Chia Sẻ Tâm Đắc Học Tập Đệ Tử Quy (Tập 9)

Chia Sẻ Tâm Đắc Học Tập Đệ Tử Quy (Tập 9)
CHỦ ĐỀ THẾ GIỚI HÀI HÒA THUẦN THIỆN, THUẦN TỊNH CÁI GỐC CỦA TU ĐỨC LẬP NGHIỆP CHIA SẺ TÂM ĐẮC HỌC TẬP “ĐỆ TỬ QUY” Tập 9 Tiến sĩ Chung Mậu Sâm chủ giảng, ngày 5 tháng 3 năm 2007 Tại Hiệp Hội Giáo Dục Phật Đà Hồng Kông. Các vị Đại đức đồng tu tôn kính, các vị bằng hữu, xin chào mọi người! Hôm nay, chúng ta tiếp tục học tập "Đệ Tử Quy". Chúng ta đều biết "Đệ Tử Quy" là lời giáo huấn của Thánh nhân. Mỗi chữ mỗi câu đều là những lời nói đầy trí huệ được lưu xuất ra từ trong tự tánh của các bậc Thánh nhân. Cho nên thấy các Ngài nói ra rất nhiều việc có vẻ như đều là những việc nhỏ nhặt trong cuộc sống, nhưng người khéo học thì có thể học được những chân lý cuộc đời, học được những điều chí lý trong vũ trụ từ những việc nhỏ nhặt trong cuộc sống này. Hôm qua, chúng ta cùng nhau học tập đã học đến chương thứ tư “Tín”. Hôm nay, chúng ta tiếp tục học chương này. Mời mọi người bắt đầu xem từ điều thứ mười ba: “Nghe khen sợ, nghe lỗi vui. Người hiền lương, dần gần gũi” Câu này ý nói khi chúng ta nghe người khác tán thán nhưng ngược lại cảm thấy rất sợ hãi, được người trọng mà lo. Lo sợ rằng đức hạnh, học vấn của bản thân chưa đủ, không nhận nổi lời tán dương như vậy. Đó đều là phản

CHỦ ĐỀ THẾ GIỚI HÀI HÒA THUẦN THIỆN, THUẦN TỊNH

CÁI GỐC CỦA TU ĐỨC LẬP NGHIỆP

CHIA SẺ TÂM ĐẮC HỌC TẬP “ĐỆ TỬ QUY”

Tập 9

Tiến sĩ Chung Mậu Sâm chủ giảng, ngày 5 tháng 3 năm 2007

Tại Hiệp Hội Giáo Dục Phật Đà Hồng Kông.

Các vị Đại đức đồng tu tôn kính, các vị bằng hữu, xin chào mọi người!

Hôm nay, chúng ta tiếp tục học tập "Đệ Tử Quy". Chúng ta đều biết "Đệ Tử Quy" là lời giáo huấn của Thánh nhân. Mỗi chữ mỗi câu đều là những lời nói đầy trí huệ được lưu xuất ra từ trong tự tánh của các bậc Thánh nhân. Cho nên thấy các Ngài nói ra rất nhiều việc có vẻ như đều là những việc nhỏ nhặt trong cuộc sống, nhưng người khéo học thì có thể học được những chân lý cuộc đời, học được những điều chí lý trong vũ trụ từ những việc nhỏ nhặt trong cuộc sống này. Hôm qua, chúng ta cùng nhau học tập đã học đến chương thứ tư “Tín”. Hôm nay, chúng ta tiếp tục học chương này. Mời mọi người bắt đầu xem từ điều thứ mười ba:

“Nghe khen sợ, nghe lỗi vui. Người hiền lương, dần gần gũi”

Câu này ý nói khi chúng ta nghe người khác tán thán nhưng ngược lại cảm thấy rất sợ hãi, được người trọng mà lo. Lo sợ rằng đức hạnh, học vấn của bản thân chưa đủ, không nhận nổi lời tán dương như vậy. Đó đều là phản ứng của các bậc Thánh nhân quân tử. Khi nghe thấy người khác phê bình chúng ta, nói lỗi của chúng ta thì ngược lại lúc này chúng ta lại rất vui mừng. Vì sao vậy? Bởi vì chúng ta biết trong cuộc sống, chân thật có thể tìm thấy người phê bình chúng ta, người dám nói ra lỗi lầm của chúng ta đều vô cùng hiếm gặp. Cha mẹ chúng ta có thể nói lỗi của chúng ta, thầy cô giáo của chúng ta có thể nói lỗi của chúng ta, những người bạn tốt chân thật, những người chánh trực, những người thật lòng muốn tốt cho chúng ta thì họ mới dám nói ra lỗi lầm của chúng ta. Khi chúng ta biết lỗi lầm của chính mình mà có thể tự sửa đổi làm mới thì cuộc đời có thể bớt đi qua rất nhiều con đường vòng. Đây chẳng phải là một chuyện khiến ta vui mừng hay sao? Cho nên Tử Lộ học trò của Khổng Tử từng nói rằng, ông nghe thấy người nói lỗi mình thì rất vui mừng. Đây đều là những tấm gương mà các bậc Thánh Hiền làm ra cho chúng ta thấy.

Các bậc Đại đức chân thật, những người có thể làm được việc lớn thì họ đều có sự hàm dưỡng, có sự rộng lượng như vậy. Khi nghe thấy người khác nói lỗi của mình thì họ sẽ không khởi lên tâm không phục, mà ngược lại sẽ xét lại bản thân xem rốt cuộc có hay không. Nếu có thì sẽ nhanh chóng sửa đổi lại và còn cảm ơn người đã dám nói ra lỗi của mình. Nếu như mình không có lỗi này, dù họ nói sai thì chúng ta cũng không được phê bình họ, vì sao? Nếu bạn phê bình thì sau này họ sẽ không dám nói lỗi cho bạn nữa, nên chúng ta vẫn phải cảm ơn họ. Như vậy, những người bạn tốt có thể cho chúng ta những lời khuyên thẳng thắn sẽ đến kết giao cùng chúng ta.

