Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 348)

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 348)
Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh Tập 348 Buổi trưa hôm nay, chúng tôi họp mặt cùng với chín tôn giáo lớn ở Singapore, tôi mỗi lần đến Singapore đều báo với các vị ấy để cùng nhau họp mặt. Hôm nay bàn đến vấn đề là chính phủ Singapore muốn xây dựng sòng bạc, bàn về vấn đề này rất nhiều, cuối cùng là có lợi hay có hại? Tôi nghe các vị ấy đưa ra các cao kiến, trước mắt dường như là có một chút lợi ích nhưng về lâu dài thì nhất định không có lợi. Con người thành lập sòng bạc, nếu theo Phật pháp mà nói thì điều bất thiện lớn nhất chính là khơi gợi lòng tham của con người. Tôi xây sòng bạc sẽ khơi gợi toàn bộ lòng tham của bạn, làm tăng trưởng lòng tham, đây không phải là việc tốt. Tham là cái gốc của phiền não, trong kinh Thế Tôn đã nói cho chúng ta, phiền não của mỗi chúng sanh là vô lượng vô biên. Khi Phật đang giảng kinh thuyết pháp, không có cách nào nói hết vô lượng vô biên phiền não, nên mới qui nạp lại thành 84 ngàn phiền não, 84 ngàn xác thật là một con số, không phải là nói một cách tùy tiện. Vì vậy Phật mới có 84 ngàn pháp môn để đối trị 84 ngàn phiền não. Tám mươi bốn ngàn pháp môn này là dạy cho Pháp Thân Bồ-tát, nếu dạy cho phàm phu chúng ta thì là quá nhiều, chúng ta không có cách gì tiếp nhận

 

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ

Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh

Tập 348

 

Buổi trưa hôm nay, chúng tôi họp mặt cùng với chín tôn giáo lớn ở Singapore, tôi mỗi lần đến Singapore đều báo với các vị ấy để cùng nhau họp mặt. Hôm nay bàn đến vấn đề là chính phủ Singapore muốn xây dựng sòng bạc, bàn về vấn đề này rất nhiều, cuối cùng là có lợi hay có hại? Tôi nghe các vị ấy đưa ra các cao kiến, trước mắt dường như là có một chút lợi ích nhưng về lâu dài thì nhất định không có lợi. Con người thành lập sòng bạc, nếu theo Phật pháp mà nói thì điều bất thiện lớn nhất chính là khơi gợi lòng tham của con người. Tôi xây sòng bạc sẽ khơi gợi toàn bộ lòng tham của bạn, làm tăng trưởng lòng tham, đây không phải là việc tốt. Tham là cái gốc của phiền não, trong kinh Thế Tôn đã nói cho chúng ta, phiền não của mỗi chúng sanh là vô lượng vô biên. Khi Phật đang giảng kinh thuyết pháp, không có cách nào nói hết vô lượng vô biên phiền não, nên mới qui nạp lại thành 84 ngàn phiền não, 84 ngàn xác thật là một con số, không phải là nói một cách tùy tiện. Vì vậy Phật mới có 84 ngàn pháp môn để đối trị 84 ngàn phiền não. Tám mươi bốn ngàn pháp môn này là dạy cho Pháp Thân Bồ-tát, nếu dạy cho phàm phu chúng ta thì là quá nhiều, chúng ta không có cách gì tiếp nhận được. Vậy nên dạy cho phàm phu thì phải qui nạp 84 ngàn phiền não còn 108 phiền não, 108 phiền não đối với người sơ học vẫn là quá nhiều, không nhớ hết, nên qui nạp tiếp còn 26 phiền não (6 phiền não căn bản và 20 điều thuận theo phiền não). Hai mươi điều tùy thuận theo phiền não chúng ta không nói đến, chỉ nói đến sáu phiền não căn bản là tham sân si mạn nghi ác kiến (ác kiến chính là kiến hoặc). Thông thường gộp chung lại gọi là “kiến tư phiền não”, quy nạp lại thành sáu điều. Ác kiến triển khai ra thì có năm loại: thân kiến, biên kiến, kiến thủ kiến, giới thủ kiến, tà kiến. Sáu phiền não căn bản được qui nạp thành ba điều gọi là tam độc, tham sân si. Tham sân si qui nạp lại thành một điều, đó là tham, tham là cái gốc. Những điều bạn ham muốn đều có rồi thì bạn sẽ không nổi cáu, ham muốn mà không được thì mới phát cáu, phát cáu là nổi sân, cho nên cuối cùng qui nạp lại chính là sân, sân là cái gốc của phiền não, là cái gốc của sanh tử, bạn nói xem sự việc này phiền phức biết bao nhiêu.

