Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 273)

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 273)
Sau đó bạn mới hiểu được nhẫn là điều quan trọng vô cùng, ở trong Kinh Phật vô cùng xem trọng. Ở trong “Kinh Kim Cang” đã nói bồ tát lục độ, ở trong lục độ, chỉ có bố thí và nhẫn nhục được nói nhiều nhất, chúng ta mới hiểu được điều quan trọng ở trong lục độ là bố thí, là nhẫn nhục. Bố thí là buông bỏ. Buông bỏ là công phu. Nếu không có nhẫn nhục thì bạn không thể thành tựu. Bạn muốn thành tựu thì nhất định nhờ vào nhẫn nhục. Cho nên đối với âm hưởng, bạn nhất định phải nhận biết cho rõ ràng, phải hiểu rõ, không nên chấp trước. Ý nghĩa thật sự của âm hưởng là dạy bảo chúng ta buông bỏ phân biệt chấp trước. Tôi không nói vọng tưởng, chỉ nói buông bỏ phân biệt chấp trước. Thứ hai là Nhu Thuận Nhẫn. Hiện nay chúng ta có thể học, chính là phải học tùy thuận theo lời dạy bảo của Kinh điển, tuyệt đối là không tùy thuận theo ý của bản thân mình. Ý của bản thân mình là tà tri tà kiến, chính chúng ta phải thừa nhận. Tri kiến của chúng ta là bất chánh, lời của Phật dạy ở trong Kinh mới là chánh tri chánh kiến, cho nên phải buông bỏ cách nghĩ cách nhìn của bản thân mình mà tiếp nhận lời dạy bảo ở trong Kinh giáo. Chúng ta mà có được công phu như vậy, cái này gọi là nhu thuận nhẫn. Mười loại nhẫn đã nói

Sau đó bạn mới hiểu được nhẫn là điều quan trọng vô cùng, ở trong Kinh Phật vô cùng xem trọng. Ở trong “Kinh Kim Cang” đã nói bồ tát lục độ, ở trong lục độ, chỉ có bố thí và nhẫn nhục được nói nhiều nhất, chúng ta mới hiểu được điều quan trọng ở trong lục độ là bố thí, là nhẫn nhục. Bố thí là buông bỏ. Buông bỏ là công phu. Nếu không có nhẫn nhục thì bạn không thể thành tựu. Bạn muốn thành tựu thì nhất định nhờ vào nhẫn nhục. Cho nên đối với âm hưởng, bạn nhất định phải nhận biết cho rõ ràng, phải hiểu rõ, không nên chấp trước. Ý nghĩa thật sự của âm hưởng là dạy bảo chúng ta buông bỏ phân biệt chấp trước. Tôi không nói vọng tưởng, chỉ nói buông bỏ phân biệt chấp trước.

Thứ hai là Nhu Thuận Nhẫn. Hiện nay chúng ta có thể học, chính là phải học tùy thuận theo lời dạy bảo của Kinh điển, tuyệt đối là không tùy thuận theo ý của bản thân mình. Ý của bản thân mình là tà tri tà kiến, chính chúng ta phải thừa nhận. Tri kiến của chúng ta là bất chánh, lời của Phật dạy ở trong Kinh mới là chánh tri chánh kiến, cho nên phải buông bỏ cách nghĩ cách nhìn của bản thân mình mà tiếp nhận lời dạy bảo ở trong Kinh giáo. Chúng ta mà có được công phu như vậy, cái này gọi là nhu thuận nhẫn.

Mười loại nhẫn đã nói ở trong “Kinh Hoa Nghiêm”, công phu có cạn sâu thứ bậc không giống nhau, điều này rất rõ ràng. Bạn xem thử, âm hưởng nhẫn có sơ địa, nhị địa, tam địa, đây không phải là công phu cạn sâu khác nhau rất rõ ràng hay sao? Hiện tại chúng ta mới sơ phát tâm, đến nhất địa cũng chẳng có, chúng ta cũng có thể học. Chúng ta thì học cạn, học sâu như Bồ Tát chúng ta học không nổi. Bây giờ chúng ta đã hiểu, bắt đầu học, học cạn nhất, chúng ta tùy thuận theo sự giáo huấn của Phật Đà.

Trong sự giáo huấn này, chúng ta phải biết thứ tự, phải biết trước sau. Chúng ta bắt đầu từ chỗ nào mà hạ thủ? Từ tam qui, ngũ giới, thập thiện, nhất định phải từ chỗ này mà làm. Phải thường xuyên nhớ đến. Ở trong cuộc sống, trong sự giao tiếp, sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần giác mà không mê. Cái gì gọi là giác? Cái gì gọi là mê? Giác và mê nhất định phải hiểu cho rõ ràng. Khởi tâm động niệm là mê rồi; không khởi tâm không động niệm là giác ngộ, không phải là bảo bạn không nhìn không nghe. Mắt của bạn có thể xem, xem rồi thì như thế nào? Không khởi tâm, không động niệm. Tại sao không khởi tâm, không động niệm vậy? Phàm có hình tướng thì đều là hư vọng. Bạn phải có cách nhìn như vậy. Đây là Phật dạy cho chúng ta, tất cả các pháp hữu vi như mộng huyễn bọt bóng. Bạn phải có cách nhìn như vậy. Hiện nay người mà tu theo cách này gọi là tu bát nhã, tu nhẫn nại, tu mười nhẫn.

