Thái Thượng Cảm Ứng Thiên (Tập 119)

Thái Thượng Cảm Ứng Thiên (Tập 119)
Kính thưa các vị đồng học của Tịnh Tông Học Hội Úc Châu, xin chào mọi người! Sáng sớm hôm nay tôi nhận được điện thư của các vị. Biết được hôm nay là viên mãn Thanh Minh Phật Thất của các vị. Thanh Minh là một tập tục của người Trung Quốc. Tảo mộ tế tổ là một ngày lễ quan trọng. Chúng ta hiểu được ở Trung Quốc ngày xưa, sự dạy học của ba nhà Nho Thích Đạo đều được xây dựng trên nền tảng của hiếu đạo. Đời trước còn có đời trước nữa, quá khứ vô thủy. Đời sau vẫn còn có đời sau nữa, vị lai vô chung. Vô thủy vô chung là một người. Ý nghĩa của chữ này lại suy ra, mở rộng ra chính là trong nhà Phật đã nói “hết thảy chúng sanh trong tận hư không khắp pháp giới là chính mình”. Đây là bổn ý của chữ này. Chữ “chính mình” này ở trong Phật pháp gọi là pháp thân thanh tịnh, chân như tự tánh. Đây là “Hiếu”. Ở trong chân như tánh đức không có vọng tưởng, không có phân biệt, không có chấp trước thì làm gì có tham sân si chứ? Thế là chúng ta liền hiểu rõ. Khởi tâm động niệm ngôn ngữ tạo tác của chúng ta không thuận với tánh đức thì chính là đại bất hiếu. Hiếu đạo thực hiện từ chỗ nào vậy? Bắt đầu làm từ chỗ nào? Thánh nhân thế xuất thế gian tuy là khác nhau nhưng cùng một lời giáo huấn chúng ta:

 

Kính thưa các vị đồng học của Tịnh Tông Học Hội Úc Châu, xin chào mọi người!

Sáng sớm hôm nay tôi nhận được điện thư của các vị. Biết được hôm nay là viên mãn Thanh Minh Phật Thất của các vị. Thanh Minh là một tập tục của người Trung Quốc. Tảo mộ tế tổ là một ngày lễ quan trọng. Chúng ta hiểu được ở Trung Quốc ngày xưa, sự dạy học của ba nhà Nho Thích Đạo đều được xây dựng trên nền tảng của hiếu đạo. Đời trước còn có đời trước nữa, quá khứ vô thủy. Đời sau vẫn còn có đời sau nữa, vị lai vô chung. Vô thủy vô chung là một người. Ý nghĩa của chữ này lại suy ra, mở rộng ra chính là trong nhà Phật đã nói “hết thảy chúng sanh trong tận hư không khắp pháp giới là chính mình”. Đây là bổn ý của chữ này. Chữ “chính mình” này ở trong Phật pháp gọi là pháp thân thanh tịnh, chân như tự tánh. Đây là “Hiếu”. Ở trong chân như tánh đức không có vọng tưởng, không có phân biệt, không có chấp trước thì làm gì có tham sân si chứ? Thế là chúng ta liền hiểu rõ. Khởi tâm động niệm ngôn ngữ tạo tác của chúng ta không thuận với tánh đức thì chính là đại bất hiếu.

