Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 243)

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 243)
**************** Ở trên Kinh Phật đã nói với chúng ta “lìa khổ được vui”, tôi thật sự đã đạt được, sau đó sự hứng thú của chúng ta đối với việc tu học liền tự nhiên sẽ có sâu cạn, chúng ta hoan hỷ thì thích học. Pháp môn này, học vấn này, trong thế xuất thế gian không có cách nào có thể so sánh được. Trí huệ khai rồi mới có thể giải quyết vấn đề, bất kỳ chứng bệnh khó trị nào của thế gian đem đến trước mặt bạn thì giải quyết được ngay. Tại sao người khác giải quyết không được? Họ chưa đoạn phiền não, tập khí vẫn còn, trí tuệ không phát ra được. Chỉ trí tuệ mới có thể giải quyết vấn đề, trí tuệ mới có thể trải qua được đời sống nhân sanh bậc nhất. Cuộc sống vào hàng bậc nhất này, tuyệt đối không phải như là mọi người đã tưởng tượng. Cuộc sống vào hàng bậc nhất thì giống như cư sĩ Hứa Triết ngày ăn một bữa, mỗi ngày chỉ ăn một ít rau xanh, các thứ muối, dầu, đường, bà đều không ăn, đó là một cuộc sống bậc nhất, cuộc sống khỏe mạnh nhất, cuộc sống vui sướng nhất. Tất cả mọi thứ ở thế gian này, không có chút mê hoặc nào ảnh hưởng đối với bà. Trong Phật pháp gọi là “giải thoát”, đây mới thật sự là giải thoát, thật sự là được tự tại. “Bồ Đề tâm” được xây dựng từ chỗ này. Bồ Đề

****************

Ở trên Kinh Phật đã nói với chúng ta “lìa khổ được vui”, tôi thật sự đã đạt được, sau đó sự hứng thú của chúng ta đối với việc tu học liền tự nhiên sẽ có sâu cạn, chúng ta hoan hỷ thì thích học. Pháp môn này, học vấn này, trong thế xuất thế gian không có cách nào có thể so sánh được. Trí huệ khai rồi mới có thể giải quyết vấn đề, bất kỳ chứng bệnh khó trị nào của thế gian đem đến trước mặt bạn thì giải quyết được ngay. Tại sao người khác giải quyết không được? Họ chưa đoạn phiền não, tập khí vẫn còn, trí tuệ không phát ra được. Chỉ trí tuệ mới có thể giải quyết vấn đề, trí tuệ mới có thể trải qua được đời sống nhân sanh bậc nhất. Cuộc sống vào hàng bậc nhất này, tuyệt đối không phải như là mọi người đã tưởng tượng. Cuộc sống vào hàng bậc nhất thì giống như cư sĩ Hứa Triết ngày ăn một bữa, mỗi ngày chỉ ăn một ít rau xanh, các thứ muối, dầu, đường, bà đều không ăn, đó là một cuộc sống bậc nhất, cuộc sống khỏe mạnh nhất, cuộc sống vui sướng nhất. Tất cả mọi thứ ở thế gian này, không có chút mê hoặc nào ảnh hưởng đối với bà. Trong Phật pháp gọi là “giải thoát”, đây mới thật sự là giải thoát, thật sự là được tự tại. “Bồ Đề tâm” được xây dựng từ chỗ này.

Bồ Đề là âm dịch tiếng Phạn ngày xưa, ý nghĩa là giác ngộ, chân thật giác ngộ. Lúc trước chúng ta thật sự là đã sai, bây giờ phải đem nó cải chính trở lại, lúc mới bắt đầu cải chính thì có khó khăn nhất định, sự khó khăn này cần thiết phải có dũng khí, phải có quyết tâm có nghị lực để đột phá nó, về sau con đường này càng ngày càng thuận lợi, càng ngày càng dễ dàng, mới đầu thì khó. Các vị đọc “Liễu Phàm Tứ Huấn”, Liễu Phàm tiên sinh đoạn ác tu thiện, phát nguyện làm ba ngàn việc thiện, mười năm mới hoàn thành, bắt đầu thì khó, càng về sau càng dễ dàng. Tôi khi bắt đầu quá trình tu học của chính mình cũng khó khăn. Lão sư dạy tôi “nhìn thấu buông bỏ”. Tôi hiểu. Bước đầu làm cho được nhìn thấu buông bỏ, làm cho được mức thấp nhất mà lão sư yêu cầu, tôi mất sáu năm. Không có sáu năm nhẫn nại, không có cái nghị lực này thì bạn không thể thành tựu, thì bạn sẽ bị đào thải. Ở trên giảng đài giảng Kinh thuyết pháp, tôi từng nói qua với các đồng tu, tôi đã giữ quy củ của thầy trong mười năm. Bạn phải có sự nhẫn nại này thì bạn mới có thể xây dựng được cái nền tảng chắc chắn, không thể lay chuyển. Không có cái nền tảng kiên định như vậy thì phát triển sẽ khó. Nền móng càng sâu thì sức phát triển càng lớn.

