Thái Thượng Cảm Ứng Thiên (Tập 69)

Thái Thượng Cảm Ứng Thiên (Tập 69)
Kính chào chư vị đồng học, lần trước tôi giảng đến câu: “Tri quá bất cải. Tri thiện bất vi” (Biết lỗi mà không sửa; Biết điều thiện mà không làm) Hai câu này thực sự là mấu chốt quan trọng của tu hành thế gian và xuất thế gian. Vấn đề chính là “tri”, “tri” trong Phật pháp chính là giác ngộ, trong Phật pháp gọi là khai ngộ, giác ngộ. Thế nào là khai ngộ? Thế nào là giác ngộ? “Tri quá, tri thiện” (biết điều lỗi, biết điều thiện) đều là giác ngộ. Sửa đổi lỗi lầm, hành thiện là tu hành, nếu như không giác ngộ thì tu hành sẽ khó khăn, không biết bắt đầu học từ đâu, cho nên “tri” (đạt đến chỗ biết) không hề dễ dàng. Thế Tôn thuyết pháp cho chúng ta 49 năm, mục đích cũng chính là dạy “tri” này cho chúng ta, để cho chúng ta có thể biết được hết thảy pháp chân vọng, tà chánh, đúng sai, thiện ác, lợi hại của thế gian và xuất thế gian, không gì khác hơn là giúp chúng ta kiến tánh. Kiến tánh là biết hết thảy, là không cần phải có người dạy. Phàm phu thì chưa kiến tánh. Các vị xem trong kinh điển, phàm phu có nội phàm, có ngoại phàm, đều gọi là phàm phu. Phàm phu trong lục đạo gọi là nội phàm, ngoại phàm là tứ

 

Kính chào chư vị đồng học, lần trước tôi giảng đến câu:

  “Tri quá bất cải. Tri thiện bất vi” (Biết lỗi mà không sửa; Biết điều thiện mà không làm)

 

 Hai câu này thực sự là mấu chốt quan trọng của tu hành thế gian và xuất thế gian. Vấn đề chính là “tri”, “tri” trong Phật pháp chính là giác ngộ, trong Phật pháp gọi là khai ngộ, giác ngộ. Thế nào là khai ngộ? Thế nào là giác ngộ? “Tri quá, tri thiện” (biết điều lỗi, biết điều thiện) đều là giác ngộ. Sửa đổi lỗi lầm, hành thiện là tu hành, nếu như không giác ngộ thì tu hành sẽ khó khăn, không biết bắt đầu học từ đâu, cho nên “tri” (đạt đến chỗ biết) không hề dễ dàng.

 

Thế Tôn thuyết pháp cho chúng ta 49 năm, mục đích cũng chính là dạy “tri” này cho chúng ta, để cho chúng ta có thể biết được hết thảy pháp chân vọng, tà chánh, đúng sai, thiện ác, lợi hại của thế gian và xuất thế gian, không gì khác hơn là giúp chúng ta kiến tánh. Kiến tánh là biết hết thảy, là không cần phải có người dạy. Phàm phu thì chưa kiến tánh. Các vị xem trong kinh điển, phàm phu có nội phàm, có ngoại phàm, đều gọi là phàm phu. Phàm phu trong lục đạo gọi là nội phàm, ngoại phàm là tứ Thánh pháp giới. Nói cách khác, các vị không siêu vượt ra khỏi thập pháp giới thì đều là phàm phu. Trong Nhất Chân pháp giới thì mới được gọi là Thánh nhân, đã kiến tánh rồi. Chưa minh tâm kiến tánh thì đều là phàm phu, nhận thức của phàm phu đối với chân tướng sự thật không rõ ràng, cho nên Phật Bồ-tát từ bi dạy bảo, giúp đỡ chúng ta nhận thức.

