Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 331)

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 331)
Tập 331 Các vị pháp sư, các vị đồng học! Ngày hôm qua chúng tôi đã giới thiệu phẩm kinh “Thập Phương Phật Tán” (mười phương Phật tán thán). Chúng tôi cũng đã nêu ra trọng điểm của việc học tập. Chúng ta xem thấy chú giải của lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ đã dẫn dụng các kinh luận vô cùng tinh túy, khiến cho chúng ta sau khi đọc thì không muốn dừng lại, những điểm này cũng nên chia sẻ cùng với các vị đồng học. Ngài chú giải rất nhiều, chú giải vô cùng hay, khai thị của Tổ sư Đại đức xưa nay, những từ ngữ tinh yếu trong các kinh luận, Ngài đều giúp chúng ta trích lục ra, đây là ân đức của Ngài đối với chúng ta. Bản hội tập tốt đến như vậy lại có chú giải hay đến như thế, chúng ta không thể nào không chăm chỉ tu học, hy vọng ngay trong đời này thành tựu được quả đức vô cùng thù thắng. Hôm qua tôi nói với các vị về quy y cúng dường. Trong pháp cúng dường của Di Đà Kinh Sớ Sao của Liên Trì Đại sư đã dẫn dụng một đoạn của Thanh Lương Đại sư trong Hoa Nghiêm Tông. Đây là lời của Thanh Lương Đại sư vào thời Cao Tề, đây là thời đại Nam Bắc triều. Đại Hạnh Hòa thượng đề xướng pháp môn niệm Phật, Ngài lấy bốn chữ động viên mọi người, bốn chữ này chính là “tín”, “ức” và “ức Phật

 

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh

Tập 331

 

 

Các vị pháp sư, các vị đồng học!

            Ngày hôm qua chúng tôi đã giới thiệu phẩm kinh “Thập Phương Phật Tán” (mười phương Phật tán thán). Chúng tôi cũng đã nêu ra trọng điểm của việc học tập.

 

Chúng ta xem thấy chú giải của lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ đã dẫn dụng các kinh luận vô cùng tinh túy, khiến cho chúng ta sau khi đọc thì không muốn dừng lại, những điểm này cũng nên chia sẻ cùng với các vị đồng học. Ngài chú giải rất nhiều, chú giải vô cùng hay, khai thị của Tổ sư Đại đức xưa nay, những từ ngữ tinh yếu trong các kinh luận, Ngài đều giúp chúng ta trích lục ra, đây là ân đức của Ngài đối với chúng ta. Bản hội tập tốt đến như vậy lại có chú giải hay đến như thế, chúng ta không thể nào không chăm chỉ tu học, hy vọng ngay trong đời này thành tựu được quả đức vô cùng thù thắng.

 

Hôm qua tôi nói với các vị về quy y cúng dường. Trong pháp cúng dường của Di Đà Kinh Sớ Sao của Liên Trì Đại sư đã dẫn dụng một đoạn của Thanh Lương Đại sư trong Hoa Nghiêm Tông. Đây là lời của Thanh Lương Đại sư vào thời Cao Tề, đây là thời đại Nam Bắc triều.

 

Đại Hạnh Hòa thượng đề xướng pháp môn niệm Phật, Ngài lấy bốn chữ động viên mọi người, bốn chữ này chính là “tín”, “ức” và “ức Phật”, nhớ Phật niệm Phật. “Tín, ức bất ly ư tâm; xưng, kính bất ly ư khẩu” (tin Phật thì nhớ Phật chẳng lìa tâm; xưng danh thì cung kính chẳng lìa nơi miệng). Hoàng Niệm lão nói câu nói này chính là bổn kinh đã nói “ức niệm thọ trì quy y cúng dường”. Trong Di Đà Sớ Sao nói, vãng sanh Tịnh Độ nhất định phải có tín tâm, “thiên tín tắc thiên sanh, vạn tín tắc vạn sanh” (ngàn người tin ngàn người sanh, vạn người tin vạn người sanh). Tin danh tự Phật thì chư Phật liền cứu, chư Phật sẽ hộ niệm bạn. Tâm thường nhớ Phật, miệng thường xưng danh hiệu Phật, thân thường kính Phật thì mới gọi là “thâm tín” (tin sâu). Những câu nói này cần phải có thêm sự thuyết minh tường tận, e rằng các đồng học mới học Phật nhìn chữ mà đoán nghĩa rồi hiểu sai đi ý nghĩa.

 

