Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 164)

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 164)
Ngày trước, vào thời đại Tùy Đường, Đại Sư Trí Giả của Tông Thiên Thai vãng sanh Thế giới Cực Lạc, học trò hỏi Ngài: “Lão sư! Ngài sanh đến Thế giới Cực Lạc là phẩm vị gì vậy?”. Ngài nói với học trò, phẩm vị vãng sanh của Ngài không cao, vãng sanh phẩm vị thứ năm. Phẩm vị thứ năm là sanh cõi Phàm Thánh Đồng Cư. Đại Sư nói cho học trò, bởi vì Ngài dẫn chúng, bởi vì hoằng pháp, cho nên làm lỡ đi việc tu hành của chính mình; nếu như Ngài không dẫn chúng, không quản những sự việc này thì phẩm vị của Ngài sẽ rất cao. Đây là nói rõ hy sinh phẩm vị của chính mình để thành tựu nhân duyên vãng sanh của đại chúng, là Bồ Tát thị hiện. Đặc biệt ở vào thời đại hiện tại của chúng ta, người hoằng pháp ít, nếu chúng ta không phát tâm thì ai đến phát tâm? Nếu như bạn chuyên cầu tự lợi, không lo người khác, Phật pháp ở thế gian này bị đoạn tuyệt, bạn nghĩ xem, bạn có thể vãng sanh được hay không? Trong thế gian pháp mà còn nói "bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại". Thích Ca Mâu Ni Phật tổ tổ tương truyền, truyền đến đời này của bạn thì bạn làm sao có thể để đoạn tuyệt? Đó gọi là đại bất hiếu! Trừ khi bạn không có nhân duyên thì được, nếu không có người học với bạn, không có người bằng lòng thân

Ngày trước, vào thời đại Tùy Đường, Đại Sư Trí Giả của Tông Thiên Thai vãng sanh Thế giới Cực Lạc, học trò hỏi Ngài: “Lão sư! Ngài sanh đến Thế giới Cực Lạc là phẩm vị gì vậy?”. Ngài nói với học trò, phẩm vị vãng sanh của Ngài không cao, vãng sanh phẩm vị thứ năm. Phẩm vị thứ năm là sanh cõi Phàm Thánh Đồng Cư. Đại Sư nói cho học trò, bởi vì Ngài dẫn chúng, bởi vì hoằng pháp, cho nên làm lỡ đi việc tu hành của chính mình; nếu như Ngài không dẫn chúng, không quản những sự việc này thì phẩm vị của Ngài sẽ rất cao. Đây là nói rõ hy sinh phẩm vị của chính mình để thành tựu nhân duyên vãng sanh của đại chúng, là Bồ Tát thị hiện. Đặc biệt ở vào thời đại hiện tại của chúng ta, người hoằng pháp ít, nếu chúng ta không phát tâm thì ai đến phát tâm? Nếu như bạn chuyên cầu tự lợi, không lo người khác, Phật pháp ở thế gian này bị đoạn tuyệt, bạn nghĩ xem, bạn có thể vãng sanh được hay không? Trong thế gian pháp mà còn nói "bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại". Thích Ca Mâu Ni Phật tổ tổ tương truyền, truyền đến đời này của bạn thì bạn làm sao có thể để đoạn tuyệt? Đó gọi là đại bất hiếu! Trừ khi bạn không có nhân duyên thì được, nếu không có người học với bạn, không có người bằng lòng thân cận bạn, vậy thì bạn có thể chuyên tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, về sau thừa nguyện tái lai. Nếu như thế gian này còn có một hay hai người chịu nghe bạn, muốn theo học với bạn thì bạn không thể không chăm sóc họ, thì bạn không thể đi một mình. Nếu như bạn đi một mình, bạn không chăm sóc những người này thì tâm từ bi của bạn ở đâu? Bạn có ý niệm này, bạn thử nghĩ xem, bạn vẫn chưa buông xả tự tư tự lợi . Nếu không buông xả tự tư tự lợi thì bạn có dụng công tu hành như thế nào cũng không thể vãng sanh. Vì sao vậy? Không tương ưng với điều kiện vãng sanh. Bạn xem, ba bậc vãng sanh trong bổn Kinh, Thế Tôn dạy bảo chúng ta là "phát tâm Bồ Đề, một lòng chuyên niệm". Bạn chỉ có một lòng chuyên niệm, không có "phát tâm Bồ Đề", vậy thì bạn niệm có được tốt hơn, nếu cho điểm số thì điểm cao nhất của bạn cũng chỉ được 50 mà thôi, không thể đạt chuẩn. Cho nên bạn phải ghi nhớ, vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc chính là "phát tâm Bồ Đề, một lòng chuyên niệm". Điều này bạn phải hiểu.

