Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 235)

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 235)
**************** Không có “thể” thì làm sao có “dụng”? Cho nên, bạn mà nói tâm của bạn thanh tịnh - bình đẳng - chánh giác - từ bi, không thể có chuyện đó, vì bạn không có chân thành thì phía sau tất cả cũng không. Có “thể” mới có “dụng”, “thể” quan trọng hơn bất cứ thứ gì. Thanh tịnh - bình đẳng - chánh giác, ba điều sáu chữ này chính là ở trong Bồ Đề tâm mà người xưa nói là “thâm tâm”. Tôi đem “thâm tâm” nói thành ba điều mọi người dễ hiểu. “Từ bi” chính là “tâm đại bi”, “tâm phát nguyện hồi hướng”, cái này dễ hiểu. “Thâm tâm”, người xưa nói “hiếu đức hiếu thiện”, lời này nói ra nghe rất chung chung, rất khó lý giải. Tôi nói với họ “thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác”, thì việc này tương đối rõ ràng hơn nhiều. Cách nói này của tôi là căn cứ vào đề Kinh của bộ Kinh chúng ta đang giảng. Ở trên đề Kinh này có “Thanh Tịnh - Bình Đẳng - Giác”. Thanh tịnh quyết định không bị ô nhiễm. Chư vị phải nên hiểu, tâm chân thành không bị ô nhiễm, vọng tâm thì bị ô nhiễm. Năm dục sáu trần có thể ô nhiễm là ô nhiễm vọng tâm, tuyệt đối không thể ô nhiễm chân tâm. Chân tâm mà bị ô nhiễm thì còn có thể gọi chân tâm được sao? Nhưng mà cái vọng

****************

Không có “thể” thì làm sao có “dụng”? Cho nên, bạn mà nói tâm của bạn thanh tịnh - bình đẳng - chánh giác - từ bi, không thể có chuyện đó, vì bạn không có chân thành thì phía sau tất cả cũng không. Có “thể” mới có “dụng”, “thể” quan trọng hơn bất cứ thứ gì. Thanh tịnh - bình đẳng - chánh giác, ba điều sáu chữ này chính là ở trong Bồ Đề tâm mà người xưa nói là “thâm tâm”. Tôi đem “thâm tâm” nói thành ba điều mọi người dễ hiểu.

“Từ bi” chính là “tâm đại bi”, “tâm phát nguyện hồi hướng”, cái này dễ hiểu. “Thâm tâm”, người xưa nói “hiếu đức hiếu thiện”, lời này nói ra nghe rất chung chung, rất khó lý giải. Tôi nói với họ “thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác”, thì việc này tương đối rõ ràng hơn nhiều. Cách nói này của tôi là căn cứ vào đề Kinh của bộ Kinh chúng ta đang giảng. Ở trên đề Kinh này có “Thanh Tịnh - Bình Đẳng - Giác”.

Thanh tịnh quyết định không bị ô nhiễm. Chư vị phải nên hiểu, tâm chân thành không bị ô nhiễm, vọng tâm thì bị ô nhiễm. Năm dục sáu trần có thể ô nhiễm là ô nhiễm vọng tâm, tuyệt đối không thể ô nhiễm chân tâm. Chân tâm mà bị ô nhiễm thì còn có thể gọi chân tâm được sao? Nhưng mà cái vọng tâm ấy sẽ gây trở ngại chân tâm, sẽ che đậy chân tâm, việc này là có. Quyết định không thể ô nhiễm chân tâm. Chân tâm bị che đậy, bị ô nhiễm cũng chỉ là tạm thời, chứ không phải thật. Nó là vọng, là hư vọng, làm gì mà chân thật được chứ? Cho nên quyết định không ô nhiễm, không những tâm không ô nhiễm, mà thân cũng không ô nhiễm. Các vị cũng biết, thân không ô nhiễm thì thân thể của bạn sẽ khỏe mạnh, bạn làm sao mà bệnh chứ? Bệnh là do bị ô nhiễm mầm độc, bạn mới bị sinh bệnh. Mầm độc là từ đâu mà ra? Gốc là tham sân si tam độc. Chỉ cần từ trong nội tâm đem những tham sân si tam độc trừ bỏ, thì bạn vĩnh viễn sẽ không bị bệnh, bác sĩ và thuốc men sẽ tuyệt giao với bạn, sẽ đoạn dứt rồi. Nếu như tham sân si mạn - những độc tố này không loại bỏ, vậy thì hết cách rồi, bác sĩ và thuốc men sẽ gắn bó keo sơn với bạn, bạn sống sẽ rất khổ. Cho nên tự tư tự lợi, tham sân si mạn ít một phần, đoạn một phần thì thân thể của bạn sẽ khôi phục một phần khỏe mạnh, cho dù bạn có bệnh thì lúc trị bệnh cũng rất dễ trị. Nếu đoạn dứt hai phần, bạn sẽ khôi phục hai phần khỏe mạnh. Đoạn dứt ba phần, bạn sẽ khôi phục ba phần khỏe mạnh. Phàm phu chúng ta không có năng lực đoạn dứt thì đoạn từng phần.

