Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 372)

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 372)
Các vị Pháp sư, các vị đồng tu, xin mời ngồi. Phía trước đã nói là phát tâm vô cùng quan trọng, đúng như trong kinh Thế Tôn thường nói, “nhất thiết pháp tùng tâm tưởng sanh”, Bồ-đề tâm là nơi có thể sanh ra cứu cánh thường lạc. Điều này nói rõ sự quan trọng của việc phát tâm, tại sao phải nhất định phát tâm, ở đây đã nói ra rồi. Có đồng tu nói, chúng tôi cũng đã từng nhìn thấy các ông cụ bà cụ không biết chữ, cái gì họ cũng không biết, chỉ có câu Phật hiệu này niệm tới cùng thì họ được vãng sanh, tướng lành vãng sanh vô cùng hiếm có, họ thật sự được vãng sanh. Có người đứng mà vãng sanh, có người ngồi mà vãng sanh, không thấy họ đã phát Bồ-đề tâm. Trong Yếu Giải, Đại Sư Ngẫu Ích nói rất hay, đã giải đáp vấn đề này cho chúng ta, “tin sâu nguyện thiết chính là vô thượng đại Bồ-đề tâm”. Bốn chữ này chẳng phải đơn giản mà có thể làm được, tin sâu thì chẳng có hoài nghi, chẳng có xen tạp thì mới được gọi là chân tín. Nếu ta tin, trong sự tin này vẫn còn xen tạp tự tư tự lợi, vẫn còn xen tạp danh lợi, không buông bỏ được thì sự tin sâu này bị phá hỏng rồi. Nguyện thiết thì chỉ là một nguyện, nhất định không có nguyện thứ hai, ta xem chuyện vãng sanh Thế

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ

Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh

Tập 372

 

Các vị Pháp sư, các vị đồng tu, xin mời ngồi.

Phía trước đã nói là phát tâm vô cùng quan trọng, đúng như trong kinh Thế Tôn thường nói, “nhất thiết pháp tùng tâm tưởng sanh”, Bồ-đề tâm là nơi có thể sanh ra cứu cánh thường lạc. Điều này nói rõ sự quan trọng của việc phát tâm, tại sao phải nhất định phát tâm, ở đây đã nói ra rồi. Có đồng tu nói, chúng tôi cũng đã từng nhìn thấy các ông cụ bà cụ không biết chữ, cái gì họ cũng không biết, chỉ có câu Phật hiệu này niệm tới cùng thì họ được vãng sanh, tướng lành vãng sanh vô cùng hiếm có, họ thật sự được vãng sanh. Có người đứng mà vãng sanh, có người ngồi mà vãng sanh, không thấy họ đã phát Bồ-đề tâm. Trong Yếu Giải, Đại Sư Ngẫu Ích nói rất hay, đã giải đáp vấn đề này cho chúng ta, “tin sâu nguyện thiết chính là vô thượng đại Bồ-đề tâm”. Bốn chữ này chẳng phải đơn giản mà có thể làm được, tin sâu thì chẳng có hoài nghi, chẳng có xen tạp thì mới được gọi là chân tín. Nếu ta tin, trong sự tin này vẫn còn xen tạp tự tư tự lợi, vẫn còn xen tạp danh lợi, không buông bỏ được thì sự tin sâu này bị phá hỏng rồi. Nguyện thiết thì chỉ là một nguyện, nhất định không có nguyện thứ hai, ta xem chuyện vãng sanh Thế giới Cực Lạc là nguyện thứ nhất, ta vẫn còn nguyện thứ hai, nguyện thứ ba, nguyện thứ tư thì đã phá hỏng cái nguyện thiết này rồi, nên không sánh bằng các cụ ông cụ bà.

Cho nên từ xưa đến nay người ta thường nói, chỉ có người thượng trí và người hạ ngu mới có thể thành tựu. Người thượng trí thì trong nhà Phật thường gọi là người thượng thượng căn, họ một nghe ngàn ngộ, nên họ thật sự hiểu rõ, chẳng có một chút nghi ngờ. Còn người hạ ngu, bạn đừng nghĩ họ chẳng biết điều gì, bởi vì họ thành thật, điều này là vô cùng đáng quí, họ cùng với người thượng trí, tuy là một người thì hiểu rõ, một người thì chẳng hiểu gì cả, không hiểu thì họ làm sao? Trên sự hành trì thì họ chẳng khác gì với người thượng trí, họ không hoài nghi, sư phụ dạy họ niệm Phật, “sư phụ không bao giờ gạt ta”, họ liền tin, tin hết lòng. Dạy cho họ không xen tạp thì thật sự họ chẳng nghĩ đến điều gì cả, chỉ có một nguyện vọng cầu sanh Tịnh Độ, không có nguyện vọng thứ hai, cái này gọi là vô thượng Bồ-đề tâm. Lời nói này là của Đại Sư Ngẫu Ích, Đại Sư Ngẫu Ích là người như thế nào chúng ta không biết được, Ngài không để lộ thân phận.

