Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 294)

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 294)
Việc học Phật ngay trong hiện tiền thì phải làm, phải bắt đầu thực hành. Trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, việc xử sự đối người tiếp vật, mọi thứ đều phải xem nhẹ đi. Nếu xem nhẹ thì bạn sẽ ít phiền não. Cho dù quý vị học những điều này, thật sự mà nói, học những việc này cũng phải xem nhẹ. Xem nhẹ thì sẽ học không thành, vậy thì làm sao mới có thể học thành công? Là thâm nhập một môn, chọn lựa một pháp môn, những thứ khác thì nên buông xuống, thâm nhập một môn. Thâm nhập một môn thì được Tam muội. Điều này người thế gian cầu học không như nhau. Thế gian cầu học thực tế mà nói là cầu sự hiểu biết, càng phong phú càng tốt. Việc học đạo không phải là dạy bạn học điều này, sự hiểu biết càng phong phú thì không phải là vọng tưởng càng nhiều hay sao, tạp niệm không phải là càng nhiều sao? Cho nên học đạo, mục đích của bạn là ở chỗ tam muội, là ở chỗ định huệ, cho nên không thể xen tạp, không thể học quá nhiều. Đây là một bí quyết. Nhưng người tin tưởng không nhiều, họ vẫn thích học rộng nghe nhiều. Sau khi học được mấy chục năm, cuối cùng họ chết trong sự hối hận, thật sự mà nói họ chẳng có thành tựu gì. Điều này cổ Đức có nói là do gặp duyên không đồng. Nếu bạn gặp được lão sư tốt

Việc học Phật ngay trong hiện tiền thì phải làm, phải bắt đầu thực hành. Trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, việc xử sự đối người tiếp vật, mọi thứ đều phải xem nhẹ đi. Nếu xem nhẹ thì bạn sẽ ít phiền não. Cho dù quý vị học những điều này, thật sự mà nói, học những việc này cũng phải xem nhẹ. Xem nhẹ thì sẽ học không thành, vậy thì làm sao mới có thể học thành công? Là thâm nhập một môn, chọn lựa một pháp môn, những thứ khác thì nên buông xuống, thâm nhập một môn. Thâm nhập một môn thì được Tam muội. Điều này người thế gian cầu học không như nhau. Thế gian cầu học thực tế mà nói là cầu sự hiểu biết, càng phong phú càng tốt. Việc học đạo không phải là dạy bạn học điều này, sự hiểu biết càng phong phú thì không phải là vọng tưởng càng nhiều hay sao, tạp niệm không phải là càng nhiều sao? Cho nên học đạo, mục đích của bạn là ở chỗ tam muội, là ở chỗ định huệ, cho nên không thể xen tạp, không thể học quá nhiều. Đây là một bí quyết. Nhưng người tin tưởng không nhiều, họ vẫn thích học rộng nghe nhiều. Sau khi học được mấy chục năm, cuối cùng họ chết trong sự hối hận, thật sự mà nói họ chẳng có thành tựu gì. Điều này cổ Đức có nói là do gặp duyên không đồng. Nếu bạn gặp được lão sư tốt thật sự, người xưa thường nói: “Nghiêm sư xuất cao đồ”, Lão sư mà nghiêm khắc, học trò phải nghe lời mới được, học trò mà không nghe lời thì cũng chẳng có cách nào. Học trò mà chịu sự đôn đốc nghiêm khắc của lão sư chính là dạy cho bạn tu học một môn, chỉ trong một môn này thì bạn được tâm  thanh tịnh, bạn sẽ khai trí huệ, bạn mới biết cảm ân lão sư. Thật sự là có thu hoạch.

Kinh văn: “Bất văn tam đồ khổ nạn chi danh, thượng vô giả thiết, hà huống thật khổ”.

Câu này là “nguyện trong nước không ác đạo” trong 48 lời nguyện. Tất cả các nguyện của A Di Đà Phật đều thực hiện được. “Tam đồ” là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Ở trong chín pháp giới thì ba đường này là khổ nhất. Thế giới Tây Phương Cực Lạc không có ba đường ác. Không có ba đường ác thì chúng ta mới có thể thể hội được, ở đó chỉ có hai cõi trời và người, không có ba đường ác. Hai cõi trời và người này ở đâu? Ở cõi Phàm Thánh Đồng Cư độ. Hai cõi trời và người là phàm, ở cõi Phàm Thánh Đồng Cư độ có Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác, mọi người đều sống chung với nhau, cùng nhau học tập nên gọi là Phàm Thánh Đồng Cư. Vì sao gọi là trời và người vậy? Vì phiền não chưa đoạn, chính là những người ở hai cõi trời và người từ phương khác đến, một phẩm phiền não cũng chưa đoạn. Thế giới Tây Phương đến cái tên ba đường ác cũng không được nghe.

Ở chỗ này chúng ta phải nghĩ đến, ba đường ác là quả báo. Có quả thì có nhân. Nhân là gì? Nhân rất là phức tạp. Phật thường nói sự hình thành của quả báo là do vô lượng nhân duyên, trong vô lượng nhân duyên nhất định là có một nghiệp nhân nặng nhất, Phật thường hay dùng điều này để dạy cho chúng ta. Nghiệp nhân của ba đường ác chính là tam độc phiền não tham sân si. Sự chiêu cảm của lòng tham là đường ngạ quỷ, sự chiêu cảm của sân hận là đường địa ngục, sự chiêu cảm của ngu si là đường súc sanh.

Đã không có ba đường ác thì chúng ta biết những người vãng sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc đã đoạn được tam độc phiền não tham sân si rồi. Làm sao đoạn được? Chúng ta ở trong thế gian này muốn đoạn tam độc phiền não thì rất khó khăn, sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc không cần đoạn nhưng tự nhiên sẽ không còn nữa.

