Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 236)

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 236)
**************** Khoa “Vấn thành Phật tiền hậu”. Kinh văn: “A Nan văn Phật sở thuyết, bạch Thế Tôn ngôn: “Pháp Tạng Bồ Tát, thành Bồ Đề giả, vi thị quá khứ Phật da, vị lai Phật da, vi kim hiện tại tha phương thế giới da””. Đây là A Nan Tôn Giả thỉnh giáo với Thế Tôn. Phía trước đã nói đến Pháp Tạng Tỳ Kheo tu hành chứng quả đã xây dựng Tây Phương Cực Lạc Thế giới y chánh trang nghiêm, giúp đỡ chúng sanh hữu duyên ở mười phương, cung cấp cho họ đạo tràng tu học thù thắng nhất. Sự việc này Phật đã nói được rất là rõ ràng. A Nan cũng là hỏi thay cho chúng ta, Pháp Tạng Bồ Tát thành Phật là Phật quá khứ hay là Phật vị lai, hay là Phật hiện tại ở thế giới tha phương? Đương nhiên sự việc này là điều mà chúng ta bức bách cần phải nên biết. Chúng ta lại tiếp tục xem đến Thế Tôn trả lời: Kinh văn: “Thế Tôn cáo ngôn: “Bỉ Phật Như Lai, lai vô sở lai, khứ vô sở khứ, vô sanh vô diệt, phi quá hiện vị lai””. Ý nghĩa của đoạn này rất sâu. A Nan tôn giả là từ trên hình tướng mà đặt câu hỏi, Thế Tôn là như lý mà trả lời, hiển hiện cái nghĩa đế thứ nhất của trung đạo. Thích Ca Mâu Ni Phật nói với A Nan tôn giả rằng: “Bỉ Phật Như Lai”. Chữ “bỉ Phật” này

****************

Khoa “Vấn thành Phật tiền hậu”.

Kinh văn: “A Nan văn Phật sở thuyết, bạch Thế Tôn ngôn: “Pháp Tạng Bồ Tát, thành Bồ Đề giả, vi thị quá khứ Phật da, vị lai Phật da, vi kim hiện tại tha phương thế giới da””.

Đây là A Nan Tôn Giả thỉnh giáo với Thế Tôn. Phía trước đã nói đến Pháp Tạng Tỳ Kheo tu hành chứng quả đã xây dựng Tây Phương Cực Lạc Thế giới y chánh trang nghiêm, giúp đỡ chúng sanh hữu duyên ở mười phương, cung cấp cho họ đạo tràng tu học thù thắng nhất. Sự việc này Phật đã nói được rất là rõ ràng. A Nan cũng là hỏi thay cho chúng ta, Pháp Tạng Bồ Tát thành Phật là Phật quá khứ hay là Phật vị lai, hay là Phật hiện tại ở thế giới tha phương? Đương nhiên sự việc này là điều mà chúng ta bức bách cần phải nên biết. Chúng ta lại tiếp tục xem đến Thế Tôn trả lời:

Kinh văn: “Thế Tôn cáo ngôn: “Bỉ Phật Như Lai, lai vô sở lai, khứ vô sở khứ, vô sanh vô diệt, phi quá hiện vị lai””.

Ý nghĩa của đoạn này rất sâu. A Nan tôn giả là từ trên hình tướng mà đặt câu hỏi, Thế Tôn là như lý mà trả lời, hiển hiện cái nghĩa đế thứ nhất của trung đạo. Thích Ca Mâu Ni Phật nói với A Nan tôn giả rằng: “Bỉ Phật Như Lai”. Chữ “bỉ Phật” này chính là xưng Phật A Di Đà. “Lai vô sở lai, khứ vô sở khứ”, đây là cảnh giới trên quả địa của Pháp Thân Đại Sĩ và Như Lai, đây mới là chân tướng của vũ trụ nhân sanh.

Người thế gian chúng ta, đặc biệt là người có tín ngưỡng tôn giáo không thể không truy cầu sự vĩnh hằng. Bốn câu nói này của Phật chính là nói rõ sự vĩnh hằng, nói rõ chân tướng sự thật. Sự việc này thật không dễ gì lý giải được, nhưng chí ít chúng ta cũng phải có đủ lòng tin chân thành, chúng ta mới có thể tu hành chứng quả. Nếu như đối với sự việc này mà có nghi hoặc, vậy thì Phật đã nói ở trên Kinh rằng, đây là chướng ngại tu hành nghiêm trọng nhất của Bồ Tát. Gốc rễ của những phiền não là tham sân si mạn nghi, nghi có nghĩa là gì? Đó là nghi ngờ sự việc này. Hoài nghi những sự việc khác thì không nghiêm trọng, đối với sự việc này mà hoài nghi thì làm cho Bồ Tát tu hành không thể phá vô minh chứng pháp thân. Chúng ta cũng biết, trên “Kinh Hoa Nghiêm” có nói: “Phá một phẩm vô minh chứng một phần pháp thân”, đây là Viên giáo Sơ trụ Bồ Tát. Nếu như Bồ Tát đối với chân tướng sự thật này có hoài nghi, họ sẽ không có cách nào phá vô minh. Do vậy, chúng ta đối với sự việc này quyết định là phải ngưỡng tín.

