Lấy giáo dục hoằng dương Phật pháp. Lấy giảng giải bồi dưỡng nhân tài. Lấy từ bi lợi ích xã hội. Lấy chân thành phát triển giao lưu. Lấy chuyên tu cầu sanh Tịnh Độ.
Kinh văn: “Bỉ liên hoa lượng, hoặc bán do-tuần, hoặc nhất, nhị, tam, tứ, nãi chí bách thiên do-tuần”.
Đoạn này là nói số lượng của hoa sen, cũng chính là nói độ lớn nhỏ của hoa sen. Có thể nói ở thế giới Tây Phương mọi thứ đều bình đẳng, duy nhất một điểm không như nhau đó chính là độ lớn nhỏ của hoa sen. Tại vì sao mà độ lớn nhỏ của hoa sen có khác biệt vậy? Thích-ca Mâu-ni Phật vì chúng ta mà giới thiệu thế giới Tây Phương Cực Lạc, đã nói rằng những người niệm Phật ở mười phương thế giới sanh đến thế giới Cực Lạc này do vì nhân địa công phu không như nhau, cho nên đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, từ chỗ hoa sen lớn nhỏ màu sắc khác nhau thì biết được công phu của bạn có khác nhau. Nếu như công phu của bạn tốt, bạn sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc hoa sen sẽ rất lớn, bạn sẽ nhìn thấy sự chênh lệch này là một khoảng cách rất lớn. Hoa sen nhỏ chỉ có nửa do-tuần, hoa sen lớn thì đến trăm nghìn do tuần, đây thật là không thể nào so sánh. Cho nên chúng ta đọc đến chỗ Kinh văn này, thì phải biết dụng công cho tốt, buông bỏ vạn duyên, đến thế giới Tây Phương Cực Lạc được cái hoa sen lớn thì mới có mặt mũi, hoa sen quá nhỏ thì thật là xấu hổ, vãng sanh cũng rất là miễn cưỡng. Thế gian pháp chỉ có cái pháp này là chân thật, những cái khác đều là giả cả, gọi là “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”.
Trong đồng tu có người thật sự phát tâm từ bi, muốn xả mình vì người, nối dòng huệ mạng vì chánh pháp cửu trụ. Tôi thường nghe được có người đến nói với tôi, có người thì viết thư cho tôi, họ có chân thật phát tâm hay không? Nếu như thật sự phát tâm, họ không cần phải nói, họ cũng sẽ không viết thư cho tôi. Đó là chân thật phát tâm. Vì sao vậy? Vì chân thật phát tâm thì phải hành động, trong sự hành động đó thì quan trọng nhất là tâm thanh tịnh, miệng của bạn nói nghe thì rất hay, mà tâm của bạn không thanh tịnh, bạn vẫn là tự tư tự lợi, vẫn là danh văn lợi dưỡng, bạn vẫn như vậy đâu có gì buông xả. Đây là việc quá đỗi sai lầm, cho nên người nói ra thì rất nhiều, rất nhiều.
Lần này tôi vừa mới đi tham dự hội nghị hòa bình của Liên Hiệp Quốc ở Nhật Bản trở về. Liên Hiệp Quốc một năm mở không biết bao nhiêu lần Hội Nghị Hòa Bình, đã làm được năm-sáu năm rồi, mà thế giới này vẫn càng ngày càng loạn, hòa bình thì càng ngày càng mất hy vọng. Đây là do nguyên nhân gì vậy? Chúng ta vẫn phải tìm cho ra cái nguyên nhân này. Tôi tham gia hội nghị này chỉ mới là lần thứ hai, lần thứ nhất là năm ngoái tổ chức tại Băng Cốc, tôi đã tham gia qua một lần. Lời nói của người Trung Quốc ngày xưa rất hay, trên Kinh cũng có nói, rất nhiều các vị đồng học đều đọc qua Tứ Thư. Sách Đại Học đó là Kinh, ba cương tám mục của Đại Học: cách vật, trí tri, thành ý, chánh tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Làm những hoạt động về thế giới hòa bình là bình thiên hạ. Bình thiên hạ nếu dùng lời của người hiện nay mà nói, chính là thiên hạ thái bình, người trong thiên hạ đều có thể được đối đãi bình đẳng, vậy thì sẽ chung sống hòa thuận. Sự việc này, trên Kinh đã nói rất hay, từ thiên tử cho đến thứ dân đều là lấy tu thân làm gốc. Chính thân bạn không tu, thì bất kỳ cái gì cũng không thể nói, ngày ngày hội họp thì có ích gì? Ngày ngày giảng Kinh, ngày ngày niệm Phật có tác dụng gì chứ? Người xưa châm biếm những người niệm Phật là một ngày niệm mười vạn tiếng Phật hiệu, hai mươi vạn tiếng Phật hiệu, là “hét bể cổ họng cũng chỉ uổng công”. Nguyên nhân là gì? Miệng niệm Di-đà tâm tán loạn, đau mồm rát họng cũng uổng công, bạn ngày ngày niệm Phật công phu không đắc lực. Vừa rồi có một vị đồng tu, tôi vừa vào cửa thì nhìn thấy tờ giấy này, tôi xem qua, người đó là phát tâm học giảng Kinh, giảng Kinh công phu không đắc lực, vọng tưởng phân biệt chấp trước đầy dẫy. Phật pháp nói đến tu hành thì phương pháp rất nhiều, đến tám vạn bốn ngàn pháp môn, vấn đề là muốn bạn biết. Đại đức Tông môn thời xưa, Thiền Tông khi kiểm tra người học sẽ hỏi “bạn có biết không?”. Câu nói này ý nghĩa sâu rộng. Bạn phải biết, niệm Phật bạn phải biết niệm, học giáo bạn phải biết học, giảng Kinh bạn phải biết giảng, biết rồi thì bạn sẽ thành tựu, sẽ tương ưng. Vì sao mà bạn không biết? Vì phiền não tập khí chưa trừ. Vì sao mà chưa trừ vậy? Vì nền tảng của bạn chưa tốt.
