Làm Thế Nào Để Làm người Tốt Như Pháp (Tập 12)

Làm Thế Nào Để Làm người Tốt Như Pháp (Tập 12)
Xin chào các vị bằng hữu, chào mọi người! Chúng ta đã bàn đến việc từ bốn góc độ có thể đưa ra phán đoán rốt cuộc có phải là tình yêu thương chân thật hay không, có phải là sự quan tâm chân thật hay không? Chúng ta ôn tập lại. Thứ nhất, “cảm giác của tình yêu thương là ấm áp”. Thứ hai, “ngôn ngữ của yêu thương là chánh trực”. Thứ ba, “tâm địa của yêu thương là vô tư”. Thứ tư, “hành vi của yêu thương là thành toàn”. Khi tôi giảng ở Hàng Châu có một vị nói: “Thầy Thái à, chỗ này cần phải thêm một điều nữa”. Tôi rất hoan hỷ vì anh đã đóng góp ý kiến cho tôi. Anh nói phải nên thêm vào một điều nữa là “Hiếu học sách thiện, hiếu học sách Thánh Hiền”. Điều này rất quan trọng, bởi vì nếu không học sách Thánh Hiền thì những thái độ như vậy có thể học được hay không? Có thể học được cách đem lại sự ấm áp cho người khác hay không? Có thể học được tâm địa rộng rãi vô tư hay không? Sẽ học không được. Cho nên, những thái độ này vẫn cần phải thông qua giáo huấn của Thánh Hiền thì mới có thể trồng xuống được cái gốc. Chúng ta xem đến những điểm này có thể tự mình suy nghĩ, bản thân có dùng phương pháp như vậy, có dùng thái độ như vậy để đối đãi với người hay không? Các vị bằng hữu

Xin chào các vị bằng hữu, chào mọi người!

Chúng ta đã bàn đến việc từ bốn góc độ có thể đưa ra phán đoán rốt cuộc có phải là tình yêu thương chân thật hay không, có phải là sự quan tâm chân thật hay không? Chúng ta ôn tập lại. Thứ nhất, “cảm giác của tình yêu thương là ấm áp”. Thứ hai, “ngôn ngữ của yêu thương là chánh trực”. Thứ ba, “tâm địa của yêu thương là vô tư”. Thứ tư, “hành vi của yêu thương là thành toàn”.

Khi tôi giảng ở Hàng Châu có một vị nói: “Thầy Thái à, chỗ này cần phải thêm một điều nữa”. Tôi rất hoan hỷ vì anh đã đóng góp ý kiến cho tôi. Anh nói phải nên thêm vào một điều nữa là “Hiếu học sách thiện, hiếu học sách Thánh Hiền”. Điều này rất quan trọng, bởi vì nếu không học sách Thánh Hiền thì những thái độ như vậy có thể học được hay không? Có thể học được cách đem lại sự ấm áp cho người khác hay không? Có thể học được tâm địa rộng rãi vô tư hay không? Sẽ học không được. Cho nên, những thái độ này vẫn cần phải thông qua giáo huấn của Thánh Hiền thì mới có thể trồng xuống được cái gốc.

Chúng ta xem đến những điểm này có thể tự mình suy nghĩ, bản thân có dùng phương pháp như vậy, có dùng thái độ như vậy để đối đãi với người hay không? Các vị bằng hữu, đây là vấn đề rất đáng để suy nghĩ. Tiếp đến, bên cạnh chúng ta có những người bạn như vậy hay không, có người thân như vậy hay không? Giả sử là “đều không có”, vậy thì ta thật là đáng thương. Nhưng mà “đều không có” là kết quả, nguyên nhân là ở đâu? Nguyên nhân vẫn là phải xem lại chính mình. Thánh Hiền nhân nói: “Yêu thương người thường được người yêu thương lại, kính trọng người thường được người kính trọng lại”, cho nên khi bạn thật sự biết yêu thương người thì có thể khiến cho người quan tâm lại bạn, thì mới có thể khơi dậy sự tuần hoàn tốt đẹp giữa con người với con người. Vì thế, muốn yêu cầu người thân bạn bè yêu thương nhau, trước tiên yêu cầu chúng ta phải biết thương yêu người khác. Cho nên, sau khi hôm nay chúng ta học xong thì chúng ta phải dùng thái độ đúng đắn như vậy để yêu thương, quan tâm người khác. Tin rằng không quá ba đến sáu tháng thì cả gia đình của các vị hoặc là các mối quan hệ giao tế đều sẽ có biến đổi rất lớn. Cho nên, rất nhiều kịch hay của cuộc đời tuyệt đối không phải chỉ có ở trên phim ảnh, phải đem những tình tiết cảm động lòng người trên phim đem vào trong gia đình của mình, đem vào trong đời sống của chính mình, để tạo ra những màn kịch hay cho cuộc đời. Vì vậy, chúng ta phải chủ động đi quan tâm người khác, khiến cho người quan tâm lẫn nhau, con người tuần hoàn điều tốt đẹp với nhau.

Sau khi đã biết “phán đoán”, cũng đã “biết nhau”, “quen nhau”, “tìm hiểu nhau”, “yêu nhau” rồi, sau đó tiến tới hôn nhân. Đó lại là một vấn đề khác. Khi bước vào con đường hôn nhân thì có một điểm rất quan trọng, đó là phải xây dựng được nhận thức chung của gia đình. Rốt cuộc tạo thành một gia đình mới thì công việc quan trọng nhất là gì? Nam nữ hai bên nhất định phải có cách nhìn như thế nào?

Các vị bằng hữu, các vị cảm thấy trong gia đình thì việc nào là việc quan trọng nhất? Rất nhiều người nói: “Đó là kiếm tiền, vì không có tiền thì làm gì cũng không được”. Rất nhiều gia đình rất có tiền nhưng mà trong gia đình lại xào xáo không yên, có hay không? Có. Chúng tôi đã tiếp xúc qua rất nhiều doanh nghiệp. Có một số doanh nghiệp thì họ cũng rất có thiện căn, rất lương thiện, doanh nghiệp của họ cũng làm được rất tốt. Chúng tôi thường thường có cơ hội ngồi lại trò chuyện với nhau, họ nói những doanh nghiệp đó của chúng tôi nghèo đến nỗi chỉ còn lại có tiền mà thôi. Cho nên, đích thực là nhân tâm không biết cách đối đãi với người ra sao, đến sau cùng thì nội tâm sẽ rất trống rỗng, thậm chí ngay cả con cái của mình mà cũng không thể thương lượng được. Đây chính là cách tổ chức cuộc sống rất đỗi sai lầm. Cho nên, một gia đình thì nhận thức chung quan trọng nhất chính là dạy dỗ tốt cho con cháu. Có câu: “Có gì quan trọng bằng việc dạy con”. Đời người quan trọng nhất là giáo dục tốt cho con cái, để cho con cháu đời sau có thể kế thừa gia phong, có thể làm rạng rỡ Tổ tông, kế tục sự nghiệp, để cho con cháu đời sau của bạn đều có thể hưng thịnh. Vì vậy, việc dạy dỗ cho thế hệ sau của bạn là một việc lớn.

