Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 363)

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 363)
Kính chào chư vị đồng tu, hôm qua giảng đến ba thân Bồ-đề: pháp thân Bồ-đề, báo thân Bồ-đề, ứng hóa thân Bồ-đề. Pháp thân vốn có là thuộc về tánh đức, báo thân chính là tu đức, trong Phật pháp thường nói “tu đức hữu công, tánh đức phương hiển” (tu đức có công phu thì tánh đức mới hiển lộ), ý nghĩa của câu nói này rất sâu. Chúng sanh trong sáu nẻo từ vô lượng kiếp đến nay đã mê mất tự tánh cho nên tánh đức không hiển lộ. Thực tại mà nói tánh đức không phải là không hiển lộ, nó đã biến chất rồi, biến thành cái gì? Biến thành phiền não, biến thành bất thiện nghiệp. Tánh đức đã biến chất, một cái đã biến chất thì tất cả đều biến chất, đến cả pháp giới cũng đều biến chất. Thực tế mà nói pháp giới không có biến chất, giống như Thế Tôn đã nói trong Kinh Lăng Nghiêm, “mắt có màng”, cho nên toàn bộ chân tướng sự thật đều bị bóp méo, phải làm sao để hồi phục? Phải dựa vào việc tu lý, hỏng rồi thì phải tu, tu lý để hồi phục lại nguyên trạng, như vậy mới được. Tu điều gì? Là chỉnh sửa lại điều sai lầm, phàm hễ tương ưng với đức tánh thì là chính xác, trái ngược với đức tánh thì đó là điều sai lầm, đạo lý này không thể không biết. Đại sư Lục Tổ Huệ

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ

Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh

Tập 363

Kính chào chư vị đồng tu, hôm qua giảng đến ba thân Bồ-đề: pháp thân Bồ-đề, báo thân Bồ-đề, ứng hóa thân Bồ-đề.

Pháp thân vốn có là thuộc về tánh đức, báo thân chính là tu đức, trong Phật pháp thường nói “tu đức hữu công, tánh đức phương hiển” (tu đức có công phu thì tánh đức mới hiển lộ), ý nghĩa của câu nói này rất sâu. Chúng sanh trong sáu nẻo từ vô lượng kiếp đến nay đã mê mất tự tánh cho nên tánh đức không hiển lộ. Thực tại mà nói tánh đức không phải là không hiển lộ, nó đã biến chất rồi, biến thành cái gì? Biến thành phiền não, biến thành bất thiện nghiệp. Tánh đức đã biến chất, một cái đã biến chất thì tất cả đều biến chất, đến cả pháp giới cũng đều biến chất.

Thực tế mà nói pháp giới không có biến chất, giống như Thế Tôn đã nói trong Kinh Lăng Nghiêm, “mắt có màng”, cho nên toàn bộ chân tướng sự thật đều bị bóp méo, phải làm sao để hồi phục? Phải dựa vào việc tu lý, hỏng rồi thì phải tu, tu lý để hồi phục lại nguyên trạng, như vậy mới được. Tu điều gì? Là chỉnh sửa lại điều sai lầm, phàm hễ tương ưng với đức tánh thì là chính xác, trái ngược với đức tánh thì đó là điều sai lầm, đạo lý này không thể không biết.

Đại sư Lục Tổ Huệ Năng nói rất hay, trong tánh “xưa nay vốn không có một vật”, điều này là gì? Là tâm thanh tịnh, là giác tánh, trong giác tánh không có một vật, trong tâm thanh tịnh không có một vật, trong tâm bình đẳng không có cao thấp, không có thị phi nhân ngã. Có nhân ngã thì không có bình đẳng, giống như trong Kinh Kim Cang đã nói, không những không có tứ tướng mà tứ kiến cũng không có, ‘kiến’ là ý niệm. Hiện nay chúng ta có ý niệm, có ý niệm chính là có vô minh; có phân biệt, có chấp trước chính là có tạo tác. Vậy thì hiện nay chúng ta phải như thế nào? Phải đem chấp trước, phân biệt, vô minh thảy đều buông bỏ. Sự buông bỏ này chính là tu, tu đức có công, cái công này chính là công phu, công phu là gì? Là thật sự buông bỏ.

