Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 133)

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 133)
Nguyện thứ 19: "Ngã tác Phật thời, thập phương chúng sanh, văn ngã danh hiệu, phát Bồ Đề Tâm, tu chư công đức, phụng hành lục Ba La Mật, kiên cố bất thoái, phục dĩ thiện căn hồi hướng, nguyện sanh ngã quốc, nhất tâm niệm ngã, trú dạ bất đoạn". Nguyện thứ 19 này là "văn danh phát tâm nguyện", rất là quan trọng. Làm sao chúng ta biết được nguyện này là quan trọng? Ở trong hai phẩm "Ba Bậc Vãng Sanh" và "Vãng Sanh Chánh Nhân", Thế Tôn vì chúng ta khai thị là "phát Bồ Đề Tâm, nhất hướng chuyên niệm". Nguyện thứ 18 phía trước đã nói "mười niệm ắt sanh", đây là một lòng chuyên niệm. Nguyện thứ 19 này chính là dạy chúng ta phải phát tâm Bồ Đề. Chỉ có một lòng chuyên niệm mà không phát tâm Bồ Đề thì vẫn không thể vãng sanh. Cho nên hai cái nguyện này là tướng biểu thị, cần phải nhận biết rõ ràng. Ngay đời này của chúng ta nhất định được sanh Tịnh Độ thì không hề trống qua. Cái thân ở thế gian này, người xưa nói là cái thân sau cùng, vô lượng kiếp đến nay, đời này là sau cùng. Chúng ta đánh dấu mốc sau cùng, về sau không trở lại sáu cõi luân hồi nữa, chắc chắn vãng sanh Tịnh Độ. Lần sau nếu như có trở lại là thừa nguyện tái sanh, nhất định không phải phàm phu, không phải do nghiệp lực đến thọ

Nguyện thứ 19: "Ngã tác Phật thời, thập phương chúng sanh, văn ngã danh hiệu, phát Bồ Đề Tâm, tu chư công đức, phụng hành lục Ba La Mật, kiên cố bất thoái, phục dĩ thiện căn hồi hướng, nguyện sanh ngã quốc, nhất tâm niệm ngã, trú dạ bất đoạn".

Nguyện thứ 19 này là "văn danh phát tâm nguyện", rất là quan trọng. Làm sao chúng ta biết được nguyện này là quan trọng? Ở trong hai phẩm "Ba Bậc Vãng Sanh" và "Vãng Sanh Chánh Nhân", Thế Tôn vì chúng ta khai thị là "phát Bồ Đề Tâm, nhất hướng chuyên niệm". Nguyện thứ 18 phía trước đã nói "mười niệm ắt sanh", đây là một lòng chuyên niệm. Nguyện thứ 19 này chính là dạy chúng ta phải phát tâm Bồ Đề. Chỉ có một lòng chuyên niệm mà không phát tâm Bồ Đề thì vẫn không thể vãng sanh. Cho nên hai cái nguyện này là tướng biểu thị, cần phải nhận biết rõ ràng. Ngay đời này của chúng ta nhất định được sanh Tịnh Độ thì không hề trống qua.

Cái thân ở thế gian này, người xưa nói là cái thân sau cùng, vô lượng kiếp đến nay, đời này là sau cùng. Chúng ta đánh dấu mốc sau cùng, về sau không trở lại sáu cõi luân hồi nữa, chắc chắn vãng sanh Tịnh Độ. Lần sau nếu như có trở lại là thừa nguyện tái sanh, nhất định không phải phàm phu, không phải do nghiệp lực đến thọ sanh, mà do nguyện lực đến thọ sanh. Việc này hoàn toàn không giống nhau. Nếu như người công phu tốt, ngay hiện tiền có thể chuyển nghiệp lực thành nguyện lực, không cần phải đánh một vòng đến Thế giới Cực Lạc rồi quay lại. Có người nào làm được điều này hay không? Có! Từ xưa đến nay có rất nhiều. Vậy nguyện lực của chúng ta chuyển đổi lại rồi, tương lai có thể vãng sanh hay không? Xin nói với các bạn, việc vãng sanh là tùy theo ý của chính bạn, bạn tự tại vãng sanh. Đây là pháp môn Tịnh Tông thù thắng không gì bằng.

