Thái Thượng Cảm Ứng Thiên (Tập 5)

Thái Thượng Cảm Ứng Thiên (Tập 5)
Các vị đồng học, xin chào mọi người! Chúng ta đã đọc qua bốn câu cương lĩnh của Cảm Ứng Thiên, cũng chính như Tư Mã Quang đã nói: “Ta để lại tiền của cho con cháu, con cháu chưa chắc giữ được. Ta để sách vở cho con cháu, con cháu chưa chắc đọc được. Tốt nhất là nên tích đức, tích công bồi đức thì con cháu của chúng ta nhất định có quả báo tốt”. Đây là chân thật hiểu được đạo của cảm ứng thì mới có thể nói ra được những lời này. Phật nói với chúng ta, từ quan hệ cha con, quan hệ anh em cho đến quan hệ giữa người với người đều không ngoài bốn loại duyên là báo ân, báo oán, đòi nợ và trả nợ. Nếu như không phải là bốn loại duyên phận này thì dù có gặp nhau cũng không quen biết, chúng ta gọi là người xa lạ. Trong đời này hễ có phát sinh mối quan hệ với mình thì nhất định là trong đời quá khứ đã có một trong bốn loại nghiệp duyên trên.

Các vị đồng học, xin chào mọi người!

Chúng ta đã đọc qua bốn câu cương lĩnh của Cảm Ứng Thiên, cũng chính như Tư Mã Quang đã nói: “Ta để lại tiền của cho con cháu, con cháu chưa chắc giữ được. Ta để sách vở cho con cháu, con cháu chưa chắc đọc được. Tốt nhất là nên tích đức, tích công bồi đức thì con cháu của chúng ta nhất định có quả báo tốt”. Đây là chân thật hiểu được đạo của cảm ứng thì mới có thể nói ra được những lời này.

Phật nói với chúng ta, từ quan hệ cha con, quan hệ anh em cho đến quan hệ giữa người với người đều không ngoài bốn loại duyên là báo ân, báo oán, đòi nợ và trả nợ. Nếu như không phải là bốn loại duyên phận này thì dù có gặp nhau cũng không quen biết, chúng ta gọi là người xa lạ. Trong đời này hễ có phát sinh mối quan hệ với mình thì nhất định là trong đời quá khứ đã có một trong bốn loại nghiệp duyên trên.

Trong nghiệp duyên có thiện, có ác. Chúng ta hiểu được thông suốt thì nhất định phải biết đoạn ác, tu thiện. Ta thiếu nợ người thì ta nhất định phải trả. Người khác lừa gạt ta, xâm phạm ta, cướp đoạt của ta, ta phải nghĩ là đang trả nợ thì trong lòng ta sẽ thoải mái và tự tại biết bao. Họ gạt ta, trộm cắp, cướp đoạt của ta, vì sao họ không đi lừa gạt, cướp đoạt của người khác? Vì trong đời quá khứ người khác không có cái duyên này với họ. Nói cách khác, trong đời quá khứ chúng ta đã từng lấy của họ, đã từng trộm cắp của họ, đã từng cướp đoạt của họ, hôm nay có nhân duyên gặp nhau thì họ dùng phương pháp này để lấy lại, nhân dịp này chúng ta trả nợ luôn! Cho nên, chúng ta phải hoan hỉ kết thiện duyên, không kết ác duyên cùng với tất cả chúng sanh, cho dù gặp phải ác duyên, quyết cũng không để ở trong lòng.

Người xưa nói: “Nhân giả vô địch (người có lòng nhân thì không có kẻ đối đầu)”. Một người nhân từ, người có lòng yêu thương, người có lòng từ bi thì họ trọn đời trọn kiếp tuyệt đối không có oan gia đối đầu. Lời nói này phải hiểu thế nào vậy? Oan gia đối đầu đương nhiên là có, nhưng trong lòng họ xác thực là không có. Tâm địa họ thanh tịnh từ bi, cho dù gặp oan gia đối đầu, họ cũng chân thành yêu thương oan gia. Khi thấy người đó gặp khó khăn, họ nhất định nhiệt tâm giúp đỡ, vẫn không ghét bỏ. Làm người như vậy thì phước báo sau này rất lớn. Cho dù đời trước ta không có tu phước, phước rất mỏng, nếu như cả đời ta có thể tin tưởng đạo lý của cảm ứng, y giáo phụng hành, ta làm rất chăm chỉ, rất nỗ lực, thì trong đời này phước báo liền hiện tiền.