 

 Thực tại mà nói, về cấp độ giảng những câu này có sâu cạn không như nhau. Sâu xa nhất đó là phân biệt chân vọng, hạ xuống một cấp nữa đó là tà chánh, thị phi, thiện ác. Cạn cợt nhất là nói về lợi hại, đây là mức độ cạn nhất. Cái gì có lợi đối với chúng ta, cái gì có hại đối với chúng ta, người có thể phân biệt được điều này không nhiều. Do đó trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, đối với người, đối với vật, đối với việc, cử chỉ lời nói hành vi, phạm phải những lỗi lầm này thì đều có hại cho chính mình.

 

Cử chỉ lời nói hành vi nào có lợi, có hại đối với chúng ta, người biết được điều này không nhiều. Lợi là cái gì? Lợi chính là người khác hoan hỷ tán thán, dùng lời hiện nay mà nói chính là có ấn tượng tốt đối với chúng ta. Người khác có ấn tượng tốt đối với chúng ta, chúng ta làm việc sẽ thuận tiện hơn, sẽ được nhiều người giúp đỡ hơn. Hại là gì? Người khác có ấn tượng xấu đối với chúng ta, khiến cho người khác có ấn tượng xấu, tương lai chúng ta làm chuyện tốt cũng không được người khác giúp đỡ, sẽ gặp rất nhiều chướng ngại, phải hiểu đạo lý này.

 

 Đạo lý này ở nơi nào dạy vậy? Các vị tỉ mỉ mà xem, hiện tại ở Canh Tâm Viên dạy Đệ Tử Quy. Gần đây Canh Tâm Viên muốn may quần áo cho các em nhỏ, muốn mời tôi viết cho họ vài chữ, họ cầm Đệ Tử Quy tới, tôi xem một lượt từ đầu đến cuối. Chúng ta ngay đến thường thức này cũng không có, là dạy điều gì? Là dạy lợi hại, dạy các vị hiểu được cái gì là thiện, cái gì là ác, cái gì là lợi, cái gì là hại.

 

Trong Đệ Tử Quy chỉ dạy bốn chữ, “thiện ác lợi hại”, chúng ta chân thật phải học lại từ đầu. Tôi bảo thầy Nhẫn lấy thêm nhiều quyển Đệ Tử Quy một chút, hãy đem phát cho mỗi người chúng ta một quyển, mỗi ngày đều đọc tụng. Các em nhỏ đã học rồi, học xong thì phải dạy chúng, chúng biết đọc, chúng thuộc lòng, chúng biết hát nhưng ý nghĩa là gì chúng không hiểu, việc này không được, phải dạy chúng. Dùng ngôn từ đơn giản nhất để các em nhỏ có thể nghe hiểu được, sau khi học xong chúng có thể làm được, giáo dục như vậy mới xem là thành công. Chỉ dạy các em nhỏ biết đọc, biết thuộc lòng nhưng làm không được, giáo dục như vậy là thất bại rồi, cũng như là không dạy.

 

Cho nên chúng ta không thể xem thường việc biết lỗi, biết thiện này, đây là chuyện lớn. Đẳng Giác Bồ-tát vẫn còn lỗi lầm, vẫn phải biết lỗi, vẫn phải biết thiện. Các Ngài có lỗi lầm gì? Chúng ta đọc trong kinh điển xem thấy, các Ngài vẫn còn một phẩm sanh tướng vô minh chưa phá, các Ngài vẫn có lỗi lầm, vẫn phải cầu học cầu biết. Làm thế nào loại bỏ một phẩm sanh tướng vô minh sau cùng đó? Đến quả vị Như Lai mới không còn lỗi lầm nữa, lỗi lầm không còn, thiện mới viên mãn. Cho nên thiện của Đẳng Giác Bồ-tát vẫn chưa viên mãn, vẫn còn lỗi lầm chưa được loại bỏ. Chúng ta phải hiểu được đạo lý này, hiểu được chân tướng sự thật này, khiêm tốn cầu học. Trong Kinh Hoa Nghiêm các vị nhìn thấy đức Văn Thù, đức Phổ Hiền vẫn khiêm tốn ở đó cầu học, chúng ta làm sao có thể tự cho là ta học cũng không tệ, tự cho là mình đã thành tựu rồi. Thể hiện ở thái độ bên ngoài, cống cao ngã mạn, vậy thì sai rồi.

