Lấy giáo dục hoằng dương Phật pháp. Lấy giảng giải bồi dưỡng nhân tài. Lấy từ bi lợi ích xã hội. Lấy chân thành phát triển giao lưu. Lấy chuyên tu cầu sanh Tịnh Độ.

Trang chủ »Pháp ngữ »Kinh Vô Lượng Thọ

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (tập 2)

Thứ bảy - 26/07/2014 17:43

Trong lịch sử Trung Quốc có ghi chép, Triệu Tử Ngang là một nhà văn học cuối đời Tống đầu nhà Nguyên. Chữ viết của ông rất đẹp, hiện tại thiệp chữ của ông đến đâu cũng có thể xem thấy. Ông giỏi về vẽ ngựa, ưa thích vẽ ngựa. Vẽ ngựa thì nhất định phải thường đi quan sát hình thái động tác của ngựa, trong lòng mỗi ngày đều nghĩ đến ngựa. Có một hôm ông ngủ trưa, nằm mộng cũng nghĩ đến ngựa, đó thật là tập trung toàn bộ tinh thần nghĩ đến ngựa. Thời gian ngủ tương đối dài, vợ ông đến gọi ông dậy. Lúc đó đều có ngủ mùng. Khi vợ ông vừa kéo mùng ra thì thấy trên giường là một con ngựa. Bà vợ thất kinh hồn vía la lên, ông liền tỉnh dậy, hỏi bà: “Vì sao bà la vậy?”. Bà nói: “Vừa rồi tôi nhìn thấy một con ngựa nằm trên giường”. Trong lòng nghĩ đến ngựa nên biến thành ngựa, nghĩ Phật thì chẳng phải sẽ biến thành Phật hay sao? Chân thật có đạo lý. Cho nên các vị đồng tu phải nên ghi nhớ, nghĩ đến Bồ-tát thì bạn liền biến thành Bồ-tát, nghĩ đến quỷ thì biến thành quỷ, nghĩ đến địa ngục thì biến thành địa ngục, nghĩ thứ gì thì biến thành thứ đó. Phật quá rõ ràng đối với chân tướng sự thật và đạo lý này, nên dạy chúng ta tưởng Phật. “Nhớ Phật niệm Phật, hiện tiền tương lai nhất định thấy Phật”. Một ngày từ sớm đến tối vì sao không nghĩ đến Phật mà khởi vọng tưởng khác? Vậy là sai rồi. Từ ngay chỗ này chúng ta liền chân thật cảm nhận, một Niệm Phật Đường đúng pháp rất là cần thiết, một Niệm Phật Đường chân chính đúng pháp quan trọng hơn bất cứ thứ gì. Niệm Phật Đường chính là trường tuyển Phật, đến nơi đó chính là để làm Phật. Đây là ý nghĩa của của Nhất Phật Thừa trong Đại thừa.

“Vô Lượng Thọ” tiếng Phạn gọi là A-di-đà, A-di-đà dịch ra là Vô Lượng Thọ. Ý nghĩa này cũng là trong “Kinh Di-đà”, Phật đã nói, A-di-đà dịch thành Vô Lượng Quang, Vô Lượng Thọ. Kỳ thật, bổn ý của tiếng Phạn, “A” dịch là “Vô”; “Di-đà” dịch là “Lượng”, bổn ý chính là “Vô Lượng”. Cái gì là vô lượng? Tất cả đều vô lượng, không có thứ nào không vô lượng. Chúng ta nói hơi thô thiển một chút, trí tuệ vô lượng, đức năng vô lượng, tài nghệ vô lượng, phước báo cũng vô lượng, tài bảo cũng vô lượng, không có thứ nào không vô lượng. Đó là nói thô, còn nói vi tế là một lỗ chân lông vô lượng, một bụi trần cũng vô lượng. Tất cả chư Phật Như Lai ở trên đầu sợi tóc giảng Kinh nói pháp, đoạn tóc không có phình to, Chư Phật Bồ-tát cũng không có thu nhỏ, đây hoàn toàn là cảnh giới sự lý vô ngại, sự sự vô ngại của “Kinh Hoa Nghiêm”. Không một pháp nào không là vô lượng, bất cứ một pháp nào cũng đều là toàn thể của tận hư không khắp pháp giới. Ý nghĩa này đều ở trong “Kinh Hoa Nghiêm”. Quyển Kinh này là thu nhỏ của “Hoa Nghiêm”, là tinh hoa của “Hoa Nghiêm”. “Hoa Nghiêm” đã nói “Lục Tướng Thập Huyền”. Quyển Kinh này cũng là “Lục Tướng Thập Huyền”, hơn nữa, mỗi câu mỗi chữ trong đây đều là viên mãn đầy đủ “Lục Tướng Thập Huyền”, người xưa gọi [kinh Vô Lượng Thọ] là “Hoa Nghiêm Quyển Trung” (Trung Bản Hoa Nghiêm) là có đạo lý, không phải không có đạo lý. Cho nên Vô Lượng thì không dễ nói, Thế Tôn nêu ra hai loại là “Vô Lượng Thọ” và “Vô Lượng Quang” để đại biểu tất cả vô lượng.

