Lấy giáo dục hoằng dương Phật pháp. Lấy giảng giải bồi dưỡng nhân tài. Lấy từ bi lợi ích xã hội. Lấy chân thành phát triển giao lưu. Lấy chuyên tu cầu sanh Tịnh Độ.

Trang chủ »Pháp ngữ »Kinh Vô Lượng Thọ

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 347)

Thứ năm - 14/01/2021 20:56

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ

Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh

Tập 347

 

Kính thưa chư vị Pháp sư, chư vị đồng tu, xin mở kinh ra, Khoa Hội trang 49, phần thượng bối trong tam bối vãng sanh:

Kỳ thượng bối giả, xả gia khí dục nhi tác Sa-môn, phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật, tu chư công đức, nguyện sanh bỉ quốc”.

Mỗi câu mỗi chữ của kinh văn chứa vô lượng nghĩa. Đoạn nhỏ này chúng tôi đã giảng mấy ngày rồi, vẫn có nhiều đồng tu đến hỏi tôi, thời khóa công phu tu Tịnh Độ sớm tối phải như thế nào? Thật ra điều này trong kinh đã nói rất rõ ràng, bạn xem đối với người tu Tịnh Độ, hai câu nói này vô cùng quan trọng: “phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật”. Quý vị nên biết, Phật không quy định thời khóa công phu sớm tối ở trong Phật môn, đó là Tổ sư Đại đức nhiều đời nhằm hợp thời, hợp với yêu cầu của đồng tu ở đạo tràng nơi đó mà chế định ra, cho nên thời khóa của mỗi một đạo tràng hoàn toàn không giống nhau. Vậy có thể thành tựu hay không? Chỉ cần phù hợp với nguyên tắc này thì chắc chắn thành tựu, nguyên tắc đó là “phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm” thì không ai mà không thành tựu. Vì vậy chúng ta phải nhớ kỹ, Phật thường nói với chúng ta, Phật không có định pháp để nói, Phật đều là tùy cơ mà nói pháp. Căn tánh của bạn như thế nào, bạn ưa thích điều gì thì Ngài sẽ nói cho bạn điều đó.

Thành công hay thất bại chính là ở chỗ “nhất hướng chuyên niệm”, điều này mới quan trọng. Tôi đã gặp được rất nhiều đồng tu, ở trong nước, ở nước ngoài, họ không có sự nhất hướng này. Hôm nay nghe người này nói phương pháp niệm Phật nào hay thì tâm của họ liền dao động, ngày mai nghe người kia nói một phương pháp khác, thế là trước sau liền hoài nghi. Tu học mấy mươi năm nhưng tâm không được định, bạn có niệm Phật cả đời thì cũng không thể thành tựu. Kinh Phật nói cho chúng ta cách niệm “nhất hướng” rất hay, ta liền niệm theo cái cách này, đó là cái cách gì vậy? Niệm đến khi chính mình sanh hoan hỷ, niệm đến khi tâm của mình được thanh tịnh thì phương pháp này thích hợp với ta, hợp với căn cơ của ta. Hợp với căn cơ của ta nhưng không nhất định phải hợp với căn cơ người khác, điều này nhất định phải biết. Giống như chúng ta ăn thức vậy, mỗi người đều có khẩu vị khác nhau, không thể nói tôi ăn món này ngon thì bạn cũng ăn món này ngon. Thí dụ như người Tứ Xuyên Trung Quốc thích ăn cay, càng cay càng ngon, chúng ta thì chịu không nổi, cho nên khẩu vị của mỗi người đều khác nhau. Căn tánh của mỗi người cũng khác nhau, chúng ta phải biết nguyên tắc của pháp môn mà chúng ta tu học, nguyên tắc này là niệm Phật đến khi tâm được thanh tịnh. Ta dùng pháp môn này tu học thì xác thực là phiền não giảm, trí huệ tăng, đối với chúng ta có lợi ích, có điều tốt. Không nên dễ dàng hâm mộ người khác, học theo người khác là hỏng rồi. Đừng nhìn thấy tông phái khác rồi sanh tâm ngưỡng mộ, người niệm Phật gặp phương pháp tham thiền thì họ liền đi tham thiền, gặp được cách tu mật thì họ liền đi niệm chú, như vậy thì làm sao thành tựu?

