Lấy giáo dục hoằng dương Phật pháp. Lấy giảng giải bồi dưỡng nhân tài. Lấy từ bi lợi ích xã hội. Lấy chân thành phát triển giao lưu. Lấy chuyên tu cầu sanh Tịnh Độ.

Trang chủ »Pháp ngữ »Kinh Vô Lượng Thọ

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 250)

Chủ nhật - 13/03/2016 21:23

****************

Kinh văn: “Diệc vô tứ thời, hàn thử, vũ minh chi dị. Phục vô đại tiểu giang hải, khâu lăng khanh khảm, Kinh cức sa lịch, Thiết Vi, Tu Di, thổ thạch đẳng sơn”.

Chúng ta bắt đầu xem từ đoạn này. Đây là Thế Tôn vì chúng ta mà giới thiệu hoàn cảnh trang nghiêm của Tịnh Độ Tây Phương. Đoạn ở phía trước, Thế Tôn vì chúng ta đã giới thiệu hoàn cảnh nhân sự ở bên đó, từ đây tiếp theo vì chúng ta giới thiệu hoàn cảnh vật chất. Hoàn cảnh nhân sự thù thắng thì hoàn cảnh vật chất đương nhiên tốt. Đây là đạo lý gì vậy? Ở trên Kinh Phật thường hay nói với chúng ta, y báo là tùy theo chánh báo mà chuyển. Do vậy chúng ta phải hiểu được, hoàn cảnh vật chất của nơi chúng ta cư trú cùng tất cả tạo tác khởi tâm động niệm của chúng ta đích thực có mối quan hệ vô cùng mật thiết. Ở trên Kinh Phật đã nói rất nhiều, nói được rất rõ ràng. Các nhà khoa học hiện tại cũng đang dần dần phát hiện ra, thứ gọi là vật chất, sự thật nó là hiện tượng của làn sóng chấn động. Phát hiện này ngày càng gần với trên các Kinh luận Đại Thừa đã nói. Mà ảnh hưởng nghiêm trọng nhất tới làn sóng chấn động chính là tư tưởng ý nghĩ của chúng sanh hữu tình, cho nên không thể nói chúng ta khởi ý niệm thì chỉ là một việc rất nhỏ, chẳng đáng là gì. Chúng ta mà nghĩ như vậy thì mãi mãi cũng là nghĩ sai, đâu ngờ rằng cái ý niệm cực kì vi tế cùng với hoàn cảnh y báo của chúng ta, hoàn cảnh y báo nếu như là rộng lớn, đó chính là tinh hệ, chúng ta nói hệ mặt trời, hệ ngân hà, thậm chí ảnh hưởng cho đến tận hư không khắp pháp giới. Có lẽ có người sẽ nói cách nói của tôi như vậy có phần hơi quá, kỳ thực cách nói này không phải là tôi nói, mà là trên Kinh Phật đã nói. Nếu như chúng ta tỉ mỉ mà tư duy, mà quan sát, từ từ chúng ta có thể thể hội được những gì Phật đã nói là chính xác, không có sai một chút nào.

Hôm nay chúng ta xem Kinh văn đoạn mở đầu: “Diệc vô tứ thời, hàn thử, vũ minh chi dị”. Tứ thời là chỉ xuân - hạ - thu - đông. Singapore này không có sự khác biệt giữa bốn mùa, Thế giới Cực Lạc cũng không có. Tuy là Singapore không có bốn mùa, nhưng có mùa đông mùa hạ, thời tiết nóng nực, sinh sống ở nơi này cũng không phải dễ chịu lắm, không như Thế giới Tây Phương Cực Lạc mát mẻ tự tại. Con người sinh sống ở trên địa cầu này phải ứng phó với bốn mùa xuân - hạ – thu - đông, bởi vì chúng sanh hữu tình sinh sống tại địa cầu này nghìn vạn năm nay họ đã quen rồi, đã tập thành thói quen, nếu như đi đến một nơi mà không có bốn mùa luôn luôn là rất khó thích ứng. Đây gọi là tập tánh, không phải tự nhiên. Tập tánh này đã huân tu trong thời gian dài. Quá lạnh hay quá nóng, đây là mùa đông và mùa hè, đối với sức khỏe của chúng ta đều có tác hại, cho nên nếu như một người biết cách điều thân điều tâm, người thông thường nói là đạo của dưỡng sinh, bạn chân chánh hiểu được đạo lý này.