Cho nên tại chỗ này tôi xin báo cáo với các vị, Học Viện Tịnh Tông tại Úc Châu của chúng ta hiện tại đang học cái gì? Học Đệ Tử Quy. Vì sao phải học Đệ Tử Quy? Bạn làm được Đệ Tử Quy rồi, thì bạn sẽ biết. Cho nên chúng ta dùng thời gian hai năm để làm ra một sự chuyển biến, việc này rất quan trọng. Cũng giống như chúng ta muốn xây nhà lầu, trước tiên chúng ta dùng hai năm để xây nền móng. Cái móng này sau khi xây xong, thì xây cái nhà như thế nào ở bên trên đều không có vấn đề gì. Các vị hiện tại học giáo cũng vậy, giảng Kinh cũng vậy, niệm Phật cũng vậy, không có cái nền móng, không có cái gốc. Trong tình hình như vậy cho đến khi già, đến khi chết, giống như Tô Đông Pha đến lúc lâm chung nói “chỗ này dùng không đắc lực”. Tô Đông Pha không có thành tựu. Khi tôi mới học Phật, còn chưa xuất gia, Thầy Lý đã cảnh báo tôi, bởi vì khi đó còn là thân phận cư sĩ. Ngài đã nói với tôi, người xưa đừng học Tô Đông Pha, người nay đừng học Lương Khải Siêu. Hai người này đều là nhân vật vô cùng nổi tiếng ở trong giới Phật giáo, nhưng đều không có thành tựu, nói đến Phật học thì họ đều thông thạo, nói rõ ràng đâu ra đấy, mà một câu cũng không làm được.
Phật pháp, các vị vẫn phải nên hiểu rõ, tôi lần đầu tiên gặp Tổng thống Nathan, vào lúc đó ông chưa làm Tổng thống, chúng tôi cùng nhau dùng cơm. Ông ngồi cùng hàng ghế với tôi, ông nói với tôi, ông là người Ấn Độ giáo, ông nói ông tôn kính Phật giáo nhất, Phật giáo trọng thực chất chứ không trọng hình thức. Tôi nghe xong rất lấy làm kinh ngạc, bởi vì đây là lần thứ hai tôi nghe được trong cuộc đời, lần thứ nhất là Chương Gia Đại Sư nói với tôi, Phật giáo trọng thực chất không trọng hình thức, lần thứ hai là ông Nathan nói với tôi. Tôi biết được đó là người hiểu biết, người không hiểu biết thì sẽ không nói được câu nói này. Nói một cách khác, Phật giáo trọng thực tiễn, trọng ở làm, tín giải hành chứng là trọng ở hành, bạn chưa làm được mà! Chúng tôi nói điều cơ bản nhất, đơn giản nhất, điều đầu tiên trong Tịnh Nghiệp Tam Phước là “hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát tu, thập thiện nghiệp”, bạn đã làm được hay chưa? Đây là bước đầu tiên của người chân thật học Phật, bạn có thực hành được thập thiện nghiệp hay không? Bốn câu này, thì hiếu thân tôn sư, từ tâm bất sát là trì giới, đây là dạy bạn dự bị công phu cho việc học Giới, hết thảy đều áp dụng vào trong thập thiện nghiệp. Không những là trên sự tướng bạn phải làm được Thập thiện nghiệp, không sát sanh, không trộm cắp, không dâm dục (người tại gia thì không tà dâm), không vọng ngữ, không lưỡng thiệt. Đây là sự. Chân thật làm được là ở đâu? Là ở tâm địa công phu, đối với tất cả chúng sanh tuyệt đối không có ý niệm muốn tổn hại, thì giới điều không sát sanh của bạn mới có gốc rễ. Điều thứ hai là đối với tất cả chúng sanh tuyệt đối không có cái ý niệm chiếm lấy tiện nghi của người khác, đây là giới không trộm cắp, thì bạn đã có cái gốc rễ. Bạn không trồng cái gốc từ chỗ này thì bất luận tu học cái pháp môn nào, dù là pháp môn Tịnh Tông thù thắng đến như vậy, tuy là đơn giản dễ dàng, thành tựu thù thắng, nhưng bạn cũng không có cách nào đắc lực. Cho nên nhà Phật thường nói nhân giới được định, nhân định khai huệ. Chúng ta ngày nay sinh vào thời đại này vô cùng bất hạnh, từ nhỏ đã không có ai dạy. Không phải chúng ta không muốn học, không phải chúng ta không chịu học, mà là không ai dạy. Đến khi tuổi đã già gặp được Phật pháp thì mới hiểu ra, hiểu được rồi thì bạn phải thật làm, vào lúc này thì việc học đích thực là khó khăn rồi. Vì sao vậy? Thói hư tật xấu đã tập thành từ lúc nhỏ, bây giờ muốn sửa chữa thì không dễ sửa. Nhưng bạn không thể không sửa, nếu bạn không sửa thì bạn không có cách nào để vãng sanh, bạn niệm Phật hiệu một ngày được mười vạn tiếng, nhưng bạn cũng không có cách nào để đạt được công phu thành phiến. Cho nên bạn niệm Phật niệm cả một đời, ở chỗ này nói vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc hoa sen nhỏ nhất là nửa do-tuần, thì e rằng hoa sen của bạn cũng không nổi một trượng. Vậy thì phải làm sao? Đi không được.
