Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 193)

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 193)
Khoa hội thứ hai mươi bảy: Thành Tựu Diệu Độ Kinh văn: "Sở tu Phật quốc, khai khuếch quảng đại, siêu thắng độc diệu, kiến lập thường nhiên, vô suy vô biến". Đây là trong "Tích Công Bồi Đức", đoạn thứ hai của "Như Nguyện Tu Hành", "Thành tựu diệu độ" trong "nghiêm tịnh Phật độ". Bồ Tát dõng mãnh tinh tấn "trụ chân thật huệ”. Lần trước đặc biệt giới thiệu với mọi người, câu này rất là quan trọng. Chỉ có trụ chân thật huệ mới có thể có thành tựu chân thật, mới có thể thành tựu y chánh trang nghiêm thù thắng. Từ trụ chân thật huệ đến trang nghiêm diệu độ, đoạn này là căn bản của Tịnh Độ Cực Lạc, lần trước đã giới thiệu qua với các vị. "Sở Tu Quốc Độ", Kinh văn phía sau nói thành tựu của Ngài. Trước tiên, Thế Tôn vì chúng ta nói rõ sự rộng lớn của quốc độ này, đích thực là không thể nghĩ bàn. Lại nghĩ đến báo độ mà chính chúng ta hiện tiền đang cư trụ, đó là địa cầu. Địa cầu hiện tại càng ngày càng nhỏ, vì sao thay đổi như vậy? Với nhân hạnh của chúng ta có quan hệ mật thiết. Ngày trước khoa học kỹ thuật chưa phát minh, những chúng sanh cư trụ trên địa cầu này, ngay trong cảm quan của họ, đại địa này là lớn vô hạn. Cho nên các vị nhất định phải biết, hư không pháp giới đều không

Khoa hội thứ hai mươi bảy: Thành Tựu Diệu Độ

Kinh văn: "Sở tu Phật quốc, khai khuếch quảng đại, siêu thắng độc diệu, kiến lập thường nhiên, vô suy vô biến".

Đây là trong "Tích Công Bồi Đức", đoạn thứ hai của "Như Nguyện Tu Hành", "Thành tựu diệu độ" trong "nghiêm tịnh Phật độ". Bồ Tát dõng mãnh tinh tấn "trụ chân thật huệ”. Lần trước đặc biệt giới thiệu với mọi người, câu này rất là quan trọng. Chỉ có trụ chân thật huệ mới có thể có thành tựu chân thật, mới có thể thành tựu y chánh trang nghiêm thù thắng. Từ trụ chân thật huệ đến trang nghiêm diệu độ, đoạn này là căn bản của Tịnh Độ Cực Lạc, lần trước đã giới thiệu qua với các vị.

"Sở Tu Quốc Độ", Kinh văn phía sau nói thành tựu của Ngài. Trước tiên, Thế Tôn vì chúng ta nói rõ sự rộng lớn của quốc độ này, đích thực là không thể nghĩ bàn. Lại nghĩ đến báo độ mà chính chúng ta hiện tiền đang cư trụ, đó là địa cầu. Địa cầu hiện tại càng ngày càng nhỏ, vì sao thay đổi như vậy? Với nhân hạnh của chúng ta có quan hệ mật thiết. Ngày trước khoa học kỹ thuật chưa phát minh, những chúng sanh cư trụ trên địa cầu này, ngay trong cảm quan của họ, đại địa này là lớn vô hạn. Cho nên các vị nhất định phải biết, hư không pháp giới đều không phải là chân thật, nói rõ ra là thế giới cảm quan, do vì tâm hạnh của các chúng sanh không như nhau (nhà Phật thường nói là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước không như nhau), cho nên cảm thụ đối với y báo và chánh báo không như nhau. Rõ ràng nhất là cảm thụ khổ vui ưu hỉ. Chúng ta xem thấy rất nhiều trong văn chương thi từ ca phú của người xưa, sau đó quay đầu lại quán sát hoàn cảnh chung quanh ta, sự cảm nhận đối với nhân sanh của những bạn bè thân thích mà chúng ta quen biết, mới có thể thể hội nghĩa thú mà Phật đã nói trong Kinh điển.