 

 Cho nên các vị Thánh Hiền Nho Thích Đạo ngày xưa dạy các em nhỏ, đầu tiên là dạy khiêm tốn nhường nhịn. Trong Tam Tự Kinh có nói “Khổng Dung 4 tuổi đã biết nhường lê”, đó là giáo dục. Em nhỏ bốn tuổi đã biết khiêm tốn nhường nhịn, anh trai lớn hơn ăn trái lê lớn; em trai nhỏ ăn trái lê nhỏ. Giáo dục hiện nay không hiểu được.

 

Chúng tôi ở nước Mỹ nhìn thấy con trai tranh xem ti vi với cha, cả hai đều muốn xem ti vi, con trai muốn xem ti vi lớn, cha hỏi nó: “Ti vi nhỏ ở đó, sao con không xem?”. “Con muốn xem ti vi lớn, người lớn xem ti vi nhỏ”, các vị xem thành ra cái gì đây? Không có giáo dưỡng, không hiểu được đạo lý. Nếu xã hội cạnh tranh, vừa cạnh tranh thì liền sụp đổ, xã hội vĩnh viễn loạn lạc không yên. Mọi người tranh giành lẫn nhau, không chịu nhường nhịn lẫn nhau, một chút tâm khiêm tốn cũng không có, tự cho mình là đúng, người khác đều không bằng mình. Chúng ta ngày nay đang làm cái gì? Chúng ta học Phật, học Phật là vì điều gì? Vì cứu khổ cứu nạn. Khổ nạn từ đâu mà có? Khổ nạn từ tư tưởng mà ra, từ kiến giải mà ra, ngày nay cách nghĩ cách nhìn đều sai rồi, chúng ta phải giúp đỡ các em nhỏ, chính mình phải làm tấm gương.

 

Thích-ca Mâu-ni Phật muốn giúp đỡ chúng sanh khổ nạn trong thế giới Ta-bà này, không thể không thị hiện khổ hạnh. Học Phật nhất định phải trải qua những ngày tháng vất vả như vậy hay sao? Không cần thiết.  Trong Kinh Hoa Nghiêm có nói “lý sự vô ngại, sự sự vô ngại”, làm gì nói nhất định phải trải qua những ngày tháng vất vả chứ? Vì sao Phật nhất định phải trải qua những ngày tháng vất vả đó? Ngài đem đời sống vật chất của mình hạ xuống mức thấp nhất để cho người khác xem, đem đời sống tinh thần nâng tới tiêu chuẩn cao nhất, khắp nơi đều khiêm tốn nhường nhịn, hết thảy chuyện tốt đều nhường cho người khác trước, chính mình thì ở vị trí sau cùng.

 

Theo cách nói của người thế gian thì đức Phật không hề nhận được báo đáp sao? Sự báo đáp này mọi người chúng ta đều nhìn thấy, mấy ngàn năm sau, nhắc tới Thích-ca Mâu-ni Phật, ai mà không tôn kính chứ? Lời dạy bảo của Thích-ca Mâu-ni Phật, có vị thiện tri thức nào mà không chịu y giáo phụng hành! Đây đều là sự báo đáp có được từ khổ hạnh của Thích-ca Mâu-ni Phật, ân trạch của Ngài vĩnh viễn lưu lại thế gian. Ngài là tấm gương của trời người, lão sư giáo hóa của trời người, Ngài làm là để cho chúng ta xem. Quan trọng nhất là để cho học trò xem, những người làm học trò như chúng ta, đều có thể lấy Ngài làm tấm gương, đều có thể nghiêm túc học theo Ngài, chúng ta lại làm cho đại chúng trong xã hội xem.

