Làm Thế Nào Để Làm người Tốt Như Pháp (Tập 7)

Làm Thế Nào Để Làm người Tốt Như Pháp (Tập 7)
Chào các vị bằng hữu! Nội dung chúng ta vừa mới nhắc đến là quan hệ cha con. Trong quan hệ cha con, điều quan trọng nhất chính là đạo hiếu. Chữ “Hiếu” này là chữ hội ý, gồm một chữ “lão” cùng với một chữ “tử” hợp chung với nhau thành chữ “hiếu”. Lão là chỉ cho thế hệ trước, tử là chỉ cho thế hệ sau. Thế hệ trước cùng thế hệ sau hòa hợp thành một thể gọi là hiếu, cho nên thế hệ trước với thế hệ sau quan hệ mật thiết không thể tách rời. Chúng ta thấy chữ này giống như một người con cõng một người cha. Cho nên thế hệ trước niệm niệm luôn nghĩ đến làm thế nào bồi dưỡng tốt thế hệ sau, mới có thể tròn trách nhiệm đối với tổ tiên của họ, cha mẹ của họ, thậm chí là dạy ra một người con tốt cho xã hội cũng là làm tròn trách nhiệm với xã hội. Và con niệm niệm cõng cha cũng chính là nói niệm niệm đem trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ đặt trên vai, luôn luôn nghĩ đến cha mẹ, làm sao để cha mẹ vui sướng hơn, đời sống viên mãn hơn. Cho nên người con hiếu thời cổ đại thật sự chủ tâm của họ đều có thể từng giây từng phút nghĩ đến cha mẹ. Cổ đại có một người con hiếu rất nổi tiếng là Tăng Tử (Tăng Sâm). Một lần ông lên núi đốn củi, ngay lúc đó bạn của ông đến tìm ông. Thời xưa

Chào các vị bằng hữu!

Nội dung chúng ta vừa mới nhắc đến là quan hệ cha con. Trong quan hệ cha con, điều quan trọng nhất chính là đạo hiếu. Chữ “Hiếu” này là chữ hội ý, gồm một chữ “lão” cùng với một chữ “tử” hợp chung với nhau thành chữ “hiếu”. Lão là chỉ cho thế hệ trước, tử là chỉ cho thế hệ sau. Thế hệ trước cùng thế hệ sau hòa hợp thành một thể gọi là hiếu, cho nên thế hệ trước với thế hệ sau quan hệ mật thiết không thể tách rời. Chúng ta thấy chữ này giống như một người con cõng một người cha. Cho nên thế hệ trước niệm niệm luôn nghĩ đến làm thế nào bồi dưỡng tốt thế hệ sau, mới có thể tròn trách nhiệm đối với tổ tiên của họ, cha mẹ của họ, thậm chí là dạy ra một người con tốt cho xã hội cũng là làm tròn trách nhiệm với xã hội. Và con niệm niệm cõng cha cũng chính là nói niệm niệm đem trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ đặt trên vai, luôn luôn nghĩ đến cha mẹ, làm sao để cha mẹ vui sướng hơn, đời sống viên mãn hơn. Cho nên người con hiếu thời cổ đại thật sự chủ tâm của họ đều có thể từng giây từng phút nghĩ đến cha mẹ.

Cổ đại có một người con hiếu rất nổi tiếng là Tăng Tử (Tăng Sâm). Một lần ông lên núi đốn củi, ngay lúc đó bạn của ông đến tìm ông. Thời xưa khi bạn đến tìm có thể đều là đi hai ba ngày đường rất dài mới đến được. Mẹ của ông là người rất trung hậu, nghĩ là bạn đã tìm đến như vậy, xa như vậy mà đến, nếu như không gặp được Tăng Sâm thì thật không nỡ lòng nào với bạn, lập tức bà liền chích kim vào trong tay của mình. Cây kim này chích vào thì Tăng Sâm lập tức cảm thấy đau tim, cảm thấy nhất định là mẹ đã xảy ra chuyện gì rồi, liền nhanh chóng đi nhanh về nhà. Cuối cùng khi về đến nhà, nhìn thấy mẹ ông vẫn chưa nói gì, lập tức quỳ xuống và nói: “Mẹ ơi, rốt cuộc có chuyện gì mà sao tim của con đau một trận vậy?”. Cuối cùng mẹ ông mới giải thích cho ông: “Bởi vì có bạn đến thăm, mẹ muốn nhanh chóng gọi con về, cho nên mẹ mới làm như vậy”. Cho nên phận con cái thời xưa thật sự là niệm niệm luôn nghĩ đến cha mẹ. Vậy hiện nay chúng ta suy nghĩ xem, bản thân chúng ta đối với cha mẹ có còn thái độ như vậy hay không? Vì sao không có vậy?

Chúng ta hồi tưởng một chút, lúc nhỏ có người nào dạy chúng ta phải hiếu thuận hay không? Không có người dạy. Mỗi ngày trong đầu nghĩ điều gì vậy? Có lẽ niệm niệm là nghĩ đến bản thân. Chúng tôi thường thường hay hỏi các em nhỏ: “Con ơi, mẹ con thích ăn món gì?”. Chúng đều nói: “Không biết”. Cuối cùng tôi bèn hỏi các em: “Mẹ con có biết các con thích ăn món gì không?”. Các em nói: “Đương nhiên biết, nào là món này, nào là món kia”, đã nói rất nhiều món. Tôi nói: “Con thấy mẹ luôn luôn nghĩ đến con, đều biết con muốn ăn món gì, mẹ quan tâm con như vậy, con là làm thế nào để báo đáp lại mẹ?”. Rõ ràng ngay cả mẹ muốn ăn món gì các con cũng không biết.