“Quang” là ánh sáng chiếu khắp, ánh sáng của Phật chiếu khắp tận hư không khắp pháp giới, hiện tại chúng ta gọi là không gian. Quang minh là đại biểu không gian, thọ mạng là đại biểu thời gian. Quá khứ, hiện tại, vị lai, khi hợp thời gian và không gian lại chính là toàn thể vũ trụ, vạn sự vạn vật trong đó, không có thứ nào sót lọt. Phật dùng hai ý này để giải thích hai chữ “vô lượng”, lược nói cũng rất viên mãn. Vậy chúng ta tỉ mỉ nghĩ lại thử xem, người hiện nay nói “thời không”, Phật nói “quang thọ”, ý nghĩa “quang thọ” tốt hơn “thời không”. Trong “quang thọ” có linh khí, “thời không” hoàn toàn biến thành vật chất, không có linh tánh. Trong “quang thọ” có linh tánh, còn viên mãn hơn rất nhiều so với hai chữ “thời không”. Trong đức năng vô lượng, người xưa nhắc nhở chúng ta, thực tế mà nói, trong tất cả vô lượng thì “thọ” là chiếm địa vị thứ nhất. Việc này chúng ta có thể lý giải, nếu như tất cả vô lượng bạn đều có được nhưng không có thọ mạng thì không phải là một mảng không hay sao? Thọ dụng gì bạn cũng không có được. Cho nên, trong tất cả vô lượng, thọ mạng là thứ nhất, do đó liền dùng “Vô Lượng Thọ” để giải thích “A-di-đà”.

Giáo chủ của Thế giới Tây Phương Cực Lạc là một vị đạo sư vĩ đại, đức hiệu của Ngài được gọi là “A-di-đà Phật”, hiện rõ ra vị Phật này. Ngài lập nguyện hạnh từ nhân địa mãi cho đến thành tựu được quả vị, sau khi thành tựu sự nghiệp,  Ngài đã triển khai mở rộng, giúp đỡ tất cả chúng sanh tận hư không khắp pháp giới đều ở trong một đời viên mãn thành Phật. Việc này không thể nghĩ bàn. Đó là hiện rõ ra thật sự vô lượng của vô lượng. Chúng ta phải tỉ mỉ thể hội mới có thể được một hai phần, thọ dụng của chúng ta là vô cùng vô tận. Thọ dụng biểu hiện ở chỗ nào vậy? Biểu hiện ở tín-nguyện-hạnh của bạn, tin sâu không nghi, tuyệt đối không bị giao động; thiết nguyện, nguyện lực kiên cường, không có bất cứ thứ gì có thể mê hoặc, tín-nguyện-hạnh của bạn thành tựu rồi.

“Trang Nghiêm”, dùng lời hiện nay mà nói là tốt đẹp, tốt đẹp đến cùng tột. Bổn Kinh chúng ta đọc đến “Nhất hướng chuyên chí, trang nghiêm Diệu Độ”. Diệu Độ là chỉ gì vậy? Người thông thường nghe rồi liền nghĩ, đây nhất định là chỉ Thế giới Tây Phương Cực Lạc. Bạn chỉ nói đúng một nửa, còn một nửa ở đâu vậy? Hoàn cảnh cư trú hiện tại của chúng ta chính là Diệu Độ, khi vừa thay đổi cảnh giới của bạn thì nơi này chính là Diệu Độ. Tuy không phải là Diệu Độ chân thật, nhưng gần giống Diệu Độ. Đại sư Thiên Thai nói Lục tức, Tương tợ tức, Phần chứng tức, đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc là Diệu Độ cứu cánh.

“Nhất hướng chuyên chí”, câu này là có thể trang nghiêm. Chỉ cần bạn có thể làm đến được “nhất hướng chuyên chí”, thì cõi hiện nay của chúng ta liền biến thành tương tợ Tịnh Độ, liền biến thành Diệu Độ, “cảnh tùy tâm chuyển”. Nếu các vị có thể thể hội được ý này thì các vị liền có thể tưởng tượng ra được. Vào thời đại Đông Tấn, Đại sư Viễn Công ở Lô Sơn, Giang Tây xây dựng Niệm Phật đường Đông Lâm, ngay lúc họ ở nơi đó niệm Phật tu hành thì nơi đó của họ chính là Diệu Độ. Vì sao vậy? Mỗi người bước vào đều là “nhất hướng chuyên chí”.

Quyển Kinh này của chúng ta dạy phương pháp tu hành. Cương lĩnh tu hành là “phát tâm Bồ-đề, một lòng chuyên niệm A-di-đà Phật”. Hoàn cảnh của họ ở chính là Diệu Độ, chính là Tịnh Độ, chân thật là đại đức xưa đã nói “Tâm tịnh thời cõi nước tịnh”. Đạo tràng này người người đều là tâm thanh tịnh, người người đều là nhớ Phật, niệm Phật thì đạo tràng của họ làm sao mà không biến thành Tịnh Độ chứ? Trang nghiêm thù thắng trùng trùng, nghìn trùng tướng lạ tự nhiên hiện tiền. Cảm ứng không thể nghĩ bàn!

Lại nói đến “cõi Cực Lạc kia công đức vô lượng, đầy đủ trang nghiêm”. Câu nói này hiển nhiên là tán thán Thế giới Tây Phương Cực Lạc. Vì sao vậy? Những chúng sanh trong mười phương tất cả cõi nước  niệm Phật vãng sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, mỗi người đều là tâm thanh tịnh, mỗi người đều là nhớ Phật, niệm Phật. Thế giới Tây Phương Cực Lạc là một đạo tràng lớn, chúng ta liền có thể nghĩ đến vì sao tất cả chư Phật đều tán thán? Ở trong Kinh này, Thích-ca Mâu-ni Phật tán thán A-di-đà Phật là “quang trung cực tôn, Phật trung chi vương”. Thích-ca Mâu-ni Phật một mình tán thán là đại biểu hết thảy chư Phật đều tán thán như vậy. Không có một vị Phật nào mà không tán thán A-di-đà Phật là “quang trung cực tôn, Phật trung chi vương”. Dựa vào đâu để tán thán? Dựa vào thế giới của Ngài, tất cả những người vãng sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc không có một người nào là tâm địa ô nhiễm, mỗi người đều là tâm thanh tịnh. Việc này ở trong mười phương tất cả cõi nước chư Phật không tìm ra được.

