Làm Thế Nào Để Làm người Tốt Như Pháp (Tập 21)

Làm Thế Nào Để Làm người Tốt Như Pháp (Tập 21)
Xin chào các vị bằng hữu, chào mọi người! Tiết học trước chúng ta đã nói đến “bác học” là học rộng uyên thâm. Trong học rộng uyên thâm, quan trọng nhất là phải học tập từ phương diện cuộc sống. Chúng ta cũng nói đến việc trẻ nhỏ phải biết tự lo liệu cuộc sống như thế nào, từ việc chúng tự mình ra sức làm việc nhà mà bắt đầu huấn luyện việc tự chăm lo cuộc sống của chính mình. Từ nhỏ mà chúng biết được cách tự mình quản lý cuộc sống và sinh hoạt của chính mình, trong lúc chúng lao động thì sẽ hiểu được cách đối đãi với người, đặc biệt là biết cảm ân đối với cha mẹ của mình. Bởi vì từ nhỏ đã lao động cho nên chúng sẽ trở nên cần cù, thường sẽ biết cách lao động và biết chủ động giúp đỡ người khác. Vì thế mà các mối quan hệ nhân tế của chúng cũng trở nên tốt hơn, cũng nhận được sự hoan nghênh của người khác. Trong quá trình lao động đó cũng sẽ nâng cao được sức ý chí, nâng cao năng lực đảm đương công việc của chúng. Đây cũng là điều đang thiếu hụt của trẻ trong xã hội hiện tại. Vì vậy, trong đời sống thường ngày chúng ta cũng phải huấn luyện cho trẻ làm việc nhà. Điểm thứ hai chính là vấn đề lễ nghĩa trong đời sống. Khổng Lão Phu Tử nói: “Bất học lễ vô dĩ lập”, người không có lễ phép sẽ rất khó có được chỗ đứng trong xã

Xin chào các vị bằng hữu, chào mọi người!

Tiết học trước chúng ta đã nói đến “bác học” là học rộng uyên thâm. Trong học rộng uyên thâm, quan trọng nhất là phải học tập từ phương diện cuộc sống. Chúng ta cũng nói đến việc trẻ nhỏ phải biết tự lo liệu cuộc sống như thế nào, từ việc chúng tự mình ra sức làm việc nhà mà bắt đầu huấn luyện việc tự chăm lo cuộc sống của chính mình. Từ nhỏ mà chúng biết được cách tự mình quản lý cuộc sống và sinh hoạt của chính mình, trong lúc chúng lao động thì sẽ hiểu được cách đối đãi với người, đặc biệt là biết cảm ân đối với cha mẹ của mình. Bởi vì từ nhỏ đã lao động cho nên chúng sẽ trở nên cần cù, thường sẽ biết cách lao động và biết chủ động giúp đỡ người khác. Vì thế mà các mối quan hệ nhân tế của chúng cũng trở nên tốt hơn, cũng nhận được sự hoan nghênh của người khác. Trong quá trình lao động đó cũng sẽ nâng cao được sức ý chí, nâng cao năng lực đảm đương công việc của chúng. Đây cũng là điều đang thiếu hụt của trẻ trong xã hội hiện tại. Vì vậy, trong đời sống thường ngày chúng ta cũng phải huấn luyện cho trẻ làm việc nhà.

Điểm thứ hai chính là vấn đề lễ nghĩa trong đời sống.

Khổng Lão Phu Tử nói: “Bất học lễ vô dĩ lập”, người không có lễ phép sẽ rất khó có được chỗ đứng trong xã hội, có thể thường xuyên vì một câu nói vô ý, một động tác vô ý mà thất lễ mà đắc tội với người khác, vô tình đã tăng thêm rất nhiều những trở ngại đối với chính mình. Nhưng người có lễ phép thì đi đến đâu đều được mọi người hoan nghênh, lại tăng thêm rất nhiều trợ lực cho cuộc sống của chính mình.

Lễ nghi chào hỏi.

Chúng tôi có một người bạn đã kể một việc khi anh qua hải quan. Bởi vì nhân viên hải quan mỗi ngày phải kiểm tra rất nhiều người, các vị bằng hữu hãy suy nghĩ xem nhiều đến mức nào? Có thể vài nghìn người. Họ đều làm cùng một động tác với mấy nghìn người như vậy, xin hỏi các vị có làm được không? Tính nhẫn nại của bạn có thể duy trì được suốt mấy nghìn người hay không? Chúng ta nói: “Nhân đồng thử tâm, tâm đồng thử lý”. Những nhân viên hải quan này mỗi ngày làm những công việc như vậy kỳ thực họ cũng rất mệt mỏi. Vị bằng hữu này của tôi khi qua hải quan, giấy tờ vừa để xuống liền cúi đầu rất sâu đối với nhân viên hải quan và nói: “Chào anh”. Cái cúi đầu này vừa cúi xuống thì vị nhân viên hải quan này rốt cuộc cũng lộ ra vẻ mặt vui vẻ, hơn nữa chưa xem gì đã đóng dấu cho anh, “được rồi, anh mau đi đi”. Cho nên, có lễ phép rất được ưa thích. Người bạn này của tôi cũng rất vui, anh nói Khổng Lão Phu Tử nói đúng là sự thật, đích thực là trẻ có lễ phép, người có lễ phép tuyệt đối sẽ không bị thiệt thòi, vả lại còn được rất nhiều người yêu quý, cho nên học lễ nhất định phải học từ nhỏ.

Chúng ta thường nói mỉm cười là ngôn ngữ mang tính quốc tế, đều có thể thông hiểu. Giả như con trẻ từ nhỏ đối với người đã không có thiện ý, đột nhiên bạn bảo chúng phải cười một cách vui vẻ thì thật sự là khó khăn, muốn cúi đầu với người khác một cách chân thành cũng không phải việc dễ dàng. Cho nên, chúng tôi trong những lúc dạy học trò thì việc cúi đầu chào đã phải cúi hết bao lâu? Cúi hết hai - ba tháng, cúi đến khi nào mà cái cúi đầu đó phải xuất phát từ sự cung kính ở trong tâm. Bởi vì bất kỳ một động tác nào thì chúng cũng có một tác động qua lại với nội tâm của bạn, cho nên khi chúng ta từ từ thực hiện động tác cúi đầu như vậy thì tâm sẽ càng ngày càng khiêm tốn, tâm sẽ càng ngày càng cung kính. Đây là từ bên ngoài từ từ nội hóa vào trong.

