Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 173)

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 173)
Nguyện thứ bốn mươi lăm: Cúng Phật Trong Định Nguyện Kinh văn: “Định trung thường cúng, vô lượng vô biên, nhất thiết chư Phật, bất thất định ý, nhược bất nhĩ giả, bất thủ chánh giác”. Trong bốn mươi tám nguyện, từ nguyện phía trước - “Phổ Đẳng Tam Muội Nguyện” về sau đều là nguyện mà A Di Đà Phật phát ra vì chư Bồ Tát mười phương. Từ đó có thể thấy pháp môn Tịnh tông rộng lớn, hoàn toàn không hạn chế ở chuyên tu Tịnh Độ, tu học pháp môn khác cũng được oai thần bản nguyện của A Di Đà Phật gia trì. Nhất là nguyện “Phổ Đẳng Tam Muội” ở phía trước. Phổ Đẳng Tam Muội, nói trên thực tế chính là Niệm Phật Tam Muội. Có lẽ các vị đồng tu tự mình đã từng có kinh nghiệm, chúng ta ở trong một số ngày lễ kỷ niệm, thường hay có người đề nghị mọi người chúng ta hãy dành một phút mặc niệm. Mặc niệm là ý gì vậy? Không có người nào nói được. Việc mặc niệm này có hiệu quả không? Cũng không có ai có thể nói minh bạch. Thực ra mặc niệm chính là Phổ Đẳng Tam Muội. Ở trong một phút, đem tất cả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thảy đều buông xả, một phút này là tâm thanh tịnh, một phút này là tâm chân thành. Ở trong thanh tịnh, chân thành không có giới hạn, cho nên tâm này là ngang với hư không pháp giới.

Nguyện thứ bốn mươi lăm: Cúng Phật Trong Định Nguyện

Kinh văn: “Định trung thường cúng, vô lượng vô biên, nhất thiết chư Phật, bất thất định ý, nhược bất nhĩ giả, bất thủ chánh giác”.

Trong bốn mươi tám nguyện, từ nguyện phía trước - “Phổ Đẳng Tam Muội Nguyện” về sau đều là nguyện mà A Di Đà Phật phát ra vì chư Bồ Tát mười phương. Từ đó có thể thấy pháp môn Tịnh tông rộng lớn, hoàn toàn không hạn chế ở chuyên tu Tịnh Độ, tu học pháp môn khác cũng được oai thần bản nguyện của A Di Đà Phật gia trì. Nhất là nguyện “Phổ Đẳng Tam Muội” ở phía trước. Phổ Đẳng Tam Muội, nói trên thực tế chính là Niệm Phật Tam Muội.

Có lẽ các vị đồng tu tự mình đã từng có kinh nghiệm, chúng ta ở trong một số ngày lễ kỷ niệm, thường hay có người đề nghị mọi người chúng ta hãy dành một phút mặc niệm. Mặc niệm là ý gì vậy? Không có người nào nói được. Việc mặc niệm này có hiệu quả không? Cũng không có ai có thể nói minh bạch. Thực ra mặc niệm chính là Phổ Đẳng Tam Muội. Ở trong một phút, đem tất cả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thảy đều buông xả, một phút này là tâm thanh tịnh, một phút này là tâm chân thành. Ở trong thanh tịnh, chân thành không có giới hạn, cho nên tâm này là ngang với hư không pháp giới. Công đức này thì lớn, ý nghĩa là ở chỗ này.

Bình thường chúng ta khởi tâm động niệm, khởi tâm động niệm liền có phân biệt, liền có chấp trước, cho nên tâm lượng rất nhỏ hẹp. Có thể buông xả tất cả phân biệt chấp trước thì cái tâm lượng này hồi phục về tình trạng vốn có của nó. Nhà Phật thường nói: “Tâm bao thái hư, lượng chu sa giới”, cho nên họ có thể cảm ứng đạo giao với tất cả chư Phật Bồ Tát, thần Thánh trong hư không pháp giới, bên dưới lại còn có thể khởi tác dụng cảm ứng với chúng sanh sáu cõi, thậm chí là chúng sanh địa ngục. Mặc niệm đích thực là mặc ở chỗ đó.