Tôi xin giới thiệu phương pháp của tôi với các vị đồng tu. Tôi không phải thượng căn lợi trí, tôi không có cách nào đoạn dứt, tôi là đoạn từng phần, tự tư tự lợi tham sân si mạn là càng ngày càng ít, mỗi một năm một ít đi, cho nên thân thể của tôi mỗi năm một khỏe mạnh. Tôi tự mình biết được, tự mình rõ ràng minh bạch. Tháng trước, tôi tại Thẩm Quyến đã ghi hình bộ “Liễu Phàm Tứ Huấn”. Sau khi ghi xong thì đi đến Dương Châu hai ngày, thực hiện lời hẹn năm ngoái tại Dương Châu, gặp được một vị Lưu đại phu. Ông khám cho tôi xong thì liền nói: “Pháp sư! Thân thể Ngài so với năm ngoái còn khỏe hơn nhiều”. Tôi biết. Ông muốn học tôi hồi quy tự nhiên, buông bỏ danh văn lợi dưỡng, thất tình ngũ dục của thế gian này. Hồi quy tự nhiên thì thân thể làm sao có thể không khỏe chứ? Bạn sao có thể không vui vẻ chứ? Phiền não nhẹ, trí huệ tăng, chính là sự việc này. Bây giờ cách đoạn từng phần này, cảnh giới càng ngày càng sáng rõ, chính mình rất rõ ràng mà có thể phát giác ra được. Đây là tôi xin nêu ra để cho chư vị đồng tu làm tham khảo. Tôi có thể làm được thì chư vị cũng có thể làm được.

Khi tôi còn trẻ, nghiệp chướng cũng nặng như các vị. Tôi bắt đầu xuất gia khi tôi ba mươi mấy tuổi, thân thể cũng có mùi rất nặng, những người thân cận tôi đều tránh xa. Tôi còn bị chứng hôi miệng nữa. Đại khái là sau đó ba năm, lúc đó tôi khoảng chừng ba mươi bảy - ba mươi tám tuổi, hiện tượng này liền không còn nữa. Bản thân tôi vào lúc đó thì không có phát hiện, là một vị lão đồng tu ở thư viện phát hiện. Vị lão đồng tu này quen biết tôi từ khi còn chưa xuất gia, ông rất rõ. Ông đến nói với tôi: “Pháp sư Ngài mấy năm nay tu học cũng không tệ”. Tôi nói: “Làm sao ông biết vậy?”. Ông nói: “Mùi trên thân thể và chứng hôi miệng của Ngài đã không còn nữa”. Hiện tượng nghiệp chướng đã tiêu trừ, mỗi năm đều có tiến bộ, cho nên mới có thể pháp hỷ sung mãn.

“An trụ” là tương đối không dễ dàng, nhất định phải tự mình thật sự cố gắng nỗ lực, sửa lỗi đổi mới, tu thiện tích đức, đây mới có thể thành tựu. “Liễu Phàm Tứ Huấn” là một bộ sách vô cùng hay. Cuộc đời của tôi được lợi là nhờ quyển sách nhỏ này, cả đời phụng hành, tôi không có một mảy may nghi ngờ đối với nó. Cảnh giới tuy là không cao, nó xác thực đích đáng là nền tảng, là căn bản cho chúng ta tu hành. Nếu như chúng ta làm người cũng không xong thì làm sao có thể an trụ quốc độ Phật? Đạo lý này phải thường thường suy nghĩ.