Cho dù là Tịnh Tông, phương pháp tu hành của mỗi một đạo tràng cũng không giống nhau. Trong Niệm Phật Đường có người thích niệm chậm, trước đây khi tôi mới bắt đầu học Phật, ở cùng với Pháp sư Sám Vân, Pháp sư Sám Vân niệm Phật rất chậm. Một câu Nam Mô A Di Đà Phật Ngài niệm đến 1-2 phút, rất chậm. Động tác của Ngài cũng chậm, lễ Phật cũng chậm, chúng tôi đã lạy được 5-6 lạy rồi mà Ngài vẫn chưa xong một lạy, thế nhưng Ngài rất khỏe, rất thông suốt. Thời khóa sớm tối chúng tôi cùng công phu với nhau, thời khóa sớm tối rất đơn giản, tụng kinh A Di Đà, đọc 3 biến chú vãng sanh, niệm Phật hiệu không nhiều, khoảng một xâu chuỗi niệm 108 câu, sau đó thì hồi hướng, vậy là xong thời khóa. Thời gian công phu thời khóa sớm tối rất ngắn, nhưng sau khi công phu xong thì Ngài dạy chúng tôi lạy Phật, lạy 300 lạy. Cho nên sáng sớm lạy 300 lạy, buổi trưa quy định lạy 200 lạy, buổi tối cũng lạy 300 lạy, một ngày lạy 800 lạy, rất là hữu dụng. Lúc đó tôi vừa mới học Phật, cho nên lạy Phật tiêu nghiệp chướng, lạy Phật rất tốt cho thân thể, là một vận động tốt cho thân thể, thật sự có hiệu quả. Tôi sống trên núi được năm tháng rưỡi, lạy được mấy trăm ngàn lạy. Chúng tôi cùng lạy Phật với Ngài, chúng tôi lạy được 300 lạy thì Ngài lạy chưa được 100 lạy, động tác của Ngài rất chậm. Mỗi người có cách lạy Phật của riêng mình, ở nơi chúng tôi thì Pháp sư Đạt Tông lạy Phật nhanh nhất, hiện giờ tôi không biết Ngài còn sống hay không, mỗi ngày Pháp sư Đạt Tông lạy 1.200 lạy, tốt vô cùng, Pháp sư rất thông thái. Thời gian tụng kinh ngắn, mọi người cùng công phu với nhau, sau khi công phu xong thì mỗi người có thời khóa riêng của mình, tụng kinh cũng có cách riêng của mỗi người, đọc không ra tiếng. Lúc đó chúng tôi sống trong nhà tranh, nhà tranh chỉ có 5 người, hoàn cảnh thật sự thanh tịnh vô cùng. Hiện nay đạo tràng như vậy thì không dễ gì gặp được, mọi sự đều là duyên phận, duyên thù thắng thì chính mình phải nhận biết, nhất định phải nắm lấy, chân thật dụng công. Chân thật dụng công, thật sự phải nhất hướng chuyên niệm thì Phật Bồ-tát gia trì, đây là đạo lý nhất định, chắc chắn sẽ có cảm ứng. Nếu không có cảm ứng là do tâm của chúng ta không đủ chân thành. Chí thành cảm thông, chân thành đến cực độ thì nhất định có cảm ứng, điều này chúng ta nhất định không thể hoài nghi.

Khi còn trẻ tôi học Phật với ba vị lão sư, Ngài Phương Đông Mỹ đem Phật pháp giới thiệu cho tôi, Ngài nói với tôi “học Phật là sự hưởng thụ cao nhất của đời người”. Đại sư Chương Gia dạy cho tôi “nhìn thấu, buông xuống”. Lão sư Lý dạy cho tôi “chí thành cảm thông”, lúc đó tôi theo Ngài học giảng kinh, giảng kinh không phải là chuyện dễ. Đồng tu chúng ta phát tâm học giảng kinh thì phải chú ý, phải đặc biệt lưu ý, kinh là pháp xuất thế gian. Pháp thế gian và xuất thế gian tương thông nhau, từ trên sự tướng mà nói thì không có gì khác nhau. Sự khác nhau của pháp thế gian và xuất thế gian là ở chỗ dụng tâm, nếu bạn còn xen tạp vọng tưởng phân biệt chấp trước thì đó là pháp thế gian, niệm Phật cũng là pháp thế gian, giảng kinh vẫn là pháp thế gian, không phải là pháp xuất thế gian. Nếu bạn có thể lìa vọng tưởng phân biệt chấp trước thì bài học của lớp mẫu giáo “mèo kêu, chó chạy” cũng là pháp xuất thế gian. Pháp thế xuất thế gian ở nơi tâm không ở nơi pháp. Trong sự tướng không có thế xuất thế gian mà do sự dụng tâm, nói cách khác, tâm bạn là tâm luân hồi thì bạn tạo ra đều là nghiệp luân hồi, nếu tâm bạn là “tâm Bồ-đề, nhất hướng chuyên niệm” thì tất cả những điều bạn tạo đều là Tịnh nghiệp, sẽ tương ưng với Tây Phương Tịnh Độ, tâm tịnh thì tất cả đều thanh tịnh. Đạo lý này trong Kinh Hoa Nghiêm, chúng ta nhìn thấy Thiện Tài Đồng Tử 53 tham vấn thì bạn sẽ hiểu rõ, đây là sự thị hiện tốt nhất cho chúng ta. Năm xưa Thầy Phương Đông Mỹ giới thiệu Kinh Hoa Nghiêm cho tôi, cả cuộc đời của Ngài thích nhất là kinh Hoa Nghiêm. Thầy là người học triết học, Thầy nói Kinh Hoa Nghiêm là khái luận triết học tốt nhất trên toàn thế giới, bên trong đó có lý luận, có phương pháp, phía sau còn kèm theo biểu diễn, thể hiện 53 tham vấn cho bạn xem, sách giáo khoa của thế gian đâu có hoàn mỹ như vậy. Sau khi chúng tôi đọc xong mới hoát nhiên đại ngộ, thế xuất thế gian là ở nơi tâm, cho nên bạn phải biết dụng tâm.

Kinh Đại Thừa thường nói “ pháp nào không phải là Phật pháp?” Các pháp đều là như vậy. Nên dụng tâm gì? Nên dụng tâm Bồ-đề, nhất hướng chuyên niệm thì có pháp nào mà không phải là Phật pháp? Nếu không biết dụng tâm, bạn vẫn còn tự tư tự lợi, danh văn lợi dưỡng, tham sân si mạn, vậy thì chư vị Tổ sư sẽ hỏi bạn vậy pháp nào là Phật pháp? Tam Tạng mười hai bộ cũng không phải là Phật pháp, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa cũng không phải là Phật pháp, tại sao vậy? Vì tâm bạn là tâm luân hồi. Nếu bạn vẫn còn tự tư tự lợi, thị phi nhân ngã, danh văn lợi dưỡng thì đây là tâm luân hồi, sáu nẻo luân hồi là từ chỗ này sanh ra.

