Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 256)

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 256)
**************** Khoa hội "Tâm Phật Nan Tư". Kinh văn: "Chúng sanh nghiệp báo diệc bất khả tư nghì, chúng sanh thiện căn bất khả tư nghì, chư Phật thánh lực, chư Phật thế giới diệc bất khả tư nghì". Lần trước giảng đến "chúng sanh nghiệp báo bất khả tư nghì". Hôm nay chúng tôi tiếp tục xin chia sẻ với chư vị: "Chúng sanh thiện căn bất khả tư nghì". Nghiệp báo là hiện tượng vô cùng đáng sợ. Nếu chúng ta để ý sơ tin tức thời sự, mỗi ngày ở trên báo chí truyền hình, tin tức phát thanh, thì có thể nhìn thấy được hiện tượng nghiệp báo bất khả tư nghì. Điều này phải là người học Phật mới có thể nhìn ra được. Người không học Phật chỉ nhìn thấy sự động loạn bất an của xã hội, có thể cảm nhận vấn đề phức tạp của xã hội, nhưng để có thể nhìn thấy được nghiệp báo thì phải có sự khế nhập tương đối ở trong Phật pháp, điều này mới có thể thấu hiểu tình trạng của xã hội. Chỉ có thật sự triệt để hiểu rõ, mới biết làm thế nào để giải quyết vấn đề. Căn cứ lý luận để giải quyết vấn đề phức tạp của xã hội chính là hai câu: "Chúng sanh thiện căn, chư Phật thánh lực", chính là hai câu này. Nhưng nếu như không biết thiện căn của chúng sanh, không biết bằng cách nào để tăng trưởng thiện căn của chúng sanh, làm tăng trưởng thiện căn chúng sanh,

****************

Khoa hội "Tâm Phật Nan Tư".  

Kinh văn: "Chúng sanh nghiệp báo diệc bất khả tư nghì, chúng sanh thiện căn bất khả tư nghì, chư Phật thánh lực, chư Phật thế giới diệc bất khả tư nghì".

Lần trước giảng đến "chúng sanh nghiệp báo bất khả tư nghì". Hôm nay chúng tôi tiếp tục xin chia sẻ với chư vị: "Chúng sanh thiện căn bất khả tư nghì".

Nghiệp báo là hiện tượng vô cùng đáng sợ. Nếu chúng ta để ý sơ tin tức thời sự, mỗi ngày ở trên báo chí truyền hình, tin tức phát thanh, thì có thể nhìn thấy được hiện tượng nghiệp báo bất khả tư nghì. Điều này phải là người học Phật mới có thể nhìn ra được. Người không học Phật chỉ nhìn thấy sự động loạn bất an của xã hội, có thể cảm nhận vấn đề phức tạp của xã hội, nhưng để có thể nhìn thấy được nghiệp báo thì phải có sự khế nhập tương đối ở trong Phật pháp, điều này mới có thể thấu hiểu tình trạng của xã hội. Chỉ có thật sự triệt để hiểu rõ, mới biết làm thế nào để giải quyết vấn đề. Căn cứ lý luận để giải quyết vấn đề phức tạp của xã hội chính là hai câu: "Chúng sanh thiện căn, chư Phật thánh lực", chính là hai câu này. Nhưng nếu như không biết thiện căn của chúng sanh, không biết bằng cách nào để tăng trưởng thiện căn của chúng sanh, làm tăng trưởng thiện căn chúng sanh, vấn đề này vẫn còn giải quyết chưa dứt, cho nên nói đến chỗ này thì thật sự là khó. Khi Đức Phật còn tại thế, vấn đề xã hội vào thời đó không có nghiêm trọng như ngày hôm nay. Thích Ca Mâu Ni Phật có giúp đỡ xã hội giải quyết vấn đề một cách viên mãn hay không? Tôi nghĩ là các vị đồng tu đều sẽ lắc đầu, Thế Tôn không có giải quyết một cách viên mãn. Thí dụ rõ ràng nhất chính là dòng tộc Thích Ca bị vua Lưu Ly tiêu diệt, Đức Phật tuy cũng có dùng đủ mọi biện pháp, cuối cùng vẫn không thể cứu được. Các vị đệ tử thỉnh giáo với Đức Phật, Đức Phật trả lời rằng: "Chúng sanh nghiệp báo bất khả tư nghì". Dòng tộc Thích Ca và vua Lưu Ly nhiều đời nhiều kiếp trước đã kết oán thù. Đức Phật tuy là có trí huệ, có năng lực, nhưng không thể chuyển được định nghiệp của chúng sanh.