Cái gì gọi là tín? Tin rất là khó, không dễ dàng. Tôi ngày trước đã từng báo cáo với các vị, năm xưa tôi ở Đài Loan học Phật vào năm 26 tuổi, tôi học Phật 7 năm thì xuất gia. Sau khi xuất gia thì dạy ở Phật Học Viện, tôi vừa xuất gia thì liền đi giảng kinh. Trước khi xuất gia, tôi học kinh giáo với lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, thời gian học không dài lắm, một năm ba tháng tổng cộng là 15 tháng. Trước khi xuất gia đã ở Đài Trung 15 tháng, nhưng tiến độ học thì rất nhanh, tôi cứ một tháng thì học một bộ kinh, cho nên 15 tháng thì học được 15 bộ kinh. Về sau vừa xuất gia thì dạy ở Phật Học Viện, ở Phật Học Viện dạy một bộ môn, một học kỳ dạy một bộ kinh. Họ ba năm thì tốt nghiệp, ba năm có 6 học kỳ, chỉ dùng có 6 bộ kinh mà tôi thì đã học đến 15 bộ kinh, tôi vẫn còn 9 bộ kinh chưa dùng tới, cho nên tiến độ rất là nhanh. Sau khi trải qua hai năm như vậy thì tôi mới đi thọ giới, chiếu theo quy củ, lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam là thân giáo sư của tôi, Phật pháp của tôi là học được từ ở chỗ của Ngài. Vì vậy sau khi thọ giới thì nhất định phải đi bái lão sư, đây là một lễ tiết của người Trung Quốc. Tôi đi đến thư viện Từ Quang ở Đài Trung, còn chưa bước vào cửa thì nhìn thấy lão sư đứng ở bên trong, Ngài cũng nhìn thấy tôi, Ngài vẫy tay với tôi, chỉ vào tôi nói: “Ông phải tin Phật”. Ngài nói đi nói lại vài lần cho đến khi tôi đi đến trước mặt Ngài, tôi không hiểu cái ý này. Các vị nghĩ xem tôi xuất gia đến lúc đó thì đã học Phật được 9 năm rồi, cũng đã đi giảng kinh, cũng đã đi dạy học, bây giờ còn đi thọ đại giới nữa, Ngài lại chỉ vào tôi nói: “Ông phải tin Phật”. Tôi không tin Phật thì vì sao tôi lại đi học Phật? Tôi không tin Phật thì sao tôi lại xuất gia, sao tôi lại đi thọ giới chứ? Cho nên những lời này làm cho tôi cảm thấy mù mờ. Ngài bảo tôi ngồi xuống, sau đó nói với tôi, Ngài nói: “Ông đừng cho rằng mình đã thọ giới thì là đã tin Phật rồi. Có rất nhiều người là lão tu hành đến tám chín mươi tuổi râu tóc bạc hết rồi mà vẫn không tin Phật.” Việc này tôi hiểu được một chút. Vậy thì như thế nào mới gọi là tin Phật? Bạn phải chân thật hiểu được đạo lý mà Phật đã nói, sau khi hiểu rồi thì phải y giáo phụng hành. Nếu bạn làm không được thì bạn là người không tin Phật. Thì ra tiêu chuẩn là như vậy, cái tiêu chuẩn này rất đáng để cho chúng ta cảnh giác.

 

 Những gì Phật đã nói chúng ta có làm được hay chưa? Làm được rồi, làm được đến mức độ nào? 10 - 20%, vẫn còn 70 - 80% chúng ta vẫn chưa làm được, nguyên nhân của việc làm không được là gì? Là do không tin, cho nên chỗ này nói hai chữ “tín, ức” này không rời khỏi tâm. Nếu bạn không tin thì việc nhớ Phật niệm Phật này bạn làm không được, duy chỉ có chân thật tin tưởng thì trong tâm bạn mới thật sự có Phật. Trong miệng niệm Phật, một ngày niệm 10 vạn 20 vạn tiếng nhưng trong tâm vẫn không có, không tin. Tin Phật thì tình hình sẽ như thế nào? Trong tâm bạn thật sự có Phật, thật sự là trong 24 giờ ngày đêm không gián đoạn thì trong tâm của bạn thật sự có Phật. Bạn chân thật thường nghĩ đến Phật, chân thật thường nhớ đến giáo huấn của Phật, bạn sẽ y giáo phụng hành, nếu chưa làm được thì bạn phải thật sự nỗ lực mà làm cho được, đây mới gọi là tin. Cho nên đây không phải là cái tâm bình thường mà thông thường chúng ta vẫn hay nói đến.

 

Từ đây mà biết tâm của người tin Phật đồng với tâm của Phật. Phật có cái tâm như thế nào? Ở trong nhà Phật thường hay nói, hai câu nói này đã khái quát toàn bộ Phật pháp, “từ bi làm gốc, phương tiện làm cửa”. Từ bi làm gốc là tâm Phật, từ bi chính là lòng yêu thương mà ngày nay chúng ta nói, lòng yêu thương của Phật là thanh tịnh, là bình đẳng, là chân thành. Hết thảy chúng sanh trong khắp pháp giới hư không giới không có người nào mà Phật không yêu thương, không có ai mà Ngài không tôn trọng, không có người nào mà Ngài không giúp đỡ, đây là tâm Phật. Hạnh của Phật thì đó là phương tiện, phương chính là phương thức, dùng phương thức gì để giúp đỡ chúng sanh, khiến họ có thể sớm ngày thành tựu; tiện là tiện nghi, là thích hợp nhất. Dùng lời hiện nay mà nói thì phương tiện chính là phương thức thích hợp nhất, phương pháp thích hợp nhất. Cái phương pháp đó không nhất định là thiện hay là ác, nhưng phương pháp này khẳng định giúp họ thành tựu. Người hiện nay nói là nhanh chóng trưởng thành, sự “trưởng thành” này có hai phương diện, phước huệ phải trưởng thành. Giúp đỡ họ trưởng thành phước huệ, còn phương diện khác thì giúp họ tiêu trừ nghiệp chướng. Nghiệp chướng không thể tiêu trừ thì phước huệ không thể tăng trưởng, phước huệ tăng trưởng thì nghiệp chướng nhất định phải tiêu trừ, phải hiểu đạo lý này.

