Lấy giáo dục hoằng dương Phật pháp. Lấy giảng giải bồi dưỡng nhân tài. Lấy từ bi lợi ích xã hội. Lấy chân thành phát triển giao lưu. Lấy chuyên tu cầu sanh Tịnh Độ.

Trang chủ »Pháp ngữ »Kinh Vô Lượng Thọ

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 280)

Thứ ba - 17/05/2016 07:26

Thế giới Tây Phương Cực Lạc vì sao mà mọi thứ đều tốt đẹp vậy? Chúng sanh ngày ngày nghe A Di Đà Phật giảng Kinh thuyết pháp, hết thảy vạn vật đều đang nghe Phật giảng Kinh thuyết pháp, không những đang nghe Kinh mà chúng còn đang niệm Phật. Cho nên Thế Tôn đã nói với chúng ta ở trong một phẩm sau cùng của bộ Kinh này, chúng sanh ở Thế giới Ta Bà này của chúng ta nhĩ căn là lợi nhất. Trên hội Lăng Nghiêm, “Bồ Tát Văn Thù giảng tuyển viên thông, Ngài nói:“Thử phương chân giáo thể, thanh tịnh tại âm văn”.

Thế giới vô lượng vô biên, mỗi một thế giới chúng sanh (đây là nói đại đa số), căn tánh thì không phải hoàn toàn tương đồng.Thế gian này của chúng ta, chúng sanh căn tánh lợi nhất là nhĩ căn. Có những lúc bạn xem thì không hiểu, nghe thì lại hiểu, cho nên Thích Ca Mâu Ni Phật năm xưa còn tại thế chính là dùng âm thanh để làm Phật sự, ngày ngày giảng giải cho mọi người. Người nghe Phật giảng Kinh đã giác ngộ, đã khai ngộ. Ngày xưa Khổng Lão Phu Tử dạy học cũng là dùng cách giảng dạy, giảng thuật, đương nhiên có khi thì cũng hiện tướng, dùng hình tượng, nhưng mà vẫn lấy âm thanh làm chủ yếu, những cái khác đều là phụ trợ, lấy âm thanh làm chủ đạo. Đây là sáu căn lợi độn không như nhau.Do đó, Ta Bà Thế giới nhĩ căn là lợi nhất.

Tương lai sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, khi bạn ở tại nơi đó tu hành thành Phật, công phu tu hành của bạn viên mãn thành tựu rồi, thành Phật rồi thì sẽ không trụ ở Thế giới Cực Lạc nữa. Sau khi thành Phật rồi thì đi đến nơi nào? Đi đến tha phương thế giới, đi độ hóa chúng sanh.Độ hóa chúng sanh, Phật có danh hiệu, tương lai bạn có danh hiệu là gì? Là Diệu Âm Như Lai. Đây là Phật đã nói với chúng ta, tương lai người ở Thế giới Ta Bà chúng ta đi đến đó hết thảy đều đồng một danh hiệu, “đồng danh hiệu Diệu Âm Như Lai”, cho nên hiện tại chúng ta quy y đều dùng chữ “Diệu Âm”. Nhân quả tương ưng mà! Hiện tại thì gọi là Diệu Âm cư sĩ, tương lai sẽ là Diệu Âm Như Lai, cho nên chúng ta dùng Pháp danh này là do Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói với chúng ta trên “Kinh Vô Lượng Thọ”.

Diệu Âm nghĩa là gì? Chính là âm thanh niệm A Di Đà Phật, câu Phật hiệu này gọi là Diệu Âm. Đọc tụng “Kinh Vô Lượng Thọ”, âm thanh đọc tụng “Kinh Vô Lượng Thọ” cũng gọi là Diệu Âm. Hết thảy chúng sanh căn tánh chỉ có sáu loại, chỉ có sáu căn, chúng ta liền nghĩ đến, phàm là dùng nhĩ căn thì đều được gọi là Diệu Âm, vì thế chữ Diệu Âm này chúng ta hãy tỉ mỉ mà thể hội, không chỉ thế giới Ta Bà chúng ta mà thế giới tha phương có nhĩ căn lợi thì nhất định cũng đều dùng chữ Diệu Âm, đồng danh Diệu Âm. Chúng ta xem thấy ở trên “Kinh Hoa Nghiêm”, có một số thế giới thì chúng sanh có nhãn căn lợi, có một số thế giới là tỉ căn lợi, hoặc là thiệt căn lợi, đều không như nhau, nhưng nhĩ căn lợi thì chiếm đa số.

Các vị hôm nay có phát tâm quy y. Quy y nhất định phải hiểu được ý nghĩa của quy y.Bởi vì chúng ta người thì nhiều, thời gian lại ít, chúng ta chỉ làm một nghi thức để nói rõ việc này. Hình như chúng ta có bốn băng ghi âm, lúc trước đã có giảng tường tận đến bốn lần, bên này cũng đã có lưu hành đĩa CD, các vị đem về nghe nhiều một chút. Mỗi một lần giảng đều không giống nhau, mọi người nên nghe nhiều một chút. Ngoài ra vẫn còn có một quyển sách “Truyền Thụ Tam Quy” nhỏ nữa. Hy vọng mọi người nên nghe nhiều xem nhiều một chút. Phải hiểu cho rõ ràng cho thấu đáo ý nghĩa của Tam Quy Y, đó mới thật sự gọi là quy y. Nếu như chỉ có hình thức mà không có nội dung, thì việc quy y này là không đáng tin, chỉ là quy y trên hình thức chứ không có thực chất. Phật pháp trọng thực chất không trọng hình thức, cho nên hình thức thì không có liên quan gì.

