Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 296)

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 296)
“Liễu Phàm Tứ Huấn” là một tấm gương rất hay. Gần đây ở Đại lục có làm phim “Du Tịnh Ý Công gặp Táo Thần”, hình như đã quay thành phim truyền hình nhiều tập. Hai tác phẩm này đều là giáo dục chúng ta về nhân quả báo ứng. Thiện có thiện báo, ác có ác báo. Điều này là chân thật không phải giả, tuyệt đối không phải là mê tín. Bạn chỉ cần y theo phương pháp, luân lý này mà học, bản thân bạn có thể thọ nhận được quả báo. Nhất định không phải là giả. Bản thân tôi là một thí dụ điển hình cho mọi người. Khi tôi còn trẻ, có rất nhiều người xem tướng đoán mạng cho tôi, tôi có một chút thông minh, nhưng một chút phước báu cũng chẳng có mà lại bị đoản mạng nữa. Tôi có thể chuyển đổi lại, hoàn toàn nhờ học Phật, những bệnh tật, tập khí của bản thân cả thảy đều sửa đổi, thuận theo lời dạy bảo của Phật Đà, chính là Kinh luận dạy ta như thế nào thì ta làm như thế đó, dạy ta không nên làm thì tuyệt đối ta không làm. Ngày xưa có không biết bao nhiêu người đến nói với tôi là tôi sống không qua khỏi 45 tuổi. Vào năm 45 tuổi, thật sự là tôi bị một cơn bệnh hết một tháng. Cả cuộc đời tôi chưa hề bị bệnh, vậy mà vào năm đó lại bị bệnh hết một tháng, tôi nghĩ là thọ mạng đã hết rồi,

“Liễu Phàm Tứ Huấn” là một tấm gương rất hay. Gần đây ở Đại lục có làm phim “Du Tịnh Ý Công gặp Táo Thần”, hình như đã quay thành phim truyền hình nhiều tập. Hai tác phẩm này đều là giáo dục chúng ta về nhân quả báo ứng. Thiện có thiện báo, ác có ác báo. Điều này là chân thật không phải giả, tuyệt đối không phải là mê tín. Bạn chỉ cần y theo phương pháp, luân lý này mà học, bản thân bạn có thể thọ nhận được quả báo. Nhất định không phải là giả. Bản thân tôi là một thí dụ điển hình cho mọi người.

Khi tôi còn trẻ, có rất nhiều người xem tướng đoán mạng cho tôi, tôi có một chút thông minh, nhưng một chút phước báu cũng chẳng có mà lại bị đoản mạng nữa. Tôi có thể chuyển đổi lại, hoàn toàn nhờ học Phật, những bệnh tật, tập khí của bản thân cả thảy đều sửa đổi, thuận theo lời dạy bảo của Phật Đà, chính là Kinh luận dạy ta như thế nào thì ta làm như thế đó, dạy ta không nên làm thì tuyệt đối ta không làm.

Ngày xưa có không biết bao nhiêu người đến nói với tôi là tôi sống không qua khỏi 45 tuổi. Vào năm 45 tuổi, thật sự là tôi bị một cơn bệnh hết một tháng. Cả cuộc đời tôi chưa hề bị bệnh, vậy mà vào năm đó lại bị bệnh hết một tháng, tôi nghĩ là thọ mạng đã hết rồi, cho nên tôi cũng không đi bác sĩ khám, cũng không uống thuốc, bởi vì tôi biết bác sĩ chỉ có thể chữa bệnh chứ không thể chữa mạng, họ không có cách nào để chữa mạng, nên tôi niệm Phật cầu vãng sanh. Cứ như vậy mà niệm Phật hơn một tháng thì hết bệnh. Điều này bạn nên nghĩ là do tín tâm. Tôi không cầu sống lâu mà thật sự là chỉ cầu vãng sanh, thật không ngờ là bệnh đã hết mà cũng chẳng được vãng sanh. Thực tế mà nói, phước báu là do cả đời học Phật và tu hành của tôi. Tất cả đồng tu đến cúng dường cho tôi, tôi đều mang tiền này đi bố thí. Tôi học theo Đại Sư Ấn Quang, cả cuộc đời của Đại Sư Ấn Quang chỉ làm công việc in Kinh và bố thí. In Kinh là bố thí pháp, dùng tiền để in là tài bố thí, cho nên nói cả cuộc đời của Ngài là làm bố thí cả hai loại tài và pháp. Tôi học theo Đại Sư Ấn Quang, cả cuộc đời không xây cất chùa, không lập đạo tràng, cả đời tu bố thí pháp, cho nên kết được pháp duyên rất là rộng lớn.

