Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 362)

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 362)
Trong đại kinh nói đến “phát Bồ-đề tâm”, câu nói này trong kinh luận Đại Thừa đã nói rất nhiều, nói rất tường tận. Tuy là nói nhiều, nói tường tận nhưng không nhất định ai xem cũng có thể hiểu được, cũng không thể khẳng định ai cũng có thể thể hội được, đây là nguyên nhân gì? Trong nhà Phật có thuật ngữ gọi là “nghiệp chướng”, hay nói cách khác, bản thân chúng ta có chướng ngại, sự chướng ngại này chung quy là không bỏ được vọng tưởng phân biệt chấp trước. Vọng tưởng phân biệt chấp trước là ba đề mục, trong mỗi một câu, lý sự cảnh giới cũng phức tạp vô cùng, mức độ phức tạp không có cách nào tưởng tượng được, có giác có mê. Thực tại mà nói, tâm thể của Bồ-đề tâm không có giác mê, thật hiếm có. Bản chú giải của lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ đã đem những cách nói của cổ Đại đức liên quan đến Bồ-đề tâm, có thể nói là những phần tinh hoa nhất, quan trọng nhất đã được Ngài đã trích lục ra, Ở đây chúng tôi không thể nói tường tận, câu này mà giảng giải tường tận thì có giảng hai tháng cũng giảng không xong, như vậy thì lãng phí thời gian, cũng e là các đồng tu mới học Phật nghe sẽ chán, cho nên chúng tôi chỉ có thể chọn điều quan trọng nhất, có thể giúp cho chúng ta thức tỉnh trong cuộc sống hằng ngày. Hy vọng

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ

Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh

Tập 362

Trong đại kinh nói đến “phát Bồ-đề tâm”, câu nói này trong kinh luận Đại Thừa đã nói rất nhiều, nói rất tường tận. Tuy là nói nhiều, nói tường tận nhưng không nhất định ai xem cũng có thể hiểu được, cũng không thể khẳng định ai cũng có thể thể hội được, đây là nguyên nhân gì? Trong nhà Phật có thuật ngữ gọi là “nghiệp chướng”, hay nói cách khác, bản thân chúng ta có chướng ngại, sự chướng ngại này chung quy là không bỏ được vọng tưởng phân biệt chấp trước. Vọng tưởng phân biệt chấp trước là ba đề mục, trong mỗi một câu, lý sự cảnh giới cũng phức tạp vô cùng, mức độ phức tạp không có cách nào tưởng tượng được, có giác có mê. Thực tại mà nói, tâm thể của Bồ-đề tâm không có giác mê, thật hiếm có.

Bản chú giải của lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ đã đem những cách nói của cổ Đại đức liên quan đến Bồ-đề tâm, có thể nói là những phần tinh hoa nhất, quan trọng nhất đã được Ngài đã trích lục ra, Ở đây chúng tôi không thể nói tường tận, câu này mà giảng giải tường tận thì có giảng hai tháng cũng giảng không xong, như vậy thì lãng phí thời gian, cũng e là các đồng tu mới học Phật nghe sẽ chán, cho nên chúng tôi chỉ có thể chọn điều quan trọng nhất, có thể giúp cho chúng ta thức tỉnh trong cuộc sống hằng ngày. Hy vọng chúng ta trước hết có sự nhận biết vô cùng quan trọng, nhận biết chính là “nhìn thấu” mà năm xưa Đại sư Chương Gia dạy cho tôi, có nhận biết thì sau đó bạn mới có thể thực hiện. Thực hiện chính là buông xuống.