Đại sư Vĩnh Minh Diên Thọ là A Di Đà Phật tái lai, nhị tổ là đại sư Thiện Đạo cũng là A Di Đà Phật tái lai, đại sư Vĩnh Minh là tổ thứ sáu của Tịnh Tông. Đại Sư Ngẫu Ích tuy không có tiết lộ thân phận, nhưng thân phận của Đại sư Ấn Quang đã bị lộ, Ngài là Bồ-tát Đại Thế Chí tái lai, đối với Kinh A Di Đà Yếu Giải của Đại Sư Ngẫu Ích, Đại Sư Ấn Quang vô cùng tán thán, tán thán cùng cực. Ngài nói cho dù là cổ Phật tái lai có làm chú giải kinh Di Đà cũng không thể vượt qua bộ chú giải này. Chúng ta đã nghe Bồ-tát Đại Thế Chí tán thán Đại Sư Ngẫu Ích, vậy Ngài là ai? Nếu như Ngài không phải là A Di Đà Phật tái lai thì chắc chắn là Bồ-tát Quan Thế Âm tái lai, không phải là người thường. Lời của Ngài nói chúng ta phải tin, tin sâu nguyện thiết, nếu không biết cũng chẳng sao, sanh đến Thế giới Cực Lạc thì liền khai ngộ, thì liền hiểu rõ.

Chúng ta không phải là người thượng trí, cũng không phải là người hạ ngu, là nhóm người khó độ nhất, không phải thượng căn cũng không phải hạ trí. Thật sự mà nói, Thế Tôn 49 năm giảng kinh thuyết pháp, chính là vì những người thuộc nhóm chúng ta. Người thượng trí hạ ngu thì dễ độ, họ thật sự có đầy đủ thiện căn phước đức nhân duyên, chúng ta không nên xem thường họ, không nên coi khinh họ. Tuy chúng ta một đời này tu học nhưng thành tựu không bằng họ, tuy họ chẳng có học thức, họ không đi học, nhưng đối với mọi người họ rất cung kính lễ phép, còn chúng ta có đi học một chút thì tự cho rằng mình là lợi hại lắm, liền cống cao ngã mạn. Tư tưởng, ngôn hạnh, cử chỉ của họ là thiện hạnh, còn tư tưởng, ngôn hạnh, cử chỉ của chúng ta là ác hạnh thì làm sao sánh với họ được chứ? Lại còn xem thường họ nữa!

 Phần trước đã nói với quí vị, người tu đạo chân thật thì không yêu cầu người khác cung kính mình, cúng dường cho mình, điều này là tương ưng với tánh đức. Nhưng bản thân chúng ta đối với người khác có cần phải cung kính hay không, cần phải cúng dường hay không? Mười nguyện của Bồ-tát Phổ Hiền là nhằm vào hàng Bồ-tát mà nói, điều thứ nhất “Lễ kính chư Phật”, trong Văn sao của Đại Sư Ấn Quang nói rất nhiều, “một phần thành kính thì được một phần lợi ích, hai phần thành kính thì được hai phần lợi ích”, phải chân thành cung kính, “mười phần thành kính thì bạn được mười phần lợi ích”. Vì vậy học sinh trong cùng một lớp học, nghe giáo viên giảng bài, sự đạt được lợi ích của mỗi học sinh là khác nhau, do nguyên nhân gì vậy? Do tâm cung kính đối với thầy giáo không như nhau, tâm cung kính đối với các bài học không như nhau, gọi là kính nghiệp, cho nên có được sự lợi ích cũng khác nhau.