Các vị đồng tu đều thấy rất rõ cuộc đời tôi. Đời trước tôi có tu huệ, không tu phước, cho nên đời này có được một chút huệ, không có phước. Đời sống vật chất của tôi vô cùng khó khăn. Tôi đã trải qua những ngày tháng khổ cực rất dài, nếu là người khác thì sẽ không chịu nổi. Thế nhưng tuổi tác tôi càng cao thì dường như phước báo càng thêm lớn. Đây không phải là do đời trước tôi tu mà do đời này tu được, các vị đều chính mắt nhìn thấy điều này. Cuối đời bất luận là làm việc gì cũng rất thuận tâm, đều rất tự tại. Đây là tôi làm sự chứng chuyển cho mọi người, nhà Phật nói “tam chuyển pháp luân”, tôi làm chứng minh cho mọi người. Chỉ cần tôi cố gắng đoạn ác tu thiện, đem lòng thương yêu chân thành, thanh tịnh, bình đẳng đối đãi với tất cả chúng sanh, không phân người thân, kẻ oán, bình đẳng như nhau; tôi không cầu phước báo mà phước báo tự nhiên hiện tiền; không cầu thọ mạng mà thọ mạng tự nhiên kéo dài.

Những thứ này tôi có mong cầu hay không? Không có, không hề có mong cầu. Tôi không nghĩ sẽ trụ lại lâu dài ở thế gian này, tất cả đều tuân theo lời giáo huấn của Phật Bồ Tát, tùy duyên qua ngày. Ngạn ngữ trong cửa Phật gọi là làm Hòa Thượng ngày nào, gõ chuông ngày ấy”. Sinh mạng tôi vẫn còn ở thế gian một ngày thì tôi sẽ vì Phật pháp, vì chúng sanh mà làm việc tốt một ngày. Tôi không mong cầu phước báo, tôi cũng không mong cầu danh vọng địa vị, trường thọ, không cầu bất cứ thứ gì, ngày tháng này làm sao mà không tự tại chứ? Một số người có lòng tốt rất lo lắng đối với đời sống của tôi, thường thường đến hỏi thăm, tôi cũng tùy duyên mà thôi. Cho nên phải hiểu sâu lý luận của báo ứng và chân tướng sự thật.

Sau đây là đoạn nhỏ thứ ba, thuộc về đoạn lớn thứ hai trong toàn văn. Đoạn lớn thứ hai thì nói đến việc thiên thần giám sát thế gian. Câu đầu tiên là tổng thuyết: “Thị dĩ thiên địa hữu tư quá chi thần, y nhân sở phạm khinh trọng dĩ đoạt nhân toán (Vì thế trong trời đất có các vị thần trông coi tội lỗi [của người đời]. Căn cứ con người đã phạm [tội lỗi] nặng hay nhẹ mà giảm bớt tuổi thọ của họ)”. Trong trời đất có thiên thần, có quỷ thần. Trong thiên thần, quỷ thần có một loại chuyên môn đi làm công tác điều tra. “Tư quá chi thần” chính là những người đi làm công việc giám sát. Họ thường ở thế gian để quan sát. Các vị phải nên biết, thiên thần và quỷ thần, Phật ở trong kinh nói họ đều có ngũ thông. Ngũ thông của họ là do phước báo mà có được. Họ không có lậu tận thông, còn thiên nhãn, thiên nhĩ, tha tâm, túc mạng, thần túc, họ thảy đều có đầy đủ. Sức mạnh thần thông của địa thần không bằng thiên thần, đương nhiên năng lực của thiên thần thì không thể sánh với người tu hành chứng quả. Nhưng đối với người thế gian chúng ta thì họ đều có đầy đủ năng lực đó, khởi tâm động niệm của chúng ta họ đều biết, đều có hồ sơ ghi chép. Sau khi ta chết thì phải chịu sự phán xét. Sự phán xét này, phần sau của quyển sách này nói đến rất nhiều. Tạo tác của chúng ta không chỉ là hành vi, dù hành vi thì rất là quan trọng, mà khởi tâm động niệm cũng là tạo tác.