Phật, Pháp, Tăng chính là Giác, Chánh, Tịnh. Quy y Phật là quy y tự tánh giác, quy y pháp là quy y tự tánh chánh (chánh nghĩa là chánh tri chánh kiến), quy y tăng, tăng là tự tánh tịnh, sáu căn thanh tịnh một trần không nhiễm. Nhất định phải hiểu được ý nghĩa này, vậy thì bạn thật sự đã quy y. Cho nên quy y không phải là quy y hình tượng của Tam Bảo, mà là quy y tự tánh Tam bảo của bạn, thì bạn mới được thọ dụng. Bạn nhất định phải y theo giác chánh tịnh của tự tánh để mà tu hành.

Giác chánh tịnh của tự tánh chính là thâm tâm ở trong “Bồ Đề tâm” mà tôi đã nói. Tôi đã nói năm cái là chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi, ba cái trong đó chính là giác chánh tịnh. Thanh tịnh, bình đẳng là chánh, chánh giác là giác, cho nên thanh tịnh bình đẳng giác chính là giác chánh tịnh, chính là giới định tuệ. Giác là huệ, thanh tịnh là giới, bình đẳng là định.Cho nên đề Kinh của chúng ta “Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác” chính là giới định huệ tam học, chính là Phật Pháp Tăng Tam bảo, cho nên Tam bảo, tam học đều nằm ở trên đề Kinh. Chúng ta thêm một chữ “chân thành” vào phía trước, là thể của Bồ Đề tâm; phía sau thì lại thêm chữ “từ bi”, đó là tha thọ dụng của Bồ Đề tâm, giác chánh tịnh là tự thọ dụng. Bạn hãy nên làm cho rõ ràng, làm cho minh bạch, sau đó thì biết được quy là quay về từ chỗ nào, y là nương nhờ vào cái gì. Bạn mà rõ ràng minh bạch thông suốt thấu đáo rồi, thì sự tu hành của chúng ta sẽ không đi lạc lối, cũng sẽ không đi sai đường. Rất là quan trọng.

“Ao báu” nằm ở hai bên của giảng đường, khắp nơi đều là như vậy. Giảng đường ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc san sát nhau, giảng đường thì quá nhiều, vì người đông mà! Ở trong mỗi một giảng đường thì người giảng Kinh đều là A Di Đà Phật. Cho nên đừng lo khi đến Tây Phương Cực Lạc Thế giới, đất thì quá rộng, người thì quá đông, tôi phải đi tới nơi nào mới có thể gặp A Di Đà Phật? Mỗi một giảng đường đều có A Di Đà Phật. Người trong mỗi giảng đường cũng không nhiều, cho nên tôi thường nói họ là chia lớp để dạy học, là quy chế lớp nhỏ, vì thế họ thành tựu rất thù thắng.

Ao báu nước công đức ở hai bên giảng đường “tuyền trì giao lưu”.Tình trạng như vậy không thể tìm thấy ở Singapore này. Hai năm nay tôi sống ở Úc Châu, từ bãi biển vàng Úc Châu có thể nhìn thấy được suối và hồ giao nhau, bãi biển vàng nằm bên cạnh bờ biển. Trong thành phố này thì sông ngòi chằng chịt rất nhiều, mỗi một nhà đều có bến cảng nhỏ, đều có du thuyền nhỏ, bạn đi xuống phố có thể không cần phải lái xe, lái những chiếc du thuyền đó đi là được rồi, bạn mới thấy được “tuyền trì giao lưu”. Ở tại Tô Châu Trung Quốc hiện tại cũng là tuyền trì giao lưu như vậy. Bạn có thể nhìn thấy được, vì là vùng sông nước. Tại Châu Âu,nổi tiếng nhất là Thụy Sĩ cũng là vùng sông nước.

Tiếp đến lại nói với bạn cái ao sen này sâu và rộng.“Tung hoành” là nói rộng, “thâm thiển” là nói độ sâu của nó.

“Giai các nhất đẳng”.“Giai các nhất đẳng” là cách nói như thế nào? “Các” nghĩa là mỗi cái đều không như nhau,“đẳng” là nói có chỗ ngang như nhau.Chính là nói ao nước tám công đức là ngang như nhau,nhưng độ lớn nhỏ của ao thì cũng khác nhau, có cái “10 Do-tuần”, có cái thì 20 Do-tuần, cho đến trăm nghìn do-tuần. Độ lớn của ao tùy vào ý muốn của mỗi người, bạn muốn lớn thì ao liền biến lớn, muốn nhỏ thì ao liền biến nhỏ, nó có thể tùy theo ý người. Giống như nhà cửa mà người ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc ở vậy, ta muốn ở trong một ngôi nhà to thì nhà cửa liền biến to, muốn ngôi nhà nhỏ thì nhà liền biến nhỏ lại. Phòng ốc bên trong nhà ở Thế giới Tây Phương rất là sạch sẽ, không có một hạt bụi, cái gì cũng không có, không có bày đồ gia dụng đầy cả nhà, vậy thì phiền quá, bên đó thì không có gì cả. Vì sao vậy? Vì tất cả mọi thứ đều thành tựu ra từ trong ý niệm, ta muốn một cái bàn thì cái bàn hiện ngay trước mặt, không cần dùng nữa thì cái bàn này liền biến mất.Bạn xem, tự tại biết bao. Cho nên không cần dùng đến nhà kho, không có nhiều chuyện phiền phức như vậy. Không cần phải dọn dẹp.Khi ăn cơm, trong lòng nghĩ muốn ăn cơm, phía sau đều có nói đến với bạn, đồ dùng bàn ăn liền nằm ở trước mặt bạn. Đồ dùng đều là thất bảo. Trong mỗi đĩa thức ăn đều rất phong phú, đều là những món mình thích ăn.Thật tình đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc thì làm gì còn việc ăn uống? Vì sao mà vẫn còn sự việc này? Vì tập khí ở trong “A Lại Da Thức” của bạn chưa đoạn, có những lúc đột nhiên nghĩ đến mình chưa ăn gì thì thức ăn liền đến. Khi vừa nhìn thấy, liền nghĩ ta đã không phải là người phàm nữa, những thứ này không cần nữa thì những thứ này liền không còn nữa. Cho nên đó là tập khí, đến khi nào bạn mê thì nó liền xuất hiện, khi bạn giác ngộ thì nó sẽ không còn nữa, cho nên thế giới này thật không thể nghĩ bàn.