“Cha mẹ thích, dốc lòng làm”. Những món cha mẹ ưa thích chúng ta tận tâm tận lực đáp ứng cho cha mẹ, phụng dưỡng cha mẹ. Cho nên chúng tôi liền nói với các em nhỏ: “Sau này khi mua đồ, trước tiên mua món gì? Trước tiên mua món gì mà mẹ thích ăn”. Nhờ sự so sánh này khiến các em cảm nhận được mẹ yêu thương chúng ta như vậy, chúng ta lại ngay cả cái cơ bản đến như vậy cũng không biết. Cho nên người xưa có tâm hiếu như vậy cũng là quyết định bởi cha mẹ của họ có làm ra tấm gương tốt, cộng thêm ở trong giáo dục lấy đạo hiếu làm căn bản, từ nhỏ đã dạy họ hiếu. Thậm chí giữa hàng xóm láng giềng với nhau, nhìn thấy người con hiếu đều vô cùng khâm phục tôn kính, thậm chí noi theo. Cho nên phong khí xã hội vào thời xưa cũng rất tốt. Hiện nay, thật sự ở trong xã hội muốn nghe thấy người con hiếu có dễ hay không? Không dễ. Cho nên chúng ta hiện nay đã bị gián đoạn hai - ba đời rồi, cần phải bắt đầu lại từ đầu.

Làm sao hướng dẫn con trẻ tận hiếu đạo?

Trong giáo dục của chúng ta thường sẽ từ toàn bộ quá trình mang thai đến sinh ra. Tiếp sau đó là dưỡng dục của người mẹ, khiến con trẻ thể hội được ân đức của cha mẹ. Cái gọi là “biết ơn mới có thể báo ơn”. Cho nên chúng tôi vừa mở đầu liền nói với các em nhỏ: “Một lần Đức Phật đi qua một nơi nọ, nhìn thấy trên đất có một đống xương trắng, Đức Phật trước tiên bèn đảnh lễ những xương trắng này. Sau khi đảnh lễ xong, học trò bèn hỏi: “Bạch Phật, tại sao Ngài lại đảnh lễ với đống xương trắng này?”. Phật bèn nói: “Những xương trắng này có thể đều là tổ tiên trước đây của chúng ta, chúng ta cần phải lễ kính đối với tổ tiên”. Sau khi Ngài lễ đống xương trắng này xong, liền bảo học trò phân chia đống xương này, xương nào tương đối đen để qua một bên, xương tương đối trắng để qua một bên. Học trò liền hỏi: “Tại sao hai đống xương này một bên lại tương đối đen, một bên tương đối trắng vậy?”. Đức Phật liền nói tiếp: “Đống xương đen này là xương của người mẹ. Bởi vì người mẹ trong quá trình mang thai, toàn bộ dinh dưỡng của người mẹ phải nuôi thai nhi cho nên chất can-xi mất đi rất nhiều. Sau đó trong quá trình dưỡng dục vô cùng vất vả, cho nên thân thể người mẹ sẽ ngày dần tiều tụy đi. Hơn nữa, trong toàn bộ quá trình mang thai là thời gian gần mười tháng, nặng mấy chục cân, vô cùng cực nhọc”.

Chúng tôi đã làm một thử nghiệm, đem phát một trứng gà cho mỗi em, để các em giữ gìn quả trứng gà này trong một ngày. Các vị bằng hữu, kết quả như thế nào vậy? Kết quả trứng gà toàn bộ gần như  hỏng sạch. Chúng gìn giữ cái trứng gà này khoảng chừng ba phút lại quên mất, dần dần đều bị rơi lăn lóc ra cả. Trứng gà vừa rơi lăn lóc ra lập tức bị vỡ hết. Chúng tôi nhờ vào sự thể hội này nói với học trò: “Các con thấy, gìn giữ một quả trứng gà rất nhỏ mà một ngày còn không giữ nổi, còn người mẹ gìn giữ các con lớn như vậy, gìn giữ bao lâu vậy? Mười tháng. Cho nên vô cùng khó nhọc. Mang thai đến lúc hậu kỳ, nằm cũng nằm không thoải mái, ngủ cũng ngủ không yên. Sau mười tháng phải sinh con, lúc đó càng rất vất vả, cũng rất đau khổ hơn. Cái đau khi sinh còn đau hơn cả bị ung thư”.

Ở trong phòng sản có những chiếc giường dùng cho sản phụ, ở trên giường có hai thanh trụ sắt rất thô. Các vị bằng hữu, tại vì sao có hai thanh trụ sắt vậy? Khi đau có thể níu một chút, có thể nắm lấy một chút, đem cái đau này dịch chuyển vào trong cái sức níu này, cho nên rất là vất vả. Chúng tôi nói với các em nhỏ: “Hai thanh trụ sắt đó đã đều bị cong hết rồi!”. Sức mạnh nào khiến cho thanh trụ sắc bị cong hết vậy? Là nỗi đau khi sinh con của người mẹ, khiến ngay cả trụ sắt còn bị kéo cong. Cho nên hai thanh trụ sắt này đã chứng kiến sự vất vả, khó nhọc sinh con của người mẹ.

Chúng tôi bèn nói tiếp với các em nhỏ: “Sau khi người mẹ sinh xong có nói là đau chết tôi rồi không? Hay là sau khi con của họ lớn khôn, họ bèn nói với con, lúc mẹ sinh con đau chết đi được. Có nói như vậy hay không?”. Đều không có. Mặc dù họ đã trải qua đau khổ như vậy, nhưng sau khi sinh con xong, ý nghĩ đầu tiên là gì vậy? Ý nghĩ là nghĩ đến con mình có khỏe không, con hiện nay như thế nào. Cho nên sự quan tâm của người mẹ đối với con ngay cả đau khổ, đau như vậy họ đều có thể buông xả, đây là ân đức sinh thành của người mẹ. Đợi sinh con ra xong rồi càng vất vả hơn. Cho nên chúng tôi có một phụ huynh nói: “Mang thai trước khi còn chưa sinh ra, cảm thấy hy vọng mau mau sinh con ra. Sau khi sinh xong cảm thấy rất muốn đem con đưa vào lại, đừng sinh nữa”. Tại vì sao vậy? Bởi vì sau khi sinh ra càng vất vả hơn, thậm chí ngay cả ngủ cũng ngủ không yên.

