Thái Thượng Cảm Ứng Thiên (Tập 89)

Thái Thượng Cảm Ứng Thiên (Tập 89)
Chư vị đồng tu, xin chào mọi người! Hôm nay có ba mươi tám bạn đồng tu của Tịnh Tông Học Hội Đài Bắc đến Singapore tham học, tôi vô cùng cảm ân. Trong đó có một số bạn đồng tu cũ đến từ Thư viện của chúng tôi. Kể từ sau khi Hàn Quán Trưởng vãng sanh, tôi yêu cầu tứ chúng đồng tu của Thư viện duy trì và bảo vệ mô hình hoạt động này của Hàn Quán Trưởng khi còn tại thế ít nhất ba năm, không được thay đổi. Điều này là chúng tôi đối với ân huệ ba mươi năm hộ trì của Hàn Quán Trưởng, nhưng trên thực tế chúng tôi chỉ làm được một năm. Sau khi Hàn Quán Trưởng vãng sanh tròn một năm thì Thư viện xảy ra biến cố, biến cố đó quá lớn, hoàn toàn nằm ngoài dự liệu của tôi. Suy nghĩ ban đầu là sau khi Hàn Quán Trưởng vãng sanh thì việc hoằng pháp do một mình tôi gánh vác. Khi đó chúng tôi có bốn đạo tràng trọng điểm, nên tôi tự mình xắp xếp là một năm ở Đài Loan ba tháng, ở Mỹ ba tháng, ở Singapore ba tháng, ở Úc ba tháng, tôi xắp xếp thời gian như vậy. Sau khi xảy ra biến cố ở Thư viện thì chúng tôi không thể không dời đi, hơn nữa toàn bộ đều lần lượt dời đi cả. Đây là điều tôi có nghĩ cũng không thể nghĩ đến được, cũng là điều mà Hàn Quán Trưởng không thể nghĩ đến. Hàn Quán Trưởng không những hy vọng đạo

Chư vị đồng tu, chào mọi người!

Hôm nay thật vô cùng hiếm có, đạo tràng của chúng ta có ba mươi bạn đồng tu đến từ Bắc Kinh, còn có đồng tu đến từ Mỹ, đến từ Hồng Kông, cuộc hội ngộ này vô cùng khó gặp. Các bạn đồng tu nghe kinh nghe pháp đã được một khoảng thời gian rồi, thế nhưng khi học Phật chúng ta cần nhận thức rõ ràng bản chất của Phật giáo là gì? Chúng ta thường nghe Tổ sư Đại đức bất luận là hiển, tông, mật, giáo đều dạy chúng ta tu từ căn bản, vậy thế nào là căn bản? Bản chất của việc Phật dạy học trong Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh, Phật đã nói vô cùng rõ ràng, minh bạch, đó chính là đoạn Kinh văn “Tịnh nghiệp tam phước”. Đặc biệt là hai câu đầu: “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng”, vì vậy Phật pháp là hiếu đạo, Phật pháp là sư đạo. Tu từ căn bản chính là bắt đầu tu từ điều này, hiếu đạo và sư đạo làm đến viên mãn thì thành Phật. Cho nên từ đầu chí cuối nhà Phật nói một chữ “Hiếu”, nói một chữ “Kính”, nếu như xa lìa “Hiếu Kính” thì không phải là Phật pháp, là tách rời khỏi Phật pháp rồi.

Chúng ta cần nhận thức bản chất của Phật pháp, tu từ căn bản, căn bản là gì vậy? Căn bản là tâm, hiếu kính phải sanh khởi từ trong tâm, phải từ chân tâm chứ không phải từ vọng tâm. Vọng tâm không phải là căn bản, chân tâm mới là căn bản. Cho nên nhà Phật xem trọng nhất chính là chân tâm, Phật nói với chúng ta lục đạo chúng sanh dụng tâm không phải là chân tâm. Chân tâm trong Phật pháp Đại thừa có tên gọi là “tâm Bồ-đề”, tâm Bồ-đề là chân tâm. Cho nên Đức Phật thường khuyên người cần phát tâm Bồ-đề, phát tâm Bồ-đề chính là dạy bạn dùng chân tâm, không được dùng giả tâm. Dụng tâm của phàm phu là hư tình giả ý, không phải chân thật, chân tâm vĩnh viễn không thay đổi, vọng tâm biến hóa trong từng sát-na hay chúng ta còn gọi là cảm xúc. Cảm xúc là vọng tâm, thiên biến vạn hóa, rất không ổn định. Vì vậy chúng ta cần hiểu được đạo lý căn bản dạy học của nhà Phật, nắm được trọng tâm này rồi chăm chỉ nỗ lực học tập sẽ rất nhanh, sẽ không lãng phí nhiều thời gian và cũng sẽ không đi vào những con đường oan uổng.

