Thái Thượng Cảm Ứng Thiên (Tập 4)

Thái Thượng Cảm Ứng Thiên (Tập 4)
Các vị đồng học, xin chào mọi người! Ngày hôm qua, chúng tôi đã giảng hai câu đầu của Cảm Ứng Thiên là “Họa và phước chẳng có cửa nẻo [nhất định], chỉ do con người tự chuốc lấy”. Trong Vựng Biên đã nêu ra những công án nhiều đời, chứng tỏ nhiều không kể xiết, mỗi điều đều phải nên đọc thuộc nghĩ sâu. Chúng ta bởi vì thời gian hạn chế nên không thể giới thiệu từng điều một, mà chỉ có thể lựa chọn vài điều, đem điểm quan trọng nói rõ ràng với mọi người. Phật trên đại kinh thường bảo với chúng ta: “Nhất thiết pháp tùng tâm tưởng sanh”, đây là Phật tri Phật kiến. “Do con người tự chuốc lấy” cũng chính là ý này.

Các vị đồng học, xin chào mọi người!

Ngày hôm qua, chúng tôi đã giảng hai câu đầu của Cảm Ứng Thiên là “Họa và phước chẳng có cửa nẻo [nhất định], chỉ do con người tự chuốc lấy”. Trong Vựng Biên đã nêu ra những công án nhiều đời, chứng tỏ nhiều không kể xiết, mỗi điều đều phải nên đọc thuộc nghĩ sâu. Chúng ta bởi vì thời gian hạn chế nên không thể giới thiệu từng điều một, mà chỉ có thể lựa chọn vài điều, đem điểm quan trọng nói rõ ràng với mọi người. Phật trên đại kinh thường bảo với chúng ta: “Nhất thiết pháp tùng tâm tưởng sanh”, đây là Phật tri Phật kiến. “Do con người tự chuốc lấy” cũng chính là ý này.

Cổ đức nói với chúng ta, người phàm có quá nhiều vọng tưởng. Các vọng tưởng có thể phân làm ba loại là vọng tưởng quá khứ, vọng tưởng hiện tại và vọng tưởng vị lai. Thường thường nghĩ đến quá khứ, vinh nhục của quá khứ, những ân oán quá khứ đã kết với mọi người, buồn vui tan hợp. Loại này là thuộc về vọng tưởng quá khứ. Những người cao tuổi luôn nghĩ đến những sự việc thời còn trẻ của họ, cứ nghĩ đi nghĩ lại nghĩ mãi không dứt. Đây là thuộc về vọng tưởng quá khứ. Có những sự việc ở trước mắt, hoặc là phải làm, hoặc là không nên làm, luôn luôn do dự, không quyết định. Loại này là thuộc về vọng tưởng của hiện tại. Loại thứ ba là nghĩ đến tương lai. Những sự việc của tương lai là những việc trên thực tế chưa thể chắc chắn. Có những việc không thể có, nhưng họ vẫn cứ nghĩ, hoặc là nghĩ về tiền của, địa vị, quyền thế. Loại này thuộc về vọng tưởng vị lai.

Ba loại vọng tưởng này là vô lượng vô biên, niệm niệm không hề gián đoạn, vọng niệm này tiếp nối vọng niệm kia. Chúng ta không thể xem thường những vọng niệm này, cho rằng những vọng niệm này không quan trọng, vậy thì ta sai rồi. Một vọng niệm chính là một nghiệp nhân. Nghiệp nhân gặp được duyên thì quả báo liền hiện tiền. Thiện niệm thì có thiện báo; ác niệm nhất định cảm đến ác báo. Quả báo thiện ác không sai chạy một mảy may, đây chính là căn nguyên của kiết hung họa phước mà thiên văn chương này đã nói. Thánh Hiền thế xuất thế gian thường dạy bảo chúng ta, chúng ta phải nên ghi nhớ, phải nên suy nghĩ sâu, phải nên gắng thực hiện. Trong Vựng Biên có nêu ra một câu chuyện, câu chuyện này trong Liễu Phàm Tứ Huấn cũng có. Đời nhà Tống có một người tên Vệ Trọng Đạt, câu chuyện của người này lưu truyền rất rộng, không chỉ rất nhiều người thời đó biết được, do lưu truyền ghi chép ở trong sách mà người đời sau biết được cũng rất nhiều. Năm đó ông nhậm chức ở Hàn Lâm Viện, có một hôm bị vua Diêm La bắt đi. Sự việc này người thời nay nghe qua dường như là thần thoại, rất khó khiến cho người ta tin, nhưng kỳ thực, sự việc này là thật.

