Phật thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh (tập 51)

Kinh văn: “Tứ nhiếp trang nghiêm cố, thường cần nhiếp hóa, nhất thiết chúng sanh”. Trong tứ nhiếp, thì bố thí, ái ngữ, lợi hành phần trước đã giảng rồi, hôm nay chúng tôi giảng một điều cuối cùng là “đồng sự”.
Phật thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh (tập 51)

 Kinh văn: “Tứ nhiếp trang nghiêm cố, thường cần nhiếp hóa, nhất thiết chúng sanh”.

Trong tứ nhiếp, thì bố thí, ái ngữ, lợi hành phần trước đã giảng rồi, hôm nay chúng tôi giảng một điều cuối cùng là “đồng sự”.

Cổ đức gợi ý đơn giản với chúng ta là hòa quang đồng sự, khiến mọi người được nương nhờ. Câu nói này tuy đơn giản, nhưng trên thực tế cũng là bao gồm tất cả. Sao gọi là “hòa quang đồng sự”? Thánh hiền Nho gia dạy chúng ta: “Cái dụng của lễ lấy hòa làm quý”; Phật pháp chỉ dạy chúng ta “Lục hòa kính”, có thể chung sống hòa mục với đại chúng, đây là trí tuệ cao độ, trong Phật pháp nói là trí tuệ cứu cánh viên mãn. Người như thế nào mới có thể chung sống hòa mục với tất cả chúng sanh? Trong chín pháp giới chỉ có chư Phật Như Lai; Pháp Thân Đại Sĩ cũng có thể làm được, nhưng không có thuần chánh tự nhiên giống hình dáng của Phật. Đây là nguyên nhân gì vậy? Là sự khởi dụng của tánh đức viên mãn.

Tại sao chúng ta lại biến thành phàm phu vậy? Phật thường nói do tập khí phiền não của chúng ta quá nặng. Hiện tượng của tập khí phiền não là gì? Là không thể chung sống với người khác, đây là hình ảnh của tập khí phiền não. Tại sao Phật Bồ Tát có thể chung sống hòa mục với tất cả chúng sanh, còn chúng ta thì không làm được vậy? Vì chúng ta thấy cái này ưa thích, thấy cái kia chán ghét. Tại sao chư Phật Bồ Tát không sinh tâm này, không khởi lên loại ý niệm này? Xét cho cùng mà nói, không ngoài vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Chư Phật Bồ Tát, Pháp Thân Đại Sĩ phân biệt chấp trước hoàn toàn đoạn tận rồi, vọng tưởng còn sót lại cũng đang phá trừ từng phần, cho nên họ có thể làm được, chúng ta không làm được. Ở chỗ này nhất định phải chú ý đến, không làm được thì chắc chắn luân hồi, đã không thoát khỏi luân hồi thì nhất định đọa ba đường ác. Quí vị đọc kỹ kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện là biết ngay.

“Người quý ở tự giác”. Nền giáo dục Phật pháp không có gì khác, chỉ là giúp chúng ta giác ngộ mà thôi. Phật đối với chúng ta là tăng thượng duyên, bản thân chúng ta cần phải có sở duyên duyên, phải có vô gián duyên thì chúng ta mới có thành tựu. Sở duyên duyên là noi theo lời giáo huấn của Phật Bồ Tát, cũng chính là chúng ta thường nói, nhất định phải tiếp nhận lời giáo huấn của Phật Bồ Tát, hơn nữa, tiếp nhận giáo huấn nhất định không được gián đoạn. Chúng ta ngày nay ở địa vị phàm phu, tập khí nghiệp chướng rất sâu, cổ nhân nói rằng: “Ba ngày không đọc sách thánh hiền, diện mạo khác xa”. Người thời xưa nghe thánh hiền chỉ dạy, có thể duy trì được ba ngày, còn chúng ta ngày nay, một ngày còn không duy trì được. Hiện nay đọc sách thánh hiền, buông quyển sách xuống là diện mạo đã thay đổi tất cả rồi, đâu còn đợi đến ba ngày. Từ đó cho thấy, người hiện nay so sánh về phương diện thiện căn với người xưa, quả thật không bằng người xưa, hằng ngày huân tập vẫn không thể quay đầu. Đây là ở trong kinh Phật gọi là “Nhất Xiển Đề”, căn tánh Xiển Đề nghĩa là không có thiện căn, thiện căn đoạn sạch rồi. Lời nói này là hình dung, chứ thiện căn sao có thể đoạn được? Tuy không đoạn, nhưng do nghiệp chướng quá nặng, nên thiện căn của bạn không khởi tác dụng, tuy có cũng như không, là có ý nghĩa như vậy. Bản thân chúng ta ngày nay phải nỗ lực, ngay phương diện này cần khắc phục chính mình. Nhà Nho thường hay nói “khắc kỷ”, công phu khắc kỷ chính là mấu chốt của thành bại tu học trong đời này của chúng ta. Chúng ta có thể khắc phục tập khí phiền não của mình hay không? Khắc phục được thì trong đời này có thành tựu, không khắc phục được thì không có thành tựu, mấu chốt là ở chỗ này.