 

Phải chân thật có cái tâm chịu cải đổi lỗi lầm, chân thật có tâm chịu tu thiện thì người này chính là thiện nam tử, thiện nữ nhân mà trong kinh Phật thường nói đến. Thiện nam tử, thiện nữ nhân chân thật có tâm sửa lỗi tu thiện. Nếu muốn sửa lỗi tu thiện thì phải cầu học. Phải nên nhớ, không chứng đắc Phật quả cứu cánh viên mãn thì đều có lỗi lầm, đều nhất định phải tu thiện.

 

 Chúng ta từ trong kinh điển xem được, cho dù là chứng đắc Phật quả viên mãn thì vẫn phải tiếp tục đoạn ác tu thiện, không được dừng lại. Là vì điều gì? Là vì giáo hóa chúng sanh. Phật đã đoạn tất cả ác rồi, thiện đã viên mãn rồi, tại sao vẫn phải thị hiện đoạn ác tu thiện như vậy? Đó là vì giáo dục. Đích thực là chính mình không còn ác nữa, thị hiện đoạn ác; thiện viên mãn rồi, thị hiện tu thiện, Ngài từ bi đến cùng cực. Từ chỗ này chúng ta thể hội được ân đức của Phật vượt hơn cả cha mẹ, không có gì có thể sánh bằng. Ân đức lớn lao của Phật chúng ta làm sao có thể báo đáp đây? Dùng phương pháp gì để báo ân Phật?

 

Để báo ân thì các vị phải tri ân; không tri ân thì không thể nói tới báo ân. Đầu tiên các vị phải biết tri ân. Không có người dạy bảo thì chúng ta làm sao biết được ân đức của Phật? Phật có ân gì đối với chúng ta? Báo đáp ân Phật, chỉ có một phương pháp là y giáo phụng hành, đây mới thực sự là báo đáp ân đức của Phật. Hai câu tám chữ này [“Tri quá năng cải, tri thiện năng vi” (Biết lỗi có thể sửa, biết thiện có thể làm)] là tổng cương lĩnh, trong Phật pháp nói là pháp môn Đại tổng trì.

 

Trong Phật pháp nói: nhìn thấu, buông xuống. Nhìn thấu chính là “tri” (biết), biết lỗi biết thiện là nhìn thấu; buông xuống là sửa lỗi tu thiện, là công phu. Cho nên hai câu nói này chúng ta phải ghi nhớ thật kỹ trong tâm. “Tri quá năng cải, tri thiện năng vi” (biết lỗi có thể sửa, biết thiện có thể làm), vậy thì người này chính là Thánh Hiền.

 

Phải hạ công phu từ đâu? Phật dạy chúng ta bắt tay từ Thập Thiện Nghiệp đạo, đây là dạy người thông thường, giáo hóa hết thảy chúng sanh. Biết lỗi, cái gì là lỗi? Thập ác là lỗi. Cái gì là thiện? Thập thiện là thiện. Quy y cửa Phật, phát tâm làm đệ tử của Phật, Phật dạy chúng ta tam quy, ngũ giới, đó là căn bản. Tam quy là dạy chúng ta quay đầu, trong đây cũng có điều lỗi, cũng có điều thiện. Cái gì là lỗi lầm? Mê tà nhiễm là lỗi lầm. Cái gì là thiện? Giác chánh tịnh là thiện, ý này rất thâm sâu!

 

Tập khí mê-tà-nhiễm đã hình thành từ vô lượng kiếp, đời này có thể nói là từ lúc cha mẹ sanh ra cho đến hiện nay, chúng ta đều sống tùy thuận theo mê-tà-nhiễm, thật sai lầm. Phải biết thuận theo giác-chánh-tịnh. Cái gì là giác-chánh-tịnh? Hết thảy giáo hóa của Phật trong kinh điển là giác-chánh-tịnh. Cho nên tôi thường xuyên khích lệ các bạn đồng học, kinh điển là sự hiển lộ tánh đức của chúng ta, chúng ta nhất định không được xem Thích-ca Mâu-ni Phật là người thông thường, vậy thì các vị hoàn toàn sai rồi. Thích-ca Mâu-ni Phật là sự hiển lộ của tánh đức viên mãn, tánh đức của ai? Tánh đức của chính mình.

