Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 141)

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 141)
Nguyện thứ 21: Hối quá đắc sanh nguyện. Kinh văn: "Ngã tác Phật thời, thập phương chúng sanh, văn ngã danh hiệu, hệ niệm ngã quốc, phát Bồ Đề tâm, kiên cố bất thoái, trực chúng đức bổn, chí tâm hồi hướng, dục sanh Cực Lạc, vô bất toại giả, nhược hữu túc ác, văn ngã danh tự, tức tự hối quá, vi đạo tác thiện, tiện trị kinh giới, nguyện sanh ngã sát, mạng chung bất phục, cánh tam ác đạo, tức sanh ngã quốc, nhược bất nhĩ giả, bất thủ chánh giác". Nguyện này chủ yếu là nói người mà đời trước đã tạo tác ác nghiệp. Chúng ta nghĩ tưởng xem, chúng ta chính mình có thể nói đều bao gồm ở ngay trong cái nguyện này. Đời xưa, đời nay tạo tác ác nghiệp quá nhiều rồi, từ nguyện này chúng ta liền rất rõ ràng, rất tường tận thể hội được "đới nghiệp vãng sanh". Ngày trước có người đã từng nói đới nghiệp không thể vãng sanh, nguyện này là cho phép đới nghiệp vãng sanh. Nửa đoạn của nguyện văn trước cùng Ngụy dịch (chính là cuốn của Khang Tăng Khải), nguyện thứ 20 thì giống nhau. Nửa đoạn sau là lão cư sĩ Hạ Liên Cư chọn lấy quyển của Hán dịch và bản của Ngô dịch. Đây là nguyên văn của năm loại nguyên bản dịch. Cái hay của bổn này chính là tập đại thành của năm loại nguyên bản, văn tự đều không có thay đổi,

 

Nguyện thứ 21: Hối quá đắc sanh nguyện.

Kinh văn: "Ngã tác Phật thời, thập phương chúng sanh, văn ngã danh hiệu, hệ niệm ngã quốc, phát Bồ Đề tâm, kiên cố bất thoái, trực chúng đức bổn, chí tâm hồi hướng, dục sanh Cực Lạc, vô bất toại giả, nhược hữu túc ác, văn ngã danh tự, tức tự hối quá, vi đạo tác thiện, tiện trị kinh giới, nguyện sanh ngã sát, mạng chung bất phục, cánh tam ác đạo, tức sanh ngã quốc, nhược bất nhĩ giả, bất thủ chánh giác".

Nguyện này chủ yếu là nói người mà đời trước đã tạo tác ác nghiệp. Chúng ta nghĩ tưởng xem, chúng ta chính mình có thể nói đều bao gồm ở ngay trong cái nguyện này. Đời xưa, đời nay tạo tác ác nghiệp quá nhiều rồi, từ nguyện này chúng ta liền rất rõ ràng, rất tường tận thể hội được "đới nghiệp vãng sanh". Ngày trước có người đã từng nói đới nghiệp không thể vãng sanh, nguyện này là cho phép đới nghiệp vãng sanh. Nửa đoạn của nguyện văn trước cùng Ngụy dịch (chính là cuốn của Khang Tăng Khải), nguyện thứ 20 thì giống nhau. Nửa đoạn sau là lão cư sĩ Hạ Liên Cư chọn lấy quyển của Hán dịch và bản của Ngô dịch. Đây là nguyên văn của năm loại nguyên bản dịch. Cái hay của bổn này chính là tập đại thành của năm loại nguyên bản, văn tự đều không có thay đổi, chân thật là dễ hiểu, làm cho người hiện tại chúng ta xem thấy, so với năm loại nguyên bản bất cứ bổn nào trong đó, đọc lên đều rất là thông thuận, Kinh nghĩa rất rõ ràng, để chúng ta sanh khởi tín tâm, nguyện tâm đối với Tịnh Độ, phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, công đức lợi ích vô lượng vô biên.

Kinh văn vừa mở đầu nói: "Ngã tác Phật thời". "Ngã" là tự xưng của A Di Đà Phật. Ngài ở Thế giới Cực Lạc đã thành Phật. Thế Tôn vì chúng ta giới thiệu, Ngài thành Phật đến hiện tại đã có mười kiếp. Có thể thấy được, mỗi một nguyện Ngài đều đã hiện thực.