Đồng sự nhiếp, thực tế chính là nhà Phật gọi là “lục hòa kính”. Lục hòa kính là sáu cái “đồng”. “Kiến hòa đồng giải”, ở giai đoạn sơ học của chúng ta hiện nay, kiến giải của chúng ta đều dựa theo lời giáo huấn của Phật Bồ Tát, ở chỗ này mà thiết lập “đồng giải”. Khi khế nhập cảnh giới của Phật là kiến tư phiền não của bạn đoạn rồi, trần sa phiền não cũng đoạn, vô minh cũng đã phá được mấy phẩm, nên vào lúc này kiến giải tự nhiên sẽ tương đồng.

Tại sao chúng ta ngày nay kiến giải bất đồng vậy? Nguyên nhân là do có phân biệt, có chấp trước; mỗi người có phân biệt không giống nhau, có chấp trước cũng không giống nhau, cho nên có sự khác biệt về kiến giải. Phân biệt, chấp trước đều buông xả rồi thì kiến giải đâu có đạo lý nào mà không đồng? Tự nhiên sẽ tương đồng, “Phật Phật đạo đồng” chính là đạo lý này. Pháp thân Bồ Tát kiến giải gần như đều tương đồng, giữa họ không có sai biệt. Vì vậy chúng ta biết, có kiến giải bất đồng, có cách nghĩ bất đồng, đều là bởi do phân biệt, chấp trước khác nhau mà sanh khởi ra. Phân biệt, chấp trước rốt cuộc là hư vọng, chắc chắn sai lầm, cho nên Phật ở trong kinh điển nói cho chúng ta biết, nhất định không nên tin vào ý của bản thân bạn, vì ý của bạn là sai lầm.

Đến khi nào mới có thể tin vào chính mình vậy? Phật nói sau khi chứng được quả vị A La Hán thì bạn mới có thể tin vào chính mình. Lời nói này của Phật là phương tiện mà nói, không phải nói cứu cánh. Nói cứu cánh là như thế nào? Là sau khi đã phá vô minh, bạn có thể hoàn toàn tin tưởng chính mình; phá được chấp trước rồi, bạn mới thoát khỏi sáu cõi luân hồi, hay nói cách khác, tri kiến luân hồi không còn nữa (tri kiến luân hồi là tri kiến hoàn toàn sai lầm, cái này không còn nữa), nhưng bạn vẫn chưa ra khỏi mười pháp giới. Cho nên tư tưởng kiến giải của bạn, Phật nói chánh giác, cái chánh giác này so với phàm phu lục đạo thì tư tưởng kiến giải của bạn là chính xác, vào lúc này ở trong pháp giới tứ thánh mà học tập, tu học. Tri kiến ở pháp giới tứ thánh vẫn chưa phải thuần chân. Đại sư Thiên Thai ở trong quả vị “Lục Tức Phật” là “Tương Tự Tức Phật”. Tương Tự Tức Phật tức là chánh giác. Từ “Tương Tự Tức Phật” đem phân biệt đoạn sạch tiếp, pháp thế xuất thế gian tất cả đều không phân biệt thì cái tâm này thanh tịnh, vào lúc này tâm của bạn vào Tam Ma Địa. Phá một phẩm vô minh tức là “Chánh Đẳng Chánh Giác”. Quý vị phải biết rằng, “Chánh Đẳng Chánh Giác” là 41 ngôi bậc của Pháp Thân Đại Sĩ trên hội Hoa Nghiêm, họ là Chánh Đẳng Chánh Giác. Phật Bồ Tát ở trong mười pháp giới đều là Chánh Giác, chứ chưa phải Chánh Đẳng Chánh Giác, như vậy bạn mới biết vấn đề này khó cỡ nào! Giác cứu cánh chỉ có một quả vị, còn Chánh Đẳng Chánh Giác có 41 quả vị, họ có thể hòa quang đồng trần với tất cả chúng sanh, những người này nhất định không có chấp trước. Bồ Tát quyền giáo chính là bậc thánh ở trong pháp giới tứ thánh, tâm phân biệt của họ càng ngày càng phai nhạt, đến quả vị sơ trụ thì tâm phân biệt hoàn toàn không còn, vậy mới có thể hòa quang đồng sự với tất cả chúng sanh trong chín pháp giới.