Lời giáo huấn của cổ Thánh tiên Hiền là dạy chúng ta ngừa lỗi, diệt trừ tham sân si, siêng tu giới định huệ. Từ nhỏ đã bắt đầu dạy, đối với sự ham muốn vật chất thì bản thân mình phải kiềm chế, không bị ngoại cảnh làm ảnh hưởng, thành tựu đức hạnh của chính mình. Toàn thể xã hội hiện nay có cách nghĩ trái ngược với chúng ta, khích lệ con người tăng trưởng tham sân si. Vì sao vậy? Như vậy họ mới kiếm được nhiều tiền. Tôi xin nêu ra một thí dụ, rõ ràng là cái áo này có thể mặc được 30 năm, vậy thì các cửa hàng bán quần áo đều đóng cửa hết. Bạn xem mỗi ngày họ đều thiết kế kiểu mới lạ, bộ đồ này mua về mặc chưa được hai ngày thì lại có kiểu trang phục mới rồi, vừa là mốt thời thượng thì đã hết thịnh hành rồi, lại nhanh chóng đi mua cái khác. Bạn kiếm tiền rất là vất vả, vậy mà bạn mang tiền đi cúng dường cho họ, bạn có biết hay không? Trước đây tôi có hỏi họ, tôi nói bạn làm sao mà ngốc như vậy? Họ nói mặc vậy như đi ra ngoài người ta sẽ cười mình chết, tôi nói bạn sai rồi, cười chết là họ chết chứ bạn không chết, tại sao bạn lại sợ người ta cười bạn chết? Bản thân mình bị mắc bẫy của người khác mà không biết. Cho nên phải thông minh, nếu chúng ta biết tiết kiệm thì chúng ta sống rất hạnh phúc, sống rất an vui; mỗi ngày đều chạy theo thời trang với người ta thì bạn mệt cả cuộc đời, bạn khổ cả cuộc đời, bạn thật đáng thương. Năm xưa tôi còn ở nước Mỹ,  khu vực nơi chúng tôi ở người dân thu nhập không cao, thu nhập mỗi tháng khoảng hai ngàn đô-la. Nếu trong khu vực này có một gia đình làm việc trong công ty được thăng chức, thu nhập một tháng có thể được ba ngàn đô-la thì họ không ở được hai tháng, liền dời nhà đi, họ phải dời nhà đến sống ở khu vực thu nhập ba ngàn đô-la để thể hiện phân thận của họ đã được nâng cao. Cho nên họ mãi mãi chịu sự mệt mỏi. Bạn sống ở đây không tốt sao? Thu nhập mỗi tháng hơn một ngàn đô-la, bạn thấy là quá tự tại, họ thì không, họ từ trước đến giờ phải chịu khổ, họ không chịu buông bỏ sự khổ nhọc đó, chúng tôi nhìn thấy thì rất cảm thương. Mọi người nhìn thấy người ngoại quốc đều nói người Mỹ rất giàu có, tôi thấy người Mỹ rất đáng thương. Tôi còn nhớ, lần đầu tiền trở về Trung Quốc, lúc đó đi cùng Hàn Quán Trưởng, bà về Trung Quốc thăm lại quê hương Đại Liên, bà vẫn còn nhiều bạn bè người thân. Tôi còn nhớ lần đó chúng tôi có hơn 30 người, có 3 bàn, họ ngồi đầy 3 bàn. Trong lúc ăn cơm, họ nhìn thấy chúng tôi từ Mỹ trở về thì vô cùng ngưỡng mộ, tôi liền nói với họ đời sống của người Mỹ không bằng các vị đâu. Họ nói tôi không nói thật, tôi nói được, vậy tôi hỏi các vị, trong số các vị đang ngồi ở đây, có người nào sống mà phải chịu mắc nợ không? Họ hai bên nhìn nhau, chẳng có ai mắc nợ. Người Trung Quốc có nói “không mắc nợ thì cuộc đời thong dong”. Người Mỹ thì có ai mà không mắc nợ chứ? Ở ngôi nhà sang trọng đều là vay nợ của ngân hàng, của công ty bảo hiểm, đi xe hơi tốt cũng là tiền vay nợ, vật dụng dùng trong gia đình tất cả đều là nợ của công ty bảo hiểm, nợ của ngân hàng, mỗi ngày dốc sức làm việc là vì cái gì? Để trả nợ, mỗi ngày phải trả nợ, nếu bị thất nghiệp thì nhà cửa, xe hơi lập tức bị tịch thu bán đấu giá, các bạn có trải qua đời sống như vậy không? Mọi người suy nghĩ thấy lời nói này của tôi cũng hợp lí. Trên hình thức chúng ta hình như là nghèo hơn họ, nghèo mà vui, họ tuy là giàu, nhưng cả cuộc đời mắc nợ, họ là “giàu nợ”, mắc nợ sống qua ngày, chúng ta thì chắc chắn không dám làm như vậy.  Cho nên người bị mắc nợ thì làm sao trong tâm họ thanh tịnh được, tâm làm sao mà bình đẳng được? Họ có vui sướng ở chỗ nào đâu? Sự vui sướng của họ, tôi thường dùng thí dụ để nói, giống như là dùng chất kích thích, chích moóc-phin, đó là niềm vui của họ. Thú vui của họ hoàn toàn khác với chúng ta, niềm vui trong cuộc sống của chúng ta thì họ không thể nào thể hội được, đây là sự thật. Xã hội không giống nhau, nên nếu đi theo con đường kinh tế của phương Tây thì trong tương lai chúng ta cũng giống như họ, khổ sở vô cùng. Văn hóa phương Đông đã mấy ngàn năm xác thực là dạy cho bạn có được cuộc sống gia đình hạnh phúc, gia đình vui vẻ mới đúng là cuộc sống. Mục đích của nền giáo dục của chúng ta là giúp gia đình hạnh phúc, giúp cho người trong gia đình bạn đối xử hòa thuận với nhau, có cuộc sống vui vẻ. Ngày nay thật sự bạn có thể đạt được vui vẻ hạnh phúc, niềm vui này không nhất định là phải giàu có, không nhất định phải có địa vị cao.  Khổng Phu Tử năm xưa khi còn tại thế, cuộc sống rất nghèo khó, học trò của ông là Nhan Hồi là một người có điều kiện đời sống vật chất tệ nhất trong số những học trò của ông, nhưng Nhan Hồi lại là người có cuộc sống vui sướng nhất. Cho nên niềm vui của cuộc sống thật sự không có liên quan gì đến đời sống vật chất. Nhan Hồi có đời sống tinh thần sung túc, đời sống vật chất không thể so sánh được. Chúng ta phải biết những đạo lí này. Trong chú giải của lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ thì phẩm kinh này được chú giải nhiều vô cùng, do vậy mới biết phẩm kinh này vô cùng quan trọng, hy vọng quý vị có thể tự xem chú giải này.

