Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 131)

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 131)
Mời mở Kinh văn, xem hai câu sau cùng của nguyện thứ 18. Chúng ta vẫn phải đọc qua Kinh văn một lần. Kinh văn: "Ngã tác Phật thời, thập phương chúng sanh, văn ngã danh hiệu, chí tâm tín nhạo, sở hữu thiện căn, tâm tâm hồi hướng, nguyện sanh ngã quốc, nãi chí thập niệm, nhược bất sanh giả, bất thủ chánh giác, duy trừ ngũ nghịch, phỉ báng chánh pháp". Đối với người niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ như chúng ta mới có thể sanh khởi tín tâm kiên định, không đến nỗi tạo thành hiểu lầm. Hiện tại từ Nhật Bản truyền đến rất nhiều nơi cái gọi là "Bổn Nguyện Niệm Phật". Các Tổ sư đề xướng chắc chắn không có vấn đề, nhưng truyền đến đời sau, rất nhiều người khúc giải ý nghĩa của Tổ sư, cho nên biến thành một loại chướng ngại cho người niệm Phật. Đây là việc chúng ta không thể không tường tận. Cho nên để ổn định thỏa đáng sự tu hành, nhất định phải nương vào bộ "Kinh Vô Lượng Thọ" này. Cái gọi là “bổn nguyện”, tuyệt đối không phải chỉ có một nguyện này. Chúng ta phải rõ ràng, 48 nguyện của A Di Đà Phật, mỗi một nguyện đều viên mãn hàm nhiếp 47 nguyện kia, mỗi nguyện đều như vậy. Đây mới là ý nghĩa chân thật của bổn nguyện. Nói trắng ra, nguyện thứ 18 này đích thực là trung tâm. Ý nghĩa của nguyện thứ 18 là gì?

Mời mở Kinh văn, xem hai câu sau cùng của nguyện thứ 18. Chúng ta vẫn phải đọc qua Kinh văn một lần.

Kinh văn: "Ngã tác Phật thời, thập phương chúng sanh, văn ngã danh hiệu, chí tâm tín nhạo, sở hữu thiện căn, tâm tâm hồi hướng, nguyện sanh ngã quốc, nãi chí thập niệm, nhược bất sanh giả, bất thủ chánh giác, duy trừ ngũ nghịch, phỉ báng chánh pháp".

Đối với người niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ như chúng ta mới có thể sanh khởi tín tâm kiên định, không đến nỗi tạo thành hiểu lầm. Hiện tại từ Nhật Bản truyền đến rất nhiều nơi cái gọi là "Bổn Nguyện Niệm Phật". Các Tổ sư đề xướng chắc chắn không có vấn đề, nhưng truyền đến đời sau, rất nhiều người khúc giải ý nghĩa của Tổ sư, cho nên biến thành một loại chướng ngại cho người niệm Phật. Đây là việc chúng ta không thể không tường tận. Cho nên để ổn định thỏa đáng sự tu hành, nhất định phải nương vào bộ "Kinh Vô Lượng Thọ" này.

Cái gọi là “bổn nguyện”, tuyệt đối không phải chỉ có một nguyện này. Chúng ta phải rõ ràng, 48 nguyện của A Di Đà Phật, mỗi một nguyện đều viên mãn hàm nhiếp 47 nguyện kia, mỗi nguyện đều như vậy. Đây mới là ý nghĩa chân thật của bổn nguyện. Nói trắng ra, nguyện thứ 18 này đích thực là trung tâm. Ý nghĩa của nguyện thứ 18 là gì? Bốn mươi bảy nguyện còn lại chính là chú giải cho nguyện thứ 18 này, cho nên nếu không tường tận 47 nguyện thì nguyện thứ 18 này vẫn không thể thấu triệt.

Bộ Kinh này rốt cuộc nói rõ cái gì? Các đồng tu chúng ta ở nơi đây nghe Kinh đã không ít rồi. Chúng ta hiểu rõ bộ "Kinh Vô Lượng Thọ" này chính là thuyết minh tỉ mỉ 48 nguyện, nó có quan hệ liên đới. Ngày nay công phu niệm Phật của chúng ta không đắc lực là sự thật, cần phải cảnh giác đến. Chúng ta khởi tâm động niệm vẫn là vì cái túi da thối này, như vậy có thể vãng sanh hay không? Không thể! Cho nên tín tâm của chúng ta không thể nào kiến lập, nguyện tâm không thể phát ra, vẫn là hữu ý, vô ý đang hủy báng Tam Bảo, tạo tác vô lượng vô biên tội nghiệp. Họ nói, niệm Phật chỉ cần theo bổn nguyện này thì được, mười niệm liền có thể vãng sanh, bất cứ tội nghiệp nào đều có thể tạo, không hề gì, đới nghiệp vãng sanh. Điều này là hại chết người!