Tôi nhớ lúc nhỏ cũng gặp một sự việc, tôi ghi nhớ rất rõ ràng, quê hương chúng tôi là một thành thị nhỏ. Thành thị này là thành cổ, xây dựng từ thời nhà Hán đến ngày nay đã có hai ngàn năm lịch sử. Lúc nhỏ, tôi có một khoảng thời gian ngắn ở dưới quê, cách xa thành thị đến hai mươi lăm dặm đường. Lúc đó muốn lên thành thị thì phải đi bộ, đại khái phải đi hơn hai giờ, cũng không xem là quá xa. Tôi ở nhà của bà ngoại. Cách nhà ngoại tôi đại khái khoảng một hay hai căn, có một người bị bệnh rất nặng. Người bệnh đó nói: “Thành Hoàng muốn tôi đi làm việc”. Người ta hỏi: “Thành Hoàng muốn ông đi làm việc gì?” Ông nói: “Đi gánh đồ”. Hỏi: “Vì sao phải gánh đồ?” Ông nói: “Thành Hoàng lão gia muốn dọn nhà, bắt rất nhiều người đi gánh đồ, và muốn bắt tôi đi”. Người nhà hỏi: “Vậy thì phải làm sao?” Ông nói: “Các người có thể đốt giấy tiền vàng bạc cho tôi, để tôi đi thuê người khác làm, vậy thì tôi không phải đi nữa”. Người trong nhà liền đốt giấy tiền vàng bạc, rất nhiều người giấy, ngựa giấy. Sau khi ông đi thuê người làm xong, bệnh của ông liền khỏi. Chúng tôi nghe rồi liền cảm thấy rất kỳ lạ, tại sao Thành Hoàng lại muốn dọn nhà? Sau đó ba ngày, miếu Thành Hoàng đã bị quân đội chiếm đóng. Quân đội lấy miếu Thành Hoàng làm doanh trại, những bức tượng bên trong miếu đều bị phá hủy. Lúc này tôi mới hiểu ra, khi miếu Thành Hoàng bị quân đội chiếm lấy thì Thành Hoàng lão gia đã dọn nhà đi ba ngày trước rồi. Đây là sự thật mà chúng tôi chính mắt nhìn thấy. Cho nên, “ngẩng đầu ba thước có thần minh”, cho dù ta tin hay không tin, bạn tin thì có, bạn không tin thì vẫn là có. Người hiện nay không đọc sách Thánh Hiền, không tin tưởng những lời khuyên dạy chân thành. Những sự việc chính mắt tôi nhìn thấy rất nhiều, cho nên đối với những điển tích ghi chép của người xưa, tôi đều tin sâu, không nghi. Những tiểu thuyết thần thoại như Liêu Trai Chí Dị, Duyệt Vi Thảo Đường Bút Ký, Tử Bất Ngữ, những loại này tuyệt đại đa số là sự thật, không phải là bịa đặt vô căn cứ, không phải là chuyện ngụ ngôn.

Vệ Trọng Đạt bị Diêm Vương bắt đi. Sau khi ông bị bắt đi, phán quan liền điều tra việc thiện ác mà cả đời ông đã tạo. Kết quả là những việc ác mà ông đã tạo chất đầy một đống to như núi. Sổ ghi việc ác thì chất cao như núi, còn việc thiện thì chỉ có một quyển nhỏ, nói cách khác, cả đời ông chỉ tạo một việc thiện. Sau khi nhìn thấy, ông liền nói với phán quan: “Tôi vẫn chưa đến 40 tuổi, làm gì mà tôi đã tạo nhiều việc ác đến như vậy chứ?”. Phán quan liền nói với ông: “Những việc tạo tác này là khởi tâm động niệm của ông. Ông khởi lên một ác niệm thì trong âm tào địa phủ liền có hồ sơ dữ liệu lưu giữ ở đó, chẳng phải đợi ông tạo tác. Nếu ông tạo tác thì tội ông càng nặng, càng sâu. Khởi lên một niệm ác liền lưu lại một dữ kiện rồi”. Ông liền hỏi: “Vậy một ý niệm thiện của tôi, đó là gì?”. So sánh việc thiện ác của ông trước đây, xem thấy ác niệm nhiều đến như vậy, vua Diêm La rất tức giận. Sau đó Diêm Vương nói: “Mang cân đến đây để cân thử”. Khi vừa cân lên, lỗi lầm của ông nhiều đến như vậy mà lại nhẹ; còn một quyển việc thiện của ông thì lại nặng. Vua Diêm La liền rất hoan hỷ. Ông liền hỏi Diêm Vương: “Việc thiện đó của tôi, rốt cuộc là việc thiện gì vậy?”. Diêm Vương nói: “Lúc trước Hoàng đế muốn xây dựng một công trình, nhưng công trình này có thể không cần phải làm, hao người tốn của. Ông đã dâng lên một tờ tấu sớ, khuyên Hoàng đế không nên làm. Đây là do ông dụng tâm chân thành, thật tâm dâng lên tấu sớ này”. Vệ Trọng Đạt nói: “Nhưng Hoàng đế không nghe”. Diêm vương nói: “Nếu như Hoàng đế nghe theo thì phước báo của ông còn lớn hơn nữa. Hoàng đế không nghe, nhưng ông chân thành, ông có cái ý niệm này. Một việc thiện này đã đè xuống được rất nhiều việc ác của ông”.