Phía sau nói "thập phương chúng sanh", câu nói này là chúng sanh đời trước tạo ác. Chúng ta đọc qua câu này rồi cảm thấy rất an ủi, phía sau là nói điều kiện chúng ta ở ngay đời này được độ. Chỉ cần đầy đủ điều kiện phía sau đã nói, thì cho dù kiếp trước hay đời này tạo ra tội nghiệp nặng hơn, đều có thể được sanh Tịnh Độ. Cái lợi ích này là trong tất cả Kinh luận, Phật đều không có nói qua, chúng ta phải đặc biệt trân trọng. Điều kiện là "văn ngã danh hiệu, hệ niệm ngã quốc, phát Bồ Đề tâm". Ba câu này rất quan trọng, chính là điều kiện vãng sanh của chúng ta.

Kinh này là Kinh Đại Thừa, là pháp môn tu học của Bồ Tát, không chỉ là Kinh Đại Thừa, mà là Đại Thừa ngay trong Đại Thừa, Nhất Thừa ngay trong Nhất Thừa. Ở trong bổn Kinh này, khi vừa mở đầu chúng ta liền thấy vô lượng Bồ Tát "hàm cộng tuân tu Phổ Hiền Đại Sĩ chi đức", đây là Kinh văn câu thứ nhất. Cho nên không phải Bồ Tát thông thường, mà là Bồ Tát Phổ Hiền. Bồ Tát là "văn ngã danh hiệu". Chữ “văn” này không phải là văn thính thông thường, mà là thuộc về Tam huệ của Bồ Tát tu học, "văn huệ, tư huệ, tu huệ". Trong chữ “văn” này là tràn đầy trí tuệ, không phải văn thông thường của phàm phu. Phàm phu tuy là văn rồi, lợi ích của họ chỉ là trong A Lại Da Thức trồng xuống thiện căn, ngay trong một đời này không thể thành tựu. Tại vì sao không thể thành tựu? Họ không có huệ, huệ gì vậy? Giới-Định-Huệ. Tam huệ của Bồ Tát là Giới-Định-Huệ, trong huệ này có văn huệ, có tư huệ, có tu huệ. Chúng ta nghe bộ Kinh này rồi, có đầy đủ trí tuệ hay không? Đây là điều kiện quan trọng, quyết định ngay trong đời này chúng ta có được vãng sanh hay không. Cái huệ này từ do đâu mà thấy? Sau khi nghe rồi, bạn liền tin tưởng, bạn có thể lý giải, tin sâu không nghi, ngay trong đời này nhất định không thay đổi phương hướng, đây là trí tuệ. Tại vì sao có một số người ban đầu tin tưởng pháp môn này, về sau thì thoái tâm? Chúng ta rất rõ ràng, họ không có định huệ thì làm sao không thoái tâm? Đối với Tịnh Tông, đối với A Di Đà Phật, họ nhận biết không tường tận, hiểu không đủ thấu đáo; đối với hoàn cảnh đời sống hiện tiền của chính mình ở Thế giới Ta Bà cũng không hiểu được rõ ràng, cho nên tâm của họ do dự, không xác quyết, tiến tiến thoái thoái. Đây là chúng ta xem thấy hiện tượng của rất nhiều người học Phật mà thiếu kém định huệ. Người đầy đủ định huệ, trên "Kinh A Di Đà" nói là người có thiện căn phước đức, cho nên nói là "không thể thiếu thiện căn, phước đức, nhân duyên mà được sanh nước kia". Thiện căn là huệ, là tín giải. Phước đức là hạnh, là lão thật niệm Phật. Người lão thật mà niệm là người có phước. Dáng vẻ của lão thật niệm là thế nào? Vạn duyên buông xả, thế xuất thế gian tất cả pháp không để ở trong tâm. Trong tâm có vướng bận (tôi nói vướng bận thì mọi người dễ hiểu, trên Kinh nói là “hệ niệm ngã quốc”, hệ niệm chính là chúng ta nói vướng bận), thế xuất thế gian, tất cả mọi việc đều không vướng bận, chỉ vướng bận một sự việc là "A Di Đà Phật, Thế giới Cực Lạc y chánh trang nghiêm". Thường hay để ở trong lòng, đây gọi là niệm Phật. Niệm là trong tâm bạn thật có. Bạn thấy, chữ "niệm" này rất có trí tuệ, bên trên là chữ "kim", bên dưới là chữ "tâm", chính là trong tâm hiện tại có, đây gọi là niệm. Không phải miệng niệm, miệng niệm mà trong tâm không có thì không gọi là niệm. Người xưa thường nói: "Miệng niệm Di Đà tâm tán loạn" (trong tâm không có), "đau mồm rát họng cũng chỉ uổng công". Quan trọng nhất là trong tâm phải có, vậy mới gọi là niệm.