Không những việc quan trọng nhất của một gia đình là giáo dục tốt cho con cái, mà ngay cả một đất nước thì việc quan trọng nhất cũng chính là giáo dục tốt cho thế hệ tương lai. Ai cũng đều không muốn đất nước của mình khi truyền đến thế hệ kế tiếp thì tiêu vong. Giả như truyền đến họ mà tiêu vong thì họ có lỗi với ai? Có lỗi với liệt tổ liệt tông, có lỗi với con cháu đời sau. Họ đều không muốn Tổ tông quở trách, càng không muốn con cháu đời sau mắng họ. Vì thế, ngày xưa Hoàng đế vừa đăng cơ thì làm việc gì trước tiên? Là lập Thái tử.

Có thể thấy, một đất nước, một triều đại đối với việc có người kế thừa là một sự việc được xếp lên hàng đầu. Cho nên, Hoàng đế ngày trước đều là mời về những người học trò có học vấn tốt nhất trong cả nước để dạy cho con cháu của họ. Bạn không nên ngưỡng mộ người làm Hoàng tử Hoàng tôn thì nhất định sẽ có cuộc sống rất sung túc, kỳ thực không phải. Họ đều phải thức dậy để đọc sách khi trời còn chưa sáng. Bởi vì phải kế thừa một triều đại thì họ phải có học thức thật là phong phú mới được. Vì thế, một đất nước đều biết xem trọng sự giáo dục cho thế hệ con cháu đời sau thì đương nhiên một gia đình cũng phải xem trọng giáo dục. Một con người thật sự có được số mạng trung niên và cuối đời tốt hay không thì mấu chốt xem ở đâu? Mấu chốt ở chỗ bạn có dạy dỗ con cái tốt hay không.

Giả như hai vợ chồng đều có địa vị trong xã hội, cuộc sống trong gia đình cũng rất sung túc, nhưng con cái bởi vì thất học, ở bên ngoài ăn chơi lêu lổng, thậm chí cha mẹ ở trong nhà cũng không biết được ngày hôm nay rốt cuộc chúng lại làm ra sự việc gì, những người cha mẹ như vậy thì những năm tháng cuối đời này sống có dễ dàng hay không? Điều đó là không thể. Nhưng có rất nhiều người đến khi trung niên thì mới phát hiện là ta đã tổ chức trọng điểm cuộc sống gia đình bị sai về việc sắp xếp cái quan trọng và cái thứ yếu, không có đem việc giáo dục con cái xếp lên hàng đầu. Nhưng vào lúc này mà hối hận thì đã không còn kịp. Cho nên hối hận đều là về sau thì mới hối hận.

Có một đứa trẻ được cha mẹ nuông chiều từ bé, đưa tay xin tiền liền cho, không nhiều thì ít. Vì thế bạn xem, tiền có giải quyết được vấn đề hay không? Tiền không giải quyết được vấn đề. Bởi vì vợ chồng rất có tiền, con cái chỉ cần xin bao nhiêu đều đưa. Sau cùng, sau khi cho như vậy xong thì trong một tháng đã chi xài hơn ba mươi lăm triệu (chỉ là đứa trẻ còn đi học), vì vậy vợ chồng họ đã cảm thấy không được bình thường. Thế là họ nói, từ nay về sau không cho con tiền nữa, cho nó đi lính. Đi đến Tây Tạng nhập ngũ được hai năm, sau đó quay trở lại nhà. Bởi vì một số tập khí quá sâu dày nên không sửa trở lại được, vẫn tiếp tục xin tiền của cha mẹ. Nhưng cha mẹ quyết tâm sẽ không cho nó tiền. Kết quả, đứa con này đã thuê sát thủ để giết hại cha mẹ nó. Khi đứa con này cùng với sát thủ đứng đợi ở phía trước nhà, nó nói với tên sát thủ: “Chút nữa sẽ có một người từ trong đó bước ra”, đối với toàn bộ tình hình chi tiết đều miêu tả hết sức rõ ràng. Tên sát thủ mới hỏi nó: “Làm sao mà biết rõ đến như vậy? Đây rốt cuộc là nơi nào?”. Nó nói: “Đây chính là nhà của tôi”. Tên sát thủ hỏi: “Vậy người cần phải giết kia là ai vậy?”. Nó nói: “Là cha của tôi”. Cuối cùng người cha của nó cũng bước ra. Bi kịch vẫn chưa dừng lại ở đó. Khi chúng ta không dạy dỗ con cái cho tốt thì có thể những sự việc tương tự như vậy sẽ diễn ra ngay trước mắt chúng ta. Nó không những giết chết cha của mình, bởi vì chìa khóa tủ bảo hiểm nằm trong tay mẹ của nó, cho nên mẹ của nó cũng bị nó sát hại. Tin tức này đã được báo đăng rất nhiều.

Bạn xem, việc không dạy tốt con cái, cưng chiều đến hư hỏng rồi, thì dù có nhiều tiền hơn đi nữa cũng không thể giải quyết được vấn đề. Vì vậy, hiện tại những người cha người mẹ này phải đau đầu rất nhiều. Nhưng những bậc cha mẹ thật sự đem việc giáo dục con cái xếp ở vị trí hàng đầu thì lại không nhiều. Cho nên, có một số đạo lý bạn không nói rõ với chúng, thật sự chúng rất khó buông bỏ sự theo đuổi danh lợi của chúng. Kỳ thực, theo đuổi danh lợi có vui hay không? Theo đuổi danh lợi đối với cuộc sống gia đình có thiết thực hay không? Không thiết thực. Cho nên hiện tại đang đề xướng việc “Người cha trở về ăn cơm tối”. Nếu không thì bầu không khí gia đình sẽ không còn nữa. Cho nên, không thể khiến cho cuộc đời trở thành ba chữ “mang mang mang”.

“Mang mang mang” là chữ Hán, rất có trí huệ. Chữ “mang” đầu tiên là chữ hội ý, nghĩa là bận rộn. Một người khi bận rộn thì tâm người đó như thế nào? Chết rồi, không còn mẫn cảm nữa, không thể nào quan sát được người khác cần gì. Cho nên con người một khi bận rộn thì đầu óc cũng không tỉnh táo, thậm chí có lúc bận đến nỗi đột nhiên định thần lại thì “ồ! Đã một tháng rồi sao. Ồ! Con tôi đã mấy tuổi rồi”, bận đến hỏng cả việc!