Thế nhưng sự buông bỏ này có buông bỏ từng phần, không phải buông bỏ hoàn toàn. Cho nên trong quá trình tu học, Tiểu Thừa thì có tứ quả tứ hướng, Đại Thừa thì có 55 thứ bậc, 55 thứ bậc này là thập tín, thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng, tứ gia hạnh, thập địa, đẳng giác. Kinh Lăng Nghiêm nói đến vị thứ của Bồ-tát, tại sao lại có những vị thứ này? .Là do buông bỏ nhiều hay ít khác nhau, buông bỏ càng nhiều thì thứ bậc càng cao, buông bỏ ít thì thứ bậc càng thấp.

Chúng tôi xin nói vị thứ thấp nhất, Bồ-tát Viên Giáo Sơ Tín Vị thì phải buông bỏ bao nhiêu? Tám mươi tám phẩm kiến hoặc thuộc tam giới của kiến tư phiền não phải buông bỏ. Sơ quả Tiểu Thừa cũng phải buông bỏ như vậy. Sơ Tín cùng với Sơ quả Tiểu Thừa đều đoạn hoặc, chính là đoạn phiền não, buông bỏ phiền não đều bằng nhau, nhưng trí huệ đức tướng lại không như nhau. Tiểu Thừa có so sánh cũng không thể sánh bằng Đại Thừa, đây là do nguyên nhân gì? Một cái là tâm lượng nhỏ, một cái là tâm lượng lớn, nguyên nhân là ở chỗ này. Người Tiểu Thừa thì tâm lượng nhỏ, người Đại Thừa thì tâm lượng lớn, nên gọi là đại tâm phàm phu, đại tâm phàm phu thì đã buông bỏ kiến hoặc.

Kiến hoặc có 88 phẩm, Phật Bồ-tát quy nạp 88 phẩm này thành 5 loại lớn: thân kiến, biên kiến, kiến thủ kiến, giới thủ kiến, tà kiến. Năm loại lớn này thảy đều buông bỏ, nếu tâm lượng lớn thì họ là Bồ-tát Đại Thừa Viên Giáo Sơ Tín Vị. Tâm lượng nhỏ thì họ trở thành Tiểu Thừa Tu-đà-hoàn. Đây cũng không phải là người phàm, vì sao vậy? Những người như vậy tuy là chưa ra khỏi lục đạo, nhưng chắc chắn là họ không bị đọa vào tam đồ, vì sao? Vì tuy là có nghiệp nhân của ba đường ác, nhưng duyên của tam đồ đã đoạn rồi, quí vị phải nên biết, có nhân nhưng không có duyên thì sẽ không kết thành quả, nhân phải hợp với duyên thì quả báo mới hiện tiền. Bởi vì những người này đã đoạn duyên của ba đường ác rồi, tu đức có công, cái công này là cái công nhỏ, nó vẫn có tác dụng. Người Tiểu Thừa lên trời xuống cõi người bảy lần thì chứng quả A-la-hán, 81 phẩm tư hoặc của cửu địa tam giới đã đoạn rồi, tham sân si mạn nghi không còn nữa. Bồ-tát Thất Tín trong Thập Tín vị của Đại Thừa cùng với A-la-hán của Tiểu Thừa là đoạn hoặc bằng nhau, nhưng trí huệ đức tướng thì A-la-hán không thể sánh bằng, cái lý và sự này đều phải thông suốt, đều phải hiểu rõ.

Thế nhưng trong tu học, nói về việc khó dễ thì Đại Thừa thì dễ hơn Tiểu Thừa. Tiểu Thừa sau khi chứng được sơ quả, bảy lần lên xuống cõi trời cõi người thì mới chứng quả A-la-hán. Chúng ta biết là thọ mạng ở cõi người không dài, cõi trời thì thọ mạng dài, thời gian của bảy lần lên xuống, chúng ta cảm thấy là quá dài. Đại Thừa thì phải xem căn tánh, xem nhân duyên, đây chính là lời của Đại sư Thiện Đạo đã nói “đều bởi gặp duyên không đồng”, họ gặp được duyên thù thắng thì khoảng thời gian ngắn, ngôi thứ của bản thân tăng lên rất lớn. Nếu không gặp được duyên thù thắng thì họ tiến bộ chậm một chút, nói tóm lại là họ tăng nhanh hơn Tiểu Thừa rất nhiều, đây chính là chỗ thù thắng của Đại Thừa.