Hiếu đạo thực hiện từ chỗ nào vậy? Bắt đầu làm từ chỗ nào? Thánh nhân thế xuất thế gian tuy là khác nhau nhưng cùng một lời giáo huấn chúng ta: từ hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng mà bắt đầu làm. Sau đó lại đem hiếu kính dần dần mở rộng ra đến hết thảy chúng sanh, đến tận hư không khắp pháp giới thì hiếu đạo này viên mãn. Chúng ta hãy xem giáo học của nhà Phật, Thế Tôn ở trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật đã nói với chúng ta Tịnh Nghiệp Tam Phước. Ba điều mười một câu này là thủy và chung của giáo học Phật pháp. Bắt đầu từ chỗ này mà viên mãn cũng ở chỗ này. Cho nên nhà Phật dạy điều gì? Không gì ngoài hiếu thân tôn sư mà thôi. Cổ đức nói không biết hiếu thân tôn sư thì không thể tận hiếu đạo, là trái nghịch. Không biết tôn trọng lão sư, tôn trọng Tam Bảo là nghịch thầy phản đạo rồi. Cổ nhân nói rất hay, người mà trái nghịch thì cho dù cả đời họ có tu thiện hạnh nhiều đến bao nhiêu cũng đều là giả, không thể thành đức. Đây là do nguyên nhân gì? Bởi vì hiếu thân tôn sư là căn bản. Cũng  giống như cây cỏ hoa lá, đây là cái gốc. Nếu gốc mà mất đi rồi vậy thì sẽ giống cái gì? Giống như hoa cắm trong bình, rất đẹp, rất ưa nhìn. Đây chính là tỉ dụ cho thế gian có một số người bất hiếu với cha mẹ, không tôn trọng sư trưởng nhưng ở trong xã hội họ lại làm rất nhiều việc tốt. Việc này giống như hoa cắm trong bình vậy, rất đẹp đẽ, nhưng chẳng mấy ngày sau thì hoa tàn cuống rụng. Cho nên không thể thành đức nguyên nhân là ở chỗ này, là họ không có gốc. Nếu một người chân thật tu học từ gốc rễ, vun bồi từ gốc rễ, nhưng hiện tại cùng đường điêu đứng, gặp phải hoàn cảnh khốn cùng. Đây là nguyên nhân gì? Đây là do quả báo ác nghiệp đã trồng ở trong đời quá khứ chiêu cảm đến. Nhưng họ vẫn còn cơ hội sống, họ biết hiếu kính. Hiếu kính chính là cơ hội sống. Họ có thể sửa lỗi đổi mới, họ có thể thành tựu đức hạnh. Chúng ta thực tại là được ông trời trọng hậu. Từ xưa đến nay, đời đời đều có Thánh Hiền xuất hiện ở thế gian này để dạy bảo giáo hóa chúng ta. Nếu không có giáo huấn của Thánh Hiền thì làm sao chúng ta hiểu được hiếu đạo? Làm sao hiểu được sư đạo? Làm sao biết được hiếu đạo sư đạo là đoạn ác hướng thiện, phá mê khai ngộ, là đại căn đại bản của việc thành Thánh thành Hiền. Đây là chỗ mà chúng ta được ông trời trọng hậu, chúng ta phải biết trân quý.

Hiện tượng động loạn trong xã hội, hiện tượng thiên hạ đại loạn ngày nay mà chúng ta nhìn thấy, căn nguyên của đại loạn là ở đâu? Là không có người dạy hiếu, không có người dạy kính. Người thế gian không biết hiếu thuận cha mẹ, không biết tôn sư trọng đạo, không có ai dạy họ. Nói cách khác là cái gốc rễ này đã có vấn đề. Nếu cái gốc rễ này hư hỏng thì chúng sanh ở thế gian này đáng thương rồi. Hiện tượng động loạn trong xã hội ngày nay chỉ mới bắt đầu mà thôi, tương lai cũng không biết nó sẽ loạn đến mức độ nào. Nhưng trong các tôn giáo nước ngoài rất nhiều cổ nhân đã đưa ra lời tiên tri, nói ngày tận thế sắp đến rồi. Đại khái là hiện tượng động loạn này đạt đến cực điểm thì đó chính là ngày tận thế. Là ai hủy diệt thế giới vậy? Sau khi hiếu đạo và sư đạo mất đi thì thế giới này bị hủy diệt. Do đây mà biết, ngày nay muốn cứu vãn kiếp nạn thế giới, cải tạo vận mệnh, từ chỗ nào mà bắt đầu vậy? Vẫn là từ hiếu thân tôn sư. Chúng ta phải ghi nhớ, người khác không hiếu thân, ta phải hiếu thân. Người khác không tôn kính lão sư, ta phải tôn kính lão sư. Chúng ta mỗi người đều đi trên con đường riêng của mình. Có thể tuân theo giáo huấn của Thánh Hiền nhân thế xuất thế gian thì tiền đồ của chúng ta là một mảng quang minh. Cho dù cuộc đời này không gặp được Phật pháp, gặp được Phật pháp không cầu sanh Tịnh Độ thì đời sau họ nhất định được sanh thiên, họ sẽ được hưởng thiên phước. Người có nhân duyên thù thắng, được thân người, nghe được Phật pháp, gặp được pháp môn Tịnh Độ, vẫn phải tuân theo Tịnh Nghiệp Tam Phước. Tịnh Nghiệp Tam Phước 3 điều 11 câu là tổng cương lĩnh mà hết thảy chư Phật giáo hóa cho pháp giới chúng sanh. Nhà Phật gọi là pháp môn đại tổng trì, chẳng gì ngoài việc này. Y theo tổng cương lĩnh này tu học, một lòng hướng về cầu sanh Tịnh Độ, nhất định sẽ được sanh.