Có một người tiều phu mỗi ngày đều đi đốn củi, lên núi đốn củi, xuống núi bán củi, cứ lên núi đốn rồi xuống núi bán như vậy trải qua rất nhiều năm. Ngày tháng của anh cứ như vậy. Một ngày, anh đi đến một cây to, ngồi dưới gốc cây để nghỉ ngơi và bỏ bó củi của anh xuống. Người bạn đi cùng anh liền nói với anh: “Đi thôi đi thôi, mau mau lên đường thôi!”. Người bạn đó của anh hối thúc anh mà nói đi thôi, lên đường thôi. Anh nói với người bạn của mình: “Đợi một chút, tôi còn phải đợi hồn của tôi theo kịp tôi”.

Các vị bằng hữu, chúng ta sống trong một cuộc đời bận bịu như vậy, xin hỏi linh hồn có còn theo kịp chúng ta hay không? Chúng ta có nhận thức được rõ ràng mỗi ngày chúng ta đang làm những gì hay không? Vì thế, bận rộn đến sau cùng thì cuộc đời thật sự lại cảm thấy đã sống không còn thiết thực nữa. Nghe kể, Thành Long một lần rất hớn hở muốn đi đón con đi học về, chạy đến trước cửa trường học đợi cả buổi mà không thấy con đâu. Sau đó, đúng lúc gặp được một vị giáo viên cũ của con anh, vị giáo viên ấy nói với anh: “Con của anh đã lên trung học rồi, anh còn đến trường tiểu học để đón sao”. Cho nên bạn xem, bận rộn đến sau cùng cũng mù mờ luôn, mờ mắt, bận đến sau cùng sẽ không còn thấy được người thân đang cần gì, không còn nhìn thấy được cảm nhận của người thân. Cho nên, có rất nhiều người khi đến tuổi trung niên, mối quan hệ vợ chồng lại xảy ra vấn đề, con cái cũng không thể hiểu được họ, họ cũng không biết rõ được tình hình. Bởi vì quá bận rộn rồi, tất cả những điều mắt thấy tai nghe đều bị che mờ cả. Khi cuộc đời của họ tiếp tục trôi đi như vậy, dốc hết sức lực suốt mấy mươi năm, kết quả là gia đình cũng không được êm ấm, thân thể cũng không còn khỏe mạnh, thế là họ liền cảm thấy cả đời mình dốc sức cố gắng đến như vậy mà sao lại thành ra như vầy, thật sự là trong tâm cảm thấy rất bế tắc, rốt cuộc thì cuộc đời phải sống như thế nào mới được. Vì vậy, cuộc đời không thể đi theo kiểu “bận rộn mù mờ bế tắc” như thế này được, phải sống sao cho thông suốt minh bạch, đi mỗi bước cuộc đời sao cho thiết thực. Cho nên, muốn cho gia đình có thể hạnh phúc mỹ mãn thì tuyệt đối không phải là chuyện ngẫu nhiên. Vì thế, hôm nay nếu bạn dạy dỗ con cái được tốt, tuyệt đối không phải là nhờ vào tiền, mà là nhờ vào sự dẫn dắt của bạn, sự dụng tâm của bạn.

Tôi đã từng phân tích với rất nhiều phụ huynh, tôi nói: “Các vị đều cảm thấy có tiền thì có thể thành toàn được việc học của con cái, kỳ thực không phải”. Tôi liền phân tích với họ. Tôi quan sát thấy được trong lớp có những em được học thêm, ví dụ như có mười em, trong đó có năm em được học thêm, còn lại năm em không được học thêm, bạn xem, thành tích của ai thì tương đối tốt? Chúng ta phân tích tỉ mỉ. Những em được học thêm vừa nhìn thấy những gì hôm nay học, liền nói “mình học cái này ở lớp học thêm rồi”, chúng còn khều những bạn bên cạnh mà nói “mình nghe qua rồi, mình nghe hết rồi”, bản thân chúng cảm thấy như thế nào? Rất kiêu ngạo. Cho nên, khi lên lớp học chúng dần dần sẽ thiếu đi sự chuyên tâm. Một đứa trẻ từ nhỏ đã không chuyên tâm thì về sau cầu học vấn sẽ có sự sai xót rất lớn. Giả như hôm nay đến lớp học bài mà chúng chưa được học qua thì chúng sẽ nghĩ như thế nào? Chúng sẽ nghĩ, dù gì ở lớp học thêm thầy cũng sẽ dạy, để đến lớp học thêm rồi nghe cũng được. Vì thế, độ chuyên chú của chúng sẽ bắt đầu giảm xuống. Con người chỉ cần không chuyên tâm nghe bài giảng thì tình trạng học tập sẽ trượt dài. Những em này khi đến kỳ thi cử, tôi cũng quan sát thấy trước lúc thi một - hai tuần lễ thì thấy các em cứ ôm lấy một xấp giấy. Là giấy gì vậy? Là các trọng điểm lớp học thêm đã giúp soạn ra. Đó là một điển hình của việc “nước đến chân mới nhảy”, chỉ lo học những gì thầy dạy thêm đã soạn sẵn. Sau khi đã thi xong, tôi nghĩ rằng có thể không tới một ngày thì chúng đã trả hết lại cho thầy rồi. Những em khác không có học thêm thì khi lên lớp học đều rất chuyên chú. Sau đó, tất cả những bài khóa phải ôn thi chúng tự mình sẽ ghi chú đánh dấu lại, tự mình soạn. Bởi vì tự mình soạn, cho nên tất cả những phương pháp kỹ xảo sẽ dần dần được tích lũy trở lại. Cho nên, phụ huynh tốn tiền lại khiến cho con cái không chuyên chú, khiến con cái phải dựa dẫm vào thầy cô dạy thêm mà lại không rèn luyện được năng lực học tập cho con mình. Còn những người không đi học thêm thì ngược lại học hành rất tập trung, vả lại còn biết cách học tập như thế nào. Những đứa trẻ như thế chỉ cần từ Tiểu học lên Trung học cơ sở thì thành tích sẽ có khác biệt rất lớn. Đây cũng là một kinh nghiệm của bản thân tôi, bởi vì khi tôi học Tiểu học cũng không có học thêm, kết quả khi lên Trung học cơ sở thì thành tích của các bạn liền kém xa tôi.

Vì vậy, việc giáo dục con cái vẫn cần phải bản thân bạn kèm cặp chúng học tập. Cha mẹ hiện nay không những không chăm sóc cho con cái, mà đem trách nhiệm chăm sóc con cái đẩy lại cho những người thay thế cha mẹ.

Chúng tôi vừa mới nhắc đến, ai là người thay thế cha mẹ?

Thứ nhất, “lớp học thêm”. Lớp học thêm thì rất khó rèn luyện năng lực và thái độ học tập cho trẻ, cho nên tốn tiền nhưng chưa chắc hữu dụng.