Đọc đến đoạn nguyện văn này, đối với hoàn cảnh sinh hoạt của Thế giới Cực Lạc, chúng ta sanh khởi ngưỡng vọng vô hạn, quyết tâm phải đi.

Chúng ta xem tiếp nguyện sau, nguyện này rất là thù thắng. "Mười phương chư Phật ứng niệm thọ kỳ cúng dường". Điều này vô cùng quan trọng. Đối với tu học của Phật pháp, Thế Tôn ở trong tất cả Kinh luận đều đem bố thí để ở hàng đầu. Luận về công phu của hành môn, có thể nói chính là bố thí, bắt đầu từ ngay chỗ này, cũng đến ngay chỗ này viên mãn. Từ thỉ đến chung, không gì khác hơn chính là bố thí mà thôi. Ý nghĩa của bố thí là buông xả.

Hành môn của Bồ Tát thì vô lượng vô biên, nên gọi là tám vạn bốn ngàn pháp môn. Vô lượng pháp môn, Phật đem nó quy nạp lại thành sáu nguyên tắc lớn, chính là sáu Ba La Mật. Vô lượng vô biên hành môn quy nạp lại thành sáu điều. Sáu điều này nếu quy nạp lại nữa thì chính là một điều bố thí. Trong bố thí có ba loại: Tài bố thí, pháp bố thí, vô úy bố thí. Trì giới, nhẫn nhục là thuộc về vô úy bố thí. Tinh tấn, thiền định, Bát Nhã là thuộc về pháp bố thí. Tất cả đều có thể quy về một điều bố thí này. Trong việc tu hành, bạn tu điều gì? Bạn phải hiểu được, đó chính là thí xả. Phật ở trong Kinh luận dạy bảo chúng ta: “Thí xả độ san tham”. San là bỏn xẻn, chính mình có nhưng không thể xả cho người khác, đây là gốc bệnh. Vì sao nói nó là gốc bệnh? Ý niệm của bạn không thể xả, chính là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước nghiêm trọng. Hậu quả của việc nghiêm trọng này là gì? Địa ngục. Do đây có thể biết, thường buông xả san tham chính là buông xả ba đường ác rồi, bạn chắc chắn không đọa ba đường ác. Đạo lý chính ngay chỗ này.

Trong pháp bố thí, nếu bạn dùng tâm chân thành, cung kính để tu bố thí thì đó gọi là cúng dường. Cúng dường và bố thí ở trên sự mà nói là một sự việc, nhưng dụng tâm không giống nhau. Thông thường bạn bố thí cũng sẽ có tâm yêu thương, thế nhưng tâm chân thành, cung kính không thể sanh khởi. Hiện tại không thể dùng thí dụ để nói ra được. Người thời trước nói: “Bạn dùng tâm hiếu thuận cha mẹ, tâm cung kính sư trưởng để tu bố thí thì đó gọi là cúng dường”. Người thời trước thì hiểu được, nhưng người hiện tại không biết được như thế nào gọi là hiếu thuận cha mẹ, cũng không biết được như thế nào gọi là tôn trọng sư trưởng, ý niệm của họ không có. Ngày nay chúng ta nói điều này, ngay đến thí dụ cũng không nói ra được. Việc này thật khó. Họ từ trong cái nhà nhỏ, người lớn không dạy cho họ; khi đi học thì trường học cũng không dạy họ; phóng mắt nhìn vào trong xã hội cũng không tìm ra được điển hình, vậy thì làm sao họ có được quan niệm này? Nếu họ có quan niệm này, vậy thì họ chính là cổ Phật tái sanh. Nếu như họ không phải là người tái sanh thì họ quyết định sẽ không có được quan niệm này. Thực tế, việc này thì rất khó. Do đây có thể biết, chúng ta tu hành thành tựu, lấy vãng sanh mà nói, nếu bạn muốn sanh đến cõi Thật Báo, sanh đến cõi Phương Tiện Hữu Dư đều tương đối khó khăn. Hy vọng duy nhất ngày nay của chúng ta chính là cõi Phàm Thánh Đồng Cư, mang nghiệp chướng cực trọng cũng có thể vãng sanh. Vì sao vậy? Bởi vì nếu muốn vãng sanh lên hai cõi này thì bạn phải hiểu được hiếu thân tôn sư. Nếu bạn hiểu được cúng dường, bạn lại dùng tâm bố thí mà chẳng có tâm cúng dường, thì lên hai cõi trên thật là không dễ gì khế nhập, đối với tất cả đại chúng, tâm cung kính của chúng ta rất không dễ gì sanh khởi. Then chốt chính ngay chỗ này.