Chúng tôi ở trong sách xưa đã xem thấy một câu chuyện. Vào thời đại của Khổng lão phu tử, Ngài nhìn thấy một người đánh trận. Ở trên chiến trường, ba lần chiến tranh đánh trận, ba lần đều bị đánh bại. Người này đều bỏ chạy, không dũng cảm đánh trận. Việc này khiến người khác xem thường. Khổng lão phu tử liền hỏi ông, vì sao ba lần đánh trận đều bại cả ba vậy? Ông nói nhà tôi còn có mẹ già, tôi mà chết rồi thì không ai phụng dưỡng. Khổng phu tử nghe được những lời này, vô cùng cung kính đối với ông, mời ông lên phía trên ngồi. Ông không phải là không dũng cảm đánh trận, mà là ông lo lắng cho mẫu thân của mình không có người chăm sóc. Ông ba lần đánh trận đều thua là có thể thông cảm mà tha thứ. Ở chỗ này ông có trí huệ, ông có thể phân biệt được lợi hại được mất. Đánh bại trận đương nhiên là chết, chết là việc nhỏ. Nếu hiếu đạo mà mất đi thì sự việc này lớn rồi. Chiến tranh thắng bại chỉ là chuyện cành lá. Hiếu thân tôn sư mới là gốc rễ. Gốc rễ mà hư mục rồi thì xã hội này sẽ hết cứu. Đạo lý này Thánh nhân hiểu được. Chúng ta thì làm sao hiểu được. Cho nên đọc sách, học Phật chỉ ở hiểu rõ lý. Nếu đối với những đạo lý sự tướng này đều không thể hiểu rõ thì việc đọc sách của chúng ta không phải là uổng phí rồi hay sao? Sau khi đã hiểu rồi mà không thể y giáo phụng hành không thể chăm chỉ làm cho được thì bạn cũng là uổng công học tập. Hay nói cách khác, đức hạnh một đời này của chúng ta không thể nào xây dựng được, những cái khác thì đều không cần phải nói thêm nữa.

 Người xưa đã nói con người tại thế gian này có ba điều bất hủ là: lập đức, lập công, lập ngôn. Ba thứ này các vị phải hiểu lập đức là căn bản. Bạn nếu không có đức thì bạn nhất định không thể lập công. Bạn nhất định không thể lập ngôn. Công và ngôn của bạn là hư vọng không phải là chân thật, nó không có gốc, chỉ có thể tồn tại nhất thời mà thôi. Sau khi trải qua một thời gian thì chìm sâu mất dấu. Cho nên một người có đức hạnh khi có cơ duyên thì họ liền lập công. Có cơ hội vì xã hội, vì nhân dân, vì chúng sanh thì họ sẽ cống hiến. Đây là lập công. Khi chưa có cơ hội này thì họ đi theo phương hướng lập ngôn, giáo hóa chúng sanh. Bạn xem giống như ở Trung Quốc ngày xưa, Chu Công có cơ duyên, có cơ hội lập công. Khổng lão phu tử không có cơ hội, không có ai mời Ngài làm quan. Thế là Ngài dạy học, viết sách dạy học là lập ngôn. Các vị suy nghĩ xem Khổng lão phu tử và Chu Công thì nền tảng mà các Ngài lập công, lập ngôn là gì? Là đức hạnh. Các Ngài có đức. Đức Hạnh là căn bản. Căn bản là gì? Căn bản chính là hiếu thân tôn sư. “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng” hai câu này là đại căn đại bản của lòng người trong trời đất.