Thứ hai, “bảo mẫu”. Giao cho người “bảo mẫu” làm mẹ. Bảo mẫu thì có người tiếng Phổ Thông nói còn chưa rành. Rất nhiều người mời những cô người Indonesia, mời cô người Thái Lan, hoặc là bảo mẫu người Indo, bảo mẫu người Thái Lan, như vậy con cái sẽ trở nên như thế nào? Bởi vậy, hiện tại năng lực ngôn ngữ của thế hệ sau càng ngày càng thấp, đó là do cha mẹ không dạy mà lại giao lại cho bảo mẫu. Bảo mẫu có biết dùng thái độ của một người mẹ để dạy dỗ con cái hay không? Không. Vậy họ dùng thái độ như thế nào? Họ dùng thái độ của một người giúp việc. Vì thế, họ sẽ nghe theo trẻ mọi việc. Cho nên trẻ con sẽ ỷ được cưng chiều mà kiêu ngạo. Rất nhiều trẻ nhỏ được bảo mẫu chăm sóc khi muốn ra khỏi nhà thì ngồi trên ghế, tay chân duỗi ra, để làm gì vậy? Giúp tôi mặc quần áo, giúp tôi mang vớ, mang giày. Những đứa trẻ này ngay cả năng lực cơ bản của cuộc sống cũng không đủ. Đi đến trường học, thầy cô giao công việc quét lớp cho chúng làm, chúng sẽ nói với thầy cô: “Thầy ơi, em đưa cho thầy tiền, thầy làm giúp em!”, hoàn toàn không có thái độ cần cù lao động. Cho nên, bảo mẫu không thể dạy dỗ tốt con trẻ.

Tiếp đến chúng ta lại xem, còn có một người thay mặt cha mẹ nữa đó chính là truyền hình, máy vi tính. Con cái vừa tan học đã được giao lại cho ai? Giao lại cho truyền hình. Rất nhiều trẻ con mỗi ngày xem truyền hình, xem suốt mấy tiếng đồng hồ. Dạy dỗ như vậy thì sẽ trở thành như thế nào? Trong truyền hình, máy vi tính rất nhiều nội dung bạo lực và sắc tình, cho nên trẻ con hiện nay tính khí có tốt hay không? Rất nhiều đều có xu hướng bạo lực. Theo quan sát của tôi thì không chỉ con trai mới có xu hướng bạo lực, hiện tại cũng có rất nhiều con gái cũng có xu hướng bạo lực, đều là xem những bộ phim hoạt hình, xem truyền hình.

Khi chúng ta đang bận rộn kiếm tiền thì rốt cuộc con cái chúng ta sẽ trưởng thành ra làm sao? Phải cân nhắc suy nghĩ cho thật kỹ. Cho nên chăm lo cho con cái vô cùng quan trọng, vì thế mà nhấn mạnh “phu phụ hữu biệt”, là vợ chồng có khác biệt.

Các vị bằng hữu, khác biệt ở chỗ nào? Khác biệt ở chức trách, bổn phận trách nhiệm của mỗi người không như nhau. Chúng ta thường nói: “Nam chủ ngoại, nữ chủ nội”. Bởi vì, một gia đình thì có hai công việc quan trọng nhất. Một việc là vấn đề kinh tế (phải có kinh tế để duy trì một gia đình), một việc là về mặt tinh thần (dạy dỗ con cái), đây là hai công việc trọng điểm. Cho nên người nam xưa phụ trách về mặt kinh tế, người nữ thì phụ trách về mặt tinh thần, phụ trách về việc dạy dỗ con cái, đã phân chia, phân biệt rõ ràng. Vợ chồng đôi bên tận tâm tận lực và biết ơn lẫn nhau. Bởi vì có người chồng bên ngoài nỗ lực làm việc thì gia đình mới có thể không lo lắng, bởi vì có người vợ ở nhà giúp chồng dạy con mới có thể khiến cho người chồng không có nỗi lo về sau, mới có thể khiến cho gia tộc có người kế tục. Bởi vậy, người xưa đã phân chia rất rõ ràng.

Hiện nay có rất nhiều người nói: “Giả như vợ chồng không cùng nhau đi kiếm tiền thì sợ không đảm bảo được về mặt kinh tế”. Các vị bằng hữu, các vị cảm thấy câu nói này có đạo lý hay không? Hiện tại thời đại này rất nhiều lời nói nghe có vẻ như rất có đạo lý, sự thực bạn suy nghĩ cho tỉ mỉ thì chưa chắc có đạo lý. Bạn kiếm được nhiều tiền hơn đi nữa cũng không mang theo được, mà việc giáo dục cho con cái thì ảnh hưởng đến cả một đời chúng. Vậy chúng ta suy nghĩ một chút, cha mẹ chúng ta ngày trước có phải có rất nhiều tiền hay không? Không có, nhưng lại dạy ra được rất nhiều người con hiếu thảo, dạy ra được rất nhiều người con chịu thương chịu khó. Còn hiện nay có nhiều tiền đến như vậy mà cuối cùng như thế nào? Đã nuôi dạy ra rất nhiều những đứa con “siêng ăn nhác làm”, thậm chí còn không biết tri ơn một ai. Cho nên rốt cuộc là có tiền thì tốt hay không có tiền thì tốt? Do vì trong gia đình cuộc sống có thiếu thốn một chút, trái lại đã khiến cho con cái cảm thấy cha mẹ cũng vô cùng vất vả để nuôi dạy chúng. Người cha rất vất vả kiếm tiền, cho nên chúng niệm niệm đều biết ơn đối với cha. Vì vậy, đời trước của chúng ta vì sao học hành chăm chỉ đến như vậy, vì sao mà làm việc siêng năng đến như vậy? Vì niệm niệm đều nghĩ đến cha mẹ vất vả đến như vậy, ta phải báo đáp công ơn của cha mẹ. Cho nên họ từ nhỏ đã có cái chí hướng này, không để người khác phải bận tâm việc học hành, công việc cũng làm tích cực chăm chỉ. Cho nên, trong họa có phước.

Người hiện nay tiền rất nhiều thì lại trong phước có họa. Trẻ nhỏ ngược lại từ nhỏ đã xài tiền phung phí. Bởi vì bạn không có thời gian để ở cùng với chúng, cảm thấy có lỗi với chúng, nên chúng cần cái gì thì bạn liền mua cho chúng cái đó, mà cái dục vọng này hễ mở ra thì không có cách nào lấp đầy được. Bạn ngày ngày làm việc gì cũng dùng tiền để giải quyết, vậy chúng có cảm thấy bậc làm cha mẹ vất vả hay không?