Lời của Đại Sư Ấn Quang rất hay, nếu chúng ta muốn được mười phần lợi ích thì đối với thầy giáo, chúng ta nhất định phải có mười phần cung kính, đối với bài học chúng ta nhất định phải mười phần tôn trọng thì bạn mới đạt được mười phần lợi ích. Bạn chỉ có một phần cung kính tôn trọng thì bạn chỉ được một phần lợi ích, không thể được hai phần. Thầy dạy cho học trò đều là giống nhau, giảng như vậy, dạy cũng như vậy, nhưng mỗi học sinh được sự lợi ích không như nhau. Ở đây không phải là thầy giáo có tâm thiên vị, mà là thái độ học tập của bản thân học trò không như nhau, không nên trách lão sư. Phần trước nói đến ba điều chướng ngại Bồ-đề tâm, không thể không buông bỏ, ba điều tùy thuận Bồ-đề tâm thì không thể không nghiêm túc học tập.

Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ trong đoạn tổng kết này đã nói “Dĩ thượng sở luận vi Bồ-đề môn dữ tùy thuận Bồ-đề môn, chánh hiển phát tâm vi thuận chi dị. Phàm dĩ pháp Bồ-đề tâm tu tập tịnh nghiệp giả, ưng thường thể cứu” (Ở trên đã luận về trái nghịch và thuận theo Bồ-đề môn, chính là làm sáng tỏ sự khác nhau giữa phát tâm nghịch và thuận. Hễ ai đã phát tâm Bồ-đề tu tập Tịnh-nghiệp nên thường thể cứu). Thể là thể hội, cứu là nghiên cứu. “Thiết mạc tự vi Bồ-đề môn, vi thất bổn nguyện, tự chướng vãng sanh dã” (Chớ nên tự trái nghịch với Bồ-đề môn, trái nghịch với bổn nguyện, tự mìn                                                                                                                                                                                                 h chướng ngại việc vãng sanh của chính mình). Bạn không được vãng sanh thì không nên trách người khác, là do tự mình chướng ngại chính mình, phải biết đạo lý này.

Phát Bồ-đề tâm chúng tôi xin chia sẻ đến đây, xin xem đoạn kinh văn tiếp theo, “nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật”. Câu này là nguyện thứ 18 trong 48 nguyện, phát Bồ-đề tâm là nguyện thứ 19. Có người nói “bổn nguyện niệm Phật” là từ Nhật Bản truyền đến, nhưng các vị Tổ sư đầu tiên của Nhật Bản đều đến Trung Quốc tham học, bổn nguyện không chỉ có nguyện thứ 18, nếu chỉ y theo nguyện thứ 18, các nguyện khác thì không cần, có thể vãng sanh hay không? Không đáng tin. Trong Phật sự Tam Thời Hệ Niệm, thiền sư Trung Phong nói rất rõ ràng, nói là tín nguyện hạnh, nguyện là 48 nguyện, mỗi nguyện đều phải có đủ thì bạn với A Di Đà Phật mới đồng tâm đồng nguyện, như vậy bạn mới có thể vãng sanh.

Tôi giảng Kinh Vô Lượng Thọ, giảng Kinh A Di Đà cũng nói rất nhiều lần, thành thật mà nói, bất kỳ một nguyện nào cũng đều có đủ tất cả các nguyện, đây mới là viên dung. Bất kỳ nguyện nào trong 48 nguyện đều có đủ 47 nguyện khác, không thiếu một nguyện nào, nếu thiếu một nguyện thì nguyện đó không được viên mãn. Nguyện thứ 18 thì chắc chắn có đủ 47 nguyện kia. Điều quan trọng nhất cho việc vãng sanh là “phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm”, phát Bồ-đề tâm là nguyện thứ 19, nhất hướng chuyên niệm là nguyện thứ 18, vậy thì bạn hiểu được phải lấy hai nguyện này làm chủ, 46 nguyện kia thì làm trợ, chánh trợ, chủ khách, viên dung đầy đủ, đây gọi là tịnh nghiệp.

