Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 254)

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 254)
**************** Kinh văn: “Chúng sanh nghiệp báo, diệc bất khả tư nghị, chúng sanh thiện căn, bất khả tư nghị, chư Phật thánh lực, chư Phật thế giới, diệc bất khả tư nghị”. Bắt đầu xem từ đoạn Kinh văn này. Quả báo thật như Thế Tôn đã nói, quả thật là không thể nghĩ bàn. Tại vì sao lại có hiện tượng này? Nhân duyên quá phức tạp. Phía trước Phật đã nói với tôn giả A Nan rất hay: “Nhữ thân quả báo bất khả tư nghị”. Câu nói này là nói với A Nan, trên thực tế, chúng ta đều biết A Nan là đại biểu cho chúng ta, nói A Nan chính là nói bản thân chúng ta. Có mấy người thật sự có thể nhận thức được chính mình, hiểu rõ được chính mình? Một đời này của chúng ta sanh đến thế gian này, rốt cuộc là đến vì lý do gì, đi đến thế gian này để làm gì? Tương lai về sau lại sẽ đi về đâu? Tại vì sao tại thế gian này gặp phải hết thảy người sự vật đều là trắc trở? Chúng ta có thể nghĩ bàn hay không? Vẫn là câu nói này của Phật nói rất hay: “Bất khả tư nghị”. Tại chỗ này, thực tại mà nói đều là đại học vấn. Người không học Phật, không phải là người chăm chỉ học Phật, có rất ít người suy nghĩ qua vấn đề này. Ở thế gian quả thật là có người đã nghĩ đến vấn đề này

****************

Kinh văn: “Chúng sanh nghiệp báo, diệc bất khả tư nghị, chúng sanh thiện căn, bất khả tư nghị, chư Phật thánh lực, chư Phật thế giới, diệc bất khả tư nghị”.

Bắt đầu xem từ đoạn Kinh văn này. Quả báo thật như Thế Tôn đã nói, quả thật là không thể nghĩ bàn. Tại vì sao lại có hiện tượng này? Nhân duyên quá phức tạp. Phía trước Phật đã nói với tôn giả A Nan rất hay: “Nhữ thân quả báo bất khả tư nghị”. Câu nói này là nói với A Nan, trên thực tế, chúng ta đều biết A Nan là đại biểu cho chúng ta, nói A Nan chính là nói bản thân chúng ta. Có mấy người thật sự có thể nhận thức được chính mình, hiểu rõ được chính mình? Một đời này của chúng ta sanh đến thế gian này, rốt cuộc là đến vì lý do gì, đi đến thế gian này để làm gì? Tương lai về sau lại sẽ đi về đâu? Tại vì sao tại thế gian này gặp phải hết thảy người sự vật đều là trắc trở? Chúng ta có thể nghĩ bàn hay không? Vẫn là câu nói này của Phật nói rất hay: “Bất khả tư nghị”. Tại chỗ này, thực tại mà nói đều là đại học vấn. Người không học Phật, không phải là người chăm chỉ học Phật, có rất ít người suy nghĩ qua vấn đề này. Ở thế gian quả thật là có người đã nghĩ đến vấn đề này, xưa nay trong và ngoài nước đều có, nhưng mà đó chỉ là một con số rất nhỏ. Đó là những ai? Hiện tại có một số nhà khoa học, có một số nhà triết học, có một số nhà tôn giáo, đã ít lại thêm ít. Họ ở đó nghiên cứu thảo luận về nguồn gốc của vũ trụ, sự hình thành của tinh cầu này, khởi nguồn của sự sống, sau đó lại nói đến sự khởi nguồn của tất cả sinh vật động vật thực vật, sau cùng lại nghĩ đến muôn trùng chúng sanh, “ta” là từ đâu mà đến? Thực tế mà nói, nghĩ đến việc “ta” từ đâu mà đến thì rất ít rất ít, quả thật không nhiều. Nghiên cứu thảo luận khởi nguồn của nhân loại thì có, còn thật sự nói đến trở về với chính ta, ta là từ đâu mà đến, quả thật chỉ có ở trong Phật pháp mới nói đến, mới giảng đến. Phật pháp quả thật cũng nói được tương đối rõ ràng. Kinh luận của bộ phận này phân lượng rất lớn, Pháp Tướng Duy Thức Tông “6 Kinh 11 luận”, trong đó có một đoạn rất lớn thảo luận về “nhữ thân quả báo bất khả tư nghị”. Sự việc này đối với người học Phật mà nói thì có mối quan hệ rất lớn. Vì sao vậy? Dần dần sẽ hiểu được, chúng ta tại thế gian này, bất luận là sống trong hoàn cảnh như thế nào, thuận cảnh, nghịch cảnh, thiện duyên ác duyên, thì tâm của bạn cũng đều bình lặng, không hề bị dao động theo cảnh giới bên ngoài. Vì sao vậy? Vì biết nghiệp nhân quả báo là không thể nghĩ bàn.