Phòng ốc, nhà cửa nơi cư trú đều là lớn nhỏ tùy theo ý muốn, nằm trên không trung hay nằm trên mặt đất đều là tùy theo ý mình.Cho nên nếu bạn muốn hỏi, người ở Tây Phương Cực Lạc Thế giới đến tha phương thế giới để tham học, để bái Phật, bái Phật không phải là từ thế giới này đi đến thế giới khác, như vậy thì cự ly sẽ rất xa xôi. Họ không phải là ngồi máy bay. Ngồi máy bay thì ngồi mấy vạn năm cũng chưa tới, cũng bay không tới nổi. Họ đi như thế nào? Chính là nhà cửa của họ sẽ đi. Nhà cửa của họ có thể bay, vận tốc mà nó bay nhanh hơn máy bay không biết bao nhiêu lần. Chúng ta ngồi máy bay phải mấy vạn năm, họ không đến một giây thì đã tới, tới nơi rất nhanh chóng, cho nên quả thật là tận hư không khắp pháp giới cũng giống như trong một thành phố vậy, thật quá thuận tiện, chỉ trong một niệm thì đã tới, không có một chút chướng ngại nào, không có điều gì mà không xứng tánh.Do đó, độ lớn nhỏ của ao báu là tùy theo ý muốn của người.

Kinh văn: “Trạm nhiên hương khiết, cụ bát công đức”.

Vừa mới báo cáo sơ lược qua với các vị, nước ở Thế giới Cực Lạc có thể khiến chúng sanh tăng trưởng các loại thiện căn thù thắng, không những có thể giải khát, có thể no bụng mà còn có thể trưởng dưỡng tất cả thiện căn.

Mời xem đoạn tiếp theo:

Kinh văn: “Ngạn biên vô số Chiên Đàn hương thụ, cát tường quả thụ, hoa quả hằng phương, quang minh chiếu diệu. Tu điều mật diệp, giao phú ư trì. Xuất chủng chủng hương, thế vô năng dụ. Tùy phong tán phức, duyên thủy lưu phân”.

Chúng ta đọc đoạn Kinh văn này, tưởng tượng đến cảnh giới của Thế giới Tây Phương Cực Lạc, liền nảy sinh cái tâm hướng về đó. Có thể đi được hay không? Ở trên Kinh Đại Thừa Phật thường nói: “Tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ”, bạn nói xem có thể đi hay không? A Di Đà Phật Thế giới Cực Lạc là tự tánh chúng ta biến hiện ra, Thế giới Ta Bà nơi này cũng là tự tánh chúng ta biến hiện ra, đây chính là khẳng định chúng ta có phần. Nói một cách khác, là bạn có muốn đi hay không? Bạn có muốn đi hay không? Bạn muốn đi thì bạn sẽ đi, bạn không muốn đi vậy thì cũng hết cách, cho nên có thể vãng sanh hay không đều ở tại chính mình, không phải ở A Di Đà Phật. Chúng ta chân thật phát nguyện muốn đi, Phật nhất định sẽ đến tiếp dẫn bạn. Vì sao vậy? Vì Ngài đã phát 48 nguyện rồi.Người ở thế giới mười phương vãng sanh, Phật nhất định đến tiếp dẫn. Quan niệm này phải chắc chắn, phải kiên định, vì sao vậy? Vì đến lúc lâm chung nếu như A Di Đà Phật không có đến, thì phải đợi Ngài, không thể cuống lên, cảm ứng đạo giao Ngài nhất định sẽ đến.

Nếu như là người niệm Phật, trong tâm chúng ta cầu sanh về Thế giới Tây Phương Cực Lạc, đến lúc lâm chung Phật Thích Ca Mâu Ni liền đến.Cósự việc này. Không phải A Di Đà Phật mà là Thích Ca Mâu Ni Phật thì bạn không thể đi theo được, bạn mà đi theo thì bạn đã mắc lừa. Vị đó có phải thật sự là Thích Ca Mâu Ni Phật hay không? Không phải, đó là oan gia trái chủ của bạn đã biến hiện ra như vậy để lừa gạt bạn, dẫn dắt bạn đi vào ác đạo để tính sổ với bạn. Sự việc này ở trong “Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện” đã nói được rất rõ ràng.