Người xưa nói với chúng ta: "Kinh Vô Lượng Thọ" chính là trung bổn của "Hoa Nghiêm". Do đây có thể biết, "Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh" chính là đại bổn của "Kinh Vô Lượng Thọ". Điều này nói rõ ràng với chúng ta, "Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh" chính là chú giải của "Kinh Vô Lượng Thọ", vậy thì trọn bộ “Đại Tạng Kinh” chính là chú giải của "Kinh Hoa Nghiêm", cho nên trong "Hoa Nghiêm" nói "nhất tức thị đa, đa tức thị nhất". Chúng ta phải sâu sắc thể hội cái ý này.

Trong nguyện thứ 18, quan trọng nhất là câu "chí tâm tín nhạo". Chúng ta thử nghĩ xem, chúng ta có làm đến được hay không? Nếu chúng ta làm đến được, đó chính là bổn nguyện niệm Phật, vậy thì không sai. Chí tâm là tâm chân thành đến cùng tột, hay nói cách khác, trong tâm chỉ có một câu A Di Đà Phật, ngoài câu A Di Đà Phật ra, trong lòng tuyệt đối không có một tạp niệm, vậy mới gọi là "chí tâm tín nhạo". Quyết định không thể tin A Di Đà Phật mà vẫn tin danh vọng lợi dưỡng, vẫn tin hưởng thụ năm dục sáu trần, như vậy xen tạp với nhau, vậy không gọi là chí tâm, hoàn toàn không tương ưng với bổn nguyện. Chính mình mê hoặc điên đảo, tự hại, hại người, cái nhân quả này quá lớn.

Câu sau cùng: "Duy trừ ngũ nghịch, hủy báng chánh pháp", chúng ta phải đề cao cảnh giác. "Ngũ nghịch" là tội nghiệp rất nặng. Trong Phật Kinh nói với chúng ta năm loại ngũ nghịch này.

  • Thứ nhất là giết phụ thân.
  • Thứ hai giết mẫu thân.
  • Thứ ba là hại A La Hán.
  • Thứ tư là gây rối tăng chúng.
  • Thứ năm là khởi ác ý, phá nơi chốn Như Lai.

Đây là Phật nói trong "A Xà Thế Vương Vấn Ngũ Nghịch Kinh", năm trọng tội này A Xà Thế Vương đều tạo. "Kinh Hoa Nghiêm" đã nói năm nghịch, ý nghĩa đại thể gần giống, đó là giết phụ thân, giết mẫu thân, hại A La Hán, phá hòa hợp tăng, làm thân Phật ra máu. Cách nói này, thông thường đồng tu học Phật đều biết. "Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh" cũng có cách nói như vậy.

Tại sao nói, năm loại này là đại nghịch bất đạo? Giết cha hại mẹ, cha mẹ đối chúng ta có ân dưỡng dục, cái thân của chúng ta có được là từ cha mẹ, có thể lớn lên thành người, đó là nhờ sự chăm sóc của cha mẹ. Phật ở trong Kinh luận không ngừng dạy bảo chúng ta, ân của cha mẹ cùng với ân Phật là như nhau, cho nên giáo huấn của Phật Đà, thứ nhất chính là dạy chúng ta hiếu dưỡng cha mẹ, tri ân báo ân. Đồng tu Tịnh Tông đối với “Quán Kinh” đã nói, đó là nền tảng tu học, đều rất quen thuộc. Phu nhân Vi Đề Hy thỉnh giáo với Thích Ca Mâu Ni Phật, phương pháp cầu sanh Thế giới Cực Lạc. Thế Tôn trước khi khai thị, trước tiên nói "Tịnh Nghiệp Tam Phước". Điều này rõ ràng là dạy bảo chúng ta ba điều, đó là "ba đời chư Phật, chánh nhân tịnh nghiệp". Câu nói này rất là quan trọng. Ba đời là đời quá khứ, đời hiện tại, đời vị lai, bao gồm tất cả người tu hành thành Phật. Phương pháp chắc chắn không phải một loại, mà là vô lượng pháp môn. Tám vạn bốn ngàn pháp môn, mỗi môn đều có thể thành vô thượng đạo, mỗi pháp môn cũng đều có thể thành Phật, cho nên mới nói: "Pháp môn bình đẳng, không có cao thấp". Chúng ta chọn lựa pháp môn là vì căn tánh của mỗi người không giống nhau. Chọn lựa pháp môn thích hợp với căn tánh của chính mình thì việc tu học tương đối tiện lợi. Việc này chúng ta phải hiểu.