Tôi nghĩ, mọi người chúng ta đều biết Pháp sư Diễn Bồi. Ông là người bạn cũ của tôi, ông lớn hơn tôi mười tuổi. Mười năm trước, khi tôi vừa đến Singapore, lúc tôi đến lần thứ nhất và lần thứ hai, ông đều đến sân bay để đón tôi, nhất định là phải mời tôi đi dùng cơm. Có một lần đặc biệt ở Linh Chi, Ngài đặt một mâm cơm để đãi tôi. Ngài hỏi tôi: “Thưa Pháp sư Tịnh Không! Hôm nay tôi mời Pháp sư dùng cơm, vậy Pháp sư có biết ý nghĩa gì không ạ?”. Tôi nói tôi không biết vì tôi chưa có thần thông. Ông nói: “Pháp sư đi khắp nơi giảng Kinh, pháp duyên thù thắng như vậy, vậy tu như thế nào mà được như vậy? Xin Pháp sư chỉ dạy cho tôi”. Tôi nói: “Sự việc là như thế này, điều này thực tại mà nói cũng là do lão sư của tôi dạy cho tôi, tôi theo lão sư Lý Bỉnh Nam học Kinh giáo, lão cư sĩ rất coi trọng việc kết pháp duyên. Ngài dạy cho tôi, các con nhất định nên kết pháp duyên với mỗi một vị đồng tu, không kết pháp duyên thì tương lai con giảng Kinh được tốt, có giảng đến hoa trời rơi rụng cũng chẳng có ai đến nghe”. Kết duyên như thế nào? Năm xưa, khi mà Ngài giảng Kinh, đồng tu không có nhiều như tôi giảng hiện nay. Ngài đã ở Đài Trung giảng Kinh ba mươi tám năm, lúc hưng vượng nhất, thính chúng có khoảng hơn bốn trăm người. Ở Đài Loan như vậy thì cũng khá lắm rồi, người nghe nhiều như vậy rất khó được, có thể là các vị Pháp sư khác đều cũng chẳng có cách gì so với Ngài. Ngài đã dạy tôi cách tiếp đãi, dạy tôi đứng ở cửa, khi mỗi đồng tu đến nghe giảng Kinh đều hướng dẫn, sắp xếp chỗ ngồi cho họ, tiếp đãi họ. Ngài dạy chúng tôi phải tôn trọng đối với thính chúng, gương mặt phải tươi cười trong khi đón tiếp. Đây chính là kết pháp duyên. Chúng tôi từ chỗ này mà học. Không những có cách này mà còn phải mời dùng kẹo. Chúng tôi không có tiền nên chỉ mua một bao đậu phộng to, mời mỗi người hai hạt, như vậy kết pháp duyên rất nhiều. Lão sư chỉ chúng tôi cách này. Sau này ở nước ngoài giảng Kinh, chúng tôi in rất nhiều Kinh sách, tượng Phật... Chúng tôi chưa đi đến nơi nhưng vật phẩm kết pháp duyên đã gửi đến trước rồi. Tôi nhớ có một năm tôi ở Kuala Lumpur, ông Tan Sri Lý Kim Hữu tổ chức một hoạt động có mười lăm ngàn người tham gia. Người của chúng tôi chưa đến đó nhưng vật phẩm kết pháp duyên của chúng tôi (hình như là có năm tấn) đã được đưa đến trước rồi. Cho nên, tôi liền nói với Pháp sư Diễn Bồi là nên kết duyên trước. Nghe xong câu nói này, Pháp sư liền chau mày, Pháp sư nói: "Tôi rất cô hàn!". Cô hàn có nghĩa là gì? Là hẹp hòi, Pháp sư chưa từng làm việc này. Tôi nói: "Việc này nhất định phải làm, nhất định phải làm!". Rộng kết thiện duyên. Pháp duyên của chúng tôi đã kết toàn thế giới, có rất nhiều nơi chúng tôi đã kết duyên từ rất lâu mà bản thân tôi chưa từng đến đó, vẫn chưa đến được nơi đó. Cho nên, kết duyên không những là tu phước cho kiếp sau, mà hiện tiền cũng được phước báu.

Chúng ta không nên nghĩ về việc hưởng thụ, không nên nghĩ về tiền tài. Tiền tài là giả, kết pháp duyên mới là thật. Cho nên nói, mối quan hệ giữa người với người phải cho tốt, mối quan hệ hoàn cảnh tự nhiên với con người, mối quan hệ của thiên địa quỷ thần với con người, trong cuộc đời của chúng ta ba mối quan hệ này phải cho tốt thì làm việc ở đâu cũng thuận lợi, bất luận là đi đến nơi nào cũng đều có người giúp đỡ bạn. Chúng ta thường chăm sóc người khác, tự nhiên sẽ có người chăm sóc chúng ta, đừng có bận tâm lo nghĩ. Bạn nói xem, như vậy tự tại biết bao!

Tôi cũng đã gần ba mươi năm không sử dụng tiền rồi, vẫn thường xuyên đi ra bên ngoài, tôi cũng chẳng biết được là sự việc gì, đi đến đâu thì liền có vé máy bay để đi, tất cả là do người ta chuẩn bị hết, cho nên ngày nào đi, chuyến bay nào, lúc nào đi tất cả tôi đều không biết. Bản thân tôi cũng không đeo đồng hồ, tôi không có quan niệm về thời gian, hôm nay là ngày mấy, thứ mấy tôi cũng không biết. Tốt! Cái gì cũng đều không biết, chỉ có niệm A Di Đà Phật. Ngoài việc niệm A Di Đà Phật ra, mỗi ngày đều xem Kinh. Ngoài những việc này ra thì cái gì cũng chẳng biết, mỗi ngày thiên hạ đều thái bình, hôm nay không có việc gì, cứ trôi qua bình an, thì bạn không có phiền não, tâm địa thanh tịnh từ bi. Con người không có phiền não thể hiện rõ ràng nhất chính là dung mạo không bị già đi. Cái thân thể này của con người là một cái máy, khẳng định là sẽ bị già yếu đi, nhưng sự già yếu sẽ rất chậm.