Chúng ta bất luận làm sự việc gì, người thế gian làm việc là vì “ta”, lợi ích của ta, có lợi cho ta, nếu như không có lợi ích, không có chỗ tốt cho mình thì họ sẽ không làm. Cho nên người xưa có nói, quan sát ở ngay tại đô thị phồn hoa này, người đi qua kẻ đi lại rất nhiều, tỉ mỉ mà quan sát những người này, đi đi lại lại bận rộn suốt từ sáng cho đến tối là vì cái gì? Người thông minh đã giải đáp cho chúng ta, chỉ là hai chữ “danh lợi”. Ngày ngày đều bận bịu như vậy, nếu không vì danh thì cũng vì lợi. Người mà không vì danh lợi thì cuộc sống của họ sẽ ung dung tự tại. Xã hội ngày nay càng là như vậy. Thế thì chúng ta đến thế gian này có phải là vì “danh lợi” hay không? Cầu danh cầu lợi có phải là mục tiêu duy nhất của kiếp sống làm người này của chúng ta không? Các đồng tu học Phật, về việc này tôi nghĩ ít nhiều thì cũng đều có một chút giác ngộ. Giác ngộ này là một sự khế cơ. Là khế cơ gì? Khế cơ của việc nhận thức chân tướng sự thật, khế cơ của liễu thoát sanh tử luân hồi. Cơ duyên này vô cùng hiếm có, vô cùng khó gặp. Người học Phật, Phật Bồ Tát hy vọng chúng ta nhập Phật tri kiến, nhập Phật cảnh giới. Ở trong tất cả “Kinh luận Đại Thừa” chúng ta đã xem thấy, sự kỳ vọng của chư Phật Bồ Tát đối với chúng ta vô cùng tha thiết. Chúng ta có phụ lòng kỳ vọng của chư Phật Bồ Tát hay không? Thực ra mà nói, đại đa số đồng học chúng ta đều đã phụ lòng, khiến chư Phật Bồ Tát thất vọng, chỉ có số ít người không phụ lòng kỳ vọng của Phật Bồ Tát. Số ít người này chính là trong Phật pháp thường hay nói là “có duyên với Phật”, là “Phật độ người có duyên”. Dùng lời hiện nay mà nói thì “duyên” là cơ hội, là điều kiện, cơ hội của bạn, điều kiện của bạn đã đầy đủ. Điều kiện này có cái ở bên trong, có cái ở bên ngoài. Bên ngoài thì chúng ta nói là ngoại duyên, bên trong thì chúng ta gọi là thiện căn - phước đức. Trong có thiện căn - phước đức, ngoài có cơ duyên, ba điều kiện này trong một đời nếu mà gặp được thì không phải là một việc dễ dàng. Chúng ta hôm nay đã gặp được, nhất định không nên cho rằng việc này không khó, gặp được là việc dễ như trở bàn tay. Nếu như bạn bình tĩnh mà quan sát hoàn cảnh xung quanh mình, thì bạn sẽ phát hiện là không hề dễ dàng.

Phật tử Singapore có được bao nhiêu người? Vào tháng trước, Lý hội trưởng đã có nói với tôi, Chính phủ đã thống kê, Phật tử của Singapore chiếm tỉ lệ trong toàn bộ nhân khẩu ở Singapore hình như là 51,8%. Cứ tính nhân khẩu Singapore là 4 triệu người, thì 2 triệu người là Phật tử. Trong số 2 triệu người này, thì có đầy đủ ba điều kiện “thiện căn - phước đức - nhân duyên”, theo tôi thấy thì cũng không tới hai mươi ngàn người. Các vị nghĩ xem có đúng không? Hôm nay tại chỗ này, tôi thấy nhiều lắm cũng không tới hai ngàn người, chiếm tỉ lệ rất là nhỏ. Trên danh nghĩa thì là Phật tử, mà cả đời chưa nghe Kinh lần nào, người không hiểu được giáo nghĩa, người không hiểu được giáo lý, người không hiểu được cái gì là tu hành thì có rất nhiều, cho nên người học Phật thì nhiều, người thành tựu thì ít, nguyên nhân chính tại chỗ này. Ở điểm này, một duyên phần quan trọng nhất, Đại đức xưa cũng thường nói: “Thâm nhập một môn, huân tu lâu dài”, không thể gián đoạn. Chúng ta là phàm phu căn tánh trung hạ, không phải thượng căn lợi trí. Người có căn tánh trung hạ thì thành tựu phải nhờ có cơ duyên, nghe Kinh nhất định không thể bị gián đoạn, tốt nhất là mỗi ngày nên có 8 giờ đồng hồ. Đối với người hiện tại của chúng ta mà nói, thực tế sẽ có sự khó khăn, vì mỗi một người đều có công việc. Hiện tại, người xuất gia cũng có công việc, có thể có được 8 giờ để nghe Kinh thì là người có phước báo hạng nhất ở thế gian này. Chúng ta hiện nay không có, nhưng mà nếu như bạn thật sự có tâm, thật sự muốn thành tựu thì cũng không khó. Trong nhà các vị đều có máy truyền hình, những băng đĩa Kinh mà chúng tôi giảng có thể thỉnh đem về nhà để nghe. Phải chăm chỉ nghe, số lần nghe phải nhiều. Bạn thật sự nghe, thì chỗ ngộ được mỗi lần đều không giống nhau. Tại vì sao mỗi ngày phải nghe nhiều giờ đến như vậy? Đây cũng là quả báo không thể nghĩ bàn. Nếu như chúng ta không nghe Kinh thì lục căn của chúng ta tiếp xúc với cảnh giới lục trần bên ngoài, quyết định là sẽ bị cảnh giới ô nhiễm, quyết định sẽ bị cảnh giới xoay chuyển. Đây là sự thật, việc này không phải giả. Bản thân chúng ta hãy lắng tâm mà phản tỉnh, thì sẽ phát hiện. Bị ngoại cảnh xoay chuyển, bị ngoại cảnh ảnh hưởng thì quả báo của chúng ta quyết định ở ba đường khổ. Cho dù có thể không đọa ba đường ác, nói một cách khác, bạn nhất định không thể vượt khỏi lục đạo. Chân tướng sự thật này nhất định phải hiểu.