Thông thường tôn giáo nói vĩnh hằng chỉ nói đến Linh, Linh hồn. Chúng ta nói đến Linh hồn, người nước ngoài nói là Linh. Họ biết được rằng Linh là bất sanh bất diệt, nhưng mà Linh có lai có khứ, nó không có sanh diệt, nó có đến có đi, thế gian dường như tất cả tôn giáo đều nói đến, trong Phật giáo chúng ta cũng có nói. Trong Phật giáo chúng ta không gọi nó là Linh, cũng không gọi nó là Linh hồn, mà gọi nó là “A Lại Da Thức”. Con người chúng ta đến thế gian này, Phật nói ở trên Kinh: “Lai tiên khứ hậu tác chủ công”. Đi đến thế gian này đầu thai, nó đến trước nhất, nó đến nhập vào thai, sau khi người qua đời nó rời khỏi sau cùng. Cho nên chúng ta phải nên hiểu, con người sau khi dứt hơi, đã ngừng hơi thở rồi, “A Lại Da Thức” chưa hẳn rời khỏi. Cho nên Tổ sư Đại đức nhiều lần dạy bảo chúng ta, sau khi tắt hơi trong vòng 8 giờ đồng hồ không được sờ vào họ, không được đụng chạm vào họ. Vì sao vậy? Sợ “A Lại Da Thức” của họ chưa rời khỏi, trong thời gian này họ vẫn còn có tri giác, vẫn còn có hỉ nộ, ngộ nhỡ họ không vui, cái tâm sân khuể lại sinh khởi thì sẽ làm hại đến họ rất lớn. Con người sau khi chết, trong Phật giáo nói lục đạo luân hồi, họ rốt cuộc đi vào cái đạo nào quyết định ở một niệm cuối cùng. Một niệm sau cùng sinh sân khuể thì quyết định đọa tam ác đạo. Chúng ta nhất định phải có cái thường thức này. Nhưng vì để an toàn, tốt nhất sau khi đã ngừng hơi thở có thể trong vòng 10 đến 12 tiếng đồng hồ không đụng chạm vào họ, đây mới là an toàn nhất. Nhà Phật gọi là A Lại Da, cũng còn gọi là “Thần thức”, “Thần thức” chính là “A Lại Da Thức”. Ở Trung Quốc, danh từ thường dùng cũng không gọi là linh hồn, người Trung Quốc gọi là hồn phách.

Khổng Lão Phu Tử ở trong “Kinh Dịch – Hệ Từ Truyền” đã nói rất có đạo lý, Ngài nói: “Du hồn vi biến, tinh khí vi vật”. Hai câu nói này của Phu Tử nói rõ, thế gian này, động vật (động vật là bao gồm con người chúng ta), thực vật, khoáng vật là từ đâu mà đến. Hai câu nói trên “Kinh Dịch” đã nói rõ chân tướng sự thật này, hết thảy tất cả động vật là “du hồn vi biến”, thực vật khoáng vật là “tinh khí vi vật”. Nói được rất cao minh. Cách dùng từ ngữ không giống với cách Phật đã nói ở trên Kinh điển, nhưng ý thì giống, chúng ta không thể không thừa nhận trí huệ của Khổng Lão Phu Tử. Cảnh giới của Khổng Lão Phu Tử không phải là người phàm, người phàm không nói ra được. Phu Tử gọi là “Du hồn” rất có đạo lý. Phật ở trên Kinh nói với chúng ta, “A Lại Da Thức” là động, nó không phải là đứng im, vả lại tốc độ còn vô cùng lớn, tốc độ rất lớn. Chúng ta niệm Phật vãng sanh, gọi là đới nghiệp vãng sanh, vậy đới nghiệp vãng sanh chưa kiến tánh, ai đến Cực Lạc Thế giới để thọ sanh? “A Lại Da Thức”. Người mà niệm Phật vãng sanh, “A Lại Da Thức” rời khỏi cái thân thể này của mình đến Cực Lạc Thế giới hoa sen hóa sanh. Cực Lạc Thế giới cách nơi này của chúng ta là bao xa vậy? Trên Kinh Thế Tôn nhiều lần nói với chúng ta, Ta Bà Thế giới và Cực Lạc Thế giới cách nhau mười vạn ức quốc độ Phật. Cự ly này quá xa. Một quốc độ Phật chính là khu giáo hóa của một vị tôn Phật, trên Kinh Phật thường gọi là “tam thiên đại thiên thế giới”, đây là khu giáo hóa của một tôn Phật.