Thí dụ như nói lòng tham, chúng ta ở nơi này tại sao lại có lòng tham? Vì vật chất quá ít nên muốn chiếm lấy, thế là lòng tham liền khởi lên. Ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc thì tài nguyên quá phong phú, tất cả có đầy đủ, vậy bạn còn tham cái gì chứ? Muốn cái gì thì thứ đó liền hiện ra, vậy là bạn không còn tham nữa. Giống như thế giới này của chúng ta, ở thế gian này thứ gì là quan trọng nhất đối với chúng ta? Tiền bạc? Tiền bạc cũng không quan trọng lắm, không có tiền cũng không đến nỗi phải chết. Không khí là quan trọng nhất, nhưng có ai mà tham không khí không? Không khí mà không có trong khoảng mười phút thì mạng của bạn cũng chấm dứt rồi. Tại sao lại không tham cái này? Tại sao không đem không khí tích trữ lại, mang theo trên mình một bao? Vì có quá nhiều. Vàng bạc bảy báu ở Tây Phương Thế giới cũng giống như không khí của chúng ta, vậy bạn có cần hay không? Vàng bạc ở thế giới này của chúng ta mọi người đều trân quý nó vô cùng, vàng ở bên đó thì dùng để đắp đường đi. Ở đây đá quý thì đem làm đồ trang sức trông rất là đẹp, đá quý ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc thì dùng làm vật liệu xây dựng, cho nên các bạn hãy nghĩ xem, có người nào lấy đất đá đắp đường đi đeo lên trên người hay không? Không có chuyện này. Thế giới Tây Phương thì bảy báu nhiều vô cùng, chẳng có ai muốn lấy, khắp nơi đều có. Trong Kinh nói bảy báu, từ bảy này không phải là con số mà là biểu pháp. Bảy là đại biểu cho sự viên mãn. Chúng ta nói bảy chính là đông - nam -  tây - bắc - trên - dưới và chính giữa, cho nên nó đại biểu cho sự viên mãn. Vô lượng châu báu tất cả đều có đủ, có thật là quá nhiều, cho nên không có người tham, lòng tham không thể khởi lên.

Sân giận cũng không có khởi lên. Tại sao lại sân giận? Khi gặp phải chuyện không vừa ý, người không vừa ý thì trong tâm mới sanh lòng sân giận. Thế giới Cực Lạc thì luôn vừa ý, không có cái nào mà không vừa ý, bạn thấy người, thấy việc, thấy vật, càng nhìn thì càng hoan hỷ, cho nên sự sân giận tự nhiên không còn nữa. Đây là chỗ giáo hóa chúng sanh vô cùng cao minh của A Di Đà Phật. Ngài là từ ngoại duyên, khiến cho ngoại duyên ở bên ngoài quyết định không có điều xấu ác, nhất định là không thể lôi kéo bạn được, chủng tử tham sân si ở trong A Lại Da Thức không thể khởi dậy, cho nên sống lâu trong hoàn cảnh như thế này thì tam độc tự nhiên sẽ bị mất đi. Bạn sẽ không còn ngu si nữa, ngày ngày đều nghe giảng Kinh giảng pháp, bên cạnh các bạn là chư đại Bồ Tát đều giúp đỡ cho bạn tăng trưởng trí huệ. Bạn nói thử xem, hoàn cảnh như thế này đi tìm ở đâu? Cho nên ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc thì việc đoạn trừ tham sân si rất dễ dàng. Tham sân si là cái gốc của phiền não, chỉ cần nhổ được cái gốc này thì những thứ khác như đại tùy phiền não, tiểu tùy phiền não tự nhiên sẽ không còn nữa. Việc đoạn phiền não ở cõi này của chúng ta rất là khổ. Tam độc phiền não tham sân si. Phiền não không đoạn thì không ra khỏi sáu cõi luân hồi. Muốn đoạn tham sân si thì thật là quá khó.

Từ phương diện này tỉ mỉ mà quan sát, ngoại trừ con đường Thế giới Tây Phương Cực Lạc ra, còn có con đường nào tốt hơn không? Xác thực là không có. Tại sao vậy? Vì trong 84.000 pháp môn, bất kỳ một pháp môn nào cũng đều phải đoạn phiền não, không có nói không đoạn phiền não mà có thể thành tựu. Không đoạn phiền não mà có thể thành tựu thì chỉ có pháp môn này. Cho nên Đại đức xưa nói pháp môn Tịnh Độ là “môn dư đại đạo”. Chữ môn này chính là 84.000 pháp môn. Ngoài 84.000 pháp môn ra có một con đường lớn. Con đường lớn này là pháp khó tin, thật sự là khó tin. Bởi vì bình thường bạn tiếp xúc với tất cả pháp môn, cả thảy đều là phải đoạn phiền não thì mới có thể nâng cao cảnh giới của chính mình, đâu có chuyện không đoạn phiền não mà có thể thành tựu, hơn nữa sự thành tựu lại cao như thế, cho nên đây là pháp khó tin. Mọi người chúng ta đều có thể tin tưởng, đây không phải là chuyện đơn giản.

Tại sao bạn có thể tin? Là vì thiện căn, phước đức, nhân duyên của nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ. Nếu trong đời quá khứ không phải là bạn đã nhiều đời nhiều kiếp đã tu pháp môn này rồi sao? Ngày nay khi bạn vừa tiếp xúc thì bạn liền tin tưởng ngay. Bạn xem trong thế gian này có bao nhiêu người học Phật? Học các pháp môn khác thì rất nhiều, nhưng họ lại không tin pháp môn Tịnh Độ, đây là do nguyên nhân gì? Thiện căn ít. Điều này trong Kinh đã nói, không thể lấy chút ít thiện căn phước đức nhân duyên mà được sanh về nước kia. Người tu các pháp môn khác ít thiện căn, ít phước đức, cho nên gặp được pháp môn này thì họ chẳng tin, họ cũng chẳng muốn hiểu sâu, họ cũng không gặp được lão sư tốt, họ cũng không gặp được chân thiện tri thức.