Khoảng một - hai năm trước, tôi di dân đến Úc Châu. Di dân thì nhất định là phải kiểm tra sức khỏe. Tôi từ trước đến giờ vẫn chưa đi kiểm tra sức khỏe, mấy mươi năm rồi chưa có kiểm tra sức khỏe, vậy là nhất định phải đi kiểm tra một lần. Ở Úc Châu, vị bác sĩ già này là người Ấn Độ, vợ của ông ấy học Phật, bản thân ông là tín đồ Ấn Độ giáo, cũng rất có duyên với tôi. Ông ấy kiểm tra sức khỏe, xét nghiệm máu cho tôi. Ông nói với tôi về kết quả xét nghiệm, ông nói chắc là do Pháp sư ăn chay, có thể là do Pháp sư không có kết hôn, máu của Pháp sư giống như người ba mươi tuổi, chức năng của các bộ phận trong cơ thể nhiều nhất cũng chỉ giống người năm mươi tuổi. Khi tôi di dân đến Úc Châu là được bảy mươi lăm tuổi, đây là chuyện của hai năm trước. Cho nên mới nói là không dễ bị lão hóa. Nếu bạn hỏi tôi nguyên nhân gì khó bị già yếu đi? Tôi liền nói với bạn rằng, thế gian này chuyện gì tôi cũng đều chẳng biết. Bí quyết đã nói với bạn rồi. Các bạn biết chuyện quá nhiều, vậy thì không được. Người xưa thường nói, biết nhiều việc thì phiền não nhiều, quen nhiều người thì thị phi nhiều. Không nên quen nhiều người, cũng không nên biết nhiều việc, thì sự già yếu bạn sẽ được chậm lại, duy trì sự sống lâu khỏe mạnh. Đây là bí quyết sống lâu khỏe mạnh. Tuy đi đến nhiều địa phương, người tiếp đón tôi rất đông, nhưng mà những người này sau đó thì tôi lại quên mất, lần thứ hai khi gặp lại, họ phải giới thiệu với tôi lại từ đầu, tôi thì đã quên họ rồi. Ở đây thông thường mà nói, trong xã giao như vậy thì không có lịch sự, như vậy thì không hay, nhưng mà đối với tôi, khỏe mạnh sống lâu là việc tốt rồi. Ở đây tôi đều đem kinh nghiệm của bản thân chia sẻ cho quý vị, cùng với quý vị hưởng điều lợi ích. Đây thật sự là có lợi ích. Việc gì tốt nhất cũng đều không biết, chăm chỉ niệm Phật thì chắc chắn vãng sanh.

Câu tiếp theo nói “siêu thế hy hữu”.

Ở đoạn Kinh văn phía trước, chúng ta đã đọc qua, hễ là người vãng sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, bất luận là sanh đến độ nào, đến phẩm vị nào, cho dù là Phàm Thánh Đồng Cư độ hạ hạ phẩm vãng sanh, thậm chí giống như trong Kinh phía sau có nói là “biên địa nghi thành vãng sanh” cũng đều là thân kim sắc, đều là ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp. Ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp này là miêu tả, không phải là thật, sự thật thì thù thắng hơn rất nhiều. Bởi vì người ở thế gian này của chúng ta cho rằng ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp chính là người có tướng đẹp thù thắng nhất ở thế gian này, cho nên Phật dùng điều này để mà nói. Trên thực tế, chúng ta đọc đoạn Kinh văn ở dưới đây thì sẽ hiểu, chẳng có cách nào có thể so sánh được, chúng ta chẳng có cách nào tưởng tượng cái tướng hảo này.

Nhưng trong Kinh có nói hai câu này, chúng ta phải đặc biệt lưu ý: “Hàm đồng nhất loại, vô sai biệt tướng”. Hai câu nói này vô cùng quan trọng. Tại sao vậy? Từ ở chỗ này, chúng ta có thể nhìn thấy, Thế giới Tây Phương Cực Lạc là chân thật bình đẳng. Ở trong Kinh Đại Thừa, Phật thường xuyên nói với chúng ta, chúng sanh trong mười pháp giới tướng mạo đều không giống nhau. Tại sao vậy? Vì tâm hạnh của họ không giống nhau, hay nói cách khác, vọng tưởng tạp niệm của bạn cũng khác nhau. Tướng mạo của bạn tại sao lại khác nhau? Bởi vì tướng mạo là do ý niệm vọng tưởng biến hiện ra, không thể có hai người có ý nghĩ hoàn toàn giống nhau, cho nên tướng mạo của họ không thể giống nhau được. Nhưng Phật với Phật thì như nhau, đến khi thành Phật thì tướng mạo hoàn toàn như nhau. Tại sao vậy? Vì các Ngài không có vọng tưởng, vọng tưởng phân biệt chấp trước cả thảy đều không có, cho nên tướng mạo của các Ngài như nhau, sắc thân này cũng như nhau, đều là thân chân kim tử ma, thân kim sắc. Trong giáo lý Đại Thừa thường nói, Phật có vô lượng tướng, tướng có vô lượng vẻ đẹp, không phải là ba mươi hai tướng tám mươi vẻ đẹp.