Sau khi hiểu rõ ràng những chân tướng sự thật này, tâm lo sợ của chúng ta liền sanh khởi. Tâm lo sợ là khiếp sợ ác báo, ta khởi niệm ác, làm việc ác, tương lai nhất định không thể tránh khỏi ác báo. Cho nên gọi là “lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó thoát”. Người đời nay rất ít ai biết được đạo lý và sự thật này. Người không có thiện căn, không có phước đức, ta nói với họ thì họ cho là mê tín, họ nói đây là thần thoại, họ không tin tưởng, không tiếp nhận. Khi quả báo hiện tiền thì hối hận không kịp nữa.

Họ không thể tin, đây là “nghi” trong tham-sân-si-mạn-nghi, đây là phiền não rất nặng, làm chướng ngại trí huệ của bạn, khiến cho bạn tạo tác tội nghiệp vô lượng vô biên. Phật ở trong kinh đã nói với chúng ta, như trong kinh Hoa Nghiêm có nói, một người khi sinh ra thì có hai vị quỷ thần đi theo người đó cả đời không rời. Hai vị thần này ở trên hai vai, tự chúng ta không thể phát hiện được, người khác cũng không nhìn thấy được. Một vị gọi là Đồng Sanh, một vị gọi là Đồng Danh. Hai vị thiên nhân này được xem như là thiên thần, họ cả đời giám sát chúng ta, ngày đêm đều không rời khỏi, chúng ta thì không nhìn thấy họ. Hai vị thần này trong kinh Phật cũng có tên gọi khác là Thiện Ác Đồng Tử. Một vị thần thì giám sát cả đời làm thiện của ta, một vị thần thì giám sát cả đời tạo ác của ta, bạn có thể trốn khỏi hay không? Không có cách gì trốn khỏi! Đây là Phật nói ở trong kinh Hoa Nghiêm. Trong kinh Đại Thừa gọi là hai vị Đồng Tử Thiện Ác, cũng chính là Đồng Sanh, Đồng Danh mà trong kinh Hoa Nghiêm nói.

Chúng ta học Phật nhưng rất khó tin Phật. Tôi đã từng nói qua với các vị, sau khi xuất gia hai năm tôi mới thọ giới. Sau khi thọ giới, tôi đến Đài Trung thăm lão sư Lý. Lão sư Lý khi vừa gặp mặt liền chỉ vào tôi nói: “Ông phải tin Phật!”. Tôi cũng sững sờ ra. Tôi học Phật bảy năm thì xuất gia. Sau khi xuất gia thì liền giảng kinh, dạy học ở Phật học viện, tôi bắt đầu giảng kinh dạy học từ ngày xuất gia. Đã giảng kinh được hai năm rồi. Lão sư Lý khi vừa gặp mặt, chỉ vào tôi bảo rằng phải “tin Phật”, sau đó Ngài giải thích với tôi là có rất nhiều người xuất gia đến già chết, bảy, tám mươi tuổi vẫn không tin Phật. Lúc này tôi mới vỡ lẽ ra, làm sao mới gọi là “tin Phật”. Ta có thể hiểu rõ tất cả lời dạy bảo của Phật, ta có thể y giáo phụng hành thì gọi là tin Phật. Ta không hiểu rõ đạo lý, ta không làm được là ta không tin Phật. Từ đây chúng ta mới hiểu ra, thật sự có biết bao nhiêu người cả đời mặc bộ y phục này, ở ngay trong chùa miếu mà không tin Phật, không chân thật y giáo phụng hành. Người xuất gia như vậy, người tại gia cũng như vậy.

Thế nên trong tín, nhất định phải có nguyện, có hạnh. Nếu như không có nguyện, không có hạnh thì không gọi là tín. Trong tín nhất định phải đầy đủ “Giải-Hành-Chứng”. “Tín-Giải-Hành-Chứng”. “Giải” là thông đạt tường tận lý luận, phương pháp, cảnh giới mà Phật đã nói. “Hành” là phải áp dụng nó. “Chứng” chính là khế nhập. Như vậy thì ta mới được thọ dụng chân thật, trong Phật pháp gọi là được lợi ích chân thật.