“Do-tuần” là đơn vị đo độ dài của Ấn Độ, Ấn Độ xưa gọi là do-tuần, một do-tuần lớn cỡ nào, cách nói thì rất nhiều, việc này chúng ta có thể hiểu được. Vì sao vậy? Ấn Độ xưa chưa có thống nhất, nó có rất nhiều rất nhiều quốc gia nhỏ, mỗi quốc gia nhỏ đều có tiêu chuẩn riêng của mình. Ở Trung Quốc, triều Hạ, Thương, Chu thời Xuân Thu Chiến Quốc cũng đều không như nhau. Bạn xem trên cổ thư ghi chép vào thời đó chiều cao của con ngườilà một trượng, một trượng thì chúng ta nghe có vẻ như là rất cao, kỳ thực là một thước của họ dài bao nhiêu thì chúng ta cũng không biết nữa. Tiêu chuẩn mỗi quốc gia khu vực sử dụng, cái thước cái cân họ dùng đều không như nhau, họ lấy cái tiêu chuẩn nào để nói thì rất khó phán đoán. Hoằng Nhất Đại Sư ở trong quyển Luật Học Tam Thập Tam Chủng Hợp San có một bài là Chu Chỉ Khảo, chính là Ngài khảo chứng cái thước sử dụng vào thời nhà Chu. Ngài vẽ nó ra, thước dùng ở thời nhà Chu, một thước khoảng hơn 5 tấc theo thước kiểu Trung Quốc ngày nay một chút, không đến 6 tấc. Cho nên, nếu họ nói thân cao một trượng hai, dùng loại thước hiện nay của chúng ta thì khoảng 6 thước, vậy thì rất là bình thường, cho nên bạn phải nên biết tiêu chuẩn đo lường của các khu vực là không như nhau. Từ chỗ này chúng ta hiểu được sự việc bên Ấn Độ cũng không như nhau. Vậy một do-tuần, cổ đại đức trong lúc phiên dịch đã chú giải, nói rằng đại do-tuần bằng với 80 dặm của Trung Quốc, đây là dặm của thời xưa. Trung do-tuần thì khảng 60 dặm, tiểu do-tuần thì khoảng 40 dặm, đây là dặm mà Trung Quốc dùng thời xưa, cùng với cái dặm mà chúng ta sử dụng ngày nay không như nhau. Trung Quốc thông thường nói đến dặm, đại khái một dặm là bằng một nửa cây số của hiện tại, nghĩa là một cây số bằng với hai dặm của Trung Quốc. Đây là hiện tại, còn thời xưa thì có thể sẽ nhỏ hơn bây giờ một chút. Những việc này chúng ta hiểu thì được rồi, không có cách nào để khảo chứng, mà khảo chứng cũng không có ý nghĩa gì. Ở chỗ này chủ yếu dạy bạn hiểu được độ lớn nhỏ của hoa sen không như nhau, quang sắc không như nhau. Đây là do công phu tu hành của mỗi người không như nhau. Hiểu được đạo lý này thì được rồi, sau đó thì bản thân hãy chăm chỉ nỗ lực, tu học cho thật tốt.
Đích thực như trong Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh đã nói, thế gian này của chúng ta có một người chân thật phát tâm muốn cầu sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc thì ở trong ao báu ở thế giới Cực Lạc liền sanh ra một nụ hoa sen. Trên hoa sen này có tên của bạn, không sai tí nào. Cho nên không nên thường hay thay đổi tên, cứ đổi tên thì thật phiền phức, sau này sẽ không tìm được cái hoa sen ấy. Trước đây đã từng nói qua với các vị, sửa đổi tên là đại bất hiếu, không thể tùy tiện sửa đổi tên. Tên là do cha mẹ đã đặt cho bạn, đại biểu cho sự kỳ vọng của cha mẹ vào bạn, cho nên bạn đổi tên thì là đại bất hiếu. Người hiện tại không hiểu được đạo lý này, cũng không có ai nói, cũng không có ai dạy bạn cả. Cho nên từ trong Quán Kinh mà chúng ta hiểu được, ở thế giới Tây Phương Cực Lạc, tất cả hiện tượng vật chất đều là vĩnh hằng. Thế giới này của chúng ta, tất cả hiện tượng vật chất đều là vô thường. Động vật có sanh lão bệnh tử, thực vật thì có sanh trụ dị diệt, thế giới này thì có thành trụ hoại không, biến đổi vô thường. Thế giới Tây Phương Cực Lạc thì không có cái hiện tượng này, đều là vĩnh hằng cả. Người sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc là hóa sanh chứ không phải thai sanh, là biến hóa ra. Thân tướng biến hóa ra không khác gì so với Phật A-di-đà. Trong Kinh này giới thiệu với chúng ta là 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, là tử ma kim thân. Duy chỉ có một thứ có hiện tượng sanh diệt, đó chính là ao sen, hoa sen ở trong ao sen. Một người nào đó chân thật phát tâm, thì sẽ mọc lên một cái nụ hoa sen, qua mấy ngày người đó đã thối tâm, không còn học pháp môn này nữa, hoặc đổi thành học pháp môn khác, thì nụ hoa sen này sẽ khô mất, liền chết khô. Cho nên chỉ có ở trong ao sen thì nhìn thấy hoa sen có sanh có diệt, xem thấy có lớn có nhỏ, xem thấy màu sắc ánh sáng không như nhau. Chỉ có ở trong ao sen là nhìn thấy hiện tượng này, những chỗ khác đều không thể nhìn thấy. Thế Tôn đã giới thiệu sự việc này với chúng ta, hàm ý vô cùng sâu sắc, hy vọng chúng ta minh bạch giác ngộ, nỗ lực mà niệm Phật, niệm Phật nhất định là buông bỏ vạn duyên.