Thân thể tuy bất động, miệng cũng không nói chuyện, mắt cũng nhắm lại mà vẫn nghĩ ngợi lung tung thì không được, đó là hoàn toàn sai lầm rồi. Quan trọng nhất là buông xả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì việc mặc niệm này mới có lợi ích. Nó chính là Phổ Đẳng Tam Muội mà phía trước chúng ta đã nói. Phổ Đẳng Tam Muội là Niệm Phật Tam Muội. Niệm Phật còn thù thắng hơn mặc niệm. Bởi vì mặc niệm thật ra không dễ dàng, đừng nói một phút, một phút là tương đối dài, ở trong một phút không khởi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, người bình thường đều không thể làm được. Nhưng pháp môn Tịnh tông tuyệt diệu, nó dạy bạn niệm Phật. Ta ở trong một phút niệm Phật không xen tạp vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì sẽ làm dễ dàng hơn, dễ dàng thu được hiệu quả hơn so với một phút mặc niệm.

Chúng ta trước đây đề xướng “pháp mười niệm”. Pháp mười niệm chỉ mất khoảng một phút, chính là niệm một mạch “A Di Đà Phật, A Di Đà Phật, A Di Đà Phật,…”, niệm mười câu Phật hiệu đại khái mất khoảng chừng một phút. Mười câu Phật hiệu, câu này tiếp nối câu kia, nhất định không có một mảy may vọng niệm xen tạp ở trong đó. Thời gian tuy ngắn, nhưng hiệu quả rất lớn so với niệm Phật bình thường. Từ sáng đến tối, tay cầm tràng hạt, niệm mấy trăm tiếng Phật hiệu, mấy ngàn tiếng Phật hiệu, mấy vạn tiếng Phật hiệu, ở trong đó xen tạp vọng tưởng, vậy thì phá hỏng công phu của bạn rồi.

Cổ đức dạy chúng ta nguyên tắc niệm Phật là phải không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn, không hề nói thời gian dài ngắn. Cho nên một phút chúng ta một mảy may hoài nghi không có, xen tạp không có, cũng không có gián đoạn, phù hợp tiêu chuẩn này. Tuy thời gian rất ngắn nhưng mà chúng ta hoàn toàn phù hợp tiêu chuẩn, vậy liền sinh ra công đức bất khả tư nghì. Cho nên, trước đây tôi khuyến khích đồng tu một ngày tu chín lần, số lần bạn tu càng nhiều càng tốt, mỗi lần chỉ cần một phút. Thật sự có thể làm được, đây mới là công phu chân thật. Cổ đức nói “Niệm Phật Tam Muội” có thể trừ tất cả phiền não, có thể giải thoát sinh tử, cho nên cũng gọi là “Thanh Tịnh, Giải Thoát, Tam Muội”.

Chúng ta hãy bắt đầu luyện tập từ phương pháp một phút này, dần dần số lần nhiều rồi, thời gian dài thêm thì hiệu quả này mới có thể nhìn thấy. Bất luận tu học pháp môn nào, dùng công phu như thế nào, nhất định phải biết căn tánh của mình, phải tùy bệnh mà cho thuốc. Ngạn ngữ thường nói: “Người quý ở chỗ tự biết”. Người sáng suốt tự biết, bất luận thế pháp hay Phật pháp, tuyệt đại đa số đều có thể có thành tựu. Phàm là người không thể thành tựu, đều là không tự biết căn tánh của mình, mơ mộng viễn vông. Người miễn cưỡng đi cưỡng cầu, đến cuối cùng chẳng thành tựu gì cả.

Chúng ta thuộc loại căn tánh nào? Như trong Kinh thường nói: “Phàm phu sanh tử, nghiệp chướng sâu nặng”, chúng ta là loại căn tánh này. Chúng ta gặp được pháp môn, nói thật ra là thù thắng vô cùng. Pháp môn này quả thật là có thể giúp chúng ta ngay trong một đời này thành tựu. Vấn đề là chúng ta phải khéo học, phải biết phương pháp tu học, phải có phương tiện, phải hàng phục được tập khí phiền não của mình, điều này là quan trọng hơn cả. Nếu như không hàng phục được tập khí phiền não của mình, phương pháp tốt đi nữa cũng không ích gì, không thể thu được hiệu quả. Mỗi người chúng ta tập khí phiền não lại không giống nhau. Phương pháp mà người khác dụng công đắc lực, chúng ta muốn học giống như họ nhưng chưa chắc có thể đắc lực. Đây là nguyên nhân gì vậy? Đây là khế lý mà không khế cơ, căn cơ của họ với ta không giống nhau. Nhất định phải biết bản thân là thuộc căn cơ dạng nào, dùng phương pháp gì để đối trị mới có thể sanh ra hiệu quả.

