Lấy giáo dục hoằng dương Phật pháp. Lấy giảng giải bồi dưỡng nhân tài. Lấy từ bi lợi ích xã hội. Lấy chân thành phát triển giao lưu. Lấy chuyên tu cầu sanh Tịnh Độ.
Nguyện thứ mười lăm: "THỌ MẠNG VÔ LƯỢNG NGUYỆN"
"Ngã tác Phật thời, thọ mạng vô lượng, quốc trung Thanh Văn, Thiên Nhân vô số thọ mạng diệc giai vô lượng".
Nguyện thứ mười sáu: "THANH VĂN VÔ SỐ NGUYỆN"
"Giả linh tam thiên đại thiên thế giới chúng sanh, tất thành duyên giác, ư bách thiên kiếp, tất cộng kế hiệu, nhược năng tri kỳ lượng số giả bất thủ chánh giác".
Trong chương này có hai nguyện. Hai nguyện này nguyện văn đều rất rõ ràng, nói rõ thọ mạng của Phật vô lượng. Thế Tôn ở trong kinh Đại thừa thường hay nói đến Phật có ba thân, pháp thân vô thỉ vô chung, đây là chân thật vô lượng thọ; báo thân hữu thỉ vô chung, đây cũng là vô lượng thọ; ứng hóa thân là hữu thỉ hữu chung, thời gian dài ngắn không như nhau, tùy thuộc vào cảm ứng của chúng sanh, cho nên ứng hóa thân là chúng sanh có cảm, Phật liền có ứng. Phật trụ thế thời gian dài ngắn, hoàn toàn là do nghiệp lực của chúng sanh. Chúng sanh hiếu học, thời gian Phật trụ thế dài; chúng sanh không hiếu học, Phật trụ thế thời gian ngắn. Cho nên, thời gian ứng hóa thân là phải xem chúng sanh cùng duyên phận với Phật mà định.
Thích Ca Mâu Ni Phật năm xưa thị hiện ở thế gian này của chúng ta, trụ thế 80 năm, Thế Tôn Ngài 80 tuổi viên tịch. Chúng ta xem "kinh Vô Lượng Thọ", Thế Tôn vì chúng ta giới thiệu, quá khứ Thế Gian Tự Tại Vương Phật Ngài giáo hóa chúng sanh 42 kiếp, có thể thấy thời gian trụ thế rất dài. Thích Ca Mâu Ni Phật giáo hóa chúng sanh 49 năm, Thế Gian Tự Tại Vương Phật giáo hóa chúng sanh 42 kiếp, thời gian dài ngắn cách biệt thật là quá lớn, chúng ta ở trên kinh cũng có thể thấy ra được. Thế Gian Tự Tại Vương xuất thế, chúng sanh vào thời đại đó hiếu học, thực tế mà nói 42 kiếp không dài, sanh cõi trời vô sắc giới, tuổi thọ dài nhất là tám vạn đại kiếp, 42 kiếp có tính vào đâu? Chúng sanh tạo nghiệp đọa vào trong địa ngục, đoản mạng thì cũng sắp gần mười ngàn kiếp. Cho nên chúng ta từ trên cõi trời, từ trong sáu cõi mà quán sát, thời gian của 42 kiếp không dài, thế nhưng đối với chúng ta mà nói đã là số tự thiên văn rồi, không thể nghĩ bàn. Do đây có thể biết, chúng ta không thể không hiếu học, không hiếu học thì thánh hiền đều diệt độ. Chỉ có hiếu học, mới có thể cảm ứng thánh hiền đến trụ thế.
Thánh hiền trụ thế giúp chúng ta thành tựu. Bồ Tát Pháp Tạng là Thế Nhiêu Vương, sau khi xuất gia thành tựu. Trước khi chưa xuất gia, Ngài là một vị Bồ Tát tại gia, hộ trì Phật pháp, hành Bồ Tát đạo, dùng thiện pháp giáo hóa nhân dân, biểu thị giáo huấn tất cả chúng sanh hiếu thân tôn sư. Mọi người chúng ta đều biết, sư đạo là xây dựng ở trên nền tảng của hiếu đạo. Trên kinh điển không có ghi chép văn tự Thế Nhiêu Vương hiếu thân, thế nhưng có ghi chép những văn tự Ngài tôn sư trọng đạo. Ngài có thể tôn sư trọng đạo thì quyết định có thể hiếu thuận cha mẹ. Sư đạo cùng hiếu đạo từ xưa đến nay là một, không phải là hai. Ngài nỗ lực hiếu học, có đại chí nguyện, vì hư không pháp giới tất cả chúng sanh phục vụ.