Khẩu đầu thiền của người lãnh chúng trong niệm Phật đường là “buông bỏ thân tâm thế giới, đề khởi chánh niệm”. Chánh niệm nghĩa là một câu Phật hiệu, không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn, cứ như vậy mà niệm. Công phu mà tốt, thì nửa năm đến một năm liền thành tựu. Người có thiện căn kém một chút, người có phiền não nặng một chút, nếu như có thể nắm giữ được cái nguyên tắc này, cái nguyên tắc này chính là Đại Thế Chí Bồ-tát đã nói: “đô nhiếp lục căn tịnh niệm tương tục”. Có người hỏi tôi, thưa Pháp sư, làm sao để đô nhiếp lục căn? Tôi liền nói rằng tịnh niệm tương tục chính là đô nhiếp lục căn. Người đó lại hỏi vậy thế nào là tịnh niệm tương tục? Tôi liền nói là đô nhiếp lục căn, tịnh niệm tương tục. Nói đô nhiếp lục căn, là lục căn không phan duyên với cảnh giới bên ngoài. Cái lý này rất sâu, không phải bảo bạn mắt không được nhìn, tai không được nghe, không phải là cái ý này, mắt của bạn có thể nhìn, tai của bạn có thể nghe. Thế nào gọi là “đô nhiếp lục căn”? Cái mà bạn thấy, bạn nghe đừng để nó ở trong tâm. Nếu như bạn đem những thứ nghe được thấy được để ở trong tâm, vậy thì hỏng rồi, bạn đã bị cảnh giới xoay chuyển rồi, tuyệt đối không để nó ở trong tâm, chỉ có đem Phật hiệu để ở trong tâm. Đây chính là tịnh niệm tương tục. Cái tịnh niệm này nghĩa là không hoài nghi, không xen tạp, gọi là tịnh. Bạn hoài nghi thì không thanh tịnh, bạn xen tạp vọng niệm thì cũng không thanh tịnh. Cái gì cũng không thể xen tạp, cứ như vậy mà niệm, đó gọi là tương tục. Tương tục là không gián đoạn. Bí quyết của niệm Phật có chín chữ: không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn. Đây chính là “đô nhiếp lục căn tịnh niệm tương tục”. Chúng ta ngày nay niệm Phật mà không thành tựu, việc này thì tự mình biết được, vọng tưởng quá nhiều, tạp niệm quá nhiều rồi. Vậy thì phải làm sao? Vẫn tiếp tục niệm, cái quá trình này mỗi đồng học đều đã trải qua, A-di-đà Phật ở trên nhân địa đã trải qua, Thích-ca Mâu-ni Phật trên nhân địa cũng đã trải qua, chư đại Bồ-tát vẫn phải trải qua. Không có việc mới bắt đầu niệm Phật thì bạn có thể đạt được tịnh niệm tương tục, làm gì có chuyện dễ như vậy chứ!
Bạn hãy xem ở trong Ấn Quang Đại Sư Văn Sao, cũng có không ít người viết thư để thỉnh giáo với Đại Sư Ngài. Ngài đã nói rất hay, Ngài nói bạn hãy cứ niệm, bạn giữ lấy cái nguyên tắc này, dù sao cũng phải niệm cho được ba năm, vọng niệm xen tạp của bạn sẽ ít đi, ít đến mức độ nào vậy? Ngài nói thời gian một cây nhang vẫn còn hai-ba cái vọng niệm. Việc này là rất hay. Ngày xưa trong niệm Phật đường đều chưa có đồng hồ để tính toán thời gian, thời đại đó của Ấn Quang Đại Sư chưa có đồng hồ. Vào thời đó, đồng hồ là một thứ xa xỉ. Trong các tự viện, việc tính toán thời gian là dùng đèn cầy, dùng nhang, một cây nhang dài đại khái là một tiếng rưỡi đồng hồ. Cũng chính là nói trong một tiếng rưỡi đồng hồ bạn có hai, ba cái tạp niệm, sẽ khởi lên hai-ba cái ý niệm. Đây là công phu rất khá rồi, thật hiếm có rồi, bạn có thể chế phục được rồi. Cái công phu như vậy, một niệm sau cùng khi đến lúc lâm chung, bạn có thể khống chế được không có vọng niệm, không có xen tạp, không có hoài nghi, thì có thể vãng sanh, Phật liền đến tiếp dẫn. Điều đáng sợ nhất là một niệm sau cùng vẫn còn khởi vọng niệm, vậy thì xong rồi, công phu một đời của bạn đã xong rồi. Nhưng bạn phải nên biết, thời gian một cây nhang một tiếng rưỡi, mới có hai-ba vọng niệm, lâm chung một niệm là một sát-na, rất có thể bạn không có vọng tưởng. Trong thời gian một cây nhang, một vọng niệm cũng không có thì là công phu rất khá. Ấn Tổ nói, đại khái cần phải có công phu năm năm mới đạt được: trong thời gian một cây nhang, nghĩa là trong một tiếng rưỡi, không khởi một vọng tưởng nào.
Niệm Phật niệm đến mức độ nào thì có thể vãng sanh, điều này không thể không biết. Niệm Phật mà biết niệm, học giáo phải biết học. Công phu học giáo cùng tham thiền, niệm Phật không có gì khác. Học giáo thì cái niệm của bạn đều nằm ở trong giáo, đều nằm ở trong nghĩa Kinh, thường thường tư duy nghĩa của Kinh, niệm niệm đều có thể tương ưng với Kinh giáo. Sự tương ưng này ngày nay chúng ta gọi nó là thực tiễn, bạn làm được rồi. Đại Thế Chí Bồ-tát nói: “nhớ Phật niệm Phật, hiện tại tương lai nhất định thấy Phật”. Nghiên giáo là nhớ Phật, niệm Phật là niệm Phật của ý nghĩa rộng, không nhất định là niệm danh hiệu của Phật. Bạn nghĩ xem, bộ Kinh Vô Lượng Thọ này, bạn thọ trì bộ Kinh này, bạn thường thường nghĩ đến những điều mà chúng ta đọc ở trong Kinh: Phật là có cái tâm như thế nào? Phật phát nguyện như thế nào? Phật sống đời sống như thế nào? Phật giáo hóa chúng sanh như thế nào? Phật xử sự đối người tiếp vật như thế nào? Chúng ta thường xuyên nghĩ đến thì đã học được rồi, sẽ tự nhiên giống y như Phật vậy. Đây gọi là nhớ Phật niệm Phật, công phu đắc lực rồi.