Tóm lại mà nói, nhất định tự mình phải biết mình có những tập khí phiền não nào. Nhất định phải nghĩ phương pháp khắc phục tập khí phiền não của mình, người như vậy tu hành niệm Phật mới có thể bàn đến công phu. Nếu như không biết tập khí phiền não của chính mình, hoặc giả biết mà tự mình không có năng lực hàng phục, thì công phu niệm Phật đã không thể bàn đến. Không thể bàn đến, vậy phải biết là trong một đời này nhất định không thể vãng sanh. Đúng như cổ nhân thường nói: “Người niệm Phật nhiều, người vãng sanh ít”.

Trước đây, lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam thường hay nói với chúng tôi, một vạn người niệm Phật, thật sự vãng sanh chỉ có vài ba người. Vài ba người đó tại sao có thể vãng sanh vậy? Họ có thể khắc phục tập khí phiền não của mình, cho nên công phu của họ đắc lực. Chúng ta công phu không đắc lực, thì bạn phải cảnh giác, đời này không thể vãng sanh, vấn đề này thì nghiêm trọng. Không thể vãng sanh thì phải tạo ra sanh tử luân hồi. Tạo ra sanh tử luân hồi, chúng ta tỉ mỉ mà phản tỉnh, chúng ta trong một ngày từ sáng thức dậy đến tối đi ngủ, khởi tâm động niệm, lời nói việc làm là thiện niệm thiện hạnh nhiều hay là ác niệm ác hạnh nhiều? Đây gọi là bạn soi lại một ngày. Bạn có thể thử hồi tưởng lại bạn một năm, thử hồi tưởng lại trước đây trong vòng mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm này, vậy là tự mình liền biết ta tương lai tiền đồ đi về đâu. Bạn là đến cõi trời, đến cõi người hay là đến ba đường ác, tự mình rất rõ ràng, rất minh bạch, không cần đi hỏi người khác. Hỏi người, người ta khách sáo tâng bốc bạn, sẽ không nói lời thật với bạn. Tự mình phản tỉnh thì sẽ rõ ràng hơn hết.

Cho nên các vị phải biết, mười niệm trong một phút này có thể trừ tất cả phiền não. Mỗi ngày nếu bạn có thể tu số lần nhiều, dần dần ngày tháng thì tự nhiên sẽ thành tựu công phu thành khối, thế là chúng ta vãng sanh Tịnh Độ đã có phần nắm chắc rồi. Đây là ý nghĩa của nguyện phía trước.

Nguyện thứ bốn mươi lăm nói: “Định trung thường cúng, vô lượng vô biên, nhất thiết chư Phật, bất thất định ý” với “Đức Tuân Phổ Hiền đệ nhị” phía trước và trong Kinh văn nói: “Trụ thâm thiền định, tất đỗ vô lượng chư Phật”, ý nghĩa này tương thông. Đây là cảnh giới của Bồ Tát Phổ Hiền trong “Hoa Nghiêm”.

Trong “Kinh Hoa Nghiêm” nói, Bồ Tát Bát Địa gọi là “Bất Động Địa”, cảnh giới này mới có thể hiện tiền. Nhưng ở trong pháp môn Tịnh tông, người thật sự phát tâm Bồ Đề, hành Bồ Tát đạo, những Bồ Tát này, bất luận là Bồ Tát lớn hay Bồ Tát nhỏ, bởi vì ở trong Kinh văn nói rất rõ ràng: “Ngã tác Phật thời, thập phương Phật sát, chư Bồ Tát chúng”.

“Chư Bồ Tát chúng”, chúng tôi phần trước đã giới thiệu, toàn bộ Bồ Tát từ sơ phát tâm đến Bồ Tát Đẳng Giác đều bao gồm rồi. Chúng ta từ sơ phát tâm có thể được bản nguyện Di Đà gia trì hay không, vấn đề là bạn có làm thật hay không. Chỉ cần bạn làm thật, bạn nhất định được oai thần bổn nguyện của A Di Đà Phật gia trì. Làm thật là gì vậy? Quyết định không có mình. Còn có ý nghĩ tự tư tự lợi xen tạp ở trong đó là không phải làm thật. Làm thật là tất cả vì Phật pháp, vì chúng sanh. Vì Phật pháp là vì hoằng pháp lợi sinh. Vì chúng sanh là giúp chúng sanh giác ngộ, giúp chúng sanh nhận thức Phật giáo, nhận thức Tịnh Độ, vì họ mà gieo thiện căn, giúp đỡ họ tăng trưởng thiện căn, giúp đỡ họ chín muồi thiện căn. Quyết định không có mảy may ý nghĩ vì chính mình, bạn liền được oai thần Di Đà gia trì. Nếu như ở trong đây xen lẫn mảy may tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng, hưởng thụ ngũ dục lục trần, thì bạn không thể có được sự gia trì của Phật Bồ Tát, bạn vẫn bị nghiệp lực xoay chuyển. Một điểm này chúng ta nhất định phải rõ ràng, nhất định phải sáng tỏ.