Chúng ta ở trong kinh văn này phải học tập như thế nào thì chính mình phải nên biết. Bốn mươi tám nguyện là báo cáo cụ thể tu học của Ngài. Ngài đã học, Ngài đã tu, Ngài đã thành tựu. Làm thế nào để thành tựu chính mình? Làm thế nào để giúp người khác? Ngay trong nguyện này chúng ta thấy được rõ ràng, câu thứ nhất, Ngài nói (đây là Ngài nói chính mình): "Ngã tác Phật thời, thọ mạng vô lượng". Đại đức xưa có rất nhiều cách nói, cái "thọ mạng" này là báo thân hay là ứng hóa thân? Sách Phật xem nhiều rồi, tự nhiên liền có thể thể hội, nếu như nói là pháp thân, báo thân, thọ mạng vô lượng thì không có ý nghĩa, vì sao vậy? Vốn dĩ là vô lượng, có gì để đáng nói đâu. Nếu như nói là ứng thân thọ mạng vô lượng, ý nghĩa này thì dài, thọ mạng của Thế Gian Tự Tại Vương quyết không chỉ 42 kiếp, Ngài giảng kinh nói pháp 42 kiếp, chí ít chúng ta cũng đem nó thêm một lần. Thích Ca Mâu Ni Phật giảng kinh nói pháp 49 năm, Ngài trụ thế quyết không chỉ 49 năm, vào thời gian đó, thọ mạng ứng hóa của Thích Ca Mâu Ni Phật phải nên là 100 năm, khi con người thọ 100 tuổi.
Thế Tôn xuất hiện ở thế gian này, tại vì sao khi 80 tuổi thì viên tịch? Hóa duyên hết rồi, cũng chính là nói, chúng sanh căn tánh chín muồi đã thành tựu; chúng sanh căn tánh chưa chín cũng giúp cho họ thêm lớn; người không có thiện căn cũng giúp họ trồng thiện căn. Thích Ca Mâu Ni Phật đến nơi đây làm việc, khi làm xong việc rồi thì đi sớm hơn. Sở dĩ Ngài có thể đi sớm hơn, là do công việc của Ngài đã làm được rất nghiêm túc, rất nỗ lực, tiến độ sớm hơn, được nhanh hơn. Đây là một nguyên nhân. Nguyên nhân thứ hai, ma vương Ba Tuần yêu cầu đối với Ngài. Phật rất từ bi, ma vương Ba Tuần muốn Ngài sớm vào Niết Bàn một chút, Thích Ca Mâu Ni Phật đáp ứng họ. Phật quyết định không có vọng ngữ, lời nói thì nhất định thực hiện. Ma khải thỉnh. Thế nhưng Thế Tôn sau cùng vẫn còn phước báo của 20 năm. Phước báo của Phật quá to quá lớn, phước báo của 20 năm này chính là cho chúng xuất gia thời kỳ Chánh Pháp, Tượng Pháp, Mạt Pháp, phải nên có được một phần cúng dường, nhà Phật gọi là tứ sự cúng dường. Ngày nay chúng ta hưởng thụ là phước dư của Phật. Phước dư lớn đến như vậy, cho nên Phật là "phước - huệ, nhị túc tôn", làm sao chúng ta có thể không tin tưởng?
Trong cái nhìn người thế gian chúng ta, thọ mạng là thuộc về một trong năm phước, hơn nữa là phước thứ nhất trong phước đức. Bạn thử nghĩ xem, nếu như bạn không có thọ mạng, bạn có tài phú, bạn có địa vị, bạn có quyền lực, bạn có thông minh trí tuệ, bạn có rất nhiều quyến thuộc, bạn không có tuổi thọ thì chẳng phải là trống không rồi sao? Cho nên tuổi thọ là phước thứ nhất, bạn có tuổi thọ thì mới được hưởng thụ, không có tuổi thọ, cho dù phước báo có lớn hơn, chính mình không thể hưởng thụ, vẫn là bằng không. Cho nên, tuổi thọ là phước thứ nhất của thế xuất thế gian.
Ngày nay chúng ta gọi A Di Đà Phật là "Vô Lượng Thọ", bạn thấy, mọi người đều đem tuổi thọ rất trọng. Tuổi thọ của Ngài rốt cuộc là thật vô lượng hay là vô lượng của hữu lượng? Ngày trước có không ít người thắc mắc vấn đề này, bởi vì Thế Tôn ở trên Phật kinh nói qua, tương lai A Di Đà Phật cũng có thời gian diệt độ. Buổi sáng A Di Đà Phật diệt độ, thì buổi chiều Bồ Tát Quán Thế Âm liền tiếp Phật vị, tiếp nối thành Phật. Danh xưng của thế giới, danh xưng của Phật cũng đều đổi, thay triều đổi ngôi. Như vậy mà nói, A Di Đà Phật ở thế giới Tây Phương Cực Lạc là ứng hóa thân, thế nhưng thọ mạng của Ngài quá dài, gọi là vô lượng thọ. Vì sao vậy? Vì không có người nào có thể tính đếm được. Hợp lại với cái nguyện sau, chúng ta liền có thể thể hội được, "giả linh tam thiên đại thiên thế giới chúng sanh đều thành Duyên Giác", mọi người cùng tính đếm, tính bao lâu? Tính 100 kiếp, tính 1000 ngàn kiếp, tính trăm ngàn kiếp, đều không tính ra. Đây là vô lượng của hữu lượng, gần như là chân thật vô lượng, chúng ta cần phải lưu ý đến. Cho nên cái vô lượng này không phải là thông thường chúng ta đã nói, mà là vô lượng của hữu lượng.