Ngôn ngữ của Phật, như Thế Tôn ở trong kinh Kim Cang đã nói: “Chân ngữ giả”, “chân” là nhất định không giả. “Thật ngữ giả” là nhất định không hư dối. “Như ngữ giả” là nhất định tương ưng với sự thật. Không tăng, không giảm gọi là “như ngữ”. “Bất cuống ngữ giả” là nhất định không lừa gạt chúng sanh. “Bất dị ngữ giả” là nhất định không nói lời thêu dệt, không nói hai chiều, Phật không nói những lời nói giống như thật mà lại là giả. Lời nói của Phật là khẳng định. Phật nói với chúng ta, mỗi người chúng ta cả đời đều có hai vị thiên nhân là Thiện Ác Đồng Tử ngày đêm đi theo, một phút một giây cũng đều không rời khỏi ta. Nếu chúng ta thường nghĩ đến hai vị Thiện Ác Đồng Tử này đang ở bên cạnh ta thì khi khởi tâm động niệm, lời nói, việc làm của ta, làm sao có thể dám không cẩn trọng? Lời nói này của Phật nhất định không phải giả, nhất định không phải là lời lừa gạt chúng ta.

Chúng sanh từ vô thỉ kiếp đến nay, phiền não tập khí tích chứa rất sâu dày. Thời xưa có cha mẹ dạy bảo, có thầy dạy bảo, bè bạn khuyên bảo, hoàn cảnh tu học rất tốt, cho nên ác nghiệp của chúng ta ít, thiện nghiệp tương đối nhiều. Cảnh ngộ chúng ta hiện nay không giống như vậy. Văn hóa xưa, truyền thống xưa, người hiện nay không cần, không tin tưởng nữa, cha mẹ cũng không biết mà dạy ta, thầy cô cũng không để ý đến những việc này. Thế là trong cả đời này, chúng ta tùy thuận phiền não, tùy thuận tập khí, tạo tác tội nghiệp vô lượng vô biên, chúng ta làm sao mà không đọa lạc, làm sao mà không bị sự trừng phạt của thiên địa quỷ thần?

Cá nhân như vậy, gia đình như vậy, thế giới cũng là như vậy. Các vị xem các quyển sách nói về tiên tri ở trong các nhà sách hiện nay, có rất nhiều. Tôi rất ít đi dạo nhà sách, có nhiều vị đồng tu đã mua đem đến cho tôi xem. Tôi bây giờ cũng không cần xem nữa. Nói là năm 1999 - năm 2000 là ngày tận thế. Người thế gian tạo tác tội nghiệp quá nhiều, Thượng Đế tức giận muốn trừng phạt người thế gian. Cách nói này cũng phù hợp với đạo lý của cảm ứng. Vì sao người thế gian đều tạo ác? Vì không có người dạy họ. Vì sao không có người dạy? Phật Bồ Tát đại từ đại bi, vì sao không giáng sanh ở thế gian để dạy dỗ chúng ta? Vì người thế gian không chịu tiếp nhận! Vì vậy mới có đại kiếp nạn này. Hôm qua có một vị cư sĩ đến thăm tôi, hỏi tôi kiếp nạn này có thể tránh được hay không? Tôi nói lời thật lòng, rất khó tránh khỏi. Lý luận và phương pháp để tránh nhất định là có, nhưng không có cách gì thực hiện. Ai có thể sửa lỗi đổi mới? Ai có thể chịu buông bỏ lợi ích của chính mình, vì xã hội, vì chúng sanh mà phục vụ? Nếu như không chịu buông bỏ tự tư tự lợi, vẫn cứ làm những việc tổn người lợi mình, thì kiếp nạn này không có cách gì tránh khỏi. Cho nên phải hiểu được chân tướng sự thật này.