Cái “tam thiên đại thiên thế giới” này rốt cuộc là bao lớn? Trước đây chúng tôi đã từng giới thiệu qua với chư vị, ở chỗ này thì không cần nói lại, chúng tôi khái lược mà nói. Hiện tại khoa học gia quan sát vũ trụ của chúng ta, họ phát hiện cách hành tinh trong không gian vận hành theo một nguyên tắc y như cũ, giống như là có sự tổ chức, như là hành tinh địa cầu này xoay quanh mặt trời, chúng ta thì gọi là tinh hệ, quay quanh mặt trời chúng ta gọi đó là hệ mặt trời. Mặt trời lại xoay chung quanh ngân hà, chúng ta gọi đây là đại tinh hệ, gọi là hệ ngân hà. Hệ ngân hà có xoay quanh một tinh hệ lớn hơn nữa hay là không? Hiện tại các nhà thiên văn học chưa có phát hiện. Trong quá khứ, chúng ta thông thường đều cho rằng hệ ngân hà chắc là “tam thiên đại thiên thế giới” mà Phật đã nói ở trên Kinh, là một quốc độ Phật.

Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ trong “Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh giải” của ông sau cùng có một đoạn văn chương, năm ngoái tôi đến Bắc Kinh, ông đã tặng cho tôi. Ông nói ông không kịp viết vào trong quyển chú giải, hy vọng tôi in quyển chú giải này thì đem nó in đằng sau, để cung cấp cho các vị làm tham khảo. Căn cứ nghiên cứu cách nhìn của ông, ông nói hệ ngân hà là đơn vị thế giới mà Phật đã nói với chúng ta ở trên Kinh. Việc này trước giờ chúng tôi chưa từng nghĩ qua. Nếu như hệ ngân hà là một đơn vị thế giới, một quốc độ Phật thì số lượng nhiều rất đáng kể. Tại vì sao? Một cái tiểu thiên thế giới là một nghìn cái đơn vị thế giới, nói một cách khác, một nghìn hệ ngân hà chỉ mới là một tiểu thiên thế giới mà Phật nói trên Kinh. Lấy tiểu thiên thế giới làm đơn vị, một nghìn tiểu thiên thế giới là một trung thiên thế giới. Sau đó lại lấy trung thiên thế giới làm đơn vị, một nghìn trung thiên thế giới thì được một đại thiên thế giới, khu giáo hóa của một tôn Phật. Nếu như dựa theo cách tính này, một đại thiên thế giới là bao nhiêu hệ ngân hà? Một tỉ hệ ngân hà. Khoa học gia ngày nay của chúng ta, phạm vi mà máy móc thiết bị khoa học có thể thăm dò thì còn quá nhỏ, còn chưa ra khỏi phạm vi của tiểu thiên thế giới. Phạm vi này lớn đến như vậy. Ở bên kia mười vạn ức đại thiên thế giới mới là Cực Lạc Thế giới của Phật A Di Đà, các vị suy nghĩ xem, khoảng cách này bao xa. Hiện nay chúng ta đang nói con số thiên văn, con số của thiên văn còn vẫn chưa có cách nào để mà ví dụ, nhưng mà các vị phải nên biết, thần thức của chúng ta trong nháy mắt thì đã đến rồi, cho nên Phu Tử nói “Du hồn vi biến” là rất có đạo lý.

