Thái Thượng Cảm Ứng Thiên (Tập 100)

Thái Thượng Cảm Ứng Thiên (Tập 100)
Chư vị đồng học, xin mời xem Cảm Ứng Thiên đoạn thứ 87: “Lỗ lược trí phú. Xảo trá cầu thiên.” (Cướp bóc để trở nên giàu có. Xảo trá cầu thăng quan lên chức). Chúng ta đọc qua một lần phần chú giải trong Vựng Biên hàng đầu tiên: “Nói đến lỗ lược chẳng phải là do dùng phương thức chiến tranh để chiếm đoạt thì làm sao các vị đoạt được, những kẻ làm quan bóc lột dân chúng, lén bòn rút công quỹ, hoặc bọn cường hào ác bá cho vay nặng lãi đều là lỗ lược, dùng kiểu ấy để làm giầu ắt sẽ dẫn đến những chuyện nhà tan, cửa nát, gia đình chia lìa, vợ gào con khóc có thừa, há có thể an hưởng ư”. Đoạn này đã đem ý nghĩa của hai từ “lỗ lược” nói rất thấu triệt, việc này trong nhà Phật thuộc về “giới trộm cắp”. Phạm vi của “trộm cắp” vô cùng rộng, bất luận là dùng thủ đoạn và phương thức gì để đoạt lấy tài vật của người khác, hoặc giả là bóc lột lợi ích của người khác thì đều thuộc về trộm cắp. Quả báo của trộm cắp rất là nghiêm trọng. Nếu Phật không nói thì người thế gian đích thực không cách gì lý giải được. Trong kinh luận Phật đã nói vô cùng rõ ràng, cũng nói rất nhiều. Nếu chúng ta trộm cắp tài vật của một người thì tội đó tương đối nhẹ, tương lai phải trả nợ thì chỉ trả có một người

Các vị đồng tu, xin chào mọi người!

Mời mọi người xem Cảm Ứng Thiên đoạn thứ 76 và đoạn thứ 77: “Vô cố tiễn tài, phi lễ phanh tể” (Không duyên cớ mà may quần áo mới. Không đúng lễ mà giết mổ súc vật). Câu này ý nói là không biết trân quý vật lực.

Hai câu tiếp theo nói: “Tán khí ngũ cốc, lao nhiễu chúng sanh” (Vung vãi hoang phí ngũ cốc. Làm nhọc sức chúng sanh). Đây là bốn câu trong kinh văn.

Hết thảy chúng sanh sanh đến thế gian này đều có nghiệp nhân. Nhà Phật nói rõ cho chúng ta chân tướng sự thật này. Phàm phu trong lục đạo đều chịu sự chi phối của nghiệp lực, những cơ hội ở trong một đời này như vinh hoa phú quý, thọ mạng ngắn hay dài, tất cả đều có định số. Do đó, những người xem tướng đoán mệnh giỏi đều tiên đoán tương đối chuẩn xác. Giống như đoạn mở đầu của Liễu Phàm Tứ Huấn, tiên sinh Viên Liễu Phàm đã thuật lại cho chúng ta: Thời trẻ ông được Khổng tiên sinh đoán mạng, tiên đoán vận mạng lành dữ của cả cuộc đời ông hầu như không mảy may sai chạy, đích thực chứng minh là không sai sót một chút nào. Đây không phải là những thầy bói toán thông thường trong xã hội, lời nói của những thầy bói này không đáng tin và không có trách nhiệm. Khổng tiên sinh đích thực có học vấn, ông có kiến thức cũng có tu dưỡng, cho nên ông mới có thể tiên đoán một cách chính xác như vậy.

Từ đó chúng ta biết được: Cuộc đời của một con người quả thật là giống như người phương Tây từng nói. Tôi trước đây từng xem qua những lời tiên tri của nhà tiên tri người Pháp Nostradamus, trong đó ông rất nhiều lần nói đến: Cuộc đời của một người giống như một kịch bản đã được viết sẵn, họ sống theo kịch bản này, không có ai có thể thay đổi kịch bản này. Điều này đều là quan niệm về số mạng. Phật pháp thừa nhận vận mạng là có thật, thế nhưng vận mạng nhất định có thể thay đổi được, tuyệt đối không phải là cố định.