Trong hành môn, ở Nhật Bản có một phái gọi là “Bổn nguyện niệm Phật”, tôi có nghe nói qua. Một số đồng tu học pháp môn này đến hỏi tôi. Tổ sư đề xướng pháp môn này là chính xác, con cháu đời sau học pháp môn này đã hiểu sai, bổn nguyện thì họ chỉ chú trọng có một nguyện, là nguyện thứ 18, đến lúc lâm chung niệm một niệm đến mười niệm thì nhất định vãng sanh Thế Giới Cực Lạc. Chỉ có một nguyện này, những nguyện kia thì không có, như vậy quí vị nghĩ xem, có tương ưng với ba bậc vãng sanh trong phẩm này hay không? Rõ ràng trong phẩm này viết “Phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm”. Một niệm đến mười niệm, họ cho đó là nhất hướng chuyên niệm, nhưng không có Bồ-đề tâm, đây là tâm gì? Là tâm cầu may, tư tưởng cầu may thì làm sao có thể vãng sanh? Nhất định phải hiểu rõ kinh cho tường tận, một niệm này của cổ Đại đức tại sao có thể thành tựu? Trong một niệm này các Ngài có đủ tất cả nguyện, trong 48 nguyện thì nguyện thứ 18 là chủ, nguyện thứ 18 này có đủ 47 nguyện kia, vậy thì được, đương nhiên là không có vấn đề gì. Nguyện thứ 19 chính là phát Bồ-đề tâm, đạo lý này không thể không biết, nhất định không thể hiểu lầm ý này. Bồ-tát Thiên Thân là niệm Phật mà vãng sanh, sự tích Ngài niệm Phật vãng sanh được lưu truyền lại trong Vãng Sanh Luận. Có thể nói Vãng Sanh Luận là báo cáo tâm đắc về việc tu pháp môn Tịnh Độ của Bồ-tát Thiên Thân, Ngài tu như thế nào? Điều này đáng để chúng ta lấy làm tham khảo.

Ngài có năm môn, điều thứ nhất là lễ lạy, lễ Phật. Lễ lạy thật sự mà nói là có rất nhiều điều lợi, cơ thể con người là một bộ máy, là bộ máy thì phải chuyển động, không chuyển động thì nó sẽ bị gỉ sét, nó sẽ bị hỏng, cho nên thân này phải động, nhưng tâm thì phải thanh tịnh. Tâm không phải là vật chất, điều này nhất định phải biết, tâm không phải là vật chất cho nên tâm phải thanh tịnh, nhà Phật nói là đạo dưỡng sinh. Cho nên để biểu pháp cho bạn xem, họ dùng vòng tròn, dùng bánh xe pháp để biểu pháp. Luân tức là vòng tròn, chu vi vòng tròn nhất định phải chuyển động thì nó mới có tác dụng, nhưng cái tâm của vòng tròn thì không thể chuyển động, tâm mà chuyển động thì vòng tròn liền bị phá hỏng. Vòng tròn là thân thể của chúng ta, con người chúng ta hiện nay đã điên đảo rồi, nếu thân mà không vận động thì tâm sẽ nghĩ ngợi lung tung, làm sao mà bạn không bị bịnh chứ? Đương nhiên là sẽ bị bịnh. Tôi nghĩ những đồng tu chúng ta ít ra cũng đã học qua trung học, trong môn hình học ở trung học có dạy hình tròn, nếu cái tâm hình tròn luôn luôn chuyển động, vậy thì cái hình tròn đó có thể vẽ được không? Không vẽ được. Cái tâm không thể chuyển động, tâm động thì thân liền bị hỏng, bệnh tật gì cũng là do tâm của bạn động cho nên mới sinh ra, bạn mới có bệnh. Nếu bạn muốn phục hồi sự khỏe mạnh thì trị ở chỗ nào? Ở chỗ tâm không động, tu tâm thanh tịnh thì bệnh tật trên thân thể của bạn sẽ nhanh chóng phục hồi, đây cũng là một bí quyết. Bạn chỉ cần hiểu được đạo lý này thì hàng trăm thứ bệnh không thể sinh ra. Khỏe mạnh vui vẻ là do tu tâm thanh tịnh, cho nên tâm không thể động. Việc lạy Phật có thể có được hiệu quả, lạy Phật là thân động nhưng tâm không động, tâm thì định trong khi thân đang động, tương ưng với cái vòng bánh xe, đạo dưỡng sinh chẳng qua là phương pháp này mà thôi.

Có một năm tôi ở Los Angeles, có một vị đồng tu thân thể không khỏe, ông ấy đến hỏi tôi, ông đã 60 tuổi rồi, tôi bảo ông ấy lạy Phật. Tôi nói mỗi ngày ông nên lạy 100 lạy, buổi sáng lạy 50 lạy, buổi tối lạy 50 lạy, cứ kiên trì không gián đoạn. Năm sau tôi đến Los Angeles, ông ấy đến thăm tôi, ông rất vui vẻ, ông nói “thưa Pháp sư thân con đã hết bịnh rồi”. Ông nói lạy Phật tốt vô cùng, mỗi ngày lạy 100 lạy, trong khi lạy Phật, trong tâm niệm thầm A Di Đà Phật, không nên niệm ra tiếng. Trong lúc bạn đang lạy Phật niệm ra tiếng sẽ tổn khí. Trong lúc niệm Phật khi chỉ tịnh thì không được niệm ra tiếng, lúc nào thì mới niệm Phật ra tiếng? Là lúc kinh hành nhiễu Phật, đi nhiễu Phật niệm ra tiếng thì tốt. Chỉ tịnh và khi ngủ thì Phật hiệu trong tâm không gián đoạn, nhưng không niệm ra tiếng. Bồ-tát Thiên Thân mỗi ngày lạy Phật. Rốt cuộc là lạy bao nhiêu lạy? Phải xem thời gian của chúng ta, xem công việc của chúng ta, xem ta có bao nhiêu thời gian, không tính số lượng cũng không sao. Ta lạy 20 phút, ta lạy nửa giờ đồng hồ, hoặc là lạy một giờ đồng hồ. Người xuất gia thì lạy hơn nửa cây nhang, lạy trong vòng một cây nhang, cây nhang ở Trung Quốc dài một tiếng rưỡi đồng hồ. Buông bỏ tất cả ý niệm, lạy Phật là cách tu hành tốt nhất, tương ưng với pháp môn của Tịnh Tông.