Nếu như từ trên lý mà nói, ứng hóa thân của chư Phật Như Lai cũng có thể nói toàn là vô lượng thọ. Chư Phật Bồ Tát, không chỉ riêng Pháp Thân Đại Sĩ, mà Quyền giáo Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác cũng thường hay ứng hóa ở thế gian; không chỉ tứ quả A La Hán ứng hóa ở thế gian, mà còn có thánh nhân tam quả, vào thời xưa sử truyện ghi chép cũng không ít. Do đây có thể biết, Đại thừa, Tiểu thừa, tánh - tướng hai tông, người chân thật chứng tiểu quả trở lên đều thường hay ứng hóa ở thế gian. Vì sao vậy? Tu tích công đức quyết không thể nào lìa khỏi chúng sanh. Trong "Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm" nói được rất rõ ràng, lìa khỏi tất cả chúng sanh khổ nạn, bạn đến nơi nào để tích công lũy đức? Phước huệ của bạn, định huệ của bạn đến nơi nào để tu? Do đây có thể biết, người chân thật tu hành, từ sơ phát tâm đến quả địa Như Lai quyết định không hề có cái lý nào lìa khỏi chúng sanh, họ mới có thể thành vô thượng đạo. Thế nhưng thọ mạng dài, đối với tu học của chúng ta có thuận tiện cực lớn. Tuổi thọ ngắn ngủi làm cho người tu hành có sự khó khăn cực lớn. Đạo nghiệp chúng ta trong giai đoạn này vẫn chưa có thành tựu, thọ mạng đến rồi, xem là ngay đời này tu được rất tốt, trì giới, tu thiện, đời sau có lại được thân người, có duyên phận tốt gặp được Phật pháp, các vị nghĩ xem, chí ít phải lỡ mất mười mấy năm. Bạn không thể nào vừa sanh ra thì liền biết Phật pháp, luôn phải mười mấy, hai mươi tuổi, ngay trong giai đoạn này, dừng lại lâu như vậy. Những gì đời trước đã tu gần như đều đã quên hết sạch, ngay đời này phải làm lại từ đầu. Đây chính là đã nói thoái chuyển. Một lần sanh tử là một lần thoái chuyển rất lớn. Nếu như tuổi thọ dài thì có thể tiếp tục không ngừng tu học, có thể làm được không thoái chuyển.
Chúng ta tưởng tượng Pháp Tạng Tỳ Kheo, nếu như sanh vào thời đại này của chúng ta, Ngài quyết định không thể thành tựu được. Vì sao vậy? Tuổi thọ quá ngắn. Ngài sanh vào thời đại của Thế Gian Tự Tại Vương tuổi thọ dài, tiếp nhận giáo huấn của lão sư (việc này trên kinh nói rất rõ ràng) là ngàn tuổi, tu hành là năm kiếp. Thời gian dài đến như vậy mà có thể tiếp nối không ngừng, chúng ta thường nói "một môn thâm nhập, trường kỳ huân tu", Ngài thành tựu. Cho nên ngày nay chúng ta nếu muốn thành tựu, thời gian quá ngắn, đây là nghiệp chướng của chính chúng ta. Tại vì sao chúng ta sống trong thời đại này, vì sao không sanh vào thời đại của Thế Gian Tự Tại Vương Phật? Cho nên, tất cả quả báo là do chính mình tạo, chính mình phải thừa nhận. Câu nói này đương nhiên là lời nói thường dùng, ý nghĩa quá sâu, quá rộng.
Ngày nay trên thế gian, số người học Phật không phải là ít, nhưng người tin tưởng nhân duyên quả báo không nhiều, cho nên Đại sư Ấn Quang đặc biệt đề xướng "Tin Nhân Quả". Kỳ thật, từ xưa đến nay, chư Phật Bồ Tát, cao tăng đại đức, có vị nào mà không đề xướng, có vị nào mà không xem trọng nhân quả? Thế xuất thế pháp luôn không lìa khỏi định luật nhân quả. Trồng nhân thiện nhất định được quả thiện. Tạo nhân ác mà muốn được quả thiện, quyết định không có đạo lý này. Chúng ta tỉ mỉ mà đọc một số ghi chép quả báo thiện ác xưa nay, rất rõ ràng, rất tường tận.