"Hệ niệm ngã quốc", đây chính là Thế giới Tây Phương Cực Lạc y chánh trang nghiêm. Thế giới Cực Lạc chúng ta chưa xem thấy, chúng ta hệ niệm bằng cách nào? Đọc Kinh chính là hệ niệm. Cho nên tôi khuyên các đồng tu tu học Tịnh Độ, trước tiên đọc qua ba ngàn bộ "Kinh Vô Lượng Thọ", có ý gì vậy? Sau khi đọc qua ba ngàn bộ, bạn liền có thể "hệ niệm ngã quốc" rồi. Bạn không thể đọc ít, ít rồi thì thế nào? Thiếu thì ở ngay trong cuộc sống thường ngày thường hay quên đi, khởi tâm động niệm vẫn là Thế giới Ta Bà, phải quấy nhân ngã, danh vọng lợi dưỡng, lợi hại được mất, ngày ngày chỉ niệm những thứ này. Đây chính là niệm sáu cõi luân hồi. Niệm tham sân si chính là niệm ba đường ác. Nghiệp tập chủng tử mười pháp giới, mỗi một chúng sanh chúng ta thảy đều đầy đủ, có thể nói đây là bình đẳng nhân. Mười pháp giới bày ra ngay trước mắt, chúng ta tương lai đi đến một pháp giới nào? Đây là then chốt mà hiện tại chúng ta chọn lựa, tương lai chúng ta đi đến một cõi nào. Bộ Kinh này là dạy chúng ta đi thành Phật. Phật đạo trong mười pháp giới, trong tứ hoằng thệ nguyện có câu: "Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành". Kinh này là dạy chúng ta đi con đường thành Phật. Muốn đi Phật đạo, chỉ cần "hệ niệm ngã quốc, phát Bồ Đề tâm", đầy đủ điều kiện này thì được rồi. Sự việc này không khó, khó ở chỗ chúng ta có phải chân thật giác ngộ hay không. Chân thật giác ngộ thì thế xuất thế gian tất cả pháp thảy đều buông xả. Cái buông xả này các bạn không nên hiểu lầm, không phải buông xả sự, mà phải buông xả những vướng bận trong tâm của bạn. Sự việc phải làm, tuy là làm, nhưng trong lòng quyết định không có phân biệt, chấp trước. Người chân thật có trí tuệ, ngay trong hai đến sáu thời, ngay khi có bận việc thì Phật hiệu dừng lại, chuyên tâm để làm việc; sự việc làm xong rồi thì trong lòng không còn để lại dấu tích nào, chỉ hệ niệm "A Di Đà Phật, Thế giới Cực Lạc y chánh trang nghiêm", người này là tu Tịnh Độ. Chỉ có một niệm này. Khi cái niệm này chuyển đổi lại, nghiệp chướng vô lượng kiếp đã tạo đều tiêu trừ hết. Đây là thực tế mà nói. Cho nên "hệ niệm ngã quốc", hai chữ “hệ niệm” này là vô cùng quan trọng. Hệ niệm chính là chuyên niệm; một lòng chuyên niệm, phát tâm Bồ Đề. Bạn xem, Thế Tôn ở bổn Kinh, phẩm "Ba Bậc Vãng Sanh" nói với chúng ta thượng phẩm, trung phẩm, hạ phẩm, ở đoạn sau cùng, đây là tu học các pháp môn khác hồi hướng cầu sanh Tịnh Độ.

