Chia Sẻ Tâm Đắc Học Tập Đệ Tử Quy (Tập 4)
- Thứ ba - 18/05/2021 22:42
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
CHỦ ĐỀ THẾ GIỚI HÀI HÒA THUẦN THIỆN, THUẦN TỊNH
CÁI GỐC CỦA TU ĐỨC LẬP NGHIỆP
CHIA SẺ TÂM ĐẮC HỌC TẬP “ĐỆ TỬ QUY”
Tập 4
Tiến sĩ Chung Mậu Sâm chủ giảng, ngày 1 tháng 3 năm 2007
Tại Hiệp Hội Giáo Dục Phật Đà Hồng Kông.
Các vị Đại đức đồng tu tôn kính, các vị bằng hữu xin chào mọi người!
Bây giờ chúng ta tiếp tục học tập "Đệ Tử Quy", chúng tôi giảng đến điều thứ mười ba trong “Nhập tắc hiếu” là:
“Việc tuy nhỏ, chớ tự làm; Nếu đã làm, thiếu đạo con”
Câu này trên mặt chữ có nghĩa cho dù là chuyện nhỏ thì người làm con cũng phải thường đi xin ý kiến của cha mẹ, không được tự ý quyết định. Bởi vì, khi chúng ta tự ý quyết định thì thường dẫn tới làm sai việc và có lỗi với cha mẹ, như vậy thì sẽ lỗi đạo làm con. Cho nên bất luận là chuyện gì, nếu bạn không nghĩ đến đại cục, không quan tâm đến cha mẹ mà hoàn toàn dựa vào ý thức chủ quan của mình tự ý làm việc, hơn nữa mục đích làm những việc này lại không có gì khác ngoài tâm tự lợi, ý đồ vì danh văn lợi dưỡng, vì tự tư tự lợi của chính mình, đương nhiên nếu làm như vậy thì đã mất đi hiếu đạo.
Thầy cô cũng giống như cha mẹ chúng ta vậy. Nếu chúng ta làm những việc trái với lời dạy bảo của thầy cô giáo thì chẳng phải cũng giống như tự ý làm việc trái với ý nguyện của cha mẹ hay sao? Do vậy từ điều này chúng ta có thể mở rộng ra, hễ là vì ý niệm tự tư tự lợi của chính mình mà tự ý làm những việc trái với ý nguyện của cha mẹ, trái với lời dạy bảo của thầy cô giáo, nếu làm như vậy thì bạn đã làm thương tổn đến đạo hiếu rồi. Điều mà cha mẹ và thầy cô giáo hy vọng đều là mong muốn chúng ta có thể làm một người chánh nhân quân tử, thậm chí hy vọng đời này chúng ta có thể thành Thánh thành Hiền. Nếu chúng ta không lấy mục tiêu này làm phương hướng cho cuộc đời mình mà ngược lại thuận theo ham muốn cá nhân để làm việc, như vậy thì thật sự đã làm mất đi hiếu đạo, tổn giảm đạo đức. Cho nên bất luận việc lớn nhỏ đều phải cẩn thận.
Bạn xem người học Nho có nguyên tắc “Bốn không” để tu thân. Đây là điều mà đệ tử của Khổng Tử là Nhan Hồi cả đời hành trì, gọi là: “Phi lễ không nhìn. Phi lễ không nghe. Phi lễ không nói. Phi lễ không làm”. Những việc, những hành vi không phù hợp với tiêu chuẩn lễ nghi, không có đạo đức thì chúng ta không nhìn, không nghe, càng không được nói và làm. Cho dù chuyện này rất nhỏ, vấn đề rất nhỏ thì chúng ta cũng phải thận trọng không được làm trái với tiêu chuẩn lễ nghi. Chân thật dụng công tu dưỡng bản thân từ những việc nhỏ nhặt trong cuộc sống thường ngày thì lâu ngày dày tháng công phu sẽ có thể đắc lực.
Bạn xem “Tịnh Hạnh Phẩm” trong "Kinh Hoa Nghiêm", Bồ Tát mỗi ngày đều tu dưỡng tâm Bồ Đề của mình trong cuộc sống thường ngày. Từ sáng thức dậy rửa mặt, súc miệng, mặc áo ăn cơm, thậm chí là đi vệ sinh, cho dù là trong những chuyện nhỏ các Ngài cũng có thể tu dưỡng tâm Bồ Đề của mình. Các Ngài đại từ đại bi, mọi việc đều tâm tâm niệm niệm mong muốn chúng sanh phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui. Cho nên đức lớn được tu như thế nào? Đức lớn chân thật đều được dưỡng thành từ việc không tùy tiện trong những việc nhỏ. Chúng ta xem câu tiếp theo:
“Vật tuy nhỏ, chớ cất riêng; Nếu cất riêng, cha mẹ buồn”
Ý nói phận làm con cái không được cất giấu đồ vật cho riêng mình. Trước khi trưởng thành, con cái sống cùng cha mẹ, là một thể với cha mẹ thì làm sao có thể khởi lên tâm tự lợi, cất giấu đồ vật cho riêng mình được chứ? Cho dù vật này rất nhỏ, nếu khởi một niệm tư tâm muốn giấu đi không để cha mẹ biết thì tâm này đã ngăn cách với cha mẹ rồi, hiếu đạo đã bị phá hoại. Cho nên đồ vật mặc dù rất nhỏ, sự việc mặc dù rất nhỏ nhưng vấn đề này lại không hề nhỏ. Khi tâm tự lợi của chúng ta khởi lên thì hiếu đạo đã bị thương tổn rồi. Nếu cha mẹ biết chúng ta cất giấu đồ vật thì họ sẽ rất đau lòng, họ sẽ rất đau buồn. Không phải vì bạn lấy đồ mang đi mà là vì bạn có tư tâm, bạn không xem cha mẹ là một thể, nên họ sẽ đau lòng, sẽ buồn lòng. Là con cái, thân thể của chúng ta từ đâu sanh ra? Đó là do cha mẹ sanh ra và nuôi dưỡng mới có. Chúng ta vốn dĩ là một phần của cha mẹ. Bây giờ chúng ta lại khởi tư tâm cất giấu đồ vật cho riêng mình, xem cha mẹ là người ngoài, như vậy thì làm sao không khiến cha mẹ đau lòng được chứ? Cho nên từ nhỏ nên dưỡng thành một quan niệm nơi nơi đều cùng một thể với cha mẹ. Cha mẹ dạy bảo con trẻ cũng cần bắt đầu dạy từ đây.
