Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 349)

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 349)
Tập 349 Kính chào chư vị Pháp sư, chư vị đồng tu, xin mời mở kinh ra, xin đọc qua đoạn kinh văn phần thượng bối vãng sanh này một lần: “Kỳ thượng bối giả, xả gia khí dục, nhi tác Sa-môn, phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật, tu chư công đức, nguyện sanh bỉ quốc. Thử đẳng chúng sanh, lâm thọ chung thời, A Di Đà Phật, dữ chư Thánh chúng, hiện tại kỳ tiền. Kinh tu du gian, tức tùy bỉ Phật, vãng sanh kỳ quốc. Tiện ư thất bảo hoa trung, tự nhiên hóa sanh, trí huệ dũng mãnh, thần thông tự tại. Thị cố A Nan! Kỳ hữu chúng sanh, dục ư kim thế kiến A Di Đà Phật giả, ưng phát Vô Thượng Bồ-đề chi tâm. Phục đương chuyên niệm Cực Lạc quốc độ, tích tập thiện căn, ưng trì hồi hướng. Do thử kiến Phật, sanh bỉ quốc trung, đắc Bất Thoái Chuyển, nãi chí Vô Thượng Bồ-đề .” (Bậc thượng phẩm là những người xuất gia, lìa tham dục, làm sa-môn, phát tâm Bồ-đề, chuyên tâm niệm Phật A-di-đà, tu các công đức, nguyện sanh về cõi đó. Những chúng sanh này khi mạng chung, Đức Phật A-di-đà cùng Thánh chúng hiện đến trước mặt, trong khoảnh khắc liền theo Đức Phật sanh về cõi đó, tự nhiên hóa

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ

Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh

Tập 349

 

 

 Kính chào chư vị Pháp sư, chư vị đồng tu, xin mời mở kinh ra, xin đọc qua đoạn kinh văn phần thượng bối vãng sanh này một lần:

 “Kỳ thượng bối giả, xả gia khí dục, nhi tác Sa-môn, phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật, tu chư công đức, nguyện sanh bỉ quốc. Thử đẳng chúng sanh, lâm thọ chung thời, A Di Đà Phật, dữ chư Thánh chúng, hiện tại kỳ tiền. Kinh tu du gian, tức tùy bỉ Phật, vãng sanh kỳ quốc. Tiện ư thất bảo hoa trung, tự nhiên hóa sanh, trí huệ dũng mãnh, thần thông tự tại. Thị cố A Nan! Kỳ hữu chúng sanh, dục ư kim thế kiến A Di Đà Phật giả, ưng phát Vô Thượng Bồ-đề chi tâm. Phục đương chuyên niệm Cực Lạc quốc độ, tích tập thiện căn, ưng trì hồi hướng. Do thử kiến Phật, sanh bỉ quốc trung, đắc Bất Thoái Chuyển, nãi chí Vô Thượng Bồ-đề .”

(Bậc thượng phẩm là những người xuất gia, lìa tham dục, làm sa-môn, phát tâm Bồ-đề, chuyên tâm niệm Phật A-di-đà, tu các công đức, nguyện sanh về cõi đó. Những chúng sanh này khi mạng chung, Đức Phật A-di-đà cùng Thánh chúng hiện đến trước mặt, trong khoảnh khắc liền theo Đức Phật sanh về cõi đó, tự nhiên hóa sanh trong hoa sen bảy báu, trí huệ dũng mãnh, thần thông tự tại.

Này A-nan! Nếu có chúng sanh nào muốn trong đời này thấy Phật A-di-đà, phải phát tâm Vô thượng Bồ-đề, lại chuyên nhớ nghĩ cõi nước Cực Lạc, nhóm chứa được căn lành nào nên đem hồi hướng. Do đó được thấy Phật, sanh về nước kia, được bậc Bất Thối Chuyển cho đến quả Vô Thượng Bồ-đề.)

 

Đây là đọan thứ nhất trong Tam Bối Vãng Sanh, phẩm kinh đang giảng là phần thượng bối. Văn tự tuy không nhiều, nhưng mỗi câu mỗi chữ đều hàm chứa vô lượng nghĩa. Chú giải của lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ đã trích dẫn rất nhiều kinh luận, nội dung vô cùng phong phú, nếu chúng ta muốn dùng chú giải của Ngài để giảng thì giảng đến 2 tháng cũng giảng chưa xong đọan này. Cho nên hi vọng là chư vị đồng tu nếu có thời gian thì nên xem chú giải này nhiều hơn. Ở trong các buổi giảng vì thời gian có hạn nên chúng tôi chỉ có thể nhắc đến những phần quan trọng nhất mà trước mắt chúng ta cần phải học, cần phải hiểu rõ, cần phải tuân thủ thì ngay trong đời này chúng ta mới có thể được thành tựu.