Hôm nay chúng ta gặp được duyên, là duyên thù thắng hiếm có, trong 84.000 pháp môn, cổ nhân thường khen ngợi pháp môn Tịnh Độ đới nghiệp vãng sanh là là “môn dư đại đạo”, đây là pháp môn thành Phật ngay trong đời này của chúng ta. Có không ít đồng tu hỏi tôi: “Thưa Pháp sư, Ngài xem con có thể vãng sanh không?” Đem nỗi nghi hoặc nặng nề này đến hỏi tôi, cũng được xem là gặp duyên thù thắng, tôi trả lời họ một cách chắc chắn: “Bạn có thể vãng sanh hay không thì không liên quan gì với cảnh giới bên ngoài.” Vậy thì liên quan với điều gì? Trong kinh đã nói rất rõ ràng, Đại sư Ngẫu Ích giải thích rất minh bạch, “có thể vãng sanh hay không quyết định ở chỗ là có tín nguyện hay không?” Đây chính là Bồ-đề tâm, đây chính là tâm vô thượng Bồ-đề, là tin sâu nguyện thiết. Thật sự có tin sâu nguyện thiết thì bạn có bị ảnh hưởng của cảnh giới bên ngoài hay không? Không bị ảnh hưởng. Thuận cảnh nghịch cảnh đều không ảnh hưởng đến bạn. Nếu hoàn cảnh ngày nay ảnh hưởng đến bạn, trong thuận cảnh thì bạn sanh tâm hoan hỷ, trong nghịch cảnh thì bạn sanh tâm sân giận, vậy là chưa được, điều này không thể vãng sanh, nói một cách khách sáo là bạn chưa nắm chắc tâm thái vãng sanh. Trong thuận cảnh nhất định không sanh tham luyến, trong nghịch cảnh không sanh sân giận, vậy là bạn đã nắm chắc phần vãng sanh. Bạn sống ở thế gian này, nhà Phật thông thường nói là được tự tại, tuy là chưa đạt được đại tự tại, nhưng vẫn có được tiểu tự tại. Sự tự tại nhỏ này có tác dụng là sanh vào cõi Phàm Thánh Đồng Cư Độ của Thế giới Cực Lạc, điều kiện như vậy là đủ rồi. Được đại tự tại thì sanh Thế giới Cực Lạc không phải là Đồng Cư Độ, mà là Thật Báo Độ, vừa đến Thế giới Cực Lạc thì hoa nở thấy Phật ngộ vô sanh, vô sanh chính là vô sanh pháp nhẫn. Vô sanh pháp nhẫn là cảnh giới gì? Là Thất Địa trở lên, thật sự là A-duy-việt-trí Bồ-tát, tức là viên chứng tam bất thoái.

 Nếu chúng ta hỏi ngay trong đời này của chúng ta có thể vãng sanh đến Thật Báo Độ không? Nếu bạn hỏi câu này thì chúng tôi vẫn là dùng lời của Đại sư Thiện Đạo để trả lời, “đều do gặp duyên không đồng”. Điều quan trọng nhất trong cái duyên này thứ nhất là thiện hữu, tức là người thầy, cái duyên này vô cùng quan trọng; thứ hai là hoàn cảnh học tập. Quan trọng nhất là người thầy, bạn học và hoàn cảnh tu học. Minh sư chỉ điểm, giúp bạn xác định phương hướng, xác định mục tiêu, dùng thuật ngữ của nhà Phật để nói là xác định tông chỉ, cái tông chỉ này chính là phương hướng và mục tiêu tu học. Bạn đã xác định phương hướng mục tiêu rồi thì cả đời không thay đổi, nhất tâm nhất ý theo cái phương hướng mục tiêu này mà làm, tinh tấn không giải đãi thì đâu có cái lý nào mà không thành công. Sợ nhất là điều gì? Là giải đãi, lười biếng, như vậy bạn không những là không có tiến bộ mà còn bị thoái chuyển rất nhiều. Chắc chắn là đọa lạc vào trong phiền não tập khí, đó là ý niệm tự tư tự lợi, mong cầu danh văn lợi dưỡng, sự hưởng thụ ngũ dục lục trần, sự trỗi dậy của tham sân si mạn.