Chúng ta xem trong chú giải, Ngài nêu ra một đoạn kinh văn trong Di Đà Yếu Giải, chúng tôi xin đọc đoạn kinh văn này: “Di Đà Yếu Giải vân, ư nhất thiết phương tiện chi trung, cầu kỳ chí trực tiệp, chí viên đốn giả, mạc nhược niệm Phật, cầu sanh Tịnh Độ” (Di Đà Yếu Giải nói, trong tất cả phương tiện, mà tìm lấy pháp thẳng tắp nhất, pháp viên đốn nhất, thì không gì bằng pháp niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ). Lời khai thị của Đại Sư Ngẫu Ích vô cùng quan trọng. Phương tiện, phương là phương pháp, tiện là tiện nghi, nói theo hiện nay là phương pháp tốt nhất, phương pháp thích hợp nhất, phương pháp viên mãn nhất thì gọi là phương tiện, đây là nói về tu hành. Chúng ta muốn tu hành chứng quả, làm Phật làm Bồ-tát, phương pháp tốt nhất thù thắng nhất, chẳng có gì bằng niệm Phật, vì sao vậy? Nếu như bạn thật sự hiểu được nguyên lí thì bạn sẽ hiểu rõ, nguyên lí gì vậy? Chúng tôi thường nói, “tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”, cái tâm này của bạn hằng ngày tưởng Phật, bạn không làm Phật thì làm cái gì? Tâm tưởng sự thành, tưởng cái gì thì cảnh giới đó hiện tiền, vậy thì tại sao bạn không tưởng Phật? Đây là nguyên nhân căn bản, “tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”, tâm hiện thức biến, bạn hoàn toàn tương ưng với tổng nguyên lí nguyên tắc này.

Vì sao người thế gian thường nói, người chết rồi thì đi làm ma, rõ ràng có sáu nẻo, nhưng tại sao họ không nói người chết rồi thì lên trời? Vì sao họ khẳng định người chết rồi thì biến thành ma quỷ? Rất nhiều người nói như vậy, chúng ta suy nghĩ cho cặn kẽ, họ nói lời này cũng có lí, vì sao vậy? Vì lúc làm người thì cái nhân làm ma quỷ là nhiều nhất, chính là suy nghĩ của họ, cái nghiệp nhân làm ma quỷ của họ là nhiều nhất, nghiệp nhân của làm ma quỷ là gì? Là tham lam, lòng tham là cõi ngạ quỷ, niệm niệm không buông bỏ tâm tham, thật sự là họ đã làm ma quỷ. Sân giận là địa ngục, ngu si là súc sanh, thập thiện là cõi trời, họ ngày ngày nghĩ thập thiện, hành thập thiện thì người này đời sau sẽ sanh lên cõi trời. Xem họ nghĩ cái gì, vậy chúng ta hãy xem người hiện nay nghĩ cái gì? Đa số là nghĩ đến tham sân si, ai mà không tham, ai mà không sân, ai mà không ngu si? Vì vậy bình tĩnh mà quan sát thì bạn sẽ nhìn thấy, quả báo nhân duyên tội khổ của vô số chúng sanh bày ra rõ ràng trước mắt.

Thọ mạng ngắn ngủi, người thọ mạng ngắn thì 20-30 tuổi là ra đi rồi, người thọ mạng dài thì 70-80 tuổi, cũng có người sống đến 100 tuổi, nhưng rất ít không nhiều, cho dù sống đến 100 tuổi, khoảng thời gian này đối với họ cũng chỉ là một cái búng tay, quá ngắn ngủi. Thời gian lâu dài sau này, chúng ta có nghĩ đến hay không?

Lúc tôi còn trẻ mới học Phật, lão sư thường hay nhắc nhở chúng tôi, người thông minh thì phải có cái nhìn trước sau, tức là có thể nhìn thấy nhân trước quả sau. Trong đời này khởi tâm động niệm, lời nói việc làm, phải nghĩ đến quả báo trong đời sau. Chư Phật Như Lai đã giới thiệu cho chúng ta quả báo đời sau thù thắng nhất chính là Tây Phương Di Đà Tịnh Độ, thù thắng vô cùng, điều này là thật không phải giả. Cái gì gọi là thật? Thọ mạng dài lâu. Phật và đại chúng, tức là đại chúng từ mười phương thế giới đã vãng sanh, ai ai cũng là vô lượng quang, vô lượng thọ, bạn nói xem thế giới Tây Phương Di Đà Tịnh Độ tốt đẹp như vậy. Điều đặc biệt hiếm có là ai muốn vãng sanh về đó đều được vãng sanh, chẳng giống những cõi nước của chư Phật khác, bạn muốn đến đó mà bạn không đủ điều kiện thì bạn không thể đi, điều kiện đó là gì vậy? Là phải buông bỏ tất cả vọng tưởng phân biệt chấp trước thì bạn mới đi đến được cõi Phật đó, rất khó. Phương tiện của Thế giới Cực Lạc là đới nghiệp vãng sanh, tuy là bạn chưa đoạn vọng tưởng phân biệt chấp trước, chỉ cần bạn khống chế được nó, nó không còn khởi tác dụng là được rồi, khống chế thì dễ hơn việc đoạn trừ rất nhiều.