Thiên địa hữu tư quá chi thần”, chúng tôi chỉ giới thiệu ra hai vị Đồng Sanh, Đồng Danh mà trong kinh Hoa Nghiêm đã nói. Ngoài hai vị này ra, những thiên địa quỷ thần giám sát thế gian, ghi chép thiện ác của người, số lượng những quỷ thần này nhiều không thể tính đếm được. Trong các tôn giáo cũng nói là đều có ghi chép lại. Sự khởi tâm động niệm, lời nói việc làm của chúng ta đều không thể che giấu được ai. Nhất định phải tự mình biết, tự mình khắc phục phiền não của chính mình, khắc phục tập khí của chính mình, sửa lỗi đổi mới, nỗ lực tu hành. Chúng ta không cầu quả báo đời này mà cầu quả báo đời sau. Đời sau có đại phước báo, đời sau nhất định được lên cao hơn. Mục tiêu lên cao của chúng ta là thế giới Cực Lạc. Hãy nghĩ xem cái tâm mà ta đang có, lời nói của ta, việc đối nhân xử thế tiếp vật của ta, có đủ tư cách để đi đến Tây Phương Cực Lạc không? Sau đó liền biết được chúng ta niệm Phật cầu vãng sanh có nắm chắc hay không.

**********

Các vị đồng học, ngày hôm qua đã nói đến vì thế, trong trời đất có các vị thần trông coi tội lỗi [của người đời]. Căn cứ con người đã phạm [tội lỗi] nặng hay nhẹ mà giảm bớt tuổi thọ của họ”. Đây đều là sự thật. Tuyệt đối không phải là Phật Bồ Tát, cổ Thánh tiên Hiền dùng phương thức này để khuyên dạy người đời đoạn ác, tu thiện. Nếu chúng ta dùng thái độ như vậy để nhìn những sự việc này, vậy thì sai rồi. Đó là không biết lời của các bậc Thánh Hiền nói đều là lời chân thật, nhất định không có vọng ngữ. Phương pháp, phương tiện khuyên dạy người đời rất nhiều, nhất định không thể dùng đến phương pháp hư vọng giả dối. Người thế gian chỉ cần phát hiện ra bạn có một lần vọng ngữ thì về sau có nói cái gì họ cũng không tin. Trên thế giới có rất nhiều quốc gia như là nước Mỹ, Úc cũng là như vậy, bạn làm việc với cơ quan công quyền của chính phủ, nếu có một lần lừa dối, có vọng ngữ, họ ghi chép lại trong hồ sơ, về sau bạn có nói gì họ cũng sẽ không tin. Pháp thế gian mà còn như vậy, huống hồ chư Phật Bồ Tát. Những bậc đại thánh đại hiền này, lời của các Ngài đã nói, chúng ta nên chăm chỉ phụng hành. Nhưng mà Phật Bồ Tát đã từng nói với chúng ta, trời đất tuy có những vị thần quán sát thiện ác của người thế gian, nhưng nếu ý niệm của chúng ta chuyển đổi lại thì tình trạng này liền hoàn toàn khác đi.

Thánh nhân của thế gian dạy bảo chúng ta: Khắc niệm tác Thánh”. Niệm là vọng niệm. Khắc phục vọng niệm thì bạn chính là Thánh nhân. Mà thiên địa quỷ thần đối với Thánh Hiền nhân thì đều rất tôn kính, đều rất bảo hộ. Tình trạng liền hoàn toàn khác nhau, đến cảnh giới của Phật Bồ Tát thì càng cao hơn. Trong chú giải có trích dẫn một đoạn của kinh Hoa Nghiêm, sau đó là giải thích của tổ sư đại đức, dạy bảo chúng ta công phu khắc kỷ. Phải từ chỗ khó khắc phục nhất mà dụng công. Khắc kỷ chính là sửa lỗi đổi mới. Chúng ta tự mình phải phản tỉnh, ở trong đời sống hằng ngày, lỗi lầm nào là lớn nhất thì từ ngay chỗ lỗi lầm lớn nhất đó mà bắt tay vào. Lỗi lầm lớn là cái rất khó sửa, mà chúng ta sửa đổi được rồi thì lỗi lầm nhỏ sẽ rất dễ dàng.

