người tham khảo. Làm như vậy thì đúng, không được tự ý sửa.

 

Hỏi: Trước khi con học Phật thì rất được người khác tôn kính, mọi người đều vui vẻ với con, đặc biệt là mọi người thường khen con hiểu chuyện và thiện lương, họ nói nhìn thấy con thì khởi tâm hoan hỷ. Con cũng thường giúp đỡ kẻ gặp việc khó, cha mẹ nói con là hiếu tử. Sau khi con bước vào cửa Phật, con thật lòng hộ pháp cho Sư phụ, theo lời dạy của Sư phụ mà làm, dù con dụng tâm làm việc tốt nhưng người khác vẫn không hiểu cho con, con thường bị người hiểu lầm. Hiện nay phiền não của con không ngừng tăng thêm, trong tâm thường rơi nước mắt, con thật không biết bước tiếp theo nên làm thế nào?

Đáp: Như vậy xem ra bạn đã không học Phật tốt rồi, đã học Phật sai rồi. Bạn nên kiểm điểm lại, có phải mình đã học Phật sai rồi không? Hễ học Phật mà xuất hiện những vấn đề này thì bạn nên suy nghĩ lại xem, về mặt lý luận có vấn đề, hay là về mặt phương pháp có vấn đề, hoặc đã ứng xử không thích hợp với hoàn cảnh, cho nên mới phát sinh những vấn đề này. Nếu không thì hiệu quả của việc học Phật nhất định là tích cực, chắc chắn là rất nhiều người hoan hỷ bạn, tán thán bạn, yêu mến bạn. Nếu mọi người trong xã hội và người nhà đều có phản cảm đối với bạn thì bạn hãy suy nghĩ lại đi, bạn học Phật có vấn đề rồi. Bạn hãy tìm cho ra vấn đề, tiêu trừ nó đi thì mọi việc có thể trở lại bình thường.

 

Hỏi: Con siêu độ vong linh đều là do những vong linh ấy tự ghi tên cầu cứu con, con chẳng có điều kiện gì cả, chỉ tụng kinh, niệm Phật mà thôi. Ngoài những yêu ma quỷ quái cầu xin siêu độ này còn cả chúng sanh từ địa ngục đến. Tướng trạng cầu cứu của họ khiến người nhìn thấy thật là bi thảm, họ dùng tâm rất chân thành đến cầu con, có đồng tu nói rằng việc này sẽ ảnh hưởng đến việc vãng sanh của con.

Đáp: Vậy tôi hỏi bạn, mục đích vãng sanh của bạn là gì? Có phải là đến thế giới Cực Lạc để hưởng phước hay không? Nếu bạn có ý niệm này thì bạn không thể vãng sanh. Phàm người vãng sanh đều là vì sự nghiệp “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ” thì họ mới có thể vãng sanh. Đến thế giới Cực Lạc là học cái bản lĩnh ấy, sau khi học thành rồi thì phải phổ độ chúng sanh. Hiện nay những chúng sanh này đến tìm bạn, được đưa đến trước bạn, đến cầu bạn giúp đỡ mà bạn lại không chịu giúp thì tôi nói thật với bạn một câu rằng “bạn chắc chắn không thể vãng sanh”.

Nếu bạn nhìn thấy những chúng sanh này mà cảm thấy hoan hỷ, bạn toàn tâm toàn lực giúp đỡ họ thì bạn chắc chắn vãng sanh. Vì sao vậy? Bạn là đồng tâm, đồng nguyện, đồng đức, đồng hạnh với A Di Đà Phật, là đồng chí tốt nhất của A Di Đà Phật. Ngàn vạn lần chớ nghe lời nói nhảm của người thường, họ không hiểu Phật pháp nên họ không lý giải được, những người đó là tự tư tự lợi. Người tự tư tự lợi niệm Phật một đời này thì kết duyên với Phật nhưng không thể vãng sanh. Người vãng sanh thật sự cần phải học Địa Tạng Bồ-tát, Quán Âm Bồ-tát: “tôi không vào địa ngục thì ai vào địa ngục?”

