Lấy giáo dục hoằng dương Phật pháp. Lấy giảng giải bồi dưỡng nhân tài. Lấy từ bi lợi ích xã hội. Lấy chân thành phát triển giao lưu. Lấy chuyên tu cầu sanh Tịnh Độ.

Trang chủ »Pháp ngữ »Thập thiện nghiệp Đạo Kinh

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH (tập 24)

Thứ năm - 13/06/2013 15:58

 

Thứ năm: “Đắc bất hoại thiện tri thức, bất cuồng hoặc cố”

Kinh văn: “Ngũ, đắc bất hoại thiện tri thức, bất cuồng hoặc cố. Thị vi ngũ”.

Đoạn này nói rõ, lìa lỗi lầm lưỡng thiệt thì sẽ được năm loại phước báo thù thắng. Phía trước đã giới thiệu qua bốn loại rồi, đây là loại thứ năm.

“Đắc bất hoại thiện tri thức”. Thiện tri thức là thầy của chúng ta, là bạn đồng tu của chúng ta. Điều này có quan hệ vô cùng mật thiết đối với sự thành tựu về đạo nghiệp, học nghiệp của chúng ta. Có thể nói, trong tăng thượng duyên, thì đây là tăng thượng duyên quan trọng hàng đầu. Trong kinh A Nan Hỏi Phật Việc Tốt Xấu, điều đầu tiên Phật nói với chúng ta là phải gần gũi minh sư, đây chính là thiện tri thức. “Minh” là không phải nói vị thầy này tiếng tăm lừng lẫy, hiện nay gọi là rất có danh tiếng, điều này chưa chắc có hiệu quả. Nhà Phật nói “minh” là minh tâm kiến tánh. Thật sự trong tu học, họ có tu, có học, có chứng, đương nhiên tốt nhất là họ chứng quả. Mặc dù chưa có chứng quả, nhưng cũng là chân tu, thực học. Vị thầy như vậy, chúng ta gần gũi họ nhất định có lợi ích. Nhưng thiện tri thức rất khó có được, từ xưa đến nay gọi là: “Khả ngộ bất khả cầu”. Thiện tri thức đến đâu để cầu vậy? Càng là chân thiện tri thức thì càng khiêm tốn, nhất định không được phép khen mình chê người, hoặc nói “người khác không bằng tôi, tôi cái gì cũng tốt”. Loại thiện tri thức này vào thời xưa không có, bây giờ rất nhiều. Bây giờ đều là tán thán mình, phỉ báng người khác.

Chúng ta phải biết rằng, phàm là khen mình chê người chắc chắn không phải thiện tri thức. Thiện tri thức đều vô cùng khiêm tốn, ở đâu cũng nhường nhịn, trong bất kỳ trường hợp nào, tuyệt đối không đứng trước người khác, muốn tranh ra đứng đầu gió, không có chuyện này, họ dứt khoát không làm việc này. Người thật sự tu đạo, thành thật mà nói, thái độ của họ là nhiều việc không bằng ít việc, ít việc không bằng không việc gì. Môi trường sinh hoạt của họ là cực kỳ thanh tịnh. Chỉ có phàm phu chúng ta đi tìm họ, họ cũng rất từ bi, họ không thể không chỉ dạy chúng ta. Chúng ta không tìm họ, họ cũng không tìm chúng ta. Từ xưa đến nay, pháp thế xuất thế gian, mọi người đều nghe nói “cầu học”. Muốn “học” thì chúng ta phải đi “cầu”, họ sẽ không chủ động đến dạy bạn, không có đạo lý này. Phật pháp là sư đạo, sư đạo thì nhất định phải tôn sư trọng đạo thì bạn mới có thể cầu được. Thái độ của cầu là phải chân thành, phải cung kính, phải khiêm tốn, ba cái này là điều kiện cần phải có. Không có ba điều kiện này, chư Phật Bồ-tát đến dạy bạn, bạn cũng không đạt được lợi ích, đây là đạo lý nhất định. Bất kể là thế pháp hay Phật pháp, thiện tri thức chân chánh chắc chắn là người nhân từ. Chỉ cần bạn đầy đủ điều kiện chân thành, cung kính, khiêm tốn thì bạn đến cầu họ, họ tuyệt đối sẽ không từ chối. Nếu họ từ chối bạn, nhất định là bạn bị thiếu một trong ba điều kiện này. Ba điều kiện thảy đều có đủ thì không có lý do từ chối, họ sẽ giúp đỡ bạn rất nghiêm túc, thành tựu bạn.

Khi tôi còn trẻ đã từng gần gũi rất nhiều thiện tri thức, không có người nào từ chối cả. Chúng tôi có thái độ tốt đẹp của một người học trò, thật sự là muốn học nên được thiện tri thức chỉ dạy đặc biệt. Năm 1949, tôi đến Đài Loan, thường hay nghĩ đến khổ nạn của nhân gian, làm sao giúp chính mình, làm sao giúp đỡ người khác? Tôi đã nghĩ rất nhiều đến vấn đề này, cuối cùng rút ra được một kết luận: Đây đều là quan hệ của con người. Cổ nhân nói rất hay: “Nhân tồn chánh cử, nhân vong chánh tức”. Thế là tôi mới thật sự thể hội được chế độ là thứ yếu. Có rất nhiều người hỏi tôi: “Pháp sư à! Rốt cuộc là thầy tán thành quân chủ hay tán thành dân chủ?”. Quân chủ hay dân chủ đều không quan trọng, quan trọng nhất là gì vậy? Là người tốt. Vị lãnh đạo này là người tốt thì quân chủ cũng tốt, dân chủ cũng tốt, mọi người đều hưởng phước. Người này không phải người tốt thì quân chủ hay dân chủ, mọi người đều gặp nạn. Vấn đề là ở con người!