Ở chỗ này đã nói không phải là hiện tiền chúng ta, mà là sau khi chúng ta vãng sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, mỗi ngày đi lạy Phật. Hiện tại chúng ta nói lạy Phật, quan niệm này của mọi người sẽ sai, cho nên chúng ta thêm vào một chữ là đi “bái phỏng Phật” thì quan niệm này sẽ không sai lầm. Chúng ta đến mười phương thế giới để thăm viếng chư Phật Như Lai, thỉnh giáo với các Ngài, nghe các Ngài giảng Kinh nói pháp luôn là phải mang theo một ít lễ vật để cúng dường, không thể nào đi tay không, có tâm cực kỳ tôn kính đối với Phật, cho nên sự bố thí này gọi là cúng dường. Bạn không thể nói với chư Phật Như Lai là "Ta bố thí cho các Ngài", tâm như vậy thì không cung kính. Tâm chí thành cung kính, bố thí đối với chư Phật Bồ Tát thì gọi là cúng dường. Sự việc thì không hề khác nhau, dụng tâm thì không như nhau, chỉ là đổi một danh từ.

Chư Phật Như Lai tiếp nhận sự cúng dường của bạn, ý nghĩa ở trong đây mọi người có nghe ra được hay không? Nếu như không phải chân thành cúng dường, mười phương chư Phật sẽ không tiếp nhận bạn. Bạn có nghe ra được nghĩa thú này không? Dùng tâm chí thành cúng dường, cho dù vật chất này có đạm bạc hơn, thật không đáng tiền, nhưng Phật đều hoan hỉ tiếp nhận tâm chân thành của bạn. Bạn đưa phẩm vật cúng dường có thạnh hậu hơn, nhưng một chút tâm cung kính cũng đều không có, Phật sẽ không tiếp nhận bạn. Chúng ta phải hiểu đạo lý này. Hiện tại thân thể này của chúng ta vẫn còn ở thế gian, vẫn chưa đi đến Thế giới Cực Lạc, thì điều này chúng ta làm thế nào thực tiễn? Vẫn phải nên thực tiễn, hay nói cách khác, hiện tại bạn phải học tập, khi đến Thế giới Cực Lạc, đi cúng dường mười phương chư Phật thì bạn sẽ rất tự nhiên. Hiện tại làm sao bạn có thể học? Hiện tại chính là cúng dường tất cả chúng sanh, dùng tâm chân thành cung kính mà bố thí tất cả chúng sanh.

"Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh". Trên Kinh Phật nói với chúng ta: "Tất cả chúng sanh đều là Phật tương lai". Lời nói này chúng ta nghe quá nhiều rồi. Thế Tôn ở trong "Kinh Hoa Nghiêm", "Kinh Viên Giác" nói được càng thù thắng hơn, Ngài nói: "Tất cả chúng sanh vốn dĩ thành Phật". Lời nói này thì Phật không thường nói. Lời của Phật nói là lời chân thật, tất cả chúng sanh đích thực vốn dĩ thành Phật. Mọi người hiện tại có phải là Phật hay không? Đương nhiên là Phật. Từ trên Phật tánh mà nhìn thì bạn chính là Phật. Tánh đã là Phật, tướng là từ tánh biến hiện ra, vậy tướng làm gì không phải là Phật? Tánh tướng nhất như, sự lý không hai, bạn không phải là Phật thì ai là Phật? Bạn chân thật là Phật, nhưng là một vị Phật hồ đồ, mê hoặc, điên đảo. Mười phương chư Phật Như Lai từ bi  thức tỉnh bạn, giúp cho bạn phá mê khai ngộ, để bạn trở thành một đại giác trí tuệ Phật, không phải vị Phật hồ đồ mê hoặc điên đảo. Sự thật chính là như vậy. Cho nên bạn đối với tất cả chúng sanh làm sao có thể không cung kính, làm sao có thể không cúng dường? Tâm cung kính cúng dường tự nhiên liền sanh ra.