Nói “Du hồn” là chính xác, nếu như nói “linh” thì không chính xác. Vì sao lại không chính xác? Nếu như cái hồn này linh mà nói, các vị nghĩ xem, đi đến thế gian này đầu thai, ai mà chịu đầu thai vào trong nhà nghèo khổ chứ? Nếu nói là linh thì tự mình có thể lựa chọn, nhất định lựa vào nhà đại phú đại quý, sinh ra được hưởng phước. Khi đến để đầu thai còn không làm chủ được, cái hồn này không linh, cho nên nhà Phật gọi cái hồn này là “mê hồn”. Mê hồn thì điên đảo. Nhà Phật thì nói là hồn không linh, nó mê, cho nên nó mới đi đến lục đạo để luân hồi, nhất là trong tam ác đạo. Nếu như là linh thì nó làm gì chạy vào tam ác đạo đầu thai? Sự việc này là không thể nào. Phu tử không có nói nó là mê, mà nói nó là du, nó động, nói cái động thái của nó. Việc này miêu tả rất hay. Cho nên, tốc độ của nó rất lớn. Nhưng chư vị phải nên hiểu, nó có đến có đi. Chúng ta nói nó không sanh không diệt, cái không sanh không diệt này là nói cho dễ hiểu, không phải là thật. Nếu nói thật sự, thật sự nó cũng có sanh diệt, chẳng qua nếu như nó giác ngộ triệt để thì nó diệt rồi, nếu như còn chưa giác ngộ triệt để thì nó tồn tại. Chúng ta có thể nói bản thân cái du hồn này của chúng ta từ vô lượng kiếp cho đến ngày nay, tương lai nếu như không thể vãng sanh Tây Phương Cực Lạc Thế giới, thì thời gian ở trong lục đạo vẫn còn rất dài. Việc này chúng ta nhất định phải nên biết được. Nó sau khi diệt rồi thì là cái gì? Nó sau khi diệt rồi thì là chân như tự tánh. Thế Tôn ở trên Đại Kinh đã nói với chúng ta, chúng ta đã mê mất bản tánh, đã mê mất tự tánh. Tự tánh thì gọi là A Lại Da, cho nên thể của A Lại Da là chân như tự tánh, cũng chính là chân như tự tánh đã mang một phần mê tình mê chấp thì gọi là A Lại Da. Cái phần mê này nếu như mà triệt để phá trừ, thì A Lại Da gọi là chân như gọi là tự tánh. Do đây mà biết, A Lại Da vốn không có diệt, nó là một sự chuyển biến. Một sự chuyển biến, biến thành chân như tự tánh, chân như tự tánh đã mê rồi thì biến thành A Lại Da, thật sự là nó không có sanh diệt.

Nói đến tự tánh, tự tánh không có khứ lai, đích thực là “lai vô sở lai, khứ vô sở khứ”, đây là nói tự tánh. Tự tánh là Như Lai, Phật ở trên Kinh Đại Thừa dùng những danh tướng này, cũng như cư sĩ Giang Vị Nông ở trong quyển “Kinh Kim Cang giảng nghĩa” đã nói với chúng ta, “Kinh Kim Cang” có lúc thì nói là “Phật”, có lúc nói là “Như Lai”, tại sao mà không nói hết là “Phật” hoặc nói hết là “Như Lai”, vì sao mà có lúc nói “Phật”, có lúc nói “Như Lai”? Giang cư sĩ nói với chúng ta, phàm mà nói “Phật” là từ trên sự mà nói, từ trên tướng mà nói; phàm mà nói “Như Lai” là từ trên tánh mà nói. Có một sự khác biệt như vậy.