Câu chuyện này rất đáng để chúng ta phản tỉnh. Diêm vương nói với ông, bởi vì điều ác của ông đã tạo quá nhiều, nên tiền đồ của ông có chướng ngại. Vốn dĩ trong số mệnh ông làm đến Tể tướng, nhưng nay ông không có phần Tể tướng nữa. Ông chỉ làm đến Lại bộ Thượng thư. Lại bộ Thượng thư tương đương với bây giờ là Bộ trưởng Bộ Nội vụ, vậy là bị giáng xuống một cấp.

Cho nên tạo tác thiện ác, chúng ta thường gọi là ba nghiệp. Chúng ta từ sớm đến tối, thân ngữ ý đều đang tạo nghiệp. Động tác của thân thể, lời nói từ trong miệng, ý niệm trong lòng, nếu tương ưng với Thập Thiện thì là thiện, trái nghịch với Thập Thiện thì là ác. Đây là tiêu chuẩn lớn, còn những việc nhỏ thì nhiều không kể xiết. Giới luật oai nghi ở trong Phật pháp, thực tế mà nói, hiện nay không có người nào làm được. Liên Trì Đại sư thời nhà Minh, Ngẫu Ích Đại sư cực lực đề xướng Sa-di Luật Nghi, đây là đã đem tiêu chuẩn của thiện hạ xuống thấp rồi. Chúng ta có thể làm được mười giới điều, hai mươi bốn môn oai nghi của Sa-di Luật Nghi thì ta chính là đệ tử chân chính của Phật. Thế nhưng ngày nay, đời sống vật chất nâng cao, quan niệm đạo đức bị xuống thấp, nên mười giới, hai mươi bốn môn oai nghi đều không làm được.

Cho nên Pháp sư Hoằng Nhất, các vị đều biết, cả đời phụng trì Ngũ Giới, Thập Thiện. Đối với người, Ngài tự xưng là xuất gia Ưu-bà-tắc. Con người này có đức hạnh, cả đời làm một người đoan chánh, phải làm cho được danh xứng với thực. Tỳ-kheo là giả, không phải là thật, Ngài không làm được Tỳ-kheo chân thật. Cho nên, làm một cư sĩ xuất gia thì có thể làm được, thọ trì Ngũ Giới, Thập Thiện, vậy thì danh xứng với thực. Kỳ thực, dùng danh xưng xuất gia Ưu-bà-tắc không phải bắt đầu từ Hoằng Nhất Đại sư. Chúng ta xem thấy ở trong sách, dùng cái danh phận này là Ngài Thành Thời, học trò của Ngẫu Ích Đại sư. Ngẫu Ích Đại sư tu hành rất chăm chỉ. Sau khi thọ xong Tam Đàn đại giới, Ngài xả đi giới Tỳ-kheo. Vì sao Ngài xả bỏ giới Tỳ-kheo? Ngài đích thực làm không được giới Tỳ-kheo, hơn nữa sự truyền thừa của giới Tỳ-kheo không như pháp, nghĩa là không thể đắc giới Tỳ-kheo. Cho nên Ngẫu Ích đại sư nói, Trung Quốc từ sau thời Nam Tống không có Tỳ-kheo nữa, đến cuối đời nhà Minh thì làm sao có thể đắc giới Tỳ-kheo chứ? Đây là hữu danh vô thực. Vì vậy, sau khi thọ giới rồi thì Ngài thoái giới. Ngài tự mình cả đời phụng trì Bồ-tát giới, Sa-di giới, tự mình xưng là Sa-di Bồ-tát giới, việc này có thể làm được.

Lão sư đã xưng là Sa-di, nên học trò không dám xưng Sa-di, Thành Thời là đồ đệ của Ngài, tự xưng là xuất gia Ưu-bà-tắc. Việc xưng là xuất gia Ưu-bà-tắc, tôi xem trong sách thì Thành Thời là người đầu tiên, gần đây xem thấy Hoằng Nhất đại sư cũng dùng cách xưng hô này. Danh xứng với thực!