Trước tiên chúng ta cần hiểu vận mạng từ đâu mà có? Là do chính mình tạo ra, nghiệp nhân quả báo ở trong đó vô cùng phức tạp. Nghiệp nhân có liên quan đến vô lượng kiếp trước, do tích luỹ phiền não tập khí trong đời đời kiếp kiếp và kết ân oán nợ nần với hết thảy chúng sanh, đến những đời tiếp theo khi nhân duyên hội tụ thì phải trả nợ. Do đó nợ mạng phải trả mạng, nợ tiền phải trả tiền. Những nghiệp nhân trong quá khứ nếu như chúng ta bình lặng mà tư duy quan sát cuộc đời của chính mình thì sẽ tự chứng minh được. Trong cuộc đời này, tất cả những người mà chúng ta gặp, hết thảy việc, hết thảy vật, suy nghĩ thật tỉ mỉ sẽ thấy có người đối với mình tốt, đó là vì trước đây chúng ta có ân huệ với họ。 Nếu có người đối với mình không tốt, chung sống không tốt là do trước đây chúng ta có oán với họ. Khi chúng ta đạt được tài vật thì trong tâm nên hiểu là do người khác trả nợ cho chúng ta, khi chúng ta bị tổn thất thì biết là chúng ta trả nợ họ. Nhà Phật nói rất rõ ràng, người sống ở thế gian chẳng qua cũng chỉ là báo ân báo oán, đòi nợ trả nợ mà thôi, tất cả đều vì những điều này mà đến.

Cho nên Phật tổng kết thành một câu: Nhân sanh có ý nghĩa gì? Là “nhân sanh thù nghiệp”. Chữ “thù” nghĩa là đền đáp, chữ “nghiệp” có nghĩa là nghiệp đã tạo trước đây, nếu trước đây tạo nghiệp thiện thì đời này bạn sẽ hưởng phước, nếu kiếp trước bạn tạo ác nghiệp thì đời này cuộc sống sẽ khó khăn vất vả. Thế nhưng nghiệp thì luôn không ngừng tạo, quả cũng không ngừng nhận. Nhân quả tuần hoàn, khi bạn hưởng phước nhất định sẽ lại tạo nghiệp.

Chúng ta không nói người khác, trong lịch sử Trung Quốc có “thập toàn lão nhân”, nói về phước báo thì từ xưa đến nay không ai có thể sánh được với hoàng đế Càn Long: Phước đức, thông minh trí huệ, khoẻ mạnh trường thọ, ông đều có đầy đủ cả. Đó quả thật là phước báo do ông tu được từ vô lượng kiếp đến nay mà có. Ông làm hoàng đế sáu mươi năm, sau đó bốn năm làm thái thượng hoàng, thế nhưng trong cuộc đời mình, ông cũng đã tạo không ít ác nghiệp. Khi phước báo hưởng hết rồi thì ác báo sẽ hiện tiền. Cho nên chúng ta quan sát từ chỗ này, Phu Tử nói với chúng ta: “Nhân tâm duy nguy, đạo tâm duy vi” (Nguy thay lòng người, vi diệu thay tâm đạo), hai câu này nói rất có đạo lý, nếu như người không giác ngộ thì không thể không tạo nghiệp. Phước báo càng lớn thì càng dễ dàng tạo nghiệp, hơn nữa lại càng tạo ác nghiệp rất nghiêm trọng. Những người bình dân trên thế gian không có uy đức, không có quyền thế, cho nên tội nghiệp cả đời tạo ra tương đối ít, tương đối nhỏ, chúng ta bình lặng quan sát tỉ mỉ thì sẽ biết.

Chúng ta may mắn được thân người, được thân người rồi còn có may mắn gì nữa? Đó chính là được thân người rồi còn được nghe Phật pháp, thế thì thân người này rất may mắn. Nếu như được thân người rồi mà không được nghe Phật pháp thì được cái thân người này rất bất hạnh, làm sao có thể không tạo tội nghiệp được chứ? Đúng như trong Kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện nói: “Vừa mới được ra rồi lại trở vào”, lập tức lại bị đọa lạc lại rồi, là việc trong chớp mắt, thật là bi thương, thật là đáng sợ.