Tôi nhớ lúc nhỏ khi đến Tết người lớn thường mừng lì xì cho chúng tôi, lúc chúc Tết họ tặng tôi một ít tiền, nhưng tôi đều đưa số tiền đó cho cha mẹ, tuyệt đối không cất giữ làm của riêng. Bởi vì đã tập thành thói quen, cho nên từ nhỏ đến lớn tôi có một tâm thái là luôn muốn cúng dường cho cha mẹ. Lúc này cha mẹ cũng cần phải có trí tuệ, khi con cái muốn đem tiền lì xì mà mình nhận được cúng dường cha mẹ thì cha mẹ nên nhận lấy. Rất nhiều cha mẹ nói: “Số tiền này con tự giữ lấy mà dùng”. Nói như vậy trẻ nhỏ sẽ tập thành thói quen cất giữ tiền riêng. Khi hành vi cất giữ tiền riêng diễn ra trong thời gian dài thì tâm tự lợi tự nhiên sẽ sanh khởi. Ở đâu chúng cũng sẽ vơ vét tiền của cho riêng mình mà quên việc cúng dường cho cha mẹ. Cho nên cha mẹ dạy dỗ con cái nơi nơi nên dùng nguyên tắc của "Đệ Tử Quy", không nên nuông chiều con cái.
“Vật tuy nhỏ, chớ cất riêng”. Trong này quan trọng là chúng ta phải bỏ chữ “riêng”, tâm tự lợi đi. Kỳ thực nếu bạn không có tâm tự lợi thì bạn giấu đồ vật đi cũng không sao cả, thậm chí có những tình huống còn đáng được người tán thán nữa. Ví dụ thời Đông Hán có một đứa bé tên là Lục Tích, cậu rất hiếu thuận, hơn nữa còn rất thông minh lanh lợi. Lúc sáu tuổi có một lần cậu gặp Thái Thú Cửu Giang, Thái Thú huyện Cửu Giang tỉnh Giang Tây tên là Viên Thuật. Viên Thuật mời cậu bé này ăn cơm, sau khi ăn xong thì lấy một ít quýt cho cậu ăn. Đứa bé này ăn xong cảm thấy rất ngon nên đã lén giấu mấy trái quýt vào ống tay áo. Kết quả lúc cáo từ thì quýt lăn ra. Viên Thái Thú sau khi nhìn thấy đã phê bình cậu bé rằng: “Sao con có thể cất giấu đồ vật làm của riêng như thế, con làm vậy chẳng phải là tham lam hay sao?” Lục Tích liền nói: “Thưa Thái Thú, quýt mà Ngài cho con rất ngon, con muốn lấy mấy trái mang về để mẹ con có thể nếm thử, cho nên con mới giấu chúng vào ống tay”. Viên Thuật cảm thấy đứa bé này niệm niệm có thể luôn nghĩ đến cha mẹ, vô cùng đáng quý nên ngược lại đã biểu dương, tán thán hiếu tâm của cậu. Đây là câu chuyện “Lục Tích giấu quýt” rất nổi tiếng trong lịch sử. Bạn xem Lục Tích giấu quýt nhưng ông không dùng tâm tự lợi mà ông mang một tấm lòng hiếu thảo. Mặc dù giấu đồ vật nhưng ngược lại đã trở thành một câu chuyện được mọi người ca tụng trong lịch sử. Cho nên câu này chúng ta phải hiểu quan trọng là phải biết bảo hộ hiếu tâm của mình, không được khởi những dục vọng cá nhân.
Mọi người ở trong đạo tràng tu học thì điều này càng quan trọng hơn nữa. Chúng ta biết nếu tu học trong đạo tràng chân thật tu hành mà giấu vật làm của riêng, vật đó là của thường trụ, nếu chúng ta giấu riêng thì đã phạm đại giới trộm cắp. Cho dù là vật rất nhỏ mà bạn khởi tâm lấy làm của riêng tức là đã phạm vào tội nghiệp không thể tha thứ. Bởi vì đây là vật của thập phương thường trụ nên xem như bạn đã lấy cắp vật của thường trụ rồi, vậy thì thật đáng sợ. Lão Pháp sư thường dạy chúng ta, người đến đạo tràng tu hành, nếu ở đó nhận được sự cúng dường hoặc đến đạo tràng này để giảng Kinh, giảng bài, sau khi nhận được cúng dường thì nhất định phải giao lại cho thường trụ, không được lấy làm của riêng. Nếu tâm tư lợi của bạn khởi lên mà giữ lại làm của riêng thì đó là một khuyết điểm rất lớn. Lão Pháp sư của chúng ta đã làm một tấm gương tốt cho chúng ta xem. Ngài đến giảng Kinh ở mỗi đạo tràng, rất nhiều đạo tràng mời Ngài đến giảng Kinh nên có rất nhiều tín đồ, mỗi lần giảng kinh họ cúng dường không ít. Lần trước tôi và lão Pháp sư đến Ma Cao, Ngài giảng một bài khai thị, đạo tràng có rất nhiều tín đồ cúng dường Ngài bao đỏ, chúng tôi lấy túi để đựng mà đựng đầy cái túi đó. Lão Pháp sư đã đem cả túi đựng bao đỏ đó cúng dường lại cho thường trụ, một cái Ngài cũng không giữ lại, thực sự đã làm được “chớ cất riêng”. Lão Pháp sư tôn trọng thường trụ và cũng làm ra một tấm gương tốt, không có chút tâm tham nào.