Tâm lượng của người thời trước rộng mở. Vì sao vậy? Họ nhận qua giáo dục của Thánh Hiền nhân. Ý niệm tự tư tự lợi không thể nói không có, bởi vì không có thì họ sẽ không đến thế gian này, họ không ở trong sáu cõi. Cội nguồn của sáu cõi chính là chấp ngã, nói hơi khó nghe là tự tư tự lợi. Tự tư tự lợi cảm ứng được quả báo của sáu cõi. Hiện tại hoàn cảnh y báo của chúng ta cư ngụ rất nhỏ, nói rõ tâm lượng của chúng ta nhỏ. Lời nói này vừa nghe qua thì không hợp với khoa học, nhưng nếu bạn tỉ mỉ mà tư duy, bạn sẽ cảm thấy cách nói này là hợp lý, tương ưng với trong Kinh luận đã nói, không phải là không tương ưng. Khoa học là luận sự một bên này, còn Phật pháp là tánh tướng, lý sự, nhân quả, mọi mặt đều nói đến. Phật pháp nói toàn diện, khoa học gia nói phiến diện. Chúng ta phải hiểu được. Thế giới Tây Phương Cực Lạc quá lớn, do đây có thể biết, người niệm Phật chúng ta cần phải có tâm lượng rộng lớn để cầu cảm ứng.

Trong Phật pháp Đại Thừa, mỗi niệm đều là lấy hư không pháp giới làm cảnh giới. Chúng ta vì ai mà học Phật? Nếu vì chính mình mà học là Tiểu Thừa. Chúng ta vì chúng sanh mà học. Vì những chúng sanh nào vậy? Hư không pháp giới tất cả chúng sanh. Các vị nghĩ tưởng, tâm lượng này bao lớn? Sau khi chúng ta học thành, mục đích là phải giúp Phật hoằng pháp lợi sanh. Lợi ích những chúng sanh, phải nên biết pháp giới tất cả chúng sanh. Bổn nghĩa của hai chữ "chúng sanh" này chúng ta nhất định phải tường tận, không nên hàm hồ. Ý nghĩa của hai chữ "chúng sanh" này là hiện tượng chúng duyên hòa hợp mà sanh khởi. Con người chúng ta là thuộc về động vật. Động vật là chúng duyên hòa hợp mà sanh khởi. Thực vật cũng là chúng duyên hòa hợp mà sanh, nên thực vật cũng gọi chúng sanh. Khoáng vật vẫn là chúng duyên hòa hợp mà sanh. Nhà Phật nói đại, nói thế giới, thậm chí hóa độ của một vị Phật nhỏ đến vi trần, hết thảy đều là do chúng duyên hòa hợp mà sanh ra. Như vậy mới biết phạm vi của chúng sanh rộng lớn dường nào.

Trụ chân thật huệ, điều này thì quan trọng. Không trụ chân thật huệ thì không phải là Bồ Tát Đại Thừa. Không phải Bồ Tát Đại Thừa thì không thể vãng sanh Tịnh Độ. Đại đức xưa nói với chúng ta rất nhiều, Đại Thừa ngay trong Đại Thừa, Nhất Thừa ngay trong Nhất Thừa, thù thắng không gì bằng. Nếu chúng ta ngay đến tâm Đại Thừa cũng không có thì niệm Phật làm sao có thể vãng sanh? Tâm Đại Thừa chính là chân thật huệ, cho nên chúng ta mỗi niệm phải vì chúng sanh. Ngày ngày niệm kệ hồi hướng: "Thượng báo tứ trọng ân, hạ tế tam đồ khổ", bao nhiêu người đều đang đọc, nhưng đọc như thế nào? Có miệng mà không có tâm, tâm lượng thực tế là quá nhỏ, chỉ biết tự lợi mà không thể lợi tha, giúp đỡ người khác đều rất không tự nguyện, vậy thì làm sao bạn có thể thành tựu? Có một số đồng tu nói: “Không phải tôi không bằng lòng, mà là tôi không có năng lực”. Lời nói này có đạo lý hay không? Không có đạo lý! Bạn không có năng lực thì ai có năng lực? Mỗi người đều khiêm tốn nói là không có năng lực thì Phật pháp liền bị đoạn tuyệt ở vào thời đại này. Phật pháp nếu bị đoạn tuyệt thì bốn chúng đệ tử chúng ta đều có trách nhiệm. Quả báo là gì? Đọa đến A Tỳ Địa Ngục. Vì sao bạn đọa địa ngục A Tỳ? Bạn là đệ tử Phật nhưng không làm hết trách nhiệm của đệ tử Phật. Trách nhiệm lớn nhất của đệ tử Phật chính là nối dòng huệ mạng Phật. Phật pháp và thế pháp không như nhau. Các vị đồng tu đều biết rõ câu: "Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng". Ta cầu làm Phật đều có thể làm đến được, huống hồ ta cầu giúp Phật tiếp dẫn chúng sanh thì có lý nào mà không được chư Phật gia trì? Chắc chắn được chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần bảo hộ, chỉ sợ là bạn không phát tâm.