Trong Kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài Đồng Tử đã làm tấm gương cho chúng ta, một đời viên mãn thành Phật. Vì sao Ngài có thể làm được? Vì Ngài biết dùng chân tâm. Người bình thường thế gian chúng ta tu hành, vì sao thường nói phải tu ba đại A-tăng-kỳ kiếp? Là vì họ không biết dụng tâm, họ dụng tâm không chân thật. Nếu dụng tâm chân thật thì sẽ rất nhanh, thành Phật đâu cần thời gian dài như vậy. Đạo lý này chúng ta nhất định phải hiểu. Vì vậy học Phật nhất định phải bắt đầu từ “Hiếu dưỡng phụ mẫu”, hết thảy chư Phật Bồ-tát đều là hiếu tử, hết thảy chư Phật Bồ-tát đều là học trò ngoan. Nếu chúng ta bỏ quên điều kiện này thì sự tu học cả đời này của chúng ta đều là luống công. Nói cách khác, chúng ta vẫn không ngừng tạo tam đồ lục đạo, nhất định không thoát khỏi lục đạo luân hồi. Nếu muốn cuộc đời này thật sự thành tựu thì không thể không thật sự dụng công.

Phật pháp là sư đạo, là hiếu đạo, vì vậy không thể không xem trọng ân đức. Ngày nay trong xã hội, hiện tượng vong ân bội nghĩa rất nhiều. Phật dạy chúng ta “Tri ân báo ân”, Triệu Phác lão ở Bắc Kinh viết bốn chữ “Tri ân báo ân”, chúng tôi đã đem bốn chữ này in ra rất nhiều, đã in mười mấy vạn tờ để lưu thông trên khắp thế giới nhằm thức tỉnh mọi người biết tri ân báo ân. Đây là đạo lý căn bản của hiếu thân tôn sư. Một chút lòng tốt của người khác đối với chúng ta, chúng ta không được lãng quên, thường xuyên tưởng nhớ, nếu có cơ hội thì nhất định không quên báo ơn, niệm niệm khắc ghi. Người sống trong thế gian, chúng ta được thân thể, sanh mạng này là ân huệ của cha mẹ, đặc biệt là ơn dưỡng dục của cha mẹ. Khi còn là trẻ nhỏ, cha mẹ chăm sóc tỉ mỉ chu đáo từng li từng tí, chúng ta cần phải biết được. Cho nên Phật dạy người, trong nhà bạn có hai vị Phật sống bạn có biết hay không? Hai vị Phật sống mà Thế Tôn muốn nói đến ở đây chính là cha mẹ trong nhà của bạn, bạn cần phải cung kính cúng dường. Chúng ta hiểu rõ đạo lý này rồi, biết được làm thế nào tu hành. Điều này chính là thầy giáo dạy chúng ta. Bổn Sư của chúng ta chính là Thích-ca Mâu-ni Phật, vị thầy hiện nay của chúng ta chính là đệ tử truyền thừa của Thích-ca Mâu-ni Phật, tuy nhiên nếu chúng ta không có được giáo huấn của Ngài thì chúng ta làm sao biết được những đạo lý lớn lao này, chúng ta làm sao thành tựu được quả báo thù thắng như thế. Cho nên hôm nay chúng ta tự mình thực hành, giúp đỡ người khác, điều cơ bản nhất chính là tri ân báo ân.

Chúng tôi ngày nay có được một chút lợi ích trong Phật pháp là do nhận được giáo huấn của lão sư. Trong giảng đường phòng học của chúng tôi các bạn đều nhìn thấy hình ảnh các vị Thầy của tôi đều được treo ở phía trên. Phía trước là tiên sinh Phương Đông Mỹ, tôi học Phật là do Thầy giới thiệu, tôi theo học Triết học với Thầy. Thầy nói với tôi Triết học cao nhất trên toàn thế giới là Triết học trong kinh Phật, học Phật là sự hưởng thụ cao nhất của đời người. Sau này tôi tiếp xúc với Phật pháp thì Chương Gia Đại sư là người đầu tiên dạy tôi, phía bên này là hình ảnh của Chương Gia Đại sư, Ngài là người Nội Mông Cổ. Tôi theo học với Thầy ba năm, đặt được cơ sở nền tảng Phật pháp. Thầy vãng sanh rồi, đến năm sau thì tôi thân cận với lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam. Hình ảnh phía bên kia là của Thầy, tôi theo học với Thầy mười năm, học tập giảng kinh. Một tấm hình khác là của lão cư sĩ Hạ Liên Cư, Ngài là người hội tập Kinh Vô Lượng Thọ, sự cống hiến của Ngài đối với Tịnh Tông thời mạt pháp là hiếm có bậc nhất. Chúng ta hôm nay được đọc tụng thọ trì Kinh Vô Lượng Thọ đó là nhờ ân đức của Ngài. Cư sĩ Hoàng Niệm Tổ ở Bắc Kinh là học trò của Ngài. Chúng ta niệm niệm không quên ân đức của Thầy, thế nhưng sau khi hiểu rõ Phật pháp rồi thì việc tu học, dạy học không thể không có hoàn cảnh tốt đẹp.