Lần này, chín tôn giáo lớn của Singapore tiếp nhận lời mời của cục tôn giáo quốc gia Trung Quốc, chúng tôi đã thăm viếng qua mười sáu ngày, viếng thăm rất thành công. Chúng ta trong mười sáu ngày này, mỗi ngày mỗi thời khắc đều không hề xa rời lời dạy của “Kinh Vô Lượng Thọ”. Chúng ta cũng đang học tập ứng dụng như chư đại Bồ Tát: “Bất động bản xứ, biến chí thập phương”.

Sao gọi là “bất động bản xứ”? Mười sáu ngày này, chúng ta mỗi ngày đi tham quan các nơi ở Trung Quốc. Sao gọi là bất động bản xứ? “Bản xứ” này là gì? Tâm thanh tịnh bất động, tâm Bồ Đề bất động, tâm nguyện bất động, cái này không hề dao động. Nếu như chúng ta ở trong đời sống thường ngày, ngay chỗ tiếp xúc với đại chúng, vì danh vọng lợi dưỡng của mình, vì tham sân si mạn của mình khởi tâm động niệm, thì bản xứ của chúng ta đã động rồi.

Thế Tôn ở trong “Kinh Kim Cang” dạy Tu Bồ Đề chính là dạy chúng ta. Tu Bồ Đề chẳng qua là đại biểu cho chúng ta mà thôi. Ngài nói hay: “Không dính nơi tướng, như như bất động”, đó chính là bất động bản xứ. “Ngoài không dính tướng, trong không động tâm”.

“Biến chí thập phương”, ý là nói ở mọi lúc, ở mọi nơi chúng ta làm những việc gì vậy? Cúng dường chư Phật, giáo hóa chúng sanh.

Lần này đồng hành với chúng ta tổng cộng có hai mươi mốt người, là đại biểu của chín tôn giáo lớn. Mỗi ngày sinh hoạt cùng với nhau, chúng ta dùng tâm cực kỳ chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, quan tâm lẫn nhau. Từ trong pháp tánh mà nói, tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đều có pháp tánh. Từ trong pháp tánh mà nói, chúng ta là cúng dường chư Phật, mỗi một chúng sanh đều là Phật. Chúng ta lễ kính, xưng tán, cúng dường là từ chỗ này mà sinh ra. Thấy tánh của tất cả chúng sanh, không nên dính tướng của tất cả chúng sanh, thì “cúng dường chư Phật” chúng ta thực hiện rồi.

Giáo hóa chúng sanh là nói từ trên tướng. Đối tượng của chúng ta, các vị phải nhớ kỹ, là một người. Một người này nói từ trên tánh thì họ là Phật, ta cúng dường họ; nói từ trên tướng thì họ là chúng sanh, ta phải dạy họ, phải giúp đỡ họ. Chư Phật với chúng sanh không có phân chia, không phải hai sự việc, mà là một sự việc. Giúp đỡ họ giác ngộ, giúp đỡ họ hiểu rõ chân tướng vũ trụ nhân sinh, giúp đỡ họ đoạn ác tu thiện, việc chúng ta làm mỗi ngày là việc này. Dùng cách nói hiện đại để nói, là cơ hội giáo dục, thu hiệu quả thật tốt. Chúng ta đôi bên ở cùng với nhau, học tập lẫn nhau, tôn trọng lẫn nhau, quan tâm lẫn nhau, đây là sự ứng dụng của Phật pháp. Cổ đức nói trong chú giải, đây đều là hạnh nghiệp của Bồ Tát Địa Thượng.

Chúng ta hiện nay là phàm phu thấp hèn. Phàm phu chúng ta mặc dù không thể làm được chân thật giống như Bồ Tát, chúng ta cũng làm được gần giống. Cho nên, lão cư sĩ Hạ Liên Cư thường hay khuyên chúng ta phải “thật làm”. Hai chữ này thật hay. Chúng ta hiểu được bao nhiêu thì nên thật cần mẫn nỗ lực làm bấy nhiêu. Nếu như bạn hiểu được mà bạn chưa có làm được thì không có khác gì với không hiểu. Nhất định phải thực hiện việc giúp đỡ tất cả chúng sanh, điều quan trọng nhất chính là chấp trì danh hiệu Di Đà. Thế nhưng đối với người chưa từng có tiếp xúc với Phật pháp, hoặc giả vừa mới tiếp xúc với Phật pháp, bạn bảo họ niệm A Di Đà Phật thì thật không dễ dàng, vì vậy nhất định phải có phương tiện thiện xảo. Trong phương tiện thiện xảo, điều quan trọng nhất là phải giảng rõ ràng ý nghĩa của sáu chữ “Nam Mô A Di Đà Phật”, để họ hiểu rõ tại vì sao phải niệm câu này. Lợi ích của niệm một câu danh hiệu này ở chỗ nào, chúng ta phải giảng rõ ràng. Họ thảy đều hiểu rõ ràng, hiểu minh bạch rồi, họ mới hoan hỷ mà niệm.