Hòa quang đồng sự ý nghĩa là gì, hình thức ra làm sao? Phật ở trong kinh điển nói với chúng ta: “Tùy loại hóa thân, tùy cơ thuyết pháp”. Hình thức của nó chính là tùy loại hóa thân, ý nghĩa của nó chính là tùy cơ thuyết pháp. Từ đó cho thấy, tất cả vì chúng sanh, không phải vì mình. A La Hán đã phá chấp ngã rồi, đâu còn có “ta” nữa; pháp thân Bồ Tát, viên giáo sơ trụ trở lên, chấp ngã, chấp pháp đều phá rồi, quả thật đúng là hoàn toàn tương ưng với lìa tứ tướng, lìa tứ kiến mà trong kinh Kim Cang đã nói: “Không tướng ngã, không tướng nhân, không tướng chúng sanh, không tướng thọ giả”. Không những tứ tướng không còn, mà tứ kiến (ý niệm) này cũng không có, như vậy mới có thể đồng sự viên mãn. Không thể đồng sự với tất cả chúng sanh thì làm sao có thể giúp đỡ tất cả chúng sanh quay đầu?

Trong tứ nhiếp lấy ý nghĩa đồng sự làm chủ. Dùng cách nói hiện nay mà nói, nếu bạn muốn giúp đỡ chúng sanh, muốn giáo hóa chúng sanh thì bạn nhất định không thể xa rời chúng sanh. Bạn xa rời chúng sanh thì còn có cơ duyên gì để giúp đỡ họ? Trong Phật pháp thường nói rộng kết pháp duyên, đồng sự là kết pháp duyên. Pháp duyên kết ở chỗ nào vậy? Ở mọi lúc, mọi nơi. Việc này rất quan trọng. Tuyệt đối không được nói, đợi sau khi tôi học thành rồi, sau đó mới kết duyên với chúng sanh, vậy là không kịp rồi.

Năm xưa tôi mới đến Đài Trung gần gũi lão cư sĩ Lý Bĩnh Nam, thầy chỉ dạy chúng tôi, ở mọi lúc mọi nơi thường nhắc nhở chúng tôi không nên quên kết duyên với đại chúng. “Kết duyên không nhất thiết là vật phẩm, không nhất thiết là tiền bạc, không nhất thiết là tài vật, mà nhất định phải chung sống thân thiết với đại chúng (cái này không cần tiền, không cần lễ vật gì cả), dứt khoát không được phép xa rời quần chúng”, thầy nói với học trò chúng tôi.

Pháp sư giảng kinh hoằng pháp, quý vị phải biết rằng, vị “pháp sư” này không nhất định là người xuất gia, cư sĩ tại gia giảng kinh thuyết pháp cũng gọi là pháp sư. Pháp sư là không phân biệt nam nữ, già trẻ; không phân biệt tại gia hay xuất gia. Thuật ngữ ở trong Phật giáo, Hòa thượng cũng không phân biệt tại gia hay xuất gia, cũng không phân biệt già trẻ, nam nữ. Hòa thượng là tiếng Ấn Độ, ý nghĩa là “thân giáo sư”. Vị thầy trực tiếp chỉ dạy ta thì chúng ta gọi là Hòa thượng. Tôi học với lão sư Lý Bĩnh Nam, thì lão cư sĩ Lý Bĩnh Nam chính là Hòa thượng của tôi, chính bản thân thầy chỉ dạy tôi. Chỉ có Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ni, Sa Di, Sa Di ni thì nhất định là người xuất gia, người tại gia không được xưng. Cho nên thuật ngữ ở trong kinh Phật, Hòa thượng, Pháp sư, A Xà Lê đều không phân biệt tại gia hay xuất gia, cũng không phân biệt già trẻ nam nữ. Bạn đã phát tâm ra giảng kinh hoằng pháp, bạn nhất định phải có thính chúng. Thính chúng nhiều ít là do pháp duyên của bạn. Nếu như bình thường bạn không gần gũi đại chúng, tương lai bạn học kinh giáo biết rồi, thầy Lý nói, bạn giảng kinh hoa trời rơi rụng nhưng không có người nghe. Tại sao vậy? Vì không có pháp duyên. Bạn mới biết, kết pháp duyên quan trọng biết bao.