Những người đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, tướng mạo hầu như đều giống với Phật. Điều này chúng ta cảm thấy rất kỳ lạ. Tại sao vậy? Họ đới nghiệp vãng sanh, phiền não tập khí vẫn chưa đoạn, tại sao tướng mạo lại như nhau, tại sao thể chất lại như nhau? Bởi vì đây là pháp khó tin. Thế gian có rất nhiều người thông minh, nghĩ đến những điều này chẳng có hợp logic liền không tin tưởng; chỉ có những người hồ đồ, không muốn, không chịu tìm hiểu thì họ mới tin tưởng chuyện này. Họ tin tưởng nên họ thật sự vãng sanh. Cho nên những người cẩu thả lơ đễnh ngược lại thì dễ dàng vãng sanh; người tỉ mỉ nghiên cứu thì khó vãng sanh, chướng ngại của họ liền đến, trở ngại sẽ nhiều. Thật ra đây là sự gia trì oai thần bổn nguyện của A Di Đà Phật, thật sự là sự gia trì của bổn nguyện oai thần. Đến được Thế giới Tây Phương Cực Lạc “hàm đồng nhất loại”, ở nơi đó bởi vì duyên thù thắng của Thế giới Tây Phương Cực Lạc, bạn muốn tạo tội nghiệp cũng không có cơ hội, nhất định không có cơ hội cho bạn tạo tội nghiệp, duyên đã được đoạn mất rồi. Sách lược này của A Di Đà Phật thật là cao minh, ở trong A Lại Da Thức của bạn tuy là có tập khí ác, chủng tử ác, nhưng bạn không có duyên nên tuyệt đối không khởi hiện hành. Duyên ở bên đó đều là duyên tối thù thắng. Giống như trong Kinh đã nói: “Giai dữ chư thượng thiện nhân câu hội nhất xứ”. Thượng thiện nhân chính là Đẳng Giác Bồ Tát. Đẳng Giác Bồ Tát ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc quá nhiều.

Trong quá khứ, khi tôi giảng “Kinh Vô Lượng Thọ”, “Kinh A Di Đà”, tôi cũng đã cẩn thận mà suy nghĩ, tôi giảng bộ Kinh này lần này là lần thứ mười một, trước kia đã giảng mười lần, suy đoán của tôi đại khái là thông thường vãng sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc chứng được Địa Thượng Bồ Tát phải cần khoảng ba kiếp đến bốn kiếp. Bạn thử nghĩ xem, A Di Đà Phật thành Phật đến nay đã được mười kiếp rồi, mười kiếp nếu tính toán ra, đại khái nếu vãng sanh vào kiếp thứ năm, kiếp thứ sáu thì hiện nay đã chứng được phẩm vị Đẳng Giác rồi. Cho nên Ngài mới nói chư thiện thượng nhân câu hội nhất xứ, chúng ta có thể tin được. Phàm Thánh Đồng Cư độ hạ hạ phẩm, vãng sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc chứng được phẩm vị này là mười hai kiếp. Hạ hạ phẩm dù sao cũng là số ít. Nếu như nói hạ phẩm thượng sanh này hoặc là trung phẩm hạ sanh, trung phẩm trung sanh, đại khái đều là bốn kiếp đến năm kiếp mới chứng được quả vị này. Cho nên trong Kinh nói điều này chúng ta có thể tin tưởng, không nên nghi hoặc, chân thật là Bồ Tát Đẳng Giác số lượng nhiều hơn số người thông thường. Hàng ngày ở bên cạnh cùng với những vị này làm sao bạn tạo nghiệp được chứ? Không thể tạo nghiệp được. Sự thù thắng này thế giới của mười phương chư Phật vốn không có. Thật sự Thế giới Cực Lạc là nơi thù thắng bậc nhất, chính là Bồ Tát Đẳng Giác quá nhiều, do đó họ không có tướng khác nhau. Cho nên sanh về Thế giới Cực Lạc thì tướng mạo đều như nhau, cùng với A Di Đà Phật là như nhau. Thân tướng của Phật như thế nào thì chúng sanh ở bên đó cũng có thân tướng giống như vậy. Hơn nữa, đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc đều là hóa thân, không phải là từ nhỏ rồi từ từ lớn lên, mà vừa sanh đến nơi đó thì họ liền biến hiện ngay lập tức, họ liền có cái thân tướng đó. Cho nên đây là cảnh giới không thể nghĩ bàn, chúng ta nhất định phải hiểu được. Sau khi hiểu được rõ ràng, chúng ta liền sanh tín tâm.

Nhưng ở nơi này lại có những người thông minh, những người thông minh này là những người có nghiệp chướng rất nặng, họ nghĩ đến Thế giới Cực Lạc thì tướng mạo của mỗi người đều như nhau, vậy thì Trương Tam và Lý Tứ không thể nào nhận ra, có phải vậy không? Không thể nào nhận ra được người này, vậy thì phải làm sao? Chẳng lẽ phải nhận lầm người sao? Có rất nhiều người có câu hỏi này. Có những nghi vấn này chính là chướng ngại, sẽ chướng ngại việc vãng sanh của họ. Đây gọi là pháp khó tin.