Chúng ta giảng bài hay, nếu tín đồ cúng dường thì chúng ta đem tiền của họ cúng dường lại cho thường trụ để phước báo của họ được lớn hơn. Chúng ta cúng dường lại cho thường trụ sẽ biến phước báo của chúng ta lớn vô biên. Đối với những người học giảng Kinh như chúng ta mà nói thì đây là một vấn đề rất đáng chú ý. Ở đạo tràng tuyệt đối không được lấy đồ cúng dường của đạo tràng. Trừ khi bạn ở đây làm việc, đạo tràng có chế độ cố định có thể trả phí sinh hoạt cho bạn, vậy thì bạn có thể nhận, còn lại những cúng dường của tín đồ thì phải giao hết lại cho thường trụ. Tiếp theo điều thứ mười lăm:
“Cha mẹ thích, dốc lòng làm”
Câu này nói thứ mà cha mẹ thích thì phận làm con nhất định phải tận tâm tận lực giúp cha mẹ đạt được thứ họ thích. Cha mẹ thích rất nhiều thứ, đương nhiên trong việc ăn, mặc, ở, đi lại chúng ta nên tận hết sức để cúng dường cha mẹ, khiến cha mẹ không phải lo về ăn mặc. Nhưng cúng dường về thân thể cha mẹ vẫn chưa đủ để trở thành chí hiếu, chân thật hiếu thuận cha mẹ thì nên khiến cha mẹ sanh tâm hoan hỷ. Những việc họ thích chúng ta có thể giúp họ hoàn thành. Họ thích cái gì? Cha mẹ đều hy vọng con mình có thể thành tựu, hoặc là ở thế gian có sự nghiệp rất tốt, có đức hạnh, có học vấn tốt. Cha mẹ giác ngộ, cha mẹ học Phật cũng hy vọng con cái mình có thể thành Thánh thành Hiền. Chúng ta phải thường luôn ghi nhớ nguyện vọng của cha mẹ ở trong tâm để cố gắng đạt được.
Ông bà nội của tôi là nông dân, gia đình không giàu có. Lúc đi học tôi thường hy vọng có thể sớm hoàn thành việc học để có thể đi làm, dùng lương bổng để cúng dường ông bà, cúng dường cha mẹ. Việc học tập của tôi cũng coi như rất thuận lợi. Trong bốn năm thì hoàn thành việc học Thạc Sĩ và Tiến Sĩ. Chúng ta biết thông thường ở Mỹ học Thạc Sĩ phải mất hai đến ba năm, Tiến Sĩ phải mất bốn đến năm năm, thông thường phải mất thời gian bảy năm. Bởi vì trong tâm tôi luôn muốn sớm được báo ân cho nên học tập khá dụng công, do vậy trong bốn năm tôi đã hoàn thành việc học của bảy năm. Sau khi đi làm thì được như mong muốn, tôi có thể gánh vác việc phụng dưỡng cha mẹ và ông bà nội, và lo được phí sinh hoạt của họ.
Mẹ tôi luôn kỳ vọng rất lớn ở tôi. Lúc còn nhỏ tôi học Trung Học, mẹ tôi đã lập định một chí hướng cho tôi. Bà hy vọng tương lai tôi sẽ làm việc trong ngành học thuật, dạy học trong trường Đại Học. Bà nói bà muốn làm mẹ của giáo sư. Bản thân tôi cũng đi theo con đường mà mẹ chỉ thị. Quả thực trong việc học tôi cũng xem như dụng công, những việc khác ảnh hưởng đến việc học tôi đều không làm. Ví dụ mẹ khuyên tôi rằng: “Khi đi học không được yêu đương, trước khi việc học chưa hoàn thành thì không được lập gia đình”. Tôi nghi nhớ lời dạy bảo của mẹ, đến hiện tại điều này cũng xem như đã làm được.
Tôi và mẹ học Phật hơn mười năm, hiện nay mẹ muốn tôi có chí hướng cao hơn. Hiện tại tôi đã làm giáo sư trường Đại Học nhưng hy vọng của mẹ tôi lại nâng cao hơn. Bà hy vọng tôi điều gì? Thành Thánh thành Hiền, phải noi gương Thánh Hiền cả đời cống hiến cho giáo dục Thánh Hiền. Tôi cũng được sự khích lệ của ân sư Tịnh Không Thượng nhân, lập chí làm công tác giáo dục Thánh Hiền. Cũng là dạy học nhưng không phải dạy sách thế gian, không phải dạy ở Học Viện thương mại trong trường Đại Học mà cố gắng hạ công phu trên học vấn của Thánh Hiền, làm công tác giáo dục Thánh Hiền. Mẹ tôi rất vui, bà đã viết cho Sư phụ Thượng nhân một bức thư bày tỏ thái độ rất ủng hộ việc tôi dùng toàn thân tâm tham gia công tác giáo dục Thánh Hiền. Do vậy, bắt đầu từ ngày mùng một tháng Một năm nay tôi đã từ bỏ chức giáo sư Đại Học, chuyên tâm tham gia dạy học vấn của ba nhà Nho Thích Đạo. Hiện tại tôi hy vọng có thể dùng mười năm cố gắng an định tâm lại để cắm gốc, cắm cái gốc sâu dày trên học vấn của Thánh Hiền. Hy vọng tương lai có thể phát dương quang đại giáo dục Thánh Hiền, lấy việc này để báo đáp ân đức của cha mẹ, báo đáp sự bồi dưỡng của thầy giáo. “Cha mẹ thích, dốc lòng làm”, cha mẹ và thầy cô hy vọng chúng ta làm được thì chúng ta phải cố gắng để làm được.
Người học Phật như chúng ta đều biết, Đức Phật quả thật giống như một người cha hiền của chúng ta vậy, tâm thương xót của Phật là vô biên. Ngài hy vọng giúp chúng ta đời này được liễu sanh thoát tử, lìa khổ được vui. Cho nên Phật hy vọng chúng ta điều gì, chúng ta cũng thường phải tư duy, cố gắng làm được. Phật hy vọng chúng ta đời này liễu sanh thoát tử, xuất tam giới, chứng Phật đạo. Trong kinh Phật nói với chúng ta: “Dùng pháp môn Tịnh Độ để tu học thì tương đối an toàn”. Bạn xem trong “Kinh A Di Đà”, Thích Ca Mâu Ni Phật đã ba lần không ngại phiền phức khuyên bảo chúng ta niệm A Di Đà Phật cầu sanh Tây Phương Cực Lạc Thế Giới. Chúng ta đã cố gắng phụng hành hay chưa? Nếu không nỗ lực phụng hành, vậy thì không nghe lời của Phật rồi, câu “Cha mẹ thích, dốc lòng làm” này trong "Đệ Tử Quy" cũng không làm được.