Phần xuất gia phía trước tôi đã nói qua rồi, nói rất tường tận, có bốn loại xuất gia. Xuất gia là gì? Là buông bỏ, cái nhà hình thức chẳng quan trọng, quan trọng là phiền não chính là nhà, sáu nẻo luân hồi là nhà, ba cõi chính là sáu nẻo, sáu nẻo chính là nhà, sanh tử là nhà. Bạn vẫn còn sanh tử, cho nên kinh điển Đại Thừa dạy chúng ta xuất gia, làm sao để thoát khỏi phiền não, làm thế nào để ra khỏi ba cõi sáu đường, làm sao để thoát ly sanh tử.

Hai loại sanh tử trong ba cõi sáu đường, một loại là phân đoạn sanh tử, một loại gọi là biến dịch sanh tử. Phân đoạn sanh tử chính là thọ mạng của chúng ta là một giai đoạn. Biến dịch sanh tử, biến là biến hóa, dịch là cải biến, chúng ta mỗi năm mỗi già yếu đi, đây chính là biến dịch. Nếu nói tường tận, con người chúng ta mỗi ngày mỗi già đi, không phải là mỗi năm già đi, mỗi ngày mỗi già đi, ngày hôm nay khác với ngày hôm qua. Phật lại nói với chúng ta là từng sát-na không giống nhau, mỗi giờ đồng hồ đều khác nhau, từng phút từng phút cũng khác nhau, từng giây từng giây cũng khác nhau, đó là biến dịch sanh tử. Nhất định phải giác ngộ, nhất định không lưu giữ lại được. Chúng ta phải đề cao cảnh giác, phải nắm bắt thời gian quý báu mà chăm chỉ tu học, hy vọng trong đời này có thể thoát ly sanh tử, ra khỏi tam giới. Xác thực là trong mười pháp giới, chúng ta thoát ly luân hồi, ra khỏi sáu đường, sanh đến Tứ Thánh pháp giới, Tứ Thánh chính là Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ-tát, Phật. Phật ở đây là Phật trong mười pháp giới, Tông Thiên Thai gọi là “tương tợ tức Phật”, chưa phải là Phật thật. Vì sao gọi là “tương tợ tức Phật”? Vì các Ngài không còn phân đoạn sanh tử nữa, nhưng vẫn còn biến dịch sanh tử. Sự biến dịch sanh tử này hoàn toàn là thiện, không phải là bất thiện, cũng chính là nói cảnh giới của các Ngài không ngừng được nâng lên. Trong Tứ Thánh pháp giới, kiến tư phiền não đã đoạn rồi, từ trên cương lĩnh của Phật pháp mà nói thì đó gọi là thân kiến. Thân kiến là chấp trước cái thân này là ta, các Ngài không còn có ý niệm này nữa. Thân kiến, biên kiến, giới thủ kiến, kiến thủ kiến, tà kiến là 5 loại kiến giải sai lầm, các Ngài đã đoạn hết những thứ này rồi. Tư hoặc cũng có 5 loại lớn là tham dục, sân nhuế, ngu si, ngạo mạn, nghi hoặc đối với giáo huấn của Thánh Hiền, điều này cũng đã đoạn rồi. Tham sân si mạn nghi đã đoạn rồi, người này liền thoát khỏi tam giới, nghiệp nhân trong sáu cõi cũng không còn, nhân đã đoạn hết thì đương nhiên quả cũng không còn, quả trong sáu cõi luân hồi cũng không còn. Ngài Vĩnh Gia đã nói “trong mộng rõ ràng có sáu cõi, giác rồi không không cả đại thiên”. Ngài nói “trong mộng rõ ràng có sáu cõi” để so với sau khi tỉnh mộng, hiện tượng sáu cõi luân hồi này không còn nữa, nhưng vẫn còn Tứ Thánh pháp giới, có Thanh Văn, có Duyên Giác, có Bồ-tát, có Phật. Những người này trong Tứ Thánh pháp giới đã đoạn trần sa phiền não, đoạn vô minh phiền não. Trần sa nếu đã đoạn hết, phá một phẩm vô minh là được rồi, phá một phẩm thì ra khỏi mười pháp giới, họ sẽ sanh đến Thế Giới Hoa Tạng, Thế Giới Hoa Nghiêm. Trong 84 ngàn pháp môn, cuối cùng họ vãng sanh đến nơi nào? Vãng sanh đến Thế Giới Hoa Tạng. Thế Giới Cực Lạc cùng với Thế Giới Hoa Tạng không khác nhau. Nếu tôi dùng thí dụ để nói thì Singapore ví cho Thế Giới Hoa Tạng, thành phố Singapore là Hoa Tạng thì Thế Giới Cực Lạc ở đâu? Thế Giới Cực Lạc là con đường Orchard, nơi phồn hoa nhất, nơi đẹp nhất [của Singapore].  Cho nên Thế Giới Cực Lạc và Thế Giới Hoa Tạng là một chứ không phải hai, chúng ta phải biết điều này. Vì vậy đến được Thế Giới Cực Lạc thì sẽ có Thế Giới Hoa Tạng.