Trực lượng sĩ, tiệm tương thân”. Trực nghĩa là chánh trực. Lượng nghĩa là người có thành tín, biết khoan dung, những người có thể tha thứ cho người khác. Sĩ tức là người đọc sách, người có đạo đức, có văn hóa. [Những người này] dần dần sẽ đến thân cận chúng ta, vì sao vậy? Vì họ thấy chúng ta vẫn có thể tiếp nhận sự chỉ dạy. Giả sử chúng ta nghe thấy lỗi của mình, nhưng không chịu tiếp nhận mà ngược lại phản đối người ta. Người không thể tiếp nhận sự chỉ dạy thì phước sẽ mỏng. Cho nên người chân thật có phước thì họ mới có thể thật sự tiếp nhận lời khuyên.

Chúng ta biết Tô Đông Pha là một văn nhân rất nổi tiếng thời nhà Tống. Ông cũng học Phật. Thời trẻ ông quen một người là Phật Ấn Thiền Sư, ông cùng Ngài học Phật. Tô Đông Pha hiểu rất nhiều về Phật Pháp, học rộng hiểu nhiều, nhưng trên công phu học Phật thì ông không chân thật thực hành. Cho nên tri thức Phật học của ông rất phong phú, nhưng ông không thật sự thực hành lời giáo huấn của Phật. Đây là điều mà Sư phụ thượng nhân thường nhắc đến, Phật học và học Phật không giống nhau.

Tháng mười năm ngoái Sư phụ thượng nhân đến nước Anh ở trường đại học Luân Đôn, đại học Cambridge, khi thảo luận cùng các giáo sư, sinh viên của họ, Sư phụ đã nói đến vấn đề này. Các giáo sư, học sinh, nghiên cứu sinh ở đó họ viết luận văn, có người viết về "Kinh Vô Lượng Thọ", có người viết về những thứ như tư tưởng của Vương Duy. Họ đều là nhà Phật học, nhà Nho học. Sư phụ thượng nhân nói với họ rằng: “Các vị đang làm là Phật học, Nho học, Đạo học, còn tôi thì ngược lại với các vị. Tôi là học Phật, học Nho, học Đạo, cho nên đời này tôi sống trong vui sướng, còn các vị vẫn sống trong phiền não, đau khổ”. Những vị giáo sư, sinh viên đó nghe vậy cảm thấy thật rất có đạo lý. Bản thân mình vẫn thường hay nổi giận, tức giận. Nhà Nho nói khoan dung, khoan thứ, nhà Phật nói nhẫn nhục, nhưng họ đều không dùng đến. Cho nên quả thực [cái] họ làm đều là Phật học và Nho học.

Cho nên chúng ta học người xưa thì không nên học Tô Đông Pha, học người thời nay thì không nên học Lương Khải Siêu. Những người đó đều là nhà Phật học, nhưng họ không thể liễu thoát sanh tử, không thể phục được phiền não. Vị cư sĩ Tô Đông Pha này ông từng làm quan, hơn nữa rất có tài văn chương. Chúng ta biết những bài văn cổ của ông có thể nói là những bài văn vô cùng tuyệt vời trong lịch sử. Có một hôm ông viết một bài thơ tán thán Phật. Ông muốn dùng bài thơ này để làm tâm đắc học Phật của mình tặng cho Phật Ấn Thiền Sư. Đúng lúc cũng khoe khoang một chút về cảnh giới học Phật của mình. Bài thơ đó viết như vậy:

Khể thủ thiên trung thiên.

Hào quang chiếu đại thiên.

Bát phong suy bất động.

Đoan tọa tử kim liên

Tạm dịch:

(Kính lạy Đức Thế Tôn.

Hào quang chiếu đại thiên.

Tám gió thổi không động.

Ngồi vững tòa sen vàng).

Bài thơ này sau đó được Triệu Phác lão của chúng ta, chính là cựu hội trưởng hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, ông cũng là một người học Phật, học vấn rất phong phú, ông đã dùng bài thơ này để tán thán tượng đại Phật trên núi Đại Dữ HongKong của chúng ta. Bài thơ này cũng rất dễ hiểu. Ông tán thán “Thiên trung thiên” chính là Phật. Hào quang đều chiếu khắp đại thiên thế giới, tám gió thổi đều không động, ngồi vững tòa sen vàng. Mọi người đi xem tượng Phật trên núi Đại Dữ thì sẽ hiểu được thật sự có oai thế như vậy.

Bài thơ này viết là tán thán Phật, nhưng Phật Ấn Thiền Sư biết trên thực tế bản thân cư sĩ Đông Pha có chút dương dương tự đắc, tán thán chính mình. Vậy là Ngài muốn cho ông một cơ hội sửa sai nên đã đề lên bài thơ chữ “Đánh rắm”, sau đó bảo người mang bài thơ này về cho Tô Đông Pha. Tô Đông Pha rất vui, không biết Phật Ấn Thiền Sư sẽ tán thán ông như thế nào, vừa mở ra xem thì nhìn thấy chữ “Đánh rắm”, trong lòng rất tức tối. Ông ngồi không thể yên được nên sau đó đã nhanh chóng chèo thuyền sang sông. Ông và Phật Ấn Thiền Sư cách nhau một con sông. Ông sang sông muốn nói lý lẽ với Phật Ấn Thiền Sư. Bài thơ của tôi hay như vậy, tại sao Ngài dám nói một chữ “Đánh rắm” chứ? Ngài làm như vậy không chỉ bôi nhọ tôi mà còn bôi nhọ Phật. Ông liền nổi giận đùng đùng đến chỗ Thiền Sư nói lý lẽ. Kết quả lúc đó Thiền Sư đã ngồi đợi sẵn ở bờ sông, nhìn thấy Tô Đông Pha từ bờ bên kia ngồi thuyền sang, xuống thuyền đỏ mặt tía tai chạy lên, Phật Ấn Thiền Sư liền cười ha ha nói một câu: “Tám gió thổi không động, một cái đánh rắm đã bay sang sông rồi”. Lúc này Tô Đông Pha biết mình mắc lừa rồi. Ông tự viết rằng “Tám gió thổi không động”, không ngờ chỉ một chữ này đã thổi ông sang sông. Cho nên ông cũng vô cùng hối hận, quả thực công phu của bản thân vẫn chưa được, vẫn còn xa chưa đến cảnh giới “Tám gió thổi không động”.