Bản thân chúng ta phải biết công phu tu hành chính là nói “tu đức có công phu”. Bản thân mình tu đức đã có công phu rồi thì có hiện tượng gì? Phiền não nhẹ, trí tuệ tăng, đây là tu đức có công, trí huệ tăng chính là tánh đức. Bất luận là đối nhân xử thế tiếp vật bạn không bị mê hoặc, đã là thông minh, có trí huệ thì sẽ biết làm sao để chung sống với nhau, chắc chắn là tương ưng với tánh đức. Xin nói với quí vị, tánh đức chính là luân lý đạo đức, luân lý đạo đức là tánh đức, là điều tự nhiên. Nhà Phật nói “pháp vốn như vậy”, không phải do một người nào phát minh ra, không phải do một người nào quy định, mà là quy luật của tự nhiên.

Phàm phu chúng ta khởi tâm động niệm, lời nói việc làm trái ngược với luân lý, trái ngược với đạo đức. Cổ nhân nói đạo đức gồm 12 chữ bao gồm bát đức, bát đức có hai cách nói, một cách nói là “hiếu đễ trung tín lễ nghĩa liêm sĩ”, còn một cách nói khác là “trung hiếu nhân ái tín nghĩa hòa bình”. Hai cách nói này hợp lại, trừ những chữ trùng lặp ra thì còn 12 chữ, 12 chữ này là tánh đức: hiếu đễ trung tín lễ nghĩa liêm sĩ nhân ái hòa bình. Khởi tâm động niệm, lời nói việc làm của chúng ta, đối nhân xử thế tiếp vật tương ưng với 12 chữ này, tương ưng với luân thường thì tánh đức liền hiển lộ. Tu đức chính là chúng ta đem những điều không tương ưng với luân lý đạo đức, những vọng tưởng tập khí đều buông bỏ sạch sẽ thì tánh đức liền hiện tiền. Cho nên chư Phật Bồ-tát bao gồm Tổ sư Đại đức đã thị hiện ở thế gian này, chính là tám chữ “tu đầy đủ vạn hạnh, công đức trang nghiêm”, đây chính là báo thân. Báo thân là gì? Trừ bỏ vọng tưởng phân biệt chấp trước, những điều hiện ra tự nhiên tương ưng với tánh đức, cái này chính là viên mãn báo thân Phật, sự viên mãn này là đạo đức viên mãn, đạo đức chính là tánh đức.

Ở chỗ này nói “công đức trang nghiêm”, thông thường chúng ta nhìn thấy trong bài kệ tán Phật đã nói “thân có vô lượng tướng, tướng có vô lượng vẻ đẹp”, người thế tục chúng ta thì thường nói “32 tướng tốt 80 vẻ đẹp”. Công đức trang nghiêm này, hoàn cảnh bên ngoài chắc chắn là chuyển theo chánh báo, gọi là y báo chuyển theo chánh báo, đây là gì? Là thân tự thọ dụng. Công đức trang nghiêm, Phật Bồ-tát tự thọ dụng, còn phàm phu chúng ta bởi vì nghiệp chướng nặng nên nhìn không thấy.

Vì chúng ta là phàm phu, cảnh giới là do nghiệp lực của bản thân biến hiện ra, thí dụ như Thích-ca Mâu-ni Phật dưới cội Bồ-đề thị hiện thành đạo, đại triệt đại ngộ. Phàm phu chúng ta nhìn thấy Thích-ca Mâu-ni Phật là người thông thường, ngồi dưới cội Tất-bát-la, lót một ít cỏ rồi ngồi lên đó. Thiên nhân cõi trời Tịnh Cư, Tịnh Cư Thiên là đệ tứ thiền, đệ tứ thiền có Ngũ Bất Hoàn Thiên, chư thiên ở cõi Ngũ Bất Hoàn Thiên được gọi là Tịnh Cư thiên nhân. Ở Tịnh Cư Thiên họ nhìn thấy cõi Diêm-phù-đề, Diêm-phù-đề chính là quả địa cầu này của chúng ta, họ nhìn thấy Thích-ca Mâu-ni Phật ở cõi Diêm-phù-đề thị hiện thành Phật, ngồi dưới cội Bồ-đề, cội Bồ-đề đó là thất bảo, là bảo thọ. Thế Tôn ngồi ở nơi đó, phía dưới không phải là cỏ mà là đài kim cang. Họ nhìn thấy Thích-ca Mâu-ni Phật ngồi trên đài kim cang, còn chúng ta thì nhìn thấy Ngài ngồi trên đống cỏ, điều này là do đâu? Cảnh giới bên ngoài luôn chuyển theo tâm, tâm chúng sanh đã làm thay đổi cảnh giới này? Thích-ca Mâu-ni Phật có cảnh giới gì không? Không có, cảnh giới của mỗi người đều không giống nhau, bạn phải biết đạo lý này thì bạn mới biết được chư Phật Như Lai nhìn chúng sanh chúng ta, nhìn sáu nẻo luân hồi này như là cái gì? Giống như là thủy tinh pha lê vậy, ở đây có rất nhiều chúng sanh mê hoặc điên đảo, tỉ mỉ mà quan sát, những chúng sanh này toàn bộ đều là chư Phật Như Lai, đều là chư Phật Như Lai điên đảo thất thường, ở nơi đây tạo tác hư vọng, không ra khỏi được cái vòng luân hồi. Các Ngài nhìn thấy cảnh giới này rất là tự nhiên không phải là hữu ý, cũng không phải là vô ý, hữu ý hay vô ý đều nói không được. Nhìn được hoặc là nghe được, tiếp xúc được, những điều này gọi là có cảm, tự nhiên liền có cảm, các Ngài ứng hóa ở nơi đó giúp chúng sanh giác ngộ, giúp họ thoát li, giúp họ phục hồi tánh đức, không có bất kỳ lý do gì, không có bất kỳ duyên gì khởi lên, hoàn toàn không có. Cảnh giới này trong giáo pháp Đại Thừa thường gọi là “cảnh giới bất tư nghì”.