Có một trẻ mới hơn bốn tuổi, chúng tôi dạy em lễ nghi khi ăn cơm no đứng dậy thì nhất định phải nói với những người ngồi cùng bàn là: “Xin mời mọi người cứ tự nhiên!”, sau đó mới rời khỏi bàn. Các vị bằng hữu, động tác này có quan trọng hay không? Con người chúng ta là một đoàn thể sống với nhau, tuyệt đối không thể nào sống riêng một mình, vậy thì trong quá trình sống quần cư như vậy mà lễ nghi của bạn càng đủ đầy thì việc sống chung với mọi người sẽ không dễ gì sinh va chạm.

Ví dụ, hôm nay bạn ngồi ăn cơm với mọi người, bạn ăn xong trước, không nói một câu nào đã đi khỏi bàn, những người ngồi bên cạnh bạn sẽ nói với nhau: “Có phải hôm nay anh ấy cãi nhau với bạn gái hay không?”. Như vậy là có một chút thất lễ! Cùng sống chung một đoàn thể cần phải chào hỏi lẫn nhau thì mọi người sẽ không đến nỗi cảm thấy bị mạo phạm. Nếu tập thành thói quen cho trẻ ngay từ nhỏ lúc nào cũng biết chào hỏi người khác, biết hỏi thăm người khác là rất quan trọng, thì chúng sẽ luôn nghĩ đến sự cảm nhận của người khác.

Có lần trường mầm non của chúng tôi cũng làm như vậy, hình thành được bầu không khí rất tốt, kể cả giáo viên cũng phải làm như vậy. Mỗi một giáo viên khi đứng dậy đều nói với tất cả các em nhỏ: “Mời các em dùng tự nhiên!”, các em nhỏ đều cười rất vui vẻ, vì sao vậy? Vì chúng cảm thấy rất hoan hỷ, “Bạn xem, người lớn cũng làm giống như chúng ta vậy”, cho nên trong lòng của chúng sẽ khâm phục. Giả sử bạn yêu cầu chúng làm mà bạn không làm, khi bạn không có mặt ở đó có thể chúng sẽ không làm. Cho nên, chúng ta nhất định là phải lấy mình làm gương cho trẻ nhỏ xem.

Một hôm, còn lại một bạn nhỏ bốn - năm tuổi vẫn chưa ăn xong, thế là em đứng dậy rồi nói với bàn ghế và đèn: “Mời mọi người cứ tự nhiên!”. Giáo viên ở bên cạnh cũng phải bật cười. Chúng ta từ chỗ này xem sự ngây thơ của trẻ con. Một người cầu học vấn, khi mới bắt đầu không phải học linh hoạt ứng biến, mà trước tiên phải học thành thật. Các em thành thật như vậy thì về sau mới có thể y giáo phụng hành. Cho nên, lễ là một điều tốt đẹp nhất giữa con người với nhau.

Tiết học trước chúng ta đã nói đến lễ nghi chào hỏi. Trẻ con chào người lớn phải nắm vững cách chào. Trong lúc cúi đầu chào thì ánh mắt phải nhìn vào người lớn, khi cúi đầu xuống và nói “con chào chú” rồi ngẩng đầu lên. Đây đều là từ động tác cho đến ánh mắt, kỳ thực bản chất quan trọng nhất chính là một chữ “kính”, tâm cung kính. “Lễ” là nghi thức bên ngoài, nhưng mà bản chất là gì? Tâm cung kính. “Lễ kính”, quan trọng nhất là cái tâm cung kính này, nhất định phải đề khởi. Rất nhiều trẻ nhỏ bạn không dạy chúng những lễ nghi này, nhưng đối với người lớn chúng có tâm cung kính, hành vi biểu hiện bạn vẫn sẽ cảm thấy dễ chịu.

Lúc trước chúng ta đã nói đến việc chào hỏi, tiếp đến là tiếp đãi khách cũng là phải có lễ nghi.

Lễ nghi tiếp đãi khách.

Một lần giáo viên chúng tôi đang dạy các bé việc lễ nghi, là bắt đầu từ khi khách bước vào cửa. Bạn dạy chúng gõ cửa phải gõ mấy tiếng? Gõ ba tiếng, vả lại không thể gõ một cách dồn dập. Bạn gõ quá dồn dập khiến những người ở trong nhà cảm thấy khẩn trương, có thể họ đang bận chuyện gì đó, nếu không nhanh đi mở cửa cho bạn thì trong lòng họ sẽ bồn chồn. Vì vậy, gõ cửa cũng phải thong thả, chỉ gõ ba tiếng. Khi mở cửa, gặp khách phải cúi đầu chào: “Chào cô, chào chú”. Vừa dạy xong, buổi trưa ăn cơm có một dì đến, vừa mở cửa thì sáu đứa trẻ liền tranh nhau ra đón khách. Cho nên, khi chúng ta dạy trẻ mà kết hợp với đời sống thì trẻ sẽ học một cách thích thú. Vì vậy, cửa vừa mở, sáu đứa trẻ cùng nói: “Con chào dì”, khiến cho người dì này cũng không dám bước. Đây gọi là được sủng ái mà lo sợ, trước giờ chưa được tiếp đón thịnh tình như vậy. Khi bước vào cửa thì bọn trẻ giúp cô tháo giày, đặt đôi giày sao cho khi người dì này bước ra có thể trực tiếp xỏ chân vào. Mỗi một lễ nghi đều hàm chứa bản chất của việc suy nghĩ cho người khác. Cho nên, người dì vừa bước vào cửa thì các bé liền nói: “Mời dì ngồi” và đưa người dì này đến chỗ ngồi. Giả như đứa trẻ nói: “Dì ơi, dì đi lại đằng kia ngồi”, vậy lễ này vẫn chưa thông, cho nên dẫn người dì này đi đến tận chỗ ngồi, dì ngồi xong lập tức đi rót nước, sau đó mời dì uống nước. Đây chính là lễ nghi tiếp đãi. Khi con cái các vị đón tiếp người lớn, khách đến nhà như vậy, ấn tượng của khách và những người lớn trong nhà là gì? Họ sẽ cảm thấy đứa trẻ này thật có gia giáo, rất có giáo dục.