Trước mắt chúng ta ở tại Phật đường này, tại học hội này, mọi người cùng nhau tu học ở trong lớp bồi huấn. Chúng ta trụ ở lớp này mà cũng không xong, vẫn còn ý kiến với đồng học, bạn nghĩ xem, bạn làm sao có thể vãng sanh? Nói cách khác, trụ tại quốc độ Singapore này cũng không xong, cũng không thể an trụ thì bạn làm sao có thể trụ tại Cực Lạc Thế giới, bạn có từng nghĩ qua đạo lý này chưa? Chân thật có tư cách an trụ Cực Lạc Thế giới là những người nào vậy? Người hòa hợp tăng đoàn, tu lục hòa kính, những người này khẳng định được sanh. Có lẽ sẽ có đồng tu hỏi, tôi sẵn lòng hòa hợp với họ, họ thì không thể hòa hợp với tôi, vậy phải làm sao? Kỳ thực, bạn hỏi câu hỏi này, đáp án đã có ở ngay bên trong. Chỉ cần chính bản thân bạn chung sống hòa thuận với mọi người thì được rồi, bạn khẳng định được sanh Tịnh Độ, không cần phải hỏi người khác, những đồng nghiệp này của bạn không thể vãng sanh Tịnh Độ. Chỉ cần ta có thể chung sống với người khác, không cần hỏi người khác đối với ta thế nào. Ở ngay trong cảnh duyên chân thật là tu hành tốt. Người chân thật tu hành là đem thuận cảnh nghịch cảnh, thiện duyên ác duyên thảy đều xem thành chân thiện tri thức của chính mình. Thuận cảnh, thiện duyên, thiện duyên là người tốt, bạn ở trong thuận cảnh thì người người đều là người tốt, bạn ở trong chỗ này mà tu thì không bị tham ái ô nhiễm, ở trong đây dễ dàng khởi tâm kiên tham. Nghịch cảnh, ác duyên, bạn sống chung với những người bất thiện này, vậy thì đúng lúc để tu nhẫn nhục Ba La Mật rồi. Cho nên, bất luận là cảnh giới gì, bất luận sống chung với những chúng sanh như thế nào, đều là đạo tràng của người tu hành thật sự. Nếu như bạn muốn lựa chọn đạo tràng nào, vậy là sai, hoàn toàn sai lầm. Người tu hành thật sự không có việc lựa chọn, lựa chọn thì bạn đã có phân biệt có chấp trước. Chư vị hãy suy nghĩ cho thật tỉ mỉ ngay chỗ này, để tư duy, để quan sát, bạn sẽ giác ngộ. Lựa chọn đạo tràng chỉ có một điều kiện, đó chính là nơi này có chấp nhận cho ta ở không? Họ mà chịu cho ta ở, đây là có duyên. Không chịu cho ta ở, ta đương nhiên phải ra đi, tuyệt đối không gây phiền não cho người khác. Hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức, chỉ có điều kiện như vậy thì mới bàn đến chuyện lựa chọn, nếu không mà nói, tuyệt đối không lựa chọn. Đạo tràng này mà không tốt, hoàn cảnh không tốt, người ở đó đối với bạn đều không tốt, nhưng mà không có ai đuổi bạn đi, chỉ cần họ không đuổi bạn đi, đây chính là đạo tràng tốt để cho bạn tu hành, bạn ở đây thì quyết định sẽ có thành tựu. Chư vị phải hiểu rõ đạo lý này. Nếu ở chung với người ta không vừa ý một chút mà muốn đi rồi, thì bạn không phải người tu hành. Ở đây ngược lại không có ai đuổi bạn đi, mà bạn lại muốn rời khỏi, bạn cảm thấy chịu không nổi nữa, vậy bạn không phải người tu hành, bạn không chịu tu nhẫn nhục Ba La Mật, bạn không chịu tu bố thí Ba La Mật, một điều trong lục độ bạn cũng không có. Hiện nay người chân thật hiểu rõ đạo lý này không nhiều, tôi rất ít nhìn thấy, cho nên thời đại này người mà tu hành thành tựu quả thực như lông phụng sừng lân. Chúng ta lại suy nghĩ, tại vì sao mà thành ra như vậy? Vẫn là cổ đức đã nói rằng, không có ai nói với họ. Chúng ta tin rằng, ở trong đại chúng đã đầy đủ thiện căn phước đức nhân duyên, quyết định không thể ít, vô cùng đáng tiếc là không gặp được thiện hữu, không có gặp được thiện tri thức chỉ dẫn họ, không có thiện tri thức cảnh tỉnh họ, cho nên họ mê hoặc, họ sai lầm. Từ đó mà biết, thiện tri thức là một trong những mấu chốt cho việc chúng ta có thể thành tựu trong đời này hay không. Chân thật gặp được thiện tri thức, người từ trình độ trung đẳng trở lên, đại đa số đều có thể thành tựu. Đây là trong lịch sử của chúng ta, trong quá trình tu học đời này của chúng ta, chúng ta tận mắt nhìn thấy, tận tai nghe được. Thân cận thiện hữu là đại sự đầu tiên của người sơ học chúng ta.

“Bất xả thiện tri thức”, bất xả thiện tri thức cũng phải hiểu rằng, không phải mỗi ngày dính như bóng với hình, không rời thiện tri thức, vậy thì cũng sai. Không xả bỏ giáo huấn của thiện tri thức, đây mới chân thật gọi là không rời thiện tri thức. Những giáo huấn của thiện tri thức chúng ta ngày ngày ghi nhớ trong lòng, ngày ngày y giáo phụng hành, đây chính là chân thật thân cận thiện tri thức.

