Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (tập 1)

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (tập 1)
DUYÊN KHỞI Xin chào các vị Pháp sư, các vị đồng tu! Hôm nay, ở khu vực này, chúng ta bắt đầu giảng lần thứ ba “Kinh Vô Lượng Thọ”. Trong mười năm về trước, ở rất nhiều quốc gia, nhiều khu vực trên toàn thế giới, chúng ta đã giảng bộ Kinh này rất nhiều lần, tính sơ qua lần giảng này cũng là lần thứ mười. Nếu các vị nghe băng ghi âm của mỗi lần giảng giải và đem so sánh thử, các vị sẽ phát hiện là mỗi lần giảng sẽ không giống nhau. Lần này vì sao lại nghĩ đến phải giảng bộ Kinh này? Do gần đây mở quyển Kinh này ra có rất nhiều khải thị mới lạ, như đại đức xưa thường nói: “Cảnh giới tu tập mỗi năm không như nhau”, cho nên phải đem những chỗ ngộ mới, những tâm đắc này nêu ra cùng chia sẻ với các đồng tu.

DUYÊN KHỞI

[1]Xin chào các vị Pháp sư, các vị đồng tu!

Hôm nay, ở khu vực này, chúng ta bắt đầu giảng lần thứ ba “Kinh Vô Lượng Thọ”. Trong mười năm về trước, ở rất nhiều quốc gia, nhiều khu vực trên toàn thế giới, chúng ta đã giảng bộ Kinh này rất nhiều lần, tính sơ qua lần giảng này cũng là lần thứ mười. Nếu các vị nghe băng ghi âm của mỗi lần giảng giải và đem so sánh thử, các vị sẽ phát hiện là mỗi lần giảng sẽ không giống nhau. Lần này vì sao lại nghĩ đến phải giảng bộ Kinh này? Do gần đây mở quyển Kinh này ra có rất nhiều khải thị mới lạ, như đại đức xưa thường nói: “Cảnh giới tu tập mỗi năm không như nhau”, cho nên phải đem những chỗ ngộ mới, những tâm đắc này nêu ra cùng chia sẻ với các đồng tu.

Lần giảng lần này, chúng ta đặt trọng tâm ở “Hành”“Chứng. Các đồng tu hôm nay đến tham gia nghe giảng có thể nói đều là lão tu (đã tu tập lâu năm), không phải là sơ học.

Chúng ta biết, mỗi bộ Kinh đều có bốn phần là “Giáo, Lý, Hành, Quả”, trong nhà Phật cũng gọi là “Giáo Kinh, Lý Kinh, Hành Kinh, Quả Kinh”. Văn tự của bộ Kinh này là thuộc về “Giáo“. Lý luận, đạo lý trong văn tự đã miêu thuật gọi là “Lý“. Ngoài ra, dạy chúng ta làm thế nào để tu học, làm thế nào đem Kinh luận, lý luận, phương pháp thực hành ngay trong đời sống của chúng ta gọi là “Hành Kinh”. Chúng ta tu hành có được cảnh giới rồi, đem cảnh giới của chính mình đối chiếu với Kinh, ấn chứng lại xem, trong cuộc sống hằng ngày, cách nhìn, cách nghĩ đối với vũ trụ nhân sanh, cho đến rất nhiều cách làm thông thường của chúng ta đối với người, với vật, với việc có giống với những gì trong Kinh điển đã dạy chúng ta hay không, đó gọi là “Chứng”. Cho nên trong Kinh có “Giáo, Lý, Hành, Quả”, chúng ta học tập có “Tín, Giải, Hành, Chứng”.

Năm xưa, khi chúng tôi giới thiệu bộ Kinh này, mục tiêu nghiêng nặng về “Tín, Giải”, hy vọng các vị đồng tu sau khi nghe rồi có thể sanh khởi tín tâm, có thể lý giải nghĩa thú trong Kinh điển. Lần này chúng tôi đem trọng tâm dời sang “Hành, Chứng”. Chúng ta học bộ Kinh này, làm thế nào áp dụng mỗi chữ, mỗi câu trong bộ Kinh này vào đời sống của chúng ta, thực hành ngay trong công việc hằng ngày, trong qua lại đối nhân xử thế, tiếp xúc mọi vật, việc học tập như vậy sẽ rất có ý nghĩa, rất có lợi ích. Cho nên lần này [tôi] giảng nói với các vị so với ngày trước có một vài chỗ không giống nhau. Về phần “Giáo, Lý”, chúng ta có thể tỉnh lược đi, chuyên nghiên cứu “Hành pháp”. Trước đây đã nói về “Giáo, Lý” rất nhiều lần, có băng thu âm, có đĩa ghi hình, cũng có giảng nghĩa lưu thông, các vị có thể lấy làm tham khảo. Hội này của chúng ta hôm nay sẽ tỉnh lược đi phần huyền nghĩa. Bạn xem, trong giảng nghĩa có bốn cuốn lớn thì huyền nghĩa đã chiếm hết một quyển, hết một phần tư.

II.     ĐỀ KINH

Hôm nay chúng ta bắt đầu giảng từ Kinh văn. Thế nhưng giảng Kinh văn thì không thể tỉnh lược đề Kinh, vẫn phải xem đề Kinh trước.