Chúng ta khi còn nhỏ rất sợ người khác nói mình không có giáo dục. Bị người ta nói không có giáo dục thì bất luận là đang làm điều gì cũng đều lập tức dừng lại, bởi vì rất sợ việc cha mẹ - người có ân rất lớn với chúng ta phải xấu hổ, thật sự là không nên. Cho nên những lễ nghi tiếp đãi người khác trong hầu hết trường hợp thường không thể mất đi.

Lễ nghi ăn cơm với người lớn.

Ví dụ trường hợp ăn cơm với người lớn, “người lớn trước, người nhỏ sau”. Trẻ con hiện tại đi đến bàn ăn thì ngồi xuống ngay, đều không cần xem người lớn đã ngồi hay chưa. Cho nên khi đứa trẻ lúc nào cũng chỉ nghĩ đến mình thì tâm cung kính của chúng không còn nữa. Trẻ mà ngay từ nhỏ tâm cung kính đã không còn thì khi lớn lên có thể tìm lại được hay không? Sẽ rất khó. Cho nên hiện nay chúng tôi cảm thấy muốn tìm một đứa trẻ thật sự có lễ phép thật không dễ tìm.

Trường mầm non của chúng tôi ở Thẩm Quyến dựa vào văn hóa truyền thống để dạy cho trẻ, khi đi ra ngoài đều thu hút được sự chú ý của người khác. Bởi vì khi gặp người lớn trên đường thì các em sẽ cúi chào sâu 900, thậm chí có một số trẻ tuổi cũng còn rất nhỏ chào còn hơn 1200, đầu sắp đụng vào chân. Thế là những người đi đường nhìn thấy đều cảm thấy kinh ngạc và sau đó là ánh mắt tán thán: “Bây giờ mà còn những đứa trẻ cung kính với người lớn như vậy”. Khi ăn cơm chung nhất định người lớn ngồi trước, người nhỏ ngồi sau. “Hoặc ăn uống, hoặc đi đứng, người lớn trước người nhỏ sau”. Cho nên ăn thì nhất định người lớn ăn trước mới đúng. Học trò mẫu giáo của chúng tôi khi cùng nhau ăn cơm còn biết gắp thức ăn cho người lớn.

Có một em nhập học được hai tuần, khi về nhà và ngồi ăn chung với gia đình, khi bắt đầu ăn liền giúp ông nội bà nội gắp thức ăn. Vốn dĩ ông nội bà nội là người không tán thành vấn đề văn hóa truyền thống. Khi một đứa trẻ mới được dạy chỉ hai tuần lễ mà hành động khác biệt, luôn nghĩ người lớn trước, nghĩ đến ông bà trước, dần dần những người lớn này liền chấp nhận việc học tập giáo huấn truyền thống, nâng cao thái độ làm người xử sự của trẻ.

Trong quá trình chúng ta dạy trẻ cũng phải nói với chúng phải biết đâu là chỗ ngồi chính, biết được chỗ ngồi nào phải để cho người lớn ngồi. Bởi vì chỗ ngồi chính phải là chỗ ngồi có thể nắm được tình hình của cả bữa ăn. Vị trí ngồi chính đa số đều là vị trí ngồi đối diện với cửa chính. Học sinh của chúng tôi đều biết vị trí đó. Khi giáo viên vừa vào, trước tiên sẽ đứng hết, đợi giáo viên ngồi xuống xong các em mới ngồi.

Đúng ngày tôi từ Hàn Châu trở về, bước vào thì các em cũng đứng lên. Sau đó, khi tôi ngồi vào vị trí ngồi chính thì các em bắt đầu chuyển bàn. Tôi liền nói: “Làm gì mà phải chuyển bàn vậy?”. Các em nói: “Bởi vì trên bàn đó có vài điều nội quy, mà mấy dòng nội quy đó đối diện với vị trí ngồi chính thì cảm thấy hơi thất lễ”. Cho nên các em nhìn thấy tôi vừa ngồi liền di chuyển đến khi nào không còn đối diện với tôi nữa. Các vị bằng hữu, bọn trẻ không chỉ thành tựu được tâm cung kính, mà còn thành tựu được tâm chu đáo và sức quan sát của chúng. Cứ như vậy mà khơi dậy từng chút từng chút một.

Tôi từng nghe một vị chủ quản của một xí nghiệp, có một lần ông tiếp đón khách từ Quảng Đông. Khi tiếp đãi khách Quảng Đông nhất định phải gọi món ăn gì vậy? Đương nhiên là gọi món ăn Quảng Đông. Ông đưa theo vài nhân viên là người Hồ Nam. Người Hồ Nam khẩu vị ăn uống rất cay, người Quảng Đông thì lại không ăn cay đến như vậy. Dụng ý của người chủ quản này đưa họ theo là gì? Đương nhiên là giúp tiếp đãi khách, không thể nào lại đưa họ đi ăn cho thỏa một bữa phải không? Bạn xem, thanh niên hiện nay rốt cuộc có biết thân phận và vai trò của mình hay không? Họ ở nhà thì có biết được thân phận vai trò mình là con cháu như thế nào không? Họ có biết vai trò cấp dưới trong công ty như thế nào không? Đó đều phải từ trong lễ nghi từng chút một hình thành nên thái độ đó, không phải do bạn dạy nên chỉ trong chốc lát. Thế là, đưa họ cùng đi như vậy không chỉ không giúp tiếp đãi khách mà còn nói món ăn này khó ăn thế nào, chê món ăn kia khó ăn ra làm sao. Có một món ăn rất cay, họ nhìn thấy thì rất phấn khởi. Khi món ăn vừa dọn lên đương nhiên phải để người lớn và để khách ăn trước, thế nhưng họ lại dời đến trước mặt và cứ thế ăn. Ông chủ ngồi bên cạnh nhìn thấy liền dời thức ăn đến trước mặt khách, nhưng chưa được bao lâu thì họ đã dời về phía họ. Ông chủ cũng không biết phải làm sao. Hiện tại thanh niên đều không biết những lễ nghi cơ bản này nên thất lễ, nên tự tư, không có tâm luôn suy nghĩ cho người khác. Các vị bằng hữu, nếu con cái các vị về sau được rất nhiều ông chủ, nhiều công ty trọng dụng thì bài học lễ nghi này không thể nào không học. Khi ông chủ đưa đi cùng thì ông chủ sẽ cảm thấy thoải mái vì chúng biết cách chăm lo mọi chuyện đâu vào đấy. Bạn sẽ biết ông chủ sẽ dùng ai.