Tại vì sao không thể tùy thuận giáo huấn của Phật Đà? Tại vì sao mỗi niệm vẫn là tùy thuận vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của chính mình? Nếu chúng ta không thể đem ý niệm này thay đổi triệt để lại, thì ngay đời này thành tựu, vãng sanh là không có hy vọng. Lời của tôi nói là lời chân thật. Lời của Phật nói ở kinh điển, dường như kinh điển là ghi chép từ xưa đến nay, cách ly chúng ta quá xa, chưa hẳn là đáng tin. Người hiện đại nói chính ngay trước mắt chúng ta, mỗi câu đề xuất chứng cứ khoa học, chúng ta nghe rồi không thể không tin. Chúng ta rốt cuộc là đi theo Phật hay là đi theo những người thế gian này? Phật tổ đối với tâm trạng của chúng ta hiểu rõ như trong bàn tay, quá tường tận. Trong chương thượng phẩm thượng sanh của "Quán Kinh Tứ Thiệp Sớ", Đại sư Thiện Đạo nói được rất là thấu triệt, chú giải này chúng ta đã giảng qua. Chương thượng phẩm thượng sanh chúng ta đặc biệt đã giảng qua đoạn này. Ngài nói gì? Ngài bảo chúng ta khẳng định, kiên định tín ngưỡng, tùy thuận giáo huấn của Phật, không nên tùy thuận giáo huấn của người. Trong khoảng tình cờ, người thế gian có vô số cách nói khác nhau, chúng ta có thể xem nó thành phụ trợ, chủ khách phải phân rõ ràng.
Tuổi thọ dài hay ngắn là thuộc về nghiệp báo. Trên kinh Phật nói rất tường tận, nghiệp nhân như thế nào thì được trường thọ? Bố thí vô úy. Cái gì là bố thí vô úy? Các vị đều niệm qua Bồ Tát Quán Thế Âm, Ngài là bậc đại thí vô úy, chúng ta liền thấu hiểu rồi. Bố thí vô úy chính là cứu khổ cứu nạn. Khi xem thấy chúng sanh có khổ nạn, chúng ta lập tức liền phải đưa tay ra giúp cho họ sớm ngày thoát khỏi khổ nạn. Đây chính là bố thí vô úy, quả báo được trường thọ, khỏe mạnh, sống lâu. Đây là chánh nhân duyên của khỏe mạnh, sống lâu, quyết định không phải là dùng những dược phẩm bổ dưỡng nào để giúp chúng ta có thể có được khỏe mạnh, sống lâu. Lời nói đó là giả. Chúng ta xem thấy trong lịch sử, rất nhiều triều đại đế vương, loại bảo kiện tẩm bổ của họ, thế gian chúng ta không có người nào có thể so sánh được, thế nhưng hai mươi mấy tuổi, ba mươi mấy tuổi chết rất nhiều. Chỗ này chẳng phải nói rõ, bảo khang tẩm bổ thuốc thang không phải là đạo để trường thọ. Trong lịch sử chúng ta xem thấy, chúng ta lại xem qua hiện tại, những người giàu có chung quanh chúng ta, nhà người nghèo khó không có năng lực nói đến bảo kiện, ba bữa cơm còn không đủ no, còn nói gì đến bảo kiện? Bụng được no chính là rất vạn hạnh rồi, làm gì có tư cách nói đến dinh dưỡng, nói đến tẩm bổ, nói đến bảo kiện? Nhà người giàu sang mới xem trọng những thứ này. Chúng ta xem thấy những người giàu có, sức khỏe của họ như thế nào? Tuổi thọ dài, ngắn, đương nhiên cũng có người 80-90 tuổi, nhưng không nhiều, 40-50 tuổi, hơn phân nửa trở lên thì đi. Việc này nghĩ lại xem, vẫn là lời của Phật nói có đạo lý.
Phật nói với chúng ta, phàm phu sáu cõi chưa kiến tánh, tu tài bố thí được tài phú, bạn tu được nhiều thì bạn có được nhiều. Bạn tu bố thí rất hoan hỉ, rất vui sướng, bạn có được thì rất tự tại; bạn tu bố thí rất miễn cưỡng thì tiền tài có thể có được cũng rất miễn cưỡng. Do đây có thể biết, quả báo rõ ràng đích xác, không hề sót lọt. Trên “kinh Pháp Hoa”, Thế Tôn nói “Thập Như Thị”, như thị Nhân, như thị Quả, như thị Duyên, như thị Báo, không sai sót chút nào, quyết định là tương ưng.