Định nghiệp của chúng sanh có thể chuyển được hay không? Khẳng định rằng là được. Phải là ai chuyển? Phải do chính chúng sanh chuyển, người nào gây ra thì tự người đó giải quyết. Đức Phật không có cách, không thể giúp họ chuyển. Nếu như Đức Phật có thể giúp chúng sanh chuyển định nghiệp, thì tội nghiệp mà chúng sanh chúng ta tạo ra, thật sự Đức Phật đều sẽ giúp cho chúng ta, chúng ta sẽ không phải thọ nhận quả báo. Đức Phật nói lời chân thật, không gạt chúng sanh. Đức Phật không có năng lực. Tâm Phật và chúng sanh, cái năng lực này là bình đẳng. Năng lực của tâm, trong "Kinh Hoa Nghiêm" nói rất là hay: "Hư không pháp giới, quốc độ chúng sanh, duy tâm sở hiện, duy thức sở biến". Đây là nói tâm lực bất khả tư nghì.

Phật lực bất khả tư nghì, dưới đây nói "Chư Phật thánh lực". Năng lực của Phật từ chỗ nào đến vậy? Đối với sự thật này, chúng tôi dùng thuật ngữ trong Kinh Phật để giảng. Tánh tướng, lý sự, nhân quả Ngài đều triệt để hiểu rõ, Ngài đương nhiên có cách để mà chuyển, nhưng khi chúng sanh không thể tiếp nhận thì Phật không giúp được. Nếu như chúng sanh đối với sự giáo huấn của Phật có thể tin, có thể giải, có thể hành, thì thánh lực của Phật có thể giúp đỡ được. Nếu như chúng sanh không tin tưởng, không thể nào thâm giải, lại không thể phụng hành, Phật tuy là có năng lực cũng không giúp đỡ được. Đạo lý này chúng ta phải hiểu. Tai nạn ở thế gian là có thật, hơn nữa tai nạn này e rằng không có cách nào tránh khỏi, biện pháp duy nhất của chúng ta là cầu tự độ. Điều này là quan trọng hơn tất cả. Gặp phải tai nạn rồi, chúng ta đừng có sợ, đừng có hoảng hốt, vào lúc này chúng ta sẽ vãng sanh Phật Tịnh Độ, vậy là sự việc của chúng ta sẽ ổn thỏa, vấn đề của bản thân sẽ được giải quyết một cách viên mãn. Nhất định phải tin tưởng.

Trong tất cả các Kinh điển, Đức Phật tha thiết khuyên nhủ chúng ta "nhân quả thông ba đời". Nhất định phải tin tưởng, tin tưởng Thích Ca Mâu Ni Phật mỗi mỗi câu nói đều là thật, giống như trong "Kinh Kim Cang" đã nói: "Như Lai thị chân thật giả, thật ngữ giả, như ngữ giả", nhất định là không có vọng ngữ. "Như ngữ" là: chân tướng sự thật như thế nào, Ngài  thuyết pháp như thế đó, Ngài chẳng nói thêm một tý nào, cũng chẳng giảm bớt chút nào, nó như thế nào thì nói như thế ấy, không tăng không giảm, đó gọi là như ngữ. Trong Kinh luận, Đức Phật nói với chúng ta quá nhiều quá nhiều về sự báo ứng của nhân quả, chúng ta nên nhớ cho thật kỹ càng. Sinh mạng là vĩnh hằng, thân thể thì ngắn tạm, điều này dù sao cũng phải hiểu rõ. Chúng ta tu là phải tu cái vĩnh hằng, chúng ta không phải là tu ngắn tạm, nhất định phải tu vĩnh viễn, đây là nhà Phật thường nói "tu học những cái mà có thể mang theo được", mang đi không được thì bạn học nó để làm gì. Mang đi theo được, cái cảnh giới này hiện ngay ở trước chúng ta là "nghiệp". Tác thân khẩu ý của chúng ta tạo tác gọi là nghiệp. Ác nghiệp mang theo kiếp sau sẽ chiêu cảm quả báo khổ. Thiện nghiệp mang theo kiếp sau sẽ chiêu cảm quả báo thiện, nhưng đối với sự việc này Phật hoàn toàn không khuyến khích. Phật khuyến khích chúng ta tu tịnh nghiệp. Đây là trí huệ chân thật của Phật, là lòng từ bi vô tận. Tại sao vậy? Tịnh nghiệp ở trong lục đạo không có quả báo, quả báo ở Tây Phương Cực Lạc Thế giới. Chúng ta phải hiểu điều này.