Người được xem là phú quý chính là người được tiếp nhận giáo dục của Thánh Hiền. Cội nguồn giáo dục của Thánh Hiền có hai loại. Thứ nhất là đại triệt đại ngộ, là từ trong tự tánh mà lưu xuất ra. Đó chính là trí huệ chân thật, triệt để hiểu rõ chân tướng vũ trụ nhân sanh. Chân tướng vũ trụ nhân sanh là gì? Trên căn bản mà nói là khởi nguồn của vũ trụ, vũ trụ được sanh ra như thế nào, khởi nguồn của sự sống, mối quan hệ giữa vũ trụ và sự sống. Điều này là đại căn bản, sau khi chúng ta hiểu rõ rồi, Thánh Hiền nhân dạy chúng ta đạo làm người, dạy chúng ta chung sống trong mối quan hệ giữa người với người, quan hệ giữa người với hoàn cảnh tự nhiên, quan hệ giữa người với thiên địa quỷ thần. Điều này chính là đại học vấn. Giáo huấn của cổ Thánh tiên Hiền thế xuất thế gian đối với hậu nhân, đối với hết thảy chúng sanh chẳng qua cũng chỉ là vậy. Sau khi hiểu rõ rồi thì người này có thể tránh hung gặp phước, tự cầu đa phước. Chúng ta vẫn chưa minh tâm kiến tánh nên chỉ có thể cung kính tin tưởng vào giáo huấn của người đã minh tâm kiến tánh, đi theo các Ngài.

Đoạn này của Thái Thượng Cảm Ứng Thiên dạy chúng ta không khác gì với giáo huấn của chư Phật Bồ-tát và đại Thánh đại Hiền. Đoạn kinh văn này nói về lý luận không nhiều nhưng trên sự tướng thì nói cũng không ít, đối với chúng ta rất hữu dụng. Nếu như chúng ta không thể sửa đổi trên sự tướng thì dù có tiếp nhận giáo huấn của chư Phật Bồ-tát cũng rất khó khai ngộ. Đó là vì nguyên nhân gì? Là phiền não nghiệp chướng đã chướng ngại giác ngộ nên không thể khai ngộ. Vậy điều kiện để khai ngộ là gì? Cổ Đại đức thường nói: “Phiền não nhẹ, trí huệ tăng”, chúng ta có phiền não nặng như vậy, làm sao có thể khai ngộ được chứ? Căn cứ vào giáo huấn của Thái Thượng Cảm Ứng Thiên mà tu học chính là phương pháp rất tốt để đoạn phiền não. Nhà Phật nói đến tổng cương lĩnh của việc tu học là: trì giới đắc định, nhân định khai huệ. Đây là con đường rất rõ ràng, là con đường thành Phật. Những văn tự của Thái Thượng Cảm Ứng Thiên chính là giới luật, chúng ta nếu có thể vâng theo, có thể phụng hành, tâm sẽ đắc định, khởi tâm động niệm, lời nói việc làm sẽ có một chuẩn tắc. Đạo lý này chúng ta nên hiểu rõ.

Câu: “Trân quý vật lực”, tuy rằng chỉ nói bốn chữ nhưng câu này là nguyên tắc, chúng ta nhất định cần phải thấu hiểu điều đó. Chúng ta cần biết sự khó khăn để có được vật lực, có được không dễ dàng. Tuy rằng ngày nay khoa học kỹ thuật phát triển, năng lực sản xuất được nâng cao, không phải vất vả như người xưa, ngày nay sử dụng số lượng lớn máy móc để chế tạo sản xuất dễ dàng. Nhưng chúng ta cần thường xuyên nghĩ rằng: Ngày nay ở thế gian vẫn còn biết bao nhiêu người thiếu thốn những vật dụng hằng ngày? Chúng ta có được rất dễ dàng, đó là dựa vào chút phước báo tu được từ đời quá khứ, trong đời này vẫn có thể đoạn ác tu thiện nên cảm được báo ứng. Thế nhưng chúng ta hãy nghĩ xem còn có rất nhiều người đang sống trong hoàn cảnh khó khăn thì tự nhiên chúng ta sẽ hiểu được cần phải trân quý những vật lực này. Vậy nên chỉ cần chúng ta có thể sống được qua ngày và bình an thì chính là phước rồi. Người sống tại thế gian này, ba bữa cơm có thể ăn no, có thể mặc ấm, có căn nhà nhỏ để có thể nghỉ ngơi thế là đủ rồi. Nếu như chúng ta có phước báo nhiều hơn thì phải biết bố thí cho chúng sanh, chúng ta cần phải tiếc phước, cần biết bồi phước.

Câu “Vô cố tiễn tài, phi lễ phanh tể”, Thái Thượng Cảm Ứng Thiên dạy chúng ta ở đây là: Người xưa khi giết mổ ăn thịt cũng có những quy định về thời gian, tuyệt đối không phải là ăn uống tùy tiện quá độ. Chữ “tiễn tài” ở đây ý nói là làm ra y phục. Chữ “phanh tể” là ẩm thực. Chúng ta học tiết kiệm từ cái ăn cái mặc, đây là đời sống vật chất thường ngày không thể thiếu. Thánh nhân khuyên dạy chúng ta từ chính chỗ này, chúng ta có thể tiết kiệm một phần tức là có thể giúp đỡ người khác một phần, nên thường giữ cái tâm này.