Chúng ta ở thời đại này tu hành, có thể thật sự làm được Ngũ Giới, Thập Thiện, lão thật niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh Độ thì nhất định được vãng sanh. Người muốn sanh Tịnh Độ rất nhiều, nhưng tại sao đi không được? Đi không được đương nhiên là vì có chướng ngại. Chướng ngại gì? Không buông bỏ duyên đời! Điều này rất quan trọng. Phàm là người chân thật cầu vãng sanh thì phải buông bỏ tất cả, quyết định không tiêm nhiễm. Chúng ta ở thế gian này, nếu như chính mình có duyên phận, có thể thay xã hội, thay đại chúng làm một chút việc tốt thì tận sức mà làm, rộng kết thiện duyên. Rộng kết thiện duyên ở trong Phật pháp thì các vị xem Hư Vân lão Hòa Thượng thời cận đại, mọi người chúng ta đều rất quen thuộc. Lão Hòa Thượng dùng pháp duyên của Ngài, dùng sức ảnh hưởng của Ngài, xây dựng đạo tràng khắp nơi, giúp đỡ người xuất gia trẻ tu hành. Sau khi xây xong đạo tràng thì Ngài liền giao lại, sau đó thì không hề hỏi đến nữa. Đây là tu đại phước báo, chúng ta phải nên học tập.

Sức ảnh hưởng của chúng tôi không thể so sánh với lão Hòa Thượng, sức ảnh hưởng còn yếu kém. Chúng tôi khuyên bảo rất nhiều vị đồng tu có năng lực thì phát tâm xây dựng đạo tràng loại nhỏ. Tịnh Tông Học Hội ngày nay trên toàn thế giới cũng có năm, sáu mươi cái. Mỗi Tịnh Tông Học Hội đều độc lập. Chúng ta dùng sức ảnh hưởng của mình thúc đẩy tới thành công. Sau khi thành tựu rồi thì có còn hỏi đến nữa hay không? Không hỏi nữa. Nếu như ta còn muốn hỏi qua, nghĩa là ta vẫn còn bận tâm, vậy thì không thể vãng sanh. Phải buông bỏ triệt để, thân tâm thế giới một mảy trần không nhiễm thì chúng ta nhất định nắm chắc phần vãng sanh, điều này rất quan trọng. Cho nên, có thể vãng sanh hay không vẫn là ở chính nơi mình, không phải ở bên ngoài. Quyết không thể tiêm nhiễm danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần.

Phật ở trong kinh nói rất hay: “Tài- sắc- danh- thực- thùy là năm cái gốc của địa ngục”. Còn vướng một điều thì ta không thể tránh khỏi địa ngục, ta làm sao có thể vãng sanh? Điều này phải nghiêm túc ghi nhớ, không thể tham trước. Cả đời nên tùy duyên chứ không phan duyên. Tùy duyên hoan hỷ, cái gì cũng tốt, mỗi ngày ăn được no, mặc được ấm, một lòng hướng đạo.

Tôi cả đời chính là làm việc này, giảng kinh thuyết pháp, hoằng pháp lợi sanh, tất cả cái khác đều không hỏi, cả đời không có đạo tràng, cả đời không có đồ chúng. Ngày trước, những người xuất gia là Hàn Quán Trưởng thu nhận, không phải tôi thu nhận; đặt pháp danh, đều là Hàn Quán Trưởng đặt, không phải là tôi đặt. Mong muốn mọi người cố gắng tu học, tôi bây giờ tuổi tác đã lớn rồi, người xưa nói là đến lúc phải nên chết rồi, “bảy mươi ba, tám mươi bốn, Diêm Vương không mời cũng tự mình đi”, còn có cái gì đáng lưu luyến đâu chứ? Cả đời tôi không quản người, không quản việc, không quản tiền, đến lúc già rồi vẫn còn quản thì quá đỗi sai lầm. Buông bỏ tất cả thân tâm thế giới, sống một ngày thì vì Phật Bồ-tát mà làm việc một ngày.

