Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 198)

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 198)
Hành Tịnh Trực Đức Kinh văn: "Hành tịch tịnh hạnh, viễn ly hư vọng, y chân đế môn, trực chúng đức bổn". Tiểu khoa này là "Hành tịnh trực đức". Điều này dần khế nhập vào cảnh giới. Phía trước tiết nhỏ này, chúng ta đem nó tổng kết lại nói thì thứ nhất là phải đoạn nội hoặc, thứ hai là phải viễn ly ngoại duyên. Chúng ta xem thấy Bồ Tát Pháp Tạng (đây là nói A Di Đà Phật khi ở nhân địa tu Bồ Tát đạo, làm ra tấm gương cho chúng ta) trong không có ác niệm, đây chính là viễn ly phiền não tập khí, bên ngoài không dính ngoại duyên, sau đó thân tâm mới thanh tịnh. "Đản lạc ức niệm, quá khứ chư Phật, sở tu thiện căn", đây chính là Ngài đem pháp môn niệm Phật thực tiễn ở ngay trong cuộc sống thường ngày. Nghĩ tưởng chư Phật Bồ Tát trải qua ngày tháng như thế nào, chư Phật Bồ Tát đối nhân xử thế tiếp vật như thế nào trong công việc hằng ngày của các Ngài, chúng ta phải ức niệm những việc này. Làm thế nào để ức niệm? Những sự việc này đều ở trên bộ Kinh này. Do đó, tu học trước tiên phải đem Kinh đọc thuộc, mỗi giờ mỗi phút có thể đề khởi, ngay khi chúng ta khởi tâm động niệm, lời nói, việc làm lập tức liền có thể nghĩ đến ở trên Kinh Phật nói như thế nào, ý niệm này ta có nên khởi

Hành Tịnh Trực Đức

Kinh văn: "Hành tịch tịnh hạnh, viễn ly hư vọng, y chân đế môn, trực chúng đức bổn".

Tiểu khoa này là "Hành tịnh trực đức". Điều này dần khế nhập vào cảnh giới. Phía trước tiết nhỏ này, chúng ta đem nó tổng kết lại nói thì thứ nhất là phải đoạn nội hoặc, thứ hai là phải viễn ly ngoại duyên. Chúng ta xem thấy Bồ Tát Pháp Tạng (đây là nói A Di Đà Phật khi ở nhân địa tu Bồ Tát đạo, làm ra tấm gương cho chúng ta) trong không có ác niệm, đây chính là viễn ly phiền não tập khí, bên ngoài không dính ngoại duyên, sau đó thân tâm mới thanh tịnh.

"Đản lạc ức niệm, quá khứ chư Phật, sở tu thiện căn", đây chính là Ngài đem pháp môn niệm Phật thực tiễn ở ngay trong cuộc sống thường ngày. Nghĩ tưởng chư Phật Bồ Tát trải qua ngày tháng như thế nào, chư Phật Bồ Tát đối nhân xử thế tiếp vật như thế nào trong công việc hằng ngày của các Ngài, chúng ta phải ức niệm những việc này. Làm thế nào để ức niệm? Những sự việc này đều ở trên bộ Kinh này. Do đó, tu học trước tiên phải đem Kinh đọc thuộc, mỗi giờ mỗi phút có thể đề khởi, ngay khi chúng ta khởi tâm động niệm, lời nói, việc làm lập tức liền có thể nghĩ đến ở trên Kinh Phật nói như thế nào, ý niệm này ta có nên khởi hay không, lời nói này ta có nên nói hay không, sự việc này ta có nên làm hay không. Tất cả đều tùy thuận giáo huấn Phật Đà, Phật dạy làm thế nào thì ta làm như thế đó, đây là ức niệm chư Phật. Trên "Kinh Hoa Nghiêm" nói: "Bồ Tát Thập Địa trước sau không rời niệm Phật", ý nghĩa chính ngay chỗ này. Câu này là tổng cương lĩnh của Tịnh Độ tông. Chúng ta mỗi niệm phải hướng Phật mà học tập, nên có câu là "lão thật niệm". Quan trọng nhất là niệm giáo huấn của Phật, niệm hạnh nghiệp của Phật, hành vi của Ngài, tạo tác của Ngài. Chúng ta phải nên làm thế nào học tập với Ngài?