Nếu bạn nói mình khờ, mình ngu si, thế bạn đọc qua "Kinh Di Đà" chưa? Châu Lợi Bàn Đà Gia, bạn có khờ hơn ông ấy hay không? Thích Ca Mâu Ni Phật dạy cho ông một bài kệ, khi đọc câu trước thì quên câu sau, dạy lại câu sau thì đã quên mất câu trước, bạn vẫn chưa ngốc đến trình độ này mà! Ông có thể tu hành chứng quả, vậy chúng ta nghĩ xem, chúng ta so với người thông minh lợi căn thì không bằng, thế nhưng so với Châu Lợi Bàn Đà Gia thì mạnh hơn nhiều, nhưng vì sao lòng tự tin của chúng ta không thể kiến lập? Do không biết được trụ chân thật huệ. Nhất định phải ghi nhớ, không trụ chân thật huệ thì một việc cũng không thành.

Đoạn Kinh văn này là nói quả báo. Chúng ta cần phải biết, mười phương thế giới mỗi một ngày, dùng thời gian của thế gian chúng ta mà tính, người vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ không biết được là có đến bao nhiêu. Thế giới này vì sao lớn đến như vậy? Tâm lượng của Bồ Tát Pháp Tạng lớn. Mỗi một người vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc tâm lượng đều lớn, cùng đồng cảm được, cho nên cõi nước y báo rộng lớn không có bờ mé, chúng sanh mười phương thế giới vãng sanh đều có thể dung nạp hết, chắc chắn không có nói là nhân khẩu quá nhiều. Thế giới của chúng ta hiện tại, mọi người đều nói nhân khẩu quá nhiều rồi, Thế giới Tây Phương thì không có hiện tượng này.

Tổ sư đại đức giới thiệu qua cho chúng ta, thế giới đó là pháp tánh độ, "siêu thắng độc diệu"; không chỉ là rộng lớn, mà còn là "độc diệu". Chú ý chữ "độc" này. So sánh với các cõi nước chư Phật khác, thì Thế giới Cực Lạc của A Di Đà Phật thù thắng khác biệt, cho nên mới gọi là độc diệu. Những độc diệu này đều không ngoài nói y chánh trang nghiêm của Thế giới Cực Lạc mỗi mỗi đều đệ nhất, mỗi mỗi đều siêu thắng cõi nước chư Phật, cho nên mới gọi là "siêu thắng". Thế giới này đích thực không thể nghĩ bàn. Thích Ca Mâu Ni Phật 49 năm giảng Kinh nói pháp, giới thiệu không ít thế giới chư Phật, nhưng chỉ riêng Thế giới Tây Phương Cực Lạc đích thực là độc diệu. Diệu ở chỗ nào? Diệu ở bốn cõi cùng chung với nhau. Điều này thực tại là diệu.

Chúng ta ngày nay ở nơi báo độ của Thích Ca Mâu Ni Phật. Vì sao báo độ của Thích Ca Mâu Ni Phật thành ra như thế này? Thế Tôn ở trên Kinh nói với chúng ta, báo độ của Ngài cùng báo độ của A Di Đà Phật không hề khác biệt, Ngài trụ cõi Thật Báo Trang Nghiêm, đó là cõi thuần tịnh. Ngày nay chúng ta ở khu vực này cũng là báo độ của Thích Ca Mâu Ni Phật, nhưng chúng ta thì thế nào? Chúng ta đem nơi này xem thường đi rồi. Nơi này vốn dĩ là thanh tịnh trang nghiêm, hiện tại chúng ta đem hết thảy thứ rác rưởi đều chất đống ở nơi đây nên biến thành một đống rác rồi. Không phải là Thích Ca Mâu Ni Phật đem rác rưởi này để ở đây, mà là chính chúng ta chất ở nơi đây, khiến cho nơi này lộn xộn bất kham. Thí dụ này nói rõ, ngày nay người cư trụ trên địa cầu này bị ô nhiễm nghiêm trọng (rác rưởi là ô nhiễm). Chúng ta bị tự tư tự lợi, phải quấy nhân ngã, danh vọng lợi dưỡng, năm dục sáu trần, tham-sân-si-mạn ô nhiễm. Báo độ của Thế Tôn vốn dĩ không ô nhiễm, là chính chúng ta tự ô nhiễm chính mình, ô nhiễm đi hoàn cảnh cư trụ của chính mình. Đây chính là tự làm tự chịu, không thể trách người khác.