Trước đây, ngay trong thời cận đại, người đáng để làm tấm gương cho chúng ta nhất là Ấn Quang Đại Sư. Ấn Quang Đại Sư đến năm 70 tuổi mới bước ra ngoài, Ngài đã tích lũy vô cùng sâu dày. Trước năm 70 tuổi thì im hơi lặng tiếng, tự mình khổ tu, sau này mới được người ta biết đến. Ngài trên thực tế hoằng pháp lợi sanh chỉ có mười năm, 80 tuổi thì viên tịch, nhưng mà Ngài trong mười năm hoằng pháp này, còn hơn cả 50 năm hoằng pháp của những pháp sư khác. Việc này ảnh hưởng biết bao nhiêu. Tại vì sao có sự ảnh hưởng lớn đến như vậy? Nhờ tích lũy sâu dày. Vì vậy, càng là người có thành tựu lớn, nền móng của họ càng sâu, căn bản của họ càng dày. Đây là đạo lý nhất định. Cho nên các đồng tu vạn nhất không nên rơi vào trong danh văn lợi dưỡng, vậy là xong rồi, còn trẻ mà nổi tiếng thì không phải việc tốt. Rất nhiều ngạn ngữ của người xưa Trung Quốc có cái học vấn rất sâu, có đạo lý rất sâu. Ngạn ngữ thường nói: “Người sợ nổi tiếng, heo sợ mập”. Bạn cho rằng nổi tiếng có phải việc tốt không? Cây càng to càng chịu gió, oan gia trái chủ kéo nhau đến, tập trung bên cạnh bạn để đố kỵ chướng ngại, gây phiền phức cho bạn, nếu bạn không có đức thật sự lớn thì bạn chống đỡ không nổi chướng nạn này, luôn luôn bị chống đối phá hoại. Xưa nay trong và ngoài nước, những ví dụ này thì rất nhiều. Cho nên, muốn chân thật thành tựu trong Phật pháp, thành tựu trong hoằng pháp lợi sanh, việc đầu tiên là phải đoạn dứt danh văn lợi dưỡng, một chút cũng không chiếm lấy. Có thể duy trì được cả một đời, vậy thì thành tựu của bạn là cứu cánh viên mãn.

Thế Tôn trên “Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo” đã dạy chúng ta: “Ngày đêm thường niệm thiện pháp”, ngày đêm nghĩa là không gián đoạn, thường niệm là tâm thiện; “tư duy thiện pháp”, tư duy nghĩa là tư tưởng thiện; “quán sát thiện pháp” là hành vi thiện, như vậy mới có thể làm đến thuần thiện. Lìa vọng tưởng phân biệt chấp trước mới làm đến thuần tịnh. Thuần tịnh thuần thiện chính là phát Bồ Đề tâm, sau đó “nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật”.

A Di Đà Phật là danh hiệu của chân tâm bổn tánh chúng ta, không phải của người khác. Bốn chữ A Di Đà Phật là tiếng Phạn, nếu như dịch thành ý nghĩa của Trung Quốc, “A” dịch là Vô, “Di Đà” dịch là Lượng, “Phật” dịch là Giác, dịch là Trí. Từ trên ý nghĩa mà dịch, là vô lượng trí tuệ, vô lượng giác ngộ. Vô lượng trí tuệ, vô lượng giác ngộ là vốn sẵn có đầy đủ trong chân tâm tự tánh của chúng ta, không phải là từ bên ngoài vào. Chúng ta sẽ hỏi, trí tuệ vô lượng của ta, đức năng vô lượng thì nó như thế nào? Chính là trên bộ Kinh này đã nói, trên Kinh đã nói ra cốt lõi của vấn đề, chỉ đưa ra vài cái để ví dụ mà thôi, không phải giảng kỹ, giảng kỹ sẽ giảng không hết.

Vì vậy “nhất hướng chuyên niệm”, “nhất hướng” là một cái phương hướng, chính là chúng ta thường nói “nhất môn thâm nhập”; “chuyên niệm” chính là “trường kỳ huân tu”. Cho nên bộ Kinh này là gì? Bộ Kinh này là chân tâm của chúng ta, là trong bổn tánh của chúng ta vốn là đầy đủ đạo lý, phương pháp, cảnh giới, không phải là từ ngoài vào. Cho nên, Thích Ca Mâu Ni Phật nói Ngài không hề nói pháp một câu nào, đạo lý ở chỗ này.

Chúng ta hôm nay, ở tại đây có đồng tu xuất gia…, thế nào là xuất gia? Thực tại mà nói, xuất gia chính là chọn ngành nghề này của Thích Ca Mâu Ni Phật. Ngành nghề này là ngành nghề gì? Dùng lời nói hiện đại mà nói, là ngành nghề giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa. Hiện tại trong xã hội có rất nhiều, rất nhiều người đã nhìn sai đối với ngành nghề này của chúng ta, cho rằng chúng ta là tôn giáo. Sự thật thì thế nào? Sự thật thì đã biến thành tôn giáo, Phật giáo đã biến chất, vốn là giáo dục, nhưng hiện tại biến thành tôn giáo, Thích Ca Mâu Ni Phật nhìn thấy cũng sẽ rơi nước mắt. Cho nên, chúng ta phát tâm làm học trò của Phật, chúng ta có trách nhiệm, có nghĩa vụ làm một công việc chính danh. Khổng Lão Phu Tử nói: “Danh bất chính tất ngôn bất thuận”. Chúng ta phải nói rõ với thế giới xã hội đại chúng, Phật giáo là nền giáo dục của Thích Ca Mâu Ni Phật, là giáo học của Thích Ca Mâu Ni Phật. Nội dung việc dạy học của Ngài là gì? Là nói rõ chân tướng của vũ trụ nhân sanh, tuyệt chẳng thêm một chút nào cái ý của mình vào trong đó. Bạn hiểu được chân tướng vũ trụ nhân sanh thì sinh hoạt của bạn mới hồi phục lại bình thường.