Nghiên cứu vấn đề con người, thế thì không thể không nghiên cứu triết học. Làm sao làm người tốt? Làm sao mở trí tuệ? Vậy là tôi một lòng một dạ muốn học triết học, cũng được gần gũi mấy vị thầy. Cuối cùng tôi chọn được tiên sinh Phương Đông Mỹ. Thầy rất từ bi. Mục đích ban đầu của chúng tôi là chỉ hy vọng thầy cho phép chúng tôi đến trường để nghe bài giảng của thầy, vậy là chúng tôi thỏa mãn rồi. Thầy thấy chúng tôi thật sự có thành ý, thật sự muốn học, chúng tôi đối với thầy cung kính, thái độ của chúng tôi vô cùng khiêm tốn, tiếp nhận chỉ dạy 100%. Cứ như vậy, thầy không để tôi đến trường, dạy tôi ở trong nhà thầy. Mỗi chủ nhật hằng tuần, tôi đến nhà thầy để học, học trò chỉ có mình tôi. Một thầy, một trò, tại bàn tròn nhỏ trong phòng khách nhỏ của nhà thầy, pha một tách trà, như vậy mà học. Triết học của tôi là học với thầy như vậy. Đặc biệt yêu thương! Học trò của thầy thì rất nhiều, tại sao thầy đặc biệt chăm lo tôi như vậy? Chính là đầy đủ ba điều kiện này. Học trò có đầy đủ ba điều kiện này không nhiều, đây chính là khả ngộ bất khả cầu. Học trò muốn tìm thầy thật không dễ, mà thầy tìm học trò cũng không dễ. Sau đó có nhiều bạn học biết được, họ rất coi trọng, rất tán thán đối với tôi. Họ nói, mắt thầy Phương để ở trên đỉnh đầu, không có xem trọng người nào, thầy có thể đối xử với anh như vậy, nhất định là anh không phải là người đơn giản.

Các bạn đồng tu ở Hồng Kông có lẽ đều biết tiên sinh Đường Quân Nghị. Đường Quân Nghị là học trò của Phương tiên sinh, ông là người rất có thành tựu. Thầy Phương đối với Đường tiên sinh cũng vô cùng yêu mến, cũng thường hay nhắc đến với chúng tôi. Cho nên, tự bản thân chúng ta phải đầy đủ điều kiện cầu học, tức là đạo lý làm học trò, bạn phải hiểu. Bạn là học trò tốt thì tự nhiên Phật, Bồ-tát, ông Trời sẽ sắp đặt cho bạn một người thầy tốt. Bạn không phải học trò tốt thì bạn gặp thầy giỏi cũng uổng công, bạn cũng không có được lợi ích.

Về sau tiếp xúc Phật pháp, tôi gần gũi đại sư Chương Gia, gần gũi lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, tôi đều có được sự chăm sóc đặc biệt. Từ đó cho thấy, bản thân chúng ta có thể thành tựu hay không, có được sự giúp đỡ của thiện tri thức, thiện hữu hay không đều do chính mình. Bản thân phải có nhân thật, thì bên ngoài mới có sự trợ duyên tốt. Nhân, duyên đều đầy đủ thì quả báo mới hiện tiền. Việc gì cũng oán trời trách người thì chắc chắn sẽ không có thành tựu. Nếu ta luôn cảm thấy mình lúc nào cũng đúng, người khác là không đúng, luôn cảm thấy người khác có lỗi với mình, ngay cả ông Trời cũng có lỗi với mình thì ta hết cứu rồi. Tại sao vậy? Tất cả thiện tri thức, thiện duyên nhìn thấy bạn liền kính mà tránh xa, không dám gặp bạn. Đạo lý này ta phải hiểu. Chân thành, cung kính, khiêm tốn, ở đâu cũng nhường nhịn. Người làm học vấn thì không ham muốn lãnh đạo, không ham muốn chiếm hữu, thậm chí họ vô cùng nhiệt tâm đứng ở bên cạnh, đứng ở phía sau giúp đỡ người khác. Cho nên, họ có thể lui lại phía sau và chung sống hòa mục với mọi người.