Phần trước cổ đức nói rất tuyệt vời, bạn không nên xem pháp môn này quá dễ dàng, bạn xem nó quá dễ dàng thì bạn đã sai lầm. Nói dễ là so với 84.000 ngàn pháp môn, pháp môn Tịnh Độ thì dễ hơn, 84.000 pháp môn phải đoạn phiền trừ não, còn pháp môn này thì chỉ phục phiền não, chỉ cần là như vậy. Phiền não của bạn có thể phục được không? Bạn phục phiền não không được thì không thể vãng sanh, phục được phiền não thì chắc chắn vãng sanh, chúng ta phải chú ý điểm này.

Làm sao để hàng phục được phiền não? Nếu như bạn không chịu buông bỏ thì bạn không hàng phục được, nhất định phải buông bỏ. Tôi thường hay nói 16 chữ này, phải buông bỏ tự tư tự lợi, phải buông bỏ danh vọng lợi dưỡng, phải buông bỏ ngũ dục lục trần, phải buông bỏ tham sân si mạn. Chỉ cần bạn buông bỏ 16 chữ này thì vãng sanh vào Phàm Thánh Đồng Cư Độ chắc chắn là bạn có phần, điều này bạn không thể không biết.

Tiếp theo Đại sư Ngẫu Ích nói, “cầu kỳ chí trực tiệp” (tìm lấy pháp thẳng tắp nhất), chí là đã lên tới đỉnh rồi. Pháp môn này là đi thẳng, khoảng giữa chẳng có chút quanh co khúc khuỷu nào, giống như đi trên đường thẳng không có quanh co gấp khúc, là con đường tắt, là đường thẳng nhất, là pháp môn viên đốn nhất, viên là viên mãn, đốn là đốn siêu, không có thứ bậc. Những pháp môn khác, bạn xem Đại Thừa Viên Giáo trong Kinh Hoa Nghiêm từ sơ tín, nhị tín, tam tín, tứ tín là có thứ bậc, đến thập tín, thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng đều có thứ bậc, giống như lên thang lầu vậy, đi từ thang lầu thứ nhất từng tầng từng tầng đi lên. Đốn là gì? Đốn là không có thứ bậc, giống như chúng ta hiện nay đi thang máy, 50 tầng lầu, nếu như bạn đi thang bộ thì đi rất chậm, đi rất lâu, đi thang máy thì lập tức liền đến nơi. “Tối viên tối đốn giả, mạc nhược niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ” (pháp cực viên cực đốn không gì bằng pháp niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ). Bạn muốn thành Phật, có cách nhanh nhất để thành Phật, có cách thẳng tắp nhất, viên mãn đốn siêu nhất, đó chính là pháp môn niệm Phật, sanh đến Thế giới Cực Lạc một đời thành tựu.

Chúng ta sanh đến Thế giới Cực Lạc là một đời không phải hai đời, quí vị phải biết điều này, sanh đến Thế giới Cực Lạc không phải là chết rồi mới đi, chết rồi thì không đi được, còn sống mà đi, vì sao vậy? Khi A Di Đà Phật đến tiếp dẫn bạn, lúc đó bạn vẫn chưa tắt thở, bạn vẫn còn sống, bạn nhìn thấy A Di Đà Phật đến tiếp dẫn bạn, bạn nói với những người đang chăm sóc cho bạn, “tôi đã nhìn thấy A Di Đà Phật đến tiếp dẫn tôi rồi”, bạn liền đi theo A Di Đà Phật, cái thân này không cần nữa. Bạn nghĩ xem còn sống mà vãng sanh, không phải chết mới vãng sanh, vì vậy việc vãng sanh này là chắc chắn. Bản thân họ đã nói rõ ràng như vậy, lúc lâm chung đầu óc sáng suốt, lời nói rõ ràng, “Phật đến tiếp dẫn tôi, tôi đi theo Phật đây”.