Tu học các pháp môn khác không phải là không tốt, cũng có lợi ích. Sự lợi ích này là gì? Lợi ích là trồng được thiện căn, trong đời này thì không thể thành tựu. Lời nói này là chắc chắn, chẳng có cách nào thành tựu.

Câu này nói với chúng ta, thế giới đó tại sao gọi là Cực Lạc. Vì âm thanh hay danh từ khổ nạn của tất cả chúng sanh ở mười phương thế giới đều không nghe đến.

Kinh văn: “Đản hữu tự nhiên khoái lạc chi âm, thị cố bỉ quốc, danh vi Cực Lạc”.

Khoái lạc tự nhiên. Trong “Kinh A Di Đà” nói cõi nước Phật đó tên đường dữ còn không có huống chi là thật có, so với chỗ này nói là hoàn toàn giống nhau. Lại nói chúng sanh trong cõi đó không có sự khổ, chỉ hưởng những điều vui nên gọi là Cực Lạc. Những lời này chúng ta nghe rất là khó hiểu. Trong “Vãng Sanh Luận” có nói: “Vĩnh ly thân tâm não, thọ lạc thường vô gián”. Niềm vui này, lìa khổ thì được vui. Chúng ta nhất định phải hiểu ý nghĩa. Người thế gian nhắc đến khổ và vui đều là có tính tương đối, cái vui tương đối này là cái vui của khổ vui, cái vui đó vẫn là khổ, sự vui đó đã qua thì không còn nữa, cho nên ở trong Kinh Phật thường dạy cho chúng ta vui là hoại khổ. Giống như chúng ta đi tham dự ngày lễ hội, đều có nhiều tiết mục giải trí đang biểu diễn, chúng ta xem rất là vui sướng nhưng sau khi biểu diễn xong rồi thì không còn nữa, nên vui là hoại khổ. Cái vui ở Tây Phương Cực Lạc Thế giới là lìa khỏi hai bên khổ - vui. Cái vui này người thông thường chúng ta không có cách nào tưởng tượng được. Tại sao không có cách nào tưởng tượng được? Vì từ trước đến giờ bạn chưa từng hưởng được niềm vui này, bạn chưa có kinh nghiệm. Người thật sự đọc sách, người thật sự tu hành thì có thể thể hội được một chút. Người thật sự đọc sách, bạn xem trong “Luận Ngữ” có nói: “Học nhi thời tập chi bất diệc duyệt hồ”. Chữ duyệt này là hỷ duyệt, cái hỷ duyệt này cùng với cái khổ của khổ vui hai bên đều không liên can. Đây là niềm vui chân thật. Họ có thể cảm nhận được, càng thâm nhập thì sẽ càng thấy vui sướng. Đây là niềm vui của đọc sách. Người hiện nay không đọc sách nên niềm vui này không cảm nhận được.

Thế gian này hiện nay rất là phiền phức. Máy vi tính đã được phát minh, việc này có lợi mà cũng có hại. Nó thì tiện lợi nhưng phải trả giá rất đắt, suy nghĩ tường tận thì thấy lợi bất cập hại. Màn hình của máy vi tính rất hại cho đôi mắt, bạn học Kinh Luận trong máy vi tính thì thuận tiện, không cần mang nhiều sách vở, nhưng thọ mạng của cặp mắt lại bị giảm ngắn lại, bạn phải chịu trả cái giá này.

Người tu hành chân thật có thể khế nhập Tam muội, vậy thì được niềm vui chân thật. Tam muội là tâm thanh tịnh, là thuần tịnh thuần thiện. Người đạt được Tam muội thì biết được thuần tịnh thuần thiện, họ sẽ chăm chỉ, sẽ nỗ lực theo phương hướng, theo mục tiêu này nâng cao cảnh giới của mình. Tại sao vậy? Vì ở bên trong có niềm vui lớn.

Tất cả pháp thế xuất thế gian, nếu nói đến sự hưởng thụ, tôi cũng bị câu nói này của lão sư Phương Đông Mỹ dẫn vào trong cửa Phật. Lão sư nói với tôi: “Học Phật là sự hưởng thụ cao nhất của nhân sanh”. Tôi bị câu nói này của Ngài kéo tôi đi vào cửa Phật. Bạn phải thật tu thì bạn mới có thể đạt được. Thật sự tu là không thể rời khỏi Kinh điển. Hiện tại Phật không còn trụ thế, vậy Phật ở đâu? Ở trong Kinh điển. Cho nên Kinh điển còn gọi là pháp thân xá lợi, đạo lý là ở tại chỗ này. Ngày nay chúng ta muốn học Phật thì nhất định không thể rời khỏi Kinh điển.