Nói đến danh thể của Bồ-đề tâm, chúng ta biết được có pháp thân Bồ-đề, báo thân Bồ-đề, ứng hóa thân Bồ-đề. Phật có ba thân, lời nói này là phương tiện mà nói. Trong Phật pháp thường nói “từ bi làm gốc, phương tiện làm cửa”, hễ có lời nói thì đều là phương tiện mà nói. Không những là lời nói, hễ có sự tướng cũng là phương tiện, nên gọi là “muốn dùng thân gì để độ thoát thì hiện thân đó”. Nói tóm lại chúng sanh có cảm thì ai có ứng? Thì Bồ-đề tâm khởi tác dụng, Bồ-đề tâm chính là Phật, cho nên chúng sanh có cảm thì Phật có ứng. Giống như thí nghiệm đối với nước của tiến sĩ Giang Bổn Thắng vậy, nước là khoáng vật, thể của nó là gì? Thể của nó là Bồ-đề tâm, nó chính là pháp thân, chúng sanh có cảm thì nó có ứng, chúng sanh dùng thiện ý để cảm thì kết tinh của nước để ứng vô cùng đẹp, chúng sanh dùng ác niệm để cảm thì hình dáng hiện ra của nước rất là xấu. Có cảm thì có ứng, có cảm là có tâm vọng tưởng phân biệt chấp trước, nhưng mà cái ứng của tâm tánh là không có tâm, nếu tâm tánh có tâm thì không thể ứng. Giữa người với người chúng ta, tôi có cảm tại sao bạn không có ứng? Vì tôi dùng vọng tâm, bạn cũng dùng vọng tâm nên không thể ứng, nếu tôi có vọng tâm, bạn không có vọng tâm, tôi có cảm thì bạn có thể ứng. Trong Bồ-đề tâm không có vọng tưởng phân biệt cháp trước, cho nên nó có thể cảm ứng tất cả chúng sanh tận hư không khắp pháp giới, cảnh giới này không thể nghĩ bàn.

Phàm phu đã mê mất Bồ-đề tâm, Bồ-đề tâm biến thành cái gì? Pháp tướng tông đã nói biến thành 8 thức, 51 tâm sở, sau khi mê thì biến thành những thứ này. A-lại-da thức là vọng tưởng, Mạt-na thức là chấp trước, sáu thức phía trước đều là phân biệt, phân biệt nặng nhất là ý thức thứ sáu. Nếu nói trên lý thì tám thức cả thảy đều có vọng tưởng phân biệt chấp trước, không những tám thức đều có mà trong 51 tâm sở cũng đều có đủ. Vì sao tổ sư Đại đức nói cái thức này là chủ phân biệt, cái thức kia là chủ chấp trước? Đó là nói thiên về một bên, chứ cả thảy đều có, có thức thì có nhiều hơn một chút. Hết thảy thức đều có phân biệt, nhưng thức thứ sáu thì phân biệt nhiều; tất cả thức đều có chấp trước, nhưng thức thứ bảy chấp trước nhiều một chút; tất cả thức đều có vọng tưởng, nhưng vọng tưởng của A-lại-da da thức thì nhiều một chút, ý nghĩa là như vậy, hoàn toàn là dễ hiểu.

Nơi thân của tất cả chúng sanh, chúng ta có ba thân hay không? Có, làm sao mà không có chứ? Không những chúng ta có, mà loài bò bay máy cựa, côn trùng kiến muỗi cũng có, đều bình đẳng, chúng sanh và Phật bình đẳng. Bạn thấy trong kinh không có nói Phật và chúng sanh bình đẳng, mà nói chúng sanh và Phật bình đẳng. Lời nói này chẳng qua là dạy cho chúng ta giác ngộ. Phật là bậc cao thượng nhưng chúng sanh còn cao hơn Phật, nói chúng sanh trước rồi mới nói Phật là biểu thị điều gì? Khiêm nhường hạ mình, không có một chút ngạo mạn. Nói “Phật và chúng sanh bình đẳng” thì điều này hiển thị Phật ở trên cao, chúng sanh ở dưới thấp. Đảo ngược lại nói “chúng sanh và Phật bình đẳng” thì hiển thị Phật khiêm nhường hạ mình, đây là sự thật. Người càng có trí huệ, người càng có đức hạnh, người càng cao thượng thì biểu hiện ra càng khiêm nhường, đây là sự lưu lộ của tánh đức. Trong lời dạy bảo của Phật là chỉ dạy cho chúng ta, nhắc nhở chúng ta.

Pháp thân, báo thân, ứng thân của chúng ta không phải là không có, thảy đều có, nhưng thế nào? Chúng bị biến chất. Pháp thân của chúng ta, pháp thân là lí thể, trên cùng với chư Phật Như Lai, dưới cùng với tất cả chúng sanh là một không phải hai. Pháp thân không có tướng, nó không phải là vật chất, nó cũng không phải là tinh thần. Báo thân thì có tinh thần, báo thân là gì? Là trí huệ, không có hình tướng. Nói đến ứng hóa thân thì cái này mới có hình tướng, hình tướng làm sao mà sanh ra được?  Do cảm ứng mà sanh ra, thật sự là chúng sanh có cảm thì tự nhiên có ứng, cảm ứng đạo giao không thể nghĩ bàn.

Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ đã trích dẫn câu nói trong Đàn Kinh, lúc khai ngộ Lục Tổ nói “nào ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh”. Khi Ngũ Tổ giảng Kinh Kim Cang cho Ngài, giảng đến “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” thì Ngài bỗng nhiên đại ngộ, Ngài đã nói ra năm câu, đây là Ngài đã giác ngộ đến cảnh giới đó, Ngũ Tổ ấn chứng cho Ngài. Sau đó nói với Ngài, “Bất thức bản tâm, học pháp vô ích, nhược thức tự bản tâm, kiến tự bản tánh, tức danh trượng phu, thiên nhơn sư Phật” (không nhận được bản tâm thì học pháp vô ích, nếu biết được bản tâm, thấy được bản tánh thì gọi là đấng trượng phu, là Phật, bậc Thầy của cõi trời người), câu nói này rất quan trọng.

Hòa Thượng Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn nói với Đại sư Huệ Năng, Đại sư Huệ Năng là đại diện cho đệ tử Phật chúng ta, chúng ta đọc khai thị của Hòa Thượng Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, điều quan trọng nhất là tự mình có thể trực tiếp đảm nhận. Tổ sư nói với ta, học Phật quan trọng nhất là điều gì? Biết được bản tâm là quan trọng nhất. Bản tâm là gì? Là Bồ-đề tâm, là chân tâm của chính mình, năng hiện năng biến. Bạn có thể nắm chắc được điều này thì không những bạn giải quyết được vấn đề của chính mình, mà còn giải quyết được tất cả vấn đề của chúng sanh, giải quyết được vấn đề của cả vũ trụ, điều này gọi là gì? Điều này gọi là được đại tự tại, điều này gọi là được đại viên mãn, là tự tánh vốn có đủ không phải là từ bên ngoài mà có. Lời nói của Tổ sư xem trọng ở “bất thức bổn tâm, học pháp vô ích”, tại sao vô ích? Ích là gì? Ích là minh tâm kiến tánh, là lợi ích. Theo pháp môn niệm Phật của chúng ta mà nói, lợi ích là vãng sanh Tịnh Độ, bạn học Phật cả một đời mà không thể vãng sanh thì không có lợi ích, vẫn phải vào trong sáu cõi luân hồi. Bản tâm này chính là Bồ-đề tâm. Giáo pháp Đại Thừa bất luận là bạn theo một tông nào, một phái nào, gọi là 84.000 pháp môn, vô lượng pháp môn, cũng không thể rời được tám chữ này “bất thức bổn tâm, học pháp vô ích”, đều phải nhận biết bản tâm.

Xin nói với quí vị, nhận biết là giác ngộ. Bản tâm chính là bản tánh, thông thường chúng ta gọi là Phật tánh, pháp tánh. Bản tâm là pháp tánh, nhận ra được Phật tánh của chính mình. Phật tánh là trí huệ Bát-nhã trong tự tánh. Lục Tổ Đàn Kinh vừa mở ra thì bạn thấy Lục Tổ đã dạy, thường niệm Ma Ha Bát-nhã Ba-la-mật-đa, đây là gì? Là Phật tánh, tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đã có Phật tánh thì phải làm Phật. Bạn học pháp thì được lợi ích chân thật. Cho nên nếu bạn không biết sự việc này, bạn học Phật thì được gì? Được phước báo, phước báo trời người, không phải là không được, vẫn được, là được phước báo trời người. Trong phước báo trời người thì có của cải, thông minh trí huệ, khỏe mạnh sống lâu, đây là điều người thế gian ai ai cũng mong cầu, điều này không có giả một chút nào, là sự thật. Người thế gian nghe được thì hoan hỷ, người học Phật nghe được thì lắc đầu, vì sao vậy? Vì không ra khỏi sanh tử luân hồi, trong đời này tu hành, kiếp sau được phước báo, vừa hưởng phước thì lại mê hoặc rồi, càng mê thì bị đọa xuống càng sâu. Trong lục đạo có lên lên xuống xuống, xuống phía dưới thì khổ, sau khi chịu khổ thì biết là phải cố gắng tu tập, đời đời kiếp kiếp tu tập. Tu được lên phía trên, được phước báo lớn, phước này vừa hưởng hết rồi thì nghiệp chướng liền hiện tiền, lại phải bị đọa lạc. Cho nên trong sáu cõi luân hồi lúc lên lúc xuống, khổ không nói nên lời.