Thích Ca Mâu Ni Phật khi còn tại thế gian, trên Kinh điển có một công án. Có hai vị Tỳ Kheo muốn đi gặp Phật, trên đường đi bị khát nước, gặp được một cái vũng nước, trong vũng nước có côn trùng. Có một vị Tỳ Kheo liền uống ngay, vì nếu không uống, e rằng không có cách nào sống nổi. Sau khi uống nước xong thì đi gặp Thích Ca Mâu Ni Phật. Còn vị Tỳ Kheo kia không uống nước, cho nên đã chết vì khát. Sau khi được gặp Phật, Phật hỏi ông từ đâu mà đến, ông liền kể lại những việc đã xảy ra trên đường đi. Phật nói: “Vị Tỳ Kheo đã nghiêm trì giới luật ấy từ sớm đã đến gặp ta rồi, ông không có gặp được ta”. Các vị hãy suy nghĩ ý nghĩa của câu nói này, người đứng ngay ở trước mặt đức Phật mà không thể y giáo phụng hành thì chưa phải là gặp được Phật, người chân thật y giáo phụng hành tuy rằng đã chết, nhưng họ vẫn ở bên cạnh thiện tri thức. Đây là một ví dụ rất hay. Vì vậy, cho dù thiện tri thức không tại thế, chúng ta cũng có thể thân cận họ như ở trước mặt.

Tôi khuyên bảo đồng học thân cận A Di Đà Phật, Phật A Di Đà ở đâu vậy? Bộ Kinh này chính là Phật A Di Đà. Ta ngày ngày đọc tụng là nghe giáo huấn của Phật A Di Đà, ta có thể lý giải, ta có thể y giáo phụng hành thì cũng như đang ở ngay bên cạnh Phật A Di Đà không khác, hiện tiền tất cả lúc, tất cả chỗ, quyết định được Phật A Di Đà hộ niệm. Được Phật A Di Đà hộ niệm, xin nói với các vị, là các vị được mười phương ba đời tất cả chư Phật hộ niệm. Chư Phật hộ niệm thì sao có đạo lý Long Thiên Thiện Thần không bảo hộ các vị được? Cho nên, người tin Phật học Phật thì được đại lợi ích. Cái lợi ích này, không một lợi ích thế xuất thế gian nào có thể sánh bì được với nó, tại vì sao không chăm chỉ nỗ lực mà tu học?

Kinh văn một câu phía sau: “Uy đức quảng đại”. “Uy” là chỉ kính nể,  tôn kính Ngài. “Đức” nghĩa là yêu quý hoan hỷ. Bạn xem, vừa yêu quý vừa nể sợ Ngài thì gọi là “uy đức”. Đa số học sinh đối với thầy cô có thể cảm nhận được việc này. Thầy cô có uy đức, học sinh đối với thầy cô rất là kính yêu mà cũng rất sợ. “Quảng đại” thì không phải người bình thường có thể làm được. “Đại” là từ bao dung mà nói, “quảng” cũng có ý nghĩa là “lớn”, nhưng mà ở đây vẫn còn cái ý sâu hơn. Chúng ta học Phật đầu tiên phải đem tâm lượng mở rộng ra, phải có thể bao dung tất cả, nhất định không thể nào cái này tôi thấy không vừa ý, cái kia tôi không hài lòng, việc này không thể nào. Người như vậy không thể nào học Phật, chỉ có thể trồng được một ít thiện căn trong Phật pháp, không vào được cửa. Chúng ta nghĩ xem, chúng ta vào được cửa chưa? Rất khó nói. Nếu như tâm lượng bạn nhỏ thì bạn ở bên ngoài cửa, chưa có vào trong. Đây là sự thật, tuyệt đối không phải nói đùa.