Mục đích học Phật của chúng ta là gì? Là quyết tâm nắm bắt cơ hội lần này để vượt thoát lục đạo luân hồi, vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ. Đây là mục tiêu thật sự của chúng ta. Chúng ta phải đem sự việc này làm thành mục tiêu số một ở ngay trong cuộc đời này của chúng ta, những việc khác đều là chuyện nhỏ, đều xếp ở vị trí thứ hai, thứ ba, thứ tư, đều không phải quan trọng nhất. Xem việc sanh tử là việc lớn, vậy thì sẽ hoàn toàn không có sai lầm, ở ngay trong cuộc đời này của chúng ta phải làm những việc gì, chúng ta biết rõ. Việc lớn có công đức hạng nhất là giúp đỡ chư Phật Như Lai tiếp dẫn chúng sanh, hay nói rõ hơn, là đem Phật pháp giới thiệu với đại chúng, đem Tịnh Tông giới thiệu với đại chúng, đây là thế xuất thế gian, là công đức hạng nhất, là sự nghiệp hạng nhất. Chúng ta phải đem sự nghiệp hạng nhất làm cho tốt, bản thân không thể không chăm chỉ làm. Quyết định phải tin tưởng sự giáo huấn của Tổ sư Đại đức. Lời nói của Tổ sư Đại đức là câu chuyện kinh nghiệm, đó không phải là kinh nghiệm của một người, mà là kinh nghiệm tích lũy của rất nhiều đời tổ tổ truyền nhau, chúng ta phải tôn trọng. Kinh nghiệm của một người thì không đáng kể là gì, kinh nghiệm tích lũy của lịch đại Tổ sư Đại đức thì chúng ta phải nên xem trọng. Kinh nghiệm này chính là “thâm nhập một môn, huân tu lâu dài”. “Duyên” không sợ, bất luận là thiện duyên hay ác duyên, thuận cảnh hay nghịch cảnh, quyết định không ngăn ngại sự huân tu Phật pháp của ta. Bạn mà nắm chắc được việc này thì bạn sẽ thành tựu.

Trước kia, khi tôi còn chưa học Phật, cảm tình phong phú nhất. Tôi gặp được tiên sinh Phương Đông Mỹ và đã học triết học với Ngài. Ngài nói với tôi, nhà triết học đều là người có tình cảm phong phú nhất, nếu như không có tình cảm thì người đó quyết định không có cách nào học tốt. Sau khi học Phật rồi thì phải đem tình cảm chuyển lại thành trí tuệ. Chúng ta hiểu được tình và trí là một không phải hai. Giác ngộ rồi thì tình gọi là trí, khi vẫn còn mê thì trí gọi là tình, chúng là một, không phải hai. Cho nên, nguyên tắc tu hành của Pháp Tướng Tông là chuyển thức thành trí, đó chính là chuyển tình thức thành trí tuệ, chúng ta mới có thể làm tốt được sự việc hoằng pháp lợi sanh. Tôi một đời này duyên phần rất tốt, mới học Phật thì thân cận Chương Gia Đại Sư, một vị lão sư. Thân cận lão sư Ngài được ba năm thì Ngài viên tịch. Tiếp đến tôi quen biết được lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, tôi theo Ngài được 10 năm. Tôi học Phật pháp với hai vị lão sư, học triết học một vị lão sư, cả đời tôi có ba vị lão sư. Học triết học với lão sư Phương, một bài mục sau cùng của lão sư Ngài là giới thiệu với tôi về triết học Kinh Phật, đã dẫn dắt tôi vào cửa Phật. Sau khi vào cửa Phật thì tiếp nhận sự dạy bảo của Chương Gia Đại Sư. Căn cơ học Phật của tôi là do Chương Gia Đại Sư đặt định, sau đó cùng lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam nghiên cứu Kinh giáo 10 năm, học về lý luận và phương pháp của việc “giảng Kinh”. Sau khi học xong thì nhân duyên xuất gia liền đến, cho nên tôi vừa xuất gia thì đã dạy học ở trong Phật học viện, công việc giảng Kinh này của tôi liền đã được bắt đầu, cũng tiếp nhận lời mời của một số cư sĩ dạy học ở Phật Học Viện, chưa từng rảnh rỗi, đến năm nay là trọn 43 năm. Bởi vì tình cảm quá phong phú, cho nên rất nhớ bạn cũ. Việc này thì các vị đồng học của tôi đều biết đến. Năm xưa nhận được sự hộ trì của Hàn Anh Quán Trưởng tại “Hoa Tạng Đồ Thư Quán”, trong thời gian 30 năm cũng không phải là ngắn. Bà cung cấp giảng đài cho chúng tôi, 30 năm tôi không có rời khỏi giảng đài. Đây là cống hiến của bà đối với tôi. Mỗi ngày tôi đều có cơ hội lên giảng đài để giảng Kinh, thời gian nhiều nhất là mỗi ngày giảng 9 tiếng đồng hồ, thật sự là huân tu miên mật, mới đem những cảnh giới phàm phu chuyển trở lại. Đây là kinh nghiệm của tôi. Cho nên, nếu như không phải “thâm nhập một môn, huân tu lâu dài” thì không thể được.