 

Tôi học Phật xem như rất may mắn, không đi vào con đường oan uổng, mà thân cận được thiện tri thức chân chánh. Sư phụ xuất gia thì tôi chỉ có hai vị, vị trước là Chương Gia Đại sư, vị sau là lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam. Sau khi Chương Gia Đại sư vãng sanh thì tôi mới y theo lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam. Nền tảng để tôi học Phật là do Chương Gia Đại sư đã bồi dưỡng. Tôi theo Ngài ba năm, Ngài dạy tôi nhìn thấu buông bỏ, nhìn thấu thì phước huệ tăng trưởng, buông bỏ thì tiêu trừ nghiệp chướng. Lòng tin của chúng ta là sanh ra từ nơi này. Tín tâm thanh tịnh, Kinh Kim Cang đã nói “tín tâm thanh tịnh tắc sanh thực tướng”, cho nên cái phương tiện đó là trí huệ bậc cao, là một nhân duyên vô cùng hiếm có. Tôi nhập Phật môn chưa được bao lâu, khi đó tôi vẫn còn đang làm việc, Chương Gia Đại sư nói với tôi: “Phật thị môn trung hữu cầu tất ứng”, đây là câu mà Ngài đã dạy tôi. Cuộc đời này của tôi được thọ dụng từ Ngài, thật sự được lợi ích thù thắng. Ngài nói với tôi: “Quả chân dĩ thử thâm tín phụng trần sát” (nếu quả thật nhân đây tin sâu và phụng sự rốt ráo). “Phụng” là phụng sự, không những là phụng sự hết thảy chư Phật trong khắp pháp giới hư không giới, mà còn phụng sự chúng sanh chín pháp giới trong khắp pháp giới hư không giới, phải phụng sự tất cả chúng sanh. Chữ “phụng sự” này nếu dùng lời của người hiện nay mà nói nghĩa là “vì họ mà phục vụ”, toàn tâm toàn lực giúp đỡ hết thảy chúng sanh. Đây là Chương Gia Đại sư đã nói với tôi, Ngài nói: “Nếu bạn thật sự có thể phát cái tâm này thì cuộc đời này của bạn Phật Bồ-tát sẽ chăm lo cho bạn, cái gì bạn cũng không cần phải bận tâm.” Tôi không nghi ngờ lời giáo huấn này của lão sư, cho nên cả đời tôi trước giờ không vì bản thân mà suy nghĩ, vì sao vậy? Tôi không cần nghĩ đến, đều là Phật Bồ-tát chăm lo cho, miếng ăn miếng uống đều là Phật Bồ-tát chăm lo cả. Hôm nay nếu không có cơm ăn thì cũng do Phật Bồ-tát chăm sóc, đại khái muốn tôi đói một bữa xem thử mùi vị như thế nào. Phật Bồ-tát an bài cho tôi có thuận cảnh có nghịch cảnh. Thuận cảnh thì phải buông bỏ, buông bỏ tham ái; nghịch cảnh cũng phải buông bỏ, buông bỏ sân hận. Đây chính là điều mà chúng tôi trong lúc giảng thường khuyên bảo các vị đồng học. Đó là tiêu nghiệp chướng, nghiệp chướng của bạn mà không tiêu trừ thì trí huệ của bạn không thể hiện tiền.

 

Thực tại mà nói thì cái gì là nghiệp chướng? Nghiệp chướng là khởi tâm động niệm. Nghiệp chướng tiêu trừ rồi thì sẽ có hiện tượng gì? Tâm sẽ bình đẳng thanh tịnh. Nghĩa là chúng ta thấy sắc nghe tiếng, sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần không phân biệt, không chấp trước, không khởi tâm động niệm, nghiệp chướng liền được tiêu trừ. Cho nên ở trong cảnh giới phải thời thời khắc khắc khảo nghiệm chính mình, nhắc nhở chính mình, ngày ngày xét lại chính mình. Trước tiên nghĩ đến tâm của chúng ta có phải là mỗi năm một thanh tịnh hơn hay không, nếu năm nay thanh tịnh hơn năm ngoái vậy thì có tiến bộ, tháng này so với tháng trước lại có tiến bộ hơn, nếu làm được mỗi ngày đều có tiến bộ vậy thì quá siêu, người này vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc khẳng định sẽ vào Thật Báo Trang Nghiêm Độ, thượng thượng phẩm vãng sanh. Việc này hiện nay chúng ta vẫn chưa làm được, tôi hiện tại nhiều nhất chỉ có thể nói là mỗi tuần so với mỗi tuần mà thôi, mỗi một tuần đều có sự tiến bộ, nhưng mức độ của sự tiến bộ này thì có cao có thấp, mức độ thấp nhất thì cũng có một chút tiến bộ, vì vậy mà mới được pháp hỷ sung mãn.