Đề Kinh của quyển Kinh do lão cư sĩ Hạ Liên Cư hội tập là sự hợp lại của bản dịch đời Tống và bản dịch đời Hán, thật là không chê vào đâu được. Hội tập được rất là hoàn mỹ, đã đem ý nghĩa của 12 loại bản dịch “Kinh Vô Lượng Thọ” hàm nhiếp viên mãn ở trong đó. Không chỉ riêng 12 loại bản dịch của “Kinh Vô Lượng Thọ”, thật ra, tất cả pháp mà Thế Tôn đã nói trong 49 năm đều không rời khỏi đề Kinh này. Đề Kinh chẳng khác gì cương lĩnh, tất cả đều bao hàm ở trong cương lĩnh này. Thế Tôn nói pháp là như vậy, mười phương ba đời tất cả chư Phật Như Lai vì tất cả chúng sanh nói ra vô lượng vô biên pháp môn cũng không rời khỏi đề Kinh này. Đề Kinh thật sự là tổng cương lĩnh đại viên mãn của Phật pháp. Chúng ta xây dựng tín tâm từ trong đề Kinh, từ trong tựa đề này mà thể hội “Tín, Giải, Hành, Chứng” viên mãn.

Đề Kinh: “Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh”.

 Để dễ dàng giới thiệu, chúng ta đem đề Kinh phân làm tám đoạn nhỏ.

“Phật” là dịch âm từ tiếng Phạn - Ấn Độ. Phật giáo truyền đến Trung Quốc vào triều nhà Hán, được sự ủng hộ giúp đỡ của quốc gia mà có cuộc phiên dịch quy mô lớn. Công tác phiên dịch thật ra là rất gian nan. Văn tự của Trung Quốc vào thời đó có thể nói là không nhiều, có rất nhiều ý nghĩa trong Kinh điển mà văn tự Trung Quốc không có. Vì để phiên dịch Kinh Phật nên đã tạo ra rất nhiều chữ mới. Chữ “Phật” này được tạo ra vào lúc đó, chứ trước đó không có chữ này. Phật là người, bên cạnh chữ “Phất” thêm vào một chữ “Nhân”(người), âm đọc là Phật, nên thành chữ “Phật”, đó là tạo thành một chữ mới. Phật giáo trước khi đến Trung Quốc thì không có chữ này. Chúng ta đọc chữ này thành chữ “Phật”, thật ra là lược xưng của “Phật-đà-da“. Người Trung Quốc thích đơn giản, cho nên đem cái âm đuôi tỉnh lược đi, chỉ gọi một chữ “Phật“. Ý nghĩa của chữ “Phật” là giác ngộ, bên trong bao hàm cả ba ý là “Tự Giác”, “Giác Tha”, “Giác Hạnh viên mãn”. Ba ý này rất sâu, rất rộng. Chúng ta học Phật chính là phải học giác ngộ. Giác thì không mê. Giác mà không mê thì con người này liền thành Phật.

Chúng ta học Phật cũng đã được không ít năm, tôi năm 26 tuổi bắt đầu học Phật, tiếp xúc được Phật pháp, năm nay hơn 70 tuổi rồi, có giác ngộ hay không vậy? Không thể nói là không có. Có! Nhưng chỉ là chút ít thôi, hay nói cách khác, đối với pháp thế gian cùng xuất thế gian không quá bị mê hoặc. Không mê chính là không bị nó xoay chuyển. Lời nói này giảng giải thế nào vậy? Người thông thường sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần sẽ khởi tâm động niệm, sẽ sanh tham-sân-si-mạn. Khi xem thấy đẹp, dễ nhìn thì nhìn nhiều một chút, nghe thấy hay thì thích nghe, đó chính là mê. Người giác ngộ thì đẹp hay không đẹp đều như nhau, là bình đẳng, tâm thanh tịnh. Vì sao nói đều là giống như nhau? Thành thật mà nói, “phàm hễ có tướng đều là hư vọng”, đẹp mắt là hư vọng, không đẹp mắt vẫn là hư vọng, cho nên nó là bình đẳng. Tâm không bị cảnh giới bên ngoài xoay chuyển, đó chính là giác ngộ.

Người học Phật chúng ta, mỗi giờ mỗi phút phải phản tỉnh, phải kiểm điểm, chính mình thật sự có giác ngộ hay không, rốt cuộc giác ngộ đến mức độ nào? Chính ở trong cuộc sống hằng ngày, sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần để trắc nghiệm chính mình rốt cuộc có công phu hay không? Nếu như nghe người khác tán thán thì sanh tâm hoan hỉ, nghe người khác hủy báng trong lòng liền khó chịu thì không thể được, vẫn là một phàm phu thôi, vẫn phải sanh tử luân hồi trong sáu cõi, như vậy sao được chứ? Công phu chính ở tiếp xúc cảnh giới bên ngoài, không luận là thế pháp hay Phật pháp, đều có thể giữ được rõ ràng, tường tận, thông suốt, thấu đáo, như như bất động, vậy mới gọi là học Phật.