Tôi cả đời đều là giúp người, chỉ cần người ta sẵn sàng tiếp nhận sự giúp đỡ của tôi, những việc họ làm là chánh pháp, là lợi ích xã hội đại chúng, chúng tôi sẽ biết chung sống thật tốt. Trước đây, chúng tôi sống chung với trưởng viện Hàn Anh suốt 30 năm. Sau khi bà vãng sanh, chúng tôi tiếp nhận lời mời của cư sĩ Lý Mộc Nguyên, đến Singapore. Chúng tôi toàn tâm toàn lực giúp đỡ ông. Bởi vì ông là thân phận cư sĩ, cho nên khi chúng tôi ở chung với nhau, ông luôn đem tôi đặt ở vị trí hàng đầu, còn ông ở vị trí thứ hai. Điều này là người tại gia tôn trọng người xuất gia. Nếu như hai người đều là người xuất gia, thì tôi nhất định nhường họ đứng chính giữa, tôi sẽ đứng ở bên cạnh, đây là đạo lý nhất định. Khiêm kính không chỉ là một đời, mà đời đời kiếp kiếp, thế xuất thế gian đại thánh đại hiền vĩnh viễn là khiêm kính. Trong Luận ngữ, học trò tán thán đức hạnh của Phu Tử là “ôn, lương, cung, kiệm, nhượng”. Cuối cùng là nhường nhịn. Nhượng là khiêm tốn, nhượng ở mọi nơi, mọi lúc, nhượng là mỹ đức.

Sao gọi là “bất hoại thiện tri thức” vậy? Bạn gần gũi thiện tri thức, cái duyên này tuyệt đối không bị người phá hoại, bạn được bất hoại thiện tri thức. Bạn thân cận thiện hữu, bị phỉ báng, đố kỵ là điều khó tránh khỏi, đặc biệt là ở thời đại này.

Ba vị thầy mà tôi gần gũi thật sự là ba vị đại đức. Có người biết tôi học với các thầy, liền đến ngăn lại và khuyên tôi, họ nói các thầy ấy không phải thật sự là những người tốt. Họ đố kỵ chướng ngại, muốn chúng tôi thối tâm, đến nơi khác tìm thiện tri thức khác. Họ nói đại sư Chương Gia là Hòa thượng chính trị, lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam là tứ bảo, tiên sinh Phương Đông Mỹ là ghét bỏ người vợ cả của ông. Họ phao tin đồn nhảm nhiều, chúng tôi nghe rồi cười xòa cho qua, tôi vẫn cứ một lòng một dạ học với các thầy. Nếu dễ dàng nghe người khác lưỡng thiệt xúi giục, thì tâm của chúng ta sẽ dao động ngay, tín tâm bị mất hết. Đây là tự mình không có phước báo, không có thiện căn, nên tin lời đồn nhảm. Những lời mà họ nói đó có phải là sự thật không? Chúng ta không qua điều tra mà dễ dàng tin theo là ngu si đến cực điểm. Chúng ta có cần thiết điều tra hay không? Có điều tra là tâm bạn đã bất thành, bất kính rồi. Tại sao vậy? Vì bạn sinh ra hoài nghi. Nếu như đối với thầy thật sự có tín tâm, thì những lời này nghe mà không nghe, phải dùng thái độ này mới có thể giữ vững đạo học của mình, không đến nổi bị người khác cản trở.

“Bất cuồng hoặc cố”, “cuồng” là lừa gạt. Thầy không lừa gạt chúng ta. Chúng ta làm người học trò, dứt khoát không lừa gạt thầy, phải dùng tâm chân thành mà đối xử. Người sống ở đời, cổ nhân đều cảm thán. Một người ở trong một đời có thể gặp được một người tri kỷ, có thể không có chuyện riêng tư, không có nói lời giấu giếm, thì cuộc sống của bạn trong đời này là có ý nghĩa rồi. Đời này tôi còn gặp được rất nhiều người, điều quan trọng nhất là mình phải hoàn toàn không lừa gạt người khác. Không những đối với thầy, với cha mẹ, với tôn trưởng, với bạn bè, mà với tất cả chúng sanh, chúng ta đều không lừa gạt, không có lý do gì để lừa gạt. Tại sao lừa gạt chúng sanh chứ? Ta không lừa gạt người khác, người khác lừa gạt ta, ta cũng hoan hỷ tiếp nhận. Tại sao lại có quả báo này vậy? Ta đời này hiểu được đạo lý này, không lừa gạt người khác, nhưng trong đời quá khứ lúc chưa gặp được Phật pháp, ta có lẽ cũng đã lừa gạt rất nhiều chúng sanh nên ngày nay người khác đến lừa gạt ta. Đây là oan oan tương báo, nợ như vậy là trả xong rồi, là việc tốt. Họ lừa ta, ta không lừa họ; họ phỉ báng ta, ta tán thán họ. Sau khi nợ trả xong rồi thì thiện duyên chín mùi thôi. Cho nên phải luôn ghi nhớ, người tu đạo chân chánh, người thật sự làm học vấn thì nhất định phải biết chuyển thù thành bạn, vậy là bạn thành tựu rồi, không được phép đối lập với người.