Mục đích học pháp của chúng ta là ở chỗ nào? Phật ở thế gian mục đích giáo hóa chúng sanh là dạy cho bạn phải ra khỏi lục đạo luân hồi, dạy bạn phải ra khỏi thập pháp giới, đó là lợi ích chân thật. Ngày nay chúng ta dựa vào năng lực của chính mình để đoạn vọng tưởng phân biệt chấp trước, những thứ này ở trong Phật pháp đều gọi là phiền não. Vọng tưởng là vô minh phiền não, phân biệt là trần sa phiền não, chấp trước là kiến tư phiền não. Đoạn phiền não, chứng Bồ-đề, khó, quá khó quá khó! Phật biết được, Bồ-tát biết được, phàm phu chúng ta trong thời mạt pháp có ai làm dược hay không? Có thể nói là không có người nào. Chư Phật Như Lai từ bi đến cùng cực, biết được trong số tất cả chúng sanh có chúng sanh nhiều kiếp tu hành đã có thiện căn, nên trong thời đại này đã mở ra một pháp môn đặc biệt là đới nghiệp vãng sanh. Phiền não tập khí của bạn không cần phải đoạn, nhưng mà bạn phải nhớ, không cần đoạn nhưng bạn phải có khả năng khống chế được nó, đừng để cho nó khởi tác dụng, như vậy mới có thể vãng sanh. Nếu phiền não vẫn khởi hiện hành, vậy thì không được, vậy là không thể vãng sanh.

Cúng ta niệm Phật, gặp được pháp môn này có thể sanh tâm hoan hỷ, điều này đã nói rõ bạn không phải là trong đời này mới bắt đầu tu học, mà nhiều đời nhiều kiếp, vô lượng kiếp đến giờ bạn đã niệm Phật. Tại sao nhiều đời nhiều kiếp đã niệm Phật, mà hôm nay vẫn là như vầy? Chính là lúc lâm chung không hàng phục được phiền não tập khí, cho nên mới trở thành như vầy, điều này không thể không biết, rất là quan trọng. Ngay trong đời này phải cố gắng nỗ lực mà làm, không còn tái phạm lỗi lầm trong quá khứ thì ngay trong đời này của chúng ta mới có thể thành tựu.

Vậy phải làm như thế nào? Biện pháp tốt nhất, cũng là biện pháp duy nhất, đó là hiện tại phải buông xuống, không thể chờ đợi. Hiện tại vẫn chưa chịu buông bỏ, đợi đến lúc lâm chung mới buông bỏ thì không kịp, e là đã trễ rồi. Nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ chính là đã khởi cái vọng tưởng này, cho nên mỗi một lần tu đều thất bại, hiện tại phải nên đề cao cảnh giác, hiện tại thì ta phải buông bỏ. Hiện tại buông bỏ vậy thì công việc có cần phải làm không? Công việc không có trở ngại. Trong Kinh Hoa Nghiêm nói rất rõ ràng, “lý sự vô ngại, sự sự vô ngại”, chướng ngại ở chỗ nào? Chướng ngại ở chỗ vọng tưởng phân biệt chấp trước, cho nên buông bỏ không phải là buông bỏ công việc, mà là buông bỏ vọng tưởng phân biệt chấp trước. Công việc vẫn phải làm, chỉ cần bạn không có vọng tưởng phân biệt chấp trước thì cái gì cũng không có chướng ngại, gọi là “làm mà không làm, không làm mà làm”. Không làm chính là trong tâm không có vọng tưởng phân biệt chấp trước, nhưng công việc vẫn phải làm, làm càng viên mãn, làm càng thù thắng, không có tâm riêng tư, không có vọng niệm.

Giống như Thế Tôn ứng hóa trong thế gian, giống như Tổ sư Đại đức thị hiện cho chúng ta xem, người xuất gia làm được, người tại gia cũng phải làm được. Quyển kinh này vừa mở đầu là “Hiền Hộ đẳng thập lục chánh sĩ”, là Bồ-tát Đẳng Giác tại gia, các Ngài đồng thời cùng với Thế Tôn xuất hiện ở thế gian này. Cư sĩ Duy-ma là Phật tại gia, đã thành Phật, người tại gia cũng có thể thành Phật. Thế nào gọi là thành Phật? Không còn khởi tâm động niệm nữa, sáu căn trong cảnh giới sáu trần không khởi tâm, không động niệm đó gọi là Phật. Có khởi tâm động niệm mà không có chấp trước, không có phân biệt thì đó là Bồ-tát. Có khởi tâm động niệm, có phân biệt, mà không có chấp trước thì là A-la-hán. Ngày nay chúng ta học làm A-la-hán cũng học không được, cho nên chỉ có đới nghiệp vãng sanh.

