Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 153)

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 153)
Nguyện thứ ba mươi mốt: Nguyện bất tham kế thân. Kinh văn: “Nhược khởi tưởng niệm, tham kế thân giả, bất thủ chánh giác” Đây là đoạn cuối cùng của chương thứ mười lăm. Hôm nay nhân duyên vô cùng thù thắng, bà Hứa Triết hiện nay là nữ cư sĩ rồi, đã chính thức thọ quy y. Nữ cư sĩ này đến giảng đường để làm kiến chứng cho chúng ta, chứng minh nguyện bất tham kế thân này. Hôm nay đúng lúc giảng đến nguyện này. Phàm phu học đạo, bất luận là học theo loại tôn giáo nào, loại pháp môn nào, sở dĩ họ không thể tu thành công, vấn đề chính là chấp trước cái thân tướng này quá mức, khởi tâm động niệm đều vì cái thân thể này. Đây là nguồn gốc của mê hoặc, phiền não, khổ nạn. Ở trong Phật pháp, đây là thuộc về thân kiến. Thân kiến là điều đứng đầu trong kiến tư phiền não. Nếu không trừ thân kiến thì nhất định không thể vào dòng Thánh, cũng tức là nói không thể khế nhập cảnh giới của Thánh nhân. “Thánh” mà chỗ này nói không phải là Đại Thánh, mà là Tiểu Thánh. Tiểu Thánh là quả Tu Đà Hoàn của Tiểu Thừa, là sơ quả Tiểu Thừa. Sơ quả Tiểu Thừa là đã đem năm loại kiến hoặc đoạn sạch rồi. Chúng ta thường hay xem thấy ở trong Kinh, tam giới 88 phẩm kiến hoặc, 88 phẩm quy nạp trở lại còn năm loại. Loại thứ

Nguyện thứ ba mươi mốt: Nguyện bất tham kế thân.

Kinh văn: “Nhược khởi tưởng niệm, tham kế thân giả, bất thủ chánh giác”

Đây là đoạn cuối cùng của chương thứ mười lăm. Hôm nay nhân duyên vô cùng thù thắng, bà Hứa Triết hiện nay là nữ cư sĩ rồi, đã chính thức thọ quy y. Nữ cư sĩ này đến giảng đường để làm kiến chứng cho chúng ta, chứng minh nguyện bất tham kế thân này. Hôm nay đúng lúc giảng đến nguyện này. Phàm phu học đạo, bất luận là học theo loại tôn giáo nào, loại pháp môn nào, sở dĩ họ không thể tu thành công, vấn đề chính là chấp trước cái thân tướng này quá mức, khởi tâm động niệm đều vì cái thân thể này. Đây là nguồn gốc của mê hoặc, phiền não, khổ nạn. Ở trong Phật pháp, đây là thuộc về thân kiến.

Thân kiến là điều đứng đầu trong kiến tư phiền não. Nếu không trừ thân kiến thì nhất định không thể vào dòng Thánh, cũng tức là nói không thể khế nhập cảnh giới của Thánh nhân. “Thánh” mà chỗ này nói không phải là Đại Thánh, mà là Tiểu Thánh. Tiểu Thánh là quả Tu Đà Hoàn của Tiểu Thừa, là sơ quả Tiểu Thừa. Sơ quả Tiểu Thừa là đã đem năm loại kiến hoặc đoạn sạch rồi. Chúng ta thường hay xem thấy ở trong Kinh, tam giới 88 phẩm kiến hoặc, 88 phẩm quy nạp trở lại còn năm loại. Loại thứ nhất là thân kiến. Chấp trước cái thân này là ta thì sự việc này phiền phức rồi. Trên thế giới, có người nào không chấp trước thân này là ta chứ? Thậm chí là chúng sanh lục đạo, cho dù đến Đại Phạm Thiên, Ma-Hê-Thủ-La Thiên, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiên, thân kiến của họ chưa đoạn. Cho nên, họ là phàm phu sáu cõi, tuy phước báo lớn, được sinh về cõi trời, nhưng khi phước báo hưởng hết rồi vẫn phải chịu nỗi khổ luân hồi. Bạn muốn hỏi tại sao lại bị nỗi khổ luân hồi? Vì chấp trước cái thân này là ta. Đến khi nào quên đi cái thân này, thân không phải là ta. Thân không phải là ta thì ai là ta vậy?