 

Từ chỗ nào xét lại chính mình? Chính là trong nghịch cảnh ác duyên không có tâm sân hận. Lúc sơ học thì bị áp lực, Phật đã nói như vậy, tôi không thể không làm, nhưng công phu này của tôi sau 30 năm thì thật sự có thể áp chế được, không cần phải khởi tâm động niệm để mà áp chế. Tuy có thể chế phục được phiền não, đối với nghịch cảnh ác duyên cũng không khởi tâm động niệm, nhưng ở trong tâm vẫn có một chút gợn sóng, chẳng qua là nó không khởi tác dụng mà thôi, như vậy bạn biết được nó khó mức nào. Tôi học Phật đã 53 năm rồi, sau 40 năm học Phật thì mới dần dần bình ổn trở lại; sau 50 năm thì cái gợn sóng lăn tăn ấy mới không còn. Không những không còn mà tôi còn cảm tạ, cảm ân vì đã có nhiều cảnh giới như vậy khảo nghiệm tôi, cũng giống như tôi tham gia thi cử vậy, đối với sóng to gió lớn vẫn “như như bất động”, bình bình an an hoan hoan hỷ hỷ, vui vui vẻ vẻ, đây là hiện tượng nghiệp chướng đã tiêu trừ. Phải cảm tạ Phật đã tiêu tai kéo dài tuổi thọ cho tôi, nếu thật sự 45 tuổi tôi phải chết vậy thì khi đó đã chết rồi. Lúc đó phiền não của tôi vẫn chưa áp chế được, miễn cưỡng để đè nén lắm thì nó không khởi tác dụng, tuy nhiên tâm không bình. Cho nên từ trong quá trình này chúng tôi cảm thấy thọ mạng rất quan trọng, nghĩa là thời gian huân tập của bạn phải dài, bạn không có thời gian huân tập lâu dài thì bạn không phục được phiền não. Thuận cảnh không sanh tham ái, một mảy may lưu luyến cũng không có, chân thật làm được tùy duyên mà không phan duyên.

 

Tôi ngày ngày đều đang đọc kinh, tôi rất dụng tâm, đọc rất tỉ mỉ, các vị mà mở quyển kinh của tôi ra thì thấy tôi đều dùng bút màu để làm ký hiệu đánh dấu, nhưng khi lên đài giảng thì chưa chắc dùng đến. Hai ngày trước tôi giảng đều không phải là chú giải này, cho nên hôm nay tôi muốn đem những điều ở trong chú giải nêu ra để nghiên cứu thảo luận với các vị. Ở trong kinh luận, ở trong chú giải mỗi câu mỗi chữ đều có vô lượng nghĩa, bạn không khế nhập cảnh giới thì bạn sẽ nhìn không ra. Khế nhập có sâu cạn khác nhau, khế nhập chút ít thì bạn có thể nhìn thấy được chút ít nghĩa thú, khế nhập được sâu thì bạn sẽ thấy được sâu rộng, sự sâu rộng của kinh điển là không có đáy.

 

Kinh Hoa Nghiêm nói với chúng ta trong vi trần có thế giới, vi trần thì mắt thường của chúng ta không nhìn thấy. Kinh Phật đã nói với chúng ta, thiên nhãn của A-la-hán có thể nhìn thấy được hạt vi trần, nhưng nếu nhỏ hơn hạt vi trần thì gọi là sắc tụ cực vi, nhỏ hơn sắc tụ thì gọi là cực vi chi vi, cái đó thì A-la-hán nhìn không thấy. Vi trần mà trong Kinh Hoa Nghiêm nói là cực vi chi vi, A-la-hán, Bích-chi Phật, Quyền Giáo Bồ-tát đều nhìn không thấy. Bồ-tát như thế nào thì mới có thể nhìn thấy? Cách nghĩ thông thường của chúng ta thì vẫn là từ bát địa Bồ-tát trở lên mới có thể nhìn thấy, bát địa là Bất Động Địa. Phật nói ở trong hạt vi trần có thế giới, cũng lớn như thế giới bên ngoài này của chúng ta, hạt vi trần không phóng to, thế giới cũng không thu nhỏ, thế giới ở trong hạt vi trần cũng giống như thế giới bên ngoài. Vậy là chúng ta tự nhiên sẽ nghĩ đến, thế giới ở trong hạt vi trần đó vẫn còn có vi trần, trong hạt vi trần đó lại có thế giới, vậy là trùng trùng vô tận. Do đó mới nói Phật pháp là “kỳ thâm vô để” (thâm sâu không đáy), chúng ta mới thật sự thể hội được chân thật là vô cùng vô tận, không phải là vô tận như mọi người thường  nói. Nếu không đọc Kinh Hoa Nghiêm thì xác thực là bạn không thể hội được “kỳ thâm vô để” là cách nói như thế nào. “Kỳ quảng vô biên” (độ rộng vô biên), chúng ta đại khái thì có thể tưởng tượng ra được. “Kỳ thâm vô để” là cách nói như thế nào? Trong vi trần có thế giới, thế giới trong vi trần lại có vi trần, trong vi trần đó lại có thế giới, đây gọi là “vô để”. Ai có thể khế nhập được vào trong thế giới của vi trần? Thế giới ở trong hạt vi trần có vô lượng Phật, cũng đi tham học; thế giới ở trong vi trần có vô lượng vô biên chúng sanh, cũng đi giúp đỡ chư Phật để độ chúng sanh. Phật đã nói, Bồ-tát Phổ Hiền có thể nhập. Vị Bồ-tát Phổ Hiền này có lẽ là Đương Vị Phổ Hiền, Đương Vị là Đẳng Giác, Đẳng Giác Phổ Hiền. Nhưng chúng ta mở rộng ý nghĩa này ra, bởi vì sự thâm sâu vô tận ấy là trùng trùng vô tận, trong sự tưởng tượng của chúng ta, vị thứ của Bồ-tát cũng là như vậy. Ví dụ như Viên Giáo Sơ Trụ Bồ-tát tu Phổ Hiền hạnh thì họ là Phổ Hiền Bồ-tát, họ là thật không phải là giả. Phổ Hiền Bồ-tát ở thế giới Cực Lạc thì có bốn cõi ba bậc chín phẩm, tại Hoa Tạng Thế Giới là 41 vị Pháp Thân Đại Sĩ. Sơ Trụ Bồ-tát là thấp nhất, có thể ở trong thế giới vi trần trùng trùng vô tận họ nhập được tầng thứ nhất, tầng thứ hai thì họ không thể. Nhị Trụ Bồ-tát có thể nhập hai tầng, ba tầng thì họ không thể nhập. Vì vậy đến Đẳng Giác Bồ-tát có thể nhập 41 tầng, đến quả vị Như Lai thì trùng trùng vô tận rồi. Đạo lý này cùng chân tướng sự thật có lẽ là cảnh giới như vậy.