Thứ hai là tán Phật, chúng ta trì danh hiệu Phật chính là tán Phật. Cung cung kính kính niệm câu Nam Mô A Di Đà Phật, Nam Mô có nghĩa là lễ kính, cung kính, quy y, quy mạng, những ý nghĩa này đều có trong đó. Cho nên kèm thêm hai chữ này cũng tốt, tán thán danh hiệu Phật tức là tán thán Phật. Âm thanh của mỗi câu phải thức tỉnh chính mình. Danh hiệu “A Di Đà Phật” này là tiếng Phạn, dịch thành tiếng Trung có nghĩa là “vô lượng giác”. “A” dịch là vô, “Di Đà” dịch là lượng, “Phật” dịch là giác. Vô lượng giác chính là đối với tất cả vạn sự vạn vật thì giác mà không mê, giác là gì? Trong Kinh Kim Cang nói rất hay, “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, bạn đã giác rồi thì cái tướng này có hay không? Có, nhưng không nên chấp trước. Hết thảy tất cả các hiện tượng, Phật nói với chúng ta có thể thọ dụng nhưng không thể chấp trước, nếu chấp trước thì bạn sai rồi. Giống như chúng ta xem truyền hình, xem phim vậy, hình ảnh thì có thể thưởng thức chứ không thể chấp trước, những hình ảnh đó bạn muốn giữ lại cũng không được. Nếu bạn cho rằng những hình ảnh đó bạn có thể giữ được vậy thì bạn sai rồi, có thể thưởng thức, có thể thọ dụng nhưng không thể chấp trước, như vậy mới đúng. Bạn không chấp trước thì không sanh phiền não, bạn thọ dụng nó thì không có tác dụng phụ. Phải học tập từ chỗ này, đối người hay là đối việc đều không nên chấp trước. Thí dụ như bạn kinh doanh, khi kiếm được tiền nhưng không sanh tâm hoan hỷ, bị lỗ vốn thì một chút phiền não cũng chẳng có. Vì sao vậy? Do duyên, duyên tụ, duyên tán đều bình đẳng, công phu chính là luyện ở chỗ này, giác mà không mê. Câu Phật hiệu này nhắc nhở chúng ta niệm niệm giác mà không mê. Danh hiệu của Phật đều là nói từ trên tánh thể, chính là chân tâm của chính mình, bản tánh của chính mình, xưa nay vốn là giác mà không mê. Tự tánh khởi dụng chính là đại từ đại bi, chính là trí huệ. Cho nên Bồ-tát Đại Thế Chí đại diện cho trí huệ, Bồ-tát Quán Âm đại diện cho từ bi, Bồ-tát chính là khởi dụng từ thể. Sau khi niệm xong Phật hiệu thì nhất định phải niệm Bồ-tát Quán Âm 3 lần, niệm Bồ-tát Đại Thế Chí 3 lần, sau cùng người thông thường còn niệm Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ-tát. Đó là gì vậy? Là trước khi ta vãng sanh, tương lai đi đến Thế Giới Tây Phương Cực Lạc chúng ta cùng ở chung một chỗ tu hành, hai bên đều là đồng tham đạo hữu, chúng ta cũng không thể quên các Ngài. Cách niệm Phật này là tương ưng, cho nên môn tán thán mà Bồ-tát Thiên Thân nói chính là niệm Phật, đây là nghiệp của miệng.

Môn thứ ba là phát nguyện, phát nguyện là ý nghiệp, trong tâm chỉ có một nguyện là vãng sanh Tịnh Độ, chỉ có một nguyện này. Chư Phật tiếp dẫn chúng sanh, A Di Đà Phật tiếp dẫn tất cả chúng sanh, chúng ta cũng phải tùy duyên tùy phận mà đem pháp môn Tịnh Độ giới thiệu cho người khác, đây chính là tiếp dẫn. Đương nhiên những chúng sanh được tiếp dẫn trong đời quá khứ họ cũng có tu Tịnh Độ, có duyên với Tịnh Độ, nên trong đời này họ dễ dàng chấp nhận, bạn giới thiệu cho họ, họ liền tiếp nhận. Nếu bạn giới thiệu mà họ không tin, họ không thể tiếp nhận là do không có duyên với Tịnh Độ. Không có duyên cũng nên tiếp dẫn, tiếp dẫn như thế nào? Chấp tay lại niệm A Di Đà Phật chính là tiếp dẫn, họ nghe lọt vào tai danh hiệu A Di Đà Phật, “hễ lọt qua tai thì vĩnh viễn thành hạt giống Đạo”. Trong đời này họ không thể thành tựu, nhưng đời sau kiếp sau khi gặp được duyên Tịnh Độ, họ liền tin tưởng. Vì vậy hãy giúp đỡ những người không có thiện căn trồng thiện căn, người đã có thiện căn rồi thì giúp thiện căn của họ tăng trưởng. Thường xuyên giữ cái tâm luôn mong muốn tất cả chúng sanh đều vãng sanh Tịnh Độ, sanh về Tịnh Độ thì thành tựu nhanh chóng, thù thắng vô cùng, điều này các pháp môn khác không có cách nào sánh được.

Môn thứ tư là quán sát, quán sát là dùng trí huệ quán sát, quán điều gì? Điều này thì phải đọc kinh, quán sát y chánh trang nghiêm của Thế Giới Tây Phương thì chúng ta sẽ thường sanh khởi tâm khát ngưỡng về Thế Giới Tây Phương. Quán sát thế giới này là ngũ trược ác thế, quán sát chúng sanh ở thế gian này tạo nghiệp chịu quả báo, luân hồi không ngừng nghỉ. Nhìn thấy rõ ràng, thấy thấu suốt, không muốn ở lại thế gian này nữa thì bạn mới có thể buông bỏ được tất cả thân tâm thế giới ở thế gian này. Vì vậy bạn phải quán sát hai thế giới này để so sánh. Đến Thế Giới Cực Lạc vẫn là tốt hơn, đến nơi đó cùng với A Di Đà Phật. Bạn xem ở thế giới này của chúng ta có quốc gia, ở Thế Giới Tây Phương Cực Lạc thì không có quốc gia, không nghe nói ở Thế Giới Tây Phương người nào làm quốc vương, làm tổng thống, hoàn toàn không có. Ở Thế Giới Tây Phương chỉ có lão sư và học trò, A Di Đà Phật là lão sư, vãng sanh về nơi đó, bất luận là đến đó sớm hay muộn, trước đây đi hay hiện giờ mới đi thì tất cả đều là bạn học, đều là hóa sanh từ hoa sen, thù thắng không gì bằng, thật sự là thế giới bình đẳng.