Mười phương cõi Phật đương nhiên rất là trang nghiêm, rất là thanh tịnh, nhưng trong đó vẫn còn một số ít người khởi vọng tưởng. Thế giới Ta-bà này của chúng ta, chúng sanh phiền não chiếm đa số, có thể nói là ngay trong một vạn người thì có chín ngàn chín trăm chín mươi chín người đều đang khởi vọng tưởng. Có sai biệt lớn đến như vậy nên gọi là uế độ. Có những thế giới mà một nửa chúng sanh ở đó là tâm địa thanh tịnh, một nửa chúng sanh tâm không thanh tịnh, nhưng chúng ta vẫn xem đó là Tịnh Độ. Vẫn có thế giới tâm địa thanh tịnh, tám mươi phần trăm đến chín mươi phần trăm chúng sanh tâm địa thanh tịnh, vẫn còn mười đến hai mươi phần trăm chúng sanh tâm địa không thanh tịnh, làm gì giống như Thế giới Tây Phương Cực Lạc một trăm phần trăm thanh tịnh, không có người nào không thanh tịnh. Vì sao vậy? Tâm không thanh tịnh thì không thể sanh Tịnh Độ. Việc này các vị đồng tu phải ghi nhớ, không phải nói “tôi niệm Phật thì nhất định sanh Tịnh Độ”, không thể có việc đó! Cho dù một ngày bạn niệm mười vạn danh Phật hiệu, mà trong lòng vọng tưởng không ngừng, người xưa nói “đau mồm rát họng cũng chỉ uổng công!”. Tâm địa thanh tịnh, một ngày niệm mười danh hiệu, hai mươi danh hiệu cũng được. Bạn thấy người xưa đề xướng “pháp mười niệm”. Tôi dạy cho các vị đồng tu pháp mười niệm còn đơn giản hơn, một lần niệm liên tục mười câu A-di-đà Phật, A-di-đà Phật, A-di-đà Phật, A-di-đà Phật… Niệm mười danh hiệu thời gian rất ngắn. Ngay trong thời gian ngắn ngủi này, một vọng niệm cũng không thể xen lọt vào thì cái niệm này gọi là “tịnh niệm”, không có xen tạp. Khi niệm nhiều thì sẽ khởi vọng tưởng, trong mười câu niệm không khởi vọng tưởng, đó chính là tịnh niệm. Mỗi ngày niệm chín lần, không thiếu một ngày nào, đó gọi là “liên tục”, phù hợp với trong Kinh đã nói “tịnh niệm tương tục”. Có rất nhiều đồng tu dùng phương pháp tôi dạy, sau đó đến nói với tôi là rất có hiệu quả. Ít nhất một ngày niệm chín lần, số lần càng nhiều đương nhiên sẽ càng tốt. Dùng phương pháp này dễ dàng nhiếp tâm.

Sự thù thắng của Tây Phương Cực Lạc ở ngay chỗ này. Cũng chính là A-di-đà Phật tiếp dẫn người, dùng lời hiện nay của chúng ta mà nói, Thế giới A-di-đà Phật rất hoan nghênh mọi người di dân đến bên đó định cư, thế nhưng điều kiện để di dân là tâm phải thanh tịnh. Dùng phương pháp gì để đạt đến tâm thanh tịnh đều được cả, niệm Phật cũng được, tham Thiền cũng được, học Giáo cũng được, trì chú cũng được. Bạn xem, ba bậc vãng sanh của chúng ta, thượng - trung - hạ ba phẩm là nói người niệm Phật, phần sau còn có một đoạn nói người tu học các pháp môn Đại thừa khác chỉ cần tu đến tâm địa thanh tịnh, phát nguyện vãng sanh thì tất cả đều có thể đi. A-di-đà Phật mở rộng cửa này, Ngài tuyệt nhiên không có nói “ngươi không niệm A-di-đà Phật thì ta không rước ngươi”, không hề có đạo lý này. Chỉ cần tâm địa thanh tịnh, tùy tiện tu một pháp môn nào thảy đều được cả, đều có thể vãng sanh.

Tôi đã từng diễn giảng trong luận đàn ở Úc châu. Đại chúng trong luận đàn tổng cộng có 14 đoàn thể tôn giáo: Phật giáo, Đạo giáo, Ki-tô giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo... Tôi nói với họ, không luận các vị tu học một tôn giáo nào, chỉ cần tu đến tâm thanh tịnh, phát nguyện vãng sanh thì A-di-đà Phật thảy đều tiếp dẫn bạn. Pháp của chúng ta là pháp bình đẳng, không có kỳ thị chủng tộc, không thể nói bạn tin theo Giê-su giáo thì A-di-đà Phật không hoan nghênh, không có đạo lý này. A-di-đà Phật rất là hoan nghênh, không luận là bạn tu pháp môn nào, không luận bạn tín ngưỡng tôn giáo nào, chỉ cần tu được tâm thanh tịnh, phát nguyện cầu vãng sanh, A-di-đà Phật đều sẽ đến tiếp dẫn. Pháp môn này rất tuyệt vời, không có bài xích, huống hồ chúng ta tu học tông phái khác nhau, vậy mới gọi là thật trang nghiêm. Cho nên, Thế giới Tây Phương Cực Lạc trang nghiêm thù thắng không gì bằng.