 Đới nghiệp vãng sanh thì phải hàng phục được phân biệt chấp trước, tuy có nhưng không khởi tác dụng, phải khống chế được nó, điều này trong nhà Phật gọi là công phu thành phiến. Có được cái khả năng này thì có thể tự tại vãng sanh, muốn lúc nào vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc thì vãng sanh lúc đó. Nếu có duyên cùng với chúng sanh ở nơi đây thì ở lại thêm vài năm không có gì chướng ngại. Điều này gọi là sanh tử tự tại, đây là liễu sanh tử, liễu sanh tử có nghĩa là sanh tử tự tại, người xưa đã làm được rất nhiều, chúng ta không làm được thì phải sanh lòng hổ thẹn.

Tại sao không làm được? Vì không buông bỏ được chấp trước, cho nên bạn không làm được. Cũng chính là trong tâm của bạn thật sự có chấp trước, trên sự có thì không sao, nhưng trong tâm không thể có, như vậy bạn mới được tự tại. Tại sao trong tâm không thể có? Vì vốn là không có một vật, cái có này là huyễn có, bạn nên xem nó như mộng huyễn bọt bóng không phải là thật, phải triệt để buông xả thì tâm thanh tịnh mới hiện tiền. Tâm thanh tịnh chính là Bồ-đề tâm, tâm bình đẳng là Bồ-đề tâm, tâm chánh giác, tâm đại từ bi là Bồ-đề tâm. Tâm như vậy thường hiện tiền thì tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng, tham sân si mạn, ngũ dục lục trần, những ý niệm này dần dần sẽ nhạt đi, nhạt đến cuối cùng thì không còn nữa. Không còn cái ý niệm này nữa thì bạn sẽ được lợi ích, học Phật học pháp có lợi ích. Bạn đã biết được bản tâm rồi thì học Phật có lợi ích, đến lúc đó bạn xem Tổ sư Đại đức sẽ tán thán bạn, gọi bạn là trượng phu. Trượng phu là tôn xưng đối với Phật, thầy của trời người là Phật. Phật có mười danh hiệu, sơ lược nêu ra ba chữ “thiên nhân sư” là đại diện cho mười danh hiệu của quả vị Như Lai.

Tiếp theo còn có một câu nói rất hay, “Bồ-đề tâm, quýnh xuất phàm tình”, quýnh là rất xa, “công dụng nan tư, như thị tâm tánh, danh vi pháp thân, thị Phật đạo chi bổn thể, danh vi Bồ-đề” (Bồ-đề tâm vượt xa phàm tình, công dụng chẳng nghĩ bàn, như thị tâm tánh được gọi là pháp thân, là bổn thể của Phật đạo, được gọi là Bồ-đề). Tất cả điều này là nói pháp thân, vượt lên rất xa phàm tình, phàm tình là gì? Là vọng tưởng phân biệt chấp trước, đây là phàm tình. Vượt qua rất xa, không còn [phàm tình] nữa, do vậy mới biết phàm tình hết rồi thì Bồ-đề tâm liền hiện tiền. Bồ-đề tâm không thể cầu, cũng không có chỗ để cầu, làm thế nào phát Bồ-đề tâm? Là buông bỏ phàm tình, xả bỏ hết thì Bồ-đề tâm liền hiện tiền, đó gọi là phát. Bồ-đề là vốn sẵn có, phàm tình vốn là không có, trong Khởi Tín Luận của Bồ-tát Mã Minh nói rất hay “bổn giác vốn có, bất giác vốn không”. Bổn giác giống như mặt trời, bất giác giống như mây đen, mây đen u ám che mất mặt trời thì không thấy mặt trời, không phải là không có mặt trời. Người hiện nay hiểu được, ngồi máy bay bay qua tầng mây bên trên thì mặt trời vẫn đang tỏa sáng, ở phía dưới thì bị tầng mây che mất. Tầng mây chính là phàm tình, cho nên phàm tình đã hết thì Bồ-đề tâm liền hiện tiền, thì bạn biết được tu hành là tu cái gì? Chỉ là đoạn phiền não mà thôi, nhất định phải xả bỏ hết phiền não.