Cho nên Thanh Minh thì đệ tử trong nhà Phật chúng ta cử hành Phật thất. Trong bảy ngày này đem vạn duyên buông xuống, dùng tâm chân thành cung kính mà niệm Phật cầu phước, hồi hướng cho tổ tiên, hồi hướng cho cha mẹ. Dùng việc này để tận hiếu đạo, tận đạo làm học trò. Không những như vậy, vào ngày Phật thất viên mãn chúng ta còn cử hành một lần Phật sự Tam Thời Hệ Niệm. Âm dương lưỡng lợi càng quan trọng hơn. Tôi hy vọng đồng tu các vị phải tận tâm tận lực mà đề xướng. Phật sự Tam Thời Hệ Niệm của ngày Phật thất viên mãn này sẽ thỉnh mời một số người lớn tuổi ở địa phương. Khi tổ chức đêm hội mừng năm mới của chúng ta đều có mời rất nhiều người ngoại quốc lớn tuổi, mời trẻ mồ côi ở các cô nhi viện đến tham gia pháp hội của chúng ta. Để họ nhìn thấy sự tổ chức long trọng, tưởng nhớ đến tổ tiên của chúng ta, cắm xuống cái gốc văn hóa hiếu thân tôn sư này cho Úc Châu. Người dân bản địa của Úc có cái gốc văn hóa này. Tôi tin là các vị mời những người dân bản xứ đến tham gia thì họ sẽ càng có cảm xúc sâu sắc hơn. Quan niệm về luân lý gia đình của họ nồng hậu hơn so với hầu hết những người phương Tây. Chúng ta làm như vậy thì làm Pháp Hội Thanh Minh này càng có ý nghĩa hơn. Tôi tin ảnh hưởng này sẽ rất sâu xa. Đây là chân thật báo đáp ân đức của tổ tiên, là báo ân Phật, ân lão sư. Xin chúc phúc cho pháp hội của các vị được thành tựu viên mãn. 

 

*********

Các vị đồng học. Hôm nay có rất nhiều đồng tu đến từ Trung Quốc. Tôi thấy ngoài việc có hơn 50 vị đến từ Bắc Kinh ra còn có rất nhiều những gương mặt mới gặp lần đầu. Các vị đồng tu đến từ Bắc Kinh mong muốn tôi bớt chút thời gian để nói chuyện với mọi người. Tôi muốn tranh thủ nói luôn trong thời gian 30 phút buổi sáng hôm nay.