Sống ở thế gian phải vui vẻ, phải tự tại. Con người ở thế gian này sống vất vả như vậy thì đã sai rồi, phải sống cho được vui vẻ. Vì vậy người thổ dân ở Úc Châu nói rằng: “Mục đích của cuộc sống là vui vẻ. Ý nghĩa của cuộc sống là chung sống hòa thuận với tất cả chúng sanh”. Tôi rất thích hai câu nói này của họ. Sau khi hiểu được chân tướng vũ trụ nhân sanh, cuộc sống của bạn liền vui vẻ, bạn biết được giữa người và người với nhau là quan hệ gì, người và vạn vật tự nhiên là quan hệ gì, người và thiên địa quỷ thần là quan hệ gì. Thiên địa quỷ thần thì mọi người chúng ta thường hay nói, cũng chính là khoa học gia hiện tại đã nói, con người và sinh vật không cùng không gian duy thứ có quan hệ gì. Chúng ta đều đã rõ ràng, đều đã minh bạch rồi thì xử sự đối người, tiếp vật mới hồi phục lại bình thường. Bình thường chính là cuộc sống của Phật Bồ Tát. Đối đãi tất cả chúng sanh quyết định là chân thành - thanh tịnh - bình đẳng - chánh giác - từ bi, trong cuộc sống thường ngày quyết định là nhìn thấu, buông bỏ. Nhìn thấu là hiểu rõ, không có điều gì không hiểu rõ. Buông bỏ là buông bỏ tự tư tự lợi, quyết định không có tự tư tự lợi, quyết định không có tham sân si mạn, quyết định không có thị phi nhân ngã, tất cả những gì làm ra quyết định là lợi ích chúng sanh, lợi ích xã hội, chân thật làm được quên mình vì người, trải qua một cuộc sống bình thường. Trong một đời đừng nói là thân khẩu không tạo ác nghiệp, mà đến một ác niệm cũng không được khởi, bạn nói xem, con người này vui sướng tự tại biết bao nhiêu. Đại tự tại là từ chỗ này mà có được. Chỗ này chính là vô lượng trí tuệ, vô lượng đức năng, vô lượng giác ngộ, đây gọi là “A Di Đà Phật”. Cho nên, người xưa gọi tên của bộ “Kinh Vô Lượng Thọ” này là “Kinh Đại A Di Đà”, còn có một quyển tiểu bổn là “Kinh A Di Đà”, tiểu “Kinh A Di Đà”. Chư Đại đức thời Tùy Đường vô cùng có trí tuệ, họ đã đem cả “Kinh Hoa Nghiêm” vào trong, gọi “Kinh Hoa Nghiêm” là “Kinh Đại A Di Đà”, gọi “Kinh Vô Lượng Thọ” là trung bổn “Kinh A Di Đà”, cho nên “Kinh A Di Đà” có ba bổn là đại - trung - tiểu. Đại bổn thì nói tỉ mỉ, có thể nói, đối với toàn cả xã hội chúng ta, mọi mặt trong cuộc sống của chúng ta đều đã nói đến, có những lý luận vô cùng xuất sắc, có những phương pháp vô cùng tỉ mỉ, khiến chúng ta hồi phục lại thiên chân, hồi phục lại tự nhiên, người hiện tại thì gọi là trở về nguyên trạng. Hồi quy tự nhiên được đại tự tại. Giống như những giáo huấn chân thật này, đặc biệt là chú trọng phẩm thứ 24 phần “tam bối vãng sanh”, phẩm 25 phần “vãng sanh chánh nhân”, hai phần này chân thật giáo huấn, chúng ta cần phải nên tôn trọng, phải nên phát lòng tin thanh tịnh, chăm chỉ nỗ lực mà học tập. Ngay trong quá trình học tập, nguyện nhất định phải trước tiên. Nếu bạn mà không có chí nguyện thì công phu tu học của bạn sẽ không đắc lực. Cho nên, không chỉ là Tịnh Độ, mà ở trên tất cả Kinh luận, Phật đã dạy bảo chúng ta phát tứ hoằng thệ nguyện.