Pháp môn là bình đẳng, căn tánh của chúng sanh không bình đẳng, thế nhưng không luận người nào, không luận tu học pháp môn nào, đều lấy Tịnh Nghiệp Tam Phước làm nền tảng. Việc này phải nên hiểu. Chúng ta học Phật, nếu như tu không tốt Tịnh Nghiệp Tam Phước, thì nền tảng của bạn không có. Nền tảng của bạn không có thì đạo nghiệp của bạn làm sao có thể thành tựu? Giống như xây nhà vậy, bạn không có nền móng thì bạn không thể xây nhà, không có nền móng, chỉ có thể lợp cái lều tranh (hiện tại căng cái lều thì được).

Tam Phước là nền tảng kiên cố. Câu thứ nhất, "hiếu dưỡng phụ mẫu". Câu thứ hai, "phụng sự sư trưởng". Phật pháp là hiếu đạo, Phật pháp là sư đạo. "Hiếu thuận cha mẹ, tôn sư trọng đạo", Phật pháp bắt đầu từ chỗ này và cũng từ chỗ này mà viên mãn. Thành Phật rồi chính là hiếu đạo và sư đạo làm đến được cứu cánh viên mãn, chúng ta phải nhận thức rõ ràng. Giết cha hại mẹ, cái tội này thì nặng, gọi là đại nghịch bất đạo, đó là hoàn toàn phá hỏng đi nền tảng của bạn. Trong ngũ nghịch, hai điều trước là hiếu đạo, ba điều phía sau là sư đạo. Bạn không thể hiếu dưỡng cha mẹ, mà bạn còn giết cha hại mẹ; bạn không thể tôn sư trọng đạo, mà bạn còn muốn giết hại lão sư. A La Hán là lão sư. Tăng đoàn là trường học bồi dưỡng tư chất, cũng giống như trường sư phạm hiện tại vậy, tăng đoàn là trường học sư phạm của nhà Phật, trong đây bồi dưỡng sư chất, bạn hủy mất, phá hỏng nơi đó. Phật là lão sư căn bản của chúng ta. Thế Tôn Ngài trí tuệ lớn, phước báo lớn, không có người nào có thể hại được Ngài. Chúng sanh dùng ác ý đối với Phật, Đề Bà Đạt Đa hại Phật, làm thân Phật chảy máu (làm Phật bị một chút thương tổn, chảy một ít máu thì có thể, nhưng làm trọng thương thì không cách nào hại được Phật). Ông dụng tâm quá ác, cho nên năm loại tội nghịch này, các vị thử nghĩ xem, hai điều thuộc về hiếu đạo, ba điều thuộc về sư đạo, cùng hai câu đầu tiên trong Tịnh Nghiệp Tam Phước trái ngược đến 180 độ, cho nên đọa A Tỳ địa ngục.

Ngày nay chúng ta học Phật, nhưng bất hiếu với cha mẹ là thường sự, cho nên mỗi một người phải phản tỉnh. Chúng ta đã làm hiếu đạo đối với cha mẹ, nhưng không đủ, không có tận hiếu; giết cha hại mẹ, chắc chắn là không có, thế nhưng đối với Tam Bảo, hữu ý hay vô ý có thể đều tạo tác tội nghiệp. Bạn muốn hại A La Hán, A La Hán ở đâu? Bạn không thể tìm ra, thế nhưng những người cùng đồng với A La Hán chính là người chân thật tu hành, người chân thật phát tâm hoằng pháp, những người này đồng với A La Hán. Họ không từ lao nhọc, đem Phật pháp giới thiệu cho xã hội đại chúng, thúc đẩy xã hội đại chúng, mục đích là giác ngộ tất cả chúng sanh. Bạn muốn phá hoại đạo tràng như vậy, bạn muốn hại những pháp sư này, cái tội nghiệp này cùng với tội ngũ nghịch là như nhau, gọi là đẳng lưu tội. Trong "Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh", chúng ta đã đọc qua, những tội này đều là đọa Địa Ngục. Phật nói ở trên Kinh, tội ngũ nghịch ắt đọa Vô Gián địa ngục, là trong một đại kiếp chịu khổ vô gián. Một đại kiếp này là một đại thiên thế giới "thành-trụ-hoại-không", thời gian quá dài, là số tự thiên văn. Tạo loại tội nghiệp này, kết tội nặng nhẹ có khác nhau. Từ chỗ nào biết được có sự khác nhau? Xem ảnh hưởng sâu rộng của họ. Nếu như ảnh hưởng được sâu, mặt rộng thì cái tội này lại phải gia trọng, không chỉ một đại kiếp, mà hai đại kiếp, ba đại kiếp, mười đại kiếp, trăm đại kiếp, ngàn đại kiếp đều có. Phải xem họ tạo tác tội nghiệp, xem mặt ảnh hưởng sâu rộng mà kết tội. Rất là đáng sợ!

