Chương 2 bài 1 Tán Tịnh Độ Siêu Thăng (09/10 - Tịnh Không Pháp Sư Gia Ngôn Lục)

Chương 2 bài 1 Tán Tịnh Độ Siêu Thăng (09/10 - Tịnh Không Pháp Sư Gia Ngôn Lục)
Trong các cảnh giới hiện ra, pháp giới Phật của mười pháp giới là viên mãn nhất, thù thắng nhất. Pháp giới Phật cũng là do niệm Phật mà ra, “niệm Phật là nhân, thành Phật là quả”. Cho nên Bồ Tát muốn thành Phật, vẫn là phải niệm Phật. Hiện nay chúng ta niệm Phật là trực tiếp thành Phật, không phải đi đường vòng.

Buổi 37 ngày 09/10/2022

Một, tán thán Tịnh Độ siêu thắng (Phần 1).

Trong các cảnh giới hiện ra, pháp giới Phật của mười pháp giới là viên mãn nhất, thù thắng nhất. Pháp giới Phật cũng là do niệm Phật mà ra, “niệm Phật là nhân, thành Phật là quả”. Cho nên Bồ Tát muốn thành Phật, vẫn là phải niệm Phật. Hiện nay chúng ta niệm Phật là trực tiếp thành Phật, không phải đi đường vòng. Phật pháp giới cũng vô cùng khác biệt, sự khác biệt này vẫn là từ tâm niệm biến hiện ra.

Trong truyền ký ghi chép, Đại sư Trí Giả tông Thiên Thai của thời đại Tùy Đường là Thích Ca Mâu Ni Phật tái lai, vì vậy lời của Ngài cũng chính là lời của Thích Ca Mâu Ni Phật tuyên nói. Ngài nói với chúng ta, Phật có bốn loại, chính là Thiên Thai Tứ Giáo: Tạng giáo, Thông giáo, Biệt giáo, Viên giáo. Bốn loại Phật này khác biệt rất lớn. Tạng giáo Phật và Thông giáo Phật vẫn chưa kiến tánh, tuy có vị trí cao nhất, phúc báo cao nhất trong mười pháp giới nhưng vẫn chưa đột phá được mười pháp giới. Phật của Biệt Giáo phá được 12 phẩm vô minh, tương đương với Bồ Tát Nhị Hành của Viên Giáo, nhưng so với Phật của Viên Giáo vẫn còn kém rất xa. Bởi vì Bồ Tát Nhị Hành vẫn còn tám bậc mới có thể tu đến được Thập Hạnh viên mãn, mà trên Thập Hạnh vẫn còn có Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác mới có thể chứng được Phật quả Viên Giáo. Nhưng chúng ta niệm A Di Đà Phật chính là trực tiếp chứng được quả vị Phật của Viên Giáo, vô cùng thù thắng. Cho nên tất cả chư Phật Bồ Tát không thể không tán thán pháp môn niệm Phật. Đây cũng là pháp môn mà tất cả chư Phật đã tu.

Trên Kinh “Vô Lượng Thọ” nói, có rất nhiều Bồ Tát muốn cầu pháp môn này mà không thể được bởi vì họ không có cơ duyên nghe được, cũng không biết là có pháp môn này. Vì sao họ mong cầu pháp môn này? Chính là vì họ hi vọng sớm một ngày chứng được Phật quả cứu cánh viên mãn. Vậy mà chúng ta ở ngay trong một đời này gặp được pháp môn này, thật may mắn và hiếm có! Nhưng nếu đã gặp được mà lại không tin, không thể lý giải, không thể chăm chỉ nỗ lực y giáo phụng hành thì thật sự là quá đáng tiếc rồi! Có cơ hội gặp được rồi mà lại bỏ lỡ ngay trước mặt, chân thật là một sự tổn thất và tiếc nuối vô cùng!

Trên “Kinh A Di Đà”, Đức Thế Tôn đã hết lòng hết sức khuyên bảo (tận tình khuyên bảo) chúng ta cầu sinh Tịnh Độ. Chúng ta phải thể hội được đại từ đại bi của Như Lai.