Bạn xem, đạo tràng của Phật giáo chúng ta, nơi giảng Kinh tu học thì gọi là đạo tràng, kiến trúc của nó, những gì thờ cúng bên trong muôn hình vạn trạng đều là giáo học. Kiến trúc, bạn vừa đến đạo tràng này, việc đầu tiên nhìn thấy là sơn môn, điện Thiên Vương. Ở trong điện Thiên Vương, đối diện với cổng chính cúng dường nhất định là Bồ Tát Di Lặc. Tạo tượng của Bồ Tát Di Lặc là theo hình tượng Bố Đại Hòa thượng, đây là các vị tổ sư Đại đức của chúng ta đã làm. Bố Đại Hòa thượng ngồi ở chính giữa, Ngài ngồi ở đó để làm gì vậy? Là Ngài nói với bạn, giống như dáng vẻ của Ngài mới có thể vào cửa Phật. Cái bụng của Ngài rất lớn, có thể dung chứa, đối với tất cả mọi người thì cười híp mắt, tuyệt đối không có việc ghét người này, ghét cái kia. Các vị hãy suy nghĩ cái ý vị này. Không phải bạn vui cười với người này mà lại làm mặt ngầu với người nọ, vậy bạn chưa có vào cửa Phật. Người vào cửa Phật, bất luận đối với một người như thế nào, nhất định là vui cười với người, nhất định là bao dung tất cả, thì bạn mới có thể vào cửa Phật. Không phải vào cái cửa hình thức mà là vào cửa thực chất. Cửa thực chất có nghĩa là gì? Quả Tiểu thừa Tu Đà Hoàn, Đại thừa Sơ tín vị Bồ Tát. Bạn có thể chứng được Sơ tín vị Bồ Tát, chứng được quả Tiểu thừa Tu Đà Hoàn, bạn mới coi là vào cửa. Suy nghĩ xem, chúng ta đã vào hay chưa? Chưa vào cửa! Nhìn thấy người vẫn còn thấy không vui, cho nên học Phật học hết bao nhiêu năm mà vẫn còn ở ngoài cửa Phật. Nhìn thấy bức tường cửa Phật mà vào chưa được, y phục thì đã mặc lên rồi nhưng vẫn bên ngoài cửa. Cái y phục này là người ở bên trong cửa mặc, chúng ta ngày nay cũng mặc lên y phục của họ, đích thực lại chưa vào cửa, vậy mặc bộ y phục này có cảm thấy hổ thẹn hay không? Mặc bộ y phục này nghĩa là “ta muốn vào cửa”, nhưng mà bạn có vào được hay không? Nên nhớ phải mở rộng tâm lượng, phải đối đãi bình đẳng với tất cả chúng sanh, chung sống hòa thuận, tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, như vậy chúng ta mới có thể vào được cửa.

Sơ tín vị Bồ Tát, quả Tiểu thừa Tu Đà Hoàn, công phu của họ là như thế nào? Là đã đoạn kiến hoặc ở trong kiến tư phiền não. Danh từ “kiến hoặc” này, các đồng học sơ học cũng không hiểu. Chúng tôi nói theo một cách khác, “Kiến giải sai lầm” nghĩa là nói mọi cách nhìn của bạn đã sai lầm rồi. Sự việc sai lầm như vậy quá nhiều, Phật đem quy nạp trở lại thành năm loại lớn.

NĂM LOẠI KIẾN GIẢI SAI LẦM.

Loại thứ nhất là “Thân Kiến”. Chấp trước cái thân này là ta, đây là cách nhìn sai lầm. Khi chúng tôi giảng Kinh cũng thường thường nhắc nhở với mọi người, cái thân này không phải là ta, thân mà là ta thì xong rồi, thân mà chết thì ta không phải chết luôn rồi hay sao? Thân không phải là ta, thân chết ta không chết, ta sẽ sống đến vĩnh hằng. Thân không phải ta thì thân là cái gì? Trong Phật pháp có một cái danh từ gọi là “ngã sở”, dùng lời hiện nay mà nói nghĩa là “cái ta sở hữu”. Giống như tôi mặc bộ y phục này, thì bộ y phục là cái tôi sở hữu, đây không phải tôi. Y phục mặc cũ rồi thì sẽ thay ra mặc bộ mới vào, mặc rách rồi lập tức liền không cần nữa, vứt bỏ đi, may một bộ y phục mới để mặc. Y phục có sanh diệt, có sanh tử, ta không có sanh tử. Cùng đạo lý như vậy, cái thân này là của ta, giống như là y phục vậy, cái thân thể này thời gian sử dụng đã lâu rồi, nó hỏng rồi, không cần nó nữa, đổi một cái thân thể mới khác. Người mà hiểu được đạo lý này, càng đổi càng thù thắng, càng đổi càng tốt, đời này chúng ta được là thân người, đời sau chúng ta đến trời Dục Giới, đời sau nữa chúng ta đến trời Sắc Giới, mỗi đời một tốt hơn, càng đổi càng tốt. Người như vậy là người thông minh, người như vậy có trí tuệ. Nếu như càng đổi càng tệ thì sai rồi, đời này thì làm người, đời sau xuống làm quỷ, sau nữa làm súc sanh, rồi đi vào trong địa ngục luôn. Đây là sai lầm. Cho nên phải biết rằng, thân trời, thân người, thân súc sanh, thân ngạ quỷ, thân địa ngục đều là cái ta sở hữu, không phải ta. Ta là vĩnh hằng, ta không có sanh diệt. Đem cái thân này xem thành ta, đây là một kiến giải sai lầm, một cách nhìn sai lầm, bạn phải đem nó cải đổi trở lại.