Tâm thanh tịnh là bình đẳng, buông bỏ vọng tưởng phân biệt chấp trước là bình đẳng. Quý vị nên biết, hình dáng của người ở thế gian này của chúng ta không giống nhau, tại sao không giống nhau vậy? Vì ý niệm của bạn không giống nhau, tướng do tâm sanh, chính là do ý niệm. Đến Thế Giới Tây Phương Cực Lạc thì hình dáng của mọi người đều giống nhau. Vì sao vậy? Trong tâm của bạn chỉ có A Di Đà Phật, không có điều gì khác, cho nên hình dáng của mỗi người đều giống với A Di Đà Phật. Chúng ta liền có nghi vấn, đến lúc đó có phân biệt được ai là Trương Tam ai là Lý Tứ không? Đến Thế Giới Cực Lạc bạn liền có thần thông, diện mạo tuy là giống nhau, nhưng chắc chắn bạn sẽ không nhận lầm người, vì sáu loại thần thông bạn đều có đủ. Trong Kinh Vô Lượng Thọ có nói, chúng ta đều có đủ sáu loại thần thông, điều này không thể nghĩ bàn, hơn nữa trí huệ năng lực này rất mạnh. Điều này trong tất cả kinh khác chúng ta đều không thấy, sanh đến Thế Giới Tây Phương Cực Lạc đều làm A-duy-việt-trí Bồ-tát, điều này thật tuyệt vời. A-duy-việt-trí là viên chứng tam bất thoái, viên là viên mãn, viên chứng tam bất thoái là thuộc cấp bậc nào của Bồ-tát? Cổ Đại đức nói với chúng ta là Thất Địa Bồ-tát trở lên, đây là Viên Giáo chứ không phải là Biệt Giáo, giống với kinh Hoa Nghiêm. Cho nên Đại Sư Ngẫu Ích nói rất hay, bạn là phàm phu có trí huệ thần thông của Thất Địa Bồ-tát, gọi bạn là Bồ-tát nhưng phiền não của bạn chưa đoạn, bạn vẫn là phàm phu, cho nên nói thế nào cũng chẳng thể xứng, thật là vô cùng tuyệt diệu. Đến Thế Giới Cực Lạc thì thần thông trí huệ của bạn được A Di Đà Phật gia trì, bản thân mình vốn là trong tự tánh có đủ, lại được Phật lực gia trì thì năng lực này hiện tiền, nếu không được Phật lực gia trì thì chính bạn phải tu từ từ, bạn phải đọan hết phiền não thì năng lực này mới hiện tiền. Ở Thế Giới Cực Lạc không cần phải đoạn phiền não, chỉ cần hàng phục. Đến Thế Giới Cực Lạc, ở trong hoàn cảnh đó thì phiền não của bạn không thể khởi lên. Ở nơi này của chúng ta, con người dễ sanh tâm tham, người ở Thế Giới Cực Lạc không có tâm tham. Vì sao vậy? Vì muốn cái gì thì có cái đó, muốn bao nhiêu thì có bấy nhiêu, vậy bạn còn tham gì nữa? Thế gian này của chúng ta, thực tế mà nói, đối với mạng sống của chúng ta thì không khí là thứ cần thiết nhất, trong 5 phút không có không khí thì bạn sẽ chết liền, vậy mà có ai tham không khí đâu? Có ai đóng gói không khí lại, cất giữ lại, để ở đó, không có ai làm như vậy cả. Vật chất ở Thế Giới Tây Phương Cực Lạc, bạn xem người thế gian này tham vàng bạc còn người  ở Thế Giới Tây Phương Cực Lạc dùng vàng bạc để lót đường đi, hiện nay chúng ta dùng dầu hắc để trải đường, các bạn có lấy dầu hắc ở trên đường đem về nhà cất giấu không? Không có, vì vật chất đó có quá nhiều. Người ở thế gian này của chúng ta ham thích đá quí, đá quí ở Thế Giới Tây Phương Cực Lạc được dùng làm vật liệu xây dựng, dùng làm vật liệu xây cất nhà cửa, vì đá quí quá nhiều. Thế nên cái gì bạn cũng chẳng cần, tâm tham của bạn không khởi lên được. Ai ai cũng đều từ bi, nên cái tâm sân nhuế của bạn không khởi lên được. Chư Phật Bồ-tát, thanh tịnh hải chúng ai ai cũng đều có vô lượng trí huệ, cho nên sự ngu si của bạn cũng không khởi lên được. Tham sân si đều không khởi lên được, hoàn cảnh tốt vô cùng. Ở nơi này của chúng ta hoàn cảnh sẽ làm cho bạn phiền não, hoàn cảnh ở Thế Giới Tây Phương đều là giúp bạn đoạn được tất cả phiền não, bạn nói xem nơi đó bạn không đến vậy thì bạn muốn đến nơi nào? Đây là quán sát, quán sát A Di Đà Phật, quán sát chư Đại Bồ-tát, chúng ta phải học tập theo chư Phật, chư Bồ-tát thì mới đúng. Nhất định không học tập theo chúng sanh, nếu bạn ở thế gian này học tập theo chúng sanh, vậy thì bạn không thoát khỏi luân hồi, không thể ra được, nhất định phải học tập theo Phật và Bồ-tát, phải ngưỡng mộ Phật và Bồ-tát.

Môn thứ năm là hồi hướng, hết thảy công đức phải hồi hướng cho tất cả chúng sanh, không hưởng quả báo của thế gian, chúng ta không lấy một chút gì của thế gian này. Thật sự phải làm được “với người không tranh, với đời không cầu”. Ngày nay các tôn giáo chúng tôi ngồi lại nói chuyện với nhau, đều bàn về việc người thế gian có tâm tham, mở sòng bạc để kiếm tiền, có tâm lý cầu may nên đi đánh bạc, đó chẳng phải là tâm tham sao? Nếu con người không có tâm tham thì sòng bạc có mở nhiều thêm cũng chẳng ai đi vào đó, những người đi vào đó đều là có tâm tham. Thử đi vào sòng bạc xem coi tâm tham nào là nặng nhất thì bạn sẽ nhìn ra được tất cả. Tài sản, của cải của thế gian là thứ mà tất cả chúng sanh đều đang theo đuổi. Trong ngũ dục tài sắc danh thực thùy, tài được xếp ở vị trí đầu tiên, đa số đều tham tài, tài có thể tham được không? Nếu với tâm tham mà có được tiền tài thì chư Phật Như Lai đều bái bạn làm thầy, chư Phật Như Lai cũng nghĩ đến tài, nhưng dù có tham tài cũng không có được tài, không phải bạn tham thì có được tài.