Tôi còn nhớ cháu trai gọi tôi bằng cậu, trước một tuổi rất nhiều thời gian cháu đều ở nhờ nhà chúng tôi. Tối một hôm cháu tôi không ngủ, cứ khóc. Người trong nhà cứ thay nhau chịu trận, người này đổi người kia, bởi vì bế đổi tay rất nhanh. Tôi cũng trở thành một người trong đội ngũ này, nhưng khoảng chừng nửa giờ là tôi đổi tay khác rồi. Cho nên quả thật người mẹ nuôi dạy con thật sự là rất vất vả, rất khó nhọc. Sinh con ra người mẹ còn phải cho con bú, phải mau mau ăn thật nhiều thức ăn có dinh dưỡng để cung cấp cho con. Trong thời kỳ mang thai rất nhiều người mẹ vì cơ thể phản ứng nên cũng thường hay bị nôn ói, nhưng những người mẹ này vẫn cứ cố ép mình phải nuốt thức ăn vào, vì sao vậy? Bởi vì nghĩ những chất dinh dưỡng này nếu ăn vào mới có thể khiến cho thai nhi khỏe mạnh hơn. Vì vậy, toàn bộ công việc dưỡng dục sau khi sinh cũng khiến cho người mẹ vô cùng mệt nhọc.

Tôi nghe ông nội tôi kể, mẹ tôi sinh ra ba anh em tôi đều phải nuôi bằng sữa mẹ. Buổi sáng mẹ vẫn phải đi làm, cho nên vào lớp dạy đến tiết thứ hai phải lập tức lợi dụng thời gian ra chơi chạy nhanh về nhà để cho ba anh em nhỏ chúng tôi bú. Sau khi cho bú xong, lập tức lại chạy trở về trường dạy học tiếp. Mẹ tôi nói, nuôi dạy chúng tôi lúc nhỏ thường thời gian tan học thì quá mệt, chuông báo giờ vừa reo thì liền nằm lăn ra bàn, ngủ ngay trên bàn giảng. Mẹ nói không biết có bao nhiêu tiết học đều là học trò của mẹ gọi mẹ dậy, “cô ơi đến giờ học rồi”. Vừa phải làm việc, vừa phải làm mẹ, vừa phải sắp xếp tốt mọi việc trong nhà, quả thật rất vất vả. Cho nên chúng tôi trong quá trình hướng dẫn, khiến người con hiểu được toàn bộ sự trưởng thành của họ đều là người mẹ vô cùng vất vả, khiến chúng có thể cảm niệm ân đức của mẹ đối với họ. Rất nhiều người con trong quá trình nghe cũng rất cảm động, thậm chí có một số người con còn rơi lệ.

Chúng ta tiến thêm một bước nữa hướng dẫn các em biết ân đức của mẹ thì cần phải biết báo ơn, làm một người con hiếu thảo. Làm thế nào làm một người con hiếu thảo vậy? Có phải là sau khi lớn lên kiếm nhiều tiền cho mẹ tiêu xài, mua nhà lớn cho mẹ ở hay không? Việc này quá xa vời. Cho nên chúng tôi hướng dẫn các em, khiến các em có thể bắt đầu áp dụng vào trong đời sống. Hướng dẫn các em cầm một đôi dép cũng là một việc giúp đỡ cho mẹ, thậm chí là giúp mẹ lau nhà, giúp mẹ chia sẻ nỗi sầu lo, đây đều là trọn một phần tâm hiếu.

Chúng ta thực tiễn đạo hiếu thì “Đệ Tử Quy” chính là giáo trình tốt nhất. Cho nên chỉ cần các em làm được một điều “Nhập tắc hiếu” trong “Đệ Tử Quy” chính là đã trọn một phần tâm hiếu. Bắt đầu từ đâu vậy? “Đệ Tử Quy” câu đầu tiên nói đến: “Cha mẹ gọi, trả lời ngay; cha mẹ bảo, chớ làm biếng”. Bắt đầu thâm nhập, bắt đầu làm từ thái độ cung kính đối với dạy bảo của cha mẹ.

Như trong “Đệ Tử Quy” có câu: “Đông phải ấm, hạ phải mát”. Điển tích “Đông ấm, hạ mát” này là thời Đông Hán có một người học trò tên là Hoàng Hương, mẹ của cậu qua đời rất sớm cho nên cậu sống một mình cùng với cha của mình. Bởi vì sức khỏe của cha cậu không được tốt cho nên cậu rất thấu hiểu tình trạng của cha. Mùa đông, vì thời tiết rất lạnh cho nên trước tiên cậu bèn cuộn người vào trong chăn để làm chăn ấm lên; mùa hè tương đối nóng trước tiên cậu cũng dùng quạt để quạt mát giường, sau đó mời cha lên nằm ngủ. Từng li từng tí đều đang quan sát nhu cầu của cha mẹ là gì.

Chúng tôi lại tiến thêm một bước hướng dẫn các em. Hoàng Hương nhìn thấy cha mẹ sẽ lạnh, sẽ nóng, cho nên cậu biết đi làm những công việc này. Các em nhỏ, ở trong đời sống cha mẹ chúng ta còn có những nhu cầu nào nữa mà chúng ta cần phải tận tậm tận lực làm cho tốt? Chúng tôi lại tiến thêm một bước hướng dẫn các em, các em liền biết suy nghĩ. Có khi ở trong quá trình dạy các em, thường xuyên dùng một số vấn đề để khiến chúng cảm nhận. Có một số em sẽ nói: “Lúc mẹ có thể bị đói, có thể bị khát, chúng em lập tức biết rót ly nước, mang một số đồ ăn cho mẹ ăn. Thậm chí là sau khi cha mẹ đi làm về cảm thấy rất mệt, lúc này chúng ta có thể học tập làm sao biết xoa bóp, phục vụ cho cha mẹ một chút”. Tin rằng mặc dù kỹ thuật của chúng ta chưa phải thật tốt, chúng ta có cái tâm hiếu này thì cha mẹ nhất định sẽ cảm thấy rất thoải mái, rất an ủi. Cho nên từ nhu cầu ở trong đời sống mà hướng dẫn các em.