Hiện nay chúng ta tu thuận tiện hơn so với người xưa, tu ở đâu? Xem truyền hình. Cho nên các bạn nên biết, mỗi buổi tối xem truyền hình là tu mười nhẫn, không nên xem những thứ trong truyền hình là thật, đó là giả. Mỗi ngày ta xem, xem xong thì làm sao? Để luyện tập cho tâm mình không động. Xem rất là rõ ràng, rất là minh bạch. Phân minh rõ ràng là huệ, như như bất động. Bạn xem thấy họ cười bạn cũng cười, họ khóc   bạn cũng khóc là tiêu rồi, như vậy là sai lầm quá lớn rồi. Cho nên bạn phải thật sự có công phu, bạn biết được đó là mộng huyễn bọt bóng,  hiện tượng đó của nó là sanh diệt, thật sự cũng là như sương cũng như điện. Các bạn phải hiểu được nguyên lý của máy truyền hình, nó cũng là thông qua tốc độ nhanh của sóng làm cho bạn không thể phân biệt được đó là huyễn tướng. Hình ảnh không phải là thật, nó cũng là sát na sanh diệt, so với điện ảnh ngày trước thì tinh vi hơn. Điện ảnh là từng tấm từng tấm chiếu ra, đây là hoàn toàn dùng tổ hợp của hình ảnh. Các hình ảnh này tổ hợp rất nhanh, cho nên cơ bản bạn không biết nó là từng tấm hình, không biết được nó là một tổ hợp của hình ảnh. Bạn nhìn thấy nó như là một tấm hình, trên thực tế nó là một tổ hợp hình ảnh, vì tốc độ này nhanh hơn điện ảnh rất nhiều. Từ chỗ này thật sự có thể chứng minh lời của Phật nói ở trong Kinh, chúng ta từ ở chỗ này mà đạt được sự lợi ích. Sau khi hiểu rồi thì hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức, cuộc sống của bạn sẽ rất tự tại, cuộc đời này đến thế gian này có thể là chẳng kém gì so với chư Phật Bồ Tát du hí thần thông. Trong du hí thần thông phải giác ngộ, vì sao vậy? Vì chúng ta đến thế gian này là do nghiệp lực mà đến, hiện tại ta học Phật rồi, ta đã hiểu rồi thì đem nghiệp lực chuyển thành nguyện lực, thì bạn sẽ tự tại. Vừa chuyển thành nguyện lực chính là trong nhà Phật chúng ta thường gọi là thừa nguyện tái lai. Nghiệp lực đã tiêu hết rồi thì cả thảy đều là nguyện lực. Nguyện lực đến thế gian này cùng với chư Phật Bồ Tát là giống nhau, đến để làm gì? Đến để biểu diễn, để diễn kịch, hoàn toàn nhắm vào chúng sanh mê hoặc điên đảo của thế gian này. Họ bị mê nặng ở tại chỗ nào, chúng ta dùng cách nào để dẫn dắt họ, để cho sáu căn của họ sau khi tiếp xúc có thể tỉnh ngộ trở lại, đây gọi là Phật pháp. Phật pháp là pháp giác ngộ chúng sanh, không có nhất định. Phật không có định pháp có thể nói, Phật không có hình tướng nhất định, thiên biến vạn hóa. Chúng ta chuyển nghiệp lực thành nguyện lực thì phải đi con đường này.

Làm sao để dẫn dắt chúng sanh? Làm sao để họ giác ngộ? Hiện tại chúng sanh đã mê, mê ở chỗ nào, bị mê nặng nhất ở điểm nào? Tôi nghĩ rằng các đồng tu đều biết, nghiêm trọng nhất có lẽ phải xếp đầu tiên là tiền tài. Mê ở tại chỗ này đã quá nặng. Lão tổ tông của chúng ta đều biết được chúng sanh đối với chuyện này mê rất nặng, cho nên bạn xem thời xưa khi chế tạo tiền, đồng tiền ở giữa có một cái lỗ. Bạn hãy xem cho kĩ, nó giống cái gì? Giống gông cùm, dụng cụ tra tấn, làm cho bạn xem cái này thật đáng sợ, nó không phải là vật tốt. Bạn xem chữ tiền này, bên cạnh chữ tiền này là hai người, mỗi người cầm một con dao đang đấu nhau. Người vì tiền tài mà chết. Cho nên lúc tạo ra chữ này đều có ý nghĩa rất sâu, để cho bạn vừa nhìn thấy chữ này phải giác ngộ. Cho nên chữ viết tiếng Hoa là kí hiệu trí huệ, làm cho bạn nhìn thấy liền có thể biết cảnh giác, mỗi phút mỗi giây nhắc nhở bạn, không để cho bạn mê đắm vào đó.