Chúng ta hãy xem xã hội ngày nay đều vi phạm hai câu này, vi phạm vô cùng nghiêm trọng, cho nên khi hưởng hết phước rồi thì tai hoạ liền hiện tiền. Thời xưa quần áo nhất định là vì nhu cầu thiết yếu của chính mình. Phật đã quy định ba y một bát cho đệ tử xuất gia. Đây là quy định của thời xưa khi sinh sống tại khu vực Ấn Độ, họ có ba chiếc y là đủ rồi. Singapore chúng ta thuộc khu vực nhiệt đới, nằm gần xích đạo, không có bốn mùa, cho nên sinh sống ở khu vực này y phục rất đơn giản. Nếu sống ở khu vực phía bắc Trung Quốc thì bạn phải có đủ quần áo của bốn mùa xuân hạ thu đông. Tuy là chúng ta sống ở khu vực này, thế nhưng nếu muốn đi đến phía bắc để du lịch thì vẫn phải cần có thêm y phục. Đây là có lý do chính đáng để thêm y phục, nếu không có lý do thì không cần phải tìm phiền phức này làm gì. Thời xưa, việc ăn uống, sát sanh, ăn thịt đều là dùng cho việc bái tế, hiến tế quỷ thần, sau đó mới hạ xuống để đại chúng cùng ăn, chứ không phải ngày ngày có thịt để ăn. Khi tôi còn nhỏ, lúc còn làm học trò, khi đó là thời kỳ đầu của kháng chiến, chúng tôi trưởng thành tại nông thôn, ở nông thôn trong một tháng chỉ được ăn thịt hai lần vào ngày mùng một và ngày rằm, mọi người mua một ít thịt để cúng thần linh và ông bà tổ tiên, lượng thịt rất ít. Cho nên trẻ nhỏ rất thích đón năm mới. Mấy ngày Tết hầu như ngày nào cũng có một ít thịt để ăn thế nhưng thời gian rất ngắn, cũng chỉ là mười đến hai mươi ngày là hết Tết. Ngày nay mỗi bữa ăn đều có thịt, bạn nói xem phải làm thế nào? Nhà Nho tuy là không cấm nhưng cũng không dạy bạn ngày ngày sát sanh ăn thịt. Nhà Phật hiểu được đạo lý này, ăn thịt chính là oan oan tương báo. Vì sao thế gian này lại có chiến tranh tàn khốc đến như vậy? Nói đến chiến tranh, chúng ta có thể nhớ đến đại thế chiến thứ nhất rất tàn khốc, đại thế chiến thứ hai so với đại thế chiến thứ nhất không biết là tàn khốc hơn bao nhiêu lần, nếu như đại thế chiến thứ ba mà xảy ra, có rất nhiều người nói: Đó là cuộc chiến tranh cuối cùng, vì khi cuộc chiến tranh này kết thúc thì thế giới này sẽ không còn chiến tranh nữa. Vì sao vậy? Vì mọi người đều chết hết rồi thì lấy ai mà đánh nhau nữa chứ? Đó là cuộc chiến tranh huỷ diệt thế giới.

Trong kinh Phật nói: “Đao binh kiếp”. Nếu như muốn thế giới này không có kiếp đao binh, Phật có dạy là: Trừ khi chúng sanh không ăn thịt nữa thì thế gian này sẽ không còn nạn kiếp đao binh nữa. Hàm ý của câu nói này vô cùng sâu sắc. Kiếp đao binh là do tích luỹ oán hận mà ra. Oán hận từ đâu mà có vậy? Là do ăn thịt chúng sanh. Chúng không phải cam tâm tình nguyện cho bạn ăn. Quả thật là cá lớn nuốt cá bé. Những oán hận trong lòng của kẻ yếu thế vĩnh viễn không bao giờ tiêu trừ. Phật nói với chúng ta: Hết thảy chúng sanh đều luân chuyển trong lục đạo, cho nên sản sinh ra báo ứng, oan oan tương báo không bao giờ ngừng dứt. Điều này chỉ có Phật nói rất thấu triệt. Chúng ta hiểu rõ đạo lý này rồi thì sẽ không dám ăn thịt chúng sanh nữa, hy vọng chúng ta cùng với hết thảy chúng sanh có thể hoá giải những oán thù này. Chúng ta chăm chỉ nỗ lực tu học để đem tất cả công đức hồi hướng cho hết thảy chúng sanh. Đó là sám hối, là chuộc tội. Cho nên trân quý vật lực là bắt đầu làm từ trong cuộc sống hằng ngày.