Chúng tôi có một người bạn, mỗi lần có việc thì ông chủ đều thích tìm anh, vì sao vậy? Vì bất cứ lúc nào anh cũng biết nên châm trà, còn châm một cách rất tự nhiên, khiến người khác cảm thấy rất dễ chịu. Lúc nào cần phải giúp gắp thức ăn đều không cần phải gọi, bởi vì từ nhỏ anh đã quen làm. Đây là lễ nghi của việc tiếp đãi, khiến cho khách cảm thấy hài lòng tự nhiên, bầu không khí sẽ như một nhà. Chỉ cần có hòa khí thì công việc sẽ làm được thuận lợi và thành công. Cho nên việc đón tiếp khách chúng ta phải học, mà việc học lễ nghi này phải dựa vào cha mẹ và thầy cô nhắc nhở, dạy bảo trong cuộc sống thường ngày. Phải có tâm nhẫn nại.

Tiếp đến, lễ nghi nghe điện thoại.

Lễ nghĩa của việc nghe điện thoại cũng phải dạy. Các vị bằng hữu, có ai ở đây đã dạy con mình cách nghe điện thoại rồi thì mời giơ tay? Bởi vậy, người lớn chúng ta thường hay cảm thấy có rất nhiều việc thật sự quan trọng nhất định phải dạy. Nói ra thì đâu đâu cũng là đạo lý. Dạy làm người, làm việc là quan trọng nhất, rốt cuộc trong gia đình và ở trường học thì chúng ta có dạy hay không? Tâm của chúng ta quá sốc nổi, cũng như chúng tôi là giáo viên, rõ ràng biết làm người làm việc rất quan trọng, nhưng mà mỗi ngày đều đang ở đó tranh thủ tiến độ, tranh thủ đến nỗi tâm cũng trở nên sốc nổi. Tâm mà sốc nổi không nhìn thấy được những cơ hội dạy dỗ trong cuộc sống.

Hôm nay chúng tôi đi từ công viên Cửu Long qua, phía trước hồ bơi có một lối đi nhỏ khoảng hai mươi mét, khá rộng nhưng đã bị một nhóm các em đứng ở đó chặn mất lối đi. Các giáo viên bị chặn lại thành một hàng, bởi vì lối đi đã bị kẹt cứng. Đó là thất lễ, nhưng mà các giáo viên có nghĩ đến hay không? Không hề nghĩ đến. Cho nên đã để cho bọn trẻ điều gì? Chỉ cần các em muốn làm gì thì làm, không hề suy nghĩ đến những hành vi, những động tác này có ảnh hưởng đến người khác hay không. Cho nên, dạy con cái thì trước phải tự dạy mình, dạy học trò thì người làm thầy chính mình phải học trước, nếu không thì rất nhiều cơ hội căn bản sẽ không thể nắm giữ.

Việc tiếp điện thoại cũng là lễ nghi rất quan trọng.

Giả như đứa trẻ nghe cuộc gọi đến, nhất định phải chào hỏi đối phương: “Xin chào, xin hỏi chú cần gặp ai ạ?”. Ví dụ người bên kia như muốn gặp ba. “Dạ xin chú vui lòng đợi một chút, cháu sẽ đi gọi ba của cháu”, như vậy có thể đi gọi ba được rồi. Giả sử ba không có ở nhà thì: “Chú (hay dì) ơi! Xin lỗi, ba của cháu không có ở nhà”. Như vậy có thể xem xong chưa? Vẫn chưa. Trong “Đệ Tử Quy” có nói: “Người lớn gọi, mình gọi thay”. Nếu người ta tìm ba của mình, đương nhiên chúng ta phải nhanh chóng đi thông báo cho ba biết, “Người không có, mình làm thay”. Ngày xưa không có điện thoại, cho nên nếu ba của bạn không có ở nhà thì đương nhiên phải đi đến trước mặt khách nói: “Thưa chú! Ba của con không có ở nhà, xin hỏi chú có việc gì hay không, con có thể giúp truyền đạt lại hay không?”. Như vậy thì mới làm xong việc được viên mãn. Cho nên, chúng ta không nên xem thường thói quen này. Người hiện nay làm việc thường có đầu mà không đuôi, dường như tôi đã bàn giao rồi, dù gì tôi đã có làm rồi, ngay từ nhỏ đã không biết cách kết thúc công việc. Lễ nghi từ đầu đến cuối khiến cho người khác cảm thấy yên lòng, khiến người khác cảm thấy dễ chịu, đây chính là cơ hội học tập quan trọng nhất. Cho nên liền nhanh chóng hỏi: “Xin hỏi chú có việc gì hay không ạ, cháu có thể nói lại với ba hay không?”. Hoặc giả nói: “Nếu như chú cần gấp thì chú có thể gọi vào điện thoại di động của ba cháu, số điện thoại của ba cháu là gì gì đó”. Nếu như có trẻ tiếp nhận cuộc gọi của bạn như thế, phản hồi như vậy, tin rằng chúng ta nghe xong thì như thế nào? Sẽ rất dễ chịu. Bạn có cần một đứa trẻ như vậy, làm việc gì cũng đều biết cách kết thúc tốt đẹp công việc đó không? Những năng lực này rất quan trọng. Cho nên ngay cả việc tiếp nhận điện thoại cũng phải học tập, cũng phải được dạy bảo.