Vừa rồi, lời của cư sĩ Hứa Triết nói với mọi người ở nơi đây, các bạn nghe thật kỹ, thử nghĩ thật kỹ, bà không chấp trước thân này là ta rồi. Bạn hỏi bà cái gì là ta? Tất cả chúng sanh khổ nạn là ta. Bạn thử xem bà 101 tuổi còn muốn xây viện dưỡng lão. Xây viện dưỡng lão như thế nào? Không giống như viện dưỡng lão thông thường của thế gian. Bà xây viện dưỡng lão là viện dưỡng lão mang cách thức gia đình, xem người già là cha mẹ của mình, là anh em chị em của mình, theo cách thức như vậy mà chăm sóc chúng sanh khổ nạn. Cái ta của bà không phải cái thân này, mà là tất cả chúng sanh khổ nạn. Cho nên, bà phát tâm muốn thọ Tam Quy, ngay cả phái Ngũ Giới tôi cũng trao cho bà. Bà hỏi: “Con có tư cách này không?”. Tôi bảo: “Cụ là đệ tử Tam Quy, đệ tử Ngũ Giới tiêu chuẩn”, Tam Quy, Ngũ Giới đều có thể cho mười điểm. Người chính thức ở trước Phật thọ Tam Quy Ngũ Giới so với bà cũng không bằng, trên thực chất, bà là đệ tử Như Lai.

Bà ăn chay từ nhỏ, người bình thường chúng ta gọi là: “Ăn chay từ trong bụng mẹ”. Bà ngửi thấy mùi tanh hôi thì có phản ứng rất khó chịu, cho nên từ nhỏ bà đã không ăn đồ tanh hôi, mà ăn rau củ. Đời sống của bà đơn giản biết bao. Chúng ta ngày nay sống phải có đồ gia vị, sắc hương vị. Hiện nay chúng ta thể hội được, sắc hương vị không phải thực phẩm có lợi cho sức khỏe. Tại sao vậy? Đó là đồ chế biến. Phàm là đồ chế biến đều là có hại, trái ngược với quy luật tự nhiên. Bạn ăn vị càng đậm đặc thì hại càng sâu, đối với cơ thể nhất định không có lợi ích. Bà sống đơn giản biết bao, ăn uống đơn giản, áo quần đơn giản. Bạn thấy bà mặc đồ phong phanh như vậy, có một số người nói giảng đường không khí quá lạnh, phải mặc quần áo thật dày. Bà không biết nóng lạnh, bà không hiểu được nóng lạnh, thời tiết nóng đi nữa bà cũng mặc một bộ đồ, lạnh đi nữa cũng mặc một bộ đồ, bà rất bình thường. Tại sao vậy? Nguyện bất kế thân. Bà không suy tính cái thân này là mình. Chúng ta coi trọng cái cơ thể này quá mức, phải làm thế nào bồi dưỡng cho nó, phải làm thế nào yêu quý nó, nhưng trên thực tế đã hoàn toàn hại nó. Cách thức sống đó của bà đích thực là đạo dưỡng sinh, khỏe mạnh trường thọ. Bà 100 tuổi rồi, chưa hề bị bệnh, không có phiền não, không có lo buồn, không có bận tâm, chưa hề ghét bỏ bất kỳ một người nào. Có người không ưa bà, ác cảm với bà, nhưng bà không ghét bỏ người ta, bà không ác cảm với người khác, không phải người bình thường có thể làm được, bà đều làm được cả. Một vài năm gần đây, bà thích xem sách Phật, trên thực tế là sách của những tôn giáo khác bà đều ưa thích xem.

Các giáo hữu của Thiên Chúa giáo thấy bà xem sách của những tôn giáo khác, xem sách Phật giáo, liền nói với bà: “Tại sao bà đi xem những thứ của ma quỷ?”. Bà trả lời rất hay, bà nói: “Tôi thấy tất cả tôn giáo thảy đều là một mảng quang minh”. Bà không có phân biệt, không có chấp trước. Phật ở trong Kinh nói với chúng ta, xa lìa tất cả chấp trước thì liền thoát khỏi lục đạo luân hồi, buông xả tất cả phân biệt thì liền thoát khỏi thập pháp giới. Bạn thử nghĩ xem, cảnh giới của bà là gì? Bà ở đây gặp mặt mọi người chúng ta một chút rồi lập tức rời khỏi giảng đường, bà còn có rất nhiều việc phải làm. Việc gì vậy? Tầng lớp người khổ nạn cần bà giúp đỡ, nên bà không có nghỉ ngơi. Một mình ở trong cái phòng nhỏ, không có người chăm sóc bà. Bà cứ đều đặn ngày đêm không ngừng nghỉ đi chăm sóc người khác, 101 tuổi vẫn chưa có nghỉ ngơi. Bạn thấy tình trạng sức khỏe của bà, tôi nhìn thật kỹ chỉ thấy bà mới rụng một cái răng, đọc báo không cần đeo kính, tai mắt sáng suốt, phản ứng rất nhanh. Đây là không suy tính thân tướng thu được lợi ích thù thắng.