Vậy lúc lâm chung Quan Thế Âm Bồ Tát đến tiếp dẫn thì có thể đi hay không? Đại Thế Chí Bồ Tát đến tiếp dẫn có thể đi hay không? Đều ở tại ý nguyện của mình. Bạn lòng tin của chính mình vô cùng kiên định, tôi nhất định muốn Tây Phương Tam Thánh cùng nhau đến tiếp dẫn tôi, thiếu một vị tôi cũng không đi, Tây Phương Tam Thánh khẳng định sẽ đến đón bạn. Nếu như bạn nói A Di Đà Phật đến thì được rồi, vậy thì khi bạn lâm chung có thể nhìn thấy được A Di Đà Phật, khẳng định là A Di Đà Phật đến tiếp dẫn. Cho nên khi bình thường thì lòng tin của chúng ta phải kiên định, quyết định không thể hoài nghi. Sự việc này hết thảy đều là do cảm ứng, cảm ứng không thể nghĩ bàn.

Đoạn Kinh văn này giới thiệu trên bờ ở xung quanh ao báu, trên bờ có vô số cây Chiên Đàn Hương. Chiên Đàn thì chúng ta thường hay gọi là Đàn Hương, nhưng mà không phải loại cây Chiên Đàn mà Phật nói ở trên Kinh. Cây Chiên Đàn này là Bảo Hương, Phật nói ngày xưa thì có, vì sao vậy? Vì con người có phước báo, bởi vì cảnh tùy tâm chuyển. Ngày xưa thì lòng người rất là lương thiện, cho nên có rất nhiều bảo vật. Hiện tại các đồng học chúng ta đã học qua khoa học thì đều biết, tất cả vật chất ở thế gian, khoa học gia đem đi phân tích, phân tích thành phân tử, phân tích thành nguyên tử, phân tích thành hạt cơ bản, phân tích đến sau cùng thì mọi thứ đều giống nhau. Vì sao thế gian này cũng giống như bảo thạch, bảo vật lại có nhiều chủng loại đến như vậy? Nhà khoa học nói với chúng ta, hoàn toàn đều là do những hạt lạp tử cơ bản này cấu thành hình dạng không như nhau, nhà khoa học nói đó là công thức sắp xếp không như nhau, trên thực tế thì tất cả đều như nhau. Hết thảy đều như nhau thì chính là pháp bình đẳng. Sự phát hiện của nhà khoa học cùng với trên “Kinh Kim Cang” là cùng một sự việc. “Kinh Kim Cang” nói là “nhất hợp tướng”. Nhất hợp tướng chính là nói một loại vật chất cơ bản, chỉ là sự tổ hợp không như nhau mà thôi. Hợp là tổ hợp, hiện tại thì nói là phương trình hóa học không như nhau, hình thức tổ hợp không như nhau. Cũng như chúng ta xem hình chụp sự kết tinh của nước vậy, đó chính là sự tổ hợp sắp xếp không như nhau. Nó cũng có tâm tư, nó đối với những chữ như “yêu thương và cảm ân, cảm tạ”, thì sự kết tinh của nó rất đẹp đẽ; nếu như là có ác niệm, sân hận, nó cảm ứng mà kết tinh thành hình dạng rất là xấu xí. Bạn hiểu được đạo lý này, bạn sẽ hiểu được lòng người lương thiện thì vạn vật sẽ thay đổi bản chất. Cho nên có bảo hương.

Ở trên Kinh Phật nói với chúng ta về cây Chiên Đàn, cây Chiên Đàn thật sự thì khi đốt một viên (một viên này là rất nhỏ, đại khái thì một viên to cỡ một hạt đậu phộng), mùi hương của nó có thể lan ra đến 40 dặm xung quanh, ở tại đất nước Singapore này thì cả nước sẽ đều ngửi thấy. Loại hương thơm này hiện tại không còn nữa. Vả lại, loại mùi hương này còn có thể trị bệnh. Nếu như thành phố này có ôn dịch, có bệnh truyền nhiễm, đốt một viên hương thơm này thì các loại bệnh dịch đều mất hết, cho nên đây là bảo.

Trong lịch sử của Trung Quốc có ghi chép, đại khái là vào thời Tùy Đường, có một vị Pháp sư Ấn Độ mang theo Chiên Đàn. Ông mang theo không nhiều, chỉ khoảng bốn lượng. Ông muốn đem cái này tặng cho Hoàng đế.  Vào thời xưa tặng đồ cho Hoàng đế thì số lượng ít nhất cũng phải là một cân, chỉ có bốn lượng này của ông thì người ta không nhận, cũng không biết đó là cái gì, lễ vật để tiến cống cho Hoàng đế mà phân lượng quá ít nên không nhận. Pháp sư liền đốt thử một viên, thế là cả thành Trường An (thành Trường An khi đó là thủ đô) đều ngửi thấy, thì mới biết đây là báu vật nên bốn lượng cũng nhận luôn. Trong lịch sử của Trung Quốc có ghi chép một lần như thế, vô cùng vô cùng hiếm có.

Thế giới Tây Phương Cực Lạc đi đến đâu cũng có cây Chiên Đàn. Hiện tại thì chúng ta hiểu được đây là gì? Cảm ứng đạo giao, người ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc tâm địa lương thiện, thanh tịnh, bình đẳng, từ bi, ngày ngày nghe Phật thuyết pháp, ngày ngày nghiên cứu thảo luận, cùng nhau niệm Phật, Kinh hành cộng tu, cho nên cảm được vật chất ở thế giới này khiến nó không giống như tất cả chư Phật Sát-độ khác. Các vị nghĩ xem, có Sát-độ chư Phật nào mà tất cả toàn bộ chúng sanh ngày ngày đều đang dụng công, ngày ngày đều đang học Phật hay không? Không có, duy chỉ có Thế giới Tây Phương Cực Lạc. Thế giới Tây Phương Cực Lạc không có các ngành các nghề như ở trong xã hội này của chúng ta, Thế Giới Tây Phương chỉ có dạy học, chỉ có lão sư, chỉ có học trò, ngoài lão sư và học trò ra thì tìm một ngành nghề nào khác cũng không có, vì thế chân thật xứng với danh xưng là Đại học Phật Giáo.