Các vị bằng hữu, gần đây nhất có trẻ nào tiếp điện thoại của các vị không, tiếp như thế nào? Nhấc máy lên: “Alo, tìm ai?”. “Mẹ của cháu có nhà không vậy?”. “Không, đi đâu không biết”, thế là cúp máy, bởi vì chúng đang xem truyền hình, không biết chịu khó. Cho nên những điều nhỏ nhặt như vậy trong cuộc sống đều phải nhờ vào thầy cô và cha mẹ chúng ta nhắc nhở. Mà khi các em thật sự làm được thì chúng ta phải tùy thời khắc thích hợp để khẳng định, công nhận việc đó của các em, khích lệ các em, các em sẽ càng làm càng hoan hỷ.

Lễ nghi tiễn khách.

Tiếp đãi phải có lễ nghi, tiễn khách cũng phải có lễ nghi. Một giáo viên của chúng tôi khi khách ra về đều sẽ đứng ở đó chờ cho đến khi người khách rời khỏi thì anh mới đi. Có một số phụ huynh đến tìm vị giáo viên ấy, sau khi xong việc thấy vị giáo viên này cứ đứng ở đó tiễn, trong lòng họ cảm thấy rất cảm động, cảm nhận được sự tôn trọng của vị giáo viên này đối với họ. Khi bạn thật sự chân thành làm ra những việc lễ phép này sẽ thường khiến cho người khác trong lòng cảm động và hoan hỷ. Trong “Đệ Tử Quy” có câu: “Tiễn người đi hơn trăm bước”, đây chính là lễ nghi của việc tiễn khách.

Tôi một lần tiễn vài người bạn về, dùng ánh mắt để tiễn. Bởi vì con người với con người duyên phần rất khó được, có thể nhìn thấy những người bạn về trong lòng cũng cảm thấy rất dễ chịu. Kết quả lúc họ đón xe về nhà thì có một giáo viên nữ khi đóng cửa xe lại đã bị kẹt một phần chiếc váy ở bên ngoài. Tôi lập tức gọi điện cho cô ấy nói váy của cô vẫn bị kẹt lại bên ngoài cửa. Cô liền kéo nó vào trong. Cô ấy trong lòng cũng rất cảm động, vì sao vậy? Chúng tôi vì sao nhìn thấy được váy của cô bị kẹt ở cửa vậy? Chúng tôi dùng ánh mắt nhìn theo để “tiễn người đi hơn trăm bước”. Bản thân chúng ta dạy người khác làm như vậy thì bản thân cũng phải làm được.

Trong quá trình dạy lễ nghi có một phương pháp rất hay, chính là phải trực tiếp để cho học sinh, để trẻ nhỏ được làm thực tế, các em sẽ làm một cách rất hứng thú. Trong quá trình tiễn khách, chúng tôi sẽ chỉ dẫn cho trẻ cảm nhận được cảm giác của người khách. Chúng tôi chọn ra hai bạn nhỏ, một người làm chủ nhà, một người làm khách. Khi đưa tiễn đến cửa thì bảo người bạn nhỏ đó nói tạm biệt, lập tức đóng cửa lại. Sau đó, tất cả các bạn nhỏ đều cười lên. Tiếp theo chúng tôi mở cửa ra, mời người bạn nhỏ làm khách đó vào. Vừa rồi, chủ nhân tiễn em mà lập tức đóng cửa lại thì em có cảm nhận như thế nào? Bạn khách nhỏ này nói: “Hình như là chủ nhà nóng lòng muốn em về càng nhanh càng tốt, em lần sau sẽ không đến nữa”. Vì vậy, trong quá trình thực hiện phải để cho các em cảm nhận được thực tế. Sau đó, chúng tôi tiến thêm một bước nói: “Vậy các bạn nhỏ, chúng ta phải nên tiễn khách như thế nào khiến cho khách cảm thấy nhà mình như nhà của họ, như thế nào để khách cảm thấy thoải mái dễ chịu?”. Vào lúc này chính là dùng phương pháp thảo luận để học trò cùng nhau tham dự buổi học. Các em nói: “Phải tiễn đến cửa thang máy”. Chúng tôi liền hỏi: “Giả sử không có thang máy thì làm sao?”. Chúng nói: “Phải tiễn đến cầu thang, khi đi khuất khỏi cầu thang rồi mới quay trở lại”. Đây chính là để cho các em được đích thân học tập các lễ nghi tiễn khách. Tất cả các lễ nghi khác trong cuộc sống đều như vậy, khi chúng ta ở nhà hoặc giả ở nơi công cộng cũng vậy, đều luôn nhắc nhở trẻ phải biết giữ lễ.

Ví dụ khi chúng ta đứng đợi thang máy thì phải đợi như thế nào? Phải nghĩ đến việc người trong thang máy ra phải đi ngay, cho nên nhất định phải đứng sang hai bên. Những việc nhỏ nhặt này đều là lễ nghi, đều là đặt mình vào người khác để suy nghĩ. Những tình tiết nhỏ như vậy trong cuộc sống, bạn nên nhắc nhở con cái phải biết luôn luôn suy nghĩ cho người khác, vậy thì chúng sẽ đề khởi được tâm cung kính, biết suy nghĩ thay cho người khác, cũng sẽ làm được lễ nghi thật sự tốt. Cho nên việc giáo dục trong cuộc sống thường ngày nhất định phải luôn luôn lưu tâm để học tập.

Trong lúc cầu học vấn của Thánh Hiền, đợi sau khi đã nắm được cương lĩnh giáo huấn mới bắt đầu học rộng. Điểm này rất quan trọng. Bởi vì có thể nắm được cương lĩnh thì bạn mới biết được trọng điểm của giáo huấn Thánh Hiền là ở đâu. Giả như khi bắt đầu mà bạn học một cách hỗn tạp thì bạn sẽ đi không đúng cửa. Cho nên về cơ bản là sau khi bạn đã xây dựng nền tảng học vấn Thánh Hiền được năm năm thì mới bắt đầu học rộng.