Chúng ta thường xem thấy trong phòng vệ sinh, nhà bếp những kiến nhỏ, trùng nhỏ, chúng ta có giết chúng hay không? Không thể nào, vì đó là Phật. Vậy năm giới mười thiện của chúng ta mới chân thật thực tiễn. Không chỉ không giết hại chúng, mà khi xem thấy chúng, bạn phải cung kính chúng, cúng dường chúng. Chúng đến đó để làm gì? Chúng tìm thức ăn. Bạn phải bố thí cho chúng, bạn cũng phải nói pháp cho chúng nghe. Chúng còn hồ đồ hơn chúng ta, còn mê hoặc hơn chúng ta, cho nên chúng ta phải khai thị cho chúng, phải nói với chúng là “không nên đến nhà bếp, không nên đến những nơi đó để nhiễu loạn”. Những gì mà chúng cần, chúng ta nên để ở bên ngoài để cúng dường chúng, chúng sẽ nghe lời. Việc này rất có hiệu quả. Cho nên, quyết định không được sát sanh. Việc sát hại sẽ làm cho chúng báo thù, càng giết càng nhiều, giết không hết. Bạn kết cái oán thù này thì thật là phiền phức, sau khi kết oán thù này thì đời đời kiếp kiếp không thể nào kết thúc. Oan gia nên giải không nên kết, nhất định không kết oán thù với tất cả chúng sanh, cho dù nhỏ như kiến cũng không nên kết oán. Chúng đến nhiễu loạn, chúng ta phải có lòng nhẫn nại.

Năm giới xem ra dễ dàng nhưng rất không dễ gìn giữ, mỗi một giới điều đều không dễ giữ. Bạn cần phải đem sự - lý, tánh - tướng chân thật làm cho rõ ràng, tường tận. Tất cả chúng sanh quan hệ với chúng ta, quan hệ với chư Phật Như Lai, nếu bạn đều đã thông rồi, tuy là không khuyên bạn trì giới, nhưng bạn tự nhiên sẽ không phạm giới, vì bạn đã rõ lý, bạn biết phải nên làm như thế nào, bạn sẽ rất nỗ lực mà làm. Các bạn có thể chính mình đi thí nghiệm thử xem. Nếu bạn chân thật làm như vậy, tôi nghĩ bạn làm đến được nửa năm hoặc một năm, thì phòng ốc của bạn ở, những loại trùng, kiến, gián sẽ không tìm thấy con nào, chúng sẽ bị bạn làm cảm động. Do đây có thể biết, chúng tuyệt nhiên không hồ đồ, bạn đối với chúng tốt thì chúng sẽ có hồi báo tốt với bạn. Cúng dường hiện tiền cần phải học. Đối với động vật nhỏ, chúng ta đều phải có tâm cung kính cúng dường, huống hồ là đối với người. Người không đồng quốc gia, người không đồng chủng tộc, người không đồng tín ngưỡng, bạn đều phải nên tu cúng dường.

Buổi chiều hôm nay, chúng ta tham gia buổi hội của Hồi Giáo, chúng ta thấy một vị pháp sư tặng một tờ chi phiếu cho Hồi Giáo, đại khái là hai mươi ngàn đồng. Pháp sư Minh Sơn xem thấy thì rất hoan hỉ. Đây là việc tốt. Tuy là tôn giáo khác nhau, chúng ta cũng có thể giúp đỡ lẫn nhau, đây là việc tốt. Trước đây ông không hề xem thấy qua, cũng không có nghe nói qua, ngày nay ông được chính mắt xem thấy. Chúng ta không nên có ý niệm sai lầm là “Tín đồ Phật giáo chúng ta cúng dường tài vật, quyết định không được bố thí cúng dường cho các tôn giáo khác”, quan niệm này là sai rồi! Vậy chúng ta muốn hỏi, Thích Ca Mâu Ni Phật dạy cho chúng ta Tứ Hoằng Thệ Nguyện, "Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ", có phải phía sau có thêm vào chú giải: "không độ tín độ các tôn giáo khác" không? Bạn tra khắp “Đại Tạng Kinh” không có câu này. "Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ", vậy thì bao gồm cõi nước khác nhau. Chúng ta xem thấy ở trên Kinh, cõi nước khác nhau, chủng tộc khác nhau, tôn giáo tín ngưỡng khác nhau vẫn bình đẳng bố thí cúng dường. Đây là chúng ta nương vào giáo huấn của Phật. Người khác nói cho chúng ta nghe như vậy, chúng ta phải hỏi họ “có chứng cứ hay không, bạn nói không thể cúng dường tín đồ các tôn giáo khác, trên Kinh nào nói vậy? Mang ra để chúng ta cùng xem!”. Trong Kinh Phật chắc chắn không có. Phật dạy chúng ta bình đẳng bố thí cúng dường. Vì sao vậy? Tu tâm thanh tịnh bình đẳng giác của chính mình. Thanh tịnh bình đẳng giác chính là A Di Đà Phật. Đặc biệt, ngày nay chúng ta chỉ học tập với A Di Đà Phật, lấy A Di Đà Phật làm tấm gương của chúng ta. Thế giới Tây Phương Cực Lạc, A Di Đà Phật mỗi ngày tiếp dẫn vô lượng vô biên chúng sanh trong mười phương cõi nước chư Phật. Ngài không có phân biệt, Ngài không có chấp trước, ngay đến vọng tưởng đều không có. Người vãng sanh đến Thế giới Cực Lạc đều từ rất nhiều thế giới khác nhau, chủng tộc khác nhau. Con người chúng ta vãng sanh, thiên nhân cũng vãng sanh, thần tiên cũng có vãng sanh, súc sanh cũng vãng sanh, địa ngục, ngạ quỷ cũng có vãng sanh. Tộc loại không giống nhau, tôn giáo tín ngưỡng thì càng không cần phải nói, đó chỉ là việc nhỏ, chắc chắn không có những phân biệt chấp trước này.