Học Phật đầu tiên là phải nhận thức được thế nào là Phật giáo? Sau khi nhận thức được rõ ràng mới không đến nỗi mê tín. Phật giáo đã truyền đến Trung Quốc được hơn 2.000 năm rồi. Thế Tôn năm xưa tại thế cũng đã dự đoán, Ngài nói sau khi Ngài viên tịch 1.000 năm thì thân giáo của Ngài sẽ truyền đến Phương Đông. Những lời này đã ứng nghiệm rồi. Phật giáo là nền giáo dục cứu cánh viên mãn của Thích-ca Mâu-ni Phật đối với chúng sanh trong chín Pháp giới, không phải là tôn giáo, mà là giáo dục. Chúng ta nhất định phải nhận thức cho rõ ràng. Sự việc này tôi đã nói qua rất nhiều lần rồi. Đối tượng giáo dục của Phật giáo là hết thảy chúng sanh trong hư không pháp giới. Trong Kinh Hoa Nghiêm chúng ta nhìn thấy câu “bất phân quốc độ”. Cái quốc độ đó chính là tam thiên đại thiên thế giới mà kinh Phật đã nói, là khu vực giáo hóa của một vị Phật. Phật nói với chúng ta trong hư không những khu giáo hóa như vậy vô lượng vô biên, cho dù là thế giới lớn hơn đi nữa cũng là vô lượng vô biên, huống hồ là địa cầu này của chúng ta hoặc là các quốc gia, thành phố nhỏ bé. “Bất phân tộc loại”, tộc loại cũng là vô cùng rộng lớn, như mười pháp giới đã nói ở trong kinh là 10 tộc loại lớn. Người là một tộc loại, súc sanh là một tộc loại, chúng ta có thể nhìn thấy được, có thể tiếp xúc được. Quỷ đạo là một tộc loại, Thiên đạo cũng là một tộc loại. Các tộc loại đều không như nhau. Không phân tộc loại, không phân sắc tướng, hình trạng, màu sắc. “Bất phân tôn giáo tín ngưỡng”, bình đẳng giáo hóa. Mục đích của giáo hóa là hy vọng hết thảy chúng sanh chân thật được giác ngộ, hiểu rõ chân tướng của vũ trụ nhân sanh. Chân tướng là gì? Chân tướng là một thể. Chân tướng là người một nhà. Hư không pháp giới là người một nhà, cùng chung một sanh mạng. Từ chỗ này tự nhiên sẽ lưu lộ ra ái tâm chân thành vô tận mà nhà Phật gọi là từ bi, tự nhiên sẽ giúp đỡ hết thảy chúng sanh. Đây là phổ độ chúng sanh mà nhà Phật đã nói. Phổ là phổ biến, là ý nghĩa bình đẳng, không có tư tâm, không có phân biệt. Độ chính là giúp đỡ, giúp đỡ hết thảy chúng sanh lìa khổ được vui. Phật biết được nguồn gốc của Khổ và Vui, chúng sanh thì không biết. Khổ là từ đâu mà đến vậy? Cái gốc của khổ là từ việc không hiểu được chân tướng của vũ trụ nhân sanh mà ra. Phật giúp đỡ hết thảy chúng sanh, những việc Ngài giúp đỡ rất nhiều, cho nên có câu “Phật thị môn trung hữu cầu tất ứng”.