Hoàn cảnh tốt đẹp cần dựa vào sự hộ pháp, công đức của hộ pháp vượt qua công đức của hoằng pháp. Nếu không có người hộ trì thì dù bạn có học vấn và đạo đức thế nào đi chăng nữa bạn cũng lực bất tòng tâm. Người hộ pháp vô cùng quan trọng. Chúng ta xem Lục Tổ Đàn Kinh của Thiền tông, sự thành tựu của Đại sư Huệ Năng là do người nào giúp Ngài vậy? Là do Ấn Tông, không có sự hộ trì của Ấn Tông thì cả cuộc đời của Đại sư Huệ Năng cũng sẽ bị chôn vùi. Có ai biết đến Ngài? Có ai nhận ra Ngài? Vì vậy Ấn Tông là đại hộ pháp của Ngài, điều này giúp nâng đỡ Ngài, thân phận và địa vị của Ngài được đại chúng xã hội khẳng định thì Ngài mới có thể phát triển việc dạy học, mang lại lợi ích vô biên, đó là đại công đức của Pháp sư Ấn Tông.

Sau khi tôi học xong ở Đài Trung thì nghĩ mãi không ra bước tiếp theo phải làm thế nào, vì khi đó trong giới Phật giáo có hiện tượng không hoan nghênh đối với việc giảng kinh thuyết pháp mà chỉ hoan nghênh đối với việc tổ chức kinh sám Phật sự. Khi đó tôi chỉ có hai con đường có thể đi, thứ nhất là cùng mọi người làm kinh sám Phật sự và thứ hai là hoàn tục. Khi tôi gặp khó khăn này thì gặp cư sĩ Hàn Anh, bà là người Đại Liên, người miền Bắc có nghĩa khí, khi thấy tình cảnh này của tôi, bà tận lực hộ trì. Tôi không có chỗ ở nên ở nhà bà, đã ở nhà bà mười bảy năm, sau đó chúng tôi mới xây dựng một thư viện nhỏ. Trong những năm này, bà thay tôi lo liệu, thuê giảng đường, mượn giảng đường, giới thiệu bạn bè thân thuộc đến nghe kinh, tôi ở trên giảng đài ba mươi năm không gián đoạn. Thành tựu hôm nay chúng tôi có là nhờ ân đức của bà, hình ảnh của Hàn Quán Trưởng treo ở phía đối diện với chúng tôi. Chúng tôi cũng niệm niệm không quên con cháu của bà, nếu họ gặp phải khó khăn thì chúng tôi sẽ toàn tâm toàn lực giúp đỡ họ. Khi tôi cư trú một thời gian ở San Jose - Mỹ, bà Hoàng cũng từng giúp đỡ chúng tôi. Trước đây khi tôi đến Singapore thì cư sĩ Trịnh Anh Lương đã giúp đỡ tôi, tôi đều niệm niệm không quên. Về sau do họ gặp phải một số nhân duyên nên đã rời xa tôi, có rất nhiều người đến nói với tôi là bà Hoàng nói rất nhiều lời không hay về Sư Phụ thì tôi lập tức ngăn lại, không cho nói tiếp nữa. Tôi hy vọng vĩnh viễn nhớ đến điểm tốt của người khác, trong tâm tôi không được có một chút tơ hào ô nhiễm, đây là đạo lý làm người cơ bản, đạo lý cảm ân.

 Không chỉ đối với người hoằng pháp lợi sanh mà bất cứ ngành nghề nào trong xã hội, khi bạn có thành tựu thì không tránh khỏi có sự đố kỵ chướng ngại, điều này là không tránh khỏi, người tung tin đồn nhảm rất nhiều. Nếu không có trí huệ chân thật thì rất dễ bị dao động. Lão cư sĩ Hạ Liên Cư là người rất tài giỏi, hội tập bản Kinh Vô Lượng Thọ này, bạn xem người phản đối ông có nhiều không? Người phỉ báng ông có nhiều không? Không cần nói đến ông mà ngay đến Thích-ca Mâu-ni Phật cũng có người phản đối, cũng có người phỉ báng huống hồ là chúng ta? Cho nên chúng ta cần hiểu rõ đạo lý, chúng ta đều buông xuống hết thảy những phỉ báng, chẳng cần màng đến, nhất định không được để trong tâm. Người khác đối với chúng ta có một chút điểm tốt thì chúng ta phải niệm niệm không quên.