“Kinh Vô Lượng Thọ” chính là bộ Kinh quan trọng nhất của Tịnh Tông, nhưng từ xưa đến nay người y theo bộ Kinh này để tu học không nhiều, đây là do nguyên nhân gì? Trong lời tựa bổn hội tập “Kinh Vô Lượng Thọ” của Lão cư sĩ Mai Quang Hy nói rất là rõ ràng, nói rất là có lý, chính là “Kinh Vô Lượng Thọ” ở Trung Quốc đã được dịch rất nhiều lần, từ đời Hậu Hán đến đời Bắc Tống tổng cộng có 12 lần phiên dịch. Trong lịch sử phiên dịch của Trung Quốc, từ xưa đến nay chưa từng có hiện tượng như vậy, chưa từng thấy qua một bộ Kinh có mười hai lần phiên dịch. Bộ “Kinh Kim Cang” là phổ biến nhất, có sáu lần phiên dịch. “Kinh Vô Lượng Thọ” được dịch 12 lần. Mười hai lần phiên dịch thì đương nhiên có 12 loại bản dịch khác nhau, chắc chắn là như vậy. Nhưng ngày xưa chưa có phát minh ra kỹ thuật in ấn, cho nên bổn Kinh đều là chép bằng tay. Kinh điển viết tay thì có giới hạn, cho nên những lúc động loạn thì rất dễ thất lạc. Mãi cho đến ngày nay, bản phiên dịch gốc, mười hai loại nguyên bản phiên dịch vốn có thì đã bị thất lạc hết bảy bản, hiện nay chỉ còn lưu truyền lại năm loại. Chúng ta thấy ở trong “Đại Tạng Kinh” có năm loại nguyên bản phiên dịch khó đọc, đọc không dễ nên chúng ta không muốn học tập, cho nên chỉ học “Kinh A Di Đà”. “Kinh A Di Đà” là do Đại Sư Khưu Ma La Thập phiên dịch. Đại Sư La Thập Ngài là dùng ý để dịch, là dịch theo ý nghĩa của nguyên văn, không dịch theo văn tự, cho nên chúng ta đọc rất là xuôi, rất là dễ đọc. Đạo lý là ở chỗ này. Nhưng Thế giới Tây Phương Cực Lạc được giới thiệu tường tận vẫn là ở trong “Kinh Vô Lượng Thọ”. Cổ nhân xét thấy điều này nên mới dùng cách hội tập.

Lần hội tập đầu tiên là do cư sĩ Vương Long Thư đời nhà Tống. Bản hội tập của ông được gọi là “Đại A Di Đà Kinh”. Bản hội tập này được hội tập cũng khá, được đưa vào trong “Long Tạng”.  Phàm là Kinh điển được đưa vào trong “Đại Tạng Kinh” đều là đã được công nhận. Nhưng cả cuộc đời của cư sĩ Vương Long Thư chỉ thấy được có bốn bản phiên dịch, bộ “Vô Lượng Thọ Hội” ở trong “Kinh Đại Bảo Tích” thì ông chưa từng thấy qua, vì vậy bản hội tập của ông vẫn chưa hoàn chỉnh, vẫn còn thiếu sót.

Mãi cho đến đời nhà Thanh, giữa năm Hàm Phong, cư sĩ Ngụy Nguyên làm hội tập lần thứ hai. Bản hội tập của cư sĩ Ngụy Nguyên đương nhiên là vượt trội hơn bản của Vương Long Thư, cho nên mới nói bản sau hay hơn bản trước. Nhưng bản hội tập này của ông vẫn còn có chỗ thiếu sót. Thiếu sót ở chỗ nào? Là lấy bỏ không thỏa đáng. Bản hội tập này số lượng lưu truyền không lớn lắm.

Vào khoảng năm Dân Quốc thứ 12, cư sĩ Hạ Liên Cư làm hội tập lần thứ ba. Hiện nay chúng ta chính là dùng bản hội tập này. Bản hội tập này rất hay, chúng ta vừa xem liền sanh tâm hoan hỷ. Tại sao vậy? Vì dễ hiểu, khi tụng thì dễ dàng, không cảm thấy khó khăn, dù bạn không có nghe giảng nhưng khi bạn tụng thì cái nghĩa tổng thể đều có thể hiểu được. Điều này có lợi ích rất lớn, vô cùng hiếm có.

Năm xưa tôi ở Đài Trung, lão sư Lý đưa cho tôi quyển này, tôi vừa xem thì vô cùng hoan hỷ. Lão sư ở Đài Trung đã giảng qua một lần, hơn nữa lão sư có làm chú giải và ghi chú ở bên lề. Bản hội tập này lão sư giao cho tôi, hiện nay tôi vẫn còn lưu giữ, thật là chẳng dễ dàng gì mà gặp được bản hội tập hay như vậy. Người trong đời này của chúng ta có phước. Vậy mà hiện nay vẫn có nhiều người hoài nghi. Nhưng chuyện hoài nghi, chư vị đồng tu phải có trí huệ, tuyệt đối đừng để mắc bẫy. Họ phản đối bản hội tập, trên thực tế hoàn toàn không phải là do bản hội tập không hay mà họ phản đối, mà họ có mục đích khác, mục đích này của họ là phản đối tôi. Ngạn ngữ có nói cây to thì đón gió lớn, cũng chẳng có cách nào để tránh khỏi. Cái số mạng này của tôi là bị đố kỵ, từ lúc nhỏ đi học cũng bị đố kỵ, cuộc đời này chẳng có cách nào thoát khỏi sự đố kỵ chướng ngại, cũng là do nguyên nhân này mà ra. Chúng ta không nên mắc bẫy. Bản hội tập này thật sự là hay.

Trước đây tôi ở Miami nước Mỹ. Ở bên đó có một hội Phật giáo do cư sĩ Tăng Hiến Vỹ làm Hội trưởng. Ông mời tôi qua đó giảng Kinh một tuần lễ. Lúc đầu tôi chuẩn bị đề tài để giảng là “Đại ý của Kinh Địa Tạng”. Kết quả là khi đến đó thì nhìn thấy ngồi nghe giảng ở bên dưới có rất nhiều người Mỹ, đều là người địa phương, nhiều như vậy thật là hiếm có. Cư sĩ Tăng Hiến Vỹ làm phiên dịch cho tôi. Tôi nói với ông ấy, chúng ta phải thay đổi chủ đề giảng, tạm thời đổi chủ đề khác. Ông ấy hỏi giảng chủ đề gì? Tôi nói “Nhận Thức Phật Giáo”. Chủ đề này là cho những người mới bắt đầu học, giảng đại ý Kinh Địa Tạng thì đối với họ sẽ không khế cơ, tạm thời đổi chủ đề mà giảng “Nhận Thức Phật Giáo”. Hiện nay các bạn nhìn thấy quyển sách “Nhận Thức Phật Giáo” chính là lúc đó thu âm ghi lại. Giảng tổng cộng 7 ngày, 14 tiếng đồng hồ. Giảng 14 tiếng đồng hồ nhưng trên thực tế chỉ giảng có 7 tiếng đồng hồ, vì thời gian phiên dịch hết phân nửa rồi.