“Đại Thừa”, “Vô Lượng Thọ”, “Trang Nghiêm” mà trên đây đã nói đều là tánh đức của chúng ta, là đức năng tự tánh vốn đủ, là quả báo mà chúng ta mong cầu. Mục đích chúng ta học Phật ở đâu? Mục đích chính là phải đạt được “Đại Thừa, Vô Lượng Thọ, Trang Nghiêm”. Hiện tại bạn muốn hỏi, phải làm thế nào mới có thể đạt được? Phần sau đề Kinh đưa ra phương pháp cho chúng ta. “Đại Thừa, Vô Lượng Thọ, Trang Nghiêm” phía trước đã nói qua, chúng ta thật muốn ở ngay trong đời này đạt được, vậy chúng ta muốn hỏi, “Vô Lượng Thọ” có thể được hay không? Có thể được, ngay đời này của chúng ta là Vô Lượng Thọ. Thế nào là Vô Lượng Thọ? Ngay đời này nhất định không chết? Chết rồi còn có thể gọi là trường thọ hay sao? Nhất định không chết. Các vị phải biết, thù thắng nhất của Tịnh Tông là không chết. Nếu như bạn tu tốt, phải ghi nhớ rằng ở trong cuộc sống hằng ngày phải thật sự sám hối để tiêu nghiệp chướng. Nếu không tiêu trừ nghiệp chướng thì đó chính là chướng ngại. Nghiệp chướng, chướng là chướng ngại, cái gì là chướng ngại? Bạn có phiền não là chướng ngại, bạn có lo lắng là chướng ngại, bạn có vướng bận là chướng ngại, bạn có bệnh khổ là chướng ngại. Tiêu trừ chướng ngại chính là tiêu nghiệp chướng. Phải buông bỏ những thứ này (phiền nào, vướng bận). Trong hai thời, sáu thời, mỗi giờ mỗi phút giữ gìn tâm thanh tịnh của chính mình.

Thanh tịnh chính là không có ô nhiễm, bình đẳng chính là không có phân biệt. Có phân biệt thì không có bình đẳng, có tốt xấu thì bị ô nhiễm. Cái này thì ưa thích, cái kia thì chán ghét là bạn đã bị ô nhiễm rồi, bạn nhất định có chướng ngại. Vì sao chúng ta thấy có một số người niệm Phật vãng sanh không bị bệnh, biết được lúc nào đi, dường như đã có hẹn với Phật rồi vậy. Đã hẹn với Phật ngày nào, mấy giờ chúng ta gặp mặt, Ngài đến đón ta, không bị bệnh, đứng mà đi, ngồi mà đi, rất tự tại.

Ngày trước tôi ở Đài Loan, lão Hòa thượng Đạo Nguyên nói cho chúng tôi nghe một câu chuyện vãng sanh. Đây là thật. Tên của họ tôi không còn nhớ được. Có một người niệm Phật, khi vãng sanh nói với mọi người: “Các vị đã từng thấy qua hoặc là nghe nói qua ngồi mà vãng sanh chưa?”. Mọi người nói: “Có nghe nói và cũng có thấy qua”. “Đứng mà vãng sanh thì sao?”. “Cũng có nghe nói qua, cũng có thấy qua”. Ông liền búng người một cái, đầu chúc xuống, chân hướng lên trên, hỏi: “Như vậy vãng sanh các vị có nghe nói qua chưa?”. Mọi người nói chưa có, thì ông liền vãng sanh. Bạn xem thấy ung dung làm sao, rất tự tại! Vì sao ông có thể làm được? Bạn phải nên biết, tâm của ông thanh tịnh, không có chút ô nhiễm, ông được tự tại, ngay trong cuộc sống hằng ngày được tự tại, vãng sanh cũng tự tại, không có thứ nào không tự tại. Các vị phải nên biết, ông ấy sống mà ra đi, đi đến bên đó không chết, ông ấy không chết, cái thân này không cần nữa thì đổi cái thân của Phật, làm gì có chuyện chết? Một chút đau khổ cũng không có, an vui, tự tại, rõ ràng, tường tận, đổi một thân thể mới thù thắng hơn rất nhiều so với thân thể hiện tại này.

Trong Kinh nói rất rõ ràng, người Thế giới Tây Phương Cực Lạc “thân thanh khiết, thể không hoại”. Thân thể đó là tùy tâm mong muốn mà được, biến hóa không cùng tận, như Thế Tôn đã nói ở trong Kinh là “ngàn trăm ức hóa thân”. Thích-ca Mâu-ni Phật ngàn trăm ức hóa thân, người vãng sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, cho dù là Phàm Thánh Đồng Cư Độ hạ hạ phẩm vãng sanh cũng đều có năng lực như Thích-ca Mâu-ni Phật vậy, “ngàn trăm ức hóa thân”, bạn mới có thể đồng thời cúng dường vô lượng vô biên chư Phật, đồng thời nghe được vô lượng vô biên chư Phật giảng Kinh nói pháp. Bạn nói xem, tự tại dường bao!

Ngày nay chúng ta học rất khổ cực, học một, hai bộ Kinh cả đời cũng không có cách gì học thông. Thế nhưng đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, ở nơi đó học một giờ, chúng ta ở nơi đây học mười vạn năm cũng không học được. Đó là thật, không phải là giả. Bạn phải nên biết, một giờ đồng hồ, bạn nghe mười phương ba đời tất cả chư Phật Như Lai giảng Kinh nói pháp thì còn gì bằng. Cho nên, muốn khai đại trí tuệ, muốn khai trí tuệ cứu cánh viên mãn mà không vãng sanh thì làm sao được? Không cầu vãng sanh thì không thể được! Không vãng sanh, muốn dựa vào tu hành của chính mình thì bạn phải tu đến đoạn “kiến tư phiền não”, ra khỏi ba cõi, sau đó phá tiếp “trần sa vô minh”, vượt mười pháp giới, rất gian nan, rất khổ sở, rất không dễ dàng. Về thời gian mà nói, thật sự là phải vô lượng kiếp còn chưa chắc có thể thành tựu. Cho dù đã siêu việt mười pháp giới, chứng được Viên Giáo Sơ Trụ Bồ-tát, thì từ Viên Sơ Trụ đến chứng được Phật quả viên mãn, ở trong Kinh Phật nói là phải trải qua ba đại A-tăng-kỳ kiếp. Làm gì bằng đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, đến nơi đó thì liền chứng được. Đó là chân thật, không phải là giả.