Thọ mạng con người, trong sách xưa của Trung Quốc có ghi chép (là quyển “Linh Xu”, đây là quyển sách về y dược nguyên thủy nhất của Trung Quốc), nói với chúng ta cái thân thể này là một hệ thống máy móc, nếu như bạn có thể bảo dưỡng được tốt, không chà đạp nó, không tổn hại nó, thì thọ mạng vận hành của hệ thống máy móc này phải là 200 năm. Con người sống 200 năm không được tính là trường thọ, chỉ là thọ mạng bình thường. Không đến 200 năm, thậm chí là còn không giữ gìn cho đến được 100 năm, vậy thì bạn không hiểu được cái đạo của dưỡng sinh, chính bạn đã làm hư tổn hệ thống máy móc này. Việc này thật đáng tiếc. Người am hiểu đạo lý dưỡng sinh chính là chư Phật Bồ Tát. Có lẽ sẽ có người hỏi, Phật đã hiểu được cái đạo của dưỡng sinh, thì tại sao Thích Ca Mâu Ni Phật trụ thế chỉ có 80 năm? Vì sao Ngài lại không sống đến 200 năm? Phật tuy là không sống đến 200 tuổi, nhưng mà Phật có một người học trò, thực tế mà nói là có hai vị học trò, một vị là tôn giả Tân Đầu Lô, vị kia là tôn giả Ca Diếp, hiện tại vẫn còn ở tại thế gian này. Dựa theo cách nói của người ngoại quốc, Thích Ca Mâu Ni Phật nhập diệt đến nay là hơn 2.500 năm, vậy thì hai vị ấy đều đã được hơn 2.500 tuổi, thật sự vẫn đang tại thế. Do đây mà biết, chư Phật Bồ Tát, A La Hán, những vị này đến thế gian này là do ứng hóa mà đến. Họ có thọ mạng hay không? Họ không có, thời gian họ trụ thế ngắn hay dài hoàn toàn xem pháp duyên. Pháp duyên phải là thật thù thắng thì sống thêm vài năm, pháp duyên không còn nữa, bất cứ khi nào cũng có thể đi, không phải như cái thân nghiệp báo này của phàm phu chúng ta, bản thân không thể làm chủ được chính mình. Nhưng mà chúng ta thật sự hiểu được đạo lý dưỡng sinh, thì thọ mạng của thân nghiệp báo chính mình cũng có thể làm chủ tể, không thể giống như chư Phật có thể trụ thế nghìn vạn năm. Tôn giả Ca Diếp nhận sự phó thác của Thích Ca Mâu Ni Phật, phải đợi Bồ Tát Di Lặc đản sanh thành Phật tại thế gian này, đem y bát của Thích Ca Mâu Ni Phật truyền lại cho Bồ Tát Di Lặc, Ngài mới có thể nhập diệt. Đến khi nào thì Bồ Tát Di Lặc mới đến thế gian này thị hiện thành Phật vậy? Trong “Kinh Di Lặc Bồ Tát Hạ Sanh” nói, tính bằng năm tháng ở thế gian này của chúng ta là 5.670.000.000 năm. Tôn giả Ca Diếp phải sống với tuổi thọ lâu đến như vậy. Chúng ta cũng nhìn thấy rồi, đây thật không thể nghĩ bàn, 5.670.000.000 năm. Nhưng thật ra, nếu đem so sánh với người của Thế giới Cực Lạc, thì Ngài vẫn là đoản mệnh. Người của Thế giới Cực Lạc tuổi thọ vô lượng, 5.670.000.000 năm thì không thể so sánh được với họ, họ là vô lượng thọ. Lời mà Phật đã nói mỗi câu đều là lời thật, vì thế chúng ta phải hiểu được đạo dưỡng sinh.

Phương pháp dưỡng sinh có rất nhiều nhưng nguyên lý nguyên tắc chỉ có một. Trong Phật môn thì dùng hình bánh xe làm biểu pháp, nhà Phật thường nói pháp luân thường chuyển. Luân là cái gì? Luân là hình tròn. Hình tròn có vòng tròn và tâm của hình tròn. Thân này của chúng ta là vòng tròn. Tâm ta là cái tâm của hình tròn. Dưỡng tâm phải tịnh, tâm là tịnh, dưỡng tâm phải rỗng, trong tâm không thể có bất cứ thứ gì. Có mấy người có thể hiểu được chứ? Vòng của hình tròn là phải động, không động thì nó không có tác dụng. Vòng tròn phải động, tâm vòng tròn phải tĩnh, cho nên chúng ta dưỡng thân phải động, dưỡng tâm phải tĩnh, đây là nguyên lý nguyên tắc của dưỡng sinh. Con người vì sao mà thọ mạng ngắn ngủi như vậy? Vì họ đã hoàn toàn tương phản với nguyên tắc này. Người hiện đại thân thể muốn dễ chịu, họ không muốn động, trong tâm thì từ sáng đến tối nghĩ tưởng lung tung, hoàn toàn trái ngược lại với nguyên lý này. Ở trong tâm có vọng tưởng, có phân biệt, có chấp trước là tâm đã hỏng rồi. Tâm ảnh hưởng thân, nên thân mới sinh ra bệnh. Chúng ta không chịu nổi một chút phong hàn cảm nhiễm từ bên ngoài thì liền bị bệnh, nguyên nhân gì vậy? Độc tố ở trong tâm đã quá nhiều, ngày nay gọi là siêu vi trùng. Phật nói nguồn gốc của siêu vi trùng là gì? Tham sân si gọi là tam độc phiền não. Bên trong mà có tham sân si thì bên ngoài sẽ rất dễ bị vi khuẩn gây bệnh xâm hại, bạn sẽ rất dễ bị bệnh. Phật Bồ Tát, A La Hán các Ngài vì sao mà không bị bệnh? Các Ngài đã đoạn tham sân si rồi, bên trong tâm thì thanh tịnh, không có mầm bệnh, bên ngoài cho dù có bị quấy nhiễu, họ cũng không dễ gì bị cảm nhiễm, trừ khi là họ thị hiện. Sự thị hiện đó đều là có tác dụng dạy học, đều là dùng để giáo hóa chúng sanh. Nếu không mà nói, họ không thể nào sinh bệnh. Những điểm này thì chúng ta cần phải nên học. Tâm địa thanh tịnh, một trần cũng không nhiễm thì chúng ta sẽ không bị bệnh. Tâm địa chân thành từ bi thì có thể giải trừ độc tố.