Trong nguyện văn chúng ta phải đặc biệt lưu ý câu: "Ngã tác Phật thời, thập phương chúng sanh". "Ngã" là A Di Đà Phật tự xưng. A Di Đà Phật ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc thành Phật đến nay đã mười kiếp. Thế Tôn đã giới thiệu cho chúng ta ở trong rất nhiều Kinh luận, Ngài đã thành Phật rồi. "Mười phương chúng sanh", đây không có gì khác biệt, đương nhiên bao gồm chúng ta trong đó. Mười phương thế giới vô lượng vô biên chúng sanh, không phân quốc tịch, không phân tộc loại (tộc loại này là mười pháp giới), không phân tôn giáo tín ngưỡng, thảy đều bao gồm ở trong đó. Hiện tại người ta gọi là đa nguyên văn hóa, thế nhưng ngay trong khái niệm của chúng ta, đa nguyên văn hóa vẫn là phạm vi có hạn. Vì sao vậy? Bởi vì đa nguyên văn hóa của chúng ta không bao gồm súc sanh trong đó, chúng ta nói đa nguyên văn hóa là nói cõi người, không phân giới hạn quốc gia, không phân giới hạn dân tộc, không phân giới hạn chủng tộc, không phân giới hạn tôn giáo, nhưng súc sanh không có trong đó, cõi ngã quỷ không có trong đó, cõi trời không có trong đó, cõi địa ngục cũng không có trong đó. Cho nên, đa nguyên văn hóa của chúng ta so với Phật là thiểu nguyên văn hóa, không phải đa nguyên văn hóa. Nhà Phật, mười phương chúng sanh này mới là đa nguyên văn hóa cứu cánh viên mãn. Chúng ta phải có thể thể hội, phải có thể nhận biết, tâm lượng của bạn phải mở rộng. Nơi nơi đều là tâm lượng nhỏ thì tâm Bồ Đề không thể phát khởi. Tâm Bồ Đề là "tâm bao thái hư, lượng khắp pháp giới", tâm Bồ Đề là tâm giác ngộ cứu cánh viên mãn. Bạn phát ra cái tâm này cùng tâm của A Di Đà Phật là tương đồng, cùng tâm của mười phương chư Phật Bồ Tát là tương đồng. Trong pháp Đại Thừa, không luận tu học pháp môn nào, bạn đều có thể thành tựu. Đại Thừa kiến lập ở trên nền tảng của tâm Bồ Đề. Người Tiểu Thừa không có phát tâm Bồ Đề, họ không ra khỏi mười pháp giới, niệm Phật cũng không thể vãng sanh. Đạo lý này mọi người phải hiểu.

Niệm Phật phải niệm bằng cách nào? Câu sau cùng, Phật dạy chúng ta: "Nhất tâm niệm ngã, trú dạ bất đoạn". Niệm Phật là nhất tâm niệm. Hiện tại chúng ta niệm Phật là tâm ý qua loa. Khi giảng đến sau cùng tôi sẽ nói tường tận với các bạn. Bạn phải biết được cách niệm như thế nào, làm thế nào phát tâm, bạn liền chắc chắn được sanh.

"Mười phương chúng sanh" là bao gồm chúng ta ở trong đó. Vấn đề chính là chúng ta có giác ngộ hay không, chúng ta có chịu làm hay không? Phía sau nói: "Văn ngã danh hiệu, phát Bồ Đề tâm". Danh hiệu chính là sáu chữ hồng danh "Nam Mô A Di Đà Phật", thế nhưng trên Kinh gọi là "danh hiệu", danh hiệu chỉ có bốn chữ "A Di Đà Phật". "Nam Mô" không phải là danh hiệu. “Nam Mô” là ý nghĩa quy y, ý nghĩa cung kính. Hiện tại chúng ta đến Trung Quốc, người Trung Quốc tôn xưng đối với người, tôn kính một vị tiên sinh nào đó, “Nam Mô” chính là tôn kính, chính là cái ý này. Nếu dùng lời hiện đại mà nói, tôn kính A Di Đà Phật. Chúng ta phải hiểu được cái ý này, danh hiệu chỉ có bốn chữ.

“Văn danh”, hiện tại chúng ta đều văn danh, cách nói này không rõ ràng. Bạn phải nhận biết rõ ràng, Kinh này là Kinh Đại Thừa , không phải Kinh Tiểu Thừa, chữ "văn" trong Kinh Đại Thừa có ý nghĩa rất sâu, chữ văn này là "văn-tư-tu", ba huệ của Bồ Tát tu học. Nếu không phải chữ “văn” ở trong "văn-tư-tu" ba huệ của Bồ Tát, ngày nay chúng ta nghe được danh hiệu A Di Đà Phật, phải nên thảy đều vãng sanh. Tại vì sao người xưa vẫn thường hay nói, ngay trong một vạn người niệm Phật, chân thật vãng sanh chẳng quá ba người, năm người mà thôi. Một vạn người đó đều là văn danh, tại vì sao chân thật vãng sanh chỉ có hai người, ba người, năm người? Do đây có thể biết, chữ “văn” này chân thật là chữ “văn” trong ba huệ của Bồ Tát. Nghe được danh hiệu “A Di Đà Phật”, con người này chắc chắn vãng sanh, quyết định làm Phật.

“Tam huệ”, cái huệ đó là gì? Cái huệ đó là “huệ” của “giới-định-huệ”. Bạn xem, “nhân giới được định, nhân định được huệ. Chỗ này chính là nói pháp Đại Thừa nhất định phải xây dựng trên nền tảng của Tiểu Thừa. Chúng ta có trì giới hay không, có tu định hay không? Người niệm Phật có cần trì giới hay không, có cần tu định hay không? Nếu như nói người niệm Phật không cần trì giới, không cần phải tu định, lời nói này là sai rồi, đối với sự niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, chắc chắn sẽ sanh ra chướng ngại. Chúng ta phải ghi nhớ!