Chúng ta không dễ gì trong đời này được thân người, gặp được pháp Đại Thừa, lại gặp được pháp tu Tịnh Độ, điều này là hi hữu khó gặp, hy vọng là chúng ta phải biết trân quý. Cách tu như thế nào? Nhất định cần tâm thanh tịnh, tâm tịnh thì cõi Phật tịnh. Làm thế nào mới có thể đạt được sự thanh tịnh?  Cổ Đức thường nói buông xuống vạn duyên, buông bỏ thân tâm thế giới. Rất nhiều người hiểu lầm lời nói này, cho rằng buông bỏ như thế nào? Tôi không cần phải làm việc nữa ư? Điều này sai rồi! Buông bỏ không phải là buông bỏ trên sự, chúng ta vẫn phải làm việc. Bạn là chủ gia đình, nếu bạn buông bỏ việc nấu cơm, bạn không chăm sóc gia đình, bạn không quan tâm đến chồng, không quan tâm đến con cái, cả thảy bạn đều buông bỏ, [cho rằng] điều này là Phật dạy, như vậy chính phủ nhất định sẽ ra lệnh cấm [học Phật], tại sao vậy? Vì nếu mọi người học Phật thì sẽ mất nước, sẽ diệt chủng, điều này thật khủng khiếp, đâu có đạo lý như vậy. Thích-ca Mâu-ni Phật nếu thật sự buông bỏ thì Ngài không cần phải thuyết pháp, Ngài mỗi ngày giảng kinh 8 giờ đồng hồ rất gian khổ, nhưng Ngài đâu có buông bỏ. Phật thị hiện xuất gia cho chúng ta thấy, Ngài vẫn dạy học, giảng kinh chính là lên lớp dạy học, mỗi ngày 8 giờ đồng hồ, suốt 49 năm không hề ngơi nghỉ, cũng chưa từng nghe nói Ngài nghỉ phép, rõ ràng là Ngài chọn sự nghiệp này, tinh thần yêu nghề đáng để chúng ta khâm phục, chúng ta nên học tập. Vậy buông bỏ là gì? Buông bỏ là trong tâm không chấp trước, tâm thanh tịnh. Buông bỏ những gì? Buông bỏ danh văn lợi dưỡng, buông bỏ thị nhân ngã. 

Người thế gian làm việc là vì thù lao, còn chư Phật Bồ-tát vì tất cả chúng sanh mà phục vụ, đó là nghĩa vụ chứ không cần thù lao. Các Ngài sống cuộc sống vô cùng đơn giản. Cho nên dùng lời hiện nay mà nói là buông bỏ tự tư tự lợi, danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần, tham sân si mạn, như vậy mới đúng, tôi thường nói đến 16 chữ này. Khởi tâm động niệm đều là vì tất cả chúng sanh mà phục vụ, đây là tích cực không phải là tiêu cực. Vì vậy việc buông bỏ này, quý vị nhất định nên hiểu rõ, không phải là công việc gì cũng đều không làm nữa. Nếu tôi tất cả đều buông bỏ rồi thì cớ gì tôi còn đến đây để giảng kinh chứ? Các bạn đã buông bỏ hết rồi thì cớ gì phải đến đây nghe kinh? Chúng ta đều chưa buông bỏ. Sự và lý nhất định phải thông đạt, phải hiểu rõ.

Phật giáo là giáo dục, là nền giáo dục của Thích-ca Mâu-ni Phật, chúng ta gọi đơn giản là Phật giáo. Nền giáo dục của Thích-ca Mâu-ni Phật là dạy những gì? Là dạy thật tướng của các pháp. Kinh Bát Nhã có nói là dạy chúng ta thật sự nhận thức được rõ ràng chân tướng của vũ trụ nhân sinh. Thật tướng chính là chân tướng, vũ trụ là hoàn cảnh cuộc sống của chúng ta, nhân sinh là con người chúng ta. Phật dạy chúng ta chẳng có gì khác, Ngài dạy chúng ta phải hiểu được chính mình, phải hiểu được chân tướng hoàn cảnh cuộc sống của chúng ta, đây là sự việc không mấy dễ dàng. Hiểu điều gì nơi bản thân mình? Hiểu bản thân mình thì chính là minh tâm kiến tánh, hiểu được chân tướng của cuộc sống, chân tướng cuộc sống của chúng ta có quá khứ, có hiện tại, có vị lai, thời gian có 3 đời, không gian thì có 10 phương, 10 phương 3 đời vô cùng vô tận. Vô lượng vô biên cõi nước chư Phật, vô lượng vô biên chúng sanh đều là hoàn cảnh cuộc sống của chúng ta. Phật nói đến cuối cùng là vô lượng thời gian không gian, vô lượng thế giới, vô lượng chúng sanh cùng với bản thân chúng ta là một thể, cho nên trong nhà Phật nói “vô duyên đại từ, đồng thể đại bi”. Chúng ta cùng với tất cả chúng sanh là đồng một thể. Từ bi không có điều kiện thì gọi là đại từ đại bi. Nhà Nho cũng có nói trong Đệ Tử Quy, không phải là mọi người đều đã đọc qua rồi sao? “Phàm là người đều yêu thương”, câu này rất gần với sự từ bi mà chúng ta nói.