 

Hiện tại nhà khoa học đã phát hiện được vi quan thế giới, đã phát hiện được loại vật chất nhỏ nhất, nhưng trong vật chất nhỏ nhất ấy có thế giới thì họ chưa phát hiện được. Đây là việc mà tôi thấy khoa học sẽ rất khó làm được. Ở bên trong có thế giới, cách nói này của Phật chúng ta làm sao để có thể tin được? Về mặt lý luận thì chúng ta có thể thông, vì sao vậy? Vì lý luận là pháp tánh, pháp tánh thì không có lớn nhỏ, pháp tánh không có đến đi, pháp tánh không có trước sau. Đúng như Trung Quán Luận đã nói, “pháp tánh bất sanh bất diệt, bất khứ bất lai, bất cấu bất tịnh, bất nhất bất dị”, từ trên lý luận này chúng ta có thể tin được. Vậy thì phải có thiền định thật sâu mới có thể đột phá được những chướng ngại này, mới có thể thấy được chân tướng sự thật, đó chính là tín tâm của Phổ Hiền Bồ-tát.

 

Nhưng phải biết, thế giới Tây Phương Cực Lạc là pháp giới của Phổ Hiền Bồ-tát, phẩm thứ hai của quyển kinh này là “Đức Tuân Phổ Hiền”, câu đầu tiên nói là “hàm cộng tuân tu Phổ Hiền Đại sĩ chi đức”. Cho nên người tu Tịnh Độ cần phải tu Phổ Hiền hạnh, Phổ Hiền hạnh là hành môn cao nhất thù thắng nhất của Bồ-tát. Chúng ta ngày ngày đều niệm “nhất giả lễ kính chư Phật, nhị giả xưng tán Như Lai, tam giả quảng tu cúng dường”, ngày ngày đọc, mọi người đều đọc rất thuộc, đọc thì đọc như vậy nhưng có nghĩ đến hay không. Trước tiên chưa cần nói làm được, mà bạn có nghĩ đến hay không? Bạn có nghĩ đến ta phải lễ kính chư Phật hay không? Nghĩ còn chưa nghĩ đến thì đương nhiên là bạn không có cách nào làm được rồi. Chư Phật là hết thảy chúng sanh, cho nên Phổ Hiền hạnh cao, cao là ở chỗ này, viên là viên ở chỗ này, vì sao vậy? Hết thảy chúng sanh đều là chư Phật tương lai.

 