Trên “Kinh A Di Đà”, Đức Thế Tôn đã ba lần khuyên bảo chúng ta phải phát tâm cầu sinh Tịnh Độ. Sáu phương Phật đều khuyên bảo chúng ta phải tin tưởng Kinh này, cũng là khuyên bảo chúng ta phải tin tưởng những lời Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói. Sáu phương Phật là đại biểu cho mười phương ba đời tất cả chư Phật. Do đây có thể biết, Đức Thế Tôn khuyên dạy chúng ta cầu sinh Tịnh Độ, cũng chính là mười phương tất cả chư Phật đều khuyên dạy chúng ta cầu sinh Tịnh Độ. Lời khuyến cáo này chân thật là bất khả tư nghị, khẩn thiết đến cùng cực! Vì sao Phật khuyên bảo chúng ta như vậy? Phật giáo hóa chúng sinh, không gì khác ngoài việc giúp chúng sinh phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui, mà vãng sinh Thế giới Cực Lạc mới là phá mê khai ngộ viên mãn, được niềm vui cứu cánh, vĩnh viễn không còn thoái chuyển, thẳng đến thành Phật. Đây là đại nguyện viên mãn thành Phật đạo, độ chúng sinh của tất cả chư Phật, cho nên tất cả chư Phật mới hết lòng hết dạ khuyến cáo.

Chúng ta đọc kinh, nghiên giáo (nghiên cứu giáo lý) phải có thể sâu sắc thể hội ý chỉ này, nỗ lực cố gắng, lão thật niệm Phật mới không phụ lòng tất cả chư Phật.

 

Buổi 38 ngày 06/11/2022

Hiện nay tu học pháp môn niệm Phật có thể giúp chúng ta đoạn trừ phiền não, tăng trưởng trí tuệ, thoát khỏi sanh tử, viên thành Phật đạo. Trong vô lượng pháp môn, đây là pháp môn thù thắng hi hữu đệ nhất, vô cùng khó gặp. Đặc biệt là các đạo tràng cộng tu hiện nay, không phải là sức người có thể làm được, mà là chư Phật Bồ tát gia trì, vì vậy đạo tràng có chư Phật hộ niệm, Long thiên ủng hộ. Mọi người ở trong đạo tràng này tu học, cần phải hết sức trân quý cái nhân duyên hiếm có khó gặp này, phải chăm chỉ nỗ lực, nhất định trong một đời này thành tựu viên mãn. 

Đời người hạnh phúc nhất là được cùng bạn bè chí đồng đạo hợp ngày ngày cùng nhau nói kinh luận đạo, đây là đời sống thù thắng không gì sánh bằng. Hoàn cảnh sinh hoạt này chính là thế giới Tây phương Cực Lạc. Chúng ta xem thấy ở trong kinh, người ở thế giới Tây phương Cực Lạc đến từ mười phương ba đời, họ buông bỏ những tập khí cũ, đến thân cận đức Phật A Di Đà và chư Phật Như Lai. Mỗi ngày cùng với đồng tham đạo hữu, hoặc trên mặt đất, hoặc ở không trung, hoặc đi kinh hành đều đang nói kinh luận đạo. Trong các hoàn cảnh tu học, thế giới Tây phương Cực Lạc là hoàn mỹ nhất, đây là đời sống chúng ta chân thật ước vọng, ngưỡng mộ. Vậy nên, chúng ta phải làm ra một điển hình, mô phạm, biểu diễn cho người thế gian xem thấy, họ hiểu được rồi cũng sẽ phát tâm nỗ lực đến học tập.

Chư Phật Như Lai khuyên chúng ta nghĩ Phật, nhớ Phật, niệm Phật, buông xuống tất cả những vọng tưởng khác. Tịnh tông niệm Phật vãng sanh bất thoái thành Phật được kiến lập trên nền tảng lý luận này. Từ xưa đến nay, người y theo phương pháp này tu hành chứng quả rất nhiều, họ đều là vì chúng ta làm ra tấm gương. Nếu dùng lời nói của người theo tôn giáo thông thường, thì những người này đều vì chúng ta làm kiến chứng. Trong “tam chuyển pháp luân” của Phật pháp, thì họ làm “chứng chuyển”, họ hiện thân thuyết pháp vì chúng ta làm minh chứng, nói rõ đây là sự thật.

Gần nửa thế kỷ đến nay, tuy chúng ta không đích thân nhìn thấy sự thật của việc vãng sanh, nhưng trái lại được nghe không ít trường hợp. Người ta vì sao có thể tự tại vãng sanh? Đây là việc mọi người đều muốn biết. Nhất là sống trong thời đại đầy rẫy tai nạn, tự tại vãng sanh là điều vô cùng quan trọng đối với chúng ta, chân thật là việc lớn nhất trong đời. Kỳ thật chỉ cần y theo kinh luận, đúng pháp tu học thì có thể đạt được. Cổ đức nói kinh Vô Lượng Thọ là kinh đệ nhất của Tịnh tông, vì kinh Vô Lượng Thọ giới thiệu đầy đủ nhất hoàn cảnh thế giới Tây phương Cực Lạc, phương pháp tu học nói được rất tường tận, quả báo sau khi vãng sanh cũng nói được rất viên mãn. Nếu chúng ta thật sự mong muốn tự tại vãng sanh, tu học từ ba tháng đến sáu tháng liền có thể thành tựu, cho nên pháp môn này thù thắng, được tất cả chư Phật tán thán ca tụng.