Chúng ta hôm nay giảng nguyện này, mọi người chính mắt nhìn thấy rồi. Chúng tôi nhìn thấy rất ngưỡng mộ, trường thọ nhất định phải khỏe mạnh mới là phước báo. Trường thọ không khỏe mạnh không phải phước. Cho dù có rất nhiều người hầu hạ bạn, chăm sóc bạn cũng không phải phước báo. Tại sao vậy? Phiền phức rất nhiều người. Bạn thử xem bà cả đời không phiền đến người, cũng không muốn làm phiền chính mình, ăn cơm phải đi nấu cơm, phải đi xào rau, làm phiền chính mình. Bà không muốn gây ra cái phiền phức này, nên ăn rau sống, dầu muối, tương, dấm thảy đều đoạn tuyệt, hoàn toàn khôi phục tự nhiên. Rau sống mua về, rửa sạch là ăn được rồi. Bà mặc quần áo, đến bên này là để tiếp khách, bà mặc quần áo như vậy là rất đẹp đấy. Quần áo từ đâu mà có vậy? Bà nói là nhặt ra từ trong thùng rác. Có rất nhiều người tặng tiền cho bà. Bà nói, tiền không phải tặng cho tôi hưởng thụ, là người ta tín nhiệm tôi, để tôi cứu giúp người khổ nạn cần được giúp đỡ. Một xu bà cũng không hề dùng riêng cho mình, khởi tâm động niệm tất cả đều là vì người khác, tâm địa thanh tịnh, tràn đầy tâm từ bi và yêu thương. Cho nên cư sĩ Lý hỏi bà, bà rốt cuộc tin tôn giáo nào? Bà trả lời, bà tin tôn giáo “Tình thương”. Tình thương chính là tôn giáo. Lời nói này nói không sai tí nào cả. Nhà Phật nói: “Từ bi làm gốc, phương tiện làm cửa”. Từ bi chính là yêu thương. Thiên Chúa giáo của bà nói: “Thượng đế yêu thế nhân”. Cơ đốc giáo nói: “Thần yêu thế nhân.” Chúng ta ngày nay với chín tôn giáo ở Singapore giao thiệp vô cùng mật thiết. Ở trong giáo nghĩa của chín tôn giáo, nếu như nói hoàn toàn tương đồng, không hề có mảy may chống trái chính là một chữ “Yêu”. Bà thật sự là nắm được điểm chính rồi. Tôn giáo của tình thương, mọi tôn giáo toàn bộ đều bao gồm ở trong đó rồi, không hề sót một tôn giáo nào cả. Chúng ta ngày nay nói đa nguyên văn hóa. Bà đã nắm được hạt nhân của đa nguyên văn hóa rồi, vì vậy bà không nghĩ đến bản thân. Bà vừa mới nói: “Ông trời sẽ phù hộ tôi”. Bà chẳng cầu mong gì cả.

Tôi còn nhớ, khi tôi 26 tuổi, vừa mới học Phật, gần gũi Đại Sư Chương Gia. Đại Sư Chương Gia nói với tôi, khuyến khích tôi đem cái thân tâm này hiến dâng cho Phật giáo, dâng hiến cho tất cả chúng sanh, thì đời này của tôi tự nhiên sẽ có Phật Bồ Tát chăm lo, tôi không nên lo lắng gì cả. Tôi nghe lời nói này rất có đạo lý. Đời này giao cho Phật Bồ Tát chăm lo, như thế tự tại biết bao. Nhưng người thế gian nghĩ không ra, họ muốn tự mình chăm lo cho mình, để người khác chăm lo thì không yên tâm. Muốn tự mình chăm lo cho mình thì đau khổ sẽ nhiều thôi. Bạn đời này phải chịu biết bao nhiêu khổ nạn nhưng chưa chắc chăm lo cho mình tốt được. Cư sĩ Hứa Triết nói, “ông trời sẽ chăm lo cho bà” chính là chư Phật Bồ Tát, chúng thần chăm lo cho bà. Chúng ta hiểu rõ đạo lý này rồi thì phải giác ngộ. Mọi tôn giáo, chúng ta quan sát tỉ mỉ, đều có thể dung thông chứ không hề ngăn ngại, không hề ngăn cách, không có chướng ngại. Tất cả mọi ngăn ngại là do vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của chính chúng ta tạo nên. Xa lìa vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, chúng ta sẽ nhìn thấy chân tướng sự thật.