Những người đại biểu tôn giáo này, lần này chúng ta có thời gian mười sáu ngày sinh hoạt chung với nhau, cho nên có thời gian nói chuyện nhiều, thời gian giao lưu cũng nhiều. Họ có vấn đề gì thì có thể hỏi rất thoải mái, khi ăn cơm có thể hỏi, khi nghỉ ngơi có thể hỏi, khi đi tham quan cũng có thể hỏi, hoàn toàn không bị hạn chế. Chúng ta rất cẩn thận, rất chịu khó vì họ mà giải đáp. Cho nên, ngay buổi tối ngày trở về, đạo tràng này của chúng ta tổ chức buổi dạ tiệc truyền đăng trước một ngày. Các bạn thấy, chín tôn giáo lớn này hầu như cũng đều đến truyền đăng cùng với chúng ta. Chúng ta niệm “Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật”, họ cũng niệm cùng với chúng ta, họ đến xem đại hội này của chúng ta. Cho nên, cách thức giao lưu này là hay hơn hết. Bình thường đến nơi đâu mới có cơ hội tìm được đại biểu chín tôn giáo này chứ? Cơ hội này rất hiếm có. Mặc dù có thì thời gian cũng rất ngắn ngủi, có thể có nhiều ngày như vậy sinh hoạt cùng với nhau, vậy chỉ có du lịch là phương pháp tốt nhất. Cho nên, du lịch là học tập lẫn nhau, du lịch là dạy học. Vào thời xưa, thầy dạy học trò là thường hay dùng phương thức du lịch. Chúng ta hiện nay hưởng được du lịch, quả thật là phương thức dạy học vô cùng tốt.

Ở trong Kinh nói: “Trong định thường cúng vô lượng vô biên tất cả chư Phật”, chữ “trong định” này ý nghĩa rất sâu rất rộng, chúng ta dứt khoát không nên hiểu sai. Người bình thường xem Kinh văn này nhất định là nói: “Người Thế giới Cực Lạc từ sáng đến tối cứ ở đó xoay vào vách ngồi thiền”, đây là trong định, có lẽ vô lượng vô biên chư Phật ở trong định hiện cảnh giới là giống như nằm mộng vậy. Chúng ta hiểu như vậy, mặc dù không thể nói là đã hiểu sai đi ý nghĩa, nhưng ý nghĩa bạn hiểu là rất cạn, bạn hiểu không đủ sâu. Tại sao vậy? Thiền định rất sâu thì các Ngài không dính tướng, đi đứng nằm ngồi đều ở trong định, không giới hạn ở ngồi thiền. Các Ngài đứng ở chỗ đó cũng là nhập định, khi đang đi cũng là nhập định. Các vị phải hiểu rõ ràng, không phải đang đi mà ngủ gật, người đang đi mà ngủ gật thì người đó không phải nhập định. Cho nên, trước tiên phải hiểu rõ hai chữ “nhập định” cách giảng như thế nào, là ý nghĩa gì? Ở trong “Lục Tổ Đàn Kinh”, Đại Sư Huệ Năng nói với chúng ta: “Ngoài không dính tướng, trong không động tâm” thì gọi là thiền định. Thiền và định là một ý nghĩa. Cho nên, nhập định là bạn thật sự đạt đến sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần không khởi tâm, không động niệm, không phân biệt, không chấp trước, đây gọi là nhập định. Đây chính là trong Kinh Đại Thừa thường nói: “Na-già thường tại định, vô hữu bất định thời”. Na-già là tiếng Phạn, đây là tỉ dụ. Danh từ này có hai ý nghĩa, có ý nói là long, có ý nói là tượng. Long và tượng, long chúng ta chưa từng thấy, tượng thì thấy rồi. Các bạn đến vườn bách thú thấy voi lớn, dạng thần sắc đó của voi giống như ở trong định vậy. Nó đang đứng cũng đẹp, nó đi cũng đẹp, vô cùng vững chắc, giống như đều ở trong định. Chúng ta từ trong tỉ dụ này mà thể hội. Dùng cách nói hiện đại để nói, chính là bạn đã thật sự làm được không bị cảnh giới bên ngoài cám dỗ, không bị cảnh giới bên ngoài ảnh hưởng, bất kể là thuận cảnh hay nghịch cảnh, bạn đều có thể như như bất động. Đây gọi là nhập định. Tâm định thì tự nhiên liền sinh trí tuệ.