Cổ đại đức dạy những người học giáo chúng ta phải biết “tùy văn nhập quán”, câu nói này phải giảng như thế nào? Dùng lời hiện nay mà nói, tùy vào sự giáo huấn trong Kinh văn của Phật mà sửa đổi tư tưởng, hành vi của chúng ta, đây chính là tùy văn nhập quán. Chúng ta phải tiếp nhận cái cách nghĩ cách nhìn của Phật, phải buông xả cách nghĩ cách nhìn của chính mình. Cách nghĩ cách nhìn của chính chúng ta là sai lầm, cách nghĩ cách nhìn của Phật là chính xác. Đầu tiên bạn phải có thể khẳng định, bản thân phải có thể nhận ra là sai. Nhất định không nên nói rằng mình nghĩ cũng khá lắm, Phật nói đó cũng chưa chắc là đúng, vậy thì bạn đã xong rồi, bạn còn học Phật gì chứ? Học Phật nhất định phải khẳng định ta hoàn toàn sai. Nếu ta không sai lầm thì sao lại luân hồi trong lục đạo, người ta nếu có cách nghĩ sai lầm mà người ta ở thế giới Cực Lạc, ở Nhất Chân Pháp Giới, không có cách nào so sánh với họ. Vì vậy tôi nói những lời này, các vị hãy thật sự tỉ mỉ mà suy nghĩ. Chúng ta làm người trong một đời này, cả cuộc đời nên khẳng định người khác đều là đúng, ta là sai, cho nên người khác sai thì cũng là đúng, ta đúng rồi thì cũng là sai. Vì sao ta đúng mà thành sai? Ta đang ở trong sáu nẻo luân hồi, vậy thì sao lại là không sai lầm? Không sai lầm thì sẽ không luân hồi ở trong sáu nẻo nữa rồi. Người khác sai mà cũng thành đúng, những lời này phải nói thế nào? Nói không chừng người khác cố ý làm ra sai lầm để cho ta xem. Họ là Bồ-tát, là Phật tái lai, họ không phải thật sự như vậy, họ đang biểu diễn cho chúng ta xem, để cho ta giác ngộ. Phải thường có cái tâm như vậy, xem người khác đều là Phật Bồ-tát, thấm thoát mà tự mình đã trở thành Phật Bồ-tát, phải chuyển cảnh giới của chính mình. Đây gọi là chân thật dụng công phu. Khi công phu của bạn đắc lực rồi, thì phiền não của bản thân bạn nhẹ, trí huệ liền tăng, công phu càng đắc lực. Con người càng khiêm hư, càng cung kính, bất luận là đối với ai, thì những thứ phiền não tập khí tham sân si mạn sẽ dần dần mất đi, biến thành trí huệ. Có rất nhiều người hỏi tôi phương pháp học Phật, có rất nhiều người mong muốn cùng tôi học Phật. Quỷ thần đều cười tôi, rất nhiều nhà ngoại cảm nói với tôi, họ nói: thưa Pháp sư, những người ở xung quanh Ngài không có một ai có thành tựu cả. Vậy bạn muốn học cùng với tôi thì bạn sẽ không có thành tựu. Thật vậy, nói không sai một chút nào, người chân thật có thành tựu, thì nhà ngoại cảm cũng nói với tôi là có, rất nhiều, nhưng đều không ở bên cạnh tôi. Họ đang học ở nơi nào vậy? Họ đang học từ trên mạng internet, trên truyền hình, học trên những loại băng đĩa Kinh sách mà chúng ta lưu hành, thật sự có thành tựu, y giáo phụng hành. Đây chính là trong Phật pháp gọi là trọng thực chất, không trọng hình thức. Bạn theo bên cạnh tôi thì là hình thức, cái đạo lý này phải nên biết.