“Bỉ Phật Như Lai”, đây là tánh tướng hợp lại mà nói. Ý nghĩa đó thì rất sâu. Tánh không có sanh diệt, tướng cũng không có sanh diệt; tánh không có khứ lai, tướng cũng không có khứ lai. Đạo lý này rất là sâu, Thế Tôn ít khi nói đến ở trên Kinh, những lời này đều là để nói với chư vị Bồ Tát, nói với bậc thượng căn lợi trí, còn với người căn tánh trung hạ thì Phật rất ít nói lời này. Tại sao vậy? Phật nói những lời này, chúng ta nghe xong sẽ nghi hoặc, bạn nói tánh không sanh không diệt, nói A Lại Da không có sanh diệt, chúng ta nghe xong còn có thể tiếp nhận được. Cái nhục thân này của chúng ta chết rồi, thần thức của chúng ta đi đầu thai chúng ta có thể tiếp nhận. Thần thức của chúng ta không sanh không diệt, thân của chúng ta có sanh diệt có sanh tử, có thể tiếp nhận. Nếu như nói thân cũng không có sanh diệt, không có sanh tử, thì chúng ta không thể tiếp nhận. Chúng ta thấy được động vật có sanh lão bệnh tử, thực vật, khoáng vật có sanh trụ dị diệt, làm sao lại không sanh không diệt? Lời Phật nói là lời chân thật. Nhục nhãn chúng ta nhìn hiện tượng của tất cả người sự vật thế gian này đã sai rồi. Quan sát của Phật là chính xác. Không những là tánh không sanh không diệt, mà tướng cũng không sanh không diệt. Đây là việc chính xác. Tại sao mà nói tướng không sanh không diệt? Bởi vì tướng không phải là thật có. Trong “Kim Cang Bát Nhã” đã nói rất hay: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, nó không phải là thật, có sanh có diệt. Chúng ta đã ngộ nhận nó là thật, chúng ta đem những tướng hư vọng này xem là chân thật, đây là một cái sai lầm lớn nhất của chúng ta, là sai lầm căn bản của chúng ta. Con người chúng ta ngã chấp, pháp ngã chấp, đều là từ sự quan sát sai lầm này mà sinh ra, thế là cái sai lầm này đã dẫn dắt chúng ta đời đời kiếp kiếp không thể giải thoát, tạo thành trường kiếp luân hồi. Đây là một cách nhìn sai lầm, một cách nghĩ sai lầm. Phật ở trên “Kinh Lăng Nghiêm” đã nói với chúng ta lời chân thật, nói thật những hiện tượng này là cái gì? Phật nói: “Đương xứ xuất sanh tùy xứ diệt tận”. Chân tướng sự thật này chúng ta mãi mãi cũng không có cách nào quan sát được. Hiện nay khoa học kỹ thuật tuy là đã phát triển đến như vậy vẫn là không có cách nào quan sát được. Phật nói với chúng ta, tất cả những hiện tượng hư không pháp giới đều là Sát Na sanh diệt. Thời gian của nó quá nhanh quá ngắn, dường như là sanh diệt cùng lúc, nói sanh thì đã diệt rồi, nói diệt thì lại sanh, sanh diệt đã cùng lúc, cho nên Phật liền dùng một cái danh từ để nói là “bất sanh bất diệt”. Chư vị phải hiểu rằng, nếu như thật sự không có sanh diệt, thì câu nói bất sanh bất diệt này nói ra chẳng có tác dụng gì, không có ý nghĩa. Xác thực là có sanh diệt, sanh diệt dường như là cùng lúc, cho nên mới nói bất sanh bất diệt. “Bất sanh bất diệt”, câu nói này có thể giải thích là “sanh diệt đồng thời”, “diệt sanh đồng thời”. Chúng ta hiện tại nhìn thấy tất cả tướng cảnh giới là tướng tương tục của sanh diệt cùng lúc, không phải thật tướng.