Trong Đại Thừa giáo Phật thường nói, hết thảy chúng sanh có mối quan hệ gì với chúng ta? Là cha mẹ trong quá khứ, là chư Phật trong tương lai, bạn sao có thể bất kính chứ? Nếu ở ngay trong cuộc sống thường ngày chúng ta nói người này thì tôi thích, người kia thì tôi ghét, bạn ghét bỏ họ thì chính là ghét bỏ Phật, chính là bạn đã ghét bỏ cha mẹ trong quá khứ, vậy làm sao được chứ? Cho nên chỉ một điều lễ kính này thôi mà bạn tu vĩnh viễn không được viên mãn, bạn thiếu sót quá nhiều. Không những hết thảy người, người là chúng sanh, mà hết thảy động vật đều là chúng sanh, vậy nếu muỗi kiến đến cắn đốt bạn thì phải hiểu được chúng là cha mẹ ta trong quá khứ, là chư Phật trong tương lai, ta cung kính mà cúng dường cho chúng, nếu bạn đập một cái cho nó chết thì vị Phật này đã bị bạn đập chết rồi, cha mẹ bị bạn đập chết rồi, như vậy làm sao được chứ? Thế nên trước tiên phải có sự nhận biết, bạn phải nhận thức, bạn phải rõ ràng. Sau đó trong tâm bạn liền có, thật sự là thường niệm, “ta phải lễ kính hết thảy chư Phật”, nếu đã có lễ kính thì bạn còn có thể hại Phật nữa hay sao? Vì vậy tâm từ bi là từ chỗ này mà tự nhiên sinh ra, tâm từ bi là tánh đức, tánh đức của bạn liền lưu xuất ra, đại từ đại bi không hề có một điều kiện gì cả. Vì sao vậy? Vì biết được khắp pháp giới hư không giới cùng với chính mình là một thể. Xưng tán Như Lai thì bạn còn có thể hủy báng người khác sao? Bạn còn có thể nhiễu điều sinh sự sao? Cho nên bạn đều hiểu được cái ý nghĩa này, trong tâm chân thật có. Nếu miễn cưỡng đi làm, cái làm này thì cần thời gian dài, thời gian dài từ từ sẽ tạo thành thói quen, mới bắt đầu luôn là rất khó, thường phạm phải lỗi lầm, nhưng thường phạm thì thường sửa đổi, mỗi năm đều có tiến bộ, như vậy thì được rồi. Tôi làm gương cho các vị đồng tu, tôi đã làm 30 năm mới thành thục, có phạm hay không? Vẫn còn phạm phải, 40 năm thì phạm còn rất ít, 50 năm thì đại khái là không còn phạm nữa, đây là tiến bộ. Do đó mà biết được cái khó của hai chữ “tín, ức”. Bạn xem hai chữ này dường như là có lúc sẽ mơ hồ lập lờ rồi cho qua, ý nghĩa bên trong hai chữ này rất sâu.

 

Xưng kính”, “xưng” chính là “xưng tán Như Lai” trong Phổ Hiền Thập Nguyện, đây là sự lưu lộ viên mãn của tánh đức. Từ đâu mà bắt đầu học? Từ việc xưng tán điều thiện của người khác. Ở trong cuộc sống thường ngày, không nên nhớ đến điều bất thiện của người khác, phải từ chỗ này mà làm. Vì sao vậy? Bởi vì thiện là tánh đức, bất thiện thì không phải là tánh đức. Bất thiện là từ trong vọng tưởng phân biệt chấp trước mà sanh ra, tự tánh vốn không có vọng tưởng phân biệt chấp trước, hiện tại vẫn là không có vọng tưởng phân biệt chấp trước, vĩnh viễn cũng không khởi vọng tưởng phân biệt chấp trước, cho nên vọng tưởng phân biệt chấp trước là giả, không phải là thật. Chúng ta ngày nay phải xả giả tu chân, phải hiểu được cái ý nghĩa này. Xả giả tu chân là từ đâu mà bắt đầu, từ đâu mà nhập môn? Tán thiện (khen điều thiện), người khác có một chút thiện, chúng ta vĩnh viễn ghi nhớ, vĩnh viễn tán thán. Người khác có 100 cái bất thiện, 1000 cái bất thiện, chúng ta cũng đều đem nó quên đi sạch sẽ, căn bản là không nên để ở trong tâm. Bạn cứ như vậy mà làm, làm trong 10 năm, làm trong 20 năm, trong 30 năm thì bạn sẽ tu được thuần tịnh thuần thiện. Thuần tịnh thuần thiện thì nghiệp chướng từ vô thủy kiếp đều tiêu trừ, trí huệ phước đức của bạn đương nhiên hiện tiền. Hiện tại thế gian này quả báo mà bạn đạt được chính là pháp hỷ sung mãn mà Phật thường nói ở trong kinh. Tự tại tùy duyên, bạn có được phước báo ở ngay trước mắt, thân tâm khỏe mạnh, có cầu có ứng, “Phật thị môn trung hữu cầu tất ứng”. Bạn nhất định không có vọng tưởng, sở cầu của bạn nhất định là vì lợi ích chúng sanh, tuyệt đối không phải vì lợi ích chính mình, cho nên cảm ứng không thể nghĩ bàn, đây là nói về chữ “xưng”.

 

Ở trong chữ “kính”, không những có lễ kính mà còn bao gồm cả cúng dường. Không những bao gồm cúng dường, mà bao gồm cả sám trừ nghiệp chướng, ý nghĩa ở đây rất sâu rất rộng, hy vọng các vị thường có thể nghe Kinh Hoa Nghiêm. Hiện tại Kinh Hoa Nghiêm của chúng ta có thể xem ở trên mạng Internet, có thể xem được từ đường truyền vệ tinh 24 giờ không gián đoạn. Dường như mỗi ngày phát ba lần Kinh Hoa Nghiêm, ba lần là không giống nhau, tôi nhớ cũng không rõ lắm. Một lần là giảng gần đây nhất, hai lần kia là giảng hồi lúc trước, hiện tại chúng tôi đã giảng hơn 2.500 giờ đồng hồ rồi. Làm thành tập, mỗi tập là 2 tiếng đồng hồ, hiện tại đại khái có hơn 1.260 tập rồi, hy vọng nghe nhiều, nghe nhiều thì sẽ hiểu rõ. Hoa Nghiêm là đại bổn của Kinh Vô Lượng Thọ, sau khi khế nhập được rồi thì sẽ không muốn dừng lại, thế gian này cái gì bạn cũng đều không nghĩ đến nữa, ở trong đây an lạc quá rồi. Người xưa nói thế vị không nồng như pháp vị, những loại hưởng thụ khoái lạc của ngũ dục lục trần, danh văn lợi dưỡng trong thế gian này không sánh bằng pháp lạc, pháp lạc so với những cái đó thì nồng đượm hơn rất nhiều. Sau khi bạn nếm được rồi thì bạn tự nhiên sẽ buông bỏ thế vị của thế gian này, bạn sẽ xả bỏ hết, tâm tâm niệm niệm đều mong muốn giúp đỡ chúng sanh giác ngộ, giúp chúng sanh quay đầu.