Chúng ta muốn đi học Viện Phật Học, học Đại học Phật Giáo, thì nên đi đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc. Ở nơi đó bạn muốn học cái gì cũng đều có, cái gì cũng có, bao gồm cả khoa học kỹ thuật hiện nay. Ở bên đó đều không thiếu thứ gì.

Chiên Đàn bảo thụ, Cát Tường quả thụ. Cát Tường quả thụ thì bên Trung Quốc không có, nghe nói ở Ấn Độ thì có, đó rốt cuộc là loại cây gì thì chúng ta hiện tại cũng không có cách gì để khảo sát, người xưa ở Trung Quốc thì lấy cây lựu ra để làm ví dụ. Vì sao vậy? Cây lựu có nhiều cây con, người Trung Quốc lấy nó ví dụ cho con đàn cháu đống, vậy thì cát tường rồi, nên lấy cái ý nghĩa này. Có phải là quả của cây Cát Tường ở Ấn Độ hay không thì không thể nói, rất khó nói, nhưng mà lấy ý nghĩa này rất hay, cho nên quả lựu ở Trung Quốc là quả may mắn cát tường, người Trung Quốc đem nó xem thành loại quả cát tường may mắn. Đây là đã lược lấy hai loại. Chủng loại của bảo thụ thì rất là nhiều.

“Hoa quả hằng phương”, nhấn mạnh ở chữ hằng này. Hằng là không có tàn héo. Không giống như thế giới này của chúng ta, thế giới này của chúng ta cây cối sinh sôi mùa xuân, lớn lên trong mùa hè, đến mùa thu thì cây vàng lá, mùa đông thì rụng lá, chúng bốn mùa đều biến hóa không như nhau, nó không phải là thường hằng. Cây ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc là cây báu, cành lá hoa trái vĩnh viễn không héo úa, vì sao vậy? Nó không phải được sinh ra. Không giống như cây cối bên này của chúng ta, đều lớn lên từ cây con, bên đó thì không, bên đó là biến hóa ra, là hóa sanh ra. Vãng sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc cũng không phải là đến đó thì phải đi đầu thai rồi từ nhỏ dần dần lớn lên, mà đến Thế giới Cực Lạc thì thân tướng của ta với A Di Đà Phật là như nhau, là hóa thân đến, biến hóa sanh ra. Người đới nghiệp vãng sanh Phàm Thánh Đồng Cư Độ hạ hạ phẩm vãng sanh, sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc thì hoa sen hóa sanh, cho nên đến được Thế giới Tây Phương thì hình tướng thân thể sẽ y như Bồ Tát ở Thế giới Cực Lạc.Do đó,điểm này khiến người mới học Phật chúng ta sinh nghi ngờ, đi đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc tướng mạo của mỗi người giống y như A Di Đà Phật, cao như nhau, mập ốm cũng như nhau, vậy thì rốt cuộc ai mới là A Di Đà Phật đây? Bạn có bị nhầm lẫn hay không? Đi đến nơi đó rồi thì bạn có trí huệ, có thần thông, nên sẽ không nhận sai. Nếu như không có trí huệ, không có thần thông, thì đó thật sự là mê hoặc rồi, không biết được đâu là A Di Đà Phật.

Thế giới Tây Phương là thế giới bình đẳng, thế giới này của chúng ta nhân tâm bất bình, tướng mạo không như nhau, cho nên không bình đẳng. Tướng mạo tốt thì có cái tâm ngạo mạn, tướng mạo kém một chút thì có tâm mặc cảm tự ti, đây là buồn phiền rồi, đây là sanh phiền não. Vì thế hãy đi đến Thế giới Cực Lạc, mọi người tướng mạo đều như nhau, cao lùn mập ốm đều như nhau, bạn làm gì còn có tâm ngạo mạn,làm gì có mặc cảm tự ti? Tất cả đều không có. Đây là chỗ rất tài ba của A Di Đà Phật, đây là sự cao siêu đạt đến cùng cực, để cho chúng ta mang theo phiền não tập khí nhưng vĩnh viễn không có cơ hội để hiện hành. Cho nên bên đó là pháp giới bình đẳng. Từ chỗ này chúng ta có thể thể hội được, hết thảy là hóa sanh, biến hóa ra.Cây cối hoa cỏ đều tỏa hương thơm vĩnh viễn, quyết định không có việc bị tàn úa.

“Quang minh chiếu diệu”. Cái quang minh này là từ tâm thanh tịnh, là từ tự tánh vốn có trí huệ Bát nhã thấu lộ ra. Không những là chúng sanh hữu tình, những vị Phật Bồ Tát, những người vãng sanh này trên thân đều có hào quang, là trí huệ bên trong thấu lộ ra, mà tất cả vạn vật cũng đều không ngoại lệ, cho nên Thế giới Tây Phương Cực Lạc không có ban đêm, bởi vì thế giới ấy không cần đến mặt trời mặt trăng, không cần đến ánh đèn, thân của mỗi người đều phóng quang, tất cả vạn vật đều phóng hào quang, cây cối hoa cỏ đều phóng quang, nước cũng phóng quang, cho nên đó là thế giới đầy ánh sáng, không có bóng tối. Lại nói với các vị, người ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc có tuổi thọ vô lượng, vĩnh viễn không có bệnh tật, không có việc phải đi ngủ hay nằm nghỉ một chút. Vừa đi ngủ thì đã hôn trầm rồi, đó là phiền não. Người ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc vĩnh viễn không bị hôn trầm, tràn đầy tinh thần, không cần phải ăn uống. Chúng ta thắc mắc, làm thế nào mà họ lại tràn đầy tinh thần đến như vậy? Vì xứng tánh, ở trong tánh đức không có những thứ phiền não này, không có tập khí, họ hoàn toàn là tự tánh khởi dụng. Do đó, chúng ta hôm nay tuy rằng phiền não tập khí chưa đoạn, nhưng mà nhất định phải biết, phải hiểu rằng ở ngay trong cuộc sống thường ngày khởi tâm động niệm phải tùy thuận tánh đức, tập thành thói quen này. Vì sao vậy? Vì để lúc vãng sanh sẽ không có chướng ngại.Phải tùy thuận tánh đức, không thể tùy thuận phiền não tập khí.