“Tam Tự Kinh” nói: “Giáo chi đạo quý dĩ chuyên” và “học chi đạo cũng quý dĩ chuyên”. Dạy học phải có thể chí đồng đạo hợp, dạy học, cầu học phải có thể thành tựu, đây chính là phải có sư thừa. Nhất định phải có thầy truyền thừa, cũng chính là sư đạo.

Người hiện nay cầu học có sư thừa hay không? Chúng ta hiện tại xem thấy có rất nhiều người đọc sách, rất nhiều người đang thâm nhập Kinh điển, trong lúc bạn nói chuyện với họ thì họ có thường nhắc đến thầy của mình hay không? Rất ít. Về cơ bản, nếu họ có hứng thú thì họ tự mình sẽ xem, sẽ đọc.

Có một vị giáo viên còn rất trẻ, chỉ mới hai mấy tuổi, đọc qua rất nhiều Kinh điển, đọc nhiều hơn tôi. Lão Tử, Mặc Tử, Lương Khải Siêu, Tô Thức,…cậu xem thật sự rất nhiều. Ngày đầu tiên cậu đến nghe giảng vẻ mặt rất ngạo mạn, không có vẻ gì vui. Sau đó nghe được năm ngày thì thái độ đã chuyển trở lại. Cậu nói, ngày đầu tiên nghe tôi giảng đã soi được bốn khuyết điểm của tôi. Bạn xem, cậu đến nghe giảng là mục đích gì vậy? Sau khi cậu nghe xong buổi sau cùng thì có một cảm giác khó chịu. Cậu vốn nghĩ học vấn của Thánh Hiền phải là người có trình độ như cậu thì mới có thể học được. Cậu nghe bài giảng của chúng tôi đã đem những học vấn của Thánh Hiền gắn liền với cuộc sống như vậy, nói ra một cách đơn giản như vậy khiến cậu cảm thấy khó chịu. Khi một vị giáo viên nói về đoạn hội thoại này, cậu đã đem phần tiêu cực trong tâm mình bày tỏ ra, vậy là cậu phát hiện nếu như có đọc sách nhiều hơn mà không thực tiễn được thì nhất định sẽ tăng trưởng thêm sự ngạo mạn của mình. Cậu học hỗn tạp như vậy là bởi vì không có thầy chỉ bảo, học được nhiều như vậy mà không có áp dụng. Thật sự một người thầy tốt sẽ để cho học trò của mình học tập như vậy hay sao? Không thể nào. Cho nên, trong xã hội hiện tại, chỉ cần bạn học tập học vấn của Thánh Hiền thì nhất định phải có thầy chỉ dẫn. Khi bạn học một người nào đó mà họ không có thầy vậy thì bạn cũng đừng học ở họ. Trong thời đại như hiện nay, chánh pháp không có người nói, tuy biết nhưng không thể hiểu, không thể có người nào có thể tự mình không thầy mà tự thông hiểu.

Hiện tại, ngoài chợ có rất nhiều người nói kiểu đạo lý: “Học vấn đều tự bản thân tôi ngộ ra được”. Rất nhiều người nghe được thì khen: “Ôi, anh ấy thật là lợi hại, thật đáng sùng bái”. Nhưng thực tế phải cẩn thận, đó đều là gạt người. Cho nên hiện tại có rất nhiều người, trong văn hóa truyền thống hoặc trong giới tôn giáo cũng vậy, rất nhiều đều treo đầu dê bán thịt chó. Chúng ta phải có mắt phán đoán người thầy như vậy có tốt hay không.

Làm thế nào để phán đoán một người có đức hạnh, một người đáng để bạn học tập hay không?

Có thể xem từ vài góc độ.

Thứ nhất, tâm của họ có phúc hậu hay không. Học vấn của Khổng Lão Phu Tử đều lấy chữ “nhân” để làm trung tâm, mà “nhân” không phải ở trong “Luận Ngữ” hay trong “Đại Học”, mà là ở chỗ nào? Là áp dụng vào trong mọi việc giao tế qua lại với người khác trong cuộc sống hàng ngày.

Thứ hai, phải khiêm tốn. “Học vấn thâm thời ý khí bình”, người càng có học vấn thì tâm bình khí hòa, tuyệt đối sẽ không có ngạo mạn. Cho nên nói: “Bông lúa nào càng no hạt thì đầu nó cúi xuống càng thấp”. Trong văn hóa truyền thống, ảnh hưởng sâu xa nhất chính là Chí Thánh Tiên Sư Khổng Lão Phu Tử. Phu Tử trong “Luận Ngữ” có một câu rất quan trọng, Ngài nói Ngài là “Thuật nhi bất tác”. Ngài nói tất cả giáo huấn cả đời của Ngài không có cái nào mà Ngài tự phát minh ra, sáng tạo ra, hết thảy đều là giáo huấn của cổ Thánh tiên Hiền truyền thừa. Phu Tử vô cùng khiêm tốn, mà lịch sử nhiều đời Thánh Hiền nhân của chúng ta cũng y theo tinh thần khiêm tốn này của Phu Tử. Chúng ta tuyệt đối không làm việc: “Giữ tất cả bản quyền, cấm sao chép mọi hình thức”. Bởi vì khi viết ra những văn chương này thì Thánh Hiền có cái tâm gì vậy? Có phải tâm của các Ngài nghĩ ta phải lấy một ít tiền học phí? Không phải. Trong tâm các Ngài hy vọng những giáo huấn này có thể lợi ích cho người khác, dùng tâm thái như vậy để viết, cho nên đối với rất nhiều đạo lý nhân sanh vũ trụ ngộ giải được rất sâu. Hiện tại giáo dục Phương Tây, rất nhiều lý luận tâm lý học và giáo dục Phương Tây họ đều nói điều này do một nhà tâm lý học nào đó phát minh ra, cái kia là do ai đó phát minh ra. Kỳ thực những lý luận tâm lý học này trong Kinh điển của người Trung Quốc từ mấy nghìn năm trước đã viết rồi. Đương nhiên lão tổ tông của chúng ta sẽ không tranh chấp bản quyền, chỉ hy vọng làm sao mau chóng lợi ích cho cuộc sống của người khác, đây mới là trọng điểm. Cho nên chúng ta phải nên quan sát, ngoài việc nhân hậu họ còn phải thật khiêm tốn.