Tôi cũng thường hay khuyên mọi người, trong xã hội này không nên cạnh tranh. Người học Phật chúng ta hiểu nhân quả, “giọt nước, hạt cơm đều do tiền định”. Hiện nay trong thế gian này, tất cả người có phát minh đều yêu cầu điều gì vậy? Bằng sáng chế, chuyên lợi. Tôi cũng đã từng khuyên một nhà khoa học, ông là người Trung Quốc hiện đang sống ở Mỹ. Ông phát minh hơn 100 loại, loại nào cũng đòi cấp bằng sáng chế. Tôi nói với ông: “Từ bỏ bằng sáng chế, lợi của ông sẽ được lớn hơn. Cái bằng sáng chế đó của ông rất nhỏ, có tí xíu, vì chúng sanh xã hội tạo phước, ông muốn chuyên lợi để làm gì?”. Điều này cần trí tuệ, chúng ta phải thật sự nghĩ thông. Trước tác của văn nhân không cần bản quyền. Sản phẩm của anh là sản phẩm tốt, là loại sản phẩm lợi ích xã hội, anh việc gì cần bản quyền, nó hạn chế sản phẩm của mình. “Sở hữu bản quyền, in ấn sẽ bị kiện”, anh đem việc thiện của chính mình vốn dĩ có thể tỏa khắp đến hư không pháp giới, đem nó vẽ thành cái vòng giới hạn, làm nó chết ở trong đây, không thể tạo ra sự ảnh hưởng rộng lớn. Đây là sai lầm hết sức lớn, đều do tự tư tự lợi đã hại mình.

Thánh nhân, hiền nhân, người Trung Quốc gọi là thánh hiền. Sao gọi là “thánh hiền”? Người thông đạt hiểu rõ chân tướng vũ trụ nhân sinh thì người này được xưng là thánh nhân, là hiền nhân, trong Phật pháp xưng là Phật, là Bồ-tát. Các Ngài thông đạt hiểu rõ. Người thông đạt hiểu rõ thì đâu có bằng sáng chế, quyền sở hữu gì đâu? Là chuyện không thể. Đây là điều chúng ta phải học tập. Thiện tri thức không lừa gạt chúng ta, chúng ta cũng không lừa gạt tất cả chúng sanh, vậy bạn mới có thể được chân thiện tri thức chỉ dạy, bạn mới có thể gần gũi chư Phật Bồ-tát.

Đây là năm loại bất khả hoại pháp. Nhân thật của năm loại bất khả hoại pháp này là không lưỡng thiệt. Năm loại bất khả hoại pháp này có thể thành tựu tất cả thiện nghiệp, tất cả công đức chân thật của thế xuất thế gian.

Kinh văn: “Nhược năng hồi hướng A-nậu-đa-la tam miệu tam Bồ-đề giả. Hậu thành Phật thời, đắc chánh quyến thuộc, chư   ma   ngoại đạo  bất năng  tự  hoại”.

Phần trước nói không phải người học Phật. Nếu như học Phật, người chí ở Bồ-đề vô thượng, “hậu thành Phật thời, đắc chánh quyến thuộc”. “Quyến thuộc” là nói quyến thuộc pháp, đoàn thể của bạn, tăng đoàn của bạn, mọi người cùng nhau tu hành. “Chư ma ngoại đạo không thể phá hoại”, tại sao vậy? Vì bạn không có nhân ác. Tuy chư ma ngoại đạo là ác duyên nhưng mà bạn không có nhân ác, thì ác duyên có nhiều đi nữa cũng không khởi tác dụng. Do đó nhân phải chánh, nhân không thể không chánh. Thập thiện nghiệp là chánh nhân.

Hôm qua, cư sĩ Tạ ở Tịnh Tông Học Hội Đài Bắc điện thoại cho tôi, muốn tôi nói chuyện về phương pháp tu hành với họ (hiện nay họ cũng đang thâu xem đường truyền của chúng ta). Tu hành là một vấn đề rất nghiêm túc. Trước tiên chúng ta phải hiểu rõ hai chữ này. “Hành” là hành vi. Phạm vi mà hành vi bao gồm thật là quá lớn. Phật thuyết pháp cho chúng ta đem vô lượng vô biên hành vi quy nạp thành ba loại lớn là thân, ngữ, ý. Điều này mọi người đều biết cả rồi. Hành vi có nhiều đi nữa cũng không ngoài ba loại này. “Thân” là sự tạo tác của thân thể. “Ngữ” là ngôn ngữ. “Ý” là tư tưởng, kiến giải, ý nghĩ. “Tu” là sửa đổi. Nếu như tư tưởng, kiến giải, ngôn ngữ, hành vi của chúng ta đã có sai lầm, ta đem những sai lầm sửa đổi lại gọi là tu hành. Giáo dục của Phật Đà chú trọng ở tu hành. Chỉ có sửa đổi hành vi sai lầm của mình, thì chúng ta mới có thể được lợi ích chân thật.