Bởi vì chúng sanh tham tiền, bạn xem tướng thị hiện của Thích Ca Mâu Ni Phật, một đồng Ngài cũng không cần. Thời xưa xuất gia, không cần phải nói tì kheo, là Sa Di thôi, trong mười giới của Sa Di thì có một giới là trong tay không thể cất giữ tiền. Bạn mà cất giữ tiền thì đã phạm giới rồi. Bản thân của Thích Ca Mâu Ni Phật đã làm tấm gương cho chúng ra xem, các bạn ham muốn tiền tài, còn Ngài thì xả bỏ, xả đến sạch sẽ như vậy. Nhu cầu trong cuộc sống, mỗi ngày ăn một bữa, ăn đúng giờ ngọ, nghỉ dưới gốc cây, đi ra ngoài khất thực ăn một bữa. Đi khất thực có người cúng dường, cúng dường cái gì thì ăn cái đó, tuyệt đối là không phân biệt, không chấp trước. Một ngày đi khất thực mà không được gì thì trở về rồi ngồi tĩnh tọa, tham thiền niệm Phật, tư duy về những điều Phật dạy trong Kinh giáo. Tâm luôn luôn ở trong định. Bạn xem, công phu thuận nhẫn này của các Ngài, một chút ý niệm phan duyên cũng không có. Chúng ta nên học, cũng phải làm gương cho đại chúng trong xã hội xem. Bạn không làm gương, thì bạn nói chẳng có ai tin, chẳng có ai nghe. Bạn dạy người ta không tham tài, còn bạn thì muốn càng nhiều càng tốt, như vậy thì làm sao được? Làm gì có đạo lý này chứ. Bản thân mình phải thật sự buông xả, khuyên người khác buông xả thì họ mới chịu nghe. Buông bỏ là thật sự được đại tự tại. Đây là nói người xuất gia.

Người tại gia trong tay không thể không có tiền, không có tiền thì chẳng làm chuyện gì được, vậy phải làm như thế nào? Trong tay có tiền nhưng trong tâm không có tiền, vậy thì đúng rồi. Công phu này là công phu đỉnh cao, ở trong tâm một chút chấp trước cũng chẳng có, cũng chẳng có một chút ý niệm về sự được mất. Bạn có được tiền cũng không sanh tâm vui mừng, tiền mất rồi nhất định chẳng buồn phiền, tâm được mất đã đoạn được rồi. Cái này gọi là tùy thuận.

Chúng ta xem Viên Liễu Phàm. Ông Viên Liễu Phàm là người phàm, không phải là một người giác ngộ, ông tin vào số mạng, trong mạng có quyết lòng bỏ cũng bỏ không được, trong mạng không có muốn cầu cũng cầu không được, tâm ông đã định rồi. Gặp được Thiền sư Vân Cốc, Thiền sư Vân Cốc dạy cho ông, cái vận mạng này là có thể thay đổi, không phải là không thay đổi được, nhờ vậy ông mới giác ngộ ra. Làm thế nào để chuyển đổi vận mệnh của bạn? Thực tại mà nói, người thế gian có người nào mà mỗi ngày không chuyển đổi vận mệnh của mình? Chỉ là bạn không biết chuyển thôi, càng chuyển càng gay go, càng chuyển càng hư. Người mà biết chuyển thì càng chuyển càng tốt. Người không biết chuyển thì trong ý niệm của họ luôn luôn muốn lừa gạt người khác, cái này gọi là tổn người lợi mình, họ luôn có cái tâm này. Cái tâm này không biết chuyển thì càng chuyển càng tệ, đem phước báo ít ỏi của bản thân chuyển mất hết, thật đáng tiếc. Người biết chuyển thì như thế nào? Người biết chuyển thì tu phước. Phật dạy cho chúng ta bố thí, chúng ta có tiền tài thì dùng tiền tài bố thí, càng thí càng giàu. Bố thí pháp thì tăng trưởng thông minh trí huệ, bố thí vô úy thì khỏe mạnh sống lâu, gieo nhân gì thì được quả báo đó, đây chính là nhân quả bất không. Vậy tại sao không học bố thí?

Trong các bố thí, thù thắng nhất, đây là trong tất cả Kinh Phật đều nói như thế này, bố thí pháp là thù thắng nhất. Bố thí thất bảo trong đại thiên thế giới cũng không sánh bằng bố thí pháp vì người mà nói bốn câu kệ. Câu nói này người thông thường nghe xong cũng không nghĩ là đúng, nhưng trên thực tế nó là sự thật, là đúng. Cái lý ở bên trong quá sâu sắc, người thế gian không thấu hiểu, cho nên họ không thể tin được. Người thật sự hiểu rõ, người đã giác ngộ thì đâu có lý nào không tùy thuận lời giáo huấn của Phật Đà? Đây là tùy thuận nhẫn, nhất định sẽ được lợi ích.

Thứ ba là Vô Sanh Pháp Nhẫn. Tôi đã nói với các vị rồi, trong tất cả mọi lúc, tất cả mọi nơi, đem vọng tưởng phân biệt chấp trước buông bỏ, để cho tâm của mình được thanh tịnh chân thành, dùng tâm chân thành   thanh tịnh mà quan sát mọi vật mọi việc, bạn xem thấy chân tướng của nó, bạn dụng lời Phật nói trong Kinh: “Sát na sanh diệt”.