Thứ nhất là “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”. Câu nói này nói như thế nào? Chúng sanh, đặc biệt là vô lượng vô biên chúng sanh khổ nạn, chúng ta phải phát nguyện, phải phát tâm giúp đỡ họ, giúp đỡ họ “lìa khỏi khổ nạn”, tận tâm tận lực mà làm, đó chính là sự viên mãn. Quan trọng nhất trong việc giúp đỡ cho hết thảy chúng sanh, nhất định phải biết được đó là giáo dục. Cách nói này của Phật cùng với cách nói của cổ Thánh tiên Hiền không bàn mà lại trùng hợp. Sách sử xưa Trung Quốc, trong những quyển như “Lễ Ký”, “Học Ký”, có thể nói là triết học giáo dục của người Trung Quốc, trong đó có hai câu nói rất là quan trọng: “Kiến quốc quân dân, giáo học vi tiên”. Đây là thời xưa, lúc nói với bậc vua chúa, bạn thành lập một chính quyền, thành lập một quốc gia, điều gì là quan trọng nhất? Giáo dục là quan trọng nhất. Nếu như lơ là đối với vấn đề này, quốc gia của bạn nhất định sẽ động loạn, quốc gia của bạn nhất định sẽ không được lâu dài. Việc này là khẳng định. Từ thời xưa đã xem trọng giáo dục. Hầu hết dân gian, Thánh nhân nói rất hay: “Dạy con từ thuở còn thơ”, dạy con cái của bạn phải dạy từ lúc còn nhỏ; “dạy vợ từ thuở ban sơ mới về”, bạn lấy vợ thì nên chỉ dạy họ từ cái ngày bước về nhà mình. Vì sao vậy? “Thói quen hình thành từ bé, quen rồi trở thành việc tự nhiên”. Nhà nho Trung Quốc dạy học bắt đầu từ thai giáo, người mẹ vừa có thai thì biết rằng chính mình khởi tâm động niệm, lời nói việc làm đều sẽ ảnh hưởng đến thai nhi, phàm là có ảnh hưởng không tốt thì đều bị loại trừ hết, người đó mới có thể làm tròn trách nhiệm người mẹ, yêu thương con cái. Người hiện nay không hiểu, cho nên trong xã hội ngày nay, những sự việc loạn luân thì quá nhiều, quá nhiều. Gần đây nhất các vị chắc đều có biết, Nepal đã xảy ra một sự việc như vậy, việc này trong Phật pháp gọi là tội ngũ nghịch, giết cha giết mẹ, đến cả anh chị em cũng đều giết hết, rồi chính mình cũng chết. Tại vì sao lại xảy ra sự việc như vậy? Đã mất sự giáo dục. Giáo dục của nhà Nho và nhà Phật, trung tâm tư tưởng của họ là hiếu đạo. Người người có thể tận hiếu, một nhà hòa thuận, gia hòa vạn sự hưng. Nhà nhà hòa thuận, xã hội an định, quốc thái dân an. Giáo dục là căn bản lớn nhất. Tôi thường nói bốn loại giáo dục, chỉ cần làm cho tốt bốn loại giáo dục này thì thiên hạ thái bình. Thứ nhất là giáo dục gia đình, thứ hai là giáo dục nhà trường, thứ ba là giáo dục xã hội, thứ tư thì người hiện nay gọi là giáo dục tôn giáo. Hiện tại ở nước ngoài gọi giáo dục tôn giáo là giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa. Bốn loại giáo dục này làm được tốt rồi thì xã hội an định, thiên hạ thái bình, nhân dân hạnh phúc.

Vì thế, xã hội ngày nay động loạn, cả thế giới lòng người bất an, rốt cuộc thì việc này phát sinh từ đâu? Trong những lúc giảng chúng tôi thường hay nói, đây không phải vấn đề của chính trị, chính trị không thể giải quyết, cũng không phải vấn đề ở quân sự, quân sự không thể giải quyết, kinh tế khoa học kỹ thuật cũng không thể giải quyết. Vậy vấn đề rốt cuộc phát sinh ra từ chỗ nào? Từ chỗ giáo dục.

Các vị phải biết được, ngày nay giáo dục gia đình không còn nữa, giáo dục nhà trường cũng không còn. Hiện nay ở nhà trường dạy những gì? Dạy đều là khoa học kỹ thuật, là huấn luyện một loại kỹ thuật, không phải giáo dục. Giáo dục là dạy bạn làm người như thế nào, dạy bảo bạn quan hệ giữa người với người, quan hệ của cha con, quan hệ của vợ chồng, quan hệ của anh em, quan hệ vua tôi, quan hệ bạn bè, là đem những việc này nói rõ ràng, nói minh bạch với bạn. Bạn đều hiểu được thì bạn sẽ biết làm người. Hiện nay trong nhà trường đã không còn sự giáo dục này nữa.

Tôi còn nhớ, khi tôi mới xuất gia tại chùa Viên Sơn Lâm Tế Đài Bắc chưa được bao lâu, những tiểu hòa thượng chúng tôi mỗi ngày phải làm một số công việc cho thường trụ. Công việc của tôi là quét dọn sân chùa, quét dọn sân ở cổng chính. Chúng tôi có ba người luân phiên thay nhau quét cái sân đó, cái sân rất lớn. Một ngày nọ, tôi nhìn thấy có vài học sinh, khoảng ba bốn học sinh từ núi của chúng tôi đi vào trong vườn thú. Vườn thú có thể đi được từ ở trên đó, không phải đi qua cổng chính, nên không cần phải mua vé. Tôi nhìn thấy những người này có thái độ như vậy, tôi đã thở dài một tiếng: “Ôi, thật đáng thương, người trẻ tuổi đáng tiếc lại không nhận được sự giáo dục”. Những lời nói này đã bị họ nghe thấy. Họ quay trở lại chỗ của tôi, đến đối chất với tôi. Họ nói: “Chúng tôi là sinh viên năm thứ tư Viện luật học Trường đại học Đài Loan, sao ông có thể lại nói chúng tôi chưa nhận qua sự giáo dục?”. Tôi nghe xong thì rất hứng thú. Tôi nói: “Thật hiếm thấy. Các cậu là sinh viên luật học năm thứ tư đại học Đài Loan, vậy tôi xin thỉnh giáo các cậu, các cậu cho tôi biết thế nào gọi là giáo? Thế nào gọi là dục? Thế nào gọi là giáo dục? Các cậu hãy nói tôi nghe xem”. Tôi đưa ra ba vấn đề, họ không nói ra được, quay đầu hỏi ngược lại tôi. Sau đó tôi liền nói với họ: “Không những các cậu chưa nhận qua sự giáo dục cao đẳng, ngay cả giáo dục tiểu học, các cậu cũng chưa nhận qua”. Họ liền trừng to đôi mắt và nói: “Sao lại chưa chứ?”. Tôi nói: “Các cậu có biết cách ăn cơm không? Có biết quét nhà không? Tôi dọn bốn món ăn, bốn món ăn đặt ở hướng đó, các cậu có hiểu hay không?”. Họ thật sự đã ngẩn người ra. “Tôi cho các cậu bốn món ăn, bốn món này có âm dương ngũ hành, nếu như phương hướng đặt sai thì các cậu chưa học qua, vì vậy các cậu không biết ăn cơm, không biết đi đường. Chúng tôi đang quét rác, vậy đương nhiên các cậu càng không phải nói, các cậu cũng chưa học qua. Những thứ này ở đâu? Là ở trong “Đệ Tử Quy””. Khi tôi nói, lúc đó các cậu học sinh cũng rất hay, cũng chấp nhận, còn rất khiêm tốn mà thỉnh giáo. Họ hỏi: “Vậy bây giờ đại học như chúng tôi thì xem thế nào?”. Tôi suy nghĩ hồi lâu rồi nói: “Không thể gọi trường học, nên gọi là “Sở cao đẳng tri thức chuyên tập”, có thể dùng cái tên này. Các cậu học là cao đẳng tri thức, các cậu còn chưa học qua giáo dục tiểu học nữa. Thật sự là như vậy”. Cho nên hiện tại tuy rằng đang nhận giáo dục cao đẳng, họ vẫn có sự trái nghịch, họ không biết hiếu thuận cha mẹ, họ không biết tôn sư trọng đạo, hành vi của họ đều bị chi phối bởi lợi và hại. Có lợi cho họ thì là bạn, có hại thì là kẻ thù, không có đạo nghĩa, không có nhân luân. Cho nên thực tại nói đến thật đáng tiếc, người ngày nay không bằng loài vật. Loài vật ăn no rồi, chúng sẽ không hại đến những động vật nhỏ khác, con người thì thường có cái tâm hiểm ác, vô cùng đáng sợ.