Điều kiện vãng sanh là gì? Là tín, nguyện, hạnh. Bạn tin tưởng thế giới Cực Lạc, tin tưởng A Di Đà Phật, bạn phát nguyện vãng sanh thì bạn có thể đi. Đại sư Ngẫu Ích nói rất hay: “Có thể vãng sanh hay không thì xem tín nguyện có hay không. Phẩm vị cao thấp thì xem công phu niệm Phật sâu hay cạn”, đã nói rõ như vậy rồi. Bạn không có tín nguyện thì bạn không thể vãng sanh, công phu niệm Phật tốt đến đâu cũng không thể vãng sanh. Vì vậy, bạn có tín nguyện, bạn giúp đỡ những chúng sanh khổ nạn này vãng sanh thì chính mình làm gì có đạo lý không được vãng sanh chứ? Việc này rất quan trọng.

Bạn đưa những chúng sanh này đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, tương lai khi bạn vãng sanh, họ đều sẽ theo A Di Đà Phật, đoàn đoàn lớp lớp đến hoan nghênh bạn. Vì sao vậy? Họ đến thế giới Cực Lạc là do bạn đưa họ đến. Những người đó sẽ cảm ân bạn, họ sẽ không quên bạn. Cho nên, phải hiểu đạo lý này. Việc bạn chỉ dùng cách thức tụng kinh, niệm Phật để độ họ, không có nghi quy gì cả, điều này cho thấy Phật pháp trọng thực chất, không trọng hình thức, đây là thật không phải giả.

Bạn xem Ảnh Trần Hồi Ức Lục, là tự truyện của Pháp sư Đàm Hư, bên trong có một câu chuyện. Pháp sư Đàm Hư khi chưa xuất gia đã cùng với ba người bạn hợp tác mở tiệm thuốc Bắc. Tiệm thuốc Bắc có một người bạn họ Lưu, ông ấy tụng kinh Lăng-nghiêm được tám năm, rất thích kinh Lăng-nghiêm, mỗi ngày đều đọc kinh Lăng-nghiêm, cũng chẳng có nghi thức gì cả. Một buổi trưa nọ ông đang ngủ gật tại tiệm thuốc thì nhìn thấy hai người bước vào hiệu thuốc. Đó là ông nằm mơ, ông có quen với hai người này, ông và họ đã từng tố tụng kiện cáo nhau, hai người này thua kiện, kết quả hai người họ thắt cổ chết. Sau đó ông rất hối hận, không nên vì chút ít tiền bạc mà bức người tự vẫn, ông cũng rất đau lòng. Cho nên, đây là oan gia trái chủ tìm đến, ông rất sợ hãi. Nhưng ông nhìn thấy hai người họ không hề hung ác, dường như rất khách sáo đi đến trước mặt ông. Ông hỏi họ đến để làm gì? Họ nói đến cầu siêu độ, lúc đó ông yên tâm, họ không đến gây phiền phức mà cầu siêu độ, đương nhiên được thôi. Ông hỏi dùng cách gì để siêu độ? Họ nói: “Ông đồng ý là được.” Ông nói: “Được, tôi đương nhiên đồng ý siêu độ các vị.” Ông nhìn thấy hai con ma đó bước lên đầu gối của ông, bước lên vai của ông mà sanh thiên. Cho nên, việc tụng kinh niệm Phật của bạn có hiệu quả, nếu bạn làm không có hiệu quả thì họ đã không đến tìm bạn. Vì sao vậy? Tìm bạn cũng vô ích. Đến khi bạn có công phu này thì họ sẽ đến tìm bạn. Vì vậy, bạn đừng bỏ lỡ cơ hội ngay trước mắt này, đây là thiện duyên, là việc nên làm. Bất luận là bạn bình thường nhìn thấy hay là nhìn thấy ở trong mộng, ở trong định thì đều là thật, không phải giả.

 

Hỏi: Trẻ bị chứng cuồng loạn và có khuynh hướng tự sát, xin hỏi nên làm thế nào để giúp đỡ ạ?