Tu pháp bố thì được thông minh trí tuệ, tu bố thí vô úy được khỏe mạnh sống lâu. Nếu chúng ta không chịu tu nhân thì làm gì có được quả báo? Chúng ta ngay đời này điều kiện vật chất thiếu kém là do trong đời quá khứ không có tu tài bố thí; không có trí tuệ là trong đời quá khứ không có tu pháp bố thí; thân thể không khỏe mạnh là trong đời quá khứ không có tu vô úy bố thí. Đọc Phật kinh mới đem tao ngộ của chúng ta, chân thật tìm ra được nhân tố. Vậy chúng ta có thể cải đổi được hoàn cảnh đời sống của chúng ta hay không? Đáp án là khẳng định được. Chúng ta tìm ra được nguyên nhân, chỉ cần tiêu trừ đi nguyên nhân này, chúng ta liền có thể thu được quả báo ngay trong nguyện cầu. Ngày nay chúng ta thiếu kém tiền của thì tu tài bố thí. Ta không có tiền thì làm sao bố thí? Nhiều thì không có, nhưng một đồng, hai đồng thì có mà, có thể ở ngay trong đời sống của mình tiết kiệm một chút, tu tài bố thí. Trong nhà Phật, quả báo của tu phước đều không thể nghĩ bàn, đều là ở tâm chân thành của bạn. Thành tâm thành ý ở ngay trong đời sống tiết kiệm, chừa lại một ít tiền, ở trong nhà Phật tu bố thí, thu được phước báo không thể nghĩ bàn. Đây là chân thật, không phải là giả. Thế nhưng có rất nhiều người nghi hoặc, chút ít tiền này của tôi, làm sao có thể thu được phước báo nhiều đến như vậy? Trong đây có đạo lý, bạn phải hiểu được đạo lý này thì bạn liền kiên định tín tâm.
Hôm nay là thánh đản Bồ Tát Quán Âm, cũng chính là ngày khai quang tôn tượng Thiên Thủ Quán Âm thứ nhất của Singapore. Chúng ta ở trước tượng Phật đắp một ít vàng lá (loại này rất rẻ, chỉ cần mấy đồng là đủ). Bạn thấy, hiện tại trong phòng châm cứu ở lầu hai của chúng ta, tượng Bồ Tát Quán Âm đang được thiếp vàng ở đó, vàng lá đó là 24k, những tấm vàng đó rất là mỏng, tôi thấy chưa đến mười đồng, mười đồng có thể mua được rất nhiều tấm, dán lên trên thân của Phật. Tài bố thí, tài cúng dường, tôn tượng Phật này cúng tại nơi đó, bao nhiêu người xem thấy đều sanh tâm hoan hỉ, bao nhiêu người xem thấy đều khởi ý niệm đoạn ác tu thiện, bạn nghĩ xem, công đức của bạn bao lớn? Bạn có một tấm giấy vàng mỏng dán ở đó, trong vô lượng vô biên công đức, bạn có một phần, cho nên phước báo không thể nghĩ bàn. Đây là trồng phước. Xem bạn trồng phước ở chỗ nào? Chút phước này của bạn là trang nghiêm đạo tràng. Cái đạo tràng này là chánh pháp đạo tràng, mỗi ngày đều có người giảng kinh, mỗi ngày đều có người ở nơi đây niệm Phật. Ngay trong truyền thuyết nói ngày 18 tháng 8 là có tai nạn lớn. Ngày mai là ngày 01 tháng 8 rồi, vẫn chưa có điềm báo, xem ra tình hình này thì có lẽ sẽ không đến rồi. Lời tiên tri của Danmaxi, khủng khiếp từ trên trời giáng xuống. Thế nhưng chúng ta cũng không nên vui mừng quá sớm. Vì sao vậy? Vẫn còn 18 ngày nữa. Đích thực trước khi có tai nạn lớn, nhất định có điềm báo. Thực tế mà nói, điềm báo rất nhiều, vì chúng ta tâm ý qua loa nên không thể xem thấy.
Khi chúng ta khởi xây niệm Phật đường, tôi đã nói qua với các vị, chúng ta chăm chỉ nỗ lực y theo giáo huấn của Phật mà tu học, đoạn ác tu thiện, lão thật niệm Phật, vì chúng sanh khổ nạn toàn thế giới mà cầu phước, xây niệm Phật đường, 24 giờ không gián đoạn, rất khó được. Buổi tối mỗi ngày đều có hơn 100 người, buổi sáng có hơn 200 người, buổi chiều có hơn 400 người, công đức thù thắng như vậy. Tuy là không thể tiêu trừ được tai nạn này, thế nhưng những tai nạn này chậm lại, mức độ của tai nạn giảm nhẹ, thời gian rút ngắn. Việc này khẳng định có thể làm được, đều là do ở một mảng chân thành của chúng ta. Chân thật sám hối, cải lỗi tự làm mới thì mới có hiệu quả. Đạo lý này trên kinh Đại thừa nói rất nhiều, "cảnh tùy tâm chuyển!"