Trong “Đệ Tử Quy” lại nói đến: “Đi phải thưa, về phải trình”. Chúng ta bổn phận làm con ở đâu cũng không được để cha mẹ lo lắng, cho nên đi đến nơi nào nhất định phải nói cho cha mẹ biết. Tất cả mọi hành động của chúng ta đều có thể khiến cha mẹ yên tâm, đây chính là đang trọn phận hiếu đạo. “Đệ Tử Quy” lại nói: “Việc tuy nhỏ, chớ tự làm”. Chúng tôi thường hay hỏi các em: “Những việc nào không được tự ý làm?” Sau khi làm sẽ khiến cha mẹ bị xấu hổ, hoặc giả khiến cha mẹ lo lắng. Các em thực ra phản ứng đều rất tốt. Chúng tôi cũng thường hay nhắc đến những việc không lễ phép thì không được làm, những việc sẽ khiến cho mình nguy hiểm thì không được làm. Cho nên thông qua chúng tôi hướng dẫn như vậy thì hạnh hiếu của các em liền sẽ từng li từng tí thực tiễn vào trong gia đình các em, thực tiễn vào trong đời sống của các em, đây mới là đem đức hạnh áp dụng vào trong đời thực. Cho nên dạy hiếu cho các em tuyệt đối không phải là công phu của một ngày, hai ngày, mà cần phải trải qua sự hướng dẫn và nhắc nhở từng li từng tí trong đời sống của các em. Cho nên có rất nhiều thầy cô chúng tôi dạy “Đệ Tử Quy”, dạy hiếu đều là kiên trì nửa năm trở lên, khiến toàn bộ hành vi của các em đều đi vào quỹ đạo, đem phần tâm hiếu này nội hóa hoàn toàn thành chủ tâm của các em.

Trong dạy hiếu, chúng tôi vừa nhắc đến một điểm rất quan trọng, chính là bậc làm cha mẹ nhất định phải tự mình làm gương. Phận làm con trong hiếu thuận cha mẹ, chúng ta có thể từ các góc độ mà suy nghĩ, mà dụng tâm. Từ những góc độ nào vậy? Từ phụng dưỡng thân của cha mẹ, dưỡng tâm của cha mẹ, dưỡng chí của cha mẹ và dưỡng trí huệ của cha mẹ.

Chúng ta nói dưỡng thân của cha mẹ, đại biểu sức khỏe thân thể của cha mẹ, chúng ta phải luôn luôn biết quan tâm.

Trong sách cổ có ghi chép, hầu như người già sáu mươi tuổi trở lên thì chúng ta phải quan tâm, chăm sóc họ giống như trẻ con vậy. Người già lúc tuổi về chiều rất dễ cảm thấy hiu quạnh, cô đơn, và sức khỏe cũng tương đối suy yếu xuống dần, cho nên chúng ta cần phải thường xuyên cảm thông tình trạng sức khỏe của cha mẹ. Sau đó chúng ta trọn phận tâm hiếu, làm tấm gương tốt cho con cái của chúng ta.

Giống như lúc thời tiết xuân thu hiện nay, nhiệt độ biến đổi rất nhanh. Vào lúc này, nếu như chúng ta không có cách gì trở về nhà thì cần phải gọi một cuộc điện thoại hỏi xem cha mẹ có quần áo ấm hay không, chăn mền có đủ hay không. Vừa gọi điện thoại thì con của bạn ở bên cạnh cũng có thể cảm nhận được bạn luôn luôn quan tâm sức khỏe của cha mẹ. Chúng có thể cảm nhận được phận làm con có tâm hiếu của cha mẹ, sau đó chúng cũng luôn luôn có thể chú ý đến sức khỏe của cha mẹ.

Quan tâm sức khỏe của cha mẹ phải có tri thức đúng đắn. Chúng ta hãy suy nghĩ xem, nếu như cha mẹ bị bệnh thì làm thế nào? Đi bác sĩ khám. Phản ứng trực giác đều là đi bác sĩ khám. Khám gì vậy? Thực ra người Trung Quốc việc xem trọng nhất đối với sức khỏe là trị lúc chưa bị bệnh, vẫn chưa sinh bệnh, chứ không phải trị khi đã bị bệnh. Cho nên người Trung Quốc đặc biệt chú trọng là phương pháp dưỡng sinh, tuyệt đối không phải đợi đến bị bệnh rồi mới đi dự phòng, thế thì rất vất vả. Chúng ta suy nghĩ một chút, có người nào bị cao huyết áp đưa đến bệnh viện, sau đó khỏi cao huyết áp hay không? Có người nào bị bệnh tiểu đường đến tây y để khám, sau đó khám đến cuối cùng bệnh tiểu đường khỏi hay không? Có người nào bị bệnh ung thư, đến tây y khám sau đó về nói ung thư khỏi rồi hay không? Tây y khám đều là trừ bỏ hết triệu chứng của bạn. Ví dụ cao huyết áp. Cao huyết áp bởi vì mạch máu tắc nghẽn, rất không thoải mái, cho nên vừa uống thuốc đó vào thì mạch máu của bạn lập tức như thế nào vậy? Mở rộng. Mở rộng thì máu lưu thông qua được, cho nên bạn liền hết mệt. Giống như sắp tiêu rồi, giống như tắc nghẽn rồi, mạch máu liền mở rộng ra. Cho nên chúng ta thường hay nhìn thấy người bị bệnh tim đều như thế nào vậy? Mau mau đem thuốc đến đây! Thuốc đó uống vào là triệu chứng mất hết. Nhưng mà mạch máu của họ mỗi ngày mỗi ngày bị giãn ra, đến cuối cùng mạch máu bị hư hết, cho nên chỉ là điều trị hết triệu chứng mà thôi.

Đến cuối cùng, chúng ta hãy suy nghĩ xem, nếu như bạn là người bốn mươi – năm mươi tuổi đã bắt đầu theo uống thuốc tây, phải uống thuốc bao lâu vậy? Phải uống thuốc cả đời. Cho nên chúng ta xem thấy rất nhiều người già khi đi du lịch, ở trong mỗi bao đựng rất nhiều thứ gì vậy? Bao này, bao kia đều là thuốc tây. Khi cha mẹ chúng ta tuổi về chiều đều đi cùng với những thứ thuốc này trong cuộc đời thì cuộc sống có dễ chịu hay không? Không dễ chịu.