Học Phật, tu Tịnh Độ phải chân tín nguyện thiết, chân tín nguyện thiết chính là tâm vô thượng Bồ-đề. Đây chính là lời của cổ Đại đức nói. Bởi vì có những lúc chúng ta còn hoài nghi, khi nhìn thấy những cụ ông cụ bà niệm Phật vãng sanh, những người này cuộc sống rất kham khổ, không biết chữ, không có đi học, cũng không biết đến kinh điển, ở trong Niệm Phật Đường niệm Phật một năm, hai năm đứng mà vãng sanh, ngồi mà vãng sanh. Trong kinh nói “phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm”, nhất hướng chuyên niệm thì chúng ta không có hoài nghi, các cụ ấy là nhất hướng chuyên niệm, nhưng phát Bồ-đề tâm thì họ không có, căn bản là các cụ không hiểu cái gì là Bồ-đề tâm, nhưng vì sao các cụ được vãng sanh? Những trường hợp này rất nhiều, thật sự là lời của Đại Sư Ngẫu Ích nói với chúng ta là đúng, chúng ta nên giải trừ sự nghi hoặc, phải thật tin. Các cụ đó đối với Tịnh Tông không có một chút nghi hoặc nào, nguyện vọng vãng sanh vô cùng khẩn thiết. Bạn xem nguyện vọng cầu sanh Tịnh Độ của các cụ rất khẩn thiết, cac cụ đã thật sự buông bỏ duyên ở thế gian này, vì sao vậy? Vì cuộc sống ở thế gian này quá khổ, bần cùng hạ tiện quá khổ cực, nhất tâm nhất ý chỉ cầu sanh Thế Giới Cực Lạc, chỉ cầu thấy được A Di Đà Phật. Các bạn nghĩ xem, tâm này của các cụ cùng với tâm chúng tôi nói là chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi có tương ưng không? Các cụ tuy là không có học qua nhưng cả thảy đều có đủ. Bạn hỏi họ cái gì là Bồ-đề tâm thì các cụ không biết, các cụ không trả lời được, nhưng tỉ mỉ mà quan sát thì các cụ đều làm được tất cả, nhưng các cụ không biết đó là Bồ-đề tâm. Cho nên các cụ tương ưng với Phật, thật sự là một niệm tương ưng một niệm Phật, niệm niệm tương ưng niệm niệm Phật. Các cụ niệm Phật thật sự không có vọng tưởng, vì đối với thế gian này các cụ không có hy vọng, thậm chí người ở thế gian này đều không tôn trọng các cụ, ai cũng xa lánh các cụ, còn A Di Đà Phật thì xem trọng các cụ, tiếp dẫn các cụ đi. [Những điều bất như ý đó] đều là tăng thượng duyên. Nếu ở nơi đây có nhiều người thích các cụ, chấp nhận các cụ, tôn trọng các cụ thì các cụ sẽ đi không được, các cụ sẽ lưu luyến thế gian này. Vì vậy chúng ta nhìn thấy những người thật sự vãng sanh, bạn tỉ mỉ mà quan sát họ, những người như thế không nhiều, duyên với Tịnh Độ của họ đã chín muồi rồi. Cho nên tin sâu nguyện thiết chính là tâm vô thượng Đại Bồ-đề, đây là lời của Đại Sư Ngẫu Ích nói trong A Di Đà Yếu Giải.

Tôi thường khuyên các đồng tu, lời nói này vô cùng quan trọng, không biết tôi đã nói bao nhiêu lần rồi, chướng ngại của chúng ta là khuyết điểm, tập khí quá nặng. Thật sự muốn tu học, thật sự muốn trong đời này thành tựu, tôi nói có ba việc. Việc thứ nhất là đối với tất cả mọi người, tất cả việc, tất cả vật, không nên có ý niệm khống chế, hành vi khống chế thì có thể có. Thí dụ bạn là phụ huynh, bạn đối với con cái phải quản lý dạy dỗ, bạn không quản lý giáo dục chúng thì không được, việc quản lý giáo dục này chính là khống chế. Tuy nhiên trong tâm thì không thể có, trên sự thì ta giúp đỡ con cái, ta phải thành tựu cho chúng, phải chăm sóc chúng, đây là trách nhiệm, nhưng không được để những sự việc này trong tâm, để trong tâm là sai lầm. Nếu để trong tâm thì bạn không đến Thế Giới Cực Lạc được vì tâm không thanh tịnh, phải dùng tâm thanh tịnh để giúp đỡ người khác. Điều thứ hai là không được có ý niệm chi phối. Điều thứ ba là bạn không được có ý niệm chiếm hữu. Nếu đối với tất cả người, việc, vật bạn có ý niệm khống chế, có ý niệm chi phối, ý niệm chiếm hữu thì làm sao bạn có thể vãng sanh? Những ý niệm này là cái gốc của tâm luân hồi, cho dù bạn làm nhiều việc thiện trong Phật môn, bố thí làm việc thiện thì cũng không nên để ở trong tâm.

Ở Singapore chúng ta có một vị Pháp sư là Pháp sư Đàm Thiền, các bạn có vị nào quen biết với Ngài không? Vị Pháp sư này rất tuyệt vời, làm rất nhiều việc thiện nhưng không người biết. Khoảng 20 năm trước, tôi đã quen biết Ngài ở San Francisco nước Mỹ. Ở San Francisco có một Liên Xã tên là Đại Giác thường mời tôi đến đó giảng kinh. Khi Liên Xã Đại Giác mua đạo tràng, lúc đó tiền mua là 700 ngàn đô-la Mỹ, Pháp sư Đàm Thiền đóng góp 400 ngàn đô-la Mỹ. Bản thân các vị đó phải lo liệu 300 ngàn để tu sửa đạo tràng. Sau khi Pháp sư Đàm Thiền giao tiền thì Ngài chỉ nói một câu “nhân quả của mỗi người thì mỗi người tự gánh chịu”. Về sau Ngài không hỏi đến số tiền đó nữa, không nghe không hỏi nữa, để tâm thanh tịnh. Nghe nói sau này ở Phúc Châu Trung Quốc có chùa Tây Thiền, tôi nghe nói Ngài đã đóng góp hơn 2 triệu đô-la Mỹ để trùng tu đạo tràng chùa Tây Thiền. Ngài cũng không nghe không hỏi đến, chỉ nói với mọi người “nhân quả của mỗi người, mỗi người tự gánh chịu”, tâm của Ngài thanh tịnh. Tiền của Ngài không phải kiếm được dễ dàng, không phải Ngài đi hóa duyên. Ngài sống trong một ngôi miếu Thành Hoàng ở Singapore, trước cổng miếu Ngài bày một cái sạp nhỏ, bán nhang, bán đèn cầy, bán giấy tiền, được 1 đồng, 2 đồng lúc đó. Ngài một xu cũng không dùng đến, cả thảy đều để dành, dành dụm được mấy triệu đô-la Mỹ để đi làm từ thiện, làm xong không thèm nghe cũng không thèm hỏi đến. Ở Singapore có những người như vậy thật không phải dễ, cuộc sống của bản thân thì rất tiết kiệm, khát nước thì uống nước máy (nước phông-tên). Lúc tôi đến thăm Ngài, Ngài tạm thời mua một ly nước khoáng ở bên cạnh để chiêu đãi khách quý, chúng tôi nhìn thấy rất là cảm động. Bạn xem đối với Phật pháp thì Ngài bố thí rất hào phóng, tâm địa thanh tịnh không nhiễm bụi trần. Ngài tuyệt đối không nói ta đem số tiền nhiều như thế này cho bạn xây cất đạo tràng, ta vẫn còn phải hỏi lại, như vậy vẫn còn muốn khống chế, chi phối. Ngài hoàn toàn không có một chút ý niệm như vậy, điều này chúng ta phải học tập. Khoảng 30 năm nay tôi chưa gặp lại Pháp sư Đàm Thiền, những việc làm này là Ngài vì chúng ta mà làm ra một tấm gương tốt, tâm thanh tịnh không nhiễm ô, an thanh tịnh tâm, lạc thanh tịnh tâm. Cuộc sống của Ngài rất an lạc, điều kiện vật chất của Ngài tuy rất là kém, ở mức thấp nhất, nhưng Ngài rất an lạc.