Trong kinh Phật đã tiết lộ cho chúng ta một điều, chúng ta phải cố gắng ghi nhớ, trong Kinh Hoa Nghiêm nói, “tất cả chúng sanh đều có trí huệ đức tướng của Như Lai”, lời dạy này rất hay. Tất cả chúng sanh bao gồm chúng ta trong đó, chúng ta có trí huệ của Như Lai, có đức hạnh của Như Lai, có tướng hảo của Như Lai, tài thuộc về tướng hảo. Thế nhưng phía sau Phật lại nói, “nhưng vì vọng tưởng chấp trước mà không thể chứng đắc”. Bạn xem Kinh Hoa Nghiêm nói về Thế Giới Hoa Tạng, trong kinh Tịnh Độ nói về Thế Giới Cực Lạc, sự giàu sang của cõi trời cõi người, cõi nào so được với Thế Giới Cực Lạc? Bạn nói hiện nay tài sản của bạn rất nhiều, vàng bạc của bạn có thể đem đi lót đường không? Thế Giới Cực Lạc thì vàng bạc dùng để lót đường đi, bạn nói nhà của bạn châu báu rất nhiều, châu báu ở bên đó dùng để xây cất nhà cửa, xây dựng lầu các, làm vật liệu xây dựng, bạn làm sao có thể so được? Trong tự tánh vốn đã có đủ, không phải cầu từ bên ngoài, không phải là chúng tôi ở đây khoe khoang sự giàu có của A Di Đà Phật, Tỳ-lô-giá-na Phật, không phải vậy. Phật nói mỗi người chúng ta cùng với chư Phật thảy đều giống nhau, không khác nhau, khác biệt là ở chỗ nào? Là vọng tưởng phân biệt chấp trước của các Ngài đã đoạn hết rồi, tánh đức trong tự tánh hoàn toàn hiển thị ra. Chúng ta ngày nay bị vọng tưởng phân biệt chấp trước làm chướng ngại tánh đức, tuy là có nhưng không hiển lộ ra, đạo lý là ở chỗ này. Ví như trong nhà của bạn thật sự giàu có, tài sản nhiều vô cùng, thế nhưng hiện tại bạn lại lưu lạc ở bên ngoài, trên người một đồng cũng không có, muốn ăn món gì một tý thì phải đi làm thuê nếu không thì bạn không có cái để ăn, đạo lí là như vậy. Cho nên Phật dạy cho chúng ta, phàm phu trong sáu cõi mười pháp giới vẫn chưa kiến tánh, kiến tánh chính là ra khỏi mười pháp giới, những người trong mười pháp giới muốn sống thì phải đi làm việc. Tài sản trong tự tánh của bạn, bạn không lấy ra được, tuy là có nhưng không thể dùng được, bạn phải đi làm công mỗi ngày để sinh sống. Tài sản đi làm công đó chính là hiện nay bạn nhìn thấy ở thế gian này có những người có tài sản hàng ức vạn, sau khi bạn thông suốt đạo lí này thì bạn sẽ không ngưỡng mộ họ, đó là thứ trong đời quá khứ họ đã tu được. Người Trung Hoa đoán số mệnh cũng giống như người ngoại quốc vậy, có một số người rất tài giỏi, họ đoán rất chính xác, trong mạng của bạn có bao nhiêu tiền tài, trong kho của bạn có bao nhiêu của cải, trong cuộc đời này của bạn, bất luận là làm công việc gì thì đó là duyên, tài phú trong mạng là nhân, nhân duyên hội tụ quả báo liền hiện tiền, tài sản của bạn liền hiện tiền. Sự việc là như vậy, tài sản trong mạng của bạn do đâu mà có? Là do trong đời quá khứ bạn đã tu nhân, Phật nói với chúng ta, giàu có là quả báo, bố thí tài là nhân, trong đời quá khứ bạn tu bố thí tài rất nhiều, cho nên trong đời này bất luận là làm ngành nghề gì, bạn cũng kiếm được nhiều tiền. Thế nhưng bạn nhìn thấy ngày nay người ta kiếm tiền, có người kiếm được tiền rất dễ dàng, có người kiếm được tiền rất gian khổ, điều này có liên quan đến việc bố thí. Có người rất thích bố thí, họ rất vui vẻ bố thí nên tương lai họ kiếm tiền rất dễ dàng, rất là vui vẻ, chẳng phải lao tâm khổ trí chút nào. Có người bố thí rất gượng gạo, mọi người khuyên họ bố thí, sau khi bố thí xong thì tiếc nuối, rất khó chịu, [đời này] họ vẫn kiếm được tiền, nhưng kiếm được một cách gian khổ. Nhân như thế nào thì quả báo như thế đó, chẳng sai chút nào. Chúng ta hiểu được đạo lí này, vậy chúng ta khi bố thí phải vui vẻ, hoan hỉ thì tài sản của bạn kiếm được rất dễ dàng, chẳng phải lao tâm khổ trí chút nào.