Ngày trước Pháp sư Từ Chu chú giải "Nhất tâm tam bối" rất hay. Điều kiện vãng sanh, Thế Tôn đã nói ra lời khai thị rất quan trọng cho chúng ta là "phát tâm Bồ Đề, một lòng chuyên niệm". "Hệ niệm ngã quốc" là một lòng chuyên niệm, là nhất hướng chuyên niệm. Phát tâm Bồ Đề là quan trọng. Tại vì sao Kinh văn không đem “phát tâm Bồ Đề” để ở phía trước? "Văn ngã danh hiệu, phát Bồ Đề tâm, hệ niệm ngã quốc", chẳng phải là rất tốt hay sao? Tại vì sao phải đem "hệ niệm ngã quốc" để ở phía trước, "phát Bồ Đề tâm" để ở phía sau? Chỗ này có ý nghĩa rất sâu. Người nhất tâm hệ niệm, tâm Bồ Đề mới phát khởi được. Người tâm tư rất loạn, người vọng tưởng rất nhiều, tâm Bồ Đề làm sao có thể phát khởi ra được? Có thể thấy được thứ tự của Kinh văn này là có ý nghĩa rất sâu ở trong đó. Người thông thường chúng ta không biết được cái gì gọi là "phát tâm Bồ Đề". "Một lòng chuyên niệm" vốn dĩ chính là tâm Bồ Đề. Tâm Bồ Đề thì thực tiễn ở ngay nơi "một lòng chuyên niệm". Tâm Bồ Đề là tâm đại giác, chân thật triệt để giác ngộ đối với pháp giới y chánh trang nghiêm, lý sự nhân quả thông đạt tường tận, đây gọi là tâm Bồ Đề. Tường tận thì không còn mê hoặc, thế là chúng ta đối nhân xử thế tiếp vật, không còn dùng tâm luân hồi nữa. Dùng tâm luân hồi niệm Phật cũng là tạo nghiệp luân hồi, cũng không thể vãng sanh. Cho nên hệ niệm là quan trọng. Hệ niệm chính là buông xả tất cả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, tâm luân hồi buông xả.

Nhất tâm là chân tâm. Trên "Kinh Di Đà" nói "nhất tâm bất loạn". Nhất tâm là chân tâm, hai tâm chính là vọng tâm. Cũng đồng một đạo lý, nhất pháp là chánh pháp, hai pháp thì không phải chánh pháp. Chúng ta xem thấy trong "Đàn Kinh", Pháp sư Ấn Tông thỉnh giáo với Đại Sư Huệ Năng về thiền định giải thoát (Đại Sư Huệ Năng ở Hoàng Mai, thân cận Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn). Ấn Tông thỉnh giáo với Ngài: "Hòa Thượng Hoằng Nhẫn bình thường giảng Kinh nói đạo với mọi người, đối với thiền định giải thoát thì giảng như thế nào?". Đại Sư Huệ Năng trả lời cho ông: "Thiền định giải thoát là hai pháp, mà hai pháp thì không phải Phật pháp". Ấn Tông không đơn giản, sau khi nghe xong ông liền ngộ nhập. Phật pháp là pháp không hai. Phật dùng phương tiện giáo hóa sơ học, kiến lập rất nhiều danh tướng. Người không biết, trái lại bị những danh tướng này mê mất, người biết thì gật đầu, mỉm cười. Thế Tôn không luận giảng bao nhiêu danh tướng, đều là một pháp. Do đây có thể biết, vô lượng vô biên lời nói danh tướng, chẳng qua là phương tiện nói nhất pháp mà thôi. Đúng như trên "Kinh Hoa Nghiêm" đã nói: "Nhất tức thị đa, đa tức thị nhất".