Đệ tử Phật chân chính thì nên thuận theo lời giáo huấn của Thế Tôn, làm tấm gương tốt của người học Phật. Vì người thế gian làm nên tấm gương tốt của một đệ tử Phật chân chính, như vậy mới có thể chân thực phục hưng được Phật giáo. Phật giáo sở dĩ nhiều năm bị người xem thường như vậy, suy thoái như vậy chính là vì bản thân những đệ tử Phật như chúng ta không làm tấm gương tốt. Trên giới hạnh bản thân mình chưa làm được, hơn nữa giáo lý nhà Phật cũng không thông đạt. Cho nên vừa không làm được, vừa nói không được thì làm sao có thể bảo người khác xem trọng Phật giáo được chứ? Vì vậy phải thường có tâm hạnh báo ân, nỗ lực tu học. Câu tiếp theo:
“Cha mẹ ghét, cẩn thận bỏ”
Câu này ý nói những thứ cha mẹ chán ghét, không thích chúng ta phải cung kính cẩn thận trừ bỏ đi. Cái cha mẹ không thích cũng rất nhiều, giả sử trên mặt đạo đức chúng ta bị kém khuyết, phạm sai lầm, có lỗi lầm thì đương nhiên cha mẹ không thích. Vậy chúng ta đã “cẩn thận bỏ” chưa? “Cẩn” là bạn phải cẩn thận thận trọng, rất để tâm rất chú ý. Cha mẹ đã không thích chúng ta phạm sai lầm, họ thích chúng ta hiếu thuận, không thích chúng ta bất hiếu vậy thì chúng ta phải thường cẩn thận thận trọng, phải làm những hành vi hiếu thuận, trừ bỏ những hành vi bất hiếu. Cẩn thận đến mức độ nào vậy? Thậm chí chỗ sanh diệt của ý niệm chúng ta đều phải cẩn thận thận trọng. Lúc khởi lên ý niệm phải nghĩ xem ý niệm này là vì mình hay là vì cha mẹ? Nếu vì mình thì đây chính là bất hiếu. Cho nên chỗ tu hành chân thật chính là trong ý niệm của chúng ta. Nếu có thể thận trọng cẩn thận như vậy để phòng tránh lỗi lầm của mình thì có thể công phu đắc lực rất nhanh.
Chúng ta học trong "Đệ Tử Quy" giảng từ đầu đến bây giờ mọi người đều biết, ở đây chữ thân là chỉ cha mẹ, tuyệt đối không những chỉ có cha mẹ hiện tại của chúng ta mà nó bao gồm cả thầy giáo, bao gồm cả thiện tri thức, bao gồm cả Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni Phật. Những việc họ không thích chúng ta làm thì chúng ta không được làm, chúng ta không được phạm giới, chúng ta nên tu thập thiện, đoạn thập ác. Đây chính là “cẩn thận bỏ”. Câu tiếp theo:
“Thân bị thương, cha mẹ lo”
Ở đây nói làm con cái nếu thân thể bị tổn thương đương nhiên cha mẹ nhất định rất lo buồn. “Hiếu Kinh” nói: “Thân thể tóc da nhận từ cha mẹ, không dám làm tổn thương, đây là bắt đầu của hiếu”. Hiếu bắt đầu từ đâu? Hành hiếu bắt đầu từ đâu? Trước tiên phải làm được việc quý trọng bản thân, bắt đầu từ đây. Bởi vì chúng ta nói hiếu đạo là một quan niệm, quan niệm cha mẹ và ta là một thể. Cho nên tổn hại thân thể chính mình thì cũng như tổn hại thân thể của cha mẹ vậy. Có được quan niệm như vậy thì họ tự nhiên sẽ hiểu được quý trọng thân thể. Quý trọng thân thể của chính mình tức là quý trọng cha mẹ, có thể giúp cha mẹ giảm bớt âu lo. Chúng ta nhất định phải chú ý giữ gìn thân thể, cũng phải thường xuyên rèn luyện, rèn luyện thân thể thì sẽ có thân thể và tinh thần khỏe mạnh, cha mẹ nhìn thấy sẽ vui mừng. Giả sử do không chú ý hoặc do quá mệt nhọc mà thân thể bị tổn hại, như vậy cha mẹ sẽ rất lo lắng. Nếu chúng ta thực sự muốn thay chúng sanh làm việc tốt thì thân thể cũng là một tài sản quý, vốn dĩ có thể làm nhiều việc tốt hơn, nhưng nếu bạn không chú ý đến thân thể, không chú ý quý tiếc nó, thì kết quả là bạn sẽ không làm được gì.
Ví dụ chúng ta học “Kinh giáo” thì tinh lực rất quan trọng. Bạn phải tập thành chế độ nghỉ ngơi và làm việc phù hợp thì thân thể liền khỏe mạnh, tinh lực dồi dào. Bạn có thể duy trì được lâu dài, như vậy thì có thể thâm nhập Kinh Tạng, có thể kiên trì bền bỉ. Đây cũng là điều mà thầy giáo hy vọng chúng ta làm được. Quý trọng bản thân đương nhiên không chỉ là quý trọng thân thể của chính mình mà quan trọng hơn là quý trọng danh tiết của chính mình, quý trọng tánh đức của chính mình. Nếu những thứ này bị tổn hại thì cha mẹ càng lo lắng hơn. Bạn xem câu tiếp theo nói:
“Đức tổn thương, cha mẹ tủi”
Nếu đức hạnh có khiếm khuyết, bạn làm những việc không tốt thì cha mẹ sẽ thấy xấu hổ, chúng ta làm sao có thể xứng đáng với cha mẹ được chứ? Một người chân thật có hiếu tâm thì họ sẽ không làm những việc có lỗi với lương tâm. Họ biết có lỗi với lương tâm chính là có lỗi với cha mẹ, lúc nào cũng nghĩ không được khiến cha mẹ hổ thẹn thì nơi nơi họ sẽ chú ý cẩn thận hành vi cử chỉ của chính mình, đức có thể được dưỡng thành như vậy. Làm học trò cũng nên có thái độ như vậy đối với thầy giáo. Nếu như “Đức tổn thương”, phẩm hạnh, học vấn của chúng ta không làm tấm gương tốt cho người thế gian xem, mà ngược lại còn làm tấm gương xấu. Như vậy thì bạn đã làm nhục sư môn khiến thầy giáo phải hổ thẹn, “Anh xem người này là do ai dạy vậy?” “Do người nào đó dạy đấy”. Họ đem hết những lời trách mắng, phê bình đổ hết lên đầu thầy giáo. Đây là việc mà người làm học trò có lỗi nhất đối với thầy giáo.