 

**********

 

Các vị đồng tu! Xin mời xem Cảm Ứng Thiên đoạn thứ 77, tổng cộng có bốn câu:

Vô cố tiễn tài, phi lễ phanh tể. Tán khí ngũ cốc, lao nhiễu chúng sanh” (Không duyên cớ mà may quần áo mới. Không có lễ tiết mà giết mổ súc vật. Vung vãi hoang phí ngũ cốc. Làm nhọc sức chúng sanh).

Người thông thường xem những điều này là chuyện nhỏ, là chuyện lặt vặt không đáng kể. Đây là điều dễ phạm phải nhất, trong cuộc sống thường nhật không biết tiết kiệm. Trong kinh giáo Phật dạy chúng ta: “Thực tồn ngũ quán” (lúc ăn làm năm phép quán), hằng ngày khi chúng ta ăn cơm đều phải quán tưởng. Nội dung quán tưởng là để chúng ta biết yêu quý vật lực và nhân lực từ đó mà sanh khởi ý niệm cảm ân, mỗi sợi chỉ sợi tơ, hạt cơm giọt nước có được đều không dễ dàng gì. Chúng ta cần phải biết nhờ sự vất vả của người nông dân và công nhân thì chúng ta mới có được sự tiện lợi trong cuộc sống hằng ngày. Tuy ngày nay khoa học kỹ thuật phát triển, tiết kiệm được rất nhiều nhân công, lợi dụng máy móc để trồng trọt, sản lượng đã được tăng lên, thế nhưng chúng ta vẫn cần phải tiết kiệm.

Tiết kiệm là mỹ đức, tiết kiệm là tánh đức. Chúng ta hãy xem chư Phật Bồ-tát, xem những Thánh nhân của nhiều tôn giáo khác thì hầu như vị nào cũng an bần lạc đạo. Vì sao các Ngài lại thị hiện như vậy? Chúng ta cần suy nghĩ nhiều, cần suy nghĩ tỉ mỉ để thể hội. Các Ngài có cần thiết phải làm như vậy không? Bình lặng tư duy và quan sát, chúng ta sẽ hiểu các Ngài không vì bản thân mình mà vì chúng sanh khổ nạn. Tuy khoa học kỹ thuật phát triển cao độ nhưng chúng sanh vẫn không thắng nổi nghiệp lực. Mỗi một người, thành thật mà nói nếu như không thể chuyển mê thành ngộ thì cả đời sẽ bị vận mạng trói buộc, giống như nhà tiên tri người Pháp đã nói: Con người không thoát khỏi sự chi phối của vận mạng, cuộc đời của con người đều chịu sự an bài của vận mạng, giống như vở kịch vậy, căn cứ theo kịch bản mà diễn. Có mấy ai trong cuộc sống có thể thay đổi được vận mạng của chính mình? Nếu có thể thì người đó chính là người tu hành chân thật của tôn giáo đó. Người tu hành bất luận ở tôn giáo nào tóm lại đều dạy bạn đoạn tham sân si, đều dạy bạn mỗi ý niệm, mỗi hành vi đều vì hết thảy chúng sanh mà tạo phước thì đó là người chân thật tu hành, họ nhất định hoan hỷ làm một tấm gương tốt cho đại chúng xã hội. Điều này trong Phật pháp gọi là: “Công đức chân thật”.

Cho nên trong cuộc sống hằng ngày không thể không tiết kiệm, trong cuộc sống hằng ngày miếng ăn miếng uống phải biết tiết kiệm. Mọi người vì đại chúng xã hội phục vụ nên nhất định sẽ không lãng phí, nhất định phải biết yêu thương xã hội, yêu thương chúng sanh, giúp đỡ chúng sanh, tiếc phước, bồi phước và tạo phước. Chúng sanh có phước thì người chứng quả tu hành sẽ rất hoan hỷ. Chúng sanh chịu khổ chịu nạn thì người tu hành nhìn thấy sẽ rất đau lòng, nhưng cũng không biết làm sao. Vì sao vậy? Vì hoàn cảnh trong cả đời của hết thảy chúng sanh đều là tự làm tự chịu. Điều mà chư Phật Bồ-tát và đại Thánh đại Hiền có thể giúp đỡ được chính là dạy học, là hướng đạo. Người có trí huệ, người có phước đức khi gặp được rồi, có thể y giáo phụng hành, có thể tin, có thể giải, có thể hành, vận mạng của người này sẽ được chuyển trở lại. Nếu không chịu y giáo phụng hành thì không thể chuyển đổi vận mạng được. Người biết chuyển đổi thì chuyển từ trên ý niệm, vĩnh viễn giữ gìn thiện niệm thì đây là người chân thật biết tu hành. Mắt không nhìn tà sắc, cố hết sức phòng tránh, tai không nghe âm thanh xấu. Thế Tôn trong Kinh Vô Lượng Thọ dạy chúng ta nguyên tắc tu học khẩu nghiệp là: “Khéo giữ khẩu nghiệp, không nói lỗi người”.