Cho nên chúng ta cần phải nghiên cứu càng nhiều đạo dưỡng sinh đúng đắn hơn để khiến sức khỏe của cha mẹ thật sự không cần thiết phải dựa vào những thứ thuốc tây này, như vậy mới là phương hướng đúng đắn. Bình thường phải dặn đi dặn lại cha mẹ nhiều lần không nên ăn quá mặn, không nên ăn quá béo, nhắc họ nhở họ nhiều về phương diện này. Sau đó ở trong ăn uống khiến họ hiểu cần ăn nhiều rau quả. Bởi vì cơ thể khỏe mạnh là trạng thái có tính kiềm yếu. Các loại thịt đều là có tính axít, cho nên lâu ngày dài tháng thể chất bị axít hóa, có câu: “Thể chất có tính axít là nguồn gốc của mọi bệnh”. Cho nên chúng ta cần phải hướng dẫn cha mẹ đạo dưỡng sinh, khiến cơ thể dần dần nghiên về tính kiềm yếu thì tình trạng sức khỏe mới có thể tốt được. Nếu không như thế, chúng ta suy nghĩ xem, tất cả nội tạng của bạn đem nó ngâm vào trong chất chứa axít sẽ như thế nào vậy? Những nội tạng này sẽ nhanh chóng bị thoái hóa hết. Chúng ta đều không thể nghe thấy nội tạng đang kêu gào, đều không nghe thấy chúng nó nói “tôi sắp bị tắt thở rồi khi đem tôi ngâm vào trong dung dịch axít như vậy”. Cho nên những quan niệm dưỡng thân đúng đắn này của cha mẹ cũng cần thông qua sự hướng dẫn từng li từng tí của chúng ta cho họ, tích lũy cho họ, họ mới biết dưỡng thân như thế nào.

Về phương diện đi bác sĩ khám, cá nhân tôi tương đối tán thành khám Đông y. Đông y là trị gốc không phải chỉ trị ngọn. Sở dĩ người thời đại hiện nay đều thích nghe lừa gạt chứ không nghe khuyên, nhận giả không nhận thật. Dùng y học để nói, đi thăm khám một vị Đông y, sau khi họ xem mạch cho bạn xong, nói “băng dày ba thước”, không phải một sớm một chiều mà ra. Nói với bạn bệnh này cần phải điều dưỡng nửa năm mới có thể điều chỉnh cơ thể khỏe được. Rất nhiều người vừa nghe nửa năm thì như thế nào? Sợ chết khiếp. Tôi đâu có nhiều thời gian như vậy để điều dưỡng. Cuối cùng Tây y nói với họ vừa tiêm vào một cái lập tức thấy dễ chịu ngay. Họ rất vui mừng, lập tức liền tiêm ngay. Nhưng từ nay về sau họ cần phải dựa vào tiêm, dựa vào thuốc để sống, vả lại tác dụng phụ phía sau đặc biệt lớn. Cho nên bản thân chúng ta cần thật sự có tri thức đúng đắn mới có thể khiến mình khỏe mạnh, mới có thể khiến cha mẹ có được cơ thể khỏe mạnh.

Tiếp đến là dưỡng tâm của cha mẹ, chính là bạn luôn luôn có thể chú ý đến tâm trạng của cha mẹ. Ví dụ nói mẹ gọi điện thoại cho bạn, sau đó nói chuyện đông chuyện tây, cuối cùng bạn cũng nghe ra được là mẹ đang nhớ chúng ta. Vào lúc này không đợi mẹ mở miệng, cần phải chủ động về để thăm nom. Có một số người già, không chỉ nhớ đến con cái của mình mà thôi, còn nhớ đến con cháu. Vào lúc này chúng ta có thể thấu hiểu được cái tâm này của cha mẹ, nhanh chóng về nhà để thăm.

Chúng tôi có một cô giáo, vào Tết nguyên tiêu năm nay đến nghe bài giảng văn hóa Trung Quốc. Sau khi nghe xong cô vô cùng hoan hỷ. Tôi mỗi khi nhìn thấy cô vào nghe giảng đều vô cùng chuyên chú. Chỉ cần nghe giảng đến những câu chuyện của Thánh Hiền, cô lập tức cầm bút viết tốc ký, ghi nó lại. Trong ba tháng nghe giảng, cô hoàn toàn không nói với tôi lời nào. Sau ba tháng cô mới đi lên phía bục giảng, đã thỉnh giáo với tôi một vấn đề. Tôi liền hỏi cô trước: “Cô nghe giảng ba tháng rồi, sao hoàn toàn không có nói với em lời nào vậy ạ?”. Cô nói: “Thầy Thái, tôi thấy thầy quá bận, quá vất vả rồi, tôi không muốn quấy rầy thầy”. Chúng tôi nghe xong rất cảm động. Tâm của cô luôn luôn cảm thông người khác. Cô nói: “Tôi nghe được ba tháng, cảm thấy mình vẫn còn rất có ích cho gia đình, không chỉ có ích cho người trong gia đình của mình, tôi hy vọng có thể đóng góp cho quê cũ để dạy một số em nhỏ tương đối thất học, có thể đem những lời giáo huấn đức hạnh, trí tuệ của Thánh Hiền này có thể cũng khiến chúng có cơ hội học tập”. Chúng tôi khi nghe vậy thấy rất vui mừng, cũng rất tùy hỷ phần phát tâm này của cô. Cho nên tôi lập tức đã đem rất nhiều tài liệu giảng dạy, hơn 700 câu chuyện giáo dục đạo đức lập tức tặng cho cô. Sau đó rất nhiều thầy cô hiểu được ý định này của cô, liền đem kinh nghiệm dạy học quý báu chia sẻ với cô, cho nên cô nhanh chóng dạy rất trôi chảy, đến nay cũng đã dạy được tám tháng. Cuối cùng có một lần cha của cô Từ điện thoại cho cô, nói với cô: “Con à, con đã tìm được giá trị của cuộc sống, cha rất vui mừng. Hành vi của con cha cảm thấy rất vinh dự”. Một người cha nói ra lời như vậy, đại biểu cha đối với cái hành vi đóng góp cho quê nhà này của cô ở trong tâm rất tán thành. Hơn nữa, chúng tôi tin cha của cô cũng có cái chí hướng muốn lợi ích xã hội này. Và sau khi con gái ông làm được rồi, ông cảm thấy rất hoan hỷ, cũng rất an ủi. Đây cũng là chúng ta tiếp nối chí hướng của cha mẹ để đóng góp cho xã hội.