Tám gió này là tám gió nào? Chúng ta nói “Lợi”, tức là tiền tài. “Suy”, tức là khi chúng ta nghèo khổ. “Hủy, Dự” là hủy nhục chúng ta, tán dương chúng ta. Còn có “Xưng, Cơ” là khen ngợi chúng ta, hoặc là nhạo báng chúng ta. Còn có “Khổ, Lạc”. Cho nên “Lợi, Suy, Hủy, Dự, Xưng, Cơ, Khổ, Lạc” đây gọi là tám gió. Tám thứ dễ làm con người giao động nhất. Có thể làm được tám gió thổi không động thì công phu học Phật rất thâm sâu rồi, họ có thể phục được phiền não, hiển nhiên là cư sĩ Đông Pha vẫn chưa đạt đến. Con người này cũng rất giỏi, cho nên sau đó ông cũng nghe lỗi mà vui. Sau khi quay trở về ông đã rất nghiêm túc kiểm điểm, hạ tâm mình khiêm hư xuống.

Qua một thời gian, ông lại đi tìm Phật Ấn Thiền Sư, rất khiêm tốn nói với Thiền Sư rằng: “Những ngày trước đệ tử có chút dương dương tự đắc, sau đó hạ mình kiểm điểm lại, qua một thời gian tu hành hiện nay cũng có thể thật sự đã làm được tám gió thổi không động”. Phật Ấn Thiền Sư vừa nghe lời này liền biết thói kiêu ngạo của ông vẫn chưa buông bỏ. Vậy là Ngài liền đưa mắt ra hiệu cho một thị giả ở bên cạnh. Thị giả của Ngài là một tiểu Sa Di nhưng rất thông minh, rất lanh lợi lập tức liền hiểu được ý của sư phụ. Vậy là tiểu Sa Di này liền nói với Tô Đông Pha rằng: “Cư sĩ Đông Pha, sư phụ chúng tôi cũng biết, thường ở chỗ chúng tôi tán thán Ngài, nói Ngài thật xứng đáng là một đại học sĩ, là người thượng căn lợi trí, vừa nhắc liền có thể ngộ được đạo lý huyền diệu, thật sự là nghe một hiểu cả ngàn. Hôm nay, thấy Ngài khiêm tốn nhã nhặn như vậy quả nhiên không giống người bình thường, khiến chúng tôi cũng được mở rộng tầm mắt”. Nói mấy lời tán thán Tô Đông Pha xong thì cư sĩ Đông Pha lại bắt đầu dương dương tự đắc, vui mừng ra mặt. Lúc này Phật Ấn Thiền Sư nghiêm sắc mặt nói với ông rằng: “Cư sĩ Đông Pha, tiểu Sa Di của chúng tôi mới nói mấy câu hoa mỹ tán thán ngài, mà đã khiến ngài như được bốc lên tận trời vậy, ngài vẫn dương dương tự đắc thì ngài làm sao còn có thể nói là tám gió thổi không động chứ?”. Lúc này cư sĩ Đông Pha biết mình lại thất lễ nữa rồi.

Cho nên, chúng ta phải biết, thật sự có công phu tám gió thổi không động, người học Phật chúng ta hiểu công phu đó chính là công phu thành phiến. Gặp người hủy nhục, tán dương, danh văn lợi dưỡng đến rồi, hoặc là lâm vào hoàn cảnh nghèo cùng nhưng tâm của chúng ta vẫn như như bất động. Bởi vì tâm của chúng ta thường ở nơi đạo. Cho nên bắt đầu tu hành từ đâu? Câu này của "Đệ Tử Quy" chính là phương pháp khởi tu tốt nhất. Đó là “Nghe khen sợ, nghe lỗi vui”, nó có thể giúp chúng ta dần dần có thể làm được nghe lời khen chê đều không động tâm. Đây là một cách hay. Xin xem câu tiếp theo:

“Lỗi vô ý, gọi là sai. Lỗi cố ý, gọi là tội”

Câu tiếp theo là cùng một ý nghĩa.

“Biết sửa lỗi, không còn lỗi. Nếu che giấu, lỗi chồng thêm”

Hai câu này nối với nhau, chúng ta sẽ giảng luôn một thể. Chúng ta biết con người không phải Thánh Hiền, ai có thể không phạm lỗi được chứ. Cho nên phạm lỗi cũng không phải là một hiện tường bất bình thường. Vì sao? Từ vô thủy đến nay những phiền não tập khí của chúng ta tích lũy đến ngày nay là vô cùng sâu dày. Những tập khí này khiến chúng ta phạm lỗi mà không hay không biết. Ví dụ vừa rồi thấy cư sĩ Tô Đông Pha nghe thấy người ta tán thán ông, ông liền rất vui mừng, dương dương tự đắc. Nghe thấy người phê bình ông liền rất tức giận. Những điều này đều là tập khí. Kỳ thực phạm lỗi không đáng sợ, đáng sợ là gì? Là không chịu sửa, có lỗi mà có thể sửa thì không gì thiện hơn. Thật sự chúng ta nói thế nào gọi là hành thiện? Sửa lỗi chính là hành thiện. Mỗi ngày có thể sửa một lỗi, ba năm sau thì người này cũng đã gần kề Thánh Hiền rồi. Đương nhiên phạm lỗi, có lỗi là do cố ý, có lỗi là do vô ý, nên mức độ nặng nhẹ của lỗi cũng do đó mà khác nhau.

Lỗi vô ý”, tức là họ không phải thật sự có ý định phạm lỗi này mà do họ không cẩn thận hoặc do không cảnh giác. Đây cũng là một loại lỗi lầm. Phải biết vô ý phạm lỗi cũng đều có nhân quả, càng huống hồ là “lỗi cố ý”. “Lỗi cố ý” tức là tôi cố ý làm, lỗi cố ý làm đó là gì? Trong tâm thật sự khởi lên tham, sân cho nên họ tạo ra ác nghiệp cực lớn. Đó gọi là ác. Vô ý tạo ra lỗi là do si, ngu si. Cho nên tâm tham sân si là cội gốc của lỗi lầm. Mà gây ra lỗi, tạo ra tội nghiệp thì đều có nhân quả báo ứng. Ví dụ không cẩn thận nói ra một câu làm tổn thương người thì họ sẽ ôm hận ở trong lòng. Ôm hận trong lòng thì tương lai họ sẽ tìm cơ hội để báo thù. Khi họ báo thù thì tức là lúc quả báo hiện tiền. Có lúc loại quả báo này cũng rất thê thảm, bản thân cũng không hề biết vì sao họ lại oán hận mình như vậy. Hơn nữa con người có ba đời, những ác nghiệp đời trước đã tạo bản thân đều quên hết, đối phương cũng có thể đã quên hết. Nhưng hai người vừa gặp mặt thì hạt giống nghiệp tập trong A Lại Da thức, trong ruộng tâm liền hiện hành. Sự oán hận của họ khởi hiện hành thì họ sẽ báo thù. Cho nên, vô ý phạm lỗi đều có nhân quả, huống hồ là cố ý phạm lỗi, ác báo đó càng thê thảm hơn.