Chúng ta thân làm đệ tử của Phật nên biết ở nơi đâu cũng nên nghĩ đến việc làm rạng rỡ Phật môn, làm một tấm gương tốt để người thế gian nhìn thấy “Anh xem người học Phật thật tốt”. Nếu họ tán thán như vậy thì ngay đến Thích Ca Mâu Ni Phật cũng được tán thán. Nếu như bản thân chúng ta làm không tốt, phẩm hạnh, học vấn bị người khác phê bình, họ phê bình thì ngay đến Thích Ca Mâu Ni Phật cũng bị phê bình. Bạn khiến người khác tạo tội nghiệp thì trong tội nghiệp này chắc chắn có phần của chúng ta. Xin xem tiếp điều thứ mười chín:
“Cha mẹ thương, hiếu đâu khó”
Ở đây nói nếu cha mẹ thương yêu chúng ta thì chúng ta hiếu thuận cha mẹ không xem là việc khó. Vì sao? Phụ tử hữu thân là một loại thiên tánh. Giả sử loại thiên tánh này có thể tự nhiên lưu xuất ra, cha mẹ và con cái là tâm liền tâm thì hiếu thuận cha mẹ sẽ không khó. Nhưng bạn phải biết, mặc dù nói là không khó nhưng chúng ta vẫn phải nghiêm túc nỗ lực đi làm, không nên cho rằng đây là việc không khó mà bạn lơ là, bạn không chú ý đến những việc nhỏ. Việc dễ mà không làm thì đó gọi là: “Tự chê tự bỏ, tự cam tâm đọa lạc”, vậy sẽ thành người gì? Câu tiếp theo:
“Cha mẹ ghét, hiếu mới tốt”
Nếu cha mẹ ghét chúng ta, bạn xem thời xưa có một ví dụ nổi tiếng nhất là câu chuyện của Đại Thuấn. Bốn ngàn năm trăm năm trước, cha mẹ của vua Thuấn ngược đãi ông, căm ghét ông, thậm chí lúc nào cũng muốn đẩy ông vào chỗ chết. Nhưng vua Thuấn chưa bao giờ nhìn lỗi của cha mẹ, ông thường nghĩ bản thân mình làm chưa tốt nên mới khiến cha mẹ oán hận mình như vậy. Cho nên ông thường sửa lỗi, nơi đâu cũng cẩn thận thận trọng, không làm những việc có lỗi với cha mẹ. Bạn xem người có tâm hiếu như vậy chính là đại Hiền. Bởi vì Thuấn có hành vi chí hiếu như vậy, lúc đó vua Nghiêu nghe được câu chuyện này nên ông vô cùng tán thán và mời Thuấn ra phục vụ cho đất nước, làm trợ thủ cho ông, giúp ông trị lý đất nước. Vua Nghiêu có trí tuệ, ông biết phải mời một đại hiếu tử ra giúp mình. Vì Thuấn có thể tận hiếu với cha mẹ thì cũng có thể tận trung với quốc gia, tìm cầu lợi ích cho nhân dân. Vua Nghiêu đã gả hai người con gái cho ông, sau đó còn nhường ngôi vua cho ông. Thuấn tuy bị cha mẹ ghét nhưng ông vẫn có thể hành hiếu, việc đáng quý như vậy, tâm hạnh này đã chiêu cảm được quả báo rất đáng quý. Cho nên, bạn phải biết phước là do nghịch duyên mang đến. Nếu bạn có thể chấp nhận nghịch cảnh thì phước của bạn sẽ lớn. Nếu bạn không thể tiếp nhận thì bạn là người có phước nhỏ, vô phước, phước mỏng.
Đương nhiên chữ “Ghét” ở đây cũng là nghĩa rộng, nó bao gồm cả việc cha mẹ có thể không hiểu chúng ta. Nhiều lúc chúng ta thật lòng làm những việc tốt cho cha mẹ, thật lòng muốn cha mẹ được vẻ vang nhưng chưa chắc cha mẹ đã hiểu ý của chúng ta. Điều này có lẽ vì trước đây cha mẹ chưa học qua đạo lý Thánh Hiền. Chúng ta làm việc đều hy vọng dựa vào lời giáo huấn của Thánh Hiền mà làm, có thể họ không hiểu, không hiểu thì phải làm sao? Họ không hiểu nhưng chúng ta vẫn phải tận hiếu, tuyệt đối không được có tơ hào bất mãn và oán giận nào đối với cha mẹ, mà càng nên cố gắng tiến đức tu nghiệp. Bạn xem trong “Hiếu Kinh” có nói: “Hiếu trước tiên là hiếu với cha mẹ, tiếp theo là trung thành với quân vương, cuối cùng là lập thân”[1]. Ở đây Khổng Tử nói hiếu có ba tầng lớp. Tầng thứ nhất “Sự thân” là hiếu thuận cha mẹ, phụng sự song thân. Tầng thứ hai là “Sự quân”, tức là thật sự vì quốc gia, vì nhân dân, vì thế giới làm một sự nghiệp, đây chính là trung thần. Cao nhất, hiếu đến cùng cực là gì? Lập thân hành đạo. Làm được như vậy thì “Hiếu Kinh” nói bạn có thể “Tiếng thơm để đời làm cha mẹ được vinh hiển”, bạn giúp cha mẹ thật sự được vinh hiển.