Trong “Kinh Kim Cang” nói rất hay: “Tín tâm thanh tịnh thì sanh thực tướng”. Cho nên, cảnh giới bên ngoài chỉ cần vừa tiếp xúc, bạn không sinh phiền não (Phiền não là gì? Mừng, giận, buồn, vui, thương, ghét, muốn là phiền não, thất tình ngũ dục là phiền não) mà sinh trí tuệ (Trí tuệ là gì? Đối với hiện tượng bên ngoài, tánh tướng, lý sự, nhân quả thông đạt sáng tỏ, đây gọi là trí tuệ), vì vậy bạn mới có thể trên cúng chư Phật. Thế là ý nghĩa ở trong Kinh văn này, chúng ta càng rõ ràng hơn.

“Vô lượng vô biên tất cả chư Phật” ở đâu vậy? Ở trong đây bao gồm có Phật quá khứ, có Phật hiện tại, có Phật vị lai. Đây là chúng ta phải rõ ràng, minh bạch. Cái mà Ngài nói “vô lượng vô biên, tất cả chư Phật” chính là tận hư không khắp pháp giới tất cả chúng sanh.

Chỉ có ở trong định là có thể làm được thường cúng. Thường là không gián đoạn. Tại sao vậy? Trong định không có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Tâm trong định là chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, cho nên có thể phổ cúng, có thể cúng khắp, chúng ta phải nên học tập.

Đặc biệt là một câu sau cùng này: “Bất thất định ý”. Từ đó cho thấy, họ nhập thiền định rất sâu, thân của họ là động. Nếu như thân là rất tĩnh, họ ngồi xoay vào vách, thì câu “bất thất định ý” nói không thông rồi. Họ nhất định là ở trong đi đứng nằm ngồi, sáu căn tiếp xúc phổ khắp cảnh giới sáu trần bên ngoài mới có thể nói được “bất thất định ý”. Cho nên câu nói này là sống động, nó không phải là chết. Từ đó cho thấy, trên cúng chư Phật, dưới hóa chúng sanh, đây là làm ở trong trạng thái động, quyết không phải ở trong trạng thái tĩnh, ngồi xoay vào vách mà có thể thành tựu.

Chư Phật Như Lai đã chứng được quả địa cứu cánh viên mãn, các Ngài còn phải tùy loại hóa thân, ứng cơ thuyết pháp. Tùy loại hóa thân, ở trong đây chính là trên cúng tất cả chư Phật. Tùy cơ thuyết pháp chính là giáo hóa chúng sanh, không mất định ý. Tại sao vậy? Bởi vì họ nhập thiền định rất sâu, họ có thể không mất định ý. Chúng ta ngày nay chưa đến được cảnh giới này, cho nên nhất định phải nhận thức rõ bản thân mình. Chúng ta có thể học hay không? Được! Hãy thử nghiệm xem. Nếu như bạn vừa khởi tâm động niệm thì mau mau biết quay đầu, quay đầu là bờ. Nếu như không quay đầu thì bạn càng mê càng sâu rồi. Bạn không thể độ chúng sanh thì nhất định bị chúng sanh độ đi mất rồi. Sự việc này không những hiện tại có, mà vào thời xưa cũng có rất nhiều, hiện tại thì càng nhiều hơn.