Tôi theo học lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam 10 năm, nói các vị đồng tu biết, chỉ học được có năm bộ Kinh. Những Kinh điển này các vị đều rất quen thuộc, đều đã đọc tụng qua. Bộ Kinh đầu tiên mà tôi học là “Kinh A Nan Vấn Sự Phật Kiết Hung”, bộ thứ hai học là “Kinh Phật thuyết A Di Đà”, bộ thứ ba là “Phẩm Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh Nguyện”, bộ thứ tư là “Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật”, bộ thứ năm là “Kinh Lăng Nghiêm”. Tôi là học từng bộ, từng bộ một, một bộ đã hoàn toàn thông hiểu. Lão sư Lý lại không có yêu cầu chúng tôi phải hoàn toàn làm được, bởi vì việc này rất khó, Ngài yêu cầu cái gì? Bạn lên giảng đài giảng lại một lần cho Ngài xem, Ngài nghe xong mà gật đầu, thì bộ này xem như đã được thông qua, chúng tôi có thể học tiếp bộ khác. Trong 10 năm, tôi đã học năm bộ. “Hoa Nghiêm”, “Pháp Hoa” tôi đều chưa học qua, nhưng mà những năm gần đây các Kinh luận Đại Thừa, Tiểu Thừa mà tôi đã giảng, tổng cộng cũng có đến hơn 50 loại. Các Tổ sư thường hay nói với chúng ta: “Một Kinh thông, tất cả Kinh thông”. Thế nào gọi là thông? Có chỗ ngộ gọi là thông, tiểu ngộ là tiểu thông, đại ngộ thì gọi đại thông, triệt ngộ thì triệt để viên thông. “Ngộ” quyết định là từ tiểu ngộ, tích tiểu ngộ thành đại ngộ, tích đại ngộ thành triệt ngộ. Không những phải giảng mỗi ngày, giảng nhiều rồi, tư tưởng, kiến giải, hành vi của chúng ta chuyển biến từ lúc nào không biết, không có dồn sức để mà tu hành, giảng nhiều rồi, ấn tượng sâu sắc liền ảnh hưởng đến tư tưởng, kiến giải, ngôn hành của chính mình, đến khi chính mình phát hiện không còn giống như lúc trước nữa, rất nhiều thứ không còn giống nữa. Sau khi có sự cảnh giác như vậy rồi, mới ra sức tu hành, thì cảnh giới sẽ nâng cao với tốc độ rất nhanh, mỗi năm mỗi khác, mỗi tháng mỗi khác. Tất cả pháp thế xuất thế gian chưa từng học qua, chưa hề tiếp xúc qua, nghe người ta bàn luận, chúng tôi xem qua cả thảy đều hiểu, không cần phải học. Vì sao vậy? Tất cả pháp thế xuất thế gian đều là từ trong tâm tánh mà lưu xuất ra, bạn chỉ cần có thể thấy được một phần tánh, thì pháp thế xuất thế gian toàn bộ đều thông đạt. Đây là chân học vấn, chân trí tuệ, thật sự thọ dụng, tại vì sao không làm? Đương nhiên đây là chúng tôi từ trên kinh nghiệm đã trải qua mà nói. Cơ duyên quan trọng hơn bất cứ thứ gì, thảo nào Đại Sư Thiện Đạo đời Đường đã nói: “đều do gặp duyên không đồng”. Đại Sư Ngài đã nói rất hay. Ngài là nói đến ba bậc chín phẩm vãng sanh Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, bởi vì sao lại có ba bậc chín phẩm? Đều tại gặp duyên không như nhau. Chúng ta đem câu nói này của Ngài khuếch rộng ra để nói, pháp môn tu học này của chúng ta, chúng ta có thể có chỗ ngộ hay không, rốt cuộc ngộ nhập mấy phần, cũng đều tại gặp duyên không đồng. Lời này là sự thật. Cho nên, tôi thường thường nói công đức của hộ pháp vượt hơn hoằng pháp. Nếu như chúng tôi không được sự hộ trì 30 năm của Hàn Quán Trưởng thì làm sao có được thành tựu? Không thể nào. Dù cho giảng Kinh, cùng lắm cũng chỉ là pháp sư giảng Kinh thông thường, máy móc theo sách vở mà thôi, lấy đâu ra chỗ ngộ? Duyên rất sâu, duyên khó gặp.