Đoạn kinh văn tiếp theo nói đến “tu chư công đức, nguyện sanh bỉ quốc”. Câu nói này rất quan trọng, bạn nhìn xem không tu công đức thì không được, nhất định phải tu tích lũy công đức. Đồng tu Tịnh Tông phải bắt đầu tu từ đâu? Điều này không thể không biết, bao nhiêu đồng tu tu học mà ngay trong đời này không có được sự thành tựu là do nguyên nhân gì? Đại sư Thiện Đạo có một câu nói rất hay: “gặp duyên không đồng”. Chúng ta không gặp được duyên thù thắng, cho nên tuy muốn nỗ lực tu học nhưng từ đầu đến cuối vẫn không đắc pháp. Lời nói này rất thực tế.

 Trước tiên chúng tôi sẽ nói công đức là gì? Những đồng tu học Phật phải phân biệt điều này cho rõ ràng, công đức và phước đức không giống nhau. Tu phước đức thì dễ, tu công đức thì khó. Công là gì? Công là công phu, bạn tu hành thật có công phu, có công phu thì đương nhiên bạn sẽ có thu hoạch. Thí dụ như chư vị tổ sư nói trì giới thì có công, tam-muội là đức. Tam-muội chính là định, gọi là “nhân giới được định”, bạn trì giới được định, sự được định này chính là đức. Trì giới là công, tam-muội hiện tiền chính là đức, nên gọi là công đức. Tu định được công, trí huệ liền khai, “nhân định khai huệ”, trí huệ đã khai thì đó là đức. Phước đức thì có thể hưởng cùng với đại chúng, nhưng công đức thì chẳng có cách nào đem cho người khác được, chỉ có cách là phải chính mình tu tập. Cổ đức thường nói “ông tu ông đắc, bà tu bà đắc, không tu thì không đắc”, công đức thì phải do chính mình tu tập. Không giống với phước đức,  phước của chúng ta tu được có thể cho mọi người cùng hưởng. Công đức của chúng ta tu tập, chúng ta hồi hướng cho mọi người thì họ có thể nhận được không? Thực tế mà nói là không thể nhận được, họ nhất định phải tu cùng thì mới có thể nhận được một chút, có thể nhận được ít phần. Nếu họ không chịu tu cùng thì họ chẳng nhận được gì, phải hiểu được đạo lý này. Nếu công đức có thể đem cho người khác thì chúng ta không cần phải tu, tất cả công đức mà chư Phật Bồ-tát tu được đều hồi hướng cho chúng ta, như vậy thì được rồi. Chư Phật Bồ-tát thật sự hằng ngày đều hồi hướng nhưng chúng ta đâu có nhận được gì. Phước đức thì chúng ta thật sự nhận được, thí dụ như tòa nhà Cư Sĩ Lâm này là phước của Tam Bảo, chúng ta có được một nơi to lớn như thế này, có một tiện nghi tốt như thế này là do chúng ta ở nơi đây niệm Phật, ở nơi đây học tập kinh điển, đây là phước, phước của Tam Bảo, chúng ta có thể hưởng, nhưng công đức thì không có cách nào hưởng. Công đức mới có thể [giúp chúng ta] thoát sanh tử, ra khỏi tam giới, giống như trong Đàn kinh, Lục Tổ có nói “thử sự phước bất năng cứu” (việc này phước không thể cứu). “Thử sự” (việc này) chính là nói sanh tử đại sự, tu phước cũng chẳng có ích, đáng sanh tử như thế nào thì vẫn sanh tử như thế đó. Vì vậy phải tu công đức, công đức có thể thoát sanh tử, ra khỏi tam giới.

Công đức và phước đức chúng ta nhất định phải phân biệt cho rõ ràng, có những lúc dựa trên sự mà nói thì chúng không khác nhau lắm, rất là giống nhau, nhưng ở trên lý thì khác nhau. Đồng tu học Phật chúng ta đối với sự việc này không thể không phân biệt cho rõ ràng. Phân biệt rõ ràng ở cách dụng tâm, nếu tâm của chúng ta tương ưng với tâm Bồ-đề là “chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi” thì phước đức mà bạn đã tu đều là công đức. Nếu không tương ưng thì công đức sẽ trở thành phước đức. Thảo nào trong kinh, Phật dạy chúng ta câu đầu tiên là “phát Bồ-đề tâm”, sau đó mới “nhất hướng chuyên niệm”. Tương ưng với Bồ-đề tâm là công đức, không tương ưng là phước đức. Phật pháp trọng ở việc thực hành, giải là phương tiện, hành là thực chất. Bạn có thể giải mà không thể hành, bạn có tu cả một đời thì toàn bộ vẫn là phước đức không phải là công đức. Giải được mà cũng hành được thì phước đức liền chuyển thành công đức.