Chư Phật Bồ Tát giáo hóa chúng sanh nói được có nhiều hơn, tổng kết lại cũng không ngoài “nhìn thấu - buông xả”. Nhìn thấu là rõ biết chân tướng của vũ trụ nhân sanh. Buông xả là đem những thứ ô nhiễm tạp vật này buông xả, xả bỏ đi, chân thật giác ngộ tất cả pháp thế xuất thế gian "bất khả đắc, vô sở hữu". Quả nhiên khế nhập cảnh giới này, chúng ta cư trụ ở uế độ này cũng liền chuyển biến thành Tịnh Độ. Cảnh tùy tâm chuyển, cho nên "tâm tịnh thời Phật độ tịnh". Chúng ta phải hiểu đạo lý này.

Chuyển cảnh giới không phải là Phật đến giúp chúng ta chuyển, Phật sẽ không giúp chúng ta chuyển, Phật cũng không cách gì giúp chúng ta chuyển. Nếu như Phật có năng lực giúp chúng ta chuyển thì chúng ta không cần phải tu rồi. Phật đại từ đại bi, vì sao Phật không đến giúp chúng ta chuyển đổi? Việc này nói rõ, Phật chỉ có thể dạy cho chúng ta phương pháp chuyển đổi, còn chuyển thế nào thì vẫn phải dựa vào chính mình. Phật đem những đạo lý này nói cho chúng ta nghe rõ ràng, đem phương pháp nói tường tận, cảnh giới nói thấu đáo. Đây chính là Phật Bồ Tát gia trì đối với chúng ta. Chúng ta hiểu rõ rồi thì phải chăm chỉ nỗ lực mà học tập.

Chuyển ác thành thiện là bước đầu tiên. Chúng ta không biết cái gì là ác, cũng không biết cái gì là thiện, Phật đem tiêu chuẩn của thiện ác nói rõ ràng, nói tường tận rồi, chúng ta bắt tay vào từ chỗ này. Sau đó mới có thể tiến thêm một bước là chuyển mê thành ngộ.

Chúng ta muốn hỏi vì sao không thể bắt tay vào từ chuyển mê thành ngộ, chẳng phải là nhanh hơn một chút hay sao? Có thể, người thượng thượng căn thì được, nhưng người căn tánh trung hạ thì không được. Vì sao người căn tánh trung hạ thì không được? Người trung hạ căn do nghiệp chướng ác chướng ngại cửa ngộ của họ, cho nên họ sẽ không khai ngộ. Phật dạy bạn chuyển ác thành thiện là đem cửa ngộ của bạn mở ra, đem chướng ngại cửa ngộ tiêu trừ, bạn mới có khả năng khai ngộ. Ý nghĩa là như vậy.

Hai loại phiền não che mất đi cửa ngộ, một loại là phiền não chướng, một loại là sở tri chướng. Phiền não chướng là tham-sân-si-mạn. Sở tri chướng chính là thành kiến của chính mình, người hiện tại nói là “tự cho là đúng”. Hai loại chướng ngại này làm cho cửa ngộ của chính mình bế tắc, chân thật huệ của chúng ta không thể hiện tiền, diệu độ của chúng ta không thể chứng đắc.

Diệu độ ở chỗ nào? Xin nói với các vị, Tịnh Độ và uế độ là một, không phải hai. Tâm của bạn thanh tịnh thì uế độ này liền biến thành Tịnh Độ. Giống như một gian phòng vậy, bạn đem những thứ tạp vật này thảy đều dọn sạch hết, bỏ hết. Khi rác rưởi bỏ hết rồi thì phòng ốc của bạn sạch sẽ, chẳng phải biến thành Tịnh Độ hay sao? Nếu bạn đem những rác rưởi bên ngoài thảy đều để vào trong nhà, mọi thứ đều không nỡ bỏ đi, gian phòng này của bạn liền biến thành uế độ. Sự việc chính là như vậy. Tịnh Độ và uế độ không phải là hai nơi. Tâm tịnh thì cõi Phật tịnh. Cho nên thân độ y chánh của Thế giới Tây Phương Cực Lạc đều là thù thắng không gì bằng, siêu vượt tất cả cõi nước chư Phật nhờ vào giáo huấn cứu cánh viên mãn, trí tuệ chân thật của A Di Đà Phật.