Tai nạn từ chỗ nào mà đến? Do tâm bất thiện của chúng ta mà chiêu cảm đến. Hiện tại chúng ta đoạn dứt đi cái tâm bất thiện, dùng cái tâm thuần thiện để tu học, đối nhân xử thế tiếp vật dùng tâm thuần thiện. Cảnh tùy tâm chuyển, đây là lý luận chúng ta nương theo, quyết không phải mê tín. Thế nhưng hiện tại phiền phức đến rồi. Vì sao đến? Mọi người đều cho không có việc gì, từng ngày, từng ngày đều qua được rất tốt, Phật cũng không niệm, thiện cũng không tu, ác cũng không cần đoạn, tâm của chúng ta giải đãi. Khi vừa giải đãi thì nguy cơ liền theo đến, tai nạn chân thật đến đầu, hối hận không còn kịp. Cho nên niệm Phật đường chúng ta phải gia công dụng hạnh, không được có chút giải đãi; phải nên biết kéo dài được tai nạn này, mức độ tai hại thu nhỏ.
Sự khởi tâm động niệm của chúng ta, với sự tu trì của chúng ta có quan hệ rất là mật thiết. Cho dù những truyền thuyết này là hư huyễn, không phải là thật, chúng ta cũng phải nên nhờ vào tăng thượng duyên này, làm cho đạo nghiệp của chính chúng ta thành tựu được sớm hơn, lại chẳng phải là việc tốt hay sao? Vốn dĩ thành tựu của chúng ta phải mất mấy mươi năm, thậm chí đến giải đãi đọa lạc, hiện tại có được tăng thượng duyên như vậy, nhắc nhở chúng ta, cảnh tỉnh chúng ta, để chúng ta ở ngay trong mấy tháng ngắn ngủi này chỉ tu hành, chỉ chứng quả. Nhân duyên quá tốt, tại vì sao phải giải đãi, tại vì sao phải lười biếng, tại vì sao phải thoái chuyển? Tu hành phải dấn thân, tu hành phải tranh thủ từng giây.
Các vị đồng tu nếu như có chút tâm tỉ mỉ, tôi cùng ở chung với các vị, tôi đang dụng công, các vị có biết hay không? Mỗi ngày cảnh giới của tôi không như nhau. Khi các vị tiếp xúc với tôi, các vị đương nhiên có thể thấy ra được; khi tôi nói chuyện với các vị, các vị phải nên có thể thấy ra được. Tôi nắm lấy cơ hội này, hy vọng ở trong thời gian ngắn này tôi có thành tựu. Các vị đem cơ hội tốt này bỏ mất đi, vậy thì không còn cách nào. Tôi không thể miễn cưỡng các vị. Hiện tại xã hội này là tự do dân chủ mở rộng, ai cũng không thể can thiệp ai. Tôi chỉ có thể khuyên bạn thôi, hơn nữa vẫn không thể khuyên riêng đối với cá nhân bạn, vậy khuyên thì thế nào? Khuyên riêng bạn thì bạn phiền lòng, nên tôi khuyên mọi người, bạn ở bên cạnh nghe. Bạn nghe hiểu rồi là bạn có thiện căn. Bạn nghe rồi, cảm thấy rất phiền phức, đó là thiện căn của bạn yếu kém. Nghe, hiểu, chịu làm là bạn có phước đức. Bạn có phước, ngay đời này bạn có thành tựu. Thành tựu của bạn là thành tựu của bạn, không phải là thành tựu của tôi, cá nhân thành tựu cá nhân. Cho nên chúng ta ở vào thời đại này, đối với người chân thật tu hành mà nói là việc tốt, quyết định không phải là việc xấu. Trong hoàn cảnh này không dụng công thì không được. Không khắc phục chướng nạn của chính mình thì không được. Không khắc phục vọng tưởng tập khí của chính mình thì quyết định đọa lạc. Khi vừa đọa lạc thì không biết đọa lạc đi đến nơi nào. Việc này chúng ta nhất định phải nhận biết rõ ràng.
Tu hành chính là đời sống, tu hành chính là đối nhân xử thế tiếp vật, tu hành chính là phục vụ tất cả chúng sanh. Nhất định phải dùng tâm chân thành, quyết không thể xen tạp chút nào hư vọng; nhất định phải dùng tâm thanh tịnh, không thể xen tạp chút ô nhiễm nào. Chúng ta thật làm, đối đãi với tất cả chúng sanh quyết định không có tâm cống cao ngạo mạn, ở ngay trong tất cả cảnh giới tu tâm bình đẳng, tu tâm đại từ bi, có thể xả mình vì người, hoan hỉ giúp đỡ tất cả chúng sanh, toàn tâm toàn lực mà làm, nhất định không hề bỏn xẻn. Chúng ta phát tâm như vậy, hành trì như vậy, mới có thể cảm được hộ niệm của Phật Bồ Tát, bảo hộ của long thiên thiện thần.