Đồng tu học Phật chúng ta bước vào cửa Phật, bài khóa đầu tiên chính là tiếp xúc “Tam Quy Y”. Chúng ta đã giảng Tam Quy Y rất rõ ràng, rất tường tận rồi, bạn rốt cuộc có quy hay không? “Quy” chính là quay về, quay đầu. Bạn rốt cuộc có quay đầu hay không? “Y” là nương tựa, bạn có nương tựa hay không? Nếu chỉ quy y trên hình thức, chỉ làm một nghi thức quy y nhưng trên thực tế không có quay đầu, không có nương tựa, thì quy y như vậy là giả, không phải thật, hữu danh vô thực.

  • “Quy y Phật” là Giác mà Không Mê.
  • “Quy y Pháp” là Chánh mà Không Tà.
  • “Quy y Tăng” là Tịnh mà Không Nhiễm.

Ba điều này chúng ta có làm được hay không? Ba điều này đều ở trên đề Kinh, có thể thấy được sự viên mãn của đề Kinh này. Sau khi tự giác mới có thể giác tha. Thật ra, giác tha cũng là việc tương đối không dễ dàng gì. Vì sao chúng ta phải “giác tha” vậy? Giác tha chính là giáo hóa chúng sanh. Chính mình chăm chỉ nghiêm túc tu hành, không đi giác tha, độ người, tôi độ chính mình thì được rồi, tôi hà tất phải đi độ người? Đợi khi tôi thành Phật rồi mới đi độ chúng sanh thì có được không? Nếu như các vị có ý niệm này thì tôi xin thành thật nói với các vị, các vị không thể thành được Phật. Vì sao không thể thành được Phật? “Tự giác” là phá phiền não chướng, “giác tha” là phá sở tri chướng. Bạn phá phiền não chướng thì bạn mới thành Chánh Giác, cảnh giới này chính là địa vị của A-la-hán, Bích-chi Phật, trong Viên Giáo gọi là Bồ-tát Thất Tín Vị (địa vị này trong Viên Giáo là từ Thất Tín trở xuống), trong Biệt Giáo gọi là Bồ-tát Tam Hiền, chưa đăng địa. Đây chính là nói nếu bạn không phát tâm giúp đỡ người khác thì bạn không thể phá được sở tri chướng. Cho nên, nếu muốn thành Phật thì nhất định phải phát tâm tự độ, độ người, toàn tâm toàn lực giúp đỡ người khác học Phật. Chúng ta biết được bao nhiêu thì giúp người khác bấy nhiêu, nhất định không bỏn sẻn pháp, công đức lợi ích này liền được thù thắng. Gọi là “công đức lợi ích” chính là vừa rồi đã nói phá được hai chướng: Phiền não chướng và sở tri chướng. Sau khi phá hai chướng rồi thì bạn là Bồ-tát thật, không phải là Bồ-tát giả, là Pháp Thân Đại Sĩ mà trong “Kinh Hoa Nghiêm” đã nói. Vì sao vậy? Bạn đã siêu việt mười pháp giới, không những siêu việt sáu cõi mà còn siêu việt cả mười pháp giới, bạn đã chứng được Pháp giới Nhất Chân. Hay nói cách khác, bạn trải qua đời sống của Pháp Thân Đại Sĩ trong Pháp giới Nhất Chân. Vậy thì làm sao mà giống nhau được? Thế nhưng bạn vẫn chưa đạt đến được cảnh giới cao nhất, do đó bạn vẫn phải không ngừng “tự độ, độ người”. Cần phải phá hết vô minh (vô minh chính là vọng tưởng), đoạn được trong sạch vắng lặng, thì bạn liền giác mãn rồi (mãn có nghĩa là viên mãn, khi đoạn sạch hết vô minh vọng tưởng thì gọi là mãn), thành tựu Phật quả cứu cánh viên mãn.

Chữ Phật ở chỗ này chính là chỉ Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật của chúng ta. Ngài đích thực đã chứng được quả Phật cứu cánh viên mãn. Kinh này là do Ngài nói. Chỉ có quả Phật cứu cánh viên mãn mới có năng lực tuyên dương đại pháp cứu cánh viên mãn cho chúng ta. Chúng ta đọc bộ Kinh này liền có thể lý giải sâu sắc. Bộ Kinh này không những Thích-ca Mâu-ni Phật nói, mà mười phương ba đời tất cả chư Phật Như Lai, không một vị Phật nào mà không nói đến pháp môn này, không một vị Phật nào mà không tán thán Tịnh Độ. Cho nên chữ “Phật thuyết” chỗ này cùng với chữ “Phật thuyết” thông thường trong Kinh điển là không như nhau. Trong các Kinh khác để chữ “Phật thuyết” chính là Thích-ca Mâu-ni Phật nói, chỗ này để “Phật thuyết” là tất cả chư Phật Như Lai thảy đều nói bộ Kinh này. Cảnh giới này không thể nghĩ bàn. Cho nên, ý nghĩa của chữ “Phật” này đặc biệt vô cùng sâu rộng.