Nếu phạm lỗi thì phải làm sao? Khi chúng ta phạm lỗi quan trọng nhất là phải giữ một thái độ, tức là phải biết sám hối. Phía sau nói “Biết sửa lỗi, không còn lỗi”. Có thể sửa đổi lỗi lầm, lỗi này sửa đổi rồi tương lai không tái phạm nữa thì sẽ hết lỗi. Cho nên “Thái Căn Đàm” đã nói với chúng ta một câu là: “Cho dù tội ác tày trời nhưng biết sám hối thì tội liền tiêu”. Nếu chúng ta phạm lỗi mà biết được hối hận, biết sám hối thì tội lỗi tày trời cũng đều có thể cứu được. Điều đáng sợ là gì? Họ không chịu sửa, họ không cho rằng bản thân có lỗi lầm mà họ còn như thế nào? Che giấu, che đậy lỗi lầm, vậy sẽ như thế nào? “Nếu che giấu, lỗi chồng thêm”. Ban đầu bạn có thể là vô ý phạm lỗi nhưng bạn không chịu nhận lỗi, nếu che giấu thì lỗi vô ý đều biến thành lỗi cố ý, tạo ra ác nghiệp càng nặng hơn. “Nhất cố”, cố chính là lỗi, cho nên người che đậy lỗi lầm đều là người phước mỏng.

Thánh Nhân sẽ không vì bản thân có lỗi lầm mà cảm thấy dường như mình thấp hơn người khác một bậc, không phải, mà ngược lại họ cảm thấy có lỗi không chịu sửa đó mới là điều đáng hổ thẹn nhất, đó gọi là gì? Là “Tự chê tự bỏ”. Kỳ thực Thánh nhân và chúng ta là bình đẳng, trên tâm tánh là không hai không khác. Không chỉ là Thánh nhân thế gian, Thánh nhân xuất thế gian, Phật cùng với chúng ta cũng là không hai không khác. Chỗ khác biệt là các Ngài đem lỗi lầm sửa đổi lại rồi cho nên gọi là Thánh, gọi là Phật. Chúng ta có lỗi nhưng đều không chịu sửa, vẫn chưa sửa đổi nên gọi là phàm phu.

Bạn xem "Liễu Phàm Tứ Huấn" đã nhắc nhở chúng ta “Cần phải ngày ngày nhận ra lỗi sai, ngày ngày sửa đổi, một ngày không biết mình có lỗi tức là một ngày an lòng tự cho mình là đúng”. Nghĩa là ngày hôm nay bạn không biết mình có lỗi lầm, phi chính là lỗi lầm, vậy nghĩa là gì? Là bạn an lòng, tự cho mình là đúng. Đó gọi là “Tự chê tự bỏ, cam tâm đọa lạc”.

Ai là người không có lỗi lầm? Ai cũng có lỗi lầm. Lão Pháp sư thường nói có hai hạng người họ không thấy lỗi của mình. Một loại là thành Phật rồi, Phật thì không có lỗi lầm, các Ngài biểu hiện ra hoàn toàn là thiện lành cứu cánh viên mãn. Một loại khác gọi là Nhất xiển đề. Nhất xiển đề là người đã bị đoạn mất thiện căn, không thể cứu được nữa, nhất định phải đọa địa ngục, vì sao vậy? Bởi vì họ khắp mình đều là tội lỗi, bản thân họ không thấy được. Họ cho rằng bản thân không có lỗi lầm mà ngược lại ngày ngày đi nói lỗi của người khác, đó gọi là Nhất xiển đề. Cho nên chúng ta học "Đệ Tử Quy" mấu chốt là phải thường phản tỉnh chính mình, chúng ta có lỗi này hay không? Nếu chúng ta cũng như vậy, vậy chẳng phải cũng trở thành Nhất xiển đề rồi sao? Cho nên, “Một ngày không có lỗi để sửa”, một ngày bạn không nhìn thấy lỗi của mình vậy thì “Một ngày không có tiến bộ”, tức là không có cách gì để tiến bộ.

"Liễu Phàm Tứ Huấn" nói: “Hạng người thông minh tuấn kiệt trong thiên hạ không phải hiếm, cho nên không lo tu đức, mở mang thiện nghiệp, cũng chỉ vì hai chữ qua loa mà lỡ dở một đời”. Bạn xem người thế gian chúng ta người thông minh rất nhiều, người tư chất xuất chúng rất nhiều, nhưng vì sao cả đời họ dường như cũng chẳng có thành tựu gì? Đạo đức học vấn cũng chẳng ra sao, làng nhàng tầm thường, vì sao vậy? Chính là do hai chữ “qua loa” làm lỡ dở cả đời của họ. Qua loa chính là cả đời cẩu thả, không chịu nỗ lực tiến lên. Cho nên vốn dĩ có thể trở thành Thánh Hiền quân tử nhưng họ không có cách gì để thành tựu, điều này thật đáng tiếc. Đặc biệt là ngày nay chúng ta nghe được giáo dục Thánh Hiền, kinh điển ba nhà Nho Thích Đạo chúng ta đều có cơ hội học tập được. Nếu như bỏ qua cơ hội trước mắt, không chịu dụng công, không chịu học tập thì đó gọi là an lòng tự cho mình đúng, chính là “cam tâm đọa lạc”.