Có một số đồng tu nghe đến lời nói này của tôi thì hoài nghi. Họ nói, “Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh” không có cách nói này, hạ hạ phẩm vãng sanh phải 12 kiếp mới hoa khai kiến Phật. Không sai! Trong “Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh” có cách nói này, thế nhưng bạn phải nên biết vì sao Phật phải nói lời nói này. Chúng ta học Phật phải nương vào một bộ Kinh nào? Chỗ chúng ta nương vào nhất định là “Kinh Vô Lượng Thọ”. Trong “Kinh Vô Lượng Thọ” có phẩm thứ sáu, 48 nguyện. Bốn mươi tám nguyện là A-di-đà Phật chính mình nói. Thích-ca Mâu-ni Phật giới thiệu Tịnh Độ cho chúng ta, trong Tịnh Độ ba Kinh, nếu như có một câu trái với 48 nguyện thì chúng ta không thể tin tưởng. Bạn xem, mở quyển Kinh ra, mỗi câu mỗi chữ đều tương ưng với 48 nguyện. Thế nhưng Thế Tôn vì sao lại nói như vậy? Chúng ta phải hiểu rõ ý nghĩa. Ý nghĩa của cách nói này là: Vãng sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, nếu như không luận gia trì bổn nguyện Di-đà, bạn vãng sanh hạ hạ phẩm thì phải tu mười hai kiếp mới hoa khai kiến Phật. Trong ý này có mật nghĩa. Mật nghĩa là nói rõ cái gì? Nói rõ Thế giới Tây Phương thù thắng không gì bằng. Bạn ở thế giới phương khác, dựa trên cảnh giới này mà nói, người vãng sanh hạ hạ phẩm là phàm phu, một phẩm phiền não cũng chưa đoạn, là đới nghiệp vãng sanh, phiền não chưa đoạn thì phải mười hai kiếp mới hoa khai kiến Phật.

Hoa khai kiến Phật là địa vị thế nào? Trong Thiền tông nói đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, địa vị Viên Giáo Sơ Trụ. Việc này chúng ta liền hiểu rõ, nếu như không phải ở Thế giới Tây Phương, một phàm phu muốn thoát khỏi sáu cõi, muốn siêu việt mười pháp giới chứng được Viên Giáo Sơ Trụ, trong “Kinh Hoa Nghiêm” đã nói là phải trải qua vô lượng kiếp. Vì sao thời gian dài đến như vậy? Vì thời gian thoái chuyển quá nhiều, tiến thì ít, lùi thì nhiều, có thoái duyên. Thế giới Tây Phương Cực Lạc không có thoái duyên, chỉ có tiến bộ, cho nên 12 kiếp liền thành công. Mười hai kiếp so với vô lượng kiếp, thời gian đã rút ngắn được rất nhiều, quá nhiều. Đây là thù thắng của Thế giới Tây Phương. Phật nói lời này là ý như vậy.

Thế nhưng tình hình thực tế không phải như vậy. Tình hình thực tế, bạn xem, 48 nguyện đã nói, đây là căn cứ bậc nhất của Tịnh tông, không phải bậc thứ hai. A-di-đà Phật nói với chúng ta, người sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc đều là A-duy-việt-trí Bồ-tát, vậy còn gì bằng! Bồ-tát A-duy-việt-trí là gì? Trong chú giải của cổ đức nói với chúng ta, địa vị thấp nhất là Thất Địa Viên Giáo, địa vị cao nhất là Đẳng Giác Bồ-tát. Hay nói cách khác, vừa sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, ngôi vị của bạn chính là vị thứ từ Thất Địa trở lên đến Đẳng Giác. Thật là khiếp người! Cho nên gọi là pháp khó tin. Ai khó tin vậy? Mười phương Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ-tát nghe rồi đều không tin tưởng. Bạn xem, họ tu hành khổ cực đến như vậy, quả báo có được nhỏ xíu; còn việc của bạn làm thì dễ như trở bàn tay, thật gọi là một bước lên trời, lập tức liền lên đến Thất Địa. Họ nghe rồi không thể tin phục. Không tin phục thì cũng chẳng ích gì! Vì sao bạn có thể lên đến được quả vị cao như vậy? Nhờ gia trì bổn nguyện của A-di-đà Phật. Vì vậy, pháp môn này gọi là pháp môn nhị lực. Chúng ta chính mình chỉ cần đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnh, tin sâu, nguyện thiết, lão thật niệm Phật, chúng ta chuẩn bị điều kiện này; 48 nguyện A-di-đà Phật gia trì chúng ta, đây là tha lực. Sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc có phẩm vị cao như vậy, thành tựu thù thắng không thể nghĩ bàn như vậy, đến nơi đâu mà tìm? Bạn đi tra khắp Đại Tạng Kinh cũng không thấy có cách nói này, chỉ có “Kinh Vô Lượng Thọ”, “Kinh A-di-đà”, chúng ta phải tin tưởng. Chúng ta không nhìn thấy được người xưa tu hành vãng sanh ra sao, vì vậy tạm không bàn đến. [Nhưng] từ lúc chúng ta học Phật, tiếp xúc với pháp môn này, chúng ta xem thấy người y theo pháp môn này tu hành thì chân thật có người đứng mà ra đi, có người ngồi mà đi. Chính mắt chúng ta xem thấy, chính tai nghe được, vậy có thể giả được hay sao?