Cư sĩ Tăng Hiến Vỹ sống ở Miami. Ông ấy nói với tôi, Miami là trung tâm mua bán ma túy, thành phố này rất là phức tạp, là nơi rồng rắn sống chung, tình hình tôn giáo cũng rất phức tạp, đích thực là có những người có đặc dị công năng. Người thế gian gọi là đặc dị công năng, trong Phật pháp thì gọi là thần thông. Có mấy vị thật sự là có năng lực này, họ đều là người Mỹ, không phải là người Hoa.

Trước khi tôi đi qua bên đó, Kinh sách kết pháp duyên chúng tôi đã gửi đi trước, cũng có bản hội tập này. Trong quyển sách này, phía trước có một tấm hình của cư sĩ Hạ Liên Cư, hình như tôi nhìn thấy trên quyển hội tập này ở trong đó có một tấm hình. Những người Mỹ đó là những người có thiên nhãn thông. Sau khi họ xem tấm hình này, họ liền nói với cư sĩ Tăng Hiến Vỹ là người này không phải là người thông thường. Cư sĩ Tăng Hiến Vỹ hỏi họ, tại sao người này không phải là người thông thường? Họ trả lời, bởi vì thân thể của ông ấy là trong suốt. Họ chỉ xem qua tấm hình chứ chưa nhìn thấy người này ở ngoài, họ nói người này thân thể trong suốt.  Sau này Tăng cư sĩ kể câu chuyện này cho tôi.

Họ nói cái thân thể trong suốt, chúng ta có thể tin được. Từ chỗ nào mà chúng ta có thể tin tưởng được? Thân thể của chúng ta vì sao không trong suốt? Vì vọng niệm quá nhiều, bị nhiễm ô quá nhiều, cho nên thân thể của chúng ta không trong suốt. Nếu như bạn thật sự buông bỏ được tự tư tự lợi, buông bỏ danh vọng lợi dưỡng, buông bỏ tham sân si mạn, thì thân thể của bạn trong suốt. Những người ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc thì thân thể trong suốt, “cái thân thanh hư, cái thể vô cực”, đương nhiên là trong suốt, giống như là chúng ta nhìn vào thủy tinh vậy. Thủy tinh thì vẫn còn là một dạng hình thể, còn thân thể của Ngài thì không phải có, cũng chẳng phải không, vi diệu vô cùng, cho nên họ nói thân thể của lão cư sĩ Hạ Liên Cư là trong suốt. Hơn nữa, họ còn khẳng định là người này đã qua đời rồi. Lời họ nói hoàn toàn chính xác. Cư sĩ Tăng Hiến Vỹ kể câu chuyện này cho tôi, sau khi tôi nghe xong thì rất là hoan hỷ.

Nhiều năm sau, tôi mới quen được lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ. Từ chỗ của cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, tôi cũng biết thêm một chút tin tức, nhưng mà cuối cùng thân phận của lão cư sĩ Hạ Liên Cư như thế nào chúng tôi cũng không biết. Cư sĩ Hoàng Niệm Tổ thì biết, nhưng ông không nói, lúc đó ông có nói là hiện tại không thể nói được. Hiện nay thì ông đã vãng sanh rồi, vậy là vĩnh viễn không thể nói. Bởi vì hoàn cảnh lúc đó có can hệ, cho nên sợ rằng sau khi ông nói ra, người ta sẽ nói là ông dùng lời tà mê hoặc mọi người.

Nhưng chúng ta từ trong Kinh này có thể nhìn thấy, ba loại bản hội tập này chúng ta đem so sánh thì sẽ nhìn ra. Cư sĩ Vương Long Thư và Ngụy Mạc Thâm đều có thể nói là những vị học Phật thâm sâu, đặc biệt là cư sĩ Vương Long Thư, lúc vãng sanh ông đứng mà ra đi. Đó không phải là người thông thường. Công việc như thế này có liên quan đến sự truyền thừa chín ngàn năm đời Mạt Pháp của Tịnh Tông, nếu như không có một bản hoàn chỉnh thì làm sao được chứ? Cho nên những người làm công việc này, chúng ta hãy nghĩ xem, Phật A Di Đà từ bi, Ngài đã tự thân đến. Phật Di Đà không đến thì Bồ Tát Quan Âm nhất định sẽ đến. Giống như Đại Sư Ngẫu Ích vậy, thân phận của Đại Sư Ngẫu Ích cũng không có bộc lộ.

Bạn xem, Ngẫu Ích Đại Sư làm chú giải “Kinh Di Đà Yếu Giải”, phân lượng không nhiều, Đại Sư Ấn Quang đối với Yếu Giải lại tán thán là cho dù cổ Phật tái lai có làm chú giải cho Kinh Di Đà cũng không thể vượt qua Ngài. Chúng ta đều biết, Đại Sư Ấn Quang là Bồ Tát Đại Thế Chí tái lai, hình tượng của Ngài là cả một đời tự hành hóa tha, chúng ta đem Đại Thế Chí niệm Phật viên thông chương ra đối chiếu thì thật là như nhau. Bồ Tát Đại Thế Chí đối với Yếu Giải tán thán như vậy, chúng ta nghĩ xem, Đại Sư Ngẫu Ích nếu không phải là Bồ Tát Quán Thế Âm tái lai thì chắc chắn là A Di Đà Phật tái lai. Bồ Tát Đại Thế Chí đối với Ngài tán thán như vậy, vì đích thật là có rất nhiều chú giải của Tổ sư Đại đức từ xưa đến nay đều không nói ra nhưng Đại Sư Ngẫu Ích thì đã nói ra. Câu nói quan trọng nhất là “Phát bồ đề tâm, nhất hướng chuyên niệm”. Đây là “Kinh Vô Lượng Thọ” nói. Bạn xem, tam bối vãng sanh ở trong chương này, bất luận là thượng bối, trung bối hay hạ bối cho đến những người tu học Phật pháp Đại thừa khác, muốn cầu sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc thì điều kiện đầu tiên là phải phát tâm Bồ Đề, nhất hướng chuyên niệm.