 Chúng ta là phàm phu có nghiệp chướng sâu nặng. Nghiệp chướng sâu nặng được nhìn từ chỗ nào? Chính là ác niệm của chúng ta, người xưa thường nói là “ác ý”, từ trước đến nay không xem người khác là người tốt. Đây chính là ác ý. Những điều nhìn thấy đều là lỗi lầm của người khác, sau khi nghe thấy lại đi tuyên truyền. Tất cả đều là chuyện đúng sai hay dở của người khác, chúng ta không biết được điều đó là đại ác. Chúng ta lại quan sát tỉ mỉ những người tu hành, vì sao họ có thể làm Bồ-tát, có thể làm Phật? Thành thật mà nói chính là câu mà Đại sư Lục Tổ Huệ Năng đã nói: “Người chân thật tu hành không nhìn lỗi thế gian” . Chúng ta nên lấy câu nói này làm lời răn cho chính mình, chân thật để vào trong tâm, chăm chỉ học tập không nhìn lỗi thế gian thì chúng ta liền thành tựu. Cho dù người thế gian có lỗi thì đó là lỗi của họ, đâu có can hệ gì với ta. Nếu ta đem lỗi của họ để vào trong tâm thì đó chính là lỗi của mình rồi. Tại sao lại làm việc ngu ngốc này chứ?

Tôi học Phật bốn mươi tám năm, có được một chút lợi ích trong Phật pháp cũng chính là từ điều dạy này mà được. Có người đến nói với tôi là có người huỷ báng tôi, nhục mạ tôi. Tôi không nghe và nói là: “Không cần nói nữa, tôi biết hết rồi, không cần nói thêm nữa”. Thậm chí họ còn đem văn tự đến cho tôi xem, tôi liền bỏ vào thùng rác, còn có người đem băng ghi hình đến cho tôi, tôi liền gửi trả lại băng ghi hình đó. Tôi không nghe, tôi không xem. Vì sao vậy? Vì trong tâm vĩnh viễn giữ ấn tượng tốt nhất đối với người khác. Như vậy tâm của chúng ta mới thiện được, tuyệt đối không cho phép trong tâm có tơ hào ấn tượng xấu ác nào. Tôi biết có ấn tượng ác ở trong A-lại-da thức thì quả báo tương lai sẽ ở trong ác đạo. Tôi vì sao phải làm như vậy chứ? Người khác hủy báng tôi, tôi quyết không hủy báng người khác mà tôi tán thán họ. Người khác nhục mạ tôi thì tôi cảm ơn họ đã thay tôi tiêu tai, thay tôi tiêu nghiệp chướng nên tôi cảm ơn còn không kịp, làm sao có tơ hào ác niệm, ác ý chứ. Tôi hiểu được mục tiêu, phương hướng tu học của chúng ta chính là tâm chân thành, tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm giác ngộ, tâm từ bi. Tôi ngày ngày tu dưỡng những điều này. Nếu như thích nghe những chuyện thị phi nhân ngã, thích thăm dò những chuyện này thì sẽ làm hỏng năm loại tâm này. Ai làm hỏng vậy? Không phải người khác có thể làm hỏng được mà chính chúng ta làm hỏng chính mình. Bạn làm sao có thể trách người khác được chứ? Tôi biết cách giữ gìn, người khác muốn phá hỏng thì tôi nhất mực từ chối.

Có người đến nói với tôi: “Pháp sư, có người nói xấu Ngài.”. Tôi có thể không nghe, tôi có thể dùng lời nói để chuyển sang đề tài khác, không cho họ nói tiếp. Đây là gì? Là bảo vệ chính mình, là bảo vệ tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác của chính mình. Người không biết sẽ tự làm tổn thương chính mình. Khi nghe thấy người khác nói là có người nói xấu bạn thì lập tức yêu cầu: “Anh nói cho tôi nghe đi”, sau khi nghe xong thì sẽ nghĩ cách báo thù họ. Bạn xem, đây chính là tạo tác ác nghiệp. Lời mà người khác nói rốt cuộc là thật hay là giả, nếu không suy nghĩ tìm hiểu, không cân nhắc mà vội vàng tin tưởng, bạn nói xem người này có ngốc hay không? Chính mình làm hỏng đạo tâm của chính mình, cơ hội khó gặp được Phật pháp trăm nghìn vạn kiếp mới có được lại tùy tiện làm hỏng mất rồi.