Đặc biệt là trong hoàn cảnh hiện tại này, chúng ta thấy có những truyền thuyết từ xa xưa, lời đồn kiểu này rất nhiều, thường có thể xem thấy. Dường như đều tập trung ở trong ba năm 1999 - 2000 - 2001, thế gian sẽ xảy ra tai nạn rất lớn. Tai nạn từ đâu đến vậy? Do ác nghiệp của chúng sanh chiêu cảm đến. Đây là cái lý của cảm ứng. Truyền thuyết chưa hẳn là thật. Thế nhưng chúng ta tỉ mỉ quan sát xã hội này, thế đạo nhân tâm bất thường! Họ bài trừ tất cả thiện pháp; hoan hỷ tiếp nhận tất cả ác pháp; người ta nghe thập thiện nghiệp đạo rồi lắc đầu; “tạo mười ác nghiệp” thì họ lại gật đầu, vậy thì còn cách gì nữa? Tham-sân-si-mạn, lừa dối người khác, niệm niệm đều muốn khống chế, muốn chiếm hữu hết thảy người sự và vật, luôn làm những việc tổn người, lợi mình. Kỳ thật, tôi đã nói rất nhiều. Tổn người thì nhất định không thể lợi mình. Họ đã hiểu sai rồi! Cho rằng làm tổn hại người thì có thể lợi mình. Nhưng hại người là hại chính mình. Bạn hiện tại đạt được cái lợi đó rất ít, sau khi chết chắn chắn đọa tam đồ, cái khổ đó ắt phải chịu. Thông suốt được đạo lý này, hiểu rõ sự thật này thì trước mắt chịu khổ một chút có là bao? Đời sau sẽ hưởng phước báo nhân thiên.

Càng thù thắng hơn nữa là niệm Phật vãng sanh làm Phật, làm Tổ. Đây mới là đại lợi ích chân thật. Nếu bạn muốn đạt được lợi ích chân thật thì cần phải sửa đổi lỗi lầm của chính mình, không thể không sửa, không th̉ể không thay đổi. Chỗ không giống nhau của tất cả chúng sanh và chư Phật Bồ Tát là tâm Phật là chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, từ bi, còn tâm phàm phu hoàn toàn trái nghịch lại. Tâm phàm phu là hư ngụy, là hư giả, ô nhiễm, có cao thấp, có tự tư tự lợi. Chân thật sửa đổi thì phải từ nơi tâm mà sửa. Nếu thật sự có được tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng thì nghiệp chướng từ vô lượng kiếp đều được tiêu trừ.

Giống như trong kinh Đại Thừa thường nói: “Tâm bao thái hư, lượng châu sa giới (tâm lớn như hư không, bao trùm khắp pháp giới), mọi người đều đã từng nghe qua câu này. Phật dạy: “Lấy từ bi làm gốc, lấy phương tiện làm cửa. Từ bi là lòng yêu thương chân thành, lòng thương yêu thanh tịnh, bình đẳng thì gọi là từ bi. Tình yêu thương này là tận hư không khắp pháp giới. Chúng ta xem thấy trong các tôn giáo khác cũng thường nói “Thượng đế ái thế nhân”. Do đây có thể biết, hư không pháp giới chỉ có một thứ chân thật, đó chính là yêu thương. Có thể yêu thương tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới, đây mới là thật sự yêu thương chính mình. Đạo lý này là chân tướng sự thật. Nghiệp nhân quả báo trong kinh đã giảng nói rất rõ ràng, rất minh bạch.

Chúng ta tu hành như vậy, các vị nghĩ xem, những “thiên địa tư quá chi thần” này còn có thể ghi chép lỗi của ta, đoạt đi số mạng của ta nữa hay không? Không thể được! Cũng chính là ta đã vượt quá phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của họ. Hễ bạn còn dùng vọng tâm, còn có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, vẫn còn muốn làm những việc không thể cho người ta trông thấy hoặc biết đến, thì ta còn ở trong phạm vi trách nhiệm của thiên địa quỷ thần, ta không cách gì vượt qua họ, việc này phải nên hiểu, phải nên biết. Trong chú giải có một câu chuyện nói về tiên sinh Vương Dụng Dư của triều nhà Minh. Câu chuyện này rất dài, ý nghĩa rất sâu, đáng để chúng ta cảnh giác. Câu chuyện này là thật, không phải giả, từ câu chuyện này mà chúng ta hiểu được cái mà người thế gian gọi là một miếng ăn, một giọt nước, không gì là không định sẵn”. Ai định vậy? Là quả báo mà tự mình đoạn ác tu thiện, tích công bồi đức mà đạt được.