 Sau khi Hàn Quán Trưởng vãng sanh, chúng tôi rời khỏi Thư viện, tôi gặp phải khó khăn lần thứ hai, nếu một mình tôi thì không sao, không có vấn đề gì, đi đến chỗ nào thì vẫn có nơi an thân lập mạng thế nhưng còn có rất nhiều bạn đồng học của Thư viện thì biết đi đâu đây? Ai có thể thu nhận chúng tôi? Tôi đến Singapore nói tình hình này với cư sĩ Lý Mộc Nguyên, cư sĩ Lý phát tâm phàm những người rời khỏi Thư viện thì Cư Sĩ Lâm Singapore hoàn toàn thu nhận. Tôi rất cảm động, thế nhưng tuy là ông hoan nghênh thu nhận nhưng chính phủ Singapore liệu có cho phép bạn cư trú ở đây không? Đây là vấn đề lớn, hộ chiếu Đài Loan đến nơi đây chỉ cho phép bạn lưu trú thời gian là một tháng. Điều này thật sự không thể nghĩ bàn, là sự gia trì của Tam bảo, mọi người đều có thể tạm thời cư trú tại Singapore là sự việc không dễ dàng chút nào. Thế nhưng nhiều người như vậy cư trú ở đây thì tài lực và vật lực đều nhờ cậy người khác rất nhiều, đôi bên chúng tôi tâm đều không an. Lúc này xuất hiện một vị là Hồ cư sĩ, bà tận lực giúp đỡ tài lực vật chất khiến thân tâm chúng tôi được yên tâm. Chính vì vậy sau khi Hàn Quán Trưởng vãng sanh thì cư sĩ Lý Mộc Nguyên và cư sĩ Hồ thay thế sứ mạng hoằng pháp lợi sanh của Hàn Quán Trưởng. Hôm nay tôi cư trú được ở Singapore, tôi rất biết ơn họ. Thế nên có rất nhiều nơi mời tôi nhưng tại sao tôi không thể đi, ân huệ của mọi người nơi đây lớn lao biết nhường nào. Nếu tôi rời khỏi nơi này thì làm sao xứng đáng với họ được. Họ vì cả một đoàn người chúng tôi mà xây dựng giảng đường, xây dựng niệm Phật đường ở đây. Các bạn ở Cư Sĩ Lâm đều đã nhìn thấy rồi, họ vì chúng tôi mà xây dựng. Ở nơi đây xây dựng lên Tịnh Tông Học Hội cũng là vì chúng tôi. Theo ước tính của tôi chi phí tổng cộng là ba mươi triệu đô-la Mỹ. Nếu chúng tôi muốn đến nơi khác thì khác nào chúng tôi là người vong ơn phụ nghĩa, làm sao xứng đáng với người được chứ. Cho nên rất nhiều nơi rất nhiệt tình chào mời, chúng tôi vô cùng cảm tạ, nhưng nhân duyên thời cơ có trước có sau, nơi đây là trước tiên, tôi không thể quên được.

Cả cuộc đời chúng ta sống trong thế giới cảm ân báo ân, tâm tình của chúng ta sẽ nhẹ nhàng vui vẻ, tiền đồ sẽ xán lạn. Chỉ cần chúng tôi có năng lực thì chúng tôi nhất định quan tâm, nhất định chăm sóc những đạo tràng khác ở các nơi. Các bạn đồng tu Bắc Kinh, hôm nay các bạn có thể tham quan đạo tràng nhỏ này của chúng tôi, diện tích tuy không lớn nhưng thiết bị là hiện đại hóa. Chúng tôi hôm nay ở đây nói vài lời với mọi người, các bạn thấy phía trước có máy ghi hình để phát đi toàn thế giới, những nơi nào có máy vi tính đều có thể xem được. Chúng tôi ở đây giảng kinh là giảng cho hết thảy đồng tu trên toàn thế giới, chúng tôi đều muốn làm một người tri ân báo ân, chỉ nhớ điều tốt người khác dành cho chúng ta mà không nên nhớ lỗi lầm của người khác đối với chúng ta, như vậy tâm của chúng ta sẽ hạnh phúc, trong tâm không có ô nhiễm, trong tâm không có phiền não, vĩnh viễn giữ gìn tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm từ bi.

Chúng ta học Phật, hy vọng chúng ta giống như Phật. Phật là “Tâm bao thái hư, lượng châu sa giới”. Tâm chân thành, tâm thanh tịnh của chúng ta hòa hợp với hư không pháp giới thành một thể. Tâm yêu thương từ bi của chúng ta cũng giống như tận hư không pháp giới dung chứa vô lượng vô biên chúng sanh. Điều này gọi là học Phật, điều này gọi là tu từ căn bản. Cho nên cổ Đại đức giảng nói về căn bản thì chúng ta cần hiểu được ý của các Ngài thì mới có thể học tập được.