Thế Tôn khai đạo pháp môn này cho chúng ta, nền tảng là "Tịnh Nghiệp Tam Phước". "Tịnh Nghiệp Tam Phước" chính là giới. Chúng ta xem thấy trong "Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật", phu nhân Vi Đề Hy gặp phải biến cố gia đình, quốc gia, bà chân thật giác ngộ thế gian vô thường, cho nên mới hồi tâm chuyển ý, cầu sanh Tịnh Độ. Bà có cái ý niệm này, nhưng Tịnh Độ ở nơi đâu thì bà không biết, cho nên bà thỉnh giáo với Thế Tôn. Thế Tôn rất từ bi, Thế Tôn cũng không chủ động khuyên bà, mà Thế Tôn dùng thần lực biến hiện ra mười phương cõi nước chư Phật, để cho bà xem thấy. Sau khi xem rồi, bà chọn lấy Thế giới Cực Lạc của A Di Đà Phật. Cho nên không phải Thích Ca Mâu Ni Phật khuyên bà đến Thế giới Cực Lạc, mà chính bà chọn lấy. Sau khi chọn, Thế Tôn tán thán là “bà chọn đúng rồi!”. Bà liền cầu giáo pháp với Thế Tôn, làm thế nào có thể được sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc. Thích Ca Mâu Ni Phật không giảng phương pháp trước, mà giảng "Tịnh Nghiệp Tam Phước" trước. Các bạn nghĩ xem, "Tịnh Nghiệp Tam Phước" nếu như không quan trọng thì Thích Ca Mâu Ni Phật cần gì phải giảng? Chỉ cần nói với bạn, bạn cứ lão thật niệm Phật thì được rồi. Thế Tôn không hề có cách nói như vậy. Chúng ta đọc Kinh, những chỗ then chốt như thế này rất là quan trọng, làm sao có thể xem thường?

"Tịnh Nghiệp Tam Phước" là trì giới, nhất là điều thứ nhất "hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp", chúng ta làm được hay không? Nếu như điều thứ nhất này không làm được, một ngày bạn niệm mười vạn danh hiệu Phật, một ngày gật đến ba ngàn cái gật đầu, đều không thể vãng sanh. Đây là tôi nói lời thành thật, nói lời chân thật với bạn. Vì sao vậy? Thế Tôn giới thiệu với chúng ta rất tường tận, Thế giới Tây Phương Cực Lạc là "chư thượng thiện nhân câu hội nhất xứ", cho nên chính chúng ta phải đem chính mình dưỡng thành người thượng thiện thì mới có điều kiện làm bạn đồng tu với đại chúng Thế giới Tây Phương Cực Lạc. Họ là thượng thiện, còn chúng ta là thượng ác, vậy thì làm sao được? A Di Đà Phật có từ bi hơn, kéo bạn đến ở nơi đó, bạn xem thấy những người đó đều không vừa mắt, những người đó xem thấy bạn cũng không vừa mắt, vậy thì bạn không thể vào được. Không chỉ là Thế giới Tây Phương Cực Lạc, Thế Tôn sau cùng nói với chúng ta ba điều mười một câu là: "Chánh nhân tịnh nghiệp của ba đời chư Phật". Hai câu nói này quan trọng dường nào! Ba đời chư Phật là Phật quá khứ, Phật hiện tại, Phật tương lai. Những người như chúng ta đây đều là Phật tương lai. Không luận bạn tu học một pháp môn nào, đây là nền tảng. Nếu không có cái nền tảng này, bạn học bất cứ pháp môn gì cũng không thể thành tựu. Cho nên "Tịnh Nghiệp Tam Phước", chúng ta rất là xem trọng. Chúng ta đặc biệt đem nó đề xướng, giới thiệu, giảng tỉ mỉ, chân thật hy vọng ngay trong một đời này đến Thế giới Cực Lạc, thân cận A Di Đà Phật, không thể không nỗ lực làm. Chúng ta khởi tâm động niệm, lời nói việc làm, nghĩ lại xem có xứng đáng với cha mẹ không? Có thể xứng đáng với lão sư không? Phật đem hai câu nói này để ngay trước mắt.

"Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng", dùng lời Trung Quốc để nói là "hiếu thân tôn sư". Đây là đại căn đại bổn của Phật pháp, cho nên chúng ta vì mọi người mà giới thiệu. Tôi khẳng định, Phật pháp chính là hiếu đạo, sư đạo. Bắt đầu từ ngay chỗ này, cũng từ ngay chỗ này viên mãn. Hiếu đạo viên mãn, sư đạo viên mãn thì thành Phật rồi. Tận nguồn tận ngọn giáo học của Phật chính là "hiếu kính", là “hiếu thân tôn sư” mà thôi, không gì khác hơn. Chúng ta không định đặt nền tảng ở đây, ngay đời này ắt sẽ uổng qua.