Cách thức tu hành rất nhiều, “tu chư công đức”, “chư” không phải có một cách, mà là vô lượng vô biên cách. Trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta thì phải tu như thế nào? Khi Tịnh Tông Học Hội thành lập, chúng tôi định ra năm khóa mục, năm khóa mục này là hành môn. Trong cuộc sống hằng ngày phải làm được năm khóa mục vừa nói, bạn phải nỗ lực mà làm. Những điều tương ưng với Bồ-đề tâm thì đó là công đức, không tương ưng với Bồ-đề tâm đó là phước đức, phước đức thì không thể vãng sanh, công đức mới có thể vãng sanh, phải nên biết điều này. Công đức là lìa tướng, phước đức là chấp tướng, chấp “ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng” được nói ở trong Kinh Kim Cang. Những người đới nghiệp vãng sanh có lìa tướng hay không? Không có lìa tướng, tuy không có lìa tướng nhưng họ có thể khống chế được, chính là họ có khả năng hàng phục những tập khí phiền não, đến giờ phút lâm chung, trong khoảng thời gian vô cùng ngắn ngủi đó [phiền não của] họ không khởi hiện hành thì họ có thể vãng sanh, nếu giờ phút lâm chung mà [phiền não] khởi hiện hành vậy thì họ không thể vãng sanh. Cho nên sự chăm sóc trong giờ phút lâm chung là vô cùng quan trọng, hơn nữa phải là những người thật sự ở trong nghề. Chư Đại đức xưa nay rất từ bi, sự giáo huấn luôn y theo kinh điển, đã viết rất tỉ mỉ về sự chăm sóc trong giờ phút lâm chung thành quyển “Sức Chung Tân Lương”, tôi tin là rất nhiều đồng tu đã đọc qua rồi. Sức Chung Tân Lương là cổ nhân dùng văn văn ngôn để viết nên văn tự khá sâu sắc. Những năm đầu Dân Quốc, có các Đại đức phát tâm viết lại thành văn bạch thoại, viết rất là ngắn gọn, dễ hiểu hơn, gọi là “Sức Chung Tu Tri”, quyển sách này chúng ta xem dễ hiểu hơn. Nhất định phải y theo những phương pháp được nói trong quyển sách này. Những người chăm sóc trong giờ phút lâm chung nhằm giúp cho người khác vãng sanh, điều này đã nói lên tầm quan trọng của việc phục phiền não. Điều quan trọng của việc phục phiền não vẫn là trong cuộc sống hằng ngày, bình thường vẫn phải làm thì khi lâm chung mới dễ dàng [làm được]. Nếu bình thường không để ý đến, giờ phút lâm chung bạn lại muốn làm, lúc lâm chung nghiệp chướng hiện tiền, bản thân bạn không làm chủ được, sự việc này phiền phức vô cùng, rất có thể cơ hội vãng sanh của đời này bị mất đi, vậy thì thật đáng tiếc.

Năm khoa mục của Tịnh Tông chúng ta được xem là không nhiều, cũng không ít. Năm khoa mục này, thứ nhất là Tịnh Nghiệp Tam Phước, thứ hai là Lục Hòa Kính. Tịnh Nghiệp Tam Phước là đối với chính mình, Lục Hòa Kính là dùng để đối xử với đại chúng. Ta cùng với đại chúng sống chung với nhau, làm sao có thể thật sự thực hiện được sự hòa thuận, không có xung đột, không có đối lập, không có mâu thuẫn. Phật dạy cho chúng ta sáu điều, thứ nhất là “kiến hòa đồng giải”, điều này vô cùng quan trọng, kiến giải của chúng ta chính là cách nghĩ cách làm phải giống nhau thì những việc khác sẽ dễ hơn. Điều thứ hai là “giới hòa đồng tu”, ít nhất là ngũ giới, thập thiện hoặc là mười giới thì nhất định phải tuân thủ Lục Hòa, nếu không thể thọ trì thì bạn không có cách nào khống chế được phiền não, bạn sẽ không hàng phục được tập khí phiền não. Không hàng phục được thì đến lúc lâm chung chắc chắn sẽ có chướng ngại, bạn sẽ không được vãng sanh. Lúc bình thường phải công phu, mức độ công phu thấp nhất là phải học được điều cổ nhân đã nói là “tám gió thổi chẳng động” thì phút lâm chung mới nắm chắc phần vãng sanh. Nhất không bị hoàn cảnh lay chuyển, không bị hoàn cảnh làm ảnh hưởng, điều này rất quan trọng. Thuận cảnh thiện duyên thì phàm phu rất dễ sanh tâm tham luyến, nghịch cảnh ác duyên thì bạn sẽ sanh tâm chán ghét, sanh tâm sân hận; thấy người khác giỏi hơn ta thì sanh tâm đố kị; thấy người khác không bằng mình thì sanh tâm ngã mạn, khinh thường người khác,  đây chính là phiền não tập khí. Trong đời sống hằng ngày của chúng ta, những phiền não tập khí này có hay không? Thường xuyên bị phiền não, vậy là đã có rồi. Người chân thật tu hành thì những phiền não tập khí này mỗi năm phải mỗi giảm đi. Thật sự công phu 10 năm, 20 năm, 30 năm thì toàn bộ [phiền não] sẽ được khống chế. Tuy vẫn chưa đoạn phiền não, nhưng nó mới vừa khởi lên thì ta có khả năng hàng phục nó, điều này cổ Đại đức có nói “không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”. Phiền não tập khí vừa mới khởi lên thì ý niệm thứ hai liền khống chế nó lại, liền hàng phục nó. Phương pháp tổng quát ở trong Phật pháp gọi là “chỉ quán”, niệm Phật cũng là chỉ quán, đề khởi câu Phật hiệu chính là quán. Sau khi đề khởi Phật hiệu thì hàng phục được phiền não tập khí, đó chính là chỉ. Chỉ là đối trị phiền não tập khí, quán là thức tỉnh chính mình. Chúng ta đem ý niệm chuyển thành câu Phật hiệu, niệm niệm đều không quên câu A Di Đà Phật, cũng chính là chúng ta dùng một câu danh hiệu Phật dẹp tan tất cả mọi vọng niệm, vọng tưởng thì công phu niệm Phật này đắc lực.