Chúng ta xem thấy ở trên Kinh, phòng ốc ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc đương nhiên là sạch sẽ, không nhiễm một trần. Vì sao vậy? Ý niệm vừa khởi thì những thứ cần thiết liền có. Khi bạn muốn ăn, ý niệm vừa mới khởi thì những thứ cần thiết đều bày sẵn trên bàn, đều là những thứ mà mình ưa thích. Khi bạn không muốn ăn nữa thì những thứ trên bàn liền không còn, không cần phải dọn dẹp, không cần phải đi rửa chén đĩa, không cần thiết nữa thì không còn. Bạn xem, nhà của họ sạch cỡ nào! Trong nhà của họ đều không có nhà bếp, không có phòng vệ sinh, cũng không có những gia dụng trong nhà. Khi có khách đến, bạn nói: "Mời ngồi!" thì bảo tòa liền hiện ra; khi khách đi rồi thì bảo tòa liền biến mất. Chân thật gọi là Tịnh Độ. Tất cả vật chất đều là tùy niệm mà sanh, khi không dùng thì tự nhiên biến mất. Chúng ta nghe lời nói này dường như cảm thấy rất thần kỳ. Kỳ thật, hiện tại khoa học gia hiểu được có khả năng này, thế nhưng ngày nay khoa học gia không làm được. Có khả năng này là gì? Khoa học gia hiểu được đây chính là chuyển biến của vật chất và năng lượng. Khoa học gia ngày nay hiểu được nguyên lý này, nhưng không hiểu được phương pháp. Khi chúng ta cần dùng thì đem năng lượng biến thành vật chất, khi không cần dùng nữa thì đem vật chất chuyển biến thành năng lượng, vậy thì vật chất không còn nữa. Chuyển biến của năng lượng và vật chất, mọi người biết được, đạn nguyên tử chính là căn cứ vào đạo lý này mà phát minh, đem vật chất chuyển biến thành năng lượng. Thế nhưng làm thế nào đem năng lượng chuyển biến thành vật chất thì khoa học gia không có cách nào. Cho nên, khoa học của Thế giới Tây Phương Cực Lạc cao minh, khoa học gia ở thế giới chúng ta so với Thế giới Cực Lạc thì không thể so sánh.

Hôm qua, có mấy vị đồng tu đến tham quan một cửa hàng khoa học kỹ thuật cao của một vị đồng tu vừa mở, tiêu thụ chính là những khí tài thông tin. Đích thực là rất tiến bộ, rất lý tưởng. Chỉ cần ngồi ở nhà, bạn có thể cùng với thân thích bạn bè ở khắp nơi trên toàn thế giới nói chuyện, trong màn hình xem thấy đối phương, cùng đối mặt nói chuyện với đối phương rất là thân thiết. Loại máy móc này cũng có thể dùng để hội họp, mấy trăm người cùng chung nhau hội họp đều được, đều xem thấy rất rõ ràng, âm thanh đều nghe được tường tận. Khoa học kỹ thuật không tệ, thế nhưng không thể so với Thế giới Cực Lạc. Ở Thế giới Cực Lạc, A Di Đà Phật có thể đem mười phương cõi nước chư Phật biến hiện ở trước mắt để bạn xem, không cần phải dùng cơ khí, máy móc quá phiền phức rồi, cho nên nói Thế giới Cực Lạc là "siêu thắng độc diệu". Đây là nói hai thế giới khác nhau. Thực tế mà nói, chỗ thù thắng của Thế giới Cực Lạc chúng ta rất khó lý giải, cũng không cách gì tưởng tượng.

Đại đức xưa vì chúng ta lược nói mấy câu chuyện.