 

Chúng ta nhìn thấy vô số chúng sanh tạo nghiệp, vô số chúng sanh này cũng là hiển lộ từ tự tánh của chúng ta, là hiển lộ tự tánh mê-tà-nhiễm, mê-tà-nhiễm biến thành lục đạo, giác-chánh-tịnh biến thành Nhất Chân pháp giới, biến thành Tứ Thánh pháp giới. Cho nên tận hư không khắp pháp giới là một tự tánh, đạo lý này rất sâu, người hiểu được không nhiều.

Thế nhưng tu học Đại Thừa, nhất định phải xây dựng trên nền tảng [H1] [H2]  niệm này thì việc tu học Đại Thừa mới không bị chướng ngại, mới dễ dàng nâng cao. Tận hư không khắp pháp giới là một tự tánh. Duy Thức học nói tận hư không khắp pháp giới là duy thức. Thức là gì? Thức là năng biến (chủ thể biến đổi), cảnh giới là sở biến (đối tượng biến hiện ra). Tánh tông nói càng cứu cánh hơn, viên mãn hơn so với Tướng tông, tận hư không khắp pháp giới là một tự tánh. Chư Phật, pháp thân Đại sĩ là hiển lộ tánh đức viên mãn. Thập pháp giới, lục đạo là hiển lộ của mê-tà-nhiễm trong tánh đức. Chúng ta làm thế nào để sửa đổi mê-tà-nhiễm? Quy y giác-chánh-tịnh, đây mới là chân thật quy y, quy y Tam bảo tự tánh, chúng ta mới có thể chân thật được độ, rốt ráo được độ. Cho nên “Biết sai mà sửa thì không việc gì thiện bằng”.

 

**********

 

Các vị đồng học, xin chào mọi người. Đoạn thứ 57 trong Cảm Ứng Thiên:

Tri quá bất cải. Tri thiện bất vi” (Biết lỗi mà không sửa; Biết điều thiện mà không làm)

 

Tám chữ này có thể nói là tổng cương lĩnh, tổng nguyên tắc của hết thảy [sự giáo hóa] thế gian, xuất thế gian của Thánh Hiền, tôn giáo, chư Phật Bồ-tát. Xuất phát từ điểm chung này thì có thể dung hợp các dân tộc, văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng khác nhau của thế gian và xuất thế gian thành một thể. Tiêu chuẩn của thiện ác rất nhiều, đó là bởi vì được xây dựng trên sự không giống nhau về văn hóa, nhưng nói tới chỗ tinh diệu nhất thì nhất định là tương đồng.

 

Hai câu nói trên chúng ta đã thảo luận qua mấy lần rồi, nhưng mấy lần thật sự cũng giảng không đủ. Chúng ta suy ngẫm tỉ mỉ mà xem, Thích-ca Mâu-ni Phật giảng kinh thuyết pháp 49 năm, ngày ngày đều nói hai câu này, thiên kinh vạn luận cũng không rời xa nguyên tắc này. Lỗi lầm vô lượng vô biên, thiện hạnh cũng vô lượng vô biên. Người thế gian ngu muội nhận thức không rõ ràng, đem đúng sai, tà chánh, thiện ác điên đảo hết rồi, đây là sai lầm lớn, là lỗi lầm lớn.