Nhất hướng chuyên niệm vẫn cần phải có đủ tâm nguyện giải hành đồng với Phật. Chúng ta học kinh giáo là học những gì? Chính là học những điều này, tâm của chúng ta phải giống như tâm Phật. Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, Phật tánh chính là chân tâm, cái tâm này là giống nhau, chúng sanh và Phật bình đẳng, chúng sanh và Phật không hai. Hiện nay chúng ta nói tâm phải đồng với Phật, tâm này chính là ý niệm. Tâm tuy là giống nhau nhưng ý niệm thì khác nhau, cách nghĩ cách nhìn của mỗi người đều không như nhau. Hiện nay chúng ta học kinh giáo chính là tu sửa, chúng ta khởi tâm động niệm phải giống như Phật. Tâm Phật thì như thế nào? Tâm Phật là bình đẳng, tâm Phật là từ bi. Bồ-đề tâm tuy là nói có 5 loại, chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi, nhưng nói theo cách thông thường thì hai loại tâm sau đây là cách đối xử, áp dụng trên sự tướng vô cùng quan trọng. Đó là lấy tâm bình đẳng, tâm từ bi để xử sự, đối người, tiếp vật. Tâm Bồ-đề là năm câu, mười chữ, mỗi một câu đều có đầy đủ bốn câu kia. Trong thanh tịnh thì có chân thành, trong thanh tịnh thì có bình đẳng, có chánh giác, có từ bi. Trong từ bi thì có thanh tịnh bình đẳng chánh giác. Một tức là nhiều, nhiều tức là một. Bốn mươi tám nguyện của A Di Đà Phật trong kinh này cũng không ngoại lệ, mỗi một nguyện chắc chắn là có đủ 47 nguyện kia, thiếu một nguyện thì những nguyện này không viên mãn, điều nầy nhất định phải biết. Nguyện của chúng ta phải giống như Phật, tâm của chúng ta cũng khởi tâm động niệm giống như Phật, kiến giải nhận biết của chúng ta giống như Phật, hành vi của chúng ta cũng giống như Phật, tâm nguyện giải hành đều giống như Phật thì gọi là tương ưng. Trong nhà Phật thường nói một niệm tương ưng một niệm Phật, niệm niệm tương ưng niệm niệm Phật, phải hiểu được thế nào là tương ưng. Vì vậy chúng ta không thể xem thường các cụ ông cụ bà, các cụ đều niệm Phật tương ưng, bốn điều kiện này các cụ đều có đủ tâm nguyện giải hành. Chúng ta tự cho mình là thông minh, nên niệm niệm không tương ưng, nếu bình tĩnh suy xét phản tỉnh, tư duy quan sát, bạn sẽ phát hiện ra chúng ta niệm Phật vì sao không tương ưng, vì sao công phu không đắc lực, đây là chướng ngại, đây là sai lầm. Nếu không tìm ra được sai lầm, không sửa chữa sai lầm thì sự vãng sanh trong đời này không có hi vọng. Nói cách khác, nhất định phải biết đem tâm luân hồi chuyển thành tâm Bồ-đề thì công phu của chúng ta mới được đắc lực.