Phần tiếp theo của năm khoa mục là Tam Học, Lục Độ, mười nguyện của Phổ Hiền. Hành môn của chúng ta chính là y theo năm điều này. Năm điều này tại sao học không xong vậy? Năm điều này cũng có thứ tự, trong cái không có thứ tự thì vẫn có thứ tự. Thứ tự này làm sao mà thâm nhập? Gốc rễ là “hiếu thân tôn sư”, tức là câu đầu tiên của Tịnh Nghiệp Tam Phước, “hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng”. Hai câu này chúng ta chưa làm được. Bạn đối với cha mẹ có hết lòng hiếu thuận không? Bạn đối với sư trưởng có thật sự tôn kính không? Hai điều này là căn bản của căn bản, nếu hai điều này bạn chưa làm được, cho dù bạn tu khổ hạnh mấy mươi năm nhưng cuối cùng thì cũng thất bại hoàn toàn. Giống như chúng ta xây một tòa nhà, không xử lí tốt nền móng, cứ cố xây lên, không chịu đựng nổi thử thách, khi một cơn gió lớn thổi qua thì tòa nhà này liền sụp đổ. Ngày nay chúng ta học Phật chẳng khác gì thí dụ này. Mấy chục năm nay, tôi đã nhìn thấy rất rõ ràng, thật sự nhìn thấy được những khuyết điểm này, cho nên chúng ta cần phải đặc biệt cắm rễ cho thật chắc, nhất định phải xây dựng nền tảng cho chắc chắn thì sau này bạn mới thành tựu. Nền tảng này chính là Tịnh Nghiệp Tam Phước, trong tam phước thì đặc biệt là điều thứ nhất, điều thứ nhất là phước báo trời người, điều thứ hai là phước báo Nhị Thừa, điều thứ ba là phước báo Bồ-tát, mỗi tầng mỗi cao hơn. Giống như tòa nhà ba tầng vậy, điều thứ nhất là tầng trệt, bốn câu trong điều thứ nhất, chúng tôi áp dụng chúng ở Đệ Tử Quy và Thập Thiện Nghiệp Đạo, phải từ chỗ này mà xây dựng nền tảng. Hiện nay nếu chúng ta đã già 70-80 tuổi rồi, chúng ta học Phật vẫn phải bắt đầu học từ chỗ này hay không? Vẫn phải bắt đầu học từ chỗ này, không bắt đầu học từ chỗ này thì e rằng lúc lâm chung sẽ không vãng sanh, vẫn là luân hồi trong sáu cõi, vậy là sai rồi. Cho nên mấy năm nay tôi đặc biệt chú trọng vào hai môn học là Đệ Tử Quy và Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh. Già trẻ trai gái, các ngành các nghề mọi người cùng nhau học, đối với bản thân chúng ta sẽ được lợi ích, đối với gia đình cũng được lợi ích, đối với sự nghiệp của bạn cũng được lợi ích, trong tương lai đối với việc vãng sanh Tịnh Độ thì lợi ích càng lớn hơn, tuyệt đối không được lơ là. Hai quyển sách này phân lượng không nhiều, thật sự học tốt, áp dụng 100% vào trong mọi hành vi sinh hoạt của chính mình thì oai nghi của bạn rất giống một vị Bồ-tát, mọi người nhìn thấy bạn liền chấp tay lại gọi bạn là Bồ-tát vì bạn rất giống Bồ-tát, hình dáng Bồ-tát liền hiện tiền. Có câu “Học vi nhân sư, hành vi thế phạm”, hình dáng này của bạn có thể làm một tấm gương cho xã hội đại chúng, bạn nói xem điều này có quan trọng hay không?