Trong “Kinh Kim Cang” nói rất hay: “Tất cả pháp hữu vi như mộng huyễn bọt bóng”. Pháp hữu vi là bao gồm thân và tâm của chúng ta, hiện nay nói là bao gồm cả phần vật chất và phần tinh thần. Pháp hữu vi và pháp vô vi, các bạn hãy đọc “Bách Pháp Minh Môn Luận” thì sẽ hiểu rõ. Tâm pháp, chúng ta nói là tám thức. Tâm sở pháp, tâm sở pháp là tác dụng của tâm lý. Đây là nói tác dụng của tâm và tâm lý, là thuộc về pháp hữu vi. Sắc pháp là chỉ cho thân thể của chúng ta, là vật chất, hết thảy tất cả vật chất đều gọi là sắc pháp. Hiện nay chúng ta nói là tinh thần giới, vật chất giới, còn bao gồm khái niệm trừu tượng. Khái niệm trừu tượng ở trong bách pháp gọi là bất tương ưng hành pháp, chính là ngày nay chúng ta nói là khái niệm trừu tượng. Thời gian chúng ta nói là một khái niệm trừu tượng, phương hướng chúng ta nói đông tây nam bắc cũng là khái niệm trừu tượng. Xin nói với quí vị, chúng ta nói được mất, được mất cũng là khái niệm trừu tượng, không phải là thật. Tất cả những thứ này đều thuộc về pháp hữu vi.

Pháp hữu vi thì có sanh có diệt. Tâm của chúng ta khởi tâm động niệm có sanh có diệt. Hết thảy tất cả hiện tượng, hiện tượng vật chất sát na sanh diệt là pháp hữu vi. Cái gì là pháp vô vi? Vô vi là pháp không sanh không diệt, là pháp vô vi. Ở trong thế giới cảm quan của chúng ta chỉ có hư không là thuộc về pháp vô vi. Hư không là không sanh không diệt. Bầu trời ba ngàn năm trước - thời của Thích Ca Mâu Ni Phật cùng với bầu trời ba ngàn năm sau chẳng khác nhau, tất cả hiện tượng đều thay đổi ở trong đó, duy chỉ có hư không là không có sự thay đổi, cho nên hư không thuộc về pháp vô vi. Nhưng mà pháp vô vi này chúng ta gọi là pháp vô vi tương tự, bởi vì nó không có hiện tượng sanh diệt, pháp vô vi thật sự là chân như bản tánh.

“Tất cả pháp hữu vi như mộng huyễn bọt bóng”, “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, thường xuyên đề khởi, mỗi giờ mỗi phút đều nhớ, thì sáu căn của chúng ta sẽ không bị sáu trần mê hoặc. Chân thật, lời của cổ đức nói thật sự có đạo lý, “không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”, bạn phải giác cho nhanh, nhất định không để hoàn cảnh bên ngoài chi phối. Cái này là công phu, bạn thật sự phải học được. Mắt không để sắc chi phối, tai không để âm thanh chi phối, lưỡi không để vị chi phối. Ở trong cuộc sống hàng ngày của bạn chính bạn phải biết tu. Nhìn thấy điều ưa thích thì muốn nhìn lâu một chút, tiêu rồi, bạn là phàm phu, không phải là Thánh nhân. Nghe được chuyện ưa thích thì đứng lại nghe nhiều một chút, món ăn hợp khẩu vị thì ăn nhiều thêm một chút, đây là phàm phu, không phải là người tu hành. Người tu hành công phu ở tại chỗ nào? Chính ở tại chỗ này, không bị sáu trần chuyển, cho nên cái này được gọi  là nhẫn. Nếu bạn có thể nhẫn, nhẫn lâu rồi thì biến thành định, vậy là bạn được định. Định sẽ sanh trí huệ, trí huệ của bạn mới khai. Trí huệ khai rồi thì tất cả pháp thế xuất thế gian không cần phải học, tự nhiên cũng thông đạt, biết rõ, hơn nữa một chút sai lầm cũng không có. Cho nên chúng ta dụng công thì ở trong cuộc sống hàng ngày, mặc áo ăn cơm đối người tiếp vật chính ở tại chỗ này mà dụng công. Điều nên là học tùy duyên, không phan duyên. Bị cảnh giới chuyển là phan duyên, không bị cảnh giới chuyển là tùy duyên. Đây là nguyên tắc nguyên lý tu hành chân thật, chúng ta phải hiểu.

Trên đây là ba loại nhẫn, phía sau vẫn còn bảy loại nhẫn nữa. Bảy loại nhẫn này cũng không khó hiểu.

Thứ Tư Là Như Huyễn Nhẫn, dạy cho chúng ta nhìn cái thế gian này, nhìn lục đạo, nhìn mười pháp giới. Huyễn là gì? Giống như nhà ảo thuật đang diễn ảo thuật, xem thì giống như là thật nhưng trên thực tế là giả, không phải thật, như nhà ảo thuật đang diễn trò ảo thuật.

Thứ Năm Là Như Diệm Nhẫn. Diệm là ngọn lửa, chúng ta biết ngọn lửa luôn cháy, nó luôn hoạt động, không dừng lại, nó không phải là thật.

Thứ Bảy Là Như Hưởng Nhẫn. Chữ hưởng này cùng với âm hưởng nhẫn phía trước không như nhau, ý nghĩa không như nhau. Chữ hưởng này là âm thanh vang lại ở trong khe núi. Chúng ta đi vào khe núi hú dài một tiếng, âm thanh sẽ vang trở lại, gọi là hồi âm. Hay nói cách khác, cả thảy đều không phải là sự thực.