Cho nên mấu chốt thành bại trong việc tu học, chính là ba chữ “tín - nguyện - hạnh” trong Tịnh Tông đã nói. Bạn có phải thật sự là tin tưởng, thật sự tin không phải là ở bên cạnh tôi mới thật sự là tin. Sao lại có chuyện như vậy chứ? Đối với Kinh giáo của Tịnh Tông, không có một chút hoài nghi nào, khẳng định là tiếp nhận toàn bộ, phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ. Phát cái nguyện như thế nào? Phải cùng với Phật A-di-đà nguyện hành tương đồng. Phật A-di-đà phát 48 thệ nguyện, phẩm thứ sáu của bộ Kinh này chính là 48 nguyện, ngày ngày đọc tụng. Đọc tụng như thế nào? Phải đem 48 nguyện của chính mình mà phát ra, phát ra giống như Phật A-di-đà vậy. Tâm của ta cùng tâm của Phật A-di-đà như nhau, nguyện cùng với nguyện của Phật A-di-đà như nhau, hành cũng như nhau, vậy thì làm gì có đạo lý không vãng sanh? Nhất định là có thành tựu. Phàm nếu không thể thành tựu, thì là “miệng niệm Di Đà tâm tán loạn”. Dù ngày ngày đều niệm A-di-đà Phật, ngày ngày đều lần chuỗi, nhưng tín nguyện hạnh không có, vậy thì không thể thành tựu, không thể vãng sanh, chỉ kết được pháp duyên với Phật A-di-đà. Kỳ thực, những đồng tu chúng ta ngồi đây trong đời quá khứ đã uổng phí qua như vậy. Mỗi người trong đời quá khứ đời đời kiếp kiếp đều là người niệm Phật, vì sao chưa đi? Chính là do miệng niệm Di Đà tâm tán loạn, cho nên bạn mới đi không thành công. Trong quá khứ đã kết duyên rất sâu, đến đời này lại gặp được, gặp được rồi mà vẫn dùng phương cách cũ, vẫn miệng niệm Di Đà tâm tán loạn, vậy thì đời này lại không thể đi. Trong đời này nếu như thật sự giác ngộ, ta miệng niệm tâm cũng niệm, thân ngữ ý ba nghiệp của ta đều tương ưng, vậy thì đời này thành công. Cho nên nói là trong quá khứ đã chưa chăm chỉ thật sự làm, đời này phải thật sự làm. Trong đời này hoàn cảnh sinh sống của chúng ta tốt, một hoàn cảnh có nhiều tai nhiều nạn, tai nạn mà nhiều sẽ khiến chúng ta không có lưu luyến đối với thế gian này, lợi ích là ở chỗ này. Bạn muốn lưu luyến thì bạn cũng không có cách nào, bạn lưu luyến cũng không được, bạn không thể làm chủ được cho chính mình.
Trong thời loạn thế này, chúng ta đích thực là sống trong sự bất định, nhiều năm lưu lạc. Trong ký ức của tôi, khi được sáu - bảy tuổi mãi cho đến khi tuổi tác cao như bây giờ, tôi một năm phải đi ở rất nhiều chỗ, năm nào cũng như vậy, là lưu lạc mà. Cho nên quan niệm cái nhà đối với tôi rất mờ nhạt, mỗi năm lại ở một nơi, thời gian ở lâu nhất đại khái chừng ba-bốn tháng. Đến tuổi tác cao như vầy mà tôi cũng chưa thể có cách nào ổn định lại để nghỉ ngơi, rất muốn được ổn định trở lại. Chúng ta thường hay nói là điều kiện khách quan không cho phép. Hiện tại không phải vì bản thân, thật sự là vì chúng sanh khổ nạn, hy vọng giúp đỡ được cho thế giới này hóa giải xung đột, thúc đẩy hòa bình. Đây là công đức số một của người học Phật chúng ta, không phải là bạn thường nói phải tích công lũy đức hay sao? Trong xã hội hiện tiền này thì công đức số một là cái gì? Chính là biết thúc đẩy cho mọi người chung sống hòa thuận, nhất định không nên phá hỏng, không nên tạo ra tranh chấp bất hòa. Việc phá hoại tạo ra tranh chấp bất hòa đều là vọng ngữ, lưỡng thiệt, nhũng nhiễu thị phi. Đó chính là bạn đã tạo ra sự tranh đấu, tạo ra tai nạn, tội của bạn là rất nặng. Một câu nói vô tình hay cố ý, cũng làm cho rất nhiều người đều thân tâm bất an, cái tội này thì bạn phải gánh chịu, ở trong cuộc sống thường ngày là phải hết sức chú ý cẩn thận.
Bồ-tát Phổ Hiền dạy chúng ta “lễ kính chư Phật, xưng tán Như Lai, quảng tu cúng dường, sám hối nghiệp chướng”. Bốn cái nguyện này nhất thiết phải học tập, vậy thì bạn mới thật sự là tích công lũy đức. Ta cung kính người khác, tuyệt không xem nhẹ một ai, nhất định không dám xem thường một người nào, nuôi dưỡng đức hạnh của chính mình, không đối lập với ai. Đời đời kiếp kiếp quá khứ cho dù có hiềm khích, chúng ta trong đời này phải có phương pháp hóa giải, hóa thù thành bạn, biến oán thành thân. Bạn phải có thể làm được sự chuyển biến, oan gia nên giải không nên kết, giáo huấn của cổ Thánh tiên Hiền, ý nghĩa rất sâu rất rộng. Xưng tán Như Lai chính là xưng tán chỗ thiện của người khác, người mà chỉ có ác không có thiện thì bạn tìm không ra loại người này. Nói là chỉ có thiện không có ác, bạn cũng tìm không ra. Con người thì người nào cũng đều không phải là một đời, mà mỗi ngày, bất luận là tư duy, lời nói hành động đều là thiện ác hỗn tạp. Vậy thì chúng ta tán thán cái thiện của người, không nói lỗi lầm của người, thì phương pháp tu học “xưng tán Như Lai” là ở chỗ này. Quý vị xem Ngài không dùng chư Phật, ngài đổi lại dùng là Như Lai. Như Lai là gì? Như Lai là tánh đức. Nghĩa là bạn phải tán thán những việc tốt tương ưng với đức hạnh của họ, không phải việc tốt thì một câu cũng không nói. Thiện Tài Đồng Tử đã làm tấm gương cho ta thấy. Bạn xem ở trong 53 tham, cũng có người thị hiện ác hạnh. Thắng Nhiệt Bà-la-môn thị hiện ngu si, thị hiện ngu si ở trong tham sân si, Cam Lộ Hỏa Vương thị hiện sân hận, Thiện Tài Đồng Tử khi đi tham phỏng họ, chỉ có lễ kính không có tán thán. Việc này nói với ta rằng việc trái nghịch tánh đức thì không nói, bạn từ chỗ này mà hiểu được tuyệt đối không thể bàn nói lỗi lầm của người khác, chỗ sai của người khác. Nếu như bạn nói thì bạn đang tạo ra tranh chấp, bạn là đang phá hoại hòa bình, bạn tạo tội nghiệp rồi. Giữa con người với nhau không thể hòa thuận, chính là do bạn đã ăn nói lung tung.