Ngày trước, đồng tu chúng ta đưa đến một bức thư từ trong vi tính truyền đến, trên thư không có địa chỉ, chúng ta cũng không biết làm thế nào để hồi đáp. Nội dung trong bức thư nói với tôi, đồng tu niệm Phật hủy báng các pháp môn khác, họ nghe được, họ rất là đau lòng. Họ nói, người hủy báng này là đồ đệ của tôi, là học trò của tôi. Họ hỏi, tại vì sao có thể làm như vậy? Tôi ở nơi đây, có thể nói với mọi người, hiện tại lão sư không thể quản được học trò. Cha mẹ đều không quản được con cái thì lão sư làm sao quản được đồ đệ? Hiện tại nói nhân quyền, nói tự do dân chủ, họ thích như thế nào thì họ làm thế đó, họ không phạm pháp, cho nên hiện tại không thể dùng nhãn quang của luân lý đạo đức để làm việc. Chúng ta chỉ có thể nói: “Tôi không hủy báng các pháp môn khác. Người khác hủy báng, đó không phải là việc của tôi”, vậy thì được rồi. Thời xưa, cha mẹ và thầy giáo phải chịu trách nhiệm. Hiện tại, cha mẹ và thầy giáo không cách gì gánh trách nhiệm, vì họ không nghe. Vào thời trước, không nghe là phạm pháp. Hiện tại, không nghe không phạm pháp.

Đầu năm dân quốc, đại khái dân quốc thứ 21 - 22, tôi còn nhớ việc này, lúc đó tôi khoảng mười tuổi trở lại. Hơn 60 năm trước, pháp luật của Trung Quốc còn có một điều luật gọi là “Thân Quyền Xử Phân” (hiện tại các vị đều không hiểu danh từ này), cho nên con cái không dám cãi lời cha mẹ. Nếu như con cái không nghe lời cha mẹ, cha mẹ đến nha môn cáo trạng: “Con cái của tôi bất hiếu, các người xử tử chúng đi”. Vị pháp quan đó bắt về, không cần thẩm vấn, lập tức xử tử. Cha mẹ có cái quyền này, vì sao vậy? Cha mẹ yêu thương con cái nhất, khi cha mẹ không cần bạn, có thể thấy được bạn không cách gì dung thân ở xã hội này, bạn hãy mau đi thôi. Vào lúc đó có Thân Quyền Xử Phân. Sau này, không biết là đến lúc nào, điều pháp luật này bị bỏ mất. Cho nên con cái vào lúc trước, cho dù làm việc xấu, biểu hiện vẫn phải phục tùng, không dám đắc tội, sợ cha mẹ nổi giận lên, muốn giết bạn đi thì bạn hết cách, không ai cứu được bạn.

Hiện tại dân chủ tự do mở rộng, cái gì cũng đều nói đến nhân quyền, nhất là ở nước ngoài. Có một năm, tôi ở Cựu Kim Sơn, có một đứa bé người Trung Quốc bỏ nhà ra đi. Cha mẹ đến đồn cảnh sát để báo quan, nhờ cảnh sát giúp mang đứa nhỏ trở về. Trước tiên cảnh sát hỏi họ: “Con của anh năm nay bao nhiêu tuổi?”. Họ nói: “18 tuổi rồi”. Cảnh sát vừa nghe “18 tuổi” thì nói: “Nó 18 tuổi rồi, anh còn tìm nó để làm gì?”. Ở Hoa Kỳ, 16 tuổi thì có thể độc lập, có thể rời nhà ra đi, cha mẹ cũng không thể quản chúng, 16 tuổi trở lên thì không quản. Bạn xem, có còn cách nào không? Cho nên chúng ta phải hiểu rõ hoàn cảnh hiện đại, chúng ta chỉ có thể khuyến đạo, không có chút quyền ràng buộc. Người nghe, nếu họ ưa thích nghe, ưa thích làm, thì đó là thiện căn phước đức nhân duyên của họ; nếu họ không được vui, họ muốn tùy ý hủy báng thì cũng không có ai làm gì được họ, sau này tính hết sổ là nhân quả. Pháp luật không thể quản bạn. Cho nên chúng ta nhất định phải hiểu rõ tình hình xã hội trước mắt, chúng ta chính mình phải hiểu được. Xem thấy người báng Phật, báng pháp, báng tăng, chúng ta chỉ có chắp tay niệm “A Di Đà Phật”, tiêu tai thay cho họ. Ngoài việc này ra, chúng ta còn có cách gì chứ?