Trong các pháp của Đại Thừa thì Tịnh Tông được gọi là dị hành đạo (đạo dễ hành), dị hành đạo này so với những pháp môn khác là dễ dàng hơn, nhưng không phải quá dễ dàng như sự tưởng tượng của bạn. Bởi vì các pháp môn khác, 84 ngàn pháp môn đều phải đoạn phiền não, phải đoạn phiền não thì quá khó. Nếu nói thật sự đoạn phiền não thì mới được vãng sanh Thế Giới Cực Lạc thì e rằng ở thế gian này hiện nay của chúng ta không có người nào có thể làm được. Tịnh Tông thì đới nghiệp vãng sanh, không cần đoạn phiền não. Không cần đoạn nhưng phải như thế nào? Phải hàng phục phiền não, chính là nói chúng ta phải khống chế phiền não, không để cho nó phát tác, như vậy thì mới có thể vãng sanh. Phục phiền não thì dễ hơn đoạn phiền não rất nhiều, đoạn thì khó vô cùng, phục thì có thể làm được. Cho nên chỉ cần chúng ta phục phiền não, có rất nhiều cách để phục phiền não. Cách tiện lợi nhất, đơn giản nhất, dễ dàng nhất chính là dùng câu Phật hiệu. Nhưng trong cuộc sống hằng ngày bạn nhất định phải biết dùng câu Phật hiệu này, cách dùng như thế nào? Đây chính là chân thật niệm Phật, sáu căn của chúng ta tiếp xúc với cảnh giới bên ngoài, mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, sau khi tiếp xúc thì ý niệm liền khởi lên, ý niệm gì khởi lên? Là phiền não, thuận theo ý nghĩ của chính mình thì tâm tham liền nổi lên, bạn liền ưa thích, tham luyến. Cái tham này là phiền não, bạn nhanh chóng dùng một câu A Di Đà Phật để đoạn phiền não, đây gọi là niệm Phật. Cổ đức thường nói “không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”, niệm khởi là điều chắc chắn, bạn là phàm phu làm gì không khởi ý niệm chứ? Không khởi ý niệm vậy bạn là Phật Bồ-tát tái lai rồi, bạn không phải là phàm phu. Không vừa ý liền sanh sân hận, chán ghét, chỉ cần cái ý niệm này khởi lên, cho dù bạn ưa thích hay chán ghét thì đây không phải là điều bình thường, đây là tâm luân hồi. Câu A Di Đà Phật này để hàng phục [những tâm ấy], nên nuôi dưỡng thành một thói quen. Từ sáng đến tối mỗi giờ mỗi phút gìn giữ điều gì? Gìn giữ tâm bình đẳng, hay còn gọi là tâm bình thường, đối với người việc với vật, không sanh tham luyến, không sanh sân hận, không sanh nghi hoặc, đây chính là bạn đã hàng phục được phiền não. Khi hàng phục được thì phải cần công phu thành phiến, công phu tốt thì có thể tự tại vãng sanh. Cho nên vãng sanh Thế Giới Cực Lạc thật sự không khó. Thế nào là tự tại vãng sanh? Là muốn lúc nào vãng sanh thì sẽ vãng sanh ngay lúc đó, chúng ta gọi là sanh tử tự tại. Sanh tử tự tại thì phải công phu như thế nào? Không phải là công phu cao lắm, nếu bạn muốn niệm đến nhất tâm bất loạn, công phu đó rất cao. Vì sao vậy? Nhất tâm bất loạn thì kiến tư phiền não đã đoạn rồi, tương đương với A-la-hán, là sự nhất tâm. Nếu niệm đến lý nhất tâm bất loạn thì tương đương với Pháp Thân Bồ-tát, minh tâm kiến tánh, vậy thì đương nhiên càng không có vấn đề. Cho nên Cực Lạc thù thắng, thù thắng ở chỗ là không cần đoạn phiền não, chỉ cần khống chế phiền não.

Việc khống chế phiền não cũng có ba bậc chín phẩm, đây là đẳng cấp công phu giới định của bạn không như nhau. Công phu giới định sâu thì rất dễ khống chế phiền não, đó chính là sanh tử tự tại. Vì sao vẫn trụ ở thế gian này? Có được công phu này thì muốn đi liền có thể đi liền. Nhưng có một tình huống không thể đi, tình huống này là vẫn còn rất nhiều người cần bạn phục vụ họ, vậy là bạn phải giúp đỡ họ. Nếu bạn nói cứ mặc kệ họ, tôi phải đi thôi, vậy là bạn vẫn còn tự tư tự lợi, còn tự tư tự lợi thì Thế Giới Tây Phương Cực Lạc không chấp nhận bạn. Nếu những người ở nơi này không tin tưởng bạn, không thích nhìn thấy bạn thì lúc này bạn có thể ra đi. Ở nơi này vẫn mong muốn bạn đến giáo hóa họ thì bạn ở lại thêm vài ngày. Đây chính là pháp duyên, còn duyên thì ở, hết duyên thì đi. Ngày xưa những người thật sự đạt được cảnh giới này rất nhiều, chúng tôi nhìn thấy rất rõ ràng. Thế giới này hiện nay không giống như ngày xưa, hiện nay giao thông thuận tiện, quý vị thử nghĩ 200 năm trước, muốn đi từ Trung Quốc đến Singapore thì phải đi thuyền buồm, thời đó không có tàu thủy, phải ngồi thuyền mấy tháng trời. Gửi một bức thư về nhà, ít nhất cũng phải 2-3 tháng mới nhận được thư, đâu có thuận tiện như bây giờ. Bồ-tát thị hiện ở nơi này, khi duyên hết thì các Ngài liền đi. Hiện nay do thông tin phát triển, giao thông thuận lợi, ở nơi này hết duyên, ở nơi khác có duyên, bạn vẫn không thể ra đi, phải biết cái đạo lý này. Thí dụ như ở Singapore không còn duyên nữa, ở Indonesia duyên đã chín muồi rồi thì phải đi đến đó. Khi nào ở thế giới này không còn duyên nữa thì lúc đó bạn có thể ra đi, nếu còn duyên thì bạn không thể ra đi. Cho nên Phật pháp xác thực là thông tình đạt lý. Thật sự ở thế gian này vì tất cả chúng sanh mà làm tấm gương tốt, xác thực chẳng nhiễm bụi trần, tâm địa thanh tịnh, nhưng tùy duyên mà tận tâm tận lực giúp đỡ chúng sanh.

 

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 347)

Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Khởi giảng năm 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ

                                                                                                                                     

 

 

 

 

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Video mới nhất

Pháp ngữ mới nhất

Thống kê lượt truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 209


Hôm nayHôm nay : 18975

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 902275

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 44771006

PHÁP ÂM TUYÊN LƯU – TẬP 6

ĐỒNG TU HỎI TÔI- THẦY CÓ SỢ CHẾT HAY KHÔNG?