Lớp bồi dưỡng khóa thứ năm của chúng ta có thể sẽ khai giảng vào nửa cuối năm nay. Phòng ốc của trường ở Dương Thố cảng, sau khi lấy lại thì số người có thể tăng thêm. Tôi nghĩ đến khóa học thứ năm, các vị học trò hiện tại đều làm thầy. Một thầy dạy hai học trò, chế độ này của chúng ta rất đặc thù, là một người thầy dạy hai người học trò. Cho nên bây giờ các vị cần phải chuẩn bị hết sức đầy đủ, chuẩn bị “Nghiên Cứu Giảng Tòa Nội Điển” và “Phương Pháp Diễn Giảng Thực Dụng”, phải cố gắng nghiên cứu hai khoa mục này. Tương lai, mỗi vị dẫn dắt hai học trò, nhiều nhất là ba học trò, phương pháp dạy học của chúng ta sẽ rất đặc thù. Khi kết thúc khóa học, tôi sẽ đến nghiệm thu. Học trò luyện tập giảng kinh, toàn bộ kinh nghiệm của các vị đều có thể truyền thụ cho họ. Cần phải cân nhắc việc chọn tài liệu, kinh luận. Trong lúc này, chuẩn bị nhiều một chút, dùng kinh Vô Lượng Thọ cũng được, dùng kinh A Di Đà cũng được, thậm chí kinh Bát Đại Nhân Giác, kinh A-nan Vấn Sự Phật Kiết Hung cũng được. Hiện nay chúng ta đều có rất nhiều tư liệu, có đến mấy mươi loại. Các vị muốn dùng loại nào thì phải chuẩn bị trước. Vì có rất nhiều thứ nên bây giờ đều có bộ phận văn tự, đây là tư liệu tham khảo rất tốt.

**********

Các vị đồng học, xin mời xem câu thứ hai của Cảm Ứng Thiên”: “Thiện báo, ác báo, như bóng theo hình”. Bốn câu mở đầu là tổng cương lĩnh của toàn văn. Phần văn tự sau đó là nói rõ bốn câu này. Hai câu đầu của tổng cương là “Họa và phước chẳng có cửa nẻo [nhất định], chỉ do con người tự chuốc lấy”, đây là nói nguyên lý của cảm ứng. Hai câu tiếp theo là “Thiện báo, ác báo, như bóng theo hình”, đây là nói rõ chân tướng sự thật của báo ứng. Trong bốn câu này có lý có sự. Hư không pháp giới, y chánh trang nghiêm là quả báo cảm ứng lớn. Một thế giới, một xã hội là một báo ứng nhân quả nhỏ. Còn nói đến một người, một gia đình thì đó là nghiệp nhân quả báo nhỏ nhất. Tất cả kinh Phật nói cũng không rời khỏi nguyên lý này. Trong kinh Hoa Nghiêm nói: “Ngũ châu nhân quả”, kinh Pháp Hoa nói: “Nhất thừa nhân quả”. Do đây có thể biết, thế xuất thế pháp chính là nhân duyên quả báo rõ ràng. Cho nên nhà Phật thường nói: “Vạn pháp giai không, nhân quả bất không”.

Ngày hôm qua, chúng ta nói đến chuyện Vệ Trọng Đạt đời nhà Tống. Trên thực tế là lấy ông để làm ví dụ, có một người nào, một chúng sanh nào mà không là như vậy. Cả đời chúng ta đã tạo vô lượng vô biên tội nghiệp, đặc biệt là người hiện nay. Người thời xưa cũng tạo nghiệp, cứ lấy Vệ Trọng Đạt ra mà nói, ông đã tạo ác nghiệp quá nhiều, thế nhưng đem so với chúng ta hiện nay thì ông tạo nghiệp vẫn còn ít. Ác nghiệp mà người hiện nay đã tạo, so với ông thì ít nhất phải gấp trăm, ngàn lần. Nguyên nhân gì vậy? Người thời xưa từ nhỏ đã được giáo dục của Thánh Hiền, cho nên tất cả ác nghiệp mà Vệ Trọng Đạt đã tạo là ác nghiệp trong ý niệm, chưa trở thành hành vi ác, ý niệm ác tuy có, nhưng không dám làm việc ác. Vì sao họ không dám làm? Do họ được giáo huấn của Thánh Hiền. Người hiện nay không những có ác niệm mà còn dám làm, tội nghiệp lớn nhất là bất hiếu với cha mẹ, hủy nhục Tam Bảo. Chúng ta tự mình nghĩ xem có làm sự việc này hay không? Cả đời chúng ta khởi tâm động niệm, hành vi tạo tác, tự mình nghĩ xem có xứng đáng với cha mẹ hay không? Có xứng đáng với Tam Bảo hay không? Tội nghiệp này thật quá mức, huống hồ còn có những tội nghiệp khác.

Trong kinh Vô Lượng Thọ nói rất hay: “Tiên nhân vô tri (người đời trước không biết)”, hay nói cách khác, cũng không thể quá trách cứ họ. Người chánh nhân quân tử có thể lượng thứ một chút cho những người tạo tác tội nghiệp, thế nhưng quỷ thần sẽ không lượng thứ cho bạn. Phật Bồ-tát có thể lượng thứ cho bạn, nhưng quỷ thần thì không lượng thứ cho bạn. “Làm thiện hay ác sớm muộn cũng đều có báo ứng”, vấn đề chỉ là đến sớm hay muộn mà thôi.