 

Chư Phật Bồ-tát, đại Thánh đại Hiền đối với người đời đích thực là không hề có chút tâm trách cứ nào, điều này không giống với người thông thường chúng ta. Các Ngài được xưng là đại Thánh Hiền cũng vì điểm này. Các Ngài chỉ có tâm chân thành từ bi, chỉ có tâm yêu thương mà thôi. Nhìn thấy người thế gian cho dù tạo tội ngũ nghịch thập ác, chư Phật Bồ-tát vẫn là tấm lòng từ bi, vẫn là một tấm lòng chân thành. Như trong Kinh Vô Lượng Thọ có nói: “Người trước bất thiện, không có người dạy bảo, không nên trách họ”, chúng ta cũng phải học theo “không trách họ”. Người thế gian ai ai cũng là người tốt, ai ai cũng là thiện nhân, Phật trong Kinh Vô Lượng Thọ nói rất rõ ràng: “Nhất thiết giai thành Phật” (tất cả đều thành Phật). Kinh Hoa Nghiêm, Viên Giác nói càng thấu triệt hơn, “nhất thiết chúng sanh bổn lai thành Phật” (tất cả chúng sanh xưa nay vốn thành Phật), chúng ta phải ghi nhớ lời dạy bảo chân thật của Thế Tôn.

 

 Điều sau cùng của Tịnh nghiệp tam phước dạy bảo chúng ta “Phát Bồ-đề tâm, tin sâu nhân quả”. Phát Bồ-đề tâm là phát tâm giác ngộ triệt để, phải giác ngộ triệt để! Tin sâu nhân quả, nhân quả gì? “Niệm Phật là nhân, thành Phật là quả”. Muốn thành Phật thì phương pháp niệm như thế nào? Mấy ngày trước có vị đồng tu tới hỏi tôi, tôi cũng nói qua mấy lần rồi, nói thêm vài lần nữa để tăng thêm ấn tượng cho các đồng tu. Tôi niệm Phật, tôi nhìn thấy tất cả người, tất cả việc, tất cả vật trong tận hư không khắp pháp giới đều là A Di Đà Phật, người người đều là A Di Đà Phật, việc việc đều là A Di Đà Phật, vật vật đều là A Di Đà Phật, phương pháp niệm của tôi là như vậy. Tôi học được từ đâu vậy? Học được từ Kinh Vô Lượng Thọ, từ Kinh A Di Đà.

 

Thế giới Tây Phương Cực Lạc y chánh trang nghiêm, toàn là A Di Đà Phật biến hóa mà ra. A Di Đà Phật là ai? Là tự tánh của mỗi người. Tôi hiểu được đạo lý này, hiểu được chân tướng sự thật này, vậy nên mới hốt nhiên đại ngộ. Kinh Hoa Nghiêm nói tận hư không khắp pháp giới là “Duy tâm sở hiện, duy thức sở biến” (do tâm hiển hiện, do thức biến hóa). Tâm là trí huệ vô lượng vô biên, đức tướng vô lượng vô biên, danh hiệu của Ngài gọi là A Di Đà Phật. Cho nên tôi hiện tại niệm Phật khác với trước đây, cách niệm không giống nhau, niệm niệm đều là thân tâm tự tại, pháp hỷ sung mãn.

 

 Tổ sư Đại đức dạy chúng ta, tu hành phải bắt đầu từ căn bản, sửa đổi lỗi lầm phải bắt đầu sửa từ căn bản, hành thiện phải bắt đầu hành từ căn bản thì thành tựu của các vị sẽ rất nhanh, làm gì cần đến ba đại A-tăng-kỳ kiếp chứ! Chúng sanh thành Phật chỉ trong một niệm, chính là xem các vị có thể xoay chuyển được ý niệm hay không.

 

Văn Thù Bồ-tát thỉnh giáo Thế Tôn, một người tuổi trẻ tạo nghiệp, đến khi về già tu hành, vẫn có thể thành Phật không? Thế Tôn trả lời rất hay, “biển khổ vô biên, quay đầu là bờ”. Chúng ta phải dùng tâm Phật, tâm Phật chính là chân tâm, dùng tâm giác ngộ viên mãn mà nhìn người nhìn việc. Phật có cách nhìn như thế nào? Chỉ nói tới hiện tiền, không nói tới quá khứ. Hiện tiền là hiện tại, quá khứ không truy cứu nữa, quá khứ không nghĩ đến nữa, nghĩ quá khứ, nghĩ tương lại đều là vọng tưởng.