Ngày nay chúng ta có nắm chắc phần vãng sanh hay không, nắm ở chỗ nào? Ta đã cắm chắc nền tảng, ta làm được rồi. Tu hành tu cái gì? Tu sửa hành vi sai lầm của chính mình. Ngày trước không hiểu được hiếu thân, không hiểu được tôn sư; hiện tại nghe lời giáo huấn của Phật rồi, chúng ta tường tận, đổi bất hiếu, tu thành hiếu thuận; đổi bất kính, tu thành tôn kính sư trưởng, vậy là cắm được gốc rồi. Về trước chúng ta đối với tất cả chúng sanh, thực tế mà nói không có lòng từ bi, nhất là đối với người bất thiện, việc bất thiện, vật bất thiện, không chút từ bi; hiện tại chúng ta đem nó tu sửa lại, không chỉ đối người thiện, việc thiện, vật thiện, chúng ta có tâm yêu thương, mà đối với người ác, đối với độc xà mãnh thú, chúng ta cũng có lòng yêu thương. Đây gọi là tu hành. Nếu như đối với thuận cảnh còn có tham ái, đối với nghịch cảnh còn có chán ghét là chúng ta không có tu hành, ngày ngày nghe Kinh là một việc, còn hành thì không có tu. Tín-Giải-Hành-Chứng, bạn chỉ có “Tín”, chỉ có “Giải”, nhưng không có “Hành”. Người xưa nói rất hay: "Có giải, không hành, cũng bằng không giải. Có giải, không tin, cũng bằng bất tín". Chúng ta cả đời ở trong cửa Phật, “Tín-Giải-Hành-Chứng”, bốn chữ này không làm được chữ nào, vẫn cứ là tâm luân hồi tạo nghiệp luân hồi. Dùng tâm luân hồi niệm A Di Đà Phật, cũng là tạo nghiệp luân hồi, vẫn phải luân hồi sáu cõi.

Các bạn xem chú sớ của Pháp sư Quán Đảnh, ông là người ở thời đại Càn Long - nhà Thanh. Ngày trước tôi học "Đại Thế Chí Bồ Tát niệm Phật Viên Thông Chương", tôi có đọc chú sớ của ông. Phần sau cùng ông liệt kê ra 100 loại quả báo khác nhau của người niệm Phật. Quả báo thứ nhất là "niệm Phật đọa địa ngục A Tỳ". Tôi lúc đó tuổi còn trẻ, vừa mới học Phật, tôi xem thấy câu này rất hoài nghi, cho nên tôi thỉnh giáo lão sư Lý, niệm Phật nếu không như pháp cũng không đến nỗi đọa A Tỳ địa ngục. Lão sư Lý nghe tôi hỏi như vậy, ông nói: “Đây là vấn đề lớn, tôi không chỉ nói cho mình anh nghe. Đến khi tôi giảng Kinh, sẽ giải thích cho mọi người cùng nghe”. Người niệm Phật vì sao có thể đọa A Tỳ Địa Ngục? Họ khởi tâm động niệm, lời nói việc làm hoàn toàn trái ngược Phật pháp. Trái ngược Phật pháp, phá hoại hình tượng của người niệm Phật, đại chúng xã hội thông thường xem thấy hình tượng này thì sợ, không dám niệm Phật, vậy là đã đoạn đi pháp thân huệ mạng của tất cả chúng sanh, cứ như vậy mà kết tội. Sau khi tôi nghe rồi mới bỗng nhiên hiểu ra. Vì vậy người xưa nói: "Trước cửa địa ngục, tăng đạo nhiều". Người xuất gia tu hành rất dễ dàng đọa địa ngục, nguyên nhân là gì? Họ phá hoại hình tượng Phật pháp, để người vừa tiếp xúc, liền nghĩ “học Phật thì ra vốn là như vậy, học Phật như vậy thì không thể học”, là từ chỗ này mà kết tội. Thiên khai thị đó của Pháp sư Quán Đảnh rất đáng được chúng ta cảnh giác. Ông giảng từ cõi địa ngục thẳng đến cõi Phật, mười pháp giới, Người niệm Phật, mười pháp giới không như nhau, rốt cuộc bạn sanh đến pháp giới nào? Chính mình phải tường tận, chính mình phải rõ ràng.