Đạo lý quả báo của sự việc này rất sâu, sự cũng rất phức tạp. Chúng ta không thể chỉ thấy những việc trước mắt. Đối với việc trước mắt, phải có trí tuệ chân thật thì bạn mới có thể thấy ra được, phàm phu thì làm sao có thể thấy được việc trước mắt. Người khác cố tình tạo tác, ta phải xem kết cuộc của họ, sau đó bạn mới thật sự hiểu được quả báo như bóng theo hình.

Nhà Phật nói có ba loại quả báo. Loại thứ nhất là “Hiện báo”. Phàm là quả báo thì đều có nhân có duyên, hợp thành nhân duyên quả báo. Nhân là đời quá khứ đã tạo, hiện tại gặp được cơ duyên, liền khiến cho những nghiệp nhân ở trong A-lại-da thức bị kéo ra, thế là biến thành quả báo hiện tiền. Quả báo thiện nhất định có chủng tử thiện, chủng tử là nhân, gặp được thiện duyên. Duyên có hai loại gọi là thuận cảnh tăng thượng duyênnghịch cảnh tăng thượng duyên. Thuận nghịch tăng thượng duyên đều có quả báo rất tốt. Đó là vì sao? Vì có nhân tốt, trong A-lại-da thức có nhân thiện, có chủng tử thiện. Nếu trong A-lại-da thức của ta có nhân ác, chủng tử ác thì dù có gặp được thiện duyên cũng sẽ biến thành việc ác, cũng sẽ có quả báo ác hiện tiền.

Những chân tướng sự thật này, chúng ta chỉ cần bình lặng quan sát thì sẽ thấy rất rõ ràng tường tận. Những gì trong đời tôi đã gặp, những vị đồng tu theo tôi nhiều năm đều có thể thấy được rất rõ ràng. Những duyên mà tôi đã gặp có cả thiện duyên và ác duyên. Thiện duyên là tôi gặp được những vị lão sư tốt, như tiên sinh Phương Đông Mỹ tiếp dẫn tôi vào cửa Phật; Đại sư Chương Gia đặt định nền móng cho tôi; lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam thành tựu cho tôi. Đây là thiện duyên thiện nhân. Về sau, trong quá trình hoằng pháp của tôi, đạo tràng mà tôi xuất gia đã không tiếp nhận tôi nữa, tôi bị đuổi đi, đây là ác duyên. Quý vị thử suy nghĩ quả báo về sau là tốt hay không tốt? Là quả báo tốt! Vì nếu tôi không bị đuổi đi thì đời này của tôi không thể thành tựu, nguyên nhân là gì? Thành tựu là phải dày công khổ luyện ở trên giảng đài. Đạo tràng đó cho dù đối với tôi có tốt hơn đi nữa, họ cũng không chịu để cho tôi giảng kinh, tôi không có cơ hội lên giảng đài. Cho nên, tuy có ác duyên này mà quả báo về sau tốt.

Sau đó tôi gặp được Hàn Quán Trưởng. Cả một đời bà trong suốt ba mươi năm đã giúp tôi thành tựu, cho tôi cơ hội giảng kinh. Bà hoàn toàn nắm giữ quyền quản lý đạo tràng. Có rất nhiều người xuất gia tại gia đã nói với tôi là Hàn Quán Trưởng đoạt quyền. Tôi chỉ cười nói: “Có người quản việc, không phải tốt hơn sao? Tôi không cần phải bận tâm lo lắng”. Phần đông người nhìn thấy đều cho rằng đây là nghịch duyên, nói sao mà tôi lại gặp phải một người như vậy? Đối với tôi mà nói thì đó là thiện duyên, vì bà đã thành tựu cho tôi. Bà ấy thì việc gì cũng đều muốn, tôi thì việc gì cũng đều giao cho bà, vì vậy tham sân si của tôi đoạn dứt rồi. Cho nên, nhân thiện của ta gặp phải duyên ác thì quả báo vẫn là thiện. Tôi có được thành tựu như ngày nay, người khác nói là bà không tốt, còn tôi thì cảm tạ đại ân đại đức của bà. Đây là điều mà phàm phu thế gian không nhìn thấy được.

Việc xây dựng đạo tràng là dùng danh nghĩa của bà. Sau khi bà vãng sanh thì con trai của bà thừa kế tài sản của đạo tràng. Chúng tôi không còn cách nào, toàn bộ đành phải rời đi. Quả báo này là tốt hay không tốt vậy? Tốt! Tôi vô cùng cảm kích Cao Quí Dân, vì sao vậy? Nếu như Cao Quí Dân tiếp tục giống như mẹ của ông mà hộ trì tôi, các vị thử nghĩ xem, tôi lớn tuổi rồi, sẽ phải vất vả. Sau khi Hàn Quán Trưởng vãng sanh, tôi phân phối thời gian là ở Mỹ ba tháng, ở Đài Loan ba tháng, ở Úc châu ba tháng, ở Singapore ba tháng. Đi đi lại lại khoảng cách xa như vậy thì rất là vất vả. Khi ông ấy thu lại toàn bộ, chúng tôi thảy đều rời khỏi. Cho nên tôi không cần đi Đài Loan nữa; tôi cũng có thể không đi Mỹ, không cần chịu khổ cực nhiều đến như vậy. Tâm tôi định ở Singapore, nên tôi có thể giảng được bộ kinh lớn như vậy, tôi làm sao mà không cảm kích ông ấy? Tôi không cần phải vất vả bôn ba, hoàn toàn định lại.