Có một lần, cô Từ này đang dạy các em nhỏ “Đệ Tử Quy” có câu: “Việc chú bác như việc cha, việc anh họ như anh ruột”. Lúc đang dạy câu Kinh văn này, cô vô cùng có dụng ý. Trước tiên cô mua một bao trái vải lớn, sau đó mang về quê cũ của cô. Sau khi trở về rồi, cô liền bắt đầu hướng dẫn câu giáo huấn này. Cô hướng dẫn các em, chúng ta học xong “Nhập tắc hiếu”, hiểu rõ được sự vất vả của cha mẹ, cho nên chúng ta từng giây từng phút phải phụng dưỡng cha mẹ. Vì cha mẹ của người khác cũng rất vất vả giống như vậy, cũng có cống hiến cho gia đình như vậy, đối với xã hội cũng có đóng góp, cho nên bất kỳ cha mẹ của người nào cũng đều đáng để chúng ta tôn kính, hiếu kính. Sau khi giảng xong, cô Từ này liền nói: “Chúng ta sau khi học xong phải lập tức có thể làm được”. Cho nên cô bèn bảo những em nhỏ này mỗi người cầm trái vải đến tặng cho những người lớn, những bậc trưởng bối ở trong toàn bộ quê của cô. Cứ nhìn đám trẻ con chạy khắp ở trong làng quê của cô, thật vui sao là vui! Mỗi vị trưởng bối nhận được trái cây từ những em nhỏ này tặng cho họ, trong lòng họ vô cùng hoan hỷ. Cho nên ngày hôm đó trong khắp làng quê, loại phong khí kính lão tôn hiền này đã đạt đến đỉnh điểm. Kết quả ngày hôm sau, cha của cô lại gọi một cuộc điện thoại cho cô nói với cô, rất nhiều bậc trưởng bối trong làng gọi điện thoại đến nhà, những bậc trưởng bối này đã nói: “Ở trong làng chúng ta xưa nay chưa có một người con gái nào gả đi rồi mà quan tâm đến quê nhà của mình như vậy”. Khi cha của cô đang nói câu nói này, tâm trạng của ông vô cùng vui mừng hoan hỷ. Con gái nghe cha nói như vậy trong lòng cũng rất an ủi.

Các vị bằng hữu, cái hoan hỷ này của cha cô có giống với mua một bộ y phục mới cho ông hay không? Không như nhau. Mua một bộ đồ mới vui một chút, nhưng hành vi của con gái khiến ông đáng được vinh dự, cảm thấy thanh thản yên lòng, có thể thích thú thanh thản yên lòng cả đời. Cho nên ở trong “Hiếu Kinh” nói “Lập thân hành đạo”, dùng đức hạnh của mình để đóng góp cho xã hội này, sau đó nổi danh nơi hậu thế, chính là khiến đức hạnh của mình có thể hiến dâng cho xã hội, khiến toàn bộ nhân sĩ trong xã hội cảm nhận được cha mẹ của người đó nuôi dạy ra người con tốt như vậy mới khiến người con này có thể có thành tựu đóng góp cho xã hội như vậy. Cho nên gọi là: “Dương danh nơi hậu thế”, có thể làm vinh hiển cha mẹ.

Khi chúng ta có thể dùng đức hạnh của mình khiến cho cha mẹ cảm nhận được vinh dự, đó chính là một loại biểu hiện đại hiếu làm vinh hiển cha mẹ. Cho nên dưỡng tâm của cha mẹ, dưỡng chí của cha mẹ, chỉ cần bạn làm được đại hiếu. Có thể từ thành tựu của bản thân bạn để khiến nhân sĩ xã hội khẳng định sự chỉ dạy của cha mẹ bạn đối với bạn, đây chính là dưỡng tâm của cha mẹ, cũng là dưỡng chí của cha mẹ.

Và cuối cùng điều chúng tôi nhắc đến là dưỡng trí tuệ của cha mẹ. Một người đến lúc tuổi về chiều cho dù có tiền cũng chưa chắc vui sướng. Chúng ta thường hay nhìn thấy rất nhiều người già rất có tiền nhưng mà mỗi ngày ở đó nghĩ chỉ có mười triệu, lại muốn có hai mươi triệu. Có mười triệu nhìn thấy người khác có mười hai triệu, bản thân họ lại rất không thoải mái, thường xuyên sống ở trong phiền não lo được lo mất. Cho nên Khổng Phu Tử đã từng nhắc đến đời người có ba giới, ở trong quá trình của đời người có ba việc phải đặc biệt cẩn thận.

Ba việc phải cẩn thận:

Thứ nhất, “thiếu giả”. Người trẻ tuổi, điều kiêng kỵ nhất là “Giới chi tại sắc”. “Đệ Tử Quy” nói: “Không phải sách Thánh Hiền thì không xem”. Kết quả hiện nay rất nhiều phương tiện truyền thông đều là truyền bá bạo lực và gợi dục. Trẻ con sau khi ô nhiễm rồi thì tâm tính rất khó trong sáng. Việc này phải vô cùng cẩn thận. Chúng ta bậc làm cha mẹ phải biết thay con trẻ phòng ngừa những thứ ô nhiễm này. Cho nên truyền hình cũng phải thay các em tuyển chọn, không được để chúng tiếp xúc quá nhiều loại phim ảnh bạo lực và gợi dục này.

Thứ hai, “tráng giả giới chi tại đấu”. Tuổi trẻ họ ra ngoài xã hội sức khỏe dồi dào, rất có thể ở trong công việc dễ dàng cạnh tranh gây xung đột với người ta. Cho nên vào lúc này phải tránh ở trong công việc, thậm chí là ở trên thân thể sinh ra một loại tình trạng đối địch với người ta, đây là việc phải cẩn thận. Đương nhiên từ nhỏ nếu như chúng ta hướng dẫn các em biết luôn luôn nghĩ đến người khác, biết mở rộng tâm lượng của mình thì chúng sẽ không dễ dàng phạm những lỗi lầm này.