Bắt đầu xả bỏ từ chỗ nào? Phật Bồ-tát từ bi dạy cho chúng ta giống như dạy các em bé vậy, thật sự là chúng ta so với Phật Bồ-tát thì chúng ta là các em bé. Trước tiên là dạy bạn đoạn mười ác nghiệp, mười ác nghiệp là phàm tình, dạy bạn không sát sanh, dạy bạn không trộm cắp, dạy bạn không dâm dục, là dạy bạn những điều này. Không ở đây chính là phủ định, không được làm. Trong Bồ-đề tâm vốn là có đại từ đại bi, không những không sát sanh mà còn phải yêu thương tất cả chúng sanh, phải chăm sóc tất cả chúng sanh thì làm sao mà sát hại chúng sanh được chứ? Không những là không trộm cắp, không trộm cắp nếu nói tường tận là nhất định không có ý niệm chiếm cái tiện lợi của người khác, ta còn có cái ý niệm muốn chiếm cái tiện nghi của người khác thì đây là tâm trộm cắp, cho dù không có hành vi trộm cắp nhưng cái ý niệm trộm cắp vẫn chưa đoạn. Không những không trộm cắp mà phải thường hành bố thí, hoan hỷ mà bố thí ân huệ, càng bố thí thì càng được nhiều. Còn phàm tình thì như thế nào? Phàm tình thì sợ sau khi bố thí hết rồi thì ta không còn nữa, sau khi bố thí hết rồi thật sự là không còn, bạn hỏi tại vì sao? Bởi vì bạn không biết chân tướng sự thật, chân tướng sự thật là gì? Là tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, sau khi bạn bố thí hết rồi liền nghĩ ta không còn nữa thì bạn sẽ không còn gì cả. Bạn có hay không là do suy nghĩ của bạn, đạo lý này sâu, quá sâu. Người hiện nay gọi là triết học sâu xa. Nếu bạn một mực bố thí mà không có cái ý niệm này thì càng bố thí lại càng được nhiều, bố thí mà sợ hết thì thật sự sẽ không còn, sẽ biến thành điều gì? Là bạn không dám bố thí. Bạn bố thí khi mà bạn có dư nhiều, ta có 100 đồng thì ta bố thí 10 đồng, ta vẫn còn 90 đồng để dùng, bạn không dám bố thí hết, vì sao vậy? Vì sợ không còn, đây chính là phàm tình, nếu dùng chân tâm không dùng phàm tình thì toàn bộ xả hết, không có nữa thì cũng vô cùng sung sướng, vô cùng hoan hỷ. Cái tâm như vậy thì càng thí thì được càng nhiều, bất luận là bạn làm ngành nghề nào thì tiền tài cuồn cuộn không ngừng đến với bạn.

Bố thí pháp thì được thông minh trí huệ, bố thí vô úy thì khỏe mạnh sống lâu, người thế gian chăm lo cho cái sắc thân này, cũng dùng mọi suy nghĩ làm sao để chăm sóc cho thật tốt, làm sao để bồi dưỡng, nhưng kết quả thì như thế nào? Càng bồi dưỡng thì càng hư hoại, càng bổ thì bệnh càng nhiều, là do nguyên nhân gì vậy? Là do ý niệm của bạn đã sai lầm, là ý niệm gì vậy? Tham sống sợ chết, tham giàu sợ nghèo, tham thông minh sợ ngu si, có cái ý niệm này thì sẽ tăng trưởng điều gì? Sẽ tăng trưởng tam độc, tam độc là bệnh độc, bên trong có bệnh độc, bên ngoài có vi khuẩn hoành hành giao cảm thì bạn sẽ bị bịnh, bị bịnh là do như vậy. Ở bên trong, trong tâm thanh tịnh, không có tam độc, không có thập ác, không có tam độc thì thân tâm khỏe mạnh.

Thông minh giàu có là ở trong chân tâm của bạn vốn đã có, không phải có từ bên ngoài, trong chân tâm vốn đã có. Trong các kinh điển Đại Thừa, Phật thường dạy cho chúng ta, trong tự tánh vốn có vô lượng trí huệ, vô lượng đức năng, vô lượng tướng hảo. Thế giới Hoa Tạng và Thế giới Cực Lạc là do tự tánh biến hiện ra, hoàn toàn không có chướng ngại, nghiệp chướng tiêu hết thì tánh đức viên mãn của chân tâm sẽ hiển lộ ra, tánh đức của phàm phu không thể hiển lộ ra. Phật nói rất hay, “nhưng vì vọng tưởng phân biệt chấp trước mà không thể chứng đắc”, câu này đã nói rất rõ ràng. Tánh đức của chúng ta vì sao không thể hiện tiền? Bởi vì bạn có vọng tưởng, bạn có phân biệt, bạn có chấp trước, những thứ này đã gây chướng ngại, sự chướng ngại rất nghiêm trọng, khiến cho bạn khởi tâm động niệm, lời nói việc làm hoàn toàn trái ngược với tánh đức, làm cho Nhất Chân pháp giới mà pháp tánh hiện ra bị biến đổi, biến thành mười pháp giới, thành sáu cõi, thành ba đường ác, tự làm tự chịu. Những thứ này vốn là không có. Chẳng những không có lục đạo, không có ba đường ác, mà mười pháp giới cũng không có, vậy thì có cái gì? Có Nhất Chân pháp giới, có Thế giới Cực Lạc, đó là thật có. Cho nên nói chân tâm dụng sự, Bồ-đề tâm dụng sự, công dụng nan tư, như thị tâm tánh, danh vi pháp thân” (Công dụng của chân tâm, công dụng của Bồ-đề tâm chẳng thể nghĩ bàn, như thị tâm tánh được gọi là pháp thân).