Cái gì được gọi là tịnh nghiệp? Nói cách đơn giản nhất, đó là tâm thanh tịnh. Người mà biết tu tịnh nghiệp, người mà hiểu rõ được đạo lý thì tu ở chỗ nào? Ngay ở trong cuộc sống hàng ngày mà tu. Bạn ở trong cuộc sống, ở trong công việc, trong việc đối người tiếp vật, luôn luôn giữ cho tâm địa của bạn thanh tịnh, không bị nhiễm ô, đây gọi là tu hành. Có thể giữ gìn cho tâm địa thanh tịnh, theo người niệm Phật của chúng ta mà nói, đây chính là niệm Phật Tam Muội. Không phải là dạy chúng ta mắt không thấy, tai không nghe, mà sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần bên ngoài, chính là ở chỗ này mà tu hành, sửa chữa hành vi sai lầm của chúng ta. Chư vị đồng tu nhất định phải biết, tu hành không chỉ ở trong Kinh, tu hành nhất định phải tu trong cuộc sống.

Chúng ta ở trong cuộc sống hàng ngày, nhìn thấy sự việc vừa lòng hợp ý sẽ khởi lên tâm hoan hỷ, có tốt hay không? Không tốt. Tại sao vậy? Đã tạo nghiệp thiện rồi, quả báo của nghiệp này là phước báo trời người. Nếu nhìn thấy việc không vừa ý của mình thì sẽ động cái tâm sân hận, sẽ sanh phiền não, không được vui . Việc này sai rồi. Cái ý niệm bất thiện này sẽ gây ra chuyện gì? Sẽ dẫn đến quả báo tam ác đạo. Như vậy bạn mới hiểu được là chúng ta từ sáng sớm thức dậy đến buổi tối đi ngủ, trong khoảng thời gian này đã tạo ra bao nhiêu nghiệp? Khởi tâm động niệm, lời nói việc làm, bạn nói xem, đã tạo bao nhiêu nghiệp? Chúng ta từ lúc sinh ra cho đến khi lìa bỏ thế gian này, trong mấy chục năm này, ngày ngày cứ tạo nghiệp, cái nghiệp này bao nhiêu rồi? Tính không hết. Đức Phật lại nói với chúng ta, mỗi người chúng ta vẫn còn có đời quá khứ, đời quá khứ còn có đời quá khứ nữa, quá khứ vô thỉ, từ vô thỉ kiếp đến ngày nay, nghiệp mà chúng ta tích chứa, trong Kinh  Đức Phật có một thí dụ, may mà cái nghiệp này nó không có hình dáng, không có hình tướng; Đức Phật nói, giả dụ nghiệp đã tạo mà có hình dáng, có hình tướng, thì tận hư không khắp pháp giới đều chứa không hết. Lời nói này là thật, tuyệt đối không có nói quá. Cho nên vô lượng kiếp đến nay, tội nghiệp mà chúng ta đã tạo ra là vô lượng vô biên. Những nghiệp nhân này chính là tập khí kết tập ở trong A Lại Da Thức.