Sau khi Hàn Quán Trưởng vãng sanh, chúng tôi gặp phải nghịch tăng thượng duyên, đạo tràng ở Đài Loan không thể ở lại, cái duyên với cư sĩ Lý Mộc Nguyên ở Singapore đã thành thục, ông đã thành tựu cho chúng tôi, công đức vô lượng vô biên, giúp chúng tôi có thể tiếp tục không gián đoạn việc trên giảng đài, đặc biệt khó được. Hàn Quán Trưởng năm xưa còn tại thế, muốn làm một lớp bồi dưỡng, trước sau vẫn không thể thực hiện được. Nguyện vọng này của bà đã được cư sĩ Lý Mộc Nguyên giúp bà thực hiện. Bà nhìn thấy sẽ rất hoan hỷ, thấy được chúng ta bên này lần đầu tiên xuất bản quyển ghi chép của các đồng học, sau khi xem, đã nhiều lần nói với tôi, lớp bồi dưỡng nhất định phải tiếp tục làm, một chút nghi hoặc gì cũng đều không có.

Chúng ta tại Singapore không những đã làm được hai sự việc là giảng Kinh và dạy học, mà còn làm thêm việc đoàn kết các đại tôn giáo, thêm công việc đoàn kết các dân tộc. Việc này trong nhà Phật nói là “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”, thật sự đem tâm lượng của chúng ta mở rộng ra.

Gần đây nhất, chúng tôi lại gặp phải một số ngăn trở. Mỗi một sự trở ngại đối với tôi đều là giúp tôi nâng lên thêm một bậc, tôi rất cảm kích. Cho nên có một số đồng tu hỏi tôi: “Những người này hủy báng Ngài, sỉ nhục Ngài, hãm hại Ngài, ngày ngày đều nói xấu về Ngài, vậy tại sao mà Ngài lại đối xử tốt với họ vậy, Ngài lại cảm kích họ nữa?”. Tôi nói: “Các vị hãy xem hậu quả thì các vị sẽ hiểu, không phải họ đối xử với tôi như vậy, mà tình cảm của tôi rất nặng, không nỡ rời khỏi cái chỗ này. Họ dùng lời ác tâm ác để đối mặt, tôi sẽ nhẫn chịu mà rời chỗ này, rời khỏi chỗ này về sau nhất định là phải càng vượt lên hơn nữa, cho nên tôi nói những người hủy báng tôi, nói lời xấu với tôi, sỉ nhục tôi đều là Bồ Tát thị hiện, các vị làm gì mà biết được chứ?”. Đó không phải là người thông thường, Phật Bồ Tát làm sự thị hiện như vậy, tôi phải cố gắng leo vượt lên trên, lại lên một tầng nữa. Nếu như không có những sự thị hiện này thì tôi sẽ không chịu vượt lên thêm. Cho nên, trong cảm nhận của tôi là không có người ác, tôi vĩnh viễn sẽ cảm ơn, vĩnh viễn sẽ tán thán. Vì sao vậy? Tôi được lợi ích chân thật. Tôi được lợi ích, họ cũng được lợi ích. Việc này ở trong Kinh Phật đều có dẫn chứng, Đề Bà Đạt Đa tìm đủ mọi cách để hại Phật Thích Ca Mâu Ni, phá hòa hợp tăng, phá hoại tăng đoàn. Trong “Kinh Đề Bà Đạt Đa”, Phật Thích Ca Mâu Ni nói với chúng ta cái nhân duyên không thể nghĩ bàn của ông, ông cũng là chư Phật Như Lai ứng hóa, biễu diễn cho chúng ta thấy. Ác tâm ác hạnh của ông, quả báo ở Địa Ngục A Tỳ, nhưng mà ông đã thành tựu cho Phật Thích Ca Mâu Ni sáu Ba La Mật, khiến cho tất cả đại chúng chúng ta đối với trí tuệ đức hạnh của Phật càng nhìn thấy được rõ ràng hơn, mà học tập ở Phật Thích Ca Mâu Ni. Công đức này cũng là không thể nghĩ bàn. Cho nên Thế Tôn nói với chúng ta, Đề Bà Đạt Đa ở Địa Ngục A Tỳ, tuy ông ở Địa Ngục A Tỳ nhưng mà không chịu khổ, hoàn cảnh sinh hoạt cũng giống như trên cung trời Đao Lợi, đang hưởng phước. Đây là cảnh giới không thể nghĩ bàn. Sau đó thì chúng ta nghĩ đến, trên các Kinh luận Phật thường hay dạy bảo chúng ta tự lợi lợi tha, chúng ta tự lợi xác thực là lợi tha, cho nên những người này cho dù họ là ác ý hủy báng, ác ý tạo điều sinh sự để phá hoại, thì họ cũng đã làm cho chúng ta nâng cao cảnh giới rồi. Công đức này không thể nghĩ bàn, dù tương lai họ đọa xuống ba đường ác, cũng trong ba đường ác hưởng phước, họ không bị chịu tội. Nếu như chúng ta cũng lấy ác ý mà đối lại, vậy thì phiền phức rồi, họ đọa ba đường ác, chúng ta cũng đọa ba đường ác, tương lai món nợ này sẽ tính không xong, oan oan tương báo không bao giờ dứt. Việc này thì sai rồi. Do đó, chúng ta học Phật phải có trí tuệ, đối với thuận cảnh thiện duyên quyết không có lòng tham luyến, không thể được, đối với nghịch cảnh ác duyên (ác duyên này chính là người ác) thì không thể nào có một chút tâm sân hận. Chúng ta từ trong cảnh giới này mà rèn luyện nên, tu luyện thành công. Thành công cái gì? Thuần tịnh thuần thiện. Thuần tịnh thuần thiện chính là quả báo trên quả địa Như Lai.