Thứ Tám Là Như Ảnh Nhẫn. Ảnh là hình ảnh hiện tại. Mọi người đều có sự nhận biết tương đối sâu sắc, mỗi ngày bạn xem phim là hình ảnh, truyền hình là hình ảnh, nghe đài truyền thanh đó là âm thanh, đều không phải là sự thật.

Thứ Chín Là Như Hóa Nhẫn. Hóa là làm cho biến hóa.

Cuối Cùng Là Như Không Nhẫn.

Đây là mười loại nhẫn đã nói trong “Kinh Hoa Nghiêm”. Ở trong Kinh   Phật có nói với chúng ta, nếu chúng ta có duyên nghe được pháp chân thật của Phật nói, Phật nói “Kinh Kim Cang” chính là pháp chân thật, Phật nói “Kinh Vô Lượng Thọ” cũng là pháp chân thật, là nói y chánh trang nghiêm của Thế giới Tây Phương Cực Lạc. “Kinh Kim Cang” là giảng cho chúng ta về lý, “Kinh Vô Lượng Thọ” là giảng cho chúng ta về sự. Lý là lý trong sự, sự là sự trong lý, lý sự là một không phải hai. Chúng ta nghe nói sự thì phải hiểu lý bên trong, nghe nói lý trong Kinh thì phải hiểu được hiện tượng ở trong vũ trụ này, không thể nào nghiêng về một bên. Nghiêng về một bên thì bạn sai rồi. Cho nên bất luận Phật giảng là lý hay là sự, chúng ta nghe rồi mà chẳng kinh hãi chút nào, mà chẳng e sợ, sau đó mới có thể tin giải thọ trì. Sau khi tin giải thọ trì thì được khế nhập, thì rất tự nhiên bạn sẽ vì người diễn nói. Diễn chính là thật sự đã làm được rồi. Việc này không cần người khác khuyên bạn, tự nhiên là bạn biết đi diễn nói, tại sao vậy? Giúp cho tất cả chúng sanh có duyên được giác ngộ. Còn chúng sanh không có duyên nhìn thấy bạn diễn nói nhưng trong lòng không cảm động, họ cũng không nhận ra được, cũng không có cách để thể hội, đó là do nghiệp chướng quá nặng, đây gọi là không có duyên. Người nghiệp chướng nhẹ, sau khi thấy bạn diễn nói, họ sẽ cảm động, họ xem rồi thì cảm động. Cảm động có sâu có cạn, người cảm động sâu nhất định sẽ y giáo phụng hành, họ sẽ học theo bạn, đó là người cảm động sâu. Chúng ta biết được đây là thiện căn đã chín muồi. Cảm động cạn, tuy là có cảm động nhưng vẫn không thể y giáo phụng hành, chúng ta biết rằng thiện căn tuy là có xúc động nhưng mức độ vẫn còn kém. Cho nên chư Phật Bồ Tát vì tất cả chúng sanh mà làm nhiều kiểu thị hiện, xưa nay chưa từng ngừng nghỉ.

Vậy chư Phật Bồ Tát có mệt hay không? Chúng ta không cần phải lo lắng, các Ngài chẳng biết mệt gì cả. Tại sao các Ngài không mệt vậy? Vì các Ngài vô ngã. Còn tại sao chúng ta bị mệt? Vì chúng ta có ngã. Hôm nay tôi làm nhiều việc như vậy, mệt rồi, ý niệm này vừa khởi quả nhiên thì liền bị mệt. Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh. Cho nên chư Phật Bồ Tát bất luận là thị hiện tướng cũng được, biểu diễn cũng được, thuyết pháp cũng được, từ xưa đến nay các Ngài chẳng biết mệt, không bao giờ biết mệt mỏi. Như trong “Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện”, mỗi một nguyện sau cùng có một câu không hề mệt chán. Tại sao không hề mệt chán? Vô ngã, vô nhân, vô chúng sanh, vô thọ giả, cho nên các Ngài không biết mệt. Sự biểu diễn thuyết pháp của các Ngài, tất cả các việc làm là làm mà không làm, không làm mà làm. Các Ngài làm và không làm cũng chỉ là một việc. Phàm phu chúng ta thì không được, làm và không làm là hai sự việc. Lúc nào mà chúng ta làm và không làm trở thành là một việc, đây gọi là Nhất Chân Pháp Giới. Chúng ta không vào được Nhất Chân Pháp Giới chính là làm và không làm là hai sự việc, là rơi vào hai, ba. Đây là phàm phu. Phàm phu và Thánh nhân khác nhau ở tại chỗ này.

Cổ đức nói Bồ Tát thì học tùy thuận tịch tĩnh. Đây là Bồ Tát Quán Hành Vị, công phu đã đắc lực, các Ngài thật sự làm, trong tâm của các Ngài quán các pháp đều thanh tịnh bình đẳng. Đây là chúng tôi trong bao nhiêu năm nay tổng kết cương lĩnh sự giáo học của Phật pháp Đại thừa. Tất cả pháp thanh tịnh bình đẳng, đây là nói điều gì? Chúng ta thông thường nói mười pháp giới.