Chúng ta ngày nay muốn rộng độ chúng sanh, muốn đoàn kết các tôn giáo và chủng tộc khác nhau trên thế giới, cái duyên này đến đâu để kết vậy? Ngày nay ở Cư Sĩ Lâm có duyên thù thắng, chủ nhật hằng tuần, từng tôn giáo một ở nơi đó giảng kinh. Trừ phi là có việc quan trọng, không có việc quan trọng, tôi nhất định đi nghe. Tại sao vậy? Tôi kết duyên với tôn giáo đó. Đây là điều mà các đồng tu phải biết. Tôn giáo khác nhau, chủng tộc khác nhau, cơ hội kết duyên này rất ít, rất hiếm có, gặp được cơ hội này nhất định phải nắm lấy. Chúng ta chịu kết duyên với họ, tương lai chúng ta hoằng pháp, họ sẽ hoan hỷ đến nghe. Bạn không kết duyên với người ta, khi bạn thành Phật rồi, bạn độ chúng sanh ít. Người thắng duyên độ chúng sanh nhiều, đạo lý là ở chỗ này. Tại sao Phật A Di Đà trong chư Phật được gọi là “Sáng nhất trong ánh sáng, vua của các Phật”? Do pháp duyên của Phật A Di Đà thù thắng nhất. Chúng ta mới biết, lúc Ngài còn ở nhân địa, chắc chắn là mỗi một lần có cơ duyên đồng sự với chúng sanh, Ngài tuyệt không từ bỏ, nên duyên của Ngài mới thù thắng như vậy. Đây là nhân quả. Chúng ta gieo nhân thiện, tương lai nhất định được quả thiện, bạn không chịu gieo nhân thiện thì quả thiện ở đâu ra? Nhất định phải biết kết duyên. Pháp sư giảng kinh, dù cho là mới học, khi chúng ta có thời gian rảnh rỗi, cần phải tranh thủ thời gian đi nghe, kết duyên với họ. Tôi đã nói bao nhiêu lần với mọi người, tôi đi đến đạo tràng người ta, lễ Phật ba lạy tại chánh điện, ý niệm đó của tôi là kết duyên. Tôi lạy thứ nhất là kết duyên với pháp sư thường trụ, lạy thứ hai là kết duyên với thổ địa tại nơi này, lạy thứ ba là kết duyên với tất cả chúng sanh tại địa phương này. Ba lạy của tôi là không có lạy suông, cho nên khi tôi đến nơi đó để giảng kinh thì pháp duyên rất thù thắng.

Lần trước các bạn cùng tôi đến chùa Cực Lạc Tân Thành, tôi đã nói với các bạn, lần thứ nhất đến chùa Cực Lạc Tân Thành là đi tham quan du lịch ngang qua chỗ đó. Bảy, tám năm trước tôi lạy Phật ba lạy tại chánh điện thì tám năm sau nhân duyên chín muồi rồi. Đây là nguyện tự mình hứa. Bạn không kết duyên thì pháp duyên ở đâu ra? Cho nên đồng sự là quan trọng như vậy. Con người dứt khoát không được xa rời đoàn thể, nhất định phải chung sống hòa mục với đoàn thể. Đời sống giống như đoàn thể đại chúng, được tâm hoan hỷ của đại chúng, tứ chúng đồng tu không xa rời nhau thì duyên của bạn mới thù thắng. Nếu như tự cho mình là một giai cấp đặc thù, không chung sống với đại chúng, tương lai bạn thành Phật cũng là Phật lẻ loi một mình, không có thính chúng. Đạo lý này chúng ta nhất định phải biết. Tứ nhiếp, đến chỗ này đã giới thiệu một đoạn, ý vị thâm thúy, nói không cùng tận. Trong bốn điều, mỗi một điều đều trùm khắp pháp giới.

Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, đối tượng trong kinh văn là Long vương Sa Kiệt La. Ý nghĩa đại biểu của Long vương Sa Kiệt La, nói theo cách hiện nay chính là người lãnh đạo ở trong các ngành, các nghề trên thế gian này. Long vương là đại biểu người lãnh đạo, Sa Kiệt La chính là nói thế giới của chúng ta. Chúng ta phải hiểu ý nghĩa này thì bạn mới biết lời Phật nói ở trong kinh là không phải thần thoại, không phải mê tín.