Phật ở phía trước đã từng nói: "Khứ lai hiện tại Phật Phật tương niệm", có thể thấy được sở dĩ Phật có thể thành tựu đều là học tập của Phật trước. Ngày nay chúng ta cũng muốn thành Phật thì vẫn là biện pháp cũ này, phải học tập với Thích Ca Mâu Ni Phật, phải học tập với A Di Đà Phật. A Di Đà Phật ở đâu vậy? "Kinh Vô Lượng Thọ" chính là A Di Đà Phật. Câu nói này rất quan trọng.

Tiếp theo nói: "Hành tịch tịnh hạnh". “Tịch tịnh” là gì? Nếu chiếu theo giải thích của đại đức xưa, "Vô Dư Niết Bàn danh tịch tịnh", tu Vô Dư Niết Bàn thì gọi là tịch tịnh hạnh. Cách nói này chúng ta không dễ hiểu. Trước tiên chúng ta phải lý giải ý nghĩa của "tịch tịnh". “Tịch” là ý nghĩa của tịch diệt, “tịnh” là ý nghĩa của thanh tịnh. Tịch diệt là gì, là đối với ai nói vậy? Đối với vọng tưởng, phân biệt, chấp trước mà nói. Cách nói này thì mọi người dễ hiểu. Viễn ly vọng tưởng, phân biệt, chấp trước gọi là tịch, đây chính là "Vô Dư Niết Bàn". Thuật ngữ ở trên Phật Kinh, "tịnh" là gì? Chúng ta sinh hoạt ở thế gian này không thể lìa khỏi xã hội, hay nói cách khác, mắt chúng ta phải thấy, tai phải nghe, miệng phải nói, sáu căn ở ngay trong cuộc sống thường ngày khởi tác dụng, không phải nó không khởi tác dụng. Tuy khởi tác dụng nhưng trong tâm đích thực không có phân biệt, chấp trước, hạnh này gọi là "tịnh hạnh".

Phật biểu diễn cho chúng ta xem. Thích Ca Mâu Ni Phật năm xưa ở đời vì mọi người giảng Kinh nói pháp 49 năm, ngày ngày tiếp xúc mọi người bận rộn đến hết hơi hết sức, nhưng Ngài là tịch tịnh hạnh. Tịch tịnh tuyệt nhiên không phải cái gì cũng đều không làm, chạy đến núi sâu, tìm một cái động để trốn trong đó, như vậy không phải tịch tịnh. Đến lúc nào động tịnh không hai thì mới vào tịch tịnh. Có thể như Thiện Tài Đồng Tử Năm Mươi Ba Tham trong "Kinh Hoa Nghiêm". Năm mươi ba vị Pháp Thân Đại Sĩ này đại biểu điều gì? Trong xã hội chúng ta có 53 loại nghề nghiệp khác nhau, phương thức đời sống khác nhau, họ mỗi một người đều là hành tịch tịnh hạnh. Chúng ta phải ở trong đây mà học tập. Làm thế nào ở trong xã hội hiện tại bận rộn phức tạp như thế này, bạn phải hiểu được tu tịch tịnh hạnh thì bạn liền được tâm thanh tịnh, bạn ở trong đây liền tu hành chứng quả.

Vì sao chúng ta sống trong đời sống này không có được tịch tịnh? Nguyên nhân không ngoài vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Bạn làm sao có thể được tịch tịnh? Sáu căn tiếp xúc tất cả cảnh giới thì khởi tâm động niệm (đây là vọng tưởng), phân biệt phải-quấy, thiện-ác, lợi-hại. Bạn không thể nào rời khỏi phân biệt, chấp trước thì bạn làm sao có được tịch tịnh? Xem thấy những người tu hành này, những pháp thân Bồ Tát này, các Ngài giống y như chúng ta, cũng sống ngay trong hoàn cảnh này, vì sao các Ngài không có phiền não? Vì sao các Ngài có thể được tâm thanh tịnh? Do đây có thể biết, được tâm thanh tịnh không có liên quan với ngoại duyên bên ngoài, ngoại duyên có phức tạp hơn cũng không nhiễu loạn lòng người tu hành. Thế nhưng các vị phải nên ghi nhớ, đạo nghiệp của người này đã thành tựu mới được, còn những người sơ học như chúng ta đây thì khó rồi, khi không có việc, khi không tiếp xúc với người thì trong tâm không ngừng khởi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, tiếp xúc cảnh giới bên ngoài thì được sao? Cho nên đối với người sơ học, Tổ sư Đại đức nhất định phải chọn lựa cho họ một hoàn cảnh tu hành, đạo lý chính ngay chỗ này.