Hiện tại cái thế giới này, dân chủ tự do mở cửa, người ta nói hay không, chúng ta không có quyền can dự. Từ bản thân mình mà bắt đầu làm, ít nhất là ta không nói. Chúng ta hy vọng được Tam Bảo gia trì, hy vọng được thiện thần bảo hộ, để khiến cho sự hành trì của chúng ta có thể mở rộng ảnh hưởng, để cho người khác nhìn thấy có thể học tập. Người xưa nói trong một trăm người mà có được một người có thể chân thật giác ngộ minh bạch, đừng nói lỗi lầm của tất cả mọi người, trong 100 người chỉ cần có 1 người thì xã hội này sẽ an định, có thể hòa bình. Hiện tại vì sao mà thiên hạ đại loạn? Vì trong một vạn người khó tìm được một người, chúng ta phải đem những đạo lý chân tướng sự thật này nói cho rõ ràng cho minh bạch, bản thân tôi đã làm được rồi, hy vọng chúng ta ở nơi này, có thể có thêm một số đồng học các vị đứng ra phát tâm làm. Đây là đề cao đức hạnh của chính mình, cũng là nhân tố cơ bản quan trọng nhất của việc cầu sanh Tịnh Độ, đích thực là lợi mình lợi người, đây mới gọi là tích công lũy đức, học Kinh giáo. Tốt! Bạn phát tâm thì nhất định được Tam Bảo gia trì, nhất định được thiện thần bảo hộ, nhưng mà vấn đề là bạn phải thật, bạn không phải là giả. Bạn có thể tự lừa gạt mình, có thể lừa gạt người khác, nhưng không thể lừa gạt Phật Bồ-tát được, lừa gạt quỷ thần cũng không được. Đây là cái đạo lý nhất định rồi. Đương nhiên việc học tập mấu chốt quan trọng nhất là thầy, bạn phải thân cận thiện tri thức.
Thiện tri thức chân thật là ai vậy? Thích-ca Mâu-ni Phật, A-di-đà Phật mới chân thật là thiện tri thức. Việc này bạn nhất định phải hiểu. Phật Thích-ca, Phật Di-đà ở đâu vậy? Ở trong Kinh Vô Lượng Thọ. Bạn có thể ngày ngày thân cận Kinh Vô Lượng Thọ, đọc tụng Kinh Vô Lượng Thọ, y giáo phụng hành, thì bạn đã thân cận Phật Thích-ca, Phật Di-đà. Việc này không thể không biết. Không nhất định phải theo bên cạnh họ, theo cạnh họ cũng không có ích gì. Ở Trung Quốc, người Trung Quốc xưa gọi là học trò tư thục, người thứ nhất là Mạnh Tử, tư thục nghĩa là tự mình cùng học với họ. Họ còn sống hay không? Họ không còn sống. Thầy không còn tại thế, Thầy không còn thì học Thầy như thế nào? Trước tác của Thầy vẫn còn ở thế gian. Mạnh Tử là người học Khổng Tử, vào lúc đó thì Khổng Tử đã qua đời rồi, sách của Khổng Tử thì còn. Ngài tìm sách của Khổng Tử, đọc sách của Khổng Tử để học, có chỗ nào còn nghi vấn thì đi tìm học trò của đức Khổng Tử, thỉnh giáo họ giảng giải. Thầy của Ngài là Khổng Tử, Ngài chân thật đã học thành công, học còn giỏi hơn cả những học trò mà năm xưa đức Khổng Tử dạy khi còn tại thế. Vị học trò nào cũng không bằng Mạnh Tử, Ngài chân thật đã học thành công. Cho nên bạn xem thấy trong lịch sử, xưng tán đức Khổng Tử là Chí Thánh Tiên sư, xưng Mạnh Tử là Á Thánh. Đây chính là nói không trực tiếp học với thầy nhưng chân thật là đã học với thầy, đã học thành công. Mạnh Tử đã làm ra cái ví dụ này. Sau này ở bên Trung Quốc, đời đời đều có người thành tựu theo cách như vậy. Mạnh Tử học Khổng Tử, đó là học Thánh nhân, đại Thánh đại Hiền. Ngoài Ngài ra còn có một người nữa cũng học Khổng Tử, là Tả Khâu Minh. Tả Khâu Minh đã học Khổng Lão Phu Tử một bộ sách là Xuân Thu, Khổng Tử đã viết sáchXuân Thu (Xuân Thu chính là sách lịch sử mà đức Khổng Tử đã viết). Tả Khâu Minh chuyên môn học cái này, sau đó làm chú giải cho Xuân Thu. Hiện nay chúng ta đều biết, chú giải đó chính là Tả Truyện trong 13 Kinh. Kỳ thực học Xuân Thu được thành tựu nhất có được ba người, Tả Khâu Minh là một người. Tả Truyện rồi Công Dương Truyện, Cốc Lương Truyện, trong số ba người này thì đích thực Tả Khâu Minh là giỏi nhất, đây cũng là đã học thành công rồi. Đại Nho gia Tư Mã Thiên của thời hậu Hán, đây là người viết Sử Ký, đây là bộ chính sử đầu tiên của Trung Quốc. Sử Ký là thông sử. Tư Mã Thiên đã học ai vậy? Xin nói các vị biết, Tư Mã Thiên là học trò tư thục của Tả Khâu Minh. Hai người không cùng một thời đại, cách nhau mấy trăm năm, Tư Mã Thiên chuyên môn học về Tả Truyện, đều đã học thành công rồi, đều không phải học trực tiếp với Thầy, Thầy đều là người đã quá vãng.