Chân tướng sự thật, đúng như trong “Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm” đã nói: “Tất cả tôn giáo là cùng một gốc”, cái gọi là “Vốn là cùng gốc sanh ra”. Cái gốc này tên gọi là gì vậy? Ở trong Phật pháp thường gọi là tự tánh, gọi là chân tâm, gọi là chân như, gọi là Như Lai, ở trong Kinh Phật có rất nhiều danh từ như thế này; ở trong các tôn giáo bạn thì gọi là Thượng Đế, gọi là Thần. Tên gọi không giống nhau, nhưng thật sự chỉ là một. Không nên vì tên gọi khác nhau mà chúng ta khởi phân biệt chấp trước, đây chính là chấp trước tướng ngôn thuyết, chấp trước tướng danh tự, chấp trước tướng tâm duyên, như vậy mới tạo ra sự sai lệch, tạo nên hiểu lầm. Sự hiểu lầm này ngày càng nghiêm trọng, thế là phát sinh mâu thuẫn, thậm chí là bất hạnh và dẫn đến xung đột đổ máu, chiến tranh tai nạn. Nguyên nhân này chính là do không thâm nhập sâu thêm một nấc để tìm ra gốc. Người thế gian nói là không chịu tìm bản chất, tìm đến chỗ nhánh cây là ngừng rồi, không chịu tìm kiếm thêm xuống dưới nữa. Đây là mê hoặc, không biết sở dĩ nhiên. Phật pháp sau khi họ tiếp xúc rồi đều có thể sinh tâm hoan hỷ.

Tôi lần này đến nước Mỹ, ở trong buổi tọa đàm tại Los Angeles có một vị cha xứ là người Mỹ. Trước đây, ông đã từng sống tại Đài Loan 12 năm, ông nói tiếng phổ thông rất giỏi, từng dạy học tại đại học Phụ Nhân. Ông gặp được tôi thì rất hoan hỷ. Ông biết rất rõ là năm xưa tôi từng dạy học ở trong “Viện tu đạo Đa-mã-tư”, một nhà thờ Thiên Chúa giáo ở phía sau Đại học Phụ Nhân. Phàm là người từng tiếp xúc Phật giáo đều vô cùng kính phục đối với Phật giáo. Tại sao vậy? Phật pháp tìm đến gốc. Nếu như chúng ta đối với những tôn giáo khác, thế gian dù cho người tạo ác đủ dạng, vẫn còn có thành kiến. Cái thành kiến này là kiến hoặc, kiến hoặc của bạn chưa đoạn. Hàng ngày bạn đọc Kinh Phật, mà ý nghĩa Phật nói ở trong Kinh, bạn không hiểu rõ. “Phẩm Phổ Môn”, có người học Phật nào mà không tụng? “Kinh Kim Cang” có người học Phật nào mà không đọc? Hai cuốn sách phổ biến nhất này, có rất nhiều đồng tu còn có thể thuộc lòng. Ở trong “Phẩm Phổ Môn” đã nói: “Cần dùng thân gì độ được, tức hiện thân ấy mà thuyết pháp”. Bạn hiểu được cái ý này không? Nếu như bạn thật sự hiểu được rõ ràng rồi, thì thành kiến của bạn đối với tất cả mọi tôn giáo chắc chắn được hóa giải. Tại sao vậy? Cần dùng thân Cơ Đốc mà độ được thì Như Lai liền hiện thân Cơ Đốc mà thuyết pháp; cần dùng thân Thượng Đế mà độ được, tức hiện thân Thượng Đế mà thuyết pháp. Đây là người một nhà mà. Bồ Tát có 32 ứng thân thì vị Bồ Tát đó là Như Lai, vậy thì kiến hoặc của chúng ta đã đoạn rồi.