Vào năm dân quốc thứ 58, chúng tôi giảng Kinh ở miền Nam Đài Loan, có một vị cư sĩ nói với tôi, ở làng Tướng Quân ở Đài Nam có một bà cụ        niệm Phật được ba năm thì đứng vãng sanh. Khi bà ra đi là đứng mà đi, không hề có bệnh. Bà cụ này tâm địa rất hiền lương, bình thường trong cuộc sống hằng ngày đích thực là không tranh với người, không mong cầu với đời, hoàn cảnh gia đình cũng có thể tạm qua ngày, con cháu rất hiếu thuận, cho nên bà buông bỏ vạn duyên để học Phật. Lúc đầu bà không hiểu được Phật là gì, khi nhìn thấy tượng thần, Thổ Địa, Thành Hoàng thì cũng xem như Phật để bái lạy. Bà không phân biệt thần và Phật, bái lạy khắp nơi. Ba năm trước đó, con trai bà cưới vợ, cô con dâu hiểu được chút ít Phật pháp, khuyên mẹ chồng không nên đi bái lạy nhiều nơi, mà chuyên ở nhà lạy A-di-đà Phật, niệm A-di-đà Phật. Bà mẹ chồng này rất có thiện căn, liền tiếp nhận lời khuyên bảo của con dâu, không đi lạy thần nữa, mà chuyên niệm A-di-đà Phật. Bà niệm được ba năm. Bà vãng sanh là vào buổi tối. Khi ăn cơm tối, bà nói với người trong nhà của bà: “Các con cứ ăn cơm trước đi, không nên đợi mẹ. Mẹ phải đi tắm rửa”. Con trai và con dâu rất hiếu thuận, vẫn ở đó đợi bà. Bà thật đã có đi tắm, thế nhưng đi tắm rất lâu mà không thấy ra. Người nhà mới vào trong xem thử, thấy bà đã tắm xong. Ở trong nhà có một Phật đường nhỏ, bà mặc áo tràng rất chỉnh tề, trên tay đang cầm xâu chuỗi niệm Phật. Người nhà gọi, không thấy bà trả lời; bước lại gần xem thì thấy bà đã vãng sanh rồi, đứng mà vãng sanh. Đây là việc cách đây không lâu. Hiện nay đến miền Nam Đài Loan, khi nhắc đến chuyện này có rất nhiều người biết. Việc này sao là giả được!

Ngoài ra, khi tôi ở Cựu Kim Sơn (San Francisco) nước Mỹ, có một cụ bà ngồi mà vãng sanh. Ở Mỹ đời sống rất vất vả, cả hai vợ chồng đều phải đi làm, chỉ dựa vào một người kiếm tiền thì không nuôi được cả nhà. Nếu như có con thì phần nhiều là mời mẹ của mình đến để trông nom trẻ. Họ không mời ba của họ, mà mời mẹ của họ đến nấu cơm, trông con cho họ, cho nên người già ở Mỹ cũng tương đối vất vả. Bà là một người niệm Phật. Khi con trai, con dâu đi làm, cháu nội đi học, bà một mình ở nhà niệm Phật nên rất thanh tịnh, không ai quấy nhiễu bà. Cứ như vậy không biết đã niệm được bao nhiêu năm. Ngày bà ra đi, không ai biết là bà đã ra đi lúc nào, chỉ biết là vào sáng sớm, người trong nhà phát hiện bà cụ sáng hôm nay chưa thức dậy. Bình thường bà thức dậy nấu cơm sáng, nhưng sáng sớm hôm nay bà không thức dậy nấu cơm. Khi mọi người thức dậy, thấy nhà bếp không có người nấu cơm, thế là liền cho rằng bà cụ hôm nay dậy trễ (“vì sao mà ngủ trưa đến như vậy?”), nên đến mở cửa phòng của bà. Khi mở cửa ra thì thấy bà cụ đang xếp chân ngồi kiết già ở trên giường. Xem kỹ mới biết bà đã đi rồi, không biết được đã đi vào lúc nào. Việc hiếm thấy là bà cụ này vẫn còn có di chúc. Di chúc để ngay trước mặt. Không chỉ có di chúc, mà hiếu phục của con trai, con dâu, cháu nội, không biết bà đã may từ lúc nào, đều là chính mình bà làm, từng phần từng phần để ở trước giường. Bà đã biết trước giờ đi, nên bà đã chuẩn bị từ sớm. Bạn xem, hiếu phục của con cháu bà đều đã may xong.

Người niệm Phật ngồi mà đi đều là những việc xảy ra gần đây, không phải là xảy ra từ lâu, chúng ta chính mắt thấy, chính tai nghe được. Cho nên, chỉ cần tâm thanh tịnh thì chúng ta có thể làm được. Tại vì sao đem những việc thế gian không liên quan, những việc vụn vặt xen tạp để ở trong lòng chứ? Nhất định phải học thanh tịnh. Thanh tịnh có cái tốt đến như vậy, chân thật biết được quá khứ, hiện tại, vị lai, tiền đồ là một mảng xán lạn. Cho nên, thế gian cho dù là việc gì, nghe được cũng tốt, thấy được cũng tốt, tất cả đều không nên để ở trong lòng; thấy như không thấy, nghe như không nghe, mỗi giờ mỗi phút gìn giữ tâm thanh tịnh của bạn. Người ta có thể làm được thì chúng ta cũng có thể làm được. Làm không được là do tâm vẫn không thanh tịnh. Khi sắp ra đi mà vẫn còn việc chưa giao phó xong, bạn nói xem có đáng lo hay không? Vậy thì làm sao được! Tất cả buông bỏ, không phải dính mắc một thứ gì, như vậy mới được. Lúc nào thì buông bỏ? Phải buông bỏ ngay bây giờ, then chốt là không nên để phiền não trong tâm.