Đáp: Việc này có liên quan đến việc giáo dục thanh thiếu niên của xã hội hiện nay. Trước tiên bạn phải tìm ra nguyên nhân của nó, vì sao nó bị cuồng loạn, vì sao muốn tự sát? Tìm ra nguyên nhân thì tiêu trừ nguyên nhân đó, vấn đề sẽ được giải quyết. Đây là cách làm quan trọng. Nếu bạn học Phật hoặc có tín ngưỡng tôn giáo thì bạn cầu nguyện cho nó, cầu oai thần của Phật Bồ-tát gia trì, sẽ có ích lợi đối với nó. Tuy nhiên, điều bắt buộc cần phải làm là tìm cho ra nguyên nhân, phải tiêu trừ nguyên nhân đó. Chúng ta làm như vậy thì oai thần của Phật Bồ-tát mới có thể gia trì.

 

Hỏi: Xin hỏi thế nào là tâm bệnh ạ?

Đáp: Phàm phu lục đạo đều có tâm bệnh, thế nào gọi là tâm bệnh? Tâm không bình thường. Tâm của người nào không bị bệnh? Từ A-la-hán trở lên, tâm của các Ngài không có bệnh. Tâm bệnh nghiêm trọng nhất là tham sân si, chúng tôi thường nói là tâm tự tư tự lợi, tâm thị phi nhân ngã, tâm cống cao ngã mạn. Nếu chiếu theo Đàn Kinh của Lục Tổ giảng thì mười ác, tám tà, tất cả những tập khí bất thiện đều là tâm bệnh. Toàn bộ lời dạy của Phật Bồ-tát là để đối trị tâm bệnh, dạy chúng ta tu thập thiện, đoạn thập ác. Những năm qua chúng tôi đề xướng việc tu từ căn bản, học Đệ Tử Quy, Cảm Ứng Thiên, Thập Thiện Nghiệp Đạo, Sa-di Luật Nghi, toàn bộ là để trị tâm bệnh. Tâm lý khỏe mạnh thì không những thân thể khỏe mạnh mà gia đình bạn hòa thuận, ảnh hưởng mà bạn mang lại chính là xã hội hài hòa, thế giới hài hòa. Thế giới vì sao loạn như thế này? Chúng sanh vì sao khổ như vậy? Nguyên nhân căn bản chính là tâm của chúng ta đã bệnh rồi, phải hiểu việc này.

 

Hỏi: Lúc ở nhà tu hành đối mặt với đủ loại khảo nghiệm thử thách, làm thế nào để không quên tâm liễu sanh tử xuất tam giới ạ?

Đáp: Như vậy bạn cần phải có nhận thức tương đối đối với thật tướng của các pháp, việc này một mặt là do thiện căn của đời trước, một mặt là từ việc học tập kinh giáo trong đời này. Nếu trong quá khứ không có thiện căn thì hãy chăm chỉ học kinh giáo để bù đắp cho phần thiện căn thì chúng ta cũng có thể làm tăng trưởng thiện căn của mình. Chúng ta thật sự hiểu rõ, biết rằng thời gian một đời người thật ra rất ngắn ngủi tạm bợ, tạo ác nghiệp là điều sai lầm, hãy nên làm việc tốt. Vì sao vậy? Cuộc đời này ngắn ngủi, thời gian sau đó thì lâu dài, nên vì sự lâu dài mà toan tính, đừng nên chăm chăm tính toán những việc ngắn ngủi vụn vặt trước mắt, như vậy là sai rồi. Cho nên, nếu có thể hiểu được những chân tướng sự thật này thì tâm liễu sanh tử của chúng ta sẽ vô cùng khẩn thiết, khi đối diện với thử thách của hoàn cảnh mới có thể vượt qua. Chúng ta thường nói là: “Thuận cảnh không sanh tham luyến, nghịch cảnh không khởi sân hận”, giữ được cái tâm bình thường, giữ gìn đầu óc thanh tịnh. Biết rằng phàm những gì có tướng đều là hư vọng, vạn pháp giai không, nhân quả bất không, thường nghĩ đến lời dạy này của Phật thì tâm của chúng ta sẽ có thể hồi phục lại sự bình lặng.

 

Hỏi: Đệ tử mắc bệnh đã lâu, mỗi ngày đều cảm thấy oan gia trái chủ vây lấy thân rất khổ sở. Nếu đến Phật đường nghe giảng kinh, lễ Phật thì bệnh tình có thể giảm nhẹ, xin hỏi việc này có bình thường không ạ?