Đệ Tử Quy được cư sĩ Thái Lễ Húc giảng rất rõ ràng, cư sĩ Thái đã giảng hết 40 giờ đồng hồ, anh ấy đã viết một bản báo cáo rất tỉ mỉ về việc học tập của bản thân, kinh nghiệm của bản thân và những điều đã từng nghe từng thấy. Nếu chưa được nghe cư sĩ Thái diễn giảng, hiện nay những bài giảng của cư sĩ Thái chúng tôi có lưu lại bằng băng ghi hình, cũng có đĩa hình nữa, chúng tôi ở nơi đây cũng có đĩa sao chép, có đĩa gốc, hi vọng là các đồng tu mang về nhà nghe thật nhiều. Có thể tạm thời gác lại kinh điển chúng ta đã học, trước tiên nên chuyên nghe Đệ Tử Quy, chuyên học Đệ Tử Quy, dành thời gian một năm để cắm rễ cho thật chặt. Thời gian một năm ta xây dựng nền tảng, giống như xây nhà vậy, ta phải xử lí nền móng. Sau một năm bất luận là bạn học bất kỳ pháp môn nào thì tất nhiên là bạn học ít mà được lợi lạc rất nhiều, những điều bạn học sẽ lợi ích. Bạn có thể học được giống thì bạn mới có thể học được tốt. Ngày nay có nỗ lực học tập như thế nào cũng đều không giống, công phu không đắc lực chính là do không có nền tảng. Nên dành thời gian một năm để xây dựng nền tảng Đệ Tử Quy. Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh thì chỉ cần ba tháng, tại sao vậy? Bạn có Đệ Tử Quy làm nền tảng rồi thì Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh chỉ cần ba tháng là có thể học xong. Nền tảng này vững chắc rồi, sau đó bạn thọ tam quy ngũ giới thì sẽ có tác dụng. Phước thứ hai “thọ trì tam quy, đầy đủ các giới, không phạm oai nghi” là lấy phước thứ nhất làm nền tảng, cũng chính là nói, thật sự có thể học tốt Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh, học tốt Đệ Tử Quy thì tam quy ngũ giới bạn sẽ làm được. Bạn ở nơi này thọ tam quy ngũ giới, đó là thật chứ không phải giả, nếu không làm được phước thứ nhất thì chúng ta thọ tam quy ngũ giới chỉ là kết duyên, chỉ là hình thức, trồng thiện căn trong A-lại-da thức chứ trong đời này nó không khởi tác dụng.

Tam quy y là giác chánh tịnh, sau khi có đủ các giới thì Bồ-đề tâm mới có thể phát ra được. Câu thứ nhất của phước thứ ba là “phát Bồ-đề tâm, thâm tín nhân quả”, câu  này cũng hơi khó hiểu. Nếu trong phước thứ nhất nói “thâm tín nhân quả” thì chúng ta dễ hiểu. Chúng ta thông thường nói đến nhân quả thì liền nghĩ đến ngay “thiện có thiện báo, ác có ác báo”, điều này phàm phu chúng ta đều biết, vậy thì còn phải nói với Bồ-tát làm gì? Đối với Bồ-tát nói “thâm tín nhân quả”, cái ý này chắc chắn là không phải nói với phàm phu, đây là một loại nhân quả đặc biệt. Là nhân quả gì vậy? “Niệm Phật là nhân, thành Phật là quả”, cái nhân quả này có rất nhiều vị Bồ-tát không biết. Bạn nói thiện nhân có thiện quả, ác nhân có ác báo thì ai mà không biết chứ? Phàm phu cũng biết thì nói gì đến Bồ-tát? “Niệm Phật là nhân, thành Phật là quả” thì có rất nhiều vị Bồ-tát không biết. Điều này Thế Tôn từ bi mới đặc biệt nói ra với những vị Bồ-tát này là pháp môn tu niệm Phật thành Phật là nhanh nhất là chắc chắn nhất, ý là như vậy.

Tiếp theo nói “Đọc tụng Đại Thừa, khuyến tấn hành giả”, hai câu sau này là một việc. Từ đầu đến “thâm tín nhân quả” tổng cộng là  mười một câu, chín câu ở phía trước là tự lợi tự độ, hai câu phía sau là độ tha, “khuyến tấn hành giả” là việc làm độ tha. Căn tánh của chúng sanh không giống nhau, hoàn toàn khác nhau, chúng ta dùng một môn thì không độ được tất cả chúng sanh, cho nên bạn phải đọc tụng Đại Thừa. Đọc tụng Đại Thừa thì phương tiện thiện xảo của bạn càng nhiều, bạn mới có thể độ được vô lượng chúng sanh. Chúng sanh ưa thích điều gì thì bạn nói với họ điều đó. Cho nên trong  mười một câu này, chín câu trước là tự độ, hai câu sau là độ tha. Bồ-tát thì phải độ tha nên phải học rộng nghe nhiều, nếu tự độ thì học đến câu “thâm tín nhân quả” là được rồi. Thâm nhập một môn, niệm Phật vãng sanh thượng thượng phẩm, sanh đến thế giới Cực Lạc thì chứng được Phật quả, điều này là thật chứ không phải giả. Vì vậy đến giờ chúng ta mới chân thật hiểu được, nếu muốn công phu đắc lực, nếu muốn nhanh chóng thành tựu thì trước tiên phải xây dựng nền móng cho tốt, nếu không bắt đầu từ việc làm này thì bạn không thể thành tựu được điều gì. Chúng ta học Phật là như vậy, thế gian pháp cũng là như vậy.