Bạn xem phẩm cuối cùng trong Kinh Hoa Nghiêm, Tứ Thập Hoa Nghiêm danh thể cụ túc. Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện nhập bất khả tư nghì cảnh giới giải thoát trong Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh là nói cho bạn thực sự là cảnh giới này là cảnh giới giải thoát không thể nghĩ bàn. Phổ Hiền Hạnh Nguyện chính là vạn đức trang nghiêm của Bồ-tát, là cứu cánh viên mãn trang nghiêm của Bồ-tát. Ở đây nói là “bị tu vạn hạnh”, trong Phổ Hiền Hạnh Nguyện là viên mãn vạn hạnh, ‘bị’ trong “bị tu” nghĩa là có đủ, đây là nói với chúng sanh mê hoặc. “Viên mãn vạn hạnh” là nói với Bồ-tát giác ngộ, vừa giác ngộ thì liền viên mãn. Cho nên chúng sanh khác với Phật là ở chỗ mê ngộ, sau khi ngộ thì tự thọ dụng chính là báo thân. Báo thân ở trong đề kinh của chúng ta chính là Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác. Ở phía trước thì tôi đã thêm hai chữ chân thành, chân thành là gì? Chân thành là tánh, là pháp tánh, pháp thân. Ở phía sau thì thêm hai chữ từ bi, từ bi là ứng hóa thân. Có đủ ba thân, tâm chân thành là pháp tánh, thanh tịnh bình đẳng giác là báo thân, từ bi là ứng hóa thân.

Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ nói ở chỗ này, “Tùng báo thân lưu hiện hóa thân, tùy cơ hóa hiện, diệu dụng vô cùng, cố viết ích vật viên thông” (từ báo thân hiện ra hóa thân, tùy cơ mà hóa hiện, diệu dụng vô cùng, nên nói là viên thông lợi ích cho chúng sanh), đây chính là hóa thân Bồ-đề. Sau khi ngộ rồi thì tự nhiên sẽ cảm ứng đạo giao với tất cả chúng sanh, muốn dùng thân gì để độ thì các Ngài liền hiện ra thân đó. Trong phẩm Phổ Môn nói Bồ-tát Quán Thế Âm có 32 ứng thân, muốn dùng thân Phật để độ thì Ngài hiện ra thân Phật, muốn dùng thân Bồ-tát để độ thì Ngài hiện ra thân Bồ-tát, muốn dùng thân tể quan để độ thì Ngài hiện ra thân tể quan, muốn dùng thân cư sĩ để độ thì Ngài hiện ra thân cư sĩ, thậm chí là đồng nam đồng nữ. Ba mươi hai tướng là chỉ 32 loại, bao gồm toàn bộ những thân phận khác nhau ở thế gian này, thậm chí là bao gồm động vật, thực vật, núi sông đất đai.