Tâm tốt, ý niệm tốt, ngôn ngữ hành vi hơi kém một chút nhưng vẫn còn cứu được. Nếu như thân hành làm bộ làm tịch, làm ra vẻ rất tốt nhưng tâm không tốt, ý niệm không tốt thì cái gốc của người đó đã thối nát rồi, vẫn không cứu được. Cho nên nhất định phải là tâm tốt, ý niệm tốt. Chúng tôi tổng kết giáo huấn bốn mươi chín năm của Phật-đà, Ngài dạy chúng ta giữ tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi. Ngài dạy chúng ta xử sự đãi người tiếp vật cần nhìn thấu, buông xuống, tự tại, tùy duyên. Chúng ta nếu có thể y giáo phụng hành thì chính là phát tâm Bồ-đề, hành Bồ-tát đạo. Đây là con đường rộng lớn tươi sáng, chúng ta cần chăm chỉ nỗ lực học tập.

 

**********

Các vị đồng tu!

Chúng ta giảng Cảm Ứng Thiên đến đoạn thứ 80, đoạn văn thứ 80 này có bốn câu “Kiến tha vinh quý, nguyện tha lưu biếm. Kiến tha phú hữu, nguyện tha phá tán.” (Thấy người khác vinh hiển, sang cả, mong họ bị lưu đày, biếm trích. Thấy người khác giàu có, mong họ tàn mạt), trong chú giải cũng đã nói rất tường tận, nói rất hay.

Tôi đã từng báo cáo qua với các vị một lần rồi, mấy câu văn này của Thái Thượng có thể nói từ xưa đến này trong và ngoài nước đều không khó thấy được. Quan niệm và hành vi này là từ cái tâm tham sân đố kỵ, tạo ra tội nghiệp cực nặng mà chính mình không biết. Trong chú giải nói với chúng ta, vinh hoa phú quý của một người trong cuộc đời này không phải là ngẫu nhiên, mà do đời trước vun trồng. Đạo lý này trong Liễu Phàm Tứ Huấn đã phát huy vô cùng thấu đáo. Cho nên con người sanh đến thế gian này, liệu chúng ta có bao giờ nghĩ đến, vì sao ta lại đến thế gian này? Ta đến thế gian này là để làm gì? Hết đời này rồi ta lại đi về đâu? Có thể nói đây là vấn đề lớn của nhân sanh. Nếu có thể nghĩ đến vấn đề này thì người này bắt đầu dần dần giác ngộ. Chỉ cần thường xuyên để vấn đề này trong tâm mình, nhà Phật gọi là “nghi tình”, tiểu nghi có tiểu ngộ, đại nghi có đại ngộ. Thường xuyên nghĩ đến vấn đề, không cần thiết đi tìm cầu đáp án, tìm cầu đáp án là vọng tưởng, mà lâu dần sẽ ngộ nhập, hốt nhiên đại ngộ, bạn liền sẽ hiểu rõ.

Trong Kinh Phật nói với chúng ta “Nhân sanh thù nghiệp”, chúng ta nghe câu nói này cảm thấy rất buồn, thế nhưng đó là sự thật. Năm 1977, tôi giảng Kinh ở Hồng Kông, tại giảng đường Quang Minh của lão pháp sư Thọ Dã, trên đại điện giảng đường của ông treo một câu đối. Trên câu đối viết là “Phu thê là duyên, có thiện duyên, có ác duyên, oan oan tương báo”, vế thứ hai viết “Con cái là nợ, có đòi nợ, có trả nợ, không nợ không đến”. Cặp câu đối này đã viết ra tường tận mối quan hệ giữa người với người trong thế gian, quan hệ giữa người với người là gì vậy? Là ân oán nợ nần. Nếu không có ân oán nợ nần thì sẽ không gặp nhau. Chúng ta hằng ngày đi lại trên đường nhìn thấy không có ai chào hỏi bạn, đó là vì không có duyên. Nếu họ gặp gỡ bạn, cười với bạn, gật đầu với bạn thì đó cũng là duyên, nếu họ trừng mắt nhìn bạn, nhìn thấy bạn không vui, đó cũng là duyên, cái duyên này cạn, đại khái trong đời bạn chỉ gặp một lần, sẽ không gặp lại nữa. Nếu như duyên sâu thì sẽ trở thành bạn bè, trở thành thân thuộc, trở thành người một nhà, đó chính là sự việc như vậy. Cho nên, Phật nói với chúng ta “Nhân sanh thù nghiệp”, bạn tạo nghiệp báo trong đời quá khứ thì đời này bạn đến thọ báo. Đây là nói về chúng sanh trong lục đạo, không một người nào tránh khỏi. Phật Bồ-tát trong lục đạo hiện thân thuyết pháp, hiện thân là tùy loại mà hiện, chúng sanh có cảm Phật liền có ứng. Phật hiện thân thuyết pháp là vì điều gì? Là vì giúp đỡ những chúng sanh này giác ngộ, giác ngộ được thì tốt rồi, đem thiện duyên và ác duyên của bạn đều chuyển hóa thành Pháp duyên. Thế nên học Phật không có gì khác, học Phật chính là khai trí huệ, trí huệ khai mở rồi thì hiểu được làm thế nào để chuyển biến, chuyển thành Pháp duyên. Điều này mới có thể giải quyết được vấn đề.