Tôi còn nhớ khi tôi còn nhỏ, mỗi lần thức dậy thì mẹ đang ở dưới bếp nấu bữa sáng, pha sữa cho chúng tôi rồi. Đi ngủ trễ hơn chúng tôi, thức dậy sớm hơn chúng tôi, cho nên mỗi ngày đều nhìn thấy mẹ tốn công sức như vậy chúng tôi trong lòng đều rất biết ơn, rất cảm động. Hiện tại tôi hỏi học sinh: “Mẹ của các em có nấu bữa sáng hay không?”. Hơn một nửa đều nói, buổi sáng mẹ vẫn còn ngủ. Buổi sáng của chúng là gì? Chính là ba đồng, chính là năm đồng, lại vẫn là tiền. Xin hỏi, năm đồng này có trở thành bữa sáng hay không vậy? Rất khó nói. Vậy có biến thành đồ chơi hay không? Có trở thành mấy món đồ chơi điện tử hay không? Việc này phải xem lại. Vì thế, khi tôi dạy học thường hay nhìn thấy học sinh học đến chín giờ thì đói xanh cả mặt, bởi vì lấy tiền ăn sáng mua thứ khác hết rồi, không mua đồ ăn. Cho nên chúng ta phải quan tâm cả những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống của trẻ, nếu không thì sức khỏe của chúng có vấn đề mà chính bạn cũng không biết, nếu không thì chúng học được những gì bạn cũng không rõ được nữa.

Lúc trước đã nêu với các vị về thầy Lý Truyền Quân. Thầy là nhà thư pháp. Thầy nói thầy đã dạy ra được những học trò rất ưu tú, viết thư pháp vô cùng đẹp, đều không phải là gia đình có nhiều tiền, đều là do cha mẹ biết bầu bạn, học tập với con cái. Những học sinh như vậy thì học tập rất tốt. Cho nên rất nhiều trẻ con năng lực tài hoa của chúng đều là nhờ cha mẹ quan tâm, chăm sóc mà ra. Điểm này rất quan trọng.

Có một cô học trò học viết thư pháp. Cha của cô theo chỉ bảo cho cô. Một lần đúng lúc cha của cô quá mệt, ngồi ở trên ghế ngủ luôn. Vị thầy họ Lý này cũng nắm lấy cơ hội giáo dục này, liền nói với học trò: “Em nhìn xem ba của em đã ngủ rồi”. Đứa học trò này sau khi nhìn thấy xong, ngừng lại một chút thì rưng rưng nước mắt. Cô bé nói với thầy Lý: “Ba của em toàn tâm toàn ý dẫn dắt bồi dưỡng cho em, cho nên em cảm nhận được sự quan tâm chăm sóc đến như vậy của cha mẹ đối với em, cảm thấy tự mình nhất định phải học tốt mọi thứ thì mới có thể báo đáp công ơn của cha”. Vì thế, thành tích của cô bé ở trường rất tốt, thư pháp cũng viết rất giỏi. Sự trưởng thành của con cái, rất nhiều năng lực của con vẫn là cần phải thông qua sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ thì mới có thể dạy được tốt.

Chúng ta vừa mới bàn qua, không có tiền tài, không có nhiều tiền bạc thì cũng chưa chắc là không thể dạy con cho tốt được, vậy tiền bạc có phải thật sự là kiếm ra được hay không? Đây lại là một vấn đề đáng để cho chúng ta suy nghĩ.

Rất nhiều cặp vợ chồng bận rộn suốt cả cuộc đời mà có tiền để dành hay không? Không có. Có rất nhiều người làm việc rất chăm chỉ, nhìn thấy người khác kiếm được nhiều tiền, kết quả bản thân lại không kiếm được tiền, trong tâm thấy bất bình. Đến khi tuổi trung niên thì lúc này sẽ rất khó tiếp nhận được cái sự thật này của cuộc sống. Kỳ thực, tài phú bạn phải như lý như pháp mà cầu thì mới cầu được. Tiền bạc rốt cuộc phải cầu như thế nào? Chúng ta phải làm cho rõ ràng mới được.

Tiền bạc là vạn pháp nhân duyên sanh. Lời của Thánh Hiền nhân nói ra vô cùng có trí huệ, bạn có thể áp dụng được cho mọi việc đều chuẩn xác. Bất kỳ một tình huống nào trong cuộc sống cũng đều không rời ba chữ “nhân - duyên - quả”.

Chúng ta lấy một hiện tượng của tự nhiên. Hôm nay bạn trồng một cây đa, trồng như thế nào? Vì sao chúng tôi lại nói đến cây đa vậy? Đúng lúc chúng tôi vừa mới đi dạo một vòng đến công viên Cửu Long, thấy được rễ của cây đa thật không đơn giản chút nào. Bạn nhìn thấy chỉ là phần nằm trên mặt đất, nhưng bên dưới gốc thì như thế nào? Có thể là phạm vi của nó còn lớn hơn. Ông Trần cũng đã nói với chúng tôi: “Tán lá cây đều không thể nào lớn bằng diện tích bám rễ của cây”. Vì vậy, nếu rễ bám mà lớn như vậy thì nói với chúng ta điều gì? Cây muốn đủ cao lớn, tán cây muốn đủ lớn thì trọng điểm là ở chỗ nào? Ở chỗ rễ cây phải bám cho đủ chắc chắn. Cho nên, từ cây mà bạn có thể nhìn thấy được cuộc đời của chúng ta. Cuộc đời của con người quan trọng nhất là phải đem gốc rễ của đức hạnh trồng xuống cho tốt thì bạn mới “đầu đội trời chân đạp đất”, thậm chí mới có thể che mát cho cả đời sau. Cho nên nếu bạn muốn trồng một cây đa, nhân ở đâu? Nhất định phải có hạt giống. Duyên ở đâu? Là ba nguyên tố của sự sống. Bạn phải tưới nước, phải có bầu không khí tốt, phải có ánh mặt trời, còn phải có đất tốt. Bạn mà đem hạt giống trồng ở sa mạc thì có mọc lên được hay không? Đây là duyên thì mới có thể mọc lên thành một cây đại thụ được (là một cây đa lớn). Không có hạt giống, dù có nước, ánh sáng và không khí tốt nhất trên thế giới thì có tác dụng gì không, có mọc lên được hay không? Không mọc lên được. Vậy nếu bạn trồng hạt giống xuống rồi mà không có nước thì có được hay không? Cũng không mọc lên. Cho nên có nhân lại thêm duyên tốt thì mới có thể kết được quả tốt. Ngược lại, nhân xấu gặp duyên xấu thì kết thành quả ác. Cho nên tất cả đạo lý đều không rời khỏi điều này: “Nhân - duyên - quả”.