“Thuyết” chính là thuyết pháp. Thời xưa, chữ “Thuyết” cùng chữ “Duyệt” của hỉ duyệt là một chữ, thế nhưng khi đọc thì là hai âm. Luận Ngữ là sách xưa, trong chương đầu tiên Học Nhi của Luận Ngữ có nói: “Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ”. Chữ “duyệt” này trên thực tế là “thuyết”, ở chỗ này phải đọc là “duyệt”. Ý nghĩa là duyệt của hỉ duyệt, hay nói cách khác, người ưa thích thì Ngài mới nói, không thích thì không nói. Phật lấy việc độ chúng sanh làm bản nguyện, xem thấy căn cơ chúng sanh chín muồi, có thể tiếp nhận pháp môn này thì Ngài rất hoan hỉ, hoan hỉ không gì bằng. Tình hình này chúng ta bình tâm mà suy nghĩ thì có thể lý giải, Phật muốn giúp đỡ tất cả chúng sanh đều thành Phật, để có thể thành cứu cánh viên mãn Phật, mà trên thực tế tất cả chúng sanh vốn dĩ thành Phật.

Chúng ta nhất định phải tường tận, phải thông suốt ý nghĩa của hai chữ “thành Phật” này. Như thế nào thì gọi là “thành Phật”? Thành Phật có cái gì tốt, không thành Phật thì không như nhau hay sao? Xin nói với các vị, không thành Phật và thành Phật khác biệt nhau rất lớn. Không thành Phật thì bạn có phiền não, có vọng tưởng, có tai nạn, có cái khổ, trong Kinh Phật thường nói: “Sanh, Lão, Bệnh, Tử khổ”, ba khổ, tám khổ, bạn không cách gì rời khỏi. Sau khi học Phật, sau khi thành Phật rồi thì vĩnh viễn thoát ly những cái khổ này, xả bỏ hết thảy khổ của thế xuất thế gian, đây chính là chỗ tốt của học Phật. Ngoài ra còn có một cái tốt nữa, đó là nếu chúng ta không thành Phật thì đối với vũ trụ nhân sanh là một mảng mù tịt, không biết được gì, đó là khổ; sau khi thành Phật thì tận hư không khắp pháp giới, quá khứ, hiện tại, vị lai, quá khứ không cùng, vị lai vô tận, không có thứ nào mà không tường tận, không có thứ nào mà không thông suốt. Sự thông suốt đó không phải là tưởng tượng, không phải là suy đoán.

Mấy năm gần đây, thế gian có rất nhiều tai nạn, trong nước và ngoài nước có rất nhiều sách dự ngôn. Lần này tôi từ Úc châu trở lại, gặp thầy Ngộ Hạnh. Thầy nói với tôi, khi đi dạo nhà sách thầy xem thấy có mười mấy loại do người nước ngoài viết đều dự đoán tương lai có những tai nạn gì. Những dự đoán này có chuẩn hay không? Không chắc! Vì sao lại không chắc? Bởi vì dự ngôn của họ đều là từ trong số học mà suy đoán ra, có lúc tính sai, chỉ cần tính sai một chữ số rất nhỏ thì không chuẩn. Phật nói cho chúng ta nghe thì rất chuẩn. Vì sao Ngài nói chuẩn được như vậy? Chính Ngài thấy được. Mắt thấy, tai nghe thì có lý nào mà không chuẩn chứ? Phật ra đời vào 3.000 năm trước, 3.000 năm trước Phật đã biết rõ xã hội hiện tại như lòng bàn tay, Ngài giảng được rất rõ ràng, rất tường tận. Các vị đồng tu đã đọc qua “Kinh Lăng Nghiêm”, trong “Kinh Lăng Nghiêm” nói tình hình xã hội hiện tại của chúng ta rất tỉ mỉ, nói không sai. Trong “Kinh Lăng Nghiêm” nói thời kỳ Mạt Pháp (chính là chỉ thời đại này của chúng ta, sau khi Phật diệt độ 2.500 năm) là “đấu tranh kiên cố”, quốc gia cùng quốc gia đấu tranh, trong xã hội đoàn thể cùng đoàn thể đấu tranh, cá nhân cùng cá nhân đấu tranh, vợ chồng hai người còn cãi nhau, đều vẫn không thể tránh khỏi đấu tranh. Cho nên đấu tranh ngày nay có gì kỳ lạ đâu. Nếu như không có đấu tranh, vậy lời của Phật nói chẳng phải sai rồi sao? Chúng ta thấy xã hội này đến đâu cũng gặp hiện tượng đấu tranh. Phật thật là cừ khôi, Ngài thấy được rõ ràng, tường tận như vậy. Ngài lại nói với chúng ta, hiện tại xã hội này “tà sư nói pháp như cát sông Hằng”. Những tà sư này là người thế nào vậy? Là ma tử ma tôn chuyên môn đến phá hoại Chánh pháp. Số người này rất nhiều, Phật dùng cát sông Hằng để thí dụ, cũng chính là nói, loại tà sư nói pháp đầy rẫy trong xã hội này.