Trong các sự tướng này, sự việc lớn quan trọng nhất là giúp đỡ chúng sanh khai trí huệ, phá mê khai ngộ. Trí huệ khai rồi thì hết thảy những vấn đề họ sẽ tự mình giải quyết được. Giúp họ khai trí huệ, quan trọng nhất là dạy học. Vì vậy Thích-ca Mâu-ni Phật thị hiện tại thế gian này cả đời làm một công việc là dạy học. Chúng ta dùng lời hiện nay để định vị Thích-ca Mâu-ni Phật thì trong xã hội này Ngài là nhân vật như thế nào vậy? Có địa vị gì? Theo cách nói hiện nay thì Ngài là một người làm công tác nghĩa vụ giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa. Đây là thân phận của Ngài. Công việc này là vô cùng vĩ đại, chân thật là xả mình vì người, làm tấm gương tốt “mê mà không giác” cho hết thảy chúng sanh, không chỉ  là chúng sanh lục đạo. Chúng ta muốn tìm một nơi nương tựa, giống như trẻ sơ sinh phải nương tựa vào cha mẹ, không có cha mẹ thì chúng sẽ không thể sống được, nhất định không thể nào rời xa sự chăm sóc của cha mẹ. Chúng sanh lục đạo ví như trẻ sơ sinh. Thánh của mười pháp giới, pháp giới tứ thánh Thanh Văn, Duyên giác, Bồ-tát, những vị này cũng như là trẻ nhỏ vậy. Tuy không phải là trẻ sơ sinh nhưng đại khái cũng là  trẻ 3-4 tuổi, nếu rời xa cha mẹ thì cũng không thể nào sống được. Đây chính là “quy y” mà nhà Phật đã nói. Y chính là chúng ta phải tìm được chỗ nương tựa. Lục đạo hay mười  pháp giới cũng đều phải tìm chỗ nương tựa. Nương tựa người nào thì chúng ta mới có thể tiếp tục sống được? Phật nói với chúng ta là chúng ta phải nương tựa vào Tam Bảo, chính là vừa mới bắt đầu học Phật thì chúng ta phải quy y Tam Bảo. Ý nghĩa chân thật là ở chỗ này. “Quy” là quay đầu. “Y” chính là chúng ta tìm một nơi để nương tựa. Nếu chúng ta không quay đầu thì vĩnh viễn sẽ trôi nổi ở trong lục đạo luân hồi, biển khổ sanh tử. Chúng ta từ đây mà quay đầu, nương dựa vào sự giáo huấn của Tam Bảo, không phải là nương dựa vào nơi nào khác. Giáo huấn của Tam Bảo là ở đâu? Khi Phật còn tại thế thì không có vấn đề, mọi người chúng ta đều nương tựa vào Ngài, có nghi nan tạp chứng gì đều có thể đến thỉnh giáo với Ngài, Ngài giúp chúng ta giải quyết. Ngày nay Phật không còn tại thế. Chúng ta nương tựa thì phải nương tựa vào kinh điển. Kinh điển là sự dạy bảo mà Phật-đà để lại. Vì vậy Phật không còn trụ thế thì Tam Bảo lấy “Pháp” làm chủ. “Tăng” là người truyền pháp. Những vị Đại đức giảng kinh thuyết pháp bất luận là tại gia hay xuất gia, chúng ta nương tựa họ thì cũng có một nguyên tắc. Họ là đệ tử Phật chân thật hay là đệ tử giả, bạn phải có năng lực phân biệt. Đệ tử chân thật của Phật thì truyền Phật pháp, đệ tử giả thì truyền ma pháp. Xã hội hiện nay các vị phải biết có câu nói là “pháp nhược ma cường”. Phàm phu thông thường như chúng ta rất khó phân biệt đâu là Phật, đâu là ma? Thế nhưng Thích-ca Mâu-ni Phật vô cùng từ bi, đã giảng nói cho chúng ta một bộ là Kinh Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm. Bộ kinh này đã phân tích tường tận tỉ mỉ sự khác biệt giữa ma và Phật. Sau khi chúng ta đọc rồi thì bạn tự nhiên sẽ có năng lực phân biệt. Trong xã hội hiện tiền thì ma tử ma tôn đội lốt người xuất gia rất nhiều nên người tại gia xuất gia hoằng pháp nhất định phải nhận thức được rõ ràng. Sự khác biệt giữa ma và Phật, chỗ  khác nhau cơ bản nhất là đệ tử Phật không có tự tư tự lợi. Tiêu chuẩn ở trong Kinh Kim Cang là tốt nhất: “Vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng”. Đây nhất định là đệ tử Phật chân thật. Nếu họ vẫn còn sự phân biệt chấp trước nghiêm trọng thì đây nhất định không phải là đệ tử Phật. Chúng ta phải nhìn nhận cho rõ ràng.