Đáp: Bình thường. Ở Phật đường có nhiều người niệm Phật, bầu không khí này, người ngoại quốc gọi là từ trường, sẽ gia trì cho bạn. Oan gia trái chủ của bạn đến nơi đó cũng cảm nhận được bầu không khí này, họ cũng rất hoan hỷ, sẽ không tìm bạn gây phiền phức nữa. Từ đây thì bạn hiểu được sự thù thắng của việc nghe giảng kinh, niệm Phật.

 

Hỏi: Nguời niệm Phật rất tinh tấn thì oan gia trái chủ sẽ đến gây phiền phức cho chúng ta. Tuy nhiên xét theo đạo lý thì lẽ ra họ nên vui mừng mới phải, bởi vì chúng ta vãng sanh nhất định là có lợi ích đối với họ, lẽ nào họ không biết đạo lý này sao?

Đáp: Thực ra vì họ biết đạo lý này nên mới đến tìm bạn. Nếu bạn không niệm Phật, công phu không đắc lực thì họ không đến tìm bạn. Vì sao vậy? Tìm bạn cũng vô ích, bạn độ chính mình không xong thì bạn làm sao độ họ được. Hễ họ đến tìm bạn thì công phu của bạn đã đắc lực. Họ đến tìm bạn không phải là gây phiền phức, mà họ đến cầu siêu độ. Bạn có thể hồi hướng công đức của mình cho họ thì họ sẽ hoan hỷ, họ đến là cầu việc này. Nếu chính bạn không có công đức thì họ sẽ không đến tìm bạn. Bạn muốn họ đến họ cũng không đến. Cho nên phải hiểu đạo lý này.

 

Hỏi: Chúng con từng nhiều lần xây dựng đạo tràng để tu hành, tuy trước sau đều bị phá hoại nhưng các đồng tu đều đồng một tâm. Do gặp khó khăn về kinh tế nên tạm thời không có điều kiện làm đạo tràng, vì vậy đa số chúng con đều ở nhà tu hành, xin hỏi từ đây về sau chúng con nên làm thế nào ạ?

Đáp: Tổ Sư Đại Đức thường dạy chúng ta rằng: “Chỉ sợ không có đạo, đừng lo không có chùa”. Nếu chân thật có đạo thì không cần nhiều, có bốn người, bốn người này thật sự có đạo. Có đạo nào? Có đạo của Đệ Tử Quy, Cảm Ứng Thiên, Thập Thiện Nghiệp Đạo, thêm vào đạo của Tam Quy, Ngũ Giới thì Phật Bồ-tát sẽ lập đạo tràng cho bạn. Vì sao vậy? Quý vị có cảm thì Phật Bồ-tát sẽ có ứng. Vì vậy đừng lo không có đạo tràng, chỉ e chính mình không có đạo. Đạo thì phải học từ căn bản, phải nghe giảng kinh để hiểu rõ lý, phải thật làm, thật làm là chân thật quay đầu, thật làm là tiêu nghiệp chướng, thật sự tu Giác Chánh Tịnh. Đệ Tử Quy cũng là tu Giác Chánh Tịnh.

 

Hỏi: Mẹ của con năm nay 72 tuổi, từng phát nguyện trong những năm còn sống sẽ niệm 48 lần một triệu câu Thánh hiệu Di Đà. Với tốc độ niệm Phật của mẹ con hiện giờ e rằng phải niệm vài năm mới có thể hoàn thành. Mẹ con lo bản thân không đủ thọ mạng để hoàn thành nguyện này, cho nên mỗi ngày ra sức niệm Phật để hoàn thành nguyện này chứ không phải cầu vãng sanh Tây Phương, đồng thời cũng vì chuyện này mà sanh phiền não. Xin Sư phụ từ bi khai thị cho mẹ con.