Cái tướng tương tục này thì như chúng ta xem chiếu phim, dùng chiếu bóng để làm ví dụ, chư vị có thể có được cái khái niệm rõ ràng hơn. Máy chiếu phim điện ảnh chiếu ra những tấm phim, chúng ta đều đã biết, những tấm phim đặt trong máy chiếu phim, ống kính của máy chiếu phim mở ra thì tấm phim này được chiếu ra ngoài, ống kính vừa đóng lại thì nhanh chóng đổi sang tấm phim thứ hai, ống kính lại mở ra tấm phim thứ hai liền chiếu ra, tốc độ của nó trong một giây là 24 tấm. Trong một giây, cái ống kính này đóng mở 24 lần, mỗi lần chiếu một tấm, trong một giây liên tục chiếu 24 tấm, tướng tương tục. Chúng ta thì nhìn thấy hình ảnh ở trên màn hình thì giống như là thật vậy, nói một cách khác, con mắt của chúng ta đã bị đánh lừa, không có nhìn thấy được chân tướng, nhìn thấy là cái tướng hư huyễn tương tục. Phật nói với chúng ta, cuộc sống hiện nay của chúng ta ở tại thế gian này, sáu căn đã tiếp xúc với cảnh giới sáu trần chính là cái loại tướng hư huyễn tương tục này. Tốc độ của cái tướng tương tục này so với máy chiếu phim thì nhanh hơn nhiều. Máy chiếu phim điện ảnh một giây mới có 24 tấm, Phật nói rõ với chúng ta tốc độ này nhanh cỡ nào? Ở trong “Kinh Nhân Vương Bát Nhã Ba La Mật” có nói rằng, một cái búng tay 60 sát na, một sát na có 900 lần sanh diệt. Đây cũng giống như là cái ống kính của chúng ta đóng mở. Chúng ta liên tục búng tay, chúng ta búng cho thật nhanh thì một giây ta có thể búng bốn lần, các vị nghĩ thử xem 4 nhân 60 lại nhân 900, thì được đúng 216.000 lần. Trong một giây đồng hồ có 216.000 lần sanh diệt, chúng ta làm sao có thể nhìn ra cho được? Cho nên hiểu lầm mà cho rằng cái cảnh giới này là chân thật, không biết rằng nó sanh diệt từng sát na. Bạn phải chân thật hiểu rõ đạo lý này, bạn mới hiểu được tánh không sanh không diệt, tướng cũng không sanh không diệt, tánh không có khứ lai, tướng cũng không có khứ lai, cho nên nói tánh tướng không hai, bạn mới có thể nhập bất nhị pháp môn. Tánh tướng là hai thì bạn chưa có giác ngộ. Tánh tướng quả thực không hai. Phật đã nói một sát na 900 lần sanh diệt là chân thật nói hay là phương tiện nói? Tôi học tập, tôi cho rằng Phật vẫn là phương tiện nói. Nếu như chân thật nói thì tốc độ còn nhanh hơn như vậy rất nhiều. Chúng tôi có thể chứng minh điều này. Mục đích mà Phật thuyết pháp là dạy chúng ta hiểu rõ tất cả pháp “đương xứ xuất sanh tùy xứ diệt tận”, không có sanh diệt khứ lai, chỉ cần hiểu được ý nghĩa này, mục đích mà Phật thuyết pháp đã đạt được rồi. Rốt cuộc tốc độ đó nhanh đến mức độ nào vậy? Đến lúc thì tự bạn sẽ hiểu rõ được, không cần phải giảng giải. Khi nào thì bạn hiểu được? Trên Kinh Đại Thừa Phật nói Viên giáo Bát địa Bồ Tát. Bát địa Bồ Tát (còn gọi là bất động địa) nhìn thấy được tình trạng động tác chuyển biến của A Lại Da, Thất địa Bồ Tát còn chưa thấy được, bạn mới hiểu được cái định công này sâu đến cỡ nào. Chân tướng vũ trụ nhân sanh, từ Bát Địa trở lên mới đích thân chứng được, đích thân nhìn thấy, Thất Địa trở xuống nghe giáo huấn của Phật, tự mình cũng có thể chứng được, nhưng chỉ phảng phất chứng được, chưa có nhìn thấy chân tướng sự thật. Tỉ như trên “Kinh Nhân Vương” Phật đã giảng một sát na có 900 lần sanh diệt, tôi tin cái cảnh giới 900 lần sanh diệt này, Viên Giáo Sơ Trụ Bồ Tát nhất định chứng được. Chân tướng sự thật mà Bát địa Bồ Tát nhìn thấy quyết định không chỉ 900 lần sanh diệt. Sau khi hiểu rõ chân tướng này, nhân sanh quan của chúng ta (hiện nay gọi là giá trị quan) đã thay đổi rồi, chúng ta đi đến thế gian này mục đích là gì, ý nghĩa là gì đều không như nhau.

Sau khi chân thật hiểu rõ chúng ta có thể nói một câu tổng kết, chúng ta đi đến thế gian này để làm cái gì? Đến để học tập. Cổ Đại đức Trung Quốc nói rất có đạo lý, sống đến già học đến già, học không hết. Lời nói này rất có đạo lý. Chúng ta là đến để học tập, đời đời kiếp kiếp đều là đến để học tập. Học tập đến một tầng bậc nhất định thì sẽ xuất tam giới, lại nâng lên cao thì xuất thập pháp giới. Chúng ta đem việc học Phật mà nói, từ sơ phát tâm đến Đẳng Giác Bồ Tát đều đang học tập, không có sự việc gì khác. Học tập từ chỗ nào? Học tập từ trong cuộc sống, học tập từ trong công việc, học tập từ trong xử sự đối người tiếp vật. Học gì vậy? Học giác ngộ. Trong Phật pháp, mọi người chúng ta khi thọ Quy y, truyền thọ tam bảo “Giác - Chánh - Tịnh”, học giác ngộ, học chánh tri chánh kiến, học tịnh mà không nhiễm, ba câu nói này:

Quy y Phật, giác mà không mê.

Quy y Pháp, chánh mà không tà.

Quy y Tăng, tịnh mà không nhiễm.