Loại thứ hai là “Biên Kiến”. “Biên kiến” có ý nghĩa gì? Chấp trước có hai bên, thực tế mà nói, chính là khoa học gia phương tây hiện nay nói là “thuyết tương đối”, trong Phật pháp thì nói là “biên kiến”, là kiến giải sai lầm. Phàm là đối lập, lớn thì đối lại là nhỏ, dài thì đối lại là ngắn, đây gọi là “biên kiến”. Vì sao có kiến giải sai lầm này? Kiến giải này là từ trong vọng tưởng, phân biệt, chấp trước mà sinh ra, không phải chân tướng sự thật, bên trong chân tướng sự thật không có. Có lẽ bạn không thừa nhận, vì sao nói không có? Rõ ràng là cái này lớn, cái kia nhỏ, cái nhà này thì lớn, cái nhà kia thì nhỏ, nằm ngay trước mắt, bạn sao lại có thể nói đây là sai lầm chứ? Thật sự đã sai! Bạn không thể biết. Nếu như bạn biết được bạn sai lầm, sửa đổi cái sai lầm này, thì bạn chứng được quả vị. Sau khi đã chứng quả rồi thì cái nhà này có lớn nhỏ hay không? Không có lớn nhỏ. “Duy Ma trượng thất” ở trên “Kinh Duy Ma”, cái phòng mà cư sĩ Duy Ma ở không lớn, chu vi có một trượng, nhỏ hơn nhiều so với giảng đường này của chúng ta. Cư sĩ Duy Ma giảng Kinh, bên trong lại có thể có đến một vạn người ngồi. Một vạn người ngồi trong căn phòng nhỏ ấy của ông mà không tỏ ra chật chội, đó là cảnh giới gì? Không có lớn nhỏ. Cho nên Phật nói với chúng ta: “Núi Tu Di chứa hạt cải, hạt cải đựng núi Tu Di”. Hạt cải là hạt của cây cải, đem núi Tu Di bỏ vào trong hạt của cây cải, núi Tu Di không có thu nhỏ, hạt cây cải không có phình to, vậy thì sao có thể bỏ vào? Không có lớn nhỏ thì mới có thể bỏ vào được. Có lớn nhỏ, lớn thì có thể chứa nhỏ, nhỏ thì làm sao có thể chứa lớn? Chúng ta ngày nay, cảnh giới này tại vì sao không thể hiện tiền? Chính là bởi vì bạn có phân biệt, bạn có chấp trước, sai là ở chỗ này. Từ đây mà biết, quả Tu Đà Hoàn Viên giáo Sơ tín vị Bồ Tát đã nhập vào cảnh giới này rồi, chúng ta nói là “cảnh giới bất tư nghì”. Người ta đã khế nhập chứng được rồi, là thật, không phải là giả.

Loại thứ ba là “Giới Thủ Kiến”. Đây là chúng ta thường nói là “thành kiến”. Người nào cũng có thành kiến rất sâu.

Loại thứ tư là “Kiến Thủ Kiến”, cũng là thuộc về thành kiến. Hai loại thuộc về thành kiến. Thành kiến vì sao phân thành hai loại? Vì một cái là sinh ra thành kiến từ trên nhân, một cái là sinh ra thành kiến từ trên quả.

Loại cuối cùng là “Tà Kiến”. Không thuộc về năm cách nhìn sai lầm nói phía trước thì đều quy nạp vào “tà kiến”.

Chúng ta có thể đem những cách nhìn sai lầm này vứt bỏ, thật sự y chiếu theo những đạo lý phương pháp này trong Kinh luận Phật sửa thành cách nhìn chính xác, đối với vũ trụ nhân sanh có cách nhìn chính xác, bạn mới vào được cửa. Chúng ta học Phật đã được nhiều năm rồi, dù sao cũng đừng cống cao ngã mạn, dù sao cũng đừng cho rằng bản thân mình rất giỏi, trên thực tế còn chưa vào được cửa thì có gì đáng để cống cao ngã mạn? Nhất định phải khiêm nhường. Đẳng Giác Bồ Tát mà còn khiêm nhường, làm gì có Bồ Tát nào không khiêm nhường? Tìm không ra. Làm gì có vị La Hán nào không khiêm nhường? Cũng tìm không ra. Người không chịu khiêm nhường thì mãi mãi không thể vào cửa Phật, chúng ta không thể không biết. Cho nên tâm lượng phải nên mở rộng, nhất định phải bao dung, phải bồi dưỡng cái tâm lượng quảng đại của mình. Phật ở trên Kinh thường nói: “Tâm bao thái hư, lượng châu sa giới”, đó là tâm lượng vốn có của chúng ta. Hãy nghĩ xem, chư Phật Như Lai, chư đại Bồ Tát họ dựa vào cái gì mà làm được? Chúng ta tại vì sao không làm được? Gặp phải một chuyện nhỏ nhặt mà cũng nổi giận rồi. Phải lập tức quay đầu, cần phải nghĩ đến, ta làm sao mà lại tệ đến mức độ này? Tu hành là phải bắt đầu từ những chỗ này.