Đáp: Hy vọng rằng mục tiêu sau cùng của việc mẹ bạn niệm Phật là vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, đồng thời niệm 48 lần một triệu câu Thánh hiệu Di Đà là niệm để cho người thế gian xem, để người niệm Phật hiện tiền nhìn thấy thì mẹ của bạn nhất định được trường thọ, Phật nhất định sẽ mãn nguyện vọng của bà, tuyệt đối sẽ không phụ bà. Nếu chỉ là cầu niệm Phật cho chúng sanh xem mà bản thân không cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ thì bà vẫn có thể làm được. Vì sao vậy? Cái nguyện này là thiện nguyện, sẽ được A Di Đà Phật gia trì, thọ mạng của bà sẽ kéo dài, nhất định sẽ mãn nguyện.

 

Hỏi: Cư sĩ sống ở thành phố phát tâm về nông thôn tuyên truyền Phật pháp, tổ chức học Phật, niệm Phật có phải là phan duyên hay không ạ?

Đáp: Phan duyên hay không phan duyên là ở tâm của bạn. Nếu bạn cầu danh văn lợi dưỡng thì đó là phan duyên, còn nếu bạn giúp chúng sanh phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui, vậy thì bạn là Bồ-tát. Cho nên về mặt sự tướng là như nhau nhưng công và tội thì luận theo tâm của bạn. Tâm của bạn chân thành, vì người khác, vì Phật pháp, vì chánh pháp trụ lâu dài, vì làm lợi ích cho chúng sanh thì bạn được vô lượng công đức. Nếu bạn có tâm riêng tư, mưu lợi, vì danh văn lợi dưỡng của chính mình thì bạn đang tạo tội nghiệp. Việc này là ở trong một niệm của chính mình.

 

Hỏi: Sau khi chào đời, con đã học Phật, lúc chưa đi học, tâm luôn thanh tịnh, nhưng do tâm thuận theo sự ô nhiễm của xã hội - một cái chảo nhuộm lớn - nên tâm thanh tịnh đã bị nhiễm ô. Con nên làm thế nào mới có thể kháng cự được sự dụ hoặc, khôi phục lại tâm thanh tịnh ạ?

Đáp: Việc này thật sự không dễ, đã bị ô nhiễm rồi, lại muốn tẩy trừ sự ô nhiễm ấy cho sạch sẽ là việc rất khó. Nếu bạn muốn hỏi có phương pháp gì thì tôi đơn giản nêu ra một chút phương pháp. Thứ nhất, từ nay về sau hãy xa lìa sự ô nhiễm, không được tiếp xúc với nó nữa. Tôi bắt đầu học Phật vào năm 26 tuổi, sau đó dần dần hiểu rõ đạo lý này, đại khái là ba mươi mấy tuổi trở đi, hình như là sau 33-34 tuổi tôi không xem báo chí, không xem tạp chí, không xem truyền hình, không xem múa hát, đều đoạn tuyệt những thứ này. Vì sao vậy? Những thứ này là ô nhiễm nghiêm trọng. Thế nên tâm của tôi tương đối thanh tịnh, một mực giữ gìn cho đến ngày nay. Trước năm 26 tuổi tôi bị ô nhiễm tương đối ít, cũng là do thời gian tiếp xúc với ô nhiễm ngắn. Tôi thích đọc sách, đa số thời gian đều dành để đọc sách, cho nên mới có thể giữ gìn mức độ thanh tịnh nhất định. Về sau tôi học Phật thì đoạn tuyệt với những thứ này, mỗi ngày tôi xem kinh Phật, nghe Phật hiệu, tiếp xúc với những người bạn học Phật, cho nên được thanh tịnh nhiều. Xã hội hiện nay là một chảo nhuộm lớn, nếu chúng ta có thể kiên trì thì vẫn còn có biện pháp.

 

Hỏi: Đại sư Ngẫu Ích nói: “Vãng sanh được hay không toàn dựa vào có tín nguyện hay không, phẩm vị cao hay thấp toàn dựa vào trì danh sâu hay cạn”. Có một số đồng tu lý giải là: Ngày thường chỉ cần đầy đủ tín nguyện, lâm chung cho dù không niệm Phật, A Di Đà Phật cũng sẽ đến tiếp dẫn. Còn việc hành trì thì chỉ ảnh hưởng đến phẩm vị vãng sanh cao hay thấp, không có quan hệ lớn đến việc vãng sanh. Có đồng học lại cho rằng phải đồng thời đầy đủ tín-nguyện-hạnh thì mới có thể vãng sanh, phẩm vị cao hay thấp được quyết định bởi sự sâu cạn của tín-nguyện-hạnh, ba thứ không thể thiếu một thứ nào. Xin lão Pháp sư khai thị để mọi người không còn nghi hoặc nữa.