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 311)
Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Khởi giảng năm 1998
Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập : 119
Hôm nay : 22729
Tháng hiện tại : 546807
Tổng lượt truy cập : 56608506
ĐỒNG TU HỎI TÔI- THẦY CÓ SỢ CHẾT HAY KHÔNG?
Có một số đồng tu hỏi tôi, hỏi thầy có sợ chết hay không? tôi nói với họ tôi không sợ chết, tôi không có khái niệm này, không hề có khái niệm sanh tử, mỗi một ngày đều là tùy duyên độ nhật, tuổi tác cũng đã lớn rồi, giảng kinh sắp giảng không nổi nữa, tôi vô cùng xem trọng người kế thừa, cho nên khi tôi 50 tuổi, thì đã rất coi trọng việc bồi dưỡng những người kế thừa, tôi có thể không giảng kinh, nhưng kinh thì không thể đoạn dứt, người có thể giảng, ưa thích giảng, tôi đều đề bạt họ, bồi dưỡng từng người từng người một. khi tôi đi rồi thì cũng sẽ có rất nhiều người giảng tốt hơn tôi, tôi rất mãn ý, hỏi tôi là có sợ chết hay không, không sợ, thật sự là không sợ, 1 chút cũng không sợ, người ta vì sao lại sợ chết? vì họ không có sự chuẩn bị. tôi thì đã chuẩn bị rất kỹ rồi, cho nên tôi không sợ chết, so với hầu hết mọi người thì không như họ, chúng tôi ngày ngày nhớ nghĩ Thế Giới Cực Lạc, niệm niệm đều là niệm A Di Đà Phật, tôi khuyên mọi người niệm Phật cầu sanh Di Đà Tịnh Độ, thì bản thân tôi sao có thể không làm? Nếu tôi không làm, thì những người học sẽ nói tôi lừa gạt họ, vậy thì tôi có lỗi với họ, Thế Giới Cực Lạc là có thật, A Di Đà Phật là có thật, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là có thật, ngày ngày đều có, mọi lúc mọi nơi đều có thể đến Thế Giới Cực Lạc. hoan hoan hỷ hỷ, Phật đã nói với chúng ta, phàm việc gì cũng đều có nhân có quả, bệnh dịch là có nhân quả, nhân là gì? tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, nói tới nói lui vẫn là tâm tưởng, đồng tu chúng ta đã học Phật rồi, vĩnh viễn không có sự lo sợ, chúng ta đi theo Thích Ca Mâu Ni Phật, tiền đồ thuận buồm xuôi gió, tiền đồ vô cùng tươi sáng, sau khi học Phật, niệm niệm cầu sanh Tịnh Độ, chúng ta rõ ràng thấu suốt đối với Thế Giới Cực Lạc, thì việc vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là thật sự nắm phần chắc chắn, hy vọng các đồng học xem nhẹ sự sanh tử, đem việc sanh tử nắm trong lòng bàn tay, không phải nằm trong tay vua Diêm La, mà nằm trong lòng bàn tay chúng ta, muốn đi là đi, muốn ở là ở, tốt, đối trước đại chúng đồng tu, cùng nhau niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, mỗi ngày đều không thiếu thời khóa, đồng tu còn sợ hãi vẫn là không ít, chúng ta hãy giúp đỡ họ, để giúp họ thì trước tiên bản thân mình không sợ, thì họ mới có thể tin, làm thế nào để giúp những đồng học còn sợ chết? đây là sứ mệnh của chúng ta, đọc kinh, đọc thuộc kinh điển, có thể chuyển sợ hãi thành không sợ, không còn sợ đạt đến mức nào? tự tại vãng sanh, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là chắc chắn, là thật không phải giả. Ta Bà này khổ, hà tất gì phải lưu luyến? bạn còn lưu luyến đối với Ta bà cho nên bạn mới sợ chết, không còn lưu luyến Ta bà thì mới không sợ, cho nên đối diện với trùng trùng sự bất an trong xã hội ngày nay, chúng tôi đều khuyến khích mọi người không nên sợ hãi, an vui là niệm cho thật tốt câu Phật hiệu này, A Di Đà Phật nhất định sẽ đến tiếp dẫn, không bỏ sót 1 người nào, lòng tin sẽ quyết định hết thảy, việc này rất quan trọng, mọi người đều có sức khỏe tốt hơn tôi. Phải nên dụng công, phải nên nỗ lực, nếu thấy được A Di Đà Phật ở tại Thế Giới Cực Lạc hoan nghênh chúng ta, chúng ta thấy được niềm hoan hỷ vô hạn, thì nguyện vọng của 1 đời cũng xem như viên mãn. Sống ở tại thế giới này, sống 1 ngày thì làm 1 ngày, sống 2 ngày thì làm 2 ngày, vãng sanh đến Thế Giới Cực Lạc thì đồng học sẽ cùng A Di Đà Phật đến tiếp dẫn, cho nên việc giúp đỡ trợ niệm cho các đồng học là công đức rất lớn, ta đi đón họ, học cũng sẽ đến đón ta, tuyệt đối không uổng công, tuyệt đối không phải giả, những tin tức về bệnh dịch hiện này chúng ta không xem, niệm A Di Đà Phật thì mới thật sự là có ích, đây mới là việc quan trọng cấp bách chứ không phải là việc gì khác. Phật đến tiếp dẫn chúng ta, Bồ Tát đến tiếp dẫn chúng ta, đồng tham đạo hữu cũng đều đến tiếp dẫn chúng ta. Tin sâu không nghi, thì các ngài nhất định sẽ đến tiếp dẫn vãng sanh. Khi đến tiếp dẫn thì sẽ còn náo nhiệt hơn ở hội trường này, khi đến tiếp dẫn thì cũng không nên khách sáo, phải kiên định tín nguyện, tín nguyện vãng sanh.