Hiện nay xã hội này động loạn đến mức trên toàn thế giới từ xưa đến nay chưa từng có, chưa từng xuất hiện, không phải chỉ loạn ở một khu vực mà là toàn thế giới. Tại vì sao lại loạn như vậy? Người Trung Hoa đã đánh mất lời giáo huấn của tổ tiên rồi. Đệ Tử Quy là lời giáo huấn của tổ tiên chúng ta, từ đời vua Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, mãi cho đến cuối đời nhà Thanh, ai ai cũng phải học, không ai mà không học. Sau khi Mãn Thanh diệt vong, Dân Quốc thành lập, những năm đầu Dân Quốc, tức là vào khoảng năm Dân Quốc thứ mười mấy, vẫn còn học được chút ít, sau năm Dân Quốc thứ 20, dần dần bị mai một đi. Nửa thế kỷ này, đã 50 năm rồi, sau hai lần đại chiến thì hoàn toàn không còn nữa, cho nên xã hội động loạn. Người phương Tây trước đây tín ngưỡng tôn giáo, tin vào thần linh, cũng tin nhân quả, cho nên chế độ xã hội cũng khá tốt đẹp. Đặc biệt là nửa thế kỷ này, khoa học kỹ thuật phát triển vượt bậc, con người có thể chế tạo ra máy móc, dùng các phương tiện bay đến những hành tinh khác, muốn thám hiểm những hành tinh nằm trong Thái Dương hệ. Chúng tôi tin rằng vài chục năm nữa, khoa học kỹ thuật càng tiến bộ hơn, e rằng thật sự có thể thám hiểm được bên ngoài vũ trụ, thám hiểm không gian bên ngoài Thái Dương hệ. Thế nên con người không tin vào thần linh nữa, ngày xưa nói mọi thứ đều do thần linh tạo ra, bây giờ đi đến mặt trăng để thám hiểm, một ngày nào đó con người đổ bộ lên mặt trăng. Có một đồng tu gọi điện thoại cho tôi, hỏi tôi rằng người ngoài hành tinh đổ bộ lên mặt trăng, truyền hình đã đưa tin rất là chi tiết, vậy chúng ta có cần niệm Nguyệt Quang Bồ-tát không? Chúng ta có cần niệm Nhật Quang Bồ-tát không? Từ sự nghi hoặc này chúng tôi liền biết, khi khoa học kỹ thuật phát triển sẽ làm cho việc tín ngưỡng tôn giáo bị mất đi. Tôi trả lời ông ấy, vẫn phải niệm Nguyệt Quang Bồ-tát, Nhật Quang Bồ-tát. Vì sao vậy? Vì các Ngài ở trên mặt trăng, các Ngài không cùng không gian duy thứ với chúng ta, chúng ta không nhìn thấy các Ngài. Giống như chúng ta ở thế gian này, người thế gian ai ai cũng biết con người sống chung với quỷ thần, chúng ta cùng với quỷ thần sống cùng một nơi, nhưng không gian duy thứ thì khác nhau, chúng ta không nhìn thấy họ, họ cũng không nhìn thấy chúng ta, thỉnh thoảng có vài cơ hội cũng nhìn thấy nhau. Cho nên chúng ta phải biết, khoa học có tiến bộ hơn nhưng vẫn chưa phải là vạn năng, nó vẫn bị hạn chế. Tôi cũng đã chia sẻ với quý vị, trên trái đất này thường hay phát hiện người ngoài hành tinh, phát hiện đĩa bay, điều này cho thấy phương tiện giao thông của họ tiến bộ hơn chúng ta, tốc độ bay của họ nhanh hơn chúng ta. Máy bay của chúng ta ngày nay, tốc độ nhanh nhất của máy bay cũng không bì được với họ, hơn nữa phương tiện bay của họ có thể dừng lại ở trong không trung, có thể biến mất khi bay ở tốc độ cao, việc này chúng ta không thể theo kịp. Một số người hỏi những người đó có phải là thần linh không? Tôi tin rằng họ không phải là thần linh, họ là con người, nếu là thần linh thì họ không cần phải dùng phương tiện giao thông. Vì sao vậy? Thần linh có thần túc thông, khi đi thì họ chỉ cần biến hóa nên họ không cần phương tiện giao thông. Ở trong các tiểu thuyết chúng ta đã xem qua như Liêu Trai Chí Dị, Tử Bất Ngữ, Duyệt Vi Thảo Đường Bút Ký đều viết về các vị tiên, có cả hồ ly nữa. Hồ ly tu hành, khi tu luyện thành công cũng rất lợi hại, họ có cần những phương tiện giao thông không? Họ không cần, họ đi đến nơi thật xa thì họ biến thành một luồng ánh sáng là họ lập tức đi. Hiện tượng này dùng lí luận khoa học để nói thì rất hợp lí, thân thể này là vật chất, họ có thể đem vật chất biến thành năng lượng, vận tốc của năng lượng thì nhanh, khi họ đến nơi thì đem năng lượng của mình phục hồi lại thành thân thể vật chất, tức là họ hiện hình, điều này theo khoa học giải thích là hợp lí. Chúng ta chẳng có cách nào làm được. Điều này so với phương tiện giao thông thì tốt hơn nhiều, họ không bị những phương tiện giao thông chi phối. Những người ngoài hành tinh đến tham quan trái đất vẫn phải dùng phương tiện giao thông, vẫn phải dùng tàu vũ trụ, vậy họ là con người, không phải là thần linh, họ vẫn thuộc về cõi người, điều này nói rõ con người không nhất định là những người ở trên quả địa cầu này của chúng ta, còn có rất nhiều người ở những tinh cầu khác, họ là cõi người, không phải ở cõi trời, cũng không phải ở cõi quỷ thần. Bạn tu công đức thì năng lực của bạn hiện ra, có định thì có thể có thần thông. Trong kinh, Phật nói với chúng ta, Tiểu Thừa Tu-đà-hoàn đoạn được 88 phẩm kiến hoặc rồi thì họ được hai loại thần thông là thiên nhãn thông và thiên nhĩ thông. Có thiên nhãn thì không cần dùng kính viễn vọng, không cần dùng kính hiển vi, không cần dùng thiết bị khoa học nhưng họ vẫn nhìn thấu. Chúng ta ở trên lầu bảy nhìn xuyên qua sáu tầng lầu thì thấy rất rõ ràng, đó là thiên nhãn thông, Tu-đà-hoàn thì có được khả năng này. Chúng ta có được như Tu-đà-hoàn không? Bạn làm thử thì sẽ biết liền, chỉ cách một tờ giấy còn nhìn không thấy, điều này nói rõ bạn không có khả năng này. Nếu có thiên nhĩ thông thì không cần dùng điện thoại, âm thanh ở rất xa, chỉ cần bạn tác ý, vừa chú ý là bạn nghe được liền. Cho nên Tu-đà-hoàn cùng với Tu-đà-hoàn muốn liên lạc với nhau từ khoảng cách rất xa thì cũng giống như ở trước mặt nhau vậy, họ không cần dùng băng ghi hình, trong lúc nói chuyện với nhau họ không cần dùng điện thoại, bạn nói xem tiện lợi biết bao nhiêu. Chúng ta dùng những thứ này thì quá phiền phức, hơn nữa nghe nói sóng từ của điện thoại làm tổn hại não, dùng trong thời gian dài thì đầu óc không còn minh mẫn, nó không phải là thứ tốt, tốt nhất là không nên dùng, tác dụng phụ của nó rất lớn, chỉ dùng trong những trường hợp bất đắc dĩ. Tôi cũng có điện thoại, một tháng chỉ dùng có 1 hoặc 2 lần, điện thoại của tôi không mở, tôi cũng không biết số điện thoại là bao nhiêu nữa. Tôi sạc điện thoại một lần là dùng được 1 đến 2 tháng. Tốt nhất là không dùng điện thoại, đây là đạo dưỡng sinh của chúng ta, đừng để những loại sóng điện từ này quấy nhiễu.