Lúc lâm chung sợ nhất là bị hôn mê, đầu óc không sáng suốt, bất tỉnh nhân sự, việc này rất là phiền phức. Trợ niệm, cầu siêu chỉ là hết lòng giúp đỡ mà thôi, cổ nhân nói “làm hết sức mình nhưng nghe theo thiên mệnh”, thiên mệnh chính là người lâm chung, chúng ta có thể giúp được thì hết lòng giúp cho họ, còn họ có thể thọ dụng hay không đó là việc của bản thân họ, đây là chân tướng sự thật chúng ta không thể không biết.

Vì sao niệm Phật không được vãng sanh? Phần trước có nói, quan trọng nhất là ý niệm, tin không sâu, niệm không thiết, đối với thế gian này vẫn còn lưu luyến, vẫn còn vướng bận thì không thể vãng sanh, do tâm không thanh tịnh. Cổ Đại đức nói rất hay “tâm tịnh tức cõi Phật tịnh”, hiện nay ta niệm Phật, niệm Phật cầu điều gì? Cầu tâm thanh tịnh, điều này rất quan trọng, mục đích niệm Phật của ta là cầu tâm thanh tịnh, được tâm thanh tịnh rồi, hồi hướng sanh về Tịnh Độ thì mới nắm chắc phần vãng sanh, điều kiện cầu sanh Tịnh Độ ta đã có đủ thì không có đạo lí không thể vãng sanh.

Chúng ta tiếp tục xem đoạn văn kế tiếp, cũng là Đại Sư Ngẫu Ích nói, “Hựu ư nhất thiết niệm Phật pháp môn chi trung, cầu kì chí giản dị, chí ổn đương giả, mạc nhược tín nguyện chuyên trì danh hiệu” (Lại trong tất cả pháp niệm Phật, mà tìm lấy pháp đơn giản nhất, pháp ổn thỏa vững chắc nhất, thì không gì bằng tín nguyện, chuyên trì danh hiệu). Điều này là nói pháp môn niệm Phật, bạn đã chọn pháp môn này, sau khi chọn rồi thì bạn phải niệm như thế nào? Bạn phải biết có rất nhiều pháp môn niệm Phật, bạn xem trong Kinh Hoa Nghiêm xem thấy Thiện Tài Đồng Tử năm mươi ba tham, tỳ-kheo Đức Vân thì nói pháp môn niệm Phật có 21 phương pháp. Trong tất cả các pháp môn niệm Phật, bạn phải tìm phương pháp giản đơn nhất, dễ dàng nhất, chắc chắn nhất, đó là tín nguyện chuyên trì danh hiệu. Chữ quan trọng trong câu này chính là chữ “chuyên”, nếu bạn không chuyên thì không được, bạn phải chuyên. Những thứ khác đều phải buông bỏ, tín phải chuyên, nguyện phải chuyên, hạnh phải chuyên, bạn không thể xen tạp.

Vì sao ngày nay bạn không chuyên? Thật sự mà nói là do bạn không có tín nguyện, vì sao lại nói không có tín nguyện? Bạn đang ở nơi đây niệm Phật cầu vãng sanh, có người nói với bạn, bạn ra ngoài một chút, đi một tiếng đồng hồ có thể kiếm được một triệu đô-la thì bạn lập tức đi liền, một giờ đồng hồ chẳng can hệ gì, liền lập tức đi kiếm tiền, vậy là bạn không có tín tâm. Nếu như bạn thật sự có tín tâm thì dù Vua trời Đại Phạm đến nói với bạn, “ta đến nhường ngôi cho con, con đến làm Vua trời Đại Phạm nhé”, nếu như bạn từ chối không cần thì mới gọi là chuyên tâm. Việc này thật không dễ, bạn chịu không nổi sự dụ hoặc, chỉ có một chút danh lợi nhỏ nhoi thì liền động tâm, vậy thì làm sao thành tựu được chứ? Sự thành tựu này là sự nghiệp thành Phật, vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi, sự nghiệp này đã thành công rồi, tương lai cứu độ chúng sanh. Thế xuất thế gian không có sự nghiệp nào to lớn hơn việc này, vì vậy những người làm công việc này là đại thiện căn, đại phước đức, đại nhân duyên. Trong Kinh A Di Đà có nói, không thể lấy chút ít thiện căn phước đức nhân duyên mà được sanh về nước kia, cho nên người thông thường nửa tin nữa ngờ, nên nguyện của họ lúc có lúc không. Điều này là bình thường, chẳng có gì là lạ, vì sao vậy? Vì họ là chúng sanh trong sáu nẻo, khởi tâm động niệm là tâm luân hồi, ngày nay muốn đem tâm luân hồi chuyển thành tâm niệm Phật, tâm luân hồi chuyển thành tâm đại Bồ-đề, chuyện này không phải dễ, trong hàng vạn người khó có được một người, đây là chuyện lớn không phải là chuyện nhỏ.