Ma đến phá hoại, năng lực của ma cũng chỉ lớn đến như vậy mà thôi, nếu bạn không tiếp nhận thì chúng không làm gì được bạn, nếu bạn hoan hỉ tiếp nhận, bạn hợp tác với chúng thì năng lực của chúng mới biểu hiện ra ngoài. Nếu bạn không hợp tác với chúng, không nghe chúng, không để ý chúng thì pháp lực của ma có cao đến đâu đi nữa cũng không làm gì được bạn. Điều này khi Thế Tôn thị hiện tám tướng thành đạo hàng ma đã làm một tấm gương tốt cho chúng ta xem. Chúng ta vì sao không ghi nhớ, vì sao không chịu học tập?

Cho nên khi chúng ta xử sự đối người tiếp vật mà cảnh giới hiện tiền thì hãy nhớ đến Phật gặp phải cảnh giới này thì Ngài xử lý như thế nào? Chúng ta học theo cách làm của Phật, không được học theo ma. Chư Phật Như Lai vĩnh viễn sống trong sự từ bi. Nhà Phật thường nói: “Từ bi làm gốc, phương tiện làm cửa”. Từ bi là tâm yêu thương vô tư, vô điều kiện, là tâm yêu thương chân thành, là tâm yêu thương thanh tịnh bình đẳng, là tâm yêu thương hết thảy chúng sanh trong hư không pháp giới, nhất định không có một chút tơ hào phân biệt chấp trước, niệm niệm đều suy nghĩ vì lợi ích của người khác, suy nghĩ vì phước đức của người khác. Chính mình có thể nhẫn chịu, nhẫn chịu là hiển thị nhẫn nhục ba-la-mật. Phật chính là biểu thị đức hạnh hoàn mỹ nhất mà không có khiếm khuyết, tất cả đều ở trong kinh giáo.

Chúng ta hằng ngày đọc Kinh Vô Lượng Thọ, tôi đã nói qua rất nhiều lần rồi, nếu có thể y giáo phụng hành những giáo huấn trong Kinh Vô Lượng Thọ, làm được một trăm phần trăm thì người này chính là Vô Lượng Thọ Phật, là A Di Đà Phật. Nếu có thể làm được một nửa, tuy là không làm được viên mãn thì người này thật sự là Bồ-tát ở thế giới Cực Lạc, nhất định được sanh Tịnh độ. Nếu như không sanh Tịnh độ mà nguyện quảng độ chúng sanh ở thế giới Ta-bà thì nhất định cũng được oai thần của A Di Đà Phật gia trì. Đây là đạo lý đương nhiên. Phật lực gia trì là việc tốt, nếu chính mình không có đủ giới định huệ, tuy là được Phật lực gia trì nhưng vẫn bị thối chuyển. Đạo lý này chúng ta không thể không biết. Khi bạn phát tâm chân thành thì sẽ được Phật lực gia trì. Khi tâm này bị thối chuyển thì sự gia trì của Phật cũng không còn nữa. Chúng ta nhất định phải có một phần công đức thì Phật sẽ gia trì một phần công đức. Nếu chúng ta có mười phần công đức, Phật sẽ gia trì mười phần. Nếu khi nào công đức của chúng ta không còn nữa thì đồng thời sự gia trì của Phật lực cũng không còn.

Công đức tương đối không dễ giữ gìn. Trong kinh Phật nhiều lần đã cảnh báo chúng ta: “Lửa thiêu rừng công đức”. Không giống như phước đức, phước đức có thể giữ được nhưng công đức rất khó giữ gìn. Vậy công đức là gì? Công đức chính là giới định huệ. Nếu bạn phá giới thì công đức liền không còn nữa. Tâm của bạn vừa tán loạn thì định liền mất, khi vừa mê hoặc ngu si thì huệ liền không còn nữa. Do đó công đức không dễ giữ gìn. Phước đức có thể giữ được thì có thể hưởng phước ở trong ba đường thiện. Trong ba đường ác, ngoài địa ngục thì trong cõi ngã quỷ và súc sanh vẫn có thể hưởng phước, thế nhưng bạn nên nhớ phước đức không thể giúp bạn siêu vượt tam giới, không thể giúp bạn tu hành chứng quả. Cho nên người tu hành chúng ta xác định rõ mục tiêu của mình là giới định huệ tam học.