Chúng ta phải nên học thế nào? Lìa tất cả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, bạn liền hiểu được, bạn liền biết được. Bồ Tát Mã Minh dạy người: “Thính giáo, nghe pháp phải lìa tướng ngôn thuyết, lìa tướng danh tự, lìa tướng tâm duyên”. Ba câu này chính là lìa vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Lìa vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì thiên ngôn vạn ngữ là nhất pháp, vô lượng danh tướng là nhất pháp. Trên "Kinh Hoa Nghiêm" nói: "Nhất tức thị đa, đa tức thị nhất", nhất đa không hai, bạn liền hoàn toàn tường tận. Cho nên người biết nghe thì nghe nhất pháp, người không biết nghe thì nghe rất nhiều pháp. Rất nhiều pháp là pháp thế gian, nhất pháp là Phật pháp. Chúng ta phải có bản lĩnh học “biết nghe”, học “biết nhìn”. Thiên Kinh vạn luận là nhất pháp. Không chỉ Thích Ca Mâu Ni Phật lưu lại cho chúng ta một bộ “Đại Tạng Kinh” này là nhất pháp, mà thế xuất thế gian bao gồm tất cả pháp cũng là nhất pháp. Có thể hay không? Trên "Kinh Hoa Nghiêm" nói: "Duy tâm sở hiện, duy thức sở biến". Tâm thức là nhất pháp. Pháp giới nhất chân, mười pháp giới y chánh trang nghiêm chẳng phải đều là nhất pháp biến hiện ra hay sao? Đã là nhất pháp biến hiện ra thì làm thế nào biến ra hai pháp? Làm gì có loại đạo lý này! Cho nên, hư không pháp giới tất cả chúng sanh cũng là nhất pháp. Người khai ngộ, trong Thiền tông nói: "Hư không pháp giới thị Sa Môn, nhất song nhãn", chính là nói sự việc này. Đây là Bồ Đề chánh giác hiện tiền. Tâm Bồ Đề hiện tiền, thực tiễn ngay trong đời sống thường ngày, đối nhân xử thế tiếp vật tự nhiên liền sẽ không như nhau.

Hiện tại chúng ta ở ngay trong đời sống thường ngày dùng vọng tâm. Vọng tâm là gì? Người thông thường nghe cũng mơ mơ hồ hồ; “vọng”, đại khái không phải là thật. Cái gì gọi là vọng, cũng không làm cho rõ ràng. Chúng ta nói rõ ràng hơn một chút, nói hơi khó nghe một chút thì bạn liền hiểu được, vọng là "hư tình giả ý!". Chúng ta đối nhân xử thế tiếp vật đều là dùng hư tình giả ý. Bạn xem thấy, có người nào là dùng chân tâm? Chân tâm là vĩnh viễn bất biến, đó là chân thật. Phàm hễ hay thay đổi chính là giả, đó không phải là thật. “Hôm nay tôi xem thấy bạn thì ưa thích bạn, ngày mai tôi xem thấy bạn thì tôi lại chán ghét bạn”, đó đều là giả, không phải là thật. Chư Phật Bồ Tát, A La Hán, dụng tâm của các Ngài là thật, hay nói cách khác, tâm yêu thương của các Ngài đối với tất cả chúng sanh là vĩnh viễn không thay đổi. Bạn mắng các Ngài, ức hiếp, nhục mạ, hãm hại các Ngài, tâm yêu thương của các Ngài đối với bạn trước sau không hề thay đổi chút nào, đó là chân tâm. Các vị phải nên biết, chân tâm chính là Phật tánh. Chân tâm của bạn hiện tiền thì chúc mừng bạn, "bạn đã thành Phật". Nếu bạn vẫn cứ dùng vọng tâm, vậy thì bạn vẫn là phàm phu sáu cõi, nhất định không ra khỏi sáu cõi luân hồi.

Tâm Bồ Đề là chân tâm. Tự thọ dụng của tâm Bồ Đề gọi là "thâm tâm". Thâm tâm là cái ý gì? Thanh tịnh, bình đẳng. Thanh tịnh, tuyệt đối không ô nhiễm, nhiễm cái gì? Hiện tại gọi là bệnh độc, bạn thấy bệnh của thế gian này kỳ kỳ quái quái. Chúng ta nói bệnh độc thì ấn tượng của mọi người tương đối sâu. Tâm thanh tịnh nhất định không nhiễm phải bệnh độc, cho nên tâm của bạn khỏe mạnh. Tâm bình đẳng là đối với tất cả các pháp quyết định không có cao thấp. Tâm thanh tịnh sanh định, tâm bình đẳng sanh huệ. Bạn đối với tất cả pháp thế xuất thế gian, chắc chắn là bình đẳng cung kính, bình đẳng tôn trọng, bình đẳng lễ kính, bình đẳng cúng dường. Đây là tự thọ dụng. Tha thọ dụng thì là đại từ đại bi, ngày nay chúng ta gọi là vô điều kiện, vô tư vì tất cả chúng sanh phục vụ. Đây chính là tâm đại bi, là tâm hồi hướng phát nguyện.