Nhưng chúng ta nhìn thấy có rất nhiều ông lão bà lão sống ở vùng thôn quê, các ông các bà không biết chữ, các ông bà cũng chẳng nghe Kinh, chỉ niệm một câu Phật hiệu này, lúc ra đi thì lại có thể đứng mà ra đi, ngồi mà ra đi, tướng lành hiếm gặp. Họ chưa có phát tâm Bồ Đề, căn bản là họ không hiểu được cái gì là tâm Bồ Đề, tại sao họ có thể vãng sanh? Không biết bao nhiêu người có sự nghi hoặc này. Trong Yếu Giải của Đại Sư Ngẫu Ích đã nói ra, giúp chúng ta hiểu được.

Ngài nói như thế nào? Chỉ cần bạn một lòng một dạ mong cầu vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc, cái tâm này chính là tâm vô thượng Bồ Đề. Điều này xưa nay chưa có ai nói qua. Chúng ta tỉ mỉ mà nghĩ, là đúng chẳng có sai. Ai có thể phát cái tâm này? Không phải là chuyện dễ dàng. Cho nên Ngài có nói, có thể vãng sanh hay không quyết định là ở tín nguyện có hay không. Tin sâu nguyện thiết chính là tâm vô thượng Bồ Đề.

Trong bốn mươi tám nguyện này thì nguyện thứ 19 là phát tâm Bồ Đề, nguyện thứ 18 là nhất tâm chuyên niệm. Hiện nay mọi người xem nguyện thứ 18 là bổn nguyện. Cổ Đại đức cũng đã từng nói qua, chẳng có sai, nhưng nếu bạn không phát Bồ Đề tâm thì không được. Bạn suốt cả ngày từ sáng đến tối niệm A Di Đà Phật, một ngày niệm mười vạn tiếng nhưng hiện tiền không buông bỏ được mọi thứ ở thế gian này thì không thể được, điều này không thể vãng sanh. Tin sâu nguyện thiết, vạn duyên buông xuống. Bạn thật sự hiểu rõ ràng, hiểu tường tận Kinh này rồi thì trong tâm của bạn luôn hướng về Thế giới Tây Phương Cực Lạc, luôn mong cầu sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc, chân thật là trong một đời này của chúng ta luôn xem đây là một mục tiêu duy nhất, một phương hướng duy nhất, những thứ khác thì ta chẳng cần, ta chuyên tưởng nhớ đến chuyện vãng sanh, chỉ có ý niệm này thì cái ý niệm này chính là tâm vô thượng Bồ Đề. Cho nên chúng ta nghĩ xem, lời nói của Đại Sư Ngẫu Ích chẳng có sai. Trước đây chúng ta chưa có nghĩ đến.

Phàm là người thật sự niệm Phật cầu vãng sanh, đa số là người rất khổ, người nghèo khó, ở thế gian này họ chẳng có phước báo, họ sống cuộc đời nghèo khổ, khiến cho họ đối với thế gian này chẳng có một chút lưu luyến nào. Cho nên ở trong Kinh Phật có nói: “Giàu sang học đạo khó”. Giàu sang chính là cuộc sống vật chất của họ sung sướng, dù là bạn có nói với họ Thế giới Cực Lạc nhưng Thế giới Cực Lạc đối với họ quá mù mịt, ở trước mắt họ hưởng thụ vật chất quá vui sướng, ở nơi đây họ vẫn không ngừng mong cầu thêm, không thể buông xả được, đối với việc cầu sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc họ chẳng có xem trọng. Cho nên chúng ta nhìn thấy những người niệm Phật thật sự được vãng sanh, rất nhiều người đều có cuộc sống rất là nghèo khó, nhưng ngược lại thì họ dễ thành tựu.

Trong thời cận đại, Pháp sư Đạm Hư thường nói với chúng ta, Ngài nói rất là nhiều, đó cũng là khuyến khích cho chúng ta. Lão Hòa thượng Đế Nhàn là thầy của Pháp sư Đạm Hư. Lão Hòa thượng Đế Nhàn có một vị đệ tử tham thiền, cũng có một vị đệ tử niệm Phật. Vị đệ tử niệm Phật xuất thân là thợ vá nồi, chỉ niệm Phật có ba năm thì đã thành công, ông đứng mà vãng sanh. Sau khi vãng sanh vẫn còn đứng đó ba ngày, đợi Lão Hòa thượng giúp ông lo chuyện hậu sự. Chúng ta thấy người chết đứng ba ngày, điều này chẳng đơn giản. Chuyện này là có thật, không phải giả.

Năm xưa ở chùa Cực Lạc ở Ha Nhĩ Tân có Pháp sư Tu Vô vãng sanh. Lúc chưa xuất gia, Pháp sư làm nghề thợ hồ. Ngài không biết chữ, cuộc sống rất là cực khổ, cho nên Ngài đã xem nhẹ thế duyên, tất cả đều buông bỏ hết. Bình thường Pháp sư ở trong chùa làm công quả. Làm công quả là tu phước báo, tiêu nghiệp chướng, cho nên lúc Pháp sư vãng sanh rất tự tại. Phước báo cũng hại con người, nhưng mọi người chẳng biết, cho nên không thể không đề cao cảnh giác. Con người chúng ta không thể không tu phước. Tu phước nhưng nhất định không hưởng phước. Tu phước mà bạn hưởng phước thì bạn sai rồi. Phước báo hãy để cho người khác hưởng, tự mình thành tựu đức hạnh của chính mình, thành tựu đạo nghiệp của chính mình. Chỉ cần sanh về Thế giới Tây Phương Cực Lạc, thân cận A Di Đà Phật, đây chính là đại thiện tri thức bậc nhất của thế xuất thế gian.