Đáp: Lời của Đại sư Ngẫu Ích được Đại sư Ấn Quang cho là lời do chính miệng A Di Đà Phật nói, như vậy thì sao mà sai được! Điều kiện thứ nhất của vãng sanh là tín-nguyện, vậy có hạnh hay không? Đương nhiên là có hạnh rồi. Bạn nói bạn có tín, có nguyện mà không có hạnh thì tín-nguyện của bạn là giả, không phải thật. Việc này rất khó, quá khó! Trong sách Yếu Giải, Đại sư Ngẫu Ích có giảng về tín-nguyện-hạnh, bạn hãy đọc cho kỹ thì sẽ không còn hiểu lầm nữa. Chữ “tín” mà Ngài giảng xác thực không giống với người khác giảng. Bạn xem Ngài nói có đến sáu loại “tín”, sáu niềm tin này đều có đủ thì mới được gọi là có tín tâm, bạn đã có đủ hay chưa? Tín tâm thứ nhất là tin tưởng chính mình, chính mình là gì? Trong Kinh Hoa Nghiêm, Phật nói: “Tất cả chúng sanh vốn là Phật”, bạn có thể tin được không? Việc này không dễ. Bạn vốn là Phật, hiện tại lại muốn niệm Phật thành Phật thì làm gì có đạo lý không thành Phật chứ? Vì sao phải niệm Phật? Dùng câu Phật hiệu để đánh bạt tập khí phiền não, cho nên ngàn vạn lần chớ nên sinh ra hiểu lầm. Mỗi câu mỗi chữ của Đại sư Ngẫu Ích đều sâu rộng vô biên. Tôi khuyên bạn nên đọc phần giảng nghĩa sách Yếu Giải của Pháp sư Viên Anh để xem Pháp sư Viên Anh giải thích như thế nào. Sách Yếu Giải của Đại sư Ngẫu Ích tôi đã giảng qua, do lão cư sĩ Lưu Thừa Phù chép lại thành sách từ băng giảng của tôi, hình như tên cuốn sách đó là “Di Đà Kinh Yếu Giải Thân Văn Ký”, đáng để cho bạn làm tham khảo, nhất định bạn sẽ không hiểu lầm.

 

Hỏi: Chúng ta có tâm cầu nguyện nhưng không được chấp trước, xin hỏi chúng con sau thời khóa sáng tối mỗi ngày đều cầu vãng sanh Tây Phương, có phải là chấp trước không ạ?

Đáp: Đúng. Chấp trước như vậy thì được, bởi vì trong Kinh Di Đà, Phật dạy chúng ta chấp trì danh hiệu. Đối với tất cả pháp thế xuất thế gian không được chấp trước, nhưng đối với Tây Phương Tịnh Độ, A Di Đà Phật thì cần phải chấp trước, chúng ta chấp trước thì mới vãng sanh được. Thế nhưng chư vị phải hiểu, chấp trước vãng sanh thì chỉ có thể sanh cõi Phàm Thánh Đồng Cư. Nếu trừ bỏ được chấp trước thì phẩm vị của bạn sẽ được nâng lên. Thế nhưng hiện giờ thì không được, chúng ta bỏ hết chấp trước thì không thể vãng sanh, việc này cần phải hiểu cho rõ ràng, thấu triệt. Hiện nay chúng ta không thể không chấp trước. Đối với phẩm vị ở thế giới Tây Phương Cực Lạc thì khi đến thế giới Cực Lạc sẽ tu, chúng ta hiện giờ chỉ cầu đới nghiệp vãng sanh, sanh Phàm Thánh Đồng Cư độ, chắc chắn đáng tin cậy! Nếu muốn không chấp trước để có thể leo lên cao thì e rằng leo không nổi mà còn rớt xuống, vãng sanh không được nữa.