Tập khí này có ba loại, có thiện nghiệp, có ác nghiệp, cũng có tịnh nghiệp, cả ba loại đều có. Chư vị đồng tu chúng ta đang ngồi đây, nếu như không phải trong đời quá khứ đã tạo ra tịnh nghiệp và thiện nghiệp, thì bạn không thể ngồi ở chỗ này để mà nghe giảng Kinh hai giờ đồng hồ, ngồi không được đâu. Nếu bạn không tin thì hãy tìm người đang đi trên đường, bạn mời họ đến nơi đây ngồi hai giờ đồng hồ, tôi tin rằng họ chỉ ngồi được năm phút, họ sẽ chạy đi mất, ngồi không yên. Nguyên nhân này là sao vậy? Bên trong A Lại Da Thức, hạt giống tịnh nghiệp quá ít. Cho nên có thể ngồi ở nơi đây hai giờ đồng hồ, thì giống như là ở trong Kinh Phật thường tán thán: "Thiện căn sâu dày". Vậy chúng ta biết rằng rất nhiều người đều có thiện căn. Chúng tôi trước khi chưa tiếp xúc với Phật pháp cũng giống với những người thông thường này, đến chùa để ngồi hai giờ đồng hồ nghe Kinh, chúng tôi cũng ngồi không yên. Sau này tại làm sao mà ngồi được vậy? Tôi nghĩ mỗi vị đồng tu đều có kinh nghiệm này, cái thiện căn này cần phải bồi dưỡng, cần phải huân tu. Nếu như không có bồi dưỡng, không có huân tu, chúng tôi cũng thấy được không ít người lần đầu tiên tiếp xúc với Phật pháp, bạn bè giới thiệu cho họ đi nghe thử, ngồi xuống để nghe, họ nghe một cách rất hứng thú. Đây là người có thiện căn đặc biệt sâu dày, nếu như họ không có ác duyên đến quấy nhiễu, trong một đời này của họ khẳng định là sẽ được thành tựu. Tại sao vậy? Thiện căn quá sâu dày rồi. Cho nên, chúng ta biết làm thế nào để giúp tất cả chúng sanh khơi gợi ra cái thiện căn yếu ớt của họ, làm cho thiện căn của họ tăng mạnh lên. Cái này là công đức vô lượng. Người có đầy đủ thiện căn sâu dày phải giúp đỡ chúng sanh khổ nạn của thế gian này. Chúng sanh khổ nạn thì chiếm đa số, người có thiện căn tăng trưởng thì chiếm số ít. Trong quá khứ, khi tôi ở trên giảng đài, tôi đã dùng thí dụ để nói rõ hiện tượng này. Đặc biệt là xã hội hiện tại này của chúng ta, ở trên quả địa cầu này do sự phát triển của khoa học kỹ thuật, làm cho hình thái ý thức cách thức sống của chúng ta có thể nói đã làm thay đổi 180 độ. Lời giáo huấn của cổ Thánh tiên Hiền ngày nay có thể mở rộng hay không? Nếu như dùng phương pháp của các Đại đức ngày xưa, một mực không thay đổi, mà muốn mở rộng trong xã hội hiện nay thì khẳng định là làm không được, không có người đồng ý chịu tiếp nhận. Vậy phải làm bằng cách nào? Nhất định phải thông qua cách thức hiện đại hóa, làm cho con người ngày nay cảm nhận được sự ưa thích, âm thầm thay đổi, mới có thể nhận được kết quả. Điều này nhất định là khó độ, cho nên nhất định phải có trí huệ cao độ, phải có thiện xảo phương tiện cao độ, chúng ta mới có thể giúp được người khác.

Ở chỗ này, cái căn bản nhất, một nguyên lý nguyên tắc vĩnh viễn không thay đổi, nhất định phải tuân thủ, Thích Ca Mâu Ni Phật vì chúng ta mà đã thị hiện "Làm được rồi mới nói". Đây là một nguyên lý nguyên tắc vĩnh viễn không thay đổi, cũng chính là nói bản thân chúng ta phải làm được, tự mình làm không được hoặc chưa làm được, có sử dụng phương thức khéo léo như thế nào đều cũng không có cách làm cho người khác tin tưởng.

Phật dạy chúng ta không tham, chúng ta có làm được chưa? Đối tượng để tham quá nhiều, pháp Phật quy nạp chúng thành năm loại là tài-sắc-danh-thực-thùy, chúng ta có làm được hay không? Nếu như làm không được thì người ta sẽ không phục bạn. Tự mình trước tiên phải làm được, làm trước hãy nói. Năm xưa Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giáo hóa chúng sanh, bản thân Ngài làm được, trước tiên làm được, sau đó mới nói. Ngày nay Phật pháp của chúng ta đã suy, Phật pháp chẳng có cách, những điều tốt như thế, xác xác thực thực đối với xã hội này, đối với người thế gian khẳng định là có giúp đỡ. Giống như ngày xưa, Âu Dương Cánh Vô đã nói, Phật pháp không phải là tôn giáo, không phải triết học, mà là thứ ngày nay cần đến. Ông đã nói một cách khẳng định như vậy. Chư vị Đại đức đã lao tâm nhọc sức để tuyên dương, tại làm sao mà không thể có được kết quả vậy? Vì chúng ta đã làm ngược với nguyên tắc căn bản, bản thân mình không làm được tấm gương, tuy là nói hay, mọi người nghe qua thì rất thích, cũng tán thán, cũng cổ vũ, nhưng mà không thể làm theo. Tại sao vậy? Người nói được mà làm không được. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giáo hóa chúng sanh không chỉ bằng ngôn giáo, mà còn là thân giáo, ý giáo, tam luân giáo học, chân thật làm được vô tư vô ngã.