Phàm phu là cảnh tùy tâm chuyển. Việc này rất đáng thương. Tâm tùy cảnh chuyển, vậy thì bạn nhất định phải tìm cho họ một hoàn cảnh tốt. Người xưa chúng ta biết được. Mọi người đều biết câu chuyện "Mẹ Mạnh Tử ba lần dời nhà". Mẫu thân của Mạnh Phu Tử vì để bồi dưỡng con trai của bà đã phải dọn nhà ba lần. Vì sao phải dọn nhà? Hoàn cảnh chung quanh có ảnh hưởng không tốt đối với con trai bà.

Tổ sư Đại đức xưa nay răn dạy sơ học, vì sao đem đạo tràng xây dựng ở trong núi sâu, cách ly thôn trang tương đối xa, không có dấu chân người? Vì hoàn cảnh thanh tịnh, dùng cái này để làm trợ duyên, giúp người sơ học tu tịch tịnh hạnh. Khi tịch tịnh hạnh đã thật tu thành công thì phải đến đô thị để độ hóa chúng sanh, phải hành Bồ Tát đạo. Khi bạn tiếp xúc xã hội bận rộn mà vẫn cứ thanh tịnh, vẫn cứ không khởi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì bạn thành công rồi, bạn ở trong đó mà tôi luyện. Bạn giúp đỡ xã hội đại chúng là tu phước, chính mình tâm địa thanh tịnh không nhiễm một trần là tu huệ, phước huệ song tu. Không phải bảo bạn mãi mãi ở trong núi, không ra ngoài, vậy thì có ích gì chứ? Đã tu thành Phật mà không thể độ chúng sanh, vậy Phật này có lợi ích gì? Phật này làm sao có thể đạt được người khác tôn kính? Sau khi tu thành công, nhất định phải tiếp xúc mọi người, cùng hòa quang hồng trần với mọi người, dung hợp thành một khối, ở ngay trong đại chúng vì mọi người làm tấm gương, không chỉ là ngôn giáo, mà còn có thân giáo, thành tựu sự nghiệp Bồ Tát độ sanh. Đây mới chân thật là Vô Dư Niết Bàn. Do đây có thể biết, vào Vô Dư Niết Bàn mà diệt độ là linh động hoạt bát.

"Viễn ly hư vọng". Trên "Kinh Niết Bàn" có câu: "Tất cả việc ác, hư ngụy là gốc". Bạn hiểu được hư ngụy là gì không? Trên "Kinh Kim Cang" nói: "Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng", "tất cả hữu vi pháp như mộng huyễn bào ảnh", như mộng huyễn bào ảnh chính là hư vọng. Tất cả hữu vi pháp là gì? Trong "Bách Pháp Minh Môn Luận" đã nói tám tâm pháp, năm mươi mốt tâm sở pháp, mười một thiện pháp, hai mươi sáu phiền não, hai mươi bốn bất tương ưng hành pháp, mười một sắc pháp, những thứ này thảy đều gọi là pháp hữu vi. "Tất cả hữu vi pháp như mộng huyễn bào ảnh", đều là hư vọng. Sáu cõi mười pháp giới đều là pháp hữu vi. Hiện tại chúng ta sống ở trong đây "viễn ly hư vọng", tức hư vọng mà viễn ly hư vọng. Phải hiểu rõ đạo lý này. Hay nói cách khác, cái "hư vọng" này người phàm không cách gì trừ bỏ đi.

Hôm trước có một đồng tu hỏi một vấn đề, anh ấy hỏi trong các loại ma, ấm ma là gì? Ấm ma chính là ngũ ấm. "Sắc-thọ-tưởng-hành-thức" chính là ngũ ấm. Bạn có thể gạt bỏ đi được không? Ngũ ấm là gì? Ngũ ấm là nói cái thân của chúng ta, thân thể này của chúng ta, vật chất này là "sắc", do bốn đại hòa hợp, đây là nói sắc pháp; bộ phận của tinh thần là "thọ, tưởng, hành, thức". Đây gọi là ngũ ấm, ngày nay gọi là động vật, Phật pháp gọi là thân của chúng sanh hữu tình. Căn thân là năm ấm hòa hợp, cũng gọi là năm uẩn hòa hợp. Cái thứ này chính là dày vò.