Thánh Hiền thế xuất thế gian dạy chúng ta cần phải tích công lũy đức, cải thiện một cách triệt để. Tiên sinh Viên Liễu Phàm là một tấm gương, từ xưa đến nay trong và ngoài nước những tấm gương như ông rất nhiều, chỉ là không ghi chép ra thôi, không được lưu thông. Chuyện của ông được viết thành văn tự, người đời sau xem được thấy hoan hỉ, cho lưu thông với số lượng lớn nên chúng ta mới biết được là có một chuyện như vậy. Kỳ thực người giống như tiên sinh Viên Liễu Phàm, giác ngộ, sửa lỗi, thành tựu như thế này thì rất nhiều. Chúng ta cần hiểu rõ, chúng ta cần học tập. Vận mạng từ đâu mà có vậy? Vận mạng là do chính mình tạo ra. Trong đời quá khứ tạo nghiệp thiện, đời này đến hưởng phước, nếu trong đời quá khứ tạo nghiệp ác thì đời này phải chịu khổ chịu nạn rồi, không phải do người khác tạo cho mình, cũng không phải Thượng Đế tạo cho mình, cũng không phải vua Diêm La tạo ra cho mình, mà là bản thân chúng ta trồng nhân thế như nào thì đời này sẽ kết thành quả báo như thế đó. Đó chính là tự làm tự chịu. Hiểu rõ chân tướng sự thật thì bất luận là chúng ta hưởng phước hay chịu tội, trong tâm chúng ta vẫn rất bình lặng, sẽ không oán trời trách người. Nhìn thấy người khác có vinh hoa phú quý thì cũng không ao ước, nhìn thấy người khác chịu khổ chịu nạn thì tâm thương xót tự nhiên sanh khởi. Biết được hết thảy sự việc đều là do có nhân nên mới có quả thì chúng ta biết được làm thế nào để cải thiện.

Tổng nguyên tắc, tổng cương lĩnh của việc cải thiện là đoạn ác tu thiện. Chư Phật Bồ-tát các Ngài thực hiện được còn thù thắng hơn chúng ta, cao minh hơn chúng ta. Các Ngài có thể lìa hết thảy tướng mà đoạn ác tu thiện. Chúng ta ngày nay đoạn ác tu thiện, rất tốt, nhưng không làm được lìa tướng. Phật nói cho chúng ta biết nhân quả bên trong, nếu lìa tướng đoạn ác tu thiện thì bạn liền chuyển phàm thành Thánh, bạn liền trở thành Bồ-tát, trở thành Phật. Nếu bạn không lìa tướng mà đoạn ác tu thiện bạn sẽ được quả báo trong lục đạo, nói cách khác, đó là việc cát hung họa phước của phàm phu không phải là của Thánh nhân. Sự khác nhau giữa Thánh nhân và phàm phu chính ở chỗ có thể lìa được hết thảy tướng hay không. Việc này chúng ta có thể làm được không? Thật thà mà nói là có thể làm được, chỉ xem bản thân chúng ta có chịu làm hay không mà thôi. Nếu sẵn lòng làm, chịu làm thì không có điều gì là không làm được. Điều này chính là đại phước tối cao, phước báo của người thế gian không thể so sánh được.