Việc thứ nhất, chúng ta biết Phật có ba thân: Pháp thân, báo thân và ứng hóa thân. Phật của Thế giới Cực Lạc thì ba thân là một thể, cùng Phật của thế giới phương khác mà Thế Tôn nói trên Kinh điển là không như nhau, hơn nữa ba thân không nơi nào không có. Có người nghĩ: “Thế giới Tây Phương Cực Lạc quá lớn, ta sanh đến đó thì đến lúc nào mới có thể thấy được A Di Đà Phật?”. Giống như thế giới này của chúng ta vậy, giả như A Di Đà Phật ở trong nước chúng ta, trong nước cách chúng ta xa đến như vậy, chúng ta gặp A Di Đà Phật thì rất khó, rất không dễ dàng. Ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc, A Di Đà Phật không nơi nào không có, lúc nào cũng tồn tại, bạn muốn gặp thì Ngài liền ở ngay trước mặt bạn, người người đều có thể thấy được, không phí một chút khí lực. Việc này khó được. Bạn thấy được Phật là Phật thật, không phải hình ảnh truyền fax, cho nên siêu vượt ứng hóa thân Phật phương khác. Thí dụ như Thích Ca Mâu Ni Phật ngày trước giáng sanh ở thế gian này của chúng ta, nếu Ngài ở Ấn Độ thì người Trung Quốc không có duyên phận gặp được. Thế giới Tây Phương không như vậy, cõi nước đó tuy rất là rộng lớn, thế nhưng Phật hiện thân tất cả mọi nơi, lúc nào cũng đang nói pháp. Đây là thù thắng đệ nhất.

Thứ hai là quang minh của Phật thù thắng. Thích Ca Mâu Ni Phật ở bổn Kinh, có thể nói là Ngài đại biểu chư Phật tán thán. Ngài tán thán A Di Đà Phật là "quang trung cực tôn, Phật trung chi vương", thọ mạng vô lượng. Thọ mạng vô lượng không phải nói pháp thân và báo thân. Vô lượng của pháp thân và báo thân không có chút hiếm lạ nào. Pháp thân vô thỉ vô chung đương nhiên là vô lượng, báo thân của Phật có thỉ vô chung cũng là vô lượng, cho nên chúng ta đọc câu “Phật thọ vô lượng” ở trên Kinh này, chúng ta phải nên biết là nói ứng hóa thân của Phật. Thích Ca Mâu Ni Phật năm xưa thị hiện ở thế gian này, thọ mạng của Phật là 79 tuổi, Ngài thị hiện giống như chúng sanh ở thế gian này của chúng ta, tuyệt nhiên không hiển thị kỳ đặc. A Di Đà Phật ứng thân thị hiện ở Thế giới Cực Lạc vô lượng thọ, cùng báo thân và pháp thân không hề khác. Việc này là vô cùng hi hữu.

Thứ ba là danh hiệu lợi ích không thể nghĩ bàn. Đây là Phật giáo hóa chúng sanh phương pháp tu học thù thắng, "siêu thắng độc diệu". Các vị xem, các pháp môn khác đều không dễ dàng tu học. Một câu "A Di Đà Phật" này có ai mà không biết niệm? Quá dễ dàng rồi. Cho nên pháp môn này đơn giản, dễ dàng, ổn định, đáng tin mà lại còn mau chóng. Không chỉ riêng có một số chỗ siêu thắng này, mà thành tựu siêu quá tất cả các pháp môn. Đây là độc diệu. Trên hội Hoa Nghiêm, Pháp Thân Đại Sĩ tu vô lượng A Tăng Kỳ kiếp, tu ba đại A Tăng Kỳ kiếp mới thành tựu. Tây Phương Tịnh Độ chỉ cần bạn chấp trì danh hiệu, một câu danh hiệu liền siêu việt Pháp Thân Đại Sĩ trên hội Hoa Nghiêm.

Chúng ta mỗi ngày đang niệm, chúng ta có siêu việt hay không? Không có! Có phải là không linh hay không? Không phải vậy! Nguyên nhân này do đâu? Nguyên nhân là do bạn không biết niệm. “Tôi cũng niệm một câu "A Di Đà Phật" này, bốn chữ đều không niệm sai chữ nào, vì sao bảo là không biết niệm?”. Bạn niệm là có miệng mà không có tâm. Các vị xem qua văn tự của chúng ta, chữ "niệm" trong niệm Phật này là chữ “kim” và chữ “tâm”. Trong tâm hiện tại có Phật gọi là niệm Phật, không phải trong miệng có Phật. Trong miệng có Phật mà trong tâm không có Phật thì không ích gì. Trong tâm có A Di Đà Phật thì bạn liền thành công. Một câu danh hiệu này hàm vô lượng nghĩa.