Chúng ta học Phật thì tâm lượng phải mở rộng. Trên Kinh Đại Thừa thường nói: "Tâm bao thái hư, lượng khắp pháp giới". Điều này bạn cần phải học. Tâm lượng của bạn không thể quá nhỏ. Khởi tâm động niệm chỉ vì chính mình, vì cái đạo tràng nhỏ của chính mình, vì cái khu vực nhỏ này của ta, đó thảy đều sai rồi. Ngày nay chúng ta ở trên địa cầu này, mức độ thấp nhất là khởi tâm động niệm phải bao dung hết cả thảy địa cầu này. Hết thảy tất cả chúng sanh trên địa cầu, chúng ta đều phải chân thành, thanh tịnh bình đẳng mà đối đãi, phải nhiệt thành mà vì họ phục vụ.

Phục vụ chính là bố thí, cũng chính là cúng dường. Trong cúng dường có tài cúng dường. Tài cúng dường lại phân ra là nội tài và ngoại tài. Ngoại tài là vật ngoài thân. Lấy vật ngoài thân giúp đỡ người khác, đó là ngoại tài cúng dường. Bạn dùng lao lực của mình chăm sóc người khác, lấy lao lực chính mình vì chúng sanh mà phục vụ, đây gọi là nội tài cúng dường. Nội tài cùng dường vẫn thù thắng hơn so với ngoại tài.

Hạng mục bố thí cúng dường thì vô lượng vô biên. Lấy Cư Sĩ Lâm của chúng ta làm thí dụ, đạo tràng Cư Sĩ Lâm này lớn như vậy, tín chúng nhiều đến như vậy, sự việc cũng phức tạp. Bạn xem, rất nhiều đồng tu phát tâm đến đây làm công quả. Làm công quả là dùng nội tài bố thí cúng dường. Thường trụ phân phối công việc cho họ làm, hạng mục công tác rất nhiều. Đây đều là đang tu bố thí. Nếu họ có tâm chân thành cung kính thì họ chính là ở nơi đây tu cúng dường. Nếu như làm công tác như vậy, họ lại đem tất cả đại chúng đều xem thành Phật Bồ Tát, đều xem thành cha mẹ của chính mình, họ chính là tu cúng dường của hạnh Phổ Hiền, là “quảng tu cúng dường”. Nếu họ không có tâm thành kính thì cái mà họ tu là bố thí, không có Bồ Tát đạo, công đức vô lượng vô biên. Nếu như họ làm công quả, ở nơi đây tu bố thí cúng dường không chấp tướng, vậy phước của họ là tất cả chư Phật Như Lai đều nói là “không cùng tận”. Vì sao vậy? Xứng tánh! Cho nên chư Phật Như Lai trên quả địa, các Ngài tu là phước đức cứu cánh viên mãn. Chúng ta cũng có thể tu, thế nhưng dính tướng thì không được, phải chân thật như trên Kinh đã nói "tam luân thể không". Đó là tương ưng với tánh đức, quả báo là cứu cánh viên mãn. Do đây có thể biết, chúng ta đối với rất nhiều người già trẻ làm công quả của Cư Sĩ Lâm, có rất nhiều đồng tu sau khi thấy rồi, trong lòng âm thầm tán thán. Họ đều là người có tuổi ở nơi đây làm việc. Sau khi làm việc xong thì họ đến niệm Phật đường niệm Phật. Có một số người cả đêm không ngủ, niệm đến ngày thứ hai, khi trời sáng rồi, họ xuống phía dưới để tẩy rửa, không hề nghỉ ngơi.