Sau khi đến Thế giới Cực Lạc, mỗi một người đều có tha tâm thông, không những không nhận lầm người, mà còn biết được quá khứ của bạn nữa. Bạn đã ở thế giới nào, mỗi đời mỗi kiếp bạn làm những việc gì, không có việc gì mà không biết. Cho nên đến Thế giới Tây Phương, sáu loại thần thông đều có đầy đủ. Điều này chúng ta đã đọc qua, thiên nhãn thấy khắp, thiên nhĩ nghe thấu, tha tâm biết khắp, làm sao mà nhận lầm người được chứ? Chúng ta ở thế gian này, thỉnh thoảng còn nhận lầm người, Thế giới Tây Phương Cực Lạc tuyệt đối là không có, bởi vì năng lực tự tánh của bạn được Phật lực gia trì, hầu như đều được hồi phục trở về bình thường. Cho nên điều này chúng ta không nên hoài nghi.

*********************

Kinh văn: “Đản nhân thuận dư phương tục, cố hữu thiên nhân chi danh”.

Đây là Thế Tôn vì chúng ta mà giới thiệu, Thế giới Tây Phương có Bồ Tát, có A La Hán, có trời, có người, đều là giới thiệu như vậy. Thế Tôn ở đây giới thiệu điều này là Phật phương tiện nói, chứ không phải thật sự nói. Tại sao vậy? Thật sự mà nói, phàm là người vãng sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, Thật Báo Độ thì không cần nói, nhất định không có phân biệt chấp trước, cho dù là Phàm Thánh Đồng Cư độ cũng sẽ được bổn nguyện oai thần của Phật gia trì, lại được chư thượng thiện nhân ngày đêm không ngừng sách tấn, vọng tưởng phân biệt chấp trước của bạn tự nhiên sẽ không còn nữa. Cho nên Phật nói “trời người” chính là nói nơi ở của bạn trước khi bạn chưa đến được Thế giới Tây Phương. Nếu như bạn từ cõi trời niệm Phật vãng sanh thì gọi bạn là “trời”, hoặc giả bạn từ cõi người vãng sanh đến đó thì gọi bạn là “người”. Đây là tùy thuận phong tục, tập tục của thế giới phương khác, ở Thế giới Cực Lạc gọi theo tập tục của thế giới phương khác nên nói như vậy. Đây là một cách nói.

Ngoài cách nói này ra cũng có cách nói khác, là đoạn chứng phiền não. Thí dụ như nói kiến tư phiền não của bạn chưa đoạn, đến nơi đó tuy là không khởi tác dụng, đây là chưa có duyên để khởi tác dụng, nhưng mà kiến tư phiền não chưa đoạn, nên gọi bạn là “nhân thiên”. Đây cũng có thể là cách nói khác. Kiến tư phiền não đoạn rồi, trần sa phiền não chưa đoạn, đây là Phương Tiện Hữu Dư Độ, nên gọi bạn là “A La Hán”. Gọi là A La Hán cũng là thuận theo phong tục. Thực tại, ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc, chúng ta có thể tưởng tượng ra được danh xưng Bồ Tát, La Hán, trời người cả thảy đều không có. Tại sao vậy? Vì đây là chấp trước. Vọng tưởng phân biệt chấp trước cả thảy đều đoạn hết rồi, không những không có những danh xưng này, mà đến cả cái ý niệm này cũng chẳng có. Do vậy mới biết, tâm con người ở thế giới đó rất thanh tịnh, nên mới gọi là thuần tịnh thuần thiện. Cho nên, chúng ta hiện tiền đang học tập thì cần phải chú ý sự việc này.

Cách học như thế nào? Việc mà bản thân không cần biết thì không hỏi, không nghe, người không cần quen biết thì không kết bạn, bản thân mình nên tu thuần tịnh thuần thiện, đến Thế giới Tây Phương thì sẽ rất dễ thích ứng với hoàn cảnh ở nơi đó. Cho nên chúng ta bây giờ đọc Kinh mỗi ngày, mỗi ngày đều nghĩ về Thế giới Tây Phương Cực Lạc, nghĩ về cách sống hàng ngày của những chúng sanh ở bên đó, bây giờ chúng ta cần phải học tập theo họ. Đây chính là điều mà Bồ Tát Đại Thế Chí đã nói: “Nhớ Phật niệm Phật, hiện tiền tương lai, nhất định thấy Phật”. Đây là chuyện quan trọng nhất trong đời của người học Phật.

Trong chú giải của cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, ông nói, tất cả chúng sanh lưu hiện một câu thanh tịnh thì vượt khỏi thế gian này. Câu nói này chính là câu thanh tịnh, là lời đã nói ở trong “Vãng Sanh Luận”. Câu thanh tịnh là gì vậy? Câu này cũng khó hiểu. Từ trên sự mà nói, câu này chính là sáu chữ hồng danh, nhưng ý nghĩa này rất sâu sắc. Từ trên sự, câu hồng danh này là câu thanh tịnh. Trên lý mà nói, chính là tự tánh của bản thân mình, chính là pháp tánh, chính là chân như. Cho nên, Nam Mô A Di Đà Phật - sáu chữ này là danh hiệu của tự tánh, danh hiệu của chân như. Cho nên, cổ Đại đức thường hay nói, công đức của danh hiệu không thể nghĩ bàn.