Cho nên, chúng ta hiểu được việc này thì phải biết hiện nay chúng ta giác ngộ rồi, học Phật giác ngộ rồi, hiểu rõ rồi, nhìn thấy chúng sanh khổ, cái khổ này là vì không có giáo dục Thánh Hiền. Rất nhiều chúng sanh không hiểu “Hiếu Đễ Trung Tín, Lễ Nghĩa Liêm Sỉ”. Bản thân dùng tâm thái tự tư tự lợi mà tạo vô biên tội nghiệp, đây là gốc của khổ. Chúng ta thấy điều này thì phải làm thế nào? Lập thân hành đạo, làm một tấm gương tốt, tuân theo lời giáo huấn của Thánh Hiền mà tu hành, đồng thời giáo hóa chúng sanh, đây là cống hiến vô cùng lớn cho xã hội, thật sự có thể giúp chúng sanh giác ngộ. Họ giác ngộ rồi thì có thể lìa khổ được vui. Muốn xây dựng xã hội hài hòa thì nhất định phải giúp chúng sanh hiểu rõ đạo lý hài hòa, đây là đạo của Thánh Hiền. Cho nên, chúng ta làm giáo dục Thánh Hiền, cho dù cha mẹ có thể không hiểu, chúng ta cũng phải nỗ lực đi làm. Đương nhiên trong lúc làm nhất định phải cố gắng hết sức để cha mẹ có thể hiểu được, để họ có thể ủng hộ chúng ta. Nhưng tuyệt đối đừng vì cha mẹ không hiểu mà thay đổi cái tâm hành đại hiếu của chúng ta, làm như vậy mới là “Hiếu mới tốt”, mới thật sự là người Hiền Đức. Xin xem câu kế tiếp:
“Cha mẹ lỗi, khuyên thay đổi; Mặt ta vui, lời ta dịu”
Ở đây nói cha mẹ cũng là: “Con người không phải Thánh Hiền, ai mà chẳng phạm sai lầm”, khó tránh khỏi có lúc sẽ phạm sai lầm. Chúng ta thấy cha mẹ phạm lỗi thì cần phải giữ tâm thái như thế nào? Không thể khoanh tay đứng nhìn cha mẹ phạm sai lầm, tạo tội nghiệp mà đọa lạc, họ sẽ phải chịu quả báo, làm sao chúng ta có thể nhẫn tâm nhìn cha mẹ đọa lạc như vậy được? Cho nên phải khuyên can họ, khuyên cha mẹ sửa lỗi, “Canh” tức là năm lần bảy lượt khuyên can, khuyên đi khuyên lại không ngại phiền phức. Đương nhiên khuyên cha mẹ phải hiểu được nghệ thuật khuyên “Mặt ta vui, lời ta dịu”, tức là phải để sắc mặt của chúng ta rất dịu dàng hòa nhã, biểu hiện ra dáng vẻ thấu hiểu quan tâm. Còn âm thanh thì sao? Dùng ngôn ngữ nói chuyện phải dịu dàng, không thể thấy cha mẹ phạm sai lầm thì nghiêm giọng phê bình, lời nói sắc mặt nghiêm nghị giống như phê bình cái gì đó.
Bạn nói xem như vậy thì cha mẹ làm sao có thể chấp nhận chứ? Bạn xem chúng ta có rất nhiều người học Phật, không học Phật thì thôi, vừa học Phật thì khiến mối quan hệ trong gia đình rất căng thẳng, vì sao? Bởi vì họ học Kinh Phật rồi cho nên lấy những đạo lý trong kinh Phật phán xét cha mẹ, phán xét người trong nhà, nhìn thấy: “Tại sao anh lại tạo sát nghiệp? Ngày nào cũng ăn hải sản, tại sao anh có thể tạo sát nghiệp như vậy?”. Từ sáng đến tối phê bình rất nhiều, vậy thì làm sao có thể khiến người trong nhà sanh tâm hoan hỷ được chứ? Họ không thể hoan hỷ thì cũng không thể nghe theo bạn được, họ càng không thể sửa lỗi.
Bạn phải biết, sửa đổi lỗi lầm không phải là một chuyện dễ dàng. Chúng ta học Phật nhiều năm như vậy nhưng vẫn phát hiện ra mỗi ngày mình phạm lỗi rất nhiều. Vậy thì làm sao bạn có thể yêu cầu người nhà sửa chữa lỗi lầm trong một sớm một chiều được? Vì vậy chúng ta cần khoan dung với mọi người hơn một chút, đối với bản thân thì phải yêu cầu nghiêm khắc một chút. Nghiêm khắc với mình, khoan dung với người, như vậy mới có thể có mối quan hệ hài hòa. Bạn có thể khiến cha mẹ sanh tâm hoan hỷ, đây là bước đầu tiên. Họ sanh tâm hoan hỷ thì họ mới có thể nghe bạn.