Ở thời đại này, chúng ta tiếp xúc được Chánh pháp là đúng như trong Kinh đã nói: “Vô lượng kiếp đến nay, thiện căn, phước đức, nhân duyên chín muồi’, bạn mới có thể gặp được Chánh pháp. Gặp được Chánh pháp có thể “tinh tấn, không thoái chuyển” thì ngay trong đời này nhất định thành tựu. Thế nhưng trong số người gặp được Chánh pháp, chúng ta thấy người thoái tâm quá nhiều. Vì sao họ lại thoái tâm? Vì thiện căn, phước đức, nhân duyên không đầy đủ. Trong ba điều kiện này, chỉ cần không đầy đủ một điều kiện thì họ liền thoái tâm. Nếu cả ba điều kiện đều không đầy đủ thì làm gì có chuyện không thoái chuyển chứ? Nhất định bị thoái chuyển. Cho nên chính chúng ta nếu muốn ở trên đạo nghiệp giữ được không thoái chuyển thì bạn phải đặc biệt đề cao cảnh giác. Nếu thiện căn, phước đức của chúng ta kém một chút cũng không nên lo, duyên thù thắng thì được.

Chúng ta thấy trong chú giải “Kinh Quán Vô Lượng Thọ” của Đại sư Thiện Đạo (chú giải của Ngài cũng gọi là Tứ Thiếp Sớ, được lưu thông rất rộng), chương Thượng Phẩm Thượng Sanh giảng rất hay. Ngài nói, người niệm Phật vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc, bốn cõi, ba bậc, chín phẩm đều là do gặp duyên không như nhau. Chúng ta quyết không nên khinh suất xem lướt qua câu nói này. Duyên là quan trọng. Chúng ta gặp duyên không như nhau. Nếu như duyên của chúng ta thù thắng, cho dù thiện căn, phước đức của chúng ta có mỏng một chút cũng đều có thể đạt đến được thượng phẩm thượng sanh. Cách nói của Ngài cùng với cách nói của những người trước Ngài không giống nhau. Về trước, thông thường các đại đức phần nhiều cho rằng thượng tam phẩm vãng sanh đại khái đều là Bồ-tát; trung phẩm vãng sanh phải là A-la-hán, Bích-chi Phật; phàm phu vãng sanh chỉ ở hạ phẩm. Cách nói của người xưa là như vậy, Ngài Thiện Đạo không nói như vậy. Ngài Thiện Đạo nói không liên quan với đại - tiểu thánh (đại thánh chính là Bồ-tát, tiểu thánh chính là Thanh Văn, Duyên Giác), mà là do duyên không như nhau. Câu nói này chính là nói phàm phu chúng ta đều có thể vãng sanh thượng thượng phẩm. Cái gì gọi là duyên? Đọc Kinh mỗi ngày không gián đoạn, niệm Phật mỗi ngày không gián đoạn.

Vào đầu năm dân quốc, Trung Quốc chúng ta có một đạo tràng niệm Phật Linh Nham Sơn ở Tô Châu, đây là đạo tràng của Ấn Tổ. Đạo tràng này tu Phật thất suốt năm, mỗi ngày đều trì Phật thất, một năm 360 ngày không gián đoạn. Đây gọi là duyên. Bạn thấy, một người bước vào niệm Phật đường niệm Phật, một năm 360 ngày, mỗi ngày đều là Phật thất không gián đoạn, trong lòng nghĩ đến Phật, trong miệng niệm danh hiệu Phật thì sao họ không thành Phật chứ? Đương nhiên thành Phật, duyên thù thắng! Giả như họ niệm danh hiệu Phật được hai ba năm rồi rời khỏi niệm Phật đường, đi đến nơi khác lại thay đổi, vậy là thoái tâm rồi. Nghe qua người này có cách nói của người này, người kia có cách nói của người kia, họ liền thay đổi chủ ý. Bạn thấy, đây chẳng phải là duyên không đồng nhau hay sao? Niệm Phật là như vậy, tham Thiền, học Giáo cũng không ngoại lệ. Cho nên duyên của Pháp sư nghiên giáo rất thù thắng. Tôi đã nghĩ rất nhiều năm rồi, luôn khởi vọng tưởng, đến hiện tại cũng không thể thành sự thật. Tôi nghĩ, nếu thật có chí đồng đạo hợp, chúng ta hướng đến toàn thế giới tuyên dương Phật pháp Đại thừa, phải nên thành lập một đoàn hoằng pháp; Pháp sư giảng Kinh đều tham gia tổ chức này, bình thường mỗi ngày ở trong nhà nghiên cứu thảo luận, mỗi buổi tối giảng Kinh, một năm 360 ngày. Vào thời xưa có Giảng Tự chuyên môn giảng Kinh. Thiên Thai, Hiền Thủ đều là Giảng Tự, một năm 360 ngày, mỗi ngày không gián đoạn, miệt mài một bộ Kinh không xả bỏ, giảng giải lặp lại từng thiên từng thiên, không ngừng thâm nhập vào thì có lý nào mà không thành công chứ? Từ trong giải môn được định, khai trí tuệ, họ liền thành công.

Như thời xưa, Đại sư Thanh Lương ở Ngũ Đài Sơn, Ngài chuyên giảng “Kinh Hoa Nghiêm”. Đại sư Ngài cả đời đã giảng qua 50 lần. Người sau chúng ta đọc truyện ký này thì ngưỡng mộ thật không nói ra lời. Bạn thử nghĩ xem, một người muốn học “Kinh Hoa Nghiêm”, đến dưới tòa của Ngài Thanh Lương nghe “Kinh Hoa Nghiêm” 50 lần thì làm sao họ không có thành tựu chứ? Nhất định thành tựu. Số lượng của “Kinh Hoa Nghiêm” nhiều đến như vậy, một ngày giảng tám giờ đồng hồ.