Trước khi Phật pháp chưa truyền đến Trung Quốc, Lão Tử đã giảng qua: "Sở dĩ ta có đại hoạn vì ta có thân". Ông biết được cái thân này không phải là thứ tốt, thân là họa hoạn, đây chính là ma (ý nghĩa của ngũ ấm ma). Khi Phật pháp chưa đến Trung Quốc, Lão Tử đã nhận biết tường tận cái thân này là ma chướng. Làm thế nào có thể bài trừ? "Vô ngã" thì liền rời khỏi. Đến lúc nào bạn có thể làm đến vô ngã? Vô tư vô ngã thì giải thoát. Giải thoát thì thân này còn hay không? Còn, thân tuy còn mà không khổ, không còn bị cái khổ dày vò. Đây gọi là giải thoát, là ly. "Ly" không phải đem cái thân này hủy diệt, tuy là thân vẫn còn nhưng lìa khỏi tất cả dày vò.

Hai loại này là phiền não ma. Loại thứ ba là tử ma. Loại thứ tư là thiên ma. Thiên ma là gì? Dụ hoặc bên ngoài thì gọi là thiên ma. Mê hoặc của năm dục sáu trần, những thứ này toàn là hư vọng, trong là căn thân, thế giới bên ngoài là hư vọng. Viễn ly bằng cách nào? Không chấp trước thì viễn ly, dùng lời nói hiện tại để nói, không nên để nó ở trong tâm thì viễn ly rồi.

Viễn ly không phải ly ở trên sự, ly ở trên sự thì sai rồi. Lúc trước khi tôi mới học Phật, lão sư liền dạy tôi nhìn thấu, buông xả. Tôi cũng thường nói có người hiểu sai ý nghĩa này. Có một đồng tu đại lục viết thư gởi cho tôi, ông nói ông buông xả rồi, công việc cũng buông xả, không có thu nhập, hiện tại đến ăn cơm cũng thành vấn đề. Ông hỏi tôi: “Phải làm sao?”. Đây là do ông hiểu sai ý nghĩa. Tôi không có dạy bạn đem nhà buông xả, không có bảo bạn đem vợ và con cái buông xả, cũng không có dạy bạn buông xả đi công việc. Những việc này không thể buông xả. Cho nên học Phật mà hoàn toàn hiểu sai ý nghĩa của lời nói này rồi, cho rằng buông xả thì tất cả đều không cần. Đây là chiêu cảm đến rất nhiều chướng nạn, rước lấy sự hủy báng của người khác: “Học Phật học mê rồi!”. Chân thật là học mê, chân thật là học sai rồi! Phật dạy chúng ta buông xả là buông xả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Chúng ta phải hiểu được đạo lý này.

Bạn xem, ở trên Kinh Phật dạy chúng ta "hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng", chúng ta không cần cha mẹ, cũng không cần lão sư, chúng ta buông xả rồi. Thích Ca Mâu Ni Phật việc gì cũng đều buông xả, Ngài hà tất còn phải giảng Kinh nói pháp 49 năm? Ngài cũng cần phải buông xả, Ngài không cần phải giảng. Cho nên phải nên biết, trên sự nhất định phải chiếu theo như lý như pháp mà làm, ý niệm không hợp lý thì phải buông xả, tư tưởng không hợp lý thì phải buông xả; phân biệt, chấp trước không hợp lý phải buông xả. Phật dạy bạn buông xả những thứ này. Cho nên bạn phải làm cho rõ ràng, làm cho tường tận, bạn mới không đến nỗi học sai. Học sai thì sẽ tu sai. Sau khi buông xả không phải đạt được tự tại an vui, mà đạt được rất nhiều phiền não, vậy thì cũng sai rồi.