Tôi khuyên ông bà nội và cha tôi học Phật cũng thật sự không dễ dàng. Mới đầu tôi đã nói ngay những đạo lý trong Phật giáo, họ không thể tiếp nhận nên tôi đã nghĩ cách đưa họ đi du lịch. Chúng tôi đi thăm những đạo tràng, danh sơn, lên núi Cửu Hoa, đến Đông Thiên Mục Sơn để họ thể nghiệm một chút những phong cảnh thiên nhiên thanh tú tươi đẹp này. Họ hiểu được thì ra học đạo cũng có niềm vui của học đạo, rồi tôi dần dần dẫn dắt họ, tạo ra cơ hội để họ có thể nhìn thấy lão Pháp sư, nghe lão Pháp sư giảng Kinh, tạo ra các cơ hội như thế. Rất nhiều năm mới có thể giúp họ hiểu được học Phật rất tốt, mới không đến nỗi phản đối, sau đó lại dần dần tiến vào cửa Phật. Đây thật sự là chuyện không dễ dàng. Cho nên “Gián sử canh”[2], từ “Canh” ở đây là nhiều lần, có thể là phải mất bao nhiêu năm nhẫn nại để dẫn dắt. Như vậy mới có thể giúp cha mẹ thật sự sửa lỗi, thật sự nghe theo lẽ phải. Có lúc chúng ta khuyên cha mẹ, cha mẹ không nghe, đây cũng là chuyện thường tình. Vậy phải làm thế nào? Tiếp theo "Đệ Tử Quy" nói:
“Khuyên không nghe, vui can tiếp; Dùng khóc khuyên, đánh không giận”
Khi khuyên can cha mẹ bản thân chúng ta phải biết con người có thể sửa lỗi, đây không phải là chuyện dễ dàng. Vừa khuyên mà họ có thể sửa đổi thì đó không phải người bình thường mà đó là Thánh Hiền nhân. Cho dù “Khuyên không nghe”, họ không nghe theo lời khuyên can của bạn, họ không sửa lỗi, không sửa đổi những chấp trước của họ, vậy thì chúng ta phải nhẫn nại chờ đợi. Đợi khi họ vui, vui vẻ lại thì lúc này bạn hãy tiếp tục khuyên họ, dẫn dắt họ. Tóm lại là khiến họ tiếp nhận lời khuyên của bạn trong lúc họ vui vẻ. Đương nhiên có lúc sự việc thật sự rất cấp bách, sự việc này có quan hệ rất lớn, bạn không còn thời gian khuyên can, không thể chờ đợi được nữa vậy thì phải làm sao? “Dùng khóc khuyên, đánh không giận”. Khi thấy cha mẹ thật sự không nghe lời khuyên can thì phải khóc lóc thảm thiết gắng sức can gián cha mẹ, cố gắng khiến cha mẹ cảm động.
Hoàng đế khai quốc triều nhà Đường là Đường Thái Tông. Thời trẻ ông cùng cha đi chinh phạt thiên hạ, có một lần trong lúc đánh trận cha ông có một quyết định sai lầm. Lý Thế Dân biết làm như vậy rất có thể khiến toàn quân bị tiêu diệt, cho nên ra sức khuyên cha. Cha ông không nghe: “Nhỏ tuổi như con thì hiểu cái gì chứ?”. Cha không nghe lời khuyên can của ông. Đường Thái Tông - Lý Thế Dân lúc đó vẫn chưa làm hoàng đế, Lý Thế Dân ở ngoài doanh trại khóc lóc cả đêm, khóc rất lớn tiếng, tiếng khóc rất thê lương, rất cảm động người. Lúc đó cha ông nghe thấy con trai mình ở ngoài khóc lóc như vậy thì trong lòng an định lại, suy nghĩ lại cách tác chiến. Cuối cùng ông đã thay đổi chủ trương ban đầu của mình, không đến mức toàn quân bị tiêu diệt. Đây là gì? Dùng hành động của bản thân, hành động chân thành đã làm cảm động cha mẹ. Cho nên khóc lóc thảm thiết cũng là một biểu hiện của sự chân thành.
Khi bạn khuyên người nhà, cha mẹ cũng được, hoặc đồng nghiệp cũng được, bất luận là khuyên ai, khi bạn không thể khiến họ cảm động, họ không nghe theo bạn thì nguyên nhân là gì? Tâm chân thành của bạn chưa đủ, chân thành chưa đủ thì không thể cảm động lòng người. Chân tâm nhất định phải làm đến viên mãn thì mới có thể cảm động lòng người. Bạn xem nơi nơi đều nên xét lại chính mình “Làm việc không thành, xét lại chính mình”[3], như vậy là đúng rồi.
“Đánh không giận” ý nói cha mẹ không nghe lời khuyên can của chúng ta, thậm chí bởi vì thẹn quá hóa giận mà đánh chúng ta. Cho dù bị đánh thì trong lòng chúng ta cũng không được có chút oán giận. Vì sao không được có tâm oán giận? Bạn nghĩ xem bạn khuyên cha mẹ là vì cái gì? Vì tôi muốn tốt cho cha mẹ. Nếu bạn đã muốn tốt cho cha mẹ mà không phải vì bản thân bạn, vậy thì làm sao bạn có thể sanh tâm oán giận được chứ? Nếu khởi tâm oán giận là vì trong tâm bạn nhất định có mưu cầu, tâm không đủ chân thành nên gặp phải những trắc trở này tâm bạn liền khởi lên phiền não.
Cho nên “Đánh không giận”, bạn có thể dùng sự bi thương của bạn mà cảm động cha mẹ, trong tâm nhất định không được khởi oán giận. Khi cha mẹ đánh chúng ta mà chúng ta không khởi lên tâm oán giận, vậy khi cha mẹ mắng hoặc có lúc phê bình chúng ta vài ba câu thì chúng ta càng không được khởi tâm oán giận. Bạn xem hiện nay rất nhiều trẻ nhỏ, cha mẹ vừa mới có chút nghiêm túc phê bình chúng vài câu thì trong tâm đã khởi oán giận, thậm chí chúng còn bỏ nhà đi. Đây thật sự là bất hiếu. Xin xem tiếp câu hai mươi hai:
“Cha mẹ bệnh, nếm thuốc trước; Ngày đêm hầu, không rời giường”
Ở đây nói khi cha mẹ sanh bệnh, làm con cái nhất định trong tâm rất đau buồn, ngày đêm suy nghĩ làm sao giúp cha mẹ trị bệnh. Từ những hành vi này chúng ta thấy được tâm hiếu của một người. Họ làm như thế nào? Thời xưa là sắc thuốc. Cha mẹ bị bệnh, khi sắc thuốc họ nếm thuốc trước xem thuốc này có quá đắng không, hoặc là lửa sắc thuốc đã đủ chưa? Họ phụng dưỡng cha mẹ cẩn thận như vậy. Trong lòng luôn mong cha mẹ sớm bình phục. Cha mẹ bị bệnh nặng thì họ ngày đêm hầu hạ bên giường, thật sự là cực nhọc ngày đêm. Như thời xưa Hán Văn Đế hầu hạ mẹ ông là Bạc Thái Hậu, khi mẹ ông bị bệnh nằm trên giường ba năm, vì chăm sóc mẹ mà ông ngày đêm vất vả như vậy để tận hiếu.