Thứ ba, “lão giả giới chi tại đắc”. Người già rồi điều kiêng kỵ nhất chính là thường hay lo được lo mất. Thực ra chữ “đắc” này dịch tương đối rõ ràng một chút chính là tham, tâm tham. Tham cái này, tham cái kia, con cháu người ta lại được như thế, chúng ta lại không có, thường hay ở trong loại tâm trạng này rất khó vui, rất khó biết đủ. Vào lúc này chúng ta có thể thông qua một số cơ hội, nhân lúc cha mẹ tâm trạng tương đối tốt, bắt đầu hướng dẫn họ phải biết buông xả những chấp trước này xuống. Nói với cha mẹ số tiền này đủ dùng là tốt rồi. Gia tài đồ sộ mỗi ngày ăn bao nhiêu chứ? Vẫn chỉ ăn ba bữa. Mặc dù bạn có rất nhiều nhà cửa, sau khi nằm xuống ngủ thì chiếm bao nhiêu? Vẫn chỉ là nằm sáu thước mà thôi. Cho nên đời người những thứ này phải “biết đủ thường vui”, khiến những tâm tham này của cha mẹ có thể dần dần buông xuống. Điều quan trọng hơn nữa là hướng dẫn cha mẹ tiếp nhận giáo huấn Thánh Hiền, tiếp nhận một số giáo huấn của tôn giáo, khiến tâm của họ có thể an trụ vào trong lời hướng dẫn của những bậc Thánh này, tuổi xế chiều của họ sẽ càng ngày càng thanh tịnh, càng ngày càng tự tại. Khi tuổi về chiều của cha mẹ có thể được như vậy thì đạo hiếu của chúng ta sẽ càng được viên mãn hơn.

Tốt! Đây là chúng ta bổn phận làm con có thể trước tiên tự mình nêu gương làm cho được, sau đó có thể khiến các em lấy đó làm gương.

Lịch sử mấy ngàn năm của Trung Quốc, một chuyện đáng tiếc nhất trong đạo hiếu không có gì bằng: “Cây muốn lặng mà gió chẳng dừng, con muốn phụng dưỡng cha mẹ mà cha mẹ không còn”. Chính là khi bạn thật sự muốn phụng dưỡng cha mẹ mà cha mẹ đã không còn nữa, đây chính là điều đáng tiếc rất lớn.

Khổng Tử có một học trò tên là Tử Lộ. Tử Lộ rất hiếu thảo, thường hay đi ra ngoài xa trăm dặm gánh gạo về để cho cha mẹ của ông ăn, vả lại thường xuyên làm như vậy. Sau này ông đã làm quan lớn, mỗi ngày ăn cơm vô cùng phong phú, đều rất nhiều món ăn. Kết quả trái lại Tử Lộ ăn không được. Người ta hỏi ông: “Sơn hào hải vị như vậy vì sao ông không ăn?”. Tử lộ nói với mọi người: “Những thức ăn này không thơm bằng gạo trắng mà tôi giúp cha mẹ gánh từ xa ngoài trăm dặm về. Hơn nữa, cha mẹ tôi hiện nay cũng không có cơ hội để ăn những món ăn thịnh soạn đến như vậy”. Ông có thể thay cha mẹ chia buồn, ông có thể phụng dưỡng cha mẹ, loại đời sống này ông cảm thấy vô cùng an vui, vô cùng vui thích. Cho nên hành hiếu nhất định phải làm ngay. Đời sống ở trong báo ơn, hành hiếu, thì nội tâm của bạn sẽ rất dạt dào, rất an vui.

Tôi có một người anh kết nghĩa, anh lớn hơn tôi đúng một con giáp. Tôi đã từng chia sẻ với anh về điểm này: “Hành hiếu là việc hạnh phúc nhất”. Anh nghe xong liền nói anh cũng thấy như vậy. Mẹ của anh gần như trong khoảng hơn mười năm trở lại đây sức khỏe luôn không tốt, cho nên từ khi anh làm công việc trong xã hội đã từ chối hết rất nhiều xã giao, chỉ cần có thời gian rảnh liền nhanh chóng chạy về nhà giúp đỡ cha mẹ, phụng dưỡng cha mẹ. Anh nói anh đã làm như vậy hơn mười năm, trong lòng rất vui thích. Mẹ của anh năm trước vãng sanh rồi. Sau khi mẹ của anh vãng sanh, anh có một sự thể hội sâu sắc. Anh nói, sự lựa chọn hơn mười năm nay của anh là chính xác. Nếu như hơn mười năm nay anh đem rất nhiều thời gian giúp đỡ mẹ để đem vào việc xã giao, như thế anh nhất định sẽ cảm thấy rất hối tiếc. Rất nhiều bạn sẽ nói: “Người trong giang hồ thân chẳng phải do mình quyết định”, thực ra đó là viện cớ. Bất kỳ việc gì chỉ cần chúng ta có tâm đều có thể làm rất tốt. Giữa người với người có một bài học nhất định phải học tốt, chính là học biết từ chối. Những xã giao không cần thiết phải biết từ chối, đem số thời gian này để làm những việc quan trọng nhất của đời người, làm việc có giá trị nhất.

Trong từ chối, có hai con át chủ bài dùng rất tốt. Hai con chủ bài nào vậy? Thứ nhất, chính là cha mẹ của chúng ta. Khi bạn của bạn muốn tìm bạn để uống rượu, tìm bạn đi ăn tối, khi ăn lại phải mất mấy tiếng đồng hồ, như thế đối với sức khỏe của bạn cũng không tốt, đối với sức khỏe của bạn bè có tốt hay không? Cũng không tốt. Vào lúc này chúng ta chỉ cần nói với họ: “Tôi đã nhận lời mẹ tôi phải đi về ăn cơm với mẹ rồi, hôm nay thành thật xin lỗi, tôi không thể đi được”. Khi bạn nói như vậy, biết đâu họ suy nghĩ, “à, mình cũng đã nửa năm rồi chưa có về nhà ăn cơm cùng cha mẹ mình rồi”. Bạn vừa nhắc nhở họ như vậy cũng có thể đánh thức tâm hiếu của họ dậy. Đây là con át chủ bài thứ nhất. Cho nên khi bạn nói bạn phải về thăm cha mẹ thì trên cơ bản sẽ không có người nào ép buộc bạn nữa.

Thứ hai, chính là vợ con của mình. Nếu như bạn bè muốn tìm bạn để rượu chè, bạn nói với họ: “Tôi đã nhận lời con tôi, hôm nay về phải kể cho nó nghe hai câu chuyện về đức dục. Chúng ta đối với trẻ con nói ra thì phải giữ lời, không được phép nói dối với trẻ con, cho nên thật ngại quá, tôi phải về rồi”. Họ cũng sẽ không tiếp tục ép buộc bạn nữa.