Đồng tu học Phật đều có thể khẳng định, thế gian này thật quả có lục đạo luân hồi, sự việc này không phải giả. Sáu cõi luân hồi không phải Phật Thích Ca Mâu Ni là người nói ra trước tiên, mà là Bà La Môn giáo nói. Hiện nay tại Singapore mọi người đều biết Hưng Đô giáo, vào thời xưa gọi là Bà La Môn giáo, ở Trung Quốc thì gọi là Ấn Độ giáo. Họ có lịch sử hơn 8000 năm, sớm hơn Phật giáo rất nhiều. Bản thân họ nói có hơn 10.000 năm, nhưng ngày nay trên thế giới khẳng định họ có lẽ là 8.500 năm, đây là một tôn giáo rất cổ xưa. Chúng ta ở trong kinh Phật, xem thấy Phật Thích Ca Mâu Ni giới thiệu Bà La Môn giáo. Bà La Môn giáo tu Thiền định, Thiền định này chúng ta gọi là “Thiền định thế gian”, là tứ thiền bát định. Chúng ta biết sáu cõi là sáu cõi không gian khác nhau. Ở cõi súc sanh có một bộ phận chúng ta nhìn thấy, có một bộ phận chúng ta không thể nhìn thấy. Chủng loại súc sanh rất nhiều, loại nhìn thấy được là loại sống cùng một không gian với chúng ta, ở không gian khác thì chúng ta không thể nhìn thấy, nhưng Thiền định có thể đột phá. Chúng tôi ở trong các buổi giảng đã nói rất nhiều rồi. Không gian do đâu mà có vậy? Sáu cõi là sáu loại không gian khác nhau. Pháp giới tứ thánh lại là bốn loại không gian khác nhau. Nhất chân pháp giới cũng là một không gian khác. Từ trên lý luận mà nói, tần số không gian là vô hạn lượng. Phật nói với chúng ta mười pháp giới, nói nhất chân pháp giới là nói bao quát, không nói tỉ mỉ, tỉ mỉ thì là quá nhiều. Từ đâu mà có vậy? Là từ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước biến hiện ra. Thế là chúng ta liền có thể thể hội được, tất cả chúng sanh vọng tưởng, phân biệt, chấp trước vô lượng vô biên, cho nên tần số không gian khác nhau đương nhiên là vô tận. Làm sao đột phá? Ngày nay, nhà khoa học cũng đang nghĩ cách, nhưng chưa có cách gì đột phá tần số không gian này. Nếu như có thể đột phá không gian bốn chiều, thế là bạn có thể nhìn thấy quá khứ, vị lai rồi.

Những người tu hành cổ xưa, họ tu Thiền định. Thiền định là gì? Là đem vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của mình buông xả. Buông xả càng nhiều thì tầng lớp đột phá sẽ càng nhiều, thế là sáu cõi họ nhìn thấy ngay. Cõi trời rất phức tạp. Trong kinh Phật nói, trời có 28 tầng, trong đó dục giới có sáu tầng, sắc giới có mười tám tầng, vô sắc giới có bốn tầng. Cho nên chỉ cần tìm được nguyên nhân, đem nguyên nhân tiêu trừ thì sự việc này sẽ không khó giải quyết. Tình trạng của sáu cõi, người tu hành Bà La Môn cổ xưa rất hiểu rõ, rất sáng tỏ, họ nói không sai. Ngày nay, nhà khoa học phương Tây cũng tin chắc và đã chứng thực có sự tồn tại của luân hồi.

Vào hai, ba tháng trước, chúng tôi có nhận được một trang báo được cắt ra, do bạn đồng tu ở Mỹ gởi đến. Đây là chuyện xảy ra gần nhất ở Mỹ, một bé gái dưới một tuổi nói, đời trước bé là cư dân gốc da đỏ của Mỹ, đã đầu thai. Mới hơn một tuổi, bé có thể nói tiếng thổ dân da đỏ hơn 100 năm trước. Hiện nay, trên toàn nước Mỹ dường như chỉ có mấy chục người hiểu được tiếng thổ dân này, rất ít người hiểu được. Việc bé nói được tiếng này thực sự được người chứng thực. Bé kể là một lần chiến tranh với người da trắng, bé bị chết trong chiến tranh, bé nói tình trạng của lần chiến tranh đó. Đây là xác thực chứng minh, bé thật sự là luân hồi chuyển thế. Giống loại ví dụ này, hiện nay trên thế giới cũng như ở Trung Quốc có rất nhiều, không cần nói trước đây, mà chỉ chuyên thu thập hiện nay.

Thế nhưng, đạo lý nguyên do vì sao có luân hồi thì Bà La Môn giáo không có cách gì nói ra được. Họ chỉ biết nó như vậy, chứ không biết tại sao. Thế Tôn vì thế mới xuất hiện ở thế gian, Ngài đến để làm gì vậy? Ngài đến để giúp mọi người giải quyết nghi vấn này. Nếu người thế gian này của chúng ta có thể giải quyết được thì Phật sẽ không nhiều chuyện. Nhiều việc không bằng ít việc, ít việc không bằng không việc gì. “Các anh muốn giải quyết mà giải quyết không xong”, vả lại vấn đề này là một vấn đề đúng đắn. Phật Bồ-tát đại từ đại bi, chúng ta có ý nghĩ muốn giải quyết vấn đề thì ý nghĩ này chính là “cảm”. Chúng sanh có cảm thì Phật Bồ-tát nhất định có ứng. Cảm ứng đạo giao, thế là chư Phật Bồ-tát thị hiện ở thế gian này.