Trong “Tam Phước”, phước thứ hai là phước Tiểu Thừa. "Thọ trì tam quy, cụ túc chúng giới, bất phạm oai nghi". Không có cái phước phía trước này, thì cái phước thứ hai cũng không có. Tam phước này giống như ba tầng lầu vậy, tầng thứ nhất là phước trời người, tầng thứ hai là phước Tiểu Thừa, tầng thứ ba là phước Đại Thừa. Ngay đến phước trời người mà bạn cũng không có thì làm gì có Tiểu Thừa? Tam quy thật không dễ dàng, không thể nói ở trong nhà Phật, trước mặt Phật Bồ Tát đọc một bài chú quy y thì bạn được quy y rồi, làm gì có việc dễ dàng đến như vậy? Chân thật quy y rồi, quy y là gì? Là quay đầu nương tựa. Tam quy, Phật - Pháp - Tăng (Tam Bảo), sợ bạn xem những chữ này thì khởi lên sự hiểu lầm, rồi dính vào đó, cho nên Đại Sư Huệ Năng - triều nhà Đường, ở trong "Đàn Kinh" giảng cho chúng ta về “Tam quy”. Ngài không dùng ba chữ “Phật - Pháp - Tăng”, mà Ngài dùng “Giác - Chánh - Tịnh”, quy y Giác, quy y Chánh, quy y Tịnh. Sau đó Ngài giải thích, Phật là Giác vậy, Pháp là Chánh vậy, Tăng là Tịnh vậy. Sự giải thích này chúng ta liền rõ ràng, không đến nỗi sanh ra hiểu lầm. Làm sao quy y? Chúng ta liền nghĩ ngược lại “Giác - Chánh - Tịnh”, chính là tình hình trước mắt của chúng ta. Ngược lại của “giác” là “mê”, chúng ta mê hoặc điên đảo, từ mê hoặc điên đảo quay đầu lại, y tự tánh giác, đây là bạn chân thật quy y Phật. Ngược lại của chánh là tà tri tà kiến, tư tưởng sai lầm, kiến giải sai lầm. Tri kiến của phàm phu sáu cõi đều là không chánh, không nên cho rằng cách nghĩ của chúng ta là chính xác, cách nhìn của chúng ta là chính xác. Sai rồi! Phật ở trên Kinh giáo nói với chúng ta, đến lúc nào bạn chứng được quả A La Hán thì bạn mới có thể tin tưởng vào ý của chính mình, mới có thể tin tưởng ý nghĩ của ta là chính xác. A La Hán chứng được là chánh giác, Bồ Tát chứng được là chánh đẳng chánh giác. Nếu như bạn không thừa nhận cách nghĩ, cách nhìn của chính mình là sai lầm thì bạn không cách gì quay đầu. Cho nên tôi thường hay khích lệ các đồng tu chúng ta, buông bỏ thành kiến của chính mình, cũng chính là nói, buông bỏ đi cách nghĩ cách nhìn của chính mình đối với tất cả người và sự vật. Chúng ta tuân thủ giáo huấn của Phật Đà, chúng ta buông bỏ đi cách nghĩ cách nhìn của chính mình thì chính là hồi đầu rồi, chính là quy rồi, nương vào giáo huấn của Phật. Hiện tại chúng ta chưa khai ngộ, chưa khai ngộ thì chúng ta không rời khỏi Phật, không rời khỏi pháp (pháp chính là Kinh luận). Trên Kinh dạy chúng ta làm, chúng ta phải nỗ lực làm. Trên Kinh dạy chúng ta không được làm thì chúng ta không làm. Y giáo phụng hành!

Phật pháp căn bản nhất, Phật dạy chúng ta hiếu dưỡng cha mẹ, chúng ta đã làm hay chưa? Phật dạy chúng ta phụng sự sư trưởng, chúng ta đã làm hay chưa? Phật dạy chúng ta tu tâm từ, chúng ta có tâm từ bi hay không? Không những không sát, mà quyết không não hại một chúng sanh nào. Nếu như khiến cho một chúng sanh sanh phiền não thì chúng ta liền có lỗi lầm. Tu mười nghiệp thiện, mười thiện chúng ta đã làm hay chưa? Đây là Phật dạy chúng ta làm, đây là mức độ thấp nhất. Nếu như chúng ta không làm được, chúng ta học là Phật gì? Chúng ta còn muốn vãng sanh sao? Nhất định là vãng sanh rồi, vãng sanh A Tỳ Địa Ngục cũng là vãng sanh. Chúng ta vãng sanh đến cõi nào? Tai nạn nhiều, mê hoặc nhiều, chúng ta không thể không nói như vậy!