 

 Con người nếu cứ sống trong khái niệm về quá khứ, tương lai thì không thoát khỏi được luân hồi, không thoát ra khỏi thập pháp giới được. Vì sao vậy? Lục đạo luân hồi và thập pháp giới là huyễn tướng do vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của chúng sanh biến hiện ra, không phải là thật. Kinh Kim Cang nói với chúng ta, thập pháp giới y chánh trang nghiêm là “mộng huyễn bào ảnh”, lời Phật nói là chân thật. Mộng huyễn bào ảnh mà các vị còn muốn nghĩ tới nó, các vị còn phân biệt chấp trước nó, vậy thì không phải đã sai lại càng sai sao? Các vị đang tăng cường tam đồ lục đạo, làm sao có thể ra khỏi tam đồ lục đạo được?

 

Cho nên Phật dạy chúng ta phải hạ thủ từ căn bản, lìa khỏi hết thảy vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì không những lục đạo không còn, mà thập pháp giới cũng không còn, cảnh giới hiện tiền chính là cảnh giới của Chư Phật Như Lai. Chúng ta phải biết được đạo lý này, phải làm một cuộc chuyển đổi lớn, chuyển tâm phàm thành tâm Phật, chuyển cảnh phàm thành cảnh giới Phật. Kinh Hoa Nghiêm nói đến cảnh giới của Phật Hoa Nghiêm, sự chuyển biến này chỉ cách nhau giữa mê và ngộ, mê thì tất cả đều là mê, ngộ thì tất cả đều là ngộ.

 

Phật Bồ-tát trong kinh điển đều nói, nói thì nghe dễ dàng, chúng ta nghe dường như hiểu rồi, nhưng thực ra không thật hiểu. Vì sao vậy? Nếu thật sự hiểu thì các vị nhất định đã chuyển trở lại rồi. Chúng ta tu học không thể không để ý đến điểm này. Cảnh giới của chúng ta vẫn chưa xoay chuyển thì là chúng ta không hiểu, lời dạy của Phật chúng ta thể hội không thấu triệt, không thâm nhập. Nếu như chân thật minh bạch, thật sự hiểu rồi thì chỉ trong sát-na liền xoay chuyển, thật sự là không tốn chút công sức nào.

 

Không xoay chuyển được thì phải làm sao? Phải học, phương pháp duy nhất là hiếu học, nghiêm túc nỗ lực cầu học. Phương pháp học như thế nào? Tổ sư Đại đức dạy chúng ta “một môn thâm nhập, trường kỳ huân tu”. “Một môn thâm nhập, trường kỳ huân tu” là công phu giới định huệ. Giới chính là giữ quy tắc, dạy các vị một môn, đó là quy tắc, bảo các vị học một môn trong thời gian dài, đó cũng là quy tắc. Tại sao bảo các vị học một một, không bảo các vị học nhiều môn? Một môn thì dễ dàng chuyên tâm, dễ dàng đắc định. Nói cách khác, dễ dàng đoạn trừ phiền não, đoạn trừ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của các vị, ý nghĩa là ở chỗ này.

 

Khi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của các vị thật sự đoạn trừ rồi, không còn sanh khởi nữa thì gọi là đắc định. Trong định không có phân biệt, không có chấp trước, phàm có phân biệt, có chấp trước thì chưa đắc định. Định là tâm bình đẳng, định là tâm thanh tịnh, có chấp trước thì các vị không thanh tịnh rồi, có phân biệt thì không bình đẳng rồi. Cho nên đây là phương pháp tu định, định đến một mức độ nhất định thì trí huệ liền khai. Kinh Lăng Nghiêm nói rất hay, “Tịnh cực quang thông đạt” (thanh tịnh hết mức thì sáng suốt thông đạt), tâm địa thanh tịnh đến cùng cực.