“Giáo dục xã hội”, các vị nghĩ xem hiện tại truyền hình là cái gì? Nội dung nó dạy là những gì? Điện ảnh dạy là những gì? Tập san báo chí những thứ đó là gì? Mạng Internet nội dung là những gì? Đứa trẻ mới sinh ra đôi mắt vừa mở thì nhìn thấy truyền hình, ấn tượng ban đầu sẽ làm chủ, nó tiếp nhận sự hun đúc của truyền hình, dần dần lớn lên. Học vi tính thì ngày ngày tiếp nhận sự hun đúc của máy vi tính. Cho nên ngày nay có rất nhiều rất nhiều phụ huynh đến nói với tôi: “Pháp sư à! Con cái không có nghe lời”. Rất nhiều thầy cô giáo đến nói với tôi là học sinh không nghe giáo huấn. Tôi gật đầu bảo: “Không sai! Nếu như con cái nghe lời, học sinh nghe giáo huấn, vậy mới là lạ”. Vì sao mà lạ? Chúng không phải là người phàm, chúng nhất định là Phật Bồ Tát tái lai. Người phàm thì làm gì có đạo lý không bị ô nhiễm bởi hoàn cảnh xã hội. Chúng vì sao không thể nghe lời, không thể chăm sóc dạy dỗ? Vì ngày ngày bị xã hội ô nhiễm, bị truyền hình ô nhiễm. Vì thế nhà Phật thường nói đến ma, trên “Kinh Lăng Nghiêm” nói với chúng ta hiện tại xã hội này là Ma Vương nắm quyền, yêu ma quỷ quái tràn ngập cả xã hội này. Yêu ma quỷ quái là cái gì? Truyền hình, điện ảnh, mạng Internet chính là yêu ma quỷ quái. Hiện tại, tôi thấy người trẻ tuổi mặc áo có in hình đều là yêu ma quỷ quái, nhìn thấy thật đáng sợ. Từ những chỗ này đã phản ánh được những gì? Đã phản ánh được tâm lý của thanh thiếu niên hiện tại, đáng sợ. Đây là giáo dục xã hội.

“Giáo dục tôn giáo” thì bộc lộ sự mê tín. Trong Kinh điển bao nhiêu là thứ tốt như vậy mà không đem ra để nghiên cứu thảo luận, bản thân lại không thể tu học cho tốt, không thể đi khuyên bảo người khác cho tốt. Cho nên ngày nay, bốn loại giáo dục đều không còn nữa, thiên hạ sao có thể không loạn, chúng sanh sao có thể không khổ? Chúng tôi nhìn thấy, trong lòng thương xót, tâm thương xót là có, không phải không có. Chúng tôi dùng toàn tâm toàn lực để giúp đỡ xã hội này, biết rõ không thể làm mà vẫn làm, chỉ cần còn sống một ngày, tôi vẫn còn làm một ngày. Chúng tôi tại Singapore bốn năm này, nhờ có sự giúp đỡ, sự ủng hộ của cư sĩ Lý Mộc Nguyên, mà chúng tôi có thể giảng Kinh mỗi ngày tại Singapore, khiến chúng tôi có thể bồi huấn nhân tài giảng Kinh hoằng pháp tại Singapore. Bốn năm trở lại đây đã có được thành quả, các đồng học trong lớp bồi huấn của chúng tôi, đã giảng Kinh hoằng pháp lưu động ở rất nhiều Tịnh Tông Học Hội tại Malaysia, được đánh giá cao. Đây chính là nói, thành tích của chúng tôi đã được xã hội đại chúng công nhận. Gần đây, tôi có liên lạc với Pháp sư Ngộ Đạo tại Đài Loan, cũng đã nhận được thư của ông rồi, hy vọng Đài Loan sẽ mời các vị qua bên đó để giảng Kinh. Chúng ta giảng Kinh thời gian không nên quá dài, tuyệt đối không nên vượt quá một tháng, mọi người luân phiên nhau mà giảng. Tiếp đến thì tôi sẽ sắp xếp cho mọi người đi đến Úc, Mỹ, Canada và Nam Mỹ. Hy vọng sau khi được bồi huấn xong, các vị sẽ là những pháp sư quốc tế, phải hoằng dương Phật pháp, hoằng dương Tịnh Tông trên toàn thế giới. Chúng ta đến đâu cũng khuyên người làm thiện, khuyên người hồi đầu, khuyên người giác ngộ. Trong tháng mười tôi đi thăm nước Mỹ và Canada, mục đích là đi dọn đường cho các vị.