Trên bộ Kinh này Phật nói với chúng ta, Phật A Di Đà còn có một đức hiệu là “Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác”. Các vị hãy suy nghĩ xem, có phải là ở trong thuận cảnh, nghịch cảnh, thiện duyên, ác duyên đã rèn luyện ra thanh tịnh bình đẳng giác. Thanh tịnh bình đẳng giác, chúng tôi nói một cách khác, chính là thuần tịnh thuần thiện. Vì thế chúng ta liền hiểu được, tất cả lúc, tất cả chỗ, trong tất cả cảnh giới, đều là đạo tràng lớn cho Bồ Tát tu hành. Tu hành là tu ở tại nơi này, tận hư không khắp pháp giới đều là chỗ học của Bồ Tát. Đặc biệt là chúng ta trong thời gian hai - ba năm này nghiên cứu “Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm” với các vị đồng tu. Cảnh giới của “Kinh Hoa Nghiêm” là hư không pháp giới. Cuộc sống của chúng ta, công việc của chúng ta, suy nghĩ của chúng ta đều là lấy tận hư không biến pháp giới làm cảnh giới, như vậy mới có thể được chân trí tuệ, được đại tự tại. Đây là nói đến “Nhữ thân quả báo bất khả tư nghị”. Ở tại chỗ này, hành nghiệp cả cuộc đời tôi cũng xin cung cấp cho các vị đồng tu làm tham khảo, tôi cho phép người khác bất thiện đối với tôi, bất luận là vô tình hay cố ý hủy báng sỉ nhục hãm hại, tôi đều cho phép, vả lại tôi còn hoan hỷ tiếp nhận. Chúng tôi rời khỏi Đài Loan, đến Singapore, tiếp nhận sự chướng ngại này, mới viết ra bài “Hãy Sống Trong Thế Giới Cảm Ơn”. Nếu như không gặp phải cái ngăn ngại này, thì bài viết này không thể nào nói ra được. Tôi được lợi ích rồi. Tờ giấy dán này hiện tại đã lưu hành khắp thế giới, biết bao nhiêu người được lợi ích. Cái duyên khởi này là từ đâu mà đến? Chính là từ những người gây phiền phức cho tôi mà ra. Họ có công đức, họ không gây phiền phức thì tôi không thể nào viết ra được một bài giống như vậy. Cho nên thiện và ác, công và tội không thể nghĩ bàn, không thể nói nhất định không tốt hay nhất định là tốt, rất khó nói. Việc này quả thật là nghiệp nhân quả báo vô cùng phước tạp, chúng ta phải bình tâm, tỉ mỉ mà học tập ở tại chỗ này, mới có thể đoạn phiền não tiêu nghiệp chướng, tăng trưởng trí tuệ phước đức.

Chúng ta tiếp theo lại xem đến câu của ngày hôm nay: “Chúng sanh nghiệp báo diệc bất khả tư nghị”.

Sự phức tạp của nghiệp báo chúng sanh cùng với sự phức tạp của thân nghiệp báo chúng ta là hoàn toàn tương đồng, chân thật là không tăng không giảm. Không nên cho rằng nghiệp báo của chúng sanh đại khái là phức tạp hơn nhiều so với một người trong chúng ta, không phải vậy, là bình đẳng. Sau khi chúng ta hiểu rồi, đối với sự hành trì của tất cả chúng sanh, khí khái liền bình, dùng tâm bình thường để xử sự.