Chúng ta đời đời kiếp kiếp, mọi lúc mọi nơi là học ba câu này. Chúng ta học tập tiêu chuẩn là ở chỗ nào? Tất cả Kinh điển Phật giảng là tiêu chuẩn. Tấm gương học tập ở chỗ nào? Thích Ca Mâu Ni Phật ba nghìn năm trước đản sanh tại thế gian chúng ta, đã làm tấm gương cho chúng ta, làm mô phạm tốt nhất, bát tướng thành đạo; lịch đại chư vị Bồ Tát tổ sư Đại đức, không một ai không làm tấm gương tốt cho chúng ta, chúng ta có thể nhìn ra được không? Chúng ta có thể thể hội được hay không? Bạn quả nhiên mà nhìn thấy được, bạn thể hội được thì bạn sẽ học được. Nếu như bạn nhìn không ra, thể hội không được, bạn vẫn là không có cách nào để học, bạn học không được, cho dù muốn học, bạn học cũng không giống, không giống một con người giác ngộ, không giống một con người chánh tri chánh kiến, không giống một con người thanh tịnh vô nhiễm. Cho nên, trước tiên bạn phải biết nhìn. Cách thức thị hiện của Thích Ca Mâu Ni Phật nhìn ra được rồi, Thích Ca Mâu Ni Phật thuyết pháp ta nghe cũng hiểu được rồi, “nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa”. Không những Thế Tôn giảng Kinh thuyết pháp chúng ta nguyện giải chân thật nghĩa của Ngài, mà mọi thứ Thế Tôn Ngài thị hiện chúng ta cũng phải giải chân thật nghĩa.

“Bồ Tát học xứ”, chúng ta những người phát tâm học Phật đều là Bồ Tát, mọi người đều là Bồ Tát, Bồ Tát sơ phát tâm. “Học xứ”, bạn đi đến đâu để học? Bạn học cái gì? Cách học của bạn như thế nào? Việc này ở trong Kinh điển đều đã dạy chúng ta mọi mặt của vấn đề, chúng ta phải tỉ mỉ để quan sát, cho nên ý nghĩa bên trong câu nói này là rất sâu rất rộng.

“Quá khứ, hiện tại, vị lai”, đây là ảo giác của phàm phu, quyết định không phải là chân thật. Kinh luận của pháp tướng duy thức tông, khóa trình nhập môn, khóa trình cơ bản, chư vị đều biết, “Bách pháp minh môn luận” là Thiên Thân Bồ Tát tạo ra, đây là khóa trình của pháp tướng nhập môn. Trong Bách pháp quy nạp lại thành năm đại loại, Bách pháp là đem tất cả pháp thế xuất thế gian quy nạp thành 100 loại, để tiện việc dạy học, 100 đại loại này lại quy nạp thành 5 đại loại.

Đại loại thứ nhất là “Tâm pháp”, nói Bát thức Bát Tâm Vương, nói tâm pháp.

Đại loại thứ hai là “Tâm sở pháp”, đây chính là Bát Tâm Vương chỗ nó đã khởi tác dụng, hiện nay chúng ta nói là tác dụng tâm lý. Có thể phân làm 51 loại tác dụng tâm lý.

Đại loại thứ ba là “Sắc pháp”. “Sắc pháp” là thuộc về vật chất, chúng ta nói tâm và vật, người hiện nay nói là duy tâm, duy vật. Đại loại thứ ba giảng về vật, vật chất.

Đại loại thứ tư là “Tâm bất tương ưng hành pháp”, đích thực nó tồn tại những pháp này, nó cũng khởi tác dụng. Pháp của loại này nó không phải là “tâm pháp”, nó cũng không phải là “tâm sở pháp”, nó cũng không phải là “sắc pháp”, nhưng mà nó cùng với tâm sở sắc pháp có mối quan hệ với nhau, cho nên mới lập thành một loại là “tâm bất tương ưng hành pháp”. “Tâm bất tương ưng”, người hiện nay nói là “khái niệm trừu tượng”, là trừu tượng không có sự thật. Phật nói với chúng ta, không gian là khái niệm trừu tượng, không phải sự thật; thời gian cũng là khái niệm trừu tượng, không phải sự thật. Ở trong 24 điều bất tương ưng này, “phương phân” (phương là nói bốn bề trên dưới, đây là nói không gian), “thời phân” (thời phân là thời gian) là nói “quá khứ, hiện tại, vị lai”, đều liệt vào trong bất tương ưng hành pháp. Cho nên phải hiểu được đây là một khái niệm trừu tượng, chúng ta ngày nay nói “nó từ đâu mà đến, sẽ đi về đâu”.