Thứ ba, lấy thân làm gương, lời nói giống với việc làm.

Chúng ta cũng có thể quan sát người thầy này có phải lấy thân làm gương, lời nói giống với việc làm hay không? Việc này rất quan trọng. Bởi vì người hiện nay tình cảm đặc biệt phong phú, vừa nhìn thấy vị thầy này được những người ở bên cạnh ca tụng công đức thì bạn liền quỳ gối xuống, còn chưa biết lai lịch của người đó như thế nào. Đây là chưa có đủ lý trí. Cho nên phải quan sát tất cả hành vi, động tác xem có phải lời nói đi đối với việc làm hay không. Chúng ta không thể làm việc theo cảm tình, mà phải làm việc bằng lý trí. Có thể làm được thì mới gọi là thánh nhân. Họ làm được rồi mới nói thì bạn sẽ khâm phục từ tận đáy lòng. Nói xong rồi sau đó mới làm được thì gọi là hiền nhân, còn nói xong rồi mà lại không làm được thì gọi là gạt người. Vì vậy, kẻ lừa gạt hiện nay rất nhiều, các vị bằng hữu nhất định phải chú ý quan sát.

Có một số nhà sáng tác rất được xã hội đại chúng hoan nghênh. Khi độc giả phát hiện vị này phẩm đức không tốt liền đem sách của người đó đốt sạch. Kỳ thực là phải trách nhà sáng tác hay trách đọc giả? Bạn là đọc giả thì phải quan sát văn từ và việc làm người của họ có tương ứng hay không? Vả lại, cho dù không tương ưng bạn cũng không cần phải đem sách của họ đi đốt bỏ. “Gần người hiền tốt vô hạn”. Những lời họ nói nếu như rất có đạo lý thì bạn vẫn có thể làm cho tốt. Nhìn thấy họ lời nói không như việc làm thì chúng ta hiểu được học vấn chân thật đích thực vẫn có thể thực hiện, vẫn có thể thực tiễn. Đối với họ, chúng ta cũng phải nên dùng tâm khoan dung để đối đãi. Khi chúng ta đốt sách thì trong nội tâm rất căm phẫn, chỉ có hại bản thân mình, đâu cần phải như vậy. Trong xã hội này tình hình tương đối phức tạp, phải dựa vào chính mình quan sát cho tốt, sau đó hãy theo học với người này.

Sư thừa nhấn mạnh ba sự việc.

Bước vào giai đoạn học tập, việc sư thừa của người Trung Quốc đặc biệt nhấn mạnh ba sự việc. Là ba sự việc gì vậy? Giáo sư Thích Tịnh Không khi Ngài lần đầu tiên gặp mặt lão sư của mình, Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam đã đưa ra ba điều kiện. Ba điều kiện này chính là sư thừa mấy nghìn năm của người chúng ta.

Điều kiện đầu tiên là chỉ nghe một lão sư giảng, người khác giảng đều không thể nghe.

Các vị bằng hữu, điều đầu tiên này thì người hiện nay có dễ dàng làm được hay không? Thật không dễ. Người hiện tại rất thích sự mới mẻ, thích nghe càng nhiều càng tốt, cho nên chúng ta thường nghe rất nhiều bằng hữu nói chuyện: “Người nào đó cũng rất là tốt”. Một người mà nghe đến bốn - năm vị thầy, một người thầy chỉ một con đường, hai vị thầy sẽ chỉ hai con đường, ba người thầy vậy là có ba con đường, bốn vị thầy sẽ biến thành ngã tư đường, vậy phải đi theo hướng nào? Cho nên chỉ nghe một vị thầy giảng, lão sư cũng sẽ chịu trách nhiệm đối với bạn. Đương nhiên bạn chọn vị giáo viên cho mình thì nhất định phải có học có tu, vả lại là người từng trải. Họ đã đi qua rất nhiều con đường chính xác, bạn theo họ học thì có sự đảm bảo, không có vấn đề gì. Cho nên điều đầu tiên là chỉ được nghe một người giảng.

Điều thứ hai Lý lão sư đã nói với Ngài Thích Tịnh Không là tất cả sách mà Ngài muốn đọc đều phải thông qua sự đồng ý của lão sư.

Vì sao lại có quy định như vậy? Kỳ thực, khi chúng ta lãnh hội giáo huấn của lão sư không nên trước tiên nghĩ đến chính mình có bằng lòng làm hay không, mà trước tiên phải nghĩ đến tâm của lão sư. Dụng tâm của Ngài là gì? Vì sao lão sư lại yêu cầu chúng ta như vậy? Nhất định có chỗ lợi ích. Không nghĩ như vậy thì chúng ta rất khó chịu, không biết việc yêu cầu này của lão sư phía sau là một tấm lòng yêu thương. Kỳ thực, bảo chúng ta tất cả sách muốn xem phải được lão sư đồng ý này là muốn đề phòng chúng ta xem xen tạp, đề phòng chúng ta tiếp nhận những tư tưởng không chính xác khác.

Thứ ba là tất cả những thứ đã học được từ trước đều không được thừa nhận, toàn bộ học lại từ đầu.