Vương Dụng Dư tiên sinh ba đời đều tích đức, từ ông nội, đến cha ông rồi đến ngay cả đời ông chưa từng lừa gạt một người. Dùng tâm thuần chánh đối nhân xử thế tiếp vật, có thể xả mình lợi người, hoan hỷ giúp đỡ người khác, hết lòng hiếu đễ, cho nên sự tích của cảm ứng rất rõ ràng. Thời xưa thi cử là đường công danh, tham gia kỳ thi cử của quốc gia, chúng tôi cũng đã từng nghe người ta nói qua, tham gia thi cử có thể thi được hay không, nhân tố thứ nhất là âm công, nghĩa là âm đức mà ta đã tích. Đầu tiên là âm công. Tổ tông của người này nhiều đời tích âm đức thì đến đời người này sẽ phát đạt. Cho nên, kiết hung họa phước là do tu mà có, điều này phải hiểu. Chưa được minh tâm kiến tánh thì tất cả đều là do tu đức, chúng ta phải đặc biệt lưu ý.

Hôm trước, tôi nghe nói Pháp sư Tường Vân bị bệnh rất đột ngột, nghe nói bây giờ ông đang ở trong bệnh viện, bất tỉnh nhân sự. Vì sao khi ra đi người xuất gia chúng ta không thể sánh được với người tại gia? Chúng ta ở nơi đây nhìn thấy người tại gia niệm Phật vãng sanh, thoại tướng hy hữu. Năm ngoái, Hội trưởng của Hội Quan Âm Cứu Khổ là Lâm Y Sanh vãng sanh. Tôi có đi thăm ông, cũng có rất nhiều đồng tu đến trợ niệm cho ông ấy. Khi ông ra đi thần trí rõ ràng tỉnh táo, ông nói với mọi người: “Tôi không nhìn thấy các vị nữa, chỉ nhìn thấy một vầng kim quang” và ông liền ra đi. Người thấy Phật Bồ Tát tiếp dẫn vãng sanh, chúng tôi nghe đến rất nhiều, thậm chí người đọc kinh niệm Phật có rất nhiều cảm ứng không thể nghĩ bàn. Chúng ta biết những cảm ứng này nhưng chúng ta không nên nói. Hễ dùng tâm chân thành mà tu học, đoạn ác tu thiện sửa lỗi đổi mới, lão thật niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ thì nhất định được sanh.  

Ở cuối đoạn chú giải này có nêu lên một câu chuyện nhỏ. Thời nhà Tống có vị An Thiền Sư ở chùa Quang Hiếu. Trong thiền định, ông nhìn thấy có hai người xuất gia đang nói chuyện. Ban đầu hai người này nói chuyện, bên cạnh có thiên thần ủng hộ, thế nhưng trải qua không bao lâu mấy vị thiên thần này đều đi mất. Sau khi thiên thần đi rồi thì có một số ác quỷ đến vây quanh lấy họ, nhổ nước bọt và mắng chửi họ. Nguyên nhân gì vậy? Hai vị xuất gia này nói chuyện với nhau, ban đầu là bàn luận Phật pháp nên thiên thần ủng hộ. Sau khi nói Phật pháp xong, họ bàn chuyện gia đình nên thiên thần đi mất. Sau đó lại nói đến danh văn lợi dưỡng thì ác quỷ liền đến. Các vị phải nên biết, khi ta khởi tâm động niệm một niệm chân thiện thì chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần ủng hộ; một ác niệm vừa mới sanh thì khiến yêu ma quỷ quái liền kéo đến. Cho nên, thảo luận chuyện thế gian đều bị quỷ thần khiển trách, nếu như nghĩ đến danh văn lợi dưỡng thì đó là tạo tội nghiệp.