Đoạn này chúng tôi xin chia sẻ đến đây.

*******************

Kinh văn: “Phật cáo A Nan: “Thí như thế gian, bần khổ khất nhân, tại đế vương biên, diện mạo hình trạng, ninh khả loại hồ”. Đế vương nhược tỷ, Chuyển Luân Thánh Vương, tắc vi bỉ hậu. Do bỉ khất nhân, tại Đế vương biên dã. Chuyển Luân Thánh Vương, oai tướng đệ nhất, tỷ chi đao lợi thiên vương, hựu phục xú liệt. Giả linh Đế Thích, tỷ Đệ Lục Thiên, tuy bách thiên bội, bất tương loại dã. Đệ Lục Thiên Vương, nhược tỷ Cực Lạc quốc trung, Bồ Tát, Thanh Văn, quang nhan dung sắc, tuy vạn ức bội, bất tương cập đãi”. 

Đây là năm loại thí dụ được lặp lại, là một loại so sánh. “Đệ Lục Thiên” chính là Trời Tha Hóa Tự Tại.

Trong đoạn Kinh văn này, thí dụ đầu tiên này rất là rõ ràng. Thế gian bần khổ khất nhân”. Khất” là người ăn xin, đi xin cơm để ăn. Hai thí dụ này rất là rõ ràng. Người ăn xin nếu như đứng bên cạnh của vị vua, một người thì phước báu nhân gian vô cùng lớn, một người thì phước báu nhân gian kém nhất, hoàn toàn không có phước báu, điều này nhất định là không thể so sánh, bất luận là từ hình tướng, từ cử chỉ, từ oai nghi, ở phương diện nào cũng không thể so sánh. Đoạn Kinh văn này chính là nói dung sắc vi diệu, siêu thế hy hữu. Đoạn Kinh văn này chính là giải thích cho hai câu trước.

Thế nhưng ở nhân gian, chúng ta có thể nghĩ đến trong các thời đại vua chúa hơn hai ngàn năm ở Trung Quốc, điều này lịch sử có ghi chép lại, phước báu lớn nhất là vua Càn Long. Xác thực là trước đời vua Càn Long, không có ai có phước báu lớn như vậy, sau đời vua Càn Long cũng không có. Ông làm Vua được sáu mươi năm và làm Thái Thượng Hoàng bốn năm, sống đến hơn tám mươi tuổi. Điều này thật không dễ dàng. Ông tự xưng là “Cổ Hy Thiên Tử”. Câu “Cổ Hy Thiên Tử” này có hai ý nghĩa. Trên mặt văn tự mà nói, cổ nhân cũng thường hay nói: “Nhân sanh thất thập cổ lai hy”, họ sống hơn bảy mươi tuổi nên gọi là Cổ Hy Thiên Tử. Đây là nói trên bề mặt. Ý nghĩa bao hàm ở bên trong chính là các vị vua từ xưa đến nay chưa ai bằng vua Càn Long. Vua Càn Long xác thực là phú quý, các đời vua chúa không thể so được với ông, chính trị và quân sự đều đạt đến cực điểm. Chúng ta có thể biết, trong đời quá khứ ông đã tu tích phước thiện, thật sự là nhiều đời nhiều kiếp đã tu thành, tuyệt đối không phải là ba kiếp, năm kiếp mà tu được phước báu lớn như vậy. Đây cũng là sự chỉ bảo rất lớn cho những người học Phật chúng ta. Bạn xem, nhiều đời nhiều kiếp tu phước báu lớn như vậy, ở thế gian này, sáu mươi năm trôi qua cũng như là một khảy móng tay, cuối cùng vẫn là không tránh khỏi việc tạo nghiệp sáu nẻo luân hồi. Trong Kinh Đại Thừa nói cả đời này là trôi qua vô ích, thật là đáng tiếc, không thể nâng trí huệ của mình lên cao. Điều này họ không làm được. Do đó mới biết, trong đời này phải nâng cao trí huệ. Đây là việc quan trọng nhất, cũng là việc lớn nhất, nhất định không thể sơ suất.

Đế Vương nếu so cùng với Chuyển Luân Thánh Vương thì giống như người ăn mày ở trước mặt một vị vua vậy. Trong hai ngàn năm lịch sử chúng ta chưa bao giờ gặp qua Chuyển Luân Thánh Vương. Ở trong Kinh Phật nói Chuyển Luân Thánh Vương vẫn là vua của loài người, không phải là vua trời.

Chúng ta trong thời cận đại nghe nói có rất nhiều bài báo cáo, đưa tin có người ngoài hành tinh, thường xuyên nhìn thấy vật thể bay, đĩa bay không xác định. Những thứ này là có thật, không phải giả, bản thân tôi đã tận mắt nhìn thấy một lần. Lúc đó là hai mươi tuổi, tôi vẫn chưa học Phật, vẫn chưa xuất gia, ở Đài Loan tôi nhìn thấy một lần, tốc độ bay rất chậm mà lại bay thấp nữa, rất nhiều người nhìn thấy, ngày hôm sau báo chí đều đăng tin này. Chính bản thân tôi đã nhìn thấy một lần. Điểm sáng đó hình tròn màu xanh. Vật thể đó có phải là do Chuyển Luân Thánh Vương sai đến không? Có thể ở thế gian này có Chuyển Luân Thánh Vương, nhưng không có ở trên quả địa cầu này, cũng có thể không có ở trên Thái Dương Hệ này của chúng ta.