Người khác nói ra lỗi lầm của chúng ta, chúng ta không những không được che giấu, nếu che giấu thì lộ rõ bản thân mình rất hư dối, sau này họ sẽ không nói lỗi cho bạn nữa. Họ không nói lỗi cho bạn nữa, không phải là do bạn không có lỗi mà họ nhìn thấy bạn rất rõ ràng, nhưng họ không nói, vì sao vậy? Vì bạn hết cách cứu rồi, nói với bạn làm gì nữa. Bạn xem trước đây Chương Thái Viêm không nói lỗi của Viên Thế Khải. Ông thấy con người Viên Thế Khải thực sự là một kẻ tiểu nhân không đáng để mình nói lỗi ông ta. Ông ta làm người làm đến như vậy, thật sự cảm thấy đây là một nỗi nhục. Không những không được che giấu lỗi lầm của mình, thậm chí còn phải làm được hễ có lỗi lầm đều quy về lỗi của mình. Có những lỗi không phải mình làm, ví dụ như công việc trong đoàn thể của chúng ta, mọi người cùng nhau làm việc, công việc này có thể là do một vài điều kiện không đầy đủ mà thất bại, không được hoàn mỹ. Lúc này ta nên làm thế nào? Ta phải quy lỗi lầm về mình: “Việc này là do tôi chưa làm tốt, nên dẫn đến công việc không thể tiến hành thuận lợi. Đây là lỗi của tôi, tôi xin lỗi mọi người”. Nhận lỗi lầm về mình. Người này mới là người có đức lớn chân thật. Họ có tâm lượng như vậy thì tự nhiên được mọi người trong đoàn thể cung kính, họ sẽ trở thành người lãnh đạo.

Cho nên, chúng ta hiểu được, người làm lãnh đạo trong một đơn vị phải nghĩ xem mình có tâm lượng của người làm lãnh đạo hay không? Mình có sự tu dưỡng của người làm lãnh đạo hay không? Không nên vì một việc thất bại mà bạn đi trách móc cấp dưới của mình, còn bản thân mình thì đúng hết không có lỗi lầm nào, như vậy thì không được. Ít nhất lỗi của bạn là dùng không đúng người. Vì sao bạn lại giao cho họ làm công việc này? Chí ít lỗi này phải quy về bạn. Bạn xem Thánh vương thời xưa là Thương Thang, vua Thang thời nhà Thương ông từng nói rằng: “Muôn dân phạm lỗi, lỗi đó là do ta”. Nhìn thấy tất cả nhân dân bá tánh, nếu nhìn thấy ai có lỗi, vua Thang sẽ nghĩ lỗi đó không phải của họ mà là của chính mình. Ông có sự tu dưỡng “nhận lỗi về mình” này nên mới khiến ông trở thành Thánh vương một thời.

Thầy của Sư phụ thượng nhân là Tuyết Công lão nhân. Lúc đó Ngài ở Đài Trung hướng dẫn mọi người, cũng mở lớp học Kinh giáo. Sư phụ thượng nhân cũng là một học viên trong lớp học Kinh, là học trò học tập Kinh giáo với Ngài. Tuyết Lư lão nhân vô cùng coi trọng việc bồi dưỡng đức hạnh. Có một lần có thể do học trò không nỗ lực cố gắng học giảng, trên các phương diện giảng không hay, giảng sai nên đến nhận tội với thầy. Họ cầm một cây thước đến trước mặt thầy, nói với thầy rằng: “Chúng con chưa thực sự cố gắng dụng công, cô phụ tấm lòng của thầy, chúng con phạm lỗi rồi, xin nhận lỗi với thầy, xin thầy dùng thước để đánh phạt chúng con ạ”. Lúc đó lão sư Lý thấy tình hình như vậy không nói lời nào, cầm cây thước lên đánh vào người mình. Các học trò ở đó sau khi nhìn thấy đều rơi nước mắt. Lão sư Lý liền nói: “Là lỗi của Sư phụ không dạy tốt, các con không có lỗi”. Bạn xem thánh đức của Tuyết Công lão nhân quả thực khiến chúng ta vô cùng kính phục và cảm động.

Cho nên, chân thật hiểu được nhận lỗi về mình là một phương pháp rất hay để bồi dưỡng đức lớn cho chính mình. Kỳ thực người nhận lỗi về mình, người khác nhìn thấy dường như là chịu thiệt thòi nhưng thực tế không phải là chịu thiệt. Vì sao vậy? Giả sử bạn thật sự không có lỗi, bạn nhận lỗi của người khác về mình, thậm chí bị người ta chê cười, bị người nhục mạ, chịu thiệt thòi lớn. Phải biết thiệt thòi là phước. Người khác chế nhạo, người khác chê cười chính là giúp ta tiêu nghiệp chướng, mong cũng mong không được. Mỗi ngày chúng ta còn phải đi lạy Phật để tiêu nghiệp chướng nữa không? Lúc này nghiệp chướng có thể được tiêu trừ, cho nên chịu thiệt là có phước. Nhận lỗi về mình, công lao dành cho người. Công việc làm rất thuận lợi, công việc hoàn thành rồi, có công rồi thì lúc này phải tán thán người khác “Việc này anh làm tốt lắm, tôi không giúp đỡ được gì”. Bạn hợp tác với mọi người như vậy thì nhất định được mọi người cung kính, được mọi người kính mến.

Chương bốn “Tín” học đến đây là hoàn tất rồi. Mục đích chủ yếu của chương “Tín” này là giúp chúng ta bồi dưỡng phẩm chất thành tín. Khi làm một người thành tín đến cực điểm thì đức hạnh tu dưỡng của họ cũng giống như các bậc Thánh Hiền nhân vậy. Ấn Quang Đại sư nói rằng, kỳ thực đạo của Thánh Hiền chỉ có hai chữ vô cùng đơn giản. Chính là hai chữ “Thành” và “Minh”. “Thành” chính là chân thành. “Minh” chính là đối với mọi việc họ đều không mê, có thể giác ngộ. Đây chính là Thánh Hiền. Tu từ đâu vậy? Họ tu tâm thành tín của mình từ những việc nhỏ nhặt trong cuộc sống thường ngày, quét dọn ứng đối, đối người tiếp vật. Cho nên mục tiêu, tông chỉ của "Đệ Tử Quy" chính là bồi dưỡng Thánh Hiền. Một đứa trẻ ở nhà, ở trường có thể cắm vững cái gốc đức hạnh này, sau này nó trưởng thành nhất định chính là Thánh Hiền nhân, chính là người chánh nhân quân tử. Nếu trong nhà chúng ta có trẻ nhỏ thì phải biết cắm tốt cái gốc đức hạnh cho chúng. Sau khi gốc đã cắm vững, tương lai bạn muốn dạy gì cho chúng cũng đều rất dễ dạy. Nếu gốc không cắm vững sau khi ra ngoài bị sự ô nhiễm của xã hội thì tương lai sẽ trở thành một kẻ vô dụng.