Ở nơi này tôi làm khách, không làm chủ. Người làm chủ nơi này là cư sĩ Lý Mộc Nguyên. Mọi thứ tôi đều không cần phải lo, tôi chỉ chuyên tâm dạy học, giảng kinh. Tôi vẫn là không quản ba việc: “Không quản người, không quản việc, không quản tiền”. Tất cả những phong bì cúng dường, tôi đều không xem, toàn bộ đem đến thôn Di Đà, một xu tôi cũng không lấy. Các vị nghĩ xem, tôi tự tại đến mức nào? Tôi làm sao không cảm kích Cao Quí Dân cho được?

Chỉ người thật sự có trí huệ mới có thể nhìn thấy được rõ ràng nghiệp nhân quả báo. Quan trọng nhất vẫn là cái tâm của bạn. Tâm là nhân, bên ngoài là duyên. Tâm của bạn tốt, nhân tốt, dù gặp phải ác duyên, về sau kết quả vẫn là tốt. Trồng nhân thiện được quả thiện, tạo nhân ác nhất định có ác báo. Đạo lý này, trong quyển sách này đã hiển thị rất rõ ràng, minh bạch. Tóm lại, quả báo có “Hiện báo”. Hiện báo là nhân của bạn mạnh và duyên cũng thù thắng.

Loại thứ hai gọi là “Sanh báo”. Sanh báo là trong đời này không thấy được quả báo, mà quả báo là ở đời sau. Chúng ta cũng nhìn thấy rất nhiều loại sự việc này ở thế gian, có thiện báo, có ác báo, dường như chẳng phải là cái nhân của đời này. Con người này là người thiện, người tốt, thế nhưng quả báo của họ không tốt, đời sống nghèo khó; còn người kia là người ác, lại đại phú, đại quý. Điều này chúng ta phải nên biết, nhân phú quý của họ là do trồng từ đời trước, đến đời này thì đã chín muồi. Nghiệp tội mà họ đã tạo trong đời này sẽ nhận quả báo ở đời sau. Quả báo thông ba đời.

Loại thứ ba gọi là “Hậu báo”. Từ đời thứ ba về sau, không nhất định là đời nào, có khi là cách xa nhiều đời, khi nhân duyên hội đủ thì quả báo sẽ hiện tiền. Hiểu rõ đạo lý này thì khởi tâm động niệm của chúng ta phải “thuần”, tâm địa phải “hậu”. Người có tâm nhân hậu thì nhất định có hậu phước; người có tâm địa bạc ác thì nhất định có hung tai. Chúng ta phải hiểu đạo lý chân tướng sự thật này.

Trong chú giải có một đoạn nói: “Tạo tác thiện thiện, ác ác, báo ứng như bóng theo hình”. “Như bóng theo hình” là tỉ dụ. Hình là thân thể chúng ta. Thân thể ở dưới ánh sáng thì có cái bóng. Bóng thì nhất định đi theo thân hình của ta, không thể tách rời, ý nói báo ứng cũng là như vậy. Cho nên nhất thiết không nên hiểu lầm, tạo ác mà không thấy quả báo ác, thế là liền mất đi tín tâm. Người xưa nói, người tạo tội ác hiện tại không bị quả báo, là do phước báo đời trước của họ chưa hưởng hết, họ đang hưởng thụ phước báo của đời trước. Khi phước báo đời trước hưởng hết rồi, tội ác chất chồng thì quả báo của họ liền hiện tiền. Cùng một đạo lý này, tâm thiện, hành thiện mà không thấy phước báo hiện tiền, thậm chí còn nhìn thấy chính bản thân họ, gia đình họ vẫn gặp phải rất nhiều hung tai, rất nhiều người nhìn thấy hiện tượng này thì không còn tin việc nhân quả báo ứng nữa. Họ không hiểu được những hung tai ngày nay phải chịu chính là dư báo của ác báo trong đời quá khứ. Đợi đến khi dư báo của ác báo này thọ hết rồi thì phước liền hiện tiền, gọi là “thiện quả viên thành”. Thiện tâm, thiện hạnh của chúng ta quyết không suy thoái. Bất luận ở trong bất cứ nghịch cảnh, nghịch duyên nào, tín tâm của ta vẫn kiên định, thiện hạnh của ta không thoái chuyển thì chúng ta chân thật có phước báo.