Hiện nay chúng ta cũng thấy rất nhiều người vì cha mẹ mắc bệnh mà có thể toàn tâm toàn ý chăm sóc cha mẹ. Như ở Táo Trang tỉnh Sơn Đông có một công nhân mỏ than hai mươi bảy tuổi, mẹ anh bị ung thư giai đoạn cuối, bản thân anh thu nhập rất thấp. Anh tận tâm tận lực ở bên cạnh giường chăm sóc mẹ. Bác sĩ nói với anh rằng mẹ anh không cứu được nữa rồi nên khuyên anh chuẩn bị đưa mẹ về nhà làm hậu sự. Vị hiếu tử này tên là Đới Vĩnh Thắng, anh đi khắp nơi tìm bác sĩ, tìm phương thuốc để giúp mẹ trị bệnh. Từ những vị thầy thuốc dân gian, anh đã tìm được rất nhiều phương thuốc hay để chữa bệnh ung thư. Mỗi ngày anh đều sắc thuốc cho mẹ uống, kết quả sau nửa năm thì bệnh tình của mẹ anh đã có chuyển biến rất tốt. Đến bệnh viện kiểm tra lại, bác sĩ đều vô cùng kinh ngạc nói rằng, ung thư giai đoạn cuối, tại sao hiện giờ ung thư lại có thể chuyển biến tốt như vậy? Tế bào ung thư của bà đã bị đẩy lùi đến bảy mươi phần trăm. Đây có thể gọi là kỳ tích trong lịch sửa y học. Kỳ tích từ đâu mà có? Do hiếu tâm chiêu cảm. Hiếu tâm có thể trị bệnh, nó cũng có căn cứ khoa học.
Bạn xem Tiến Sĩ Giang Bổn Thắng (Masaru Emoto) người Nhật Bản, mười năm nay nhà khoa học này đã thông qua nghiên cứu về sự kết tinh của nước mà phát hiện ra tâm thái, ý niệm của con người có ảnh hưởng đến kết cấu kết tinh của nước. Tâm lương thiện, ví dụ nói những từ yêu thương, cảm ân, những ý niệm này sẽ khiến kết tinh của nước vô cùng đẹp. Nếu như là ác tâm, chán ghét, căm ghét, oán giận, những ý niệm này sẽ khiến kết tinh của nước rất xấu xí. Cho nên, bạn nghĩ xem với tâm hiếu thuần thiện thuần tịnh của Đới Vĩnh Thắng thì kết tinh của nước trong bát thuốc mà anh sắc cho mẹ uống sẽ đẹp biết bao. Mẹ anh uống nước này thì bệnh sẽ khỏi, nó làm thay đổi thành phần tế bào ung thư của mẹ anh. Phải biết rằng nước chiếm bảy mươi phần trăm trong cơ thể con người, cho nên bệnh của bà đã khỏi. Kỳ tích của hiếu tâm đã tạo ra kỳ tích cho y học. Đây là gì? “Chí thành cảm thông”. Xin xem câu tiếp theo:
“Tang ba năm, thường thương nhớ; Chỗ ở đổi, không rượu thịt”
Ý nói nếu cha mẹ qua đời rời xa chúng ta thì trong lòng một người con hiếu đương nhiên rất đau buồn. Ba năm là bởi vì trong lòng thương nhớ cha mẹ, than trách mình vẫn chưa kịp báo ân thì cha mẹ đã rời xa chúng ta rồi, cho nên thường buồn thương, thường khóc thương. “Chỗ ở đổi”, tức là thay đổi chỗ ở. Người xưa thủ hiếu, họ không ở nhà mà ở bên mộ cha mẹ giữ mộ ba năm. Vợ chồng ở riêng phòng, tức là tất cả sự hưởng lạc đều dừng lại. “Không rượu thịt”, đồ ăn như rượu thịt cũng đều không dùng mà ăn chay. Tôi nhớ sau khi bà ngoại tôi vãng sanh thì mẹ tôi đã dẫn dắt tôi bắt đầu ăn chay để tưởng niệm bà, đây là học tập hiếu đạo. Câu cuối cùng trong “Nhập tắc hiếu” là:
“Tang đủ lễ, cúng hết lòng; Việc người chết, như người sống”
Điều này ý nói sau khi cha mẹ qua đời, đương nhiên khi cha mẹ mất cần phải “Tang đủ lễ”, cử hành lễ truy điệu phải tận hết tâm chân thành của mình. Cúng tế cha mẹ là một cách để chúng ta thực hành hiếu đạo. Cho nên vừa đến mùa xuân thu lúc tế lễ, tiết Thanh Minh, tiết Đông Chí, những ngày lễ Tết này chúng ta cúng tế cha mẹ nhất định phải thành tâm. Luôn luôn suy nghĩ xem bản thân mình có thể làm một người chánh nhân quân tử để xứng đáng với cha mẹ, giống như lúc cha mẹ còn sống hay không? “Việc người chết, như người sống”, thường nhớ tưởng đến ân đức của cha mẹ.
Cúng bái cha mẹ không phải là mê tín, cúng bái tổ tiên không phải là mê tín mà nó là một cách để thực hành hiếu đạo. Trong một bài diễn giảng tôi từng hy vọng, nếu một đất nước, một xã hội có thể lấy những ngày cúng tế như Thanh Minh, Đông Chí làm ngày lễ theo luật định để khuyến khích mọi người đi cúng bái cha mẹ thì thật sự có thể thực hiện được xã hội hài hòa. Người xưa nói: “Thận chung truy viễn, dân đức quy hậu” (Cẩn thận lo việc tang lễ và cúng tế khiến lòng dân trở nên thuần hậu), cho nên cúng tế cha mẹ là một cách để bồi dưỡng hiếu đạo, cũng có thể khiến phong tục tập quán nhân gian thuần hậu. Chúng ta biết đề xướng hiếu đạo thì có thể xây dựng xã hội hài hòa.
Bây giờ đã hết thời gian rồi, hôm nay chúng ta đã học xong phần “Nhập tắc hiếu”. Ngày mai bắt đầu học “Xuất tắc đễ”. Xin cảm ơn mọi người.