Mọi người đều biết Thế giới Tây Phương Cực Lạc có bốn cõi, ba bậc, chín phẩm, đây là lược nói. Nếu nói tỉ mỉ thì bốn cõi, ba bậc là phẩm vị của vô lượng. Những phẩm vị này có khác biệt là do đâu mà ra? Là bạn đối với nghĩa thú của danh hiệu có thể thể hội được nhiều hay ít, khế nhập được bao nhiêu; danh hiệu có vô lượng nghĩa, bạn có thể vào được bao nhiêu, có thể biết được bao nhiêu. Bạn khế nhập được càng nhiều thì phẩm vị của bạn càng cao, bạn khế nhập được ít thì phẩm vị của bạn liền tương đối thấp. Bạn chỉ niệm mà không khế nhập được phần nào thì trong A Lại Da Thức chỉ trồng xuống chủng tử A Di Đà Phật, ngay đời này không khởi được tác dụng. Những đạo lý này chúng ta đều phải hiểu. Nếu như không hiểu, tương lai bạn lại hiểu lầm: “Tôi niệm Phật cả một đời không được vãng sanh, Thích Ca Mâu Ni Phật lừa gạt tôi rồi! Pháp này thật không linh!”, thế là bạn báng Phật, báng Pháp, tạo tội nghiệp A Tỳ, vậy thì oan uổng rồi. Không phải không linh mà là do bạn biết được quá ít. Do đây có thể biết, Kinh không thể không đọc, Kinh không thể không nghe. Bạn không đọc, không nghe Kinh thì làm sao bạn hiểu được ý nghĩa của danh hiệu?

Người xưa nói ý nghĩa của danh hiệu "A Di Đà Phật" này là gì? 48 nguyện chính là ý nghĩa của danh hiệu. Danh hiệu này có 48 ý nghĩa, bạn có thể hiểu được bao nhiêu, có thể thể hội được bao nhiêu, bạn có thể phụng hành được bao nhiêu? Phẩm vị vãng sanh đương nhiên là không như nhau.

Ý nghĩa của 48 nguyện là gì? Một bộ "Kinh Vô Lượng Thọ" chính là 48 nguyện. Ý nghĩa của bộ "Kinh Vô Lượng Thọ" lại là gì? Người xưa nói với chúng ta, “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh” 80 quyển chính là ý nghĩa của "Kinh Vô Lượng Thọ". Lại nói tỉ mỉ hơn một chút, Thích Ca Mâu Ni Phật 49 năm đã nói ra một đại tạng giáo (ngày nay chúng ta gọi là “Đại Tạng Kinh”) chính là chú giải của "Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh". Như vậy thì bạn mới từ từ thể hội được. Ý nghĩa của danh hiệu này chân thật là quá phong phú, làm gì có thể nói được hết? Chúng ta có thể thể hội được bao nhiêu, có thể hành được nhiều hay ít, "siêu thắng độc diệu" mới có thể thể hội được một ít.

Cho nên, tất cả chư Phật đều hoằng dương danh hiệu Di Đà, không hề ngoại lệ. Chư Phật Bồ Tát ở mười phương thế giới giúp đỡ chúng sanh, có câu là "tùy loại hóa thân, ứng cơ nói pháp". Chúng sanh tộc loại không như nhau, trình độ không như nhau, Phật nói pháp quan trọng nhất là khế nhập, do đó Phật hiện thân nói pháp đã nói ra là có hạn. Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện ở thế gian này của chúng ta cũng là có hạn. Thế nhưng pháp môn Tịnh Độ, pháp môn niệm Phậtgọi là "ba căn phổ bị, lợi độn đều thâu", trên từ Bồ Tát Đẳng Giác, dưới đến chúng sanh A Tỳ Địa Ngục đều thích hợp. Pháp môn này là phổ ứng quần cơ, khế cơ phổ biến, bất cứ pháp môn nào đều không thể so sánh được. Cho nên, tất cả chư Phật không luận hiện ra thân hình như thế nào thảy đều giảng pháp môn Tịnh Độ, thảy đều dạy người tu học pháp môn này. Đây là thù thắng không gì bằng. Chỉ cần bạn có thể tin, có thể hiểu, có thể phát nguyện, có thể y giáo phụng hành thì mười niệm ắt sanh. Nghe danh tin nhận thì một đời thành tựu. Còn có pháp môn nào có thể thù thắng hơn đây? Không có! Cho nên nói độc diệu.