“Cử yếu ngôn chi”. Đây là nêu ra một hạng mục quan trọng nhất.

“Hành thập thiện đạo, dĩ tứ nhiếp trang nghiêm cố, thường cần nhiếp hóa nhất thiết chúng sanh”. Đại ý của đoạn này đã giới thiệu qua với quí vị rồi. Hôm nay chúng ta dùng chút thời gian để làm một cuộc tổng kết, vì đoạn này vô cùng quan trọng.

Chúng ta xem thấy ở trong báo chí, tư liệu thông tin, ngày nay toàn thế giới có rất nhiều khu vực loạn động bất an, có một số là chính trị, một số là tài chính, một số là chủng tộc, một số là tôn giáo, kéo theo xã hội biết bao nhiêu nhân dân đau khổ. Chúng ta cần tư duy thật kỹ, vì sao lại xảy ra nhiều loạn động như vậy? Tại sao xảy ra nhiều tranh chấp như vậy? Vấn đề này rốt cuộc phải giải quyết như thế nào? Người hiện tại phản đối những cách làm của đế vương chuyên chế trước đây, tôn sùng tự do dân chủ. Tự do dân chủ với đế vương chuyên chế, rốt cuộc cái nào tốt, có người nào thâm nhập nghiên cứu, thảo luận hay chưa? Chúng ta không nên mù quáng, nói phụ họa theo người, như vậy sẽ bị thiệt thòi. Nhất định phải quan sát, nghiên cứu, tư duy, thảo luận thật kỹ. Trước đây, đối với sự việc này tôi cũng đã từng nói qua, hai loại chế độ khác nhau này, mỗi cái đều có lợi và hại, có ưu điểm và cũng có khuyết điểm. Chuyên chế có cái hay và cái không hay của chuyên chế, tự do dân chủ có cái hay và cái không hay của tự do dân chủ. Chúng ta cần đem cái tốt với cái tốt làm cuộc so sánh, không tốt với không tốt làm cuộc so sánh, để đầu óc chúng ta sáng suốt ra. Trên thực tế nói, chế độ thì không có gì là tốt hay không tốt. Tốt hay không tốt là do con người. Lời của Khổng Lão Phu Tử nói rất đáng để chúng ta tư duy, soi lại một cách sâu sắc. Ngài nói: “Người còn thì việc còn, người mất thì việc hết”. Nếu như người này tốt thì chuyên chế cũng tốt, dân chủ cũng tốt. Người này không tốt thì chuyên chế cũng gây ra tổn hại, dân chủ cũng gây ra tổn hại. Có thể thấy rằng, vấn đề là do con người, hoàn toàn không do chế độ, đây là điều chúng ta phải nhận thức rõ ràng.

Chúng ta nói người này là thánh nhân, là hiền nhân, sao gọi là “thánh hiền”? Ý nghĩa chữ “Thánh” là đối với đạo lý, chân tướng sự thật của vũ trụ nhân sinh đã thông đạt hiểu rõ thì người này được gọi là “thánh nhân”. Chúng ta nói “thần thánh”, “thần” cũng là ý nghĩa này. Bạn thấy chữ “Thần” này là chữ hội ý. Chữ này ở bên trái là chữ “Thị”, chúng ta gọi là thị trong khai thị. “Thị” nghĩa là gì vậy? Ở trong “Thuyết Văn” giải thích, “thị” là nói ông trời báo điềm. Phía trên nó là chữ “Thượng”, hai gạch ngang, gạch phía trên ngắn, gạch phía dưới dài là chữ “Thượng”. Phía dưới chữ “Thượng” vạch xuống ba đường, đây là biểu thị ông trời báo điềm. “Ông trời báo điềm”, dùng cách nói hiện đại mà nói, chính là hiện tượng tự nhiên. Bên phải là chữ “Thân”, “thân” có nghĩa là gì vậy? Nếu như bạn xem cách viết của chữ Triện, bạn sẽ rất dễ dàng thể hội được. Ý nghĩa của nó là “thông suốt”, tức là nói hiện tượng tự nhiên này, bạn hoàn toàn thông suốt, hoàn toàn hiểu rõ, một chút cũng không mê hoặc thì người này gọi là “Thần nhân”. Cho nên ý nghĩa của Thần và Thánh là thông với nhau, chính là một người thấu tình đạt lý. Người như vậy, bất kể họ là chuyên chế hay là dân chủ đều tốt, nhất định làm rất tốt. Tại sao vậy? Họ không có tư tâm. Ngược lại, nhà Nho nói, nếu như tiểu nhân lên nắm chính quyền, bất kể họ làm hoàng đế hay làm tổng thống thì nhân dân đều gặp họa. Tại sao vậy? Bởi vì họ tự tư tự lợi, họ không quan tâm đến trăm họ, không quan tâm đến quốc gia. Từ đó cho thấy, con người là quan trọng nhất, chế độ chỉ là thứ yếu. Quốc gia bồi dưỡng nhân tài là việc lớn hàng đầu, nếu có thể làm tốt giáo dục thì bất kể chế độ gì cũng tốt.