 

Hỏi: A Di Đà Phật là vô thượng y vương, thuốc A-già-đà tổng trị vạn bệnh, xin hỏi trong lúc bị bệnh khổ nên chuyên niệm Phật hiệu hay là kiêm niệm Quán Thế Âm Bồ-tát ạ?

Đáp: Việc này là ở nơi tín tâm của bạn. Nếu bạn có tín tâm kiên định, khi chúng ta có bệnh khổ, Tổ sư Đại đức thường dạy chúng ta lúc có bệnh thì chuyên niệm A Di Đà Phật, cầu sanh Tịnh Độ, đối với thế gian này không chút mảy may tham luyến, như vậy là chính xác. Nếu bạn có duyên với thế gian này thì bệnh sẽ khỏi, nếu duyên đã hết thì thật sự sẽ vãng sanh chẳng chút quái ngại.

 

Hỏi: Xin hỏi đạo lý tiêu tai miễn nạn của việc niệm Phật là ở đâu ạ?

Đáp: Hết thảy tai nạn trên thế gian đều là từ ý niệm bất thiện, từ hành vi của ác nghiệp mà sinh ra, đây chính là nguyên nhân căn bản của tất cả tai nạn. Trong rất nhiều kinh luận, Phật nói với chúng ta: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”, bạn hiểu được đạo lý này rồi thì bạn mới hiểu vì sao niệm Phật có thể tiêu tai miễn nạn. Trong tất cả các pháp môn thì Niệm Phật là pháp môn tối thiện. Trước đây, vào đời Càn Long nhà Thanh, Pháp sư Từ Vân Quán Đảnh nói với chúng ta rằng tất cả kinh sám trong nhà Phật đều không thể tiêu trừ tai nạn lớn và nghiêm trọng, nhưng niệm Phật thì có thể tiêu trừ. Nếu bạn muốn hỏi đạo lý này ở đâu? Hết thảy kinh sám không phải là bất thiện, nhưng không đạt đến cứu cánh viên mãn, niệm Phật là đại thiện rốt ráo viên mãn. Việc này rất ít người biết. Trong lúc giảng tuy chúng tôi đã nói qua rất nhiều lần nhưng thật sự là người có duyên mới có thể nghe được, nghe rồi họ có thể ghi nhớ, họ có thể tin sâu không nghi thì là việc vô cùng khó có.

Tổ Sư Đại Đức trước đây đã làm một sự so sánh tỉ mỉ tất cả kinh pháp mà Thích-ca Mâu-ni Phật đã thuyết trong 49 năm, muốn tìm ra điều then chốt mà Thế Tôn đã nói. Các Ngài nhận thấy Kinh Hoa Nghiêm là căn bản của tất cả kinh. Kinh Hoa Nghiêm đến sau cùng thì dẫn về Tịnh Độ. Bộ kinh đệ nhất của Tịnh Độ là Kinh Vô Lượng Thọ. Tinh hoa của Kinh Vô Lượng Thọ là 48 nguyện, hạt nhân của 48 nguyện là nguyện thứ 18. Nguyện thứ 18 là “trì danh niệm Phật”, các Ngài đã tìm ra được như vậy. Không chỉ Phật pháp của Thích-ca Mâu-ni Phật lấy niệm Phật làm trọng tâm mà mười phương ba đời tất cả chư Phật, không có vị nào mà không lấy niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ là mục tiêu cuối cùng của việc tu học. Cho nên, công đức niệm Phật là vô cùng thù thắng, không gì có thể sánh bằng. Hiện nay dường như chúng ta nhìn thấy hiệu quả của công đức niệm Phật không lớn, không thù thắng như trong tưởng tượng của chúng ta. Nguyên nhân do đâu? Là do chúng ta niệm không như pháp, không hợp lý, gọi là “có miệng mà không có tâm”, cho nên hiệu quả của việc niệm Phật bị giảm sút rất nhiều. Nếu niệm Phật như lý như pháp thì công đức không thể nghĩ bàn, tai nạn gì đi nữa cũng đều có thể được tiêu trừ. Chúng ta phải hiểu đạo lý này, sau đó mới có đủ tín tâm.

A Di Đà Phật!