Điểm này muốn chế phục tâm ngạo mạn của chúng ta. Một người giả như vẫn cảm thấy bản thân mình vẫn còn đáng tự hào, kiêu ngạo, giống như một ly nước muốn đầy mà không đầy được, cứ lắc qua lắc lại, cho nên muốn đổ thêm nước thì cũng bị văng ra ngoài, vẫn cứ còn nửa ly nước. Cho nên lão sư nói tất cả những thứ học từ trước đều không được thừa nhận, kỳ vọng chúng ta có thể đem cái tâm ngạo mạn buông xuống, để cho tâm thái trở về số không, sau đó lại dùng cái tâm khiêm hư để tiếp nhận giáo huấn của lão sư. Vì vậy, ba điểm này chính là sư thừa. Pháp sư Tịnh Không sau khi thực hiện được ba tháng đã đến nói với lão sư của Ngài: “Thưa Lão sư! Người bảo con giữ năm năm, con không chỉ sẽ giữ trong năm năm mà sẽ giữ trong mười năm”. Vì sao Ngài muốn giữ mười năm? Bởi vì sau khi giữ được ba tháng thì tình hình việc học tập trở nên tốt, tâm thanh tịnh không bị bên ngoài ô nhiễm. Chỉ nghe theo giáo huấn của mỗi lão sư nên có thể nhanh chóng nắm được tất cả cương lĩnh của Thánh Hiền. Ngài sâu sắc thể hội được tâm thương yêu cùng tâm vốn có của lão sư, cho nên tự mình muốn giữ thêm năm năm nữa. Cho nên, năm năm chỉ một môn thâm nhập chính là trồng xuống cái gốc thật vững chắc. Sau năm năm đó bạn tiếp xúc với những Kinh điển khác thì bạn sẽ tự suy ra mà biết. Vì vậy, điểm này bạn phải kiên trì.

Chúng ta học tập “Đệ Tử Quy” thì phải học trong bao lâu? “Học cả đời”. Xin cho vị này một tràng pháo tay! “Đệ Tử Quy” là toàn bộ cương lĩnh của giáo huấn Thánh Hiền mấy nghìn năm qua, cho nên phải phụng hành cả đời.

Các vị bằng hữu, các vị chỉ cần kiên trì giữ được ba tháng, sáng tối đều đọc một lần, vả lại không chỉ đọc, buổi sáng cần nhắc nhở mình phải thực hành, buổi tối phải biết phản tỉnh, sau ba tháng bảo đảm bạn sẽ cảm thấy đạo đức và học vấn của chính mình được nâng lên cao. Đến lúc đó không bảo bạn đọc thì bạn cũng sẽ tự mình hoan hỷ mà đọc, mà thọ trì. Không những học vấn cần phải vun đắp như vậy mà tất cả nghệ thuật tài năng của thế gian cũng không rời khỏi nguyên tắc này: Đều trước phải chuyên, trước tiên phải an định thân tâm thì mới có thể học được tốt.

Trong tài năng nghệ thuật của Trung Quốc thì quan trọng nhất là Lục nghệ: Lễ, Nhạc, Xạ, Ngự, Thư, Số, đây là lục nghệ. Trẻ con xưa phải học lục nghệ, mà mục đích học là gì? Là bồi dưỡng tính tình, vẫn là không rời xa việc nâng cao đạo đức tu dưỡng của một người. Người hiện tại học lục nghệ để làm gì? Kiếm tiền. Bạn xem, mục tiêu đã sai lệch rồi. Mục tiêu sai thì có nỗ lực bao nhiêu cũng là sai. Cho nên, nỗ lực có kết quả nhưng không nhất định có kết quả tốt.

Có một thầy thư pháp họ Lý, cả quá trình học tập của thầy cũng rất kỳ diệu. Thầy đã đi thỉnh giáo qua rất nhiều vị thầy, tốn rất nhiều tiền, kết quả chưa học được khả năng thật sự. Sau đó trở nên rất thiếu thốn. Sau đó thì thầy Lý lại gặp được vị ân sư một đời của anh, không những không lấy tiền mà còn cho anh ở nhà mình. Bởi vì người thật sự có đạo đức học vấn, có tu dưỡng thì họ không coi trọng tiền bạc, mà việc họ coi trọng là gì? Là có người tiếp tục kế thừa văn hóa này hay không. Thầy Lý thường nói, tất cả bạn học của anh đều thông minh hơn anh, anh là kém nhất, thế nhưng người thầy lại thích anh nhất bởi vì anh rất thành thật. Anh sống tại nhà thầy mình một khoảng thời gian, sau đó vị thầy cũng rất cẩn thận tỉ mỉ đem bút pháp của thư Thánh Vương Hy Chi truyền lại cho anh. Trong lúc truyền bút pháp, vị thầy này đã nói với anh: “Ta đem bút pháp này truyền lại cho con, nếu như con mà không có đức hạnh thì cuộc đời này của con có thể là đã bị ta hại rồi”. Vì sao vậy? Bởi vì bút pháp này một khi học được rồi thì anh sẽ cùng một lúc được cả danh và lợi, nhất định sẽ có rất nhiều học trò đến học. Vào lúc này anh được cả danh và lợi thì lúc này cũng là lúc nguy hiểm nhất, vào lúc này mà không có đức hạnh lại không biết khiêm tốn thì tất cả chướng ngại sẽ kéo đến. Danh lợi có rồi anh sẽ lại bắt đầu sống hoang phí.

Ngày trước, có một nhà thư pháp sau khi được cả danh và lợi, không có đức hạnh, người vợ nói với người đó: “Nếu anh lại không về nhà thì em và con sẽ cùng đến chỗ chết”. Sau đó nhà thư pháp này vẫn không biết quay đầu. Cuối cùng, người vợ mở bình gas rồi cùng đứa con tự sát. Sau đó, nhà thư pháp này lấy một người phụ nữ khác làm vợ. Cho nên, một người có tài mà không có đức không chỉ hại chính mình mà còn hại cả những người thương yêu mình. Mục tiêu của việc học tập nghệ thuật chúng ta phải hiểu rõ ràng là phải thành tựu đức hạnh.

Tiết học hôm nay chỉ học đến đây thôi! Xin cảm ơn mọi người!

A Di Đà Phật!

Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Người Tốt Chân Thật Đúng Như Pháp (tập 21)

Giảng ngày 20 tháng 11 năm 2004 tại Thành phố Hải Khẩu, Trung tâm Vỡ Lòng Quốc Học Hiếu Liêm

Người giảng: Thầy giáo Thái Lễ Húc

Cẩn dịch: Vọng Tây Cư Sĩ, Viên Đạt Cư Sĩ, Mộ Tịnh Cư Sĩ, Phước Tịnh Cư Sĩ