Phía trước đã nói qua với các vị, đời người ở thế gian nhất định phải có một mục tiêu thật rõ ràng. Chúng ta đã chọn ngành nghề này chính là giáo dục xã hội, nghĩa vụ dạy học. Chúng ta không mong cầu báo đáp. Là nghĩa vụ dạy học, chúng ta phải tận hết trách nhiệm này, đem giáo huấn của Phật Đà, đem những đạo lý về vũ trụ nhân sanh mà Phật Đà đã dạy bảo chúng ta, chân tướng sự thật của vũ trụ nhân sanh, chúng ta phải đem tuyên dương với cả thế giới, sẽ giúp ích cho thế giới hòa bình, giúp ích cho xã hội an định, giúp ích cho nhân dân hạnh phúc.

Hôm kia, tôi từ Úc Châu trở về. Tại Úc Châu, chúng tôi xây dựng đạo tràng nhỏ. Tôi ở tại nơi này làm một báo cáo đơn giản với quý vị, chính phủ Úc Châu đã chính thức phê chuẩn “Tịnh Tông Học Viện” của chúng ta, cái này đại khái chính là giáo dục Phật giáo, trên toàn thế giới được quốc gia công nhận là lần đầu tiên. Chúng ta không phải làm một trường học bình thường, chúng ta là làm trường học Tịnh Độ Tông. Đây là Chính phủ Úc Châu đã công nhận chúng ta, cho nên chúng ta bây giờ phải hết sức chăm chỉ đào tạo giáo viên. Tương lai trường học xây xong rồi, thì giáo viên ở đâu? Không có giáo viên thì không được, cho nên hy vọng các vị chăm chỉ nỗ lực. Dự tính của tôi là ba năm, sau hai năm thì tôi cho xây dựng trường học, vì tôi dự tính thời gian xây trường học là một năm. Sau khi trường học xây xong thì chúng ta bắt đầu khai giảng. Chúng ta chiêu sinh trên toàn thế giới. Số lượng học sinh chúng ta dự định là 100 người, vẫn là dùng quy chế lớp nhỏ, mỗi lớp chỉ có năm người, cho nên 100 người thì thành 20 lớp, vậy tôi cần có 20 vị giáo viên, là 20 vị trợ giáo. Đương nhiên không thể chỉ đặt định có 20 người như vậy, nếu như thầy giáo bị bệnh xin nghỉ phép thì phải làm sao? Cho nên chúng ta hy vọng có thể có được 30 vị giáo viên, là 30 vị trợ giáo. Tương lai ngôi trường học này đại khái tổng cộng người làm việc và cả học sinh là 200 người, tôi dự tính là 200 người. Học sinh của chúng ta toàn bộ đều được miễn phí, ăn mặc ngủ nghỉ tôi đều phụ trách cúng dường. Trong thời gian chúng ta học tập, lớp bình thường là hai năm, lớp chánh khoa thì ba năm, lớp nghiên cứu thì bốn năm. Cho nên, trong tương lai đến Úc Châu, ngôi trường này có thể lấy học sinh để làm kiểm chứng. Những sự việc này Chính phủ Úc Châu đều giúp đỡ chúng ta, đây là một tin tức vô cùng tốt lành. Bởi vì Tịnh Tông trên toàn thế giới, những đất nước khác không ít nơi đã thành lập Tịnh Tông Học Hội, nhưng Tịnh Tông Học Viện không có, thuộc về giáo dục thuần túy cơ cấu vẫn chưa có. Chúng ta nhận được sự giúp đỡ của Chính phủ Úc Châu, thứ nhất là Tịnh Tông Học Viện tại Úc Châu thành lập, thật sự bồi dưỡng nhân tài giảng Kinh hoằng pháp cho Phật môn. Nhìn trên nhu cầu thực tế, chúng ta ngoài Tịnh Độ tông ra, những tông phái khác cũng có thể mở lớp. Tương lai học viện này có thể phát học vị, có thể trao học vị. Cũng bởi vì sự liên hệ như vậy mà tôi ở Úc Châu thời gian sẽ dài một chút. Lần trước đã có hẹn qua với các vị, chúng tôi đến giờ vẫn không thay đổi gì, cứ mỗi ba tháng thì tôi sẽ ở tại Úc Châu hai tháng, thời gian một tháng còn lại, tôi sẽ đến Singapore nửa tháng, còn nửa tháng thì đến Hồng Kông. Nửa tháng trở lại đây, tôi giảng Kinh ở nơi đây là giảng liên tục mỗi ngày, giảng nửa tháng, cho nên thời gian giảng Kinh vẫn là dài như nhau, không có gián đoạn. Bởi vì chúng tôi hiện tại là mỗi một tuần giảng một lần, lần tới thời gian tôi trở lại chính là một lần giảng hai tuần, sau đó đến Hồng Kông giảng luôn hai tuần liền, rồi tôi về lại Úc Châu. Tôi dự tính mỗi ngày giảng Kinh 4 tiếng đồng hồ, thời gian này thảy thảy đều ở trong phòng thu, ở trong phòng ghi hình. Tôi dự định trước khi tôi 80 tuổi, tôi vẫn còn có thể lực như vậy, vẫn còn có tinh thần như vậy, mỗi năm giảng 300 ngày, mỗi ngày giảng 4 giờ đồng hồ. Trong vòng năm năm này tổng cộng là có 6000 giờ. 6000 giờ đồng hồ, tôi sẽ đem “bát thập Hoa Nghiêm”, “tứ thập Hoa Nghiêm”, “Kinh Pháp Hoa”, “Kinh Lăng Nghiêm”, Tịnh Độ năm Kinh một luận, tất cả giảng lại một lần, lưu vào trong băng ghi hình để cho mọi người làm tham khảo. Đồng thời trong khi giảng những Kinh này, có thể phát ở trên rất nhiều đài truyền hình trên toàn thế giới. Hiện nay chúng ta đều biết, nước Mỹ có bảy đài truyền hình đang phát chiếu Kinh giảng của chúng ta, mỗi ngày bình quân chiếu khoảng một giờ đồng hồ. Ở Hawaii cũng đang phát. Hawaii hình như là mỗi một tuần phát hai ngày, Ma Cao thì một tuần có đến bốn ngày. Đài Loan nhiều nhất, Đài Loan đại khái mỗi ngày có bốn tiếng đồng hồ, họ thì không có gián đoạn. Cho nên hiện tại chúng ta phải cung cấp cho họ những băng ghi hình này. Ngoài ra thì chúng ta làm đĩa VCD lưu hành. Đây là chiều hướng hoạt động hoằng pháp lợi sanh về sau của bản thân tôi. Các vị sẽ thắc mắc tại sao lại làm như vậy? Tôi xin nói với các vị, là Phật Bồ Tát đã an bài, cả đời tôi đều là Phật Bồ Tát thay tôi an bài. Visa của Úc Châu là một việc ngoài sức tưởng tượng, chúng tôi không nghĩ là lấy được Visa Úc Châu. Thành lập Tịnh Tông Học Viện cũng là việc chúng tôi không dám tưởng tượng, đều là thành tựu rất tự nhiên, vì vậy chúng tôi biết đây là Phật Bồ Tát đã âm thầm sắp đặt tất cả, tuyệt đối không phải người có thể làm. Tôi quen biết rất nhiều bạn bè ở Úc Châu, thậm chí là quen biết các vị quan chức cũng rất nhiều, tôi lấy được giấy Visa này cũng không ai dám tưởng tượng. Bản thân tôi cũng không tin nổi Chính phủ Úc Châu lại cấp cho tôi, cho nên tôi vô cùng cảm tạ Chính phủ Úc Châu. Có thể nói, ở Úc Châu thiên thời địa lợi nhân hòa thảy đều đầy đủ. Ba điều này quan trọng nhất là “nhân hòa”. Mối quan hệ nhân sự, tôi cùng với chính quyền liên bang, chính quyền địa phương của họ có mối quan hệ vô cùng tốt đẹp, cho nên học viện của chúng ta nhất định phải làm thành công, quyết định không thể nào thất bại. Họ có sự kỳ vọng rất lớn đối với chúng ta, chúng ta cũng phải giữ thể diện cho người Trung Quốc, không thể làm ra việc mất mặt ở hải ngoại, cho nên nhất định phải làm cho tốt ngôi học viện này.