Trong Yếu Giải lại nói, “A Di Đà Phật thị vạn đức hồng danh, dĩ danh chiêu đức, khánh vô bất tận. Cố tức chấp trì danh hiệu vi chánh hạnh, bất tất cánh thiệp quán tưởng, tham cứu đẳng hạnh, chí giản dị, chí trực tiệp” (A Di Đà Phật là vạn đức hồng danh, dùng danh hiệu để chiêu cảm đức, thì đạt được tất cả. Nên chấp trì danh hiệu là chánh hạnh, chẳng cần trải qua các hạnh: quán tưởng, tham cứu v.v…thật rất đơn giản, quá thẳng tắp). Đại Sư Ngẫu Ích khai thị đoạn này làm tăng trưởng niềm tin cho chúng ta. Trước đây tôi ở Dallas nước Mỹ, có một đồng tu đã hỏi tôi, ông hỏi: “Thưa Pháp sư, nếu như trong Tam Tạng kinh điển chỉ cho Ngài học một bộ kinh thôi thì Ngài sẽ học bộ kinh nào?” Tôi liền trả lời, nếu như chỉ cho tôi học một bộ kinh thì chắc chắn là tôi chọn Di Đà Yếu Giải của Đại Sư Ngẫu Ích, đây là bổn nguyện của tôi, nếu như tôi giảng kinh thì cả cuộc đời này tôi chỉ giảng bộ kinh này, tôi sẽ không giảng bộ kinh thứ hai nào. Hơn nữa bản thân tôi không có đạo tràng riêng, không thường trụ đạo tràng nào, cuộc đời tôi nay ở đạo tràng này mai ở đạo tràng kia, cả cuộc đời giảng kinh đều hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức, người ta mời tôi giảng kinh gì thì tôi giảng kinh đó. Cho nên đời này cũng đã giảng mấy chục bộ kinh. Kinh Hoa Nghiêm không phải do tôi muốn giảng, vài hôm trước khi Hàn Quán Trưởng vãng sanh, bà đã khẩn thiết thỉnh tôi, mong muốn tôi giảng viên mãn bộ kinh này, lưu lại một bộ băng ghi hình để cho người đời sau tham khảo, tôi đã nhận lời của bà, là do bà thỉnh tôi giảng. Trước đó tôi đã giảng bộ kinh này nhưng giảng chưa xong, mới giảng được phân nửa, Hoa Nghiêm tám mươi thì giảng được phân nửa, Hoa Nghiêm bốn mươi thì giảng được một phần ba. Sau này tôi đọc bản hội tập của lão cư sĩ Hạ Liên Cư thì tôi không muốn giảng Kinh Hoa Nghiêm nữa? Vì sao vậy? Vì Kinh Vô Lượng Thọ chính là trung bản của Kinh Hoa Nghiêm, vì vậy giảng Kinh Vô Lượng Thọ sẽ hay hơn nhiều. Kinh A Di Đà là tiểu bản của Kinh Hoa Nghiêm, cho nên nếu không phải Hàn Quán Trưởng thỉnh mời tôi thì không có được cái duyên này.

Đặc biệt là thời đại hiện nay, căn tánh chúng sanh không như người thời xưa, nhu cầu của người hiện nay là phải đơn giản, thời gian phải ngắn, phải dễ học tập. Hay nói cách khác, Kinh A Di Đà Yếu Giải là thích hợp nhất cho người hiện nay, vì rất khế cơ. Nhưng Kinh Vô Lượng Thọ và Kinh A Di Đà, muốn giảng được tốt, thật sự phải có nền tảng của Kinh Hoa Nghiêm, vì sao vậy? Kinh Hoa Nghiêm là đại bản, đại bản đã thông đạt thì tiểu bản giảng sẽ rõ ràng hơn, bạn nói xem tự tại biết bao, thật sự là viên dung vô ngại. Điều này đã nói rõ là không thể không học đại bản để bổ sung cho mình, để phát huy khi giảng tiểu bản, lợi ích cho tất cả chúng sanh, điều này thù thắng viên mãn chẳng gì bằng.