Khi tôi ở Hồng Kông, Pháp sư Vĩnh Tinh kể với tôi, thầy ở Hồng Kông đã lập viện Phật học mấy lần, nhưng đều thất bại. Thầy rất phát tâm, đã chiêu sinh một số pháp sư trẻ tuổi từ Trung Quốc đại lục. Người không ngăn nổi cám dỗ thì hai tuần là đã đi rồi. Họ đi đâu vậy? Đạo tràng tự viện thông thường đi chạy sô Kinh sám rồi. Thầy nói, người được xem là công phu tốt cũng không qua nổi nửa năm. Cho nên, viện Phật học đã giải tán hết. Sức mạnh cám dỗ của vật chất ở Hồng Kông quá mạnh. Họ ở ở bên đó chạy sô Kinh sám, một ngày thu nhập tám trăm Đôla Hồng Kông. Ở xã hội Trung Quốc, một ngày đâu có thể kiếm được tám trăm đô la? Ở Hồng Kông chạy sô Kinh sám, làm Phật sự là chuyện vô cùng bình thường, thu nhập mỗi tháng là hai mươi ngàn đô, cho nên họ không học ở viện Phật học nữa, mà họ đi chạy sô Kinh sám Phật sự. Chạy một năm, hai năm, họ đã mua nhà, có không ít người đã hoàn tục. Cho nên, thầy nói với tôi về việc gian nan của lập viện Phật học, không dễ dàng. Ở Hồng Kông, lập viện Phật học, chiêu sinh học sinh đều phải cần nhập thiền định thật sâu mới được, không nhập thiền định thật sâu thì rất khó khăn. Cho nên, từ những chỗ này chúng ta liền thể hội ý nghĩa cúng Phật trong định là có thể thể hội được. Chúng ta có thể học tập, không phải là không học được. Quyết định không bị cám dỗ bởi bất kỳ cảnh giới nào của xã hội và có thể giúp đỡ tất cả chúng sanh học Phật, chính là nguyện này. Bạn thật sự không bị cám dỗ, thật sự chịu phát tâm vì đại chúng phục vụ thì bạn sẽ được nguyện này của A Di Đà Phật gia trì. Chúng ta cũng có thể đạt được.

Trong “Kinh Văn Thù Bát Nhã” có một đoạn nói: “Niệm nhất Phật công đức vô lượng vô biên, diệc dữ vô lượng chư Phật vô nhị, bất tư nghị Phật pháp đẳng vô sai biệt, giai thừa nhất như thành tối chánh giác, tất cụ vô lượng công đức biện tài. Như thị nhập nhất hạnh Tam Muội, tức Niệm Phật Tam Muội giả, tận tri hằng sa chư Phật pháp giới sai biệt tướng”. Ở trong đoạn Kinh văn này, chúng ta hãy thể hội thật kỹ, sau đó bạn liền biết phương pháp học tập.

Ý nghĩa của đoạn Kinh văn này với điều mà trong “Kinh Hoa Nghiêm” Phật nói: “Một tức tất cả, tất cả tức một”. Tất cả là nói tất cả pháp thế xuất thế gian, sâu rộng không bờ mé. Mà chữ nhất này không phải độc nhất, không phải chuyên nhất, mà là bất kỳ cái nào. Đây chính là nói bất kỳ một pháp nào cũng có thể thông tất cả pháp. Chúng ta nhất định phải có sự nhận biết này. Đây là đạo lý gì vậy? Chúng ta dùng cây cối để làm thí dụ, giống như một cây lớn, trong một cây lớn này có biết bao nhiêu là cành lá, từng phiến từng phiến lá. Chúng ta nhìn thấy cây lớn này có rất nhiều lá cây. Rất nhiều lá cây là thí dụ nhiều, một tức là nhiều, nhiều tức là một, cái lá cây đó là nhiều. Một là gì vậy? Là rễ của nó. Có chiếc lá nào có thể lìa khỏi rễ đâu? Cho nên, bạn từ rất nhiều lá cây, ở trong một lá cây bạn hãy quan sát, vào sâu thêm một nấc thì nhìn thấy ngọn cây, một cái ngọn cây này có rất nhiều phiến lá sinh ở trong ngọn cây đó, là bạn đã thấy sâu một nấc rồi. Sâu hơn một nấc nữa, bạn nhìn thấy cành cây, ở trong cái cành cây này lại có rất nhiều nhánh cây. Rất nhiều nhánh cây giống như cộng đồng là một tộc. Lại xuống sâu hơn một nấc là nhìn thấy thân cây. Từ trong thân cây vừa nhìn thì thân cây này có rất nhiều cành cây. Sâu thêm một nấc là nhìn thấy gốc. Từ trong cái gốc này, biết có rất nhiều thân cây, nhìn xuống dưới nữa là thấy rễ. Hóa ra rất nhiều gốc thảy đều là một rễ sinh ra. Bạn chỉ cần tìm được rễ, rễ có thể thông tất cả pháp. Cho nên, bất kỳ một phiến lá nào, chỉ cần bạn thâm nhập tìm được rễ thì liền thông ngay. Không tìm được rễ thì không có cách gì thông được. Nếu như hoàn toàn lơ là thì lá với lá đối nhau, đối lập rồi thì đôi bên không thể chung sống hòa thuận. Nếu tìm đến nhánh cây, thì mấy phiến lá này biết là một nhà, chúng có thể chung sống hòa thuận. Nhưng mà với nhánh cây khác không thể chung sống hòa thuận, cho nên nhất định phải tìm thêm xuống nữa, tìm đến cành cây, mới biết tất cả nhánh cây là một nhà. Tìm đến thân cây, mới biết tất cả chạc cây hóa ra là cùng một cội nguồn. Tìm đến rễ, mới biết toàn bộ cây lớn là từ một gốc mà sinh ra, là một thể.