Có một số đồng tu hỏi tôi, hỏi thầy có sợ chết hay không? tôi nói với họ tôi không sợ chết, tôi không có khái niệm này, không hề có khái niệm sanh tử, mỗi một ngày đều là tùy duyên độ nhật, tuổi tác cũng đã lớn rồi, giảng kinh sắp giảng không nổi nữa, tôi vô cùng xem trọng người kế thừa, cho nên khi tôi 50 tuổi, thì đã rất coi trọng việc bồi dưỡng những người kế thừa, tôi có thể không giảng kinh, nhưng kinh thì không thể đoạn dứt, người có thể giảng, ưa thích giảng, tôi đều đề bạt họ, bồi dưỡng từng người từng người một. khi tôi đi rồi thì cũng sẽ có rất nhiều người giảng tốt hơn tôi, tôi rất mãn ý, hỏi tôi là có sợ chết hay không, không sợ, thật sự là không sợ, 1 chút cũng không sợ, người ta vì sao lại sợ chết? vì họ không có sự chuẩn bị. tôi thì đã chuẩn bị rất kỹ rồi, cho nên tôi không sợ chết, so với hầu hết mọi người thì không như họ, chúng tôi ngày ngày nhớ nghĩ Thế Giới Cực Lạc, niệm niệm đều là niệm A Di Đà Phật, tôi khuyên mọi người niệm Phật cầu sanh Di Đà Tịnh Độ, thì bản thân tôi sao có thể không làm? Nếu tôi không làm, thì những người học sẽ nói tôi lừa gạt họ, vậy thì tôi có lỗi với họ, Thế Giới Cực Lạc là có thật, A Di Đà Phật là có thật, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là có thật, ngày ngày đều có, mọi lúc mọi nơi đều có thể đến Thế Giới Cực Lạc. hoan hoan hỷ hỷ, Phật đã nói với chúng ta, phàm việc gì cũng đều có nhân có quả, bệnh dịch là có nhân quả, nhân là gì? tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, nói tới nói lui vẫn là tâm tưởng, đồng tu chúng ta đã học Phật rồi, vĩnh viễn không có sự lo sợ, chúng ta đi theo Thích Ca Mâu Ni Phật, tiền đồ thuận buồm xuôi gió, tiền đồ vô cùng tươi sáng, sau khi học Phật, niệm niệm cầu sanh Tịnh Độ, chúng ta rõ ràng thấu suốt đối với Thế Giới Cực Lạc, thì việc vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là thật sự nắm phần chắc chắn, hy vọng các đồng học xem nhẹ sự sanh tử, đem việc sanh tử nắm trong lòng bàn tay, không phải nằm trong tay vua Diêm La, mà nằm trong lòng bàn tay chúng ta, muốn đi là đi, muốn ở là ở, tốt, đối trước đại chúng đồng tu, cùng nhau niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, mỗi ngày đều không thiếu thời khóa, đồng tu còn sợ hãi vẫn là không ít, chúng ta hãy giúp đỡ họ, để giúp họ thì trước tiên bản thân mình không sợ, thì họ mới có thể tin, làm thế nào để giúp những đồng học còn sợ chết? đây là sứ mệnh của chúng ta, đọc kinh, đọc thuộc kinh điển, có thể chuyển sợ hãi thành không sợ, không còn sợ đạt đến mức nào? tự tại vãng sanh, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là chắc chắn, là thật không phải giả. Ta Bà này khổ, hà tất gì phải lưu luyến? bạn còn lưu luyến đối với Ta bà cho nên bạn mới sợ chết, không còn lưu luyến Ta bà thì mới không sợ, cho nên đối diện với trùng trùng sự bất an trong xã hội ngày nay, chúng tôi đều khuyến khích mọi người không nên sợ hãi, an vui là niệm cho thật tốt câu Phật hiệu này, A Di Đà Phật nhất định sẽ đến tiếp dẫn, không bỏ sót 1 người nào, lòng tin sẽ quyết định hết thảy, việc này rất quan trọng, mọi người đều có sức khỏe tốt hơn tôi. Phải nên dụng công, phải nên nỗ lực, nếu thấy được A Di Đà Phật ở tại Thế Giới Cực Lạc hoan nghênh chúng ta, chúng ta thấy được niềm hoan hỷ vô hạn, thì nguyện vọng của 1 đời cũng xem như viên mãn. Sống ở tại thế giới này, sống 1 ngày thì làm 1 ngày, sống 2 ngày thì làm 2 ngày, vãng sanh đến Thế Giới Cực Lạc thì đồng học sẽ cùng A Di Đà Phật đến tiếp dẫn, cho nên việc giúp đỡ trợ niệm cho các đồng học là công đức rất lớn, ta đi đón họ, học cũng sẽ đến đón ta, tuyệt đối không uổng công, tuyệt đối không phải giả, những tin tức về bệnh dịch hiện này chúng ta không xem, niệm A Di Đà Phật thì mới thật sự là có ích, đây mới là việc quan trọng cấp bách chứ không phải là việc gì khác. Phật đến tiếp dẫn chúng ta, Bồ Tát đến tiếp dẫn chúng ta, đồng tham đạo hữu cũng đều đến tiếp dẫn chúng ta. Tin sâu không nghi, thì các ngài nhất định sẽ đến tiếp dẫn vãng sanh. Khi đến tiếp dẫn thì sẽ còn náo nhiệt hơn ở hội trường này, khi đến tiếp dẫn thì cũng không nên khách sáo, phải kiên định tín nguyện, tín nguyện vãng sanh.