Nhà Nho thật sự là thánh nhân, họ nhìn thấy, họ hiểu rõ, rất sáng tỏ, cho nên ở trong “Học ký” nêu ra “Kiến quốc quân dân, giáo học vi tiên”, (“quân” nghĩa là lãnh đạo). Bồi dưỡng nhân tài, xây dựng một quốc gia, xây dựng một chính quyền, thống trị nhân dân, lãnh đạo nhân dân, cái gì là quan trọng nhất, là ưu tiên nhất? Giáo dục, “Giáo học vi tiên”. Trong giáo dục, cái nào là ưu tiên nhất? “Tứ nhiếp pháp” là ưu tiên nhất. Thầy giáo làm thế nào có thể nhiếp thọ học sinh? Ý nghĩa của “nhiếp thọ” là khiến học sinh tâm phục khẩu phục đối với thầy, đây gọi là nhiếp thọ. Người lãnh đạo quốc gia làm thế nào nhiếp thọ nhân dân cả nước, để nhân dân cả nước đối với người lãnh đạo quốc gia tâm phục, khẩu phục? Phật dạy chúng ta tứ nhiếp pháp. Cho nên tôi dùng thời gian nhiều một chút để giảng “Tứ nhiếp pháp”. Phạm vi nhỏ nhất là vợ chồng, trong một gian phòng có hai người, bạn có thể hiểu được tứ nhiếp pháp thì vợ chồng hòa thuận, gia đình hưng vượng; lớn là đến quốc gia, thế giới, bạn thử nghĩ xem câu nói này quan trọng biết bao. Việc thiên hạ, chỉ cần người với người có thể cư xử tốt với nhau thì vấn đề gì cũng giải quyết được. Người với người không thể sống với nhau thì chế độ tốt như thế nào cũng là vô ích, cũng sẽ bị phá hoại, bị san bằng triệt để.

Chúng ta học Phật, bản thân là đệ tử Phật, bất luận là xuất gia hay tại gia, chúng ta có sứ mệnh hoằng pháp lợi sinh. Hoằng pháp lợi sinh hoàn toàn là đứng ở lập trường giáo dục xã hội, ngày nay gọi là lập trường của người làm công tác nghĩa vụ giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa, giúp đỡ người lãnh đạo các tầng lớp xã hội. Chúng ta ở bên cạnh phối hợp giúp đỡ, thúc đẩy nền giáo dục cổ thánh tiên hiền. Trong đây chúng ta cần phải nhận biết, nền giáo dục cổ thánh tiên hiền có phải là nền giáo dục của riêng bản thân họ phải không? Ngày nay chúng ta thử hỏi, Phật giáo có phải là nền giáo dục của Phật Thích Ca Mâu Ni không? Tư tưởng giáo dục của Nho gia có phải là tư tưởng giáo dục của Khổng Lão Phu Tử không? Nếu như chúng ta nói phải, thì chính các Ngài phủ định; Khổng Lão Phu Tử phủ định, Phật Thích Ca Mâu Ni cũng phủ định. Các Ngài nói như thế nào vậy? Khổng Lão Phu Tử nói cả đời Ngài, bản thân Ngài chẳng có gì cả, những gì mà Ngài nói ra là lời của cổ nhân nói, “chỉ thuật lại, chứ không sáng tác”, bản thân Ngài không có sáng tác, không có phát minh. Những lời mà Ngài nói là lời của cổ nhân nói, không phải của bản thân Ngài. Những lời Phật Thích Ca Mâu Ni nói ra cũng không phải của bản thân Ngài, mà là lời của Phật quá khứ nói. Phật Thích Ca Mâu Ni cả đời 49 năm giảng kinh thuyết pháp, cũng là “thuật lại, chứ không sáng tác”. Điều này chúng ta nhìn thấy ở trên kinh điển. Đến cuối cùng, Phật ở trong kinh đã nói lời thành thật, nền giáo dục này không phải do một người nào nói, là từ trong tự tánh lưu xuất ra, tuyệt đối không phải của người khác, là sự lưu xuất của tánh đức, “Pháp vốn như vậy!”.