Sau khi Phật ra đời, không chỉ nói rất rõ ràng, rất sáng tỏ đạo lý vì sao có sáu cõi luân hồi mà còn nói cho chúng ta biết ngoài luân hồi còn có pháp giới bốn thánh, có nhất chân pháp giới. Đây là điều mà ở trong Bà La Môn giáo cổ xưa, thảy đều không có nhắc đến. Pháp giới bốn thánh là pháp giới giống nhau. Sáu cõi hoàn toàn là hư vọng không thực, chúng ta nhất định phải hiểu được. Sanh thiên, thiên không cứu cánh. Có rất nhiều người xem thiên là cứu cánh, nhưng Phật nói cho chúng ta biết thiên chưa cứu cánh. Phước báo của trời lớn hơn nhân gian, thọ mạng dài hơn nhân gian, đây là sự thật không phải giả. Thọ mạng của trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng là tám vạn đại kiếp. Thọ mạng dài này chúng ta vô phương tưởng tượng, nhưng tám vạn đại kiếp hết rồi thì làm thế nào? Vẫn cứ phải chịu luân hồi! Đó là thọ mạng đến chỗ cao nhất. Thọ mạng chỗ cao nhất hết rồi thì đọa lạc trở xuống, không có cách gì nâng cao lên được nữa. Cho nên, chúng ta phải luôn hiểu rõ những chân tướng sự thật này.

Lời mà Phật nói với chúng ta, không có câu nào là vọng ngữ, không có một chữ nào là lừa gạt chúng sanh. Trong kinh Kim Cang nói rất hay: “Như Lai, thị chân ngữ giả, thực ngữ giả, như ngữ giả, bất cuống ngữ giả, bất dị ngữ giả”, nói rõ ràng như vậy.

Chúng ta người làm học trò, điều kiện quan trọng nhất chính là phải thành kính đối với thầy. Đại sư Ấn Quang nói rất hay: “Thành kính chính là cửa vào đạo”. Điều này không những trong Phật pháp mà Thánh nhân thế gian, Nho gia, Đạo gia dạy người, cũng đều là từ thành kính nhập môn. Chúng ta thử xem tôn giáo phương Tây, không có cái nào là ngoại lệ. Không thành kính thì bạn không thể học được gì cả, điều bạn có thể học được chỉ là thế trí biện thông, Nho gia gọi là “ký vấn chi học”. Bạn nghe được rất nhiều, nhưng bạn chỉ có thể nhớ được một phần, đó là đạo thính đồ thuyết, giải quyết không nổi vấn đề. Không phải từ trong tâm tánh của bạn lưu xuất ra, những điều bạn nói là của người khác. Phật Thích Ca Mâu Ni, Khổng Lão Phu Tử đáng được chúng ta tôn kính. Các Ngài không phải thuật lại của người khác mà là từ trong tự tánh lưu xuất ra. Hơn nữa, nói cho chúng ta biết, tuy chúng sanh trong hư không pháp giới là vô lượng vô biên, nhưng chân tâm bản tánh chỉ là một, nhất định không có hai. Cho nên “Sanh Phật bất nhị”, chúng sanh và Phật không hai, tánh tướng không hai, lý sự không hai, điều này trong kinh Phật nói quá nhiều rồi.

Chúng ta nhập môn từ đâu vậy? Từ thành kính. Trong kinh Phật Quán Vô Lượng Thọ, Phật dạy chúng ta: “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng”. Chúng ta không thành kính là bất hiếu, là bất kính. Cho nên, hiếu kính là từ trong thành kính sinh khởi ra. Do đó, thập thiện nghiệp đạo đã thành môn học cơ bản, không có thập thiện thì tu hành không thể thành tựu. Hiện tại người không thể thành tựu rất nhiều, thật là quá nhiều rồi. Không chỉ hiện tại, mà vào thời xưa cũng là như vậy, người thành tựu thì ít, người thất bại thì nhiều. Nguyên nhân ở chỗ nào vậy? Trong có phiền não, ngoài có cám dỗ, đây thật sự là “nội ưu ngoại hoạn”. Bên trong tự tư tự lợi, tham sân si mạn, bên ngoài có danh vọng lợi dưỡng, có ngũ dục lục trần cám dỗ, bạn làm sao không nguy cho được! Phật ở trong kinh thường hay nhắc nhở chúng ta: “Tài, sắc, danh, thực, thùy”, đây là ngũ dục, là “gốc năm đường địa ngục”. Bạn tham dính một điều là bạn bị đọa địa ngục. Năm thứ đều tham, vậy có nguy không! Vừa tham danh, vừa tham lợi, vừa tham địa vị, vừa tham quyền lực, vừa tham nữ sắc, vừa tham tiền của, không đọa địa ngục là điều không thể. Trong sách xưa của nhà Nho nói là “Đại trượng phu”, trong sách Phật gọi là “Đại anh hùng”, sao gọi là đại anh hùng, sao gọi là đại trượng phu? Người có thể khắc phục được những dục niệm này là người rất tài giỏi, người bình thường làm không được. Bạn có thể làm được, bạn được gọi là anh hùng, bạn được gọi là đại trượng phu.