Thế Tôn năm xưa khi còn ở đời đã nói “nhị thời giảng Kinh”. Thích-ca Mâu-ni Phật năm xưa ở đời giảng Kinh hai thời, chúng ta thường hay xem thấy ở trong Kinh. Hai thời là hai thời của Ấn Độ thời xưa. Ngày đêm của Ấn Độ là sáu thời, ngày ba thời, đêm ba thời. Ban ngày gồm sơ nhật phân, trung nhật phân, hậu nhật phân. Ban đêm gồm sơ dạ phân, trung dạ phân, hậu dạ phân. Một ngày là sáu thời, một thời chính là bốn giờ đồng hồ hiện tại của chúng ta, hai thời chính là tám giờ đồng hồ hiện tại. Thích-ca Mâu-ni Phật năm xưa còn ở đời một ngày giảng tám giờ đồng hồ. Mỗi ngày lên lớp tám giờ đồng hồ, trong lòng họ làm gì có vọng tưởng chứ? Không còn vọng tưởng. Đây là nói duyên thù thắng. Cư Sĩ Lâm chúng ta cũng xem là không tệ, mỗi buổi tối giảng Kinh hai giờ đồng hồ. Trong 24 giờ đồng hồ, hai giờ đồng hồ tâm địa thanh tịnh nghe Kinh nghe pháp, vẫn còn đến 22 giờ khởi vọng tưởng, bạn nói xem, làm sao được chứ? Duyên như vậy thì không được. 22 giờ khởi vọng tưởng thì kém xa, cho nên vì sao ngày nay chúng ta tu hành mà không thể có thành tựu? Vì sao tâm của chúng ta dễ dàng bị dao động? Đạo lý chính ngay chỗ này.

Khoảng 30 năm trước, tôi ở Đài Trung thân cận với lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam. Vào lúc đó Thư viện Từ Quang thành lập một giảng tòa Phật Học Đại Chuyên. Cư sĩ Thái Vinh Hoa của Malaysia là học sinh tốp đầu tiên của giảng tòa đó. Giảng tòa Phật Học Đại Chuyên khóa thứ nhất có bốn học sinh, tôi rất quen thuộc với họ. Thế gian vô thường! Cư sĩ Thái Vinh Hoa năm trước hay là năm kia đã qua đời rồi. Tôi thấy ông học ở trường học, thấy ông học Phật, thấy ông tốt nghiệp, thấy ông về hưu, thấy ông qua đời. Vô thường! Đây đều là đáng để cho chúng ta cảnh tỉnh.

Phật giáo dạy chúng ta phải thành tựu quả Phật cứu cánh viên mãn, không dạy chúng ta làm A-la-hán, cũng không dạy chúng ta làm Bồ-tát. Căn tánh như vậy đi đâu mà tìm? Thật ra, căn tánh như vậy không phải không có, mà duyên không có. Cho nên tôi đã nghĩ rất nhiều năm, hy vọng có được một Thôn Di-đà, đây là duyên để chúng ta cùng tu, mỗi ngày ở nơi đây niệm Phật không gián đoạn, cũng giống lão Pháp sư Đế Nhàn dạy cho người thợ vá nồi phương pháp đó. Phương pháp đó tốt, rất thích hợp với chúng ta ngày nay, niệm mệt rồi thì nghỉ ngơi, nghỉ ngơi khỏe rồi thì niệm tiếp, ngày đêm không gián đoạn.

Ở Úc châu, tôi có một đạo tràng nhỏ, gần đây đang mở Phật thất. Nơi đó có mười mấy đồng tu tham gia. Bên cạnh niệm Phật đường đó là nơi đi lại. Tương lai tôi sẽ dời lối đi lại này, khoảng đất này tôi làm một cái giường ghép liền dành cho nam chúng và nữ chúng ở sát vách niệm Phật đường. Niệm mệt rồi thì đến nơi đó nằm nghỉ, nghỉ ngơi khỏe rồi thì mau trở lại niệm Phật đường niệm tiếp. Chỗ của chúng ta nhỏ, đại khái có thể dung nạp được 48 người. Chúng ta cung cấp nhân duyên này. Chúng ta chọn lấy phương pháp của Viễn Công Đại Sư ở Lô Sơn, nhận 48 người ghi danh này vào, không phải là đến nơi đó dự một kỳ hay hai kỳ Phật thất, mà khi đến ghi danh là trọn đời ở trong niệm Phật đường. Viễn Công ở Lô Sơn ngày trước cũng là như vậy, Viễn Công Ngài chính mình cũng không xuống núi, chúng ta cũng ở trong niệm Phật đường này một lòng một dạ cầu vãng sanh thượng thượng phẩm. Cho nên tương lai sau khi tôi làm xong, niệm Phật đường này tôi phải đề là “Niệm Phật Đường Thượng Thượng Phẩm”, không cầu thượng trung phẩm. Chúng ta nhất định phải là Niệm Phật Đường Thượng Thượng Phẩm, chỉ có 48 người thật sự chí đồng đạo hợp. Vì để kiên định tín - nguyện, niệm Phật đường này buổi tối giảng Kinh. Tôi nghĩ, việc giảng Kinh có thể liên tục giảng từ ba đến năm năm, sau đó thì không cần giảng nữa, vì mọi người thảy đều lý giải, thảy đều tường tận, tất cả gốc nghi đều được nhổ hết. Bạn phải nên biết, 48 người đều thành Phật thì còn gì bằng, 48 vị Phật, không gì sánh được. Duyên thù thắng! Bạn không có được duyên này thì làm sao được? Hiện tại tôi già rồi, phải vào niệm Phật đường rồi, tương lai đoàn hoằng pháp phải để cho Pháp sư trẻ tuổi làm. Tôi khuyến khích họ phát tâm đi làm công việc hoằng pháp lợi sanh, tận tâm tận lực mà làm. Sáu mươi tuổi hoặc bảy mươi tuổi thì về hưu. Bảy mươi tuổi về hưu là chế độ thời xưa của Trung Quốc. Trong sách xưa có câu: “Thất thập nhi chí sự”, chí sự chính là thoái hưu. Quan viên của Trung Quốc thời xưa, 70 tuổi là tuổi thoái hưu. Vậy thì khi đến 70 tuổi, bạn có thể thoái hưu, bước vào niệm Phật đường niệm Phật, làm việc cho chính mình. Có hai cái đạo tràng như vậy, “giải-hành” đều trọng thì có thể làm cho Phật pháp hưng vượng lên.