Trong “Tam Tự Kinh”, câu đầu tiên là “Nhân chi sơ, tánh bổn thiện”. Chữ “nhân” đó là tất cả người, gồm cả bản thân chúng ta trong đó. Tánh bổn thiện, chữ “Thiện” này không phải là thiện trong thiện ác. Thiện trong thiện ác là đã bất thiện rồi. Phật ở trong kinh Hoa Nghiêm nói: “Tất cả chúng sanh đều có trí tuệ đức tướng của Như Lai”, đó chính là bổn thiện. Cho nên, trí tuệ của Như Lai chính là trí tuệ chân thật viên mãn vốn đầy đủ trong tự tánh. “Đức” là nói năng lực, “tướng” là nói tướng hảo. Trí tuệ là viên mãn, năng lực cũng là viên mãn, tướng hảo vẫn là viên mãn. Nhà Phật gọi là bình đẳng, không có khác biệt. Ở trong không có khác biệt đó, tại sao lại có hiện tượng khác biệt xuất hiện vậy? Phật nói do chúng sanh đã mê mất bản tánh, mê có sâu, cạn không giống nhau, cho nên mới biến thành khác biệt. Nền giáo dục của thánh nhân không có gì khác, là dạy chúng ta, giúp đỡ chúng ta phá mê khai ngộ, cho nên thánh nhân giáo hóa chúng sanh không kể công. Bạn nói công lao, họ không có công lao. Họ có công lao gì chứ? Trí tuệ đức năng là của bạn, không phải họ cho bạn, mà là cái vốn có của chính bản thân bạn. Chẳng qua là họ nói cho chúng ta biết chúng ta làm sao mê mất, hiện nay cần phải dùng phương pháp gì để đột phá cái cửa mê này, để trí tuệ đức năng vốn có trong tự tánh chúng ta hiện tiền. Như thế mà thôi, không phải có được từ bên ngoài. Chúng ta quan sát tỉ mỉ lời giáo huấn của đại thánh đại hiền xưa nay, trong ngoài, quả thật đúng là như lời Phật đã nói. Vậy chúng ta mới bừng tỉnh giác ngộ, hóa ra lời mà các Ngài nói ra không phải do chính bản thân các Ngài phát minh, không phải kiến giải của riêng các Ngài, mà là các Ngài tự mình giác ngộ rồi đem chân tướng sự thật này nói ra với chúng ta. Đây là thực tướng của thể tướng dụng trong tự tánh chúng ta, cái này chúng ta mới thật sự bái lạy sát đất, không còn gì để nói.

Chúng ta tin họ, có phải là tin họ không? Không phải tin họ, mà là “tin mình”. Những cái họ nói vốn dĩ đầy đủ trong tự tánh của ta, cho nên nhà Phật nói “Tín”, các bạn xem, Ngẫu Ích đại sư trong “Yếu Giải” giảng về Tín – Nguyện – Hạnh, Ngài đã nói sáu chữ “Tín”, đầu tiên là “tin mình”, thứ hai mới “tin người”. “Người” là ai vậy? Người là người đã tự giác. Ta vẫn chưa giác ngộ, họ giác ngộ rồi, ta phải theo kinh nghiệm giác ngộ của họ, theo những đạo lý phương pháp giác ngộ này, để giúp ta cũng giác ngộ. Sự việc là như vậy. Mượn kinh nghiệm của họ để giúp mình phá mê khai ngộ, như vậy công đức mới viên mãn. Cho nên Phật nói, “Ta - Người không hai”, hư không pháp giới tất cả chúng sanh là một thể. Khái niệm này, trong danh từ nhà Phật gọi là “Pháp thân thanh tịnh”. Bạn có khái niệm này, bạn khẳng định, bạn thừa nhận, một mảy may hoài nghi cũng không còn thì bạn chứng được pháp thân thanh tịnh. Cho nên, tâm yêu thương là cái vốn có ở trong tự tánh, không phải học được từ bên ngoài.