Thánh hiền thế xuất thế gian đều làm nên tấm gương cho chúng ta thấy. Phật Thích Ca Mâu Ni thị hiện làm tấm gương. Ngài xuất thân là vương tử. Người khác cầu phú quí chưa chắc là cầu được, còn Ngài có phú quí rồi, nhưng Ngài từ bỏ vương vị, từ bỏ đời sống giàu có. Danh vọng lợi dưỡng, ngũ dục lục trần Ngài đều buông xả hết. Cả đời sống đời sống hành khất, ngày ăn một bữa, tối ngũ dưới gốc cây. Ngài làm nên tấm gương để cho chúng ta thấy. Đời sống này là đời sống khỏe mạnh nhất, là đời sống trở về với đại tự nhiên. Trở về với đại tự nhiên là bình thường, là khỏe mạnh. Ngài trở về một cách toàn diện, ngày nay gọi là sự trở về trọn vẹn. Tâm không có buồn vui, thân không có khổ lạc, đây mới là lìa khổ được vui đích thực mà trong kinh Phật đã nói. Phật nói “lìa khổ” là không phải cái khổ trong khổ lạc; Phật nói “được vui” là không phải cái vui trong khổ lạc. Khổ, lạc là tương đối. Khổ, lạc, ưu, hỷ, xả Ngài thảy đều buông xả, cái mà Ngài được là chân lạc. Người hiện nay chúng ta không thể thể hội được. Cho nên tu hành, nếu muốn ở trong một đời này đạo nghiệp thành tựu viên mãn, bạn vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc thật sự có phần nắm chắc, thì nhất định phải nghiêm trì ngũ giới thập thiện, dứt khoát không được phạm, nhất định phải buông xả tự tư tự lợi.

Chúng ta thường hay nghe nói chính trị gia, chính khách. Chính trị gia với chính khách khác nhau chỗ nào? Có gì không giống nhau vậy? Thực ra rất đơn giản để phân biệt. Chính trị gia là vô tư vô ngã, quyết không ham muốn địa vị, danh phận, niệm niệm là vì quốc gia, vì xã hội, vì nhân dân phục vụ, đây là chính trị gia. Chính khách thì thế nào vậy? Chính khách niệm niệm vì bản thân, làm thế nào bảo toàn địa vị của mình, bảo toàn quyền lực của mình, người này là chính khách. Từ đó cho thấy, người vì chúng sanh thì đây là chính trị gia; người vì bản thân họ thì đây là chính khách. Trong Phật pháp phân ra, chính trị gia là Phật Bồ-tát hóa thân, còn chính khách là phàm phu, phàm và thánh khác nhau.

Từ xưa đến nay, trong nước và ngoài nước, trên lịch sử quả thật có không ít chính trị gia. Ở Trung Quốc, người nổi tiếng nhất là Chu Công. Cổ thánh tiên vương là Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang. Khổng Lão Phu Tử thường tán thán những người này là không có tư tâm, là người quên mình; theo chính sự làm đến đế vương, quên mình vì người, đối với quyền vị của mình không mảy may lưu luyến; nhìn thấy có người hiền, có người làm tốt hơn so với mình, họ liền nhường vị, đây là chính trị gia. Cùng một đạo lý, trong các ngành các nghề, trong học thuật, người thế gian xưng họ là “Gia”, đó chính là chí công vô tư. Trong Phật pháp gọi là Bồ-tát thị hiện, Bồ-tát ứng hóa, họ là người vì xã hội, vì chúng sanh phục vụ, không phải người vì bản thân. Nếu như khởi tâm động niệm vẫn là vì lợi ích của mình, đây là phàm phu, đây là mê, không có giác ngộ. Người giác ngộ, khởi tâm động niệm, lời nói việc làm đều là vì sự an toàn của xã hội, phúc lợi của nhân dân, thế giới hòa bình. Nếu như đối với những sự việc này không có lợi ích, thì họ cũng sẽ không làm, sẽ không nói, cũng không thèm nghĩ đến. Chúng ta hiểu rõ đạo lý này thì sẽ biết tu hành như thế nào, làm thế nào ở trong đời này chứng được Vô Thượng Bồ Đề viên mãn. Chúng ta đời này sống đời sống có ý nghĩa, có giá trị, không có uổng phí một đời.

Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ giảng đến đây.

A Di Đà Phật!

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore

Thời gian: năm 2001

Cẩn dịch: Viên Đạt cư sĩ, Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Phật tử Diệu Hương, Phật tử Diệu Hiền

 

Tác giả bài viết: Cẩn dịch: Viên Đạt cư sĩ, Vọng Tây cư sĩ

Nguồn tin: TinhKhongPhapNgu.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Video mới nhất

Pháp ngữ mới nhất

Thống kê lượt truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 143


Hôm nayHôm nay : 31327

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 424168

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 61324254

PHÁP ÂM TUYÊN LƯU – TẬP 6

ĐỒNG TU HỎI TÔI- THẦY CÓ SỢ CHẾT HAY KHÔNG?