“Quảng” có thể nói là đại hội chư thượng thiện nhân ở Tây Phương Cực Lạc Thế giới, Phật A Di Đà mỗi ngày đều giảng Kinh thuyết pháp. Ngoài đại chúng Tây Phương Thế giới mỗi một người đều đang nghe, còn có Bồ Tát ở mười phương thế giới, họ có thần thông, họ có năng lực, ngưỡng mộ Phật A Di Đà, đều đến nghe Kinh. Giảng đường ấy của Phật A Di Đà rất rộng lớn, không thể nghĩ bàn. Người ở mười phương thế giới thảy thảy đều đến, sức chứa ở nơi ấy rất rộng rãi thoải mái, tuyệt đối sẽ không cảm thấy chật chội. Là giảng đường quảng tương quảng đại, pháp hội thù thắng, Thánh chúng vô lượng. Quảng đại cũng là biểu thị tánh đức, quốc độ thanh tịnh, trên Kinh giảng “siêu du thập phương”. Sự thanh tịnh ở Thế giới Tây Phương còn thanh tịnh hơn tất cả sát độ của chư Phật. Việc này thì chúng ta có thể tưởng tượng ra được. Tại vì sao? Thế giới này của chúng ta là Tịnh Độ của Thích Ca Mâu Ni Phật, nhưng Tịnh Độ của Thích Ca Mâu Ni Phật lại không thuần tịnh, Thích Ca Mâu Ni Phật chỉ có Thật Báo Trang Nghiêm Độ là thanh tịnh, Cực Lạc Thế Giới có tứ độ. Thế giới Ta Bà của Thích Ca Mâu Ni Phật cũng có tứ độ, nhưng Phàm Thánh Đồng Cư Độ không thanh tịnh, Phương Tiện Hữu Dư Độ cũng không đủ thanh tịnh. Nhưng Tây Phương Cực Lạc Thế giới thù thắng nhất chính là Đồng Cư và Phương Tiện đều thanh tịnh, thanh tịnh như là Thật Báo Độ. Đây là điều mà trong sát độ của mười phương chư Phật không có, cho nên nói “siêu du mười phương”.

Danh hiệu của Phật A Di Đà cũng có thể xưng là Vô Lượng Thanh Tịnh Phật, hoặc xưng là Vô Lượng Thanh Tịnh Giác. Vì sao vậy? Tây Phương Cực Lạc Thế giới xác thực đích đáng là sở hiện ở trong chân tâm tự tánh của A Di Đà Phật, “duy tâm sở hiện”, nó chỉ có sở hiện, không có sở biến. Quốc độ Phật ở tha phương thế giới là “duy tâm sở hiện”, Thật Báo Độ của chư Phật, Tịch Quang Độ của chư Phật, còn Phương Tiện Độ, Đồng Cư Độ ở trong Sát Độ của chư Phật là “duy thức sở biến”. Thế giới này của chúng ta chính là giống như vậy, không giống như Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, tứ độ đều là Pháp Tánh Độ.

Tứ độ đều là Pháp Tánh Độ, đều là “duy tâm sở hiện”, thì tại sao vẫn còn gọi tứ độ, còn phải gọi là Đồng Cư, còn phải gọi là Phương Tiện? Chúng ta tu Tịnh Độ, trong bao nhiêu năm tu học như thế đã dần dần lĩnh ngộ được. Người được vãng sanh đến Cực Lạc Thế giới là đới nghiệp vãng sanh, nói một cách khác, ở trong A Lại Da Thức của họ đã trồng xuống những hạt giống này, không có cách chuyển trở lại được, họ là mang theo những thứ này đi vãng sanh. Với những người này mà nói, là Đồng Cư Độ, là Phương Tiện Độ. Nếu như đối với Phật và pháp thân Bồ Tát mà nói, thì đều là Thật Báo Độ. Chư vị cứ suy nghĩ thử xem, tôi nói lời này có đạo lý hay không? Trong tâm của chư Phật Bồ Tát thì tất cả đều là Thật Báo Độ, đều là Tịch Quang Độ. Đây là cảnh giới không thể nghĩ bàn. Cho nên, ở đây được gọi là “Thanh Tịnh Phật Độ”.