Đồng tu chúng ta cùng nhau học tập "Hoa Nghiêm". "Hoa Nghiêm" là giáo học viên mãn nhất của Thế Tôn, có lý luận, có phương pháp, sau cùng còn làm ra tấm gương cho chúng ta xem. Thiện Tài Đồng Tử là đại biểu một người tu học Đại Thừa. Phàm hễ là người tu học Đại Thừa, danh tự đều được gọi là Thiện Tài Đồng Tử, không luận nam nữ già trẻ, các ngành các nghề. Thiện Tài Đồng Tử, thiện là biểu thị thiện căn, người này có thiện căn. Tài là biểu thị phước đức, trên “Kinh A Di Đà nói”: "Không thể thiếu thiện căn phước đức nhân duyên mà được sanh về nước kia". Cho nên danh hiệu Thiện Tài là đại biểu một người có thiện căn, có phước đức, còn 53 tham là đại biểu giai đoạn tu học của Bồ Tát, từ Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, đây là 40 vị thứ. Ngay trong Hồi Hướng cùng Đăng Địa có Gia Hạnh, cũng xem là vị thứ. Thập Địa, Đẳng Giác và Diệu Giác. Tổng cộng có 53 vị thứ, là đại biểu cái ý này, gọi là 53 tham. Trong đây tổng cộng có 55 vị thiện tri thức, đại biểu xã hội hiện thực của chúng ta, các ngành các nghề, nam nữ già trẻ, chính là chúng ta từ sớm đến tối, tiếp xúc nhiều nhân vật khác nhau trong xã hội. Trong tiếp xúc là rèn luyện chính mình. Luyện cái gì? Đem những lời Phật dạy chúng ta, đem Tam Phước, Lục Hòa, Tam Học, Lục Độ, vô lượng pháp môn (pháp môn chính là phương pháp) thực tiễn ngay trong cuộc sống. Đây gọi là hành Bồ Tát đạo. Bồ Tát đạo chính là đời sống một ngày từ sớm đến tối của chúng ta, dạy chúng ta trải qua đời sống Phật Bồ Tát, trong "Kinh Hoa Nghiêm" gọi là "Phật Hoa Nghiêm", trải qua đời sống của "Phật Hoa Nghiêm". Đời sống của người niệm Phật là đời sống Phật Hoa Nghiêm tiêu chuẩn nhất.

Thiện Tài Đồng Tử tham phỏng vị thiện tri thức đầu tiên, chính là Đức Vân Tỳ Kheo - một vị pháp sư niệm Phật. Ông tu là Ban Chu Tam Muội, chuyên niệm A Di Đà Phật cầu sanh Tịnh Độ. Trong vô lượng pháp môn, trước tiên giảng pháp môn niệm Phật, sau cùng Bồ Tát Phổ Hiền "mười đại nguyện vương, cầu sanh Cực Lạc". Các vị nghĩ xem, một cái mở đầu, một cái tổng kết, từ đầu đến cuối không lìa niệm Phật, dụng ý rất là sâu. Mỗi một vị thiện hữu chỉ học một pháp môn, không hề học hai pháp môn. Một môn thâm nhập, huân tu thời gian dài. Thái độ tu học của mỗi một người rất khiêm tốn, luôn tán thán người khác, không có hủy báng, không luận thấy được tu học một pháp môn nào, đều là chân thành tán thán. Chúng ta nhất định phải hiểu đạo lý này thì mới tránh khỏi tạo tội nghiệp. Vì sao vậy? Tám vạn bốn ngàn pháp môn thảy đều là Phật nói, nếu bạn cho rằng pháp môn này hay, pháp môn kia không hay, chẳng phải bạn báng Phật sao? Kinh luận về những pháp môn này, bạn ưa thích cái này, bạn bài trừ cái kia, đó là báng pháp. Từ xưa đến nay, y theo những pháp môn này mà tu hành, người thành tựu có đến bao nhiêu thánh hiền tăng? Cho nên hữu ý hay vô ý, chúng ta đều là đang báng Phật, báng Pháp, báng Tăng, người như vậy không thể vãng sanh. Chúng ta ở trong Hoa Nghiêm phải nên học đến, thế xuất thế gian tất cả pháp mỗi mỗi là đệ nhất, không có đệ nhị, thì tâm lễ kính của chúng ta mới có thể sanh khởi, sẽ không có ngạo mạn, sẽ không cống cao, “ta ở ngay trong đại chúng, ta rất đặc thù. Người khác không bằng như ta”.