Vào thời xưa, trong chùa Quốc Thanh Chiết Giang, Hàn Sơn, Thập Đắc, Phong Can đều là những người làm công quả, cùng với người làm công quả hiện tại của chúng ta không hề khác nhau. Phong Can là A Di Đà Phật; Hàn Sơn, Thập Đắc là Văn Thù Phổ Hiền, nhưng không có người nhận biết. Ngày nay, người làm công quả trong Cư Sĩ Lâm chúng ta, A Di Đà Phật, Quan Âm, Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền có thể đều ở trong đó, nhưng các bạn không hề xem trọng họ. Tôi nói với các bạn đều là lời thật. Người thật bất lộ tướng, lộ tướng thì không phải là người thật. Cho nên, chúng ta chân thành cung kính đối với mỗi người thì sẽ không có lỗi lầm, khinh mạn với một người, nói không chừng người này là Phật Bồ Tát hóa thân đến thì chúng ta đắc tội rồi, tạo ra rất nhiều tội nghiệp. Lý như vậy, sự cũng như vậy. Đây là ở đạo tràng nhỏ này của chính chúng ta, ở nơi đây học tập. Không chỉ là trên giảng đường chúng ta phải học tập, mà niệm Phật đường cũng phải học tập. Chúng ta học tập ngay trong cuộc sống thường ngày, thực tiễn viên mãn năm giới mười thiện. Lục độ, Bồ Tát Phổ Hiền Mười Nguyện chính là thực tiễn ngay trong cuộc sống thường ngày, thực tiễn ở trong công việc, thực tiễn ở trong đối nhân xử thế tiếp vật, nơi đây chính là trường học lớn. Ở mọi lúc mọi nơi đều là chỗ Bồ Tát học, học tốt pháp cúng dường. Sau khi học rồi, bạn rời khỏi niệm Phật đường trở về nhà, bạn liền hiểu được, bạn đem sự cúng dường này vào trong nhà, bạn mang đến nơi làm việc thì bạn mới chân thật được thọ dụng. Hiện tại bạn biết được bố thí cúng dường tất cả chúng sanh, tương lai vãng sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, bạn sẽ dẫn dắt đại chúng đi cúng dường mười phương chư Phật, bạn dẫn đầu, bạn là trưởng nhóm, vì bạn đã nuôi thành thói quen, bạn đã rất quen thuộc rồi. Đây là hiện tiền chúng ta phải làm.

Ở trong đây còn có một ý nghĩa rất sâu. Sâu ở chỗ nào? "Ứng niệm". "Ứng" là cảm ứng, "niệm" là cảm. Chúng sanh chúng ta có ý niệm cúng dường, Phật liền có ứng. Cảm ứng tương thông! Cảnh giới này không thể nghĩ bàn. Phật có thể cảm ứng với bạn, nói rõ con đường này của bạn thông với chư Phật rồi. Hiện tại chúng ta không thông với chư Phật Bồ Tát, cho nên công phu tu học của chúng ta không đắc lực, pháp hỉ đều không thể hiện tiền. Pháp hỉ là gì? Bạn ở ngay trong cuộc sống thường ngày, ngay trước mắt thường sanh tâm hoan hỉ. Khi chưa đạt đến thành tựu này, tình hình hiện tại của chúng ta như thế nào? Thường sanh phiền não, một ngày từ sớm đến tối tiếp xúc người và sự vật, khởi tâm động niệm đều sanh phiền não. Đây là phàm phu. Hiện tượng này không tốt. Phiền não là nghiệp nhân của sáu cõi luân hồi. Bạn thường sanh phiền não, thường tạo nghiệp sáu cõi luân hồi thì bạn làm sao có thể thoát khỏi sáu cõi luân hồi? Bạn phải ghi nhớ: "Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh", thế vì sao bạn lại nghĩ những thứ phiền não này, nghĩ ưu bi khổ não? Vậy thì sai rồi!