Chúng ta hãy xem trở lại, nhân của tiền tài là ở đâu? Nhân thật sự nằm ở bố thí tiền tài. Đúng vậy! Bạn phải trồng hạt giống gì thì về sau nó sẽ lớn lên thành tiền tài? Nhân thật sự của tiền tài là bố thí tài. Nếu biết bố thí nhiều thì ruộng phước của chúng ta sẽ càng ngày càng rộng ra.

Vậy duyên ở đâu? Một người nào đó được đoán số mạng là đời này bạn rất giàu có, ngày ngày cứ ở nhà ngồi chơi rung đùi chờ tiền bạc kéo đến, tiền có thể kéo đến hay không? Không thể nào. Cho nên duyên ở chỗ nào? Duyên ở chỗ bạn phải nỗ lực, bạn phải có cơ hội tốt, có quý nhân trợ giúp. Sau khi chúng ta đã có đủ những duyên này thì bạn liền có thể có kết quả là tiền tài.

Chúng tôi cũng nhìn thấy rất nhiều người bạn, họ làm người cũng rất rộng rãi, thường hay bố thí. Công việc đổi tới đổi lui cũng không ít, nhưng mà trước giờ tiền bạc không hề thiếu thốn, bởi vì họ chỉ cần chăm chỉ làm việc thì tiền liền tới. Thần tài thờ trong nhà chúng ta các vị có biết là ai không? Là Phạm Lãi, Đào Chu Công. Ban đầu ông là người phò tá Việt Vương Câu Tiễn phục quốc. Câu Tiễn bởi vì đã bị Ngô Vương Sái đánh bại, thế là Việt Quốc bị diệt vong, cho nên ông muốn phục quốc. Vào lúc đó có hai vị đại thần là Văn Chủng và Phạm Lãi phò tá Việt Vương Câu Tiễn, sau đó đã đánh bại được Ngô Vương Phu Sái. Vị Phạm Lãi này rất có trí huệ, nói với Văn Chủng: “Câu Tiễn là người chúng ta có thể cùng hoạn nạn chứ không thể cùng vinh hoa phú quý được. Hiện tại ông đã có được thiên hạ rồi, năng lực của ông cao hơn Câu Tiễn, Câu Tiễn sẽ đố kỵ với ông, cho nên chúng ta mau mau rời khỏi đây thôi”. Văn Chủng nói: “Vinh hoa phú quý đã tới tay rồi, sao lại có thể bỏ đi như vậy”, cho nên ông không chịu đi. Phạm Lãi liền dắt Tây Thi đến Giang Nam làm ăn kinh doanh. Văn Chủng ở lại không được bao lâu thì đã bị Câu Tiễn ban cho cái chết, bảo ông phải tự mình tự sát. Cho nên, việc nhìn người rất quan trọng. Phạm Lãi dắt theo Tây Thi đến vùng Giang Nam và bắt đầu làm ăn buôn bán. Bắt đầu từ việc làm ăn nhỏ, không bao lâu thì giàu lên rất nhanh, liền đem tiền bạc bố thí hết cho những người bần cùng nghèo khổ. Sau khi đem bố thí hết như vậy thì lại bắt đầu bằng việc làm ăn nhỏ trở lại. Sau đó không lâu lại trở nên phát tài giàu có, ông lại đem tiền bạc đi bố thí tiếp. Trong sử sách có ghi chép ông “ba lần tụ tài, ba lần tán tài”. Đây thật sự là một vị Thánh Hiền nhân hiểu được cái nhân thật sự của tài phú. Cho nên khi ông vừa đem cho hết, do ông đã trồng cái nhân bố thí, chỉ cần ông tiếp tục nỗ lực thì lập tức tiền tài lại đến.

Các vị bằng hữu, tiền đem cho đi rồi có phải là không còn thấy tiền nữa hay không? Khi bạn thật lòng thật dạ đem tiền bạc này bố thí cho xã hội, bố thí cho người cần đến nó, những người tiếp nhận này sẽ cảm nhận được lòng chân thành của bạn, lại giải quyết được vấn đề cuộc sống của họ, họ niệm niệm đều muốn báo đáp ân tình của bạn. Ví dụ như bạn bán bánh màn thầu ở nơi này, họ dù ở rất xa nhưng như thế nào? Dù đi bao xa thì cũng đến nơi này để mua bánh của bạn. Bạn bố thí ơn huệ, những ơn huệ này người ta niệm niệm đều muốn báo đáp, cho nên chỉ cần bạn có cơ hội làm việc, người ta đều sẽ đến để giúp đỡ bạn, cũng sẽ có rất nhiều người toàn tâm toàn ý, những cán bộ vì bạn mà phụng hiến cũng sẽ xuất hiện. Cho nên con người cần phải biết nghĩ cho sâu, nghĩ cho xa, thì bạn mới không vì cái nhìn thiển cận và vì lợi trước mắt. Phạm Lãi đã ấn chứng cho chúng ta bố thí tài thì được tài phú.

Chị của tôi trong thời gian mang thai thường xuyên liên lạc với tôi, nên cũng nhìn thấy được việc giáo dục con cái đặc biệt quan trọng. Chị cũng đã từ bỏ công việc của mình. Chị là nhân viên công vụ. Việc từ bỏ công việc này như là đem chén cơm sắt này như thế nào? Rất nhiều người đều khuyên chị không nên nghỉ việc, thậm chí mẹ chồng của chị cũng khuyên chị không nên nghỉ việc. Có nên nghỉ việc hay không? Đời người biết cách thủ xả mới là trí huệ. Sau khi chị đã nghỉ việc (lúc vẫn còn chưa sinh con), ở tại nhà chúng tôi để đợi đến ngày sinh. Tôi vẫn thường xuyên nói chuyện với chị về những quan niệm giáo dục này, còn giảng giải với chị về một số Kinh sách của chúng tôi, cho nên đứa cháu gái này của tôi sinh ra rất thú vị. Khi nó mới sinh ra, vừa nghe thấy tiếng của tôi thì lập tức cặp mắt của nó liền quay sang, chắc là nó đang nghĩ cái người lắm lời này sao lại xuất hiện nữa rồi. Vì khi nó chưa sinh ra đã thường hay nghe tôi nói chuyện, cho nên chắc nó rất quen thuộc với giọng nói của tôi. Đứa trẻ này sinh ra, chị của tôi còn trong tháng thì ở tại nhà chúng tôi. Khi chị tôi còn chưa sinh con thì việc trông nom sức khỏe của chị, các vị đoán xem ai giúp chị việc đó vậy? Là chính tôi giúp chị. Bởi vì có tri thức thì mới có năng lực. Cho nên sau khi chị sinh xong thì mỗi ngày tôi còn làm nước ép trái cây cho chị dùng. Nước trái cây này còn phải là ba loại trái cây và ba loại rau củ, còn bỏ thêm những thứ hoàng tố Lecithin và men bia vào cùng xay. Chúng tôi gọi nó là món canh sinh lực, uống vào sẽ có rất nhiều sinh lực. Đây là ở cữ trong tháng tại nhà tôi. Trong cả quá trình này chị tôi đều chỉ dùng sữa mẹ để cho bé bú. Kết quả mẹ chồng của chị nói: “Chỉ bú sữa mẹ thì không đủ dinh dưỡng”, liền bảo chị cần phải thêm vào những thứ bổ sung khác. Chị tôi vẫn kiên trì cách làm của chị, nhưng cũng lựa lời mà giải thích với mẹ chồng của chị. Kết quả trải qua không quá nửa năm thì mẹ chồng của chị lại nói bú sữa mẹ thật là tốt, đều không thấy bị bệnh gì.