Xin xem chương tiếp theo, chương thứ năm “Phiếm ái chúng”. "Đệ Tử Quy" vừa mở đầu chúng ta đã nói nó tổng cộng có bảy sự việc là “Nhập tắc hiếu, Xuất tắc đễ, Cẩn, Tín”, ở đây là “Phiếm ái chúng”. Tiếp theo còn có “Thân nhân” và “Học văn”. Tổng cộng bảy chương, đều là [trích] trong sách “Luận Ngữ” Khổng Tử dạy bảo học trò của mình. Sau khi những đức hạnh phía trước đã tu dưỡng thành thục, những đức hạnh phía trước chủ yếu là tu dưỡng bản thân. Bạn xem Hiếu, Đễ, Cẩn - Kính cẩn, Thành tín đều là bồi dưỡng đức hạnh sâu dày cho mình, đây là tự lợi. Chương “Phiếm ái chúng” này là lợi tha, tức là phải có lòng nhân ái rộng lớn đối với đại chúng. Chữ ái này, ở đây nói là “phiếm ái”, nghĩa là lòng yêu thương rộng lớn, cũng nghĩa là bác ái. Tâm lượng của họ rất rộng lớn, nhất định không phải chỉ như tình yêu giữa nam nữ, đó là tình yêu vô cùng nhỏ bé, nó không rộng lớn. Thậm chí là yêu thương cha mẹ, yêu thương trưởng bối, yêu thương người trong nhà, tình yêu này vẫn là tình yêu nhỏ, phải đem tình yêu thương này mở rộng ra.

“Phàm là người, đều yêu thương”

Tấm lòng như vậy rất lớn. Kỳ thực tấm lòng của các bậc Thánh Hiền cũng chính là tâm lượng trong chương “Phiếm ái chúng” này. Gốc của sự tồn tâm này là ở hiếu đễ, hiếu thuận cha mẹ, kính yêu trưởng bối. Họ có thể mở rộng tâm lượng của mình đối với hết thảy cha mẹ, trưởng bối, đều yêu thương họ giống như yêu thương cha mẹ mình vậy; đều kính yêu tất cả anh em như anh em của mình vậy, đó chính là “Phiếm ái chúng”. Cho nên chữ “Ái” này của chúng ta đều bao hàm hết. Bạn xem ở giữa là chữ “Tâm”, đặt ở trong chữ “Thọ”, ý nói yêu nghĩa là gì? Là từ tâm, từ sự cảm nhận, cũng chính là nói họ phải dùng tâm để cảm nhận. Cảm nhận cái gì? Cảm nhận yêu cầu của đối phương. Đối phương yêu cầu cái gì thì ta tận sức giúp họ thỏa mãn, giúp đỡ họ, đó chính là sự lưu lộ của ái tâm. Cho nên quân tử thành toàn việc tốt cho người, không giúp người làm việc ác, đó chính là một loại ái tâm. Tình yêu thương này nhất định là một sự phụng hiến vô tư. Ví dụ nói tôi đối tốt với anh ta, vậy hy vọng tương lai anh ta sẽ đối tốt với tôi. Hoặc là tôi đối tốt với lãnh đạo, hy vọng tương lai lãnh đạo sẽ đề bạt tôi. Thậm chí tôi đối tốt với bạn gái, hy vọng tương lai cô ấy sẽ kết hôn với tôi. Những sự yêu thương này đều là tình yêu thương có ý đồ, tình yêu đó không phải là tình yêu chân thật, bởi vì họ có tư tâm ở trong đó, có tư tâm thì nhỏ, thì thiên lệch rồi. Tình yêu chân thật mà "Đệ Tử Quy" muốn chúng ta làm là tình yêu vô tư, tình yêu hoàn toàn vì người, tuyệt đối không vì mình, nó là vô điều kiện.

Như cha mẹ yêu thương chúng ta vậy. Cha mẹ yêu thương chúng ta, họ là phụng hiến vô điều kiện. Họ không nhất định yêu cầu chúng ta tương lai phải báo đáp họ. Tình yêu thương đó của họ gần như là tình yêu vô điều kiện. Phật Bồ Tát yêu thương chúng sanh chúng ta chính là tình yêu thương chân thật vô điều kiện. Bạn xem trong Phật giáo nói rằng “vô duyên đại từ, đồng thể đại bi”. Vô duyên chính là vô điều kiện. Các Ngài yêu thương chúng ta, từ bi đối với chúng ta nhưng không có bất cứ điều kiện nào, không có bất cứ nguyên nhân nào. Các Ngài xem chúng ta là một thể, cũng như bạn yêu thân thể của chính mình vậy. Mỗi người đều yêu thân thể của chính mình. Tay trái đau thì tay phải sẽ xoa bóp cho nó. Bạn nói còn phải có điều kiện nữa không? Tay phải nói điều kiện gì với tay trái không? Không cần! Vì sao vậy? Một thể mà. Các bậc Hiền nhân quân tử chân thật họ có thể luôn giữ tâm yêu thương mọi người, họ xem hết thảy chúng sanh là đồng bào của mình, là một thể với mình. Cho nên họ có thể làm được “phàm là người, đều yêu thương”.

Đương nhiên vì "Đệ Tử Quy" là kinh điển cơ bản của nhà Nho nên chữ “người” này chủ yếu là nói đối với người. Trên thực tế chúng ta cũng phải mở rộng tâm lượng ra. Con người là một loại chúng sanh, còn không phải người thì bạn có cần yêu thương không? Không phải người nhưng hết thảy chúng sanh thì đều phải yêu thương, ngay cả hoa cỏ cây cối, hết thảy động vật bạn cũng đều yêu thương. Mạnh Tử nói rằng: “Thân thân nhi nhân dân, nhân dân nhi ái vật”. Từ tình yêu thương đối với cha mẹ mình mở rộng đến thương nhân dân, nhân ái đối với dân chúng. Sau đó họ còn làm thế nào nữa? Từ nhân ái đối với nhân dân lại mở rộng tình yêu thương ra đối với mọi vật. Mạnh Tử đều có thể làm được, Ngài là Thánh Hiền của nhà Nho. Nhà Phật nói: “Hết thảy chúng sanh đều yêu thương”. Chúng sanh ở đây cũng bao gồm những chúng sanh mà chúng ta không nhìn thấy. Trong những pháp giới khác đều có chúng sanh ở đó. Nhà Phật nói Lục đạo, bên trên là từ cõi Trời, cõi Tu La, cõi Người, còn có Súc sanh, Ngạ quỷ, Địa ngục. Phàm phu có sáu cõi. Còn Thánh nhân thì có tứ Thánh pháp giới là Phật, Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác, hết thảy chúng ta đều phải yêu thương. Có tấm lòng như vậy thì đó là Phật, Bồ Tát chân thật.