Cách ăn uống của chúng ta hiện nay, thật sự giống như trên Kinh đã nói là mỗi ngày “uống đắng ăn độc”. Dùng phương pháp gì để giải trừ những độc tố này? Dùng tâm từ bi, từ bi có thể giải độc, thanh tịnh thì có thể không bị cảm nhiễm. Đây là nói đến đạo của dưỡng sinh, “tứ thời hàn thử vũ minh chi dị” đối với chúng ta thì sẽ không tạo thành sự chướng ngại. Thế giới Tây Phương thì không có những thứ này.

Thiên Thân Bồ Tát ở trong “Vãng Sanh Luận” đã nói rất hay, Ngài nói Thế giới Tây Phương là tự tánh công đức trang nghiêm. Tự tánh là chân tâm, cũng chính là “duy tâm sở hiện” mà Thế Tôn đã nói ở trên “Kinh Hoa Nghiêm”. Thế giới Tây Phương Cực Lạc là “duy tâm sở hiện”. Thế gian này của chúng ta là sau duy tâm sở hiện lại có duy thức sở biến, vậy thì phiền phức liền đến. Thế giới Tây Phương chỉ có duy tâm sở hiện, không có duy thức sở biến, cho nên là tự tánh công đức. Tánh là căn bản, là nguồn gốc của quốc độ chúng sanh tận hư không khắp pháp giới.

Mấy nghìn năm lại đây, trên địa cầu này của chúng ta, trong và ngoài Trung Quốc có rất nhiều người thông minh đang nghiên cứu thảo luận, đang nghiên cứu khởi nguồn của vũ trụ, khởi nguồn của sự sống. Chúng ta cũng đã nghe rất nhiều học thuyết, nhưng mà đều không có một học thuyết nào có thể khiến người ta tâm phục khẩu phục. Nguyên nhân gì vậy? Người tìm tòi tuy nhiều nhưng không tìm được chân tướng sự thật. Chân chánh tìm được chân tướng sự thật chỉ có Phật và Đại Bồ Tát. Thực ra, các nhà tôn giáo của Ấn Độ cũng là giỏi lắm rồi. Trong Bà La Môn giáo nói là Minh Đế, cảnh giới này chúng ta quan sát thế gian có rất nhiều nhà khoa học, nhà triết học, họ đều không có phát hiện, chỉ mới phát hiện được là đích thực có không gian không đồng duy thứ tồn tại, mà vẫn chưa có phương pháp để siêu vượt. Bà La Môn giáo trong tôn giáo trên địa cầu này là tôn giáo cổ xưa nhất, họ dùng công phu thiền định đột phá được giới hạn của không gian và thời gian, thân chứng lục đạo luân hồi, không phải là suy đoán mà là đích thân chứng. Súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục họ đều đi qua; Dục giới thiên, sắc giới thiên, vô sắc giới thiên họ cũng đi qua rồi, cho nên đối với tình trạng ở trong sáu cõi, họ rất là rõ ràng. Công lực của họ đạt đến trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ, không thể tiếp tục đột phá thêm được nữa, thế là đem cả thế gian này gọi thành là Minh Đế, đã đem cái cảnh giới này xem thành nguồn gốc của vũ trụ, là khởi nguồn của sinh mệnh. Thật khó mà có được. Đến sau khi Phật xuất thế, đã nói với mọi người đây không phải là khởi nguồn thật sự của vũ trụ, khởi nguồn thật sự của cảnh giới này có một sự sai biệt rất lớn. Phật nói với chúng ta, ngoài lục đạo ra còn có bốn pháp giới: Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật. Pháp giới bốn Thánh lại lên nữa vẫn còn có Nhất Chân Pháp Giới. Trên “Kinh Đại Thừa Liễu Nghĩa” nói với chúng ta, khởi nguồn của sinh mệnh, khởi nguồn của vũ trụ, cái duyên khởi này là duyên khởi đồng thời, không có trước sau. Ở trên “Kinh Lăng Nghiêm” và “Kinh Viên Giác” nói rất hay: “Một niệm bất giác mà có vô minh”, cái gọi là “vô minh bất giác sanh tam tế, cảnh giới vi duyên trường lục thô”. Đây là Phật đã đem duyên khởi của vũ trụ và sinh mệnh mà nói rõ ra một lần. Câu nói này của Phật tuy rằng đã nói được rất rõ ràng, rất minh bạch, nhưng phàm phu chúng ta nghiệp chướng tập khí sâu nặng nghe sẽ không hiểu. Ai nghe có thể hiểu được? Là pháp thân Bồ Tát nghe sẽ hiểu được. Bồ Tát Quyền Giáo nghe xong thì lại hiểu mà không hiểu, không có hiểu thật sự, pháp thân Bồ Tát thì hiểu thật sự. Đây chính là “chư pháp thật tướng” đã nói ở trên “Kinh Bát Nhã”, là chân tướng của vũ trụ nhân sanh. Sau khi thật sự đã hiểu được, bạn nhất định phải đem vọng tưởng phân biệt chấp trước buông bỏ. Vì sao vậy? Không thuận pháp tánh, những thứ này là trái ngược với pháp tánh, đây là Duy Thức Sở Biến, chính là nguồn gốc của mười pháp giới. Thật sự hiểu, thật sự minh bạch rồi, nhất định phải tùy thuận pháp tánh mà không trái nghịch bổn tánh, thì cảnh giới mà bạn tiếp xúc không phải là trong mười pháp giới, pháp giới này gọi là Nhất Chân Pháp Giới, Pháp giới này gọi là Pháp Giới Hoa Tạng, hoặc gọi là Thế giới Cực Lạc. Làm sao lại chấp nhận trải qua cuộc sống ở trong mười pháp giới chứ? Không thể nào mà! Thật sự mà nói, Phật pháp là biết thì khó, hành thì dễ. Chính bởi vì sự thật như vậy mà năm xưa Thích Ca Mâu Ni Phật tại thế vì mọi người giảng Kinh thuyết pháp suốt 49 năm.