Cho nên chúng ta làm rất nhiều việc, khi mới bắt đầu nhất định sẽ có một số chướng ngại, nhưng bạn nhất định phải kiên trì thì rất nhiều kết quả tốt sẽ dần dần hiển hiện ra. Đến lúc này thì thành quả sẽ nói thay cho bạn. Bởi vì chị tôi tự tay mình chăm sóc cho đứa trẻ, cho nên hiện tại con của chị một cháu sáu tuổi, một cháu bốn tuổi không bệnh tật, thân thể khỏe mạnh. Tôi thường hay đi đến nhà của chị, tôi phải bận mấy cái áo, hai đứa trẻ thì chỉ mặc quần đùi, mặc áo ngắn, cứ chạy nhảy tung tăng, nhìn thấy mà hổ thẹn. Nếu có bị chảy nước mũi, bị cảm thì cũng không cần đi bác sĩ, cũng không chích hay uống thuốc, chảy mũi chừng hai ngày thì khỏi, sức đề kháng rất tốt.

Rất nhiều người mẹ chăm sóc cho con cái, chỉ cần vừa chảy nước mũi hay vừa hắt hơi thì mau mau đưa tới bệnh viện. Không có trí huệ thật sự thì bạn không thể nào dạy tốt một đứa trẻ, không thể nào chăm sóc tốt cho một đứa trẻ. Tôi thường hay đi vài lần ngang qua khoa tai mũi họng vào mùa thu, mùa xuân, đều thấy được từng hàng từng hàng dài. Ai xếp hàng vậy? Những người mẹ đều ôm con (có đứa còn chưa được một tuần tuổi) đi đến bác sĩ khám. Tôi thấy mà lo lắng thay cho họ.

Bị cảm vì sao lại bị sốt vậy? Bị cảm vì sao lại bị chảy nước mũi vậy? Bởi vì khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể thì thân thể của bạn sẽ khởi động hệ thống miễn dịch, cho nên nước mũi của bạn chính là xác chết từ việc hệ thống miễn dịch chiến đấu với vi khuẩn mà chảy ra. Vậy vì sao nóng sốt? Bởi vì vi khuẩn bệnh đánh nhau với hệ thống miễn dịch của bạn, khi đánh nhau cũng giống như người xưa cầm cây đao đánh nhau, sẽ có những tia lửa bắn ra, cho nên nó sẽ phát nhiệt. Phát nhiệt thì nhiệt độ liền tăng cao, cho nên việc này chứng tỏ hệ thống miễn dịch đang chiến đấu. Giả như lúc này bạn lại uống thuốc vào, lại chích thêm thuốc vào, thuốc đó sẽ lập tức giết chết vi khuẩn bệnh, sau đó cũng giết chết luôn đạo quân miễn dịch của bạn. Sau khi giết chết hết rồi thì thuốc đi xuống đường ruột của bạn lại giết chết luôn những vi khuẩn có lợi trong đường ruột của bạn. Cho nên sau khi giết chết hết rồi thì đường ruột của người đó sẽ không có vi khuẩn có lợi nữa, lại không thể giúp đỡ cho việc tiêu hóa. Cho nên vừa uống thuốc thì việc ăn uống của đứa trẻ liền rất kém, vì đạo quân hệ thống miễn dịch đã bị đập tan rồi. Ăn uống kém cho nên sức đề kháng lại đi xuống. Cho nên hầu hết sau khi uống thuốc tây thì cũng phải hơn một tuần sau khí sắc của đứa trẻ mới dần dần hồi phục lại. Cũng vì hệ thống miễn dịch của đứa trẻ không khỏe mạnh trở lại được, cho nên mỗi khi thời tiết thay đổi thì chúng sẽ bệnh lại. Vì vậy có rất nhiều người mẹ, một năm không biết đã đưa đứa trẻ đến bác sĩ bao nhiêu lần.

Các vị bằng hữu, một người mẹ mà nuôi ra được một đứa con khỏe mạnh thì xin hỏi đứa trẻ này cuộc đời của nó tiết kiệm được bao nhiêu tiền? Người tính không bằng trời tính. Không chỉ tiết kiệm rất nhiều tiền, đứa trẻ nếu cả đời mà được khỏe mạnh thì cuộc đời của nó đã đứng vững bất bại rồi, cuộc đời của nó sẽ giảm thiểu được rất nhiều đau bệnh. Việc này không thể nào dùng tiền mua được. Cho nên khi bị cảm sốt, chảy nước mũi là một hiện tượng bình thường, chỉ cần bác sĩ xác định đó là bệnh cảm thì chúng ta nên cho trẻ được chườm nước đá, không để cho đầu nóng quá sẽ có hại. Sau đó để cho trẻ uống nhiều nước lọc, thay cũ đổi mới, thải ra ngoài một số độc tố, hai ba ngày sau thì bệnh sẽ khỏi. Ngoài việc khỏi bệnh ra, hệ thống miễn dịch sẽ ghi nhận lại quá trình chống chọi lại với mầm bệnh, vì thế lần sau khi bệnh đó lại xâm phạm thì sẽ lập tức không để cho chúng xâm phạm. Thân thể sẽ hình thành nên một hệ thống rất chặt chẽ, thân thể sẽ càng ngày càng đề kháng lại các loại bệnh tật.

Một người mà hệ thống miễn dịch có thể hình thành tốt thì phải có vài thời kỳ mấu chốt. Trước lúc được ba tuổi là thời kỳ mấu chốt. Thời kỳ thanh xuân đến tuổi dậy thì cũng là thời kỳ mấu chốt. Hai thời kỳ mấu chốt này nếu như thể chất không tốt thì có thể cả đời cũng khó kéo thể chất tốt lên được.

Ngoài ra, phái nữ còn có được cơ hội thứ ba, chính là lúc mang thai. Vào thời kỳ mang thai thì cơ thể sẽ tiết ra chất kích thích tăng trưởng, cho nên vào lúc này vẫn có thể thay đổi được thể chất. Các vị đừng có nghe xong thì lại muốn sinh con thêm nữa, không nên quá manh động. Đương nhiên sức khỏe vẫn có thể thông qua cách bạn dụng tâm vào việc điều dưỡng thân tâm thì vẫn có thể tương đối dễ thay đổi. Cho nên chúng ta nắm chắc được thời kỳ mấu chốt này thì trước khi trẻ được ba tuổi phải chăm sóc cho thật tốt thì bạn đã tiết kiệm được rất nhiều tiền rồi.