“Tu điều, mật diệp, giao phú ư trù”. Đây là miêu tả hình dáng của cây báu.“Điều” nghĩa là cành nhánh, “tu” nghĩa là dài, cành nhánh rất dài, rất đẹp, lá rất dày đặc, không có lưa thưa lớt thớt, cây cối rậm rạp, hai bên bờ đan vào nhau che kín cả ao báu, cho nên khi ở dưới ao mà nhìn lên thì những cái cây báu này đã che phủ hết. Bạn xem, cảnh như vậy thì vô cùng tuyệtđẹp.

“Xuất chủng chủng hương, thế vô năng dụ”.Những loại hương báu này thế gian chúng ta không có.Thế gian chúng ta vì sao mà không có? Vì tâm người ở thế gian này của chúng ta không giống như họ bên đó, tâm không như nhau, ngôn ngữ cũng không như nhau (ngôn ngữ của chúng ta quá tầm thường), hành vi không như nhau. Người ở Thế giới Cực Lạc chúng ta dùng cách đơn giản nhất để mà nói, tâm của mỗi một người, trong lúc tôi giảng Kinh cũng thường nói, sự chân thành của họ là tận hư không khắp pháp giới, sự thanh tịnh bình đẳng của họ cũng là tận hư không khắp pháp giới, chánh giác từ bi của họ cũng là tận hư không khắp pháp giới, “tâm bao thái hư, lượng châu sa giới”, cho nên đã cảm ứng được y chánh trang nghiêm không cách gì so sánh được, thế giới tha phương không có cách nào so bì với họ.

Tại thế gian này của chúng ta, lúc trước đã từng có người đến hỏi tôi: “Pháp sư! Những người xuất gia các vị có phải là ai cũng đều biết xem phong thủy, vả lại còn là thầy phong thủy giỏi nữa phải không?”. Tôi liền hỏi ông:“Vì sao ông lại có cái ý nghĩ này?”. Ông nói:“Pháp sư hãy xem, các đạo tràng tự viện tòng lâm đều là xây dựng ở những nơi có phong thủy tốt nhất, có thể thấy được những vị Hòa thượng này đều là những thầy phong thủy rất tài ba”. Tôi liền hiểu được cái ý của ông. Tôi nói:“Ông đã nghĩ sai rồi, những nơi mà người tu hành thật sự ở thì hoàn cảnh đó sẽ tùy theo tâm của người tu hành mà chuyển”. Thế giới Tây Phương Cực Lạc chính là như vậy, những người xuất gia này xây dựng đạo tràng ở đây thật sự đang tu hành, tâm địa thuần tịnh thuần thiện, thì hoàn cảnh nơi họ sống đó sẽ tự nhiên liền thay đổi theo. Đạo lý là ở chỗ này, làm gì có nhiều người xuất gia ngày ngày đi xem phong thủy như vậy, vậy thì không phải mệt lắm sao? Vì thế, các vị hiểu được đạo lý này rồi thì có cần phải đi xem phong thủy hay không? Không cần thiết, cảnh tùy tâm chuyển, bạn đi xem để làm gì? Người phàm thì có cần xem không? Người phàm có xem cũng vô dụng, bạn mời thầy phong thủy xem xong, nơi nào đó có phong thủy tốt, đây là đất quý, bạn liền đến ở, bạn chính mình không có đức hạnh, bạn sống ở nơi đó thì phong thủy sẽ liền lập tức thay đổi. Cũng giống như nước vậy, tâm của bạn bất thiện, nó liền thay đổi ngay lập tức, dáng vẻ cũng thay đổi. Đây là chân lý. Hiểu được cái đạo lý này rồi, có cần phải xem đoán số mạng không? Cũng không cần, không cần đi xem tướng cũng không cần đi xem phong thủy, cái gì cũng không cần, đều là bản thân tự chuyển thì được rồi. Quan trọng nhất là chính mình tâm địa thanh tịnh, tâm địa lương thiện, tâm địa từ bi, cái gì cũng chuyển trở lại, số mạng sẽ thay đổi, phong thủy cũng thay đổi. Đây là chân lý. Hầu hết mọi người đều không hiểu đạo lý này.

Thế giới Tây Phương hoàn cảnh vật chất tốt đến như vậy, chúng ta hiểu được đó là tùy tâm mà chuyển. Nơi mà Phật giáo hóa chúng sanh đương nhiên là thù thắng, mà các học trò của Phật người nào cũng là học trò giỏi, không có người nào mà bằng mặt không bằng lòng, lừa thầy phản đạo, ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc sẽ tìm không ra. Thế gian chúng ta hiện tại thì có rất nhiều, cho nên cùng một vị lão sư mà có thể dạy rất nhiều học trò, nhưng thật sự có thể truyền pháp thì vĩnh viễn chỉ có một - hai người. Nhưng mà một - hai người đó thì rất thù thắng, cái pháp này có thể đời đời truyền nhau không đến nỗi bị đoạn mất, công đức vô lượng. Thế giới Tây Phương Cực Lạc thật sự là quá tuyệt vời, vì sao vậy? Mỗi một người đều là truyền nhân của A Di Đà Phật, người người đều có thành tựu vô cùng thù thắng, không có một người nào không phải là học trò giỏi.