Phàm phu chúng ta từ xưa đến nay tạo ra ác nghiệp quá nhiều, cho nên rước lấy cả thân bệnh khổ. Cái bệnh khổ này có sức khỏe, có tâm lý. Tâm bệnh còn phiền phức hơn so với thân bệnh. Tâm không thanh tịnh, không bình đẳng thì trên sinh lý chúng ta có bệnh, rất không dễ gì điều dưỡng. Nếu như tâm lý khỏe mạnh, tâm địa chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, thân thể này có một ít bệnh nhỏ, rất dễ dàng hồi phục bình thường. Vì sao vậy? "Cảnh tùy tâm chuyển". Thân thể này của chúng ta là cảnh, cảnh tùy tâm chuyển. Tâm lý khỏe mạnh còn quan trọng hơn so với sinh lý khỏe mạnh. Chân thật mong cầu khỏe mạnh thì tâm lý chiếm đến 90%, ở sinh lý nhiều nhất chỉ chiếm 10% mà thôi. Phật là đại y vương, dạy bảo chúng ta làm thế nào điều tâm. Trong mười hiệu của Phật có "Điều Ngự Trượng Phu". "Điều" là đối với tâm mà nói, "Ngự" là đối với thân mà nói. Dùng cái gì để điều tâm? Dùng định, dùng huệ. Dùng cái gì để điều thân? Dùng giới luật. Giới-Định-Huệ tam học điều thuận thân tâm của chúng ta, cho nên gọi là Điều Ngự Trượng Phu. Thế Tôn dùng phương pháp này để thành tựu vô thượng đạo chính mình, lại giúp đỡ người khác thoát sanh tử, ra ba cõi, thành Phật đạo. Đây là thực tiễn của tâm Bồ Đề. Người phát tâm Bồ Đề nhất định là làm như vậy. Nếu họ không làm như vậy, chúng ta liền rất rõ ràng là tâm Bồ Đề của họ chưa phát.

A Di Đà Phật dạy chúng ta ở chỗ này, không những phải hệ niệm, phải phát tâm, mà hệ niệm cùng phát tâm phải "kiên cố bất thoái". Ý nghĩa chính là nói bạn phải luôn luôn gìn giữ mới được. Tu hành chứng quả, khó khăn nhất chính là gìn giữ được. Người thông thường phát tâm rất dễ dàng, phát được rất mạnh, nhưng thoái cũng rất nhanh. Trong ngạn ngữ nói được rất hay: "Học Phật năm đầu, Phật ở ngay trước mặt (rất là chân thành). Học Phật năm thứ hai, Phật ở ngoài hiên. Học Phật năm thứ ba, Phật hóa thành mây khói (không còn nữa)”. Vậy làm sao có thể thành tựu? Người kiên cố bất thoái thì thành tựu. Tại vì sao bạn có thể thoái tâm? Vừa rồi đã nói qua, bên trong không có tu dưỡng Giới-Định-Huệ; bên ngoài có ác duyên, sức cám dỗ quá lớn, danh vọng lợi dưỡng, năm dục sáu trần đều đang ở đó kêu gọi bạn, đều đang ở nơi đó mê hoặc bạn. Chỉ cần tâm của bạn vừa động thì tâm Bồ Đề của bạn, chánh niệm của bạn lập tức liền bị mất đi, gìn giữ được thật là quá khó. Thế Tôn rất là rõ ràng, rất là tường tận đối với sự việc này. Ngài không chỉ hết lòng hết dạ dạy bảo chúng ta, hơn nữa còn biểu diễn, làm ra tấm gương tốt cho chúng ta xem. Làm thế nào có thể giữ kiên cố bất thoái? Duy nhất một phương pháp, đó là “an bần lạc đạo”. Bạn xem Thích Ca Mâu Ni Phật vì chúng ta biểu diễn ba y một bát, nửa ngày ăn một bữa, dưới gốc cây ngủ một đêm. Tại vì sao Ngài không xây một giảng đường, xây một tịnh xá? Cái thứ này có rồi thì mê hoặc liền đến. Chúng ta bình lặng nghĩ tưởng xem, có phải vậy không? “Mê hoặc liền đến”, chúng ta "kiên cố bất thoái" thì sẽ không có câu này. Tâm của bạn ở nơi đạo tràng đó của bạn, quên mất đi A Di Đà Phật rồi, quên mất đi Thế giới Cực Lạc rồi, mỗi niệm của bạn chỉ có cái đạo tràng nhỏ của chính bạn, làm thế nào để cho nó phồn vinh, làm thế nào để cho nó hưng vượng. Cái tâm niệm này là ý niệm luân hồi, không ra khỏi ba cõi, nhiều nhất là tu chút phước báo nhỏ ở trong nhà Phật mà thôi.