Tại sao gọi Chuyển Luân Thánh Vương là Luân Vương? Chính là họ có báu vật này. Báu vật này chính là Luân. Cái Luân này là phương tiện giao thông của họ, cũng là vũ khí của họ. Cho nên, tôi xem đến Kinh Phật liền nghĩ đến sự việc này. Đĩa bay này thường hay được phát hiện, là Luân Vương điều động binh lính của họ xuống đây để tuần tra, đến nơi đây để khảo sát và quan sát. Bởi vì ở đây đều là phạm vi của họ, cái luân này của họ có thể bay đến khu vực đều là phạm vi họ quản lý. Cho nên ở trong Kinh Phật có nói, Luân Vương có bốn loại, họ không phải là thiên thần. Có rất nhiều người nói, người ngoài hành tinh là thiên thần, đó là điều sai lầm. Họ không phải thiên thần, họ vẫn ở cõi người. Chúng ta gọi họ là người ngoài hành tinh, đây là điều chính xác, không thể gọi họ là trời, không thể gọi họ là thần. Nền khoa học kỹ thuật của họ phát triển hơn chúng ta. Hiện nay chúng ta vẫn chưa có khả năng chế tạo ra phương tiện bay giống như vậy. Phương tiện bay của họ rất là tự tại, nó có thể dừng bất động trên không trung, cũng có thể bay với tốc độ nhanh vô cùng. Những thứ này nền khoa học kỹ thuật của chúng ta hiện nay chưa làm được.

Trong Kinh Phật nói với chúng ta, Luân Vương có bốn loại: Kim Luân Vương, Ngân Luân Vương, Đồng Luân Vương  và Thiết Luân Vương. Phật dùng bốn loại Kim, Ngân, Đồng, Thiết này để thí dụ.

Kim Luân Vương thì thống trị nhất tứ thiên hạ. Nhất tứ thiên hạ nếu theo cách nói của lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ (cách nói của Ngài có thể là thông suốt), nhất tứ thiên hạ này chính là hệ ngân hà. Hay nói cách khác, tốc độ bay của họ có thể trong một ngày (một ngày ở thế gian này của chúng ta có hai mươi bốn giờ) bay dạo chơi một vòng hệ ngân hà. Tốc độ này nhanh hơn tốc độ ánh sáng. Dùng tốc độ ánh sáng, đại khái là đường kính của hệ ngân hà từ phía đông đến phía tây mất phải năm mươi ngàn năm. Trong hai mươi bốn giờ, họ có thể đi được một vòng, vận tốc này nhanh hơn vận tốc ánh sáng. Hiện nay khoa học của chúng ta vẫn chưa thể phát hiện, đối với đĩa bay xưa nay vẫn là một bí ẩn.

Ngân Luân Vương thì phạm vi của họ có thể đạt được ba phần tư hệ ngân hà, còn lại một phần tư thì họ không cách nào đạt được. Đồng Luân Vương là một phần hai hệ ngân hà. Thiết Luân Vương là một phần tư của hệ ngân hà. Cho nên hiện nay, nền khoa học kỹ thuật của thế gian này thì chưa đạt được. Đây là nói các vị vua của thế gian. Các vị vua trên quả địa cầu chúng ta nếu so với Chuyển Luân Thánh Vương thì phước báu thua rất là nhiều. Cho dù có thống trị cả quả địa cầu, nhưng họ thì thống trị cả hệ ngân hà, vậy bạn làm sao có thể so sánh với họ được. Nếu như hệ ngân hà là một quốc gia, thì quả địa cầu này chỉ là một trưởng thôn, một chức vụ rất là nhỏ. Họ là vua, còn bạn chỉ là trưởng thôn, đến cả chức thị trưởng mà không được nữa, thật quá nhỏ.

Chuyển Luân Thánh Vương là phước báu lớn nhất ở nhân gian, phước báu thế gian không thể lớn hơn Chuyển Luân Thánh Vương. Nếu như so với “Đao Lợi Thiên Vương”, Đao Lợi Thiên này chính là tầng Trời Dục Giới thứ hai, chúng ta hay gọi là Ngọc Hoàng Đại Đế. Ở nước ngoài có nhiều tôn giáo gọi là Thượng Đế cũng chính là Đao Lợi Thiên Chủ. Cho nên Chuyển Luân Thánh Vương nếu so với Đao Lợi Thiên Vương thì hựu phục xú liệt, giống như người ăn mày ở bên cạnh vua, không thể so sánh.