“Viễn ly hư vọng”. Kinh văn phía trước đã nói: "Trụ chân thật huệ", trụ chân thật huệ chính là viễn ly hư vọng. Người trụ chân thật huệ thì hành vi của họ nhất định là thanh tịnh hạnh. Thanh tịnh hạnh nâng lên trên cao chính là tịch tịnh hạnh. Hiện tại chúng ta không làm được tịch tịnh hạnh, phải nên làm đến thanh tịnh. Đoạn ác tu thiện, đoạn ác không dính vào tướng đoạn ác, tu thiện không dính vào tướng tu thiện thì tâm thanh tịnh liền hiện tiền. Tâm thanh tịnh thì hạnh tự nhiên thanh tịnh. Trong cảnh giới này, tất cả những lo lắng, sợ hãi, khiếp sợ đều không còn, chân thật được khinh an, được tự tại, đích thực nhà Phật chúng ta gọi là lìa khổ được vui. Đây là thật, không phải là giả. Thế nhưng bạn không thể nào xả bỏ tất cả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì bạn không thể đạt được cái thanh tịnh an lạc này, bạn cũng không thể buông xả phiền não, lo lắng, sợ hãi, khiếp sợ. Vậy thì viễn ly hư vọng là nhìn thấu, đây là đối với chân tướng sự thật bạn có trình độ lý giải nhận biết tương đối. Sau đó mới có thể "y chân đế môn, trực chúng đức bổn". Chữ “đế” này ở trong Phật Kinh dùng rất nhiều, ý nghĩa của nó là chân thật không hư dối. Đạo lý chân thật, không hư thì gọi là đế. Phật nói Kinh y theo nhị đế mà nói pháp. Phật nói chính là hai loại chân thật bất hư, một loại là pháp thế gian, một loại là pháp xuất thế gian. Pháp thế gian là tất cả chúng sanh chúng ta đều khẳng định việc này không thể là giả, chúng ta không thể xem thường. Phật pháp thường nói: "Phật pháp ở thế gian, bất hoại pháp thế gian". Đây chính là tùy thuận tục đế.

Bạn xem, Phật dạy chúng ta "hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng”. Nếu như các vị muốn hỏi Phật pháp rốt cuộc là gì? Chúng ta cũng có thể nói: “Phật pháp chính là hiếu thân, tôn sư”. Đáp án này không hề sai. Hiếu thân tôn sư là thế đế. Đem hiếu thân tôn sư mở rộng ra, có thể hiếu thuận tất cả chúng sanh, có thể tôn trọng tất cả chúng sanh, liền biến thành pháp xuất thế. Do đây có thể biết, thế đế cùng chân đế khác biệt ở ngay trong một niệm. Ý niệm này của bạn, tâm lượng nhỏ liền biến thành tục đế, biến thành thế đế; tâm lượng mở rộng giống như trên Kinh Phật nói "tâm bao thái hư, lượng khắp pháp giới" thì tục đế liền biến thành chân đế. Do đây có thể biết, ngay trong tất cả đế lý, làm gì có phân thế tục và chân đế? Quả nhiên là có hai. Ở Phật pháp "dính vào cái nào" thì nói không thông rồi, đến cảnh giới Hoa Nghiêm, "Hoa Nghiêm" nói nhất chân, "Hoa Nghiêm" nói không hai. Không hai chính là một, chính là nhất chân. Thế đế cùng chân đế không hai, thế đế cùng chân đế nhất như. Đây mới là chân thật.

Ngôn ngữ của Phật, giáo huấn của Phật trong ngữ ý hàm chứa đạo lý, đích thực là rộng lớn không có bờ mé, sâu rộng vô tận. Chúng ta làm thế nào có thể nhận biết? Nhất định phải thực tiễn, phải nỗ lực mà tu học. Hành môn giúp bạn lý giải, giải môn giúp bạn thâm nhập cảnh giới, từ sơ phát tâm đến Như Lai địa, giải hành tương bổ tương thành. Chúng ta hiểu được đạo lý này, quyết định chăm chỉ nỗ lực mà tu học, đây gọi là thật tinh tấn. Ở chỗ này Phật dạy chúng ta phải "y chân đế môn" mới có thể "trực chúng đức bổn".

Trong cái chân đế này, các vị vạn nhất không nên xem thường, có tục đế ở ngay trong đây. Nhà Phật cũng nói “y”. "Đệ nhất nghĩa đế", đây là "chúng đức chi bổn". Đệ nhất là gì? Khởi tâm động niệm liền rơi vào hai ba. Vậy thì ý nghĩa của đệ nhất chúng ta liền có thể thể hội, chân thành đến cực điểm, đây chính là đệ nhất nghĩa đế, chính là chân đế. Hay nói cách khác, chân đế, đệ nhất nghĩa đế chính là tên khác, cách gọi khác của chân tâm bổn tánh. Chúng ta có thể dùng chân tâm, dùng tâm chân thành liền có thể trực chúng đức bổn. Nếu bạn dùng tâm hư vọng thì đó là tất cả nguồn ác. Tất cả căn nguyên của tội ác là tâm hư vọng. Tất cả căn bản của công đức chân thật là tâm chân thành.