Mười pháp giới thanh tịnh bình đẳng. Làm sao mà bạn nhìn ra được? Chúng ta trong cuộc sống hàng ngày có thể quán sát từ việc nhỏ, người thế gian tham tài, ham thích châu báu, châu báu và gạch đá có gì khác nhau? Hiện nay các nhà khoa học hiểu được, thực tại mà nói là hoàn toàn giống nhau, hiện nay thông thường đều nói nguyên tử, điện tử, lạp tử. Châu báu, kim cương cùng với đất cát, bạn đem nó phân tích đến cuối cùng, phân tích đến nguyên tử, điện tử, lạp tử thì hoàn toàn là giống nhau, chỉ là phương thức sắp xếp nó khác nhau, thông thường chúng ta nói là phương trình sắp đặt khác nhau. Ngoài điều này ra là như nhau,    chẳng có khác nhau chút nào. Bạn từ ở chỗ này mà xem, xem nó thanh tịnh bình  đẳng, thì bạn sẽ không bị những thứ giả tướng này đánh lừa. Ở trong mắt của các vị châu báu thì đáng quí, nhưng trong mắt tôi nhìn nó và gạch đá chẳng có gì khác nhau. Tôi nhìn là chân tướng sự thật, tôi chẳng có bị nó đánh lừa. Được hay mất hoàn toàn là giả.

Năm 1977 là lần đầu tiên tôi đến Hồng Kông giảng Kinh, cũng là gần ba mươi rồi. Lúc đó có một vị cư sĩ muốn tặng cho tôi một chiếc đồng hồ đeo tay. Tôi bình thường thì không có đeo đồng hồ, vì không có thời gian. Không có thời gian, không biết ngày tháng năm, cũng không biết thứ mấy, vô cùng tốt. Mấy giờ rồi? Hoàn toàn cũng không biết. Bởi vì hiện nay mọi người đều đeo đồng hồ rồi, rất thuận tiện, muốn hỏi giờ, họ sẽ báo cho tôi, tôi thấy cũng tiện. Bà muốn tặng cho tôi chiếc đồng hồ, đương nhiên tôi không thể nào từ chối được, không thể không tiếp nhận, đây là hảo ý của người ta. Bà mời tôi đi cùng, tôi đi cùng với bà để chọn chiếc đồng hồ. Trước tiên bà đến ngân hàng để rút tiền. Sau khi rút tiền xong, tầng hầm của ngân hàng này là nơi có tủ bảo hiểm, bà mời tôi đi tham quan. Bà có hai hộp châu báu cất ở trong tủ bảo hiểm. Bà mở ra cho tôi xem, bà muốn khoe với tôi là bà có châu báu nhiều như thế này. Sau khi tôi xem xong liền hỏi bà: “Bà chỉ có chút xíu như vậy sao?”, thì bà vô cùng kinh ngạc, bà nói: “Thưa pháp sư, chẳng lẽ Ngài có nhiều hơn sao?”. Tôi nói tôi có quá nhiều quá nhiều, đếm không xuể. Bà hỏi để ở đâu vậy? Số châu báu này bà không dám để trong nhà, để trong nhà thì sợ người ta ăn trộm, sợ người ta cướp, lại càng không dám đeo ở trên tay, đeo trên tay thì sợ người ta chặt tay, đành phải thuê tủ bảo hiểm để cất giữ của báu, rồi lấy ra nhìn xem sờ mó, nghĩ châu báu là của mình, vậy thì không phải tôi có quá nhiều sao? Tất cả các tiệm bán vàng, bà hãy theo tôi đi đến đó xem, bảo người ta đem ra cho tôi nhìn xem, sờ sờ rồi cất lại. Ở thế gian lại có người đáng thương như vậy, có người mê hoặc điên đảo như vậy! Là ngu si! Những thứ châu báu đó bà không biết đem đi bán để làm công đức, làm việc tốt. Đó mới thật sự là đồ của mình. Những thứ này sanh ra không mang đến, chết chẳng mang theo, chỉ là để cho bạn ngắm nhìn mà thôi, có gì hay đâu mà xem? Xem nhiều rồi cũng thấy bình thường thôi. Cho nên học Phật là học trí huệ, học giác ngộ, đừng để bị những thứ giả tướng của thế gian này đánh lừa. Chúng ta có duyên đi đến thế gian này nên làm công đức chân thật.

Công đức chân thật là làm lợi ích cho tất cả chúng sanh. Trong việc làm lợi ích cho tất cả chúng sanh, việc quan trọng nhất là giúp cho chúng sanh giác ngộ. Giúp cho chúng sanh giác ngộ, cách duy nhất là mỗi ngày giảng dạy, mỗi ngày giảng dạy rõ ràng. Cả cuộc đời Thích Ca Mâu Ni Phật là làm công việc này.