Cho nên, nếu bạnmuốncầu sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc, thì bạn phải ghi nhớ, ở nhà nhất định là đứa con ngoan, hiếu dưỡng phụ mẫu thì bạn cầu học nhất định là học trò tốt, phụng sự sư trưởng. Nếu như bạn khi ở nhà mà không phải là đứa con tốt, ở trường không phải là học trò tốt, bạn muốn đến Thế giới Cực Lạc thì sẽ không có phần, bạn đừng nghĩ đến nữa. Các vị hãy suy nghĩ đạo lý này, suy nghĩ sự thật này. Lúc hiện tại bất hiếu cha mẹ, không tôn trọng thầy cô, bạn đi đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc thì vẫn theo cách này mà lừa gạt A Di Đà Phật mà thôi, sao lại có đạo lý như vậy được chứ? Bạn tự mình gạt mình còn có thể, bạn gạt A Di Đà Phật thì không thể nào, không những không gạt được A Di Đà Phật mà đến các đồng học bạn cũng không thể nào gạt họ được. Phía trước các vị đều đã đọc qua ở trên Kinh này rồi, người ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc mỗi một người vãng sanh đến đó thiên nhãn thấy suốt, thiên nhĩ nghe thấu, tha tâm đều biết, đây là phía trước đã nói đến sáu loại thần thông, không phải thiên nhân, cũng không phải Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát có thể so bì với họ, thì bạn làm sao có thể lừa gạt được họ? Cho nên nếu như chúng ta thật sự muốn vãng sanh thì bây giờ phải làm những công việc chuẩn bị cho vãng sanh. Hiện tại bạn không lo chuẩn bị, đến lúc lâm chung lại ôm chân Phật cầu xin cho vãng sanh thì làm gì có việc dễ dàng như vậy chứ? Loại tâm lý cầu may như vậy không thể vãng sanh. Cho nên nhất định là phải thật làm.

Ngày xưa bạn học Phật không có ai nói cho bạn biết, dù có nói cũng không nói được rõ ràng với bạn, không nói được thấu triệt như vậy, bạn không biết để mà làm, không biết để mà học, vậy thì có thể thông cảm bỏ qua được. Hôm nay bạn đã rõ ràng, tường tận rồi, bạn lại dùng cái loại tâm cầu may này để mà cầu thì bạn đã hoàn toàn sai rồi. Cảnh giới của Tây Phương này hoàn toàn là do Phật và tất cả đại chúng tâm tưởng mà chuyển biến, chân thật là “Nhất thiết pháp tùng tâm tưởng sanh”, cho nên hoàn cảnh này thì hết thảy thế gian (chứ không chỉ là thế gian này của chúng ta) không có cách nào so sánh với thế giới đó.

“Tùy phong tán phức, duyên thủy lưu phân”. Hai câu này chúng ta có thể xem thành một sự ảnh hưởng. Gió đức, hương báu ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc “duyên thủy lưu phân”, đã chảy đến cả thế gian này của chúng ta, chảy đến Sát-độ của chư Phật mười phương. Làm sao mà chúng ta biết? Thế giới mười phương tất cả chư Phật giáo hóa chúng sanh, không có vị nào không giảng “Kinh Vô Lượng Thọ”, không vị nào không giảng “Kinh A Di Đà”, Tịnh Độ tam Kinh. Các Kinh khác có thể không giảng, không nhất định sẽ giảng, còn ba bộ Kinh này là khoa mục chung của tất cả chư Phật giáo hóa chúng sanh.Giới thiệu với bạn, đây chính là gió đức hương báu của Thế giới Tây Phương Cực Lạc đã thổi đến bên này của chúng ta. Hiện nay thì chúng ta nói là sự ảnh hưởng, nó đã ảnh hưởng đến tận hư không khắp pháp giới, ảnh hưởng tất cả chúng sanh. Căn tánh nhạy bén thì sẽ cảm nhận được một cách vô cùng rõ ràng, lại hồi tâm chuyển ý, một lòng hướng về, y theo phương pháp lý luận trên Kinh điển mà chăm chỉ học tập. Phải đem sự việc vãng sanh này mà lo liệu chuẩn bị cho tốt, khiến cho chúng ta khởi tâm động niệm tất cả tâm hạnh đều có thể tương ưng với Kinh giáo. Những chỗ không tương ưng thì nhất định phải đem nó chuyển đổi trở lại, chỗ nào tương ưng thì phải giữ gìn, cứ như vậy thì Tây Phương Tịnh Độ bạn sẽ nắm được phần chắc. Cổ đức nói pháp môn này là “vạn người tu vạn người đi”, lời này là lời chân thật, không phải vọng ngữ, không phải lừa gạt người, chúng ta phải nên tin tưởng.

A Di Đà Phật…

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 280)

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Thời gian: Khởi giảng năm 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây Cư Sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Video mới nhất

Pháp ngữ mới nhất

Thống kê lượt truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 217


Hôm nayHôm nay : 48053

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1462031

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 43706175

PHÁP ÂM TUYÊN LƯU – TẬP 6

ĐỒNG TU HỎI TÔI- THẦY CÓ SỢ CHẾT HAY KHÔNG?