Hãy nhớ kỹ, trong Phật pháp Đại thừa thường nói “mười phương ba đời Phật đều chung một pháp thân”, ai mà không có pháp thân? Pháp thân của chúng ta giống với pháp thân của Thích-ca Mâu-ni Phật, giống với pháp thân của A Di Đà Phật, giống với pháp thân của Tỳ-lô-giá-na Phật, là bản thể của Phật đạo. Phật là giác, đạo là thể tánh, hiện tướng, lý sự, nhân quả của tất cả vạn pháp trong toàn thể vũ trụ này, trong Phật pháp gọi là tận hư không khắp pháp giới, dùng cái chữ này để làm đại biểu. Thông thường cũng dùng chữ pháp, chúng ta cũng có thể nói là bản thể của Phật pháp, ở đây thì nói bản thể của Phật đạo. Pháp và đạo là cùng một ý nghĩa, đây gọi là Bồ-đề. Bồ-đề, thông thường chúng ta dịch là đại giác, là sự giác ngộ triệt để.

Tiếp theo là nói “báo thân”, trước tiên chúng ta phải hiểu rõ, phải tường tận, toàn là nói bản thân chúng ta. Quý vị nên biết, toàn thể Phật pháp, năm xưa Thích-ca Mâu-ni Phật còn tại thế, 49 năm giảng kinh thuyết pháp Ngài nói những gì? Là nói bản thân chúng ta, ngoài chính mình ra thì không có một pháp có thể đắc. Bạn có sự nhận biết như vậy, có thái độ tu học như vậy thì bạn mới thật sự hiểu được ý của Thích-ca Mâu-ni Phật đã nói. Trong bài kệ khai kinh đã nói “nguyện hiểu nghĩa chân thật của Như Lai”. “Pháp thân bổn cụ, nãi tánh đức dã” (pháp thân vốn có chính là tánh đức), tánh đức vốn sẵn có, vốn sẵn có nhưng hiện tại thì như thế nào? Hiện tại thì đã mê, sau khi mê thì phải dựa vào tu đức, là tu cái gì? Phải bỏ cái mê đi. “Tu đức hữu công, tánh đức phương hiển” (tu đức có công phu thì tánh đức mới hiển lộ). Mặt trời là tánh đức, hiện tại thì mây đen, mây đen che khuất mặt trời, hiện tại phải làm sao cho đám mây đen tan đi, mây tan rồi thì mặt trời lại hiện ra. Cho nên tu đức là tu cái gì? Tu đức không phải là tu tánh đức, tánh đức không phải do tu mà có được. Lời của cổ nhân nói hai câu rất là hay, “đản trừ kỳ vọng, mạc vấn kỳ chân” (chỉ cần trừ vọng, đâu cần hỏi chân), thật sự là bạn không cần phải đi hỏi, vọng hết rồi thì chân liền hiện ra, nếu vọng đã hết mà vẫn cầu chân thì chân liền biến thành vọng, cái chân vĩnh viễn sẽ không hiện ra. Chỉ cần trừ đi vọng tưởng phân biệt chấp trước, chỉ cần trừ đi những thứ này thì tánh đức liền hiện tiền. Khi tu đức có công phu thì gọi là đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh. Sau khi kiến tánh rồi, bạn hỏi họ tánh đức ở đâu? Họ trả lời với bạn, “đầu đầu thị đạo, tả hữu phùng nguyên” (thứ gì cũng là đạo, nơi đâu cũng gặp nguồn). Sáu căn tiếp xúc sáu trần thì pháp nào cũng là tánh đức. Căn trần thức, mười tám giới, bảy đại nói trong Kinh Lăng Nghiêm, có pháp nào mà không phải là [tánh đức]? “Pháp pháp giai chân, pháp pháp giai như” (tất cả pháp đều là chân, tất cả pháp đều là như), đây là tánh đức hiện tiền.