Tâm bình đẳng, tâm giác ngộ. Bình đẳng chính là chân tâm, bình đẳng chính là chân tánh, bình đẳng chính là chân như, bình đẳng chính là pháp môn không hai (vì hai là không bình đẳng). Hiện tại chúng ta phải gắng sức học tập. Cách học tập phải như thế nào? Thay đổi quan niệm của chúng ta, biết được vạn pháp quy về một (một chính là bình đẳng, hai thì không bình đẳng), “vạn pháp nhất như”. Như trong Kinh văn: “Như thị ngã văn”. Vì sao trong Kinh Phật, chữ đầu tiên thì dùng “Như”? Vạn pháp nhất như, đó là nói chân thật (khi đến Kinh văn thì chúng ta sẽ giảng kỹ hơn). Cho nên phải tu tâm bình đẳng, luyện tập không phân biệt, trong lòng nhất định không có phân biệt. Vậy thì ở trong cuộc sống hằng ngày có nên phân biệt hay không? Phải phân biệt. Phân biệt này là bởi vì họ phân biệt, chúng ta đối phó với họ; họ chấp trước, chúng ta đối phó với họ; họ nói đây là Phật đường, chúng ta cũng gọi là Phật đường. Đây là họ phân biệt, không phải ta phân biệt. Trong lòng chúng ta không có Phật đường, chúng ta không có tâm phân biệt này. Họ nói tướng như thế này gọi là người, ta liền gọi là người. Tùy chúng sanh phân biệt mà phân biệt, tùy chúng sanh chấp trước mà chấp trước, trong tâm chính mình đích thực là không có phân biệt, không có chấp trước. Đây là phương pháp giúp chúng ta tu Thanh Tịnh - Bình Đẳng - Giác.

Các vị phải nên biết, có phân biệt, có chấp trước là phàm phu, [họ] không còn cách nào, ngay trong đời này [họ] không thể giải quyết vấn đề. Sáu cõi từ đâu mà ra? Do vọng tưởng, phân biệt, chấp trước biến hiện ra. Nếu như không có chấp trước thì không có sáu đường. Bạn còn có vọng tưởng, còn có phân biệt, nhưng không có chấp trước thì không có sáu đường. Nếu còn có vọng tưởng, không có phân biệt, chấp trước thì bạn liền siêu việt mười pháp giới. Mười pháp giới là do vọng tưởng, phân biệt biến hiện ra. Siêu việt mười pháp giới thì bạn liền bước vào Pháp giới Nhất Chân. Trong Pháp giới Nhất Chân vẫn còn vọng tưởng, nhưng vọng tưởng đó rất mỏng nên không có chướng ngại, thế nhưng vẫn phải đoạn dứt. Vọng tưởng chính là vô minh. Trong “Kinh Hoa Nghiêm” nói “bốn mươi mốt phẩm vô minh”, tất cả đoạn tận rồi thì viên mãn thành Phật. Đó là Phật nói rõ cho chúng ta, sáu cõi, mười pháp giới là do đâu mà ra. Đó là giả. Năng biến (cái có thể biến đổi) là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước đã là giả rồi, cảnh giới sở biến thì làm gì là thật được! Sáu cõi, mười pháp giới đều là không thật. “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng. Nhất thiết hữu vi pháp như mộng huyễn bào ảnh”. Nếu bạn đem những thứ này để ở trong lòng thì sai rồi. Chúng ta muốn vãng sanh tự tại, ung dung thì chúng ta phải buông bỏ những thứ này, thật sự làm được Thanh tịnh - Bình đẳng - Giác.

Quyển Kinh này thù thắng nhất là sự bình đẳng phổ biến giác ngộ tất cả chúng sanh, hay nói cách khác, chính là dạy tất cả chúng sanh bình đẳng thành Phật. Pháp môn này còn gì hơn được sao? Tất cả pháp môn đều không có cách nói này. Bồ-tát, Thanh Văn, Duyên Giác, trời, người làm sao có thể bình đẳng thành Phật? “Kinh Vô Lượng Thọ” dạy chúng ta bình đẳng thành Phật. Kinh này gọi là Kinh bình đẳng, pháp này gọi là pháp bình đẳng, việc học này gọi là học bình đẳng, còn gì bằng chứ? Bình Đẳng - Giác cũng là biệt hiệu của A-di-đà Phật, cũng là chánh giác của tất cả chư Phật. Chỉ cần thành Phật thì gọi là Bình Đẳng - Giác. Phật và Phật bình đẳng, Bồ-tát và Bồ-tát không bình đẳng, Phật Phật đạo đồng. Vì sao vậy? Vì vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thảy đều đoạn hết, cho nên hiện ra tướng bình đẳng.

Chữ Kinh này thường hay nói, nên chúng ta tỉnh lược đi.

Đề Kinh này giảng nói với các vị chỉ đến chỗ này thôi.

 

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 02)

Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Khởi giảng năm 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ

 

 

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Video mới nhất

Pháp ngữ mới nhất

Thống kê lượt truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 227


Hôm nayHôm nay : 53506

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1467484

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 43711628

PHÁP ÂM TUYÊN LƯU – TẬP 6

ĐỒNG TU HỎI TÔI- THẦY CÓ SỢ CHẾT HAY KHÔNG?