Ngày nay nói đặc quyền, trong Phật pháp không có đặc quyền, Phật pháp là pháp bình đẳng. Phật cùng tất cả chúng sanh đều bình đẳng, sanh - Phật bình đẳng. Đây là tổng nguyên tắc, tổng cương lĩnh mà trong Đại Kinh đã nói, quyết định không được trái ngược. Hiểu rõ rồi thì phải chân thật thể hội được. Không chỉ tám mươi bốn ngàn pháp môn, môn môn bình đẳng, chỉ có tán thán, quyết định không có hủy báng. Các vị phải biết, ngoài Phật pháp ra, thế gian còn có rất nhiều tôn giáo khác, có rất nhiều học phái khác, tất cả cũng bình đẳng. Sự bình đẳng này, người thông thường rất khó thể hội được.

"Sanh - Phật bình đẳng", câu nói này các vị thường xem thấy trong Kinh luận. Sanh là chúng sanh, chín pháp giới đều là chúng sanh. Địa ngục cùng Phật có bình đẳng không? Súc sanh cùng Phật có bình đẳng không? Trong mắt của chúng ta thì chắc chắn không có bình đẳng, nhưng trong Phật nhãn thì tuyệt đối bình đẳng, chỉ là hình tướng không như nhau. Tướng là giả, tướng không phải là thật. Trên Kinh Kim Cang nói rất hay: "Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng". Tánh là thật. Trong tông môn thường nói, chó mèo cũng có Phật tánh, Phật tánh của chó mèo cùng Phật tánh của Thích Ca Mâu Ni Phật và Phật tánh của A Di Đà Phật không hề khác nhau. Phật tánh như nhau thì làm sao mà không bình đẳng? Phật từ trên tánh mà nhìn, cho nên "Kinh Hoa Nghiêm" mới nói "tình dữ vô tình, đồng viên chủng trí". Không những là chúng sanh hữu tình bình đẳng, mà chúng sanh vô tình như thực vật, khoáng vật cũng bình đẳng. Cái gì gọi là Pháp Giới Nhất Chân? Bình đẳng chân pháp giới thì gọi là Pháp Giới Nhất Chân. Pháp Giới Nhất Chân ở đâu vậy? Pháp Giới Nhất Chân chính ngay trước mặt chúng ta. Phật thấy được, chúng ta không thấy được. Vì sao Phật thấy được? Tâm của Phật là bình đẳng, cho nên thấy được pháp giới bình đẳng. Tâm của chúng ta rất không bình đẳng, cho nên Pháp Giới Nhất Chân ở ngay trước mắt mà chúng ta không thấy được.

Chư Phật Như Lai, nói chư Phật là từ trên tướng mà nói. Trong "Kinh Hoa Nghiêm", 41 vị Pháp Thân Đại Sĩ được gọi là chư Phật. Vì sao vậy? Các Ngài đều thấy được chân tánh của tất cả chúng sanh. Phần trên hữu tình chúng sanh gọi là Phật tánh, phần trên của vô tình chúng sanh thì gọi là pháp tánh. Pháp tánh cùng Phật tánh là một tánh. Các Ngài thấy tánh rồi. Người kiến tánh, tâm là bình đẳng. Người chưa kiến tánh, tâm không bình đẳng, tâm có cao thấp. Cho nên các vị tu học, bạn chính mình có kiến tánh hay không, từ ngay chỗ này mà thể nghiệm thì liền biết rõ, không nên đi hỏi người khác; hỏi người khác thì không đáng tin, vì hiện tại việc lừa người rất nhiều.