Mục đích của tu học là phải liễu sinh tử, thoát luân hồi, thành Phật quả vô thượng Bồ-đề. Đây là mục đích của chúng ta. Giúp đỡ hết thảy chúng sanh khổ nạn của thế gian này phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui. Đây là sứ mạng của chúng ta, là chức trách của chúng ta. Đây là đệ tử Phật. Cũng giống như trẻ nhỏ, phải nương dựa vào cha mẹ của mình, vậy thì chúng phải nhận biết được ai là cha mẹ của chúng. Chúng không được nhận nhầm người, nhận sai người thì xong rồi. Chúng ta học Phật cũng phải nhận biết lão sư cho rõ ràng. Ai là lão sư của chúng ta? Khó khăn của người hiện nay là vấn đề phổ biến trong xã hội, trong nước ngoài nước, cả thế giới này, bất kỳ một quốc gia khu vực nào cũng đều đã mất đi giáo huấn của Thánh Hiền, tùy thuận theo giáo huấn của ma. Ma dạy người điều gì? Ma dạy người tăng trưởng tham sân si mạn, ma dạy người đấu tranh. Phật dạy người nhẫn nhường, Phật dạy người xả mình vì người. Phật và ma dạy đều hoàn toàn trái ngược nhau. Phật dạy người hiếu thân tôn sư. Tổng cương lĩnh tổng nguyên tắc mà thế xuất thế gian đại Thánh đại Hiền giáo hóa chúng sanh chính là hiếu kính. Phật dạy chúng ta hiếu thuận cha mẹ, phụng sự sư trưởng. Sau đó lại đem tâm hiếu kính này mở rộng ra thành hiếu thuận với hết thảy chúng sanh, tôn kính hết thảy chúng sanh, thành tựu đức tánh viên mãn của bạn. So với ma dạy thì hoàn toàn khác nhau. Ma dạy chúng ta tự tư tự lợi, ma dạy chúng ta tổn người lợi mình, hoàn toàn không giống với Phật đã dạy. Phật dạy chúng ta xả mình vì người, hoàn toàn khác với ma. Cho nên sự thực tiễn của việc dạy học trong Phật pháp là Thập Thiện Nghiệp Đạo. Con người nếu có thể chân thật hiếu thân tôn sư phụng hành thập thiện thì đây là người tốt. Đây là “thiện nam tử, thiện nữ nhân” mà kinh đã nói. Nếu không hiếu thuận cha mẹ, trái nghịch cha mẹ, phản nghịch sư trưởng, người xưa nói “nghịch thầy phản đạo”, tuy họ cũng tu thập thiện nhưng thập thiện đó là giả, không phải thật, là ngụy trang, nhất định không thể thành đức. Cho nên trước tiên chúng ta phải biết ta nên học theo vị lão sư nào. Người học Phật nhất định là hiếu thuận cha mẹ, không có chuyện đệ tử Phật mà không hiếu thuận cha mẹ. Sau đó kết hợp với việc định vị được một vị lão sư thì mới có thể thành tựu đức hạnh.

Thế gian này ai mới là vị lão sư tốt? Lão sư tốt đều đã đi rồi, đều không còn nữa. Vào ngày trước ở Trung Quốc, tôi quen biết với lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, một chân thiện tri thức. Lão cư sĩ đã ra đi rồi. Ngài là người chân thật có trí huệ, chân thật từ bi, vì Phật pháp, vì chúng sanh, không vì chính mình. Đây là chân thiện tri thức. Ngài tuy rằng đã đi rồi nhưng di giáo của Ngài vẫn còn. Chúng ta y theo giáo huấn của Ngài  mà làm thì Ngài chính là lão sư của chúng ta. Nếu bạn cảm thấy đây là một người tại gia, bản thân không sanh lòng tin đối với Ngài thì năm xưa tôi học tập với lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, Ngài đã giới thiệu cho tôi Ấn Quang Đại sư. Chúng tôi đã y theo và xem Ấn Quang Đại sư là lão sư. Ấn Quang Đại sư cũng không còn nữa, nhưng trước tác của Ngài  thì còn. Chúng tôi y theo giáo huấn trong Văn Sao của Ngài  tu học. Chúng tôi đã tìm được một vị lão sư tốt. Khi tôi giảng kinh hoằng pháp ở trong và ngoài nước, cũng đã giới thiệu với mọi người vị lão sư này. Vị lão sư tôi giới thiệu là ai? Là Phật Vô Lượng Thọ, là A Di Đà Phật. A Di Đà Phật ở đâu? Ở trong Kinh Vô Lượng Thọ. Chúng ta mỗi ngày đọc tụng Kinh Vô Lượng Thọ chính là nghe giáo huấn của A Di Đà Phật. Chúng ta y chiếu theo Kinh Vô Lượng Thọ mà học tập thì đó chính là học trò tốt chân thật của Vô Lượng Thọ Phật. Chúng ta theo sát Ngài thì nhất định không hối hận. Nhất định không thay đổi thì cuộc đời này của bạn thành tựu rồi, khẳng định là thành tựu. Tuy nhiên ma cũng rất lợi hại, ma nhìn thấy bạn sắp thành tựu thì sẽ nghĩ ra hết phương pháp để kéo bạn trở lại, kéo cho bạn rớt vào địa ngục. Ma thích nhìn thấy người khác chịu tội, nhìn thấy người khác đọa địa ngục chịu tội thì chúng rất vui mừng, chúng muốn chà đạp hủy hoại người khác. Cho nên chúng muốn đến quấy nhiễu chúng ta, chướng ngại chúng ta, phá hoại chúng ta, nói Kinh Vô Lượng Thọ này không đáng tin, nói là kinh điển thì không thể nào hội tập, nói đọc quyển kinh này là sai lầm. Nghe được những lời này của họ thì chúng tôi suy nghĩ bạn rốt cuộc là dựa vào ai? Nếu bạn y theo họ làm lão sư vậy thì cứ đi theo họ, tương lai quả báo của bạn là ở ba đường ác. Bạn nếu y theo Phật làm lão sư thì tâm của bạn liền định trở lại. Bất luận là người khác có nói như thế nào, ta vĩnh viễn sẽ không thay đổi, nhất định sẽ y theo bộ kinh điển này.