Hôm nay tuy không có giảng đến Kinh văn, chỉ làm sự tổng kết cho một đoạn lớn phía trước. Trong sự tổng kết này điều vô cùng quan trọng, đó chính là chúng ta nhất định phải phát tâm, phải chân thật giác ngộ trở lại, phải chân thật thức tỉnh trở lại. Đời người ở tại thế gian này thời gian vô cùng ngắn tạm, không nên so đo tính toán quá đáng. Phật dạy chúng ta tùy duyên sống qua ngày, hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức, quan trọng nhất là làm sao để nâng cao cảnh giới của chính mình, đoạn ác tu thiện, chuyển mê thành ngộ, chuyển phàm thành Thánh, đây mới là sự thành tựu vĩnh hằng. Cổ nhân Trung Quốc thường hay nói là sự nghiệp bất hủ của đời người. Kỳ thực, cổ nhân Trung Quốc nói “tam bất hủ”, đó vẫn không phải là vĩnh hằng. Vì sao vậy? Địa cầu còn sanh diệt, tương lai địa cầu hủy diệt rồi, bạn lập công, lập đức, lập ngôn cũng đều bị tiêu mất theo nó luôn. Phật pháp dạy cho chúng ta tam bất hủ, đó mới thật sự là bất hủ. Tại vì sao? Cái thế giới này hoại rồi, chúng ta có thể đến tha phương thế giới, đích thực là có thể di dân đến tha phương thế giới, thế giới vô lượng vô biên đều là không gian sinh sống của chúng ta. Cho nên nâng cao cảnh giới của chính mình, nâng cao đạo đức của chính mình, làm rộng lớn trí tuệ chính mình, đây là mục tiêu chân thật của cuộc đời chúng ta, chúng ta phải nỗ lực ở ngay chỗ này. Ý nghĩa của cuộc đời chính là giúp đỡ tất cả chúng sanh khổ nạn của thế gian này. Trong sự giúp đỡ này thì quan trọng nhất là giúp đỡ họ giác ngộ.