Cho dù thật sự bạn đem hai con át chủ bài này đều đánh ra rồi, người bạn này vẫn cứ muốn ép buộc bạn thì làm thế nào? Người bạn như vậy quả thật là không thấu tình đạt lý. Cho nên chúng ta đối với bạn bè cần phải biết lấy bỏ.

Cổ nhân nói: “Tình giao hảo của người quân tử nhạt như nước”. Tại sao nhạt vậy? Ở trong cái nhạt này có vị chân thật. Tương giao giữa bạn bè với nhau đều xây dựng trên đạo nghĩa và tình nghĩa. Họ nhất định sẽ thể hội được bạn có rất nhiều bổn phận phải làm cho tròn, cho nên họ tuyệt đối sẽ không mỗi ngày ràng buộc nhau với bạn, dính dáng nhau với bạn, họ sẽ không làm việc này. Có thể lúc bảy - tám giờ, họ sẽ nhắc nhở bạn mau mau về nhà ăn cơm, như vậy mới có không khí gia đình; mau mau về trông nom cha mẹ của mình, làm trọn thêm một ít tâm hiếu. Cho nên trong nhạt có vị chân thật. Họ sẽ luôn luôn khuyên bảo bạn cần phải làm tròn những bổn phận này của đời người.

“Giao hảo của kẻ tiểu nhân thì ngọt như mật”. Ngọt như mật chính là giống như dính vào với nhau, không thể tách rời ra được. Tại vì sao lại thân mật như vậy? Bởi vì họ có mục đích của họ. Họ có thể nhìn thấy tiền ở trong túi của bạn, hoặc giả nhìn thấy những mối quan hệ xã hội nào đó của bạn, khi giao tiếp được với bạn họ sẽ có những lợi ích này. Cho nên trước khi bạn vẫn chưa đồng ý, họ mỗi ngày cứ luôn ở bên bạn, thậm chí là ở bên bạn đến canh ba nửa đêm họ cũng quyết không từ nan. Đợi đến ngày nào bạn đồng ý rồi, tiền đem đưa cho họ rồi, ký tên vào làm bảo lãnh cho họ rồi, họ lập tức liền lộ nguyên hình ra ngay. Cho nên chúng ta lựa chọn bạn bè cũng phải vô cùng cẩn thận.

Hành hiếu nhất định phải biết quý trọng thời gian.

Khi anh bạn kết nghĩa này của tôi làm như vậy cũng đã tạo ra một tấm gương vô cùng tốt cho thế hệ sau của anh. Anh nói anh thường xuyên về giúp đỡ mẹ, các anh em chị em của anh cũng đều có thái độ như nhau. Cho nên thường hay trở về nhà đều vô cùng vui vẻ, tình cảm giữa anh em chị em cũng vô cùng tốt. Ngày đám tang mẹ của anh tôi cũng đến hành lễ thắp nhang. Trước linh cữu của bà, tôi phát hiện một chuyện khác vô cùng hay. Bởi vì đúng vào ngày hôm đó con của các anh em chị em anh đều về cả, tôi nhìn thấy khí chất, tố chất thế hệ sau của họ vô cùng vô cùng tốt. Toàn bộ đều học rất giỏi, hơn nữa thái độ đối với mọi người đều rất lễ độ, rất khiêm cung, cho nên tôi cũng phát hiện ra một chuyện từ trong thế hệ sau của họ. Gia truyền tốt nhất là giáo huấn gì vậy? Là hiếu thuận với đễ, chính là “anh nhường em kính”. Tâm hiếu của họ đối với mẹ thế hệ sau đều nhìn thấy cả, sự hòa thuận vui vẻ giữa anh em chị em của họ thế hệ sau cũng học được. Cho nên quả thật phận làm cha mẹ biết tự mình nêu gương thì thế hệ sau của họ sẽ học được tấm gương rất tốt.

Chúng tôi vừa mới nhắc đến con cái làm thế nào hiếu thuận cha mẹ. “Phụ từ tử hiếu”, cha mẹ phải biết làm thế nào dùng từ ái, dùng trí tuệ để hướng dẫn thế hệ sau của họ, và con cái cũng phải biết thường xuyên quan tâm, chăm sóc nhu cầu của cha mẹ để trọn đạo hiếu, như vậy có thể khiến cái nhân luân cha con này có thể phát triển vô cùng hài hòa, vô cùng viên mãn.

Việc làm người trong đời này của một con người có thể quang minh lỗi lạc, có thể hoàn thiện nhân cách, ngoài cha mẹ chỉ dạy ra còn phải có một nhân vật rất quan trọng trong cuộc sống đến chỉ dạy, chính là thầy của họ. Cho nên văn hóa Trung Quốc xem trọng nhất chính là hiếu đạo và sư đạo.

Người xưa, khi cha mẹ qua đời phải thủ tang ba năm, còn thầy qua đời phải tâm tang ba năm, cho nên đều là phải giữ tang ba năm. Chúng ta từ trong cái tang lễ này cũng có thể thể hội được thái độ của người xưa đối với thầy vô cùng cung kính. Cái gọi là “Một ngày làm thầy, cả đời làm cha”. Cha mẹ sinh ra, nuôi dạy chúng ta, đã cho chúng ta mạng sống. Thầy dùng trí tuệ cả đời của họ hướng dẫn chúng ta, đã cho chúng ta huệ mạng, mạng sống trí tuệ. Cho nên ân đức của cha mẹ và thầy cô chúng ta suốt đời đều cần phải ghi nhớ, đều cần phải hiếu kính đối với họ, phụng dưỡng đối với họ.

Tốt rồi, tiết học này chúng ta chỉ học đến đây. Cảm ơn mọi người!

A Di Đà Phật!

Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Người Tốt Chân Thật Đúng Như Pháp (tập 07)

Giảng ngày 20 tháng 11 năm 2004 tại Thành phố Hải Khẩu, Trung tâm Vỡ Lòng Quốc Học Hiếu Liêm

Người giảng: Thầy giáo Thái Lễ Húc

Cẩn dịch: Vọng Tây Cư Sĩ, Viên Đạt Cư Sĩ, Mộ Tịnh Cư Sĩ, Phước Tịnh Cư Sĩ.