Có một số đồng tu nói: “Tôi không còn cách nào! Tôi khởi tâm động niệm, phiền não liền khởi lên”. Họ đến hỏi tôi phải dùng biện pháp gì? Pháp môn Tịnh Độ là biện pháp rất thù thắng. Trong tám vạn bốn ngàn pháp môn thì pháp môn nào cũng không thể so được Tịnh Tông. Phương pháp của Tịnh Tông chính là một câu A Di Đà Phật. Bạn không nên nghĩ đến phiền não, mà phải nghĩ A Di Đà Phật. Đại Thế Chí Bồ Tát dạy cho chúng ta: "Ức Phật niệm Phật, hiện tại, tương lai nhất định thấy Phật", con đường này chẳng phải đã thông rồi hay sao? "Ức" là gì? Ức là nghĩ. Nếu nghĩ thì nghĩ A Di Đà Phật, ngoài A Di Đà Phật ra thì không nghĩ bất cứ thứ gì. Nếu niệm thì niệm A Di Đà Phật, ngoài A Di Đà Phật ra thì không niệm bất cứ thứ gì. Chỉ cần bạn đem việc này làm được thành công, đại sự nhân duyên của bạn liền viên mãn, làm gì mà phải phiền phức như vậy?

Thế xuất thế gian tất cả pháp đều là nhân duyên, đều không phải là thật. Trên "Kinh Kim Cang" Phật nói với chúng ta: "Tất cả hữu vi pháp như mộng huyễn bào ảnh", lại nói: "Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng". Thực sự là hư vọng, không có thứ nào là chân thật. Hư vọng thì phải buông xả, hư vọng thì không nên nghĩ đến nó. A Di Đà Phật là chân thật. Làm sao biết được là chân thật? Chư Phật Như Lai, Bồ Tát, Tổ sư Đại đức đều nói với chúng ta như vậy. A Di Đà Phật là đức hiệu của tự tánh chúng ta, "tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ". Cho nên, câu danh hiệu này niệm lâu rồi sẽ minh tâm kiến tánh. Đây là đạo lý gì vậy? Vốn dĩ là đức hiệu của tự tánh, chỉ cần bạn thành thật mà niệm, không hiểu cũng không hề gì, chỉ cần thành thật.

Như thế nào gọi là thành thật? Chuyên niệm, ngoài cái niệm này ra, không có cái niệm thứ hai, đó gọi là thành thật niệm. Bạn còn có vọng tưởng xen tạp ở trong thì bạn không thành thật, cho nên công phu của bạn không có lực. Quả nhiên thành thật mà niệm, niệm đến sự nhất tâm bất loạn thì bạn liền được Niệm Phật Tam Muội, niệm đến lý nhất tâm bất loạn thì bạn liền được kiến tánh, minh tâm kiến tánh. Bạn kiến tánh thì thành Phật rồi. Không chỉ là thông với A Di Đà Phật, mà cùng mười phương ba đời tất cả chư Phật Như Lai thảy đều thông rồi.

Pháp môn này đích thực là dễ hành, khó tin, thật khó tin, thành công mau lẹ, ổn định đáng tin, vì sao chúng ta không ở nơi đây hạ công phu? Ở trên Kinh Phật nói với chúng ta, trong mười pháp giới có rất nhiều Bồ Tát muốn nghe pháp môn này mà không thể nghe được, các Ngài không có cơ hội này.

Chúng ta sanh vào thời đại này, thế gian này là thế gian đại loạn. Vì sao loạn? Không còn luân lý, cổ Thánh tiên Hiền đã nói không còn Tam Cương Ngũ Thường, không còn đạo đức, “trung - hiếu - nhân - ái - tín - nghĩa - hòa - bình”, tám chữ này đã không còn chữ nào. Bạn vào trong xã hội mà tìm, bạn đi quán sát thì thật không còn nữa. Đó gọi là thế gian đại loạn. Chúng ta ở trong thời đại này còn có thể nghe được chánh pháp, đó là nhân duyên hi hữu, thật là khó được. Sau khi nghe được rồi, bạn quả nhiên có thể tin, có thể hiểu, chịu nỗ lực phụng hành thì ngay trong đời này bạn liền viên mãn thành Phật. Nếu như bạn tu hành không thể thành tựu, hay nói cách khác, ý niệm tự tư tự lợi bạn không thể quên đi, danh vọng lợi dưỡng, tham-sân-si-mạn không hề xả bỏ. Vì sao vậy? Bên trong chỉ cần có những thứ này tồn tại, bên ngoài hoàn cảnh nhân sự sẽ nhiễu loạn bạn, chướng ngại bạn, hoàn cảnh vật chất cũng sẽ quấy nhiễu bạn, cũng sẽ chướng ngại bạn, vậy thì bạn không thể thành tựu. Nếu như bên trong bạn thanh tịnh, thì người và sự vật bên ngoài quấy nhiễu đều không khởi được tác dụng. Phàm hễ bạn bị quấy nhiễu từ bên ngoài là do bên trong có nội tặc, có nội ứng. Nếu bên trong không có nội ứng thì thế lực bên ngoài có lớn hơn, nó cũng không có cách nào quấy nhiễu bạn. Nội tặc của chúng ta chính là phiền não, chính là phải quấy nhân ngã, tham-sân-si-mạn không thể buông xả. Cho nên sóng động nho nhỏ bên ngoài mà chúng ta không thể giữ vững thì liền bị chướng ngại. Đây là nguyên nhân khiến chúng ta từ vô lượng kiếp đến nay, đời đời kiếp kiếp tu hành không thể thành công. Ngay trong đời này bạn tường tận rồi, có thể đem nhân tố không thể thành công này tiêu trừ đi, con đường vãng sanh Tịnh Độ của bạn chẳng phải không có chướng ngại hay sao? Ổn định, vững vàng, thuận lợi, bền chắc thì thành tựu rồi.