Khoảng năm 1983, tôi ở San Francisco, tôi giảng Kinh ở một khu chung cư dưỡng lão một tuần lễ. Ở nơi này tôi nảy ra ý niệm xây một Thôn Di Đà ở đó. Tôi cảm thấy đạo tràng của thế kỷ 21 không phải là ở tự viện am đường, mà là chung cư dưỡng lão. Ở trong chung cư dưỡng lão này có hơn 400 người, đa số là người già neo đơn, chỉ có một số ít là vợ chồng. Cuộc sống vật chất của những người này thì chẳng thành vấn đề,  đều do nhà nước chăm lo, nhưng cuộc sống tinh thần thì không có, cho nên giảng Kinh ở chỗ đó họ vui mừng vô cùng. Họ không có làm việc, vì chẳng có việc để làm, họ đều đến nghe Kinh, cho nên tôi cảm thấy đạo tràng của thế kỷ 21 phải là đạo tràng như vậy. Người về hưu đến niệm Phật, người trẻ không có thời gian học Phật, làm việc rất bận rộn, phải dốc sức. Nhìn thấy cuộc sống của họ thật đáng thương, cả hai vợ chồng đều phải đi làm, một người đi làm không đủ nuôi cả nhà, nên cả hai người đều phải đi làm, cuộc sống rất vất vả. Nước Mỹ là quốc gia lớn nhất trên thế giới, bạn thấy người dân thường tuyệt đại đa số rất vất vả. Cho nên, ý niệm Thôn Di Đà của tôi là bắt đầu ở tại nói đó, hiện giờ đã trôi qua mấy mươi năm rồi. Người già học Phật thật sự là điều rất quan trọng, cho nên phải xây dựng thôn Di Đà ở nơi này. Cư sĩ Lý Mộc Nguyên nói với tôi, toàn bộ chung cư này sau khi xây dựng xong có thể chứa được khoảng 400 người. Nơi đây có thể ở được 400 người, hàng ngày niệm Phật, ngày ngày nghiên cứu Kinh sách, sống ở nơi đây, đem những điều đã học áp dụng vào trong cuộc sống tư tưởng của chính mình, thì có thể nhập cảnh giới. Đây là việc tốt.

Gần đây tôi ở Úc Châu, ở Hồng Kông. Ở Hồng Kông có một số đồng tu   đối với cách nghĩ này của tôi rất là thích thú. Chúng tôi hy vọng ở Úc Châu xây dựng một Thôn Di Đà. Hiện nay phạm vi của chúng ta đã mở rộng, không gọi là Thôn Di Đà nữa, mà gọi là Thôn Đa Nguyên Văn Hóa. Tương lai khi mà thôn này xây dựng xong, sẽ có không cùng chủng tộc, không cùng tín ngưỡng, bất luận là tín ngưỡng tôn giáo nào, chúng ta cùng sinh hoạt chung với nhau, chúng ta xây dựng một Thôn Đa Nguyên Văn Hóa. Ở trong thôn này, tôi có một cách nghĩ, chúng ta sẽ xây dựng một nơi để dạy và tu học. Chúng ta sẽ xây chỗ này hình tròn, hơn nữa là một quảng trường, quảng trường hình tròn. Xung quanh quảng trường sẽ xây giảng đường, mỗi một tôn giáo xây một giảng đường. Ở Úc Châu có 12 tôn giáo, thì có 12 cái giảng đường bao quanh cái vòng tròn lớn của quảng trường này. Chúng ta cùng với 12 tôn giáo cùng hoạt động chung ở trong quảng trường này. Cách giáo học riêng biệt thì ở trong phòng học của cá nhân. Chúng ta hy vọng không đồng tôn giáo, không đồng chủng tộc, mọi người cùng sinh hoạt chung với nhau, tôn trọng lẫn nhau, yêu thương lẫn nhau, hợp tác lẫn nhau, hãy xem thế giới có thể thống nhất hay không, có thể hòa bình hay không? Cho nên chúng ta xây dựng Thôn Đa Nguyên Văn Hóa, hoặc là cộng thêm hai chữ hòa bình: Thôn Đa Nguyên Hòa Bình Văn Hóa. Để cho mọi người đến xem thế giới hòa bình ở chỗ này của chúng ta. Điều này có ý nghĩa vô cùng. Úc Châu đất rộng người thưa, đất đai rất dễ mua,   lại rẻ vô cùng. Không giống như ở đây, tấc đất tấc vàng. Hiện nay có mấy vị đồng tu gần đây đi qua bên đó để khảo sát, trước tiên là đi xem sự nghiệp phúc lợi của người già Úc Châu. Họ có gọi điện thoại về cho tôi, sau khi xem xong vô cùng vừa ý, xem ra công việc này có thể thực hiện thành công. Công việc này làm thành công, thì trên thế giới gọi là việc tiên phong. Chúng tôi hy vọng người già luôn nghe những điều mà trong tôn giáo của mình giảng, cũng nghe những điều mà tôn giáo khác nói, hai bên tìm hiểu lẫn nhau mới thật sự có thể thực hiện được việc tôn trọng hợp tác lẫn nhau. Hy vọng cho người già, đây là nguyện vọng của tôi trong cuộc đời này. Giai đoạn hạnh phúc nhất của đời người là lúc tuổi già, lúc tuổi già hưởng phước. Người xưa thường dạy cho thế hệ sau: Tuổi trẻ thì hoài bão, tuổi già thì an nhàn. Làm sao để thực hiện? Ngày nay chúng ta thường xuyên suy nghĩ, phải thực hiện công việc này, chúng ta phải làm một tấm gương, hy vọng toàn thế giới, sự nghiệp phúc lợi của người già hiện nay đều được phổ biến, xem trọng, để họ đến tham quan cách làm của chúng ta như thế nào.