Trên Kinh luận chỉ dạy chúng ta, trong “Vãng Sanh Luận” nói rất hay, tâm chuyên niệm, phát nguyện cầu sanh, bạn chân thật minh bạch rồi, chân thật giác ngộ rồi, tin tưởng lời của Thích Ca Mâu Ni Phật. Ngày mai là lễ Phật Đản, là ngày sinh đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Chúng ta không nên chấp trước ngày sinh của đức Phật là ngày nào. Người Trung Quốc có cách nói của người Trung Quốc, người Ấn Độ có cách nói của người Ấn Độ, Nam Dương có cách nói của Nam Dương. Người Trung Quốc thì nói là ngày mồng 8 tháng 4 âm lịch, không phải là dương lịch. Việc này không ảnh hưởng gì. Chúng ta một năm cứ lựa chọn ra một ngày để kỷ niệm Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, cho nên lễ Phật Đản là ngày lễ để kỷ niệm Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Đây là một ngày mà chúng sanh chúng ta hoan hỷ nhất. Phật đã đến thế gian này của chúng ta, đem lại ánh sáng cho chúng ta, đem lại hạnh phúc cho chúng ta. Ánh sáng của Ngài chính là Kinh điển. Ngài đem hạnh phúc đến cho chúng ta, đó chính là y giáo tu hành. Người mà y giáo tu hành không có một ai mà không được phước. Có được nhất định là phước báo cứu cánh viên mãn. Nếu như bạn học Phật mà không được phước, khẳng định là bạn đã bị sai lầm ở trên lý luận hoặc là trên phương pháp. Nếu như phương pháp, lý luận không có sai lầm, bạn quyết định được phước. Đây là đạo lý chân thật. Cho nên chúng ta nhất định phải chuyên tâm, nhất tâm chuyên niệm, phát nguyện cầu sanh, như vậy quyết định được vào liên hoa thế giới. Lời tuy rằng nói là như vậy, đáng sợ nhất đó là người thường cắt câu lấy nghĩa, tự mình đã làm chướng ngại chính mình. Giống như bổn nguyện niệm Phật, chỉ học nguyện thứ 18, cái khác thì đều không cần nữa. Đây là hiểu lầm rồi, đây là cắt câu lấy nghĩa, chính mình đã làm lỡ mất cơ hội rất tốt ngay đời này cầu sanh Tịnh Độ, vô cùng đáng tiếc.

Khi chúng tôi giới thiệu bộ Kinh này có nói, nguyện thứ 18 quy kết đến sau cùng là danh hiệu, công đức của danh hiệu không thể nghĩ bàn. Ý nghĩa của danh hiệu chính là 48 nguyện. Nói cho rõ ràng tường tận, 48 nguyện chính là bộ “Kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ” này, mỗi câu mỗi chữ đều là giải thích 48 nguyện cho chúng ta, mỗi một câu mỗi một chữ đều không tách rời phạm vi 48 nguyện. Chúng ta phải nên thâm nhập lý giải bộ “Kinh Vô Lượng Thọ” này.

Cổ Đại đức đã nói với chúng ta, “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh” là chú giải của “Kinh Vô Lượng Thọ”. Vậy chú giải của “Kinh Hoa Nghiêm” là gì? Người xưa nói Đại Tạng Giáo, trong Phật giáo là “Đại Tạng Kinh”, toàn bộ “Đại Tạng Kinh” là chú giải cho “Kinh Hoa Nghiêm”. Những đồng tu học Phật đối với sự việc này không thể không biết rõ. Sau khi bạn đã thật sự minh bạch, người ta nói công đức Phật hiệu không thể nghĩ bàn thì bạn mới có khái niệm này. Nếu không mà nói, công đức danh hiệu không thể nghĩ bàn, đến khái niệm chúng ta cũng không có. Câu A Di Đà Phật này có công đức gì chứ, có gì hay đâu chứ? Bạn sẽ hoàn toàn không biết. Cho nên bạn phải đem “Đại Tạng Kinh” quy nạp thành “Hoa Nghiêm”, “Hoa Nghiêm lại quy nạp thành “Vô Lượng Thọ”, “Vô Lượng Thọ” quy nạp thành 48 nguyện, 48 nguyện quy nạp thành một câu Phật hiệu, bạn mới hoát nhiên đại ngộ, công đức danh hiệu thật là không thể nghĩ bàn, cảm được “uy đức quảng đại thanh tịnh Phật độ”.

Hôm nay chúng tôi xin giảng đến đây thôi.

A Di Đà Phật…

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 235)

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Thời gian: Khởi giảng năm 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây Cư Sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