Ngày trước lão sư giảng Kinh thuyết pháp, nói rất hàm súc, nói vừa đủ mà thôi, còn hiện tại có nói thế nào cũng đều không giác ngộ, chỉ có thảy đều nói ra hết. Nói ra hết, bạn giác ngộ, vậy thì bạn rất cừ khôi rồi, nói hàm súc thì ai hiểu? Cho nên ngày nay nhất định không nên lừa gạt chính mình nữa. Lừa gạt chính mình thì hết cứu, dễ dàng đọa vào ba đường, muốn ra cũng không dễ gì ra được. Việc này không phải trò đùa, tuyệt đối không thể giỡn cợt. Nếu bạn lơ là ở chỗ này, thiệt thòi ở tương lai của bạn sẽ lớn. Người khác làm thế nào, đó là việc của họ, không liên quan gì với ta. Phải quan tâm chính mình cho tốt, nhất định phải quy y Giác, quy y Chánh, quy y Tịnh. Tịnh Tông chúng ta ở trong “Tam quy” đặc biệt chú trọng "Tịnh". Tịnh là tâm thanh tịnh. Cái gì là tâm thanh tịnh? Nhất tâm niệm Phật. Nhất tâm là tâm thanh tịnh, hai tâm thì không thanh tịnh. Như thế nào thì gọi là nhất tâm? Ngay trong hai đến sáu giờ, một ngày từ sớm đến tối, trong tâm chỉ có “A Di Đà Phật”, ức Phật niệm Phật, trong lòng chân thật có A Di Đà Phật, ngoài A Di Đà Phật ra, không có bất cứ thứ gì. Sự việc này thì khó. Bạn muốn hỏi tôi, tôi tu bằng cách nào, tôi niệm bằng cách nào? Tôi nói với bạn, trong tâm của tôi chỉ có một câu "A Di Đà Phật", ngoài A Di Đà Phật ra, tất cả thảy đều là A Di Đà Phật. Cách niệm của tôi là như vậy. "Kinh Hoa Nghiêm" nói: "Một là tất cả, tất cả là một", mỗi một chúng sanh đều là A Di Đà Phật, quyết định không có khác biệt. Cách niệm của tôi là như vậy. Muỗi kiến cũng là A Di Đà Phật, yêu ma quỷ quái cũng là A Di Đà Phật, cỏ cây hoa lá đều là A Di Đà Phật. Trên "Kinh Hoa Nghiêm" nói: "Tình dữ vô tình, đồng viên chủng trí", "một là tất cả, tất cả là một", một A Di Đà Phật. Vậy bạn hỏi tôi, tôi niệm vậy có sai không? Tôi niệm không sai! Vì sao vậy? Tôi có căn cứ, căn cứ là Tịnh Độ ba Kinh. Thế giới Tây Phương Cực Lạc sáu trần nói pháp, Thế giới Tây Phương sáu trần đều là hóa thân của A Di Đà Phật, hay nói cách khác, ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc, sáu căn của bạn tiếp xúc đều là A Di Đà Phật. Cách niệm Phật của tôi là như vậy, không giống như cách niệm của bạn. Các bạn thì ngoài A Di Đà Phật còn có các Phật khác, còn tôi không có. Các Phật khác, tôi đều đổi tên thành A Di Đà Phật. Một lòng xưng niệm, một hướng chuyên niệm, tâm này của chúng ta giác ngộ rồi, chân thật làm cho rõ ràng, làm cho tường tận rồi.

Trong phước thứ ba, bạn xem câu thứ nhất: "Phát tâm Bồ Đề". Phát tâm Bồ Đề, Bồ Tát mới phát tâm Bồ Đề, hàng Nhị Thừa vẫn chưa phát tâm Bồ Đề.

"Thâm tín nhân quả". Ngày nay chúng ta có mấy người hiểu được nhân quả? Chân thật tin tưởng nhân quả thì nhất định sẽ không tạo nhân ác. Chúng ta đọc được ở trên Phật Kinh: "Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả". Bồ Tát thì không giống như chúng sanh, Bồ Tát thì giác, chúng sanh thì mê, khi mê mới dám tạo tội nghiệp, dám tạo nhân ác, quả báo hiện tiền, đến lúc đó thì sợ. Bồ Tát không sợ quả báo, Bồ Tát sợ tạo nhân ác, cho nên khởi tâm động niệm, lời nói việc làm rất cẩn trọng, rất cẩn thận, quyết không tạo ác nghiệp. Họ không tạo ác nghiệp, đương nhiên sẽ không có ác báo. Bồ Tát giác ngộ, chúng ta mê hoặc, khởi tâm động niệm đều là ác nghiệp. Bồ Tát Địa Tạng nói trên "Kinh Địa Tạng”. Pháp sư Không Nhất sau khi trở về nói với tôi, ông ở Trung Quốc đại lục giảng "Di Lặc Bồ Tát Sở Vấn Kinh", phía trước cúng tượng Phật Di Lặc, hai lần tượng Phật Di Lặc đều bị bể, cho nên ông đến hỏi tôi. Tôi nói, không nên cúng tượng Phật Di Lặc, trừ khi không có tượng Phật Bồ Tát nào khác thì được. Nếu như bạn có thể tìm được tượng Phật Bồ Tát khác thì không được. Phải nên cúng tượng nào? Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, vì Kinh là do Ngài giảng. Ngày nay chúng ta thăng tòa, thay Phật nói pháp, cầu Phật gia trì, cho nên nhất định phải cúng tượng Thích Ca Mâu Ni Phật. Việc này các vị pháp sư giảng Kinh về sau phải ghi nhớ, cho dù giảng Kinh gì, thảy đều là Thích Ca Mâu Ni Phật giảng, là bổn sư, làm sao bạn có thể đổi bổn sư đi? Không thể được! Phía trước chúng ta, bổn sư ở phía trước, thế nhưng ở trên bục giảng của chúng ta thì cúng dường Bồ Tát Địa Tạng. Tại vì sao cúng dường Bồ Tát Địa Tạng? Bổn sư dạy chúng ta, sau khi Thế Tôn diệt độ, trước khi Bồ Tát Di Lặc đến hạ sanh, khoảng thời gian này rất dài, không có Phật trụ thế, cho nên Thế Tôn đem sứ mạng giáo hóa chúng sanh, ủy thác cho Bồ Tát Địa Tạng. Bồ Tát Địa Tạng là thay thế cho Phật khoảng thời gian này, chúng ta cúng Ngài thì được, Ngài thay thế cho Phật. Việc này đều phải có căn cứ, không thể tùy tiện cúng dường. Chúng ta tất cả y giáo phụng hành, đây mới là đệ tử Phật.