Thế nào gọi là “tâm bình thường”? “Bình” là tâm bình đẳng, “thường” là tâm thường hằng, vĩnh viễn dùng một cái tâm bình đẳng để xử sự đối người tiếp vật, người này là chân học Phật, không phải là giả. Tâm Phật là bình đẳng, tâm Bồ Tát là Lục Độ, tâm Duyên Giác là 12 nhân duyên, tâm Thanh Văn là tứ đế, việc này các vị đồng tu đều đã biết. Tâm bình đẳng là tâm Phật, với phàm phu chúng ta mà nói thì là Phật tánh. Chúng ta ngày nay đem Phật tánh để làm thành sự dụng tâm của chúng ta, cách tu học như vậy tốc độ sẽ rất nhanh. Trên “Kinh Lăng Nghiêm” thì nói là “trung gian vĩnh vô chư ủy khúc tướng”. Cái gì gọi là ủy khúc tướng? Bạn từ Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát lên đến Phật đã quẹo qua bao nhiêu khúc quanh, đó gọi là ủy khúc tướng. Chúng ta dùng tâm bình thường là gọn gàng dứt khoát, trong đó quyết định không có ủy khúc tướng, nhưng mà tại vì sao không thể dùng tâm bình đẳng vào cuộc sống? Chính là vì không biết “chúng sanh nghiệp báo bất khả tư nghị”, không biết được cái đạo lý này, đã mê trong đó, trong tâm sản sinh sự bất bình, bất bình liền có cao thấp, cao thấp liền có nhiễm ô, nói một cách khác, quyết định là rơi vào trong vọng tưởng, phân biệt, chấp trước.

Đồng học chúng ta đều biết, Lý hội trưởng và tôi đều rất yêu nước yêu nhà. Lý hội trưởng tuy rằng sinh trưởng tại Singapore, nhưng không lúc nào quên Trung Quốc. Tôi sinh ra tại Trung Quốc, 22 tuổi rời khỏi Trung Quốc thì không thể quay về được nữa. Năm xưa, khi lão Triệu Phác còn tại thế, tôi mỗi lần đến Bắc Kinh đều có đi thăm ông. Mỗi một lần thăm ông, ông đều nhắc nhở tôi: "Pháp sư à, lá rụng thì về cội". Tôi rất cảm kích ông, tôi bôn ba ở bên ngoài cũng đã hơn nửa thế kỷ rồi, đương nhiên rất nhớ quê nhà. Con người già rồi đều nhớ quê, đây là chuyện thường tình của con người. Cho nên, đối với Trung Quốc, tôi vẫn luôn có sự quan tâm đặc biệt.

Trong mấy tháng gần đây, ở tại Trung Quốc có một số người phản đối, tôi cũng suy nghĩ, sự phản đối này đại khái lại là một sự nghịch tăng thượng duyên nữa. Quả nhiên là không sai, âm thanh của sự phản đối này khiến tôi chân thật hiểu được nguyện vọng của việc lá rụng về cội là không thể nào thực hiện. Chúng ta phải nên làm cho việc hoằng pháp lợi sanh, giảng Kinh dạy học không thể gián đoạn, phát triển ra cả thế giới. Vô cùng hiếm có đó là Chính phủ Úc Châu đã cho chúng ta một cơ hội, phê chuẩn cho chúng ta mở trường ở bên đó, là “Học Viện Tịnh Tông”. Kế hoạch của chúng ta là sẽ làm lâu dài ở bên đó. Nhất định phải làm cho tốt sự việc này, thứ nhất là không phụ lòng Chính phủ Úc Châu đã ban cho chúng ta cái ân huệ, thứ hai là nếu làm không tốt, sẽ làm mất mặt người Trung Quốc, làm mất mặt dân tộc Trung Hoa. Đây không phải là việc của cá nhân ta. Tôi đối với những đồng học làm công việc hoằng hộ ở bên đó, tôi đều động viên họ như vậy, nhất định phải cho người Trung Quốc một chỗ đứng, đem ngôi trường này làm thành ngôi trường số một trên thế giới, để người ngoại quốc nhìn thấy, chúng ta không phụ lòng sự giúp đỡ ủng hộ của người ở đó, không có lỗi với quốc gia dân tộc, toàn tâm toàn lực mà làm. Nhất định phải đem lỗi lầm tập khí của mình sửa đổi trở lại. Tôi thường thường hay nói, ý niệm tự tư tự lợi, ý niệm danh văn lợi dưỡng, ý niệm hưởng thụ ngũ dục lục trần, ý niệm tham sân si mạn, nhất định phải đoạn dứt thật sạch sẽ. Nếu bạn không đoạn sạch sẽ, sự việc này mà làm không tốt, nhất định là bạn làm mất mặt người Trung Quốc, nhất định đã phụ lòng dân tộc Trung Hoa, cũng đã phụ lòng Chính phủ Úc Châu. Cho nên, yêu cầu của việc dạy học bên đó gấp mười lần so với lớp bồi huấn bên này cũng không chừng. Chúng ta tu học dự định là 9 năm, lớp bồi huấn chỉ có 6 tháng, bên đó tu học là 9 năm, lớp phổ thông của chúng ta hai năm, cùng tu học các loại môn học như nhau. Lớp chánh khóa là 3 năm, tu các môn học chuyên tông. Bạn chuyên học là tông phái nào, thì bạn tu học những môn học của tông phái đó. Bốn năm sau cùng là lớp nghiên cứu. Lớp nghiên cứu tu học các môn tổng hợp. Về đối nội, các tông phái Phật giáo chúng ta làm sao để có thể đoàn kết, làm sao để có thể dung thông. Về đối ngoại, đối với các tôn giáo không đồng trên thế giới, chúng ta làm sao đem họ viên dung với nhau, làm sao khiến họ thông hiểu lẫn nhau. Chúng ta cầu xã hội an định, thế giới hòa bình. Việc này phải cảm kích những người phản đối ở trong nước, không phải do họ phản đối, thì tôi không nghĩ ra. Tôi vốn là lúc ở tại Úc Châu đã xây dựng một nơi, những người có tên lót là chữ “Ngộ” không nhà để về, thì tìm một ngôi nhà là được rồi. Tôi thì việc gì cũng không có, không ngờ lại làm trường học, không ngờ rằng lại chân thật phát tâm làm như vậy, cho nên những nhóm người phản đối này thật có công đức vô lượng vô biên, họ đã giúp chúng tôi nâng lên một bậc rất cao, cho nên tôi chỉ càng thêm bội phần cảm ơn họ, tôi không hề oán hận họ một chút gì. Không những tôi cảm kích họ, mà những người đồng tu tu học tại Úc Châu cũng đều cảm kích họ. Chúng ta hạ quyết tâm thật sự làm, cố hết sức mà làm, quyết định sẽ thành công, nhất định không thể nào thất bại, vậy thì thành tích của chúng ta nhất định là mỗi năm một khác hơn.