Thích Ca Mâu Ni Phật, chúng ta biết lịch sử của Ngài, Ngài là thái tử, Ngài vì sao lại từ bỏ vương vị? Vì Ngài biết giúp đỡ tất cả chúng sanh khổ nạn thì chính trị không làm được cứu cánh, không làm được viên mãn. Chúng ta cũng thấy được trên các Kinh điển, Thích Ca Mâu Ni Phật khi còn trẻ võ nghệ cao cường, Ngài có thể làm tướng quân, có thể làm nguyên soái, nhưng Ngài cũng không làm, vì Ngài biết giúp đỡ chúng sanh khổ nạn, quân sự làm không được. Sau cùng Ngài nghĩ được một phương pháp, Ngài theo đuổi công tác giáo dục xã hội, cả một đời là người làm công tác giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa. Điều này thật quá hay, tinh thần dạy học của Ngài càng đáng để cho chúng ta noi theo. Ngài tại thế gian này trong suốt 49 năm, ngày ngày đều dạy mọi người học không hề gián đoạn. Ngài mỗi ngày lên lớp 8 giờ đồng hồ. Thể lực của chúng ta không bằng Ngài. Tôi hiện tại chỉ có thể lên lớp 4 giờ đồng hồ, 8 giờ thì tôi làm không nổi. Ngài đích thực là tấm gương tốt của chúng ta, 49 năm dạy học chưa hề gián đoạn qua. Cho nên, chúng ta là lấy việc dạy học làm chủ yếu nhất, trong xã hội những sự nghiệp phúc lợi khác là trợ hạnh của chúng ta, chúng ta cũng làm, nhưng chúng ta chủ yếu vẫn là làm công tác giáo dục, chủ yếu là dạy học. Có thể có được cái duyên phận, tại Úc Châu chính thức làm một ngôi trường, đây đích thực là nhân duyên hiếm có. Phật Bồ Tát an bài cho chúng ta, vậy thì chúng ta nhất định phải chăm chỉ nỗ lực mà làm.

Về việc có lòng chăm chỉ tu học pháp môn này, cầu sanh Tịnh Độ, tại Singapore những năm gần đây đã có rất nhiều trường hợp, chúng ta tận mắt nhìn thấy. Vào hai tháng trước, chúng ta còn có một vị liên hữu biết trước ngày giờ vãng sanh, tên gì thì tôi không nhớ. Cư sĩ Lý Mộc Nguyên nói với tôi, người nhà của bà thì tôi đã có gặp qua, con gái và con dâu của bà tôi đã có gặp qua. Lão bà đã nói với người nhà của mình, đúng năm giờ sáng ngày mai bà sẽ vãng sanh Cực Lạc Thế giới, đặc biệt thông báo với người nhà của bà. Bà không phải là chết, bà đi đến Cực Lạc Thế giới, đúng 5 giờ sáng ngày mai sẽ đi. Đến buổi sáng ngày hôm sau, tôi nghe nói hơn 3 giờ thì bà đã thức dậy rồi, tắm gội sạch sẽ thay y phục, tất cả chuẩn bị xong rồi, quả thực là đúng 5 giờ thì bà ra đi, vì vậy cả nhà bà đều đã tin Phật. Những sự việc như vậy mấy năm gần đây ở Singapore có rất nhiều. Còn có trường hợp cao minh hơn nữa là có thể kéo dài rút ngắn thời gian. Năm ngoái, có một vị vãng sanh, một lão bà đến tìm cư sĩ Lý Mộc Nguyên và nói rằng, sau khi bà đi rồi, xin Lý cư sĩ giúp bà lo hậu sự. Thời gian này đúng vào lúc ông phải đi ra nước ngoài, cho nên cư sĩ Lý Mộc Nguyên đã nói với bà: “Hay là bà đi sớm vài ngày đi, tôi thay bà lo liệu xong hậu sự rồi tôi mới đi, hoặc là đợi đến lúc tôi quay trở về nước rồi giúp bà lo hậu sự”. Bà cụ này rất hiếm có, nói là sẽ đi sớm hơn. Lý Mộc Nguyên giúp bà lo liệu xong mọi sự, đại khái là làm xong trước ngày ông xuất ngoại là ba ngày, rồi ông đi nước ngoài lo việc. Đây là sanh tử tự tại, muốn dời lại mấy ngày sau cũng làm được, muốn sớm hơn vài ngày cũng không chướng ngại, đây gọi là chân thật thành tựu trong việc học Phật. Bà vì sao mà có thể tự tại như vậy? Chúng ta tỉ mỉ mà quan sát trở lại, vị đồng tu này thường ngày xử sự đối người tiếp vật, lúc bà còn chưa vãng sanh, chúng ta không có chú ý, không có nghĩ đến; sau khi bà đi rồi chúng ta suy nghĩ kỹ lại, người này có tâm địa thanh tịnh, bình đẳng, từ bi. Chúng tôi nghe nói con dâu của bà đối xử với bà vô cùng tệ, người con dâu chính mình cũng thừa nhận, nhưng bà lại khen ngợi con dâu đối với người bên ngoài, con dâu tôi tốt lắm, rất là hiếu thuận, xưa nay chưa hề nói một câu ác ý đối với con dâu bà. Chúng ta từ chỗ này nhìn thấy được là tâm thanh tịnh, chỉ nhớ việc thiện của người, không nhớ việc ác của người, ở điểm này bà đã làm được. Nói một cách khác, quyết định không thể đem những việc bất thiện của người khác để ở trong lòng của mình, thì thông minh đến cùng cực, đây là trí tuệ chân thật. Thanh tịnh, bình đẳng, từ bi, bà vãng sanh có thể tự tại, có cái đạo lý tự tại của bà.

Hôm nay thời gian đã hết, chúng tôi chỉ giới thiệu đến đây.

A Di Đà Phật…

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 243)

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Thời gian: Khởi giảng năm 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây Cư Sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