"Đọc tụng Đại Thừa, khuyến tấn hành giả". Đọc tụng Đại Thừa là thời khóa. Có một số đồng tu rất hay, đến tìm tôi và nói: “Thưa pháp sư! Ngài thấy được lỗi lầm của con, Ngài nên nói với con”. Vẫn là rất khó được, còn có thể nói được lời nói này. Tôi nói đạo lý với họ, khi tôi đang cầu học, lão sư Lý thường hay nói với chúng tôi, giáo huấn học trò, giáo huấn con cái đều là ở ban sơ, chưa thành niên. Con trai vẫn chưa đến 20 tuổi, con gái vẫn chưa đến 16 tuổi thì có thể giáo huấn chúng. Con gái 16 tuổi, con trai 20 tuổi là thành niên. Sau khi thành niên rồi thì không thể giảng, chúng có lỗi lầm tâm bệnh đều không thể nói. Không thể nói thì phải làm sao? Ám thị, cũng chính là chúng ta thường hay nói chỉ nói vừa đủ. Vậy nếu chúng không hiểu thì sao? Không hiểu cũng chịu. Sau 40 tuổi thì không thể nói lỗi lầm, ám thị cũng đều không thể, vì sao vậy? Người đến 40 tuổi là cuối đời rồi. Bạn phải hiểu, người xưa thường nói: "Nhân sanh thất thập cổ lai hi", sau 40 tuổi chính là cuối đời. Các vị ở trên báo chí xem cáo phó văn, người không đến 60 tuổi thì ra đi thật quá nhiều. Cho nên đến tuổi tác này sẽ không có người nói lỗi lầm của bạn nữa, ám thị cũng không có, vậy chúng ta phải làm sao? Có lỗi không thể sửa, tương lai nhất định đọa ba đường, chỉ có biện pháp duy nhất là đọc Kinh, cho nên Phật dạy bạn "đọc tụng Đại Thừa".

Kinh Đại Thừa sợ bạn đọc không hiểu, tổ sư đặc biệt từ bi, Đại Sư Ấn Quang mọi người đều biết, Ngài là Bồ Tát Đại Thế Chí thế giới Cực Lạc tái sanh, lời của Đại Sư Ấn Quang chính là lời của Bồ Tát Đại Thế Chí, Ấn Tổ làm thế nào dạy chúng ta? Dạy chúng ta đọc ba quyển sách, “Liễu Phàm Tứ Huấn”, “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên”, “An Sĩ Toàn Thư”. Tại sao Ngài muốn dạy chúng ta đọc ba loại sách này, không dạy chúng ta đọc tụng Kinh điển Đại Thừa? Ba loại sách này sau khi đọc rồi, rất dễ dàng phát hiện lỗi lầm của chính mình. Không có người giảng cho chúng ta, chỉ có chúng ta chính mình thường hay đọc. Cho nên ngày trước tôi ở Đài Loan, đem thiên văn chương “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” này định làm thời khóa tối. Tôi khích lệ các đồng tu, sau khi thời khóa tối xong, đọc qua một lần “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên”, nỗ lực phản tỉnh, thiện pháp đã nói trong đó chúng ta có tu hay không? Cái ác đã nói, chúng ta có đoạn được hay chưa? Mục đích đọc tụng Đại Thừa là giúp chúng ta thay đổi tự làm mới. Khó khăn lớn nhất của chúng ta ngày nay là không biết chính mình có lỗi, luôn cho rằng thiện tâm, thiện hạnh của ta; mỗi ngày làm được rất nhiều việc tốt, làm được rất nhiều công đức, đều không có người xưng tán ta, vẫn còn tìm ta gây phiền phức; ta tốt với người khác, tất cả người đều không tốt với ta. Mê hoặc đến chỗ sở dĩ nhiên! Rốt cuộc phải làm thế nào cứu chính mình? Ngoài việc đọc Kinh ra, không còn phương pháp thứ hai, cho nên phải đọc nhiều. Người xưa thường nói: "Đọc sách ngàn lần, nghĩa kia tự thấy". Ngày ngày đọc, ngày ngày phản tỉnh, ngày ngày thay đổi. Người thật đọc sách là họ thật làm. Ở trong "Tịnh Ngữ" của lão cư sĩ Hạ Liên Cư, bạn xem thấy những đoạn khai thị ngắn của ông, một mực nói với chúng ta là phải "thật làm". Ngày nay chúng ta học Phật, công phu không có lực là do không chịu làm, nghe là nghe rồi, học là học rồi, nhưng không hề thực tiễn vào trong đời sống, không hề đem ý niệm sai lầm của chúng ta thay đổi lại. Thay đổi thù thắng nhất là phải từ nơi tâm. Thay đổi từ nơi hành vi vẫn không thể thay đổi triệt để, từ nơi tâm mà thay đổi là thay đổi triệt để, đó gọi là thật làm.