Trên thực tế, thế gian có rất nhiều tôn giáo, tất cả các tôn giáo có truyền thống lịch sử nhất định như Cơ Đốc Giáo, như Hồi Giáo, những tôn giáo này họ đều đề xướng yêu thương. Bạn xem trong Kinh Thánh nói rằng “Thần yêu thế nhân”, thậm chí là phải đem đứa con độc nhất của Ngài hiến dâng cho họ. Yêu thế nhân nghĩa là phàm là người đều yêu thương, các Ngài không có điều kiện, không phải nói bạn là tín đồ Cơ Đốc thì thần mới yêu thương bạn. Bạn không phải là tín đồ Cơ Đốc thì thần không yêu thương bạn. Con người thì có thể có ấn tượng như vậy nhưng thần thì các Ngài tuyệt đối không như vậy. Hiểu được điều này thì tín đồ Cơ Đốc đều có thể chung sống hòa mục với người không phải tín đồ Cơ Đốc, vì sao vậy? Bởi vì chúng ta đều ở trong tình yêu thương rộng lớn của thần. Vì sao không thể đoàn kết hữu nghị chứ? Hồi giáo cũng nói: “Thánh A La là người nhân từ”, nhân từ này nghĩa là nhân từ đối với tất cả mọi người. Cho nên lão Pháp sư từng viết một bức thư pháp là “Cái gốc của hết thảy tôn giáo trên thế gian chính là nhân từ bác ái, mục đích của nó là giúp hết thảy chúng sanh lìa khổ được vui”. Điều này vô cùng có đạo lý.

Hiện tại chúng ta hiểu “phàm là người đều yêu thương”, vậy chúng ta sẽ hỏi: chẳng lẽ người ác cũng phải yêu thương sao? Giống như từng có người hỏi lão Pháp sư rằng: Hitler đã tàn sát biết bao người vô tội, giết năm triệu người Do Thái. Chẳng lẽ con người ác độc cùng cực như vậy cũng phải yêu thương ông ta sao? Lão pháp sư nói rằng: Đúng vậy! Cũng phải yêu thương ông ta, vì sao? Vì bản tánh của ông ta là vốn thiện. “Tam Tự Kinh” nói rằng: “Nhân chi sơ, tánh bổn thiện”, sau đó nói “tánh tương cận, tập tương viễn”. Bổn tánh đều giống nhau.

Như Thích Ca Mâu Ni Phật nói rằng: “Mỗi chúng sanh đều có trí huệ đức tướng của Như Lai”. Tại sao hiện nay chúng ta không giống, cách quá xa so với Thánh Hiền so với Phật Bồ Tát? Đó là vì “Tánh tương cận, tập tương viễn”, tập khí khiến chúng ta cách xa Thánh Hiền nhân. Cho nên ông ta tạo ác nghiệp đó, làm việc ác đều là do tập tánh. Từ vô thủy kiếp tới nay ông ta dưỡng thành tập khí tự tư tự lợi, truy cầu hưởng thụ danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần, dưỡng thành những tập khí tham sân si mạn, khiến ông ta làm như vậy. Kỳ thực vốn dĩ ông ta không muốn làm như vậy, do ông ta bị tập khí dồn ép, bản thân không thể khống chế chính mình, thậm chí ông ta quên mất mình vốn dĩ cũng có bổn tánh thuần thiện.

Cho nên chúng ta phải nhìn bổn tánh của ông ta, bổn tánh của ông ta là thiện thì chúng ta phải yêu thương ông ta. Đừng nhìn tập tánh của ông ta, bạn nhìn tập tánh của ông ta thì đương nhiên có sự phân biệt thiện ác. Nhưng nếu bạn nhìn bổn tánh thì thiện ác là bình đẳng. Cho nên chư Phật nhìn hết thảy chúng sanh cũng giống như chư Phật vậy, vì sao? Vì các Ngài nhìn tánh của chúng sanh, đó là không hai không khác. Hiểu được điều này thì chúng ta sẽ hiểu “phàm là người đều yêu thương”. Họ là:

“Che cùng trời, ở cùng đất”

Từ ý nghĩa bên ngoài mà thấy thì hết thảy chúng sanh đều là che cùng trời, trên đỉnh đầu là trời xanh, chân giẫm lên đại địa. Thế nên, họ bình đẳng với chúng ta cho nên chúng ta phải yêu thương họ. Kỳ thực ở đây mở rộng ý nghĩa chân thật nói với chúng ta rằng: “Chúng ta phải học theo hạnh của trời và đất”. Bạn xem trời che chở hết thảy chúng sanh, không hề phân biệt, không phân biệt thiện ác. Đất cũng là như vậy, đất không nói anh là người ác tôi không nâng đỡ anh, anh là người thiện tôi mới nâng đỡ anh, đất không như vậy, hết thảy đều bình đẳng, không phân trí, ngu, hiền, bất hiếu, tất cả đều là “che cùng trời, ở cùng đất”. Cho nên Thánh nhân noi theo tâm của trời đất, học theo lòng nhân ái của trời, lòng hậu đạo của đất, đức dày dung chứa được vạn vật, có thể dung nạp được hết thảy điều thiện và bất thiện. Phải biết những điều bất thiện đó cũng là những tập khí của họ, vốn dĩ họ không phải là như vậy, họ sẽ trở thành tốt.

Mã Minh Bồ Tát nói với chúng ta rằng: “Bổn giác vốn có, bất giác vốn không”. “Bổn giác” chính là như ở đây nói bổn tánh thuần thiện vốn dĩ là có. Cũng chính là nói tánh đức của tự tánh mà trong "Đệ Tử Quy" đã nói chúng ta vốn dĩ đều có, mỗi người đều làm được. Hiện tại vì sao làm không được? Là vì không giác, vì tập khí. “Bất giác vốn không”, vốn dĩ là không có, không có thì tại sao không thể đem nó trừ bỏ chứ? Có thể trừ bỏ. Cái vốn có thì có thể hồi phục, cho nên người ác có thể trở thành người thiện.