Rào cản đầu tiên khó khăn nhất của chúng ta ngày nay là "Ngã", tự tư tự lợi, khởi tâm động niệm đều là "lợi ích cho mình". Cái này là tiêu rồi. Chúng tôi khi ở trên giảng tòa thường xuyên nhắc nhở với các vị đồng tu, ý niệm "lợi ích cho mình" là của tâm luân hồi, nghiệp đã tạo bởi tâm luân hồi đều là nghiệp luân hồi, thiện căn tạo một chút thiện nghiệp, kiếp sau ở trong quả báo của ba đường thiện, chỉ có như vậy mà thôi. Cho nên chúng ta đời đời kiếp kiếp, vô lượng kiếp đến nay không có cách nào để thoát khỏi sáu cõi luân hồi, nguyên nhân căn bản là gì vậy? Chính là không thể đem cái tâm luân hồi thay đổi, cái gốc bệnh của chúng ta là ở chỗ này. Pháp môn Tịnh Độ, chúng ta cũng hoàn toàn không phải là gặp được ở đời này, ở trong đời này mới vừa gặp được, bạn không thể tiếp nhận được pháp môn này, mà do đã trồng thiện căn vô lượng kiếp rồi, trong quá khứ đã từng gặp qua nhiều lần rồi. Thế nhưng tại sao mà không thể vãng sanh vậy? Vẫn còn cái sai trong tâm luân hồi. Điều này là quan trọng hơn tất cả những cái khác. Nếu như không thể thay đổi, nghiêm túc mà thay đổi, chúng ta trong một đời này sẽ không có nắm chắc phần vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc. Nếu như không nắm chắc được, bạn nhất định sẽ chần chừ do dự. Trong "Kinh Vô Lượng Thọ" nói rất hay, nghi là sự chướng ngại nghiêm trọng nhất cho Bồ Tát, chướng ngại cái tâm Bồ Đề của bạn, chướng ngại Bồ Tát đạo của bạn, tất cả mọi hành vi của bạn cứ như cũ mà tạo nghiệp. Cho nên các vị đồng tu cần phải suy nghĩ tường tận, số người học Phật tuy là đông, sau khi qua nhiều lần sàng lọc, người học Phật chân chính thì không có bao nhiêu. Không những phải hiểu rõ cái đạo lý này, chân tướng sự thật cũng phải biết cho rõ ràng, làm sao để cứu lấy mình, làm sao để độ cho mình. Sau khi độ mình rồi thì mới có thể độ người, hay nói cách khác, tự bản thân mình nắm chắc phần vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc rồi, sau đó mới giúp đỡ người khác. Cái tâm thái này không giống nhau. Mấu chốt quan trọng nhất đó chính là ở chỗ "buông xuống". Chúng ta phải thường xuyên ghi nhớ, ghi nhớ cho vững chắc: "Buông xuống". Trong Niệm Phật đường, chủ thất sư thường xuyên ân cần dặn dò chúng ta buông xuống thân tâm thế giới, nhất tâm chánh niệm, vậy thì đúng. Chúng ta phải ghi nhớ, thời thời khắc khắc phải nhớ buông xuống.