Phàm phu thành Phật cần phải có bao nhiêu thời gian? Nhà Phật nói, người thượng thượng căn, thượng căn lợi trí, trong khoảng Sát Na chuyển mê thành ngộ, thì họ đã thành tựu rồi. Phàm và Thánh cách nhau chỉ ở tại một niệm, một niệm mê thì là phàm phu, một niệm giác thì chính là Phật Bồ Tát. Vì vậy, học Phật là học cái gì? Học giác ngộ mà thôi. Chúng ta tại vì sao mà không giác ngộ? Ngày ngày học tập mà vẫn không giác ngộ, nguyên nhân không giác ngộ đó là chưa thể nào tùy thuận theo giáo huấn của Phật, nguyên nhân là chỗ này. Nếu như Phật dạy chúng ta làm như thế nào chúng ta thật sự làm được như thế ấy, tôi dám nói trong một đời này bạn quyết định sẽ thành Phật, không phải thành A La Hán hay thành Bồ Tát mà quyết định là thành Phật. Thật sự mà nói, Phật từ bi đến cùng cực. Một bộ Kinh căn bản nhất để tu hành, phân lượng của bộ Kinh này không lớn, là “Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo”, căn bản của tu hành, chúng ta có làm được hay chưa? Không thể nói Phật không từ bi. Chúng ta đã đọc qua, chúng ta cũng giảng qua, chúng ta làm chưa được thì phải làm thế nào? Trước khi Phật còn chưa thuyết về Thập Thiện Nghiệp Đạo, trước tiên đã nói với chúng ta một cái tổng cương lĩnh của việc tu hành, đó là “ngày đêm thường niệm thiện pháp”, ngày đêm nghĩa là không có gián đoạn, “tư duy thiện pháp”, “quán sát thiện pháp”. Cái ngày đêm đó nghĩa là xuyên suốt một mạch. Ngày đêm thường niệm thiện pháp, ngày đêm quán sát thiện pháp, ngày đêm thường tư duy thiện pháp, mãi mãi không thể gián đoạn. Sau cùng lại nói một câu là “không để chút bất thiện nào xen tạp”. Khi nào bạn làm được câu nói này của Phật, thì khi đó bạn thành Phật rồi. Cho nên, nếu bạn hỏi ngày nào thì bạn thành Phật? Vậy thì tôi hỏi bạn đến ngày nào thì làm được? Bây giờ bạn làm được thì bây giờ thành Phật. Nếu quả thật sự là thân khẩu ý của bạn không có một mảy may bất thiện thì đây là Phật.

Tiếp đến, Phật nói với chúng ta về tiêu chuẩn của thiện pháp. Thế nào gọi là thiện pháp? Phật đã nói với chúng ta mười loại: Thân thì không sát sanh, không trộm cắp, không dâm dục; khẩu thì không vọng ngữ, không lưỡng thiệt, không ác khẩu, không ỷ ngữ; ý thì không tham, không sân, không si. Mười điều này, cảnh giới của mỗi một điều thì sâu rộng vô lượng. Từ sơ phát tâm đến Như Lai địa là tu cái gì? Chính là tu pháp môn này. Phật từ bi đã tuyên thuyết với chúng ta, bản thân chúng ta không từ bi, không chịu y giáo phụng hành, vậy đương nhiên bạn không thành Phật được rồi. Trái nghịch với giáo huấn của Phật Đà thì chỉ có tiếp tục luân hồi trong lục đạo.