Tình thương của phàm phu chúng ta ngày nay đã mê mất tự tánh, tình thương của tự tánh là viên mãn, mê mất tự tánh thì bị lọt đi một phần. Một phần này lại bị trộn lẫn với ngũ dục thất tình, nên tình thương này biến thành tình thương của tự tư tự lợi. Tình thương của tự tư tự lợi với từ bi vốn có trong tự tánh, nói trên thể thì không khác, nói trên sự thì có mê - ngộ bất đồng, cho nên tác dụng là không giống nhau. Tình thương của giác ngộ trong Phật giáo gọi là “Từ bi”, nó có thể giúp bạn tu hành chứng quả, có thể giúp bạn làm Phật, làm Bồ Tát. Tình thương của mê nhiễm sẽ tạo thành nghiệp báo là ngạ quỷ, địa ngục, súc sanh. Từ đó cho thấy, mê ngộ, nhiễm tịnh, quả báo khác biệt rất lớn. Khác biệt này là khác biệt trên tướng, khác biệt trên dụng, nhưng trên thể không có khác biệt. Phàm phu chúng ta làm trí thức, cầu học, không thể khế nhập tri thức chân thật, do một quan niệm chủ yếu chính là phân biệt chấp trước quá nghiêm trọng, cho đây là Phật Thích Ca Mâu Ni nói, đó là Khổng Lão Phu Tử nói, là tư tưởng của họ, họ là người của 2500 năm trước, lời họ nói hiện nay chưa chắc còn thích hợp, lạc hậu rồi, không phù hợp thời đại nữa, cho nên một cách tự nhiên sinh ra một loại ý thức bài xích. Đây là sai lầm, không biết lời mà các Ngài nói ra là từ tự tánh chúng ta lưu xuất. Nếu như biết được là từ tự tánh chúng ta lưu xuất thì bạn đã không bài xích, bạn sẽ rất hoan hỷ tiếp nhận. Cho nên phải dạy học như thế nào? Làm thế nào giúp đỡ người khác phá mê, khai ngộ? Làm thế nào giúp đỡ người khác chuyển phàm thành thánh? Làm thế nào giúp đỡ người khác đoạn ác, tu thiện? Tứ nhiếp là môn học hàng đầu. Không biết tứ nhiếp thì không có cách gì dạy người được, không có cách gì chung sống với người khác. Đây là một môn học rất quan trọng.

Phật Bồ Tát có trí tuệ chân thật, các Ngài cũng có tâm rất nhẫn nại. Nghiệp chướng chúng sanh có người rất sâu nặng (trong kinh Phật thường nói “Căn tánh Xiển Đề”), quyết không phải một đời một kiếp có thể khuyên họ quay đầu, mà nhiều đời nhiều kiếp, trong vô lượng kiếp đã giúp đỡ họ quay đầu. Người một đời không thể quay đầu quá nhiều, quá nhiều. Không có tâm trí tuệ chân thật, không có tâm từ bi chân thật thì người đó sẽ thoái tâm. Chúng ta nhìn thấy người tu hành thoái tâm rất nhiều. Dường như hiện nay ở trong đồng tu chúng ta, Ngộ Thiện không đến, muốn thoái tâm rồi. Tại sao bị thoái tâm vậy? Không có trí tuệ, không có từ bi, phiền não hiện hành rồi. Nếu chú ấy có trí tuệ, có từ bi thì chắc chắn sẽ không thoái tâm.

Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ giảng đến đây.

A Di Đà Phật!

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH (tập 51)

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore

Thời gian: năm 2001

Cẩn dịch: Viên Đạt cư sĩ, Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Phật tử Diệu Hương, Phật tử Diệu Hiền

 

̀i n� yc���޲ng ta mà lên thêm một nấc nữa, đây là lợi hành. Chúng ta từ những chỗ này mà tư duy thật kỹ, thể hội thật kỹ, liền sẽ biết hành thập thiện. “Dĩ tứ nhiếp, lợi hành nhiếp, trang nghiêm cố”, có thể khiến tất cả chúng sanh được lợi ích chân thật, được lợi ích rộng lớn. Cái lợi ích này, nói một cách ngắn gọn là xã hội ổn định, thế giới hòa bình, phồn vinh, thịnh vượng; người người đều được sống cuộc sống hạnh phúc mỹ mãn. Đây là lợi hành.

 

Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ giảng đến đây.

A Di Đà Phật!

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH (tập 50)

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore

Thời gian: năm 2001

Cẩn dịch: Viên Đạt cư sĩ, Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Phật tử Diệu Hương, Phật tử Diệu Hiền