“Kinh Kim Cang Bát Nhã” nói thấu triệt hơn: “Phàm những gì có tướng đều là hư vọng”, “Tất cả pháp hữu vi như mộng huyễn bèo bọt”. Không những là tư hoặc đoạn rồi, mà trần sa vô minh cũng không tồn tại nữa, vậy là đích thực tìm ra được nguồn gốc của vũ trụ nhân sinh rồi. Chúng ta phải nhận biết, phải hiểu rõ thì đời này mới không đến nỗi luống qua, mới có thể khế nhập cảnh giới của chư Phật Bồ Tát. Cho nên, cổ đức nói: “Kiến hoặc không trừ thì không thể vào được dòng Thánh”. Câu nói này nhất định không được xem thường. Làm sao phá kiến hoặc? Phải dựa vào lời chỉ dẫn của Kinh điển, còn phải hiểu sâu nghĩa thú, y giáo phụng hành mới có thể đột phá cái quan ải này. Các đồng tu đều biết, mỗi chúng ta luận về tu hành, vô lượng kiếp trước đã gieo trồng thiện căn, mỗi người đều có nền tảng thiện căn sâu dày. Tuy có nền tảng thiện căn, nhưng đáng tiếc thân kiến không buông xả được, cho nên vô lượng kiếp đến ngày nay vẫn làm phàm phu, vẫn còn trôi lăn trong sáu cõi luân hồi. Điều này rất đáng thương, trên Kinh Phật thường hay cảm thán là “kẻ đáng thương”. Không chỉ như thế, chúng ta mãi đến ngày nay vẫn rất dễ dàng bị hoàn cảnh cám dỗ, hơi có một chút thuận nghịch là tâm đạo liền mất hết; thuận cảnh thì tâm tham ái khởi lên rồi, tâm tinh tấn quên mất rồi; nghịch cảnh hiện tiền thì lập tức nản lòng, thối chuyển. Cho nên, bất kể là thuận cảnh hay nghịch cảnh, không ngăn nổi sóng gió, sóng nhỏ gió nhỏ cũng ngăn không nổi huống hồ là sóng to gió lớn? Cổ đức thường nói: “Tám gió thổi không lay”. Chúng ta ngày nay tám gió cực nhỏ là đã bị bay đi mất tiêu rồi. Nguyên nhân chính của vô lượng kiếp tu hành đến ngày nay không có thành tựu chính là ngay chỗ này.

Ở trong 37 đạo phẩm nói “Ngũ căn, ngũ lực".  Chúng ta ngày nay ngay cả căn cũng không có. Năm loại này là “tín, tấn, niệm, định, tuệ”. Ngay cả năm loại căn này chúng ta cũng không có. Ngày nay chúng ta nói tín, mà niềm tin lững lờ bất định. Ngũ căn, cái đầu tiên là tín căn không có thì bốn cái còn lại không cần bàn đến nữa, vậy sao có thể vãng sanh, sao có thể thành tựu? Tại sao chúng ta ngay cả cái căn này cũng không có vậy? Tuy nói bạn thiện căn sâu dày, nhưng thiện căn đó là tiềm ẩn ở trong A Lại Da thức của bạn, nó không khởi hiện hành, không khởi tác dụng. Nếu muốn thiện căn khởi hiện hành, thật sự bạn phải có tín căn, có niệm căn, có định căn. Muốn có tín căn, niệm căn, định căn thì nhất định phải dựa vào giáo dục. Chúng ta ngày nay khổ là do không có lời chỉ dạy của Phật Đà, tuy hàng ngày đọc Kinh, biết tụng Kinh, mà không hiểu ý nghĩa của Kinh. Cho dù hiểu một chút ý nghĩa, nhưng quá nông cạn thì cũng không thể thay đổi đời sống của chúng ta, không thể ảnh hưởng đời sống của chúng ta thì vẫn là vô dụng, chỉ có thể tốt hơn một chút so với không niệm. Đến khi nào mới có thể khởi tác dụng, mới có thể phát sinh tác dụng vậy? Nó thay đổi được tư tưởng của chúng ta, thay đổi được kiến giải của chúng ta, thay đổi được đời sống của chúng ta, vậy mới gọi là căn. Căn khởi tác dụng tạo ra sức mạnh, vậy là ngũ căn đã tiến đến ngũ lực rồi.