Thập thiện này không phải là giới điều do Thích Ca Mâu Ni Phật chế định ra để ràng buộc chúng ta, nếu bạn mà nghĩ như vậy thì bạn đã hoàn toàn nghĩ sai rồi. Thập thiện này là công đức vốn sẵn có ở trong tự tánh, không phải là từ bên ngoài vào, mà là tự tánh vốn sẵn có. Trên “Kinh Hoa Nghiêm” thường nói, tất cả chúng sanh đều có trí tuệ đức tướng của Như Lai, Thập Thiện Nghiệp Đạo này chính là đức tướng, tự tánh vốn sẵn có. Từ đây mà biết, chúng ta chỉ cần có thể tùy thuận thập thiện (chính là tùy thuận bổn tánh), tùy thuận tánh đức, thì tự tánh của chúng ta mới có thể hiện tiền. Trái nghịch với thập thiện, ngày ngày tạo thập ác nghiệp, thập ác là trái nghịch với tự tánh. Chúng ta học Phật, không những là Tông môn phải cầu minh tâm kiến tánh, mà 84.000 pháp môn, vô lượng pháp môn thì mục tiêu chung cực của việc tu học đều là “minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”. Tông phái không tương đồng, pháp môn không tương đồng là phương pháp tu minh tâm kiến tánh không như nhau, thủ đoạn không như nhau. Việc này không sao, phương pháp thủ đoạn có thể không đồng, nhưng phương hướng của chúng ta tương đồng, sau cùng đều là minh tâm kiến tánh, đều là kiến tánh thành Phật. Cho nên ở trên “Kinh Kim Cang Bát Nhã” Phật mới nói: “Pháp môn bình đẳng, không có cao thấp”. Nếu như bản thân chúng ta cho rằng, pháp môn này của chúng ta cao, pháp môn kia của họ không bằng ta là bạn đã trái nghịch tự tánh, bạn vĩnh viễn không thể kiến tánh, bạn tự gây chướng ngại, bạn trái nghịch với Thập Thiện. Việc này với thập thiện nghiệp có liên quan gì? Có liên quan. Liên quan thế nào? Ngu si, bạn ở nơi đó để phân biệt cao thấp, bạn là ngu si, bạn là ngạo mạn. Vì thế, thập thiện bao gồm chung hết thảy Phật pháp, không những Thích Ca Mâu Ni Phật 49 năm đã nói tất cả pháp đều không nằm ngoài thập thiện, mà mười phương ba đời tất cả chư Phật Như Lai đã thuyết vô lượng vô biên Phật pháp đều không nằm ngoài thập thiện. Tại sao như vậy? Là tánh đức mà, làm sao có thể siêu vượt tánh đức được chứ? Chúng ta vạn nhất không thể xem nhẹ việc này. Trong một đời này có thể đạt được thành tựu cứu cánh viên mãn hay không, thực tại mà nói chính là một câu nói này của Thế Tôn.

Làm thế nào chúng ta tu thành thuần tịnh thuần thiện ngay trong đời này như tôi thường nói? Thuần tịnh là thanh tịnh, cũng chính là đề Kinh của bộ Kinh này: “Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác”. Đây là phương hướng sinh hoạt trong một đời của chúng ta, chúng ta nỗ lực tu học phấn đấu hướng đến cái mục tiêu này. Chúng ta chính là cầu thanh tịnh - bình đẳng -giác, tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm giác ngộ. Bạn phải nên biết, nếu có một chút vọng tưởng nào thì tâm của bạn không thanh tịnh, không bình đẳng, thì bạn đã mê rồi. Có một chút nào phân biệt, có chút gì chấp trước thì phiền phức sẽ rất lớn. Cho nên, tùy thuận theo giáo huấn của Phật Đà, Phật hiện bày trước mắt cho chúng ta thấy một con đường quang minh đại đạo duy nhất.

Phật ở tại chỗ này đã vì chúng ta mà đã tiết lộ ra một chút tin tức, Thế giới Tây Phương không có tứ thời, đây là thiên thời chi lợi. Tại vì sao họ không có tứ thời? Họ không có phân biệt, chấp trước. Chúng ta bởi vì có phân biệt, có chấp trước, cho nên đã đem Nhất Chân Pháp Giới biến thành thế giới vô lượng vô biên phức tạp.