Có một số đồng tu hỏi tôi, hỏi thầy có sợ chết hay không? tôi nói với họ tôi không sợ chết, tôi không có khái niệm này, không hề có khái niệm sanh tử, mỗi một ngày đều là tùy duyên độ nhật, tuổi tác cũng đã lớn rồi, giảng kinh sắp giảng không nổi nữa, tôi vô cùng xem trọng người kế thừa, cho nên khi tôi 50 tuổi, thì đã rất coi trọng việc bồi dưỡng những người kế thừa, tôi có thể không giảng kinh, nhưng kinh thì không thể đoạn dứt, người có thể giảng, ưa thích giảng, tôi đều đề bạt họ, bồi dưỡng từng người từng người một. khi tôi đi rồi thì cũng sẽ có rất nhiều người giảng tốt hơn tôi, tôi rất mãn ý, hỏi tôi là có sợ chết hay không, không sợ, thật sự là không sợ, 1 chút cũng không sợ, người ta vì sao lại sợ chết? vì họ không có sự chuẩn bị. tôi thì đã chuẩn bị rất kỹ rồi, cho nên tôi không sợ chết, so với hầu hết mọi người thì không như họ, chúng tôi ngày ngày nhớ nghĩ Thế Giới Cực Lạc, niệm niệm đều là niệm A Di Đà Phật, tôi khuyên mọi người niệm Phật cầu sanh Di Đà Tịnh Độ, thì bản thân tôi sao có thể không làm? Nếu tôi không làm, thì những người học sẽ nói tôi lừa gạt họ, vậy thì tôi có lỗi với họ, Thế Giới Cực Lạc là có thật, A Di Đà Phật là có thật, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là có thật, ngày ngày đều có, mọi lúc mọi nơi đều có thể đến Thế Giới Cực Lạc. hoan hoan hỷ hỷ, Phật đã nói với chúng ta, phàm việc gì cũng đều có nhân có quả, bệnh dịch là có nhân quả, nhân là gì? tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, nói tới nói lui vẫn là tâm tưởng, đồng tu chúng ta đã học Phật rồi, vĩnh viễn không có sự lo sợ, chúng ta đi theo Thích Ca Mâu Ni Phật, tiền đồ thuận buồm xuôi gió, tiền đồ vô cùng tươi sáng, sau khi học Phật, niệm niệm cầu sanh Tịnh Độ, chúng ta rõ ràng thấu suốt đối với Thế Giới Cực Lạc, thì việc vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là thật sự nắm phần chắc chắn, hy vọng các đồng học xem nhẹ sự sanh tử, đem việc sanh tử nắm trong lòng bàn tay, không phải nằm trong tay vua Diêm La, mà nằm trong lòng bàn tay chúng ta, muốn đi là đi, muốn ở là ở, tốt, đối trước đại chúng đồng tu, cùng nhau niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, mỗi ngày đều không thiếu thời khóa, đồng tu còn sợ hãi vẫn là không ít, chúng ta hãy giúp đỡ họ, để giúp họ thì trước tiên bản thân mình không sợ, thì họ mới có thể tin, làm thế nào để giúp những đồng học còn sợ chết? đây là sứ mệnh của chúng ta, đọc kinh, đọc thuộc kinh điển, có thể chuyển sợ hãi thành không sợ, không còn sợ đạt đến mức nào? tự tại vãng sanh, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là chắc chắn, là thật không phải giả. Ta Bà này khổ, hà tất gì phải lưu luyến? bạn còn lưu luyến đối với Ta bà cho nên bạn mới sợ chết, không còn lưu luyến Ta bà thì mới không sợ, cho nên đối diện với trùng trùng sự bất an trong xã hội ngày nay, chúng tôi đều khuyến khích mọi người không nên sợ hãi, an vui là niệm cho thật tốt câu Phật hiệu này, A Di Đà Phật nhất định sẽ đến tiếp dẫn, không bỏ sót 1 người nào, lòng tin sẽ quyết định hết thảy, việc này rất quan trọng, mọi người đều có sức khỏe tốt hơn tôi. Phải nên dụng công, phải nên nỗ lực, nếu thấy được A Di Đà Phật ở tại Thế Giới Cực Lạc hoan nghênh chúng ta, chúng ta thấy được niềm hoan hỷ vô hạn, thì nguyện vọng của 1 đời cũng xem như viên mãn. Sống ở tại thế giới này, sống 1 ngày thì làm 1 ngày, sống 2 ngày thì làm 2 ngày, vãng sanh đến Thế Giới Cực Lạc thì đồng học sẽ cùng A Di Đà Phật đến tiếp dẫn, cho nên việc giúp đỡ trợ niệm cho các đồng học là công đức rất lớn, ta đi đón họ, học cũng sẽ đến đón ta, tuyệt đối không uổng công, tuyệt đối không phải giả, những tin tức về bệnh dịch hiện này chúng ta không xem, niệm A Di Đà Phật thì mới thật sự là có ích, đây mới là việc quan trọng cấp bách chứ không phải là việc gì khác. Phật đến tiếp dẫn chúng ta, Bồ Tát đến tiếp dẫn chúng ta, đồng tham đạo hữu cũng đều đến tiếp dẫn chúng ta. Tin sâu không nghi, thì các ngài nhất định sẽ đến tiếp dẫn vãng sanh. Khi đến tiếp dẫn thì sẽ còn náo nhiệt hơn ở hội trường này, khi đến tiếp dẫn thì cũng không nên khách sáo, phải kiên định tín nguyện, tín nguyện vãng sanh.