Có một số đồng tu hỏi tôi, hỏi thầy có sợ chết hay không? tôi nói với họ tôi không sợ chết, tôi không có khái niệm này, không hề có khái niệm sanh tử, mỗi một ngày đều là tùy duyên độ nhật, tuổi tác cũng đã lớn rồi, giảng kinh sắp giảng không nổi nữa, tôi vô cùng xem trọng người kế thừa, cho nên khi tôi 50 tuổi, thì đã rất coi trọng việc bồi dưỡng những người kế thừa, tôi có thể không giảng kinh, nhưng kinh thì không thể đoạn dứt, người có thể giảng, ưa thích giảng, tôi đều đề bạt họ, bồi dưỡng từng người từng người một. khi tôi đi rồi thì cũng sẽ có rất nhiều người giảng tốt hơn tôi, tôi rất mãn ý, hỏi tôi là có sợ chết hay không, không sợ, thật sự là không sợ, 1 chút cũng không sợ, người ta vì sao lại sợ chết? vì họ không có sự chuẩn bị. tôi thì đã chuẩn bị rất kỹ rồi, cho nên tôi không sợ chết, so với hầu hết mọi người thì không như họ, chúng tôi ngày ngày nhớ nghĩ Thế Giới Cực Lạc, niệm niệm đều là niệm A Di Đà Phật, tôi khuyên mọi người niệm Phật cầu sanh Di Đà Tịnh Độ, thì bản thân tôi sao có thể không làm? Nếu tôi không làm, thì những người học sẽ nói tôi lừa gạt họ, vậy thì tôi có lỗi với họ, Thế Giới Cực Lạc là có thật, A Di Đà Phật là có thật, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là có thật, ngày ngày đều có, mọi lúc mọi nơi đều có thể đến Thế Giới Cực Lạc. hoan hoan hỷ hỷ, Phật đã nói với chúng ta, phàm việc gì cũng đều có nhân có quả, bệnh dịch là có nhân quả, nhân là gì? tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, nói tới nói lui vẫn là tâm tưởng, đồng tu chúng ta đã học Phật rồi, vĩnh viễn không có sự lo sợ, chúng ta đi theo Thích Ca Mâu Ni Phật, tiền đồ thuận buồm xuôi gió, tiền đồ vô cùng tươi sáng, sau khi học Phật, niệm niệm cầu sanh Tịnh Độ, chúng ta rõ ràng thấu suốt đối với Thế Giới Cực Lạc, thì việc vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là thật sự nắm phần chắc chắn, hy vọng các đồng học xem nhẹ sự sanh tử, đem việc sanh tử nắm trong lòng bàn tay, không phải nằm trong tay vua Diêm La, mà nằm trong lòng bàn tay chúng ta, muốn đi là đi, muốn ở là ở, tốt, đối trước đại chúng đồng tu, cùng nhau niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, mỗi ngày đều không thiếu thời khóa, đồng tu còn sợ hãi vẫn là không ít, chúng ta hãy giúp đỡ họ, để giúp họ thì trước tiên bản thân mình không sợ, thì họ mới có thể tin, làm thế nào để giúp những đồng học còn sợ chết? đây là sứ mệnh của chúng ta, đọc kinh, đọc thuộc kinh điển, có thể chuyển sợ hãi thành không sợ, không còn sợ đạt đến mức nào? tự tại vãng sanh, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là chắc chắn, là thật không phải giả. Ta Bà này khổ, hà tất gì phải lưu luyến? bạn còn lưu luyến đối với Ta bà cho nên bạn mới sợ chết, không còn lưu luyến Ta bà thì mới không sợ, cho nên đối diện với trùng trùng sự bất an trong xã hội ngày nay, chúng tôi đều khuyến khích mọi người không nên sợ hãi, an vui là niệm cho thật tốt câu Phật hiệu này, A Di Đà Phật nhất định sẽ đến tiếp dẫn, không bỏ sót 1 người nào, lòng tin sẽ quyết định hết thảy, việc này rất quan trọng, mọi người đều có sức khỏe tốt hơn tôi. Phải nên dụng công, phải nên nỗ lực, nếu thấy được A Di Đà Phật ở tại Thế Giới Cực Lạc hoan nghênh chúng ta, chúng ta thấy được niềm hoan hỷ vô hạn, thì nguyện vọng của 1 đời cũng xem như viên mãn. Sống ở tại thế giới này, sống 1 ngày thì làm 1 ngày, sống 2 ngày thì làm 2 ngày, vãng sanh đến Thế Giới Cực Lạc thì đồng học sẽ cùng A Di Đà Phật đến tiếp dẫn, cho nên việc giúp đỡ trợ niệm cho các đồng học là công đức rất lớn, ta đi đón họ, học cũng sẽ đến đón ta, tuyệt đối không uổng công, tuyệt đối không phải giả, những tin tức về bệnh dịch hiện này chúng ta không xem, niệm A Di Đà Phật thì mới thật sự là có ích, đây mới là việc quan trọng cấp bách chứ không phải là việc gì khác. Phật đến tiếp dẫn chúng ta, Bồ Tát đến tiếp dẫn chúng ta, đồng tham đạo hữu cũng đều đến tiếp dẫn chúng ta. Tin sâu không nghi, thì các ngài nhất định sẽ đến tiếp dẫn vãng sanh. Khi đến tiếp dẫn thì sẽ còn náo nhiệt hơn ở hội trường này, khi đến tiếp dẫn thì cũng không nên khách sáo, phải kiên định tín nguyện, tín nguyện vãng sanh.