Phục vô đại tiểu giang, hải, khâu lăng, khanh khảm, Kinh, cức, sa, lịch, Thiết Vy, Tu Di, thổ thạch đẳng sơn”. Đây là địa lợi. Thế giới Tây Phương rộng lớn, ngay ngắn, mặt đất bằng lưu ly, đường đi trên mặt đất đắp bằng vàng ròng. Thế giới Tây Phương không có dân bản xứ, vì sao vậy? Vì đó là thế giới mới xuất hiện. Không như Thế giới Ta Bà này của chúng ta, Thế giới Ta Bà này lịch sử đã có từ rất lâu, dân bản xứ ở đây rất nhiều. Thế giới Tây Phương là do Pháp Tạng Bồ Tát vừa mới xây dựng, xây dựng hoàn thành cho đến nay cũng chỉ mới được mười kiếp mà thôi. Ở trong vũ trụ, thì thời gian này là rất ngắn ngủi, cho nên thế giới của Ngài không có dân cư lúc ban đầu. Dân cư là từ đâu mà đến? Đều là di cư đến từ mười phương thế giới, chúng ta hiện nay gọi là di dân, vãng sanh chính là di dân, di dân đi đến bên đó. Phật A Di Đà đã thiết định ra một điều kiện, điều kiện này chính là tâm phải thanh tịnh. “Tâm tịnh thì Phật độ tịnh”. Người mà tâm không thanh tịnh thì thế giới bên đó sẽ không thu nhận bạn, cho nên những người đi đến thế giới bên đó đều là những người có tâm địa thanh tịnh, chúng ta nói là thuần tịnh, thuần thiện. Chúng ta hy vọng tương lai di dân đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, chúng ta nhất định phải đạt cho bằng được hai điều kiện này.

Tây Phương Tịnh Độ xác thực có tứ độ ba bậc chín phẩm. Tại vì sao lại có sự khác biệt nhiều như vậy? Là vì mức độ thanh tịnh thiện lương của chúng ta không đồng. Mức độ thấp nhất, ở trong “Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo” đã nói bạn đều làm được, đây là cái mức độ thấp nhất, thì bạn khẳng định sẽ sanh Phàm Thánh Đồng Cư Độ.

Chúng ta phải tu hành ở ngay trong cuộc sống thường ngày, tu hành phải chú trọng thực chất, không chú trọng hình thức. Những lời này tôi ở trong cả cuộc đời chỉ nghe có hai người nói qua với tôi. Người thứ nhất nói với tôi là lão sư Chương Gia Đại Sư. Thời gian đầu khi tôi mới học Phật, vẫn còn chưa xuất gia, lão sư Ngài đã dạy tôi. Còn người thứ hai nói với tôi, chính là Tổng thống Nathan của Singapore hiện tại. Có một lần chúng tôi cùng nhau ăn cơm, vào lúc đó thì ông chưa làm Tổng thống, chúng tôi ngồi với nhau. Ông nói với tôi, tôn giáo mà ông kính trọng ngưỡng mộ nhất chính là Phật giáo, Phật giáo trọng thực chất, không trọng hình thức. Tôi nghe câu nói này thật sự nổi cả gai ốc, đây là lần thứ hai tôi nghe thấy. Tổng thống là một người tinh thông chứ không phải không có chuyên môn, câu nói này người bình thường sẽ không thể nào nói ra được. Trọng thực chất chính là thật làm, quyết không phải trên hình thức đã thọ tam quy, đã thọ ngũ giới, đó là hình thức. Hình thức không phải là việc Phật pháp coi trọng. Phật pháp coi trọng thực chất, chân thật làm được.

“Không sát sanh”, nhất định là không sát hại tất cả sinh mạng của chúng sanh. Sau khi chúng ta học rồi, cả một đời phải kiên trì, phải phụng hành, một con kiến nhỏ bé cũng không thể được sát hại, bạn phải thật sự làm được. Đây là công phu cạn. Sâu thêm một bậc, không những không có hành vi giết hại chúng sanh, mà đến cái ý niệm muốn tổn hại một chúng sanh nào cũng không có, vậy thì bạn vãng sanh phẩm vị sẽ cao. Lại nâng cao lên một bậc nữa, không những không tổn hại đến sinh mạng của một chúng sanh nào, mà còn quyết định là không thể tổn hại đến pháp thân huệ mạng của một chúng sanh nào, đó cũng là mạng. Giới cấm ở trong giới điều này rất rộng lớn, thật sự không có bờ mé, chúng ta phải biết được.

“Không trộm cắp”, tất cả những vật có chủ thì nhất định không thể nào được đụng chạm đến nó. Không có được sự đồng ý của họ mà bạn di chuyển vị trí của nó, thì cũng bị xem là phạm giới trộm cắp. Nói cho sâu hơn nữa là bạn vẫn còn cái ý niệm muốn chiếm tiện nghi của người khác, thì vẫn là phạm giới trộm cắp, vì bạn có lòng trộm cắp. Rất khó mà làm được. Bạn hãy xem thời đại hiện nay có bao nhiêu người đang nghĩ làm thế nào để mình có thể đóng thuế ít một chút. Đích thực là lần tìm ở trong pháp luật, tìm cho ra những k hở của pháp luật giúp họ có thể nộp ít thuế một chút. Đây là tâm trộm cắp. Họ đã quên đi những giáo huấn của Phật. Phật dạy bạn bố thí, quốc gia cũng là một pháp nhân, đối với cái pháp nhân này mà bạn không chịu bố thí hay sao? Quan niệm như vậy là sai lầm, quan niệm như vậy là thuộc về tâm trộm cắp. Nếu như là Bồ Tát thật sự, không những hoan hỷ nộp thuế, mà khi nhìn thấy đất nước đang lúc cần thiết thì họ còn bố thí nhiều hơn, đóng góp nhiều hơn, làm những việc phúc lợi xã hội nhiều hơn.