Ngày trước, khi chúng tôi cầu học ở Đài Trung, lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam dạy chúng tôi học sách Ngũ Chủng Di Quy do Trần Hoằng Mưu biên soạn. Trong Ngũ Chủng Di Quy có một chương là Tâm Tướng Thiên của Trần Hy Di, lão sư đặc biệt chú trọng. Ngài bảo chúng tôi phải đọc cho kỹ, suy nghĩ tường tận, nỗ lực phụng hành, sửa đổi. Người chân thật tu hành thì hằng ngày phải kiểm điểm lỗi lầm của chính mình, bạn mỗi ngày có thể phát hiện được lỗi lầm, điều này trong nhà Phật gọi là khai ngộ. Bạn khai ngộ rồi. Mỗi ngày bạn có thể sửa đổi lại những lỗi lầm, đây gọi là chân thật tu hành, đây là công phu chân thật, phước báo về sau vô lượng vô biên. Sửa lỗi nhất định phải sửa từ nơi tâm. Tâm là gốc của họa phước. Một niệm thiện là gốc của phước, một niệm ác là gốc của họa, cho nên “Họa và phước chẳng có cửa nẻo [nhất định], chỉ do con người tự chuốc lấy”. Thời trước, ở nhà có cha mẹ dạy, đi học có thầy dạy. Thực tế mà nói, chúng sanh đời này rất là bất hạnh vì không có người dạy. Tầm tuổi của tôi thì còn tiếp xúc được một chút duyên, lúc nhỏ thì cha mẹ dạy, khi đi học thì thầy dạy, tiếp xúc được một chút duyên. Khi đến Đài Loan, tôi còn tiếp xúc được một chút đạo lý sư thừa, đây thật sự là rất may mắn, trong Phật pháp gọi là “trăm ngàn muôn kiếp khó tìm cầu”.

Tôi thân cận lão sư, rất nhiều người khác cũng thân cận lão sư, học trò của tiên sinh Phương Đông Mỹ rất nhiều, học trò của Đại sư Chương Gia cũng rất nhiều, học trò của Ngài Lý Bỉnh Nam cũng rất nhiều, nhưng vì sao thành tựu không giống nhau? Tôi đã từng nói với các vị, là do hiếu học. Nếu bạn hiếu học, bạn gặp được những thiện tri thức này thì bạn sẽ có thành tựu. Nếu bạn không hiếu học thì có gặp được thiện tri thức cũng như không. Hiếu học là cái nhân của chính mình, gặp được những đại thiện tri thức này là thiện duyên. Cho nên, quan trọng nhất vẫn là nhân hạnh của chính mình. Nhân hạnh này là do nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ tích lũy tu tạo mà thành, không phải là nhân hạnh trong đời này.

Cho nên chúng tôi gặp được lão sư tốt, học trò của lão sư rất nhiều nhưng chân thật có thành tựu thì không nhiều, đạo lý là ở chỗ này. Duyên giống nhau nhưng nhân không giống nhau, nên quả báo cũng không như nhau. Chúng ta hiểu rõ đạo lý này, hiểu được chân tướng sự thật thì liền biết được tự mình phải nên tu học như thế nào. Ngày nay, các vị đều biết được thế gian sẽ có tai nạn. Không chỉ là tiên tri cổ xưa của Đông, Tây phương đã nói như vậy, mà chúng ta có thể nhìn thấy được. Từ chỗ nào nhìn ra được? Từ nhân tâm. Trong sách cổ Trung Quốc đã nói rất nhiều, nhân tâm nhân hậu, thành thật thì xã hội an định, nhân dân có phước. Nếu như người thế gian đều tràn đầy ngờ vực, hiềm nghi, tham-sân-si-mạn, thị phi nhân ngã thì xã hội này không thể an định, thế giới này không thể thái bình. Nếu muốn cứu vãn kiếp nạn này, thực tế mà nói, hai bộ sách Liễu Phàm Tứ Huấn và Cảm Ứng Thiên rất có hiệu quả. Chúng ta mỗi ngày đọc tụng, thọ trì, y giáo phụng hành, lão thật niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, ta nhất định có thể làm Phật. Cho nên, các vị đồng tu yêu cầu tôi giảng hai bộ sách này, tôi cũng rất hoan hỷ. Hiện nay giảng hai bộ này là khế hợp thời cơ nhất, nhà Phật gọi là khế cơ, khế lý.

Được rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng tôi chỉ giảng đến đây thôi.