Vì sao Phật dạy Bồ Tát Đại Thừa, quan trọng nhất là phát tâm Bồ Đề? Tâm Bồ Đề là gì? Tâm Bồ Đề chính là tâm chân thành, chính là chỗ này gọi là chân đế. Chư Phật Như Lai vô lượng kiếp vun bồi đức hạnh chính là nương vào tâm chân thành. Chân thì không vọng, thành thì không dối. Tiêu chuẩn của chân thành là gì? Chỗ này nói với chúng ta "viễn ly hư vọng", chúng ta vẫn không hiểu. Viễn ly hư vọng thì đương nhiên chân thành. Viễn ly hư vọng là gì, cách ly như thế nào? Trên "Kinh Kim Cang" nói bốn tướng, chúng ta từ ngay chỗ này có thể thể hội được một chút tin tức. Trên "Kinh Kim Cang" Phật nói: "Nếu Bồ Tát có ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng thì chẳng phải là Bồ Tát". Trong nửa bộ sau nói: "Nếu Bồ Tát có ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến thì chẳng phải là Bồ Tát". Mấy câu nói này rất hay. "Có" là có cái gì? Có phân biệt, có chấp trước. Nếu như bạn có phân biệt ta, phân biệt người, phân biệt người ấy, bạn có loại phân biệt chấp trước này thì tâm của bạn không phải chân tâm, không phải thành ý, bạn không có tâm Bồ Đề. Trong tâm Bồ Đề chắc chắn không có bốn tướng, không có bốn kiến, không có chấp trước của bốn tướng, không có phân biệt của bốn kiến. Vậy thì chúng ta phải thực tiễn như thế nào? Thích Ca Mâu Ni Phật giảng Kinh nói pháp cho chúng ta, bạn xem, kết tập Kinh điển câu thứ nhất là "Như thị ngã văn", đó chẳng phải là ngã tướng, là ngã kiến sao? Làm sao ly tướng? Phải nên biết, chư Phật Bồ Tát vì chúng sanh hiện thân nói pháp đều là lìa hư vọng, hiện thân của Phật Bồ Tát không phải là thân nghiệp báo. Thân này của chúng ta là thân nghiệp báo thì không có cách nào. Chúng ta là thọ báo mà đến, Ngài thì không phải, Ngài là thừa nguyện mà đến. Thừa nguyện mà hiện thân là thân cảm ứng. Chúng sanh có cảm, Phật Bồ Tát có ứng, thân đó của Ngài là thân cảm ứng, cho nên là chân thật, không phải hư vọng. Thân của chúng ta là thân nghiệp báo, là hư vọng, không phải là chân thật. Các Ngài vì chúng ta giảng Kinh nói pháp là tùy thuận cách nói của chúng ta mà nói pháp, không phải Ngài thật có chấp trước. Ngài thật có pháp có thể nói không? Phật không có pháp có thể nói. Không chỉ là không có định pháp có thể nói, mà Phật không có pháp có thể nói. Phàm phu chúng ta chấp trước cái tướng này gọi là "ta", thì Phật cũng nói với chúng ta là "ta". Phật nói "ta" là tùy thuận tri kiến của chúng ta mà nói “ta”, chính Ngài chắc chắn không chấp trước cái này là “ta”, quyết định không chấp trước đây là “ta”. Đây gọi là viễn ly hư vọng. Chúng ta ngày nay nói “ta”, đích thực là chấp trước cái thân này là “ta”, không phải là “người khác”. Chúng ta thật có chấp trước. Phật không có ngã chấp, cũng không có chấp trước ngã sở, gọi là "hằng thuận chúng sanh, tùy hỉ công đức". Các vị nói cái tướng này là "ta", tôi cũng nói với bạn là "ta", vậy thì mới nói được thông, mới có thể giao tiếp. Đây gọi là tùy thuận tục đế mà nói. Sau đó đem đạo lý trong đây giảng rõ ràng, giảng tường tận, bạn cũng hoát nhiên đại ngộ. Đây chính là từ tục đế độ đến chân đế. Đến sau cùng thì “chân - tục” không hai, “chân - tục” viên dung, đó mới là khế nhập cảnh giới của Phật. “Chân - tục” không thể nào hợp nhất, không thể nào viên dung là Quyền Giáo Bồ Tát, không hề vào cảnh giới của Phật.

Do đây có thể biết, câu nói tám chữ này: "Y chân đế môn, trực chúng đức bổn" chính là dùng tâm chân thành, tâm Bồ Đề. Thế Tôn ở trong "Quán Kinh" nói "tâm chân thành, thâm tâm, hồi hướng phát nguyện tâm"; Bồ Tát Mã Minh ở trong "Đại Thừa Khởi Tín Luận" nói "trực tâm, thâm tâm, đại bi tâm". Kinh luận hợp lại xem thì ý nghĩa càng rõ ràng, càng tường tận.