Chư vị đồng tu, tôi nhìn thấy mọi người cũng rất là cảm động, từ Trung Quốc xa xôi như vậy vẫn đến nơi đây, hy vọng một lần gặp mặt tôi. Tôi thì hy vọng mọi người nên chuyển cái ý niệm này, không nên gặp tôi, chúng ta hãy gặp A Di Đà Phật. Nhất tâm nhất ý cầu sanh Tịnh Độ, thân cận Di Đà, như vậy mới chính xác, chân thật thành tựu, thành tựu không thể nghĩ bàn.

Chúng ta cầu sanh Tịnh Độ, chúng ta phải ghi nhớ, ở trong Kinh Phật thường hay nói, tâm tịnh thì cõi Phật tịnh. Tâm của chúng ta phải thuần tịnh, hạnh của chúng ta phải thuần thiện. Tịnh sanh huệ, thiện sanh phước. Thuần tịnh thuần thiện, phước huệ song tu chính là chúng ta cầu sanh Tịnh Độ, như vậy bạn thật sự nắm chắc phần vãng sanh. Mỗi ngày phải đọc Kinh, nếu như có cơ hội, tốt nhất là thường nghe Kinh. Thật sự phải hiểu rõ những đạo lý ở trong Kinh. Những lời giáo huấn của Phật, Bồ Tát ở trong Kinh, cả thảy chúng ta đều phải áp dụng. Một bộ Kinh thì không thể nghĩ bàn, không nên học quá nhiều Kinh. Học quá nhiều thì sao? Bạn sẽ bị tạp loạn, ít ra cũng bị ảnh hưởng đến phẩm vị vãng sanh của bạn. Đây là sự thật. Vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc bạn có thể đạt được, nhưng mà phẩm vị cao đã bị sự tạp loạn chướng ngại mất rồi. Cho nên cổ Đại đức của Tịnh Tông có vị cả một đời chỉ thọ trì một bộ Kinh, không bao giờ thay đổi. Các Ngài tự mình tu học một bộ Kinh, giảng Kinh cũng chỉ giảng có một bộ. Một bộ Kinh A Di Đà giảng hai - ba trăm lần. Ở chỗ nào thỉnh các Ngài đi giảng, các Ngài cũng chỉ giảng một bộ Kinh này. Phương pháp này rất hay, vô cùng thích hợp cho xã hội hiện nay của chúng ta. Cho nên tôi cũng thường khuyến khích các đồng tu chỉ tu học giống như vậy, cả một đời chỉ giảng một bộ Kinh, không nên xen tạp. Bạn đã thật sự thông hiểu rồi, chuyên tâm chỉ giảng bộ Kinh này, sẽ có người mời bạn. Ở nơi này thỉnh bạn giảng, bộ Kinh này giảng hết một tháng thì xong, ở nơi khác lại có người thỉnh bạn. Ở Trung Quốc có khoảng một - hai ngàn huyện thị, bạn giảng đến một trăm tuổi cũng giảng chưa xong, cũng chưa đi hết một vòng, bạn nói thử thật thoải mái biết bao! Đi khắp nơi làm khách, không cần làm chủ. Làm chủ thì rất mệt, làm khách thì rất thoải mái, vậy là bạn tự tại biết bao. Thật sự là buông bỏ vạn duyên, sống cuộc đời vân du, thật là đại tự tại. Không nên xen tạp quá nhiều. Xen tạp nhiều thì rất mệt, xen tạp nhiều thì khó tiêu hóa, thì giảng không hay. Một bộ Kinh càng giảng thì càng thâm nhập, giảng nhiều lần rồi thì tự nhiên nhập vào cảnh giới, thì được niệm Phật tam muội.

Phật pháp hiện nay xác thực là ở trong thời kỳ nguy cấp của sự sống còn, chính là người chân thật học giáo thì ít, người chân thật hoằng pháp cũng ít. Không có người nghiên cứu, không có người giảng giải, Phật pháp tự nhiên sẽ tiêu mất, Kinh điển tuy còn ở thế gian nhưng chỉ được xem như là đồ cổ. Bạn nói xem, có đáng tiếc hay không!

Thực tại mà nói, học tập thực sự là không khó, chỉ là “một môn thâm nhập, huân tu lâu dài”. Chính là ở nơi đạo tràng Tịnh Tông này của chúng ta chỉ giảng một bộ Kinh, bộ Kinh này giảng từ đầu đến cuối, giảng xong thì lại bắt đầu giảng lại từ đầu. Mỗi lần giảng là khác nhau, người giảng thì không biết chán, người nghe thì không biết mệt. Tại sao vậy? Vì mỗi lần giảng đều là khác nhau, nếu giảng giống nhau, người nghe được hai lần thì không muốn nghe nữa. Mỗi lần giảng đều khác nhau. Tại sao mỗi lần giảng đều khác nhau? Vì cảnh giới của chính mình đã được nâng cao. Chỉ có thâm nhập một môn, hơn nữa là phải y giáo phụng hành, điều này là quan trọng hơn hết. Không thể chỉ nói mà không làm. Chỉ nói mà không làm thì bạn chẳng có cách nào nâng cao cảnh giới của mình. Người thời xưa làm được rồi mới nói, họ làm trước, sau đó mới nói. Hiện nay chúng ta nói trước rồi sau đó mới làm được, như vậy thì cũng khá lắm rồi. Không thể nói mà làm cũng không được, hoặc chỉ nói mà không làm được thì cũng là vô ích. Chỉ nói mà không làm thì đối với bản thân chúng ta mà nói, cảnh giới của bạn vĩnh viễn dừng lại ở một chỗ. Thực tại mà nói là không phải ngừng ở chỗ đó, nó không thể nâng cao mà còn bị hạ xuống thấp, bị thoái chuyển, thoái chuyển rất nhanh. Đặc biệt là sức cám dỗ của xã hội này quá lớn, có mấy ai chịu được sự cám dỗ này? Chịu không nổi thì thoái chuyển rất nhanh.