Từ đó cho thấy, pháp môn mặc dù khác nhau, bất kỳ một pháp môn nào, chỉ cần tuân thủ lời dạy của Phật cũng thấu suốt nguồn pháp, vấn đề của bạn đều có thể giải quyết rồi. Nếu như không thể thấu suốt nguồn pháp, bạn giải quyết vấn đề sẽ có hạn. Phật pháp là như vậy. Phật pháp có biết bao nhiêu tông phái là giống như cành cây, thân cây ở trong cây vậy. Ngoài Phật pháp còn có biết bao nhiêu tôn giáo, biết bao nhiêu tôn giáo này cũng giống như cành cây, nhánh cây khác ở trong cây lớn này vậy. Chúng ta là một thân cây, họ là một cái thân cây khác, là cùng một gốc sinh ra, cho nên giữa tôn giáo với nhau, sao có thể nói là không thể đoàn kết, không thể hòa thuận? Nói không thể là bạn thâm nhập chưa đủ sâu, là bạn vào còn cạn. Nếu như bạn vào sâu, bạn mới vỡ lẽ ra, hư không pháp giới một mạng sống cùng chung một thể.

Ở trong Phật pháp, trong Kinh Đại Thừa, “Kinh Vô Lượng Thọ” đã nói: “Pháp thân thanh tịnh”. Tôi nghĩ, mỗi vị đồng tu đều đã nghe nói, hoặc giả bạn cũng đọc qua câu: “Mười phương ba đời chư Phật cùng chung một pháp thân”. Pháp thân là gì vậy? Pháp thân là gốc. Thân này của chúng ta là gì vậy? Thân của mỗi người là giống như lá của cây vậy. Pháp thân là gốc, hư không pháp giới tất cả chúng sanh đều là cành lá do cái gốc này sinh ra, cho nên tận hư không khắp pháp giới là một pháp thân. Chúng ta có thể có nhận thức này thì đối với tông phái khác nhau, tôn giáo khác nhau, học thuyết khác nhau, chủng tộc khác nhau, toàn bộ đều có thể dung nạp, đều có thể bao dung rồi. Biết được là gì vậy? Chúng ta là cùng trên một cây, quả thật đúng là người ở một nhà. Họ không chịu thừa nhận, không có cái nhận biết này, nói chung là nói năng xằng bậy, nói chúng ta thần kinh có vấn đề, mà thật ra là họ hiểu quá cạn, hiểu ở độ sâu chưa đủ. Nếu họ vào độ sâu giống như chúng ta, thì chắc chắn sẽ không có ý kiến rồi. Đây là điều chúng ta trước tiên phải nhận biết, sau đó bạn liền hiểu được công đức niệm một vị Phật chính là công đức niệm tất cả chư Phật. Đổi thành tôn giáo khác, công đức chúng ta niệm một vị thần cũng đều niệm đến công đức tất cả chư Phật rồi. Chúng ta gọi là Phật, họ gọi là thần, những người kia lại gọi là Thượng Đế, còn có một số người gọi là Thánh nhân. Bất kể danh xưng như thế nào, chỉ có một ý nghĩa. Không nên vì danh hiệu không giống nhau, chúng ta lại ở đó khởi tranh luận, lại khởi tranh chấp nữa rồi.

Tối hôm qua, chúng tôi tham gia giáo hội đức. Họ ở đó ca hát, hát “Đạo Đức Kinh”. Chương thứ nhất vừa mở đầu là: “Đạo khả đạo phi thường đạo, danh khả danh phi thường danh.” Danh là giả, không phải là thật, không nên đi so đo ở trên tướng danh tự. Bồ Tát Mã Minh ở trong “Khởi Tín Luận” đặc biệt dạy chúng ta: “Lìa tướng ngôn thuyết, lìa tướng danh tự, lìa tướng tâm duyên”. Bạn thấy, câu nói này hay biết bao. Ba câu nói này đã bao gồm rất viên mãn ý nghĩa này của “Đạo Đức Kinh” rồi.

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 173)

Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Khởi giảng năm 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