Chúng ta ở thế gian dùng chân tâm chính là trực chúng đức bổn, chắc chắn không dùng hư vọng, chắc chắn không lừa gạt chúng sanh. Chúng sanh lừa gạt ta vì họ vô tri, họ đang tạo ác nghiệp. Chúng ta quyết định không thể nào ức hiếp tất cả chúng sanh, quyết định không nên lo sợ. Trong cả năm, nếu nói lời thành thật với người thì nơi nơi ta đều bị thiệt thòi, nơi nơi đều bị tổn hại. Thế nhưng bạn phải nên nghĩ, con người ở đời nhiều nhất chẳng qua là một trăm năm, chịu thiệt một trăm năm, bị hại một trăm năm thì có gì đáng kể đâu? Đời sau cùng nắm tay với Phật Bồ Tát cùng đi, cái lợi này bao lớn? Chỉ vì chút lợi ích trước mắt mà bạn không chịu xả bỏ, thì lợi ích lớn ở tương lai bạn không thể có được. Lời của Phật nói là đúng, không hề sai. Chúng ta nhất định phải tuân thủ, quyết không ức hiếp tất cả chúng sanh. Chúng ta quyết định phải y theo “Thập Thiện Nghiệp Đạo”, dùng tâm chân thành để tu “Thập Thiện Nghiệp Đạo" chính là chư Phật Như Lai "trực chúng đức bổn".

Tuy chúng ta cũng tu “Thập Thiện Nghiệp Đạo", nhưng công đức này không thể so với chư Phật Bồ Tát, đó là do nguyên nhân gì? Chúng ta là dùng tâm sở của A Lại Da Thức, dùng tám thức, năm mươi mốt tâm sở pháp để tu mười thiện, đoạn mười ác. Công đức tu mười thiện này chỉ có thể sanh thiên, ngay ra khỏi sáu cõi luân hồi đều rất khó khăn. Bạn thử nghĩ xem, nếu như chúng ta dùng tâm chân thành để đoạn mười ác, tu mười thiện, liền có thể siêu phàm nhập Thánh. Việc này không như nhau. Cho nên, chỗ Kinh văn này khải thị cho chúng ta, chúng ta vạn nhất không thể xem thường.

Đại đức xưa dạy cho chúng ta, cũng có người nói "đức bổn" là sáu chữ hồng danh của A Di Đà Phật, đây là nói danh hiệu vạn đức trang nghiêm của A Di Đà Phật, cho nên chấp trì danh hiệu cũng gọi là đức bổn. Lời nói này không sai, có thể nói được thông. Chúng ta ngày ngày niệm A Di Đà Phật thì có thể tu thành vạn đức trang nghiêm hay không? Vấn đề rất nhiều. Vì sao chúng ta niệm một câu A Di Đà Phật nhưng không thể tu thành vạn đức trang nghiêm? Chúng ta không y chân đế môn. Nếu như chúng ta dụng tâm, chân thật là tâm chân thành, là thâm tâm, là hồi hướng phát nguyên tâm, thì niệm một câu sáu chữ hồng danh này đích thực là tu đức bổn. Ngày nay chúng ta không có cái tâm này, tâm của chúng ta là tâm vọng tưởng, một mặt niệm Phật, một mặt vẫn khởi vọng tưởng, vậy thì làm sao thành công? Cho nên trên Kinh nói những lời nói này, chúng ta nhất định phải liễu giải, vạn nhất không nên hiểu lầm.

Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ chú giải, vận dụng một đoạn lời nói trên "Quán Phật Tam Muội Kinh", Thích Ca Mâu Ni Phật nói: "Ngã dữ thập phương chư Phật, cập hiền kiếp thiên Phật, tùng sơ phát tâm, giai nhân niệm Phật, tam muội lực cố, đắc nhất thiết chủng trí". Ngày trước, Đại Sư Ngẫu Ích nói Thích Ca Mâu Ni Phật là làm thế nào để thành Phật? Ngài niệm Phật thành Phật. Rất nhiều người hỏi trên bộ Kinh nào đã nói? Đích thực trên "Quán Phật Tam Muội Kinh" đã nói như vậy, trên "Kinh Di Đà" cũng có nói. Người thông thường chúng ta đọc qua "Kinh Di Đà" rất nhiều, đều sơ ý qua loa lướt qua. Đại Sư Ngẫu Ích ở trong "Yếu Giải" điểm ra cho chúng ta, chúng ta mới hoát nhiên đại ngộ, Phật đích thực là niệm Phật thành Phật. Sau đó lại xem trên "Kinh Hoa Nghiêm", "Thập Địa Bồ Tát thỉ chung không rời niệm Phật", mới biết được công đức niệm Phật vô lượng vô biên.