Tâm của chúng ta chuyển đổi lại, chuyển đổi được tròn đầy viên mãn thì tướng mạo của chúng ta, thể chất của chúng ta cũng theo đó mà chuyển. Việc này trong lúc giảng kinh tôi nói qua rất nhiều lần. Chúng ta tu hành thành tựu rõ ràng nhất chính là dung mạo và thể chất, nhất định phải hiểu được. Xem tướng đoán mạng thường nói "cảnh tùy tâm chuyển". Thân thể khỏe mạnh, sống lâu cũng là tùy tâm chuyển. Cho nên bạn tu hành có công phu hay không, công phu có lực hay không, xem qua tướng mạo của bạn, nghe qua âm thanh của bạn, lại quán sát cử động của bạn thì rõ ràng rồi, cái thứ này có thể giấu được người sao? Bạn rốt cuộc có công phu thật hay không chính là nói bạn có chân thật quay đầu hay không. Nếu như chúng ta ngày nay thể chất cũng giống y như trước, nhất định phải sanh tâm đại hổ thẹn, công phu không đắc lực.
Công phu không đắc lực, thực tế mà nói cũng là có nhân duyên. Con người không phải sanh ra mà biết. Sanh ra mà biết đó là Phật Bồ Tát thừa nguyện tái sanh đến. Phàm phu chúng ta đều là do học mà biết. Các vị pháp sư trẻ tuổi, từ xa ngàn dặm đến đây để làm gì? Vẫn không phải là vì học để mà biết hay sao? Ở chỗ này là một hoàn cảnh tu học rất tốt, có Bồ Tát hộ pháp chăm sóc mọi người; tứ sự cúng dường không thiếu, trải qua ngày tháng tốt hơn nhiều so với tổ sư đại đức ngày trước. Hoàn cảnh đời sống chúng ta, tổ sư đại đức không thể nào so bì được, thế nhưng công phu tu học của chúng ta có thể cũng siêu vượt hơn các Ngài không? Nếu như công phu của chúng ta không thể siêu vượt hơn các Ngài, thọ dụng của chúng ta ngày nay, làm sao có thể không sanh tâm hổ thẹn? Đời sống vật chất của chúng ta siêu vượt hơn các Ngài, tiến độ công phu tu học của chúng ta cũng siêu vượt hơn các Ngài, tổ sư đại đức xem thấy, các Ngài mới cam lòng, các Ngài cũng vỗ tay, cũng hoan hỉ.
Người thời trước buổi tối xem kinh là ở dưới ngọn đèn dầu, làm gì mà sáng lạn như vầy? Nửa thế kỷ về trước, ngay trong thời kỳ kháng chiến, tôi đi học ở trường, buổi tối đi học thêm một giờ, thắp đèn dầu, một người một cái đèn dầu, một ngọn đèn tâm. Tôi nói một ngọn đèn tâm, hiện tại rất nhiều người nghe không hiểu, đồng tu đại lục, không biết là các vị có hiểu được hay không? Thắp đèn dầu, một ngọn đèn tâm, ánh sáng đó nhỏ hơn ngọn đèn sáp nhiều, đại khái một ngọn đèn sáp có thể nói bằng ba, bốn ngọn đèn tâm, ánh sáng đó mới có thể sánh bằng một ngọn đèn sáp. Chúng ta ở trong phòng tự học, một phòng học có ba mươi, bốn mươi học sinh thì có ba mươi, bốn mươi ngọn đèn dầu. Khói của những ngọn đèn đó hít vào lỗ mũi, lỗ mũi đều bị đen. Chúng tôi trải qua ngày tháng như thế nào? Các vị trải qua ngày tháng như thế nào?
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 115)
Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Khởi giảng năm 1998
Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập : 112
Hôm nay : 1105
Tháng hiện tại : 513095
Tổng lượt truy cập : 61413181
ĐỒNG TU HỎI TÔI- THẦY CÓ SỢ CHẾT HAY KHÔNG?