Có một số đồng tu hỏi tôi, hỏi thầy có sợ chết hay không? tôi nói với họ tôi không sợ chết, tôi không có khái niệm này, không hề có khái niệm sanh tử, mỗi một ngày đều là tùy duyên độ nhật, tuổi tác cũng đã lớn rồi, giảng kinh sắp giảng không nổi nữa, tôi vô cùng xem trọng người kế thừa, cho nên khi tôi 50 tuổi, thì đã rất coi trọng việc bồi dưỡng những người kế thừa, tôi có thể không giảng kinh, nhưng kinh thì không thể đoạn dứt, người có thể giảng, ưa thích giảng, tôi đều đề bạt họ, bồi dưỡng từng người từng người một. khi tôi đi rồi thì cũng sẽ có rất nhiều người giảng tốt hơn tôi, tôi rất mãn ý, hỏi tôi là có sợ chết hay không, không sợ, thật sự là không sợ, 1 chút cũng không sợ, người ta vì sao lại sợ chết? vì họ không có sự chuẩn bị. tôi thì đã chuẩn bị rất kỹ rồi, cho nên tôi không sợ chết, so với hầu hết mọi người thì không như họ, chúng tôi ngày ngày nhớ nghĩ Thế Giới Cực Lạc, niệm niệm đều là niệm A Di Đà Phật, tôi khuyên mọi người niệm Phật cầu sanh Di Đà Tịnh Độ, thì bản thân tôi sao có thể không làm? Nếu tôi không làm, thì những người học sẽ nói tôi lừa gạt họ, vậy thì tôi có lỗi với họ, Thế Giới Cực Lạc là có thật, A Di Đà Phật là có thật, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là có thật, ngày ngày đều có, mọi lúc mọi nơi đều có thể đến Thế Giới Cực Lạc. hoan hoan hỷ hỷ, Phật đã nói với chúng ta, phàm việc gì cũng đều có nhân có quả, bệnh dịch là có nhân quả, nhân là gì? tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, nói tới nói lui vẫn là tâm tưởng, đồng tu chúng ta đã học Phật rồi, vĩnh viễn không có sự lo sợ, chúng ta đi theo Thích Ca Mâu Ni Phật, tiền đồ thuận buồm xuôi gió, tiền đồ vô cùng tươi sáng, sau khi học Phật, niệm niệm cầu sanh Tịnh Độ, chúng ta rõ ràng thấu suốt đối với Thế Giới Cực Lạc, thì việc vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là thật sự nắm phần chắc chắn, hy vọng các đồng học xem nhẹ sự sanh tử, đem việc sanh tử nắm trong lòng bàn tay, không phải nằm trong tay vua Diêm La, mà nằm trong lòng bàn tay chúng ta, muốn đi là đi, muốn ở là ở, tốt, đối trước đại chúng đồng tu, cùng nhau niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, mỗi ngày đều không thiếu thời khóa, đồng tu còn sợ hãi vẫn là không ít, chúng ta hãy giúp đỡ họ, để giúp họ thì trước tiên bản thân mình không sợ, thì họ mới có thể tin, làm thế nào để giúp những đồng học còn sợ chết? đây là sứ mệnh của chúng ta, đọc kinh, đọc thuộc kinh điển, có thể chuyển sợ hãi thành không sợ, không còn sợ đạt đến mức nào? tự tại vãng sanh, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là chắc chắn, là thật không phải giả. Ta Bà này khổ, hà tất gì phải lưu luyến? bạn còn lưu luyến đối với Ta bà cho nên bạn mới sợ chết, không còn lưu luyến Ta bà thì mới không sợ, cho nên đối diện với trùng trùng sự bất an trong xã hội ngày nay, chúng tôi đều khuyến khích mọi người không nên sợ hãi, an vui là niệm cho thật tốt câu Phật hiệu này, A Di Đà Phật nhất định sẽ đến tiếp dẫn, không bỏ sót 1 người nào, lòng tin sẽ quyết định hết thảy, việc này rất quan trọng, mọi người đều có sức khỏe tốt hơn tôi. Phải nên dụng công, phải nên nỗ lực, nếu thấy được A Di Đà Phật ở tại Thế Giới Cực Lạc hoan nghênh chúng ta, chúng ta thấy được niềm hoan hỷ vô hạn, thì nguyện vọng của 1 đời cũng xem như viên mãn. Sống ở tại thế giới này, sống 1 ngày thì làm 1 ngày, sống 2 ngày thì làm 2 ngày, vãng sanh đến Thế Giới Cực Lạc thì đồng học sẽ cùng A Di Đà Phật đến tiếp dẫn, cho nên việc giúp đỡ trợ niệm cho các đồng học là công đức rất lớn, ta đi đón họ, học cũng sẽ đến đón ta, tuyệt đối không uổng công, tuyệt đối không phải giả, những tin tức về bệnh dịch hiện này chúng ta không xem, niệm A Di Đà Phật thì mới thật sự là có ích, đây mới là việc quan trọng cấp bách chứ không phải là việc gì khác. Phật đến tiếp dẫn chúng ta, Bồ Tát đến tiếp dẫn chúng ta, đồng tham đạo hữu cũng đều đến tiếp dẫn chúng ta. Tin sâu không nghi, thì các ngài nhất định sẽ đến tiếp dẫn vãng sanh. Khi đến tiếp dẫn thì sẽ còn náo nhiệt hơn ở hội trường này, khi đến tiếp dẫn thì cũng không nên khách sáo, phải kiên định tín nguyện, tín nguyện vãng sanh.