Giảng đến chỗ này, Phật độ chúng sanh, thấy duyên của chúng sanh đã chín muồi, sanh khởi vô lượng tâm hoan hỉ. Phật làm tăng thượng duyên cho chúng ta, chúng ta phải phát ra cái tâm này. Các vị muốn hỏi: “Chúng tôi làm công đức như thế nào là to lớn nhất?”. Công đức có ý nghĩa nhất, thù thắng nhất không gì hơn là tổ chức đoàn hoằng pháp, xây “Niệm Phật Đường vãng sanh thượng thượng phẩm”. Công đức này là đệ nhất, vô lượng vô biên.

Đại sư Ngẫu Ích trong Di-đà Yếu Giải nói với chúng ta, cũng chính là giảng hai chữ “Phật thuyết” này. Ngài nói: “Phật dĩ độ sanh vi hoài”, cơ duyên chúng sanh thành Phật đã chín muồi. Cách nói này của Ngài, người xưa không có nói. Ngài nói ra kiên quyết như vậy, khẳng định như vậy, cơ duyên chúng sanh thành Phật đã chín muồi rồi. “Vi thuyết nan tín chi pháp”, pháp môn Tịnh Độ gọi là pháp khó tin, giúp đỡ những chúng sanh này thành tựu Phật quả cứu cánh viên mãn. Loại hoan hỉ này không cách gì hình dung ra được, cho nên Phật mới nói. Đại Sư Ngẫu Ích nói lời này rất là chuẩn xác, chúng ta sau khi đọc được rồi thì vui mừng bội phục. Mười phương ba đời tất cả chư Phật Bồ-tát xem thấy người có căn tánh chín muồi thì không ai mà không tuyên nói pháp môn này. Do đây có thể biết, người căn tánh chưa chín muồi, hay nói cách khác, vẫn chưa đủ tư cách làm Phật, có thể có tư cách làm Bồ-tát thì Phật liền tuyên nói các pháp môn Đại thừa khác. Xem thấy chúng sanh này có tư cách làm A-la-hán, chứng quả Bích-chi Phật, thì Phật liền nói pháp môn Thanh Văn, Duyên Giác cho họ nghe. Nếu thấp hơn nữa, xem thấy chúng sanh tình chấp còn quá nặng, tà kiến rất sâu, vẫn không thể thoát khỏi sáu cõi luân hồi, Phật liền giảng tiểu pháp nhân thiên cho họ nghe, khuyên họ đời sau còn có thể được thân người, không đến nỗi đọa vào ba đường ác. Phật đối với tất cả chúng sanh hết lời khuyên bảo, ứng cơ nói pháp, đó là “Phật thuyết”.

Đại thừa là tỷ dụ giống như xe lớn. Vào thời xưa, khoa học chưa phát triển, xe lớn nhất của thời xưa là xe ngựa, thông thường xe có bốn con ngựa kéo là xe rất lớn nhất. Loại xe lớn này có thể ngồi được mười người. Xe nhỏ là xe dê, xe nai do dê và nai kéo. Xe này thì chỉ ngồi được một người. Phật dùng cái này để thí dụ Đại thừa, Tiểu thừa, tỷ dụ giáo học, giúp đỡ bạn thành tựu đạt đến một giai đoạn nào đó. Đạt đến mục tiêu gần nhất chính là Tiểu thừa, giúp đỡ bạn thoát khỏi sáu cõi luân hồi; hành trình xa là Đại thừa, giúp đỡ bạn siêu việt mười pháp giới, đó gọi là pháp Đại thừa. Phương tiện giao thông hiện tại không như trước, máy bay thì có thể chở được mấy trăm người, còn thuyền thì càng không cần phải nói. Dụng ý của nó là thí dụ sự vận chuyển, giúp đỡ chúng sanh từ nơi phiền não sanh tử siêu việt đến bờ bên kia Bồ-đề Niết-bàn, dùng việc này để thí dụ.