Có một số người nói, hiện tại chốn quan trường có rất nhiều quan tham, số tiền thuế này của chúng ta nộp cho họ, họ đều lấy đi dùng lung tung, họ xài hết, không có làm việc gì cho xã hội đại chúng. Chúng ta có sự băn khoăn như vậy thì đây lại là biến chất nữa rồi, là nghi hoặc, tham sân si mạn nghi. Ở trên “Kinh Vô Lượng Thọ” nói, “nghi” là chướng ngại lớn nhất của Bồ Tát. Bạn nghi ngờ họ để làm gì?

Singapore của chúng ta còn có vị Pháp sư Đàm Thiền, tôi rất tôn trọng ông, đại khái cũng khoảng hai năm rồi tôi không gặp mặt ông. Vị pháp sư này bố thí cúng dường không có hoài nghi, ông đem tiền tài bố thí ra ngoài, lại nói với bạn một câu: “Nhân quả mỗi người tự mỗi người chịu”. Ông chỉ nhắn nhủ câu nói này, sau khi đã nhắn nhủ xong thì không để lại trong lòng một dấu vết gì nữa, tâm của ông thanh tịnh. Con người này thật quá hay.

Bố thí cúng dường, làm được việc tốt mà trong lòng cứ nhớ mãi không quên, đây gọi là thiện hữu lậu, không phải công đức, đây là phước đức. Phước đức thì không thể giải quyết vấn đề sanh tử.

Chúng ta muốn được vãng sanh, Thế giới Tây Phương Cực Lạc là một cái xã hội như thế nào? Ở trên “Kinh Di Đà” Phật nói với chúng ta là “chư thượng thiện nhân câu hội nhất xứ”. Chúng ta dựa vào cái gì mà có thể ở chung một nơi với những thượng thiện nhân này? Tâm chúng ta thì không thanh tịnh, tâm địa thì không lương thiện, vậy thì phải làm sao? Niệm Phật chỉ là một phương tiện, nếu bạn biết niệm. Lời Phật nói không có sai. Hiện nay có rất nhiều rất nhiều người niệm Phật đã làm sai lời Phật dạy, cho rằng chỉ niệm ở miệng là được rồi, thì có thể vãng sanh rồi, niệm được càng nhiều thì càng tốt, tâm và miệng không có tương ưng. Người biết niệm Phật không nhất thiết phải mỗi ngày từ sáng đến tối Phật hiệu không gián đoạn, dùng không được. Vậy khi nào thì niệm Phật? Trong tâm mà có ý niệm thì phải niệm Phật. Có ý niệm thì đều là vọng niệm, không phải là vọng tưởng thì cũng là phân biệt, chấp trước. Những loại ý niệm như vậy vừa khởi thì nhanh chóng dùng câu A Di Đà Phật để mà loại trừ đi, đây gọi là niệm Phật. Cho nên niệm Phật là để khôi phục cái tâm thanh tịnh của mình, khôi phục cái thiện tâm của chính mình, không để ý nhiều hay ít. Tâm địa quả nhiên thuần tịnh thuần thiện, một câu Phật hiệu cũng không thấy mình niệm, thì họ mới thật là đang niệm Phật. Thế nào là Phật vậy? Thanh Tịnh - Bình Đẳng - Giác là Phật, Thập Thiện Nghiệp Đạo là Phật. Họ đang hành Phật chi đạo, vậy thì gọi là niệm Phật. Vì thế, các vị nhất định phải biết niệm.

A Di Đà Phật…

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 250)

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Thời gian: Khởi giảng năm 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây Cư Sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Video mới nhất

Pháp ngữ mới nhất

Thống kê lượt truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 221


Hôm nayHôm nay : 5307

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1474935

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 43719079

PHÁP ÂM TUYÊN LƯU – TẬP 6

ĐỒNG TU HỎI TÔI- THẦY CÓ SỢ CHẾT HAY KHÔNG?