Thế nhưng các vị nhất định phải ghi nhớ, niệm Phật không phải là miệng niệm; miệng niệm thì không ích gì, trong tâm phải chân thật có. Chữ "niệm" này, bên trên là chữ "kim", bên dưới là chữ tâm, ngay cái tâm hiện tại này đích thực là có Phật. Thế nhưng chúng ta vẫn là cách một tầng, ngày nay chúng ta nhiều nhất là trong tâm có danh hiệu của A Di Đà Phật, các thứ khác đều quên hết, đều không có. Niệm Phật như vậy thì không được. Phải có đức hạnh của Phật, mức độ thấp nhất phải hiểu rõ, trong tâm phải có “Phật là giữ tâm gì, Phật là đời sống như thế nào, Phật làm thế nào đối nhân xử thế tiếp vật”. Trong tâm của bạn không có những thứ này thì bạn làm sao học Phật? Chỉ riêng niệm một câu danh hiệu của A Di Đà Phật, tương lai học thành công rồi cũng chẳng qua là một câu danh hiệu trống không mà thôi, bạn còn có thể được cái gì?

Tôi giảng bộ Kinh này, phía trước đã giảng qua rất nhiều lần, A Di Đà Phật chính là toàn bộ "Kinh Vô Lượng Thọ". Chúng ta đến lúc nào có thể đem đạo lý của "Kinh Vô Lượng Thọ" thông đạt tường tận, từng câu từng chữ trên "Kinh Vô Lượng Thọ" nói ra, chúng ta đều thực tiễn ở ngay trong cuộc sống thường ngày, đây gọi là niệm Phật, đây là thật niệm. Nếu như bạn hoàn toàn thực tiễn giáo huấn ở trong Kinh điển, làm đến được 100%, tương lai bạn vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc quyết định sanh cõi Thật Báo Trang Nghiêm thượng phẩm thượng sanh. Trong tâm của bạn thật có, có là viên mãn có, không hề khiếm khuyết, thì bạn vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc đương nhiên là cõi Thật Báo thượng thượng phẩm vãng sanh. Nếu bạn không cách gì làm đến được viên mãn, có thể làm đến 90%, bạn là thượng trung phẩm vãng sanh. Như vậy dần dần hạ thấp xuống, hạ hạ phẩm vãng sanh cũng phải làm đến được 20%. Nghĩ lại xem, chúng ta đối với giáo huấn trên Kinh điển có thể làm đến được 20% hay không? Làm đến 20% thì niệm Phật mới có tư cách vãng sanh. Nếu 20% cũng không thể làm được thì chỉ có thể nói ngay trong đời này kết pháp duyên với A Di Đà Phật, ngay đời này khó vãng sanh. Đây là thành thật mà nói.

Ngày trước, lão sư Lý thường hay nói với chúng tôi, một vạn người niệm Phật chân thật có thể vãng sanh chỉ có hai - ba người mà thôi. Vì sao một vạn người niệm Phật, có 998 đến 999 người đều không thể vãng sanh? Cũng chính là ngay đến 20% giáo huấn của Phật Đà ở trên Kinh điển dạy bảo chúng ta cũng không thể làm được. Trong đây, quan trọng nhất mà tôi thường hay nói: "Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp". Nếu bạn đem bốn câu này thành thật lão thật làm đến được, thì xem như bạn làm được 20%, bạn được xem là một người thiện. Trên Kinh thường hay nói thiện nam tử, thiện nữ nhân, bạn có thể đem bốn câu này làm cho được thì bạn là một người thiện. Bốn câu nói này, giải thích tỉ mỉ đều là ở trong bộ Kinh này. Chúng ta phải cố gắng mà đọc, mà tư duy, mà quán sát, đem nó thực tiễn ngay trong cuộc sống, đây gọi là thật niệm Phật, niệm giáo huấn của Phật. Phật dạy bảo chúng ta làm, chúng ta nỗ lực mà làm. Phật dạy chúng ta không nên làm thì chúng ta quyết không trái phạm. Đây mới gọi là "y chân đế môn, trực chúng đức bổn".

Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ học đến đây thôi.

A Di Đà Phật!

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 198)

Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Khởi giảng năm 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