Có một số đồng tu hỏi tôi, hỏi thầy có sợ chết hay không? tôi nói với họ tôi không sợ chết, tôi không có khái niệm này, không hề có khái niệm sanh tử, mỗi một ngày đều là tùy duyên độ nhật, tuổi tác cũng đã lớn rồi, giảng kinh sắp giảng không nổi nữa, tôi vô cùng xem trọng người kế thừa, cho nên khi tôi 50 tuổi, thì đã rất coi trọng việc bồi dưỡng những người kế thừa, tôi có thể không giảng kinh, nhưng kinh thì không thể đoạn dứt, người có thể giảng, ưa thích giảng, tôi đều đề bạt họ, bồi dưỡng từng người từng người một. khi tôi đi rồi thì cũng sẽ có rất nhiều người giảng tốt hơn tôi, tôi rất mãn ý, hỏi tôi là có sợ chết hay không, không sợ, thật sự là không sợ, 1 chút cũng không sợ, người ta vì sao lại sợ chết? vì họ không có sự chuẩn bị. tôi thì đã chuẩn bị rất kỹ rồi, cho nên tôi không sợ chết, so với hầu hết mọi người thì không như họ, chúng tôi ngày ngày nhớ nghĩ Thế Giới Cực Lạc, niệm niệm đều là niệm A Di Đà Phật, tôi khuyên mọi người niệm Phật cầu sanh Di Đà Tịnh Độ, thì bản thân tôi sao có thể không làm? Nếu tôi không làm, thì những người học sẽ nói tôi lừa gạt họ, vậy thì tôi có lỗi với họ, Thế Giới Cực Lạc là có thật, A Di Đà Phật là có thật, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là có thật, ngày ngày đều có, mọi lúc mọi nơi đều có thể đến Thế Giới Cực Lạc. hoan hoan hỷ hỷ, Phật đã nói với chúng ta, phàm việc gì cũng đều có nhân có quả, bệnh dịch là có nhân quả, nhân là gì? tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, nói tới nói lui vẫn là tâm tưởng, đồng tu chúng ta đã học Phật rồi, vĩnh viễn không có sự lo sợ, chúng ta đi theo Thích Ca Mâu Ni Phật, tiền đồ thuận buồm xuôi gió, tiền đồ vô cùng tươi sáng, sau khi học Phật, niệm niệm cầu sanh Tịnh Độ, chúng ta rõ ràng thấu suốt đối với Thế Giới Cực Lạc, thì việc vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là thật sự nắm phần chắc chắn, hy vọng các đồng học xem nhẹ sự sanh tử, đem việc sanh tử nắm trong lòng bàn tay, không phải nằm trong tay vua Diêm La, mà nằm trong lòng bàn tay chúng ta, muốn đi là đi, muốn ở là ở, tốt, đối trước đại chúng đồng tu, cùng nhau niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, mỗi ngày đều không thiếu thời khóa, đồng tu còn sợ hãi vẫn là không ít, chúng ta hãy giúp đỡ họ, để giúp họ thì trước tiên bản thân mình không sợ, thì họ mới có thể tin, làm thế nào để giúp những đồng học còn sợ chết? đây là sứ mệnh của chúng ta, đọc kinh, đọc thuộc kinh điển, có thể chuyển sợ hãi thành không sợ, không còn sợ đạt đến mức nào? tự tại vãng sanh, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là chắc chắn, là thật không phải giả. Ta Bà này khổ, hà tất gì phải lưu luyến? bạn còn lưu luyến đối với Ta bà cho nên bạn mới sợ chết, không còn lưu luyến Ta bà thì mới không sợ, cho nên đối diện với trùng trùng sự bất an trong xã hội ngày nay, chúng tôi đều khuyến khích mọi người không nên sợ hãi, an vui là niệm cho thật tốt câu Phật hiệu này, A Di Đà Phật nhất định sẽ đến tiếp dẫn, không bỏ sót 1 người nào, lòng tin sẽ quyết định hết thảy, việc này rất quan trọng, mọi người đều có sức khỏe tốt hơn tôi. Phải nên dụng công, phải nên nỗ lực, nếu thấy được A Di Đà Phật ở tại Thế Giới Cực Lạc hoan nghênh chúng ta, chúng ta thấy được niềm hoan hỷ vô hạn, thì nguyện vọng của 1 đời cũng xem như viên mãn. Sống ở tại thế giới này, sống 1 ngày thì làm 1 ngày, sống 2 ngày thì làm 2 ngày, vãng sanh đến Thế Giới Cực Lạc thì đồng học sẽ cùng A Di Đà Phật đến tiếp dẫn, cho nên việc giúp đỡ trợ niệm cho các đồng học là công đức rất lớn, ta đi đón họ, học cũng sẽ đến đón ta, tuyệt đối không uổng công, tuyệt đối không phải giả, những tin tức về bệnh dịch hiện này chúng ta không xem, niệm A Di Đà Phật thì mới thật sự là có ích, đây mới là việc quan trọng cấp bách chứ không phải là việc gì khác. Phật đến tiếp dẫn chúng ta, Bồ Tát đến tiếp dẫn chúng ta, đồng tham đạo hữu cũng đều đến tiếp dẫn chúng ta. Tin sâu không nghi, thì các ngài nhất định sẽ đến tiếp dẫn vãng sanh. Khi đến tiếp dẫn thì sẽ còn náo nhiệt hơn ở hội trường này, khi đến tiếp dẫn thì cũng không nên khách sáo, phải kiên định tín nguyện, tín nguyện vãng sanh.