Chúng ta không nhìn thấy rõ ràng đối với tất cả người và sự vật thế gian này, xem thấy được mặt này nhưng không thấy được mặt kia, thấy được không viên mãn, thấy được không hoàn chỉnh, cho nên khi có rất nhiều tạo tác, rước lấy hậu quả không tốt sau đó. Những sự việc này quá nhiều, quá nhiều. Nếu dùng lời thế gian mà nói, học vấn của bạn tu dưỡng không đủ, kiến thức của bạn không đủ, chúng ta chính mình không tự nỗ lực thì làm sao được? Phải quấy, dài ngắn đều điên đảo. Cho nên đọc tụng Đại Thừa rất là quan trọng. Ngày nay chúng ta đọc tụng Đại Thừa, vẫn phải tuân thủ lời giáo huấn của Ấn Tổ. Ngài dạy bảo chúng ta, chúng ta nhất định phải đọc “Liễu Phàm Tứ Huấn”, nhất định phải đọc “Cảm Ứng Thiên”. Văn tự của “Cảm Ứng Thiên” không nhiều, hơn 1300 chữ, ngày ngày phải đọc. “Liễu Phàm Tứ Huấn” chí ít một tuần lễ phải đọc qua một lần. Đây gọi là giáo dục nền tảng. Chúng ta học Phật không thể không có gốc. Cái gốc này giúp chúng ta đoạn ác tu thiện, thay đổi tự làm mới. Nếu không bắt tay vào từ hai bộ sách này, bao gồm tất cả tu học thảy đều trống không.

"Khuyến tấn hành giả" là đại từ đại bi, giúp đỡ người khác. Chúng ta chính mình quay đầu rồi thì giúp đỡ người khác quay đầu. Việc này chúng ta đọc thấy trên Kinh Đại Thừa rất nhiều, việc công đức đệ nhất đẳng của thế xuất thế gian, chính là giúp đỡ người khác hồi đầu, giúp đỡ người khác giác ngộ. Ngay trong ân đức, việc này cũng là lớn bậc nhất. Ân đức của Phật, thế xuất thế gian không thứ nào có thể sánh bằng. Phật có ân đức gì với chúng ta? Phật giúp chúng ta giác ngộ. Nếu chúng ta không tiếp xúc Phật pháp, không đọc sách Phật thì làm sao chúng ta có thể giác ngộ? Việc này không thể nào! Cho nên tâm Bồ Đề là từ ngay chỗ này mà kiến lập.

Niệm Phật là có giới, có định, đây là nói rõ "văn". Văn là văn của trong tam huệ, không phải chúng ta ở đây tùy tiện nghe qua thì gọi là văn, vậy thì bạn đã hiểu sai đi ý của chữ này rồi. Vừa nghe thì tường tận, thì giác ngộ, cái tường tận giác ngộ này thì dùng chữ "tư" này để làm đại biểu. Cho nên bạn phải biết, “văn-tư-tu” tam huệ, ba chữ này là một, một mà ba, không thể phân ra, không có trước sau. Đây mới gọi là trí tuệ của Bồ Tát. Nếu bạn đem nó phân thành ba cái, văn là văn, tư là tư, tu là tu, vậy thì sai rồi, hoàn toàn sai lầm. Văn là đại biểu tiếp xúc, mắt thấy, tai nghe, thân xúc chạm, sáu căn tiếp xúc với sáu trần bên ngoài, dùng một chữ "văn" để làm đại biểu. Khi vừa tiếp xúc, bạn liền thông đạt, liền tường tận; thông đạt tường tận là dùng chữ "tư" để làm đại biểu. Khi vừa thông đạt thì không mê, không mê chính là "tu". Cho nên “văn-tư-tu” là một sự việc, một lần hoàn thành, không có trước sau thứ tự, đây gọi là Tam huệ. Chúng ta không làm được, A La Hán cũng không làm được, Bích Chi Phật cũng không làm được. Nếu như đem ba chữ “văn-tư-tu” này phân ra thì chúng ta đều có thể làm được. Cho nên nhất định phải hiểu được tam huệ “văn huệ, tư huệ, tu huệ”, cái huệ đó là huệ của “Giới-Định-Huệ”. Trí tuệ của bạn không khai mở thì nhất định bạn không có “văn-tư-tu”, không có tam huệ. Sau khi trí tuệ khai rồi, ở ngay trong cuộc sống thường ngày, khởi tâm động niệm, đối nhân xử thế tiếp vật, tam huệ hiện tiền. Chúng ta cũng có thể nói, huệ của “Giới-Định-Huệ” là Căn Bản Trí, Bồ Tát Tam Huệ là Hậu Đắc Trí. Huệ của “Giới-Định-Huệ” là bản thể của trí tuệ. Tam huệ là khởi dụng của trí tuệ. Thể - dụng không hai. Với cách nói này thì các bạn sẽ có khái niệm tương đối rõ ràng hơn, không nên hiểu lầm. Đây là "văn ngã danh hiệu".

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 133)

Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Khởi giảng năm 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