Buông xuống thực hành ở những lúc nào? Ngay ở chỗ khởi tâm động niệm. Ý niệm vừa khởi lên liền biết rằng cái ý niệm này là sai rồi, lập tức buông xuống. Làm sao buông? Thay vào đó bằng câu "A Di Đà Phật", đem cái ý niệm của chúng ta thay đổi liền, đổi thành câu Phật hiệu, đổi thành niệm Phật. Đây là cách mà Tịnh tông thường dùng, cách này vô cùng vi diệu, bất luận là thiện niệm hay ác niệm, chỉ cần bản thân mình chuyển cái ý niệm này thành câu "A Di Đà Phật". Cổ Đại đức thường thường nói: "Không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm". Chúng ta là phàm phu, làm sao mà không có cái đạo lý khởi ý niệm chứ? Không khởi ý niệm thì bạn không cần phải tu hành, bạn là Thánh nhân rồi, bạn không phải là phàm phu. Chúng ta là phàm phu, khẳng định là có ý niệm. Có ý niệm, cổ nhân nói phải nhanh chóng thay đổi. Sự cảnh giác của bạn phải cao, giác tánh cao, ngộ tánh cao, thì sự giác ngộ lại cao, bạn liền nhanh chóng thay đổi, cái ý niệm đầu vừa mới khởi, cái ý niệm thứ hai phải chuyển đổi lại. Ngộ tánh kém một chút, có thể đến ý niệm thứ ba, ý niệm thứ tư phải biết là không đúng, nhanh chóng chuyển đổi liền. Kém hơn chút nữa có thể là trong một - hai phút, trong một - hai phút thì đã có không ít ý niệm rồi, phải chuyển đổi lại. Có thể trong một - hai phút mà chuyển đổi lại là khá lắm rồi. Càng nhanh càng tốt. Cho nên phải biết, ngày nay chúng tôi nói tổng cương lĩnh, tổng nguyên tắc tu hành, tôi nói hai mươi chữ vẫn là quá dài, nhưng trong hai mươi chữ này nói được rõ ràng, nói được cụ thể: "Chân thành - thanh tịnh - bình đẳng - chánh giác - từ bi, nhìn thấu - buông bỏ - tự tại - tùy duyên - niệm Phật". Đơn giản hơn một chút nữa, có bốn chữ: "Thuần tịnh thuần thiện". Chúng ta ở trong cuộc sống hàng ngày, xử sự đối người tiếp vật thì tu cái gì? Chính là tu điều này.

"Thuần tịnh", tâm của chúng ta tuyệt đối không thể có chút nào nhiễm ô. Cái gì là nhiễm ô? Thất tình ngũ dục là nhiễm ô. Tôi đã nói hết lời, hỉ nộ ai lạc ái ố dục là ô nhiễm, phải cảnh giác. Cái sự ô nhiễm này chính là bất tịnh, bất tịnh thì không thể sanh Tịnh Độ. Đại đức xưa thường xuyên nhắc nhở chúng ta: "Tâm tịnh tức Phật độ tịnh". Tâm của chúng ta không thanh tịnh làm sao mà có thể sanh Tịnh Độ được? Niệm Phật sanh Tịnh Độ, không sai, chính là vừa nói, cái ý niệm của bạn vừa khởi lên, lập tức đổi thành "A Di Đà Phật", như vậy mới có thể sanh Tịnh Độ. Dùng phương pháp niệm Phật để tu tâm thanh tịnh, tu niệm Phật Tam Muội. Không phải một mặt niệm Phật, một mặt khởi thất tình ngũ dục, một mặt khởi vọng tưởng, như vậy không được, không có tác dụng, cổ Đại đức nói "đau mồm rát họng cũng uổng công".