Một khi đã thoái chuyển thì đọa ba đường ác. Hay nói cách khác, bạn không thể sanh về Thế giới Tây Phương Cực Lạc thì bạn sẽ đọa vào ba đường ác. Nếu muốn giữ được cái thân trời người này thì không phải là chuyện dễ dàng. Điều này ở trong Kinh giáo Đại thừa, Phật đã nêu lên rất nhiều thí dụ. Sau khi thân người mất đi rồi, muốn được thân người thì chẳng dễ dàng gì. Chúng ta đọc ở trong Kinh, Phật có dạy cho chúng ta, để được thân trời người thì phải tu nghiệp nhân gì mới có thể đạt được? Bản thân chúng ta bình tĩnh mà phản tỉnh thì liền biết được. Nhân đạo được thân người là tu ngũ giới cộng thêm trung phẩm thập thiện nghiệp đạo. Chúng ta hãy nghĩ xem, chúng ta có thể làm được không?

Thập thiện nghiệp là không sát sanh, không trộm cắp, các đồng tu tại gia thì không tà dâm, không vọng ngữ, không nói hai lời, không nói lời ác, không ỷ ngữ, không tham, không sân, không si, bạn có thể làm được hay không? Ba phẩm thượng, trung, hạ thập thiện nghiệp đạo thì trung phẩm nếu như tính theo số điểm cũng là gần bảy - tám mươi điểm. Bạn có thể đạt được mức độ này hay không? Ngũ giới thì phải thanh tịnh, đời sau mới có thể đạt được thân người, không mất đi thân người. Nếu như muốn sanh lên trời thì phải đạt thượng phẩm thập thiện, hay nói cách khác, thập thiện nghiệp đạo ít nhất bạn phải đạt được chín mươi lăm điểm thì bạn mới có thể sanh lên được cõi trời Dục Giới. Như vậy thì thật là khó, không phải là chuyện dễ. Phải đoạn ác tu thiện, sửa đổi bản thân mình. Nếu như muốn lên cao hơn nữa, muốn sanh lên cõi trời Tứ Thiền thì phải tu định. Trên thực tế, từ cõi trời Dục Giới Dạ Ma trở lên đều phải dựa vào tu định. Chúng ta thông thường không phải tu định, mà là tu tâm thanh tịnh. Tâm của bạn phải thanh tịnh hơn người thường. Mức độ thanh tịnh càng cao thì bạn sanh lên tầng trời càng cao, như Dạ Ma, Đâu Suất, Hóa Lạc Thiên, Tha Hóa Tự Tại Thiên thật sự đắc thiền định. Chúng ta nói đắc sơ thiền thì bạn sanh lên trời Sắc Giới. Đây không phải là chuyện dễ, thật sự là quá khó. Vì vậy chúng ta mới đi con đường dễ dàng này.

Nhưng con đường dễ đi này tuyệt đối phải ghi nhớ, không phải trong sự tưởng tượng của bạn là nó quá dễ dàng. Nó dễ dàng là khi đem so với các con đường khác. Nó dễ ở chỗ nào? Là được đem theo nghiệp, hay nói cách khác, một phẩm phiền não chưa đoạn thì cũng không sao, chỉ cần bạn có thể đè phục được phiền não. Việc này mọi người tuyệt đối đừng có sơ suất, mang nghiệp không phải mang nghiệp hiện tại, hay nói cách khác, chỉ mang nghiệp cũ, không thể mang nghiệp mới. Hiện hành là hiện tại tạo tác, điều này thì không thể.

Chúng tôi lúc nào cũng hy vọng các đồng tu thật sự phát nguyện, hiện tại tuy là chúng ta còn ở thế gian này, nhưng mà ở Thế giới Cực Lạc đã ghi tên rồi, đã đăng ký vào sổ rồi. Khẳng định là đạt được. Có thể vãng sanh hay không đều là do tín tâm. Chúng ta có tín tâm, có nguyện tâm, Đại Sư Ngẫu Ích nói, khẳng định là được vãng sanh. Có tín, có nguyện thì đã đăng ký ghi tên rồi. Hiện tại chúng ta chỉ thiếu hạnh là sự công phu. Hành thì chú trọng nơi tâm thanh tịnh, chú trọng việc đoạn ác tu thiện, chú trọng ở việc xả mình vì người, thì bạn không còn chướng ngại nữa, bạn sẽ tự tại mà vãng sanh. Sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc như trong Kinh đã nói với chúng ta: “Chỉ có âm thanh khoái lạc tự nhiên”, vĩnh viễn lìa xa các sự khổ.

Phẩm Kinh “Tuyền Trì Công Đức” này chúng tôi xin giới thiệu đến đây, các vị xem tiếp phẩm tiếp theo: “Siêu Thế Hy Hữu”.

Phẩm “Siêu Thế Hy Hữu” này là nói với chúng ta về chánh báo. Phẩm trước là nói với chúng ta về hoàn cảnh cuộc sống. Hoàn cảnh rất là tốt đẹp, lục trần thuyết pháp, hy hữu chẳng gì bằng. Hy vọng chúng ta trong đời này phải chứng được. Tín giải hành chứng, phải chứng được mới không phụ lòng A Di Đà Phật, không phụ lòng Thích Ca Mâu Ni Phật vì chúng ta mà giới thiệu.

Được rồi, hôm nay chúng tôi xin giảng đến đây.

A Di Đà Phật!

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 294)

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Thời gian: Khởi giảng năm 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây Cư Sĩ, Mộ Tịnh Cư Sĩ, Phước Tịnh Cư Sĩ