Đại Sư Huệ Năng giảng được rất hay: "Việc này, phước không thể cứu". "Việc này" chính là nói việc sanh tử đại sự. Tu phước không hữu dụng, phước báo có lớn hơn cũng không thể nào giải quyết được đại sự sanh tử. Phước không thể cứu! Chúng ta không nên khắc ý đi tu phước. Phải học chư Phật Bồ Tát, đoạn ác tu thiện mà không hưởng phước báo, phước báo để cho tất cả chúng sanh cùng hưởng.

Hành trì cả đời của Thích Ca Mâu Ni Phật, chúng ta phải tỉ mỉ mà quán sát, bình lặng mà thể hội, nỗ lực học tập. Phật đã từng tiếp nhận không ít quốc vương đại thần, trưởng giả cư sĩ lễ thỉnh giảng Kinh nói pháp. Chúng ta rất thường hay thấy được trên Kinh, Kỳ Thọ Cấp Cô Độc viên, Trúc Lâm Tịnh Xá, những đạo tràng này đều là cư sĩ tại gia quản lý. Họ đến mời Phật, Phật tạm thời ở lại nơi đó để hoằng pháp; khi giảng xong một bộ Kinh, pháp hội viên mãn, Phật liền rời khỏi. Đây là làm ra tấm gương tốt nhất cho chúng ta, dạy chúng ta phải làm thế nào mới chân thật làm đến được "kiên cố bất thoái". Đối với thế duyên, tuyệt đối không để trong lòng, đây là chính xác. Phật pháp đến Trung Quốc, quốc tình của Trung Quốc không giống như Ấn Độ, bối cảnh văn hóa và phong tục tập quán của Trung Quốc cùng Ấn Độ hoàn toàn không như nhau.

Phật pháp không phải định pháp, Phật pháp đích thực là "hằng thuận chúng sanh, tùy hỉ công đức". Cho nên sau khi đến Trung Quốc, những vị Cao tăng Đại đức này của Ấn Độ, tùy thuận phong thổ nhân tình của Trung Quốc, cũng mặc y phục của người Trung Quốc. Hiện tại chúng ta mặc áo choàng tay rộng này, đây là trang phục của triều Hán (áo choàng là trang phục của triều Hán, áo rộng tay dài). Những vị Cao tăng này đến Trung Quốc cũng làm giống như người Trung Quốc chúng ta. Người Trung Quốc chúng ta xem thấy thì hoan hỉ, cảm thấy họ là người một nhà với chúng ta, không phải người nước ngoài. Đế vương Trung Quốc làm hộ pháp, cúng dường nơi chốn để họ ở hoằng pháp, xây dựng đạo tràng cho họ.