Có một năm, tôi giảng Kinh ở Lusanchi. Lusanchi có năm người thanh niên, họ cho rằng chính mình đã khai ngộ, đã minh tâm kiến tánh rồi, mấy vị Lạt Ma Tây Tạng đã xoa đầu thọ ký cho họ. Họ khí cao ngất trời, trong mắt không người, xem thường người khác. Tôi đến giảng Kinh, khó được là họ cũng đến nghe. Sau khi nghe xong, họ muốn tôi làm chứng minh là họ đã khai ngộ. Tôi vừa thấy thì lắc đầu nói: “Các anh chưa khai ngộ!”. Họ rất tức giận, nói với tôi: “Lạt Ma Tây Tạng đều nói chúng tôi khai ngộ rồi. Pháp sư! Tại sao ông nói chúng tôi chưa khai ngộ?”. Tôi nói: “Tôi chưa có khai ngộ, anh lại đến tìm tôi, thì anh làm sao mà khai ngộ chứ?”. Những việc gạt người thì quá nhiều. Người khai ngộ là tâm bình đẳng, mà họ còn cống cao ngã mạn, còn muốn tìm tôi gây phiền phức, con người như vậy làm gì khai ngộ được? Họ tự cho là vậy. Rõ ràng tường tận, phiền não tập khí đều chưa đoạn được chút nào, vậy thì họ ngộ ở chỗ nào? Họ đã bị người ta gạt! Cho nên chính chúng ta tu học, công phu chính mình có thể tự khảo nghiệm, đều ở ngay trong cuộc sống thường ngày, trong cảnh giới thuận nghịch. Thuận cảnh, nghịch cảnh, thiện duyên, ác duyên, khi bạn tiếp xúc đều sanh tâm hoan hỉ. Cái tâm hoan hỉ này không phải từ bên ngoài đến, bên ngoài đến là khổ - lạc - ưu - hỷ - xả, đó là phiền não, là tập khí. Cái tâm hoan hỉ này là từ trong tự tánh, pháp hỷ sung mãn là từ trong tâm bình đẳng mà lưu xuất ra. Bạn xem, Phật và đại Bồ Tát, Pháp Thân Đại Sĩ thấy tất cả chúng sanh miệng cười thật tươi, hòa ái dễ gần, họ là tự tánh lưu xuất. Phàm phu hoan hỉ, nếu xứng ý chính mình thì hoan hỉ, đó là hiện tượng của phiền não. Chúng ta vừa nhìn là thấy được, đó là giả, không phải thật. Chỉ riêng hoan hỉ của Phật Bồ Tát, trên Kinh nói "thường sanh tâm hoan hỉ", cái hoan hỉ đó của các Ngài là vĩnh viễn không thay đổi, không hề có liên quan gì với thuận cảnh nghịch cảnh. Đây là chân lạc ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc, không phải cái lạc của khổ lạc. Cái lạc của khổ lạc gọi là hoại khổ. Thế giới Cực Lạc, nếu như là lạc của khổ lạc, tôi cũng không muốn đi. Đó không phải là lạc của khổ lạc, mà đó là tánh đức tự tánh tự nhiên lưu xuất ra. Đây là chúng ta phải nên hướng đến, phải nên phát nguyện cầu sanh.

Ngay chỗ này nói tội ngũ nghịch có thể vãng sanh hay không? Xem dáng vẻ dường như là không thể vãng sanh, thế nhưng bạn phải xem Kinh văn cho rõ ràng, ngũ nghịch mà có luôn "phỉ báng chánh pháp" thì không thể vãng sanh. Nếu như chỉ riêng tội ngũ nghịch, nhưng không hủy báng chánh pháp thì vẫn có thể vãng sanh. Chúng ta xem trong "Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật", trong chương hạ phẩm hạ sanh của "Quán Kinh", trong đó không thiếu người tạo tội ngũ nghịch. A Xà Thế Vương cũng phạm tội ngũ nghịch, đều tạo năm nghịch mười ác, nhưng ông có thiện căn, khi lâm chung sám hối, triệt để quay đầu, thay đổi tự làm mới, niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, ông được vãng sanh. Trên "A Xà Thế Vương Kinh", Phật nói với chúng ta, ông vãng sanh phẩm vị rất cao, thượng phẩm trung sanh. Đây là làm chứng minh cho chúng ta, tạo tội ngũ nghịch, nhưng không hủy báng chánh pháp, sám hối đều có thể vãng sanh. Do đó đối với người hiện tiền tạo tác tất cả trọng tội, chúng ta không thể nào xem thường, không thể nào xem nhẹ. Chúng ta không có thần thông, không có thiên nhãn, không biết được căn tánh của họ, nói không chừng khi họ lâm chung, giống như Vua A Xà Thế sám hối vãng sanh, phẩm vị còn cao hơn chúng ta, chúng ta vẫn không bằng họ. Đây là việc rất có khả năng. Cho nên đối với chúng sanh tạo tác tội nghiệp thế gian, chúng ta cũng phải cung kính, cung kính nhưng không tán thán. Việc này trong 53 tham dạy cho chúng ta. Tại vì sao không tán thán? Ngôn hạnh của họ không thể làm tấm gương cho đại chúng xã hội, như Thiện Tài tham học, trong thiện tri thức có tạo ác, có hành thiện; hành thiện là tấm gương tốt cho đại chúng xã hội, Thiện Tài đều tán thán, nhưng làm ác thì không tán thán, thế nhưng lễ kính chắc chắn là bình đẳng. Đây đều là dạy chúng ta ở ngay trong cuộc sống thường ngày. Tâm chân thành cung kính đối với tất cả chúng sanh, quyết định không có cống cao ngã mạn. Nếu như có cống cao ngã mạn, chính mình phải phản tỉnh, chính mình phải sám hối. Vì sao vậy? Là đại chướng ngại trên đạo Bồ Tát, niệm Phật cũng không thể vãng sanh. Thế giới Tây Phương Cực Lạc là pháp bình đẳng. Một mình bạn muốn đặc thù, muốn cao hơn tất cả mọi người, A Di Đà Phật tuy là từ bi đáp ứng cho bạn, những người khác không thể cùng ở chung với bạn, vậy bạn vẫn không thể đi. Đạo lý này phải hiểu.