Căn của chúng ta ngày nay không có. Hãy thử nghĩ thật kỹ, phía trước ngũ căn, những môn nào cần phải tu học? Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc, sau đó mới đến Ngũ Căn, bạn mới biết có căn. Tứ Niệm Xứ là xây dựng quan niệm đúng đắn cho chúng ta. Chúng ta ngày nay gọi là nhân sinh quan, vũ trụ quan. Điều đầu tiên của Tứ Niệm Xứ là phá thân kiến, “quán thân bất tịnh”, chúng ta chưa làm được. “Quán thọ là khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã”, ai chịu hạ công phu ở trong đây? Đây là pháp căn bản của Phật pháp, tu hành phải bắt đầu từ chỗ này. Bạn chân thật vào đạo, thoát khỏi tập khí phiền não từ vô lượng kiếp đến nay, bạn phải bắt tay từ chỗ này. Đại Sư Thiên Thai đối với “Tứ Niệm Xứ” nói vô cùng tường tận. Bốn câu nói này, Ngài chú giải thành một cuốn sách rất dày. Năm xưa tôi đã đọc đến, cảm thấy vô cùng kinh ngạc, cho rằng bốn câu này rất dễ hiểu. Thử xem chú giải của Ngài, càng xem càng khó hiểu. Ngài dùng “Tàng, Thông, Biệt, Viên” bốn cấp bậc để nói rõ việc tu học “Tứ Niệm Xứ”. Đây là dạy cho chúng ta phương pháp quán sát đối với pháp thế xuất thế gian, cách nhìn của Tàng giáo như thế nào, cách nhìn của Thông giáo như thế nào, Biệt giáo, Viên giáo cách nhìn lại là như thế nào. Cấp bậc cảnh giới không ngừng nâng cao. Quan sát tinh tế, chúng ta mới biết được bậc Thánh hiền làm thế nào giải thoát, làm thế nào thành tựu. Xoay trở lại thử nhìn bản thân, tại sao ta bị đọa lạc, tại sao chúng ta không thoát khỏi tam giới, tại sao không thể thoát khỏi luân hồi, tại sao chúng ta vẫn bị danh vọng lợi dưỡng, ngũ dục lục trần của thế gian cám dỗ mà họ thì có thể vượt qua? Sau khi đã tìm ra nguyên nhân, chúng ta tiêu trừ nguyên nhân đọa lạc của mình, học tập nguyên nhân vượt qua của người ta, thì chúng ta đời này cũng có thể thành tựu. Đây là tu đạo chân chánh. Cho nên, quí vị nhất định phải nhớ kỹ, thân kiến không trừ thì chắc chắn lưu lạc trong luân hồi sanh tử, không có cách gì vượt qua.

Trong Kinh nói “tham kế thân giả”, sao gọi là tham? Tham dễ dàng hiểu, đó là tham ái; thuận cảnh thì tham luyến, không nỡ xa lìa; nghịch cảnh thì muốn nhanh chóng rời xa. Cảnh giới thuận nghịch đều là một chữ tham. “Kế” là toan tính, phân biệt, chúng ta thường nói tính toán, kế hoạch, suy lường, chính là cái ý này. Nói tóm lại, ở trên danh tướng của Phật pháp gọi là “chấp ngã”. Phàm phu lục đạo đều cho rằng cái thân này là ta, nên tham chấp, toan tính, yêu quý hết mực. Thuận thân kiến liền khởi tham ái, trái nghịch thân kiến liền khởi sân hận, đủ thứ phân biệt, vọng tưởng, vô lượng vô biên phiền não cũng từ đó mà sanh ra. Xưa nay chưa có người phát hiện đây là gốc bệnh, đây là gốc khổ. Mấy ngàn năm trước, Lão Tử đã từng nói: “Ta có đại hoạn, bởi vì ta có thân”. Lão Tử đã giác ngộ rồi. Kiến giải của Ngài với người khác không giống nhau. Ngài cho rằng cái thân này là gánh nặng, thân là tai họa. Ngài thông minh hơn nhiều so với người bình thường. Nhưng mà cái thân này có phải là gánh nặng, có phải là tai họa hay không? Không hẳn vậy. Cái thân này là công cụ, xem bạn dùng nó như thế nào. Bạn biết dùng thì cái thân này là rất tốt, không biết dùng thì nó là tai họa. Lời này nói như thế nào đây? Người không biết dùng thì dùng cái thân này để tạo nghiệp, cho nên nó là tai họa; người biết dùng thì sẽ dùng cái thân này để phục vụ tất cả chúng sanh khổ nạn, công đức của nó vô lượng. Nó là công cụ. Có mấy người xem cái thân này là công cụ? Người giác ngộ, bậc Thánh Tam Thừa, cấp bậc thấp nhất là quả vị Tu Đà Hoàn Tiểu Thừa không còn chấp trước thân là ta nữa, bắt đầu từ đó biết cái thân này là công cụ. Nhà Phật có cái gọi là: “Mượn giả tu thật”, cái công cụ này là giả, chúng ta mượn công cụ này để tu thật. Thật là gì vậy? Minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật. Cho nên, không thể xa lìa cái công cụ này.