Người ngộ đạo thì có người khai ngộ từ lời nói, nghe thuyết pháp mà khai ngộ, có khi khai ngộ từ trên hình tướng, nhìn thấy nhất cử nhất động của một người khuấy động linh cảm của họ nên khai ngộ. Còn có cảnh quan tự nhiên, nghe tiếng chim hót mà giác ngộ, nghe gió thổi, nghe tiếng cây cối mà khai ngộ, nghe tiếng nước chảy mà khai ngộ, quí vị phải nên biết, sáu căn của bạn tiếp xúc cảnh giới sáu trần ở bên ngoài mà khai ngộ, đây là sự gia trì của Phật Bồ-tát, chỉ trong một khoảng chớp mắt, vì sao vậy? Bình thường mỗi ngày họ đều nghe nhưng tại sao họ không khai ngộ, chỉ trong khoảng nháy mắt, không biết là do duyên gì thúc đẩy, bỗng nhiên đại ngộ, phải biết đây chính là chư Phật Như Lai tùy cơ ứng hóa, diệu dụng vô cùng, đây là hóa thân Bồ-đề. Do vậy mới biết báo thân Bồ-đề là tự thọ dụng, hóa thân Bồ-đề là tha thọ dụng, giúp đỡ người khác.

 Thích-ca Mâu-ni Phật còn tại thế ngày ngày đều giảng kinh thuyết pháp, ngày ngày đều giúp cho người khác giác ngộ, chúng ta mỗi ngày cũng đọc kinh, mỗi ngày đều nghe kinh, cũng thường cảm thấy không khai ngộ, do nguyên nhân gì vậy?  Do nghiệp chướng tập khí quá nặng, điều này phải nên biết, một lần chưa ngộ, 10 lần cũng chưa ngộ, nghe 100 lần cũng chưa khai ngộ, cổ nhân nói “đọc sách ngàn lần, nghĩa kia tự hiểu”, đọc 1.000 lần sẽ có chỗ ngộ, là do nguyên nhân gì? Có người chỉ đọc một lần là khai ngộ rồi, thiền tông Lục Tổ Huệ Năng chỉ đọc một lần thì đã khai ngộ. Ngũ Tổ giảng cho Ngài đại ý của Kinh Kim Cang, chưa giảng xong kinh, chỉ giảng có một phần ba, đến câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kì tâm” Ngài liền đại triệt đại ngộ. Sau khi ngộ rồi thì không cần phải giảng nữa, Ngài đã hiểu hết toàn bộ rồi, không những không cần giảng Kinh Kim Cang, mà tất cả kinh Thích-ca Mâu-ni Phật đã nói trong 49 năm, Ngài chẳng có một chút chướng ngại nào, một ngộ thảy đều ngộ, tất cả pháp thế xuất thế gian, toàn bộ đều thông đạt.

Do nguyên nhân gì vậy? Do tâm thanh tịnh. Chúng ta nghe 100 lần, 1.000 lần cũng không ngộ, là do nguyên nhân gì? Do tâm không thanh tịnh. Tại sao nghe nhiều lần thì sẽ giác ngộ? Đó là dùng phương pháp nghe kinh, phương pháp đọc kinh để tu tâm thanh tịnh, đạo lý này trong các buổi giảng chúng tôi đã nói rất nhiều rồi, đã nói rất nhiều năm rồi. Tôi thường nói đọc tụng nghe giảng, người biết nghe thì tu căn bản trí, như thế nào thì là biết nghe? Phải tuân thủ lời giáo huấn trong Khởi Tín Luận là “lìa tướng ngôn thuyết”, trong lúc nghe kinh không nên chấp trước ngôn ngữ, trong lúc đọc kinh không nên chấp trước văn tự, “lìa tướng danh tự” là không nên chấp trước danh từ thuật ngữ, nó là phương tiện, nó không phải là mục tiêu. “Lìa tướng tâm duyên”, tướng tâm duyên là bạn không cần phải suy nghĩ xem câu này có nghĩa là gì, đoạn này có nghĩa là gì, không cần phải suy nghĩ, vì sao vậy? Bạn suy nghĩ, thì bạn đã dùng tâm phân biệt, tâm chấp trước. Ngôn ngữ văn tự của Phật Bồ-tát là từ trong tâm tánh lưu lộ ra, trong tâm tánh thì không có vọng tưởng, không có phân biệt, không có chấp trước, chúng ta thì dùng vọng tưởng phân biệt chấp trước để tiếp nhận, vậy bạn có thể tiếp nhận được không? Đương nhiên là sẽ không hiểu, những điều mà bạn tiếp nhận được là giải thích sai nghĩa chân thật của Như Lai, những điều bạn hiểu không phải là nghĩa của Phật, cho nên bạn không ngộ, đạo lý là ở chỗ này.