Giới học là gì? Là tuân thủ luật pháp, tuân thủ quy định chứ không phải cứng nhắc trong giới luật. Khi ta mở Kinh Vô Lượng Thọ, bắt đầu từ “Như thị ngã văn” đến “Tín thọ phụng hành”, từng câu từng chữ đều là những giáo giới của Thế Tôn đối với chúng ta. Chúng ta nếu có thể tin, có thể giải, có thể hành thì chính là trì giới. Trong tam học giới định huệ thì giới học là nghĩa rộng không phải nghĩa hẹp. Chúng ta đem giáo huấn của Phật-đà áp dụng vào trong cuộc sống hằng ngày, điều này gọi là trì giới. Nếu đồng thời có thể giữ tâm mình thanh tịnh, bình đẳng, điều này chính là tu định. Nguyên tắc tu định trong Kinh Kim Cang là: “Bất thủ ư tướng, như như bất động” (không chấp vào tướng, như như bất động). Câu này nếu dùng lời của chúng ta hiện nay để nói thì là: “Ngoài không dính tướng, trong không động tâm”. Đây là tu thiền định. Khó khăn lớn nhất của chúng ta chính là nhìn sắc tướng, nghe âm thanh rất dễ bị chấp tướng, khi vừa chấp tướng thì định liền không còn nữa. Không những định không còn nữa mà phiền não trong tâm liền sanh khởi như: Hỷ nộ ai lạc (mừng, giận, buồn, vui), thất tình ngũ dục. Như vậy giới cũng không còn nữa, tất cả đều bị phá hỏng rồi. Cho nên khi giới định huệ của bạn bị cảnh giới bên ngoài quấy rối, phá hỏng thì cảnh giới bên ngoài gọi là ma, cảnh giới ma. Nếu như cảnh giới ở bên ngoài không thể phá hỏng bạn, bạn kiên trì giữ được giới định huệ tam học thì cảnh giới bên ngoài gọi là Phật. Cho nên cảnh giới Phật và cảnh giới ma là một không phải hai. Bạn dùng tâm giới định huệ đối mặt với cảnh giới bên ngoài thì là cảnh giới Phật, nếu bạn dùng tâm tham sân si đối với cảnh giới bên ngoài thì cảnh giới bên ngoài là cảnh giới ma. Do đó Phật và ma từ đâu mà ra? Là từ trong tâm bạn sanh ra, một niệm giác thì đều là cảnh giới Phật, một niệm mê thì Phật cũng là ma, cho nên cần phải hiểu được đạo lý này thì chúng ta mới chân thật làm đến được “chí thiện”, chân thật làm đến được yêu người yêu vật. Thành toàn việc tốt cho người, không thành toàn việc xấu của người, như vậy thiện tâm sẽ được sanh khởi, thiện niệm ngày ngày tăng trưởng.

Đối với người hãm hại chúng ta thì ta cảm ơn vì đã tiêu nghiệp chướng cho ta, thành tựu được nhẫn nhục ba-la-mật của chính mình, thành tựu được thiền định ba-la-mật của chính mình, thành tựu được bát nhã ba-la-mật của chính mình. Lục ba-la-mật vẹn toàn rồi, cũng thành tựu trì giới ba-la-mật, cũng thành tựu bố thí ba-la-mật. Bố thí thế nào vậy? Là bố thí vô uý. Họ sỉ nhục tôi, huỷ báng tôi, hãm hại tôi thì tôi dùng tâm cảm ơn đối đãi họ. Họ sẽ không lo sợ, không báo thù tôi nữa, nếu không họ ngày ngày lo lắng là người kia sẽ báo thù họ, tâm họ không yên ổn. Chúng ta ngược lại không báo thù mà còn cảm ơn, điều này gọi là bố thí vô uý. Lục độ viên mãn rồi. Đây là điều mà chúng tôi khi giảng kinh thường khuyên các vị đồng tu: Trong cuộc sống hằng ngày, từng ly từng tí, khởi tâm động niệm không có điều gì là không có đủ sáu ba-la-mật. Người có đủ tâm hạnh sáu ba-la-mật thì người này là Bồ-tát. Bồ-tát đối người tiếp vật vĩnh viễn là từ bi, vĩnh viễn không gây tổn hại, tuyệt đối không “lao nhiễu chúng sanh”. Dùng lời hiện nay mà nói là nhất quyết không gây phiền phức cho chúng sanh.

Được rồi, hôm nay thời gian đã hết. Chúng ta tạm dừng tại đây. A Di Đà Phật!