Khi tôi ở Hồng Kông giảng kinh, có một lão cư sĩ tên là Trần Lãng, hình như là mới vãng sanh năm rồi, ông tám mươi mấy tuổi. Cả cuộc đời của ông chuyên học đoán số mạng, xem tướng, xem phong thủy, rất nổi tiếng ở Hồng Kông. Ở Hồng Kông có ông Lý Gia Thành vô cùng giàu có, tôi cũng đã gặp ông ấy rồi. Lúc ông Lý Gia Thành chưa phát tài, lúc trẻ vừa mới bắt đầu kinh doanh, ông Trần Lãng nhìn thấy ông, có đến gặp ông, xem tướng và đoán số mạng cho ông, nói chuyện rất hợp ý. Ông Trần Lãng hỏi ông, trong tương lai ông muốn có bao nhiêu tài sản thì mới hài lòng? Ông Lý Gia Thành trả lời, tôi có 30 triệu là hài lòng rồi. Ông Trần Lãng nói với ông, trong mạng của ông có nhiều hơn số đó, trong tương lai ông là người giàu nhất ở Hồng Kông. Cho nên ông Lý Gia Thành đã mời ông Trần Lãng về làm cố vấn, việc lớn việc nhỏ gì cũng hỏi ý kiến ông Trần Lãng. Vì vậy trong mạng có tài sản, bất luận kinh doanh cái gì cũng kiếm được tiền, trong mạng của bạn không có, không có thì đi ăn trộm cũng không trộm được gì, cướp cũng chẳng cướp được gì, chưa trộm cắp được gì thì cảnh sát đã bắt bạn rồi, cho nên đồ ăn cắp được, cướp được là do trong mạng của bạn có, bạn không đi ăn cắp, không đi cướp thì tự nhiên nó cũng đến với bạn, bạn nói xem như vậy có oan uổng không? Cho nên cổ nhân nói “quân tử vui vẻ làm quân tử, tiểu nhân oan uổng làm tiểu nhân”. Đạo lý của trời đất, con người sống ở thế gian này xác thực là “một miếng ăn một ngụm nước đều được định sẵn”. Nếu bạn thật sự hiểu được thì bạn sống rất thoải mái, thông thường nói là an phận. Những người an phận thường rất tiêu cực, họ thì không tiêu cực, cuộc sống của họ rất hạnh phúc, tâm an lý đắc, tuy là nghèo khó nhưng cái nghèo của họ có nhiều niềm vui.

Trong mạng không có tài sản, có thể làm giàu được hay không? Có thể. Các bạn xem trong Liễu Phàm Tứ Huấn thì sẽ rõ, trong mạng của tiên sinh Liễu Phàm, con dường làm quan, làm giàu rất hạn chế. Ông gặp được thiền sư Vân Cốc, thiền sư Vân Cốc dạy cho ông một phương pháp, vận mạng liền thay đổi, thu nhập mỗi năm tăng lên rất nhiều, trong mạng không có công danh thì cũng có được công danh. Vào lúc đó gọi công danh là đỗ cử nhân, tiến sĩ. Trong mạng của ông không có, trong mạng của ông đi học được bằng cấp cao nhất là cống sinh, tú tài là cao đẳng, số của ông không học đến cử nhân. Bạn xem sau này ông thi đậu cử nhân, thi tiến sĩ đến 3 lần, lần thứ 3 thì thi đậu, thọ mạng cũng được kéo dài. Thầy tướng số xem mạng cho ông nói thọ mạng có 53 tuổi, nhưng ông sống đến 74 tuổi, vận mạng của chính mình có thể cải đổi, chỉ cần bạn hiểu được đạo lí và cái phương pháp. Vì sao vậy? Số mạng đời này của chúng ta là do kiếp trước đã tu, cho nên nói là đã được định trước, nhưng không phải là do người khác định, là do chính mình định. Chính mình đã định thì chính mình có thể cải đổi, chính mình có thể tu, tiên sinh Liễu Phàm là một tấm gương tốt. Ngoài ra còn một vị là tiên sinh Du Tịnh Ý, ông có một câu chuyện gặp được Táo Thần, không phải do chính ông viết, là một học giả đồng hương của ông viết thay ông. Ông đã sửa đổi lỗi lầm, cải tạo vận mệnh, hiệu quả này còn vượt trội hơn tiên sinh Liễu Phàm. Điều đáng tiếc chính là ông chưa kể lại tường tận chi tiết, tiên sinh Liễu Phàm thì viết lại rất là chi tiết. Thế nên việc quyết định vận mạng là nằm trong tay của chính bạn, không phải ở nơi người khác, chúng ta muốn cải tạo số mạng không phải là không được, hơn nữa làm dễ như trở bàn tay. Bạn biết được lý thuyết, biết được phương pháp, bạn biết được cách làm như thế nào rồi. Bạn muốn có được tài sản thì bạn tu bố thí tài, không nên hoài nghi, “tài sản của tôi không dễ dàng gì mà kiếm được, bảo tôi bố thí tài sản này đi, đến lúc nào thì mới có thể kiếm lại được?” Bạn có ý nghĩ này thì không được, số mạng của bạn sẽ không cải đổi được. Cứ rộng rãi phóng khoáng, chỉ cần lo cày cấy không cần hỏi thu hoạch thì cảm ứng tự nhiên hiện tiền. Cho nên tuyệt đối không so đo, không hoài nghi, đối với Phật Bồ-tát phải có niềm tin vững chắc, Phật dạy ta như thế nào thì ta thật thà làm theo như thế đó, không nên hoài nghi.