Phật đạo là viên mãn rốt ráo trong thập pháp giới, vì sao con người không học Phật? Tại sao không học làm Phật? Tại sao cam tâm tình nguyện làm hàm phu trong lục đạo. Phàm phu trong lục đạo rất khổ, tuy rằng tu được một chút phước, được một chút vinh hoa phú quý, bạn đạt được tài phú, quyền lực, địa vị, nhưng thời gian ngắn ngủi chớp mắt liền qua rồi. Khi hưởng thụ vinh hoa phú quý thì rất dễ tạo nghiệp, vô tri vô giác liền tạo nghiệp, tạo nghiệp gì vậy? Là nghiệp gây trở ngại cho người khác, làm tổn thương người khác. Ví dụ một ngày ăn ba bữa cơm, ăn thịt chính là tổn hại chúng sanh. Động vật cũng là một sanh mạng, trong kinh Phật nói rất hay “Người chết làm dê, dê chết làm người”, con người sau khi chết đọa lạc vào đường súc sanh. Mấy tháng trước đây cư sĩ Tề ở Đông Thiên Mục Sơn kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện xảy ra ở khu vực của bà mà chính bà tai nghe mắt thấy. Buổi tối nọ, một người nông dân lái máy cày về nhà, trên đường gặp năm người muốn ngồi nhờ máy cày của anh ấy, họ muốn nhờ anh đưa họ đến một thôn trang khác nhanh một chút, họ nói có việc rất gấp. Anh ấy nói được, tôi đưa các anh đi, hai mươi đồng một người, tổng cộng là một trăm nhân dân tệ, rồi đưa họ đi. Họ đưa một trăm đồng cho anh, sau khi trở về anh rất vui sướng nhưng kết quả khi xem lại thì đó là tiền giấy vàng mã, anh cho rằng mình bị lừa nên cả đêm không ngủ được. Ngày hôm sau khi trời chưa sáng anh liền lái máy cày đến chỗ hôm qua để tìm người, “sao anh lại đưa tiền giấy cho tôi?” Khi gõ cửa nhà người ta thì họ trả lời “nhà chúng tôi không có ai đến cả”. “Tôi hôm qua rõ ràng nhìn thấy có năm người đi vào trong nhà anh, sao lại không có ai vào nhà được chứ?” Người chủ nhà nghĩ mãi rồi trả lời là không có ai, thật sự không có ai  đến. “Hôm qua con lợn nái già nhà tôi sanh được năm con lợn con”, anh ấy hết sức ngạc nhiên liền nói “vậy thì tôi phải đi xem mới được, người hôm qua đưa tiền cho tôi trên đầu có đội một cái mũ trắng”. Khi xem năm con lợn con thì quả nhiên có một con lợn con có mấy cái lông trắng trên đầu, nên anh mới vỡ lẽ là tối hôm qua anh gặp ma rồi. Đó là người đi đầu thai, người chết đi biến thành lợn, người ăn thịt lợn trong tương lai biến thành lợn bị người khác ăn lại.

Việc gần đây nhất là một bạn đồng tu ở Thiên Tân đến đây kể cho chúng tôi nghe chuyện người đầu thai làm chó, tôi đều yêu cầu họ ghi hình, băng ghi hình đó có ở đây không? Có thể tìm lại băng ghi hình đó rồi phát cho mọi người xem. Ở Thiên Tân có một bà lão, con trai bà đã mất được hai năm, kết quả đầu thai làm chó, canh cổng ở một ngôi chùa, đã báo mộng cho mẹ anh ấy biết. Mẹ anh ấy đến ngôi chùa đó nhìn thấy chó, chó nhìn thấy mẹ, người và chó ôm nhau mà khóc. Đây không phải là mê tín, hoàn toàn là sự thật. Cho nên hằng ngày ăn thịt động vật thì bạn đã gây tổn hại cho chúng sanh, đã tạo nghiệp rồi. Câu nói này chúng ta không thể nói, nếu nói người ta sẽ nói chúng ta mê tín, gây phản cảm. Bình thường chúng ta không nói những lời này nhưng chúng ta hiểu rất rõ ràng rất minh bạch, động vật cũng là một sinh mạng. Chúng ta đời trước cũng từng là súc sanh, trong tương lai vẫn sẽ làm súc sanh. Chỉ cần bạn không thoát khỏi lục đạo luân hồi thì bạn nhất định không tránh khỏi làm súc sanh, làm ngạ quỷ và đọa địa ngục. Trong Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện nói rất tường tận, rất rõ ràng điều này.