“Quá khứ, hiện tại, vị lai” đều là khái niệm trừu tượng, không phải sự thật. Hiện tại khoa học phát triển, thông tin phát triển, giao thông thuận tiện, chúng ta biết hiện tại có chênh lệch thời gian. Singapore chúng ta bên này là buổi tối, bạn có khẳng định địa cầu chúng ta hiện giờ là buổi tối hay không? Nước Mỹ giờ đang là ban ngày, làm gì mà tối chứ? Cho nên, nếu bạn nói địa cầu đang buổi tối là đúng, không sai, nói địa cầu hiện tại là ban ngày, mặt trời đang chiếu sáng cũng không có sai, người hiện đại đều hiểu. Nếu như ngày trước, vào thời kỳ chưa mở cửa, hiện tại là buổi tối, nếu bạn nói mặt trời vẫn đang chiếu cái địa cầu chúng ta, người ta sẽ mắng bạn, người ta sẽ nói bạn ăn nói vớ vẩn. Chúng ta đang ở nơi này là xích đạo, một ngày 24 giờ đồng hồ, nếu như bạn mà sống ở Nam cực hay Bắc cực, một ngày là 360 ngày. Nam - Bắc cực chư vị đều biết, nửa năm ban ngày, nửa năm ban đêm. Bạn ở Nam cực hay Bắc cực, nếu như nói một ngày đêm gọi là một ngày, thì một ngày ở Nam cực - Bắc cực là một năm của chúng ta ở nơi này. Hiện tại những sự thật này, chúng ta đều đã hiểu đều đã biết. Trên địa cầu này mà đã có sự chênh lệch lớn đến như vậy, rời khỏi địa cầu ra những tinh cầu khác, thời gian không gian thì càng khác xa. Phải hiểu được đây là khái niệm trừu tượng, quyết định không phải là sự thật. Cho nên Phật trả lời A Nan tôn giả là từ trên chân tướng sự thật mà nói với Ngài. Chỗ mà A Nan tôn giả hỏi là dấu vết ở trong khái niệm của phàm phu chúng ta. Phật y theo Nhị đế mà thuyết pháp. A Nan hỏi là y theo Tục đế, Phật trả lời là y theo Chân đế. Việc này mới là chân tướng sự thật. Bây giờ chúng ta cần tham cứu thảo luận sâu hơn một chút nữa.

“Bỉ Phật Như Lai, lai vô sở lai, khứ vô sở khứ, vô sanh vô diệt, phi quá hiện vị lai”, chúng ta thì thế nào? Bây giờ trở lại muốn hỏi chúng ta, chúng ta những phàm phu lục đạo này so sánh với Phật thì như thế nào? Nếu như nói lời chân thật với bạn thì là cùng Phật như nhau. Chúng ta hiện nay khác biệt với Phật là ở chỗ nào? Chính là mê và ngộ, ngoài mê và ngộ ra thì không có khác biệt nào. Lời nói này mọi người hãy bình lặng mà suy xét. Nếu như chúng ta đem vấn đề này nêu ra với Lục Tổ Huệ Năng Đại Sư, “chư Phật Như Lai, lai vô sở lai, khứ vô sở khứ, vô sanh vô diệt”, phàm phu lục đạo chúng ta là “lai hữu sở lai, khứ hữu sở khứ, hữu sanh hữu diệt”. Nếu như chúng ta đem vấn đề này nêu ra với Đại Sư Lục Tổ Huệ Năng, Huệ Năng Đại Sư nhất định nói đây là nhị pháp. Nhị pháp thì không phải Phật pháp, Phật pháp không phải là nhị pháp. Tôi tin rằng Đại Sư Huệ Năng nhất định là có cách nói này. Từ ở chỗ này chúng ta liền thể hội được, chúng ta cùng chư Phật Như Lai không có sai khác, sai khác ở chỗ nào? Sai khác ở chỗ mê và ngộ. Chư Phật Bồ Tát giác ngộ, chúng ta thì mê hoặc. Chúng ta mê hoặc, không có khứ lai lại cho rằng có khứ lai, không có sanh diệt cho rằng có sanh diệt, cho nên khứ lai sanh diệt đối với phàm phu vẫn là một khái niệm trừu tượng. Khứ lai sanh diệt đều là thuộc về bất tương ưng hành pháp. Những lời này nói có hơi sâu một chút, nhưng đối với tu học của chúng ta rất quan trọng. Bạn quả nhiên có thể nghe hiểu được, thì thọ dụng sau đó không thể nghĩ bàn. Nếu bạn nghe chưa có hiểu, thì bạn cũng đã từng được nghe nói qua, sau này nghe nhiều rồi, bạn sẽ không hoài nghi, bạn sẽ không phản bác, đối với tu học của bạn sẽ có tiến bộ, đoạn nghi sanh tín. Từ đây mà biết, học tập “Giác Chánh Tịnh” là quan trọng biết chừng nào. Nếu bạn muốn chân thật đạt được “Giác Chánh Tịnh”, thì bạn nhất định phải phá mê tà nhiễm, bạn phải viễn ly mê tà nhiễm.

A Di Đà Phật…

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 236)

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Thời gian: Khởi giảng năm 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây Cư Sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