Thân thể này của chính mình vẫn chưa rời khỏi, tận lượng đem pháp môn này giới thiệu cho người khác. Chúng ta hy vọng chính mình vãng sanh, luôn là muốn dẫn thêm nhiều người cùng đi. Nếu chỉ có một mình ta đi đến bên đó thì thật là hổ thẹn, cho nên dẫn được càng nhiều người thì càng thù thắng. Dẫn đi bằng cách nào? Trước tiên chính mình phải y giáo phụng hành. Đây là khuyên bảo người khác phải dùng thân giáo, còn chính ta phải thật làm thì người khác mới chịu tin tưởng. Ta chính mình không thể y giáo phụng hành, dùng lời nói để khuyên người khác, người khác chưa chắc tin tưởng, “Anh nói được hay như vậy, tại vì sao anh không làm? Anh bảo tôi làm, tại vì sao anh không làm?”, họ sẽ nghi hoặc. Vì vậy bạn làm rồi thì mới nói, như vậy thì mọi người không có lời gì để nói, chân thật có thể khuyên người. Cho nên, ý niệm bố thí cúng dường mỗi giờ mỗi phút phải có, không thể không có cái tâm này, không thể không có cái ý niệm này. Nếu nói được rõ ràng hơn một chút, ý niệm tận tâm tận lực giúp đỡ người khác. Quan trọng nhất ngay trong tất cả giúp đỡ, pháp cúng dường là cao nhất.

Trong "Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm" nói được rất rõ ràng, rất tường tận: "Bố thí bảy báu đại thiên thế giới đều không sánh bằng cúng dường pháp bốn câu kệ". Vì sao vậy? Cúng dường pháp có thể khiến cho chúng sanh giác ngộ. Cúng dường tài có nhiều hơn, họ không thể giác ngộ, họ không đạt được lợi ích chân thật, hay nói cách khác, họ không thể ra khỏi sáu cõi luân hồi, không thể ở ngay trong một đời này thành Phật, không thể ở ngay trong một đời giải thoát, vậy thì sự cúng dường đó không phải là chân thật. Đạo lý này chúng ta nhất định phải hiểu. Cho nên, chúng ta phải biết tu pháp cúng dường. Pháp cúng dường chính là đem Kinh điển này, phương pháp tu hành này giới thiệu cho người khác. Người khác không tiếp nhận cũng không hề gì, một lần không tiếp nhận thì mười lần, mười lần không tiếp nhận thì một trăm lần, một ngàn lần, một vạn lần, đến sau cùng cũng sẽ miễn cưỡng tiếp nhận.

Một câu A Di Đà Phật chúng ta niệm đến cùng, quyết không thay đổi. Chúng ta làm như vậy và cũng dạy người khác làm như vậy. Niệm câu Phật hiệu này nhất định có chỗ tốt. Họ hỏi bạn: "Tốt ở chỗ nào vậy?". Nếu có thể nói thì nói cho họ nghe, còn không thì bạn có thể nói với họ: "Bạn cứ niệm đi thì nhất định có chỗ tốt, sau này bạn chính mình sẽ biết được”, vậy thì được rồi. Lời nói này đều là thật, không hề giả chút nào.

Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ học đến đây thôi.

A Di Đà Phật.

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 164)

Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Khởi giảng năm 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