Niệm Phật cũng tốt, đọc kinh cũng tốt, nghe giảng cũng tốt nhưng mà phải hiểu, chúng ta dùng những cách này để tu cái gì? Là để tu định, định có thể khai huệ. Bạn tu trong khoảng thời gian dài, tâm thật sự thanh tịnh rồi, tâm thật sự đã định lại thì bỗng nhiên khai ngộ, đạo lý là như vậy, tâm của bạn không thanh tịnh thì làm sao bạn khai ngộ chứ? Phật Bồ-tát không thể giúp đỡ được, có cầu Phật Bồ-tát gia trì thì cũng không gia trì nổi, cũng không thể giúp đỡ được. Phật Bồ-tát dạy cho bạn cách thức chính là đã giúp đỡ bạn, bản thân bạn phải chịu làm, bản thân không chịu làm, chỉ muốn Phật Bồ-tát ban cho bạn thì pháp thân công đức trí huệ đó đều gọi là vọng tưởng, điều này hoàn toàn sai lầm.

Rất nhiều người hiện nay có vọng tưởng này, khi Phật còn tại thế, tôn giả A-nan có lúc khởi vọng tưởng. Phật là anh cả của Ngài, vì Phật và A-nan là anh em chú bác. Anh em chú bác tất cả có tám người, Thích-ca Mâu-ni Phật lớn nhất là anh cả, A-nan là em út, Phật cũng rất thương người em út, trong tâm của người em út thường nghĩ, các anh phải tu hành, phải tu cực khổ, còn ta thì không cần tu, đến lúc nào đó anh cả của ta sẽ truyền trao thiền định Bát-nhã lại cho ta. Đến khi gặp phải nạn nữ Ma-đăng-già thì mới biết, tu hành là phải dựa vào chính mình, người anh cả thương Ngài nhất cũng không giúp Ngài được. Sự thị hiện này chính là một sự khải thị rất hay cho hậu học chúng ta, Phật thật sự giúp đỡ chúng ta là thông qua giáo học, lao tâm khổ trí để dạy bảo chúng ta, đây chính là sự giúp đỡ chúng ta, cho nên chúng ta phải hiểu.

Trong bài khai kinh kệ nói rất hay “nguyện hiểu nghĩa chân thật của Như Lai”, ý của Phật chúng ta phải hiểu rõ, bạn phải chân thật thực hiện, phải làm cho được, làm được 100%, làm được mà không trừ không giảm phần nào thì bạn mới thành Phật. Giải nghĩa chính là giải ngộ, thực hiện là chứng ngộ, chứng ngộ mới có công đức chân thật, giải ngộ mà không thể hành, thực tế mà nói là giải chưa đủ thấu triệt, giải được thấu triệt thì đâu có đạo lý làm không được?

Thế pháp và Phật pháp, lúc tôi 26 tuổi mới bắt đầu học Phật đã theo Đại sư Chương Gia xin chỉ bảo. Thế pháp Phật pháp thì biết khó nhưng dễ hành, Đại sư Chương Gia khẳng định cái cách nhìn này. Bởi vì biết khó nên Thích-ca Mâu-ni Phật đã vì chúng ta mà giảng kinh thuyết pháp 49 năm. Biết khó, hành dễ, vì phàm phu giác ngộ thì liền thành Phật, một niệm giác ngộ phàm phu liền thành Phật, bạn xem dễ biết bao nhiêu, lúc nào thì phàm phu có một niệm giác? Một niệm giác thì rất nhiều người có, nhưng thế nào? Họ không giữ được niệm giác, cái niệm đầu tiên của họ giác nhưng niệm thứ hai thì lại mê. Một niệm giác thì thành Phật, niệm thứ hai từ Phật lại đọa trở lại thành phàm phu rồi, không giữ được. Trong kinh Phật nói một câu rất nổi tiếng, “một niệm giác ngộ một niệm Phật, niệm niệm giác ngộ niệm niệm Phật”, bạn phải làm như thế nào để một niệm này duy trì thành niệm niệm giác mà không mê, vậy là đã thành tựu rồi. Thế nhưng một niệm giác một niệm thành Phật là sự thật chứ không phải giả.

Hiện tại thời gian đã hết, chúng ta học tập đến đây.

A Di Đà Phật.

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 363)

Người giảng: Lão Pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Khởi giảng năm 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