 

Buổi 39 ngày 20/11/2022

Sáu cõi luân hồi chính là ân ân oán oán đền ơn trả nợ lẫn nhau mà thôi, chúng ta hiểu rõ rồi thì sẽ buông xả, biết được thế gian này thật không dễ đùa. Chư Phật Bồ tát nhìn thấy được rất rõ ràng, vì chúng ta chỉ ra một con đường quang minh rộng lớn, chính là Phật pháp Đại thừa, mười phương cõi nước chư Phật. Trong pháp Đại thừa, Ngài lại nói cho chúng ta một pháp môn đặc biệt,  chỉ ra Báo độ thù thắng nhất là thế giới Cực Lạc của đức Phật A Di Đà trong các cõi nước chư Phật. Không chỉ có đức Phật Thích Ca giới thiệu cho chúng ta, mà kinh A Di Đà của Đại sư Cưu Ma La Thập phiên dịch cũng có sáu phương chư Phật tán thán; kinh A Di Đà của Đại sư Huyền Trang phiên dịch có mười phương chư Phật tán thán; kinh Vô Lượng Thọ cũng có mười phương chư Phật tán thán. Tất cả chư Phật Như Lai đều khuyên chúng ta cầu sanh về cõi Tịnh Độ Di Đà. Phật Bồ tát không bao giờ lừa gạt chúng ta, đối với lời nói của các Ngài nhất định chúng ta không được hoài nghi. Kinh điển truyền từ ngàn đời xưa đến nay, đích thực là từ Phạn văn của Ấn Độ phiên dịch ra, có người phiên dịch, có dịch trường phiên dịch, vậy nên chứng thật kinh văn rất đáng tin tưởng.
II. Khuyên tín nguyện chân thành, tha thiết
a. Nói rõ về tín chân nguyện thiết
Nếu chúng ta quả thật nhìn thấu, buông bỏ tự tư tự lợi, niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, thì như trong kinh A Di Đà nói “từ một ngày cho đến bảy ngày” liền có thể thành tựu. Từ xưa đến nay người y giáo tu hành, những trường hợp niệm Phật vãng sanh rất nhiều, phổ biến nhất là niệm Phật hai ba năm liền có thể vãng sanh. Vì sao có người niệm chưa đến bảy ngày, ngược lại có người phải niệm đến hai ba năm mới thành tựu? Người chân tín thiết nguyện, chân thật niệm đến chỗ không còn tự tư tự lợi thì tự nhiên cảm ứng hiện tiền, công phu thành tựu.
Chúng ta xem thấy trong Tịnh Độ thánh hiền lục, Vãng sanh truyện, Pháp sư Oánh Kha thời nhà Tống nhờ tin sâu nguyện thiết mà ba ngày đã có thành tựu. Nếu tín tâm, nguyện lực chưa đạt đến mức độ khẩn thiết thì phải niệm đến hai, ba năm. Vậy nên những vị này “sanh tử tự tại”, tuyệt nhiên không phải thọ mạng của họ đã hết, mà thọ mạng vẫn còn nhưng vãng sanh trước, đạo lý là ở chỗ này.
Nhất định phải nên biết, tất cả các pháp thế - xuất thế gian đều là giả, thân thể của chúng ta cũng là giả. Cho nên nói “mượn giả tu thật”, vãng sanh Tây phương Cực Lạc thế giới là thật, ngoài việc này ra thì tất cả đều là giả, chúng ta phải nhận biết cho rõ ràng.
b. Khuyên đầy đủ tín nguyện 
Từ xưa đến nay, người nương theo pháp môn niệm Phật tu hành vãng sanh rất nhiều. Chúng ta tỉ mỉ quan sát những điều kiện mà họ có, cơ bản không khác gì chúng ta, không hơn chúng ta là bao. Nhưng điều quan trọng nhất là họ có lòng tin kiên cố, chí nguyện khẩn thiết, buông xả tất cả, chân thật niệm Phật. Điểm này họ làm được, còn chúng ta vẫn kém họ một chút, vậy nên chúng ta cần phải nỗ lực và học tập theo họ.