 

Ba loại giáo huấn của thân ngữ ý cùng với Bồ-tát không có khác nhau, chân thật có cái tâm này, chân thật làm ra tấm gương của sự quay đầu. Thường ngày tiếp xúc đại chúng, bất luận là vào lúc nào, bất luận là ở nơi nào, chỉ cần cùng với người khác nói chuyện, những gì bạn nói ra thì đều là kinh, không có một câu nào là lời thừa, không gì ngoài việc lợi ích chúng sanh, giúp đỡ chúng sanh quay đầu là bờ, giúp đỡ chúng sanh phá mê khai ngộ, giúp đỡ chúng sanh lìa khổ được vui, đây gọi là xưng kính. Tổ sư Đại đức nói với chúng ta, bạn chân thật có thể phát tâm như vậy, chân thật có thể làm như vậy, khế nhập cảnh giới thì các Ngài nói nhất định không có cái đạo lý ở lại thế giới Ta-bà này. Nói một cách khác, bạn trong một đời này khẳng định sẽ vãng sanh bất thối thành Phật, sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc chính là Phật.

 

Các vị đọc Kinh Kim Cang Giảng Nghĩa của cư sĩ Giang Vị Nông thì bạn sẽ hiểu được, vừa đến được thế giới Tây Phương Cực Lạc thì thành Phật, nhưng Phật đó là Phần Chứng Tức Phật mà Thiên Thai Đại sư nói, không phải là cứu cánh. Phần Chứng Tức Phật chính là 41 vị Pháp Thân Đại Sĩ, Pháp Thân Bồ-tát là Phần Chứng Phật vị. Cho nên bạn liền đi làm Phật, vậy thì sự phát tâm này bạn nói xem quan trọng biết bao. Chúng ta không đọc kinh, không thân cận Phật Bồ-tát, đọc kinh thì chính là chân thật thân cận Phật Bồ-tát. Bạn ngày ngày trong nhà cúng dường Phật Bồ-tát, ngày ngày lễ bái Phật Bồ-tát vẫn còn cách một tầng, vì sao vậy? Bạn không biết ý nghĩa của nó, bạn chỉ là tu một cái tâm cung kính, đó là thiện, thế gian thiện, bạn không khai trí huệ. Đọc kinh thì khai trí huệ, đọc không hiểu không phải lo, không nên suy nghĩ về nó, không cần đi nghiên cứu nó, bạn suy nghĩ nó, nghiên cứu nó thì đã sai rồi. Hãy lão thật mà niệm, một lần mà không hiểu thì niệm lần thứ hai, hai lần không hiểu lại niệm lần thứ ba, một năm không hiểu lại niệm một năm nữa, 10 năm không hiểu thì lại niệm 10 năm nữa, cuối cùng thì cũng có một ngày sẽ hiểu ra, vì sao vậy? Bạn lão thật niệm như vậy chính là tu định, định đến một trình độ nhất định thì trí huệ hiện tiền, trí huệ hiện tiền chính là hiểu ra được vấn đề. Vì vậy cái huệ này là từ định mà sanh ra, huệ khai rồi thì sẽ thông, không những thông một bộ kinh, mà kinh kinh đều thông. Tôi thường nói không những kinh Phật bạn thông rồi mà kinh điển của tất cả tôn giáo trên thế giới bạn vừa mở ra thì liền thông. Vì sao mà thông được vậy? Tâm thanh tịnh nên thông, tâm thanh tịnh chính là thiền định. Cho nên chúng ta mỗi ngày đọc tụng, nghe kinh là tu cái gì? Tu định, tôi thường nói Giới Định Huệ tam học hoàn thành trong một lần. Chúng ta nghe kinh một cách quy củ cung kính, đây chính là trì giới, trì giới là thủ pháp. Trong tâm không có phân biệt, không có chấp trước, đó chính là tu định. Không nên suy nghĩ kinh văn có ý nghĩa gì, vừa nghĩ thì định không còn nữa, đã phá hết Giới Định Huệ rồi. Không nên suy nghĩ, cứ lão thật mà niệm, niệm được từng chữ không sai, một câu không sai, đây chính là huệ, đây gọi là căn bản trí, có căn bản trí sau đó mới sanh hậu đắc trí. Phương pháp này vô cùng tốt, đáng tiếc là người hiện tại không hiểu được, người hiện tại không chịu làm như vậy.