Trong pháp thế gian, Liên Hiệp Quốc thực hiện công tác hòa bình thế giới bắt đầu từ năm 1970 đến bây giờ là ba mươi mấy năm rồi, có kết quả hay không? Việc này mọi người đều biết, thế giới này mỗi năm mỗi bất ổn, tần suất xung đột mỗi năm mỗi tăng cao, tai nạn mỗi lần mỗi nghiêm trọng hơn, chúng ta phải sâu sắc mà phản tỉnh. Cuối cùng thì vấn đề là do đâu? Là do không học Đệ Tử Quy. Ngày nay tôi tiếp xúc và nói chuyện dứt khoát với các thành viên tham dự của Liên Hiệp Quốc. Tôi nói gọn gàng dứt khoát với họ, tôi nói nếu thật sự có thể hóa giải xung đột, thực hiện hòa bình ổn định thì nam nữ già trẻ trên toàn thế giới cùng nhau học Đệ Tử Quy, xung đột tự nhiên sẽ không còn nữa. Mọi người chắc chắn sẽ hỏi mục đích học tập Đệ Tử Quy là gì? Mục đích là dạy cho mọi người tâm địa thuần tịnh, hành vi thuần thiện, mục đích là dạy cho nhà nhà sống hòa thuận hạnh phúc mỹ mãn. Bạn nói nói xem điều này có tốt hay không? Người nào mà không cần chứ? Ai ai cũng cần, Đệ Tử Quy có thể giúp bạn đạt được mục đích. Cho nên chúng ta phải triển khai Đệ Tử Quy trên toàn thế giới. Rất hiếm khi các vị ấy nghe lời của tôi mà có thể tin tưởng, có thể tiếp nhận. Họ muốn hợp tác với tôi, chúng tôi nhanh chóng cung cấp tài liệu cho họ, đây là một việc làm tốt do Tổ Chức Giáo Khoa Văn Liên Hợp Quốc (UNESCO) triển khai trên toàn thế giới. Vào thập niên 70, tiến sĩ Thang Ân Tỷ (Toynbee) đã nói “để giải quyết vấn đề xã hội của thế kỷ 21, chỉ có học thuyết Khổng Mạnh và Phật pháp Đại Thừa”. Học thuyết Khổng Mạnh chính là Đệ Tử Quy. Tứ Thư, Ngũ kinh, Thập Tam Kinh thì không được vì quá sâu sắc không ai hiểu được. Trong Phật pháp Đại Thừa, Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Pháp Hoa không có tác dụng, cũng không có ai hiểu được, chỉ có Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh của Đại Thừa và Đệ Tử Quy của Khổng Mạnh là chắc chắn có thể cứu được thế giới này. Đối với công đức lợi ích của pháp thế gian chúng ta không thể không biết, cho nên chúng ta phải học kỹ những điều này.