Cách nghĩ của tôi là đem dưỡng lão, trường học, đại học cho người già,    trường học đa nguyên văn hóa, ba thứ này hòa hợp lại với nhau, cho nên cuộc sống ở nơi này sẽ không cô đơn, mà rất náo nhiệt. Mỗi một tôn giáo đều có ngày lễ khác nhau, thường xuyên đón mừng lễ, thường xuyên hoạt động cùng với nhau, có ý nghĩa vô cùng. Thật vậy.

Trong Kinh đã nói ba loại nhẫn này đối với chúng ta quan trọng vô cùng. Âm hưởng nhẫn, nhu thuận nhẫn, trọng yếu nhất là vô sanh pháp nhẫn, tâm của chúng ta mới thật sự là thanh tịnh - bình đẳng - chân thành - chánh giác - từ bi đối xử với tất cả chúng sanh, cái vấn đề này mới thật sự được giải quyết.

Đoạn này chúng tôi xin giảng đến đây, xin xem tiếp đoạn Kinh văn sau đây.

Kinh văn: “Phật cáo A Nan: “Như thị Phật sát, hoa quả thọ mộc, dữ chư chúng sanh, nhi tác Phật sự””.

“Hoa quả thọ mộc” đều là biểu pháp, có lí có sự. Ở phía trước tôi đã giới thiệu cho quí vị rồi. Cái gì gọi là Phật sự? Hiện nay chúng ta thường xuyên nhìn thấy chùa chiền làm Phật sự, là Phật sự gì? Cầu siêu cho người chết gọi là Phật sự. Điều này hoàn toàn sai lầm. Phật là trí huệ, là giác ngộ. Giúp cho chúng sanh khai trí huệ, giúp cho tất cả chúng sanh giác ngộ thì gọi là Phật sự. Cho nên năm xưa khi Thích Ca Mâu Ni Phật còn tại thế tự mình làm thân giáo, dùng hình ảnh của bản thân Ngài vì tất cả chúng sanh mà thị hiện, làm cho chúng sanh sau khi tiếp xúc thì được giác ngộ, đây là Phật sự. Ngoài ra còn một việc nữa là mỗi ngày giảng Kinh thuyết pháp, đây là nhĩ căn của chúng sanh ở Thế giới Ta Bà dễ độ nhất, “thử phương chân giáo thể thanh tịnh tại âm văn”, cho nên Phật mỗi ngày vì mọi người giảng giải rõ ràng. Bất kì người nào cũng có thể ở trước Phật nêu ra câu hỏi, chẳng kể là câu hỏi gì, Phật đều trả lời cho bạn. Vô ngại biện tài. Giúp cho tất cả chúng sanh giác ngộ, giúp cho tất cả chúng sanh khai trí huệ, việc này gọi là Phật sự. Chúng ta nhất định phải giải nghĩa cho chính xác, không thể hiểu sai.

Đoạn Kinh sau cùng công qui Di Đà, công đức này cuối cùng đều qui về A Di Đà Phật.

Kinh văn: “Thử giai Vô Lượng Thọ Phật, oai thần lực cố, bổn nguyện lực cố, mãn túc nguyện cố, minh liễu kiên cố, cứu cánh nguyện cố”.

“Thử giai Vô Lượng Thọ Phật”, Vô Lượng Thọ Phật chính là A Di Đà Phật. “Oai thần lực cố, bổn nguyện lực cố, mãn túc nguyện cố, minh liễu  kiên cố, cứu cánh nguyện cố”, đây là điều chúng ta phải học. Chúng ta ngày nay ở trong thế gian này, ở tại đây, vào lúc này muốn làm Phật sự, động lực của chúng ta chính là mấy câu nói này. Oai thần lực thì chúng ta không có, chúng ta phải cầu oai thần lực gia trì. Điều này chúng ta có thể làm được. Chúng ta phải có nguyện, phải có nguyện lực, chúng ta phải có minh liễu, phải có kiên cố, phải có cứu cánh nguyện, dùng nguyện này nhất định sẽ cảm được chư Phật hộ niệm, cảm được rất nhiều người ở thế gian này có trí huệ, có phước báu, có năng lực sẽ đến hỗ trợ, giúp đỡ cho bạn. Hy vọng là người làm công việc này sẽ nhiều, không phải là không có. Không có người làm, chúng ta thật sự chịu phát tâm đi làm, làm sao mà không có người gọi là người chí đồng đạo hợp, nhất định là họ sẽ đến hỗ trợ. Công việc này có thể thực hiện thành công,  có thể làm viên mãn. Trong nhiều năm qua, với kinh nghiệm của tôi đều có thể chứng thực. Sự thành tựu của Cư Sĩ Lâm, chúng tôi tận mắt chứng kiến được, sự thành tựu của những đạo tràng ở các nơi khác đều không phải là sự ngẫu nhiên.

Hôm nay chúng tôi giảng đến chỗ này.

A Di Đà Phật…

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 273)

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Thời gian: Khởi giảng năm 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây Cư Sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