Việc hội tập không phải lão cư sĩ Hạ Liên Cư là người đầu tiên sáng tạo, không phải Ngài. Vào thời nhà Tống thì cư sĩ Vương Long Thư đã bắt đầu hội tập rồi. Cư sĩ Long Thư đã  đứng mà vãng sanh. Nếu việc hội tập là có tội thì cư sĩ Vương Long Thư làm sao có thể đứng mà vãng sanh? Việc này đã làm chứng minh cho chúng ta: Việc hội tập có đại công đức, đối với chúng sanh có đại lợi ích. Gần 200 năm trước, cư sĩ Ngụy Mặc Thâm đã làm hội tập lần thứ hai. Cư sĩ Hạ Liên Cư làm hội tập đây là lần thứ ba. Mỗi lần đều thù thắng hơn lần trước. Chúng ta mở quyển kinh này ra thì sáu căn liền tỏa hào quang. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Lục căn môn đầu phóng quang động địa” (sáu căn đều phóng quang chấn động), một chút cũng không giả. Đây chân thật là chỗ quy y của chúng ta. Bản hội tập này tốt, nội dung sâu sắc, lời lẽ dễ hiểu, không nghe giảng giải, không xem chú giải thì ý nghĩa của nó cũng đều có thể xem hiểu được, đều có thể hiểu rõ. Đây là sự vô cùng thù thắng của kinh điển. Bạn hiểu được thì mới được lợi ích, bạn xem không hiểu thì làm sao được lợi ích chứ? Sau khi hiểu rồi y giáo tu hành thì chúng ta được lợi ích. Cho nên công đức của việc hội tập là không thể nghĩ bàn, chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này, đây chân thật là nơi nương tựa của chúng ta.

Kinh Vô Lượng Thọ là chân thật ở trong chân thật. Phật đã nói ba chữ chân thật: “Chân thật chi tế”, “Chân thật chi huệ”, “Chân thật chi lợi”. Đây là việc rất ít nhìn thấy trong các kinh khác. Thế nên chúng ta phải quy y chân thật thì đương nhiên sẽ đạt được lợi ích trí huệ chân thật. Nhất định  không thay đổi, bất luận là ai nghị luận thì chúng ta biết được đó là đang đến nhiễu loạn, là đến để phá hoại chúng ta. Chúng ta không được mắc lừa, chúng ta có lòng tin kiên định, người phê phán quấy phá thì chúng ta sẽ nhìn thấy quả báo của họ. Vì vậy các đồng tu phải có lòng tin kiên định, y giáo phụng hành, cả đời dũng mãnh tiến lên, quyết không thay đổi phương hướng. Tôi nghĩ mỗi một vị đồng tu đều sẽ có được thành tựu vô cùng thù thắng.

Được rồi, hôm nay thời gian đã hết chúng tôi xin giảng đến đây thôi. A Di Đà Phật!