Đạo tràng thứ nhất của Trung Quốc, các vị đều biết, đó là "Bạch Mã Tự". Gọi là "Tự", có thể thấy được không phải của người xuất gia, tuyệt nhiên không phải đem đạo tràng này tặng cho người xuất gia, mà đạo tràng này là cơ quan của chính phủ làm việc. Chế độ của thời xưa, chúng ta chỉ lấy triều Hán để nói. Trong triều đình vào lúc đó thiết lập cơ quan để làm việc, bên dưới Tể tướng gọi là bộ, nó có sáu bộ, lễ bộ, hộ bộ, binh bộ, hình bộ. Lễ bộ chính là hiện tại chúng ta gọi là Bộ giáo dục. Binh bộ là Bộ quốc phòng. Hình bộ là Bộ tư pháp. Hộ bộ là Bộ nội vụ. Danh từ của cơ quan đó là dùng bộ. Thế nhưng cơ quan mà hoàng đế trực tiếp quản lý thì dùng "tự", không dùng bộ. “Tự” là ý gì vậy? “Tự” là ý “thừa tự”. Cái cơ quan này là vĩnh viễn tiếp nối, không thể bị thay đổi, không thể bị triệt tiêu. Các cơ quan khác không phải dùng danh xưng này, cơ quan đó là có thể thay đổi, có thể triệt tiêu, không phải thiết lập vĩnh viễn. Thiết lập cơ quan làm việc vĩnh viễn là dùng tự, bên dưới hoàng đế có chín cái tự, chín cái cơ quan làm việc. Cho nên, nguồn gốc của chữ "Tự" này, chúng ta phải hiểu rõ, đó là cơ quan làm việc của quốc gia. Sau khi nhà Thanh bị lật đổ, đi đến dân chủ, dân quốc rồi, trong cơ quan làm việc không còn dùng tự, thế nhưng nơi chốn hoạt động của Phật giáo chúng ta vẫn cứ còn dùng tự. Chúng ta đối với ý nghĩa của những danh từ này, phải làm cho rõ ràng, làm cho tường tận. Phu Tử nói: "Danh không chánh thì ngôn không thuận". Cơ quan thường thiết, cơ quan có tính lâu dài. Bạch Mã Tự là làm những việc gì? Giáo dục Phật giáo. Cơ quan giáo dục Phật giáo gọi là tự, cùng danh xưng với đơn vị dưới hoàng đế một cấp, tên gọi như nhau. Cho nên, chúng ta vừa xem thấy chữ đạo tràng này thì liền biết được, đạo tràng là thuộc về quốc gia, nên gọi là mười phương thường trụ, không phải thuộc về cá nhân. Chúng ta lại xem nhiều đời tòng lâm của Trung Quốc, đạo tràng lớn đều là quốc gia xây dựng, chúng ta xem thấy trên biển "sắc kiến". Sắc kiến là hoàng đế ra lệnh xây dựng, không phải tư nhân. Thế nhưng đại hộ trưởng giả tư nhân nhiều đời, họ học Phật rồi, cuối đời đem ruộng đất nhà cửa của mình hiến tặng, làm đạo tràng của Phật giáo cũng rất nhiều. Những đạo tràng này đều quy về quốc gia thống nhất quản lý, chế độ rất là tốt, người xuất gia không quản những việc này. Người xuất gia quản lý những việc này là bắt đầu từ Mã Tổ, Bá Trượng. Việc này có thể nói là cuộc thay đổi Phật giáo ở Trung Quốc, đi vào một thời đại mới. Mã Tổ xây tòng lâm, Bá Trượng lập thanh quy. Hai Ngài đều là Thiền tông đời thứ tám, là đồ tôn của Đại Sư Huệ Năng, đem Phật pháp chế độ hóa. Lịch sử này chúng ta phải biết.

Chế độ hóa chính là đem Phật giáo chính thức biến thành một Đại học Phật Giáo, vào lúc đó gọi là tòng lâm, dùng lời hiện tại mà nói, chính là Đại học Phật Giáo, cho nên có chủ tịch. Chủ tịch tòng lâm chính là Phương trượng, hiệu trưởng. Phía dưới có ba cương lĩnh chấp sự "Thủ tọa, Duy na, Giám viện". Ba cương lĩnh chấp sự này, Thủ tọa là giáo vụ trưởng, Duy na là huấn đạo trưởng, Giám viện là tổng vụ trưởng. Hiện tại trong đại học vẫn là ba cương lĩnh chấp sự này, tên gọi không giống nhau, nhưng tổ chức của nó, chức trách của nó thì hoàn toàn giống nhau. Cho nên Phật giáo chính thức hình thành trường học ở Trung Quốc, đây là đặc sắc của Phật giáo Trung Quốc.

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 141)

Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Khởi giảng năm 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