 “Cố bị tu vạn hạnh, công đức trang nghiêm, đắc báo thân Phật quả” (Vậy nên tu đầy đủ vạn hạnh, công đức trang nghiêm thì đắc được quả vị báo thân Phật). Chữ bị này là có đầy đủ, không thiếu một thứ nào. Vạn hạnh qui nạp thành sáu loại lớn là sáu ba-la-mật, sáu ba-la-mật triển khai ra là vạn hạnh. Cổ Đại đức lại nói, vạn hạnh qui nạp lại thành lục độ, lục độ lại qui nạp lại chính là bố thí, bố thí là ý nghĩa gì? Là buông xuống, bố thí là xả, phải xả cho thật sạch sẽ, giống như Lục Tổ đã nói trong Đàn Kinh, “vốn không có một vật”, xả bỏ sạch sẽ rồi. Chỉ cần bạn có một vật thì bạn dính bụi trần, một vật bạn cũng không có thì làm gì dính bụi trần? Bụi trần là phiền não, bạn có một vật thì bạn sẽ có lo lắng, bạn sẽ có ưu tư, bạn sẽ thấp thỏm lo âu, bạn chẳng có một thứ gì cả thì bạn làm gì có buồn rầu lo lắng, bạn làm gì có âu lo, bạn làm gì có lo sợ ? Chẳng có gì cả, lúc này mới thật sự là tâm tịnh thì cõi Phật tịnh, tâm an thì thân an, tâm bình thì thế giới bình. Cho nên lúc bạn tu thì nắm lấy điểm này, vạn hạnh đều ở trong đó. Trong vạn hạnh, điều đầu tiên chính là buông bỏ.

Tôi học Phật thực tại mà nói, gặp được thầy tốt, đây cũng là chỉ có thể gặp mà không thể cầu. Ngày đầu tiên lão sư dạy cho tôi câu “nhìn thấu, buông bỏ”, bạn xem câu này là cương lĩnh quan trọng nhất, là then chốt tu học quan trọng nhất. Vừa gặp mặt thì lão sư đã dạy cho tôi, chính mình phải hiểu, chính mình phải thật sự làm. Nhìn thấu là hiểu được chân tướng sự thật, nhìn thấu buông bỏ là xả bỏ triệt để thì tự nhiên được công đức trang nghiêm. Câu nói này rất khó hiểu. Công đức trang nghiêm thể hiện rõ ràng nhất là phiền não nhẹ, trí huệ tăng, đây là công đức trang nghiêm. Trước đây xem kinh điển không hiểu, bây giờ vừa xem thì liền thông suốt, trước đây xem kinh điển không hiểu nghĩa gì, hiện nay vừa xem thì hiểu vô lượng nghĩa, đây chính là công đức trang nghiêm. Trước đây xem kinh điển thì khó hiểu, bây giờ vừa xem thì ung dung, vô cùng sung sướng, vui không biết mệt. Công là công phu, chữ đức này cùng với chữ đắc của được mất là cùng một ý nghĩa, công phu đắc lực rồi thì bạn liền được trí huệ, không phải được cái gì khác. Đắc trí huệ là gì? Là hiểu rõ, là nhìn thấu, nhìn thấu thì nhất định sự buông bỏ của bạn càng nhiều. Nhìn thấu giúp bạn buông bỏ, buông bỏ giúp bạn nhìn thấu, hỗ trợ bổ sung nhau.

 Từ sơ phát tâm đến quả địa Như Lai, hai điều này là quan trọng nhất trong sáu ba-la-mật, một cái là bố thí, một cái là Bát-nhã. Bát-nhã là nhìn thấu, bố thí là buông bỏ. Thật ra bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định thảy đều là buông bỏ. Trì giới là buông bỏ ác nghiệp, nhẫn nhục là buông bỏ sân giận, tinh tấn là buông bỏ giải đãi, thiền định là buông bỏ tán loạn, đều buông bỏ hết. Điều quan trọng nhất chính là bố thí và trí huệ, trí huệ là nhìn thấu.

Bây giờ thời gian đã hết, chúng ta học đến đây thôi.

A Di Đà Phật!

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 362)

Người giảng: Lão Pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Khởi giảng năm 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