Thứ hai là tu tâm "thuần thiện". Cần phải khiến bản thân mình ngay trong một đời này đối với tất cả chúng sanh là tuyệt đối không có một chút oán hận nào, không có một chút bất thiện nào. Chúng sanh bất thiện là chuyện của họ, không thể đem cái bất thiện của họ chuyển thành cái bất thiện của chính mình, điều này là sai lầm nghiêm trọng. Điều bất thiện của họ chúng ta nhìn thấy rất rõ ràng, nếu như nhìn không thấy được thì bạn bị ngớ ngẩn rồi, làm sao mà có trí huệ? Rất là rõ ràng, rất là minh bạch, tự mình vĩnh viễn duy trì như như bất động, chính là "Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo" nói: "Không để chút bất thiện nào xen tạp". Chúng ta từ ở chỗ này mà dụng công phu. Ở trong cuộc sống hàng ngày, các vị đồng tu hãy ghi nhớ, đừng bao giờ hiểu sai lời nói, cho rằng nếu như làm như thế này thì khác nào người học Phật đã biến thành người ngốc, có phải đã biến thành người không có tri giác rồi sao? Người không có tri giác là người mắc bệnh ngu si, người mắc bệnh ngu đần thì không thể thành Phật. Vậy người học Phật phải làm người như thế nào, phải sống như thế nào trong xã hội này? Bạn vốn sống như thế nào thì vẫn cứ y như thế đó mà sống, trước đây làm việc như thế nào thì vẫn cứ y như thế đấy mà làm việc, trên hình tướng không có thay đổi, ở trong tâm thì có thay đổi. Bạn nhìn thấy một sự việc hoan hỷ, có thể mỉm cười hay không? Có thể. Nhìn thấy một sự việc không vui, có thể phát cáu mà mắng người hay không? Cũng có thể. Vậy là đã động tình cảm rồi phải không? Phải học Vĩnh Gia Đại Sư, "phân biệt không phải là ý". Điều này là đúng. Biểu hiện sự qua lại cùng với mọi người cũng là thất tình lục dục, nhưng đó là sự biểu diễn, không phải thật. Người thế gian thì làm thật, người học Phật là biểu diễn, không phải là thật. Người học Phật thì giống như đang ở trên sân khấu diễn hát vậy, cái kịch bản viết đến đoạn kêu bạn khóc thì bạn phải khóc, kêu bạn phải cười thì bạn cũng phải cười, không phải chính bạn muốn cười hay muốn khóc, mà là ở trong kịch bản viết như vậy thì phải diễn như vậy, mà còn phải diễn cho thật là giống. Toàn bộ đều là giả. Cho nên người giác ngộ cùng với người chưa giác ngộ ở cùng với nhau, người giác ngộ là Phật Bồ Tát, gọi là du hí thần thông. Tại sao phải dùng những phương pháp này vậy? Không dùng các phương pháp này thì không có cách nào khác để tiếp xúc với người thế gian. Người thế gian vừa thấy, các bạn là người ngốc nghếch, người không có tình cảm, họ làm sao mà qua lại với bạn? Cho nên nhất định bạn phải diễn kịch cho họ xem. Trong Kinh thường dạy chúng ta "vì người diễn thuyết", diễn chính là biểu diễn, vì người khác biểu diễn, chính là cái ý này, như vậy mới có thể độ được chúng sanh, ở trong tâm của chính mình thật sự là chẳng động chút nào cả, giống như trong "Kinh Kim Cang" đã nói: "Bất thủ ư tướng, như như bất động". Chúng ta ở trong cuộc sống mà luyện, đối với bản thân mình thực sự là "Bất thủ ư tướng, như như bất động", đối với người khác phải diễn cho thật là giống. Không có chuyện này thì làm sao mà có thể thành tựu cho chính mình, làm sao mà có thể giúp đỡ người khác?

Chúng ta nên có một niềm tin kiên định vĩnh hằng. Tất cả chúng sanh có thiện căn, "chúng sanh thiện căn bất khả tư nghì", chúng ta mới có thể phát Bồ Đề tâm phổ độ chúng sanh. Đừng cho rằng chúng sanh tạo ác tạo nghiệp. Tạo ác tạo nghiệp là họ mê hoặc, họ có thiện căn hay không? Họ có thiện căn. Cổ nhân chúng ta dạy học, sách giáo khoa soạn rất hay, câu đầu tiên trong "Tam Tự Kinh" là: "Nhân chi sơ, tánh bổn thiện", chính là đã nói ở chỗ này: "Chúng sanh thiện căn bất khả tư nghì". Tại sao sự thành tựu của chúng sanh có sự sai biệt lớn như vậy? Có làm Phật, có làm Bồ Tát, có rơi vào trong địa ngục, biến thành ngạ quỷ, súc sanh, tại sao có sự thay đổi to lớn như vậy? Đại Sư Thiện Đạo nói rất hay: "Đều do gặp duyên không đồng". Câu này cùng với hai câu nói ở dưới đây trong "Tam Tự Kinh" là có cùng một ý nghĩa: "Tánh tương cận, tập tương viễn". Cái "tập tương viễn" này chính là gặp duyên không đồng, cái gọi là "gần mực thì đen, gần đèn thì sáng". Đối với phàm phu sáu cõi luân hồi chúng ta mà nói, chúng ta có thể thành tựu hay không, mấu chốt là ở tại cái "Duyên", dùng từ ngữ hiện tại mà nói là "cơ hội", "điều kiện". Đời sống tu hành của mỗi người chúng ta, điều kiện không giống nhau, cơ hội không giống nhau, nhưng mà phải biết rằng, thường thường trong cuộc đời của một người đều có những cơ duyên rất tốt, nhưng mà cái cơ duyên này làm sao? Bạn không có nắm bắt được nó, không giữ được nó. Cho nên phải biết giữ chặt cơ hội này, vì sau khi đánh mất nó đi thì không dễ gì gặp được lần thứ hai, điều này thì không dễ dàng đâu, không phải là bạn lúc nào cũng gặp được, cho nên gặp được thì phải giữ lấy nó. Bạn có thể giữ chặt cái duyên, làm sao mà có cái đạo lý không thành tựu?