Có một số đồng tu hỏi tôi, hỏi thầy có sợ chết hay không? tôi nói với họ tôi không sợ chết, tôi không có khái niệm này, không hề có khái niệm sanh tử, mỗi một ngày đều là tùy duyên độ nhật, tuổi tác cũng đã lớn rồi, giảng kinh sắp giảng không nổi nữa, tôi vô cùng xem trọng người kế thừa, cho nên khi tôi 50 tuổi, thì đã rất coi trọng việc bồi dưỡng những người kế thừa, tôi có thể không giảng kinh, nhưng kinh thì không thể đoạn dứt, người có thể giảng, ưa thích giảng, tôi đều đề bạt họ, bồi dưỡng từng người từng người một. khi tôi đi rồi thì cũng sẽ có rất nhiều người giảng tốt hơn tôi, tôi rất mãn ý, hỏi tôi là có sợ chết hay không, không sợ, thật sự là không sợ, 1 chút cũng không sợ, người ta vì sao lại sợ chết? vì họ không có sự chuẩn bị. tôi thì đã chuẩn bị rất kỹ rồi, cho nên tôi không sợ chết, so với hầu hết mọi người thì không như họ, chúng tôi ngày ngày nhớ nghĩ Thế Giới Cực Lạc, niệm niệm đều là niệm A Di Đà Phật, tôi khuyên mọi người niệm Phật cầu sanh Di Đà Tịnh Độ, thì bản thân tôi sao có thể không làm? Nếu tôi không làm, thì những người học sẽ nói tôi lừa gạt họ, vậy thì tôi có lỗi với họ, Thế Giới Cực Lạc là có thật, A Di Đà Phật là có thật, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là có thật, ngày ngày đều có, mọi lúc mọi nơi đều có thể đến Thế Giới Cực Lạc. hoan hoan hỷ hỷ, Phật đã nói với chúng ta, phàm việc gì cũng đều có nhân có quả, bệnh dịch là có nhân quả, nhân là gì? tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, nói tới nói lui vẫn là tâm tưởng, đồng tu chúng ta đã học Phật rồi, vĩnh viễn không có sự lo sợ, chúng ta đi theo Thích Ca Mâu Ni Phật, tiền đồ thuận buồm xuôi gió, tiền đồ vô cùng tươi sáng, sau khi học Phật, niệm niệm cầu sanh Tịnh Độ, chúng ta rõ ràng thấu suốt đối với Thế Giới Cực Lạc, thì việc vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là thật sự nắm phần chắc chắn, hy vọng các đồng học xem nhẹ sự sanh tử, đem việc sanh tử nắm trong lòng bàn tay, không phải nằm trong tay vua Diêm La, mà nằm trong lòng bàn tay chúng ta, muốn đi là đi, muốn ở là ở, tốt, đối trước đại chúng đồng tu, cùng nhau niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, mỗi ngày đều không thiếu thời khóa, đồng tu còn sợ hãi vẫn là không ít, chúng ta hãy giúp đỡ họ, để giúp họ thì trước tiên bản thân mình không sợ, thì họ mới có thể tin, làm thế nào để giúp những đồng học còn sợ chết? đây là sứ mệnh của chúng ta, đọc kinh, đọc thuộc kinh điển, có thể chuyển sợ hãi thành không sợ, không còn sợ đạt đến mức nào? tự tại vãng sanh, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là chắc chắn, là thật không phải giả. Ta Bà này khổ, hà tất gì phải lưu luyến? bạn còn lưu luyến đối với Ta bà cho nên bạn mới sợ chết, không còn lưu luyến Ta bà thì mới không sợ, cho nên đối diện với trùng trùng sự bất an trong xã hội ngày nay, chúng tôi đều khuyến khích mọi người không nên sợ hãi, an vui là niệm cho thật tốt câu Phật hiệu này, A Di Đà Phật nhất định sẽ đến tiếp dẫn, không bỏ sót 1 người nào, lòng tin sẽ quyết định hết thảy, việc này rất quan trọng, mọi người đều có sức khỏe tốt hơn tôi. Phải nên dụng công, phải nên nỗ lực, nếu thấy được A Di Đà Phật ở tại Thế Giới Cực Lạc hoan nghênh chúng ta, chúng ta thấy được niềm hoan hỷ vô hạn, thì nguyện vọng của 1 đời cũng xem như viên mãn. Sống ở tại thế giới này, sống 1 ngày thì làm 1 ngày, sống 2 ngày thì làm 2 ngày, vãng sanh đến Thế Giới Cực Lạc thì đồng học sẽ cùng A Di Đà Phật đến tiếp dẫn, cho nên việc giúp đỡ trợ niệm cho các đồng học là công đức rất lớn, ta đi đón họ, học cũng sẽ đến đón ta, tuyệt đối không uổng công, tuyệt đối không phải giả, những tin tức về bệnh dịch hiện này chúng ta không xem, niệm A Di Đà Phật thì mới thật sự là có ích, đây mới là việc quan trọng cấp bách chứ không phải là việc gì khác. Phật đến tiếp dẫn chúng ta, Bồ Tát đến tiếp dẫn chúng ta, đồng tham đạo hữu cũng đều đến tiếp dẫn chúng ta. Tin sâu không nghi, thì các ngài nhất định sẽ đến tiếp dẫn vãng sanh. Khi đến tiếp dẫn thì sẽ còn náo nhiệt hơn ở hội trường này, khi đến tiếp dẫn thì cũng không nên khách sáo, phải kiên định tín nguyện, tín nguyện vãng sanh.