Con người của tôi, số mạng kém hơn mọi người, tiền tài trong mạng là trống không, đời sống vô cùng gian khổ, thọ mạng ngắn ngủi. Trước đây người đoán số mạng nói tôi sống không quá 45 tuổi. Hình như là vào lúc 50 tuổi, lúc đó người hộ pháp là bà Hàn Quán Trưởng, có một hôm bà Hàn Quán Trưởng cùng với con dâu của Lý Kiến Hưng đi đến Kansai tìm một vị đoán số mạng rất chính xác, đem ngày tháng năm sinh của tôi đến nơi đó để cho ông xem. Ông nhận được ngày tháng năm sinh của tôi liền hỏi hai người, ông hỏi: “Người này còn sống hay không?” Ông ấy hỏi câu này là không sai, con người này còn sống không? Bà trả lời vẫn còn sống, ông ấy rất là kinh ngạc, ông ấy hỏi vậy người này làm nghề gì? Là người xuất gia. Vậy thì không cần đoán mạng nữa, sự thật là như vậy. Lúc tôi chưa tiếp xúc với Phật pháp, có một vị tiên sinh là lão cư sĩ Châu Kính Trụ, ông là người Chiết Giang, đã tặng tôi quyển Liễu Phàm Tứ Huấn. Tôi lúc đó 20 tuổi, nhìn thấy quyển sách này tôi vô cùng cảm động, tất cả tập khí của tiên sinh Liễu Phàm thì tôi có đầy đủ, chẳng thua ông chút nào. Ưu điểm, phước báo của tiên sinh Liễu Phàm thì tôi không có, cho nên tôi thua ông một khoảng lớn. Sau này gặp được Phật pháp, đây là cơ hội chuyển biến tốt. Thực tế mà nói, niềm tin ban đầu là do Đại sư Chương Gia vun bồi cho tôi, rất nhiều lý niệm cơ bản là do Ngài đã dạy cho tôi, cách cải đổi vận mạng cũng là do Ngài dạy cho tôi. Ngài dạy tôi tu tài bố thí, tu pháp bố thí, tu vô úy bố thí, bố thí tài thì được giàu có, bố thí pháp thì được thông minh trí huệ, bố thí vô úy thì được khỏe mạnh sống lâu. Đối với lão sư tôi có niềm tin rất vững chắc, lão sư không dối gạt tôi, tôi luôn y giáo phụng hành, làm từ ngày này sang ngày khác, năm này sang năm khác không nghỉ ngơi. Tôi làm đến nay đã được 54 năm rồi, quả báo này quí vị cũng nhìn thấy, tôi không có tiền, nhưng tôi không thiếu tiền, muốn bao nhiêu thì có bấy nhiêu, hoàn toàn không phải tôi dùng, đều là vì Phật pháp, vì chúng sanh, sự cảm ứng không thể nghĩ bàn. Thông minh trí huệ xác thực là bản thân tôi cảm nhận được không những mỗi năm mỗi tăng trưởng mà mỗi tháng mỗi khác nhau, nghe những lời tôi giảng thì bạn đều biết được, cảnh giới mỗi tháng đều khác nhau. Khỏe mạnh sống lâu thì các bạn đã nhìn thấy được, tôi đã 80 tuổi rồi, là do bố thí vô úy. Trong việc bố thí vô úy thì quan trọng nhất là ăn chay, không ăn thịt chúng sanh, không kết oán thù với chúng sanh, tuyệt đối không làm hại chúng sanh. Ngay cả ruồi muỗi cũng không làm hại, muỗi bay đến đốt cánh tay ta, không phải là nó đang đói sao? Nó muốn có một bữa ăn, vậy chúng ta từ bi cúng dường cho nó một bữa ăn cũng tốt, hãy vui vẻ mà làm, không thể lấy tay đập chết nó, vậy là bạn sai rồi. Khỏe mạnh sống lâu là từ việc làm này mà có được. Hơn nữa chúng ta biết được, những động vật nhỏ bé này đều có tánh linh, chúng ta có thể thương lượng với chúng. Thí dụ như buổi tối muỗi bay vào trong phòng, bạn có thể thương lượng với chúng, tôi đồng ý cúng dường cho các bạn, nhưng các bạn không nên chích ở trên mặt tôi nhé, chích trên mặt thì sáng mai đi ra ngoài khó coi lắm, các bạn phải chừa khuôn mặt của tôi ra, chúng sẽ không chích lên mặt bạn. Trong lúc chích thì sẽ đau sẽ ngứa, chúng ta nói với chúng một điều kiện, các bạn có thể chích, có thể ăn, nhưng không được làm tôi đau, không làm tôi ngứa, chúng sẽ làm được, chúng sẽ hợp tác, những động vật này có tánh linh. Gián, kiến tất cả đều có tánh linh, có thể thương lượng với chúng, nhất định không làm hại chúng. Nếu bạn làm hại chúng thì chúng sẽ thường xuyên đến gây rối bạn, oan oan tương báo không bao giờ dứt, những động vật nhỏ còn như vậy huống hồ là con người? Giữa người với người, oan gia nên giải không nên kết thì làm sao mà không vui vẻ chứ? Không phải là oán đã kết ở đời này, mà là oán đã kết ở đời quá khứ, vẫn vui vẻ mà chấp nhận, không có oán hận, không có báo thù. Họ đối với ta không tốt, ta đối lại với họ tốt hơn, họ hủy báng ta, ta tán thán họ. Lâu ngày dài tháng, con người đều có lương tâm, họ sẽ thay đổi. Cho nên tuyệt đối không đối lập với người. Họ đối lập với ta, ta không đối lập với họ, làm như vậy mới đúng.

Chúng tôi thường xuyên qua lại với nhiều tôn giáo khác nhau, qua lại với nhiều dân tộc khác ở trên thế giới, có rất nhiều người hỏi tôi, “Pháp sư dùng cách gì mà chung sống với họ tốt như vậy?” Rất là đơn giản, đó là dùng sự chân thành, không có tự tư, niệm niệm đều nghĩ cho họ, tận tâm tận lực giúp đỡ họ, ai mà không vui thích chứ? Trong việc giúp đỡ người khác nếu bạn có kèm theo điều kiện thì người ta sẽ không hoan hỷ. Chúng ta giúp đỡ bất kỳ người nào không kèm theo bất kỳ điều kiện gì, không có bất kỳ sự mong cầu nào thì mọi người sẽ rất hoan hỷ, mọi người đối xử với nhau rất vui vẻ. Giữa người với người nếu đối xử không tốt thì nhất định sẽ xung đột rất gay gắt, chúng ta đối với mọi người có lợi không có hại thì sẽ không phát sinh sự xung đột, đạo lý này phải biết, phải học, phải rèn luyện trong đời sống hằng ngày.

Những điều này chính là pháp môn hồi hướng trong ngũ niệm môn của Bồ-tát Thiên Thân, hồi tự hướng tha, pháp môn hồi hướng thành tựu công đức chân thật cho chính mình, cũng chính là thành tựu thanh tịnh bình đẳng giác cho chính mình. Nếu bạn không hồi hướng, luôn cho rằng công đức này là bản thân mình có được, không chịu cho người khác thì bạn sai rồi. Phải bố thí công đức, càng bố thí thì càng có nhiều, không dám bố thí thì công đức của bạn bị giới hạn.

Hôm nay thời gian đã hết, chúng tôi xin giảng đến đây. A Di Đà Phật!

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 348)

Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Khởi giảng năm 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