Câu này còn có một ý nghĩa mở rộng, đối với người học Phật chúng ta mà nói, kỳ thực lần này chúng ta học "Đệ Tử Quy" là chú trọng trên góc độ của người học Phật để học tập. Bởi vì lão Pháp sư cũng thấy rất nhiều đồng tu học Phật nhiều năm, cũng bao gồm tôi ở trong đó, công phu đều không đắc lực. Tầng cơ bản nhất là đoạn ác tu thiện đều không làm được. Vì sao vậy? Bởi vì không có căn bản, chưa làm được "Đệ Tử Quy", cho nên Ngài ra sức đề xướng "Đệ Tử Quy". Thế nên lần này chúng ta cần phải đứng trên lập trường của người học Phật để học tập "Đệ Tử Quy".

Người học Phật đặc biệt là người nghe lão Pháp sư giảng kinh nhiều năm, đương nhiên đều là người nguyện cầu sanh Tịnh Độ. Cầu sanh Tịnh Độ, bạn xem trong "Kinh Vô Lượng Thọ" nói đến hai điều kiện. Điều thứ nhất là “Phát Bồ Đề tâm”, thứ hai là “Nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật”. Hai điều kiện này thiếu một điều thì không được. Rất nhiều người nhất hướng chuyên niệm thì làm rất tốt, mỗi ngày đều niệm A Di Đà Phật, A Di Đà Phật, niệm mấy vạn tiếng, niệm Kinh cũng niệm không ít. “Nhất hướng chuyên niệm” còn có thể làm được nhưng “Phát Bồ Đề tâm” thì không làm được. Cho nên, công phu không đắc lực thường là do thiếu “Phát Bồ Đề tâm”.  

Làm sao để “Phát Bồ Đề tâm”? Điều này trong "Đệ Tử Quy" chính là dạy chúng ta “Phát Bồ Đề tâm”. “Phàm là người, đều yêu thương”. Đây chính là “Bồ Đề tâm” rộng lớn bình đẳng. Chúng ta phải hiểu “người” ở đây là đại diện cho hết thảy chúng sanh, không chỉ là chúng sanh trên địa cầu này mà còn có chúng sanh ở những tinh cầu khác, hết thảy chúng sanh trên tất cả thế giới trong vũ trụ bao la đều là đối tượng mà chúng ta yêu thương. Phát được cái tâm như vậy thì chính là “Bồ Đề tâm”. Nên đối đãi với họ như thế nào? Đối đãi với họ như cha mẹ mình. Điều này trên lý thì giảng được thông, trên sự cũng rất có khả năng là hết thảy chúng sanh có thể chính là cha mẹ của ta, do đời đời kiếp kiếp chúng ta trôi lăn trong lục đạo luân hồi.

Thật sự có luân hồi, bạn xem các nước phương Tây có một số nhà khoa học đều đã chứng thực có nhân quả luân hồi, có rất nhiều minh chứng. Giáo sư Stevenson của trường Đại học Virginia Hoa Kỳ một mình ông đã thu thập được hơn ba ngàn trường hợp chứng thực có luân hồi. Đã có luân hồi thì chúng ta biết trong mỗi đời chúng ta đều có cha mẹ, những cha mẹ này họ cũng ở trong luân hồi, có thể trong đời này tôi trở thành người, họ có thể biến thành một con gà, một con chó, điều này rất khó nói.

Nếu chúng ta dùng dao để giết con gà này, bạn làm sao có thể biết đó không phải là cha mẹ quá khứ của bạn chứ? Bạn không biết tương lai họ sẽ thành Phật, hiện tại họ chính là chư Phật vị lai. Hơn nữa cha mẹ đời đời kiếp kiếp của chúng ta do vì chưa nghe được Phật Pháp nên luân hồi trong lục đạo, đặc biệt là chịu khổ trong tam ác đạo. Trong địa ngục đang chịu cảnh giày vò trong núi đao, vạc dầu, đang rát cổ họng gào thét thảm thiết nhưng chúng ta không nghe thấy. Nhìn thấy những con gà vịt đó có thể chính là cha mẹ anh em, thân bằng quyến thuộc trong đời quá khứ của chúng ta. Hiện nay họ đang bị giết mổ, cho vào nồi nấu, đau khổ muôn phần nhưng chúng ta không cảm nhận được. Nghĩ đến đây thì phải chân thật phát “Bồ Đề tâm”, phải độ cha mẹ đời đời kiếp kiếp. Cho nên chúng ta chân thật làm được "Đệ Tử Quy", điều thứ nhất giảng về “hiếu”, bởi vì hiếu là gốc. Phát Bồ Đề tâm cũng phải kiến lập trên căn bản của hiếu. Thật sự yêu thương cha mẹ thì họ sẽ muốn cứu cha mẹ, nhìn thấy cha mẹ, những cha mẹ trong nhiều đời đang chịu sự giày vò trong địa ngục, đau khổ khôn cùng như vậy thật không đành lòng. Cho nên chúng ta phát tâm phải thành Phật đạo, phải quảng độ chúng sanh, phải giúp đỡ họ. Lúc này tâm của bạn mới chân thật phát ra được, phát đại tâm vì hết thảy chúng sanh mà nỗ lực đi làm. Đây là báo ân.

Vì sao phải cầu sanh Tịnh Độ? Vì ở thế giới này chúng ta rất khó để thành tựu, nên chúng ta phải phát tâm cầu sanh Tịnh Độ, đến Thế Giới Cực Lạc thân cận A Di Đà Phật, lúc đó đầy đủ thần thông trí huệ mới có thể giúp đỡ những cha mẹ trong đời quá khứ này. Thường suy ngẫm như vậy thì tâm sẽ phát ra được. Tiếp theo “Phiếm ái chúng” chúng ta sẽ học tập từng điều một, làm sao để bình đẳng yêu thương chúng sanh.

 Hiện tại, vì thời gian hết rồi nên chúng ta tạm thời ở đây nghỉ ngơi một chút. Một giờ tiếp theo chúng ta sẽ tiếp tục thảo luận. Xin cảm ơn mọi người. A Di Đà Phật!