Thứ tư là thù thắng ở chỗ có thể khiến cho chúng sanh các loại căn tánh khác nhau bình đẳng thành tựu. Việc này thì khó. Trong tất cả chúng sanh, Bồ Tát ở phẩm vị cao như Bồ Tát Đẳng Giác, cảnh giới của các Ngài gần như giống với cảnh giới mà Phật chứng được, chư Phật Như Lai vẫn là dùng một câu A Di Đà Phật để giúp cho họ thành tựu. Việc này chúng ta tin tưởng. Trên "Kinh Hoa Nghiêm" chúng ta xem thấy, Bồ Tát Thập Địa đều dùng pháp môn niệm Phật, hai vị Đại Sĩ Văn Thù và Phổ Hiền dạy bảo họ. Trên hội Hoa Nghiêm, hai vị Bồ Tát Văn Thù và Phổ Hiền là trợ giáo của Tỳ Lô Giá Na Như Lai. Bồ Tát không dễ gì tu đến Đăng Địa. Bồ Tát Thập Địa trước sau không rời niệm Phật (thỉ là ban đầu; chung là Thập Nhất Địa, Thập Nhất Địa là Đẳng Giác). Đây là chúng ta xem thấy ở trên "Kinh Hoa Nghiêm", Sơ Địa trở lên đến Đẳng Giác, họ tu pháp môn gì? Pháp môn niệm Phật.

Chúng ta từ ngay hiện tại đã bắt đầu niệm Phật, cho nên trên hội Hoa Nghiêm, những Pháp Thân Đại Sĩ này xem thấy chúng ta thì tán thán không ngớt. Họ đạt đến cảnh giới đó mới biết được niệm Phật là thù thắng. Chúng ta hiện tại thì biết rồi, thử nghĩ xem, thành tựu của chúng ta siêu vượt họ. Thế nhưng phải ghi nhớ, bạn không vãng sanh thì không thể siêu vượt họ. Nếu bạn vãng sanh đến Thế giới Cực Lạc thì chân thật liền siêu vượt họ.

Thế giới Tây Phương bốn cõi bình bày. Việc này không thể nghĩ bàn. Một sanh thì tất cả sanh. Không nên xem thấy hiện tại nghiệp chướng của chúng ta rất sâu nặng, sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc cõi Phàm Thánh Đồng Cư thì chúng ta sẽ không thấy được Pháp Thân Đại Sĩ trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm, Thánh triết trong cõi Phương Tiện Hữu Dư, A La Hán, Bích Chi Phật, Quyền Giáo Bồ Tát. Ở cõi Phàm Thánh Đồng Cư ở thế giới khác thì chúng ta không thấy được Thánh triết trong cõi Phương Tiện Hữu Dư bao gồm A La Hán, Bích Chi Phật, Quyền Giáo Bồ Tát, thế nhưng Thế giới Tây Phương Cực Lạc không như vậy, Bồ Tát của cõi Thật Báo, Bồ Tát của cõi Phương Tiện và Bồ Tát của cõi Đồng Cư ở chung nhau. Cho nên, đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, Quán Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát, Văn Thù Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát, Di Lặc Bồ Tát bạn đều quen biết, ngày ngày gặp mặt, ngày ngày cùng ở chung, mỗi giờ mỗi phút đều không rời khỏi. Những vị này cùng là bạn học với chúng ta, vậy thì đạo nghiệp của chúng ta có lý nào mà không tăng tiến. Chúng ta tưởng tượng, hoàn cảnh tu học này thù thắng dường nào! Đây là tất cả cõi nước chư Phật trong mười phương thế giới đều không có. Độc diệu! Cho dù bạn tạo tội nghiệp cực trọng, tạo tội năm nghịch mười ác đọa địa ngục Vô Gián, chỉ cần bạn đầu óc còn tỉnh táo, bạn còn một hơi thở chưa dứt đều vẫn còn kịp, chỉ cần bạn chân thật sám hối niệm Phật thì chắc chắn được sanh. Chúng ta xem thấy trong "Phật Thuyết A Xà Thế Vương Kinh", A Xà Thế Vương tạo năm nghịch mười ác, tội nghiệp địa ngục Vô Gián, lúc lâm chung sám hối niệm Phật, ông ấy vãng sanh. Đây là nói chúng sanh tạo tội địa ngục cũng có thể ở trong một đời vãng sanh Tịnh Độ.

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 193)

Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Khởi giảng năm 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