Lần này tôi đến California nước Mỹ một chuyến. Nguyên nhân là khi tôi ở văn phòng lầu hai, cư sĩ Lý Mộc Nguyên đã đặt một cuốn tạp chí ở trên bàn, tình cờ tôi đã lật ra, nhìn thấy bên trong có một bảng thống kê, con số thống kê này tôi vừa nhìn thấy thì vô cùng kinh ngạc. Bên trong nói về kỷ lục phạm tội của học sinh tiểu học, học sinh trung học Mỹ, nhìn thấy thật sự là khó tin. Nước Mỹ là một quốc gia khoa học rất phát triển, họ thường xuyên không ngừng công bố con số điều tra thống kê. Trên thế giới, các quốc gia khu vực khác, giống như tình hình này thì không có con số báo cáo. Chúng ta tưởng tượng, vấn đề này thật vô cùng nghiêm trọng. Giáo dục nhân văn lơ là rồi, luân lý đạo đức gần như đoạn tuyệt, tư tưởng công lợi đã in sâu trong nội tâm của thanh thiếu niên rồi. Cứ đà phát triển như vậy thì vô cùng đáng sợ.

Khi Mạnh Phu Tử gặp Lương Huệ Vương, câu đầu tiên Lương Huệ Vương hỏi Ngài là: “Tiên sinh, ông đến quốc gia của tôi, đối với quốc gia tôi ông đem lại cho chúng tôi những lợi ích như thế nào?”. Mạnh Tử trả lời rất hay, trong đó có một câu nói (đây là kết luận cuối cùng, phần trung tâm thì tôi không nói nữa): “Trên dưới tranh lợi nhau, nước ấy nguy rồi”. Trên là chư hầu, thiên tử, dưới là thứ dân, từ trên xuống dưới đều muốn nói công lợi thì quốc gia bạn sẽ nguy. Người trong một nước này không nói đạo nghĩa, chỉ coi trọng công lợi, vậy có nguy không? Có lợi là bạn bè, không có lợi là thù địch; có lợi thì hợp tác, không có lợi liền tiêu diệt đối phương. Tai họa vô cùng! Ngày nay không phải “trên dưới tranh lợi nhau, nước ấy nguy rồi”, mà người trên cả thế giới đều đang ở đó cạnh tranh mưu lợi thì toàn thế giới này nguy. Thế giới này của chúng ta nguy rồi, không phải chỉ một quốc gia, bạn thấy đáng sợ biết bao. Nếu một quốc gia gặp tai nạn, nguy nan này thì còn có quốc gia khác, chúng ta có thể di dân, có thể tránh nạn. Ngày nay là toàn thế giới, bạn thấy sự việc này đáng sợ biết bao. Cá nhân tôi sao cũng được, tuổi tác cao như thế này thì chết lúc nào cũng được.