 

Cùng cực cũng có khác biệt sâu cạn không đồng, chúng ta thấy trong Kinh Hoa Nghiêm, Viên Giáo Sơ Trụ Bồ-tát, định của Ngài đã đến cùng cực rồi, quang thông đạt rồi, quang thông đạt là kiến tánh, quang minh đó đã phá vô minh, thấy được tự tánh. Nhưng công phu đó vẫn còn cạn cợt, chỉ mới phá được một phẩm vô minh, thấy một phần chân tánh, sau đó phá hết 41 phẩm vô minh, đây là quả vị Như Lai rốt ráo. Cho nên “tịnh cực” này có 41 cấp bậc gọi là “cực”, thanh tịnh hết mức thì sáng suốt thông đạt.

 

Lúc này vô lượng vô biên pháp môn đều thông đạt rồi, có phải học nữa không? Không cần nữa. Vì sao không cần học nữa? Một tức tất cả, tất cả tức một, cho nên một pháp thông rồi thì pháp pháp đều thông, khế nhập một môn thì môn nào cũng đều đạt được. Đạo lý này hôm nay chúng ta đã hiểu, làm sao để thực hành? Phải xem công phu thực hành của các vị. Công phu thực hành nói thực ra chính là đem những gì các vị hiểu, các vị tin thực hành vào trong cuộc sống, đó là hành. Tín-giải- hành dung hợp thành một thể, đó gọi là chứng, chứng chính là khế nhập. Phẩm cuối cùng “Nhập Pháp Giới” của Kinh Hoa Nghiêm, làm sao để nhập? Tín-giải-hành dung hợp thành một là nhập, là chứng nhập. Chúng ta ngày nay khó ở chỗ nào? Tín-giải-hành chia làm ba, không phải là một, cho nên vĩnh viễn không thể khế nhập, vĩnh viễn không thể có được thọ dụng chân thật. Thọ dụng chân thật chính là tự tại vô ngại, pháp hỷ sung mãn.

 

Chúng ta đem một đời giáo dục của Thế Tôn, những gì Ngài đã nói trong 49 năm quy nạp lại thành mười điều: Chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi. Nhìn thấu, buông xuống, tự tại, tùy duyên, niệm Phật.

 

 Chân thành tràn đầy khắp hư không khắp pháp giới, tâm chân thành, tâm thanh tịnh cũng là viên mãn hư không châu biến pháp giới. Tâm bình đẳng, tâm chánh giác, tâm từ bi, không gì là không bao trùm tận hư không khắp pháp giới. Thực hành vào trong cảnh giới cuộc sống của chúng ta, nhìn thấu cũng chính là trọn hư không khắp pháp giới. Buông xuống, tự tại, tùy duyên đều tràn đầy tận hư không khắp pháp giới, đó gọi là niệm Phật, niệm Phật như vậy thì thành Phật rồi.

 

 Tôi cũng đem một chút tâm đắc mà chính mình tu học để chia sẻ với các vị đồng tu, để mọi người tham khảo, cũng là chứng minh cho mọi người câu “tin sâu nhân quả, niệm Phật thành Phật” là sự thật vô cùng chính xác. Chỗ hạ thủ công phu là “tri quá năng cải, tri thiện khẳng hành” (biết lỗi có thể sửa, biết thiện chịu làm). Thế Tôn dạy người tiêu chuẩn thấp nhất [để phân biệt] thiện ác chính là điều thứ nhất của Tịnh nghiệp tam phước: “hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp”. Nhất định phải thực hành mười sáu chữ này. Nếu như không thể thực hành mười sáu chữ này, cho dù là tu học pháp môn nào cũng không có được lợi ích, đều không thể thành tựu. Thượng thượng pháp không thể rời hạ hạ pháp, thượng thượng pháp và hạ hạ pháp là một không phải hai, hi vọng các vị đồng tu suy ngẫm sâu xa về cái ý này, nghiêm túc nỗ lực học tập.

 

Tốt rồi, hôm nay giảng đến chỗ này. A Di Đà Phật!

 


 [H2]thầy em bảo lí này là lí nhí. hihi