Cái cơ duyên đầu tiên chúng ta học Phật là "thân cận minh sư". Trong "Kinh A Nan Vấn Sự Phật Kiết Hung" đã có nói điều kiện đầu tiên này. Cuối cùng của "Kinh Hoa Nghiêm" thị hiện cho chúng ta 53 tham vấn, tham phỏng thiện tri thức, đây là điều kiện đầu tiên, chính là chúng ta thường hay nói là cần lão sư giỏi, cần môi trường học tập tốt, cần những bạn học giỏi. Nếu mà ba điều kiện này có đủ thì tiến bộ rất nhanh. Nhưng mà ba điều kiện này thật sự là có thể gặp mà không thể cầu. Ngẫu nhiên gặp được, tự mình phải có trí huệ, bản thân phải có huệ nhãn, nắm lấy cơ hội, cái cơ hội này sẽ không bị mất đi.

Tôi so với các vị xuất gia khác, các vị xuất gia cùng khoảng thời gian với tôi thì tôi may mắn hơn một chút. Tôi gặp được những cơ duyên này, tôi biết cách nắm bắt cơ duyên, tôi hiểu được. Tôi cảm kích Chương Gia Đại Sư đã giúp tôi mà chọn lựa con đường nhân sinh này. Tôi ở Đài Trung, thân cận với lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam 10 năm, đây là duyên phận. Lão sư tốt có rồi, ở đạo tràng tu học cũng không có chướng ngại gì lớn, đó chính là đồng tham đạo hữu. Ban đầu, lão sư Lý mở một lớp học Kinh, cũng giống như lớp bồi dưỡng hiện nay của chúng ta vậy. Lớp của ông chỉ mở có một khóa rồi thôi. Khóa này là hai năm, nếu tính thử thời gian, đại khái là cùng chúng tôi cách nhau không quá ba tháng. Mỗi một tuần, thầy lên giảng bài ba giờ đồng hồ, mỗi năm sử dụng khoảng 40 tuần lễ, hay nói cách khác, cộng hết tất cả không đến 100 lần, thời gian không đến 300 giờ. Đồng học của chúng tôi hơn 20 người, thế là có đồng tham đạo hữu rồi. Nhưng sau khi lớp học này kết thúc, các đồng tham đạo hữu của chúng tôi tản đi hết, vậy phải làm sao? Tản đi hết, đối với việc tu học của chúng tôi sẽ tạo ra sự khó khăn rất lớn. Tôi đi tìm, tôi tìm được sáu vị đồng học, kể cả tôi nữa là bảy người. Tôi đi tìm các đồng học, chúng tôi vẫn là duy trì mỗi tuần một lần. Trong mỗi lần tập giảng, cùng nhau góp ý. Bảy vị đồng học của chúng tôi, tôi ở Đài Trung 10 năm, chúng tôi đã duy trì 10 năm. Sau khi tôi rời khỏi Đài Trung, tôi nhắc nhở các đồng học: "Hy vọng là cái lớp học nhỏ của bảy người chúng ta không phải giải tán nữa, tiếp tục duy trì". Nhưng mà sau khi tôi rời khỏi Đài Trung, lớp học nhỏ này vô hình trung cũng giải tán luôn. Do vậy mới biết, nếu tôi không chủ động đi tìm vài vị đồng học, mỗi một tuần lễ chúng tôi cộng tu một lần. Buổi cộng tu đó của chúng tôi không phải là niệm Phật mà là tập giảng. Sau khi tập giảng xong, có khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ nghiên cứu thảo luận. Cơ hội này, nếu như không nắm bắt thì làm sao chúng ta có thể thành tựu?

A Di Đà Phật…

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 256)

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Thời gian: Khởi giảng năm 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây Cư Sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