Tôi hiện nay đối với cái chết rất hoan hỷ, không hề kiêng kỵ. Nhìn thấy thế gian này biết bao nhiêu người khổ nạn, tương lai đi về đâu? Cho nên trước khi tôi đi Mỹ, đã bàn đến vấn đề này với cư sĩ Lý Mộc Nguyên. Hiện nay nhanh chóng làm, “mất bò mới lo làm chuồng” là đã quá muộn rồi, nhưng mà làm còn tốt hơn là không làm. Hội trưởng Lý đồng ý. Cách làm như thế nào? Biện pháp duy nhất là lợi dụng công cụ tốt, công cụ là truyền hình. Làm thế nào có thể đem nền giáo dục chánh diện, thiện truyền bá trên truyền hình. Cho nên, chúng tôi đi lần này chủ yếu là đồng tu bên đó nghe nói chúng tôi đã từng tổ chức một pháp hội tại Malaysia với hơn mười ngàn người tham gia. Họ điện thoại nói với tôi, hy vọng tôi đến Mỹ một chuyến, họ cũng có thể có số lượng một vài vạn người đến tham dự pháp hội này. Tôi lắc đầu, bảo với họ: “Tôi không thích đứng đầu gió, tôi không cần có cảnh tượng này. Tình hình Malaysia là đặc thù, họ là quốc gia Hồi Giáo, trước đây đối với hoạt động của Phật giáo có rất nhiều hạn chế, vì vậy bên đó mời là tôi đi ngay. Nước Mỹ là quốc gia dân chủ tự do mở cửa, tổ chức hoạt động quy mô lớn này, tôi không có hứng thú”. Họ bèn hỏi tôi: “Vậy ý của Pháp sư thế nào?”. "Phát thanh truyền hình, phát sóng truyền hình vệ tinh, tôi sẽ đi liền", tôi nói. Họ quả nhiên tìm đến đài truyền hình vệ tinh Bắc Mỹ. Chủ tịch, Tổng giám đốc của đài truyền hình đó tuy chưa từng gặp mặt, nghe nói tôi muốn đi, bèn cho chúng tôi sáu giờ miễn phí. Tôi cảm thấy rất ngạc nhiên. Sau khi đi rồi, vừa gặp mặt với Chủ tịch, Tổng giám đốc, ông ấy nói: “Pháp sư! Chúng ta biết nhau rất lâu rất lâu rồi”. Tôi hỏi sự việc ra làm sao thì hóa ra ông ấy đã xem băng ghi hình của tôi mấy năm rồi. Họ nói: "Cả nhà chúng con đều xem băng của thầy, cố tìm cho được băng của thầy để trong nhà xem".  Cho nên, thảo nào họ cho chúng tôi sáu giờ miễn phí. Lần này sau khi bàn xong rồi, sáu giờ thì không đủ. Thế phải làm sao? Trường kỳ, nếu muốn phát sóng miễn phí băng ghi hình giảng Kinh của chúng tôi.

Tôi nói với họ: “Nước Mỹ là nước lớn siêu cường trên thế giới, nước lớn siêu cường cũng sẽ có ngày bị diệt vong. Thế gian này không có gì tồn tại vĩnh viễn, cũng sẽ có ngày bị diệt vong”. Hơn 30 năm trước, có người thỉnh giáo tiên sinh Phương Đông Mỹ: “Nước Mỹ tương lai bị diệt vong, nhân tố đứng đầu là gì vậy?”. Tiên sinh Phương không hề do dự, lập tức liền trả lời: “Truyền hình! Nước Mỹ tương lai mất nước là do truyền hình”. Cho nên, tôi nói với các vị lãnh đạo đài truyền hình của họ: “Các bạn có thể hủy diệt xã hội này, hủy diệt thế giới này, các bạn cũng có thể cứu vãn xã hội này, cứu vãn thế giới này, là ở trong khoảng một niệm của bạn. Nếu như phát tâm cứu vãn xã hội, cứu vãn kiếp nạn của tất cả chúng sanh này,  công đức các bạn rất lớn, không thể nói hết, dù cho chư Phật Như lai cùng nhau đồng thanh đến tán thán cũng tán thán không hết”. Tôi nói, một ngày không cần nhiều, mỗi ngày có thể phát sóng nửa giờ, một giờ, thì sau một năm, phong khí xã hội nhất định sẽ thay đổi bộ mặt thôi. Ngạn ngữ nói rất hay: “Đừng sợ không biết hàng, chỉ sợ hàng so với hàng”. Cho nên, kinh doanh truyền hình vệ tinh không nên lấy kiếm lợi làm mục đích, mà phải lấy cứu đời, cứu người làm mục đích, thì chủ tịch của bạn chính là Như Lai, chính là Phật Đà, nhân viên của bạn đều là Bồ Tát. Họ nghe xong rất hoan hỷ. Họ muốn làm Phật, muốn làm Bồ Tát, thế thì tốt, băng ghi hình giảng Kinh của chúng tôi sẽ liên tục không dứt cung cấp cho họ.  

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 153)

Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Khởi giảng năm 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