Quyển Kinh này là pháp Đại thừa. Không chỉ là Đại thừa, trong chú giải của đại đức xưa nói với chúng ta, bộ Kinh này là Đại thừa ngay trong Đại thừa. Không chỉ là Đại thừa ngay trong pháp Đại thừa, mà còn là Nhất thừa ngay trong pháp Nhất thừa. Pháp Nhất thừa là gì? Pháp Nhất thừa là pháp thành Phật. Thế Tôn vào những năm cuối giảng “Kinh Pháp Hoa”, trong hội Pháp Hoa, Thế Tôn Ngài tuyên bố đến mọi người: “Chỉ có pháp Nhất thừa, không hai cũng không ba, trừ Phật phương tiện nói”. Đó là Thích-ca Mâu-ni Phật chân thật nói rõ bổn hoài của Ngài. Ngài giáo hóa chúng sanh tấm lòng chân thật là bình đẳng, chỉ có pháp Nhất thừa. Pháp Nhất thừa chính là dạy bạn làm Phật. Dạy bạn làm Bồ-tát, làm A-la-hán là có lỗi với bạn, nhất định phải dạy bạn làm Phật cứu cánh viên mãn, đều là ở ngay trong đời này thành tựu Phật quả cứu cánh viên mãn. Vậy thì Phật nói ba thừa, nói hai thừa (ba thừa là Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ-tát; hai thừa là Tiểu thừa, Đại thừa), đều là Phật phương tiện nói, không phải Ngài thật sự muốn nói. Đại sư Thanh Lương nghe cách nói này của Phật thì Ngài có chỗ cảm ngộ. Chúng ta đọc ở trong “Hoa Nghiêm Sớ Sao”, Ngài nói: “Người học ba thừa có nhân không quả” là cùng một ý nghĩa như trong “Kinh Pháp Hoa” đã nói, vì sao vậy? Thành Phật mới là quả, không thành Phật thì không có quả, vì quả đó là giả, không phải thật. Cho nên, người học ba thừa Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ-tát có nhân, không có quả. Thế nhưng các vị phải nên biết, quyển Kinh này là có nhân có quả, không gì bằng.

Kinh có nhân có quả có mấy loại vậy? Ngoài bộ Kinh này ra, “Kinh Hoa Nghiêm”, “Kinh Pháp Hoa” là có nhân có quả, các Kinh khác đều không có. Cho nên từ xưa đến nay, các tổ sư đại đức dường như đều công nhận “Hoa Nghiêm” và “Pháp Hoa” là Nhất thừa giáo, pháp Nhất thừa trên cả Đại thừa. Ngoài ra còn có một bộ Kinh là “Kinh Phạm Võng” cũng là thuộc về Kinh Nhất thừa. Cho nên, các tổ sư đại đức thời xưa ở Trung Quốc công nhận Kinh Nhất thừa chỉ có ba quyển. Quyển Kinh này là Nhất Thừa ngay trong Nhất Thừa, vì sao vậy? “Hoa Nghiêm” đến sau cùng “Mười Đại Nguyện Vương Cầu Về Cực Lạc” mới viên mãn thành Phật. Quyển Kinh này mỗi câu mỗi chữ đều là nói Phật quả cứu cánh. “Hoa Nghiêm” quy về là quy về “Vô Lượng Thọ”, cho nên người xưa mới nói “bộ Kinh này là Nhất thừa ngay trong Nhất thừa”, là vô thượng thừa.

Ngày nay chúng ta may mắn gặp được Kinh điển này, cũng có thể nói là thiện căn, phước đức, nhân duyên trong vô lượng kiếp đã chín muồi. Có một số người gặp được Kinh này vẫn không tin tưởng, chúng ta xem thấy thì gật đầu: “Đúng! Họ không tin tưởng là phải”. Vì sao họ không tin là đúng vậy? Vì là pháp khó tin mà! Nếu vừa tiếp xúc liền tin tưởng, vậy Thích-ca Mâu-ni Phật nói là pháp khó tin thì nói không thông rồi. Nếu mà mọi người đều tin tưởng, vậy có gì khó đâu? Người thông thường khó tin, người thông thường sau khi học rồi thì thoái tâm, chúng ta gật đầu nói: “Không sai! Đích thực là y như Phật đã nói”.

Khởi tín niệm Phật là nhân, mỗi niệm làm Phật chính là quả. “Nhân trùm biển quả, quả tận nguồn nhân”. Cách dạy này chân thật là không thể nghĩ bàn.

Đó là ý nghĩa của Đại thừa. Phật ở trong Kinh thường hay nhắc nhở chúng ta, như “Hoa Nghiêm” đã nói, tất cả các pháp thế xuất thế gian là “do tâm mà hiện, do thức mà biến” (duy tâm sở hiện, duy thức sở biến). Thức chính là tâm tưởng, cho nên lại nói: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”. Mỗi ngày chúng ta tưởng Phật thì quả báo của Phật liền hiện tiền.

 

 

[1] Bắt đầu tập 1

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 01)

Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Khởi giảng năm 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