Đoạn này nói rất hay, A Di Đà Phật là vạn đức hồng danh, vạn đức là gì? Là tánh đức vốn có đầy đủ trong tự tánh, vạn là thí dụ cho tánh đức sâu rộng không có giới hạn, không thể dùng số lượng để nói được, không thể dùng thí dụ mà có thể hình dung được. Nói vạn đức là bất đắc dĩ, chính bạn phải tỉ mỉ mà thể hội, đây là tánh đức, A Di Đà Phật là danh từ của tự tánh. Bốn chữ này là tiếng Phạn, dịch ra A nghĩa là vô, Di Đà là lượng, Phật là giác, vì vậy bốn chữ dịch ra có nghĩa là Vô Lượng Giác, cũng có nghĩa là chẳng có điều gì mà không biết, chẳng có điều gì mà không hay. Vô lượng giác là gì? Là tự tánh, cho nên thiền sư Trung Phong nói rất hay, “A Di Đà Phật chính là tâm ta, tâm ta chính là A Di Đà Phật”, cái tâm này là chân tâm không phải là vọng tâm. Chân tâm là gì? Chân tâm là vô lượng giác.

Phật cũng có nghĩa là trí, vô lượng trí. Chúng ta dịch chữ Phật này, chữ Phật này là chữ mới tạo ra, xưa kia Trung Quốc không có chữ Phật này, chỉ có chữ phất không có bộ nhân bên cạnh, âm thì giống nhau. Phật là người cho nên thêm vào bộ nhân ở bên cạnh, trong lúc phiên dịch đã tạo thêm rất nhiều chữ. Giải thích chữ Phật này có ba trí, ba giác. Ba trí là nhất thiết trí, đạo chủng trí và nhất thiết chủng trí. Phật có ba giác là tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn, giải thích như vậy thì quí vị dễ hiểu. Cho nên danh hiệu này chỉ có thể dịch âm, sau đó ghi thêm phần chú thích, trong văn tự Trung Quốc tìm không thấy chữ này, tìm không ra chữ có nghĩa hoàn toàn giống với chữ Phật, vì vậy mới dùng cái cách này.

Nhất thiết trí là biết bản thể của vạn vật trong vũ trụ, đạo chủng trí là biết hiện tướng của vạn vật trong vũ trụ, nhất thiết chủng trí là biết thể tướng là viên dung. Thể và tướng là một không phải hai, giống như mối liên hệ giữa vàng và trang sức vậy, vàng là thể, còn trang sức là hiện tướng. Hiện tướng và bản thể nhất định là không thể rời nhau, là một chứ không phải hai, trí huệ này mới được gọi là viên mãn. Ba trí, ba giác, chúng ta thường nói là trí huệ viên mãn, sự giác ngộ cứu cánh, đây là Phật. A Di Đà Phật chính là cái nghĩa này, là bản tánh của chính mình, trong bản tánh có trí huệ viên mãn, có sự giác ngộ cứu cánh, cho nên chúng ta niệm câu Phật hiệu A Di Đà Phật này là niệm ra tự tánh A Di Đà, là “tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ”, cái nghĩa này rất sâu. Cảnh giới này chính là cảnh giới của Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm, chúng ta phải biết, làm gì có mê tín chứ.

 “Dĩ danh chiêu đức, khánh vô bất tận” (Dùng danh hiệu để chiêu cảm đức, thì đạt được tất cả). Trí huệ viên mãn, sự giác ngộ cứu cánh trong tự tánh của chúng ta đã bị mê rồi, hiện nay chúng ta biến trí huệ thành phiền não, biến giác ngộ thành mê hoặc, việc này có phiền phức hay không? Như vậy thì đọa lạc rồi, đem Nhất Chân pháp giới mà tự tánh hiển hiện biến thành sáu cõi luân hồi, biến thành ba đường ác. Việc này quí vị hãy xem thật kỹ thí nghiệm nước kết tinh của tiến sĩ Giang Bổn Thắng thì bạn có thể hiểu rõ đạo lý này, chân tướng sự thật này bạn thật sự đã giác ngộ thì bạn sẽ biết được làm sao để hồi đầu. Đoạn ác tu thiện chính là hồi đầu. Hoàn toàn tìm lại được tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ, bạn liền tỉnh đậy từ trong giấc mộng của tam đồ, lục đạo, mười pháp giới.

Được rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng tôi xin giảng đến đây.

A Di Đà Phật!

 

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 372)

Người giảng: Lão Pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Khởi giảng năm 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