Chị của tôi sau khi rời khỏi công việc thì anh rể của tôi càng làm càng kiếm được nhiều tiền. Cho nên một người trong số mạng có tiền thì tiền vẫn sẽ tìm đến, bạn không cần lo lắng. Anh rể tôi đem một ít tiền đưa cho chị tôi. Chị tôi nhận được tiền thì lại cảm thấy mình mỗi ngày ở nhà chăm con cũng không cần xài nhiều tiền, cho nên lại đem tiền đưa cho tôi. Chị nói tôi tìm cách quyên tặng giúp cho chị, vì chị biết tôi sẽ giúp chị đem đi ấn tống Kinh sách, đem đi giúp đỡ những người nghèo khó. Chị thường đem tiền đến đưa cho tôi và tôi giúp chị đi bố thí. Vả lại, những món tiền này khi bố thí ra thì viết tên của ai vậy? Viết tên của chồng chị, của con chị. Bạn xem, đó là người phụ nữ thật sự đáng để chúng ta tôn trọng, đều không có nghĩ đến mình, đều nghĩ đến chồng và con, thậm chí là nghĩ đến cha mẹ.

Vào hai - ba năm trước, chị của tôi đi dạo xem một công ty bách hóa. Sau khi dạo xem thì đúng lúc khai trương. Chị có mua một ít đồ dùng nên được điền phiếu rút thăm trúng thưởng. Sau khi điền xong, bỏ vào trong thùng phiếu. Qua không bao nhiêu lâu thì công ty bách hóa gọi điện cho chị, họ nói: “Cô Thái à, cô đã trúng thưởng được một chiếc xe hơi”. Chị và anh tôi sau đó đã đến lái xe về. Các vị bằng hữu, bởi vì sao? Bởi vì có bố thí tài, cho nên khi cơ duyên thành thục thì tiền tài liền tìm đến, không cần bỏ tiền mua xe. Cho nên phải tin tưởng vào chân lý, rất là quan trọng.

Nói đến chỗ này thì có rất nhiều người nói: “Nhưng mà tôi không có tiền thì tôi làm sao mà bố thí”. Việc bố thí tiền tài được chia làm hai loại: Bố thí nội tài và bố thí ngoại tài.

Nội tài là chỉ kinh nghiệm của bạn, sức lực lao động của bạn và trí huệ của bạn. Những thứ này thì bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào cũng có thể đem cho người khác. Đây là nội tài. Chúng ta xem, hiện tại có rất nhiều người đều sẵn lòng đi làm việc cống hiến cho xã hội, chúng ta thường gọi họ là “nghĩa công”. Dùng lao lực của họ, dùng kinh nghiệm của họ, dùng trí huệ của họ để tạo phước cho đại chúng, đây gọi là bố thí nội tài.

Ngoại tài: Tiền, tài vật mới gọi là bố thí ngoại tài.

Xin hỏi các vị, loại nào tương đối khó hơn? Hiện tại việc kêu gọi người khác quyên tặng một ít tiền cũng không khó, bảo họ ra đi làm nghĩa công ba ngày thì họ liền nói: “Tôi bận chết đi được, tôi không được rảnh lắm”. Cho nên đích thực nội tài thì tương đối khó khăn. Mà càng khó khăn thì khi được phước phần, được phước báo sẽ càng lớn. Cho nên, đích thực việc tu bố thí không cần phải đợi đến khi có tiền, bất cứ lúc nào chúng ta cũng đều có thể toàn tâm toàn ý làm. Vậy có phải bố thí nhiều tiền thì phước báo liền lớn hay không? Việc đó không nhất định. Chúng ta phải nên hiểu, phước phần một người được tích lũy như thế nào thì phải xem cái tâm của người đó.

Tục ngữ có câu: “Phước điền do nhờ tâm cày”, “ruộng phước nhờ vào tâm cày”. Phước phần của một người được bao nhiêu, quan trọng nhất là xem cái tâm có được từng giờ từng khắc của họ. Tâm lượng của họ càng lớn thì phước phần của họ sẽ càng lớn.

Ngày xưa có một người phụ nữ đúng lúc đi ngang qua một ngôi chùa, cô đi vào chùa vô cùng thành kính lễ bái Phật. Sau đó đã lấy toàn bộ số tiền cô có là hai văn tiền cúng dường cho nhà chùa. Vị trụ trì rất cảm động, đích thân đến để giúp cô cầu phước, tụng Kinh cho cô. Sau đó, người phụ nữ này được làm Phi tử, thật sự đã được vào cung vua hưởng phú quý, trở nên có rất nhiều tiền, liền mang theo mấy nghìn ngân lượng mang đến ngôi chùa này để cúng dường. Thế nhưng trụ trì lại không đến, chỉ có gọi người đồ đệ của ông giúp cô tụng Kinh cầu phước. Người phụ nữ này cảm thấy rất kinh ngạc, “ngày trước chỉ cúng dường có hai văn tiền mà thầy trụ trì đã giúp tôi tụng Kinh hồi hướng cầu phước, hiện nay quyên góp mấy nghìn lượng lại có thể chỉ bảo người đồ đệ đến giúp”. Người phụ nữ này rất có thiện căn, tự mình đi tìm hỏi thầy trụ trì xem vì sao lại như vậy? Thầy trụ trì nói với cô: “Cô ngày trước cúng dường hai văn tiền là thành tâm thành ý, cho nên phước phần rất lớn nên tôi phải đích thân hồi hướng cầu phước cho cô. Còn mấy nghìn lượng hôm nay thì tâm của cô lại không được chân thành như ngày trước, cho nên chỉ cần đồ đệ của tôi đi giúp cho cô cầu phước là được rồi”. Cho nên phước phần của một người vẫn là phải từ chân tâm của bạn để cảm lấy, để cảm ứng.

Được rồi, buổi học hôm nay chỉ học đến đây. Cảm ơn mọi người!

A Di Đà Phật!

Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Người Tốt Chân Thật Đúng Như Pháp (tập 12)

Giảng ngày 20 tháng 11 năm 2004 tại Thành phố Hải Khẩu, Trung tâm Vỡ Lòng Quốc Học Hiếu Liêm

Người giảng: Thầy giáo Thái Lễ Húc

Cẩn dịch: Vọng Tây Cư Sĩ, Viên Đạt Cư Sĩ, Mộ Tịnh Cư Sĩ, Phước Tịnh Cư Sĩ.