Sau đó là Tam Học, Lục Độ và Thập Nguyện. Thập Nguyện là để cho Pháp Thân Bồ-tát tu. Mỗi ngày chúng ta đều đọc “Lễ kính chư Phật” mà ta lại ghét người này, ta nhìn thấy họ không vừa mắt, bạn lễ kính chư Phật mà đối với người này thì muốn loại trừ, vậy có đúng hay không? Lại còn mở ngoặc “cần phải loại trừ người nào đó”, đâu có đạo lý này. “Lễ kính chư Phật”, chư Phật là chỉ Phật quá khứ, Phật hiện tại, Phật vị lai. Tất cả chúng sanh đều là Phật vị lai, lễ kính quan trọng nhất là dạy bạn lễ kính Phật vị lai. Chúng ta đối với tất cả chúng sanh có phải là dùng sự chân thành thanh tịnh bình đẳng để lễ kính không? Cho nên Thập Nguyện Phổ Hiền thật sự không dễ tu, thật sự là quá cao siêu. Vì sao vậy? Thanh tịnh bình đẳng giác hiện tiền thì bạn mới có thể tu được Phổ Hiền Thập Nguyện, nếu bạn không có sự chân thành thanh tịnh bình đẳng thì bạn chỉ có thể niệm Phổ Hiền Thập Nguyện thôi. Biết được đó là điều dành cho Bồ-tát tu, chúng ta chưa thể làm được. Nếu chúng ta cố gắng y theo cấp độ này, từ Đệ Tử Quy, Thập Thiện Nghiệp Đạo mà thâm nhập, sau đó tiếp tục là Tam Quy và các giới, từng bước từng bước hướng lên thì có thể làm được các giới.

Thập Nguyện Phổ Hiền là để cho Pháp Thân Bồ-tát tu, điều này phải nên biết. Trong Kinh Hoa Nghiêm nói, không phải là Pháp Thân Bồ-tát thì có thể tu được không? Được. Kinh Hoa Nghiêm nói về mười loại đương cơ, trong đó có một loại gọi là “đại tâm phàm phu”, đại tâm phàm phu có thể tham dự pháp hội Hoa Nghiêm. Cho nên Đại Thừa giáo cũng bao gồm chúng sanh chúng ta ở thế gian này, thậm chí bao gồm luôn chúng sanh trong ba đường ác. Vì sao họ có thể phát được đại tâm như thế? Vì đời quá khứ họ đã gieo trồng hạt giống trong A-lại-da thức, có hạt giống Đại Thừa, tuy họ trong cõi người hoặc là bị đọa trong ba đường ác, nếu gặp được duyên thù thắng thì có thể khởi phát được hạt giống này trong A-lại-da thức. Vì vậy họ có thể học, họ có thể thành tựu. Năm khoa mục này của chúng ta nhất định phải hiểu rõ ràng, nhất định phải thấu triệt thông suốt, đem nó làm thành chuẩn mực trong việc khởi tâm động niệm, lời nói việc làm của cuộc sống hằng ngày, như vậy mới được.

 

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 349)

Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Khởi giảng năm 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