Chúng ta thử nghĩ xem, thân-khẩu-ý ba nghiệp của con người hiện nay đã tạo, so với hai người xuất gia nói trên chỉ có hơn chứ không kém. Hai người họ vẫn còn thảo luận Phật pháp, nhưng [người] hiện nay gặp mặt đều nói về danh văn lợi dưỡng, mấy ai còn thảo luận Phật pháp? Cho nên thế gian này “Pháp nhược, ma cường”, chúng ta cần phải hiểu rõ ràng, hoằng pháp lợi sanh làm gì mà không gặp chướng ngại?

Chỉ cần chúng ta có tâm chánh, hạnh chánh, có được thời gian một ngày thì làm việc tốt một ngày. Trong các việc tốt thì thù thắng nhất chính là hoằng pháp lợi sanh. Có một số người đến hỏi tôi phải nên làm thế nào để xây dựng một đạo tràng? Xây dựng đạo tràng không khó, khó là cái tràng đó có đạo hay không! Có đạo là gì? Nhất định phải có giảng kinh. Ngày nay có rất nhiều người trên thế giới đến Singapore để tham học, tán thán đạo tràng này. Đạo tràng này thù thắng hưng thịnh. Vì sao nó hưng thịnh, vì sao nó thù thắng? Đạo tràng này mỗi ngày đều có giảng kinh, một năm, ba trăm sáu mươi ngày, chưa từng gián đoạn. Niệm Phật đường niệm Phật ngày đêm hai mươi bốn giờ không gián đoạn. Mỗi ngày đều như vậy, cho nên khiến đạo tràng này hưng vượng. Trên dưới mấy ngàn người không ai có ý kiến, mọi người cùng chung sống hòa thuận. Ngày ngày đều phải giảng kinh, ngày ngày đều phải niệm Phật. Nếu ba ngày không giảng kinh, ba ngày không niệm Phật thì ý kiến liền đến, mọi người liền nghĩ ngợi lung tung, mỗi người có phân biệt, có chấp trước của mỗi người, vậy thì không phải là đạo tràng nữa. Các vị phải nên hiểu đạo lý này.

Chúng ta phải tích cực bồi dưỡng nhân tài hoằng pháp. Bồi dưỡng nhân tài hoằng pháp bằng cách nào? Huấn luyện từ trên giảng đài. Ta không thể ngày ngày lên giảng đài thì ta làm sao có thể giảng được hay? Nếu ta muốn giảng một bộ kinh cho hay, giảng cho thấu triệt thì mỗi ngày ta phải lên giảng đài luyện tập. Thành khẩn, cung kính tiếp nhận sự chỉ giáo phê bình của đại chúng; cố gắng sửa lỗi đổi mới thì tự mình mới có thể tiến bộ. Thật sự muốn giảng được tốt, không những phải biết phương pháp kỹ xảo giảng kinh, mà còn phải có đạo tâm chân thật. Mỗi chữ, mỗi câu đều từ trong tâm tánh lưu lộ ra, đó mới là thật. Đây chính là mình phải có công phu tu chân thật; không có công phu chân thật thì tuy có những kỹ xảo nhưng ta vẫn không đạt được hiệu quả. Nhất định là phải “tự hành hóa tha”, tự mình tu hành có công phu thì mới có thể thật sự giúp đỡ được người khác, mới có thể khởi tác dụng cảm ứng đạo giao. Câu này trong Cảm Ứng Thiên (“Thị dĩ thiên địa hữu tư quá chi thần…”) nhắc nhở chúng ta, cảnh tỉnh sách tấn chúng ta, khiến cho chúng ta biết được, thật đúng như người đời đã nói: “Ngẩng đầu ba thước có thần minh”. Đây nhất định không phải là vọng ngữ, nhất định không phải là lừa gạt người. Chúng ta phải nên có sự cảnh giác, chăm chỉ nỗ lực tu học, hy vọng nâng cao cảnh giới của chính mình, siêu vượt phạm vi quyền hạn của quỉ thần, vậy thì ta thật sự thành công.

Được rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng tôi chỉ giảng đến đây thôi.