Phật thường nói “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”. Chúng ta được thân người, được nghe Phật pháp là điều hiếm có vô cùng không gì sánh được, nhất định trong đời này làm một cuộc chuyển đổi, hạ quyết tâm không bao giờ tạo lục đạo luân hồi nữa. Vậy có phương pháp nào đạt được mục đích này không? Phương pháp khẳng định là có. Không chỉ là Thích-ca Mâu-ni Phật nói với chúng ta mà hết thảy chư Phật mười phương đều khuyên chúng ta niệm A Di Đà Phật cầu sanh Tịnh Độ. Dùng pháp môn này thoát ly lục đạo luân hồi rất thỏa đáng, ổn thỏa nên gọi là “Vạn người tu vạn người đi”. Thế nhưng cần hiểu rõ ràng, minh bạch đối với lý luận của Tịnh Độ thì bạn mới không hoài nghi. Bạn hoài nghi thì bạn sẽ không thể xây dựng lòng tin được. Sau khi hiểu rõ ràng, hiểu minh bạch rồi thì mới đoạn nghi sanh tín. Trong mười hai mươi năm gần đây, chúng tôi tận mắt nhìn thấy người vãng sanh, tận tai nghe thấy người vãng sanh, không bị bệnh mà vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc, có người đứng mà vãng sanh, ngồi mà vãng sanh, hoan hỷ mà vãng sanh. Gần đây nguyên hội trưởng của Cư Sĩ Lâm trước đây là lão cư sĩ Trần Quang Biệt vãng sanh rồi, các bạn đồng tu ở đây đều nhìn thấy. Ông là đệ tử Phật lâu năm thế nhưng thật sự nghe kinh, hiểu rõ ràng đạo lý vãng sanh Phật pháp cũng chỉ là ba, bốn năm gần đây. Chúng tôi giảng Kinh ở nơi đây, khi ông sanh bệnh, những băng ghi hình giảng kinh của chúng tôi ông đều mang về nhà. Mỗi ngày xem tám giờ đồng hồ, ông đã xem qua bốn năm, lòng tin kiên cố, vạn duyên buông xuống, nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Ông biết ngày giờ vãng sanh trước ba tháng. Ba tháng trước khi ông vãng sanh, người nhà nhìn thấy ông viết chữ, viết ngày mùng bảy tháng tám. Ông viết mười mấy chữ ngày mùng bảy tháng tám. Mọi người đều không hiểu được đây là ý gì. Ngày mùng bảy tháng tám hôm đó ông đã vãng sanh, trước đó ba tháng đã biết trước rồi. Khi vãng sanh tinh thần tỉnh táo. Trước khi ông vãng sanh một ngày tôi đi thăm ông, ông rất tỉnh táo. Điều này là chúng tôi tận mắt nhìn thấy, các bạn đồng học xuất gia chúng tôi thay phiên nhau trợ niệm, khi trở về Cư Sĩ Lâm thì oan gia trái chủ của lão cư sĩ Trần đi theo Pháp sư của chúng tôi về Cư Sĩ Lâm. Những oan gia trái chủ này nhìn thấy Lão cư sĩ vãng sanh thế giới Cực Lạc cũng không báo oán, cũng không đòi nợ, tất cả đều hoan hỉ. Họ đến Cư Sĩ Lâm làm gì vậy? Họ yêu cầu được quy y, oan gia trái chủ nhập vào một đồng tu ở Cư Sĩ Lâm, vong nhập vào thân và nói họ có bao nhiêu người, là oan gia trái chủ của lão cư sĩ, họ đến là có thiện ý không có ác ý nên thần Hộ pháp ở cửa cho phép họ vào. Họ đi vào cùng với Pháp sư và yêu cầu quy y nên chúng tôi quy y cho họ. Sau khi quy y xong họ yêu cầu nghe kinh nên chúng tôi giới thiệu giảng đường ở tầng năm ngày ngày giảng kinh, bảo họ đến tầng năm nghe kinh. Họ nói ánh sáng ở tầng năm quá mạnh, họ nói chúng tôi nghe kinh ở đó sẽ rất khó khăn nên yêu cầu nghe kinh ở tầng hai và tầng một ở Cư Sĩ Lâm. Chúng tôi hiện tại mở ti-vi hai mươi bốn giờ đồng hồ không gián đoạn, phát băng ghi hình giảng kinh. Việc mở phát băng ghi hình giảng kinh là để cho quỷ thần nghe. Vị cư sĩ bị vong nhập khuyên anh em trong nhà anh ấy phải nghe kinh, anh ấy nói các anh mà không nghe kinh thì ngay đến quỷ cũng không bằng, quỷ còn đòi nghe kinh. Đây là sự việc xảy ra gần đây của chúng tôi, một chút cũng không giả, không phải là bịa đặt, chúng ta nhất định phải hiểu được, phải minh bạch. Khi hiểu rõ rồi thì sẽ giác ngộ, cuộc đời này của chúng ta cần lợi dụng cái thân thể quý giá này để tu tích công đức chân thật của chính mình thì tiền đồ của chúng ta, kiếp sau của chúng ta sẽ tươi sáng.

Tôi trong bốn mươi năm nay nhìn thấy người vãng sanh rất nhiều. Điều này không phải là truyền thuyết, cũng không phải là ghi chép trên sách xưa mà là tận mắt nhìn thấy, tận tai nghe thấy, một chút cũng không giả. Những người này làm minh chứng cho chúng ta, tu hành chứng quả là có thật, là sự thật. Chúng ta nên chăm chỉ nỗ lực tu học. Hiện tại xã hội này rất động loạn, thời cuộc không yên, toàn thế giới đều như vậy, cần phải chăm chỉ nỗ lực.

Được rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng tôi giảng đến đây. A Di Đà Phật!