Giả linh Đế Thích, Đế Thích ở đây chính là Đao Lợi Thiên Vương. Đao Lợi Thiên Vương nếu so với tầng trời thứ sáu, bạn xem, Phật không nói Trời Dạ Ma, không nói Trời Đâu Suất, Ngài nói tầng trời thứ tư, sự chênh lệch này rõ ràng vô cùng. Nói Trời Tha Hóa Tự Tại, tột cùng của Trời Dục Giới so với tầng trời thứ sáu, tuy bách thiên bội, bất tương loại dã. Chúng ta chú ý đoạn Kinh văn này, gấp trăm ngàn lần không thể so sánh. Điều này nói rõ phước báu ở cõi trời lên cao một tầng thì phước báu lớn hơn. Nếu bạn muốn sanh lên trời, không tu phước thì làm sao đến đó được chứ? Lên trời vẫn chưa ra khỏi sáu nẻo luân hồi, cho nên nói bạn nếu muốn nâng trí huệ của bản thân mình lên cao thì phải đoạn ác tu thiện, tích công lũy đức. Đây là bất nhị pháp môn, nhất định phải hiểu rõ.

Nhân gian thọ mạng ngắn ngủi, cõi trời thọ mạng thì dài hơn. Người thông thường chúng ta đều biết, Trời Đao Lợi ở cõi Dục Giới tầng thứ hai, một ngày ở trên trời là một trăm năm ở cõi nhân gian chúng ta, một ngày ở trời Đao Lợi là một trăm năm ở cõi nhân gian chúng ta. Người nhân gian chúng ta một trăm tuổi thì ở Trời Đao Lợi chỉ là một ngày. Thọ mạng có một ngày thì hết rồi. Nếu như sống được năm mươi tuổi thì chỉ được có nửa ngày. Hãy nghĩ xem, thật là đáng thương. Càng lên trên thì cứ nhân lên gấp bội. Thọ mạng ở Trời Đao Lợi là một ngàn tuổi. Cách tính của họ ở trên trời cũng là tính một năm có ba trăm sáu mươi ngày, nhưng mà một ngày của họ so với nhân gian chúng ta là một trăm năm. Thọ mạng một ngàn tuổi của họ rất là dài. Cho nên phước báu cõi trời lớn, càng lên cao một tầng thì phước báu tăng lên gấp bội.

Một ngày ở Trời Dạ Ma là hai trăm năm ở nhân gian chúng ta, thọ mạng của họ là hai ngàn tuổi. Càng lên trên thì nhân lên gấp bội. Đến tầng trời thứ tư - Đâu Suất Thiên (Bồ Tát Di Lặc ở trời Đâu Suất), một ngày là bốn trăm năm ở nhân gian chúng ta, thọ mạng là bốn ngàn tuổi. Cho nên khi nào thì Bồ Tát Di Lặc đến thế gian này của chúng ta để thành Phật vậy? Thọ mạng của Ngài ở trời Đâu Suất hết rồi, Ngài sẽ hạ sanh đến thế gian này mà thị hiện thành Phật. Trong Kinh “Di Lặc Hạ Sanh” có nói với chúng ta, hình như là năm tỷ sáu trăm bảy mươi triệu năm (tính theo năm ở thế gian này của chúng ta). Thời gian dài như vậy. Điều này mọi người có thể tính ra được. Một ngày là bốn trăm năm ở thế gian chúng ta, bốn ngàn tuổi của họ có thể tính ra được, hình như là năm tỷ sáu trăm bảy mươi triệu năm, Di Lặc Bồ Tát mới hạ sanh đến thế gian này để thành Phật.

Cho nên hiện nay có rất nhiều người mong muốn sanh về Tịnh Độ Di Lặc, tương lai khi Bồ Tát Di Lặc hạ sanh thì làm đệ tử của Ngài. Ngài Pháp sư Diễn Bồi của chúng ta là như vậy, Ngài vãng sanh Tịnh Độ của Bồ Tát Di Lặc. Tôi đã từng nói chuyện với Pháp sư, tôi cũng rất thích thân cận Bồ Tát Di Lặc, nhưng mà đường tôi đi chắn chắn và dễ hơn Ngài. Pháp sư hỏi vì sao vậy? Tôi nói, tôi đến Thế giới Cực Lạc, tôi biết Bồ Tát Di Lặc mỗi ngày đều đến Thế giới Cực Lạc để dạy học. Thế giới Cực Lạc là Đại học Phật Giáo, Ngài là chuyên gia về Duy Thức, là giáo thọ về Duy Thức, Ngài mỗi ngày đều đến đó để giảng bài. Tôi muốn gặp Bồ Tát Di Lặc thì tôi đi đến nhà, nơi của Ngài để tham quan, nhất định là sẽ được đón tiếp. Cho nên vãng sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc thì Tịnh độ của tất cả chư Phật, Bồ Tát bạn đều đi đến được. Nhưng mà bạn muốn vãng sanh đến Tịnh độ của Bồ Tát Di Lặc, Bồ Tát Di Lặc đến Thế giới Cực Lạc để dạy học thì Ngài cũng không dắt bạn theo. Bạn muốn đi với Ngài thì không được, ở nơi đó bạn không thể đi. Cho nên, đạo lý này chúng ta đều phải biết, sau này bạn mới có sự lựa chọn ổn thỏa tốt đẹp.

Hôm nay thời gian hết rồi, chúng tôi giảng đến chỗ này.

A Di Đà Phật!

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 296)

Người giảng: Lão Pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Khởi giảng năm 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây Cư Sĩ, Mộ Tịnh Cư Sĩ, Phước Tịnh Cư Sĩ