Tôi muốn xã hội đại chúng có thể quan sát thấy được một cách rõ ràng, đức hạnh quan trọng hơn bất cứ thứ gì, chỉ có thật sự bắt đầu từ trên đức hạnh thì mới nhanh minh tâm kiến tánh, dù cho trong đời này không thể chứng được Phần Chứng Vị, Tương Tự Vị khẳng định là có thể làm được, quyết định là ở bên trên Quán Hành Vị, vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc nhất định sẽ không ở Phàm Thánh Đồng Cư Độ, nếu không ở Thật Báo Độ thì nhất định là Phương Tiện Độ. Chúng ta có sự chắc chắn như vậy, có lòng tin như vậy. Cho nên, chúng ta ở trong nghịch tăng thượng duyên lại được thăng tiến lên một bậc rất cao.

Đạo tràng này, tương lai đủ chỗ cho 400 đồng tu tu học, nam chúng nữ chúng xuất gia, nam chúng nữ chúng tại gia. Bởi vì đây là một học viện, các vị đến tu học thì sẽ tùy theo chính hoàn cảnh của bản thân các vị, có thể ở được hai năm thì tham gia lớp phổ thông, có thể ở ba năm thì có thể tham gia lớp chánh khóa. Nếu như quả thật không có thời gian, một năm chỉ có thể đi học được một hai tuần, đi được một hoặc hai tháng thì chúng tôi cũng mở một lớp nhỏ. Quyết không phụ lòng đại chúng, chúng tôi có thể mở học Phật giảng tọa, học Phật phổ thông giảng tọa, mở những lớp như vậy. Kiểu lớp giảng tọa này tốt nhất là phải đăng ký trước với chúng tôi. Các vị có bao nhiêu người tham gia, chúng tôi sẽ chuẩn bị trước cho các vị. Các vị muốn học những loại Kinh luận gì, chúng tôi sẽ đặc biệt mở lớp cho các vị. Bạn có thể ở được một tuần lễ, thì chúng tôi nhất định là ngay trong một tuần lễ đó sẽ đem khóa trình giảng cho viên mãn, ở được hai tuần lễ thì trong hai tuần chúng tôi sẽ giảng viên mãn cho bạn, giải và hành như nhau. Bạn cũng là mỗi ngày nghe Kinh 8 giờ đồng hồ, cũng là 8 giờ đồng hồ niệm Phật. Chúng tôi cung cấp cho hoàn cảnh để tu học. Tịnh Tông Học Hội Úc Châu Brisbane hợp tác mật thiết với chúng ta, những lớp nhỏ ngắn hạn sẽ làm tại Brisbane. Lớp dài hạn thì sẽ làm tại Học Viện Tịnh Tông Toowoomba của chúng ta. Vì vậy chỉ cần các đồng tu hoan hỷ học, liên hệ đăng ký trước với chúng tôi, chúng tôi nhất định sẽ đáp ứng nguyện vọng của mọi người. Các đồng học trong những khóa bồi huấn này của chúng ta đều có kinh nghiệm giảng Kinh, dạy học. Hy vọng tương lai có cơ hội, lợi dụng cho tốt hoàn cảnh này để tu học.

A Di Đà Phật…

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 254)

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Thời gian: Khởi giảng năm 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây Cư Sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