Ngày trước lão sư Lý thường nói, một vạn người niệm Phật, chân thật có thể vãng sanh chỉ có hai - ba người. Chúng ta phải nghĩ thử xem, ý nghĩa của câu nói này, người niệm Phật tại vì sao không thể vãng sanh? Tập khí, tâm bệnh không tiêu trừ. Trong tập khí tâm bệnh nghiêm trọng nhất là “tham-sân-si-mạn”. “Tham-sân-si-mạn” biểu hiện ở trên sự tướng, tự tư tự lợi, tổn người lợi mình. Cái ý niệm này chướng ngại chính mình vãng sanh, cho dù một ngày niệm mười vạn câu Phật hiệu, cũng không thể vãng sanh, người xưa nói "đau mồm rát họng cũng chỉ uổng công", chỉ có thể tu được một chút “si phước” trong nhà Phật. Tại vì sao nói “si phước”? “Tham-sân-si-mạn” chưa đoạn, cái phước đã tu gọi là “si phước”. Phước báo đó họ sẽ hưởng ở sáu cõi. Trong sáu cõi nhất định không phải là hai cõi trời người, phần nhiều đều là ở đường súc sanh ngạ quỷ mà hưởng phước. Sai rồi, đặc biệt sai lầm!

Do đây có thể biết, Kinh văn chân thật quan trọng, chính là một câu "phỉ báng chánh pháp". Chúng ta vạn nhất không nên làm, mỗi giờ mỗi phút phải cảnh tỉnh chính mình, phải nuôi thành một thói quen. Lời này nói ra thì dễ dàng, nhưng làm rất khó. Khó ở chỗ nào vậy? Chúng ta đã tập thành thói quen xấu rồi, chúng ta không phải không muốn sửa, mà thật muốn sửa, rất muốn sửa, nhưng không dễ dàng gì sửa. Người xưa giáo học là ở đồng niên. Đồng niên dễ dạy, từ nhỏ nuôi thành thói quen. "Tập quán thành tự nhiên, thiếu thành nhược thiên tánh", hai câu nói này rất có đạo lý. Cả đời chúng ta rất là bất hạnh, sanh ra trong thời chiến loạn, không được nhận qua giáo dục tốt. Ai dạy chúng ta? Hiện tại càng khó khăn, giáo huấn của cổ thánh tiên hiền gần như bị đại chúng xã hội phế bỏ, quên mất rồi. Chỉ có giáo dục này mới có thể cứu chính mình, mới có thể cứu độ tất cả chúng sanh.

Ngày trước tôi thân cận lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, lão sư nói với tôi, thời đại hoàng kim của giáo học là trước 20 tuổi. Giáo huấn của cha mẹ, giáo huấn của lão sư dạy bảo nghiêm khắc, cho nên gọi là nghiêm sư xuất cao đồ. Hai mươi tuổi trở lên thì chúng đã thành niên rồi. Vào thời xưa, Trung Quốc hành quan lễ, người trưởng thành có lỗi lầm thì không dễ nói, vì nói ra thì họ sẽ tự ái, cho nên từ 20 đến 40 tuổi, nếu có lỗi lầm thì thiện tri thức chỉ có thể ám thị đối với họ, chắc chắn không nói rõ ra.

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 131)

Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Khởi giảng năm 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