 

Gần đây tôi đi Trung Quốc một chuyến, nghe rất nhiều các đồng tu bên đó nói với tôi, Trung Quốc hiện tại đang đề xướng cho nhi đồng đọc kinh, một hai năm nay rất là phổ biến, dường như là có đến mấy triệu gia đình đang khuyến khích trẻ nhỏ đọc kinh. Nhưng năm nay thì lại xảy ra vấn đề, những bạn nhỏ đọc kinh này phát sinh ra hai hiện tượng, một hiện tượng là không muốn đọc nữa, tại sao vậy? Các bạn nhỏ được đưa đến trường mẫu giáo, ở tại trường mẫu giáo 2-3 tháng thì chúng không thích đọc kinh nữa, ở trường mẫu giáo chơi vui hơn, đây là tình hình chung của xã hội. Hiện tượng còn lại, chúng đọc kinh thì thông minh ra, cái mà chúng biết nhiều hơn người khác, nên ở nhà thì xem thường cha mẹ, ở trường thì xem thường thầy cô, phê bình thầy cô, phê bình cha mẹ, cha mẹ thầy cô chịu không thấu nữa. Họ liền đến hỏi tôi sự việc này. Tôi nói đây là hiện tượng nhất định rồi, vì sao lại là một hiện tượng nhất định? Bạn làm cha làm mẹ mà không cùng học với chúng, đại đa số đều là học Đệ Tử Quy, bạn là cha mẹ cũng phải học, cùng học chung với chúng thì chúng sẽ hoan hỷ. Bạn là cha mẹ không học lại bảo chúng học thì chúng nhìn thấy bạn chỗ này sai, chỗ kia cũng sai, liền phê bình bạn. Khi đưa đến trường, trường học như một cái chảo nhuộm lớn, thầy cô trong trường lại không học qua những thứ này, cho nên chúng lại phê bình thầy cô, chúng muốn được giống như những bạn học khác, chúng nhất định sẽ bỏ việc đọc kinh, ngày ngày chơi đùa vui hơn nhiều. Cho nên họ đến hỏi tôi về sau nên phát triển theo hướng như thế nào? Sự việc này rất nan giải, tôi nói đợi tôi lần sau có cơ hội đến Trung Quốc nữa thì tôi sẽ nói cho các vị cần phải làm như thế nào, bây giờ nói với các vị cũng vô dụng, đến lần sau các vị sẽ hiểu được tôi dạy các vị dùng cái phương pháp gì.

 

Vì vậy người xưa có nói, ý nghĩa của bốn chữ mà Đại Hạnh Hòa thượng đã nói chúng ta phải thật sự nhận thức được, phải liễu giải thấu triệt, phải biết cách áp dụng như thế nào, chân thật là “một là tất cả, tất cả là một” mà trong Đại Kinh đã nói, đó là viên dung thông suốt.

 

Điều thứ hai chúng ta cần phải học chính là “nhất niệm tịnh tín”, chí tâm nguyện sanh. Nhất niệm vô cùng quan trọng. Nếu chúng ta chân thật muốn cầu sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc thì bạn không thể không làm. Nhất niệm là chỉ có một niệm A Di Đà Phật, bạn phải có thể giữ gìn. Ở trong cuộc sống thường ngày hay trong công việc cũng vậy, xử sự đối người tiếp vật, việc đến thì làm, sau khi làm xong việc rồi thì chỉ một câu A Di Đà Phật. Những việc mà bạn đã làm ấy đều không để ở trong tâm. “Không để ở trong tâm thì  tôi làm sao có thể làm việc được chứ?” Không để ở trong tâm thì làm việc còn tốt hơn. Nhiều năm qua tôi tự mình đã đích thân trải nghiệm, đã làm sự chứng minh cho mọi người thấy rồi. Giảng kinh có cần phải chuẩn bị hay không? Không cần phải chuẩn bị, tôi bình thường thì đọc kinh, không phải là tôi chuẩn bị cho việc giảng kinh. Giảng kinh không cần đến việc chuẩn bị, không có sự chuẩn bị mới gọi là nhất tâm, bạn có chuẩn bị thì bạn đã thành tam tâm nhị ý, giảng sẽ không hay. Hết thảy đều không cần chuẩn bị, tôi tham gia rất nhiều hội nghị quốc tế, hội nghị thì đều phải lên đài để diễn giảng, cũng không cần chuẩn bị, hễ chuẩn bị thì nhất định sẽ nói không hay. Không cần chuẩn bị, lên bục giảng nhìn vào mắt mọi người thì tôi liền biết phải nói những gì, làm gì mà phải chuẩn bị chứ. Vĩnh viễn nên nhớ: nhất tâm sanh trí huệ. Chỉ trí huệ mới giải quyết được hết thảy mọi vấn đề, trí huệ mới có thể ứng phó với hết thảy vạn pháp. Lúc bình thường thì phải làm sao? Hiện nay công phu của  chúng ta chưa đến nơi đến chốn, khi công phu đến nơi đến chốn thì vô niệm, hiện tại nếu chúng ta muốn vô niệm thì không được, luôn có ý niệm khởi lên. Hãy niệm A Di Đà Phật, trong 24 giờ chính là một câu A Di Đà Phật này, niệm 6 chữ cũng được, niệm 4 chữ cũng được, không cần tính số, tính số là phân tâm, lại có phân biệt chấp trước nữa, có phân biệt chấp trước thì bạn sẽ không dễ dàng niệm được tâm thanh tịnh. Trong tâm ngoài câu Phật hiệu ra thì cái gì cũng không có, đều sạch sẽ cả.

 

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 331)

Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Khởi giảng năm 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